GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 12/2003

 

Ý Chung: “Xin cho các phần tử của tất cả mọi tôn giáo biết hợp tác với nhau trong vệc làm giảm bớt những thương đau của loài người trong thời đại của chúng ta”.


Ý Truyền Giáo: “Xin cho Giáo Hội ở các xứ sở còn bị cai trị bởi các chế độ độc đoán được hoàn toàn tự do để thi hành sứ vụ thiêng liêng của mình”.

 

___________________________________________

 30/11-6/12//2003

Giovanni Paolo II

 

6/12 Thứ Bảy

Thánh Giuse NGUYỄN DUY KHANG
Thầy giảng dòng ba Đaminh

(1832 - 1861)

Một Môn Sinh Trung Thành

Thánh Giuse Nguyễn duy Khang được các tín hữu Việt Nam tôn kính trong số bốn thánh tử đạo Hải Dương. Tuy thánh nhân tử đạo sau hơn một tháng, nhưng vẫn được chung vinh dự với linh mục Almate Bình, hai giám mục Valentino Vinh và Hermosilla Liêm, vì đã cùng chung lao khổ với ba vị huynh trưởng đó trong dòng Đaminh.

Là người trợ tá của Giám mục Hermosilla Liêm thầy Giuse Khang đã theo sát người cha chung của địa phận Đông Đàng Ngoài trong những ngày lưu lạc. Rồi khi quân lính vây bắt Đức cha, thì với nhiệt tâm của Thánh Phêrô tông đồ xưa trong vườn cây dầu, thầy định dùng võ lực để chống cự. Nhưng sau cùng, thầy đã nghe lời của vị mà mình muốn bảo vệ. Thầy chấp nhận bị bắt để làm chứng cho điều cao thượng hơn: Làm chứng cho tình thương, cho lòng nhân ái thứ tha của Tin mừng.

Một Tu Sĩ Đạo Đức

Giuse Nguyễn duy Khang chào đời năm 1832, tại Cao Mại, xã Trà Vi, huyện Vũ Tiên, phủ Kiên Xương, tỉnh Thái Bình. Cha mẹ cậu là những giáo hữu đạo đức, hướng dẫn các con vào đời sống đạo ngay từ nhỏ. Nhưng cha cậu sớm qua đời, cậu được mẹ săn sóc tận tình. Bà lo liệu cho cậu được học hành, gợi cho cậu ý muốn hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa và gởi cậu vào nhà Đức Chúa Trời giúp việc cho cha Matthêô Năng dòng Đaminh.

Sau mười năm sống với vị linh mục lão thành thánh thiện này, cậu Giuse Khang được cha gởi vào chủng viện Kẻ Mốt để học tiếng Latinh, chuẩn bị cho sứ vụ linh mục tương lai. Giai đoạn này thầy Giuse Khang xin gia nhập dòng ba Đaminh, và được anh em tín nhiệm vào làm trưởng tràng điều hành mọi công việc trong nhà như lao động, nấu ăn, liên lạc với các bề trên. Mặc dù bận rộn, thầy Khang vẫn nêu gương sáng cho anh em trong việc học hành và kỷ luật. Những ai đã tiếp xúc với thầy đều nói thầy đạo đức, có tính cương trực, nhưng lại luôn luôn hòa nhã với hết thảy mọi người.

Khi đó Đức cha Hermosilla Liêm cũng ở Kẻ Mốt, đã tín nhiệm thầy cách đặc biệt, và chọn thầy làm người phụ tá riêng. Thầy Khang vui vẻ phục vụ Đức cha cách tận tình: từ việc dọn bàn thờ, sắp xếp các hồ sơ, sao chép các thư luân lưu, cho đến những công tác cơm nước, liên lạc. Có lần thầy còn đào hang trú ẩn cho hai cha con nữa.

Mẫu Gương Can Đảm

Giáo hội Việt Nam lúc này đang trong tình trạng bị bách hại khốc liệt dưới thời vua Tự Đức. Để tiêu diệt hết đạo Gia-tô trong cả nước, nhà vua ban chiếu chỉ Phân sáp ngày 5.8.1861. Theo chiếu chỉ đó, mọi tín hữu Gia-tô già trẻ lớn nhỏ, nam nữ đều bị phân tán vào các làng ngoại giáo. Các tín hữu bị khắc tự trên má, gia đình bị phân chia, vợ một nơi, chồng một nẻo, con cái mỗi đứa mỗi miền. Các thánh đường, nhà chung, tài sản của giáo hữu bị tịch thu, bị chia chác hay phá hủy.

Trong bối cảnh đó, ngày 18.9, Đức cha Hermosilla Liêm vô cùng đau đớn khi phải quyết định giải tán chủng viện Kẻ Mốt. Linh mục Khoa, đại diện ngài nói với các chủng sinh: “Anh em khỏi chào Đức cha, kẻo ngài không cầm nổi nước mắt”. Riêng thầy Khang nhất quyết xin và được chọn để đi theo Đức cha cho tới cùng. Khi giã từ các bạn, thầy nói nửa đùa nửa thật: “Tôi nhất định theo Đức cha, các quan có bắt ngài, ắt sẽ chẳng tha tôi. Đức cha chết vì đạo, tôi cũng chết theo, mất đầu còn chân sợ gì”. Từ đêm đó, hai cha con bắt đầu sống lưu lạc. Tương lai tuy mờ mịt, nhưng thầy Khang vẫn vui tươi nhờ lòng tin tưởng phó thác và tâm tình hiến dâng mạng sống nếu Chúa muốn.

Ba tuần lễ đầu, thầy Khang cùng với Đức cha sống trong hang trú ẩn ở Thọ Ninh. Nhưng quan quân đã phát hiện nơi ẩn đó, nên hai cha con phải bỏ đất liền, xuống ở một thuyền đánh cá. Thầy Khang chèo thuyền qua thị xã Hải Dương đến tá túc trên thuyền của một giáo hữu tên Bính. Chính nơi đây đã thành “tòa giám mục” lưu động của vị chủ chăn. Được vài ngày, hai vị tình cờ gặp Đức cha Valentinô Vinh và linh mục Almato Bình đi thuyền từ Kẻ Nê xuống. Thật là cuộc gặp gỡ vô cùng cảm động và vui mừng của bốn thánh tử đạo Hải Dương. Các vị tạ ơn Chúa vì cơ may đặc biệt này, trao đổi tin tức và cùng nhau cầu nguyện cho Giáo hội. Đến sáng, các vị chia tay mỗi thuyền đi một ngả.

Một hôm gia đình trưởng Bính xảy ra cuộc cãi lộn. Người con trai tức giận với cha mẹ nên đi tố cáo ông bà chứa chấp đạo trưởng. Thế là đội Bằng liền đem gia nhân đến bắt Đức cha. Thấy họ tới nơi, thầy Khang liền nhổ cây sào chống thuyền và chạy đến đứng chắn trước mặt họ như muốn ngầm bảo: phải bước qua xác tôi, rồi muốn bắt ai thì bắt.

Nhưng Đức cha khả kính và nhân ái đã đến nắm lấy vai thầy, ngài nói: “Đừng làm gì hại họ, hãy phó mặc cho ý Chúa”. Thầy Khang ngỡ ngàng quay lại nhìn người cha già và chợt hiểu ý ngài, thầy chỉ nói được một lời: “Thưa vâng”, rồi bỏ sào tre xuống đưa tay cho lính trói. Lính giải hai vị vào thành Hải Dương và giam mỗi vị một nơi.

Vị Tử Đạo Hải Dương

Một tháng rưỡi trong tù, thầy Khang được sống chung với một số giáo hữu. Thầy liền tổ chức cho cả phòng giam đọc kinh chung mỗi ngày ba lần, và mỗi tối làm việc thống hối đền tội để chuẩn bị đón nhận phúc tử đạo. Trong thời gian này, thầy bị đưa ra tòa tra tấn ba lần, bị đánh đòn khắp hai bên mông. Lần nào thầy cũng can đảm chịu đựng, không hề tiết lộ bất cứ chi tiết nào về hàng giáo sĩ, các giáo hữu trong ngục đều nấu nước rửa và xoa bóp cho thầy dịu bớt cơn đau.

Đặc biệt ở trong tù, thầy Khang vẫn tiếp tục viết thơ cho các bạn học đang lưu lạc ở làng Hảo Hội. Một lá thơ thầy viết:

“Các quan mới tra tấn tôi một kỳ để hỏi đức cha đã ở những đâu, song tôi chẳng trả lời, trái lại vui lòng chịu đòn. Xin anh em cầu nguyện cho tôi”.

Trong lá thơ khác thầy viết:

“Anh em gởi cho tôi một cái quần, vì quần tôi cũ, phải đòn nhiều đã rách nát. Cũng xin gởi cho tôi một cái chăn để khi tôi chết, có cái mà liệm xác đem chôn”.

Ngày 6.13.1861, thầy Giuse Khang được nghe bản án trảm quyết ở kinh đô gởi ra, thầy vui vẻ theo lính ra pháp trường Hàm Mẫu, nơi đã thấm máu người cha kính yêu của thầy ngày 1.11. trước đó. Sau khi bị chém đầu, dân chúng địa phương an táng thi thể thầy ở ngoài ruộng.

Năm 1867, theo lệnh của Đức cha Hy, thầy cai Hinh, anh ruột của vị tử đạo đã dời hài cốt em của mình về nhà nguyện Kẻ Mốt. Ngày nay thủ cấp của thánh nhân được lưu giữ tại đền thờ Hải Dương, còn hài cốt thì vẫn để ở Kẻ Mốt.

Ngày 20.5.1906, Đức Thánh Cha Piô X suy tôn thầy Giuse Nguyễn duy Khang lên bậc Chân Phước.
 

Hiếu Trung, OP


“Dọn Đường Chúa Đến”

Lần Hạt Mân Côi Mùa Vọng và Giáng Sinh
(Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm C)


Phúc Âm

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Đời Hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thuœ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thuœ hiến xứ Ituria và Tracônitiđê; Lysania làm thuœ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa. Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giaœng phép rưœa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: “Có tiếng kêu trong hoang địa: hãy dọn đường Chúa, hãy sưœa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ cuœa Thiên Chúa”.

Nhận Thức Dẫn Nhập:

Qua lời của Tiên Tri Isaia trong Cựu Ước, những lời được vang vọng qua miệng vị đệ nhất tiên tri Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, trước khi Nhập Thể Làm Người, Thiên Chúa muốn loài người phải sẵn sàng nghênh đón Ngài. Bằng không, họ sẽ không nhận ra Ngài, vì Ngài không đến như họ tưởng. Tuy nhiên, cũng chính vì thế gian sống trong tăm tối sự chết mà Ngài đã đến để chiếu giãi ánh sáng sự sống cứu độ thế gian, nơi Lời Nhập Thể đầy tràn Thần Linh.

Thứ nhất “Lấp đầy hố sâu”:

Chiêm Ngắm: Tuy là Thiên Chúa nhưng Chúa Kitô đã không tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa, trái lại, Người đã trở nên như không, mặc lấy thân phận tôi tớ tạo vật của một con người được cưu mang trong lòng của một người phụ nữ trinh nguyên vô danh tiểu tốt.

Ý Nguyện: Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria đầy ơn phúc vì được Thiên Chúa ở cùngỉ, xin Emmanuel Thai Nhi Thần Linh Giêsu, hãy lấp đầy những hố sâu tham vọng bất chính của chúng con, để tâm hồn chúng con được trở nên thanh sạch, nhờ đó có thể cảm nghiệm thấy ơn Chúa cứu độ chúng con. Amen.

Thứ hai “Bạt xuống núi đồi”:

Chiêm Ngắm: Thiên Chúa là Thần Linh vô cùng toàn hảo và toàn năng đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta, nơi một thơ nhi hết sức bé mọn và yếu đuối, được bọc trong khăn, nằm trong máng cỏ, vào một đêm đông giá buốt, tại một hang lừa máng cỏ vô cùng hèn hạ trên trần gian.

Ý Nguyện: Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria đầy ơn phúc vì đã tin, xin Emmanuel Hài Nhi Thần Linh Giêsu, hãy san bằng những núi đồi tự cao tự phụ của chúng con, để tâm hồn chúng con được trở nên thanh sạch hầu có thể cảm nghiệm thấy ơn Chúa cứu độ chúng con. Amen.

Thứ ba “Uốn thẳng quanh co”:

Chiêm Ngắm: Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa loài người như ánh sáng thật chiếu trong tăm tối, chiếu soi cho cả những tâm hồn thiện tâm từ Phương Đông đến bái thờ Người, nhưng lại bị chính dân Người phủ nhận, qua việc ra tay sát hại của quận vương Hêrôđê.

Ý Nguyện: Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria đầy ơn phúc vì đã tin, xin Emmanuel Thơ Nhi Thần Linh Giêsu, hãy uốn thẳng những quanh co gian dối nơi chúng con, để tâm hồn chúng con được trở nên thanh sạch hầu có thể cảm nghiệm thấy ơn Chúa cứu độ chúng con. Amen.

Thứ bốn “San bằng gồ ghề”:

Chiêm Ngắm: Lời đã hóa thành nhục thể là để tỏ Cha của Người ra, vì không ai biết Cha trừ ra Con và những kẻ được Con tỏ ra cho. Thế mà Người đã sống 9 phần 10 cuộc đời trần gian của mình nơi thôn nghèo Nazarét với thân phận làm con ngoan ngoãn tuân phục mẹ cha.

Ý Nguyện: Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria đầy ơn phúc vì đã tin, xin Emmanuel Thiếu Nhi Thần Linh Giêsu, hãy săn bằng những gồ ghề tự ái bất tuân nơi chúng con, để tâm hồn chúng con được trở nên thanh sạch hầu có thể cảm nghiệm thấy ơn Chúa cứu độ chúng con. Amen.

Thứ năm “Ơn Chúa cứu độ”:

Chiêm Ngắm: Tuy là Thiên Chúa nhưng Chúa Kitô đã không tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa, trái lại, Người đã trở nên như không, mặc lấy thân phần tôi tớ và đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá để thánh hóa Giáo Hội trong chân lý và cứu độ trần gian.

Ý Nguyện: Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria đầy ơn phúc vì đã tin, xin Emmanuel Thần Linh Giêsu đã Vượt Qua Tử Giá đến Vinh Quang Phục Sinh, hãy rửa chúng con trong Chúa Thánh Thần, để chúng con trở thành chứng nhân đích thực của Chúa cho tới tận cùng trái đất. Amen.

Tổng Nguyện:     Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian. Trong tất cả muôn loài tạo vật được Chúa dựng nên, Chúa đã chọn tỏ hết mình ra nơi nhân tính bất toàn và thân phận vô cùng thấp hèn của chúng con, chứ không muốn tỏ mình ra nơi bất cứ một loài nào, kể cả loài thần thiêng sáng láng, có bản tính hoàn hảo hơn bản tính loài người chúng con. Chúa đã yêu bằng con tim của chúng con, đã phán truyền Lời hằng sống bằng môi miệng chúng con, đã làm việc bằng đôi tay của chúng con. Ôi thân phận loài người của chúng con cao cả chừng nào! Ôi ơn gọi làm người của chúng con quí giá biết bao. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria đầy ơn phúc vì được Chúa ở cùng và vì đã tin, xin cho chúng con, như Mẹ Maria, sống trọn đặc ân được làm con của Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Kết:     Tất cả cùng nhau hát bài một bài về Mùa Vọng hay Giáng Sinh.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh
Soạn dọn cho Thiếu Nhi Fatima TGP Los Angeles lần hạt Mân Côi Thứ Bảy Đầu Tháng 6/12/2003, Áp Chúa Nhật I Mùa Vọng

 

“Dọn Ðường Ngay Thẳng”

Sinh Hoạt Trò Chơi Phúc Âm Chúa Nhật II Mùa Vọng


Phúc Âm

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Đời Hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thuœ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thuœ hiến xứ Ituria và Tracônitiđê; Lysania làm thuœ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa. Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giaœng phép rưœa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: “Có tiếng kêu trong hoang địa: hãy dọn đường Chúa, hãy sưœa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ cuœa Thiên Chúa”.

Hướng Dẫn

Trong bài Phúc Âm của Chúa Nhật II Mùa Vọng, Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đã lập lại lời của tiên tri Isaia về việc làm sao để con người nói chung và dân Do Thái nói riêng có thể “thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”, hay có thể nhận ra Chúa Kitô, Thiên Chúa Làm Người, nghĩa là có thể được sự sống đời đời, vì sự sống đời đời là ở chỗ nhận biết Thiên Chúa.

Thật vậy, như đã hứa với hai nguyên tổ sa phạm, và đã cho dân Do Thái thấy trước hình ảnh về Đấng Cứu Thế trong giòng Lịch Sử Cứu Độ của họ, Đấng Cứu Thế chắc chắn sẽ đến vào thời điểm của mình.

Thế nhưng, nếu con người không sẵn sàng chờ đón Người, như Mẹ Maria hay như Gioan Tẩy Giả, như tư tế Simêon và bà tiên tri Anna, như nhóm mục đồng vào đêm Giáng Sinh, thậm chí như ba nhà chiêm tinh vương Đông Phương, họ sẽ không thể nào nhận ra Người, trái lại, còn ra tay sát hại Người khi Người đến, như trường hợp của quận vương Hêrôđê khi Người mới ra đời, cũng như trường hợp của Hội Đồng Do Thái và của nhà cầm quyền Rôma Philatô vào lúc cuối đời của Người.

Đó là lý do, trong bài Phúc Âm, với vai trò Tiền Hô để dọn đường cho Người đến, tức để làm sao để dân chúng nhận ra Người khi Người xuất hiện, Thánh Gioan Tẩy Giả, vị cũng chưa từng thấy Đấng Thiên Sai, đã kêu gọi chẳng những bằng lời nói mà còn bằng cả đời sống của mình nữa là việc làm sao sống trong chân lý. Ở chỗ lấp đi mọi hố sâu tham vọng bất chính, bạt hết mọi núi đồi tự cao tự phụ, uốn thẳng những gì cong queo gian dối, và san bằng những gồ ghề tự ái bất tuân. Vậy tuần này chúng ta hãy cùng nhau sinh hoạt trò chơi “Dọn Ðường Ngay Thẳng” như sau.

Sinh Hoạt

1. Trò chơi theo từng nhóm với số người đều nhau, chẳng hạn 10 hay 15 người. Tất cả nắm tay nhau làm thành một vòng tròn.

2. Khi nghe người quản trò đứng ở bất cứ chỗ nào lên tiếng hô “hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng”, thì tất cả mọi người liền sắp thành một đường thẳng hướng về phía người quản trò.

3. Khi nghe người quản trò hô: “Hố sâu lấp đầy”, mọi người đều ngồi xuống, nhưng vẫn phải làm sao cho ngay ngắn và đừng gồ ghế ở trên đầu, người cao người thấp.

4. Khi nghe người quản trò hô: “Nơi cao bạt xuống”, mọi người đều phải cúi đầu xuống, nhưng cũng vẫn làm sao cho bằng phẳng, đừng gồ ghề phía trên đầu của hàng nhóm mình.

5. Căn cứ vào việc thi hành nhanh nhẹn, ngay thẳng và bằng phẳng từ ba tác động trên, nhóm nào làm hay nhất là đoạt giải “Dọn Đường Chúa Đến”.
 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL gợi ý

 

5/12 Thứ Sáu

Hội Đồng Âu Châu các Bộ Trưởng bất đồng về những giới hạn nghiên cứu việc sao bản tế bào thân

Hôm Thứ Tư 3/12/2003, tại Brussels, Bỉ quốc, ủy ban các giám mục đã lấy làm buồn tiếc vì Hội Đồng thuộc Khối Hiệp Nhất Âu Châu bất đồng ý về việc tài trợ cho việc nghiên cứu tế bào thân phôi thai bào.Vấn đề này bởi thế sẽ được hoãn lại cho tới khi Ái Nhĩ Lan đóng vai trò chủ tịch luân phiên Khối Hiệp Nhất Âu Châu này vào ngày 1/1/2004 tới đây. Nghe được nguồn tin này, Đức Ông Noel Treanor, tổng thư ký của Ủy Ban cộng đồng các hội đồng giám mục Âu Châu đã lên tiếng như sau:

“Chúng tôi lấy làm tiếc vì Hội Đồng Các Vị Bộ Trưởng hôm nay đã không đi tới chỗ đồng ý về những giới hạn đạo lý trong vấn đề Khối Hiệp Nhất Âu Châu tài trợ cho việc nghiên cứu tế bào thân.

“Chúng tôi hết sức lo ngại là vấn đề này có thể đưa đến chỗ Ủy Ban Âu Châu quyết định về việc tài trợ này liên quan đến sự bất ổn về pháp lý và đạo lý.

“Những lo ngại về đạo lý liên quan đến việc nghiên cứu này là ở chỗ hủy hoại những phôi thai bào con người là những lo ngại được bắt nguồn từ những xác tín về tôn giáo và trần thế, cũng như từ tiền lệ của lịch sử và khoa học.

“Cần phải nhấn mạnh là vấn đề Hội Đồng Chư Bộ Trưởng phải đối diện hôm nay đây không phải là một cuộc nghiên cứu có cần phải được ban phép một cách hợp lý nơi Khối Hiệp Nhất Âu Châu hay chăng. Đây là và phải là vấn đề quyết định của các quốc gia phần tử.

“Vấn đề là ở chỗ việc nghiên cứu này có cần phải được ngân quĩ của Cộng Đồng Âu Châu tài trợ hay chăng, nếu có thì cũng từ các phần đóng góp của tất cả mọi quốc gia phần tử.

“Quyết định này không phải là một quyết định trung dung về đạo lý. Để chấp thuận là ngân quĩ của Khối Hiệp Nhất Âu Châu có thể được sử dụng cho việc nghiên cứu tế bào thân phôi thai bào, và nhất là cho việc kiếm được các tế bào thân, tức là cho rằng những kỹ thuật đưôc sử dụng kiếm những tế bào thân này là hợp pháp, tức là được hủy hoại các phôi thai bào con người.

“Bất cứ đứng ở chỗ nào trong cuộc tranh luận này, chúng ta cũng không thể nào tránh được tầm quan trọng sâu xa nơi kiến thức về con người và xã hội”.


Sứ Điệp Cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân

Ngày 3/12/2003, văn phòng báo chí của Tòa Thánh đã phổ biến sứ điệp của ĐTC GPII đề ngày 1/12/2003 về Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 11/2/2004 sẽ được tổ chức tại Đền Thánh Mẫu Lộ Đức dịp kỷ niệm 150 năm Tín Điều Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ngày Thế Giới Bệnh Nhân. Năm 2003 là năm thứ 11 và được tổ chức tại Đền Thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Washington DC Hoa Kỳ.

“Đền Thánh Mẫu này được chọn (để cử hành Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 2004) là vì vào năm 2004 Giáo Hội mừng kỷ niệm 150 tuyên bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

ĐTC nhấn mạnh là tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria “bắt đầu công cuộc cứu chuộc cao cả, được thực hiện với máu châu báu của Chúa Kitô… Nếu Chúa Giêsu là giếng nước sự sống đã chiến thắng sự chết thì Mẹ Maria là một người mẹ ân cần nỗ lực đáp ứng cho các nhu cầu của con cái Mẹ, chiếm lấy cho họ sức khỏe về cả thể xác lẫn tâm hồn. Đó là sứ điệp được Đền Thánh Mẫu Lộ Đức không ngừng gợi lên cho những người hành hương cũng như những người dấn thân phục vụ. Đó cũng là ý nghĩa của những phép lạ về tâm linh cũng như về thể xác đang được ghi nhận ở hang Massabielle”.

“Phép lạ Vô Nhiễm Nguyên Tội nhắc nhở các tín hữu về một sự thật nồng cốt, đó là họ có thể được cứu độ chỉ khi nào họ biết chân thành tham dự vào dự án của Chúa Cha, Đấng muốn cứu chuộc thế giới bằng cái chết và phục sinh của Người Con duy nhất Ngài…. Mặc dù hiện diện trong cuộc đời trần gian này nhưng bệnh tật và sự chết mất đi ý nghĩa tiêu cực của chúng. Theo chiều hướng đức tin, sự chết về thân xác, được chiến thắng bởi cái chết của Chúa Kitô, đã trở thành lối thoát cần thiết để hoàn toàn tiến vào sự sống trường sinh”.

Sau khi nhấn mạnh là sự sống “cần phải được chấp nhận, tôn trọng và bênh vực ngay từ giây phút khởi đầu cho tới khi tự nhiên qua đi”, ĐTC viết, “Ngày nay chúng ta nói về ‘kỹ thuật truyền giống’ khi ám chỉ đến những cơ hội ngoại thường được khoa học ngày nay cống hiến để can thiệp vào các nguồn mạch của sự sống. Tất cả mọi tiến bộ chuyên chính nơi lãnh vực này cần phải được khích lệ bao lâu các thứ quyền lợi và phẩm vị của con người từ lúc hoài thai được tôn trọng. Không ai có quyền hủy hoại hay lạm dụng bừa bãi sự sống con người”.
 

4/12 Thứ Năm

Thần Học về Thánh Chiến của Hồi Giáo

Robert Spencer là một chuyên viên về Hồi giáo, vừa viết chung với một Hồi hữu trở lại Kitô giáo là Daniel Ali tác phẩm: “Bên trong lòng Hồi giáo: Một hướng dẫn cho người Công Giáo”, do nhà xuất bản Ascension phát hành, đã chia sẻ với màn điện toán Zenit nhận định của mình về vấn đề liên tôn giữa Kitô giáo và Hồi giáo, một tôn giáo đang phát triển mạnh nhất và bị hiểu lầm nhiều nhất trên thế giới, một tôn giáo chẳng những là đối thủ chính của Giáo Hội trong việc chiếm đoạt các linh hồn mà còn là một mối đe dọa trầm trọng cho an bình và phúc hạnh của Giáo Hội cũng như của Tây Phương nói chung. Vị tác giả này còn là giám đốc của cơ quan “Canh Chừng Thánh Chiến”, là tác giả của hai tác phẩm trước đây về Hồi giáo, là phần tử hải ngoại của Diễn Đàn Hồi Giáo Kitô Giáo, và là một hợp tác viên của Free Congress Foundation.

Vấn     Cái gì đã thúc đẩy ông viết tác phẩm này?

Đáp     Daniel và tôi đã viết cuốn sách này với mục đích để giúp người Công giáo hiểu biết về Hồi giáo – để làm sáng tỏ những hiểu lầm chung và những lệch lạc cũng như để hiến cho người Công giáo một thứ nhập đề chính xác và hoàn toàn về đức tin Hồi giáo cùng với những thách đố gây ra cho Kitô giáo.

Vấn     Tại sao người Công giáo cần phải hiểu biết về Hồi giáo?

Đáp     Hồi giáo đang càng ngày càng trở thành một thách đố cho Giáo Hội cũng như cho hết mọi Kitô hữu. Về số đông thì Hồi giáo là một tôn giáo lớn mạnh nhất trên thế giới. Cho dù chưa bao giờ gặp một người Hồi giáo nào, lại càng chưa bao giờ rao giảng Phúc Âm cho một người nào trong họ đi nữa, hết mọi Kitô hữu có nhiệm vụ phải hiểu biết về Hồi giáo, vì đức tin của Hồi giáo là một đối thủ chính yếu và năng động nhất hiện nay đối với Giáo Hội trong việc chiếm đoạt các linh hồn.

Vấn     Thần học về thánh chiến Hồi giáo (theology of Islamic jihad) là gì?

Đáp    Jihad theo nghĩa chữ là “đối chọi”. Nó là nhiệm vụ chính yếu của hết mọi người Hồi giáo. Các thần học gia tân thời Hồi giáo đã nói nhiều điều như những tay đối chọi, chẳng hạn việc bênh vực đức tin trước những kẻ phê bình chỉ trích, việc nâng đỡ phát triển đức tin và bênh vực nó về tài chính, ngay cả việc di dân đến những miền đất không phải của người Hồi giáo với mục đích truyền bá Hồi giáo.

Tuy nhiên việc đối chọi bạo động luôn là một vấn đề trong lịch sử Hồi giáo. Nhiều đoạn trong Sách Koran và những lời của Tiên Tri Mohammed được những tay cực thủ Hồi giáo ngày nay sử dụng để biện minh cho các hành động của họ cũng như để tuyển mộ người theo họ. Không có một nhóm Hồi giáo chính nào đã từng chối bỏ những huấn điều về vấn đề đối chọi bằng vũ khí này. Thần học về đối chọi, một thứ thần học không cho những kẻ không tin tưởng (như người Hồi giáo) được hưởng những thứ nhân quyền và phẩm giá như họ, thịnh hành ngày nay đối với những ai có ý muốn và phương tiện để thực hiện nó.

Theo một truyền thống dài được chứng thực đàng hoàng, thì Mohammed đã mô tả ba thứ chọn lựa cho thành phần vô tín ngưỡng Hồi giáo, những thứ chọn lựa phát xuất từ Kinh Sura trong Sách Koran đoạn 9 câu 29 như thế này: “Hãy chống lại những ai không tin tưởng vào Allah hay vào Ngày Tận Thế, hoặc không tuân giữ những thứ bị Allah và Sứ Giả của Ngài cấm đoán, hay không nhìn nhận tôn giáo của Chân Lý này, (cho dù họ thuộc về) Dân của Sách đây, cho đến khi họ tự ý nộp thuế Jizya (một thứ thuế đặc biệt đối với người không phải Hồi giáo được luật Hồi giáo qui định) và cảm thấy thuần phục”.

Mohammed đã nói: “Hãy chiến đấu chống lại những kẻ không tin tưởng vào Allah…. Khi các con gặp thành phần vô thần kẻ thù của các con, hãy mời gọi họ tỏ ra ba hành vi cử chỉ. Nếu họ đáp lại một trong ba hành vi cử chỉ này thì các con cũng hãy chấp nhận hành vi cử chỉ ấy và đừng làm gì hại đến họ. Các con hãy kêu mời họ (chấp nhận) Hồi giáo; nếu họ đáp ứng các con, các con hãy chấp nhận hành động ấy từ họ và đừng chống lại họ…. Nếu họ từ chối không chịu chấp nhận Hồi giáo, các con hãy bắt họ đóng thuế Jizya. Nếu họ đồng ý trả các con hãy chấp nhận việc này và đừng đụng đến họ. Nếu họ không chịu trả thuế ấy, các con hãy xin Allah giúp đỡ mà chống lại họ”.

Vấn     Ông có thể cho chúng tôi biết một số trường phái khác nhau trong Hồi giáo, chẳng hạn phái Sunni và Shiite, và họ hiểu về Hồi giáo khác nhau thế nào?

Đáp     Phái Sunnis chiếm 85% người Hồi giáo trên thế giới. Chữ “Sunni” liên quan tới “Sunna”, hay đến truyền thống. Những người Hồi giáo theo phái Sunni tuân giữ những tín lý và thực hành phát xuất từ Truyền Thống của Vị Tiên Tri, tức là phát xuất từ Sách Hadith như được các vị học giả Hồi giáo suốt giòng lịch sử cắt nghĩa.

Thành phần Wahhabis, những người vừa nổi tiếng về vai trò của họ ở Saudi Arabia và việc khủng bố toàn cầu, là một thứ phụ phái Sunni. Mohammed ibn Abd al-Wahhab, sống trong thời khoảng 1703-1792, là vị cải cách. Ông muốn giải phóng Hồi giáo khỏi những gì đã được phát triển sau một ít thế kỷ đầu tiên của nó. Ông nhấn mạnh đến việc đọc Sách Koran và Hadith theo nghĩa đen là những gì khiến cho thành phần Wahhabis trở thành một giáo phái dữ dằn, bạo động, thậm chí gây chiến cả với những nhóm Hồi giáo khác bị họ coi là lạc giáo. Thành phần Wahhabis hiện nay kiểm soát Saudi Arabia là nơi cáng ngày cáng xuất cảng khắp thế giới những tay Wahhabis.

Phái Hồi giáo đông thứ hai là phái Shiites. Chữ “Shia” là chữ tắt của “Shiat Ali”, hay “đảng phái của Ali”. Đây là giáo phái đông nhất không phải là giáo phái Sunni. Nhóm người Hồi giáo thuộc giáo phái này tin rằng Ali, chồng của người con gái tên Fatima của Tiên Tri Mohammed, là vị duy nhất có quyền thừa kế vị Tiên Tri này trong việc lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo mà thôi.

Những người Hồi giáo thuộc phái Shiites có những truyền thống và thực hành rất khác với truyền thống và thực hành của những người Hồi giáo thuộc giáo phái Sunni. Trong số những điều khác biệt này là niềm tin tưởng cho rằng những vị Imams kế thừa Ali theo giòng tiên tri Mohammed có được tinh thần tiên tri của Mohammed. Hầu hết những người Shiites tin rằng có 12 vị Immams, và vị cuối cùng khuất tịch khỏi trái đất sẽ trở lại như là một Mahdi, một nhân vật Thiên Sai, vào ngày cùng tháng tận.

Thành phần Sufis là một giáo phái thần bí của Hồi giáo, mặc dù thành phần Hồi giáo Shiite cũng có những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy họ cũng bị ảnh hưởng về thần bí. Thành phần Sufis nhấn mạnh đến lòng yêu mến đối với Allah và mối hiệp nhất với Ngài hầu như gần giống như kiểu thần nhiệm Kitô giáo. Họ đã từng bị và vẫn còn đang bị bắt bớ dữ dội như là những kẻ lạc giáo nơi nhiều phần đất thuộc thế giới Hồi giáo.

Những giáo phái đáng kể khác bao gồm cả giáo phái Bahais ở Iran, thành phần cũng có mặt ở Hoa Kỳ nữa; giáo phái Kharijites ở Oman; và Alawites ở Syria. Những nhóm Hồi giáo lớn coi những giáo phái này là những thứ bè rối.

Vấn     Khi chúng ta nói về Islam, nhiều người nghĩ về Trung Đông. Đâu là những tương phản chính yếu nơi hình thức Hồi giáo được thực hành ở những xứ sở Phi châu và Á châu?

Đáp     Có một số điều khác nhau ở việc người Hồi giáo thực hành tùy từng nơi, song vẫn có một cái gì tương đối đồng nhất giữa những người Hồi giáo phái Sunni trong việc hiểu biết về những đòi hỏi của đức tin như được phác họa bởi Sách Koran và Sách Sunna (Sách Truyền Thống của Tiên Tri Mohammed có thẩm quyền ngay sau Sách Koran). Những tay cực thủ Hồi giáo hiện diện ở bất cứ nơi nào có Hồi giáo, từ Nigeria đến Nam Dương, cũng như ở Tây Âu và Hoa Kỳ.

Vấn     Liệu những yếu tố ôn hòa nơi Hồi giáo có thể nào đánh bại những cắt nghĩa cực đoan đang được một số nhóm phát động hay chăng?

Đáp     Tôi hy vọng là thế, song đó là một vấn đề khó khăn. Như nhà đại học giả cũ của Hồi giáo là Ibn Warraq đã nhận định, thần học Hồi giáo cực thủ “đã phát xuất từ Sách Koran, từ Sách Hadith cũng như từ truyền thống Hồi giáo…. Chúng ta phải hết sức lưu ý tới những gì được các tay Hồi giáo kích động này nói để hiểu được nguyên nhân tác động họ hành động, đó là nhiệm vụ được thần linh qui định cho tất cả mọi người Hồi giáo trong việc phải chiến đấu, theo nghĩa đen, cho đến khi luật lệ của con người được thay thế bằng lề luật của Thiên Chúa, bằng Shariah, và lề luật Hồi giáo đã từng chiến thắng toàn thế giới…. Đối với hết mọi bản văn được những người Hồi giáo cấp tiến phát hành, thành phần mullahs sẽ sử dụng hàng loạt những gương mẫu tương phản về dẫn giải, triết lý và lịch sử rất ư là hợp tình hợp lý”.

Vấn     Ông thấy như thế nào về tình trạng hiện nay và tương lai nơi những liên hệ giữa người Kitô giáo và Hồi giáo? Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Công Đồng Chung Vaticanô II đã ảnh hưởng ra sao đến mối liên hệ giữa Giáo Hội và Hồi giáo?

Đáp     Nhiều người tin rằng ĐTC, bằng việc hôn Sách Koran, và Công Đồng Chung Vaticanô II đã dạy rằng tất cả mọi tôn giáo tôn thờ một vị Thiên Chúa chân thật duy nhất ở một mức độ hơn kém nào đó, và những người Hồi giáo được bao gồm trong dự án cứu độ nên không cần phải được truyền bá phúc âm hóa. Điều này thực sự lại không phải là thế.

Sách Giáo Lý, căn cứ vào sắc lệnh “Nostra Aetate” của Công Đồng Vaticanô II, thực sự chủ trương là: “dự án cứu độ cũng bao gồm cả những ai nhìn nhận Đấng Hóa Công, trước hết là những người Hồi giáo. Những người này tuyên xưng việc họ giữ đức tin của Abraham, và cùng với chúng ta họ tôn thờ một Vị Thiên Chúa duy nhân Nhân Hậu, vị thẩm phán con người vào ngày sau hết”.

Đó là một lời phát biểu được cẩn thận sử dụng từ ngữ. Nó không thực sự nói rằng những người Hồi giáo tin theo đức tin của Abraham, mà chỉ nói rằng họ cho là họ nắm giữ đức tin của Abraham mà thôi.

Việc tuyên bố và việc nắm giữ là hai điều khác nhau: Thật sự có nhiều Kitô hữu tuyên xưng Chúa Kitô hơn là những Kitô hữu thực sự sống cho Người. Sách Giáo Lý không có một chỗ nào nói rằng những người Hồi giáo không hợp lệ để được ơn cứu rỗi trong Chúa Kitô, hay nói rằng không cần phải rao giảng Phúc Âm cho họ.

Có một bài viết mới đây trên tờ La Civiltà Cattolica rất hay. Không gì được phổ biến trên tờ này mà lại không có phép của Bộ Nội Vụ Vatican, nên bài báo này có lẽ phản ảnh những quan điểm của một số viên chức rất cao cấp của Vatican, nếu không muốn nói là của chính vị Giáo Hoàng khổ đau.
Bài viết trên tờ báo này nói lên nhận định đầu tiên là bất cứ viên chức nào của Giáo Hội Công giáo cũng nhìn nhận các chiều kích xung khắc về tôn giáo do thành phần thánh chiến Hồi giáo đang sử dụng để gây chiến với những người Kitô hữu và những người khác ở khắp nơi trên thế giới.

Bài báo này đã bỏ ra ngoài những thập niên chủ nghĩa duyệt lại về lịch sử lầm lạc về những cuộc chiến thắng của người Hồi giáo, bằng việc dám vạch ra rằng “ở tất cả những nơi Hồi giáo áp đặt lực lượng quân sự, một lực lượng quân sự hiếm có những trường hợp lịch sử tương tự về việc phát triển nhanh chóng và bao rộng như thế, Kitô giáo, một tôn giáo đã hết sức vững vàng và cắn rễ qua các thế kỷ, trên thực tế đã bị biến mất hay bị suy giảm xuống thành những hải đảo nhó bé trong một đại đương Hồi giáo mênh mông”.

Đức bác ái là những gì thiết yếu; song không được lẫn lộn với khuynh hướng coi thường hay phủ nhận những sự thật bất hạnh. Bài báo trên tờ Civiltà Cattolica này là một tiến bước theo đúng hướng đi vậy.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 27/11/2003
 

3/12 Thứ Tư


Bài ca vương giả Đavít - bài Thánh Vịnh Thiên Sai

(Bài giáo lý về vệc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh của ÐTC GPII 93 Thứ Tư 26/11/2003: TV 109 [110] - Chúa Nhật, Tuần Thứ Nhất)

1.     Chúng ta đã nghe một trong những bài Thánh Vịnh nổi tiếng nhất trong lịch sử Kitô giáo. Bài Thánh Vịnh 109, bài được phụng vụ giờ kinh tối soạn cho chúng ta đọc vào mỗi ngày Chúa Nhật, thật sự đã được trích đi dẫn lại trong Tân Ước. Những câu 1 và 4 đặc biệt được áp dụng vào trường hợp Chúa Kitô, theo truyền thống Do Thái xưa, một truyền thống đã biến bài thánh thi ca này từ một bài ca vương giả về Vua Đavít sang một bài Thánh Vịnh Thiên Sai.

Lời kinh nguyện cầu này thông dụng còn do bởi việc nó được liên tục sử dụng trong các giờ kinh tối Chúa Nhật. Đó là lý do bài Thánh Vịnh 109 {110), theo bản Latinh Vulgate, đã trở thành đối tượng của nhiều sáng tác hứng khởi làm nên những nét chấm phá nơi lịch sử văn hóa Tây Phương. Phụng vụ, như được thực hiện theo Công Đồng Chung Vaticanô II, đã cắt bỏ khỏi bản nguyên ngữ Do Thái của bài Thánh Vịnh thật ra chỉ có 63 chữ này, câu thứ 6 có tính cách bạo động. Câu này mang một giọng điệu của những bài Thánh Vịnh được gọi là nguyền rủa và cho thấy vị vua Do Thái thực hiện một thứ xuất quân để tàn sát kẻ thù và phân xử các quốc gia.

2.     Vì chúng ta sẽ có dịp để suy tư về bài Thánh Vịnh này một lần nữa vào các dịp khác, vì nó thường xuyên xuất hiện trong phụng vụ, bởi thế giờ đây chúng ta muốn có một cái nhìn khái quát về bài Thánh Vịnh này.

Để làm việc này chúng ta có thể phân biệt một cách rõ ràng hai phần. Phần nhất (xem câu 1-3) chứa đựng câu Thiên Chúa phán với người được vị tác giả Thánh Vịnh gọi là “Chúa”, tức là vị vương chủ của thành Giêrusalem. Câu phán dạy này loan báo việc lên ngôi của miêu duệ vua Đavít “ngự bên hữu” Thiên Chúa. Thật vậy, Thiên Chúa đã phán cùng vị vương chủ ấy rằng: “Hãy ngồi bên hữu Ta” (câu 1). Cũng thế ở đây chúng ta thấy đề cập tới một thứ lễ nghi theo đó vị được tuyển chọn được ngồi bên hữu hòm bia giao ước, để lãnh nhận quyền bính cai trị từ đức vua tối cao của dân Do Thái, tức là từ Thiên Chúa.

3.     Bối cảnh của sự kiện này là những lực lượng thù hằn, nhưng lại bị khống chế bởi một cuộc chiến thắng vẻ vang: Những kẻ thù được diễn tả nằm ở dưới chân vị vương chủ này, vị uy nghi tiến lên giữa quân thù trong tay cầm vương trượng quyền bính của mình (xem câu 1-2). Sự kiện này thật sự phản ảnh một trường hợp cụ thể về chính trị, một trường hợp xẩy ra vào những lúc trao quyền bính từ vị vua này cho vị vua kia, khi xẩy ra phản loạn từ thành phần thuộc hạ hay xẩy ra những cuộc chinh phục.

Tuy nhiên, ở đây bài Thánh Vịnh ám chỉ đến bản chất chung của việc đối đầu giữa dự án của Thiên Chúa là Đấng hành động qua thành phần tuyển chọn với những dự tính của thành phần muốn tỏ ra cái thù hận và quyền năng giả tạo của họ. Bởi thế mới mãi mãi xẩy ra cuộc đụng độ giữa thiện và ác, cuộc đụng độ được thể hiện nơi các biến cố lịch sử là những gì Thiên Chúa muốn dùng để tỏ mình ra và nói với chúng ta.

4.     Trái lại, phần thứ hai của bài Thánh Vịnh này chứa đựng một câu nói thuộc hàng ngũ tư tế, một câu nói đề cập đến một vị vua đóng vai chính theo giòng dõi Đavít (xem câu 4-7). Phẩm vị vương giả, được bảo đảm bởi lời Thiên Chúa long trọng thề hứa, cũng gắn liền với phẩm tước tư tế. Việc ám chỉ về Melchisedek, vị vua và tư tế của Salem, tức là của Thành Giêrusalem xưa (x Gen 14), có lẽ là cách chứng tỏ cho thấy vai trò tư tế đặc biệt của một vị vua sát cận với vai trò tư tế chính thức thuộc chi Levi ở đền thờ Zion. Bởi thế Bức Thư gửi dân Do Thái mới có câu: “Con là linh mục đời đời theo giòng Melchisedek” (Ps 109[110]:4) để nói về vai trò tư tế đặc biệt và toàn hảo của Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta sau này sẽ khảo sát bài Thánh Vịnh 109 (110) kỹ hơn, bằng cách cẩn thận phân tích từng câu một.

5.     Tuy nhiên, để kết thúc, chúng ta muốn đọc lại câu mở đầu của bài Thánh Vịnh với lời phán: “Hãy ngồi bên hữu Ta khi Ta đặt các kẻ thù của con dưới chân con”. Chúng ta đọc lại lời phán này với Thánh Maximus Thành Turin (sống từ thế kỷ thứ 4 sang thứ 5), vị đã dẫn giải về câu này trong bài giảng Lễ Hiện Xuống như thế này: “Theo tập tục của chúng ta thì việc ban phát ngai vàng được cống hiến cho người nào đã hoàn thành việc đảm nhận và nhờ chiến thắng đáng được ngự trên ngai như một dấu hiệu tôn vinh. Cũng thế, con người Giêsu Kitô, khi chiến thắng ma quỉ bằng cuộc Khổ Nạn của Người, khai mở vương quốc dưới lòng đất bằng cuộc Phục Sinh của Người, chiến thắng về trời sau khi đã hoàn thành trách vụ, đã nghe thấy Thiên Chúa Cha mời gọi: ‘Hãy ngự bên hữu Cha’. Chúng ta lấy làm lạ lùng khi Chúa Cha cho Con thông phần ngồi vào ngai tòa với Ngài, Người Con theo bản tính có cùng bản thể với Cha… Người Con này ngự bên hữu bởi vì, theo Thánh Kinh, chiên thì ở bên phải; còn ở bên trái là thành phần dê. Thế nên, Con Chiên tiên khởi cần phải chiếm chỗ của thành phần chiên và Vị Thủ Lãnh vô tội này cần phải chiếm được trước vị trí được dành cho đàn chiên vô tội sẽ đi theo Người” (40,2: "Scriptores circa Ambrosium," IV, Milan-Rome, 1991, p. 195).

Anh Chị Em thân mến,

Mỗi Chúa Nhật, vào giờ kinh tối, Giáo Hội cử hành biến cố phục sinh của Chúa Kitô bằng việc hát bài Thánh Vịnh 109 {110}. Bài Thánh Vịnh này, bài Thánh Vịnh đầu tiên được sáng tác cho việc đăng quang của một vị vua trần thế được hạ sinh theo giòng dõi vua Đavít, cử hành cuộc chiến thắng cuối cùng của Đấng Thiên Sai trên tất cả mọi kẻ thù địch của Người. Với lời Thiên Chúa thế hứa, Vị Vua này cũng được chọn làm “một vị tư tế đến muôn đời theo giòng Melchisedek”. Giáo Hội đọc thấy bài Thánh Vịnh này một ám chỉ cho thấy trước việc lên ngôi của Chúa Giêsu Kitô, Vị Vua và là Vị Thượng Tế của chúng ta, ngự bên hữu Cha. Từ ngai tòa thiên quốc này của mình, Vị Chúa Phúc Sinh mời gọi chúng ta hãy chiêm ngưỡng vinh hiển chúng ta được kêu gọi làm phần thể của Mình Mầu Nhiệm Người.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 26/11/2003)
 

ĐTC GPII với hội nghị Liên Tôn Kitô-Hồi giáo: Đừng nhân danh Thiên Chúa để bạo động và khủng bố

Sáng hôm 2/12/2003, ĐTC GPII đã tiếp thành phần tham dự viên cuộc họp liên tôn về đề tài: “Sự Thật, Công Lý, Yêu Thương và Tự Do: Các Trụ Cột Hòa Bình”, do Hội Đồng Tòa Thánh Về Đối Thoại Liên Tôn cùng với Tổ Chức Văn Hóa Hồi Giáo và Truyền Thông ở Teheran Iran tổ chức (có 8 đại biểu được ông Ayatola Mahmood Mohammadi Araqi dẫn đầu). Đức Thánh Cha đã ngỏ lời như sau:

“Ngày nay rất cần phải đối thoại với nhau, thông cảm nhau và cộng tác với nhau giữa các đại tôn giáo trên thế giới, nhất là giữa Kitô giáo và Hồi giáo. Tôn giáo thực sự được kêu gọi để làm thành chiếc cầu nối liền các cá nhân với nhau, các dân tộc với nhau và các văn hóa với nhau, để làm dấu hiệu hy vọng cho nhân loại. Tôi kêu gọi quí vị cũng như kêu gọi tất cả mọi con người nam nữ của Thiên Chúa, hãy cùng Tôi lên tiếng lập lại là không bao giờ được sử dụng thánh danh Thiên Chúa để kích động bạo lực hay khủng bố, để phát động hận thù hay loại trừ… Tôi tin tưởng rằng việc quí vị tiếp tục đối thoại và hợp tác với nhau, như cuộc họp này là một thí dụ điển hình cho thấy, sẽ giúp rất nhiều cho Kitô hữu và Hồi hữu trong việc trở thành những dụng cụ hữu hiệu hơn nữa phục vụ nền hòa bình trên thế giới của chúng ta. Xin Thiên Chúa Toàn Năng chúc lành cho nỗ lực của quí vị, và xin Ngài ban cho tất cả mọi người lòng can đảm và sức mạnh để thiết tha gắn bó với sự thật, công lý, yêu thương và tự do là những trụ cột thực sự của hòa bình”.
 

2/12 Thứ Ba

Một người Nga thách thức Chính Thống Nga dám hòa giải với Giáo Hội Công Giáo Rôma

Alexander Soloviev, thay vì chú ý tới những điều khác nhau, đã nhấn mạnh tới đức tin chung của cả hai Giáo Hội: “Những gì thánh hảo và linh thánh đối với chúng ta cũng là những gì thánh thiện và linh thánh đối với họ”. Soloviev đã không thấy được hai Giáo Hội này hiệp nhất với nhau khi ông còn sống (1853-1900), nhưng những nỗ lực của ông không phải là không được lưu tâm. Đức Gioan Phaolô II gần đây đã khen ông như là “một vị tiên phong và là mẫu gương đối thoại cho Kitô hữu Đông Tây”. Cha Ray Ryland ở Steubenville, Ohio, một chuyên gia về Soloviev, đã chia sẻ với màn điện toán Zenit về cách thức con người Nga tiên phong này đã kêu gọi các người muốn thiết lập vương quốc của Thiên Chúa trên trần gian này. Vị linh mục này là giáo sư phụ tá dạy thần học ở Đại Học Phanxicô ở Steubenville, gần đây mới hiệu chính một ấn bản của tác phẩm Soloviev viết, cuốn “Giáo Hội Nga và Vai Trò Giáo Hoàng”.

Vấn     Vladimir Soloviev là ai và tại sao ngày nay ông được chú ý tới?

Đáp     Vladimir Soloviev là một triết gia người Nga, một tư tưởng gia về chính trị, một thần học gia, một bình luận gia văn chương, một thi sĩ và là một nhà thần bí. Trí khôn của ông bao gồm một cách bao rộng trong số các triết thuyết Tây phương và thậm chí cả Đông phương, không phải là chiết trung mà là trích xuất ra từ nhiều trường phái tư tưởng khác nhau cái sự thật được chất chứa trong đó.

Thần học gia Hans Urs von Balthasar đã nhận thấy nơi Soloviev “cái khả năng về kỹ thuật hội nhập tất cả mọi sự thật bán phần vào một nhãn quan duy nhất”. Thần học gia Von Balthasar đã liệt kê Soloviev vào loại đứng sau Thánh Tôma Aquinas với vai trò là “nhà nghệ sĩ đệ nhất xây dựng trật tự và tổ chức về lịch sử tư tưởng”.

ĐGH Gioan Phaolô II đã liệt Soloviev trong bức thông điệp “Đức Tin và Lý Trí” năm 1998 của Ngài vào hạng các triết gia Kitô giáo thượng thặng. Mấy năm sau, ĐTC đã tuyên bố là công việc “ngôn sứ” của Soloviev đã làm cho ông ở thời đại chúng ta trở thành một trong những đại “chứng nhân của đức tin và là những nhà tư tưởng Kitô giáo lừng danh”.

Gần đây diễn ra một cuộc qui tụ quốc tế các vị học giả cả Đông lẫn Tây ở Ukraine để bàn về tác phẩm “Nga Sô và Giáo Hội Hoàn Vũ” của Soloviev. Vị tác giả nổi tiếng này bao giờ cũng nói đến Giáo Hội Công Giáo Rôma là “Giáo Hội hoàn vũ”. Phần thứ nhất của tác phẩm này, phần đặc biệt nói đến mối liên hệ của Giáo Hội Nga với Giáo Hội Công Giáo Rôma, đã được phổ biến dưới nhan đề “Giáo Hội Nga và Vai Trò Giáo Hoàng”.

Sự nghiệp nổi nang của Soloviev với vai trò là một vị giáo sư đại học bị chấm dứt tức khắc khi ông công khai xin triều đại czar tha cho một kẻ cho là sát nhân. Trong thời gian và sau thời gian theo đuổi nghề hàn lâm, Soloviev đã xuất bản nhiều tác phẩm về luận lý, siêu hình, triết lý, thần học và triết thần học, một khoa phối hợp triết lý và thần học.

Suốt cuộc đời thành nhân của mình, ông đã sống đời bình dị của dòng Phanxicô. Ông hầu như bao giờ cũng không có tiền bạc gì cả, vị ông có thói quen móc hết túi cho bất cứ ai xin ông giúp đỡ. Khi ông không có tiền, ông cho cả chiếc áo khoác của ông khi có ai nghèo nàn đến xin ông. Cái chết trẻ của ông chắc chắn đã bị gây ra bởi ông đã làm việc quá sức cũng như bởi những ảnh hưởng về thể lý nơi cuộc đời nhiệm nhặt bỏ mình của ông.

Trong hai thập niên cuối đời của mình, Soloviev đã hết sức chú trọng tới việc hiệp nhất Kitô giáo. Năm 1886 ông đã đệ trình cho ĐTGM Công Giáo người Croatian bản dự thảo của ông về việc mang Giáo Hội Chính Thống Nga trở về hiệp thông với Rôma. Vị TGM này đã sắp xếp để được triều kiến Đức Giáo Hoàng Lêô XIII vào mùa xuân nằm 1888. Trong cuộc triều kiến này, ĐGH đã ban cho Soloviev phép lành tòa thành vì ông nỗ lực hòa giải Giáo Hội Nga cho mối hiệp thông Công Giáo.

Năm 1896, Soloviev đã tuyên xưng đức tin trước một vị linh mục Công Giáo Đông Phương, và đã được tiếp nhận vào mối hiệp thông Công Giáo. Ông đã không coi việc này là vấn đề từ bỏ các thứ liên hệ của ông với Giáo Hội Nga mà là làm trọn những mối liên hệ này. Có một nguồn tin vô bằng cớ nói rằng ông đã lãnh nhận các phép cuối cùng bởi một vị linh mục Chính Thống Nga, vì không hy vọng tìm được một vị linh mục Công Giáo bấy giờ. Thế nhưng, cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, Soloviev vẫn nhìn nhận Đức Giáo Hoàng là “vị thẩm phán tối cao trong các vấn đề về tôn giáo”.

Vấn     Làm sao Soloviev, với tư cách là một Kitô hữu Chính Thống giáo, hiểu được giáo huấn vô ngộ của quyền giáo hoàng là một tặng ân vĩnh viễn Chúa Kitô ban cho Giáo Hội của Người?

Đáp     Soloviev đã phủ nhận những nỗ lực của các nhà hộ giáo Nga cũng như của tất cả mọi hộ giáo gia không phải là Công Giáo cho rằng quyền bính chính yếu được ban cho Thánh Phêrô tương đương với quyền cầm buộc và cởi mở được ban cho các tông đồ. Theo ông, quyền cầm buộc và cởi mở được ban cho các tông đồ chỉ liên quan đến từng trường hợp riêng, như những vấn đề riêng tư về lương tâm. Ngược lại, quyền bính chính yếu được ban cho Phêrô liên quan đến toàn thể Giáo Hội. Ông nhấn mạnh là Chúa Kitô trao đặt tối thượng quyền và sự vô ngộ nơi Thánh Phêrô và các vị thừa kế ngài là để bảo toàn mối hiệp nhất của Giáo Hội trong chân lý. Ông đã hùng biện thế này: Nếu Giáo Hội Nga có thể công bố sự thật không cần đến Phêrô và các vị thừa kế của ngài thì người ta làm sao có thể cắt nghĩa được “cái thinh lặng đáng kể của hàng giáo phẩm Đông phương” từ khi xẩy ra ly giáo? Soloviev không ngần ngại sử dụng chữ “ly giáo” để ám chỉ việc Giáo Hội Nga tách khỏi Rôma.

Vấn     Tại sao Soloviev tin rằng việc hiệp nhất với Rôma là đường lối duy nhất để các Giáo Hội Đông Phương tách biệt có thể thực sự trở thành Công Giáo?

Đáp     Soloviev không ngừng lập đi lập lại có lần ông đã vạch ra rằng Giáo Hội Nga loại bỏ quyền bính Rôma thì khó lòng tránh được tình trạng bị chính quyền kiểm soát. Ông nói đó là số phận của tất cả mọi giáo hội thuần túy quốc gia. Đường lối duy nhất một giáo hội quốc gia, như Giáo Hội Nga chẳng hạn, có thể tránh được lệ thuộc vào quyền bính của quốc gia đó là có một trung tâm hiệp nhất ở ngoài nước. Trung tâm hiệp nhất siêu quốc gia này chỉ có thể là Rôma mà thôi. Tách khỏi Rôma, quan niệm của Giáo Hội Nga về một giáo hội hoàn vũ chỉ là một quan niệm thuần lý. Soloviev đã nói: “Các phần thể của nó có thực, nhưng cái toàn khối chẳng là gì ngoài một thứ trừu tượng chủ quan”. Chính Thống Đông Phương chỉ là một khối liên hiệp lỏng lẻo thuộc những truyền thống như thể thiên kiến. Ở Đông phương, theo Soloviev, chỉ có các giáo hội quốc gia bị cô lập mà thôi. Chỉ khi nào các giáo hội này trở về với trung tâm hiệp nhất được Thiên Chúa ấn định họ mới thực sự là công giáo.

Vấn     Soloviev đã dự tính ra sao về mối liên hệ xứng hợp giữa Đức Giáo Hoàng và các vị thượng phụ Đông phương?

Đáp     Ở những thế kỷ trước khi xẩy ra tình trạng phân rẽ giữa Đông và Tây thì các vị giáo hoàng liên lỉ nhìn nhận các vị thượng phụ có thẩm quyền riêng của các vị. Tuy nhiên, Soloviev đã nhắc nhở độc giả của mình là trong các thế kỷ đầu những người Đông Phương không ngớt tái diễn những lạc thuyết mà họ không thể giải quyết nổi. Những bè rối đã liên lỉ trao cho hoàng đế quyền hành nhân danh họ. Các vị thượng phụ chỉ thành công trong việc chiến đấu với các bè rối khi các vị kêu gọi Đức Giáo Hoàng giải quyết cho. Như thế là các vị rõ ràng là nhìn nhận thẩm quyền tối cao của Ngài.

Vấn     Soloviev có nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo Rôma cần phải truyền bá phúc âm hóa ở Nga hay chăng?

Đáp     Soloviev không minh nhiên bàn đến vấn đề này trong các văn kiện của mình. Tuy nhiên, người ta có thể nghĩ rằng ông ta không chống lại việc Giáo Hội Công Giáo nỗ lực truyền bá phúc âm hóa ở Nga. Ông đã nhìn nhận tầm quan trọng của các giáo hội Công Giáo Đông Phương bằng việc tự mình tìm kiếm một trong những vị linh mục của Giáo Hội này để thực hiện tác động suy phục giáo huấn và thẩm quyền của Rôma

Vấn     Làm cách nào Soloviev giải quyết các vấn đề đặc biệt thách đố mối liên hệ giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo ngày nay?

Đáp     Soloviev nhấn mạnh là về vấn đề liên hệ của mình với Rôma, những nhà hộ giáo bài Công Giáo Đông phương tỏ ra hoàn toàn tiêu cực. Ông nói với họ rằng tôn giáo của quí vị là ở chỗ chối bỏ “filioque” (“bởi Chúa Con mà ra”), chối bỏ việc Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội (mặc dù có xác nhận tín lý này bằng phụng vụ Đông Phương), cũng như chối bỏ phạm vi quyền hạn và thẩm quyền phổ quát của vị giám mục Rôma.

Ông nói rằng chúng ta hãy đối diện với nó: “Chính điểm cuối cùng làm quí vị quan tâm nhiều nhất. Những điểm khác, quí vị quá rõ, chỉ là những cái cớ; Vị Giáo Tông Thượng Chủ mới là con ma thật sự của quí vị”. Soloviev đồng ý với các thần học gia Chính Thống Đông phương là thành phần thừa nhận rằng vấn đề sâu xa giữa họ và Rôma là vấn đề quyền bính.

Ông thách thức những người Đông phương đối thủ của vai trò giáo hoàng dám đưa ra một nguyên tắc quyền bính tích cực thay thế nào đó cho Giáo Hội. Ông chế nhạo việc Đông phương khư khư với chính sách hội đồng giáo trị như là một hình thức xứng hợp của cơ cấu Giáo Hội. Những công đồng chung đối với họ làm nên thẩm quyền tối cao về các vấn đề tín lý. Thế nhưng, ông nói, Đông phương đã chưa từng triệu tập một công đồng chung nào và cho đến ngày nay vẫn không thể triệu tập một công đồng chung như thế.

Soloviev có thể còn thêm rằng không có một công đồng chung nào đã ra chỉ thị là các công đồng chung có một thẩm quyền tối cao trong Giáo Hội. Thật vậy, ông nói, nếu cơ cấu xứng hợp của Giáo Hội là đường lối hội đồng giáo trị thì Chính Thống Đông phương không có “một hiến pháp giáo hội thực sự hay một chính quyền giáo hội thông thường”, vì họ không thể triệu tập nổi một công đồng chung.

Soloviev nói rằng đường lối hội đồng giáo trị của Chính Thống Đông phương không trọn vẹn. Chúa Giêsu Kitô đã không thành lập Giáo Hội của Người trên hội đồng các vị tông đồ, nhưng Người đã thiết lập vai trò giáo hoàng để giúp cho cơ cấu hội đồng giáo trị này hoạt động một cách xứng hợp.
Bằng nhiều cách khác nhau, Soloviev thách thức các Kitô hữu Chính Thống Nga đồng đạo của ông hãy làm hòa với Rôma. Ông nhấn mạnh đến sự kiện là các giáo hội Chính Thống cũng tuân giữ rất nhiều điều đức tin giống như Giáo Hội Công Giáo: “Những gì thánh hảo và linh thánh đối với chúng ta (Chính Thống Nga) cũng là những gì thánh thiện và linh thánh đối với họ (Công Giáo)”.

Không được xẩy ra chia rẽ vì lòng đạo của các giáo hội Chính Thống thiên về chiêm niệm, còn lòng đạo của Giáo Hội Cong Giáo lại năng động hơn. Sự kiện những thứ lòng đạo này bổ túc cho nhau phải là động lực đưa đến chỗ hiệp nhất chứ không phải chia rẽ. Nếu các giáo hội Đông phương tái hiệp nhất với Rôma thì họ sẽ không phải hy sinh bất cứ sự gì nơi gia sản chuyên biệt của họ cả.

Soloviev nói với những ai, như ông, hướng vọng thiết lập vương quốc của Thiên Chúa trên thế gian này. Những người này cũng phải hướng vọng vai trò giáo hoàng và Giáo Hội hoàn vũ là phương tiện được Thiên Chúa ấn định để Vương Quốc Ngài trị đến trên thế gian.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 19/11/2003
 

1/12 Thứ Hai

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật I Mùa Vọng: Dọn mừng Chúa đến

Anh Chị Em thân mến,

1.     Hôm nay bắt đầu vào Mùa Vọng, một thời gian canh tân thiêng liêng để sửa soạn mừng Lễ Giáng Sinh. Tiếng của các vị tiên tri vang vọng trong phụng vụ, những vị loan báo Chúa Kitô, kêu gọi chúng ta hãy hoán cải cõi lòng và cầu nguyện. Gioan Tẩy Giả, vị cuối cùng và cũng là vị cao cả nhất trong họ, đã kêu lên: “Hãy dọn đường cho Chúa, hãy săn bằng đường lối cho Người!” (Lk 3:4), vì Người “sẽ đến thăm dân Người trong an bình”.

2.     Chúa Kitô Vua Bình An đang đến! Việc sửa soạn cho việc Ngài Sinh Ra nghĩa là tái tỉnh thức nơi bản thân mình cũng như trên thế giới niềm hy vọng an bình. Trước hết, bình an trong tâm hồn, một thứ bình an được xây dựng bằng việc loại bỏ vũ khí đắng cay nhục nhã, vũ khí oán ghét hận thù xuống, và đủ mọi cái tôi.

Thế giới hiện rất cần đến thứ hòa bình này! Tôi đã đang biệt nghĩ đến một cách hết sức đau buồn về những diễn biến bạo động gần đây ở Trung Đông cũng như ở lục địa Phi Châu, và những bạo động ở rất nhiều phần đất khác trên thế giới được tin tức phổ biến hằng ngày. Tôi lập lại lời Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo các đại tôn giáo, đó là chúng ta hãy hợp lực để rao giảng những gì bất bạo động, thứ tha và hòa giải! ‘Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm của mình vậy” (Mt. 5:5).

3.     Trong mùa Vọng đợi chờ và hy vọng này, cộng đồng giáo hội đồng nhất với Rất Thánh Trinh Nữ hơn bao giờ hết.Chớ gì Mẹ, Vị Trinh Nữ trông mong, giúp chúng ta mở lòng ra cho Đấng đang đến, bằng việc Người đến với chúng ta, món quà tặng hòa bình vô giá cho toàn thể nhân loại.

(Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC nói tiếp):

Ngày mai là Ngày Hội Chứng Liệt Kháng AIDS trên thế giới, một chứng bệnh mà, bất hạnh thay, vẫn còn đang phát triển mạnh, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo đói. Tôi nguyện cầu cho các linh hồn đáng thương đang bị quằn quại bởi thứ bệnh trạng cực hình này, Tội cũng xin tất cả kẻ nghèo nhất ở trong Giáo Hội là nơi đang thi hành một thứ dịch vụ vô giá của việc chấp nhận nhauchữa lành và nâng đỡ tinh thần đối với những người anh chị em của chúng ta ấy”.
 

Cuộc đời dấn thân cho mối hiệp nhất Đông Tây Kitô Giáo – Hồng Y linh mục Thomas Spidlik

Cha Thomas Spidlik, dòng Tên, thuộc Cộng Hòa Czech, được ĐTC Gioan Phaolô II phong tước hồng y ngày 21/10/2003, trong số 32 vị, trong đó có 4 vị linh mục mà ngài là một. Phải chăng vì vì linh mục này đã nỗ lực trong việc dấn thân cho mối hiệp nhất Đông Tây Kitô Giáo? Là một giáo sư ở Viện Tòa Thánh Về Đông Phương, ĐHY đã sống và làm việc tại Trung Tâm Aletti ở Rôma là trung tâm phát động việc giao tiếp riêng tư với những vị học giả ở Đông Âu. Trong thập niên 1990, ĐHY đã thi hành những sứ vụ quan trọng ở Nga, bao gồm việc gặp gỡ Tổng Thống Putin, cũng như gặp gỡ cả Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga Alexy II vào năm 1992. Vào năm 1995, ngài đã giảng phòng Mùa Chay cho ĐTC và giáo triều Rôma và đã xin ĐTC viết thông điệp “Ut Unum Sint” về vấn đề đại kết.

Vấn     Thưa ĐHY, ngài được sinh ra ở Moravia, hiện nay là Cộng Hòa Czech, nơi nhị thánh Cyrilô và Methodiô đã thi hành sứ vụ của các vị nơi sắc dân Slavs, vào thời điểm Giáo Hội chưa phân rẽ. Phải chăng tính cách địa dư và linh thiêng gần gũi với nhị vị tông đồ của sắc dân Slavs này đã ảnh hưởng tới ơn gọi linh mục của ngài cũng như sứ vụ của ngài trong việc trở thành mội giới giữa văn hóa Tây và Đông?

Đáp     Khi tôi nhận được thư của ĐTC cho biết tôi trở thành một vị hồng y tôi cảm thấy hết sức biết ơn Ngài, tôi xin nói hết sức thành thực là, đối với tôi, về phương diện cá nhân, điều này không quan trọng lắm ở vào tuổi của tôi, tôi không còn điều hành giáo phận. Tôi lớn tuổi hơn ĐTC một chút. Thế nhưng, tôi đã cám ơn Ngài rất nhiều vì qua cử chỉ này, Giáo Hội muốn tỏ ra nhìn nhận cái giá trị của linh đạo Đông Phương là những gì tôi đã liên hệ một thời gian lâu dài. Đây cũng là cách cử chỉ này đã được Đông Phương cảm nhận. Tôi đã nhận được nhiều bức thư chúc mừng từ thành phần Chính Thống, những vị rất quen biết tôi và là những vị tôi đã có nhiều liên hệ. Họ hiểu rằng, bằng cử chỉ ấy, Giáo Hội Rôma muốn nhìn nhận giá trị linh đạo Đông Phương là những gì cũng giúp vào mối hiệp nhất Âu Châu. Tôi đã từng nói với vị Bộ Trưởng Văn Hóa Nga là khi nhị thánh Cyrilô và Methodiô đến Rôma, các vị đã nhận được nhiều đặc ân chưa từng ban cho ai trước các vị, vì niềm hy vọng là những vị thuộc sắc dân Slavs này có thể là chiếc cầu nối giữa một Âu Chấu gần bị phân rẽ bấy giờ. Tiếc thay, vào thế kỷ thứ 9, Âu Châu đã bị phân chia làm cho chính sắc dân Slavs phân ly giữa thành phần Kitô giáo theo lễ nghi Latinh và Byzantine. Ngày nay, vì Tây và Đông đã quá cách biệt mà toàn thể Âu Châu phải trở thành một chiếc cầu nối. Âu Châu, một châu lục đang tìm cách hiệp nhất về kinh tế và chính trị, cũng cần phải nghĩ cả về vấn đề hiệp nhất thiêng liêng nữa. Ở điểm này thì linh đạo Đông Phương có một tầm vóc quan trọng. Sự kiện này đã được Giáo Hội nhìn nhận.

Vấn     Mặc dù được đào luyện bởi dòng Tên, đời sống và hoạt động của ngài bao giờ cũng hướng về Đông Phương.

Đáp     Tôi đã đến Hòa Lan để học thần học, nhưng bấy giờ xẩy ra nạn Cộng Sản nên tôi không thể trở về Czechoslovakia, mà phải đến Rôma. Khi tôi hoàn tất việc học của tôi về tu đức ở Viện Tòa Thánh Về Đông Phương, vị tiền nhiệm của tôi là Cha Hoser, vị tạo nên bề thế cho phân khoa linh đạo Đông Phương, đã chọn tôi kế vị ngài. Trong thời gian ở đó, tôi đã dồn lực thực hiện rất nhiều việc nghiên cứu; nhiều tài liệu nghiên cứu của tôi đã được chuyển dịch sang các thứ tiếng Âu Châu khác nhau. Chẳng hạn cách đây ít lâu một cuốn sách nhỏ của tôi đã được phát hành ở Baghdad, sau khi đã có phép của Tổng Thống Saddam Hussein. Chính Thống giáo cũng đã chuyển dịch tất cả mọi sách vở của tôi. Họ sử dụng những sách vở của tôi cho các trường thần học. Tôi cũng đã nhận được tước hiệu "honoris causa" (hết sức đáng kính) từ một số giáo sư Chính Thống ở các xứ sở Đông phương. Mấy năm trước đây tôi đã nói chuyện với Đức Alexy II, giáo chủ Moscow, hơn một tiếng đồng hồ. Chúng tôi chỉ nói về tu đức mà thôi, chứ không hề nói gì về chính trị và các thứ ngoại giao khác.

Vấn     Thưa ĐHY, ngài đã viết 140 cuốn sách và trên 600 bài báo. Cuốn sách nào của ngài là cuốn quan trọng nhất và nổi tiếng nhất?

Đáp     Cuốn sách về “Linh Đạo Đông Phương” chẳng hạn, đã được dịch sang tiếng Nga, và sau 3 tuần, đã bán hết sạch 3 ngàn cuốn. Cuốn sách của tôi về “Tư Tưởng về Người Nga” viết cho những người Tây Phương, vì chính những người Nga coi là quá tân tiến những tác giả tôi đề cập đến trong cuốn sách này, như Bulgakov và Florenski. Tôi nghe nói Tổng Thống Pháp Francois Mitterrand có cuốn sách này của tôi được dịch sang Pháp văn (“L’Idee Russe”) khi ông bị bệnh nặng nằm trong bệnh viện. Tôi hy vọng là ông ấy không chết vì cuốn sách này. Đức Giáo Hoàng này cũng đọc cuốn ấy nữa.

Vấn     Vào năm 1995 ĐHY đã được chọn để giảng phòng cho ĐTC và giào triều Rôma.

Đáp     Phải, ĐTC đã cám ơn tôi vì tôi đã nói về linh đạo Đông Phương trong tuần phòng này. Sau tuần phòng, ĐGH nẩy ra tư tưởng thực hiện một nguyện đường mới ở Vatican để sử dụng cho tuần phòng hằng năm, vì Nguyện Đường Sistine lúc nào cũng có khách du lịch thăm viếng. Nguyện đường mới này sau được gọi là nguyện đường Mẹ Chúa Cứu Thế phải là nơi “thở hít bằng hai buồng phổi”. Tư tưởng này được một thi sĩ Nga nổi tiếng là Viaceslav Ivanov đặt thành lời, khi ông gia nhập Giáo Hội Công Giáo với câu nói: “Tôi vẫn không thôi là người Chính Thống giáo. Tôi chỉ muốn hít thở bằng hai buồng phổi mà thôi”. Thế rồi ngôi nguyện đường này được trang trí bởi người anh em dòng Tên họa sĩ của tôi là Marco Rupnik và nghệ sĩ Chính Thống Nga Alexander Lornooukhov, với một phối trí bằng những vụn đá tiêu biểu cho cuộc gặp gỡ giữa hai truyền thống nghệ thuật, một kiểu tân thời bán trừu tượng và một thứ hội họa truyền thồng của ảnh tượng Nga Sô.

Vấn     Trong tuần phòng này, ngài cũng đã đề cập đến cuốn sách của Vladimor Soloviev về “Tên Ngụy Kitô”. Phải chăng ngài muốn ám chỉ về tính cách hợp thời của cuốn sách này trong thời đại của chúng ta đây?

Đáp     Soloviev thật sự là một con người rất tinh sáng. Ông đã có một số quan điểm không thể nào tin được, nhưng tất cả cần phải được hiểu theo nghĩa biểu tượng. Những gì tôi nghĩ rất ư là hợp thời nơi triết lý của Soloviev đó là khi ông nói rằng tất cả văn hóa được chia ra: Triết Lý, các khoa học tự nhiên, khoa thần bí không còn thông đạt với nhau nữa. Mối hiệp nhất này không thể gây tác hiệu gì nơi các khoa học này nữa; chỉ có những cuốn bách khoa tự điển và phương tiện Điện Toán Toàn Cầu mới tạo được mà thôi. Mối hiệp nhất này được tìm thấy ở đâu? Soloviev đã thấy được câu trả lời nơi Dostoyevsky là người đã nói: Vẻ đẹp sẽ cứu thế giới. Mối hiệp nhất có thể được thấy nơi nghệ thuật. Thế nên, ở Trung Tâm Aletti này chúng tôi mới nuôi dưỡng nghệ thuật Kitô giáo, chứ không phải khoa học Kitô giáo, vì đức tin được diễn tả nơi những biểu hiệu hay hơn nơi những tư tưởng trừu tượng.

Vấn     Người ta nói rằng Soloviev đã trở lại Công giáo trước khi chết. Điều này có thật hay chăng? Vì theo Chính Thống giáo thì không đúng.

Đáp     Như Ivanov, cả ông này nữa cũng không muốn thôi là người Chính Thống. Ông chỉ nhìn nhận quyền bính Đức Giáo Hoàng. Còn thiếu gì nữa để làm một người Công Giáo hay chăng? Điều ấy đã đủ rồi. Một trường hợp khác là có lần tôi đi thăm một người bạn thân của tôi người Romania, đó là đại thần học gia Chính Thống Staniloe, trước khi ông qua đời. Ông bảo tôi rằng ông không thể nào hiểu được sự vô ngộ của Đức Giáo Hoàng. Bấy giờ tôi trả lời là ông và tôi đều vô ngộ. Ông ta lạ lùng về câu trả lời của tôi nên tôi đã cắt nghĩa thế này: Khi tôi đọc trong Thánh Lễ: “Này là Mình Ta…, này là Máu Ta…” hay khi tôi nói: “Tôi tha tội cho anh chị em, thì những lời này là những lời vô ngộ và điều này cũng là sự vô ngộ của Giáo Hoàng nữa, ngoài ra chẳng có gì khác nữa. Bấy giờ Staniloe nói: Nếu sự vô ngộ được hiểu theo chiều hướng này thì đễ hiểu hơn. Không phải chỉ có ĐGH vô ngộ khi Ngài nhân danh Giáo Hội mà nói song cả trường hợp Người Mẹ cố gắng nói về Thiên Chúa cho con cái của mình nữa. Vị linh mục vô ngộ nơi các phép bí tích, và ĐGH vô ngộ khi Ngài nói nhân danh đại bí tích là toàn thể Giáo Hội.

Vấn     Cũng trong năm 1995, thông điệp “Ut Unum Sint” đã được ban bố, trong đó, ĐGH nói nhiều về nhu cầu cần phải tái diễn tiến giữa các Giáo Hội, nhất là đến việc hòa giải với Giáo Hội Chính Thống. Những bài giảng phòng của ngài chắc đã gây nhiều ảnh hưởng đến bức thông điệp sắp được ban bố ấy.

Ðáp     Tôi không biết đâu, thế nhưng sau tuần phòng này tôi đã viết một bài được phổ biến trên tờ L’Osservatore Romano ấn bản Balan nói rằng ĐGH cũng là dân Slav hiểu được khía cạnh cá thể rất nhiều, tức là, đời sống của một con người đi trước các thứ học thuyết. Đó là khía cạnh nền tảng của linh đạo Slav. Tôi bao giờ cũng nói rằng: Những người Hy Lạp nhận biết Thiên Chúa qua Thiên Nhiên. Đối với họ, vũ trụ bao la giống như một cái đồng hồ cần người làm đồng hồ. Những người Do Thái nhận biết vị Thiên Chúa của lịch sử vì đối với họ Thiên Chúa là một vị dẫn dắt họ qua giòng lịch sử. Ngày nay, vấn đề là ở chỗ hết mọi người chú trọng tới cá nhân con người. Bởi thế, cấn phải biết Thiên Chúa bắt đầu từ chính con người, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa và Thiên Chúa được nhận thấy nơi hình ảnh này. Đây là khía cạnh nhân loại học rất quan trọng ngày nay và là khía cạnh cũng được thấy nơi triết lý của vị Giáo Hoàng này.

Vấn     Chúng ta có thể học được những gì nơi linh đạo phong phú của Đông Phương?

Đáp     Đây không phải là vấn đề còn thiếu một cái gì đó đối với người Tây Phương chúng ta. Trái lại, vấn đề ở đây là có những đặc điểm khác nhau nơi hai truyền thống linh đạo. Có một số khía cạnh được nhấn mạnh hơn ở Tây Phương và có những khía cạnh khác ở Đông Phương. Chẳng hạn, theo cá nhân mình, tôi rất khó chấp nhận linh đạo Trái Tim Chúa hay nói về trái tim con người. Đối với người Tây Phương chúng ta vấn đề bao giờ cũng quan trọng hơn ở chỗ để cho lý trí và ý muốn bộc phát; các thứ cảm giác hình như quá sơ sài đối với chúng ta. Chúng ta đã chê bai con tim. Thế nhưng, Thánh Kinh lại nói nhiều đến con tim; Thánh Linh ở trong tâm can con người. Bởi thế, 10 năm trước đây, cuốn sách đầu tiên của tôi, trong đó tôi đã nói về tầm quan trọng của con tim, đã gây ra lúng túng và khó khăn, vì nó dường như gắn liền với chiều hướng tình cảm. Thế nhưng hiện nay cuốn sách này đã được chấp nhận một cách chung chung, và chẳng bao lâu nữa Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh sẽ phát hành ấn bản bằng Ý ngữ. Cuốn sách này viết về một vị ẩn sĩ nổi tiếng người Nga là Theophane the Recluse, với một phụ đề chính thức là “Lời Cầu Nguyện của Con Tim”. Có lần tôi đã tham dự một hội nghị ở Crete với Chính Thống giáo, và tôi đã góp phần vào hội nghị này bằng bài nói về “việc cầu nguyện bằng con tim của Thánh Phanxicô Assisi và Thánh Ignatiô Loyola”. Một người Chính Thống bạn tôi, một giáo sư ở Salonika, đã nói với tôi rằng tôi không được nói về vấn đề này vì việc cầu nguyện bằng con tim là việc diễn đạt nguyện cầu theo kiểu Chính Thống giáo. Tuy nhiên, tôi đáp lại là nếu tôi chứng tỏ cho thấy việc cầu nguyện bằng con tim cũng có nơi cả truyền thống Tây phương nữa thì ông có mua cho tôi một chai rượu không? Cuối cùng tôi đã thắng. Bởi thế, chúng ta cũng có cả kho tàng thiêng liêng này nữa, song việc sử dụng từ ngữ theo kỹ thuật của chúng ta đã trở thành quá lý lẽ, do đó chúng ta đã tạo nên những thứ thể loại quá cứng cỏi. Giờ đây là lúc cần trở về với con tim.

Vấn     Thế nhưng, đó là cuộc tranh luận về thần học đã có từ thời trung cổ, khi mà những vị đan sĩ Núi Athos thực hành linh đạo Hesychasm tức linh đạo cầu nguyện bằng con tim, tranh cãi với các thần học gia Tây Phương bị ảnh hưởng thần học Kinh Viện.

Đáp     Đúng là thế, song các lập luận này cũng xẩy ra giữa các tu sĩ dòng Phanxicô và Đaminh nữa. Những so sánh này giữa các linh đạo khác nhau đã góp phần vào việc xác định ý nghĩa của từ ngữ, song bấy giờ những lập luận này trở thành những lập luận vô bổ. Thay vào đó, cần phải tìm cách hiểu được theo ý nghĩa nào các thần học gia sử dụng một số từ ngữ, nếu ý nghĩa ấy không được sáng tỏ, thì chúng ta chỉ có thể cứ bàn cãi từ tối cho tới sáng.

Vấn     Có lẽ đó cũng là vấn đề rắc rối về ngôn ngữ đã tạo nên những hiểu lầm này: Những người Hy Lạp không hiểu tiếng Latinh hay ngược lại cũng thế

Đáp     Theo tôi thì đây cũng là vấn đề của ngày hôm nay nữa. Các dân tộc lẫn lộn với nhau, các thứ tâm thức của họ cũng rất khác nhau. Nếu không biết cố gắng tìm hiểu những tâm thức khác nhau, thì hiện tượng cuồng tín sẽ nổi lên. Hiện tượng cuống tín phát xuất từ sự kiện là tuyệt đối hiểu một từ ngữ nào đó song không nghĩ được cách thức những người khác hiểu từ ngữ đó. Chẳng hạn có lần tôi thấy người Việt Nam ở Hiệp Chủng Quốc, người đã bỏ Giáo Hội Công Giáo để đi theo một giáo phái vì họ hiểu được lễ nghi ở giáo phái này khá hơn. Có lần tôi ở Congo và dạy một khóa về linh đạo Slav cho các chủng sinh ở Kinshasa, những người Phi Châu nói với tôi rằng phương pháp này họ dễ hiểu hơn là những tư tưởng trừu tượng về một thứ thần học Pháp quốc. Họ cảm thấy gần gũi với tâm thức của họ hơn. Thế nên, Kitô giáo được truyền đạt ở các xứ sở Phi Châu hay Á Châu cần phải cố gắng thấm nhuần tâm thức của họ.

Vấn     Xin trở lại với Giáo Hội Chính Thống một lần nữa.

Đáp     Hãy cẩn thận, tôi không thích phân biệt giữa người Chính Thống và Công Giáo. Tôi không bao giờ đến viếng thăm người Chính Thống mà đến thăm các bạn bè mà thôi. Những người bạn của tôi tiếp đón tôi nồng hậu. Tôi không thích những thứ phân loại này, những thứ tổng lược ấy, vì hết mọi người đều khác nhau. Nếu chúng ta không phải là bạn hữu thì làm sao chúng ta có thể bàn đến những đề tài này được đây? Cần phải làm bạn với nhau. Thiếu lòng tin tưởng thì không thể bàn đến vấn đề đức tin. Nó không phải là vấn đề kỹ thuật máy móc.

Vấn     Thật vậy, hôm nay Đức Giáo Hoàng đã tiếp Tổng Thống Putin ở Vatican. Cách đây mấy hôm, Tổng Thống Putin đã nói ở trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo II Corriere della Sera là sứ vụ của ông không phải là chú trọng nhiều đến việc mời ĐGH đến Nga mà là giúp cho hai Giáo Hội xích lại gần nhau hơn. Ngài nghĩ thế nào về sứ vụ này của Tổng Thống Putin?

Đáp     Đây là việc làm của những chính trị gia, chứ không phải là việc của tôi. Có lần tôi được dẫn phu nhân Tổng Thống Putin cũng như phu nhân của Ngoại Trưởng Ivanov đến Nguyện Đường Redemptoris Mater, cắt nghĩa cho họ nghe về ý nghĩa liên quan đến nguyện đường này, thì bà Ivanov nói với tôi rằng bà đã đọc cuốn sách của tôi về những nhà thần bí Nga bằng tiếng Pháp. Bấy giờ tôi tặng cho bà cuốn sách “L’Idee Russe” của tôi. Tôi không khinh thường chính trị, nhưng nó là một vấn đề cuối cùng cũng tạo nên được các mối liên hệ riêng tư.

Vấn     Thế nhưng ĐGH này rất muốn được viếng thăm Nga trước khi Ngài qua đời.

Đáp     Các tờ nhật báo nói như thế. Nhưng tại sao một vị Giáo Hoáng người Slav lại muốn gặp những người Slavs? Hết mọi người Kitô hữu đều muốn Kitô hữu hiệp nhất lại, và vị Giáo Hoàng này cũng muốn điều ấy. Tuy nhiên, nó xẩy ra thế nào thì còn tùy ở các hoàn cảnh khác nữa.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 18/11/2003
 

30/11 Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm C

“Thiên Chúa là Chúa của thời gian”

Tuần trước chúng ta vừa kết thúc phụng niên, với Lễ Chúa Kitô Vua, một lễ hướng chúng ta về mầu nhiệm cánh chung, tuần này chúng ta bắt đầu bước vào một phụng niên mới với Chúa Nhật Thứ Nhật Mùa Vọng, với bài Phúc Âm của Thánh Ký Luca cũng còn hướng chúng ta về Mầu Nhiệm Cánh Chung. Bởi vậy, chúng ta cũng nên lợi dụng bài Phúc Âm âm vang một cái gì cùng tận này, vào cuối tháng các linh hồn 11 liên quan đến sự chết đây, để cùng với Ðức Thánh Cha suy tư về thời gian liên quan đến Biến Cố Nhập Thể của Con Thiên Chúa Làm Người, nhờ đó có thể sống trọn những tháng ngày vô cùng ngắn ngủi song hết sức quí giá qua đi sẽ không bao giờ trở lại với thân phận làm người cao cả của chúng ta. Thời gian không có nghĩa gì  với thiên nhiên tạo vật, ngoại trừ duy loài người “nhân linh ư vạn vật” là loài có khả năng tìm về nguồn gốc và hướng về cùng đích của mình. Sau đây là những lời của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong bài giáo lý ngày 19/11/1997 về đề tài “Thiên Chúa là Chúa của thời gian”.

3-       Chân trời bao rộng của lịch sử đang chuyển dịch này gợi lên một số vấn đề căn bản: Thời gian là gì? Đâu là nguồn gốc của thời gian? Đâu là mục đích của thời gian?

Thật thế, khi chúng ta nhìn đến cuộc hạ sinh của Đức Kitô, tầm mắt của chúng ta chú trọng đến 2000 năm lịch sử phân cách chúng ta với biến cố này. Thế nhưng, cái nhìn của chúng ta cũng hướng về những ngàn năm trước biến cố này và đồng thời chúng ta cũng nhìn lại nguồn gốc của con người cũng như của thế giới. Khoa học đương thời đang xoay quanh việc hình thành những giả thuyết về nguồn gốc và phát triển của vũ trụ. Tuy nhiên, cái mà những dụng cụ cùng với tiêu chuẩn khoa học nắm được không phải là tất cả, và cái mà cả đức tin lẫn lý trí nắm được, ngoài cả những dữ kiện có thể chứng thực và đo lường được, thì qui về trọng điểm của mầu nhiệm. Trọng điểm này được xác định ở ngay câu đầu tiên của Thánh Kinh: “Từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên các tầng trời và đất” (Gn.1:1).

Mọi sự được Thiên Chúa tạo dựng. Bởi thế, không một sự gì đã hiện hữu trước công cuộc tạo dựng trừ Thiên Chúa. Ngài là một vị Thiên Chúa siêu việt, Đấng đã tác tạo nên mọi sự bằng quyền năng riêng của mình, không bị chi phối bởi một thiết yếu nào, với một tác động tuyệt đối tự do và nhưng không, hoàn toàn do tình yêu thôi thúc. Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng mạc khải mình là Cha, Con và Thánh Thần.   

4-       Trong việc tạo dựng vũ trụ Thiên Chúa đã dựng nên thời gian. Từ Ngài mà thời gian bắt đầu có cùng với việc tỏ hiện sau đó của nó. Thánh Kinh nhấn mạnh đến việc các sinh vật lệ thuộc từng giây từng phút vào tác động thần linh: “Khi Ngài ẩn mặt đi chúng thất kinh; khi Ngài rút hơi thở chúng lại, chúng chết đi và trở về chỗ tro bụi của mình. Khi Ngài gửi Thần Linh tới, chúng được tạo thành; và Ngài canh tân diện mạo trái đất” (Ps.104/103:29-30).

Do đó, thời gian là quà tặng của Thiên Chúa. Được liên tục tạo dựng bởi Thiên Chúa, nó ở trong tay Ngài. Ngài hướng dẫn việc tỏ hiện của nó hợp với ý định của Ngài. Từng ngày là một tặng ân của tình yêu thần linh dành cho chúng ta.        

5-       Thiên Chúa là Chúa của thời gian không những như đấng hoá công của thế giới, mà còn như tác giả của một cuộc tân tạo trong Đức Kitô nữa. Ngài nhúng tay vào việc chữa lành và cải hoá thân phận con người đã bị tội lỗi đả thương sâu nặng. Ngài đã dùng nhiều thời gian trong việc sửa soạn dân Ngài cho quang vinh của cuộc tân tạo này, đặc biệt qua lời của các vị tiên tri: “Này đây, Ta tác tạo trời mới và đất mới; rồi những cái trước kia sẽ không còn được tưởng nhớ hay gợi nhớ nữa. Hãy vui mừng và hoan hỉ luôn mãi nơi cái mà Ta tạo dựng; này đây, Ta tạo cho Gialiêm niềm hoan lạc và dân thành niềm vui sướng” (Is.65:17-18).

Lời hứa của Ngài đã nên trọn 2000 năm trước đây qua việc hạ sinh của Đức Kitô. Theo ý nghĩa này, biến cố kỷ niệm mừng Năm Thánh 2000 là một lời mời gọi cử hành một kỷ nguyên Kitô giáo như là một giai đoạn canh tân đối với nhân loại cũng như đối với vũ trụ. Cho dù khó khăn và khổ đau, những năm qua đã là 2000 năm ân phúc.

Những năm tới đây, cũng thế, ở trong bàn tay của Thiên Chúa. Tương lai của con người, trước hết là tương lai của Thiên Chúa, theo nghĩa là chỉ có một mình Ngài biết nó, sửa soạn cho nó và thực hiện nó. Dĩ nhiên, Ngài kêu gọi và mời con người cộng tác, thế nhưng, Ngài không ngừng là “vị chủ trì” siêu việt của lịch sử.

Chỉ một mình Thiên Chúa biết tương lai sẽ ra sao. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng trong bất cứ một biến cố nào nó cũng sẽ là một tương lai ân phúc; nó sẽ là việc hoàn tất ý định yêu thương thần linh đối với toàn thể loài người cũng như đối với mỗi một người trong chúng ta. Đó là lý do tại sao, khi chúng ta nhìn về tương lai, chúng ta tràn đầy hy vọng và không sợ hãi.  

(Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 26/11/1997)

NIỀM VUI CỨU ĐỘ


“Hỡi các tầng trời, hãy đổ sương mai. Hỡi ngàn mây, hãy mưa Đấng Công Chính. Đất hãy mở ra và trổ sinh Đấng Cứu Độ” (Is 45:8). Đó là những tâm tình chờ mong mà Gíáo Hội dùng để nhắc nhở mọi Kitô hữu vào những ngày đầu của các tuần lễ Mùa Vọng. Mùa mong đợi, mùa hy vọng và tràn đầy thao thức. Nhưng nhân loại mong gì, đợi gì, và thao thức gì? Chúa Giêsu giáng trần.

Thật ra, Chúa Giêsu đã đến với nhân loại hơn hai ngàn năm trước rồi. Ngài đã lưu lại với nhân loại 33 năm trên trần thế. Ngài đã rao giảng Tin Mừng cứu độ và đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc của Ngài. Người đương thời đã tẩy chay Ngài, và đã đóng đinh Ngài trên thập tự. Ngài chết, sống lại, và đã về trời. Vậy chúng ta mong gì? Không lẽ bắt chước người Do Thái, chúng ta giờ này vẫn còn than khóc và kêu cầu Đấng Thiên Sai.

Chúa đã đến để hoàn tất lời hứa của Chúa Cha, do đó, việc mong chờ Ngài tất nhiên phải mang tính cách thiêng liêng, và hoàn toàn thuộc lãnh vực tâm linh. Với tinh thần Mùa Vọng như thế, có ít nhất 4 hình thức mong chờ, và 4 niềm vui mà Kitô hữu đang tìm kiếm và hân hoan đón nhận mỗi ngày và từng ngày: Chúa đến với nhân loại qua Mầu Nhiệm Nhập Thể. Chúa đến với con người qua các Bí Tích. Chúa đến với mỗi người qua giờ chết. Và Chúa đến với toàn thể nhân loại trong ngày chung thẩm.

Đời sống con người, nhất là Kitô hữu là một chuỗi ngày trên hành trình về với vĩnh hằng. Từng ngày và từng giờ, người Kitô hữu băng qua những chặng đường khác nhau của kiếp người, và của những khó khăn trong cuộc sống. Niềm vui mừng và hy vọng chính là nhìn về tình thương Thiên Chúa, biết rằng mình được Chúa yêu thương; nhất là biết rằng, dù gì đi nữa, mỗi người chúng ta là một tâm điểm của tình thương ấy. Hiểu và ý thức như vậy, chúng ta sẽ vui mừng, hân hoan, và phấn khởi. Chúng ta sẽ thấy hài lòng về cuộc đời của mình, và nhìn nhận qua ý nghĩa cứu độ mọi góc cạnh của cuộc sống bằng cặp mắt yêu thương. Đó là một mùa vọng nối dài từ lúc con người hiện hữu cho đến khi trở về với Thiên Chúa.

Chúa đã đến. Điều này không còn là một hy vọng nữa, nhưng việc kỷ niệm biến cố ấy vẫn là một niềm vui lớn lao cho mọi người, vì biết rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Sự xuất hiện của Đức Kitô đem lại niềm hy vọng và tia sáng chiếu vào miền tăm tối cuộc đời, biến những vất vả, cực nhọc thành những giá trị cứu độ. Trong niềm hy vọng ấy và trong ý nghĩa cao cả ấy, chúng ta thật sự thấy mình cần phải nôn nóng, chờ đợi để ôn lại biến cố Giáng Sinh của Ngài.

Chúa đến với từng người qua các Bí Tích mà Ngài đã thiết lập. Hằng ngày và trong mọi hoàn cảnh, Chúa vẫn đến với con người qua những mầu nhiệm bí tích. Ơn gọi làm con cái Chúa. Ơn gọi phục vụ và dấn thân trong nhiều môi trường và ơn gọi khác nhau. Ngài sẵn sàng ở đó để tha thứ, giảng hòa, và nâng đỡ. Tất cả 7 Bí Tích là những dấu chỉ thời gian và hoàn cảnh để Thiên Chúa tiếp cận với con người. Và như vậy, mỗi lần chúng ta chuẩn bị cho việc tham dự một bí tích nào, là chúng ta đang đi vào mùa vọng tinh thần và hiểu rằng việc chuẩn bị ấy sẽ đem lại cho chúng ta có cơ hội gặp gỡ chính Đức Kitô.

Chúa đến thăm chúng ta qua ngả sự chết. Ngài đến để đem chúng ta về với Ngài. Đây là một biến cố rất trọng đại, đặc biệt nhất của mỗi người, phải được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng bằng một mùa vọng kéo dài trong suốt cuộc đời người Kitô hữu. Giây phút ấy, khi Ngài đến chắc chắn sẽ là một giây phút hân hoan, sung sướng, và hạnh phúc cho những ai đã sốt sắng chuẩn bị và thiết tha mong đợi Ngài.

Và Chúa đến với nhân loại một lần nữa trong ngày chung thẩm. Đây là lần xuất hiện cuối cùng mà Thiên Chúa muốn dùng để thăm viếng một cách công khai mọi thụ tạo do chính Ngài sáng tạo – thiên thần, quỉ thần, con người - từ bình minh sáng tạo đến tận thế. Đây là đại hội lớn lao nhất của toàn thể vũ trụ, trong đó những kẻ lành được tuyên dương và kẻ dữ phải luận phạt. Tuy nhiên, việc Ngài thăm viếng lần này uy nghi trên mây trời có các thiên thần hầu cận vẫn không làm hoảng sợ đối với những tâm hồn mà từng ngày đã đón tiếp Ngài, gặp gỡ Ngài qua các Bí Tích, qua sự chết.

Mùa Vọng. Chúa đến. Niềm vui. Sự chờ mong và niềm thao thức là tâm thức khát khao của con người và của từng người. Do tâm tình khao khát này nẩy sinh niềm vui và hy vọng. Mùa Vọng đến với chu kỳ phụng niên, hay mùa vọng trong cuộc đời người Kitô hữu chính là những tâm tình chuẩn bị, sẵn sàng, và mong chờ. Và Chúa đến. Ngài đến qua biến cố Giáng Sinh, qua những Bí Tích, qua ngả sự chết, và qua cuộc phán xét toàn thể nhân loại. Tất cả những hình thức thăm viếng ấy đều là những giây phút gặp gỡ, tiếp cận và hạnh phúc cho chúng ta, bởi vì Ngài là Thiên Chúa tình thương, là Cha nhân từ.

Mùa Vọng. Mùa mong chờ. Không phải là mong chờ bằng những hình thức, nghi lễ và phụng vụ. Không phải là hy vọng mong chờ những gì đã xẩy ra hay sẽ xẩy ra cho mỗi người và cho nhân loại bằng một thái độ héo hắt, mỏi mòn, nhưng bằng tâm trạng vui mừng chờ đợi của một người con: “Phúc cho tất cả những ai mong đợi Chúa” (Is 30:18).

 

Trần Mỹ Duyệt

 

“Đứng vững trước Con Người”

 

Phụng Vụ là việc Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô, một Mầu Nhiệm được thực sự tái diễn và tiếp diễn một cách trọn vẹn qua Phụng Niên của Giáo Hội, một Năm Phụng Vụ được mở màn từ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng như hôm nay đây. Thế nhưng, theo Dự Án Cứu Độ của Thiên Chúa cũng như theo lịch sử, Chúa Kitô thực sự đã được sinh ra rồi, hơn 2000 năm trước đây, thì Mùa Vọng chúng ta đang cùng Giáo Hội bước vào đây là gì, nếu không phải là việc Giáo Hội hướng về và mong đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai. Đó là lý do bài Phúc Âm Thánh Luca Năm C hôm nay ở đoạn 21 và câu 27 đề cập tới việc Chúa Kitô đến lần sau hết: “Loài người sẽ thấy Con Người đầy uy quyền và vinh quang đến trên mây trời”.

Nhưng vấn đề ở đây là, nếu Chúa Kitô đã thực sự đến rồi, thì Kitô hữu chúng ta đã cảm nghiệm được Người chưa, hay Người vẫn ở trong tình trạng, như Thánh Gioan Tiền Hô đã nói thẳng với dân Do Thái là thành phần cũng trông đợi Vị Cứu Tinh của họ đến, trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 1 câu 26 là: “có một Đấng ở giữa các người mà các người không biết”. Đó là lý do tại sao, để nhận ra Đấng Thiên Sai đã đến với Dân Do Thái, như lời Chúa hứa với họ qua tiên tri Giêrêmia trong bài đọc thứ nhất hôm nay, cũng là Đấng đã ở giữa loài người chúng ta, Chúa Giêsu đã nói với chúng ta trong bài Phúc Âm hôm nay, là chúng ta phải “đứng vững trước Con Người”. Thế nhưng, tại sao Kitô hữu chúng ta cần phải “đứng vững trước Con Người” và nhất là làm thế nào để có thể “đứng vững trước con người”? Nếu Kitô hữu chúng ta không ý thức được vấn đề “đứng trước Con Người” bằng đời sống của mình, thì chúng ta chưa thực sự Sống Mầu Nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh trong Mùa Vọng của Giáo Hội, nghĩa là Chúa Kitô vẫn còn là một Đấng ở giữa chúng ta mà chúng ta không biết!

Đúng thế, Mùa Vọng tới, chẳng những Kitô hữu mà cả trần gian, bao gồm tất cả mọi tín đồ thuộc tất cả mọi tôn giáo khác, không nhiều thì ít, đang sửa soạn đón mừng Giáng Sinh, ít là bề ngoài với những cánh thiệp chúc mừng nhau hay mua bán quà tặng trao cho nhau. Tuy nhiên, nếu không ý tứ, chúng ta đang sửa soạn dọn mừng Lễ Giáng Sinh hơn là dọn lòng để gặp được chính Vị Chúa Giáng Sinh. Những mầu sắc tưng bừng vui nhộn bề ngoài bắt đầu xuất hiện ở các khu thương mại, hay ở trước nhà của một số gia đình, liên quan đến việc mua sắm, trưng bày và tặng quà cho nhau, có thể làm cho chúng ta bị chi phối và quên đi chính cái ý nghĩa linh thiêng cao cả của Mầu Nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh. Từ đó, đối với không ít người, Lễ Giáng Sinh đã bị tục hóa, trở thành một dịp nghỉ ngơi vui chơi như tất cả mọi cuộc lễ khác.

Đó là lý do vấn đề tại sao Kitô hữu chúng ta cần phải “đứng vững trước Con Người” là vấn đề có liên quan hết sức mật thiết đến đức tin của Kitô hữu chúng ta. Thật vậy, tất cả Kitô hữu chúng ta đều đã được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, tức đã được trở nên con cái Thiên Chúa. Thế nhưng, biến cố chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa không phải chỉ là đặc ân Thiên Chúa ban cho chúng ta thôi, mà còn là việc chúng ta đáp ứng ân huệ Ngài ban nữa. Đúng thế, việc Con Thiên Chúa Làm Người là để loài người chúng ta được làm con Thiên Chúa, như Thánh Phaolô đã minh định trong Bức Thư gửi cho giáo đoàn Galata ở đoạn 3, câu 4 và 5 như sau: “Đến thời gian ấn định, Thiên Chúa đã sai Con Mình đến, sinh hạ bởi một người nữ, sinh ra theo lề luật để giải cứu những ai bị lụy thuộc lề luật, để chúng ta được hưởng địa vị làm thành phần dưỡng tử”. Tuy nhiên, một khi được Thiên Chúa kêu gọi làm dưỡng từ của Ngài trong Chúa Kitô, loài người chúng ta cũng cần phải xòe tay mở lòng đón nhận nữa, ở chỗ tỏ ra tin tưởng nhận biết Con Thiên Chúa được hạ sinh bỡi người nữ. Đó là lý do Phúc Âm Thánh Gioan, đoạn 1, từ câu 10 đến câu 12, đã xác nhận như sau: “Người đã ở trong thế gian, nhờ Người thế gian đã được tạo thành, song thế gian lại không nhận biết Người. Người đã đến với dân riêng của Người, song họ không chấp nhận Người. Bất cứ ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa”.

Như thế, việc “đứng vững trước Con Người” đây chính là việc chúng ta tỏ ra hết sức trung thành với đức tin của mình, ở chỗ, không bao giờ chối bỏ hay dám chối bỏ Vị Thiên Chúa Làm Người, trái lại, hoàn toàn và liên lỉ tin tưởng chấp nhận Người, Đấng được Bức Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái ở đoạn 9 câu 28 xác định là “sẽ đến lần thứ hai không phải để xóa bỏ tội lỗi mà là để mang ơn cứu độ đến cho những ai thiết tha trông đợi Người”, tức cho thành phần “bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ”, như Chúa đã khẳng định trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 24, câu 13. Chi tiết vùa đề cập đến trên đây có thể se õ làm cho một số người trong chúng ta tự nhiên nhớ lại lời Chúa Kitô tiên báo trong Phúc Âm Thánh Luca ở đoạn 9 câu 27 tuần trước, đó là câu “trong những kẻ đang đứng đây có một số sẽ không nếm cái chết cho đến khi họ thấy triều đại Thiên Chúa”. Chúa Giêsu ám chỉ về ai khi Người nói “có một số sẽ không nếm cái chết cho đến khi họ thấy triều đại Thiên Chúa”?

Về lời Chúa Giêsu nói “có một số sẽ không nếm cái chết cho đến khi họ thấy triều đại Thiên Chúa”, theo suy diễn của người chia sẻ đây thì đó là môn đệ Stêphanô và tông đồ Gioan. Trước hết, đó là Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Kitô Giáo, bởi vì, ngay trước khi chết, Sách Tông Vụ ở đoạn 7 câu 56 đã thuật lại rằng “Người kêu lên ‘Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đang đứng bên hữu Thiên Chúa’”, một thị kiến rất ăn khớp với lời Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm Thánh Mathêu, đoạn 16, câu 28: “có một số sẽ không nếm cái chết trước khi họ thấy Con Người đến trong vương quyền”. Sau nữa, trong số này còn có tông đồ Gioan, bởi vì, theo Phúc Âm Thánh Marcô đoạn 9 câu 1 ghi là “có một số sẽ không nếm cái chết cho đến khi họ thấy triều đại Thiên Chúa được thiết lập trong quyền năng”, thì trong Tông Đồ đoàn chỉ có một mình Thánh Gioan cùng với Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá Chúa Kitô (xem Jn 19:25), để chứng kiến giây phút Nước Cha bắt đầu trị đến, giây phút vương quốc Satan bị tiêu diệt, cũng là giây phút thiên đàng mở ra cho tội nhân vào, mà người đầu tiên bước vào lại là người tử tội bị đóng đanh bên hữu Chúa Giêsu (xem Lk 23:43). Ngoài ra, cũng chỉ có một mình vị tông đồ Gioan này, trước khi chết, như ngài đã cho biết trong Sách Khải Huyền của ngài, ở đoạn 21, câu 2, thế này: “Tôi cũng thấy một tân Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, diễm lệ như cô dâu sửa soạn nghênh đón lang quân của mình”, nghĩa là thánh nhân được thị kiến “thấy triều đại Thiên Chúa được thiết lập trong quyền năng”.

Vì vấn đề “đứng vững trước Con Người”, như đã diễn giải trên đây, mật thiết liên quan đến đức tin, do đó, để có thể “đứng vững trước Con Người”, Kitô hữu chúng ta cần phải giữ vững đức tin của mình, thế thôi, nói cách khác, giữ vững đức tin của mình là “đứng vững trước Con Người”, nhất là vào những lúc đêm tối đức tin, bị thử thách, chịu khổ đau, bị bách hại chống đối, đặc biệt vào những ngày cuối thời, những ngày khủng khiếp chưa từng thấy từ tạo thiên lập địa, như Chúa Giêsu báo trước trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 24, câu 21, thời điểm mà, trong bài Phúc Âm Thánh Luca hôm nay, Chúa Kitô cũng căn dặn các môn đệ rằng: “Khi những điều này bắt đầu xẩy ra thì các con hãy thẳng đứng và ngước đầu lên, vì việc cứu chuộc các con gần đến rồi”.

Đúng vậy, cách duy nhất để chúng ta có thể “đứng vững trước Con Người”, tức để chúng ta tỏ lòng mình kiên trung với Chúa Kitô cho đến cùng, nhất là trong thời đại văn hóa sự chết của chúng ta ngày nay đây, đó là thái độ chúng ta “thẳng đứng và ngước đầu lên”. “Thẳng đứng và ngước đầu lên” như thế nào, Chúa Giêsu cũng đã cắt nghĩa rõ ràng trong bài Phúc Âm hôm nay ngay sau đó thế này, “các con hãy coi chừng kẻo tâm thần các con bị trì trệ bởi lạc thú, chè chén và lo toan thế gian”. “Thẳng đứng và ngước đầu lên”, về phương diện tiêu cực, chẳng những liên quan đến việc sống tu đức, mà còn, về phương diện tích cực, cho thấy cả cử chỉ cử hành Mầu Nhiệm Đức Tin nữa. Đó là cử chỉ Đức Tin của Mẹ Maria “thẳng đứng và ngước đầu lên” nhìn Con Mình treo trên thập giá trên đồi Canvê, một cử chỉ phụng vụ long trọng tế lễ Thiên Chúa. Đúng thế, nếu Chúa Kitô vẫn tiếp tục hiện diện và sống động với Giáo Hội cho đến tận thế, thì việc Giáo Hội cử hành Phụng Vụ “mà nhớ đến Thày” (Lk 22:19) chính là việc Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô, cử hành Mầu Nhiệm Đức Tin của mình. Để rồi, nhờ tham dự Phụng Vụ một cách ý thức, chủ động và tích cực, Kitô hữu chúng ta được sống Mầu Nhiệm Chúa Kitô, hay Chúa Kitô tỏ hiện nơi Đức Tin của chúng ta và tỏ mình cùng ban mình cho lòng khao khát và trông mong của chúng ta. Tóm lại, Mùa Vọng là thời điểm Kitô hữu chúng ta phải làm sao cảm nghiệm được Thiên Chúa Làm Người đang thực sự ở cùng mỗi người chúng ta.

Mùa Vọng chẳng những là thời điểm Giáo Hội hướng về Chúa Kitô đến lần thứ hai, mà còn là thời điểm rất thích hợp để Kitô hữu chúng ta trở về nguồn nữa, tức trở về với Lịch Sử Cứu Độ của Thiên Chúa, để có thể cảm nhận được Thiên Chúa là Thần Linh đã thực sự tỏ mình ra cho loài người chúng ta, cho đến khi “Lời hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Jn 1:14), để chúng ta “được sự sống và là một sự sống viên mãn hơn” (Jn 10:10). Thế nhưng, Lịch Sử Cứu Độ đã được bắt đầu từ khi nào, từ Adong, Abraham hay Moisen, anh Trần Mỹ Duyệt có thể cho quí vị thính giả biết không?

Về thời điểm Lịch Sử Cứu Độ được bắt đầu từ lúc nào, chúng ta có thể căn cứ vào những yếu tố sau đây để có thể đi đến kết luận thế này. Trước hết, nếu “vì một người mà tội lỗi cùng với sự chết đã đột nhập thế gian”, như Thánh Phaolô xác nhận trong Thư gửi Giáo Đoàn Rôma, đoạn 5 câu 12, thì Lịch Sử Cứu Độ được bắt đầu từ Adong, từ lời Thiên Chúa hứa với ông ngay trong bản án nguyên tội, như được Sách Khởi Nguyên ghi lại ở đoạn 3 câu 15 như sau: “Ta sẽ gây mối thù giữa ngươi và người nữ, giữa giòng dõi ngươi và giòng dõi người nữ, người miêu duệ này sẽ đạp nát đầu ngươi”. Sau nữa, nếu việc Thiên Chúa cứu độ con người cần con người phải đáp ứng bằng đức tin, nghĩa là phải có đức tin con người mới được cứu độ, thì Lịch Sử Cứu Độ được bắt đầu từ Abraham là cha những kẻ tin (xem Rm 4:16-22; Gal 3:29), người đã bỏ quê cha đất tổ đi theo tiếng Chúa gọi đến nơi không biết mình sẽ đi về đâu (Gen 12:1-4; Heb 11:8), và nhất là đã không tiếc đứa con trai duy nhất của mình (Gen 22:16), một mầm mống theo lời Chúa hứa sẽ phát sinh một dân tộc đông như sao trời cát biển (Gen 15:1-6). Sau hết, nếu Dự Án Cứu Độ của Thiên Chúa được thực sự tỏ hiện trong lịch sử loài người, chứ không phải là một chuyện hoang đường và mộng tưởng, thì Lịch Sử Cứu Độ được bắt đầu từ Moisen, người được Thiên Chúa thực sự sai đến cứu dân Ngài cho khỏi cảnh làm tôi người Ai Cập mà đưa họ vào mảnh đất Ngài đã hứa với cha ông tổ phụ của họ (xem Ex 3:10).

Trong 4 tuần lễ Mùa Vọng tuần cuối bao giờ cũng đọc bài Phúc Âm trực tiếp liên quan đến biến cố Giáng Sinh của Chúa Kitô, hai tuần giữa liên quan đến vai trò Tiền Hô Gioan Tẩy Giả trong việc dọn đường cho Người đến. Và tuần đầu tiên với bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn để nhắc nhở con cái mình hãy tỉnh thức đón chờ Chúa Kitô tới. Riêng chu kỳ năm C, Phúc Âm Thánh Ký Luca ghi lại lời Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta và căn dặn chúng ta phải làm sao khi ơn cứu độ đến: Người bảo là phải tỉnh thức đừng chè chén say sưa với đam mê nhục dục và những vui thú trần thế, trái lại, phải đứng dậy và ngước đầu lên.

Lạy Chúa Giêsu Kitô là Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa loài người chúng con bằng xương bằng thịt hơn hai ngàn năm trước đây. Nhưng Chúa vẫn hiện diện với Giáo Hội cho đến tận thế qua Thánh Thể và Quyền Linh Giáo Hội. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, xin cho chúng con được cảm nghiệm thần linh về sự hiện diện của Chúa là Đấng Emmanuel. Amen


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

“Đứng dậy và ngẩng đầu lên”

Trò Chơi Phúc Âm CN I Mùa Vọng C

Phúc Âm

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao: dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xaœy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao caœ. Khi những điều đó bắt đầu xaœy đến, chúng con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi chúng con đã gần đến. Chúng con hãy giữ mình, keœo lòng chúng con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời mà ngày đó thình lình đến với chúng con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy chúng con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khoœi những việc sắp xaœy đến và đứng vững trước mặt Con Người.

Hướng Dẫn

Mùa Vọng bao giờ cũng có 4 tuần lễ tượng trưng cho 4 ngàn năm mong đợi Vị Cứu Tinh theo lời Thiên Chúa Hóa Công hứa sau khi hai nguyên tổ sa ngã phạm tội (xem Genesis 3:15).

Trong 4 tuần lễ này, tuần cuối bao giờ cũng đọc bài Phúc Âm trực tiếp liên quan đến biến cố Giáng Sinh của Chúa Kitô, hai tuần giữa liên quan đến vai trò Tiền Hô Gioan Tẩy Giả trong việc dọn đường cho Người đến. Và tuần đầu tiên với bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn để nhắc nhở con cái mình hãy tỉnh thức đón chờ Chúa Kitô tới.

Riêng chu kỳ năm C, Phúc Âm Thánh Ký Luca ghi lại lời Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta và căn dặn chúng ta phải làm sao khi ơn cứu độ đến: Người bảo là phải tỉnh thức đừng chè chén say sưa với đam mê nhục dục và những vui thú trần thế, trái lại, phải đứng dậy và ngước đầu lên.

Bởi thế, hôm nay chúng ta sẽ sinh hoạt bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này với trò chơi “đứng dậy và ngước đầu lên” như sau.

Sinh Hoạt

1. Mỗi nhóm cử ra ba người. Tất cả quì thành vòng tròn, nhưng trong phạm vi được vạch định chỗ đứng của mình, và cúi xuống gặm một cái ly ở trước mặt (tượng trưng cho vấn đề chè chén say sưa).

2. Người quản trò đứng ở giữa vòng tung nắm sốp vụn hay giấy vụn lên trời (tượng trưng cho ơn cứu độ sắp đến), bấy giờ những người đang gặm ly đứng ngay lên để làm sao hứng đươc ít là một vụn sốp hay miếng giấy trong cái ly thì được cứu độ. Những ai không hứng được tí nào thì bị loại.

3. Có thể chơi đi chơi lại với những người còn lại. Cuối cùng nhóm nào hứng được nhiều nhất và bị loại ít nhất là nhóm đoạt giải “đứng dậy và ngước đầu lên”.

 

THỜI GIAN VÀ GIÁ TRỊ CUỘC ĐỜI
 

Vào những thế kỷ đầu của văn minh nhân loại, khi khoa học còn sơ khai, con người dùng ngựa như một phương tiện di chuyển nhanh nhất. Để so sánh giá trị thời gian, người Việt Nam thường ví: “Đời người như bóng câu qua cửa”. Ý nói, cuộc sống con người vụt nhanh như bóng con ngựa chạy qua cửa nhà mình. Với những phát minh tân kỳ của thời đại hôm nay, câu nói ấy bây giờ cần phải hiểu rằng, đời người vụt nhanh như bóng một vệ tinh, một phi thuyền, một phi cơ, hay một chiếc xe qua cửa nhà.

Đi tìm giá trị thời gian, có lẽ không đâu bằng ở nhà thương, hay một nghĩa trang. Ở nhà thương, thời gian được đo đếm bằng giây và bằng phút; còn ở nghĩa trang, thời gian là vĩnh hằng. Chúng ta ai cũng đã có dịp chứng kiến nhiều cảnh đau thương, bồi hồi, và xúc động, khi mới hôm qua, tuần trước, tháng trước, năm trước người thân hay bạn hữu mình vẫn còn đó, vẫn vui cười, hớn hở, mà chợt quay lại không thấy họ trên dương gian nữa. Khi suy về đề tài này, ngồi yên lặng, tìm gặp trong trí nhớ của tôi hình ảnh những người mà tôi đã từng quen biết, và như một trùng hợp, cứ mỗi năm sống của tôi được đếm bằng một người bạn, người thân đã đi về bên kia thế giới. Trước sự ra đi của bạn bè và người thân như thế, tôi lại nhới lại bài thơ khuyết danh mà tôi đã học được lúc còn là một em học sinh tiểu học vào năm 1958:

Ai ơi hãy trèo bức tường đổ,
Trông cánh đồng xa,
Mồ con, mả lớn,
Trước cũng người cả,
Mà bây giờ đã ra ma rồi.
Nào vợ, nào con,
Nào tiền, nào của,
Nào cửa, nào nhà,
Nào lợn, nào gà,
Nào câu đối đỏ,
Nào mành mành hoa.
Nào đâu, đâu cả,
Mà bây giờ chỉ thấy sương mù, nắng giã, với mưa sa.

Câu kết của bài thơ đã cho tôi một âm hưởng thấm thía về giá trị cuộc đời, và cái mong manh, mau chóng của kiếp người.

Khoa học ngày nay, với sự tiến bộ của ngành y khoa và dược, người ta đang cố kéo dài sự sống, tức kéo dài thời gian hiện diện của một người trên dương thế. Nhưng dựa vào những thống kê mà ta có được, thì tuổi thọ hiện nay vẫn chưa vượt qua ra khỏi con số 120. Điều lạ lùng là những người có tuổi thọ cao lại là những người ít dùng tới thuốc, và không cần đến các bác sĩ. Thật vậy, con người ngày nay đang cố gắng chạy đua với tuổi thọ. Nhưng càng hối hả, càng lo lắng, và càng băn khoăn về tuổi thọ, thì tuổi thọ càng chạy trốn con người. Cuộc sống này với rất nhiều lo lắng, dồn nén, và thách đố đang đục đẽo, gậm nhấm, và soi mòn tuổi thọ. Chính cái yếu tố tâm lý và tâm linh ấy mới là những căn bệnh trầm kha, không thuốc chữa, chứ không phải là những triệu chứng nhức đầu, sổ mũi, đau lưng, nhức mỏi, đau tim, đau gan, đau dạ dầy, đau thận hay ung thư.

Ngày xưa con người tuy ăn lông, ở lỗ, nhưng họ sống lâu, sống khoẻ và sống hạnh phúc. Ngược lại ngày nay con người văn minh ăn sang, mặc đẹp, nhưng lại mang trong mình một túi bệnh, sống trong hoang mang và hồi hộp. Lý do dường như ai cũng hiểu, chính vì con người ngày nay đã xa khỏi ảnh hưởng của tâm linh, vượt quá những gì mà giới hạn của con người có thể đạt được. Kết quả là con người ngày nay đang tự mình chuốc lấy những lo âu, kinh hoàng, và sợ hãi. Từ những bất ổn tâm lý ấy, cộng thêm với sức ép của cuộc sống, của bon chen, của tháo thứ, làm sao con người có thể sống an bình, và kéo dài tuổi thọ. Tóm lại, yếu tố tâm lý và tâm linh giữ vai trò hết sức quan trọng trong cái gọi là hạnh phúc, bằng an, và tuổi thọ của một người.

Mặt khác, do sự mong manh và cái vụt bay của thời gian cũng cho ta một ý niệm về vĩnh hằng và về Thượng Đế. Thượng Đế không có quá khứ, không có tương lai, nhưng trước nhan Ngài chỉ là một hiện tại vĩnh hằng. Ngài là chủ tể của thời gian. Chỉ mình Ngài thấu hiểu quá khứ, hiện tại, và tương lai con người và từng người. Ý niệm này dẫn đến xác quyết rằng những người tin ma, thờ quái, những kẻ bói toán, đồng bóng đều là những kẻ dối gạt. Và sự tin tưởng vào những người đó là một khuyết điểm lớn nhất của kẻ nhẹ dạ và thiếu tự tín. Vì có ai làm chủ được thời gian, ngoại trừ Thượng Đế.

Nhưng điều quan trọng về ý nghĩa thời gian trong cuộc đời của một người không hoàn toàn lệ thuộc vào thời gian vật thể, tức là mấy năm, hay mấy tháng người đó có mặt trên dương thế. Nó dựa vào giá trị và hành động tốt mà người ấy đã cống hiến cho đời, và cho nhân loại trong thời gian mà họ có mặt trên cõi trần. Lấy một thí dụ rất điển hình, 7 phi hành gia đã tử nạn trên bầu trời trong lúc phi thuyền của họ đang chuẩn bị hạ cánh vào sáng ngày 1 tháng 2 năm 2003 vừa qua. Họ là những người còn trẻ. Sức khoẻ của họ tuyệt vời. Trí khôn và tài năng của họ tuyệt vời. Tóm lại, họ rất tuyệt vời theo đúng ý nghĩa của một cái nhìn tự nhiên, và họ là những người đã và đang dự trù đóng góp cho nhân loại những phát minh, những nghiên cứu của họ. Nhưng họ đã ra đi và bỏ lại đàng sau tất cả, vì thời gian của họ đã hết. Họ đã làm trọn sứ mạng được trao phó trong một thời gian ấn định của Thượng Đế.

Mỗi giây phút qua đi là không bao giờ trở lại. Người ta không thể níu kéo quá khứ. Ngay cả trong tâm lý, sống với quá khứ được coi là một tư tưởng bệnh hoạn. Không ai có thể trở lại sống với quá khứ, có chăng chỉ là hoài tưởng. Những gì qua là đã qua. Đúng ra cũng không có gì bảo đảm cho cái đang tới, dù chỉ ít phút trước mặt như trường hợp 7 phi hành gia vừa nhắc tới ở trên. Như vậy, con người chỉ có cái giây phút hiện hữu rất mong manh, nhưng lại giá trị hầu như vĩnh cửu là thuộc về mình. Ta có thể khái niệm về thời gian qua cái nhìn tâm lý bằng một thí dụ thời gian của hai kẻ yêu nhau ngồi chờ nhau. Thời gian này là một thời gian rất lâu dù trên thực tế, nó chỉ là năm hay mười phút. Mỗi giây phút trôi qua kể như thiên thu. Nhưng khi người yêu vừa xuất hiện, thì cái thiên thu ấy lại trở thành một khoảng khắc của hiện tại khiến cho tất cả những thao thức và lâu dài của thời gian như ngừng đọng vào giây phút hiện tại ấy.

Ngoài ra, thời gian còn được coi như vĩnh hằng, vì chỉ cần một khoảng cách của một tích tắc cũng đủ để cho một người làm một việc tốt, hay ngược lại, một việc xấu. Và do đó, con người có thể dùng thời gian để mua lấy vĩnh hằng là thế.

Ý niệm thời gian như vừa trình bày trên khiến con người cần phải nghĩ tới việc lợi dụng những giây phút hiện có để sống với trọn vẹn ý nghĩa của đời mình. Hãy cứ làm mỗi giây hiện hữu của mình tốt, tự nhiên ta có một đời sống tốt. Quá khứ tốt, hiện tại tốt, tương lai sẽ hứa hẹn tốt. Đây là một phần trong tâm lý trị liệu. Khi con người chú tâm vào với cái mình đang có và hiện có, tự nhiên có nhiều nghị lực, tự tin, và khả năng để thực hiện. Và khi thực hiện được một việc tốt, tự nhiên có hứng thú, và được khích lệ để nối tiếp những việc tốt khác.

Tóm lại, thời gian không thuộc về con người. Thời gian của con người trên dương thế bao gồm quá khứ, hiện tại, và tương lai. Quá khứ hoàn toàn qua khỏi, tương lai chưa tới, và chỉ có một khoảnh khắc hiện tại là con người được quyền sở hữu và kể như thuộc về con người. Nhưng đã mấy ai xử dụng những khoảnh khắc ấy một cách có ý nghĩa, hay ngược lại chỉ hận thù, tiếc nuối quá khứ và mơ màng, thêu dệt cho tương lai để rồi lại quên mất hiện tại.
 

Trần Mỹ Duyệt

 

Thời Gian

Thời Gian Hiện Thân nơi Không Gian

Nói đến thời gian là nói đến quá khứ, hiện tại và tương lai. Thế nhưng, có thể nói, nếu không có con người cũng không có thời gian… Tại sao? Tại vì, trong tất cả mọi sự thuộc thế giới không gian, tức thế giới thiên nhiên tạo vật, chỉ có con người mới nhận thức được thời gian, mới đi làm lịch sử, mới tiến hóa theo thời gian, nói đúng hơn, mới làm cho thời gian đạt được mục đích hiện hữu của nó với vai trò là một thực tại trung gian, một thực tại qui hướng về vĩnh cửu, về Thực Tại Thần Linh toàn hảo tối thượng là cùng đích của tất cả mọi sự nói chung và nhất là của loài linh ư vạn vật nói riêng. Bởi thế, không có con người, thì dù hiện hữu, giá trị của thời gian sẽ là gì và ở chỗ nào? Phải chăng nó là một tiến trình mù quáng của vật chất, của thiên nhiên tạo vật?

Vẫn biết không gian và thời gian đồng qui ở chỗ hữu hạn, ở chỗ có cùng, có bắt đầu và có kết thúc, và dù cho thời gian và không gian có hội ngộ nhau ở bốn mùa thời tiết xuân, hạ, thu, đông, vì “thời” đây là thời gian và “tiết” đây thuộc về không gian. Thế nhưng, theo hiện tượng vật lý, thời gian hoàn toàn tùy thuộc vào không gian và được con người sử dụng làm phương tiện đo đếm không gian. Bởi vì, theo con người hiểu biết và khám phá về khoa học, ngày giờ năm tháng của thời gian trên trái đất này lệ thuộc vào cuộc xoay vần vận chuyển của không trung vũ trụ, như một ngày là do kết quả của một vòng xoay (rotation) của trái đất chung quanh chính tâm trục của nó, hay một năm là do kết quả của một vòng quay (movement) của trái đất chung quanh mặt trời v.v. Ở những nơi có đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, như ở Hoa Kỳ hay ở miền Bắc Việt Nam, thì ngày dài vào mùa hè và đêm dài vào mùa đông. Thế nhưng, vấn đề cần phải giải quyết ở đây là thái dương hệ, tiêu biểu cho không gian vũ trụ đây, được hình thành từ lúc nào và bắt đầu hoạt động chuyển vận của nó như thế bao lâu rồi?

Đó là lý do, theo triết lý, nếu không gian vũ trụ hay thiên nhiên tạo vật không tự mình mà có thì nó phải có trong thời gian và tồn tại cũng như phát triển theo thời gian. Theo quan sát khoa học, nếu xẩy ra đúng như định luật tự nhiên, thì mọi sự, nhất là loài sinh vật, xuất hiện ở một lúc nào đó, rồi phát triển theo thời gian, cho đến khi hết thời của nó. Chẳng hạn, sau cuộc ân ái của vợ chồng vào đúng thời gian trứng rụng của người vợ, thì bình thường trong thời gian tối đa 48 tiếng là người vợ có thể mang bầu, và qua thời gian ấn định 9 tháng 10 ngày sau đó là người con ra đời; và con người mới này, sau khoảng thời gian ấu nhi và thiếu nhi, họ sẽ bắt đầu tiến vào thời gian dậy thì, thời gian phát triển sinh lý, với những phát triển mới mẻ trên thân xác liên quan đến cơ phận sinh dục của họ v.v. Thế rồi, cũng theo tiến trình bình thường, vào một thời gian nào đó, 70 tuổi hay 100 tuổi, cuối cùng, con người sẽ qua đi. Không phải con người chết là hết thời mà là vì hết thời của mình nên con người chết đi. Bởi thế, sau khi con người chết đi, thời gian vẫn còn đó. Và dù con người có muốn làm chủ thời gian, ở chỗ, họ muốn chết vào ngày giờ do họ ấn định, bằng cách tự tử đi nữa, họ vẫn lệ thuộc vào thời gian, bởi vì, những vụ tự tử không thành đã hùng hồn chứng thực điều này, do đó, những vụ tự tử thành công cũng chính là lúc thực sự hết thời của con người tuyệt vọng chán đời.

Thời Gian là Thực Tại Tỏ Hiện

Như thế, thời gian có tính cách thần linh, chất chứa nơi nó tất cả những dự định thần linh, được thể hiện qua các định luật tự nhiên, những định luật mà bất cứ tạo vật nào, nhất là sinh vật, cách riêng loài người, đến nỗi, một khi cả dám làm ngược lại hay chống lại, con người có lý trí khôn ngoan suy xét và có tự do chọn lựa lành dữ sẽ phải chịu một hậu quả tai hại khôn lường. Điển hình là nếu họ uống thuốc ngừa thai họ có thể sẽ bị ung thư ngực, uống kích thích tố (hormone) sau khi hết kinh nguyệt để giữ nét trẻ trung có thể sẽ dễ bị mục xương, ăn nhiều quá sẽ bị bội thực, uống rượu nhiều quá sẽ bị say. Tại sao ở Mỹ ung thư là một tác nhân đệ nhất sát hại mạng sống con người cả nam lẫn nữ như thống kê cho thấy, nếu không phải con người ở đây đã ăn uống mọi sự hầu như có chất hóa học, kể cả thịt thà được cung cấp từ những con vật được nuôi bằng những chất dinh dưỡng hóa học, hay rau cỏ được tưới bón bằng những thứ phân hóa học. Sự kiện suy diễn này không biết có chính xác hay chăng, chỉ biết rằng, ngày xưa, khi còn sống sát với thiên nhiên, còn ăn tươi nuốt sống những thứ có thể cho được vào bụng, thì con người sống khỏe mạnh và thọ hơn con người văn minh vật chất sau họ!

Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là con người phải sống theo thời gian, phó mặc cho định mệnh là những gì vốn chất chứa trong thời gian và là những gì sẽ được hiện lộ khi tới thời điểm (time) của nó, khi tới lúc (moment) của nó. Chẳng hạn như bị bệnh nguy tử không chịu chạy chữa, cho rằng, nếu hết thời của mình thì dù có đi bác sĩ hay uống thuốc tiên cũng chết. Đúng thế, sinh vật nói chung và con người nói riêng, vì sống trong thời gian và hoàn toàn lệ thuộc vào thời gian, nếu hết thời của mình thì tự nhiên sẽ qua đi, không thể thoát được, dù có đề phòng cách mấy đi nữa. Tuy nhiên, định luật tự nhiên cũng bao gồm cả định luật bảo tồn và tự vệ, định luật khôn sống mống chết, như vẫn thấy nơi loài thú vật. Nếu đói không ăn, theo định luật tự nhiên, con người chắc chắn sẽ chết thế nào, thì bị bệnh nguy tử không chữa, theo định luật tự nhiên, họ cũng khó lòng thoát được bàn tay tử thần như vậy. Bởi thế, cái chết của con người không chịu chữa trị khi bị bệnh nguy tử đây không phải bị gây ra bởi họ buông xuôi theo định luật tự nhiên cho bằng chỉ vì họ đã đi ngược chiều với định luật tự nhiên, định luật bảo tồn, khuynh hướng sinh tồn. Tai nạn xẩy ra hay tất cả mọi tai ương biến loạn trong thiên nhiên vũ trụ nói chung và trong xã hội loài người nói riêng này, kể cả nhân tai lẫn thiên tai, không phải đã bị gây ra bởi những hiện tượng hay sự kiện ngược ngạo và đối địch nhau liên quan đến định luật tự nhiên hay sao?

Thế nhưng, nói chung, như lịch sử loài người cho thấy, qua giòng thời gian hiện hữu của mình, từ thời ăn lông ở lỗ sống để mà ăn như con vật, đến thời điểm văn minh văn hóa ăn để mà sống thuần túy loài người hiện nay, con người càng ngày càng khám phá ra sự thật về thiên nhiên tạo vật nói chung nhất là về chính bản thân mình nói riêng. Qua thời gian, con người đã không khám phá ra thiên nhiên tạo vật chung quanh mình bằng những khám phá khoa học hay sao, về đủ mọi lãnh vực, từ bầu trời cao đến đáy biển cả, từ đại không gian đến tiểu vũ trụ, nhất là về lãnh vực tạo sinh cải giống từ thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 và đầu thiên kỷ thứ ba hiện nay hay sao? Cũng qua thời gian, con người đã thực sự khám phá ra chính mình, bằng việc ý thức được mối liên hệ đại đồng, một mối liên hệ chỉ được tồn tại nếu xã hội loài người muốn duy trì và phát triển, ở chỗ, con người cần phải nhìn nhận, tôn trọng và bảo vệ phẩm giá cùng quyền lợi làm người bẩm sinh của mỗi người cũng như của mọi người trong xã hội, như được ý thức và công bố trong Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc năm 1948 sau hai trận Thế Chiến Thứ I & II.

Thời Gian Nên Trọn nơi Con Người

Nếu qua thời gian, con người đã khám phá ra trong thời gian tất cả sự thật về thiên nhiên tạo vật cũng như về chính bản thân mình như thế, một sự thật đã có trước họ và tồn tại sau khi từng thế hệ nhân gian của họ qua đi, và nếu họ biết sống đúng với sự thật ấy, họ sẽ chẳng những có thể làm chủ trái đất, mà còn có thể làm chủ cả thời gian nữa. Thật vậy, nếu sự thật là một thực tại bất biến, một thực tại chi phối tất cả không gian, được từ từ hiện lộ trong thời gian và được khám phá thấy bởi nhân gian, thì một khi con người đã biết lợi dụng sự thật tự nhiên bằng khả năng khoa học của mình để làm chủ trái đất này thế nào, họ cũng có thể biết lợi dụng cả sự thật về con người nhân bản của mình bằng ý thức luân lý, nhờ đó họ làm chủ được cả thời gian như vậy. Vì sống trong sự thật và sống theo sự thật, một thực tại bất biến, một thực tại tối thượng, con người hữu hình và hữu hạn, cho dù có chết về phần xác, có bị thiếu hụt về thể lý, tâm lý và luân lý trên đời này, họ sẽ không bao giờ qua đi, không bao giờ cảm thấy thiếu thốn, trái lại, họ sẽ vĩnh viễn tồn tại, có thể nói, họ đã đạt đến cùng đích của mình ngay khi họ còn sống trong thời gian. Hay nói cách khác, thời gian cô đọng lại nơi con người sống sự thật, hội tụ lại nơi con người sống trong sự thật. Nếu không gian thu hẹp lại nơi con người sống yêu thương thế nào, hay không gian được yêu thương bao trùm thế nào, thì thời gian cũng tụ lại nơi con người chân thực như thế, hay thời gian được chân lý bao trùm như vậy.

Đó là lý do thực tế cho thấy, con người khôn ngoan, một khôn ngoan trung thực phản ánh sự thật, là một con người sống hiện tại với cả quá khứ lẫn tương lai. Bởi vì, tất cả những gì họ tác hành, hay phản ứng, hoặc giải quyết, trong giây phút hiện tại và cho cuộc sống hiện tại của cá nhân họ, những gì liên quan đến cả xã hội hay cho xã hội, họ đều căn cứ vào những kinh nghiệm sống họ đã được truyền thụ bởi các bậc tiền bối cha ông họ, nhất là do chính họ rút tỉa được từ cuộc sống riêng tư trong thời gian quá khứ của họ, để làm sao cho bản thân họ cũng như cho chung nhân gian chẳng những được tồn tại mà còn phát triển, hầu đạt đến một chân trời tương lai rạng ngời chân lý và thiện hảo, đúng như dự án thần linh của Thượng Trí Quan Phòng là Chân Lý Tối Cao và là Nguyên Lý Đệ Nhất. Một con người sống sự thật, hay sống trong sự thật, sống theo sự thật, là một con người làm chủ thời gian, làm cho thời gian được kết tụ lại nơi họ, ở chỗ họ đang sống trung thành, trước sau như một, sống thủy chung (từ đầu đến cuối), bất chấp mọi bất trắc và ngãng trở xẩy ra trong cuộc sống. Dù trước mắt thế gian họ có bị coi là ngu dại, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Họ có chết đi cho chân lý và vì chân lý, như trường hợp của những con người tranh đấu cho công lý và hòa bình, hay như trường hợp của những vị tử đạo chân chính, những anh hùng vị quốc vong thân, nhân gian lịch sử sẽ không bao giờ quên họ, và họ sẽ vĩnh viễn tồn tại với lịch sử, với thời gian, thậm chí vượt ra ngoài thời gian và không gian, ở chỗ họ sẽ bất diệt và bất tận như chính sự thật vậy.

Để có thể sống trong hiện tại một cách khôn ngoan, một cách chân thật như thế, ngoài tác động ý thức liên quan mật thiết tới hiện tại, con người còn cần phải có một ký ức sống động và một phán đoán chính xác nữa, một ký ức liên quan đến quá khứ và một phán đoán liên quan đến tương lai. Thật vậy, con người cần đến ký ức là yếu tố tâm lý liên quan đến quá khứ, vì thời gian chất chứa sự thật và tỏ hiện sự thật, nên tất cả những gì xẩy ra trong cuộc đời con người và cho cuộc đời con người đều mang con người đến gần sự thật hay đều tỏ cho con người biết sự thật về bản thân họ cũng như về ngoại cảnh chung quanh họ. Bởi thế, càng sống con người càng khôn ra là vậy, con người càng cảm thấy mình biết đời hơn và biết mình hơn, hành sử một cách hiệu quả hơn, không còn vụng về, dại dột, ngớ ngẫn, thất sách như trước nữa. Thế nhưng, nếu con người không biết rút kinh nghiệm và lưu trữ những cảm nhận cuộc đời, họ khó mà có thể tiến thân, có thể trưởng thành. Tưởng niệm là một yếu tố tối ư quan trọng của Do Thái Giáo cũng như của Kitô Giáo. Bởi vì, ơn cứu độ của họ không phải là một thực tại mơ hồ, mà là một biến cố lịch sử, một biến cố họ chẳng những cần phải tưởng nhớ mà còn phải liên tục long trọng cử hành nữa.

Thời Gian Sống Động trong Cuộc Đời


Biến cố lịch sử cứu độ của Do Thái Giáo là biến cố Vượt Qua, biến cố họ được Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, Vị Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho tổ phụ họ là Abramham, Isaac và Giacóp, Vị Thiên Chúa đã tự động lập Giao Ước với các vị cha ông của họ ấy và thực sự đã hoàn tất giao ước của Ngài với con cháu các vị, cụ thể nhất là việc Ngài chẳng những dùng nhân vật Moisen để giải thoát họ khỏi cảnh làm tôi cho dân Ai Cập 450 năm, mà còn dùng Gioduệ để đưa họ vào chính mảnh đất Ngài đã hứa với các vị là mảnh đất Palestine thấm đẫm huyết lệ nhất trên thế giới hiện nay. Đó là lý do Do Thái Giáo, từ biến cố lịch sử cứu độ vô tiền khoáng hậu đó tới nay, hằng năm, họ vẫn cử hành tuần lễ Vượt Qua để, trong khi tưởng nhớ đến Vị Thiên Chúa Cứu Độ của mình, họ ý thức ngay trong hiện tại những gì họ cần phải sống một cách xứng đáng với ơn cứu độ của họ.

Biến cố lịch sử cứu độ của Kitô Giáo cũng là Biến Cố Vượt Qua, một cuộc vượt qua đã được báo trước bằng chính cuộc vượt qua của dân Do Thái. Biến Cố Vượt Qua mà Kitô Giáo nói chung và Giáo Hội Công Giáo nói riêng long trọng cử hành vào mỗi Chúa Nhật hằng tuần trong năm, nhất là vào Tuần Thánh, với cao điểm là Lễ Phục Sinh, đó là biến cố vượt qua của Vị Sáng Lập họ tôn thờ, Đấng đã chịu chết trên cây thập giá, nhưng đã tự mình sống lại từ trong kẻ chết vào ngày thứ ba. Theo ý nghĩa vượt qua này, cũng như nhờ biến cố lịch sử vượt qua này của Vị Sáng Lập, Kitô hữu, qua Bí Tích Rửa Tội, chẳng những được cứu độ cho khỏi tội lỗi và sự chết, mà còn được sự sống và là một sự sống viên mãn, một sự sống thần linh, một sự sống hoàn toàn tự do siêu thoát, khiến họ có khả năng chế ngự sự dữ bằng sự lành, nhất là khả năng làm chứng cho chân lý, khả năng làm cho con người nhận biết chân lý và sống trong chân lý, một sự sống trường sinh bất diệt, một sự sống thần linh toàn hảo. Như thế, nếu biến cố Vượt Qua của Kitô Giáo, qua con người Kitô hữu, có thể làm cho nhân gian nhận biết sự thật và sống trong sự thật, một sự thật là nguồn gốc và là cốt lõi của văn hóa nhân bản đích thực, thì biến cố này không phải chỉ là biến cố lịch sử thuần túy đã hoàn toàn qua đi và cần phải tưởng niệm, mà còn là một biến cố hiện thực sống động nơi việc cử hành phụng vụ của cộng đồng Kitô hữu nữa.

Để có thể sống trong hiện tại một cách khôn ngoan, một cách chân thật, con người chẳng những cần phải có một ký ức sống động liên quan đến quá khứ mà còn phải có một phán đoán chính xác liên quan đến cả tương lai nữa. Đúng thế, cho dù ký ức có nhớ kỹ lưỡng và đầy đủ những gì xẩy ra trong quá khứ, nhưng nếu con người không biết lợi dụng những kinh nghiệm lợi hại, tốt xấu đã qua ấy để áp dụng vào môi trường và hiện cảnh cuộc sống của mình thì tương lai trước mắt họ vẫn chỉ là một ảo tưởng, hiện tại của họ vẫn là một cuộc dậm chân tại chỗ, thậm chí có những lúc trở thành một vũng lầy, càng nhúc nhích cựa quậy con người càng bị lún xuống sâu hơn, cho đến lúc không còn cứu được nữa. Nhận định này không đúng hay sao, bằng không tại sao con người càng văn minh lại càng lo âu sợ hãi chính mình, sợ hãi chính những gì mình làm ra, sợ hãi nhau, không tin tưởng nhau. Đến nỗi, kinh nghiệm của hai trận Thế Chiến I và II chưa đủ, con người hiện nay hình như sắp sửa cần đến một trận Thế Chiến III nữa mới được? Bởi thế, phán đoán của con người không thể chỉ căn cứ vào nguyên kinh nghiệm quá khứ để quyết định cho số phận của tương lai, bằng không, tương lai chỉ là lập lại quá khứ, như giòng nước chảy ngược. Vì không bài học nào giống bài học nào, lại còn vấn đề hoàn cảnh mỗi thời đại mỗi khác nữa, mà con người hiện tại cần phải hết sức sáng suốt, ở chỗ, họ làm sao để kinh nghiệm quá khứ có thể kết trái tương lai. Thế nhưng, nếu kinh nghiệm quá khứ, tự bản chất của nó, là cảm nghiệm của con người về sự thật, thì càng kinh nghiệm cuộc đời, con người càng gần gũi sự thật, càng thông suốt sự thật, càng thấu triệt sự thật mới đúng. Như thế, chỉ cần con người nhận biết sự thật, qua kinh nghiệm và nhờ kinh nghiệm quá khứ, cũng như qua những dấu chỉ và môi trường hiện tại, họ có thể an tâm tiến vào tương lai, dù chân trời tương lai mù mịt giông ba bão táp. Bởi vì, sự thật chẳng những là Thực Tại Thần Linh Tối Thượng mà con người phải đạt tới như cùng đích của mình, mà còn là ánh sáng soi đường dẫn lối cho con người thiện tâm bước đi và là sức mạnh thúc đẩy con người khao khát kiếm tìm chân thiện mỹ tiến bước về cõi trường sinh vĩnh hằng.

Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 57, 16/2/2003)

 


 

(Giáo Hội Hiện Thế các tuần trước)