Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 2/2003
 

Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu, nhậy cảm với tình trạng khổ đau của các dân tộc đang vẫn còn chịu đói khát, được tiến đến chỗ liên kết với anh chị em mình hơn nữa”.

Ý Truyền Giáo:
“Xin cho Giáo Hội ở Mã Lai, Nam Dương và Brunei, trong khi vẫn cởi mở đối thoại với các tín đồ của các tôn giáo khác, biết trung thành với sứ vụ truyền bá phúc âm hóa chân thực của mình”.

 

 

 

 

___________________________________________

 22-28/2/2003

 

 

 

28/2 Thứ Sáu

Không ai phủ nhận mà vẫn bất đồng: Cốt Lõi của vấn đề Iraq?

Theo bản thông báo của văn phòng báo chí của Tòa Thánh Vatican thì sáng Thứ Năm 27/2/2003, đúng như dự định, Thủ Tướng Tây Ban Nha José María Aznar đã đến gặp riêng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, sau đó vị thủ tướng này đã gặp Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano và ĐTGM Ngoại Trưởng Jean-Louis Tauran. Trong cuộc gặp gỡ nửa tiếng đồng hồ này, ĐTC và vị thủ tướng này: “đồng ý tình hình diễn tiến ở Iraq là nghiêm trọng và cần phải được giải quyết. ĐTC hy vọng là tất cả mọi phe liên hệ, không trừ bên nào, sẽ đi đến chỗ có những quyết định chính đáng và thực hiện những hành động ôn hòa vừa có công hiệu vừa hợp với công lý theo luật lệ quốc tế và những nguyên tắc luân thường đạo lý. Vị lãnh đạo chính quyền Tây Ban Nha này giải thích về đường lối tác hành của Tây Ban Nha cho đến lúc này trong việc đối đầu với cuộc khủng hoảng Iraq chẳng hạn, nhất là với vấn đề khủng bố nguy hiểm là những gì cần đến việc hoạt động chung về phía Tổ Chức Liên Hiệp Quốc. Về những vấn đề này, đã có những chủ trương theo chiều hướng hợp với của Tòa Thánh. Sau hết, cả hai đã xét đến một số khía cạnh về thực tại của Âu Châu, chú trọng đặc biệt đến Bản Thỏa Ước Hiếp Pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu”.
 

Trong khi đó, các viên chức tình báo Hoa Kỳ cho hay, theo họ thì lực lượng quân sự của Iraq đang chuyển vị trí đóng quân, một là ở Tikirt, quê cha đất tổ của Saddam Hussein hai là ở Baghdad để bảo vệ thủ đô Iraq. Đơn vị quân đội này là một trong hai đơn vị Bảo An Cộng Hòa ở miền Bắc Iraq. Tình báo Hoa Kỳ đã theo dõi việc chuyển quân này mấy ngày nay. Đầu tuần này có cả trăm chiến xe cam-nhông đã rời chỗ để đi lấy quân liệu cho đơn vị này. Nếu việc chuyển quân này kéo về Baghdad thì có lẽ Saddam Hussein muốn quân Hoa Kỳ tiến vào thành phố là nơi dân cư trú ngụ. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu Hoa Kỳ có dám tấn công vào thành phần dân chúng ở thủ đô này hay chăng?
 

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề bỏ phiếu chấp nhận cho 62 ngàn quân của Hoa Kỳ đóng đô để tấn công Iraq vẫn chưa giải quyết xong, và đã bị dời lại cho tới Thứ Bảy này. Lý do là vì họ muốn chờ xem kết quả cuộc họp của Hội Đồng Bảo An vào ngày Thứ Bảy 1/3. Ngoài ra, còn một lý do nữa là hiện nay con số dân Thổ chống chiến tranh lên đến 90%.

Phần Hội Đồng Bảo An dự tính sẽ có một cuộc họp kín vào Thứ Năm 27/2/2003 để bàn về vấn đề Iraq. Trong khi phe chủ chiến là Hiệp Chủng Quốc, Hiệp Vương Quốc và Tây Ban Nha đưa ra bản quyết định mới dứt khoát vấn đề có thể sử dụng võ lực để giải quyết vấn đề Iraq, thì phe chủ hòa là Pháp, Đức và Nga lại kêu gọi việc “giải giới hoàn toàn và hiệu nghiệm” bằng đường lối ôn hòa. Ba quốc gia thành viên có quyền phủ quyết veto là Pháp, Nga và Tầu đều chống lại chiến tranh và kêu gọi Hội Đồng đừng cắt ngang việc thanh tra vũ khí.
 

Tại Bắc Kinh, hai ngoại trưởng của Tầu Tang Jiazuan và Nga Ivan Ivanov đã công bố một bản tuyên ngôn chung kêu gọi “một giải pháp chính trị” cho cuộc khủng hoảng Iraq, theo chiều hướng chống lại chiến tranh đánh Iraq. Theo họ, chiến tranh “có thể và phải được ngăn tránh”, và các thanh tra viên cần thêm thời gian làm việc. Họ muốn tiếp tục thi hành Quyết Định 1441 chưa không thích có bản quyết định mới của phe chủ chiến. Vì theo hai vị ngoại trưởng này, bản quyết định đang được thi hành đây “có đủ căn bản cần thiết để giải quyết vấn đề”. Bởi đó Hội Đồng Bảo An phải tiếp tục thi hành bản quyết định ấy. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Tây Phương cho CNN biết thì Nga và Tầu có thể sẽ không veto quyết định mới do phe chủ chiến phác họa. Tuy nhiên, Pháp vẫn không đổi ý.
 

Tại Paris, Thủ Tướng Pháp là Jean Pierre Raffarin trong cuộc tranh luận ở Quốc Hội đã cảnh giác là việc tuyên chiến trước khi có thêm thời gian ngoại giao sẽ được “coi là liều lĩnh và bất hợp pháp”. Vị thủ tướng này đã nói với quốc hội rằng: “Việc can thiệp bằng võ lực hiện nay, khi mà tất cả mọi cơ hội giải quyết ôn hòa còn đang được thực hiện, sẽ đưa đến chỗ chia rẽ cộng đồng thế giới… Chiến tranh sẽ gây nên một làn sóng khó hiểu và ngờ vực. Chiến tranh sẽ làm suy yếu liên minh thế giới trong việc chống lại nạn khủng bố”. Trong khi vị thủ tướng Pháp được quốc hội của ông hoan hô thì cũng trong thời gian này, tại quốc hội Hiệp Vương Quốc, thủ tướng Tony Blair lại bị quốc hội của ông phản đối và chống lại không ít, nhất là từ đảng của ông. Trong số 199 tỏ ra chống đối ông có 124 thuộc đảng của ông, thành phần sẽ thực hiện một bản tu chính về vấn đề phản chiến. Những lời công bố của vị thủ tướng này nói lên sau khi Pháp, Đức và Nga nộp bản dự thảo của họ cho Liên Hiệp Quốc về bước tiến từ từ giải giới Iraq.

 

Nhận định của Thời Ðiểm Maria:
 

Đối với vấn đề Iraq không ai phủ nhận mà vẫn cứ bất đồng? Vấn đề rất đơn giản mà tại sao cả thế giới giải quyết cả hơn nửa năm nay, từ tháng 10 năm 2002 tới nay, mà vẫn chưa xong, mà vẫn không nổi? Không ai phủ nhận là cần phải giải giới Iraq. Thế nhưng vẫn cứ bất đồng về đường lối giải giới? Phe chủ chiến nhất định tìm hết cách và moi hết mọi lý do để giải giới bằng võ lực bằng được, trong khi phe chủ hòa nhất định phải điều tra rõ ràng rồi mới tính chuyện. Theo lý thì phe chủ hòa đúng, vì muốn giải giới phải biết Iraq có khí giới đại công phá không đã. Đó là lý do cần phải có các thanh tra viên. Vậy thì tại sao các thanh tra viên đang làm việc và chưa tìm ra những thứ cần giải giới thì cứ muốn dùng võ lực nhào vô giải giới là làm sao? Chẳng lẽ các thanh tra viên quốc tế không thể làm việc của mình như được thế giới tin tưởng ủy thác hay sao? Nếu các thanh tra viên đang làm việc của mình và chưa khám phá ra Iraq có gì đáng phải hay cần phải giải giới mà phe chủ chiến đã nhào vô tấn công bằng quân sự rồi thì không phải là họ đã trắng trợn khủng bố trước thanh thiên bạch nhật, không phải chỉ khủng bố riêng nước Iraq mà là khủng bố chung cả quyền bính quốc tế mà Liên Hiệp Quốc là tiêu biểu nữa hay sao? Bởi thế không lạ gì và đáng buồn cười là các cuộc biểu tình khắp thế giới từ 6 tháng nay không ai xuống đường phản đối Iraq và cá nhân Tổng Thống Saddam Hussein, một nhà độc tài dã man vô nhân đạo đáng phải trừ diệt trước mắt Hoa Kỳ, mà lại xuống đường biểu tình phản đối Hoa kỳ và cá nhân Tổng Thống Bush! Chủ trương của các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng đều thiên về chủ hòa, giống như chủ trương của Pháp-Đức-Nga và 2/3 quốc gia thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bây giờ. Chẳng lẽ cả thế giới bị mù, chỉ trừ phe chủ chiến? Vậy thì vấn đề ở đây không phải là Iraq mà là Hoa Kỳ. Thử hỏi nếu Hoa Kỳ bỏ đi chủ trương chủ chiến của mình thì liệu Hiệp Vương Quốc và Tây Ban Nha có còn tiếp tục chủ chiến hay chăng? Như thế, cốt lõi của vấn đề là Hoa Kỳ, đúng hơn, là chính phủ Bush, là đầu giây mối rợ gây rắc rối thế giới và khuấy động cả toàn cầu hiện nay. Chỉ cần cá nhân Tổng Thống Bush nghĩ lại, bảo đảm mọi sự sẽ lắng đọng và sẽ được giải quyết tốt đẹp. Vấn đề then chốt là ở chỗ đó!

 

 

27/2 Thứ Năm

 

Tay Đạo Diễn Vỡ Bi Hùng Kịch Bush-Saddam: Võ Lực Hoa Kỳ Giải Giới Iraq.

Trong một cuộc phỏng vấn được tờ tuần báo Đức Die Zeit phổ biến vào ngày Thứ Năm 27,2/2003, ông trưởng ban thanh tra Liên Hiệp Quốc Hans Blix đã cho biết là “Iraq đã có thể làm hơn nữa” trong việc hợp tác với các thanh tra viên, “và chúng tôi sẽ ghi nhận điều ấy”.

Lời nhận định này của ông Blix xẩy ra trong tuần lễ trước ngày hạn định, Thứ Bảy 1/3/2003, ông đã đưa ra cho Iraq về việc Iraq phải phá hủy hai phi đạn tầm xa Al Samound. Trong khi đó, phe chủ chiến Hiệp Chủng Quốc, Hiệp Vương Quốc và Tây Ban Nha đã phác họa bản quyết định nhất định giải giới Iraq vì Iraq đã vi phạm Quyết Định 1441 vì tỏ ra không chịu cộng tác với các thanh tra viên. Tổng Thống Bush đã tuyên bố hôm Thứ Tư 26/2/2003 rằng Saddam Hussein “sẽ phải giải giới không cách này thì cách khác… Cái nguy của vấn đề không làm gì – cái nguy của việc bảo đảm là Saddam Hussein sẽ thay đổi, cái nguy của việc suy nghĩ và hy vọng về những gì tốt đẹp nhất cho nhân dân Hoa Kỳ – còn nghiêm trọng hơn cả cái nguy dấn quân nếu chúng ta cần phải làm”.
 

Ông Blix còn nói với tờ tuần san này rằng ông hoàn toàn không biết là Iraq có muốn cộng tác với thanh tra viên hay chăng: “Đằng khác, xứ sở này đã trải qua 8 năm thanh tra, 4 năm không thanh tra và giờ đây lại 12 tuần thanh tra nữa. Phải chăng đây là lúc chấm dứt? Tất cả vấn đề là một tiến trình, mới chỉ di dịch được từng li vậy thôi. Cho dù Iraq có cộng tác lập tức, chủ động và vô điều kiện với chúng tôi chăng nữa thì chúng tôi cũng cần cả mấy tháng nữa mới xong”. Cũng tronmg cuộc phỏng vấn của tờ tuần san này hôm Thứ Tư 26/2/2003, ông còn nhận định là Iraq phải “hết sức cố gắng” trong việc làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến việc giải giới của họ: “Tôi không nghĩ rằng chúng tôi có thể nói chúng tôi có một bản liệt kê rất dài về những vấn đề giải giới… Chúng tôi đón nhận mọi nỗ lực, và tôi phải công nhận là mới đây họ cũng đã tỏ ra nỗ lực hơn”.

Sau cuộc gặp gỡ với Thủ Tướng Tây Ban Nha José María Aznar hôm Thứ Tư 26/2/2003, Tổng Thống Pháp Chirac đã cho biết ông hoàn toàn đồng ý với phe chủ chiến Hiệp Chủng Quốc, Hiệp Vương Quốc và Tây Ban Nha là Iraq cần phải giải giới những thứ vũ khí đại công phá. Thế nhưng, ông cho biết: “Chúng tôi khác nhau là ở chỗ làm cách nào để có thể đạt được mục tiêu này. Như quí vị biết Pháp cho rằng vấn đề giải giới có thể đạt được bằng phương tiện ôn hòa, tức là bằng việc thanh tra hơn nữa”.
 

Phần Tổng Thống Saddam Hussein, cũng trong cuộc phỏng vấn với Đài Truyền Hình CBS của Hoa Kỳ, ngoài vấn đề sẵn sàng nói chuyện với Tổng Thống Bush để công khai giải quyết vấn đề trước mặt thế giới qua truyền thanh và truyền hình, ông còn minh định 3 điều khác nữa, đó là ông sẽ không đi đâu ngoài Iraq và sẵn sàng chết tại Iraq, ông cũng sẽ không phá hủy các mỏ dầu của Iraq giành cho nhân dân và quê hương thân yêu của ông, và Iraq không hề có liên hệ gì với tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda: “Chúng tôi sẽ chết ở đây. Chúng tôi sẽ chết tại xứ sở này và chúng tôi sẽ giữ được vinh dự của mình… Iraq không thiêu rụi cái phong phú của mình và cũng không phá hủy các đập nước”. Sở dĩ điều này được đặt ra là vì trong trận Bão Chiến Sa Mạc Dessert Storm hay cuộc Chiến Vùng Vịnh Gulf War năm 1991, Iraq đã đốt cả trăm vùng dầu hỏa của Kuwait khi quân đội của họ rời bỏ xứ sở này sau cuộc xâm chiếm bị Hoa Kỳ can thiệp. Về vấn đề dính dáng với tổ chức khủng bố quốc tế, ông nói: “Tôi nghĩ rằng chính Ông Bin Laden mới đây, qua một trong một bài nói chuyện của ông, đã dưa ra câu trả lời này là chúng tôi không hề có dính dáng đến ông ấy”.
 

Trong khi đó, tại Hiệp Vương Quốc, Thủ Tướng Tony Blair đang gặp chống đối không ít (1/4) ngay trong đang Lao Động MP của ông trong cuộc bỏ phiếu cho vấn đề Iraq, không phải là vấn đề đánh Iraq mà là vấn đề Bản Quyết Định mới do Hoa Kỳ chủ xướng phác họa. Con số Ử chống đối trong đảng của mình này, cộng với 750 ngàn người xuống đường biểu tình trong tháng Hai này, và các cuộc thăm dò mới đây cho thấy thế giá của vị thủ tướng này đã chìm hẳn xuống. Tình hình này đã làm cho vị ngoại trưởng Jack Straw lo ngại: “Vấn đề đình trệ này sẽ cho Saddam dấu hiệu rõ ràng nhất là sách lược của hắn đang thành công. Nó sẽ cho hắn hay là cộng đồng thế giới không có ý giải giới hắn”.
 

Trong cuộc tranh luận này, ông Chris Smith, nguyên bộ trưởng trong nội các của thủ tướng Tony, bày tỏ như sau: “Có những lúc rất thuận lợi cho chiến tranh. Thế nhưng, vào lúc này đây, thời điểm hình như được quyết định bởi tổng thống Hoa Kỳ chứ không phải bởi lý lẽ của các biến cố xẩy ra. Chúng ta đang nói đến cả hằng ngàn những mạng sống vô tội bị sát hại, về những tử vong hầu như không thể tránh được nơi các lực lượng của chúng ta… cũng như về thái độ lạnh lùng của thành phần quần chúng Hồi Giáo ôn hòa trên khắp thế giới”. Ông George Galloway, một đảng viên Lao Động MP đặt vấn đề về chiến tranh như sau: “Tôi không tin rằng cuộc chiến này sẽ đánh nhanh và đánh gọn. Các hậu quả của nó… ảnh hưởng rung chuyển của nó sẽ gây ra là tình trạng lũng đoạn cuộc sống ở xứ sở này cũng như trên khắp thế giới qua nhiều năm tháng”. Vị phát ngôn viên phụ trách ngoại vụ của Đảng Bảo Thủ là ông Michael Ancram cho biết: “Đôi khi những cuộc xung khắc cần đạt tới hòa bình một cách ngắn hạn bằng mối đe dọa tấn công, và đôi khi cái đe dọa xung đột lại tạo nên hòa bình”.
 

Vấn đề Iraq vẫn là vấn đề chẳng những gây căng thẳng và giằng co trên hiện trường chính trị thế giới mà còn làm nhức nhối lương tâm của các vị lãnh đạo tôn giáo. Vấn đề đánh nhau không phải chỉ liên quan và thuộc về lãnh vực chính trị trần thế, mà trước hết và trên hết liên quan và thuộc về lãnh vực tinh thần và luân lý. Bởi thế, như Tòa Thánh Rôma và các Hội Đồng Giám Mục các nước trên thế giới đã lần lượt lên tiếng phản đối cái thứ chiến tranh ra tay đánh trước để ngăn ngừa, bất chấp tất cả mọi hậu quả xẩy ra sau đó, các vị lãnh đạo Kitô Giáo ở Trung Đông, gồm có Đức Thượng Phụ Michel Sabbah thuộc lễ nghi Latinh, ĐHY Vinko Puljic, TGM ở Sarajevo, và Đức Thượng Phụ Raphael Bidawid ở Babylon thuộc lễ nghi Chaldeans ở Iraq đã lên tiếng trong một bản văn đề ngày Chúa Nhật 23/2/2003 như sau:

 

“Vào giờ phút cả thế giới quan tâm này, tất cả chúng ta đều cảm thấy cần phải hướng về Chúa để nài xin đại ân hòa bình. Hòa bình là con đường duy nhất cần phải đi; nó là một hướng đi bắt buộc. Chúng tôi, những người đã từng sống và vẫn đang sống thảm cảnh chiến tranh, muốn nói cùng toàn thể thế giới, nhất là với thành phần quyền lực trên trái đất này, đó là xin đừng bước vào con đường chiến tranh, vì nó là con đường cùng không lối thoát. Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta. Phúc Âm hòa bình phải soi sáng tâm hồn chúng ta và phải hướng dẫn việc chọn lựa của chúng ta để vấn đề bạo lực và chiến tranh hoàn toàn bị loại bỏ. Nếu chiến tranh là hủy hoại và chết chóc, thì hẩu quả thê thảm không kém do chiến tranh gây nên, đó là chia rẽ, hận thù ghen ghét và nhiều thành phần tị nạn… Hãy hy vọng vào Thiên Chúa là Đấng bao giờ cũng lắng nghe lời nguyện cầu của những kẻ bé mọn, người nghèo hèn và kẻ bất lực. Xin đừng bỏ chúng tôi một mình, vì hôm nay đây thế giới cần phải kiến tạo niềm hy vọng này”.


 

Nhận định của Thời Điểm Maria: Các chính khách trên thế giới không hẹn mà hò rủ nhau đến gặp Đức Thánh Cha về vấn đề Iraq, như hôm Thứ Sáu 14/2 có Phó Thủ Tướng Iraq Tariq Aziz, hôm Thứ Ba 18/2 có Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi, hôm Thứ Bảy 22/2 có Thủ Tướng Hiệp Vương Quốc United Kingdoms Tony Blair đồng minh đệ nhất của Hoa Kỳ, và hôm Thứ Năm 27/2 có Thủ Tướng Tây Ban Nha José María Aznar cũng đang sát cánh với Hoa Kỳ. Phải chăng sự kiện chính trị thế giới tìm đến tham vấn thẩm quyền tôn giáo, mà Giáo Hội Công Giáo là tiêu biẻu, để giải quyết vấn đề hết sức nhức nhối lương tâm nhân loại hiện nay, không cho thấy chính trị không thể tách rời luân lý được hay sao? Đó là lý do, theo Ý Chúa Quan Phòng, Giáo Hội Công Giáo, với tư cách là một Quốc Đô Vatican, một quốc gia nhỏ nhất trên thế giới, như hạt cải nhỏ nhất trong các hạt giống, đã giữ vai trò quan sát viên thường trực ở Liên Hiệp Quốc, chẳng khác gì vai trò của lương tâm nơi con người vậy, để nhờ vị thế này của mình, Tòa Thánh có thể lên tiếng nhắc nhở thẩm quyền thế giới phải làm sao luôn biết phục vụ cộng đồng nhân loại trong công lý và hòa bình.

 

Cuộc chiến tranh giữa con người với nhau có thể sắp sửa xẩy ra đây không phải là cuộc chiến giữa Tổng Thống Goerge Bush và Tổng Thống Saddam Hussein, giữa một siêu cường Hoa Kỳ và một tiểu quốc Iraq, giống như giữa một Đại Quốc Trung Hoa với một Tiểu Quốc Giao Chỉ Nam Việt ngày xưa, cho bằng là cuộc chiến giữa con người với ngụy thần, với ma qủi, với “tên sát nhân ngay từ ban đầu”, như Chúa Giêsu vạch mặt chỉ tên hắn trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 8 câu 44. Đó là lý do tất cả những gì hận thù ghen ghét đều sặc mùi tử khí xông ra từ ma quỉ, và tất cả những gì gây tàn hại cho con người và làm cho con người chia rẽ với nhau, đều phát xuất từ ma quỉ. Còn gì gây tàn hại cho con người và chứng tỏ con người chia rẽ nhau bằng chiến tranh. Chiến tranh là màn bi hùng kịch ma quỉ thích xem nhất, vì hắn chính là tay đạo diễn tài tình nhất, vừa biên soạn, vừa chọn vai, rồi giật giây điều hành con người để họ làm theo đúng như những gì hắn muốn, những gì gian dối theo bản tính của hắn và phá hoại theo xu hướng của hắn. Thế giới văn minh vật chất luôn nói đến nhân quyền ngày nay đang chứng kiến một màn bị hùng kịch Bush-Saddam hết sức sống động và đến hồi gay cấn nhất, không biết sắp sửa hạ màn hay chưa? Chỉ biết rằng cỏ lùng do kẻ thù ma qủi gieo vào thửa ruộng thế gian, cho dù hiện tại tạm thời có mọc lên át cả lúa miến chăng nữa, cuối cùng đám cỏ lùng này cũng sẽ bị thiêu rụi trong lửa đời đời. Vậy, chúng ta hãy tin tưởng cầu nguyện với Đấng làm chủ vũ trụ và lịch sử loài người, Đấng vô cùng khôn ngoan và toàn năng sẽ khéo léo sử dụng những tay sai của Satan để làm công cụ trong việc thực hiện cho “Nước Cha trị đến. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Amen.
 

 

26/2 Thứ Tư

 

Cùng Mẹ Maria Chiêm Ngưỡng Dung Nhan Chúa Kitô
Bằng Kinh Mân Côi Để Truyền Bá Phúc Âm Hóa


Sứ Điệp của ĐTC Gioan Phaolô II cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 77

 

Ngày 21/2/2003, Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh đã phổ biến sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyến Giáo lần thứ 77 này, một ngày sẽ được cử hành vào ngày 19/10/2003. Ngày Chúa Nhật 19/10/2003 này cũng trùng với ba biến cố khác: biến cố thứ nhất là việc phong chân phước cho Mẹ Têresa Calcutta, vị sáng lập Dòng Thừa Sai Bác Aùi; biến cố thứ hai là việc mừng Ngân Khánh 25 Năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị được bầu làm giáo hoàng ngày 16/10 và đăng quang ngày 22/10/1978; và biến cố thứ ba là kết thúc Năm Mân Côi (10/2002-2003). Sau đây là nguyên văn sứ điệp của ĐTC, một sứ điệp truyền giáo liên quan đến Kinh Mân Côi.

Anh Chị Em thân mến,

1. Từ ban đầu, Tôi đã muốn đặt giáo triều của Tôi dưới sự che chở của Mẹ Maria. Ngoài ra, Tôi thường xin toàn thể cộng đồng tín hữu hãy sống lại cảm nghiệm của Căn Thượng Lầu Tiệc Ly, nơi các môn đệ “đã chuyên tâm cầu nguyện, cùng với … Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu” (Acts 1:14). Trong Thông Điệp đầu tiên của mình là “Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại” Redemptor Hominis, Tôi đã viết rằng, chỉ khi nào chúng ta ở trong bầu khí sốt sắng nguyện cầu chúng ta mới có thể “lãnh nhận Thánh Linh xuống trên chúng ta, nhờ đó, chúng ta mới có thể trở thành những chứng nhân của Chúa Kitô ‘cho đến tận cùng trái đất’, như những vị đã xuất thân từ Căn Thượng Lầu Tiệc Ly ở Giêrusalem vào ngày Lễ Ngũ Tuần” (số 22).

 

Giáo Hội càng nhận thức hơn về việc Giáo Hội là “mẹ” như Đức Maria. Như Tôi đã đề cập đến trong Sắc Chỉ “Mầu Nhiệm Nhập Thể” Incarnationis Mysterium, vào dịp Mừng Đại Năm Thánh 2000, Giáo Hội là “chiếc nôi được Mẹ Maria đặt Chúa Giêsu nằm trong ấy để cho tất cả mọi dân nước tôn thờ và chiêm ngắm” (số 11). Giáo Hội có ý định tiếp tục con đường linh đạo và truyền giáo này, với cuộc đồng hành của Vị Trinh Nữ Diễm Phúc, Minh Tinh của Việc Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa, bình minh rạng ngời và là vị hướng đạo rành đường dẫn lối cho chúng ta đi” (x Tông Thư Mở Màn Cho Một Ngàn Năm Mới Novo Millennium Ineunte, số 58).

Mẹ Maria và Sứ Vụ của Giáo Hội trong Năm Mân Côi

2. Tháng 10 năm trước, thời điểm bước vào năm thứ 25 của giáo triều của mình, Tôi đã cộng bố một Năm đặc biệt như để tiếp nối thiêng liêng cho Năm Thánh, một năm được dùng để tái khám phá kinh nguyện Mân Côi rất thân thương với truyền thống Kitô Giáo. Đó là một năm cần phải được sống dưới ánh mắt của Vị mà, theo dự án nhiệm mầu của Thiên Chúa, bằng tiếng “xin vâng” của mình, đã làm cho việc cứu độ loài người được thực hiện, cũng là Vị ở Thiên Đàng tiếp tục bảo vệ những ai hướng về Mẹ, nhất là trong những lúc khốn khó trong cuộc sống.

Tôi muốn Năm Mân Côi trở thành một cơ hội thuận lợi cho các tín hữu ở tất cả mọi lục địa trong việc đi sâu vào ý nghĩa của ơn gọi Kitô Giáo của mình. Tại học đường của Vị Trinh Nữ Diễm Phúc và noi theo bắt chước gương của Người, hết mọi cộng đồng sẽ có khả năng hơn nữa trong việc làm cho hoạt động “chiêm niệm” và “truyền giáo” hòa hợp với nhau.

Nếu Ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo, được xẩy ra vào đúng lúc kết thúc năm Thánh Mẫu đặc biệt này, được sửa soạn kỹ lưỡng, nó sẽ là một động lực mạnh mẽ hơn nữa cho việc dấn thân này của cộng đồng giáo hội. Tin tưởng chạy đến với Mẹ Maria, bằng việc hằng ngày đọc kinh Mân Côi và suy niệm các mầu nhiệm đời sống của Chúa Kitô, là chú trọng đến sự kiện sứ mệnh của Giáo Hội phải được bảo dưỡng trước hết bằng việc cầu nguyện. Thái độ “lắng nghe”, một thái độ được nhắc nhở bởi việc cầu Kinh Mân Côi, mang tín hữu lại gần với Mẹ Maria, Vị “đã giữ tất cả mọi điều ấy mà suy niệm trong lòng” (Lk 2:19). Việc thường xuyên suy niệm Lời Chúa khiến chúng ta sống “trong cuộc hiệp thông sống động với Chúa Giêsu, có thể nói, nhờ trái tim Mẹ của Người” (Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria Rosarium Virginis Mariae, số 2).

Một Giáo Hội càng chiêm niệm ở chỗ nhìn ngắm dung nhan Chúa Kitô hơn

3. “Cum Maria comtemplemur Christi vultum!” Những lời này thường gợi lên trong lòng chúng ta việc cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng “dung nhan” Chúa Kitô. Khi chúng ta nói về “dung nhan” của Chúa Kitô, chúng ta muốn nói đến hình ảnh nhân loại của Người chiếu tỏa vinh quang Người Con duy nhất của Chúa Cha (x Jn 1:14). “Vinh quang của Thần Tính phát tỏa từ dung nhan của Chúa Kitô” (Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria Rosarium Virginis Mariae, số 21). Việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô dẫn chúng ta đến mối thân tình nội tại sâu xa hơn nữa với mầu nhiệm của Người. Việc chiêm ngưỡng Chúa Giêsu bằng đôi mắt đức tin thúc đẩy con người đi sâu vào mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu nói: “Ai thấy Thày là thấy Cha” (Jn 14:9). Với Kinh Mân Côi, chúng ta tiến triển trong cuộc hành trình mầu nhiệm này “trong niềm hiệp nhất với và ở tại học đường của Mẹ Rất Thánh của Người” (Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria Rosarium Virginis Mariae, số 3). Thật vậy, Mẹ Maria biến mình làm thày dạy và làm hướng đạo của chúng ta. Theo tác động của Thánh Linh, Mẹ giúp chúng ta chiếm được “cái cứng cát vững vàng” giúp tín hữu có thể truyền đạt cảm nghiệm của mình về Chúa Giêsu cũng như niềm hy vọng chi phối họ (x Thông Điệp Sứ Vụ của Đấng Cứu Chuộc Redemptoris Missio, số 24) cho những người khác.

Chúng ta hãy luôn nhìn lên Mẹ Maria, một mô phạm khôn sánh. Tất cả mọi lời Phúc Aâm đều âm vang một cách phi thường nơi tâm hồn của Mẹ. Mẹ Maria là “ký ức” chiêm niệm của Giáo Hội, một Giáo Hội mong muốn được hiệp nhất sâu xa với Vị Hôn Phu của mình, để gây thêm ảnh hưởng nơi xã hội của chúng ta. Làm sao chúng ta có thể phản ứng trước những vấn đề to tát lớn lao, trước cảnh khổ đau vô tội, trước những thứ bất công gây ra bởi việc khinh khi ngạo mạn đây? Tại học đường dễ dạy của Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta, các tín hữu biết nhìn ra, nơi cái bề ngoài “thinh lặng của Thiên Chúa”, Lời Chúa là Đấng âm vang trong thinh lặng cho phần rỗi của chúng ta.

Một Giáo Hội thánh hảo hơn ở chỗ bắt chước và yêu mến dung nhan của Chúa Kitô

4. Nhờ phép rửa, tất cả mọi tín hữu được kêu gọi nên thánh. Trong Hiến Chế Tín Lý “Ánh Sáng Muôn Dân” Lumen Gentium, Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhấn mạnh là ơn gọi phổ quát nên thánh là ở chỗ tất cả mọi người được kêu gọi sống đức ái trọn hảo.
Đức thánh thiện và việc truyền giáo là những khía cạnh không thể tách rời nhau nơi ơn gọi của hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa. Việc dấn thân trở nên thánh thiện hơn là việc chặt chẽ gắn liền với việc dấn thân truyền bá sứ điệp cứu độ. Trong Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc Redemptoris Missio, Tôi đã nhắc nhở rằng: “Hết mọi phần tử tín hữu được kêu gọi nên thánh và truyền giáo” (số 90). Trong việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, người tín hữu được thúc đẩy theo Chúa Kitô và chia sẻ đời sống của Người, nhờ đó, họ có thể nói với Thánh Phaolô rằng: “Không phải là tôi sống, song là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20).

Nếu tất cả mọi mầu nhiệm của Kinh Mân Côi tạo nên một học đường quan trọng cho sự thánh thiện và việc truyền bá phúc âm hóa, thì các mầu nhiệm ánh sáng giúp vào việc mang lại những khía cạnh đặc biệt liên quan đến “tác dụng phụ” của Phúc Âm. Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Dược Đăng nhắc nhở là thành phần được rửa tội được tuyển chọn để trở nên “những người con nơi Người Con” (Eph 1:5; x Gaudium et Spes, số 22). Ở tiệc cưới Cana, Mẹ Maria kêu gọi những người phục dịch hãy ngoan ngoãn nghe Lời Chúa: “Các anh hãy làm theo những gì Ngài bảo” (Jn 2:5). Việc loan báo Nước Trời và lời kêu gọi cải thiện đời sống là một mệnh lệnh rõ ràng buộc hết mọi người phải theo đuổi con đường thánh thiện. Nơi việc Chúa Giêsu Biến Hình, con người lãnh nhận phép rửa cảm thấy niềm vui đang đợi chờ họ. Khi suy nkệm về việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, họ thường trở về với Căn Thượng Lầu Tiệc Ly, nơi Vị Thày thần linh để lại cho các môn đệ kho tàng quí báu nhất của Người là chính bản thân Người nơi Bí Tích trên bàn thờ.

Ở một nghĩa nào đó thì những lời Vị Trinh Nữ Diễm Phúc nói ở tiệc cưới Cana đã làm nên bối cảnh cho tất cả mọi mầu nhiệm ánh sáng. Thật vậy, việc loan báo Nước Trời đã đến, lời kêu gọi cải thiện và xót thương, Việc Biến Hình trên Núi Tabo và việc thiết lập Thánh Thể đều đặc biệt vang vọng nơi con tim của Mẹ Maria. Mẹ Maria gắn chặt mắt của Mẹ vào Chúa Kitô, gìn giữ hết mọi lời của Người và tỏ cho chúng ta thấy cách làm môn đệ đích thực của Con Mẹ.

Một Giáo Hội truyền giáo hơn ở chỗ loan báo Dung Nhan Chúa Kitô

5. Không có một lúc nào Giáo Hội lại có nhiều cơ hội để loan báo Chúa Giêsu bằng lúc này, nhờ việc phát triển của phương tiện truyền thông xã hội. Vì lý do này, Giáo Hội ngày nay được kêu gọi để làm cho Dung Nhan Hôn Phu của Giáo Hội chiếu tỏa nơi sự thánh thiện rạng ngời hơn nữa của Giáo Hội. Nơi việc làm không dễ dàng này, Giáo Hội biết rằng Giáo Hội được Mẹ Maria nâng đỡ. Giáo Hội “học” trở thành một “trinh nữ” nơi Mẹ Maria, hoàn toàn hiến thân cho Vị Hôn Phu của mình là Chúa Giêsu Kitô, cũng như trở thành một “người mẹ” của nhiều con cái được Giáo Hội sinh vào sự sống trường sinh.
 

Dưới cái nhìn canh chừng của Mẹ mình, cộng đồng giáo hội nở hoa như một gia đình hồi sinh nhờ Thần Linh được tuôn đổ xuống tràn đầy, và khi chấp nhận những thách đố của việc tân truyền bá phúc âm hóa, chiêm ngưỡng dung nhan nhân hậu của Chúa Giêsu nơi những người anh chị em, nhất là thành phần nghèo nàn và thiếu thốn, nơi những ai còn xa đức tin và Phúc Aâm. Nhất là Giáo Hội không sợ hô lên cho thế giới nghe thấy rằng Chúa Kitô “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Jn 14:6). Giáo Hội cần phải sửa soạn cho có những nhà truyền bá phúc âm hóa có khả năng và thánh thiện. Lòng nhiệt tah2nh của các vị tông đồ không được suy yếu đi, nhất là đối với vấn đề truyền giáo “ad gentes” cho muôn dân. Kinh Mân Côi, nếu được hoàn toàn nhận thức và cảm nhận, sẽ là một khí cụ bình thường song linh thiêng và có tính cách giáo dục tốt đẹp trong việc hình thành Dân Chúa để hoạt động trong lãnh vực tông vụ rộng lớn.

Một Trách Nhiệm Nghiêm Trọng

6. Vấn đề làm sinh động việc truyền giáo cần phải được tiếp tục là một nhiệm vụ nghiêm trọng và liên tục của hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa cũng như của hết mọi cộng đồng giáo hội. Dĩ nhiên, Các Hội Truyền Giáo của Tòa Thánh giữ một vai trò chuyên biệt và đặc biệt, nên Tôi xin cám ơn họ về việc dấn thân thi hành vai trò này.

Tôi xin đề nghị với tất cả mọi anh chị em là anh chị em hãy tăng thêm việc cầu kinh Mân Côi, riêng tư cũng như cộng đồng, để xin Chúa ban cho những ơn Giáo Hội và nhân loại đặc biệt cần đến. Tôi mời hết mọi người hãy làm điều này, trẻ em, người lớn, người trẻ và người già, gia đình, giáo xứ và các cộng đồng tu trì.
 

Trong số nhiều ý chỉ của Tôi, Tôi không quên ý chỉ hòa bình. Chiến tranh và bất công bắt nguồn từ cõi lòng “bị chia cắt”. “Bất cứ ai muốn thấu nhập mầu nhiệm Chúa Kitô – đây là mục tiêu rõ ràng của Kinh Mân Côi – đều biết được cái bí mật của hòa bình và biến nó thành dự phóng cho đời sống của họ” (Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria Rosarium Virginis Mariae, số 40). Nếu Kinh Mân Côi làm cho đời sống chúng ta thăng tiến nhanh chóng thì kinh này cũng có thể trở thành một dụng cụ thuận lợi cho việc xây dựng hòa bình trong tâm hồn con người, trong gia đình cũng như nơi các dân nước. Cùng với Mẹ Maria, chúng ta có thể chiếm được hết mọi sự nơi Chúa Giêsu Con Mẹ. Được Mẹ Maria nâng đỡ, chúng ta sẽ không ngần ngại quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất.

Với những cảm thức này, Tôi thân ái ban phép lành cho tất cả anh chị em.

Tại Vatican ngày 12/1/2003, Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa.

Gioan Phaolô II
 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh do Zenit phổ biến ngày 21/2/2003.

 


Thống Kê về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội


 

Thứ Sáu 21/2/2003, ĐHY Trưởng Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa Cho Các Dân Nước Crescezio Sepe, trong buổi ra mắt sứ điệp của ĐTC Gioan Phaolô II cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2003, đã cho biết thêm những con số thống kê liên quan đến hoạt động truyền giáo của Giáo Hội như sau:


- Có 42 ngàn trường học; 1.600 nhà thương; 6 ngàn bệnh xá, 780 trại cùi, 12 ngàn hoạt động bác ái xã hội;
- 85 ngàn vị linh mục truyền giáo trong đó có 53 ngàn linh mục giáo phận (27 ngàn hoạt động ở Phi Châu, 44 ngàn ở Á Châu, 6 ngàn ở Mỹ Châu, 5 ngàn ở Đại Dương Châu, và 3 ngàn ở Âu Châu);
- 1.075 giáo phận trực thuộc Thánh Bộ này, gần 39% các giáo phận trên thế giới;
- 28 ngàn nam tu truyền giáo, 450 ngàn nữ tu và 1.65 triệu giáo lý viên;
- Năm 1900 ở Phi Châu có 2 triệu người được rửa tội, nay có tới 110 triệu, hay 15% dân số;
- Ở Đại Dương Châu có 7 triệu người Công Giáo trong 26 triệu dân số, tức 26%.

 

 

25/2 Thứ Ba

 


Mở Đường Máu: Bản Quyết Định Mới Dứt Điểm Iraq!


Theo nguồn tin từ các nhà ngoại giao thì bản quyết định mới do Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc soạn thảo có thể sẽ được trình cho Hội Đồng Bảo An vào chiều Thứ Hai 24/2/2003 hay cũng có thể sẽ được phổ biến riêng trong phái đoàn ngoại giao. Để, như ngoại trưởng Hiệp Vương Quốc Jack Straw cho biết ở một cuộc họp riêng tại Brussels, các quốc gia thành viên của hội đồng này có giờ cứu xét cho tới giữa tháng Ba, sau tuần hội đồng này nghe ông Blix tường trình lần 3 vào ngày 7/3 về việc thanh tra vũ khí ở Iraq. Trong khi đó, Hoa Kỳ lại muốn Hội Đồng Bảo An bỏ phiếu vào tuần tới.

 

Bản quyết định mới này sẽ nêu lên vấn đề Iraq vi phạm quyết định 1441, ở chỗ không chịu trưng ra trọn vẹn những chương trình sản xuất các thứ vũ khí đại công phá, nên cần phải đi đến biện pháp quân sự. Trong khi đó, về phía Iraq vẫn cương quyết khẳng định họ không có những thứ vũ khí này và hoàn toàn tuân hợp với các quyết định. Bộ trưởng nội vụ Powell tuyên bố ở Nhật là: “Chúng tôi không thể ngồi không chẳng làm gì để cho Iraq tiếp tục chống cự lại ý muốn của cộng đồng quốc tế. Vấn đề không phải là thêm các thanh tra viên. Vấn đề không phải là cho các thanh tra viên thêm thời gian. Vấn đề ở đây là giải giới”.

Trong khi đó, qua cuộc gặp gỡ với vị sứ giả Labanon được Iraq truyền hình, Tổng Thống Saddam Hussein nói: “Không dễ gì đối đầu với Iraq đâu một khi họ lên cơn. Giờ đây họ đang lên cơn giận vì kẻ thù của họ thậm chí không tỏ ra một chút nào tư cách làm người. Những người Hoa Kỳ có thể làm hại và hủy hoại các dinh thự cũng như các kiến tạo, nhưng họ sẽ không thể nào có thể hạ nhục Iraq được”. Ngoại trưởng Nga hôm Thứ Hai 24/2 cho biết cuối tuần vừa rồi cựu thủ tướng Nga là Yevgeny Pmimakov đã thăm Iraq theo lời yêu cầu của Tổng Thống Putin, và vị nguyên thủ tướng này đã gặp Tổng Thống Saddam Hussein hôm Chúa Nhật 23/2. Để đáp lại lời kêu gọi của Nga qua vị nguyên thủ tướng xin Iraq hết sức tuân hợp với Quyết Định 1441 cũng như hoàn toàn cộng tác với các thanh tra viên, Tổng Thống Saddam cho biết sẽ không có vấn đề trở ngại cho hoạt động của các thanh tra viên thuộc cả UNMIVOC hay IAEA.

Đối với bản quyết định mới theo chiều hướng hăng máu chủ chiến này của US (United States: Hiệp Chủng Quốc) và UK (United Kingdoms: Hiệp Vương Quốc), phe phản chiến Pháp-Đức-Nga càng tỏ ra cương quyết chống đối hơn nữa, vì vấn đề là ở chỗ việc thanh tra đang diễn tiến tốt đẹp. Hôm Thứ Hai 24/2/2003, Thủ Tướng Đức nói rằng cả Đức lẫn Pháp không thấy cần đến một quyết định mới vào lúc này đây. Vị lãnh sự Nga ở Liên Hiệp Quốc là Sergei Lavrov, qua cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Nga, đã cho biết công việc chính “là đừng để xẩy ra một cuộc chiến tranh mà chúng ta tin rằng bất chính”, vì công việc thanh tra đang diễn tiến và Iraq càng tỏ ra cộng tác với các thanh tra viên. Theo vị lãnh sự này thì Hội Đồng Bảo An không thể chấp thuận bản quyết định mới cho phép trực tiếp hay gián tiếp thanh trừng Iraq bằng võ lực này.

Về phần Pháp, phát ngôn viên của Tổng Thống Chirac cho biết: “Hôm nay đây không có lý do nào lại làm gián đoạn biện pháp thanh tra để chuyển hướng rẽ sang một đường lối suy nghĩ dẫn tới chiến tranh. Bản quyết định mới chẳng hữu ích cũng chẳng cần thiết”. Ngoại trưởng Pháp là Dominique de Villepin nói trong cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo Le Figaro phát hành hôm Thứ Hai 24/2 rằng Pháp sẽ giúp cho việc làm của các thanh tra công hiệu bằng việc phác họa một chương trình cho Iraq để Iraq có thể đáp ứng các đòi hỏi cần thiết, bản chương trình phác họa này sẽ được trình bày ở Hội Đồng Bảo An. Vị ngoại trưởng này cho biết các thanh tra viên nói rằng họ đang tiến hành ngon lành, “Đó là lý do tại sao, căn cứ vào đó, chúng tôi chống lại bản quyết định mới, như Tổng Thống của chúng tôi đã nói”. Ông còn cho biết đối với pháp, vấn đề phủ quyết veto bản quyết định mới này “không thành vấn đề”, cũng như nhiều nước khác có quyền veto như Pháp là Nga và Tầu.

 

Tổng Thống Saddam Hussein muốn nói chuyện với Tổng Thống Bush
 

Theo Đài Truyền Hình CBS cho biết hôm Thứ Hai 24/2/2003 thì, trong cuộc phỏng vấn với đài này 3 tiếng đồng hồ, do phát ngôn viên thông tín Dan Rather thực hiện, Tổng Thống Saddam Hussein đã cho biết ông sẵn sàng nói chuyện với Tổng Thống Bush qua cuộc truyền hình sống và qua cuộc phát thanh bằng đường vệ tinh. Ông nói: “Là những nhà lãnh đạo, tại sao chúng ta không lợi dụng cơ hội này chứ? Tôi sẵn sàng… thực hiện một cuộc trực tiếp đối thoại, một cuộc tranh luận, với tổng thống của quí vị. Tôi sẽ nói ra những gì tôi muốn, và ông ta cũng sẽ nói ra những gì ông ta muốn”. Theo Tổng Thống Saddam Hussein thì nếu Tổng Thống Bush “quyết chiến” thì đây là cơ hội để ông ta “thuyết phục thế giới”. Ý tưởng này của Tổng Thống Saddam Hussein làm mọi người bỡ ngỡ tưởng không thể nào xẩy ra, bởi thế, ông được hỏi là ông có nói giỡn không vậy, Tổng Thống Saddam Hussein trả lời: “Đây là điều đề nghị thiết tha nhất, phát xuất từ lòng tôn trọng của tôi với nhân dân Hiệp Chủng Quốc, với nhân dân Iraq cũng như với dân chúng trên thế giới. Tôi yêu cầu điều này bởi vì chiến tranh không phải là một điều giỡi chơi”. Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc cho biết họ không coi lời đề nghị của Saddam Hussein là thật. Vị giám đốc truyền thông của Tòa Bạch Ốc là Dan Bartlett đã nói với CNN rằng: “Sẽ không có vấn đề tranh luận về những gì đòi hắn phải làm”.

Nhận định của Thời Điểm Maria:

Vấn đề thứ nhất ở đây là tại sao US và UN cứ nhất định tìm cách tấn công Iraq mà không dùng cách khác ôn hòa hơn để giải quyết vần đề. Phải chăng Tổng Thống Saddam Hussein khó đối phó hơn Tổng Thống Ngô Đình Diệm, bởi vì Iraq không có nội công làm tay sai cho US như ở Việt Nam? Tại sao các nước phản chiến như Nga, Đức và Pháp có thể nói chuyện với Iraq mà US và UK lại không dám nói chuyện với Iraq?

Vấn đề thứ hai ở đây là tại sao việc thanh tra viên chưa xong, đang tiến hành ngon lành, thì UN và UK lại muốn đánh Iraq? Phải chăng vì US và UK sợ rằng càng để lâu, thì trước hết, việc thanh tra càng cho thấy những gì US và UK tố cáo Iraq từ đầu là Iraq có những thứ vũ khí đại công phá nguy hiểm là gian dối chăng; mà nếu thế thì hai siêu cường này sẽ vỡ mặt với thế giới? Và phải chăng US và UK cũng không thể đợi lâu được, sau nữa, là cả hai vì đã đem quân sang trấn đóng ở Trung Đông hết sức tốn kém, đánh thì chưa được, mà rút về thì cũng bẽ mặt với thế giới?

Tố cáo Iraq có vũ khí đại công phá thì hai bản tường trình của ban thanh tra cho là không thấy. Tố cáo Iraq không chịu cộng tác với thanh tra viên thì Iraq càng ngày càng tích cực cộng tác hơn. Tố cáo Iraq là có dính dáng đến tổ chức khủng bố quốc tế nhưng bằng cớ trưng dẫn không được thế giới hưởng ứng. Sợ rằng Iraq sẽ tấn công Hoa Kỳ và các nước Khối Ả Rập thì thế giới chưa hề nghe thấy Tổng Thống Saddam Hussein tuyên bố điều này; vả lại, trong khi Iraq đang bị thanh tra vũ khí như vậy thì làm sao trở thành một “mối nguy cấp thời” (imminent threat), một lý do có thể ra tay chặn đầu họ.

 

Nếu bảo rằng vấn đề chính là giải giới thì phải biết rằng Iraq có những thứ khí giới đáng bị giải giới hay không đã rồi mới giải giới. Vậy thì tại sao các thanh tra viên đang kiểm soát xem Iraq có những thứ vũ khí cấm hay chăng lại đã dàn quân sẵn và cứ làm sao để hối thúc đánh đấm cho bằng được? Phải chăng những gì được Nga tuần trước cho biết là hoạt động thanh tra đang bị áp lực phải nhường chỗ cho hoạt động quân sự là đúng, như đã xẩy ra vào Tháng 12/1998 trước đây, khi mà, Iraq lên tiếng tố giác là có tình báo trong nhóm thanh tra viên, một tình trạng đã được ông Blix trước lần thanh tra hiện nay đã công nhận là có, thì US và UK, theo người ta cảm nhận, để bịt miệng Iraq, đã đem bom đến dội Iraq, làm cho các thanh tra viên phải ra khỏi Iraq? Phải chăng những gì đang xẩy ra nơi phe chủ chiến US và UK là một màn tái diễn những gì họ đã làm cuối năm 1998, nhưng bằng một cách khác…

Phải chăng phe chủ chiến US và UK đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng na: đánh thì không được, vì chưa được Hội Đồng Bảo An đồng ý, mà làm liều lại càng chết, vì qua mặt thế giới; rút lui cũng không xong, vì bẽ mặt với thế giới, mà chần chờ thì càng tốn kém với nền kinh tế đang suy bại, nhất là càng gần đến thời điểm tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, thời điểm Đảng Dân Chủ đang lợi dụng những thất sách về chính trị, ngoại giao và kinh tế của chính phủ do Đảng Cộng Hòa điều hành hiện nay để chiếm ghế tổng thống vào khóa tới. Bởi thế, US và UK cố gắng mở đường máu vượt thoát con đường lỡ bước lạc vào… Bằng con đường cố đấm ăn xôi chăng?

Chúng ta hãy chờ xem. Nhưng đừng quên cầu nguyện. Vì không phải US và UK làm chủ tình hình thế giới, muốn làm gì thì làm, mà là Đấng Tạo Dựng nên con người cùng với thiên nhiên tạo vật của Ngài, Đấng Quan Phòng mọi sự. Ngài có cách giải quyết của Ngài. Ngài làm được những gì con người không thể. Thậm chí Ngài lợi dụng cả những sai trái và xấu xa của con người để thực hiện ý định thần linh vô cùng mầu nhiệm của Ngài.

Biết đâu trong lúc thế lực chính trị không giải quyết được vấn đề thì Giáo Hội Công Giáo lại làm được, như đã xẩy ra trong trường hợp Cộng Sản Đông Âu sụp đổ vào cuối năm 1989! Biết đâu việc Tổng Thống Saddam Hussein muốn trực tiếp nói chuyện với Tổng Thống Bush là chiều hướng đề nghị trong thư của ĐTC gửi Tổng Thống Saddam Hussein qua vị hồng y sứ giả hòa bình hôm Thứ Bảy 15/2, và biết đâu lời của ĐHY này cho biết sau khi gặp gỡ vị Tổng Thống Iraq này 1 tiếng rưỡi đồng hồ là “Hòa bình vẫn còn khả dĩ ở Iraq và cho Iraq. Bước tiến nhỏ bé nhất trong mấy ngày nữa đây đáng giá là một cái nhẩy vọt tới hòa bình”, chính là thiện chí này của Tổng Thống Saddam Hussein. Thế nhưng, liệu Tổng Thống Bush có nhận lời hay chăng? Nếu không, một là khinh người, hai là sợ bại lộ chân tướng nên muốn tránh né. Đây là cơ hội tốt nhất để hai bên nói chuyện và giải quyết vấn đề tranh chấp, nếu Hoa Kỳ không muốn đối thoại mà chỉ muốn đánh đấm thì thế giới sẽ nghĩ sao về họ? Như thế lại càng chứng tỏ Bản Quyết Định Mới do US và UN phác họa quả thực là việc họ muốn mở con đường máu …

 

 

24/2 Thứ Hai

 

Huấn Từ Truyền Tin của ĐTC về Ngày Lễ Tro Cầu Nguyện Cho Hòa Bình


Anh Chị Em thân mến!


1. Nhiều tháng nay cộng đồng thế giới đã sống trong một tình trạng hết sức lo âu trước cơn nguy hiểm xẩy ra một cuộc chiến tranh có thể làm rối loạn toàn vùng Trung Đông và càng làm tăng thêm căng thẳng bất hạnh thay đã xẩy ra ngay từ đầu kỷ nguyên này. Nhiệm vụ của tín hữu, bất kể theo tôn giáo nào, là tuyên bố cho thấy rằng chúng ta sẽ không bao giờ hạnh phúc được nếu chúng ta cứ kình chống nhau, tương lai của nhân loại sẽ không bao giờ được bảo đảm bằng nạn khủng bố và lý lẽ chiến tranh.


Đặc biệt là Kitô hữu chúng ta được kêu gọi để làm những người bảo hộ hòa bình ở những nơi chúng ta sống và hoạt dộng. Chúng ta cần phải tỉnh táo để lương tâm không lùi bước trước khuynh hướng vị ngã, sai lầm và bạo lực.


2. Bởi thế, Tôi mời gọi tất cả mọi người Công Giáo hãy tha thiết hiến ngày 5/3 tới đây, Ngày Thứ Tư Lễ Tro, để cầu nguyện và chay tịnh cho hòa bình, nhất là ở vùng Trung Đông.


Trước hết, chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban ơn hoán cải cho các tâm hần và có một cái nhìn rộng lượng ở những quyết định chính đáng để giải quyết bằng những phương tiện xứng hợp và ôn hòa các thứ tranh đối làm cản bước hành trình của nhân loại trong thời đại của chúng ta.


Ở hết mọi đền Thánh Mẫu phải dâng lời cầu nguyện thiết tha bằng việc cầu kinh mân côi thánh. Tôi tin rằng kinh mân côi cũng sẽ được nguyện cầu ở các giáo xứ và gia đình để cầu nguyện cho ý chỉ quan trọng chi phối thiện ích của tất cả mọi người này.


Lời kêu cầu chung này sẽ được kèm theo bằng việc chay tịnh, bằng việc tỏ lòng thống hối về những thứ hận thù và bạo lực bôi bẩn các mối liên hệ của loài người. Kitô hữu cũng thực hành những việc chay tịnh truyền thống với nhiều anh chị em thuộc các tôn giáo khác, thành phần muốn dùng cách này để dứt bỏ tất cả mọi thứ kiêu hãnh và sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa ban cho những tặng ân cao trọng nhất và cần thiết nhất, trong số đó đặc biệt là có tặng ân hòa bình.


3. Từ nay trở đi, để cầu cho việc thực hành được bắt đầu từ Mùa Chay này, chúng ta kêu cầu sự trợ giúp đặc biệt của Mẹ Maria Rất Thánh, Nữ Vương Hòa Bình. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, chớ gì mối phúc đức phúc âm “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9) vang vọng với một mãnh lực mới mẻ trên thế giới và được thực sự chấp nhận!


Nga lại trục xuất một linh mục Công Giáo ngoại quốc nữa


Cảnh sát ở Pushkin, gần St Peterburg, đã hủy bỏ chiếu khán của một linh mục Công Giáo người Balan và cho ngài trong vòng hai tuần lễ phải rời Nga. Đài Phát Thanh Vatican đã tường trình như vậy hôm Thứ Bảy 22/2/2003. Vị linh mục này là cha Bronislaw Czaplicki thuộc TGP Katovice, đã từng hoạt động 10 năm ở Liên Bang Nga. Hiện nay ngài là cha xứ ở Pushkin, giáo sư ở Chủng Viện St. Petersburg, và là chủ tịch Ủy Ban Giáo Hội cho Các Vị Tử Đạo Công Giáo Thế Kỷ 20 ở Nga.


Luật Pháp Liên Quan Đến Vụ Linh Mục Lạm Dụng Tình Dục Tấn Công Ấn Tòa Giải Tội


Theo nguồn tin của Zenit ngày Chúa Nhật 23/2/2003, thì một bản dự thảo của ngành lập pháp tiểu bang Maryland đòi các vị linh mục phải trình báo việc lạm dụng tình dục trẻ em. ĐHY Theodore McCarrick đã tuyên bố như thế là phạm đến ấn tòa giải tội. Ngài tỏ ra cương quyết: “Nếu đạo luật này được thông qua, tôi sẽ bảo tất cả các vị linh mục trong TGP Washington phục vụ ở Maryland dẹp nó sang một bên”. Ngài đã viết trong tờ Catholic Standard như thế, theo tờ Washington Post cho biết. Một số chuyên gia về luật pháp không cho rằng đây là một dự thảo là hợp hiến.
 

Bản Tường Trình Thứ Hai của Ban Thanh Tra Vũ Khí với Hội Đồng Bảo An ngày 14/2/2003


Thưa Ngài Chủ Tịch, từ khi tôi tường trình cho Hội Đồng Bảo An ngày 27/1/2002, UNMOVIC đã có thểm hai tuần thực hiện công việc hoạt động và phân tích ở Nữu Ước cũng như những việc tích cực thanh tra ở Iraq. Như thế tất cả thời khoảng này cho tới nay là 11 tuần lễ.


Từ đó, chúng tôi cũng đã nghe vị bộ trưởng nội vụ của Hoa Kỳ trình bày cho Hội Đồng ngày 5/2 cùng với những bàn luận sau đó.


Sau hết, Tiến Sĩ Elbaradei và tôi đã thực hiện một cuộc gặp gỡ nói chuyện khác với những vị đồng bạn của chúng tôi cũng như với Phó Tổng Thống Ramadan vào ngày 8 và 9/2.


Giờ đây tôi xin tóm lược ngắn gọn công việc được UNMOVIC thực hiện ở Iraq.


Chúng tôi đã tiếp tục phát triển khả năng của chúng tôi. Văn phòng ở miền Mosul hiện nay đã hoàn toàn hoạt động với một tổng hành dinh tạm thời. Những dự án mở một văn phòng ở miền Basra cũng đã được tiến triển. Chiếc máy bay Hercules L-100 của chúng tôi tiếp tục thực hiện những chuyến bay thường lệ giữa Baghdad và Larnaca. Tám chiếc trực thăng đang hoàn toàn hoạt động.


Về quyết định liên quan đến những vấn đề Iraq nêu lên đối với việc chuyên chở các tham dự viên trong những vùng phi không vận thì việc di chuyển của chúng tôi trong những vùng này đã được cải tiến. Chúng tôi muốn tăng thêm việc sử dụng các chiếc trực thăng.


Con số tham dự viên của Iraq trong các cuộc thanh tra thường lên tới mức độ cứ năm người cho một thanh tra viên. Trong những cuộc nói chuyện vào Tháng Giêng ở Baghdad, bên Iraq đã đồng ý giữ ở mức độ một người theo một người. Tình trạng này đã được cải tiến.


Từ khi chúng tôi tới Iraq đến nay, chúng tôi đã thực hiện được hơn 400 cuộc thanh tra ở hơn 300 địa điểm. Tất cả mọi cuộc thanh tra đều được thực hiện bất ngờ không thông báo trước, và đường đi nước bước hầu như bao giờ cũng được đáp ứng ngay. Không có một trường hợp nào chúng tôi nắm được chứng cớ khả tín cho thấy phía Iraq biết trước những địa điểm các thanh tra viên sẽ đến cả.


Những cuộc thanh tra đã được thực hiện ở khắp Iraq, ở những địa điểm kỹ nghệ, ở những khu quân nhu, ở những trung tâm nghiên cứu, những đại học, những dinh thự tổng thống, những phòng thí nghiệm di động, những tư gia, những cơ sở sản xuất phi đạn, những trại lính và những khu nông nghiệp.


Ở tất cả mọi địa điểm đã được thanh tra trước năm 1998, chúng tôi đã thực hiện những việc xem xét lại từ đầu. Việc này bao gồm việc xác định phận sự và những gì chất chức trong mỗi một dinh thự, mới hay cũ, ở một địa điểm. Nó cũng bao gồm cả việc kiểm chứng máy móc được đánh dấu trước đây, việc đóng chấm và dán nhãn hiệu, việc lấy những thứ mẫu chất cũng như việc nói chuyện với nhân viên tại chỗ về những hoạt động quá khứ và hiện tại của nơi ấy. Ở một số địa điểm chúng tôi đã sử dụng máy dò xuyên thổ để xem có những cơ cấu dưới lòng đất hay máy móc được chôn giấu hay chăng.


Qua những cuộc thanh tra được đúc kết cho tới nay, chúng tôi đã biết được hơn về địa hình về kỹ nghệ và khoa học của Iraq, cũng như về khả năng phi đạn tầm xa của nước này. Thế nhưng, như trước đây, chúng tôi không biết được hết mọi hang động và ngõ hẻm. Những việc thanh tra đang góp phần một cách hiệu nghiệm vào việc lấp đầy khoảng cách của sự hiểu biết cần phải có vào thời khoảng giữa tháng 12/1998 và tháng 11/2002 vì thiếu việc thanh tra.


Chúng tôi đã lấy ở các địa điểm khác nhau hơn 200 thứ hóa chất và hơn 1000 thứ sinh chất. Chúng tôi đã thử nghiệm ba phần tư của các thứ chất này, bằng cách sử dụng khả năng phân nghiệm riêng của chúng tôi ở trung tâm Baghdad. Cho đến nay các thành quả cho thấy rất hợp với những gì Iraq đã khai trình.


Hiện nay chúng tôi đã bắt đầu tiến hành việc phá hủy khoảng 50 lít chất hơi bột cải do Iraq cho biết chúng đã được giữ ở địa điểm Muthanna với con dấu của UNMOVIC; một phần ba của chất hơi này đã bị hủy đi. Số lượng thử nghiệm của chất thiodiglycol, một thứ tiền hô của chất hơi bột cải được cúng tôi tìm thấy ở một địa điểm khác cũng đã được hủy đi.


Tổng số nhân viên thanh tra của chúng tôi ở Iraq hiện nay lên quá 250 người thuộc 60 quốc gia. Con số này bao gồm cả chừng 100 thanh tra viên của UNMOVIC, 50 thanh tra viên của IAEA, 15 nhân viên hàng không và 65 nhân viên giúp việc.


Thưa Ngài Chủ Tịch, trong bản tường trình cho Hội Đồng ngày 27/1, tôi đã nói là, theo kinh nghiệm của chúng tôi, thì về nguyên tắc, Iraq dường như đã tỏ ra muốn hợp tác về vấn đề tiến hành việc thanh tra, nhất là việc họ cho phép đến ngay tất cả mọi địa điểm và giúp cho UNMOVIC thiết lập những phần khối cần thiết.


Chúng tôi vẫn cảm thấy thái độ này vẫn còn nguyên như vậy, và chúng tôi ghi nhận là cho tới nay chúng tôi không có gặp trục trặc gì trong việc đến những địa điểm, bao gồm cả những địa điểm chưa từng được công bố hay thanh tra, cũng như những địa điểm tổng thống phủ và các tư gia.


Trong bản tường trình trước đây, tôi cũng nói rằng việc tích cực cộng tác về chất liệu không thể thiếu, để nhờ việc thanh tra, giúp cho công việc giải giới được hoàn tất, cũng như giúp cho hệ thống kiểm soát được tiến hành vững chắc.


Việc cộng tác này, như tôi đã nhận định, đòi hỏi hơn nữa ngoài việc mở cửa cho đến các địa điểm. Theo ngôn từ của Quyết Định 1441, nó đòi Iraq phải nỗ lực một cách trực tiếp, vô điều kiện và chủ động trong việc giải quyết những vấn đề giải giới hiện nay, bằng việc đưa ra những thứ được cho là nguy hiểm còn lại cùng với những hoạch định của chúng để loại trừ đi, hay bằng việc đưa ra chứng cớ khả tín cho thấy chúng đã bị hủy đi rồi.


Trong tình hình hiện nay, người ta mong rằng Iraq cần phải tích cực tuân hợp.


Trong khi ở Baghdad, chúng tôi đã gặp một phái đoàn đại biểu của chính quyền Nam Phi. Họ đến đây để cho biết Nam Phi đã chiếm được lòng tin tưởng của thế giới ra sao trong việc nước này giải giới chương trình thực hiện các thứ vũ khí đại công phá bằng việc hết sức cộng tác trên hai năm với các thanh tra viên IAEA. Tôi cũng vừa biết được là Iraq đã chấp thuận lời đề nghị của Nam Phi trong việc Nam Phi gửi một nhóm chuyên viên đến Iraq nói chuyện nhiều hơn.


Những thứ khí giới đại công phá cùng với những chất liệu và chương trình được cho là nguy hiểm của Iraq, nếu có, còn lại bao nhiêu nữa? Cho đến nay, UNMOVIC đã không thấy một thứ khí giới nào như vậy, mà chỉ có một số nhỏ những quân nhu hóa chất rỗng không là những gì đã được công bố và hủy hoại.


Vấn đề khác nữa, một trong những vấn đề quan trọng, đó là có nhiều thứ vũ khí và chất liệu được cho là nguy hiểm không được kể đến.


Chẳng hạn, một bản văn do Iraq cung cấp đã cho chúng tôi thấy rằng có chừng 1000 tấn tác nhân hóa chất đã không được kể đến. Tôi không muốn vội kết luận là có những thứ này; tuy nhiên không phải vì thế mà những thứ ấy không thể có. Nếu chúng có thực, chúng cần phải được cho biết để hủy hoại đi. Nếu chúng không có thì phải cho thấy chứng cớ khả tín về sự kiện ấy.


Chúng tôi hoàn toàn biết rằng có nhiều cơ quan tình báo của các chính quyền đã tin tưởng và chủ trương là những thứ khí giới, chất liệu và chương trình được cho là nguy hiểm, vẫn còn. Việc chứng tỏ quyết đoán này đã được thể hiện qua buổi trình bày chất liệu của vị bộ trưởng nội vụ Hoa Kỳ.


Các chính quyền có nhiều nguồn tín liệu mà các thanh tra viên không có, Về phần mình, các thanh tra viên phải căn cứ việc tường trình của mình vào chứng cớ mà thôi, những chứng cớ tự họ công khai khảo sát và trình bày. Không có chứng cớ không thể tin được.


Thưa Ngài Chủ Tịch, trong các bản tường trình trước đây của mình, tôi đã ghi nhận là có những vấn đề quan trọng còn lại về chất liệu được liệt kê trong các văn kiện của Hội Đồng Bảo An từ đầu năm 1999 và cũng là những vấn đề Iraq đã quá rõ.


Chẳng hạn, tôi muốn nói đến những vấn đề anthrax, tác nhân thần kinh VX và các phi đạn tầm xa, và đã cho biết là những vấn đề này, như tôi đã viết, “đáng được Iraq cẩn trọng lưu ý hơn là chỉ sơ sài vậy thôi”.


Bản trình báo của Iraq ngày 7/12 năm trước, mặc dù dầy cộm, vẫn không cung cấp tài liệu và chứng cớ mới cần thiết để giải đáp những vấn đề còn thắc mắc.


Có lẽ đây là vấn đề quan trọng nhất chúng tôi đang phải đối diện. Mặc dù tôi hiểu được rằng Iraq không dễ gì trưng dẫn cho thấy những chứng cớ cần thiết trong tất cả mọi trường hợp, nhưng nó cũng không phải là công việc tìm kiếm của các thanh tra viên. Chính Iraq phải hết sức chú trọng đến công việc này và tránh đừng coi thường những vấn đề ấy.


Trong bản tường trình hồi tháng Giêng cho Hội Đồng, Tôi đã đề cập tới các phi đạn tầm xa al-Samud II và Al Fatah, những phòng đúc được tái thiết, việc kiến tạo dàn thử máy phi đạn tầm xa và việc nhập cảng những bộ máy đầu phi đạn, tất cả đều đã được Iraq trình cho UNMOVIC.


Tôi nhận thấy là phi đạn tầm xa al-Samud II và Al Fatah có thể thuộc về những thứ phi đạn được coi là nguy hiểm, như chúng đã từng được Hội Đồng Bảo An thử tầm phóng xa hơn 150 cây số giới hạn của chúng.


Tôi cũng ghi nhận là Iraq đã yêu cầu ngưng lại những cuộc thử bắn những phi đạn tầm xa này cho đến khi UNMOVIC hoàn tất việc xem xét về kỹ thuật.


Đầu tuần này, các chuyên viên phi đạn tầm xa của UNMOVIC đã họp hai ngày với các chuyên viên từ một số quốc gia thành viên để bàn về những vật này. Các chuyên gia đã đồng thanh kết luận là, căn cứ vào các dữ kiện do Iraq cung cấp, thì hai loại khác nhau của phi đạn al-Samud II có thể vượt quá tầm hạn 150 cây số. Bởi thế, hệ thống phi đạn này được cho là nguy hiểm đối với Iraq theo Quyết Định 687 và dự án thanh tra được cho vào Quyết Định 715.


Còn đối với phi đạn Al Fatah, các chuyên gia thấy rằng họ cần phải có dữ kiện rõ ràng về phi đạn do Iraq cung cấp trước khi họ có thể hoàn toàn xem xét hệ thống phi đạn này.

 

Về những phòng đúc phi đạn, tôi ghi nhận như sau: UNSCOM đã ra lệnh và thị sát việc hủy hoại của những phòng đúc ấy, những phòng được dùng để sản xuất hệ thống phi đạn Badr 2000 được coi là nguy hiểm. Iraq đã công nhận là họ đã tái thiết những phòng này. Các chuyên gia đã xác định là những phòng đúc được tái thiết này có thể vẫn được sử dụng để sản xuất các bộ máy cho những phi đạn có tầm hoạt động vượt quá 150 cây số. Bởi thế, những phòng này vẫn được coi là nguy hiểm.

 

Thành phần chuyên viên cũng nghiên cứu dữ kiện về dàn thử máy phi đạn là dàn thử gần được hoàn tất, và đã thẩm định là nó có khả năng của những bộ máy thử phi đạn xuyên mạnh hơn cả dàn thử của bộ máy SA-2. Cho đến nay dàn thử này vẫn không liên hệ gì với hoạt động được cho là nguy hiểm.


Về vấn đề các bộ máy phi đạn 380 SA-2 được nhập cảng ngoài hệ thống xuất nhập cảng và nghịch với đoạn 24 của bản Quyết Định 687, Iraq đã cho các thanh tra viên UNMOVIC biết trong một tường trình ngắn chính thức là những bộ máy này sở dĩ có là để dùng trong hệ thống phi đạn al-
Samud II là hệ thống giờ đây đã được thẩm định là có thể nguy hiểm. Bất cứ bộ máy nào như thế được sử dụng trong hệ thống phi đạn này đều được cho là nguy hiểm. Tôi cố ý thông đạt những khám phá này cho chính quyền Iraq.


Ở cuộc họp vào ngày 8 và 9/2, bên Iraq đã cho biết một số những vấn đề giải giới quan trọng còn lại và đã trao cho chúng tôi một số giấy tờ, chẳng hạn như liên quan đến anthrax và chất liệu phát triển, chất tác nhân thần kinh VX và việc sản xuất phi đạn.


Các chuyên gia hiện diện bên phía chúng tôi đã nghiên cứu những giấy tờ này trong buổi tối ngày 8/2 và đã gặp các chuyên gia Iraq vào buổi sáng 9/2 để làm sáng tỏ thêm vấn để.


Mặc dù những chứng cớ mới không thấy trong các thứ giấy tờ này và những vấn đề còn đang được đặt ra không bị bưng bít qua những giấy tờ ấy hay qua các cuộc bàn luận của các chuyên gia, thì việc tường trình những giấy tờ này cũng nói lên cho thấy một thái độ tích cực hơn chú trọng đến những những vấn đề quan trọng đang được đặt ra.


Bên Iraq đề nghị là vấn đề kiểm chứng số lượng chất anthrax và hai chất tiền hô VX là những gì được tuyên bố đã bị hủy đi một cách đơn phương, có thể chận lại bằng một số phương pháp về kỹ thuật và phân tích. Mặc dù các chuyên viên của chúng tôi vẫn còn đang cứu xét lời đề nghị ấy, họ cũng không hy vọng cho lắm trong việc có thể xem xét số lượng chất liệu đã đổ xuống đất những năm trước đây. Chúng tôi vẫn cần đến chứng cớ về văn liệu và chứng từ của nhân viên có liên hệ với những thứ chất liệu này.


Bức thư đề ngày 12/2 của Văn Phòng Giám Đốc Quốc Gia và Thanh Tra Iraq … cho thấy một danh sách 83 tên tuổi của những người chứng dự, tôi xin trích nguyên văn, “vào cuộc hủy hoại một cách đơn phương ở hóa chất trường vào mùa hè năm 1991”.


Trong khi vấn đề thiếu chứng cớ đầy đủ về việc hủy hoại ấy đã cho thấy lý do quan trọng là tại sao số lượng các hóa chất không được kê khai theo như suy đoán, thì việc đưa ra một danh sách các người có thể phỏng vấn về những hành động ấy cũng là một việc hữu dụng và liên quan đến việc hợp tác về chất liệu.


Việc vận chuyển quân nhu tại địa điểm, như được cáo trình, có thể dễ dàng được coi như một hoạt động di chuyển theo thông lệ các thứ quân nhu được coi là nguy hiểm, khi tiên liệu xẩy ra việc thình lình thanh tra.


Việc chúng tôi nêu lên nhận định riêng của mình về vấn đề này không có nghĩa là chúng tôi không cảm ơn về việc cáo trình ấy.


Hôm qua, UNMOVIC đã báo cho các vị thẩm quyền của Iraq biết về ý định của mình muốn bắt đầu chiếc máy bay thị sát U-2 vào đầu tuần tới với những sắp xếp giống như những gì UNSCOM đã theo.


Chúng tôi cũng đang tiến hành việc xem xét những cách thức sử dụng máy bay Mirage của Pháp bắt đầu vào cuối tuần tới, cùng với những thứ drones do chính phủ Đức cung cấp. Chúng tôi cũng đón nhận việc Nga cung cấp cho một chiếc máy bay Antonov có khả năng nhìn về đêm, và nó là cái kế tiếp cho việc chúng tôi cải tiến hơn nữa về khả năng kỹ thuật cho UNMOVIC và IAEA.


Những phát triển này được thực hiện theo chiều hướng của những đề nghị được phổ biến gần đây, không phải trên mặt giấy, ở Pháp cho rằng cần phải tăng cường khả năng thanh tra hơn nữa.


Chúng tôi có ý định cứu xét đến những khả năng về việc thị sát những di chuyển trên đất, nhất là những chiếc xe vận tải, theo như những bản tường trình tình báo liên tục, chẳng hạn về những đơn vị sản xuất các thứ khí giới sinh trùng di động. Những biện pháp ấy có thể tăng thêm tính cách hiệu nghiệm của việc thanh tra.


UNMOVIC vẫn còn đang phát triển khả năng của mình, cả về con số nhân viên lẫn nguồn liệu kỹ thuật. Trên đường đến tham dự cuộc họp ở Baghdad mới đây, tôi đã ghé qua Vienna để gặp 60 chuyên gia là những người vừa hoàn tất khóa huấn luyện tổng quát giành cho các thanh tra viên. Họ thuộc 22 quốc gia, kể cả các quốc gia Ả Rập.


Thưa Ngài Chủ Tịch, UNMOVIC không phải là không thường xuyên dặt vấn đề là còn cần bao lâu nữa thì hoàn tất công việc của mình ở Iraq. Câu trả lời lệ thuộc vào công việc người ta đang nghĩ tới, đó là việc loại trừ những thứ khí giới đại công phá cùng với những chất liệu và chương trình liên hệ, là những gì đã bị cấm từ năm 1991, công việc giải giới; hay là việc thanh tra không tìm thấy những hoạt động được coi là nguy hiểm mới khác.


Công việc thứ hai này, mặc dù không được chú ý tới lắm, vẫn hết sức quan trọng và không chối cãi được. Nó đòi hỏi việc thanh tra liên tục không có kết thúc cho đến khi Hội Đồng quyết định khác đi.


Ngược lại, công việc giải giới được Bản Quyết Định 687 phác họa và việc tiến triển ở những việc giải giới chính yếu còn lại được Bản Quyết Định 1284 phác họa, cũng như trách nhiệm giải giới được cống hiến cho Iraq như một cơ hội tuân hợp cuối cùng được Bản Quyết Định 1441 phác họa, bao giờ cũng cần phải được hoàn tất trong một khoảng thời gian ngắn hạn.


Tiếc thay, việc cộng tác ở mức độ cao Iraq cần có đối với việc giải giới bằng việc thanh tra đã không xẩy ra ở năm 1991. Mặc dù UNSCOM và IAEA đã thị sát việc loại hủy đi một số lượng lớn những thứ khí giới, những chất liệu có liên hệ với các thứ khí giới đó cùng với những thiết kế qua nhiều năm, công việc này vẫn chưa hoàn tất khi những thanh tra viên phải rút lui gần 8 năm sau, vào cuối năm 1998.


Nếu Iraq cống hiến những việc cộng tác cần thiết vào năm 1991 thì giai đoạn giải giới theo Bản Quyết Định 687 đã được ngắn lại và một thập niên cấm vận đã không xẩy ra. Hôm nay đây, sau ba tháng từ khi Bản Quyết Định 1441 được chấp thuận, giai đoạn giải giới bằng việc thanh tra vẫn có thể ngắn, nếu, tôi xin trích lại là “việc hợp tác trực tiếp, chủ động và vô điều kiện” với UNMOVIC và IAEA được thể hiện.


Cám ơn Ngài Chủ Tịch.


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu do CNN phổ biến ngày 14/2/2003)

 

23/2 Chúa Nhật


ĐTC Gioan Phaolô II gửi thư cho Thượng Phụ Alexy II Giáo Chủ Giáo Hội Chính Thống Nga


ĐTGM Antonio Mennini, vị tân khâm sứ của Tòa Thánh Vatican ở Nga đã chính thức đến thăm Đức Alexy II và đã trao tận tay cho vị thượng phụ này một bức thư riêng của Đức Thánh Cha. Được biết hai vị gặp nhau này đã “xem xét những vấn đề chính về lợi ích của cả hai Giáo Hội”. Đức thượng phụ bày tỏ hai mối quan tâm của Ngài về hai vấn đề theo Ngài đã làm gián đoạn mối liên hệ giữa hai Giáo Hội, đó là vấn đề “tiếp tục việc dụ giáo của Công Giáo ở Nga” và vấn đề “tình trạng đau đớn của Chính Thống Giáo ở Tây Ukraine, nơi mà trên 10 năm nay, những người Công Giáo Hy Lạp đã tàn lụi ba giáo phận của Chính Thống”. Vấn đề thứ hai này liên quan đến cuộc tranh cãi về những người Công Giáo theo lễ nghi Đông Phương ở Ukraine, nhất là đa số ở Lviv.


Đầu đuôi câu truyện xẩy ra là sau khi Liên Sô chiếm miền này vào năm 1944 thì Giáo Hội Công Giáo Đông Phương đã bị Stalin dẹp mất. Nhiều vị linh mục đã nhất định không “trở lại” Chính Thống đã bị sát hại hay bị đầy ải, trong đó có cả ĐTGM Josyf Slipyj, vị sau này được Nikita Khrushchev thả ra. Những người Công Giáo theo lễ nghi Đông Phương này, dưới sự lãnh đạo của ĐHY TGM Lubomir Husar đã trải qua một cuộc tái sinh từ sau cuộc sụp đổ của cộng sản Liên Sô, và đã lấy lại những nơi thờ phượng là những viêc làm có những lúc đã động chạm đến vị thượng phụ Moscow này.


Mặc dù có những cuộc tranh luận này, hai vị cũng hướng đến việc “hợp tác giữa hai Giáo Hội, việc hai Giáo Hội tiếp tục đối thoại trao đổi, cũng như việc loại trừ đi những trở ngại vẫn còn trên con đường đi của hai Giáo Hội”. Igor Vyzhanov, vị phát ngôn viên của Đức Thượng Phụ Moscow này, người cũng có mo85t trong cuộc gặp gỡ ấy, cho cho Zenit biết là “hoàn toàn ngoại giao” và cho biết nhận định của mình rằng: “rất khó trông đợi thấy được những quyết định có thể đổi thay mối liên hệ giữa hai Giáo Hội”.


Quốc Hội Đức kêu gọi cấm tất cả mọi thứ tạo sinh sao bản cloning


Ngày Thứ Sáu 21/2/2003, Quốc Hội Đức đại đa số, đến độ hầu như đồng thanh, đã bỏ phiếu để chính quyền ủng hộ việc Liên Hiệp Quốc hoàn toàn cấm việc tạo sinh sao bản cloning. Hầu như tất cả mọi đảng phái chính trị lớn của Đức, như Dân Chủ Kitô Giáo, Đảng Xanh v.v. đều bỏ phiếu ủng hộ điều này, một điều trái nghịch với chủ trương của Thủ Tướng Gerhard Schruder là người dẫn đầu việc yêu cầu Liên Hiệp Quốc cho phép việc thí nghiệm tạo sinh sao bản con người.


Tiểu ban thứ sáu của Hội Đồng Chung của Liên Hiệp Quốc bàn luận việc tạo sinh sao bản con người từ năm 2001, lúc hai chính quyền Pháp và Đức nêu lên vấn đề này. Bản dự thảo của Pháp-Đức này yêu cầu cấm bán phần việc tạo sinh sao bản thôi, việc tạo sinh cho phép những con người được sao bản bị hủy diệt đi trong việc nghiên cứu y khoa. Vẫn chưa rõ tại sao Đức đã thay đổi chủ trương của mình khi nói đến vấn đề tạo sinh sao bản này ở Tổng Hành Dinh Liên Hiệp Quốc tháng 9/2002 vừa rồi.


Một Sử Gia nổi tiếng lên tiếng bênh vực Đức Piô XII về vụ cứu dân Do Thái thời Thế Chiến Thứ II


Một trong những sử gia được coi là nổi tiếng nhất hiện còn sống là Sir Martin Gilbert đã ca ngợi những nỗ lực của Đức Piô XII đối với dân Do Thái trong suốt Thế Chiến Thứ II.


Trong một cuộc phỏng vấn ngày 2/2/2003, vị sử gia này đã được chất vấn là Đức Piô XII có thụ động khi đối đầu với Đảng Nazi hay chăng. Ông đã trả lời rằng: “Xin hãy đọc tác phẩm mới của tôi, cuốn ‘Kẻ Công Chính’. Tôi đã viết dài dòng trong cuốn sách này về Giáo Hội Công Giáo, một giáo hội có một số nhà lãnh đạo đã đóng góp một phần đáng kể trong việc giải cứu những người Do Thái, nhiều vị linh mục và […] giáo dân Công Giáo đã đóng vai trò đáng kể. Chính Đức Giáo Hoàng đã được Tiến Sĩ Goebbels (một tác nhân truyền bá Nazi) công bố là Ngài đã đứng về bên những người Do Thái, qua sứ điệp Kitô Giáo được phổ biến vào tháng 12/1942, một sứ điệp Ngài lên tiếng chỉ trích chủ trương duy chủng tộc. Vị Giáo Hoàng này cũng đã góp phần được tôi trình bày một số chi tiết trong việc giải cứu ba phần tư những người Do Thái ở Rôma, khi Ngài cho biết trong vòng một thời gian rất ngắn để SS đến tụ hợp tất cả 5 ngàn người lại, ít là 4 ngàn trong họ đã được chỗ trú ngụ trong chính Vatican và các nơi khác của Công Giáo… Bởi vậy, tôi hy vọng của sách của tôi có thể phục hồi, một cách nào đó, dựa trên nền tảng của sự kiện lịch sử, những chiếm đạt thực sự và tuyệt vời của những người Công Giáo trong việc giúp những người Do Thái trong thời gian chiến tranh ấy”.


Tiến Sĩ Gilbert, một người Do Thái, chuyên gia về Chiến Tranh Thứ II và Cuộc Tế Thần Do Thái. Năm 1968, ông được chỉ định là một người chính thức viết về Sir Winston Churchill. Ông là tác giả của 70 cuốn sách, trong đó có những cuốn như Cuộc Tế Thần "The Holocaust", Trại Tập Trung Auschwitz và Nhóm Đồng Minh "Auschwitz và the Allies", Cuộc Thế Chiến Thứ Nhất "The First World War", Cuộc Thế Chiến Thứ Hai "The Second World War" và Lịch Sử Thế Kỷ 20 "A History of the Twentieth Century".


Ba năm trước đây, ông đã xuất bản cuốn “Không Bao Giờ Còn Một Thứ Lịch Sử Tế Thần Nữa”. Được United Press International phỏng vấn, vị sử gia này cho biết: “Kitô hữu là thành phần nạn nhân đầu tiên của Nazi… Một trong những điều tôi cố gắng nói lên trong cuốn sách này đó là các giáo hội Kitô Giáo đã tỏ ra thái độ cương quyết… Vào giai đoạn xẩy ra Vụ Tế Thần, Giáo Hội này đã không lưỡng lự… tất cả các vị giám mục chính của Pháp đã lên tiếng phản đối chống lại những việc đầy ải… Balan đã có những Người Dân Ngoại (đối với dân Do Thái) Công Chính hơn bất cứ xứ sở nào khác”.


Cũng trong tác phẩm ấy, vị tiến sĩ sử gia này còn cho biết không phải là ông không biết gì đến có một số Kitô hữu sống phản lại với niềm tin của họ trong việc không tỏ ra chống lại Nazi, thế nhưng ông cắt nghĩa là “họ làm như thế không phải bất chấp và không vì tôn giáo của họ. Điều này đặc biết đúng trong trường hợp Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội có những giáo huấn về luân lý hoàn toàn minh nhiên chống lại chủ nghĩa duy chủng tộc, chủ nghĩa phản Giống Dân Sơ Mít (Semite, một giống dân bao gồm dân Do Thái và Ả Rập) và việc sát nhân. Tôi cố gắng tìm xem những gì Giáo Hội Công Giáo và các vị trong giáo hội cũng như chính Đức Pacelli thực sự đã làm. Vậy việc thử thách xẩy đến cho Đức Pacelli đó là lúc nhóm Gestapo (lực lượng công an bí mật của Nazi) đến Rôma để hốt những người Do Thái. Giáo Hội Công Giáo, theo lệnh khẩn cấp của Ngài, lập tức phân tán những người Do Thái bao nhiêu có thể”.


Đối với những lời tố cáo của Daniel Jonah Goldhagen là tất cả mọi người Đức đã hợp tác với cuộc bắt bớ của Nazi và là những cộng sự viên của Hitler, vị sử gia Do Thái này cho biết: “Có những người ở Đức, mặc dù bị áp lực khủng khiếp của nhóm Gestapo, đã hết sức liều mình để cứu những người Do Thái, và họ đã cố giúp những người Do Thái… Có nhiều tay Schindler, thay vì tác hành như những kẻ khống chế xấu xa, đã tỏ ra những nỗ lực lớn lao để cứu những người Do Thái, không phải những cá nhân Do Thái mà đôi khi cả hàng tá và thậm chí hằng trăm người. ‘Mặt trái của đồng tiền’ đã được hoàn toàn chứng tỏ trong cuốn ‘Kẻ Công Chính’, một cuốc sách có cả một chương về đức anh hùng của Người Đức.


Đối với việc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công khai lên tiếng xin lỗi trong Năm Thánh 2000, vị tiến sĩ sử gia Do Thái nổi tiếng này nói rằng ông hết sức cảm kích việc Đức Giáo Hoàng đã nhìn nhận những lạm dụng mà một số người Công Giáo đã phạm đến những người Do Thái trong quá khứ. Thế nhưng, ông nhấn mạnh là “việc làm này không được nhìn một chiều, như thường thấy hiện nay. Nếu vị Giáo Hoàng này đã phải xin lỗi thì có lẽ người ta cũng phải cám ơn Ngài. Thật vậy, tác phẩm của tôi thực sự đã cám ơn Ngài về những gì Tòa Thánh Vatican đã làm để cứu mạng sống của người Do Thái”.

 

Bàn Cờ Iraq: chiến tranh tâm lý và chính trị
 

Hôm Thứ Năm 20/2/2003, vị lãnh sự Iraq ở Liên Hiệp Quốc là Mohamed Aldouri cho biết chính phủ của ông đã gửi một bức thư cho Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan để “bác bỏ” những tố cáo của Hoa Kỳ là nước của ông có các thứ khí giới đại công phá và ủng hộ các tay khủng bố. Ông cho biết bức thư dài 20 trang này phủ nhận hết những gì Bộ Trưởng Nội Vụ Hoa Kỳ Colin Powell đã nói với Hội Đồng Bảo An hôm 5/2/2003.
 

Cũng hôm Thứ Năm 20/2/2003, ngoại trưởng Nga Igor Ivanov đã nói, tuy không công khai nói rõ nước nào, việc làm áp lực cho các thanh tra viên phải ra khỏi Iraq để mượn cớ tấn công Iraq. Tuy nhiên, một viên chức cao cấp Nga đã cho CNN biết là ông ta ám chỉ Hoa Kỳ. Thật vậy, trong một cuộc họp báo vị ngoại trưởng này cho biết Moscow đã nhận được tín liệu nói rằng các thanh tra viên “đang bị một áp lực hết sức mãnh liệt… buộc những thanh tra viên này rời Iraq như họ đã làm vào năm 1998 hay buộc họ phải cho Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc những thẩm định có thể được sử dụng như bình phong để bắt đầu thực hiện việc ra quân”. Ông nói Moscow đã kêu gọi các thanh tra viên hãy tiếp tục “thi hành một cách khách quan việc làm chuyên nghiệp của họ, và cộng đồng thế giới phải cung cấp cho họ tất cả những trợ giúp về chính trị cần thiết chứ đừng làm áp lực trên họ”. Vị ngoại trưởng này đồng thời cũng kêu gọi Iraq hãy hoàn toàn cộng tác với các thanh tra viên: “Chúng ta đạt được các kết quả cụ thể càng sớm từ những hoạt động của các thanh tra viên quốc tế thì chúng ta càng có nhiều cơ hội để ổn định chính trị”. Nga Số đã từng tuyên bố không ủng hộ bất cứ một quyết định mới nào của Liên Hiệp Quốc cho phép sử dụng võ lực, và vị ngoại trưởng này tin tưởng tình hình có thể được giải quyết trong phạm vi của quyết định 1441.

Ngày hôm sau, Thứ Sáu, 21/2/2003, trong một cuộc họp báo, lãnh sự Iraq ở Nga là Abbas Khalaf đã cho các phóng viên báo chí biết rằng lời công bố của ngoại trưởng Nga ấy đã xác nhận những lời tố cáo của Iraq từ năm 1998 là Iraq không trục xuất các thanh tra viên mà là Hiệp Chủng Quốc đã truyền lệnh cho họ phải bỏ Iraq để làm cớ tấn công Iraq. Ông lãnh sự này nói: “Baghdad đã cảnh giác toàn thể thế giới về điều này từ lúc ấy, thế nhưng không ai chịu tin họ lại còn thậm chí cho rằng Iraq đã trục xuất các thanh tra viên”. Vị lãnh sự này còn thừa thắng xông lên cho Hoa Kỳ thực hiện những cuộc vận động “ngôn từ té re” (verbal diarrhea) để chống Iraq. Tòa Bạch Ốc, theo ông, giờ đây là một “Tòa Hắc Ám bốc lên khói lửa chiến tranh”. Vị lãnh sự này cho biết tòa lãnh sự của ông ở Nga ngày đêm nhận được điện thoại tỏ tình đoàn kết với Iraq. Trả lời cho vấn đề giới truyền thông cho biết có nhiều người tình nguyện muốn đến Iraq để chiến đấu cho Iraq, ông trả lời “chúng tôi không cần dân chúng chiến đấu cho Iraq”, nhưng ông từ chối không cho biết Iraq có cấp giấy nhập cảnh cho những tình nguyện viên này hay chăng. Ông nói rằng Iraq hoan nghênh những ai “phủ nhận” chiến tranh đối với Hoa Kỳ. Ông cho biết các ký giả Nga được ưu tiên cấp giấy nhập cảnh vào Iraq, nhưng ông không cấp giấy này cho các ký giả của CNN, của truyền hình Nhật Bản và các cơ quan thông tin khác ở Moscow.
 

Cũng hôm Thứ Năm 20/2/2003 này, tại Hoa Kỳ, Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld cho biết trong một cuộc phỏng vấn với PBS: “Chúng tôi đã ở vào lúc nếu được tổng thống quyết định là Bộ Quốc Phòng sửa soạn và có khả năng cùng sách lược làm điều này”. Tuy nhiên, ông cho biết, việc chuyển quân đến Trung Đông không có nghĩa là không thể tránh được chiến tranh. Theo ông, chiến tranh chỉ có thể tránh được một khi Iraq tuân hợp với những đòi hỏi giải giới của Liên Hiệp Quốc, hay Tổng Thống Saddam Hussein quyết định tự nguyện bỏ xứ ra đi hoặc bị dân chúng lật đổ.

Thứ Sáu, 21/2/2003, một viên chức Hoa Kỳ nói rằng bản quyết định dự thảo mới do Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc phác họa hy vọng cùng lắm sẽ xong vào Thứ Hai hay Thứ Ba tới đây, và Hội Đồng Bảo An sẽ bỏ phiếu vào tuần thứ hai của Tháng Ba, sau ngày 7/3 là ngày ban thanh tra vũ khí tường trình kết quả thanh tra của họ cho hội đồng này lần thứ ba. Bản quyết định mới do hai cường quốc này phác họa nhắm vào ngôn từ nhấn mạnh đến việc có thể sử dụng quân sự để tấn công Iraq. Hai nước này đang thực hiện những cuộc vận động ngoại giao (chẳng hạn bộ trưởng nội vụ Powell đang vận động các nước Á Châu như Nhật có chân trong hội đồng này và Tổng Thống Bush gặp Thủ Tướng Tây Ban Nha Jose Maria Aznar vào Thứ Sáu và Bảy tại nông trại của ông ở Crawford) để kiếm phiếu thuận cho đủ 9 phiếu trong 15, trong đó không có một phiếu nào phủ quyết veto của một trong 5 quốc gia thường trực, trong đó có Pháp, Nga và Tầu. Nguồn tin cũng cho biết, nếu cảm thấy không kiếm nổi số phiếu thuận này thì bản quyết định mới của họ có thể sẽ không được chiềng làng.
 

Cũng vào Ngày Thứ Sáu 21/2/2003, trưởng ban thanh tra Hans Blix đã trao cho vị lãnh sự Iraq là Mohammed Aldouri ở Liên Hiệp Quốc một bức thư cho biết Iraq phải hủy hoại những phi đạn tầm xa al-Samound-2 kể từ ngày 1/3/2003. Vẫn biết, theo tường trình của ông Blix lần hai với Hội Đồng Bảo An vừa rồi thì những phi đạn tầm xa này không trái với qui định của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, sau đó, một phái đoàn thanh tra quốc tế đã thử lại và thấy rằng các phi đạn này có thể bắn xa hơn 30 cây số ngoài hạn định 150 cây số của nó. Theo bức thư của ông Blix thì việc hủy hoại này phải được thực hiện trước sự chứng kiến của các thanh tra viên và bao gồm tất cả những gì thuộc về nó, kể cả xăng nhớt, văn kiện, đồ thử, nhưng không liên quan gì đến các cơ sở chế tạo của nó như Hoa Kỳ đòi cũng phải được phá hủy. Phương pháp hủy hoại có thể bằng cách “phá nổ, nghiền nát, nung chảy hay các phương pháp thể lý hoặc hóa chất khác”.
 

Trong cuộc phỏng vấn với CNN tuần vừa rồi, Phó Thủ Tướng Tariq Aziz cho biết chế độ Iraq sẽ chống lại lệnh này: “Những phi đạn tầm xa không cần phải bị phá hủy vì chúng thực tế ở trong tầm mức chúng tôi được phép có”. Theo vị phó thủ tướng này thì sở dĩ những phi đạn tầm xa ấy có thể đi xa hơn giớin hạn của chúng là vì chúng được thử không có những máy móc hướng dẫn. “Vấn đề hoàn toàn bất công và không thể chấp nhận được bởi bất cứ những tiêu chẩn khoa học và an ninh nào… Việc hủy hoại cần phải được căn cứ vào lý trí, một lý trí gắn liền với những vấn đề an ninh và hòa bình”.

 

Thứ Bảy 22/2/2003, sau khi gặp Thủ Tướng Jose Maria Aznar Tây Ban Nha tại nông trại của ông ở Texas, Tổng Thống Bush đã cho báo chí biết rằng: “Quyết Định 1441 không cần những dấu hiệu cho thấy tiến bộ hay những dấu hiệu thụt lùi nho nhỏ. Nó đòi phải hoàn toàn và lập tức giải giới. Đó là vấn đề duy nhất trước hội đồng này mà thôi”. Vị tổng thống và thủ tướng này đã gọi điện thoại cho Thủ Tướng Tony Blair và Thủ Tướng Ý Silvio Berlusconi về việc sử dụng chữ nghĩa cho bản quyết định mới họ đang soạn thảo. Cho tới nay, trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc phe chủ chiến mới có 4, đó là Hiệp Chủng Quốc, Hiệp Vương Quốc, Tây Ban Nha và Ý Đại Lợi, còn phe chủ hòa có Pháp, Nga, Tầu, Đức và các nước còn lại, như Angola, Cameroon, Guinea, Pakistan, Syria, Chí Lợi và Mễ Tây Cơ. Sau khi gặp Tổng Thống Bush, Thủ Tướng Tây Ban Nha đi đến hai nước thành viên của hội đồng này là Chí Lợi và Mễ Tây Cơ để kéo vây cánh.
 

Cũng vào ngày Thứ Bảy 22/2/2003, trong một cuộc họp với Đảng Xanh của mình ở Bá Linh, Ngoại Trưởng Đức là ông Joschka Fischer đã cảnh giác về việc chiến tranh đánh Iraq có thể sẽ làm tăng cường nạn khủng bố. Ông vẫn tỏ lập trường chống chiến tranh của Đức trong khi việc thanh tra đang tiến hành tốt đẹp: “Câu hỏi chính yếu là: ‘Liệu nạn khủng bố thế giới có bị suy yếu hay lại không ngờ làm tăng phát vì việc sử dụng quân sự?’ Vậy thì điều này có nghĩ a là gì chẳng những đối với tình trạng yên ổn của miền này cũng như của tình trạng an ninh của chúng ta? Đó là lý do tại sao tôi tin rằng chiến tranh chỉ là giải pháp cuối cùng, chứ không phải là giải pháp kế tiếp. Tôi sợ là chúng ta đang đi lạc hướng… Chúng ta muốn có một đường lối để giải giới, nhưng phải là đường lối can thiệp phi quân sự. Chúng ta không muốn thấy xẩy ra cuộc chiến tranh giải giới vì tôi không nghĩ rằng nó sẽ giải quyết được các vấn đề”.

Cũng vào Ngày Thứ Bảy 22/2/2003, một bản tuyên ngôn đã được các ngoại trưởng chấp thuận để sửa soạn cho cuộc họp thượng đỉnh vào Thứ Hai tới đây của Phong Trào Non-Aligned Movement gồm 114 quốc gia, hầu hết là các quốc gia đang phát triển, với con số 55% tổng số dân trên thế giới và gần 2/3 quốc gia thành viên của Hội Đồng Bảo An. Iraq là một trong những quốc gia đứng ra thành lập phong trào này, một phong trào được lập nên từ năm 1955 để trở thành một đường lối trung lập giữa Hiệp Chủng Quốc và Liên Bang Sô Viết. Bản tuyên ngôn này chất chứa những điểm chính yếu sau đây: nếu Iraq tiếp tục hợp tác với các thanh tra viên trong việc loại trừ các thứ vũ khí đại công phá thì các thứ cấm vận từ năm 1991 phải được dẹp bỏ; khuyên Iraq tuân hợp Quyết Định 1441 của Hội Đồng Bảo An và tỏ ra chiều hướng không muốn thấy xẩy ra một cuộc tấn công. Bản tuyên ngôn này là việc đáp ứng của tình trạng xuống đường biểu tình khắp thế giới chống chiến tranh cuối tuần vừa rồi. Bản văn viết: “Chúng tôi lập lại quyết tâm của chúng tôi với những nguyên tắc nồng cốt của vấn đề phi võ lực cũng như vấn đề tôn trọng chủ quyền, sự nguyên vẹn về lãnh thổ, tình trạng độc lập về chính trị an ninh của tất cả mọi quốc gia phần tử”.
 

 

22/2 Thứ Bảy

 

ĐTC tiếp và kêu gọi Thủ Tướng Tony Blair của Hiệp Vương Quốc hãy tránh thảm trạng chiến tranh

 

Trước ngày gặp ĐTC, vị thủ tướng này đã gặp thủ tướng Ý là Silvio Berlusconi. Ông nói: “Tôi hoàn toàn hiểu được việc các phần tử của giáo hội hay thật sự cả nơi xã hội không thích chiến tranh. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã cố gắng tránh chiến tranh qua 12 năm trường cùng với mấy tháng ở Liên Hiệp Quốc. Tôi hiển nhiên là biết rất rõ các quan điểm của vị giáo hoàng này và những quan điểm ấy rất minh bạch… Xin cho tôi nói thẳng điều này, đó là chúng tôi không muốn chiến tranh, không ai muốn chiến tranh cả. Những lời được Đức Giáo Hoàng diễn tả cho thấy… đó là việc dân chúng lưỡng lự tiến tới chỗ chiến tranh ngoại trừ đó là giải pháp cuối cùng. Đó cũng là chủ trương của chúng tôi”. Thế nhưng, vị thủ tướng này vẫn chủ trương: “Saddam một là giải giới một cách ôn hòa hay là hắn sẽ bị giải giới bằng võ lực. Thế nhưng, cuối cùng tôi không thể tránh được việc này trừ phi Saddam chọn đường lối giải giới ôn hòa. Hắn biết rằng hắn phải làm gì và hắn có khả năng làm điều đó. Vấn đề là hắn có muốn làm hay chăng”. Phần thủ tướng Ý thì cho biết: “Chúng tôi không phải là những người muốn chiến tranh xẩy ra. Chúng tôi muốn đạt được việc giải giới ôn hòa”.

 

ĐTGM Canterbury, Rowan Williams, vị lãnh đạo 70 triệu tín đồ Anh Giáo, trong đó có thủ tướng Blair, cũng vào chính ngày thủ tướng Tony gặp thủ tướng Ý hôm Thứ Sáu, đã đặt vấn đề về hậu quả chiến tranh với Iraq như sau: “Tôi không nghĩ rằng người ta có thể phủ nhận là không có lý do luân lý nào về việc gây ra chiến tranh đối với trường hợp nhân đạo của nhân dân Iraq. Vấn đề là phải chăng có những thứ can thiệp sẽ làm cho tình trạng tệ hại hơn cho dân chúng ở Iraq cũng như ở vùng đó”. Hôm thứ Bảy 1/2/2003, CNN đã cho biết Vị Giám Mục lãnh đạo Giáo Hội United Methodist là Melvin G. Talbert, 68 tuổi, tức vị lãnh đạo tôn giáo của Tổng Thống Bush, cũng đã lên tiếng nhận định về lý do chính đáng và hậu quả tại hại của chến tranh là: “Iraq chưa từng phạm đến chúng ta. Chiến tranh chỉ làm xuất hiện thêm nhiều tay khủng bố và tạo nên một thế giới nguy hiểm hơn cho con cái của chúng ta mà thôi”.
 

Đúng như dự định, Thủ Tướng Hiệp Vương Quốc Tony Blair đã đến triều kiến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hôm Thứ Bảy 22/2/2003 trong vòng 30 phút. Vị Thủ Tướng này là một người theo Anh Giáo, nhưng người vợ tên Cherie lại là Công Giáo. Theo văn phòng báo chí của Tòa Thánh Vatican thì ĐTC đã lợi dụng dịp này để lập lại chủ trương rõ ràng của Ngài là: “đối với tình hình trầm trọng ở Iraq, cần phải hết sức tránh những chia rẽ mới trên thế giới”, tức cần phải hết sức nỗ lực “để ngăn chặn thảm cảnh chiến tranh”. Các tờ nhật báo Ý đã trích dẫn từ những nguồn tin từ Tòa Thánh Vatican cho biết là Đức Giáo Hoàng đã lưỡng lự trong vấn đề gặp vị thủ tướng này, vì ông quyết định giải giới Iraq bằng võ lực nếu Saddam Hussein không chịu tuân theo ý muốn của Liên Hiệp Quốc.

 

Quan Điểm của Tòa Thánh về Vấn Đề Iraq tại Liên Hiệp Quốc


Trong buổi họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc Thứ Tư 19/2/2003 về vấn đề Iraq, ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, đã phát biểu quan điểm và chủ trương của Tòa Thánh như sau:


 

Thưa Ngài Chủ Tịch,


Cám ơn Ngài đã cho tôi có cơ hội để bày tỏ mối quan tâm và lo âu sâu xa của Tòa Thánh chúng tôi về vấn đề Iraq cũng trong Căn Phòng của Hội Đồng Bảo An này, nơi mà những vấn đề liên hệ với hòa bình và an ninh thế giới được bàn luận để giúp cho thế giới tránh khỏi nạn chiến tranh. Lợi dụng cơ hội này, thưa Ngài Chủ Tịch, tôi hân hoan nhắc đến cuộc gặp gỡ thành đạt của Tổng Thư Ký Kofi Annan và ĐTC Gioan Phaolô II tối hôm qua ở Vatican.


Thưa Ngài Chủ Tịch,


Ngay từ khi bắt đầu, Tòa Thánh chúng tôi bao giờ cũng nhìn nhận vai trò bất khả thay thế của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết vấn đề tuân hợp của Iraq đối với các quyết định của Liên Hiệp Quốc.


Về khíacạnh này, Tòa Thánh chúng tôi nhận thấy rằng cộng đồng quốc tế đã có lý để mà lo âu và đang nêu lên một lý do chính đáng và khẩn trương trong việc giải giới những lò vũ khí đại công phá, một đe dọa nổi lên chẳng những ở một miền duy nhất mà tiếc thay còn ở các phần đất khác trên thế giới chúng ta nữa. Tòa Thánh tin rằng, với những nỗ lực vận dụng sức mạnh từ dồi dào những phương thế ôn hòa theo luật lệ quốc tế, thì vấn đề sử dụng võ lực không phải là một phương tiện chính đáng. Cùng với những hậu quả trầm trọng gây ra cho thành phần dân chúng đã từng bị thử thách quá lâu, còn có cả những viễn ảnh đen tối về những thứ căng thẳng và xung khắc giữa các dân tộc và các nền văn hóa, cùng với viễn ảnh về việc tái diễn một cuộc chiến tranh bất thỏa thuận được dùng như đường lối để giải quyết những tình hình không thể nắm bắt.


Tòa Thánh chúng tôi hết sức theo dõi những diễn biến như thế và bày tỏ việc ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế hướng về việc giải quyết cuộc khủng hoảng này trong lãnh vực pháp luật quốc tế. Để đạt mục đích này và chú trọng đến nó, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa mới sai một Vị Sứ Giả Đặc Biệt đến Baghdad để gặp Tổng Thống Saddam Hussein và trao cho ông một Sứ Điệp nhấn mạnh, ngoài những vấn đề khác, đến nhu cầu cần phải có những dấn thân cụ thể trong việc trung thành gắn bó với những quyết định hiện hành của Liên Hiệp Quốc. Một sứ điệp tương tự như vậy cũng được chuyển đến Ông Tarek Aziz, Phó Thủ Tướng Iraq, vị đến thăm Đức Giáo Hoàng ngày 14/2 vừa rồi. Ngoài ra, trước hậu quả tàn khốc của một cuộc can thiệp bằng quân sự có thể xẩy ra, Vị Sứ Giả Đặc Biệt của Đức Giáo Hoàng cũng đã kêu gọi lương tâm của tất cả những ai đóng vai trò trong việc quyết định tương lai của cuộc khủng hoảng này vào những ngày quyết liệt tới đây “vì, cuối cùng, chính lương tâm mới là phán quyết cuối cùng, mạnh hơn tất cả mọi sách lược, tất cả mọi ý hệ cũng như tất cả mọi tôn giáo”.


Thưa Ngài Chủ Tịch,


Tòa Thánh chúng tôi tin rằng mặc dù tiến trình thanh tra vũ khí có vẻ hơi chậm, song nó vẫn là đường lối hiệu nghiệm có thể dẫn đến việc xây dựng một cuộc đồng thuận mà, nếu được Các Nước rộng rãi tỏ ý, đến nỗi không một Chính Quyền nào có thể làm khác đi mà lại không bị thế giới cô lập. Bởi thế, Tòa Thánh chúng tôi cũng thấy rằng nó còn là một đường lối thích hợp có thể dẫn tới một quyết định được chấp nhận và đáng tôn trọng cho vấn đề này, một quyết định ngược lại có thể đặt nền cho hòa bình thực sự và bền vững.


“Chiến tranh không bao giờ có thể là một phương tiện con người có thể chọn lựa để sử dụng trong việc ổn định những khác nhau giữa các quốc gia. Như Hiến Chương của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc và chính luật pháp quốc tế nhắc nhở chúng ta rằng, không thể quyết định chiến tranh, ngay cả khi nó là vấn đề bảo toàn cho công ích, trừ phi nó là giải pháp cuối cùng và thuận hợp với những điều kiện rất ngặt nghèo, song phải chú trọng tới những hậu quả gây ra cho thành phần dân sự cả trong và sau những hoạt động quân sự” (Address of Pope John Paul II to the Diplomatic Corps, 13 January 2003).


Về vấn đề Iraq, đại đa số cộng đồng thế giới đang kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc tranh luận này cũng như cho việc tìm kiếm tất cả mọi đường lối giải quyết ôn hòa. Không được coi thường lời kêu gọi ấy. Tòa Thánh chúng tôi khuyên những ai có liên quan hãy cởi mở đối thoại để có thể mang lại những giải pháp ngăn chặn chiến tranh có thể xẩy ra và chúng tôi cũng xin cộng đồng thế giới hãy lãnh trách nhiệm của mình trong việc đối đầu với những thiếu sót của Iraq.


Thưa Ngài Chủ Tịch, trước khi chấm dứt lời phát biểu này, xin cho phép tôi được vang vọng lại trong Căn Phòng hòa bình này những lời chan chứa hy vọng của Vị Sứ Giả Đặc Biệt của Đức Gioan Phaolô II gửi đến Iraq: “Hòa bình vẫn còn khả dĩ ở Iraq và cho Iraq. Bước tiến nhỏ bé nhất trong mấy ngày nữa đây đáng giá là một cái nhẩy vọt tới hòa bình”.


Tôi xin cám ơn Ngài Chủ Tịch.

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu do Zenit phổ biến ngày 20/2/2003
 

 

(Giáo Hội Hiện Tế các tuần trước)