GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 7/2003
Ý Chung: “Xin cho các chính quyền và những ai lãnh trách nhiệm về kinh tế và tài chính thế giới biết nỗ lực tìm những đường lối và điều kiện bảo đảm cho tất cả mọi dân tộc có phương tiện cần thiết để sống một cách xứng với phẩm giá của mình”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho tất cả những ai ở Phi Châu đang bị yếu đau, nạn nhân của Chứng Liệt Kháng AIDS cũng như của các chứng bệnh trầm trọng khác, được cảm thấy niềm an ủi và yêu thương của Thiên Chúa qua việc phục vụ của các vị y sĩ và của những người ân cần chăm sóc họ.”.
___________________________________________
20-26/7/2003
26/7 Thứ Bảy
Cloning theo Khoa Học, Luận Lý, Luân Lý, Pháp Lý
Tôi xin mạn dịch chữ cloning là phương pháp tạo sinh phi tính dục sao bản. Xin lưu ý, ở đây tôi thêm chữ “sao bản”. Bởi vì, “tạo sinh” tức là tạo nên sự sống, như việc vợ chồng giao hợp để sinh con đẻ cái. Tuy nhiên, phương pháp cloning như chúng ta thường nghe là phương pháp phi tính dục, nghĩa là không có dính dáng gì đến sinh dục hay tình dục cả, tức không cần đến việc giao hợp nam nữ, đực cái. Chưa hết, kiểu tạo sinh phi tính dục không cần đến việc giao hợp dị phái cũng có thể xẩy ra nơi phương pháp cấy thai, tức phương pháp lấy tinh trùng của phái mạnh cấy vào tử cung của phái yếu hay cấy vào ống nghiệm. Bởi thế, tôi còn thêm hai chữ “sao bản” vào phương pháp tạo sinh cloning phi tính dục này nữa, vì như một thiểu số người mang danh khoa học gia nghĩ, phương pháp này có thể tạo nên hai vật giống hệt nhau như hai bản photocopy vậy.
Thế nhưng, thành phần thiểu số mang danh khoa học gia này làm sao để sao bản hai vật qua phương pháp cloning như thế. Theo họ, như trường hợp con Dolly xuất hiện ở Tô Cách Lan vào ngày 22/2/1997, chỉ cần lấy một tế bào nào đó, như tế bào vú chứ không cần tế bào tinh trùng của một con cừu thứ nhất, và lấy tế bào trứng của con cừu thứ hai, nhưng tế bào trứng này được bỏ nhân đi, rồi sử dụng kỹ thuật đặc biệt để làm cho hai tế bào này đậu thai trước khi cấy vào tử cung của một con cừu thứ ba, cho tới khi con cừu thứ tư được thụ thai theo kiểu cloning này sinh ra, hoàn toàn giống hệt như con cừu thứ nhất. Tiếc thay con vật có vú đầu tiên do con người tạo sinh phi tính dục sao bản này đã qua đời vào đầu năm 2003 vừa rồi. Tuy nhiên, con người vẫn muốn thử xem mình có khả năng cloning con người được chăng, tức tạo sinh con người theo phương pháp phi tính dục sao bản?
Theo tôi, con người không thể nào làm được điều này? Tại sao, tại vì con người là một ngôi vị, là một person, chứ không phải là một khối, giống như loài động vật hay loài thực vật. Bởi đó, từ tạo thiên lập địa cho tới nay, biết bao nhiêu là tỉ tỉ người, thế mà không một ai giống nhau, từ mặt mũi đến tiếng nói nhất là dấu tay. Một ngày nào đó con người thực hiện nổi việc tạo sinh con người theo kiểu phi tính dục sao bản, bấy giờ đàn bà sẽ là chúa tể, vì không cần tinh trùng đàn ông nữa cũng có thể sinh con, đồng thời, ngược lại đàn bà sẽ trở thành một xưởng sản xuất tế bào trứng. Chưa hết, thế giới bấy giờ sẽ trở thành một nhà thương điên, một trại giam quái nhân. Tại sao? Bởi vì, trong việc tạo sinh con người theo kiểu bình thường giữa cha mẹ với nhau mà còn sinh ra những con người khuyết tật bẩm sinh, đến nỗi họ phải phá thai trước khi đứa nhỏ vào đời. Những trường hợp thai nhi bị khuyết tật bẩm sinh này, điển hình nhất là trường hợp hội chứng Down, tức trường hợp của những con người về bề ngoài có bộ mặt bèn bẹt giống y như nhau, và về tâm trí thì khờ khạo chậm tiến, nguyên do chỉ vì khi còn là một sơ thai bào, con người bất hạnh này bị thiếu mất một chromosome (nhiễm sắc thể) xẩy ra trong tiến trình phân thai bào. Nếu chỉ thiếu mất một sợi nhiễm sắc thể nơi sơ thai bào mà con người con bị khù khờ dị dạng như thế thì thiếu mất cả nhân trung của tế bào trứng nơi phương pháp tạo sinh phi tính dục sao bản thì làm sao có thể thành người được, chứ chưa nói đến thành quái thai hay quái nhân. Như thế, phương pháp tạo sinh phi tính dục sao bản chẳng những phản luân thường đạo lý và phi nhân bản, mà còn phản cả khoa học lẫn luận lý nữa.
Tuy con người không thể tạo sinh phi tính dục sao bản một con người đã thành hình, nhưng thực tế cho thấy họ vẫn có thể tạo sinh các phôi thai bào theo kiểu phi tính dục sao bản này, vì lúc bấy giờ các phôi thai bào ấy, về thể lý, còn là một khối chứ chưa có những tính chất của một ngôi vị chuyên biệt. Thế nhưng, theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, ngay từ khi được thụ thai, dù chưa thành người song họ đã là người. Nếu không là người ngay từ ban đầu thì không thể nào thành người sau đó. Là vật nào thì nên vật đó. Bởi thế mà phá thai, dù mới ở thai kỳ thứ nhất, tức mới ở vào 3 tháng đầu, theo Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ năm 1973 cho phép phá thai vì lập luận cho rằng bấy giờ bào thai chưa thành người, nhưng đối với Giáo Hội Công Giáo vẫn là một tội ác. Giáo Hội Công Giáo chẳng những lên án việc tạo sinh phi tính dục sao bản con người mà còn cả việc tạo sinh phi tính dục sao bản phôi thai bào nữa. Đó là lý do, trước Ủy Ban Chuyên Đề của Liên Hiệp Quốc về Hội Nghị Quốc Tế Chống Lại Việc Sản Sinh Con Người Theo Kiểu Phi Tính Dục Sao Bản, ĐTGM Renato Martino, vị lãnh sự kiêm quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, đã ngỏ lời tại Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Hai 23/9/2002 như sau:
“Chủ trương của Tòa Thánh chúng tôi đã quá rõ ràng. Tòa Thánh ủng hộ và thúc giục việc hủy bỏ toàn diện và toàn cầu việc tạo sinh phôi thai bào con người theo kiểu phi tính dục sao bản cho cả vấn đề sản sinh lẫn khoa học. Việc tạo sinh phôi thai bào con người theo kiểu phi tính dục sao bản, cho dù được thực hiện nhân danh một thứ nhân loại tốt hơn, vẫn là một việc làm nhục đến phẩm giá của con người. Việc tạo sinh phôi bào con người theo kiểu phi tính dục sao bản là việc phản lại tính dục con người và biến sự sống con người thành một thứ đồ vật.
“Theo trạng thái về sinh học và nhân loại học của phôi thai bào con người, cũng như theo qui tắc luân lý và dân sự tối yếu thì thật là bất hợp pháp khi sát hại một con người vô tội cho dù có mang lại một thiện ích nào đó cho xã hội đi nữa.
“Tòa Thánh coi việc phân biệt giữa vấn đề tạo sinh ‘sản xuất’ theo kiểu phi tính dục sao bản và cái được gọi là ‘trị liệu’ (hay ‘thí nghiệm’) theo kiểu phi tính dục sao bản là bất khả chấp. Việc phân biệt này ẩn dưới chiếc mặt nạ thực tại của việc tạo nên một hữu thể con người với mục đích để hủy diệt con người nam hay nữ này đi, nhờ đó sản xuất ra hàng loạt tế bào thân phôi thai, hay nhờ đó giúp cho các cuộc thí nghiệm khác. Cần phải ngăn cấm việc tạo sinh phôi thai bào con người theo kiểu phi tính dục trong tất cả mọi trường hợp, bất kể với mục đích gì”
Chẳng những Giáo Hội Công Giáo kịch liệt lên án phương pháp tạo sinh phi tính dục sao bản này, mà hầu hết các thẩm quyền dân sự cũng theo chiều hướng này nữa. Điển hình nhất là chính phủ Bush, một chính phủ đã tỏ ra bất chấp Liên Hiệp Quốc để đơn phương tấn công Iraq, để giải giới Saddam Hussein, nhưng tới nay vẫn chẳng thấy những gì cần phải giải, một cuộc tấn công coi thường mạng sống của bao người vô tội, thế mà vẫn tỏ ra chống bác phương pháp tạo sinh phi tính dục sao bản dị thường này. Thật vậy, Tổng Thống Bush, vào ngày 10/4/2002, qua một bài diễn văn với một nhóm người ở Tòa Bạch Ốc, đã yêu cầu Thượng Viện cấm chỉ tất cả mọi thứ tạo sinh con người theo phương pháp phi tính dục cloning. Ông nói:
“Khi chúng ta tìm cách cải tiến sự sống con người, chúng ta bao giờ cũng phải bảo trì phẩm giá con người. Bởi thế, chúng ta phải ngăn ngừa việc tạo sinh con người theo phương pháp phi tính dục sao bản bằng việc chặn đứng nó trước khi nó bắt đầu… Những phát minh nơi kỹ thuật của ngành sinh học y khoa không bao giờ được thực hiện bất chấp lương tri con người. Khi chúng ta tìm cách làm những gì có thể, chúng ta luôn phải biết những gì là đúng đắn, và chúng ta không được quên rằng cho dù chúng ta có theo đuổi những mục đích cao quí nhất chúng cũng không biện minh cho bất cứ phương tiện nào chúng ta sử dụng…
“Việc tạo sinh con người theo phương pháp phi tính dục sao bản là việc sản xuất trong phòng thí nghiệm những cá nhân con người, về di chất, hoàn toàn đồng nhất với một hữu thể con người khác. Việc tạo sinh con người theo phương pháp phi tính dục sao bản này đạt được bằng việc cho di chất của một người hiến bào vào trứng không còn nhân trung của một người phụ nữ. Kết quả xẩy ra là một phôi thai bào mới này hay phôi thai bào được tạo sinh phi tính dục này trở thành một bản sao y hệt của người hiến bào.
“Việc tạo sinh con người theo phương pháp phi tính dục sao bản thật sự làm cho tôi cũng như cho hầu hết người Hoa Kỳ cảm thấy rùng mình. Sự sống là một tạo vật chứ không phải là một đồ vật. Con cái của chúng ta là tặng ân cần phải được yêu quí và bảo vệ, chứ không phải là những sản vật được phác họa và sản xuất. Cho phép thực hiện việc tạo sinh con người theo phương pháp phi tính dục sao bản sẽ là một bước quan trọng tiến đến một xã hội mà hữu thể của con người trở thành những phần cơ thể dư thừa, và trẻ con được kiến tạo cho những thứ chuyên biệt tùy ý; đó là những gì không thể nào chấp nhận được.
“Trong cuộc tranh luận hiện nay về việc tạo sinh con người theo phương pháp phi tính dục sao bản có hai từ ngữ được sử dụng đến, đó là từ ngữ tạo sinh phi tính dục sản sinh (reproductive cloning) và từ ngữ tạo sinh phi tính dục nghiên cứu (research cloning). Tạo sinh phi tính dục sản sinh là ở chỗ tạo sinh phi tính dục một phôi thai bào và cấy nó vào một người phụ nữ với mục đích để sinh ra một đứa bé. May mắn thay, gần như mọi người Hoa Kỳ đều đồng ý rằng việc làm này cần phải được cấm chỉ. Tạo sinh phi tính dục nghiên cứu, trái lại, ở tại việc tạo sinh phi tính dục một phôi thai bào con người để rồi hủy diệt nó đi hầu tạo nên những tế bào thân.
“Tôi tin rằng tất cả mọi thứ tạo sinh con người theo phương pháp phi tính dục sao bản đều là những gì sai quấy, và cần phải cấm đoán cả hai hình thức này, vì … việc tạo sinh phi tính dục sao bản để nghiên cứu phản nghịch với nguyên tắc trọng yếu nhất của nền đạo lý y khoa, đó là không được phép khai thác hay dập tắt bất cứ một sự sống con người nào cho thiện ích của kẻ khác…”
Tóm lại, thưa quí vị, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhận định trong Sứ Điệp Cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2001: “Sự sống của con người không thể bị coi như là một đồ vật chúng ta muốn làm gì thì làm, nhưng là một thực tại trần gian linh thánh nhất bất khả vi phạm. Không thể nào có hòa bình nếu không biết bảo vệ sự thiện căn bản nhất. Chúng ta phải thêm vào (bản liệt kê các thứ bất chính trên thế giới) những thực hành vô trách nhiệm về kỹ thuật di truyền, như kỹ thuật tạo sinh phi tính dục và kỹ thuật sử dụng phôi thai bào con người để nghiên cứu, những việc được biện minh một cách phi lý khi nại vào quyền tự do, vào tiến bộ văn hóa, vào bước tiến của loài người. Khi thành phần hèn kém nhất và những phần tử dễ bị tổn thương nhất trong xã hội bị lạm dụng bởi những hành động gian ác như thế, thì chính quan niệm về gia đình nhân loại, được căn cứ vào giá trị về con người, vào sự tin tưởng, tôn trọng và nâng đỡ nhau, đang bị hư hoại một cách khủng khiếp. Một thứ văn minh được xây dựng trên yêu thương và hòa bình cần phải chống lại những thứ thí nghiệm bất xứng với con người ấy” (đoạn 19).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
25/7 Thứ Sáu
Thông Điệp “Sự Sống Con Người”: Diễn Tiến Hình Thành
Hôm nay là ngày kỷ niệm 35 năm Thông Ðiệp Sự Sống Con Người của Ðức Thánh Cha Phaolô VI, một trong những văn kiện của Huấn Quyền bị chống đối dữ dội nhất. Nhân dịp này, thoidiemmaria.net xin phổ biến lại hai bài tín liệu đã được phổ biến tuần trước và đầu tuần đây.
Giáo sư hưu trí Bernardo Colombo, anh em của ĐGM Carlo Colombo (1909-1991), vị giám mục là nhà thần học tín cẩn của Đức Phaolô VI trong những năm thời Công Đồng Chung Vaticanô II, đã vừa phổ biến một bài báo về Thần Học nói đến việc Đức Phaolô VI viết bức thông điệp lịch sử này.
Thành phần chống đối giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề phương pháp ngừa thai tỏ ra bất mãn vì Đức Phaolô VI đã ban hành thông điệp “Sự Sống Con Người” ngược lại với đa số phiếu của các phần tử thuộc ủy ban dọn đường. Vào tháng Tư năm 1967, một bài báo được phổ biến trên tờ Le Monde ở Pháp, tờ The Tablet ở Hiệp Vương Quốc và tờ National Catholic Reporter ở Hoa Kỳ cho biết là 70 phần tử của ủy ban này nghiêng về việc dùng thuốc ngừa thai, chỉ có 4 là phản đối thôi. Thế nhưng, vị tác giả này, theo nghiên cứu, đã tuyên bố là con số ấy hoàn toàn sai lầm và giả tạo với mục đích để tạo áp lực mà thôi. Theo Màn Điện Toán Zenit nghiên cứu, bao gồm cả việc trao đổi với những cá nhân tham phần vào việc soạn thảo bức thông điệp này thì Đức Phaolô VI chẳng những thiết lập một mà tới 3 nhóm cố vấn cho Ngài nữa.
Ủy ban đầu tiên bao gồm giáo dân, cha mẹ và các chuyên viên về dân số. Ủy ban này có liên hệ mật thiết và dài lâu với nhà luân lý dòng Chúa Cứu Thế Bernhard Haring, vị tuyên bố rằng không có huấn quyền nào cấm việc ngừa thai cả. Ngay trong Thông Điệp Sự Sống Con Người, chính Đức Phaolô VI đã cho biết “trong chính ủy ban này cũng không hoàn toàn đồng ý với nhau về các qui chuẩn luân lý cần phải được tuân giữ, nhất là vì một số đường lối và tiêu chuẩn để giải quyết vần đề này đã tỏ ra lệch lạc với tín lý về luân lý hôn nhân được huấn quyền của Giáo Hội liên lỉ giảng dạy”.
Đó là lý do Màn Điện Toán Zenit đã được cho biết là Đức Phaolô VI đã ủy thác cho một ủy ban thứ hai, bao gồm những thần học gia, sử gia và chuyên viên thánh kinh, để nghiên cứu giáo huấn của huấn quyền, của Truyền Thống và các bản văn của các Vị Giáo Phụ. Trong số phần tử thuộc ủy ban thứ hai này còn có hai thần học gia về luân lý, một của dòng Đaminh là Henri de Riedmatten và một của dòng Tên là Stanislas de Lestapis. Ủy ban này đã hoàn toàn bác bỏ vấn đề sử dụng các phương pháp ngừa thai. Chủ trương của ủy ban thứ hai này được dứt khoát công nhận bởi một ủy ban thứ ba là ủy ban bao gồm các vị hồng y và viên chức của Tòa Thánh Rôma.
Căn cứ vào các phán đoán này, Đức Phaolô VI đã ban hành bức thông điệp với lời lẽ là “giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến việc điều hòa sinh sản một cách xứng hợp là việc ban hành lề luật của chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, chắc chắn là đối với nhiều người đây là vấn đề chẳng những khó khăn mà thậm chí còn bất khả tuân giữ nữa. Thế nhưng, đối với những ai khôn ngoan cứu xét vấn đề này thì nó thực sự là một điều hiển nhiên cho thấy việc chịu đựng này thăng hoa phẩm giá con người và mang lại thiện ích cho xã hội loài người”.
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ban hành Thông Điệp Sự Sống Con Người của Đức Phaolô VI, 25/7/1968-2003, Màn Điện Toán Zenit cũng đã phỏng vấn giáo sư Germain Grisez dạy về luân lý Kitô giáo ở Đại Học và Chủng Viện Núi Thánh Maria về quan điểm lịch sử của vấn đề bức Thông Điệp này như sau:
Vấn Giáo sư có thể cho biết tầm quan trọng chính yếu của Thông Điệp Sự Sống Con Người là gì?
Đáp Qua Thông Điệp Sự Sống Con Người, Đức Phaolô VI đã tái xác nhận giáo huấn liên lỉ và rất mạnh mẽ của Giáo Hội về việc bác bỏ vấn đề phương pháp ngừa thai. Tôi tin tưởng và luận rằng giáo huấn này đã được cho là bất khả ngộ theo huấn quyền bình thường của Giáo Hội, tức là được căn cứ vào việc đồng loạt thuận ý về luân lý của các vị giám mục trên khắp thế giới hiệp thông với những vị giáo hoàng. Cùng nhau các ngài đã giảng dạy qua các thế kỷ rằng việc sử dụng các phương pháp ngừa thai bao giờ cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Cách thức giảng dạy của các ngài cho thấy những gì các vị dạy đều là một sự thật cần phải dứt khoát nắm giữ. Bởi thế giáo huấn về phương pháp ngừa thai đã hội đủ điều kiện của một thứ giáo huấn bất khả ngộ mà không cần phải long trọng công bố, như đã được Công Đồng Chung Vaticanô II nhắc đến ở đoạn 25 trong Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân.
Vấn Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã thiết lập một ủy ban nhỏ để phác họa những tường trình của Tòa Thánh về dân số, gia đình và con số sản sinh cho các cuộc họp quốc tế. Vào tháng 6/1964, Đức Phaolô VI đã nới rất rộng ủy ban này ra và đã truyền ủy ban này phải nghiên cứu các vấn đề bấy giờ được đặt ra liên quan đến vấn đề phương pháp ngừa thai. Nếu giáo huấn đã được cho là vô ngộ thì tại sao Đức Phaolô VI lại còn phải làm như thế thưa giáo sư?
Đáp Sau khi Đức Gioan XXIII qua đời vào tháng 6/1963, có một vài bài báo về thần học đã được phổ biến, hoặc cho rằng giáo huấn về phương pháp ngừa thai của Giáo Hội là sai lầm, hay cho rằng giáo huấn này có những nố trừ, hoặc cho rằng việc sử dụng “thuốc” ngừa thai về luân lý không giống với các phương pháp khác một cách nào đó. ĐHY Ottaviani, Bộ Trưởng Thánh Bộ Holy Office bấy giờ đã soạn thảo một văn kiện bác bỏ những quan điểm thần học này.
Thế nhưng, vị cố vấn thần học riêng thân cận nhất của Đức Phaolô VI, vị cố vấn đã dứt khoát đặt vấn đề về chính giáo huấn được Giáo Hội lãnh nhận, cho rằng thuốc ngừa thai thực sự là một phương pháp ngừa thai tương tự như phương pháp kế hoạch hóa gia đình theo tự nhiên thôi, nên theo luân lý có thể chấp nhận được. Bấy giờ một số phần tử thuộc ủy ban do Đức Gioan XXIII thiết lập mới xin Đức Thánh Cha Phaolô VI tạm đình phán quyết lại để nghiên cứu vấn đề. Đức Phaolô VI dứt khoát là không yêu cầu các đôi phối ngẫu phải làm những gì Thiên Chúa không buộc họ tuân giữ. Vị Giáo Hoàng này cũng là một học giả, cởi mở và muốn học hỏi. Bởi thế, Ngài đã bảo ĐHY Ottaviani đừng chạm đến vấn đề này, rồi nới rộng ủy ban nhỏ bé ấy ra hơn nữa, nhưng đặt ủy ban này dưới thẩm quyền của văn phòng Quốc Vụ Khanh, và truyền ủy ban này nghiên cứu vấn đề ấy. Đức Phaolô VI cũng không cố gắng để xác định những vấn đề này. Ngài muốn cho những ai mong có đủ cơ hội để đóng góp ý nghĩ của họ vào giáo huấn được lãnh nhận.
Vấn Đại đa số phần tử của ủy ban này đã chẳng đồng ý trong bản tường trình vào tháng 6/1966, bản tường trình đã bị tiết lộ cho báo chí biết, đó là vấn đề phương pháp ngừa thai là một việc đôi phối ngẫu về luân lý có thể làm hay sao, phải không giáo sư?
Đáp Bản tường trình cuối cùng của ủy ban này không phải là một trong những bản văn bị báo chí biết được, và cho tới nay, theo chỗ tôi biết, bản tường trình ấy chưa bao giờ được phổ biến cả. Những bản văn bị tiết lộ, những bản văn được gán ghép một cách lệch lạc, là những bản văn thuộc phần phụ đính cho bản tường trình cuối cùng, và không có một bản văn nào trong số bị lộ tẩy ấy được ủy ban tái cấu trúc vào Tháng Hai năm 1966 gồm 16 vị hồng y và giám mục này ưng thuận cả, mặc dù các vị chấp thuận việc đệ trình các bản văn kiện này lên Đức Phaolô VI. Đúng thế, đa số các thần học gia thuộc thành phần chuyên viên bấy giờ làm cố vấn cho các vị hồng y và giám mục, đã lập luận rằng vấn đề phương pháp ngừa thai là vấn đề khả chấp về luân lý, và 9 trong 16 vị hồng y với giám mục ưng thuận chủ trương của họ. Thế nhưng, tất cả các thần học gia cũng như tất cả các vị hồng y và giám mục (trừ 1 vị) thực sự đều đồng ý rằng thuốc ngừa thai về luân lý cũng giống như các phương pháp ngừa thai khác, những phương pháp vốn đã bị lên án từ lâu.
Vấn Chưa hết, khi truyền cho ủy ban này làm việc, tại sao Đức Phaolô VI bác bỏ kết luận về tính cách luân lý của vấn đề phương pháp ngừa thai được đại đa số các chuyên gia thần học lẫn đa số (9/16) hồng y và giám mục đồng ý thưa giáo sư?
Đáp Vì Đức Phaolô VI không chú trọng tới số người chủ trương mà là đến các trường hợp họ nêu lên theo quan điểm của họ. Cả về vấn đề này nữa, Ngài tác hành như một học giả chứ không phải như một chính trị gia. Nhận được bản tường trình tổng kết của ủy ban này, Ngài đã nghiên cứu nó. Sau chừng 4 tháng, vào ngày 29/10/1966, Ngài đã loan báo rằng Ngài thấy một số khía cạnh trong trường hợp của đa số các vị có nhiều chỗ sơ hở. Ngài đã tiếp tục nghiên cứu vấn đề và kết luận rằng ủy ban này đã đúng khi chủ trương rằng thuốc ngừa thai về luân lý cũng giống như các phương pháp ngừa thai khác. Ngài đã từ từ hoàn toàn xác tín rằng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tái xác nhận thứ giáo huấn đã được lãnh nhận. Thế rồi Ngài rất cẩn thận soạn bản văn mà sau đó được ban hành như bức Thông Điệp “Sự Sống Con Người”.
Vấn Thế giới đã chờ đợi cho tới ngày 25/7/1968 mới thấy bức thông điệp này ban hành. Những gì đã xẩy ra vào lúc bấy giờ thưa giáo sư?
Đáp Tiếc thay, thành phần chống đối trong số thần học gia và các vị giám mục đã lợi dụng việc trì hoãn này để sửa soạn thực hiện một phản ứng chưa từng thấy đối với bản văn kiện này. Những câu phát biểu bất đồng về thần học đã được phổ biến, và thực hiện biện pháp làm tăng hết cỡ tác dụng của những lời phát biểu ấy. Một số nhóm giám mục cũng dọn đường cho những câu phát biểu sau này của các vị trong việc làm giảm giá chẳng những Thông Điệp Sự Sống Con Người mà còn cả giáo huấn liên tục và mãnh liệt về chính vấn đề phương pháp ngừa thai. Thoạt tiên Đức Phaolô VI còn bình luận về phản ứng, nhưng Ngài không bao giờ thực sự đáp ứng thành phần bất mãn.
Vấn Ở nhiều nơi, vấn đề kế hoạch hóa gia đình theo đường lối tự nhiên vẫn đang được phát động. Vẫn có nhiều gia đình trẻ sinh bốn, năm, sáu đứa con hay hơn nữa. Phần lớn giới trẻ tỏ ra tích cực trong các hoạt động phò sự sống. Giáo sư có nghĩ rằng tình trạng này cho thấy có một số người đang lắng nghe sứ điệp “Sự Sống Con Người”?
Đáp Thật vậy, có một số như thế thật. Mặc dù theo tôi nghĩ tình trạng tổng quan vẫn không khá hơn lúc Đức Phaolô VI qua đời hay tệ hơn. Sứ điệp “Sự Sống Con Người”, sứ điệp của toàn thể truyền thống Kitô giáo, vẫn đang được lắng nghe tuân giữ. Những cuộc thăm dò ý kiến quần chúng không đáng tin cậy cho lắm, thế nhưng điều đáng chú ý là những cuộc thăm dò này không cho thấy có một chút suy giảm nào tgrong vòng 35 năm qua nơi phần trăm người Công giáo chấp nhận giáo huấn “Sự Sống Con Người”. Đó là điều đáng kể và phấn khởi, vì hầu hết những ai ở vào 65 tuổi trong năm 1968 đều đã chết, và hầu như không ai dưới 40 tuổi ngày nay đã đọc được những bản tường trình tín liệu về Thông Điệp Sự Sống Con Người khi văn kiện này xuất hiện. Chúng ta phải cám ơn Thánh Linh về sự kiên trì của đức tin như thế. Nhưng chúng ta cũng phải cám ơn lòng can đảm và việc làm sáng tỏ của Đức Phaolô VI, cũng như giáo huấn phong phú và rất nhất trí trong toàn thể hàng loạt các văn kiện, nhất là Tông Huấn về gia đình “Familiaris Consortio”, hàng loạt những bài nói đặt nền móng cho “thần học về thân thể”, Thông Điệp “Rạng Ngời Chân Lý” và Thông Điệp “Phúc Âm Sự Sống”. Chúng ta cũng phải cám ơn nhiều vị mục tử, giáo sư, cha mẹ trung thành, tất cả những ai đã giữ đức tin và truyền nó lại, thường trong những hoàn cảnh rất khó khăn.
Thập Điều Kiến Thiết Âu Châu của ĐTC Gioan Phaolô II
Văn phòng báo chí của Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha đã phổ biến một bài về Thập Điều để kiến tạo Âu Châu của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II như sau:
1. Âu Châu, về lịch sử cũng như trong hiện tại, đã thấm nhiễm Kitô giáo hết sức rộng rãi và sâu xa. Đức tin Kitô giáo đã hình thành văn hóa Âu Châu, làm cho nó trở thành “một khối” về lịch sử, và mặc dù có những phân rẽ đau thương giữa Đông và Tây, Kitô giáo vẫn là một tôn giáo của toàn thể Châu Âu.
2. Những giá trị được Phúc Âm bênh vực sẽ đóng góp vào việc kiến tạo một Âu Châu về tinh thần, một Âu Châu hy vọng. Bởi thế, Khối Hiệp Nhất Âu Châu sẽ không thể nào kết đoàn nếu nó chỉ chuyên về chiều kích địa dư và kinh tế, trong khi trước hết nó cần phải bao gồm việc đồng thuận về các giá trị.
3. Sức hứng động của Kitô giáo có thể thực hiện một cuộc hội nhập về chính trị, văn hóa và kỹ nghệ với cuộc sống chung, làm cho tất cả mọi người Âu Châu cảm thấy như ở nhà và làm nên một gia đình các quốc gia, mô phạm cho các miền khác trên thế giới.
4. Đối với Âu Châu, các cội gốc Kitô giáo là bảo đảm chính yếu cho tương lai của nó. Coi thường, lãng quên hay che đậy gia sản Kitô giáo này ở Âu Châu là một bất chính, một xúc phạm, một suy thoái sâu xa, tình trạng không sớm thì muộn cũng sẽ phải hứng chịu trách nhiệm.
5. Đó là lý do tại sao nơi bản Hiến Pháp Âu Châu sau này cần phải đề cập đến gia sản tôn giáo này, nhất là Kitô giáo, cũng như cần phải tôn trọng và nhìn nhận các quyền lợi của tôn giáo.
6. Trong môi trường hiện nay, bị chi phối bởi trào lưu giáo dân, duy vật và hưởng thụ, Giáo Hội cần phải là một chứng nhân kiên trì của chiều kích siêu việt về sự hiện hữu của con người.
7. Âu Châu phải tiếp tục bênh vực và cổ võ phẩm giá bất khả phạm của hết mọi người, trong toàn thể cuộc sống của họ cũng như trong tất cả các quyền lợi bất khả phân ly của họ.
8. Một Âu Châu sau này sẽ là một Âu Châu yêu thương và thường xuyên ưu tiên phục vụ thành phần nghèo khổ và thiếu thốn, một Âu Châu phát triển một thứ văn hóa đoàn kết.
9. Những nền tảng làm Âu Châu liên kết trong đa dạng sẽ được thiết dựng đó là việc chấp nhận, tôn trọng, cảm mến, trao đổi và tình huynh đệ.
10. Bởi thế, “đừng sợ! Phúc Âm không phản lại anh em nhưng cho anh em”. Trong Phúc Âm, tức trong Chúa Giêsu, anh em sẽ tìm thấy niềm hy vọng chắc chắn và vững bền mà anh em khát vọng”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 24/7/2003
24/7 Thứ Năm
Chúng ta luôn ở trong bàn tay của Thiên Chúa
(Bài Giáo Lý 80 Thứ Tư 23/7/2003 về Thánh Vịnh 146 [147]: Kinh Ban Mai, Thứ Năm, Tuần Thứ Bốn)
1. Bài Thánh Vịnh vừa được xướng lên là phần đầu của một bao gồm cả phần của bài Thánh Vịnh 147 sau đó, và là bài được nguyên bản Do Thái giữ trọn tính cách duy nhất của nó. Chính các bản Hy Lạp và La Tinh cổ đã chia bài ca này thành hai bài Thánh Vịnh khác nhau.Bài Thánh Vịnh này được bắt đầu bằng một lời mời gọi hãy chúc tụng Thiên Chúa, sau đó liệt kê một chuỗi dài những lý do tại sao cần phải chúc tụng, tất cả đều ở trong hiện tại. Đây là những hoạt động của Thiên Chúa được coi như nổi bật và bao giờ cũng hợp thời; tuy nhiên, những hoạt động này có nhiều tính chất khác nhau, một số cho thấy những lần Thiên Chúa can thiệp vào cuộc hiện hữu của con người (câu 3,6,11), đặc biệt, can thiệp vì Giêrusalem và dân Do Thái (câu 2); những hoạt động khác cho thấy một vũ trụ được tạo dựng (câu 4), và nhất là cho thấy một trái đất với các thứ cỏ cây và thú vật của nó (câu 8-9).
Sau hết, khi diễn tả về một người làm hài lòng Chúa, bài Thánh Vịnh mời chúng ta tới với một thái độ lưỡng diện, đó là thái độ kính sợ đạo hạnh và thái độ tin tưởng (câu 11). Chúng ta không bị bỏ mặc cho chính mình chúng ta và cho những năng lực của vũ trụ này, song bao giờ cũng ở trong bàn tay Chúa, hợp với dự án cứu độ của Ngài.
2. Sau lời mời gọi hân hoan chúc tụng (câu 1), bài Thánh Vịnh mở ra cho thấy hai chiều hướng thi ca và thiêng liêng. Chiều hướng thứ nhất (câu 2-6) cho thấy trước hết tác động lịch sử của Thiên Chúa, qua hình ảnh của một thợ xây đang tái thiết Giêrusalem sau cuộc lưu đầy ở Babylon (câu 2). Tuy nhiên, vị đại kiến trúc sư là Chúa này cũng tỏ mình ra như là một người cha cúi mình xuống trên những thương tích nội tâm và thể lý đang tồn tại nơi thành phần dân bị ô nhục và đàn áp của Ngài (câu 3).
Trong Bài Giảng về Thánh Vịnh 146 ("Esposizione del Salmo 146) ở Căn Thạc vào năm 412, Thánh Âu Quốc Tinh đã dẫn giải câu “Chúa chữa lành kẻ tan nát cõi lòng” như thế này: “Ai không có tấm lòng tan nát thì không thể được chữa lành… Vậy những ai là kẻ có tâm hồn tan nát đây? Đó là kẻ khiêm cung. Và những ai là kẻ không có tâm hồn tan nát? Đó là kẻ kiêu căng tự ái. Bởi thế, tấm lòng tan nát thì được chữa lành, còn tâm can ưỡn lên kiêu hãnh thì bị đánh xẹp. Cho dù là như thế, kể cả trong trường hợp có bị đánh xẹp đi nữa thì cũng chính là để một khi tâm can kiêu hãnh ấy bị tan nát có thể xẹp xuống, có thể được chữa lành… ‘Ngài chữa lành kẻ tan nát tâm can, băng bó những thương tích của họ’… Nói cách khác, Ngài chữa lành kẻ có lòng khiêm cung, thành phần thú nhận tội lỗi, thành phần cải hối đền bù lỗi tội, thành phần nghiêm ngặt với mình để có thể cảm nghiệm thấy tình thương của Ngài. Này đây kẻ Ngài chữa lành. Tuy nhiên, sức khỏe trọn vẹn chỉ đạt tới vào giây phút cuối cùng của tình trạng hữu tử hiện nay mà thôi, khi mà hữu thể khả hoại của chúng ta mặc lấy tính chất bất khả hoại và hữu thể khả tử của chúng ta mặc lấy tính chất bất tử” (5-8" Expositions on the Psalms -- Esposizioni sui Salmi --, IV, Rome, 1977, pp. 772-779).
3. Thế nhưng, công việc của Thiên Chúa không chỉ thể hiện qua việc chữa lành các thương đau của dân Ngài. Là Đấng dịu dàng chăm sóc thành phần nghèo khổ, Ngài xuất hiện như một quan án nghiêm thẳng với thành phần gian ác (câu 6). Vị Chúa của lịch sử này không dửng dưng lạnh lùng trước tình trạng lộng hành của thành phần kiêu căng phách lối nghĩ rằng mình là những kẻ cầm cân nẩy mực duy nhất các thứ nhân loại vụ: Thiên Chúa hạ xuống bụi đất những ai huyênh hoang đưa mình lên dến tận trời cao (x 1Sam 2:7-8; Lk 1:51-53).
Tuy nhiên, tác động của Thiên Chúa không phải chỉ ở chỗ làm chủ lịch sử mà thôi, Ngài còn là vua của thiên nhiên tạo vật nữa; toàn thể vũ trụ này đáp lại lời Ngài là Vị Hóa Công kêu gọi. Ngài chẳng những biết con số của tất cả mọi chùm sao vô kể, mà còn có thể đặt tên cho từng vì tinh tú, ấn định bản chất và đặc tính của nó (câu 4).
Tiên tri Isaia đã xướng lên rằng “Hãy ngước mắt lên cao mà nhìn xem ai đã tạo dựng nên những thứ ấy? Ai đã làm xuất hiện các thiên cơ của chúng, đặt tên cho tất cả mọi thứ thiên cơ này” (40:26). Bởi thế mà “các đạo binh” của Chúa là các vì tinh tú. Tiên tri Barúc thêm: “các vị sao hoan hỉ chiếu sáng tại vị trí của mình; Ngài gọi chúng và chúng thưa ‘Này chúng tôi đây!’ Chúng hân hoan chiếu soi cho vì Đấng đã tác thành chúng” (3:34-35).
4. Sau lời hân hoan mời gọi chúc tụng (câu 7) là chiều hướng thứ hai của bài Thánh Vịnh 146 (câu 7-11). Tác động tạo dựng của Thiên Chúa trong vũ trụ lại được bày tỏ một lần nữa nơi môi trường này. Ở một mảnh đất thường khô cằn, như mảnh đất Phương Đông, thì dấu hiệu đầu tiên của tình yêu thần linh đó là một cơn mưa làm cho trái đất phì nhiêu (câu 8). Bằng cách ấy Đấng Hóa Công đã sửa dọn bàn ăn cho các loài thú vật. Ngoài ra, Ngài còn lo ban phát lương thực cho những hữu thể sinh vật nhỏ bé nhất, chẳng hạn như những con quạ đói kêu la (câu 9). Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta hãy nhìn coi “chim trời, chúng không gieo cũng chẳng gặt mà Cha trên trời vẫn nuôi chúng” (Mt 6:26; x Lk 12:24 là câu liên quan đến ‘những con quạ’).
Thế nhưng, một lần nữa, hoạt động thần linh tiến từ thiên nhiên tạo vật đến cuộc hiện hữu của con người. Bởi thế mà bài Thánh Vịnh đã chấm dứt ở chỗ cho thấy Vị Chúa này cúi mình xuống trên thành phần công chính và khiêm cung (câu 10-11), như đã đề cập đến ở phần đầu của bài thánh thi ca này (câu 6). Phẩm tính thần linh đã được diễn đạt qua hai hình ảnh biểu hiệu cho sức mạnh là ngựa và cẳng chân con người, một phẩm tính không để cho mình bị sức mạnh khống chế hay chi phối. Một lần nữa, đường lối của Chúa coi thường cái kiêu hãnh và ngông cuồng của thành phần quyền hành, nhưng Ngài ở về bên kẻ trung tín, “thành phần hy vọng vào tình yêu bền vững của Ngài” (câu 11), tức là thành phần phó mình để cho Thiên Chúa dẫn dắt họ tác hành và suy tưởng, dự tính và sinh hoạt hằng ngày.
Trong những tác động ấy, con người nguyện cầu, khi hy vọng vào ân sủng của Chúa, còn phải tin tưởng mình được bao phủ bởi tình yêu thần linh nữa: “Này con mắt của Chúa nhìn thấy những ai kính sợ Ngài, thấy những ai hy vọng vào tình yêu kiên vững của Ngài, để rồi Ngài giải thoát họ khỏi tử thần, và giữ họ tồn sinh trong cơn đói khát… Phải, tâm hồn chúng ta hân hoan trong Ngài, vì chúng ta tin tưởng vào danh thánh của Ngài” (Ps 32:18-19,21).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh chúng ta vừa nghe kêu gọi chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa và đã nêu lên nhiều lý do tại sao chúng ta phải kêu lên Ngài. Ngài là Vị Chúa của lịch sử mang lại ơn cứu độ cho dân Ngài, chăm sóc những nhu cầu của họ ở những hoàn cảnh sống thực tiễn của họ. Ngài cũng là Chúa của thiên nhiên tạo vật nữa, và toàn thể vũ trụ đáp lại ý muốn của Ngài. Chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng hay nhất đó là đặt tất cả lòng tin tưởng và hy vọng của chúng ta nơi Ngài, trao phó hoàn toàn cuộc sống của chúng ta cho Ngài cũng như cho sự án cứu độ của Ngài đối với tất cả mọi dân nước.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 23/7/2003)
23/7 ThứTư
Ðịnh mệnh của con người theo đức tin
Con người ta luôn khao khát và tìm kiếm chân thiện mỹ. Ðiều này được thấy rõ nhất nơi giới trẻ. Kinh nghiệm phục vụ giới trẻ 12 năm qua đã cho tôi thấy rằng giới trẻ cần những hướng đạo viên có uy tín để chúng có thể chia sẻ và tìm hướng dẫn về đủ mọi vấn đề trong cuộc đời, nhất là vấn đề liên quan đến đức tin. Sau đây là một trường hợp điển hình.
----- Original Message -----From: Ngo The VuSent: Friday, July 18, 2003 10:58 PMSubject: Catechism QuestionsDear Anh Tinh,I have several questions that link to one another and i can't find clear answers to all of them. It would be more thorough and less confusing if you read all the questions first before devising your answers.
1) If a person after his death was annouced as an elect in Heaven (like the saints and the martyrs) or as an eternal reprobate in Hell at the Particular Judgement, then how does General Judgement proceeds at the Apocolypse? In other words, since a soul had already attain its ultimate end, what is there to be judged on that soul?
2) In the Apostle's Creed, we profess that "Christ will come again to judge the living and the dead". As this statement of faith refers to the Last Day, does the "living" refer to the Church Militant and the "dead" refers to the Church Triumphant and the Church Suffering? (this question connect w/ #1)
3) The Church teaches that Purgatory ends on the Last Day, then what about those souls who are in the state of grace but still need expiation for their temporal punishment on the Last Day?
4) Can you explain the concept of the Four Last Things? How do "Death, Judgement, Heaven and Hell" apply to any body/soul?
Thank you for all your time spent on researching and composing my answers.
God Bless
VuGiải Thích Vấn Ðề
Cho dù có 4 sự sau hết, nhưng thật ra cũng chỉ có 3 vấn đề: sự chết, phán xét và thưởng phạt. Vì hai sự cuối cùng, Thiên Ðàng và hỏa ngục, chỉ là một vấn đề duy nhất lưỡng diện, kết quả tối hậu của phán xét, một là được thưởng hai là bị phạt đời đời.
Trước hết, vấn đề "sự chết" đây trực tiếp liên quan đến phần xác, là tình trạng thân xác con người hoàn toàn vô tri và vĩnh viễn bất động, một tình trạng là hậu quả của nguyên tội (original sin), là việc con người ra khỏi trần gian, không còn thời gian để con người có thể lập công hay đền tội được nữa, vì ngay sau khi chết con người đã đi vào cõi đời đời, dù được thưởng hay bị phạt.
Sau nữa, vấn đề "phán xét" đây trực tiếp liên quan đến phần hồn của con người, giây phút con người phải trả lẽ (respond to) về tất cả những gì họ đã làm trong thân xác của họ, để chứng tỏ họ thực sự nhận biết Ðấng đã tạo dựng nên họ, để chứng tỏ họ tri ân cảm mến Ðấng đã cứu chuộc họ, cũng như để đáp ứng những gì Thần Linh sai khiến họ làm, qua tiếng lương tâm của họ cũng như bằng tác động ân sủng của Ngài.
Sau hết, vấn đề thưởng phạt đây liên quan đến số phận đời đời của con người sau khi được phán xét hay bị phán xét, một là được lên "Thiên Ðàng" hai là phải xuống "hỏa ngục": thành phần được lên Thiên Ðàng là thành phần tỏ ra nhận biết Thiên Chúa, được thể hiện qua việc họ bác ái với tha nhân (x Mt 25:31-46); còn thành phần hư đi là thành phần không biết đến yêu thương là gì, tức không nhận biết Thiên Chúa vì Ngài là tình yêu (x 1Jn 4:8).
Riêng về vấn đề phán xét, chúng ta đừng tưởng rằng sau khi vĩnh viễn ra khỏi trần gian là con người được dẫn đến trước ngai tòa Thiên Chúa trên trời (vì Ngài ở trên trời) để Ngài phán xét xem mình có xứng đáng lên Thiên Ðàng hay chăng hoặc bị tống vào hỏa ngục. Nếu thế thì, cũng theo tưởng tượng, chúng ta đã được chiêm ngưỡng Thánh Nhan Thiên Chúa vô cùng toàn thiện rồi vậy, trong khi đó Ngài chưa phán xét chúng ta để chúng ta biết được số phận đời đời lên hay xuống của mình.
Giải Ðáp Vấn Ðề
Thật ra, ngay khi vừa lìa đời, vừa tắt hơi thở cuối cùng, tự mình, con người đã biết được rằng họ đi đâu, lên Thiên Ðàng, xuống hỏa ngục hay vào luyện ngục. Nói như thế không có nghĩa là con người tự quyết định số phận đời đời của họ. Mà là ngay lúc bấy giờ lương tâm của mỗi người phán xét họ, để rồi, trước ánh sáng thần linh thấu suốt mọi sự, một thứ ánh sáng xua tan tăm tối trần gian, họ tự cảm thấy số phận của mình ra sao. Ðến nỗi, trong tình trạng đang mắc tội trọng chưa kịp xưng thú hay chưa kịp ăn năn tội cách trọn trước khi chết, thì bấy giờ có cho họ vào Thiên Ðàng họ cũng không dám vào. Bởi vì, họ cảm thấy vô cùng bất xứng, thà tránh khỏi nhan Chúa vô cùng toàn thiện còn hơn ở trước nhan Ngài, như kẻ đau mắt tránh mặt trời vậy.
Sở dĩ ngày tận thế con người ta, kể cả kẻ lành người dữ, nhất là kẻ đã chết, cả kẻ đã được rỗi lẫn kẻ đã bị hư đi, còn cần phải trải qua một cuộc chung thẩm (last judgment), là vì, bấy giờ con người ở trong tình trạng nguyên vẹn có cả hồn lẫn xác, nhất là vì bấy giờ quyền năng của Chúa Kitô phục sinh, được thể hiện qua việc làm cho thân xác con người phục sinh từ trong cõi chết, đã hoàn toàn và vĩnh viễn chiến thắng tội lỗi và sự chết trên toàn thể thế gian này.
Biến cố chung thẩm là biến cố cho con người thấy rằng: "Ánh sáng chiếu trong tăm tối, một thứ tối tăm không át được ánh sáng" (Jn 1:5), trái lại, còn bị "ánh sáng thật" (Jn 1:9) đánh tan. Bóng tối thế gian đây là tất cả mọi tội lỗi và đủ mọi thứ hành động gian ác của thành phần hư đi, kể cả của Satan và các thần dữ, còn ánh sáng cuối cùng đã thực sự đánh tan bóng tối đây chẳng những là chính Chúa Kitô (x Jn 8:12) mà còn là thành phần được rỗi, thành phần khi còn sống đã là "ánh sáng thế gian" (Mt 5:14), cũng là thành phần trong cuộc chung thẩm được Chúa Kitô làm sáng tỏ trước thành phần hư đi.
Trong cuộc chung thẩm, Chúa Giêsu đến phán xét kẻ sống và kẻ chết đây không phải là kẻ còn sống về phần xác và những kẻ đã chết về phần xác. Vì Chúa Giêsu xuất hiện lần thứ hai sau biến cố tận thế, tức sau khi loài người đã chết hết, và đã sống lại. Bởi thế, Chúa Giêsu phán xét kẻ sống và kẻ chết đây là kẻ lành (kẻ sống) và kẻ dữ (kẻ chết), kẻ đã được rỗi (kẻ sống) và kẻ bị hư đi (kẻ chết). Ðúng hơn, vấn đề phán xét chung vào ngày tận thế chính là việc Chúa Giêsu đến để thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ. "Kẻ sống" đây là kẻ "nhận biết Thiên Chúa" (Jn 17:3), được thể hiện qua đời sống bác ái trọn hảo, còn "kẻ chết" đây là kẻ không có tình yêu Thiên Chúa trong mình (x. 1Jn 3:14-15).
Thành phần "kẻ sống" tồn tại cho tới ngày tận thế, tức những người lành còn sống về phần xác cho tới ngày tận thế, thì họ không cần vào luyện tội nữa sau cuộc chung thẩm, (nên không còn luyện ngục sau ngày tận thế), vì tất cả những thử thách kinh hoàng chưa từng có từ tạo thiên lập địa (x Mt 24:21), đến nỗi nếu không được rút ngắn lại không ai có thể được cứu rỗi (x Mt 24:22), thì những ai vẫn trung kiên giữ vững đức tin cho tới cùng chắc chắn sẽ được cứu rỗi (x Mt 24:13) mà không cần phải vào luyện tội nữa, vì thành phần "kẻ sống" này chính là những kẻ phải sống anh hùng như những vị tử đạo cuối thời. Nếu các vị tử đạo là thành phần được lên thiên đàng ngay sau khi chết, thì quả thực không còn luyện ngục sau ngày tận thế cho thành phần giữ vững đức tin đến cùng trong cuộc khủng bố càn quét tối hậu của Satan và nhóm tay sai gian ác của hắn trên trần gian này, trước khi vương quốc của hắn hoàn toàn và vĩnh viễn sụp đổ.
Ý Thức Vấn Ðề
Tóm lại, qua những giải đáp trên đây về giáo lý, chúng ta hãy tiến đến chỗ thực hành sống đạo với những ý thức hiện thế và cánh chung như sau
Thứ nhất, chúng ta không có quyền gì về giờ giấc sinh vào trần gian của mình, nhưng giờ qua đời là giờ của chúng ta, và càng không biết được mình chết cách nào, lúc nào và ra sao mà giờ chết lại càng là giờ của chúng ta sẵn sàng và cho chúng ta sửa soạn.
Thứ hai, thời gian của con người sống trên trần gian này so với cõi đời đời chẳng khác gì như con vi trùng li ti trước kính hiển vi với vũ trụ bao la bát ngát hầu như vô tận, thế nhưng, cũng chính vì khoảng thời gian li ti có tính cách temporary tạm thời ấy mà thời gian mau qua chóng hết của chúng ta trên đời này mới có một giá trị hầu như vô cùng, nhất là giây phút cuối cùng của cuộc đời chúng ta, giây phút quyết liệt nhất, giây phút quyết định số phận đời đời của chúng ta.
Thứ ba, mỗi giây phút chúng ta sống trên trần gian này một khi qua đi sẽ không bao giờ trở lại nữa, và chúng ta cũng sẽ không bao giờ trở lại trần gian này nữa sau khi qua đi, bởi thế, chúng ta phải lợi dụng từng giây từng phút để khi qua đi chúng ta đạt được cùng đích của mình là cõi phúc trường sinh.
Thứ bốn, mọi sự trên trần gian này rồi sẽ qua đi, công danh chức quyền, tiền tài sự nghiệp, tài năng duyên sắc, chỉ có một điều duy nhất vĩnh viễn tồn tại là tình yêu, bởi thế cái quí nhất trên trần gian này là yêu thương, một yếu tố chẳng những định đoạt số phận đời đời của chúng ta trong ngày chung thẩm mà còn là tất cả vinh quang thiên đình của chúng ta nữa.
Thứ năm, chỉ khi nào xuôi tay nhắm mắt, con người mới hoàn toàn ở trong trạng thái được những người còn sống gọi là nghỉ ngơi đời đời “eternal rest”, bởi thế, chúng ta đừng lo sợ hay chán nản trước những gian nan khốn khó, hy sinh vất vả, đau khổ thử thách trên đời, vì đó là những gì làm nên trần gian, và đó cũng là những gì giúp cho chúng ta dễ hướng về trời, tìm kiếm những gì là chân thiện mỹ nhất.
Thứ sáu, thân xác tro bụi của con người, so với linh hồn và thế giới siêu hình, rất tầm thường và thấp hèn, nhưng cũng chính nhờ chiếc phi thuyền thân xác này tâm linh của con người mới đi vào không gian thần linh; thân xác rồi cũng bị tan rữa đi trong nấm mồ, nhưng những việc lành phúc đức, những hy sinh vất vả, những nhức nhối đớn đau, những đói khát nóng lạnh, những tật nguyện bệnh nạn thân xác thực hiện hay phải chịu đựng trên trần gian v.v., nhờ ngọn lửa yêu mến nung nấu, thì những gì là cát bụi làm nên thân xác con người sẽ biến thành những hạt kim cương vinh quang cho con người trong cõi trường sinh vĩnh phúc.
Chúa Nhật XVI Thường Niên Năm B, 20/7/2003
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh
22/7 Thứ Ba
Vai Trò bất khả thay thế của các viện đại học trong việc xây dựng Âu Châu
Sáng Thứ Bảy 19/7/2003, tại ngôi vườn của nhà nghỉ hè của mình, ĐTC đã tiếp 1500 tham dự viên cuộc bàn luận Âu Châu diễn tiến tại Rôma để ghi dấu 700 năm viện đại học cố nhất thành phố này là La Sapienza. Đề tài của cuộc họp bao gồm các vị viện trưởng, giáo sư và sinh viên đại học cùng với các vị linh mục và giám mục từ khắp Âu Châu, đó là “Đại Học Đường và Giáo Hội Ở Âu Châu”.
Đức Giáo Hoàng đã nhận định là mối liên hệ giữa Giáo Hội và các đại học đường “trực tiếp dẫn chúng ta đến tâm điểm của Âu Châu, nơi nền văn minh theo nhau bộc lộ chính mình qua một trong những cơ cấu tiêu biểu nhất của nó. Chúng ta ở trong những thế kỷ 13 và 14, một kỷ nguyên chủ nghĩa nhân bản hình thành như là một tổng luận tốt đẹp giữa kiến thức thần học và triết học cũng như với các khoa học khác. Đây là một tổng luận không thể nào không dính dáng tới Kitô giáo, và vì thế không liên quan tới công cuộc truyền bá phúc âm hóa qua các thế kỷ lâu dài do Giáo Hội thực hiện trong việc gặp gỡ giao tiếp với nhiều thực tại đa diện về chủng tộc và văn hóa ở châu lục này”.
ĐTC nhận định là đại học đường đang đóng một vai trò bất khả thay thế trong việc xây dựng một nền văn hóa hiện tại và tương lai của Âu Châu. Ngài nhấn mạnh rằng đại học đường “là nơi đệ nhất nghiên cứu tìm tòi chân lý”, và mặc dù đại học đường cần phải được hội nhập xứng hợp vào guồng máy xã hội và kinh tế, nó cũng không thể nào làm tôi cho nhu cầu của các lãnh vực này, hay phải trả giá là đánh mất đi bản chất của mình chính là văn hóa vậy”.
Đức Thánh Cha nhắc đến hai cách Giáo Hội góp phần vào các đại học đường: “bằng sự hiện diện của các giáo chức và sinh viên, thành phần biết liên kết khả năng và sức mạnh của khoa học với đời sống thiêng liêng sâu xa”, và “bằng các đại học đường hiện thực cái di sản của các viện đại học cổ kính, những viện đại học được phát sinh tư ụ lòng Giáo Hội ‘ex corde Ecclesiae’”.
Ngài cũng nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của ‘các phòng thí nghiệm văn hóa’…là nơi diễn tiến việc đối thoại xây dựng giữa đức tin và văn hóa, giữa khoa học, triết lý và thần học, và luân thường đạo lý được coi như là một nhu cầu nội tại cần phải nghiên cứu để thực sự phục vụ con người”.
Những bí mật liên quan đến Thông Điệp Sự Sống Con Người của Đức Phaolô VI
Giáo sư hưu trí Bernardo Colombo, anh em của ĐGM Carlo Colombo (1909-1991), vị giám mục là nhà thần học tín cẩn của Đức Phaolô VI trong những năm thời Công Đồng Chung Vaticanô II, đã vừa phổ biến một bài báo về Thần Học nói đến việc Đức Phaolô VI viết bức thông điệp lịch sử này.
Thành phần chống đối giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề phương pháp ngừa thai tỏ ra bất mãn vì Đức Phaolô VI đã ban hành thông điệp “Sự Sống Con Người” ngược lại với đa số phiếu của các phần tử thuộc ủy ban dọn đường. Vào tháng Tư năm 1967, một bài báo được phổ biến trên tờ Le Monde ở Pháp, tờ The Tablet ở Hiệp Vương Quốc và tờ National Catholic Reporter ở Hoa Kỳ cho biết là 70 phần tử của ủy ban này nghiêng về việc dùng thuốc ngừa thai, chỉ có 4 là phản đối thôi. Thế nhưng, vị tác giả này, theo nghiên cứu, đã tuyên bố là con số ấy hoàn toàn sai lầm và giả tạo với mục đích để tạo áp lực mà thôi. Theo Màn Điện Toán Zenit nghiên cứu, bao gồm cả việc trao đổi với những cá nhân tham phần vào việc soạn thảo bức thông điệp này thì Đức Phaolô VI chẳng những thiết lập một mà tới 3 nhóm cố vấn cho Ngài nữa.
Uỷ ban đầu tiên bao gồm giáo dân, cha mẹ và các chuyên viên về dân số. Ủy ban này có liên hệ mật thiết và dài lâu với nhà luân lý dòng Chúa Cứu Thế Bernhard Haring, vị tuyên bố rằng không có huấn quyền nào cấm việc ngừa thai cả. Ngay trong Thông Điệp Sự Sống Con Người, chính Đức Phaolô VI đã cho biết “trong chính ủy ban này cũng không hoàn toàn đồng ý với nhau về các qui chuẩn luân lý cần phải được tuân giữ, nhất là vì một số đường lối và tiêu chuẩn để giải quyết vần đề này đã tỏ ra lệch lạc với tín lý về luân lý hôn nhân được huấn quyền của Giáo Hội liên lỉ giảng dạy”.
Đó là lý do Màn Điện Toán Zenit đã được cho biết là Đức Phaolô VI đã ủy thác cho một ủy ban thứ hai, bao gồm những thần học gia, sử gia và chuyên viên thánh kinh, để nghiên cứu giáo huấn của huấn quyền, của Truyền Thống và các bản văn của các Vị Giáo Phụ. Trong số phần tử thuộc ủy ban thứ hai này còn có hai thần học gia về luân lý, một của dòng Đaminh là Henri de Riedmatten và một của dòng Tên là Stanislas de Lestapis. Ủy ban này đã hoàn toàn bác bỏ vấn đề sử dụng các phương pháp ngừa thai. Chủ trương của ủy ban thứ hai này được dứt khoát công nhận bởi một ủy ban thứ ba là ủy ban bao gồm các vị hồng y và viên chức của Tòa Thánh Rôma.
Căn cứ vào các phán đoán này, Đức Phaolô VI đã ban hành bức thông điệp với lời lẽ là “giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến việc điều hòa sinh sản một cách xứng hợp là việc ban hành lề luật của chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, chắc chắn là đối với nhiều người đây là vấn đề chẳng những khó khăn mà thậm chí còn bất khả tuân giữ nữa. Thế nhưng, đối với những ai khôn ngoan cứu xét vấn đề này thì nó thực sự là một điều hiển nhiên cho thấy việc chịu đựng này thăng hoa phẩm giá con người và mang lại thiện ích cho xã hội loài người”.
21/7 Thứ Hai
Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật về “Những Cội Rễ” của một tân Âu Châu
Tiếp tục bài huấn từ truyền tin Chúa Nhật tuần trước về vấn đề một tân Âu Châu đang mất đi ký ức Kitô giáo, đang mất gốc Kitô giáo, đang phủ nhận căn tính Kitô giáo của mình, ĐTCGPII, sau khi ban hành Tông Huấn Giáo Hội Tại Âu Châu ngày 28/6/2003, áp lễ Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, đã hết sức quan tâm đến Âu Châu. Vì một khi bản Hiến Pháp Âu Châu mất gốc Kitô giáo vừa được Cuộc Họp Thượng Đỉnh Âu Châu cứu xét và nếu không được hoàn chỉnh khi được chính thức hình thành vào Tháng 10/2003 này thì không biết tương lai của Âu Châu sẽ đi về đâu. Bởi thế, cho dù việc Ngài sai sứ giả đến gặp gỡ tổng thống Saddam Hussein và tổng thống Bush vẫn không thể ngăn cản việc xẩy ra chiến tranh Iraq, tiếng lương tâm vẫn không thể nào không nhắc nhở con người, vẫn không thể nào không cảnh giác con người thế nào, ĐTCGPII cũng vẫn tiếp tục kêu gọi ý thức Âu Châu như sau:
Anh Chị Em thân mến!
1. Trên một tháng vừa qua ngươiụi ta đã hêt sức thực hiện việc cứu xét bản tân Hiến Pháp Âu Châu, bản văn cuối cùng sẽ được hội nghị liên chính phủ vào Tháng 10 tới đây chuẩn nhận. Đối với công việc quan trọng liên quan đến tất cả mọi cơ cấu của xã hội Âu Châu này, Giáo Hội cũng cảm thấy nhiệm vụ cần phải đóng góp phần của mình.
Như Tôi đã nhận định trong tông huấn hậu thượng nghị giám mục Âu Châu, trong số các vấn đề thì Giáo Hội muốn nhắc nhở “Âu Châu đã từng được Kitô giáo thấm nhiễm rộng rãi và sâu xa” (số 24). Kitô giáo tạo nên, trong giòng lịch sử phức tạp của Châu Lục này, một yếu tố chính yếu và hình thành là những gì đã dần dần làm cho Âu Châu liên kết lại trên nền tảng của cái gia sản cổ kính ấy, cũng như trên những đóng góp khác nhau bởi những giòng văn hóa chủng tộc qua các thế kỷ.
2. Có thể nói rằng đức tin Kitô giáo đã hình thành văn hóa Âu Châu, làm cho lịch sử Âu Châu trở thành một toàn khối, và bất chấp tình trạng chia rẽ Đông Tây, Kitô giáo vẫn trở thành “tôn giáo của nhân dân Âu Châu” (ibid). Ảnh hưởng của Kitô giáo vẫn còn nổi nang trong kỷ nguyên tân tiến và đương thời này, cho dù có xẩy ra hiện tượng tục hóa tràn lan và mạnh mẽ.
Giáo Hội biết rằng mối quan tâm của mình về Âu Châu được phát xuất từ chính sứ vụ của mình. Là một kho tàng Phúc Âm, Giáo Hội đã phát động cổ võ những giá trị làm cho văn hóa Âu Châu được thế giới cảm phục. Gia sản này không thể nào bị phá tán. Ngược lại, một thứ tân Âu Châu cần phải được giúp đỡ “để xây dựng bản thân bằng việc tái sinh động những căn gốc Kitô giáo nguyên thủy của mình” (ibid. số 25).
3. Xin Mẹ Maria, Mẹ của Niềm Hy Vọng, hãy trông coi Giáo Hội ở Âu Châu , để Giáo Hội ở Âu Châu càng “phản ảnh Phúc Âm” hơn nữa, càng trở thành một nơi phát triển mối hiệp thông và hiệp nhất, nhờ đó, dung nhan Chúa Kitô hết sức rạng ngời chiếu tỏa hòa bình và niềm vui cho hết mọi dân cư thuộc Lục Địa Âu Châu.
(Sau khi nguyện kinh truyền tin, ĐTC nói tiếp về Đức Lêô XIII như sau):
Hôm nay là ngày kỷ niệm bách chu niên Đức Lêo XIII là Vincenzo Gioacchino Pecci qua đời. Được nhớ đến trước tiên là vị giáo hoàng của bức thông điệp “Tân Sự” Rerum Novarum, một văn kiện mở màn cho giáo thuyết của Giáo Hội về xã hội, Ngài đã khai triển một thứ huấn quyền một cách rộng rãi và rõ ràng; Ngài đặc biệt lấy lại học thuyết của Thánh Tôma và cổ động việc phát triển đời sống thiêng liêng của dân Kitô giáo. Trong Năm Mân Côi này đây, chúng ta cũng không thể không nhớ đến sự kiện là Đức Lêo XIII đã viết 10 thông điệp về kinh mân côi. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa hôm nay đây về vị đại Giáo Hoàng này.
Nỗ Lực Giải Quyết Đối Thoại Liên Tôn với Hồi Giáo
Có hai hiện tượng vẫn đang xẩy ra song song với nhau, đó là một Âu Châu Kitô giáo bị tục hóa và một thế giới Hồi giáo chẳng những công khai bách hại Kitô giáo ở địa phương mình mà còn đang lan tràn ở Âu Châu nữa, một tôn giáo có thể nói là địch thủ của Kitô giáo và là mối đe dọa cho Kitô giáo. Có thể nói, cuộc khủng bố tấn công Hoa Kỳ, một đệ nhất cường quốc về kinh tế và chính trị, tiêu biểu cho một Tây Phương Kitô giáo bị tục hóa, là dấu chỉ thời đại cho thấy cuộc xung khắc bắt đầu trở thành công khai. Và cuộc Hoa Kỳ tấn công khủng bố ở A Phú Hãn vào ngày Lễ Mẹ Mân Côi 7/10/2001, nhất là cuộc Hoa Kỳ ngang nhiên qua mặt Liên Hiệp Quốc đơn phương tấn công giải giới ở Iraq vào ngày Lễ Thánh Giuse 19/3/2003, đã càng khiến cho cuộc đụng độ này trở thành trầm trọng và càng gây khó khăn cho việc đối thoại liên tôn với tôn giáo này. Để tiếp theo bài về tình hình đối thoại liên tôn ở Pakistan hôm Thứ Bảy tuần trước, hôm nay chúng ta nhắc lại ở đây nỗ lực của chính Tòa Thánh mới đây trong hoạt động đối thoại hết sức quan trọng này.
Hội Đồng Tòa Thánh Về Đối Thoại Liên Tôn đã tổ chức một cuộc họp vào ngày 7-9/7/2003, qui tụ các phần tử của mình, các tham vấn viên và một số khách, tại Nữ Tu Viện Thánh Tôma thuộc Tòa Thượng Phụ Greek-Melkite ở Saydnaya. Các tham dự viên đến từ các xứ Lebanon, Jordan, Thánh Địa, Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Phi, Pháp và Gia Nã Đại. Danh sách các đáng bậc được liệt kê như sau: ĐTGM Michael L. Fitzgerald, chủ tịch hội đồng điều hành cuộc họp, và các vị tham dự lễ nghi khai mạc là Đức Ignace Zakka I Iwas, Thượng phụ Chính Thống Syria, Gregory II Lahham, Thượng Phụ Công Giáo Greek-Melkite, Ignace Pierre VIII Abdel-Ahad, Thượng Phụ Công Giáo Syria, Jean Pierre XVIII Kasparian, Thượng Phụ hồi hưu Công Giáo Armeni, ĐTGM Diego Causero, Khâm Sứ Tòa Thánh ở Syria Syria, Đức Ông Ghattas Hazim, đại diện Đức Ignace IV Hazim, Thượng Phụ Antioch Chính Thống Hy Lạp.
Theo bản thông báo của Tòa Thánh hôm 14/7/2003 thì ngày đầu tiên của hội nghị có ba cuộc họp về “vấn đề đối thoại liên tôn với việc phát triển xã hội”, “vấn đề đối thoại liên tôn với nhân quyền”, và “vấn đề đối thoại liên tôn với việc tìm kiếm các giá trị chung”. Các tham dự viên trình bày về tình hình liên hệ giữa Hồi hữu và Kitô hữu ở những xứ sở liên hệ và bày tỏ lòng tri ân cảm mến đối với “vai trò của Đức Gioan Phaolô II, với các vị lãnh đạo Công giáo và các vị lãnh đạo các Giáo Hội khác trên thế giơiùi, nhất là những vị ở Trung Đông, về nền hòa bình thế giới, về việc lên án chiến tranh tấn công Iraq và về yêu cầu một nền hòa bình chân chính hoàn cầu cho Trung Đông, nhất là ở Palestine”. Ngoài ra, các tham dự viên cũng nhận định thấy được “tầm quan trọng nơi hoạt động của Hội Đồng Về Đối Thoại Liên Tôn này cũng như vai trò của hội đồng ấy trong việc cổ võ những liên hệ huynh đệ với các người Hồi giáo trên khắp thế giới, là những gì càng klhẩn trương hơn sau biến cố 911, sau chiến tranh ở Iraq cũng như sau cuộc thoái hóa về tình hình ở Palestine.
20/7 Chúa Nhật XVI Thường Niên
Có thực mới vực được đạo hay có đạo mới có gạo
Chúa Nhật XV Thường Niên Năm B tuần trước, Thánh Ký Marcô trình thuật biến cố Chúa Giêsu sớm sai các tông đồ đi rao giảng từng cặp một. Bài Phúc Âm của thánh ký cho Chúa Nhật XVI Thường Niên Năm B tuần này tiếp tục thuật lại cho thấy “các tông đồ trở về với Chúa Giêsu và thuật lại cho Người nghe tất cả những gì mình đã làm và đã dạy dỗ”. Ở đây, Thánh Ký Marcô, cũng như Thánh Ký Luca cùng thuật lại biến cố này (9:1-6), không cho biết thái độ của các tông đồ ra sao và thành qủa của chuyến truyền giáo tiên khởi này thế nào, như trường hợp của 72 môn đệ được Người sai đi sau đó và đã trở về hân hoan khoe với Đấng đã sai các vị đi rằng: “Thưa Thày, vì danh Thày ngay cả ma quỉ cũng phải nghe lời chúng con truyền” (Lk 10:17). Tuy nhiên, chỉ có Thánh Ký Marcô cho biết là sau khi nghe các tông đồ tường thuật như thế về chuyến truyền giáo tiên khởi của các vị, Chúa Giêsu đã khuyên các vị rằng “Các con hãy đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút”. Căn cứ vào lời này thì dường như các tông đồ cảm thấy mệt mã và chuyến truyền giáo tiên khởi của các vị không có gì là hào hứng mấy. Thế nhưng, nếu căn cứ vào câu cuối cùng của bài Phúc Âm tuần trước thì chuyến truyền giáo này của các vị tông đồ thành công, ở chỗ: “Các vị đã khu trừ nhiều ma quỉ, xức dầu bệnh nhân và chữa lành cho nhiều người”.
Ngoài ra, ngay sau câu Chúa Giêsu thúc giục các tông đồ như vậy thì Phúc Âm liền cho biết tiếp: “dân chúng kéo đến đông đảo làm cho các vị không còn thì giờ ăn uống. Bởi thế Chúa Giêsu và các tông đồ xuống thuyền đi đến một nơi thanh vắng. Dân chúng thấy các vị bỏ đi và nhiều người biết được việc này. Dân chúng từ tất cả các tỉnh vội vàng đi bộ đến nơi trước các vị. Xuống thuyền Chúa Giêsu thấy cả một đám đông dân chúng…”. Như thế, phải chăng hiện tượng dân chúng kéo đến với Chúa Giêsu nói riêng và Thày trò của Người nói chung đã cho thấy thành quả rực rỡ của chuyến truyền giáo tiên khởi của các tông đồ? Bởi vì, trước đó, Phúc Âm chu kỳ Năm B không hề thuật lại một hiện tượng nào như vậy, trái lại, Thánh Ký Marcô còn cho thấy cảnh thảm hại khi Chúa Giêsu trở về Nazarét trong bài Phúc Âm mới cách đây 2 tuần, bài Phúc Âm ngay trước khi Người sai các tông đồ đi truyền giáo. Theo diễn tiến của ba bài Phúc Âm, bài Chúa Nhật XIV hai tuần trước, bài Chúa Nhật XV tuần vừa rồi và bài Chúa Nhật XVI tuần này, người ta có cảm giác là sau khi thất bại ở quê quán của mình, nhờ việc Chúa Giêsu chẳng những đích thân đi rao giảng ở các vùng lân cận mà còn sai cả các tông đồ đi rao giảng nữa, mà dân chúng đã bắt đầu biết đến Người nên thấy Người ở đâu là tuốn đến đó, đông đảo đến nỗi làm cho Chúa Giêsu cảm thấy động lòng, như Thánh Ký Marcô cho biết ở cuối bài Phúc Âm tuần này: “Người động lòng thương họ, vì họ như chiên không người chăn; nên Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”.
Có hai vấn đề được đặt ra ở đây là, thứ nhất, tại sao Chúa Giêsu chỉ “động lòng thương họ” sau khi Người từ thuyền lên bờ, chứ không “động lòng thương họ” khi họ tuốn đến với Người lúc đầu, lúc họ làm cho Người cũng như làm cho các tông đồ mới đi rao giảng về không có giờ ăn uống nghỉ ngơi, trái lại, thấy vậy Người và các tông đồ còn xuống thuyền bỏ đi nữa? Và thứ hai, “Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” đây là những điều gì, và tại sao Người không cho họ ăn trước rồi mới nghe Người nói sau, vì (lúc ấy chính Người và các môn đệ cũng đã cảm thấy đói) mà Người lại có ý dạy họ nhiều điều dài dòng có thể làm cho họ nản chí bởi mệt mỏi, bởi đói khát, một tình trạng làm cho họ khó tiếp thu lời Người nói, đến nỗi có thể bỏ đi theo bản năng tự nhiên “có thực mới vực được đạo”?Vấn đề tại sao Chúa Giêsu chỉ “động lòng thương họ” sau khi Người từ thuyền lên bờ, chứ không “động lòng thương họ” khi họ tuốn đến với Người lúc đầu, lúc họ làm cho Người cũng như làm cho các tông đồ mới đi rao giảng về không có giờ ăn uống nghỉ ngơi, trái lại, thấy vậy Người và các tông đồ còn xuống thuyền bỏ đi nữa, là vì Người trước hết lo cho thành phần môn đệ của mình và sau nữa Người muốn thử thách dân chúng. Thật vậy, Chúa Giêsu thấy dân chúng tuôn đến với mình thì xuống thuyền với các tông đồ đi chỗ khác, như không quan tâm gì đến lòng khao khát và ngưỡng mộ của dân chúng, những gì quan yếu để Người có thể tỏ mình ra, những gì hoàn toàn phản lại với thái độ ở quê quán của Người cách đó ít lâu, những gì Người muốn thấy nơi dân chúng. Lý do trước hết là vì Người lo cho các môn đệ của Người, muốn cho họ có giờ nghỉ ngơi để lấy lại sức sống về cả tinh thần lẫn thể xác. Có thể suy đoán là trên đoạn đường thuyền trôi, các môn đệ đã có giờ ăn uống và tâm sự chia sẻ với nhau về chuyến truyền giáo tiên khởi hết sức hào hứng ấy. Lý do thứ hai có thể luận đoán về việc Chúa Giêsu bỏ đi khi thấy dân chúng tuốn đến với Người ngay lúc đầu là vì Người muốn thử lòng của họ, xem họ có thực sự khao khát muốn nghe Người nói và muốn thấy việc Người làm hay chăng. Bởi thế, khi thấy đoàn lũ dân chúng tuốn đến với mình lúc đầu, Người đã động lòng thương họ rồi, nhưng sau khi thấy họ quả thực chẳng những khao khát mà còn nhất định tìm kiếm hết sức vất vả cho đến cùng những gì họ khao khát thì Người tỏ mình ra cho họ hơn nữa, hơn những lần họ thấy Người trước đó, bằng cách “bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”.
Về vấn đề nội dung của bài giảng dài dòng này, Thánh Ký Marcô không ghi rõ là gì và như thế nào. Tuy nhiên, theo thời điểm và địa điểm, cũng như căn cứ vào bộ Phúc Âm Nhất Lãm nói chung và Phúc Âm Thánh Mathêu nói riêng thì bài giảng lần này của Người không phải là Bài Giảng Phúc Đức Trên Núi như ở Phúc Âm Thánh Mathêu (đoạn 5-7), vì sau bài giảng này Chúa Giêsu mới gọi Thánh Mathêu (9:9-13), trong khi theo Thánh Ký Marcô, Chúa Giêsu đã sai 12 tông đồ đi rao giảng từng cặp một rồi. Bài giảng lần này của Người cũng không phải là bài giảng về một loạt những dụ ngôn Nước Trời như trong Phúc Âm Thánh Ký Mathêu (đoạn 13), vì sau đó Thánh Ký Mathêu cho biết sự kiện Chúa Giêsu trở về Nazarét (13:54-58), một sự kiện đã xẩy ra ở Phúc Âm Thánh Marcô trước khi Người sai 12 tông đồ đi rao giảng, và loạt bài dụ ngôn Nước Trời cũng đã được chính Thánh Ký Marcô thuật lại ở đoạn trước rồi (4:1-34). Bài giảng lần này của Người cũng không phải là bài giảng về Bánh Hằng Sống như được thuật lại trong Phúc Âm Thánh Gioan ở đoạn 6, vì Người chỉ giảng về Bánh Hằng Sống sau khi đã cho dân chúng ăn no nê mà thôi. Đó là lý do, sau bài Phúc Âm theo Thánh Marcô tuần này về việc Chúa Giêsu động lòng thương dân chúng và giảng dạy họ nhiều điều dài dòng, từ Chúa Nhật 17 tuần tới đến hết Chúa Nhật 21 Mùa Thường Niên Năm B, tức suốt trong 5 Chúa Nhật liền, chúng ta sẽ nghe Giáo Hội cho đọc các bài Phúc Âm về Bánh Hằng Sống theo Phúc Âm Thánh Ký Gioan.
Vậy thì Chúa Giêsu đã giảng dạy đám đông dân chúng hết sức khao khát tuốn đến nghe Người đây những gì? Phải chăng Người giảng dạy họ về vai trò của một vị mục tử, vì Thánh Ký Marcô cho biết lý do thực sự làm cho Chúa Giêsu động lòng thương dân chúng là “vì họ giống như chiên không chủ chăn”? Tuy nhiên, bài giảng về vai trò chủ chiên nhân lành đã được Thánh Ký Gioan thuật lại ở đoạn 10, sau đoạn 6 về Bánh Hằng Sống, đoạn trực tiếp liên quan đến bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này. Căn cứ vào Phúc Âm Thánh Ký Luca, thì bài Phúc Âm của Thánh Marcô Chúa Nhật XVI Thường Niên tuần này xẩy ra trước biến cố Thánh Phêrô tuyên xưng Thày là Đức Kitô (9:18-29) và biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi cao (9:28-36), cũng như trước biến cố Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi rao giảng cho đợt truyền giáo thứ hai (10:1-20), vì trước ba biến cố này, Thánh Ký Luca thuật lại biến cố bánh hóa ra nhiều lần thứ nhất, lần hóa bánh nuôi 5 ngàn người cũng được Thánh Ký Marcô thuật lại ngay sau bài Phúc Âm hôm nay. Thật ra, chúng ta không thể nào biết được đích xác những gì Chúa Giêsu nói dài dòng với dân chúng trước lần hóa bánh ra nhiều đầu tiên này. Tuy nhiên, tùy theo đối tượng thính giả và trường hợp, Chúa Giêsu cũng có thể lập lại một số điều Người đã nói ở các bài giảng trước đó, như bài về các mối phúc đức, hay sau đó, như bài về vai trò mục tử. Vấn đề ở đây, trong bài Phúc Âm tuần này, theo Thánh Ký Marcô, không phải là vấn đề Chúa Giêsu nói những gì, cho bằng vấn đề Người giảng dạy nuôi dân về phần hồn trước rồi mới nuôi dân về phần xác sau, một chi tiết không hề được nhắc đến ở Phúc Âm Thánh Mathêu và Luca ngay trước biến cố bánh hóa nhiều lần thứ nhất này.
Đúng thế, bài Phúc Âm Thánh Marcô tuần này cho thấy rằng Lời Chúa đã thu hút dân chúng và làm cho dân chúng say mê là chừng nào, nghe đến quên ăn, đến không biết đói là gì. Họ đâu ngờ rằng sau đó họ sẽ được Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều nuôi họ, thế mà họ vẫn cứ nghe. Giá biết trước sẽ xẩy ra phép lạ hóa bánh ra nhiều thì còn bảo là dân chúng nghe Lời Chúa vì chờ được ăn bánh no nê. Vả lại, không biết có ai trong họ đã đề phòng mang theo lương thực hay chăng, vì họ đã vội vàng đi chặn đầu Chúa Giêsu khi thấy Người xuống thuyến bỏ đi chỗ khác (x Mk 6:33)? Chắc hẳn là không, vì khi cần làm phép lạ hóa bánh ra nhiều thì trong dân chúng chỉ vỏn vẹn có 5 chiếc bánh và hai con cá của một cậu bé mà thôi (6:38). Bởi vậy sự kiện dân chúng nghe Lời Chúa mà không biết mệt, biết đói, hay dù mệt, dù đói, họ vẫn nghe được Lời Chúa, không bỏ về, không tìm ăn, đã thực sự làm sáng tỏ những gì Chúa Giêsu phán với tên cám dỗ Người trong hoang địa khi hắn xúi giục Người hãy biến đá thành bánh mà ăn cho đỡ đói sau 40 ngày chay tịnh: “Người ta không nguyên sống bởi bánh mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4; Deut 8:3). Kinh nghiệm sống đạo thực tế cũng cho thấy rõ chân lý này, ở chỗ, một khi ăn no nê về phần xác, con người khó có thể cầu nguyện mà không buồn ngủ. Bài Phúc Âm hôm nay còn cho thấy một chân lý nữa, một chân lý đã được Chúa Giêsu khẳng định trong Bài Giảng Phúc Đức Trên Núi: “Các con trước hết hãy tìm nước Chúa và sự công chính của Người, rồi mọi sự khác sẽ được ban cho các con sau” (Mt 6:33). Dân chúng quả thực đã khao khát tìm nghe Lời Chúa là những gì chính yếu trước, nên họ đã được Người sau đó ban cho họ những sự khác là của ăn phần xác vậy.
Nếu tiền bạc và kinh tế không thể nào giải phóng con người, như phong trào thần học giải phóng và chủ nghĩa cộng sản cũng như duy tư bản chủ trương, trái lại, càng dồi dào về vật chất, càng văn minh về khoa học và kỹ thuật, như hiện trạng thế giới ngày nay cho thấy, con người càng bị phá sản về văn hóa và khủng hoảng đức tin thế nào, tức một khi con người càng “có thực” chẳng những không “vực được đạo” mà còn càng bỏ đạo hơn nữa, thì quả thực con người cần phải có đạo thì mới có gạo. Bằng không, nếu không có “đạo”, tức chỉ biết sống theo quyền làm người, theo đuổi tiện nghi vật chất, đua đòi thời trang v.v. thì kho “gạo” văn minh vật chất tiện nghi đầy đủ ngày nay, một lúc nào đó, chắc chắn, như thực tế đang cho thấy, bị chính bàn tay con người bao đời gặt hái thu lượm tự hủy hoại vô cùng phũ phàng thảm thương. Các Nghị Phụ Công Hội Giám Mục Âu Châu đã nhận định rất đúng về tình trạng con người văn minh hiện đại đầy đủ vật chất mà vẫn bần cùng thiếu thốn về tinh thần, một nhận định đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ghi lại trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Âu Châu ở đoạn 8 và 9 như sau:• “Trong lúc các tổ chức bác ái tiếp tục thi hành hoạt động đáng ca ngợi thì người ta vẫn nhận thấy xẩy ra tình trạng suy yếu nơi cảm thức đoàn kết, đưa đến chỗ nhiều người không thiếu gì những nhu cầu vật chất mà lại càng cảm thấy cô đơn, khiến họ thấy mình không nơi nương tựa về cảm tình và nâng đỡ”.
• “Nền văn hóa Âu Châu gây nên cái ấn tượng về việc ‘âm thầm bỏ đạo’ nơi thành phần có được tất cả mọi sự họ cần lại là thành phần sống như thể không có Thiên Chúa”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
(Giáo Hội Hiện Thế các tuần trước)