GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 10/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.
__________________
NGÀY 10 CHÚA NHẬT TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM C KHAI MẠC NĂM THÁNH THỂ |
Đức tin không thể cứu độ nếu Thiên Chúa chỉ là một phương tiện...
Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XXVII Mùa Thường Niên Năm C tuần trước, Chúa Giêsu đã chỉ cho các môn đệ bí quyết làm cho đức tin nơi các vị tăng phát, bằng việc các vị “hãy hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ” (Mt 18:3), ở chỗ, thâm tín và thực hiện lời Người khuyên dạy: “Sau khi các con làm xong tất cả những gì các con được lệnh làm thì các con hãy nói rằng ‘Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi chẳng làm gì khác ngoài nhiệm vụ của mình mà thôi’”. Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XXVIII Mùa Thường Niên Năm C tuần này, Chúa Giêsu còn cho các môn đệ đi theo Người lên Giêrusalem thấy thế nào là thực lòng tin tưởng, hay việc tin tưởng mạnh mẽ được thể hiện thực sự ra sao, qua việc Người chữa lành sạch cho mười người phong cùi ở một làng kia thuộc lãnh địa biên giới xứ Samaria và Galilêa. Phúc Âm Thánh Luca hôm nay trình thuật lại là trong mười người cùi được Chúa Giêsu chữa cho lành sạch này, chỉ có “một người trong họ”, “người này là người Samaritanô”, như Phúc Âm cho biết: “thấy mình được chữa lành đã trở lại lớn tiếng chúc tụng Thiên Chúa. Anh ta sấp mặt xuống dưới chân Chúa Giêsu mà ngợi khen Người”. Vấn đề Chúa Giêsu đặt ra ở đây là, cũng theo Phúc Âm thuật lại: “Chẳng lẽ cả mười người không được khỏi hết hay sao? Còn chín người kia đâu? Sao không có ai trở lại tạ ơn Thiên Chúa ngoại trừ người ngoại lai này?”.
Qua một loạt vấn nạn tỏ vẻ bỡ ngỡ hết sức này, Chúa Giêsu muốn nói với ai đây? Với người cùi được sạch đang sấp mặt dưới chân Người, hay với các môn đệ đang ở bên cạnh Người bấy giờ, hoặc với chín người phong cùi được khỏi song đã biến đâu mất tiêu?
Trước hết, căn cứ vào ý nghĩa của một loạt vấn nạn Chúa Giêsu đặt ra, chắc chắn Người không có vấn đề gì với người cùi Samaritanô ngoại lai trở về chúc tụng Thiên Chúa nơi Người là Đấng đã làm cho anh ta được lành sạch. Bởi vì, câu Người muốn nói với anh ta là: “Con hãy đứng dạy mà đi; đức tin của con đã cứu con”. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào câu Chúa Giêsu nói với người cùi Samaritanô này, thì chín người cùi kia cũng có đức tin, bằng không, họ cũng đâu có được lành sạch, đâu có được cứu khỏi bệnh cùi. Nghĩa là, cũng như người cùi Samaritanô trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, chín người cùi kia cũng thật sự tin tưởng rằng Chúa Giêsu có thể chữa họ lành sạch bệnh phong cùi, do đó họ mới cùng nhau, như Phúc Âm thuật lại là tìm “gặp Người. Đứng xa xa mà lên tiếng thưa Người rằng: ‘Lạy Thày Giêsu, xin Ngài thương đến chúng tôi!’”.
Như thế, lời Chúa Giêsu vấn nạn về 9 người cùi không trở lại tạ ơn Thiên Chúa là những gì tỏ ra cho thấy Người cố ý nói với họ, chứ không phải nói với người cùi ngoại lai Samaritanô hay với các môn đệ của Người? Thế nhưng, qua câu Người vấn nạn về 9 người cùi này, phải chăng Người vẫn không phủ nhận là họ thật sự đã có đức tin xứng hợp để đáng được Người chữa lành cho?
Chúng ta nên để ý đến hai chi tiết sau đây trong bài Phúc Âm hôm nay. Chi tiết thứ nhất là không phải chỉ có một người hay hai ba người bị phong hủi tìm đến gặp Chúa Giêsu để xin Người chữa cho được lành sạch, mà là mười người tất cả, nghĩa là một nhóm khá đông so với thành phần thiểu số dân chúng bị cùi. Chi tiết thứ hai là mười người cùi này hình như không phải ở một nơi trong cùng một trại cùi, mà là ở rải rác các nơi khác nhau trong vùng biên giới Samaritanô và Galilêa, và đã rủ nhau đến gặp Chúa Giêsu, vì trong đó có một người cùi thuộc xứ Samaritanô. Cũng có thể chín người cùi kia thuộc xứ Galilêa ở cùng một trại cùi có ý định đến gặp Chúa Giêsu chẳng may gặp phải người cùi Samaritanô có cùng một ý định như họ chăng? Tuy nhiên, con số đông người cùi, lên đến mười người một lúc đây, cho thấy chẳng những tiếng tăm của Chúa Giêsu đầy quyền năng mà còn cho thấy cả đức tin của những ai đến với Người nữa. Tóm lại, nếu mười người cùi trong bài Phúc Âm hôm nay không thực sự tin vào Chúa Giêsu là Đấng có thể chữa mình lành sạch thì đã không rủ nhau đông đảo tìm đến với Người như vậy. Chính sự kiện họ thật sự được lành sạch đã là bằng cớ hùng hồn cho thấy họ đã hết lòng tin vào Người, tin Người đến nỗi Người bảo họ làm gì, dù không biết kết quả ra sao, họ cũng làm y như vậy, đó là việc Người bảo họ “các anh hãy đi trình diện với các vị tư tế”, nhờ đó, nhờ lòng tin của mình, như Phúc Âm thuật lại, “Họ đang đi đến đó thì được khỏi”.
Đúng thế, việc mười người phong cùi trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này nghe lời Chúa Giêsu đi trình diện với các vị tư tế đây quả là một việc chứng tỏ họ hoàn toàn và hết sức tin tưởng Người. Bởi vì, theo luật Moisen, trong Sách Lêvi đoạn 12 từ câu 9 đến 34, khi biết mình bị cùi, họ đã phải đi trình diện với các vị tư tế rồi. Bây giờ họ lại phải đi trình diện nữa để mà làm gì? Họ có thể nghĩ như thế mà bỏ cuộc cũng được vậy.
Thật vậy, giống như trường hợp của quan Naaman ở bài đọc thứ nhất của Chúa Nhật tuần này, trong phần trước đó, phần không được Phụng Vụ Lời Chúa trích lại, Sách Các Vua Quyển 2 ở đoạn 5 câu 11 thuật lại rằng, sau khi nghe tiên tri Êlisa nói hãy xuống tắm ở sông Dược Đăng 7 lần thì da thịt của quan sẽ được lành sạch, quan liền tự ái tính bỏ cuộc mà rằng: “Ta tưởng rằng vị tiên tri này hẳn sẽ ra mặt đứng cầu cùng Chúa là Thiên Chúa của ông ta, rồi đặt tay lên để chữa lành dấu vết phong cùi chứ. Chẳng lẽ ở Đamascô lại chẳng có những giòng nước còn khá hơn tất cả những sông nước ở Yến Duyên hay sao?”. Thế rồi, sau khi nghe lời khuyên của đứa tớ gái Do Thái, quan đã bỏ mình đi nghe theo lời của tiên tri Eâlisa, để rồi, như bài đọc thứ nhất hôm nay thuật lại: “Khi quan trở lại đứng trước vị tiên tri mà nói: ‘Nay tôi biết rằng không có một Vị Thiên Chúa nào khác trên toàn thể địa cầu này ngoài Vị ở Yến Duyên”. Trường hợp của quan Naaman này cho thấy những gì Chúa Giêsu dạy các tông đồ trong bài Phúc Âm tuần trước về việc tăng phát đức tin của các vị, ở chỗ, các vị “hãy hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”, có thế, hạt giống đức tin, hạt giống mạc khải thần linh vốn có khả năng nẩy mầm, phát triển và trổ sinh hoa trái, mới đạt đến tầm vóc viên trọn của mình nơi các vị. Thánh Phaolô đã khẳng định trong bài đọc thứ hai của Chúa Nhật tuần này về tác dụng thần linh vô cùng mãnh lực của những gì Chúa làm, những gì Chúa nói, đó là: “Lời Thiên Chúa không thể bị trói buộc”.
Nếu mười người phong cùi được lành sạch đã thực sự xẩy ra như Phúc Âm Chúa Nhật tuần này thuật lại, thì nguyên nhân khiến tất cả mười người trong họ được lành sạch bệnh cùi này là do đức tin của họ, như Chúa Giêsu đã nói với một người trong họ: “Đức tin của con đã cứu con”. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao nhờ đức tin cả mười người cùi đã được lành sạch song chỉ duy một mình người cùi Samaritanô ngoại lai trở lại tạ ơn Thiên Chúa?
Phải chăng lời Chúa Giêsu phán với người cùi ngoại lai này không phải chỉ áp dụng cho việc anh ta được lành sạch phần xác giống như chín người cùi kia, mà nhất là áp dụng cho việc lành sạch phần hồn của anh ta. Thật vậy, chính vì người cùi ngoại lai này trở lại với Đấng đã chữa mình lành sạch bệnh cùi phần xác, tức đã trở về với Thiên Chúa là cùng đích của mình, mà anh ta đã thực sự sống trong chân lý, trong ánh sáng, nghĩa là đã được “chân lý giải phóng” (Jn 8:32), được cứu độ. Còn chín người cùi kia, chỉ coi Thiên Chúa là phương tiện cứu độ hơn là cùng đích của mình, do đó, sau khi đạt được những gì mình xin, đạt được ý riêng là chủ tể của mình, được thoát khỏi những gì khổ sở, liền quên Ngài, cho Ngài sang một bên, coi như không có Ngài. Thế nhưng, họ có biết đâu rằng, một khi linh hồn họ không được giải thoát, không được cứu độ, như trường hợp người cùi ngoại lai trong số họ, thì thân xác vừa được lành sạch của họ có thể sẽ trở thành dịp tội cho họ, thậm chí có thể làm cho họ bị vĩnh viễn hư đi, đến nỗi, một khi chẳng may ở vào trường hợp đời đời bất hạnh như người phú hộ trong bài Phúc Âm cách đây 2 tuần, chắc họ sẽ phải ân hận thốt lên: thà mình cứ bị cùi còn hơn. Và bấy giờ họ mới thấm thía cái phúc và cái khốn Chúa Giêsu đã nói trong bài Phúc Âm Thánh Luca Mùa Thường Niên Năm C Tuần Thứ 6: “Phúc cho các người là kẻ khóc lóc; các người sẽ vui cười. Khốn cho các người là kẻ giờ đây vui cười; các người sẽ phải khóc lóc buồn thương”.
Theo các Phúc Âm Nhất Lãm, nếu Chúa Giêsu chỉ chữa lành và thường chữa lành tật nguyền phần xác cho con người nếu họ có đức tin, hay tỏ đức tin của mình ra, thì 10 người cùi trong Bài Phúc Âm Chúa Nhật XXVIII Mùa Thường Niên Năm C theo Thánh Luca tuần này cũng phải có đức tin mới được Người chữa lành cho. Vậy tại sao khi con người ta khổ thì tỏ ra có đức tin, phải nói là có một đức tin rất mạnh, tuy nhiên, một khi hết khổ, hay một khi được sung sướng thì hầu như hết đức tin, nếu không muốn nói là thậm chí mất đức tin một cách dễ dàng nhanh chóng, như trường hợp của 9 người cùi không quay trở lại tạ ơn Thiên Chúa như người cùi Samaritanô ngoại lai trong bài Phúc Âm hôm nay?
Phải chăng đức tin nếu có tăng phát, như các tông đồ đã xin Thày mình tăng đức tin cho trong bài Phúc Âm tuần trước, thì đức tin cũng có thể giảm sút hay mất đi, như trường hợp chín người cùi trong bài Phúc Âm hôm nay? Tại sao nếu Thiên Chúa biết được con người vô ơn bội nghĩa như vậy mà còn ban ơn cho họ, những ơn lành về phần xác, những ơn sẽ khiến họ mắc tội với Ngài hơn, và có thể vì thế mà họ sẽ bị khổ về phần hồn hơn? Thà Ngài đừng ban cho họ có phải hay hơn không? Phải chăng, sở dĩ Ngài làm như vậy là bởi vì, như Thánh Phaolô thâm tín trong bài đọc thứ hai tuần này: “Nếu chúng ta chối bỏ Ngài, Ngài sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta bất trung, Ngài vẫn tín trung; vì Ngài không thể chối bỏ chính mình Ngài”?
Tóm lại, bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này chẳng những dạy cho chúng ta phải có lòng biết ơn Thiên Chúa về những gì Ngài đã ban cho chúng ta, nhất là những điều tự chúng ta muốn xin Ngài, như trường hợp của 10 người tật phong được bài Phúc Âm thuật lại, mà còn dạy cho chúng ta hai điều quan trọng nữa như thế này.Điều thứ nhất đó là phải coi Chúa là cùng đích của mình chứ đừng là phương tiện để đạt được đích điểm riêng của mình, bằng không, hệ quả của hành động lạm dụng của mình hay đi ngược chiều của mình sẽ rất ư là nguy hiểm và tai hại. Ở chỗ, chín người tật phong lấy Chúa là phương tiện, nên thấy mình được khỏi bệnh, tức được mọi sự như lòng mong ước thì quên Chúa là cùng đích mà mình phải qui về. Bằng không, thân xác đã được lành sạch bệnh cùi của một kẻ không biết đến cùng đích của mình, một kẻ sống như vô định, sẽ trở thành phương tiện để làm các điều xấu xa về luân lý là những gì còn ghê rợn hơn cả bệnh cùi về thể lý nữa. Thân xác của người được sạch cùi đây có thể hiểu là ngôi nhà đã không còn thần ô uế, nhưng nếu chủ nhà này không sống theo đức tin, cuộc đời của họ sẽ gặp nguy hiểm hơn trước nữa khi thần ô uế trở lại (x Lk 11:26).
Điều thứ hai đó là con người cần phải được lành mạnh nơi tinh thần của mình hơn là thân xác. Chính vì thế, khi người tật phong ngoại lai lấy Chúa làm cùng đích trở lại tạ ơn Chúa, bấy giờ Người mới bảo anh ta rằng: “Đức tin của con đã cứu chữa con”, một đức tin sẽ làm cho anh ta sáng suốt biết sử dụng thân xác của mình hoàn toàn theo dự án của Đấng Tạo Dựng, như một khí cụ công chính, một phương tiện để làm những điều lành thánh phúc thiện (xem Rôma 6:13).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Từ Kinh Mân Côi đến Sống Mầu Nhiệm Thánh Thể
Thật vậy, cử hành Phụng Vụ, kể cả việc cử hành Giờ Kinh Phụng Vụ trong ngày, như các vị linh mục buộc phải làm hằng ngày, là việc của chung Giáo Hội và nhân danh Giáo Hội hay thay cho Giáo Hội mà làm, dù làm một mình. Mà những gì của Giáo Hội, bởi Giáo Hội và cho Giáo Hội bao gồm tất cả kho tàng ân sủng của Chúa Kitô cũng như của Đức Mẹ cùng các thánh, nên có một giá trị cứu độ vô cùng và thánh hóa thực sự. Còn việc lần hạt Mân Côi hay đi Đường Thánh Giá chẳng hạn, dù tốt lành mấy đi nữa, hay mấy đi nữa, tự bản chất của mình, những việc này không phải là những việc cử hành phụng vụ, mà chỉ là những việc đạo đức theo cá nhân của người Kitô hữu mà thôi, nên giá trị cứu độ và thánh hóa của những việc đạo đức tốt lành này không thể bằng việc cử hành phụng vụ, như việc nguyện Giờ Kinh, việc lãnh nhận các Bí Tích, việc cử hành Thánh Lễ v.v. Đó là lý do, trong Tông Huấn Marialis Cultus, (đoạn 48), Đức Thánh Cha Phaolô VI đã minh định rằng: “Lần hạt Mân Côi đang khi cử hành phụng vụ là một lầm lẫn, thế mà, tiếc thay đây đó việc thực hành này vẫn còn tồn tại”.
Thật vậy, như Chúa Giêsu, tự bản tính, hơn Mẹ Maria thế nào, phụng vụ của Giáo Hội, tự bản chất, cũng có giá trị hơn kinh Mân Côi như vậy. Lý do là vì, Chúa Giêsu là trọng tâm của Phụng Vụ và thực sự hiện diện một cách bí tích khi Giáo Hội cử hành Phụng Vụ, cả Phụng Vụ Thánh Lễ cũng như Phụng Vụ Bí Tích, Mẹ Maria dầu sao cũng chỉ là Đấng Đồng Công “đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu” (Gioan 19:25) mà thôi. Tuy nhiên, nếu xét đến việc thông ban ân sủng, có thể nói, như thực tế cho thấy, Kinh Mân Côi lại có một tác dụng dễ dàng, dồi dào và hiệu nghiệm hơn là Phụng Vụ.
Sở dĩ kinh Mân Côi có tác dụng thông ban ân sủng một cách dễ dàng, dồi dào và hiệu nghiệm hơn Phụng Vụ như thế, là vì Mẹ Maria “đầy ơn phúc ... và Giêsu Con lòng Mẹ gồm phúc lạ” (Luca 1:28,42).
Thiên Chúa đã không trao cho Mẹ cả kho tàng của Ngài là Ngôi Lời nhập thể trong lòng Mẹ là gì! Thế thì lòng Mẹ, hay Trái Tim Mẹ cũng vậy, không phải là nơi chất chứa Kho Tàng Thần Linh này hay sao? Nếu Thiên Chúa đã muốn đặt Kho Tàng Thần Linh của Ngài ở ngay trong cung lòng của Mẹ Maria, chứ không phải ở trong tay nguyên tổ Evà, hay ở trong tay thánh Gioan Tẩy Giả, con người cao trọng nhất, thì không phải là Ngài đã muốn trao toàn quyền cho Mẹ canh giữ và tùy nghi ban phát cho những ai muốn lãnh nhận ân sủng từ Kho Tàng Thần Linh này hay sao!? Trong Thông Điệp Octobri Mense ban hành ngày 22/9/1891, Đức Thánh Cha Lêô XIII đã khẳng định điều này rất rõ ràng: “Ý của Thiên Chúa muốn là không một sự gì từ kho tàng vĩ đại của tất cả mọi ân sủng được ban cho chúng ta từ Chúa Giêsu - 'ân sủng và chân lý từ Chúa Giêsu Kitô mà đến' (Gioan 1:17) - lại không qua trung gian của Đức Maria.”
Kinh Mân Côi có tác dụng thông ban ân sủng cách dễ dàng hơn Phụng Vụ.
Thứ nhất, là vì điều kiện thực hiện. Khi lần hạt Mân Côi, người ta không cần phải đến nhà thờ như khi đi dự lễ, phải có linh mục ngồi tòa như khi đi xưng tội, phải có giám mục xức dầu như khi chịu phép Thêm Sức v.v. Có thể nói, khi lần hạt Mân Côi cách sốt sắng là người ta vừa là thừa tác viên ân sủng, vừa là người lãnh nhận ân sủng. Như thế, lần hạt Mân Côi không phải là một cách tự động, (theo kiểu self service ngày nay), rất dễ dàng trong việc lãnh nhận ân sủng hay sao!? Thứ hai, là vì công việc thực hiện. Để mở một kho tàng, theo các truyện thần thoại, người ta phải biết câu thần chú, cái mà ngày nay người ta gọi và sử dụng là mật số (secret code). Cũng thế, muốn mở cả lòng Mẹ Maria, nơi Thiên Chúa cất giấu mọi sự cao qúi nhất của Ngài trên trần gian, để tiến vào Kho Tàng Thần Linh là Chúa Kitô ở bên trong, người ta chỉ cần đọc mấy lời hết sức giản dị, đến nỗi trẻ con cũng thuộc và ai cũng được phép đọc, dù là tội nhân, không cần phải là thừa tác viên, phải có chức thánh mới được đọc lời mô thể cho Bí Tích hiệu thành. Lời thần chú hết sức gian dị mà vô cùng thần hiệu làm cho ân sủng tuôn tràn này là: “Lạy Cha chúng con ở trên trời (và) Kính mừng Maria đầy ơn phúc.”
Kinh Mân Côi có tác dụng thông ban ân sủng cách dồi dào hơn Phụng Vụ.
Mỗi Bí Tích chỉ ban một tích sủng (Ơn Bí Tích) đặc biệt của mình cho thụ lãnh nhân xứng đáng mà thôi. Chẳng hạn, Bí Tích Hôn Phối không ban tích sủng của mình cho người lành nhận Bí Tích Truyền Chức Thánh hay ngược lại v.v. Vẫn biết, không thể nào lần hạt Mân Côi mà người ta, dù sốt sắng đến đâu, có thể lãnh nhận một tích sủng nào đó mà không cần chính thức đi lãnh nhận Bí Tích ấy. Tuy nhiên, không phải khi đã lãnh nhận được một tích sủng nào đó là con người không cần phải nên thánh nữa; trái lại, càng thêm ơn, con người càng phải có trách nhiệm sinh lợi hơn: “Kẻ được nhiều sẽ bị đòi lại nhiều” (Luca 12:48). Tuy nhiên, để bao tồn và phát triển tích sủng đã được khi lãnh nhận Bí Tích không phải là chuyện dễ, cần phải có ơn Chúa nữa mới được. Mà, không gì dễ dàng để kéo ơn Chúa xuống cho bằng câu thần chú vô cùng linh hiệu là kinh Lạy Cha và Kính Mừng, hai kinh làm nên kinh Mân Côi. Thật vậy, nhờ đọc câu thần chú này đúng kiểu và đúng cách, lòng Mẹ Maria tự động sẽ mở ra, và người ta sẽ tha hồ mà thu tích cho mình đủ mọi thứ vàng bạc châu báu trong Kho Tàng Thần Linh vô cùng qúi giá, bất tận và bất diệt này, để làm cho những nén bạc tích sủng sinh lợi gấp trăm cho Đấng muốn “ai đã có sẽ càng được ban thêm cho càng dư dật” (Mathêu 13:12). Là Kho Tàng Thần Linh, Trái Tim Mẹ Maria có tất cả mọi chân trâu phú qúi là các nhân đức, công nghiệp và vinh quang của Chúa Cứu Thế và của chính Mẹ khi Đồng Công với Chúa, xứng đáng là ngân hàng cho chúng ta dùng kinh Mân Côi gửi vào đấy tất cả những gì Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta để sinh lời (xem Mathêu 25:27) theo ý Ngài.
Kinh Mân Côi có tác dụng thông ban ân sủng cách hiệu nghiệm hơn Phụng Vụ.
Thứ nhất, là vì tác động của nó nơi người lần hạt. Để tham dự Thánh Lễ hay lãnh nhận Bí Tích, người ta chỉ cần cộng tác vào việc cử hành Phụng Vụ mà thôi. Do đó, nếu không đủ ý thức và linh động đối với một lễ nghi dài hơn một chuỗi kinh Mân Côi, họ sẽ dễ trở thành thụ động, bất xứng với các Mầu Nhiệm Thánh. Trong khi đó, vì tự mình lần hạt Mân Côi, ngắn gọn, ý nghĩa, dễ dàng, người ta sẽ sốt sắng và ý thức hơn và sẽ tăng thêm lòng tri ân cũng như kính mến Chúa hơn. Nhờ đó, về mặt tiêu cực, họ sẽ cai thiện đời sống, không dám làm mất lòng Chúa, và, về mặt tích cực, họ sẽ bắt chước Chúa, vâng theo Thánh Ý Chúa và trở nên mọi sự cho tất cả mọi người như Chúa. Thứ hai, là vì hiệu năng của nó nơi các tội nhân. Một người tội lỗi, muốn được tha tội, nếu không chết bất đắc kỳ tử, cũng phải lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải. Trên thực tế, càng lâu xưng tội, càng ngại vào tòa cáo giải. Càng ít đến với Bí Tích Giải Tội, người ta càng thiếu ơn Chúa. Càng thiếu ơn Chúa, đã sẵn yếu đuối cộng thêm tội lỗi nặng nề đầy mình, tội nhân lại càng dễ sa ngã và càng khó lòng tự động chỗi dạy trở về nhà Cha, nếu không có phép lạ hay ơn đặc biệt. Trong trường hợp này, Bí Tích Giải Tội trở nên mục tiêu cho tội nhân, đòi họ phải vào tới tòa giải tội mới được ơn tha tội. Nhưng, làm sao họ còn đủ sức để trở về, để có thể đến được tận tòa giải tội mà họ đã trở nên xa lạ và ngại ngùng đây?Hãy nhớ lại trường hợp của Lazarô, dù xác của anh đã chết thối bốn ngày rồi, thế mà, với lòng tin của chị mình là Matta: “Nếu Thày có mặt ở đây em con đâu có chết, nhưng con biết rằng, ngay cả lúc này đây, Thiên Chúa sẽ ban cho Thày điều Thày xin cùng Ngài” (Gioan 11:21-22), Lazarô vẫn nghe thấy tiếng Chúa Giêsu gọi tên của mình và đã tự động bước ra khỏi mồ. Cũng thế, tội nhân tầy trời và cứng lòng đến đâu đi nữa cũng không thể nào cưỡng lại được sức mạnh vô địch của Kinh Mân Côi nói chung và của Kinh Kính Mừng nói riêng là kinh tuyên xưng và cầu khẩn đích danh thánh “Giêsu Maria”: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc... và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ”; “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”; “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hoả ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn” (Ngày 13/7/1917, Đức Mẹ dạy 3 Thiếu Nhi Fatima thêm lời nguyện này vào sau mỗi chục kinh Mân Côi).
Đối với tôi, tràng hạt Mân Côi giống như một cái “remote control” (bộ phận điều khiến xa). Nếu đầy đủ “pin” sốt mến, nó sẽ gây được nhiều tác dụng theo công hiệu thần tình của nó. Chẳng hạn, nó có sức làm cho Trái Tim Mẹ Maria, (đã được Viên Kỹ Sư Thần Linh gài sẵn cho có cùng một tần số -frequency- hay cùng một mã số -code- với bộ phận điều khiến xa này), như một màn ảnh TV, trình chiếu lại cuộc tình của Thiên Chúa, được tái diễn qua các mầu nhiệm nhập thể, tử nạn và phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu Kitô. Bộ phận điều khiển xa này cũng có thể làm cho Trái Tim Mẹ, như cánh cửa mở ra cho tội nhân vào ẩn náu và cho kho tàng ân sủng tuôn tràn ra cho nhân loại nói chung và cho Giáo Hội nói riêng. Đối với thần dữ, bộ phận điều khiển xa này, một khi được bấm lên bơi những bàn tay bám chặt vào Mẹ Maria, còn đóng được cả cửa hoả ngục và mở toang cửa Thiên Đàng.
Trên đây chỉ là những phân tích theo cảm nghiệm và nhận định cá nhân liên quan đến tác dụng của Kinh Mân Côi so sánh với Phụng Vụ nói chung và Thánh Thể nói riêng. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là Kinh Mân Côi có giá trị hơn hay lợi ích thiêng liêng hơn Phụng Vụ và Thánh Thể.
Thật ra, việc cử hành Thánh Thể và cầu Kinh Mân Côi, tuy tự bản chất khác nhau về tính cách và giá trị phụng vụ, nhưng có cùng một mục đích là “tưởng nhớ đến Thày” (Lk 22:19). Chung Giáo Hội “tưởng nhớ đến Thày” bằng việc cử hành Phụng Vụ, còn cá nhân Kitô hữu “tưởng nhớ đến Thày” bằng việc cầu Kinh Mân Côi. Tuy nhiên, nếu không khéo, việc cử hành Phụng Vụ của người Kitô hữu chỉ là những gì làm vì bị bó buộc (tự bỏ lễ Chúa Nhật không chính đáng sẽ bị sa hỏa ngục), hay làm một cách hững hờ, tức không cử hành một cách ý thức và chủ động theo tinh thần canh tân Phụng Vụ của Công Đồng Vaticanô II (đi lễ thì chuyên môn đến muộn, mới rước lễ hay vừa xong chịu lễ đã bỏ ra về, trong lễ thì lo ra chia trí đủ thứ về những việc cần phải làm, thi hành các cử chỉ đứng ngồi trong lễ một cách máy móc, sốt ruột khi nghe giảng dài, cộng đoàn nào hát lễ hay thì có mặt v.v.), thì phụng vụ chẳng những không sinh ích thiêng liêng gì cho Kitô hữu mà còn trở thành gánh nặng cho họ nữa. Bởi thế, mới thấy rằng, Kitô hữu chẳng những dự lễ mà còn sốt sắng cầu Kinh Mân Côi vốn là việc không buộc làm thì không phải là họ thao thức “tưởng nhớ đến Thày” hay sao?!
Đúng thế, việc cầu Kinh Mân Côi là tác động tỏ ra khao khát Thánh Thể, tức Kinh Mân Côi là đường lối đưa đến Thánh Thể, và Thánh Thể, trái lại, là sinh lực giúp Kitô hữu sống Kinh Mân Côi, đúng hơn sống Mầu Nhiệm Mân Côi là Mầu Nhiệm Chúa Kitô cũng là Mầu Nhiệm Thánh Thể, Mầu Nhiệm Thánh, Mầu Nhiệm Yêu Thương Trọn Hảo. Vâng, một trong những dấu hiệu cho thấy Kitô hữu cầu Kinh Mân Côi có cảm nghiệm được Chúa Kitô hay chăng, có thực sự cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Người hay chăng, là ở chỗ họ có sống Mầu Nhiệm Mân Côi hay chăng, hay nói ngược lại, đời sống của họ có phản ảnh những gì họ đã suy ngắm nơi Mầu Nhiệm Mân Côi hay chăng, nói đúng hơn, bằng việc cầu Kinh Mân Côi và sau khi cầu Kinh Mân Côi, họ đã trở thành một chứng nhân cho Chúa Kitô hay chưa, đến nỗi, những ai sống với họ đều cảm thấy Chúa Kitô sống trong họ, một Chúa Kitô yêu thương, một Chúa Kitô phục vụ, một Chúa Kitô tử giá, một Chúa Kitô hiệp thông, một Chúa Kitô Thánh Thể.
Như thế, nếu Thánh Thể đến với mỗi một người Kitô hữu khi hiệp lễ là để ở cùng với họ và nhất là để tiếp tục sống trong họ và nhờ họ, mà việc cầu Kinh Mân Côi lại là việc Kitô hữu “tưởng nhớ đến Thày”, việc họ ý thức được sự hiện diện thần linh của Người, việc họ bắt chước Mẹ Maria luôn “giữ những sự ấy mà suy niệm trong lòng” (Lk 2:19,51), việc họ tỏ ra cởi mở để sẵn sàng đáp ứng những gì Người muốn qua tác động của Thần Linh Người tỏ ra trong cuộc đời họ, thì Kinh Mân Côi quả thực là phương thế bất khả thiếu chẳng những để chủ động Cử Hành Thánh Thể mà còn để Sống Thánh Thể nữa.
Nếu trọng tâm của Kinh Mân Côi là Mẹ Maria, một tạo vật đệ nhất về ân sủng “vì đã tin tưởng” (Lk 1:45), thì việc cầu Kinh Mân Côi là việc cử hành Mầu Nhiệm Đức Tin (của Mẹ Maria), là cùng với Mẹ tin tưởng và “ngợi khen” (Magnificat) vào Vị Thiên Chúa vô cùng yêu thương đã tỏ hết mình ra nơi Lời Nhập Thể Vượt Qua là Chúa Giêsu Kitô. Và nếu Thánh Thể liên quan đến Chúa Giêsu Kitô là tất cả Mạc Khải Thần Linh và Kinh Mân Côi liên quan đến Mẹ Maria đầy ơn phúc vì đã tin tưởng, thì “việc cầu Kinh Mân Côi là việc cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô”, đúng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cảm nghiệm và xác định ở đoạn 3 trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria.
Chớ gì trong Năm Thánh Thể 10/2004-2005 này, chúng ta hãy cầu Kinh Mân Côi hằng ngày như lời Mẹ Maria kêu gọi ở Fatima để chẳng những thực hiện việc cải thiện đời sống mà còn để làm tông đồ cho Chúa Giêsu Thánh Thể bằng việc Sống Mầu Nhiệm Mân Côi như Mẹ Đồng Công Maria, Mẹ Mân Côi Fatima của chúng ta.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, Thứ Bảy 9/10/2004, ngày áp Khai Mạc Năm Thánh Thể
Van Nài Cho Bằng Được
(Trò Chơi Phúc Âm Chúa Nhật XXVIII Năm C)
Phúc Âm Lc 18:1-8
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng mà rằng: “Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà góa đến thưa ông ấy rằng: “Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù”. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà góa này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc”. Rồi Chúa phán: “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó? Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con: Chúa sẽ kíp giải oan cho họ! Nhưng khi Con Người đến liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”.
Hướng Dẫn
Qua bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu muốn khuyên dạy cho chúng ta, trước hết, phải liên lỉ nguyện cầu và nguyện cầu một cách kiên trì nhẫn nại, đến nỗi bao giờ được mọi sự như lòng mong ước hay được thỏa đáng nhu cầu của mình mới thôi.
Bởi vì, một quan án phàm nhân, coi trời bằng vung và nhìn đời bằng đuôi con mắt, mà còn biết giải quyết những gì phiền nhiễu đến mình, thì Thiên Chúa là Đấng muốn thi ân hơn ai hết, muốn bị làm phiền hơn ai hết, chắc chắn sẽ đáp ứng những kẻ cứ thích làm phiền Ngài.
Thành phần làm phiền Đấng hằng muốn ban ơn và thích được làm phiền đây chính là thành phần được Ngài yêu thích nhất, vì họ tỏ ra tin tưởng Ngài hơn ai hết, hiểu Ngài hơn ai hết, bởi thế mới đánh động Ngài hơn ai hết, khiến Ngài không thể không làm theo ý họ muốn.
Đó là lý do hôm nay chúng ta sinh hoạt Phúc Âm Chúa Nhật tuần này với trò chơi Van Nài Cho Bằng Được như sau.
Sinh Hoạt
1. Mỗi nhóm cử ra một người đóng vai van xin. Người quản trò đóng vai Thiên Chúa lắng nghe và đáp lời nguyện cầu của người van xin.
2. Mỗi người van xin phải bày tỏ ra tiếng lời than thở cùng ý nguyện của mình để xem Thiên Chúa đáp lời mình khẩn nguyện ra sao. Chẳng hạn, nói những lời như sau: “lạy chúa”, “xin chúa”, “cho con”, “những ơn sau đây”, “hạ mình xuống” v.v. (từ 2 tới 4 chữ thôi)
3. Thường Thiên Chúa không đáp lời van nài của con người ngay, nên Ngài cứ im lặng, một thái độ làm cho con người cảm thấy như Ngài thích làm trái với ý muốn của con người.
4. Bởi thế, người đóng vai Thiên Chúa phải đáp ngược lại những lời van xin của con người trên đây như sau: “chúa lạy”, “chúa xin”, “con cho”, sau đây những ơn”, xuống mình hạ” v.v., nghĩa là ngược lại với những lời trên đây.
5. Tuy nhiên, người cầu xin nào làm cho thiên chúa nói xuôi theo mình hay đáp lại giống như mình thì kể như ngài đã tỏ ra nhận lời mình rồi.
6. Chẳng hạn con người thân thưa cùng chúa rằng: “lạy chúa”, thay vì chúa đáp ngược lại “chúa lạy” thì lại đáp “sao con” thì kể như chúa đã lắng nghe và nhận lời. Hay chẳng hạn con người cầu nguyện “cho con”, chúa cũng lập lại “cho con” một cách thuận chiều với người cầu xin, thì kể như ngài tỏ ra làm theo ý người van xin.
7. Những ai làm được cho thiên chúa nhận lời van xin của mình nhanh nhất là người thắng giải Van Nài Cho Bằng Được.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL