GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 9/2003

 

Ý Chung: “Xin cho các xứ sở đang chịu cảnh chiến tranh, khủng bố và bạo loạn được tìm thấy đường lối hòa giải, hòa hợp và hòa bình”.


Ý Truyền Giáo: “Xin cho các cộng đồng Kitô hữu ở Trung Á đang sống giữa thành phần thuộc các truyền thống tôn giáo khác biết dấn thân truyền bá tin mừng Nước Trời bằng chứng từ tích cực đức tin của họ”.

 

___________________________________________

 31/8-06/9/2003

Giovanni Paolo II

 

6/9 Thứ Bảy

Hôm qua là ngày kỷ niệm đúng 6 năm Mẹ Têrêsa qua đời, cũng đúng vào ngày Thứ Sáu, hôm nay chúng ta cùng nhau nhìn lại con người quá đặc biệt này.

Mẹ Têrêsa Calcutta: Cuộc Đời và Di Sản

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, Trích Dịch Từ Màn Điện Toán Của Văn Phòng Tín Liệu Phong Chân Phước Cho Mẹ Têrêsa Calcutta)
 

Mẹ Têrêsa Calcutta: Cuộc Đời

Một con người sống cho đời

Agnes Gonxha Bojaxhiu, sau này là Mẹ Têrêsa, vào đời ngày 26/8/1910 ở Skopje, Macedonia, theo huyết tộc Alnania. Cha của bé là một thương gia được trọng vọng ở địa phương, qua đời khi bé mới được 8 tuổi, để lại mẹ của bé, một người phụ nữ sốt sắng đạo hạnh, làm nghề thêu thùa như kế sinh nhai cho gia đình. Sau thời gian niên thiếu hiết sức tham gia các hoạt động giáo xứ, Agnes đã rời gia đình vào tháng 9/1928 để nhập Nữ Tu Viện Loreto ở Rathfarnam (Dublin), Ái Nhĩ Lan, nơi cô đã được trở thành thử sinh ngày 12/10 và mang tên Têrêsa, tên của vị thánh quan thày là Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Thử sinh Agnes đã được nhà dòng Loreto sai đến Ấn Độ, tới Calcutta ngày 6/1/1929. Khi đến nơi, chị thử sinh này nhập tập viện ở Darjeeling. Chị tập sinh này đã khấn trọn đời như là một sơ dòng Loreto ngày 24/5/1937, và sau đó sơ được gọi là Mẹ Têrêsa. Trong thời gian sống ở Calcutta vào thập niên 1930 và 1940, sơ đã dạy ở Trường Trung Học đệ nhất cấp Bengali Thánh Mary.

Vào ngày 10/9/1946, trên chuyến xe lửa từ Calcutta đến Darjeeling, Mẹ Têrêsa đã nhận được điều Mẹ gọi là “ơn gọi trong ơn gọi”, một ơn gọi làm phát sinh ra gia đình Thừa Sai Bác Ái của các Sư Muội, Sư Huynh, Linh Mục và Cộng Tác Viên. Nội dung của ơn soi động này được thể hiện nơi mục đích và sứ vụ Mẹ phác họa cho cơ cấu mới của Mẹ, đó là “làm giản cơn khát vô cùng của Chúa Giêsu trên thập giá vì yêu thương vì các linh hồn”, bằng “việc tận lực hoạt động cho phần rỗi và sự thánh hóa của thành phần nghèo nhất trong các người nghèo”. Vào ngày 7/10/1950, hội dòng mới Thừa Sai Bác Ái được chính thức thành lập như là một tổ chức tu trì đối với Tổng Giáo Phận Calcutta.

Suốt thập niên 1950 và 1960, Mẹ Têrêsa đã phát triển công cuộc của hội dòng Thừa Sai Bác Ái cả ở Calcutta lẫn khắp Ấn quốc. Ngày 1/2/1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ban Sắc Lệnh Khen Tặng cho Hội Dòng này bằng việc nâng hội dòng này lên cấp trực thuộc Tòa Thánh. Cơ sở đầu tiên được thành lập ngoài Ấn Độ ở Cocorote, Venezuela năm 1965. Hội dòng này lan tới Âu Châu (ở Tor Fiscale ngoại ô Rôma) và Phi Châu (Tabora, Tanzania) năm 1968.

Từ hậu bán thập niên 1960 cho đến năm 1980, hội dòng Thừa Sai Bác Ái phát triển cả về địa dư khắp thế giới lẫn về nhân số phần tử. Mẹ Têrêsa đã thành lập những nhà ở Úc Đại Lợi, ở Trung Đông và Bắc Mỹ Châu, cũng như mở nhà tập đầu tiên ở Luân Đôn ngoài Calcutta. Năm 1979, Mẹ được giải thưởng Nobel Hòa Bình. Cũng trong năm nay đã có tới 158 cơ sở của hội dòng Thừa Sai Bác Ái.

Hội dòng Thừa Sai Bác Ái lan tới các nước Cộng sản vào năm 1979, với một nhà ở Zagreb, Croatia, và vào năm 1980 một nhà ở Đông Bá Linh, cứ thể tiếp tục phát triển suốt thập niên 1980 và 1990 với những nhà ở hầu như tất cả mọi quốc gia Cộng sản, kể cả 15 cơ sở ở Liên Sô trước đây. Tuy nhiên, cho dù đã nhiều lần cố gắng, Mẹ Têrêsa cũng không thể thiết lập một cơ sở nào ở Trung Hoa.

Mẹ Têrêsa đã nói trước Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 10/1985, dịp kỷ niệm thành lập 40 năm của tổ chức này. Vào ngày áp Lễ Giáng Sinh cùng năm, Mẹ đã mở “Món Quà Yêu Thương” ở Nữu Ước, nhà đầu tiên Mẹ đã thiết lập cho các bệnh nhân bị chứng liệt kháng AIDS. Những năm sau đó các nhà khác theo nhau xuất hiện, ở Hiệp Chủng Quốc cũng như ở các nơi khác, đặc biệt dấn thân cho những ai mắc hội chứng liệt kháng này.

Từ cuối thập niên 1980 tới hết thập niên 1990, mặc dù tăng phát vấn đề sức khỏe, Mẹ Têrêsa cũng du hành khắp thế giới về vấn đề khấn hứa của các tập sinh, vấn đề mở các nhà mới, cũng như vấn đề phục vụ thành phần nghèo khổ và gặp tai ương hoạn nạn. Những cộng đồng mới được thành lập ở Nam Phi Châu, ở Albania, Cuba và Iraq tàn khốc chiến tranh. Cho tới năm 1997, con số Nữ Tu lên đến gần 4 ngàn phần tử, và được thiết lập ở hầu hết 600 cơ sở ở 123 quốc gia trên thế giới.

Sau một mùa thu đi đến Rôma, Nữu Ước và Washington, với tình trạng sức khỏe suy yếu, Mẹ Têrêsa trở lại Calcutta vào tháng 7/1997. Vào lúc 9 giờ 30 tối ngày 5/9, Mẹ Têrêsa qua đời ở Nhà Mẹ của Hội Dòng. Thân thể của Mẹ được chuyển đến Nhà Thờ Thánh Tôma, gần nữ tu viện Loreto, nơi đầu tiên Mẹ đã đến Ấn Độ gần 69 năm trước. Hằng trăm ngàn người thuộc tất cả mọi tầng lớp và mọi tôn giáo, từ Ấn Độ cũng như ngoại quốc đã tỏ lòng ngưỡng mộ Mẹ. Mẹ đã được quốc táng vào Ngày Thứ Bảy 13/9/1997, thi thể của Mẹ đã được rước trên chiếc xe đã từng chở thi thể của Mahandas K. Gandhi và Jawaharlal Nehru, qua các đường phố Calcutta. Các vị tổng thống, thủ tướng, nữ hoàng và đặc sứ thay mặt quốc gia trên khắp thế giới đã hiện diện trong cuộc lễ an táng Mẹ.

Một con người được tuyên phong

Ngay còn tại thế, Mẹ Têrêsa Calcutta đã được tiếng là thánh thiện, là một vị thánh sống, một con người phi thường đối với con mắt của tín đồ Ấn giáo, một con người cứu nhân độ thế trước con mắt của tín đồ Phật giáo. Vì đời sống thánh thiện quá hiển nhiên của Mẹ như thế, đến nỗi, văn kiện tuyên phong chân phước cho Mẹ đã gọi Mẹ là “biểu hiệu của Đức Bác Ái Kitô giáo”, trường hợp của Mẹ đã không cần phải chờ đợi cho đến sau 5 năm qua đời theo qui định của Giáo Hội Công giáo. Sau đây là tiến trình phong thánh cho Mẹ, khởi đầu là bậc chân phước.

23/10/1997, tức mới có gần 2 tuần Mẹ qua đời, hay 10 ngày sau khi Mẹ được an táng, ĐTGM Henry D’Souza đã thỉnh nguyện Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh chuẩn chước cho trường hợp của Mẹ qui định thời hạn 5 năm sau khi qua đời, để ngài có thể bắt đầu những bước đòi hỏi đầu tiên ở giáo phận của ngài.

12/12/1998, Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh ban chuẩn chước cho vị TGM này.

19/3/1999, Các vị bề trên tổng quyền của dòng Các Thừa Sai Bác Ái chỉ định linh mục Brian Kolodiejchuk, MC, làm Cáo Thỉnh Viên thay họ làm việc trong tiến trình tuyên phong này.

8/4/1999, các ĐGM thuộc miền Tây Bengal Ấn Độ đồng ý Hồ Sơ Tuyên Phong trước hạn kỳ 5 năm.

21/4/1999, Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh chứng nhận không gì ngăn trở “Nihil Obstat” cho hồ sơ tuyên phong.

6/6/1999, Sơ M. Lynn Mascarenhas, MC, được chỉ định làm phó cáo thỉnh viên.

11/6/1999, vị cáo thỉnh viên nộp thỉnh nguyện lên ĐTGM Calcutta xin bắt đầu việc điều tra ở cấp giáo phận, đồng thời ngài cũng gửi kèm theo tiểu sử của Mẹ và danh sách các nhân chứng.

12/6/1999, ĐTGM công khai công bố thỉnh nguyện thư tuyên phong của cáo thỉnh viên và tuyên bố việc ngài bắt đầu Hồ Sơ Phong Chân Phước và Hiển Thánh cho Tôi Tớ Chúa là Mẹ Têrêsa Calcutta.

26/7/1999, Thánh Lễ Chính Thức Tiến Trình Tuyên Phong tại Nhà Thờ Thánh Maria ở Calcutta. ĐTGM đã ban hành lời thề cho 12 phần tử thuộc Nhóm Tìm Hiểu Của Giáo Phận. Thánh Lễ này mở màn cho giai đoạn nghiên cứu, phỏng vấn với những nhân chứng và xem xét các văn kiện và tài liệu liên quan đến đời sống và hoạt động của Mẹ Têrêsa. Công việc này được kết thúc vào tháng 8/2001, với 80 tập tài liệu, mỗi tập dầy khoảng 450 trang, để trình bày cho Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh.

15/8/2001, buổi kết thúc ở Nhà Thờ Thánh Maria về Việc Giáo Phận Tìm Hiểu Đời Sống, Nhân Đức và Tiếng Tăm Thánh Thiện của Mẹ Têrêsa Calcutta Đầy Tớ Chúa. Vị cáo thỉnh viên mang Các Việc Tìm Hiểu Của Giáo Phận đến Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh ở Rôma.

29/8/2001, Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh mở Hồ Sơ Các Việc Giáo Phận Tìm Hiểu Đời Sống, Nhân Đức và Tiếng Tăm Thánh Thiện của Mẹ Têrêsa Calcutta.

22/9/2001, Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh tuyên bố hiệu thành Việỉc Tìm Hiểu của Giáo Phận Calcutta và Những Lời Khai Nhân Chứng. Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh chỉ định Đức Ông José Luis Gutiérrez Gómez làm Tường Trình Viên.

26/4/2002, Điều Kiện Phong Thánh được hoàn tất và đệ trình lên Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh để cứu xét.

20/12/2002, tại Điện Vatican của Tòa Thánh, trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha, ĐHY Saraiva Martins đã công bố 17 sắc lệnh về 7 vị tân chân phước, 7 vị thánh mới và 3 vị đáng kính. Trong 7 vị tân chân phước có Mẹ Têrêsa Calcutta. Giáo Hội đã xác nhận việc khỏi chứng xưng bướu bao tử của chị Monika Besra, một chứng bệnh không thể mổ như các vị bác sĩ của chị cho biết, là một phép lạ do Mẹ Têrêsa làm để đáp lại lời cầu của chị phụ nữ Ấn Giáo này đã tin tưởng đặt bức ảnh của Mẹ lên chỗ dạ dầy của chị.

(xin xem tiếp Mẹ Têrêsa Calcutta: Di Sản

vào ngày kỷ niệm an táng Mẹ 13/9 Thứ Bảy tuần tới, cũng Thứ Bảy đúng 6 năm trước)

 

5/9 Thứ Sáu

Thánh Phêrô NGUYỄN VĂN TỰ
Linh mục dòng Đaminh
(1796 - 1838)


Cha Dưới Đất, Cha Trên Trời

“Thưa quan, tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính Vua như Trung Phụ, và kính song thân tôi như Hạ Phụ. Không thể nghe lời cha ruột để hại vua, tôi không vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa”.

Vị tử đạo đã có những lời phân tích mạch lạc quan niệm về trung hiếu của các giáo hữu Việt Nam như trên, là linh mục dòng thuyết giáo, cha Phêrô Nguyễn văn Tự.

Bị Bắt vì Sứ Vụ

Sinh quán tại Ninh Cường, huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định năm 1796. Cậu Phêrô Tự đã dâng mình cho Chúa từ niên thiếu. Năm 1826, thầy thụ phong linh mục, sau đó xin vào dòng Đaminh và được cha chính Amandi Chiêu nhận lời khấn ngày 4.1.1827. Suốt mười hai năm đời linh mục, cha Phêrô là một tu sĩ gương mẫu và là cha truyền giáo nhiệt thành. Hồ sơ phong thánh ghi nhận cha luôn tận tụy với công việc, không quản ngại khó khăn, luôn đối xử hòa nhã và rất mực yêu thương mọi người.

Năm 1838, cha Tự được cử phụ trách xứ Đức Trai còn gọi là Kẻ Mốt, thuộc tỉnh Bắc Ninh. Lúc này cuộc bách hại của vua Minh Mạng khá gay cấn, nên cha phải thi hành tác vụ của mình lén lút. Một thân hào tên Quang đã cho cha trú ẩn tại vườn nhà ông. Mỗi sáng cha dâng lễ ngay trong vườn đó. Ngày 29.6 khi quân lính kéo đến bao vây làng Kẻ Mốt để bắt cha Tự, thì ngài được anh chị em tín hữu đưa lánh quan làng bên. Nhưng quân lính sau khi lục soát, tìm thấy áo lễ và chén lễ của cha, đã tập trung dân chúng để đánh đập và tra khảo. Nhiều tín hữu đã chịu đựng, không để lộ tung tích của cha, đến lượt ông lang Minh mới bị dọa đánh đã khai ra chỗ cha đang ẩn trốn. Cùng bị bắt với cha Tự có thầy giảng Đaminh Úy dòng Ba Đaminh, 26 tuổi, một trợ tá đắc lực của ngài.

Khi bị giải về huyện Lương Tài, quan huyện ngỏ ý đòi vị linh mục nộp tiền chuộc, nhưng cha bình tĩnh trả lời: “Đối với tôi, bị bắt vì đạo là một hồng ân Chúa ban, tiền bạc thì tôi không có, còn phiền giáo hữu thì tôi không muốn chút nào”. Đến ngày 3.7, sau khi bắt thêm được bốn ông trùm ở bốn giáo xứ và một giáo hữu trong vùng, quan cho áp giải tất cả về Ninh Thái (thị xã Bắc Ninh ngày nay).

Sáng hôm sau, quan cho gọi cha Phêrô ra hỏi. Ông lịch sự cho mời cha vào nhà, cho ngồi chiếu tử tế, rồi với giọng ngọt ngào, quan yêu cầu cha khai tên các giáo sĩ địa phận. Cũng bằng giọng điệu lịch sự không kém, cha thong thả kể tên hai Đức cha và sáu linh mục, những người đã bị bắt rồi, thế cũng đủ làm viên quan gật gù ra vẻ đắc ý lấm. Một tuần sau, ông lại cho mời cha đến và yêu cầu cha cắt nghĩa về đồ thờ, áo lễ, chén lễ của cha mà họ tịch thu. Cha được dịp giảng đạo lý Công giáo cho các quan nghe, bác bỏ những tin đồn bịa đặt về đạo, về các nghi lễ cũng như về các giáo hữu.

Phong Thái Vị Thủ Lãnh

Trong thời gian bị giam tại huyện, bất ngờ cha Tự thấy trong sổ sách của mình bị tịch thu, có cuốn sổ ghi tên tất cả các giáo hữu ở Kẻ Mốt, ngài liền tìm cách để hủy nó đi, nhưng làm sao bây giờ? Vì quân lính canh gác kỹ quá. Cha liền bầy kế xin họ một cái chiếu, lấy cớ đắp cho đỡ muỗi, rồi nằm trong chiếu, cha nhấn nha nhai và nuốt cuốn sổ ấy. Dĩ nhiên “món ăn” này không hợp khẩu vị chút nào, nên mới ăn được hai phần, cha đã thấy rát cả cổ, không thể nuốt nổi nữa, thế là cha đành nhai cho nát rồi ném dưới gầm phản.

Điều làm cha đau lòng nhất là thấy nhiều người bị bắt với cha đã đạp thánh giá để được về. Cha không ngừng nhắc lại lời Chúa xưa: “Ai chối Thầy trước mặt người đời, Thầy sẽ chối kẻ ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10:33). Cha nói tiếp: “Trời đất qua đi, nhưng lời Chúa chẳng qua” (Mt 26:41)... Nhưng cha vẫn được an ủi vì sự kiên trung của hai thầy giảng Phanxicô Mậu, Đaminh Úy và bốn giáo dân Giuse Cảnh, Tôma Đệ, Augustin Mới và Stêphanô Vinh. Tất cả đều là hội viên dòng Ba Đaminh, sau này được phúc tử đạo (19.12.1839).

Ngày 27.7.1839, tổng đốc Bắc Ninh đệ án về triều đình xin xử giảo cha Phêrô và ông trùm Cảnh, còn năm người kia, đánh mỗi người một trăm roi, rồi phát lưu họ vào Bình Định. Nhưng vua phúc đáp yêu cầu cho tra hỏi lại, nếu bỏ đạo ân xá, nếu cố chấp thì xử chém hai vị trên và xử giảo năm vị còn lại.

Ngày 9.8 quan đòi bảy vị ra tòa. Khi thì dọa dẫm khi thì ngon ngọt, quan dụ dỗ các vị đạp lên thánh giá. Trước hết quan lịch sự mời cha Tự làm gương. Ông nói mình thực tình muốn tha cho cha. Nhưng cũng bằng lời nói khiêm tốn tinh tế, vị linh mục nói với ông về Thượng Phụ, Trung Phụ và Hạ Phụ, cũng như trật tự kính trọng đối với ba vị đó của mình. Cha tiếp: “Người tướng cầm quân đánh giặc, dù binh lính mình chạy hết, tướng cũng không được phép hàng giặc. Tôi là linh mục, dù giáo dân bị tan tác, vẫn phải một niềm trung thành với Thiên Chúa”. Sau lời khẳng khái của cha, quan biết có nói thêm cũng vô ích, nên ra lệnh giam cha vào ngục.

Áo Trắng Lòng Son

Biết ngày xử án sắp tới, cha Tự nhờ một giáo hữu nhờ linh mục Phương xứ Kẻ Roi đến giải tội. Từ hôm đó cha tỏ ra vui vẻ khác thường, mong chờ ngày hạnh phúc. Sáng ngày 5.9, bản án về tới Bắc Ninh, cha và ông trùm Giuse Cảnh bị điệu đi xử. Hai vị cười cười nói nói, tạm biệt các đồng bạn. Cha lấy tu phục ra mặc, cụ Cảnh cũng khoác tấm áo dòng Ba. Thấy cha rạng rỡ trong bộ áo trắng, quan thắc mắc về ý nghĩa bộ áo, cha giải thích:

“Đây là áo dòng tu lớn trong Giáo Hội mà tôi được hân hạnh là phần tử. Mầu trắng tiêu biểu cho đức khiết tịnh mà tôi hết lòng gìn giữ...”.

Rồi cầm lấy tượng Chịu nạn, cha nói tiếp:

“Đây là Chúa Cứu Thế, đã chịu đóng đinh vì tội thiên hạ. Xin quan cho phép tôi được mang áo dòng và cầm thánh giá này khi xử”.

Quan không nói gì cả, hiểu ngầm là đồng ý. Bấy giờ dân chúng hiếu kỳ chen lấn nhau ùa đến xem, cha xin phép quan nói đôi lời. Thế là trong gần một giờ đồng hồ, cha giảng về Chúa Giêsu, về ơn cứu độ, về mọi người là anh em con cùng một Cha trên trời.

Trên đường ra pháp trường, lính xếp hàng đi hai bên, cha Tự và cụ Cảnh đi ở giữa, vừa đi vừa sốt sắng đọc kinh cầu các Thánh. Pháp trường là một ngọn đồi nhỏ, ở ngoài thành Kinh Bắc. Đến nơi, hai vị quỳ xuống hai chiếu đã trải sẵn. Theo tiếng trống lệnh, lý hình thi hành phận sự, chém rồi tung đầu hai vị lên cho mọi người trông thấy. Tức thì nhiều người, trong đạo cũng như ngoại đạo, xô nhau, chạy vào để thấm máu các ngài. Một người về sau chuộc được ảnh thánh giá của cha, trao lại cho nhà dòng Đaminh. Trong hồ sơ phong thánh, người ta thuật lại nhiều ơn lạ Chúa đã thực hiện nhờ các di tích này.

Vị chứng nhân áo trắng đã về trời với tấm lòng son, ngày 5.9.1838. Thi hài cha được lệnh chôn ngay gần đó, giáo hữu phải bỏ tiền chuộc đưa về an táng tại họ Nghĩa Vũ, huyện Yên Dũng, cũng thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Đức Giáo Hoàng Lêo XIII đã suy tôn cha Phêrô Nguyễn văn Tự, linh mục dòng Thuyết giáo lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900.


Thánh Giuse HOÀNG LƯƠNG CảNH
Trùm họ dòng Đaminh
(1763 - 1838)


Lời Kinh Thắp Sáng Cuộc Đời

Đã là Kitô hữu thì ai ai cũng từng thuộc và đọc một số kinh để cầu nguyện. Thế nhưng số người sống theo lời kinh mình đọc không phải là nhiều. Đối với cụ lang Giuse Cảnh, thì lời kinh chính là hơi thở của cuộc đời mình. Lời kinh là nến sáng soi dẫn hành trình dương gian tiến về nước Chúa. Đọc truyện tử đạo của cụ ta thấy rất rõ điều đó.

Giuse Hoàng Lương Cảnh sinh ra dưới thời Chúa Trịnh Doanh năm 1763 tại làng Ván, tỉnh Bắc Giang. Sống ở làng Thổ Hà, huyện Yên Việt, ông được mọi người quý mến, nổi tiếng hiền lành và bác ái. Là một lang y, ông tận tụy với các bệnh nhân, thường chữa trị miển phí cho người nghèo. Tuy không đi tu, nhưng trọn ngày cuộc sống của ông được dệt bằng kinh nguyện và các việc tông đồ. Ông đã rửa tội nhiều người trong giờ hấp hối, đặc biệt cho trẻ em, giáo dân Thổ Hà tín nhiệm và bầu ông làm trùm họ. Từ đó ông càng hăng say hơn với truyền giáo phục vụ cộng đoàn Chúa. Đầu tháng 7.1838, đang khi quân lính vây bắt các giáo hữu làng Thổ Hà, có người mời ông đến chữa bệnh và rửa tội cho con họ. Dù biết nguy hiểm, ông trùm vẫn tìm cách lẻn đi giúp đỡ, nhưng khi đến bến đò, quân lính phát giác ra, bắt ông đeo gông và giải về Bắc Ninh với cha Tự, thầy Úy, ba ông trùm xứ khác và một số giáo dân.

Sức Mạnh của Lời Kinh

Ngày 12.7 quan đưa tất cả ra tòa, đe dọa và bắt họ bước qua thánh giá. Ba ông trùm kia và một giáo dân nhát gan đã nghe lời để được tha về. Chỉ còn bảy người tuyên xưng niềm tin là cha Tự, cụ lang Cảnh, hai thầy Úy và Mậu, cùng ba thanh niên Mới, Đệ, Vinh. Xét rằng cụ Giuse Cảnh ở chức vị trùm họ lại cao niên, nên có ảnh hưởng lớn đến giáo dân, quan kết án xử tử cụ như cha Tự, còn năm người kia chỉ bị án phát lưu.

Dù tuổi già sức yếu, cụ lang Cảnh vẫn giữ lòng trung kiên, vui lòng chấp nhận mọi hình khổ, không than van, không oán trách. Những lần quan bắt bước qua thánh giá cụ quỳ xuống hôn tượng chịu nạn và thầm thĩ đọc
kinh. Thấy thế, quan bảo cụ đọc to lên, cụ liền đọc lớn tiếng những lời kinh nguyện cầu thay cho những lời giải thích lý luận. Khi thì cụ đọc kinh Chúa Thánh Thần: “... Xin yên ủi chúng con, dạy dỗ chúng con làm những việc lành...”, khi thì đọc kinh Thánh Danh Giêsu: “Chúa Giêsu là đường nẻo thật, ai theo đường này thì sẽ sống mãi vui vẻ chẳng cùng...”. Đặc biệt có lần cụ đọc một lời kinh làm cho các quan ngạc nhiên phát lên cười: “Cầu Chúa Giêsu cho các vua trị nước cho yên, càng ngày càng thịnh”. Họ hỏi sao cụ lại cầu cho kẻ hành hạ mình như thế. Cụ bình tĩnh trả lời cho các quan về giới luật yêu thương của đạo Chúa.

Một lần khác quan hỏi ý kiến cụ về những kẻ bỏ đạo hoặc tố cáo các linh mục, cụ liền chậm rãi kể tích truyện Giuđa phản thầy vì ba mươi đồng bạc, rồi cụ thêm: “Thực ra lính cũng chẳng bắt được Chúa Giêsu, vì khi Chúa nói chính Ta đây, toán lính Do Thái bị té ngã xuống hết, chính Chúa đưa tay cho họ trói để hoàn tất việc chuộc tôi thiên hạ, trong đó có cả các quan nữa đấy”.

Vinh Phúc Nghìn Thu

Quan tỉnh Bắc Ninh tội nghiệp người già yếu, nên tìm hết cách khuyên dụ cụ bỏ đạo về với con cháu. Nhưng cụ trả lời: “Xin quan cứ làm án cho tôi được chết với cha Tự của tôi, thì tôi mừng rỡ bội phần”. Ngày 15.9.1838, tỉnh Bắc Ninh nhận được bản án từ kinh đô ra. Thay vì án xử giảo như các quan đề nghị, bản án quyết định:

“Đạo trưởng Nguyễn văn Tự và đạo mục Hoàng Lương Cảnh phải trảm quyết ngay tức khắc”.

Khi biết tin sắp bị xử tử, vị linh mục và cụ trùm họ liền vui vẻ chào giã biệt các bạn tù. Viên cai ngục kêu riêng cụ Cảnh ra, có ý cho uống chén nước trà để lấy sức, cụ đáp: “Xin cám ơn, tôi chẳng thiết ăn uống chi nữa, chỉ mong theo cha tôi ra pháp trường thôi”. Thấy cha Tự mặc bộ tu phục trắng toát trên mình, cụ cũng khoác tấm áo dòng Ba Đaminh, như biểu hiệu nỗi lòng người con Cha Thánh Đaminh. Cụ nâng niu trên tay ảnh chuộc tội nhỏ mà trong hai tháng tù vừa qua cụ đã hôn kính cả nghìn lần, giờ đây là nguồn trợ lực quý giá của cụ trong cơn thử thách cuối cùng.

Đường ra pháp trường nô nức như ngày hội. Cha Tự thong thả vừa đi vừa xướng kinh cầu các Thánh, cụ lang Cảnh bước đi vất vả hơn vì yếu sức, nhưng vẫn đều đặn thưa đáp: “Cầu cho chúng tôi”. Hai vị như thấy lòng mình ấm lại vì như thấy toàn thể chư thánh đều hiện diện đâu đây sẵn sàng đón mình về trời cao. Đến nơi xử, vị chứng nhân đức tin và cha Tự quỳ xuống trên hai chiếc chiếu nhỏ. Lý hình theo lệnh trống thi hành phận sự, đưa cụ về hưởng Thánh nhan Chúa muôn đời. Hôm đó là ngày 5.9.1838, cụ trùm Cảnh đã quá thất tuần 75 tuổi. Thì hài cụ Giuse Cảnh được chôn táng dưới một ngọn đồi gần đây. Sau giáo dân làng Thổ Hà rước về họ mình.

Ngày 27.5.1900, Đức Giáo Hoàng Lêo XIII suy tôn cụ trùm Giuse Hoàng Lương Cảnh lên bậc Chân Phước của Giáo Hội.

 

4/9 Thứ Năm

Chi tiết về chuyến Tông Du 102 đến Slovakia 11-14/9/2003

Như chương trình đã được sắp xếp, ĐTC Gioan Phaolô II rời Rôma vào Thứ Năm 11/9/2003, đúng ngày khủng bố tấn công Hoa Kỳ cách đây 2 năm, để đến Cộng Hòa Slovak, và sẽ về lại Rôma vào Chúa Nhật 14. Trưa Thứ Năm 11, Ngài được tiếp đón tại phi trường và ngỏ lời chào. Sau đó Ngài về tòa khâm sứ và gặp ba vị lãnh đạo nước này là tổng thống, chủ tịch quốc hội và thủ tướng. Chiều Ngài thăm vương cung thánh đường và trở về tòa khâm sứ lúc 7 giờ 45 tối. Thứ Sáu 12, buổi sáng, Ngài bay tới Banska Bitrica và cử hành Thánh Lễ tại Công Trường Quốc Gia Risorgimento lúc 10 giờ 30. Sau đó, Ngài gặp gỡ và dùng trưa với Hội Đồng Giám Mục nước này cùng phái đoàn tùy tùng của Ngài. Vào lúc 6 giờ 30 chiều, Ngài trở về Bratislava sau nửa tiếng bay. Thứ Bảy 13, Ngài bay tới Kosice và tới Roznava cử hành Thánh Lễ, dùng bữa trưa ở tòa giám mục và bay về lại lúc 7 giờ 45 tối. Chúa Nhật 14, Ngài cử hành Thánh Lễ ở Bratislava và phong chân phước cho các vị tử đạo Basile Hopko và Zdenka Schelingova, dùng trưa ở tòa khâm sứ và trở về Rôma từiờ 20 chiều tới 8 giờ tối.

Nếu tính vào tháng 12/2001, thì nước này có 5.400.000 dân, trong đó có 75%, tức 4.034.000, là Công giáo, với 20 giám mục, 2.474 linh mục, 3.075 tu sĩ nam nữ và 1.092 chủng sinh. Giáo Hội Công giáo ở đây phụ trách 100 trường tiểu học, 48 trường trung học đệ nhất cấp và 2 trường trung học và đại học, 2 nhà thương, 8 y viện, 20 nhà dưỡng lão và tật nguyền, 18 cô nhi viện, 2 trung tâm tham vấn về gia đình phò sự sống và 24 trung tâm giáo dục và huấn nghiệp phục hồi.
 

Mẹ Têrêsa Calcutta: Bí Mật Cuộc Đời

Ðộng lực nào đã làm cho Mẹ Têrêsa Calcutta trở thành biểu hiệu bác ái Kitô giáo giữa thế giới Ấn giáo?

Đây là một bí mật được Cha Brian Kolodiejchuk, một trong 3 vị cộng tác mở ngành nam cho Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa, cũng là vị linh mục cáo thỉnh viên phong thánh cho Mẹ, đã nghiên cứu (hồ sơ phong thánh gồm 80 cuốn sách), khám phá và tiết lộ cho biết trong cuộc phỏng vấn với Màn Điện Toán Zenit như sau.

Vấn     Mẹ Têrêsa đã làm cho thế giới ngưỡng phục bằng việc Mẹ dấn thân cho thành phần nghèo nhất trong các người nghèo. Điều này làm sao có thể xẩy ra đối với một phụ nữ yếu đuối lại đi ra các đường phố ở Calcutta cũng như trên thế giới để băng bó các vết đau của những người cùi lở và chăm sóc “những kẻ vất vưởng” ở những xã hội tân tiến?

Đáp     Tôi nghĩ cái chìa khóa để mở đời sống của Mẹ chính là sự kiện Mẹ là một phụ nữ hoàn toàn say yêu Chúa Giêsu. Chúng đã thấy các bản viết thời Mẹ còn trẻ, trong đó Mẹ nói rằng Chúa Giêsu là mối tính đầu của Mẹ. Mẹ đã nói chẳng khác gì như một đứa con gái phải lòng. Đối với thì việc Mẹ hiến thân cho thành phần bần cùng nhất, thành phần nghèo khổ nhất trong các người nghèo, là một đáp ứng của ơn gọi ấy. Ngay cả trong những giây phút tăm tối, Mẹ cũng tin rằng đó là một ơn gọi chân thực phát xuất từ Chúa Giêsu. Mẹ thâm tín về câu Mẹ thường nói “Việc làm của Thiên Chúa”. Mẹ cảm thấy mình là cái bút của Thiên Chúa, là dụng cụ của Ngài.

Vấn     Mỗi một cuộc phong chân phước đều là một sứ điệp đối với thế giới. Vậy sứ điệp Giáo Hội đang gửi cho thế giới đây là gì khi loan báo việc phong chân phước cho Mẹ Têrêsa?

Đáp     Sứ điệp chính yếu của Mẹ là tình yêu, tình yêu với Thiên Chúa, không phải chỉ với tha nhân. Vào lúc Mẹ cảm thấy tiếng gọi thành lập hội dòng Thừa Sai Bác Ái, Mẹ cảm thấy một cơn thử thánh nội tâm dữ dội; đó là một cảm nghiệm thiêng liêng Mẹ không cảm thấy an ủi. Tuy nhiên, cũng trong những lúc bị thử thách ấy, chính tình yêu đã dẫn Mẹ đến việc đáp lại sứ vụ của Mẹ. Có lần, khi công khai tuyên dương Mẹ, Thủ Tướng Ấn Độ là Indira Gandhi đã nói những lời đại khái như sau: “Trong thế giới hôm nay, một thế giới yêu cuồng sống vội, con người ta dễ quên đi những điều thiết yếu. Mẹ Têrêsa dạy cho chúng ta rằng tình yêu là những gì thiết yếu nhất”.

Ngoài ra, đời sống của Mẹ đầy những tấm gương yêu thương những người khác nữa, chẳng những người nghèo mà còn tất cả những người Mẹ gặp, như chị em dòng Thừa Sai Bác Ái, dân chúng đến thăm Mẹ. Thật vậy, Mẹ Têrêsa để lại cho chúng ta sứ điệp là hãy làm những điều thông thường bằng tình yêu phi thường. Khi Mẹ nói với người Mẹ gặp, Mẹ bảo rằng thái độ ấy không phải là thái độ chỉ sống với người nghèo: người ta phải bắt đầu yêu thương các phần tử gia đình của mình, thành phần cần lời khích lệ. Người ta phải bắt đầu bằng yêu thương một người họ biết, một con người có thể cần đến một lá thư, người ta phải bắt đầu yêu thương bằng nở một nụ cười với người thiếu thốn. Tuy nhiên, chúng ta còn có thể thấy đức tin cũng là một trong những nhân đức nổi bật của Mẹ, bởi vì, bằng không, người ta không thể nào yếu như thế được, từ sáng cho tới khuya, ngủ ba bốn tiếng một đêm, từng ngày sống hiến mình cho thành phần thiếu thốn nhất.

Vấn     Điều gì đã là thách đố lớn nhất trong tiến trình phong chân phước?

Đáp     Có hai cái khó khăn đặc biệt. Khó khăn thứ nhất đó là việc thu thập hay tìm kiếm tất cả mọi tín liệu có thể, vì việc này nhắm đến vấn đề thu thập tài liệu, chứng từ, sự kiện từ dân chúng trên khắp thế giới. Trong tiến trình này, chúng tôi đã thu thập được trên 8 ngàn văn kiện, 80 bộ tài liệu bao gồm các chứng từ và bài viết. Tiến trình này cũng thu thập được các chứng từ của 113 người về đời sống của Mẹ, nhân đức và tiếng tăm thánh đức của Mẹ.

Tuy nhiên, có cả bao nhiêu trăm con người vì không đến được đã gửi chứng từ của họ tới. Chúng tôi không chỉ mãn nguyện thực hiện công việc bất khả thiếu mà thôi. Chúng tôi đã làm nhiều hơn mức tối thiểu, vì làm thế mới hiểu được con người Mẹ hơn nữa. Vấn đề khó khăn thứ hai là việc viết “positio”, tức bản văn chất chứa tất cả mọi chứng từ, việc làm, văn kiện được ghi nhận để làm nền tảng phong chân phước của Mẹ. Vì có quá nhiều tài liệu mà nó không phải là một chuyện dễ làm tí nào cả. Chúng ta đã có thể tin tưởng vào một nhóm người rất tốt, bao gồm linh mục, nữ tu và giáo dân, thiện nguyện viên, nhóm người đã làm cho mọi sự của việc làm này khả đạt.

Vấn     Cha có khám phá ra những khía cạnh của Mẹ Têrêsa còn kín ẩn khi cha thực hiện công việc nghiên cứu khổng lồ này chăng?

Đáp     Chúng ta cần biết là tính cách giản dị của Mẹ đã thực sự che đậy một chiều sâu rất ít người biết tới hay nghĩ ra. Khi Mẹ bắt đầu hội dòng Thừa Sai Bác Ái vào năm 36 tuổi, Mẹ đã cho thấy nơi các bản viết của Mẹ mức độ trưởng thành lạ lùng về đời sống thiêng liêng. Chúng ta biết rằng một con người nổi tiếng khắp thế giới về thánh đức và có một sức thu hút phi thường thì phải có một cái gì đó. Thế nhưng, cái đó là cái gì? Đó là cái bí mật của Mẹ. Nội tâm của Mẹ, đời sống thiêng liêng của Mẹ, tình yêu thương của Mẹ ngay cả trong những cơn thử thách, giờ đầy đã được tỏ lộ.

Vấn     Trong những tháng gần đây vấn đề “đêm tối tăm” đã được đề cập tới, một thứ đêm tôí tăm mà Mẹ Têrêsa, như những nhà thần bí, đã trải qua trong những giai đoạn quan trọng của đời sống Mẹ. Đêm tối tăm này xẩy ra như thế nào?

Đáp     Hoa trái thiêng liêng phát xuất từ hy sinh, từ thập giá. Trước khi được soi động thực hiện công cuộc của mình, Mẹ đã trải qua đêm tối tăm rồi. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng “đêm tối tăm” này, nỗi khổ đau nội tâm này, là hoa trái của việc Mẹ hiệp nhất với Chúa Kitô, như đã từng xẩy ra nơi Thánh Têrêsa Avila hay Thánh Phaolô Thánh Giá. Một mặt là mối hiệp nhất với Chúa Giêsu và tình yêu liên kết. Mà vì được hiệp nhất với Chúa Kitô, Mẹ đã hiểu được nỗi khổ đau của Chúa Kitô khi Người kêu lên từ thập giá: “Chúa Trời ơi, Chúa Trời ơi, sao Chúa lại bỏ rơi tôi?”.

Tuy nhiên, “đêm tối tăm” này, nỗi đau khổ này, còn được gây ra bởi việc tông đồ nữa, bởi tình yêu tha nhân nữa. Vì yêu mến Chúa Kitô, Mẹ cũng hiểu được nỗi khổ đau của kẻ khác, hiểu được nỗi cô đơn của họ cũng như tình trạng họ xa cách Thiên Chúa. Bởi thế, “đêm tối tăm” của Mẹ Têrêsa là vì chiều kích lưỡng diện mà tình yêu của tu sĩ nam nữ cảm thấy, trước hết là tình yêu “phu thê”, tình yêu của Mẹ với Chúa Kitô, tình yêu dẫn Mẹ đến chỗ liên kết với những khổ đau của Người, và sau đó, là tình yêu “cứu chuộc”, tình yêu dẫn đến chỗ thông phần vào việc cứu độ, vào việc loan truyền cho kẻ khác tình yêu của Thiên Chúa, để họ khám phá ra ơn cứu độ nhờ nguyện cầu và hy sinh. Bởi thế, đêm tối tăm là một cuộc thử thách yêu thương hơn là một cuộc thử thách đức tin. Mẹ không chịu khổ bởi không cảm thấy được tình yêu Chúa Giêsu cho bằng Mẹ chịu khổ vì lòng Mẹ mong ước Chúa Giêsu, lòng mẹ khao khát Chúa Giêsu, khao khát yêu thương. Mục đích của hội dòng này chính là việc làm cho Chúa Giêsu giản cơn khát thập giá bằng tình chúng ta yêu mến Người và việc chúng ta dấn thân cho các linh hồn. Mẹ không những chia sẻ cảnh nghèo khổ về thể lý và vật chất với người nghèo, Mẹ còn cảm thấy nỗi khát khao, cảnh bị bỏ rơi của thành phần này nữa. Thật vậy, cái nghèo khổ lớn nhất không phải là không được yêu mà là bị loại bỏ.

Vấn     Có một số nhật báo hay cơ quan thông tin đã cố gắng phủ nhận đặc tính lạ lùng của việc chữa lành là việc mở cửa cho tiến trình phong chân phước cho Mẹ Têrêsa Calcutta. Câu chuyện này thật sự ra sao?

Đáp     Đó là trường hợp của một phụ nữ Ấn Độ tên là Monika Besra, người đã được chữa lành vào ngày 5/9/1998, ngày kỷ niệm đệ nhất chu niên Mẹ Têrêsa qua đời. Một đàng chị phụ nữ này bị chứng tubercular meningitis. Đàng khác, chị lại có một cái bướu lớn ở bụng phát xuất từ buồng trứng bên phải. Cái bướu này đã biến mất ngoài mọi giải thích của y khoa, như ủy ban khoa học đã chứng thực khi khảo sát trường hợp này. Thực sự là chứng tubercular meningitis có thể chữa được, như một số nhật báo nói, bằng tác dụng của thuốc men. Tuy nhiên, như thế lại không phải là một phép lạ. Phép lạ ở đây là việc chữa lành này đột nhiên xẩy ra, trong vòng một đêm, và là một việc chữa lành khỏi chỗ xưng không thể cắt nghĩa nổi.
 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu của Zenit được phổ biến ngày 20/12/2002
 

3/9 Thứ Tư

Hãy tạ ơn Chúa cách xứng đáng

(ÐTC Gioan Phaolô II: Bài Giáo Lý về Thánh Vịnh, bài thứ 82, Thứ Tư 13/8/2003 về Ca Vịnh Tobia: Kinh Ban Mai, Thứ Sáu, Tuần Thứ Bốn)

1. Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai đã bao gồm trong số những bài Ca Vịnh của mình một mảnh của bài thánh thi ca, một bài thánh thi ca được đóng xuống như con dấu trên lịch sử được Sách Tobia thuật lại mà chúng ta vừa nghe trước đây ít phút. Bài thánh thi ca thật ra vừa dài vừa trang trọng đây là lời diễn tả tiêu biểu cho việc nguyện cầu và linh đạo Do Thái giáo, những lời diễn tả cũng được lấy từ các bản văn khác trong Thánh Kinh.

Bài Ca Vịnh diễn tả bằng một lời kêu cầu lưỡng diện. Trước hết là lời kêu gọi chúc tụng Thiên Chúa được lập đi lập lại (cf. vv 3,4,7) về việc thanh tẩy Ngài đã thi hành nơi việc lưu đầy. “Con cái Do Thái” được kêu gọi để đón nhận việc thanh tẩy này bằng một lòng thống hối chân thành (cf. vv 6,8). Nếu việc thống hối nở hoa trong lòng, Chúa sẽ làm cho rạng đông của cuộc giải phóng xuất hiện ở chân trời. Đó chính là bầu khí Phụng Vụ được chọn để đặt bài Ca Vịnh này được trích dẫn từ bài thánh thi ca của Tôbia ở đoạn 13.

2.     Phần thứ hai của bài ca vịnh, với cung giọng của một Tobia già, nhân vật cùng với đứa con trai của ông, hai Tôbia đóng vai chính qua cả cuốn sách, là một cuộc hân hoan mừng vui Sion cách chân thực và đặc biệt. Cuộc hân hoan mừng vui Sion này phản ảnh cái nhung nhớ khôn cùng và tình yêu tha thiết dân Do Thái cảm thấy nơi chốn tha hương hướng về Thành Thánh (cf vv 9-18), và khía cạnh này cũng chiếu giãi từ đoạnđược chọn làm kinh sáng cho Phụng Vụ Giờ Kinh Ban mai này. Chúng ta hãy suy tư về hai đề tài này: dề tài về việc thanh tẩy tội lỗi bằng gian nan thử thách và đề tài mong chờ được gặp gỡ Chúa liên quan đến Sion và đền thánh của Ngài.

3.     Tôbia đã thúc giục tội nhân hãy thống hối và tác hành một cách công chính: đó là con đường phải đi để tái khám phá ra rằng tình yêu thần linh là những gì mang lại niềm an bình và hy vọng (cf. v 8).

Chính lịch sử Giêrusalem là một dụ ngôn dạy cho mọi người biết phải chọn lựa những gì. Thiên Chúa đã trừng phạt thành này vì Ngài không thể dửng dưng trước sự dữ con cái Ngài vấp phạm. Tuy nhiên, giờ đây thấy rằng nhiều người đã hoán cải và trở thành những đứa con trung tín và chính trực, Ngài một lần nữa sẽ chứng tỏ cho thấy tình yêu nhân hậu của Ngài (cf v. 10).

Toàn bài Ca Vịnh Tobia đoạn 13 này đã lập đi lập lại niềm xác tín mãnh liệt này, đó là Chúa “hành khổ rồi tỏ lòng xót thương;… tính tội chúng ta rồi tỏ lòng thương xót… Ngài sẽ tính tội ngươi về những việc làm của con cái ngươi, nhưng lại tỏ lòng thương xót con cái của kẻ công chính” (vv 2,5,9). Việc trừng phạt của Thiên Chúa là đường lối làm cho tội nhân, thành phần điếc lác trước lời kêu gọi của kẻ khác quay về đường ngay nẻo chính. Tuy nhiên, phán quyết cuối cùng của Vị Thiên Chúa chính trực này vẫn là sứ điệp yêu thương và tha thứ; Ngài hết sức muốn lại được ôm lấy những đứa con hoang đàng trở về với Ngài bằng một con tim thống hối.

4.     Với thành phần dân được tuyển chọn, tình thương thần linh tỏ mình ra bằng việc tái thiết Đền Thờ Giêrusalem, được chính Chúa thực hiện “để chiếc lều của Ngài được hân hoan tái thiết nơi ngươi” (v 10). Bởi thế, Sion, đề tài thứ hai, xuất hiện như là một nơi thánh chẳng những là nơi dân Do Thái trở về qui tụ mà còn là nơi các kẻ hành hương tìm kiếm Thiên Chúa nữa. Bởi thế mới hiện lên một cái nhìn đại đồng, đó là đền thở được tái thiết Giêrusalem, dấu hiệu của lời thần linh và sự hiện diện thần linh, sẽ chiếu giãi muôn vàn ánh sáng xua tan bóng tối, nhờ đó “nhiều quốc gia, những cư dân khắp nơi trên mặt đất” (cf v 11), có thể bắt đầu tiến bước, mang các thứ tặng vật của mình, hân hoan ca hát khi tham dự vào ơn cứu độ được Chúa tuôn đổ xuống nơi dân Do Thái.

Như thế, các người Do Thái cùng với tất cả mọi dân tộc đang tiến về tận điểm duy nhất của đức tin và chân lý. Vị tác giả của bài thánh thi ca xin đổ xuống trên đoàn người này dồi dào phúc lành, khi nói cùng Giêrusalem rằng: “Phúc thay những ai yêu mến ngươi! Họ sẽ hoan hưởng bình an của ngươi” (v 4). Hạnh phúc chân thực khi nó được tái khám phá thấy nơi thứ ánh sáng phát tỏa từ trời cao trên những ai tìm kiếm Chúa bằng một con tim thanh tẩy và bằng một tấm lòng hết sức khát vọng chân lý.

5.     Trong cuốn Tự Thú của mình, Thánh Âu Quốc Tinh đã hứng khởi hướng về thành Giêrusalem n ày, một Giêrusalem tự do và hiển vinh, dấu hiệu của Giáo Hội vào giai đoạn hy vọng cuối cùng của Giáo Hội, một tiền thân cho thấy hy tế Vượt Qua của Chúa Kitô.

Khi nói đến kinh nguyện ngài có ý dâng lên từ trong “nội tâm” của mình, ngài cho chúng ta thấy rằng “những bài ca yêu thương… từ những nỗi rên xiết này đến những nỗi rên xiết khôn tả khác trong cuộc đời hoang đàng của con, đã làm cho con nhớ đến Giêrusalem, với tấm lòng hướng về đó, Giêrusalem quê hương của con, Giêrusalem thân mẫu của con, và Chúa là Đấng ngự trị ở đó, là Đấng Sáng Soi, là Thân Phụ, là Đấng Bảo Hộ, là Phu Quân, là niềm hoan lạc tinh tuyền mãnh liệt, là niềm vui vững chắc, và là tất cả những điều thiện hảo khôn tả”. Thế rồi thánh nhân đã kết thúc bằng một lời hứa hẹn: “Con sẽ không bị từ khước cho đến khi Chúa tập trung lại tất cả những gì con là, từ thân phận bị phân tán và hu hoại này, vào chốn an bình của người mẹ chí ái ấy của chúng con, nơi chất chứa những hoa trái đầu mùa của tâm linh con (chỗ con nắm được những hoa trái ấy), và Chúa an ủi cùng làm nó muôn đời bền vững, Ôi Chúa Trời con, Tình Thương của con” (Tự Thú 12,16,23).

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Tuần San L’Osservatore Romano, ấn bản Anh Ngữ ngày 27/8/2003)
 

Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông đã bị hủy diệt hay đang gặp trở ngại?

Thứ Ba 2/9/2003, Tổng Thống Thẩm Quyền Palestine là Arafat đã tuyên bố: “Lộ trình hòa bình này đã chết, chỉ vì những cuộc tấn công quân sự mới đây của Do Thái”. Vị tổng thống này cho rằng US đã không làm hết sức để thực hiện lộ trình hòa bình này, vì vấn đề Iraq và lo bầu cử tổng thống tới đây đã chi phối họ. Ông cũng phủ nhận nguồn tin cho rằng ông và Thủ Tướng Abbas có vấn đề với nhau, vì đó là nguồn tin của phe Do Thái muốn chia rẽ nội bộ bên Palestine.

Trong khi đó, bên Do Thái đã công nhận họ đã sai lầm vì không loại trừ vị tổng thống này hai năm trước đây. Theo vị Bộ Trưởng Quốc Phòng Do Thái Shaul Mofaz, qua cuộc phỏng vấn với đài phát thánh quân đội Do Thái thì vị tổng thống này là trở ngại cho Thủ Tướng Abbas trong việc thực hiện lộ trình hòa bình Trung Đông này đối với các nhóm chiến đấu quân của Palestine. Ông bộ trưởng này nói: “Arafat không bao giờ muốn tiến tới chỗ thỏa hiệp với chúng ta. Tôi tin rằng ông ta cần phải biến mất khỏi khấu trường lịch sử. Nước Do Thái đã vấp phải một lỗi lầm lịch sử vì đã không loại trừ ông này khoảng hai năm trước đây… Trong tương lai, tôi tin rằng chúng ta sẽ cấn phải đưa ra vấn đề này trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, rất có thể nội trong năm nay thôi. Thời điểm loại trừ vị này cần phải được đề ra để không làm tổn hại tới vai trò lãnh đạo hiện nay của Palestine hầu họ có thể thực hiện các chính sách đã được họ phác họa, họ đã làm và chúng ta đã thấy được kết quả”. Ông bộ trưởng này còn cho biết thế giới đã thấy được vai trò lãnh đạo tích cực hiện nay của bên Palestine gồm có Thủ Tướng Abbas, Bộ Trưởng An Ninh Vụ Muhammad Dahlan và Bộ Trưởng Tài Chính Salem Fayad.

Ở Ramallah, một tờ nhật báo do Thẩm Quyền Palestine phổ biến có một bản thỉnh nguyện với 250 chữ ký của các học giả, chính trị gia và các vị lãnh đạo cộng đồng kêu gọi Tổng Thống Arafat và Thủ Tướng Abbas hãy giải quyết những bất đồng với nhau. Tổng Thống Arafat đã bổ nhiệm một vị lãnh đạo an ninh. Cho dù đã được Hoa Kỳ kêu gọi để cho Thủ Tướng Abbas quyền hành hơn nữa, Tổng Thống Arafat vẫn không chịu. Thủ Tướng Arafat sẽ ra trước quốc hội Palestine vào Thứ Năm tới đây để tường trình về những thành đạt của mình trong thời gian làm thủ tướng 100 ngày vừa qua.
 

2/9 Thứ Ba

Huấn Từ Truyền Tin về việc tái hiến dâng Âu Châu cho Mẹ Maria

Anh Chị Em thân mến,

1. Trong các Chúa Nhật vừa qua, việc suy tư của Tôi nhắm đến Âu Châu và các căn gốc Kitô giáo của châu lục này, khi xem lại bản văn kiện tông huấn hậu Thượng Hội Giám Mục Âu Châu “Giáo Hội Tại Âu Châu”. Bản văn kiện này đã kết thúc ở việc “Hiến Dâng cho Mẹ Maria” tất cả mọi con người nam nữ của châu lục đây, một việc hiến dâng Tôi muốn lập lại ngày hôm nay đây, để Vị Thánh Trinh Nữlàm cho Âu Châu trở thành một bản hợp tấu các quốc gia dấn thân cùng nhau xây dựng một nền văn minh yêu thương và hòa bình!

2. Có vô vàn các đền thờ Thánh Mẫu ở hết mọi xứ sở Âu Châu. Hôm nay Tôi đặc biệt nghĩ đến Đền Đức Mẹ Khóc ở Syracuse, nơi đang cử hành 50 năm Mẹ Maria khóc… Những giọt nước mắt này mầu nhiệm biết bao! Chúng nói lên cho thấy nỗi khổ đau và dịu dàng, đến niềm an ủi và tình thương thần linh. Chúng là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện từ mẫu, và là một lời kêu gọi hoán cải trở về cùng Thiên Chúa, từ bỏ con đường gian ác để trung thành theo Chúa Giêsu Kitô.

3. Hỡi Đức Mẹ Giọt Châu ngọt ngào, chúng con dâng cho Mẹ Giáo Hội và toàn thế giới. Xin Mẹ hãy nhìn đến những ai cần đến ơn tha thứ và sự hòa giải nhất; Mẹ hãy mang hợp hòa đến cho các gia đình và mang bình an đến cho các dân tộc.

Xin hãy lau khô nước mắt gây ra bởi hận thù và bạo lực ở nhiều miền đất trên Thế Giới này, nhất là ở Trung Đông và lục địa Phi Châu. Ôi Lạy Mẹ, chớ gì những giọt nước mắt của Mẹ là một bảo chứng cho việc hoán cải và hòa bình cho tất cả mọi con cái của Mẹ!

Do Thái tiếp tục tấn công chiến đấu quân Palestine để tận diệt khủng bố

Hôm Thứ Hai, 1/9/2003, sau cuộc họp hội đồng nội các, ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Do Thái là Shaul Mofaz cho biết là cuộc khủng bố tấn công ở Giêrusalem ngày 19/8/2003 của các chiến đấu quân Palestine đã “làm gẫy nhịp cầu cần có cho tiến trình đối thoại có được một cơ hội”. Trước lời tuyên bố này, các máy bay trực thăng quân sự Do Thái đã bắn các phi đạn vào các phần tử Hamas ở Thành Phố Gaza. Theo các nguồn tin an ninh của Do Thái thì chiếc trực thăng đã bắn vào “một chiếc xe chở vũ khí… giết chết hai tay chủ chốt quân sự của nhóm Hamas”, đó là Khader Housari, 40 tuổi, và Munther Kanitha, 32 tuổi. Ngoài ra, cuộc tấn công này còn gây cho 25 người bị thương nữa. Trong hai tuần vừa qua, sau vụ khủng bố tấn công 19/8, những cuộc tấn công của trực thăng Do Thái đã làm thiệt mạng 10 tay chủ chốt của nhóm khủng bố Hamas và gây thương tích cho trên 50 người Palestine.

Bản công bố của Do Thái được phổ biến ngày Thứ Hai 1/9/2003 có những điểm chính yếu sau đây: “Một cuộc chiến tận diệt phe Hamas và các yếu tố khủng bố khác, kể cả những cuộc tấn công liên tục vào các tay lãnh đạo của tổ chức này”; “áp đảo nhắm vào nạn khủng bố” ở Tây Ngạn; và ngưng “tiến trình ngoại giao với {Thẩm Quyền Palestine)… trừ phi (Do Thái) thấy rằng Thẩm Quyền này tỏ ra những hành động cụ thể trong việc đối xử với những phe nhóm khủng bố”. Cũng theo bản công bố này thì từ cuộc khủng bố tấn công 19/8, Do Thái đã thực hiện “năm cuộc loại trừ được nhắm tới” các phần tử Hamas và đẩy mạnh những hoạt động hành quân ở vùng Tây Ngạn. Bản công bố viết: “Việc thiết lập an ninh đang sửa soạn cho những gì có thể liên quan đến một cuộc leo thang về an ninh cũng như đến làn sóng khủng bố tái diễn tấn công Do Thái”.
 

Kinh Mân Côi là một kinh chiêm niệm tại sao lại đọc chung thành lời?

Nội dung vấn nạn

Hôm 29/8/2003, tôi đã nhận được một điện thư đặt vấn đề Kinh Mân Côi tự bản chất là một kinh chiêm niệm tại sao lại đọc chung thành lời, vì làm như thế sẽ gây chia trí vì đã chiêm niệm thì cần phải trầm lặng? Sau đây là những gì tôi đã trả lời cho em.

 ----- Original Message -----

From: Ngo The Vu

To: hailmaryqueen@thoidiemmaria.net

Sent: Friday, August 29, 2003 12:53 PM

Subject: Rosary; a means of private devotion

Dear Anh Tinh,

The Rosary by essence is a meditative prayer which requires quietude and solitude to attain the goal of the practice.  Then why so many of us Catholics publicized this private devotion?  When publicly recited the Rosary, the practitioners lose concentration(God forgives; we're not saints ) on the mysteries if (and in most cases), people do not pray verbally at the same rate, tone, etc. 

What is your personal opinion on this matter? 

I recognize the spiritual improvement in the meditation of the mysteries when i pray by myself, but also affirm the benefits of group Rosary.  However, objectively speaking, the fact remains that group Rosary obstruct the individual achievement in contemplation; which is the soul of the Rosary. 

I'm still reluctant on the pros-and-cons of this publicized-private devotion, but just in case i don't miss out on anything; maybe i should practice it both ways

 Have a wonderful day in Christ,

Vu

 

Giải đáp vấn nạn

 

Ðể hiểu rõ vấn đề có vẻ mâu thuẫn này cần phải thấu triệt được bản chất của chiêm niệm Kitô giáo cũng như kết cấu chuyên biệt của chính Kinh Mân Côi.

 

Bản Chất Chiêm Niệm Kitô Giáo

 

Trước hết, chiêm niệm là gì, nếu không phải là cảm nghiệm thần linh bằng tất cả tâm hồn của mình, chứ không phải chỉ bằng trí khôn qua việc suy niệm, hay bằng ký ức qua việc tưởng nhớ, hoặc bằng cảm tình qua việc cảm xúc nhất thời. Tuy nhiên, cảm nghiệm thần linh cần phải được phản ảnh qua các hoạt động tông đồ. Ðây là đặc điểm chuyên biệt nơi vấn đề chiêm niệm của Kitô giáo, khác với việc chiêm niệm của các tôn giáo khác. Việc Kitô giáo chiêm niệm không dừng lại ở chỗ một mình hoan hưởng những tư tưởng cao siêu, mà là tiến đến chỗ hăng say truyền bá và phục vụ. Nếu "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Jn 1:5) thì tâm hồn chiêm niệm, tâm hồn cảm nghiệm thần linh, hay cảm nghiệm ánh sáng, sẽ trở thành một thứ phản chiếu ánh sáng.

 

Ðó là lý do chúng ta thấy, qua các Phúc Âm, bất cứ ai, kể cả thành phần ngoại giáo hay tội nhân, một khi được giao tiếp với Lời Nhập Thể, được giao tiếp với Vị Thiên Chúa thần linh nơi Con Người Giêsu Nazarét, tức một khi có được một cảm nghiệm thần linh thực sự, họ đều trở thành những nhà truyền giáo. Ðiển hình nhất là những người được Chúa Giêsu chữa cho lành bệnh đã không thể câm nín mà không tuyên dương chúc tụng Người dù đã được Người căn dặn phải giữ kín (x Mt 9:3-31; Mk 1:44-45), hay trường hợp của người phụ nữ Samaritanô sau khi bất ngờ được hội ngộ với Người bên bờ giếng Giacóp giữa buổi trưa nóng bức (x Jn 4:28-30), hoặc trường hợp của hai môn đệ chán chường đi về Emmau sau khi nhận ra Ðấng Phục Sinh qua cử chỉ bé bánh của Người (x Lk 24:31-35). Một tâm hồn chiêm niệm, chính vì cảm nghiệm thần linh, cảm thấy Thiên Chúa vô cùng đáng yêu đáng mến, làm sao có thể không lên tiếng chúc tụng Ngài, không "rên lên những lời than khôn tả" (Rm 8:26), cũng như có thể ngồi yên không làm hết cách để Ngài được nhận biết và yêu mến.

 

Là đệ nhất mô phạm về chiêm niệm, Mẹ Maria đã chẳng vội vã lên đường đi thăm bà chị họ Isave của mình ngay sau khi Mẹ đã được thụ thai và cưu mang Con Ðấng Tối Cao (x Lk 1:39-40) hay sao? Và việc chiêm niệm của Mẹ, việc Mẹ cảm nghiệm thần linh, cảm nghiệm Vị "Thiên Chúa là Thần Linh" (Jn 4:24) đang thực sự hiện diện một cách thể lý ngay trong lòng dạ của Mẹ cũng đã chẳng làm cho Mẹ không thể không cất tiếng ngợi khen chúc tụng Ngài hay sao: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và lòng trí tôi hân hoan trong Thiên Chúa Ðấng cứu độ tôi. Chúa đã thương đến phận thấp hèn tôi tớ của Ngài, nên từ nay muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc. Vì Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại, danh Ngài là thánh" (Lk 1:46-48)?

 

Tóm lại, theo Kitô giáo, một Kitô hữu (đã tiến đến bậc cầu nguyện) chiêm niệm chính là một tông đồ. Các vị tông đồ được Chúa Giêsu tuyển chọn sống gần Người, nhờ đó có thể chiêm ngắm Người, có thể cảm nghiệm được Người một cách cụ thể (x 1Jn 1:1-2), là để các vị sau đó, sau khi Người từ trong kẻ chết sống lại, lên trời và sai Thánh Thần xuống, hiên ngang ra đi rao giảng tin mừng cho tất cả mọi tạo vật cho đến tận cùng trái đấy (x Mt 28:19; Mk 16:15; Acts 1:8). Ðó là lý do Người đã căn dặn các vị ngay từ lần Người sai các vị đi truyền giáo tiên khởi cho thành phần "chiên lạc của nhà Yến Duyên" (Mt 10:6): "Những gì Thày nói với các con trong tăm tối, hãy nói ra trong ánh sáng. Những gì các con âm thầm nghe được hãy rao giảng trên mái nhà" (Mt 10:26-27). Thật vậy, tâm hồn chiêm niệm chỉ thực sự cảm nghiệm thần linh sau khi họ đã trải qua những đêm tăm tối đức tin, cũng như sau khi, nhờ đó, họ được Thiên Chúa mạc khải cho biết những điều cao siêu huyền nhiệm mà chính thành phần khôn ngoan thông thái nhất thế gian cũng không thể nào tự mình có thể thấu hiểu và chấp nhận (x Mt 11:25).

 

Căn cứ vào bản chất của vệc chiêm niệm theo Kitô giáo trên đây, chúng ta thấy chiêm niệm có tích cách sinh động và truyền đạt chứ không phải thụ động và chiếm thủ. Bởi thế, việc nội tâm chiêm niệm và miệng lưỡi chúc tụng nơi Kinh Mân Côi một lúc là tác động rất thích hợp với việc chiêm niệm.

 

Cấu Trúc Chuyên Biệt của Kinh Mân Côi

 

Không giống như tất cả mọi kinh nguyện khác, Kinh Mân Côi gồm có hai phần, khẩu nguyện (vocal prayer) và tâm nguyện (mental prayer). Khẩu nguyện là việc đọc các Kinh Mân Côi, nhất là Kinh Kính Mừng. Tâm nguyện là việc suy niệm các Mầu Nhiệm Mân Côi (vui, sáng, thương, mừng). Thiếu một trong hai phần này, hoặc khẩu nguyện hay tâm nguyện, đều không phải là Kinh Mân Côi. Sở dĩ Kinh Mân Côi vừa có cả khẩu nguyện lẫn tâm nguyện là vì khẩu nguyện liên quan đến đức tin cứu độ và tâm nguyện liên quan đến mạc khải thần linh.

 

Thật vậy, Mầu Nhiệm Mân Côi cũng chính là Mầu Nhiệm Chúa Kitô, bao gồm tất cả những gì Thiên Chúa muốn tỏ ra cho loài người biết qua Con Người Giêsu Nazarét, để loài người có thể nhờ đó mà được cứu độ bằng đức tin của mình, một đức tin được chứng thực bằng việc tuyên xưng "Thày là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16:16; x Jn 11:27). Thế nhưng, trong loài người ai đã tin tưởng Thiên Chúa, Ðấng tỏ mình ra nơi Con Người Giêsu Nazarét cho bằng Mẹ Maria. Bởi vậy, theo ý nghĩa này, khi đọc Kinh Kính Mừng là Kitô hữu Công giáo chúng ta chẳng những tỏ ra khâm phục đức tin tuyệt đối của Mẹ, Ðấng "có phúc vì đã tin" (Lk 1:45), Ðấng luôn "đầy ơn phúc" (Lk 1:28), ở chỗ, đã theo Người cho đến cùng, đến khi đứng dưới chân thập giá của Người (x Jn 19:25), mà còn cùng với Mẹ Maria tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô.

 

Nếu Thiên Chúa tỏ mình ra là để cứu độ loài người thì Ngài còn mong gì hơn là được loài người tỏ ra tin tưởng chấp nhận Ngài. Cũng thế, nếu Mầu Nhiệm Mân Côi, hay Mầu Nhiệm Chúa Kitô, là những mầu nhiệm diễn đạt Mạc Khải Thần Linh, thì Mầu Nhiệm Mân Côi, Mầu Nhiệm Chúa Kitô không thể thiếu Kinh Nguyện Mân Côi nói chung và Kinh Kính Mừng nói riêng là kinh nguyện chất chứa đức tin của một đệ nhất tạo vật về ân sủng. Việc môi miệng đọc Kinh Kính Mừng, do đó, không thể thiếu trong việc nội tâm đồng thời cũng chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô qua các Mầu Nhiệm Mân Côi.

 

Tuy nhiên, vì thuộc về gia đình nhân loại mà mỗi một con người sinh vào trần gian đều nhiễm lây nguyên tội và phải lãnh chịu hậu quả của nguyên tội thế nào, theo lịch sử cứu độ, Thiên Chúa cũng muốn thực hiện dự án cứu độ của Ngài qua Cộng Ðồng Dân Chúa là dân Do Thái, và muốn qui tụ con cái của Ngài phân tán khắp nơi lại thành Cộng Ðồng Giáo Hội như vậy. Vì là Dân Chúa đã được cứu độ qua Bí Tích Rửa Tội, Kitộ hữu càng cần phải cùng nhau chẳng những tuyên xưng đức tin, nhất là qua việc cử hành Mầu Nhiệm Ðức Tin là Thánh Lễ, mà còn cần phải cùng nhau truyền bá đức tin, cụ thể là việc bác ái xã hội của các dòng tu.

 

Nếu Kinh Kính Mừng, như đã nhận định, là kinh thể hiện đức tin cao cả của Mẹ Maria trước Mầu Nhiệm Chúa Kitô, thì việc đọc Kinh Mân Côi chung cũng là một cách hết sức thích hợp và chích đáng trong việc cùng nhau biểu lộ đức tin, tuyên xưng đức tin. Bởi thế, Kinh Mân Côi, tuy không phải là Kinh Phụng Vụ chính thức của Giáo Hội, làm cho Kitô hữu dù có đọc riêng theo cá nhân cũng vẫn có tác dụng đọc chung với tư cách của toàn thể Giáo Hội, một khi được đọc chung, bấy giờ Kinh Mân Côi mang tính cách Giáo Hội, tính cách của một Cộng Ðồng Dân Chúa cùng nhau tuyên xưng đức tin. Ðó là lý do Kinh Mân Côi chẳng những có thể đọc riêng mà còn nên đọc chung và cần phải đọc chung nữa.

 

Tình trạng chia trí khi đọc kinh Mân Côi chung hơn là đọc riêng không phải do chính kết cấu của Kinh Mân Côi, hay do đường lối thực hành kinh nguyện đặc biệt này, cho bằng, ngoài những lý do khác, còn do bởi tâm hồn cầu kinh nguyện ấy đi từ ngoài vào trong, chứ không phải từ trong ra ngoài. Nếu con người đi từ ngoài vào trong ở chỗ nhờ những lời kinh mà suy mầu nhiệm, một tác động, theo kinh nghiệm, dễ trở thành thuần túy "môi miệng" (x Mk 7:6), thì con người cầu kinh Mân Côi đi từ trong ra ngoài, từ lòng đầy mới trào ra ngoài miệng (x Mt 12:34), ở chỗ, nội tâm họ say sưa chiêm niệm Mầu Nhiệm Chúa Kitô rồi mới bật thành lời lập đi lập lại không ngừng Kinh Kính Mừng Maria!

 

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Thứ Bảy 30/8/2003

 

1/9 Thứ Hai: Lễ Lao Ðộng

 

Tai Nạn Chết Người tại Công Trường Thánh Phêrô

 

Văn phòng báo chí của Tòa Thánh vừa loan báo về tai nạn lao động đã xẩy ra tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào chính sáng Ngày Lễ Lao Ðộng ở Hoa Kỳ như sau: “Vào lúc 10:15 sáng nay, trong khi thực hiện việc bảo trì các kiến trúc ở Quảng Trường Thánh Phêrô thì nhân công Constantino Marchionni, 52 tuổi, đã rơi xuống từ chiếc xe cẩu cao 3 mét rưỡi, cùng với một đồng nghiệp nữa. Trong khi người lao nhân đồng nghiệp bị xây sát nhẹ sau khi ngã xuống thì Marchionni bị những vết nội thương trầm trọng, và cho dù đã được nhân viên y khoa cấp cứu lập tức, cùng với tất cả mọi nỗ lực của nhân viên sức khỏe của Tòa Thánh Vatican cũng như những nhân viên ở bệnh viện Santo Spirito, ông Marchionni đã chết sau đó ít lâu trong hôn mê”.

Ý Nghĩa và Giá Trị Lao Công Con Người

 

LAO CÔNG & KIẾP NGƯỜI

Trong cuộc đời con người, ở vào lứa tuổi nào, và trong hoàn cảnh nào, ai trong chúng ta cũng gặp những vất vả, khó nhọc, và thử thách. Và đời chính là thế. Là pha trộn vừa vui mừng, vừa nước mắt; vừa hạnh phúc, vừa đau khổ; vừa thành công vừa thất bại. Quan cuộc đời là “vô thường”, là sắc sắc, không không, hoặc là bể khổ cũng phát nguồn từ niềm tin tôn giáo.

Như vậy, chính trong kiếp sống con người đã tiềm ẩn nhân tố cho những vất vả, đau thương và thử thách. Ý nghĩa này và cuộc đời này không chước chuẩn cho bất cứ ai khỏi phải vất vả, chịu đựng và lao nhọc khi bước vào đời. Nguyễn Công Trứ đã nói một câu rất hay về triết lý này: “Vừa sinh ra đà khóc chóe. Đời có vui sao chẳng cười khì”. Trong những hoàn cảnh như thế, tâm lý tự nhiên thường đưa tới cảm nghĩ thất vọng, chán nản, hoặc buông xuôi. Cũng có những trường hợp đưa tới sự ghen tức, ganh ghét và mặc cảm. Nhiều người khi đứng trước những vất vả, những khó khăn của cuộc đời thường hay phàn nàn, so sánh, “tại sao người này, người khác được may lành, được hạnh phúc mà tôi gặp toàn rủi ro, và bất hạnh”.

Những bất ổn và mặc cảm đó, còn là nguyên nhân đưa tới một trạng thái tâm bệnh. Ít thì tạo nên thái độ cau có, gắt gỏng, và bực tức. Bực tức với mình, bực tức với những người thân quanh mình, bực tức với hoàn cảnh, bực tức với thực tại hiện mình đang có; đôi khi bực tức cả với Thượng Đế. Nếu yếm thế, bi quan, và buồn chán hơn sẽ đưa đến mất ăn, mất ngủ, bệnh tật phần xác, và xuống dốc tinh thần. Một số những người như thế đã đi tìm cái chết như một giải thoát cuộc đời. Tóm lại, dù là ai, dù ở bậc sống nào, dù ở hoàn cảnh và vai trò xã hội nào, nếu đã là con người, thì rồi ra cũng có những lúc gặp những thử thách và phải đối diện với những vất vả của cuộc sống.

Đi sâu vào thực trạng đời sống, những vất vả kia được chia thành hai khía cạnh rất rõ rệt, một số đến từ những khó nhọc và thử thách vật chất, hoặc thể xác. Thí dụ, cuộc sống nghèo nàn, cơ cực, hoặc yếu đuối, bệnh tật thể xác. Một số liên quan trực tiếp đến những thách đố, vất vả và khổ cực của tâm hồn. Thí dụ, có những nỗi khó khăn về mặt tình cảm, tình yêu, gia đình, con cái, và danh dự. Vì cuộc sống con người được cấu tạo hài hòa giữa tâm hồn và thể xác, giữa vật chất và tinh thần; do đó, không hình thức này thì hình thức khác, con người vẫn luôn luôn phải phấn đấu và trăn trở với kiếp nhân sinh của mình. Hơn thế nữa, dưới cái nhìn của tâm lý học, con người còn thêm một trạng thái sống và một trạng thế vất vả nữa là đời sống và những khổ cực của tâm lý.

Tuy nhiên, những khó nhọc và khổ sở của kiếp người, dù là ở trạng thái thể lý, tâm lý hay tâm linh, tất cả đều đặt con người trước hai lựa chọn: tiến tới hay tháo lui. Có nghĩa là con người biết lợi dụng những khó khăn, vất vả ấy để tiến lên, để xây dựng cuộc đời; hay ngược lại, tháo lui và rút vào cái vỏ sò ích kỷ để rồi than thân, trách phận, và hận thù đời. Nếu có những tư tưởng cho rằng đời là một bể khổ, là bao gồm những bất công và thối nát, thì thái độ của chúng ta phải như thế nào. Ở đây, tôi cũng nhớ lại một tư tưởng rất hay khi nói về những cái khó khăn của cuộc đời là: “Nếu đời cho ta một trái chanh, thì ta hãy dùng nó để làm một ly nước đá chanh”.

Do đó, khi nói về những vất vả của kiếp người, những khó khăn của cuộc sống, tâm lý học không dừng lại ở những khó khăn trước mặt, những vất vả mà ai cũng phải trải qua khi vào đời. Khi nhìn vào những vất vả và khó khăn trong cuộc sống, chúng ta cũng cần thực tế với mình rằng, nếu không vất vả khó khăn thì mảnh bằng, địa vị xã hội, những lời khen và bảng danh dự kia có nghĩa lý gì. Dễ dãi để có mảnh bằng, dễ dãi để có được một địa vị trong xã hội, hoặc dễ dãi để được nhiều người mến phục và ca tụng. Tôi không tin là đời có những thứ dễ dãi ấy. Cái nhìn tích cực về cuộc đời, về những lao công và vất vả sẽ tạo được niềm tin và hạnh phúc cho chính mình trong khi phấn đấu và thắng vượt những thử thách. Tiếp tới, do những nỗ lực của mình cũng sẽ trở thành một tấm gương cho nhiều người, và ở điểm này phần thưởng tinh thần thật là quí giá. Và sau cùng, nhờ giọt mồ hôi, nhờ vất vả và lao công, chúng ta xây dựng xã hội tốt đẹp và mang lại cho đời một ý nghĩa đáng sống.

Cho tới nay, sau gần 40 năm tôi vẫn thấy rất bổ ích về một bài học và cũng là một khích lệ cho những vất vả của cuộc đời. Trong bài học đó, người cha giải thích cho con ông về ý nghĩa của một con đường dẫn tới làng, nối liền với tỉnh để mọi người có thể đi lại và giao thông một cách tốt đẹp. Người cha đã cho con mình biết rằng hoa trái trước mặt ấy chính là thành quả bao vất vả của những nhân công ngày đêm đổ mồ hôi trên đoạn đường ấy. Họ đã bị quên lãng, và họ đã đi vào âm thầm của cuộc đời. Nhưng không vì thế mà phủ nhận những đóng góp của họ. Đó là ý nghĩa cuộc đời, là ý nghĩa của những vất vả và hy sinh của cuộc đời.

Đa số chúng ta thường ngày vẫn làm những việc âm thầm, nhưng hoa trái lại rất phong phú và tốt đẹp, thí dụ sự hy sinh của người mẹ dành cho con, hoặc những vất vả của người cha lo toan cho gia đình và con cái. Ngay cả những vất vả, chịu đựng thường gặp phải trong đời sống hôn nhân, đời sống gia đình cũng có một giá trị rất đặc biêt. Chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời và giá trị cuộc đời qua câu nói đầy ý nghĩa của một thánh nhân như sau: “Tất cả đều lớn lao, nếu tình yêu lớn lao” (Th. Têrêsa).

Giá trị cuộc đời, do đó, mang ý nghĩa từng giây và từng phút, và dĩ nhiên, nó bao gồm tất cả những gì là vui cũng như những gì là buồn, thành công hay thất bại, lao nhọc và vất vả, tất cả chỉ vì chúng ta là con người, và là những con người đang đi giữa sa mạc cuộc đời với tâm hồn và trái tim rộng mở.

 

Trần Mỹ Duyệt

 

Lao Công Và Đời Sống

Phải, nếu thành ngữ: “eternal rest”, nghỉ yên muôn đời, được giành cho những con người vĩnh viễn ra khỏi trần gian thế nào, thì thành ngữ “đời là một cuộc chiến đấu” cũng áp dụng cho những con người vào đời và còn sống trên trần gian này như vậy. “Đời là một cuộc chiến đấu” chẳng những có thể được hiểu về những khó khăn thử thách trên đời, mà, trước hết và trên hết, còn được hiểu về tình trạng con người phải vất vả làm ăn sinh sống, nhiều khi phải dùng đến từ ngữ “tranh sống” để mà survive, sống còn. Thực tế cho thấy, ngay tại mảnh đất cơ hội opportunity land Mỹ Quốc này, người ta tranh sống hơn bao giờ hết và hơn ở đâu hết. Đến nỗi, hầu như người nào, dù giầu có đi nữa, cũng cảm thấy cuộc đời của mình thật là chật chội, lận đận long đong, chẳng có giờ giấc gì để mà thụ hưởng những gì mình làm ra cả. Nhiều khi chưa kịp hưởng đã bị mất tiêu. Lúc nào con người cũng lo lắng phải làm sao kiếm ra tiến và đủ tiền để trang trải cho các thứ bills hàng tháng. Bill nhà ở, bill xe cộ, bill bảo hiểm, bill điện thoại, bill điện nước, bill mua đồ, bill tín dụng v.v. Bởi thế, đi làm công thì hết làm ngày đến làm đêm, có giờ overtime phụ trội là nhào vô liền, bao nhiêu cũng làm. Nếu làm chủ thì không dám đóng cửa đi vacation nghỉ hè kẻo mất khách, mở cửa hầu như suốt năm, 7 ngày một tuần, 12 tiếng một ngày v.v. Bởi vì, mất việc là mất tất cả: mất nhà cửa, mất xe cộ, nhất là bị bad credit thất tín dụng, thậm chí từ đó còn bị mất cả gia đình nữa. Thành ngữ “lao động là vinh quang” phát xuất từ Việt Nam ngay sau năm 1975, thời được nhà văn kiêm nhạc sĩ Hà Thúc Sinh diễn tả “chỉ còn hàm răng là sống hung hăng giữa mùa khát thèm” trong bài “Chàng thi sĩ lính và hầm chứa xác” được danh ca Khánh Ly trình bày ở cuốn băng Tủi Nhục Ca, không ngờ lại đúng nhất và hợp nhất ở cuộc sống tại thiên đường Mỹ Quốc này.

Tuy nhiên, không phải con người sống trong xã hội văn minh Mỹ Quốc quay cuồng với việc làm chỉ vì “lao động là vinh quang”, thất nghiệp là đời tàn, mà còn vì việc làm gắn liền với thân phận làm người của họ. Đến nỗi, như chim bay thế nào, con người sống trên đời cũng phải làm việc như vậy. Bằng không, con người sống trên đời chẳng có ý nghĩa gì cả. Đó là lý do, con người cảm thấy boring, buồn chán, khi không có việc gì làm. Người về hưu cũng cố tìm được một mảnh vườn để ra vào làm việc cho khuây khỏa. Giới trẻ trong năm học thì chỉ mong cho đến ngày lễ để nghỉ, nhưng hè đến thì lại cảm thấy hết sức boring v.v. Thế nhưng, cái boring của giới trẻ ở đây không phải là chúng muốn kiếm việc gì làm, cho bằng muốn có những gì vui chơi, như đi cấm trại, du ngoạn, hay ít là có bạn bè bên cạnh. Dù sao đi nữa, cái boring nơi mọi giới tuổi, già cũng như trẻ, đều chứng tỏ cho thấy con người một khi còn sống là còn cảm thấy cần phải không ngừng sinh hoạt. Ăn uống và ngủ nghỉ chẳng những là những tác động cần thiết để con người có thể lấy sức tiếp tục sinh hoạt hơn, mà chính việc ăn uống và ngủ nghỉ cũng là những sinh hoạt quan yếu của con người nữa.

Bởi thế, lao động có thể được hiểu theo ba ý nghĩa sau đây. Ý nghĩa đầu tiên của lao động ở đây có thể được hiểu rộng là tất cả mọi sinh hoạt của con người sống trên đời. Ý nghĩa thứ hai của lao động ở đây có thể hiểu hẹp hơn trong giới hạn liên quan đến tất cả những việc làm ăn sinh sống theo nghề nghiệp khiến con người phải lao nhọc, kể cả việc con người phải lao tâm về trí óc lẫn lao lực về tay chân. Và ý nghĩa thứ ba của lao động ở đây được áp dụng cách riêng cho những việc làm về thể lực của con người, những việc làm cho con người phải đổ mồ hôi, điển hình là việc làm ruộng ngoài đồng, làm việc sản xuất trong các hãng xưởng kỹ nghệ, làm việc chuyên chở nhân sự và hàng hóa v.v. Phải chăng vì ý nghĩa lao nhọc của nghề nghiệp cũng như lao động của việc làm về thể lực mà tại Hoa Kỳ người ta lập ra Ngày Lao Động, Labor Day, và cử hành Labor Day này như là một Ngày Lễ, bằng cách cho phép nhân viên làm việc, nhất là ở các công sở, đều được nghỉ việc vào chính Ngày Lễ Lao Động, Labor Day này?


Lao Công Và Phát Triển

Không hoàn toàn như vậy. Thành phần đi làm được nghỉ việc trong Ngày Lễ Lao Động Labor Day không phải chỉ để xả hơi cho đỡ mệt rồi sau đó tiếp tục lao đầu vào làm việc, lao đầu vào việc đi cầy trả nợ v.v. Trái lại, người ta nghỉ việc trong ngày này là để cử hành nó, đúng hơn là để cử hành ý nghĩa của Lao Động, một ý nghĩa hết sức cao quí và đầy giá trị, đáng con người phải ngừng tay làm việc một ngày để nghĩ lại, để lấy lại tinh thần làm việc, nhờ đó họ có thể làm việc một cách xứng đáng hơn và hiệu quả hơn, chẳng những cho chính bản thân họ, mà còn cho gia đình họ cũng như cho chung nhân quần xã hội nữa. Thế thì ý nghĩa đích thực của Lao Động, hay bản chất của Lao Động, hoặc giá trị của Lao Động đây là gì? Nếu không phải Lao Động là yếu tố bất khả thiếu để giúp cho cá nhân, gia đình và xã hội loài người phát triển một cách trọn vẹn.

Đúng thế, Lao Động sẽ chẳng có ý nghĩa và giá trị gì, đến nỗi sẽ mất hẳn bản chất của nó, nếu nó không đi liền với Phát Triển và không nhắm đến mục tiêu Phát Triển. Phải nhận thực là cốt lõi của Lao Động là Phát Triển, nếu Lao Động không Phát Triển tức là đi ngược chiều, là đi lạc hướng, thậm chí có thể đi đến bờ vực thẳm, đi đến hố diệt vong. Thế nhưng, Lao Động và Phát Triển chỉ là những giá trị khách quan, chúng không thể đồng hành và đồng qui, trái lại, chúng còn có thể tương khắc và tương tàn với nhau, hoàn toàn tùy thuộc vào yếu tố Nhân Bản, tức tùy theo con người tác nhân Lao Động. Nếu con người làm việc Lao Động biết đoàn kết tương thân tương ái, biết dấn thân phục vụ, coi công ích hơn tư lợi v.v. thì họ mới thực sự là con người xây dựng xã hội loài người, mới làm cho bản thân họ, gia đình họ cùng với toàn thể nhân gian được Phát Triển. Bởi thế, nếu nói đến Công Việc Lao Động là nói đến Phát Triển, thì nói đến Phát Triển không thể nào không nói đến Tinh Thần Lao Động, tức, như vừa đề cập, nói đến Tinh Thần Đoàn Kết Tương Trợ cũng như Tinh Thần Dấn Thân Phục Vụ.

Đoàn Kết Tương Trợ trong Công Việc Lao Động nghĩa là làm việc gì thì làm, dù làm chính khách hay nông dân, dù làm việc để kiếm chác sinh nhai hay làm việc thiện nguyện volunteer đi nữa, con người cũng phải làm “chung” với mọi người và làm “cho” mọi người. Làm “chung” với mọi người là ở chỗ, ai làm việc nấy, theo trách nhiệm và khả năng của mình, như trong một thân thể, đầu làm việc của đầu, tay làm việc của tay, mắt làm việc của mắt, nhờ đó, những phần thể này làm cho toàn thân sinh động và phát triển thế nào, thì mỗi phần tử trong cơ cấu xã hội cũng cần phải cố gắng chu toàn trách nhiệm và khả năng của mình, theo lương tâm và qui định. Còn làm “cho” mọi người là ở chỗ, khi làm việc con người lao Động chỉ nhắm đến công ích, đến thiện ích chung của mọi người, hơn là tư lợi cá nhân hay thủ lợi cho phái nhóm.

Nhìn vào xã hội loài người khắp thế giới hiện nay, thực tế cho thấy con người đang nỗ lực làm việc “chung” với nhau để canh tân bộ mặt trái đất, làm cho bộ mặt trái đất rạng ngời ánh sáng văn minh vật chất về khoa học và kỹ thuật tân kỳ của họ hiện nay. Tuy nhiên, về phương diện văn minh nhân bản thì hình như con người ngày nay đang ở trong tình trạng thực hiện những việc làm “công” kích nhau, phản diệt nhau, chứ không phải “cho” nhau. Chẳng hạn, thế giới tư bản tự do hoàn toàn tương phản và tương khắc với thế giới cộng sản chuyên chế. Chẳng hạn, các nước tân tiến, thường ở bắc phương, càng bành trướng quyền lực chính trị và thị trường kinh tế thì các nước chậm tiến hay đang tiến, thường ở phía nam, đã nghèo lại càng nghèo thêm, với chồng chất những món nợ quốc tế kếch xù không thể trả. Chẳng hạn, phong trào phò quyền sự sống pro life hoàn toàn chống chọi với phong trào phò quyền tự quyết pro choice. Chẳng hạn, những cuộc tấn công khủng bố trả đũa những cuộc khủng bố tấn công, điển hình là tại Trung Đông giữa khối Palestine với những cuộc khủng bố tấn công và khối Do Thái với những cuộc tấn công khủng bố, hầu như không thể chấm dứt, nhất là từ năm 2000 đến nay, cũng như tại Hoa Kỳ vào ngày 11/9/2001, ngày khủng bố tấn công Hoa Kỳ, và ngày 7/10/2001, ngày Hoa Kỳ tấn công khủng bố. Ngoài ra, Lao Động còn bị lòng tham của con người bóp méo. Ở chỗ, Lao Động vô sản hay Lao Động trả nợ như trong thế giới Cộng Sản. Hay trong thế giới tư bản có kiểu Lao Động rẻ tiền, làm nhiều lương ít, như thân phận của những người Mễ khốn khổ trong nước Mỹ, hoặc kiểu Lao Động ép uổng, theo luật chỉ buộc làm 40 tiếng một tuần, nhưng nếu không làm giờ phụ trội khi cần cũng có thể bị sa thải vì những cớ chụp mũ khác.

Chính vì Lao Động đi ngược chiều với Phát Triển như thế, thực tế cho thấy xã hội văn minh vật chất hiện nay của con người chẳng những đã đi đến bờ vực thẳm mà còn đang lao xuống hố diệt vong nữa, vì nền tảng của xã hội là gia đình đang bị tan rữa bởi nạn ly dị và phá thai, nạn đồng tính hôn nhân và tạo sinh ngoại nhiên. Đó cũng là chứng cớ hiển nhiên và hùng hồn nhất cho thấy Lao Động và Phát Triển hết sức liên hệ chặt chẽ với nhau, chặt chẽ ở Tinh Thần Lao Động nơi tác nhân con người, một Tinh Thần Đoàn Kết Tương Trợ, làm việc Lao Động “chung” với mọi người, và Tinh Thần Dấn Thân Phục Vụ, làm việc Lao Động “cho” mọi người. Không biết có phải vì cố ý hay ngẫu nhiên mà Cuộc Họp Thượng Đỉnh Về Việc Phát Triển Khả Thủ, The World Summit for Sustainable Development, đã được tổ chức vào những ngày trước và sau dịp Lễ Lao Động Hoa Kỳ, 2/9/2002.


Lao Công Và Quốc Tế

Thật vậy, Cuộc Họp Thượng Đỉnh về Việc Phát Triển Khả Thủ lần này tại Johannesburg ở Nam Phi trong thời gian từ ngày 26/8 đến 4/9/2002 là cuộc họp thập niên sau cuộc họp ở Rio de Janeiro trước đây. Để sửa soạn cho cuộc họp lần này, đã có một cuộc họp dự thảo tại Bali Nam Dương vào những ngày 27/5-7/6/2002. Trong cuộc họp dự thảo này, Quốc Đô Vatican, Vatican City State, đã phổ biến một văn kiện khai triển chủ đề phát triển. Vậy, nhân dịp Lễ Lao Động Hoa Kỳ, chúng ta cũng nên ôn lại bản văn kiện này, bản văn kiện rất hợp với Tinh Thần Lao Động chúng ta vừa mới đề cập đến trên đây, đó là một Tinh Thần Đoàn Kết Tương Trợ, làm việc Lao Động “chung” với mọi người, và Tinh Thần Dấn Thân Phục Vụ, làm việc Lao Động “cho” mọi người.

Trước hết, về Tinh Thần Đoàn Kết Tương Trợ, làm việc Lao Động “chung” với mọi người, bản văn kiện đã đề cập đến vấn đề môi sinh, vấn đề toàn cầu hóa và vấn đề hợp tác quốc tế.

Về vấn đề môi sinh, theo bản văn kiện này, việc phát triển trước hết liên quan đến vấn đề môi sinh, một dấu hiệu cho thấy “tình đoàn kết nhân loại”, một dấu hiệu “hiển nhiên bao gồm việc bảo trì và chăm bón cho các nguồn lợi của trái đất”.

Về vấn đề phát triển liên quan đến tiến trình toàn cầu hóa, văn kiện của Quốc Đô Vatican cho biết là: “nó chẳng tốt cũng không xấu. Nó sẽ là những gì con người làm nên nó. Không có một hệ thống nào tự mình là cùng đích cả, và cần phải nhấn mạnh là vấn đề toàn cầu hóa, như bất cứ một hệ thống nào khác, phải phục dịch con người; nó phải phục vụ tình đoàn kết và công ích”. Để cụ thể hóa vấn đề phát triển liên quan đến tiến trình toàn cấu hóa này, bản văn kiện của Quốc Đô Vatican nhấn mạnh đến việc “hết sức cần thiết phải nhổ tận gốc tình trạng nghèo khổ”. Để đạt được mục đích này, cần phải có “sự tham dự chủ động của người nghèo”. Bản văn nhận định là: “Có quá nhiều những đề án đang được bàn thảo nhìn thành phần nghèo như là một cái nạn chứ không phải như là những diễn viên sản xuất và sáng tạo trong xã hội”. Theo nhận định này, Quốc Đô Vatican kêu gọi “việc cung cấp những cơ hội làm việc, giáo dục, chăm sóc sức khỏe căn bản và nơi ăn chốn ở đầy đủ. Phải xét lại và cổ động những kiểu cách tiêu thụ và sản xuất mới hợp với những nguyên tắc về phẩm giá và tình đoàn kết của con người. Vì hơn một nửa dân số thế giới vẫn còn sống ở những miền quê và vì thành phần nghèo nàn quê mùa thiếu cơ hội được hưởng những dịch vụ xã hội tối thiểu nhất, họ cần phải được chú trọng và cứu xét hơn nữa… cần phải bảo đảm mọi người có được nước dùng trong lành”.

Tiến trình toàn cầu hóa trong việc phát triển còn là vấn đề liên quan đến mối liên hệ giữa các quốc gia nữa. Bởi thế, bản văn của Quốc Đô Vatican đã đề cập đến khía cạnh là “tình liên kết có một tính chất linh thiêng cần phải đâm rễ sâu xa hơn trong việc chúng ta tiến đến chỗ giải quyết những vấn đề quốc tế”. Thế nên, bản văn kiện này đã đề nghị nên có một “chính quyền quốc tế” dựa trên nguyên lý phụ thuộc, một nguyên lý mà theo đó, nếu nước nào “không có khả năng đáp ứng những nhu cầu phát triển của mình, thì những nước khác buộc phải hỗ trợ nước ấy”.

Sau nữa, về Tinh Thần Dấn Thân Phục Vụ, làm việc Lao Động “cho” mọi người, bản văn kiện đề cập đến những vấn đề môi sinh, luân lý, nhân phẩm, nhất là tặng ân hy hiến bản thân mình.

Theo bản văn kiện thì việc phát triển của con người muốn thành đạt và tồn tại cần phải đặt trên: “những giá trị luân thường đạo lý vững chắc, hay không thể nào thiếu được sự hướng dẫn cùng với những nền tảng cần thiết nhờ đó việc phát triển được theo đuổi này mới có thể thành đạt và tồn tại”. Bản văn kiện đã định nghĩa ý niệm phát triển khả thủ như sau: “Nói đến ý niệm về việc phát triển khả thủ là nói đến tiến trình đáp ứng những nhu cầu của con người hiện đại liên quan đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng các nhu cầu của họ. Ý niệm này phải được hiểu theo quan điểm của việc phát triển toàn diện con người”. Bản văn kiện đã lập lại chiều hướng duy nhất cho việc phát triển đích thực của con người từ cuộc họp thượng đỉnh 10 năm trước như sau: “Nguyên lý tiên quyết của Bản Tuyên Ngôn Rio ở chỗ: ‘Con người là trung tâm của những mối quan tâm về việc phát triển khả thủ’”. Đó là lý do tại sao Quốc Đô Vatican đã kêu gọi Cuộc Họp Thượng Đỉnh ở Johannesburg lần này hãy chấp nhận từ ngữ “vấn đề môi sinh nhân bản”, human ecology. Bản văn kiện của Quốc Đô Vatican đã giải thích thêm về vấn đề môi sinh nhân bản như sau: “Khái niệm trọn vẹn về vấn đề môi sinh nhân bản… chính yếu là ở việc bảo toàn và canh chừng những điều kiện về luân lý nơi tác hành của con người ở môi sinh. Cũng cần phải lưu ý là cái cấu trúc đầu tiên và cốt yếu của vấn đề môi sinh nhân bản đó là gia đình, nơi con người nhận được những ý tưởng giáo dục đầu tiên về sự thật và sự thiện, và biết được thế nào là yêu thương hay được thương yêu, nhờ đó biết được cả sự thực về con người là gì”.

Bản văn kiện của Quốc Đô Vatican đã kết thúc bằng một yếu tố quyết liệt cho việc phát triển đó là việc con người hiến thân với một phẩm vị “được xây trên tính cách chuyên nhất của con người khác biệt với tất cả mọi tạo vật; tức là tính cách được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa. Việc tương tự này chứng tỏ là con người, tạo vật duy nhất trên mặt đất được Thiên Chúa cho quyền sống vì mình, không thể hoàn toàn tìm thấy bản thân mình ngoại trừ thành thật trao tặng bản thân mình. Việc trao tặng bản thân mình là bảo đảm trên hết cho phúc hạnh của những người khác cũng như cho các thế hệ tương lai”.
 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 33, 1/9/2002, nhân Ngày Lễ Lao Động Labor Day Thứ Hai 2/9/2002).


 

 

31/8 Chúa Nhật XXII Thường Niên Năm B

CÁI VẺ BÊN NGOÀI
 

Ngày Thánh Mẫu năm 2002 tại Carthage, Missouri, lúc đang đứng ở một quán nước, tôi bỗng thấy một nhóm bạn trẻ sà vào mua nước uống. Thoạt trông thấy, nhiều người yếu bóng viá đã cảm thấy “nhột” vì cái lối ăn mặc không giống ai của nhóm này. Đặc biệt trong nhóm có một em mà đầu tóc trông giống như một vườn hoa muôn mầu, muôn sắc. Lại thêm đôi bông tai coi bộ rất “hải tặc”.

Cùng lúc đó, một nữ tu vừa ở phía sau quán bước ra kêu gọi những ai đang có mặt quanh quán giúp cho chương trình bác ái mà tu hội đang thực hiện nhân danh các trẻ em nghèo tại Việt Nam. Mỗi người kẻ ít người nhiều ai cũng vui vẻ giúp đỡ. Nhưng khi chiếc nón trên tay nữ tu đưa về phía “mấy đứa bụi đời” này, thì tôi nhìn thấy những khuôn mặt ái ngại của những người chung quanh hiện ra rõ ràng. Dường như nữ tu ấy cũng ái ngại thì phải, vì tôi thấy lời kêu gọi của bà bỗng yếu đi và như nói cho có lệ: “Các em có gì cho không?”.

Bất chợt, anh chàng đầu tóc loang lổ kia thò tay vào túi quần và rút ra một tờ giấy bạc được vò nát nằm trong đó chẳng biết từ bao giờ. Em cẩn thận vuốt cho gọn ghẽ đồng tiền, và kìa đó là một tờ giấy 50$ (năm mươi đôla). Em vui vẻ đưa cho vị nữ tu trước sự bỡ ngỡ của mọi người.

- Em có muốn thối lại không? Cho cả sao?!
- Vâng, con cho cả.

Em nói xong và cùng với nhóm bạn ra khỏi quán.

Câu truyện trên lại khiến tôi nhớ lại một hình ảnh khác tương tự. Hôm đó, anh bạn tôi dẫn một nhóm bạn trẻ đi sinh hoạt. Trên đường về, đói bụng nên cả đám ghé vào một quán ăn. Ngồi đối diện với nhóm của anh là một nhóm trẻ khác mà thoạt nhìn là biết ngay thuộc dân “đầu đường xó chợ” thứ thiệt. Phản ứng tự nhiên là cả nhóm đều thấy ngán. Nhưng một chuyện còn bất ngờ hơn những gì mà mọi người đang suy nghĩ, đó là khi món ăn được người bồi bàn bưng lên, thì người con gái coi như “nữ chúa” trong nhóm lại tỏ ra rất nghiêm chỉnh, cẩn thận làm dấu thánh giá, và dừng lại cầu nguyện ít giây trước khi ăn.

Không biết mấy ông Pharisiêu và luật sĩ mà Thánh Máccô nói đến trong Thánh Kinh nếu có dịp chứng kiến hai cảnh vừa kể sẽ nghĩ thế nào? Các ông lấy gì mà chê trách Chúa đây? Và các ông sẽ có phản ứng gì khi thấy một thằng đầu tóc không ra thể thống gì lại dám móc túi dâng cúng đến 50$, và một đứa “bụi đời” từ đỉnh đầu đến bàn chân kia lại biết kính cẩn làm dấu thánh giá và cầu nguyện trước khi ăn? Có lẽ mấy ông sẽ khó xử lắm, vì trong luật các ông đâu có chép đến trường hợp làm dấu trước khi ăn, nhưng chỉ nói đến việc phải rửa tay trước khi ăn thôi. Hơn nữa trong luật cũng không cấm một đứa trẻ đầu tóc xanh đỏ dâng cúng cho quĩ trẻ em nghèo tại Việt Nam 50 Mỹ kim.

Mừng cho mấy ông Pharisiêu và luật sĩ ấy vì đã chết, nhưng buồn vì tinh thần mấy ông vẫn còn. Tinh thần ấy dường như vẫn đang sống trong tôi, trong anh, trong chị, trong em, và trong chúng ta. Người Việt Nam đã chẳng có câu: “Trông mặt mà bắt hình dong. Con lợn có béo thì lòng mới ngon” là gì. Chả thế mà làm gì thì làm, chứ để bị mất mặt là không được. Con gái mà lỡ có bầu trước khi cưới thì phải phá thai. Con trai ông bà làm cho con gái tôi có bầu thì phải cưới. Con dâu mà xấu xấu một tí thì phải bỏ. Con rể mà nghèo thì được xếp vào loại rể cà chớn. Nhà mình là nhà gia giáo, vọng tộc, bố làm chủ tịch, và mẹ sinh hoạt trong nhiều đoàn thể. Làm gì thì làm, để mất mặt là không được.

Người Aâu Mỹ thì văn minh hơn, các ông bà luật sư đã áp dụng luật hấp dẫn ngoại hình của tâm lý khuyên các thân chủ họ, hoặc đòi hỏi phải để các thân chủ họ ăn mặc bảnh bao, son phấn, trang sức tề chỉnh khi ra hầu toà. Mục đích là để chiếm được niềm tin và cảm tình của bồi thẩm đoàn, các cơ quan ngôn luận, truyền thanh và truyền hình. Vì một người đẹp trai, đẹp gái ăn mặc lịch sự, hợp thời trang và nói năng lịch sự, bình tĩnh như thế kia, thì không thể nào là một thằng ăn cướp, một đứa hiếp dâm, hoặc một mụ tú bà được.

Cũng vì sống và ảnh hưởng bởi tinh thần ấy, nên hễ đã là cha, là thầy, là tu sĩ, là chủ tịch, là trưởng ban thì tất nhiên không có chuyện lầm lẫn, lẩm cẩm, lôi thôi thế này thế khác. Những cái đó chỉ là hậu quả của mấy anh nhà nghèo, khô khan, hoặc không tham gia các việc hội đoàn, giáo xứ, lười xin lễ.

Nhưng có những cái mà không cần phải xét nét, không cần phải phê phán, tự nhiên nó cũng lòi ra mà không áo quần, trang sức, hoặc chức tước nào có thể che dấu được. Đó là đời sống và tư cách của một người. Người ta chỉ có thể che đậy được một vài giờ, và trong một vài hoàn cảnh, nhưng dứt khoát không thể nào che đậy nổi mãi cái tâm ý tà vạy, cái thói kêu căng, phách lối, và những ham muốn dục vọng, tham lam quá độ, hoặc ích kỷ hẹp hòi. Chính Chúa Giêsu đã nói điều này với những ông Pharisiêu và luật sĩ chuyên phê phán và xét nét người khác: “Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế” (Mc 7: 23). Nội tâm con người làm cho con người ra ô uế. Aùo quần không làm cho con người ô uế.

Đừng đoán xét người khác theo cái vẻ bề ngoài của họ. Cũng đừng câu nệ và hình thức. Chúa Giêsu qua bài học hôm nay đã muốn chúng ta phải biết sống thật với chính mình, và sống thật với anh chị em mình. Nếu mình đã không thật với lòng mình, thì việc đến với Chúa cũng chỉ là bôi bác: “Dân này thờ kính ta bằng môi bằng miệng còn lòng chúng thì xa ta” (Is 29:13). Chắc vị nữ tu được nhắc đến ở trên sẽ không bao giờ quên được hình ảnh anh chàng đầu tóc xanh đỏ, và tờ giấy bạc 50$ của em. Tôi tin là trong dịp Thánh Mẫu năm ấy, nữ tu này đã gặp nhiều người ăn mặc đẹp đẽ, thái độ hòa nhã, trí thức và lịch sự hơn em trai này, nhưng tôi cũng tin là ít ai trong họ đã vui vẻ móc túi ủng hộ 50$ vào công tác bác ái của bà. Mấy ông, mấy bà Pharisiêu thời đại nếu có nhìn thấy tụi nhóc quần áo, bông tai, mặt mày không giống ai kia mà lại nghiêm trang, kính cẩn làm dấu và cầu nguyện trước khi ăn, thì cầm chắc là hơn mấy ông, mấy bà rồi. Nhiều người bề ngoài đạo mạo, nghiêm trang, nói năng đạo đức, và hô hào đền tạ, cầu nguyện, nhưng đã không bao giờ làm dấu thánh giá, và cầu nguyện mỗi khi ngồi vào bàn ăn tại một tiệm ăn.

Sống theo hình thức và giả hình. Sống với tư tưởng phê phán và xét đoán. Lối sống này dường như đã ăn sâu vào máu huyết và tim óc của nhiều người. Nhưng đây lại là lối suy nghĩ, phê phán, và sống không phù hợp với tinh thần Phúc Aâm. Lối sống của những Pharisiêu và luật sĩ giả hình. Những người chỉ chú trọng vào việc rửa sạch chén điã hoặc bàn tay trước khi ăn, nhưng lại quên gạn lọc, và tu tỉnh tâm tính của mình đối với việc nhìn và xử dụng chén đĩa, cũng như việc xử dụng các của ăn. Lạy Chúa, xin cho con biết luôn sống thật với lòng con, và sống thật với những người chung quanh con. Và xin cho con thâm tín rằng: “Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế” (Mc 7: 23).

 

Trần Mỹ Duyệt

“Bảy Thần Ô Uế Khác”

Chúa Nhật tuần này là Chúa Nhật XXII Thường Niên Năm B. Năm Chúa Nhật liền vừa rồi, từ Chúa Nhật XVII tới XXI, chúng ta đã nghe các bài Phúc Âm không phải của Thánh Marcô là phúc âm thuộc chu kỳ phụng vụ Năm B, mà là Phúc Âm Thánh Gioan, một loạt 5 bài Phúc Âm về Bài Giảng Bánh Sự Sống. Vậy để tiếp nối chủ đề Mầu Nhiệm Chúa Kitô Sự Sống Tái Sinh của Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, Giáo Hội đã chọn bài Phúc Âm Thánh Marcô Chúa Nhật XXII Thường Niên Năm B tuần này về vấn đề tục lệ rửa tay trước khi ăn của người Do Thái, một vấn đề, theo giáo huấn của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm, chẳng những có vẻ tương phản với tinh thần của lề luật của Thiên Chúa, mà còn liên quan đến cả tính chất tinh tuyền của tâm linh con người nữa. Bởi vì ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến cái lầm lạc của con người, ở chỗ, con người đã coi trọng những gì là của mình hơn là của Chúa, những gì do mình tạo ra hơn là do Chúa qui định, những gì do mình nghĩ tưởng hơn là Mạc Khải Thần Linh, tức con người đã sống theo các thứ ngẫu tượng do chính họ tạo ra, nếu không muốn nói theo ngôn ngữ của Thánh Kinh Cựu Ước, con người ngoại tình với các tà thần không phải là Thiên Chúa chân thật duy nhất, những tà thần làm cho con người ra ô uế.

Thật vậy, nếu tất cả những gì con người tạo ra và tôn sùng chúng, đến nỗi coi chúng hơn lề luật của Thiên Chúa, đều là những gì tính mê nết xấu và tội lỗi, như 12 thứ vừa tội lỗi vừa tính mê nết xấu được Chúa Giêsu liệt kê trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này: “gian dâm (1), trộm cắp (2), sát nhân (3), ngoại tình (4), tham lam (5), ác tâm (6), lừa đảo (7), lăng loàn (8), tị hiềm (9), lộng ngôn (10), kiêu hãnh (11), mê muội (12)”, thì 5 thứ tội lỗi (1,2,3,4,10) và 7 tính mê nết xấu (5,6,7,8,9,11,12) được Chúa Giêsu chính thức nhắc đến này chính là các thần ô uế hay tinh thần bất chính gian ác giả tạo nơi con người và của con người. Phải chăng “bảy thần ô uế” (Mt 12:45) Chúa Giêsu muốn nói đến trong dụ ngôn về ngôi nhà hoang sạch sẽ là thành phần tính mê nết xấu được Người liệt kê ở bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này?

Riêng về tính mê nết xấu cuối cùng mang tên “mê muội” (đa số các bản dịch tiếng Anh dùng chữ “folly”, trong khi tiếng Việt dùng chữ “ngông cuồng”, “điên cuồng” hay “vô lương tri”) cũng được Chúa Giêsu liệt kê trong bản danh sách thần ô uế này nữa. Bởi vì thần ô uế này cũng làm cho con người ra dơ bẩn, đến nỗi không đáng ở trước nhan Chúa, như trường hợp của tông đồ Phêrô bị Chúa Giêsu thậm tệ quở trách là “Satan” và phũ phàng xua đuổi “hãy xéo đi”, chỉ vì vị tông đồ này “mê muội”, ở chỗ “không phán đoán theo đường lối Thiên Chúa mà chỉ theo đường lối loài người” (Mt 16:23). Chúa Giêsu cũng đã nhắc đến thứ thần ô uế “mê muội” này khi nói với thành phần giả hình Pharisiêu, khi gọi họ là “những người hướng đạo tối tăm mê muội” (Mt 23:24).

Hai bài đọc một và hai của Chúa Nhật tuần này còn nói đến những gì liên quan đến tính mê nết xấu “lừa đảo” và “kiêu hãnh”. Trong bài đọc một, Moisen đã nói với dân chúng được ghi lại trong Sách Nhị Luật rằng: “các người không được thêm thắt hay bớt xén những gì tôi truyền cho các người”. Thật ra dân Chúa không dám thêm hay bớt gì vào chính lề luật của Thiên Chúa. Thực tế cho thấy họ chỉ lập thêm những điều mới bên cạnh lề luật của Ngài thôi, như tục lệ rửa tay trước khi ăn, hay thanh tẩy các đồ ăn mua ở chợ về rồi mới dám ăn, hoặc rửa các thứ ly chén bình v.v., nhưng rất tiếc họ lại coi chúng hơn lề luật của Ngài. Thái độ này cho thấy con người đã mặc nhiên phạm tội “lộng ngôn”, một thứ tội phát xuất từ lòng “kiêu hãnh” của họ mà ra. Trong bài đọc hai, Thánh Giacôbê đã khuyên “anh em hãy khiêm nhượng đón nhận lời đã đâm rễ nơi anh em có khả năng cứu độ anh em. Hãy thực hành lời này. Nếu anh em chỉ nghe lời ấy thôi thì anh em đang tự lừa dối mình vậy”. Dân Do Thái nói chung và thành phần thông luật nói riêng đã không mắc chứng “lừa đảo” này hay sao, khi họ nghe lời Chúa, qua lề luật của họ, song vẫn không chịu tuân giữ hay không muốn tuân giữ (x Mt 23:4), nghĩa là họ thờ kính Thiên Chúa một cách bôi bác bề ngoài mà thôi, chứ không thật lòng.

Chính vì sống “giả hình”, không thật, tức sống trong gian dối, trong tối tăm, mà con người có thể làm bất cứ điều gì xấu xa tội lỗi, như 12 thứ tội lỗi và tính mê nết xấu được Chúa Giêsu nhắc đến trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này. Đó là lý do “giả hình” phải được kể như một thứ thần ô uế đã đóng vai gia chủ đi rủ thêm “bảy thần ô uế” khác, bảy loại tính mê nết xấu được kể đến trên đây, những thần ô uế “còn dữ hơn nó”, để nhào vô tác hại ngôi nhà Yến Duyên đã được các ngôn sứ dọn dẹp sạch sẽ gọn ghẽ nhưng lại bị dân chúng coi thường, làm cho ngôi nhà này trở thành hoang trống (x Mt 12:45)? Nếu đọc kỹ những lời Chúa Giêsu nặng lời trách móc thành phần luật sĩ và biệt phái Do Thái “giả hình” trong cả đoạn 23 của Phúc Âm Thánh Mathêu, người ta có thể thấy được nguyên vẹn hình hài của đầy đủ “bảy thần ô uế khác”, những tác nhân đã làm cho họ ra nhơ nhớp thối tha hết sức kinh tởm chẳng khác gì như một huyệt mộ chứa đầy những thứ chết chóc (x Mt 23:27).

Thế giới văn minh của con người ngày nay, nhất là thế giới Âu Châu vốn đồng nghĩa với văn minh Kitô giáo, sau khi được tinh thần Phúc Âm từ thiên kỷ thứ nhất dọn dẹp cho sạch sẽ và gọn ghẽ cho khỏi các thứ văn minh mọi rợ, giờ đây, đã bị “bảy thần ô uế khác” tàn phá hầu như đang đi tới chỗ phá sản đức tin đến khủng hoảng luân lý nơi đa số tín hữu, thậm chí cả nơi các đấng bậc. Thật vậy, lịch sử phũ phàng cho thấy, chính từ một châu lục đã hăng say truyền bá Phúc Âm hóa khắp thế giới từ khi bắt đầu hậu bán thiên kỷ thứ hai này nay đã trở thành nơi phát xuất tất cả những gì được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi là “văn hóa sự chết”. Con người thuộc thế giới Kitô giáo tiêu biểu này chẳng những đã hạ bệ Thiên Chúa xuống mà còn thay vào chỗ của Ngài các thứ ngẫu tượng vô cùng xấu xa ghê tởm do họ làm ra nữa.

Họ đã hạ bệ Thiên Chúa xuống, ở chỗ, không tuân giữ lề luật tự nhiên của Ngài. Ngay từ ban đầu Ngài đã kết hợp hai con người nam nữ lại với nhau trong hôn nhân và đã chúc lành cho việc sinh sản là tác động hôn nhân của họ (x Gen 2:21-24, 1:28). Giờ đây họ đã tự động cho phép nhau ly dị và phá thai, sống coi như không có Thiên Chúa, hay có thì Ngài đã chết rồi. Chưa hết, sau khi hạ bệ Thiên Chúa xuống khỏi vị thế của Ngài xong, con người liền ngang nhiên trèo lên ngồi chỗm chệ vào chỗ của Ngài, bằng các thứ ngẫu tượng của họ, những thứ ngẫu tượng văn hóa pháp luật do họ làm ra. Ngẫu tượng thứ nhất là ngẫu tượng hôn nhân đồng tính luyến ái và ngẫu tượng thứ hai là ngẫu tượng tạo sinh ngoại nhiên. Đúng thế, sau khi đã đi tới chỗ cho phép ly dị rồi con người vẫn cảm thấy chưa đủ, họ còn tiến tới chỗ tự lập nên một cơ cấu hôn nhân khác, đó là việc họ cho phép hai người đồng phái tính lấy nhau và có quyền nhận con nuôi như một gia đình thực sự vậy. Còn vấn đề truyền sinh, con người ra tay phá thai chưa đủ, họ còn tiến tới chỗ tạo sinh ngoại nhiên, như qua ống nghiệm, bằng việc mang thai mướn, bằng nỗ lực tìm cách tạo sinh sao bản phi tính dục (cloning) v.v. Con người cho rằng, để tránh nạn quá đông dân số trên thế giới, họ đã khuyến khích và có những lúc tìm cách buộc phải phá thai hay triệt sản, thế mà họ lại tìm cách tạo thêm những sự sống theo ý họ, theo kiểu của họ, kiểu của “bảy thần ô uế khác”. Ôi con người..!
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
 

 

(Giáo Hội Hiện Thế các tuần trước)