GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 10/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.  

 

__________________

 NGÀY 11 THỨ HAI

TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM C

  

ĐTC GPII với Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 10/10/2004 về Ngày Khai Mạc Đại Hội Thánh Thể 48 Mở Màn cho Năm Thánh Thể


1.     Hôm nay ở Guadalajara Mễ Tây Cơ Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế được khai mạc với chủ đề: “Thánh Thể là Ánh Sáng và là Sự Sống của Tân Thiên Niên Kỷ”. Tôi xin hi65p nhất trong tinh thần với biến cố giáo hội quan trọng này, cũng là biến cố mở màn cho Năm Thánh Thể.


Nhân dịp Năm đặc biệt này, Tôi đã ban hành một bức tông thư cho toàn thể Giáo Hội với những lời mở đầu là “Mane nobiscum, Domine – Xin Chúa ở với chúng con” (x Lk 24:29). Chớ gì lời kêu gọi này vang động nơi hết mọi cộng đồng Kitô hữu, để nhờ nhận biết Chúa Kitô phục sinh “nơi việc bẻ bánh” (Lk 24:35), tín hữu sẽ làm chứng cho Người bằng đức bác ái cụ thể.


2.     Biểu hiện tốt đẹp cho đức bác ái của Giáo Hội địa phương đó là tổ chức Caritas của giáo phận. Ở Rôma, Caritas đang cử hành kỷ niệm mừng 25 năm thành lập. Tôi xin tạ ơn Chúa về nhiều hoa trái quảng đại được chín mùi trong những năm này, và khuyến khích cộng đồng giáo hội hãy tiếp tục công việc đào luyện cũng như với những hoạt động phục vụ người nghèo và túng thiếu.


3.     Chúng ta trao phó những ý chỉ này cho Mẹ Maria Rất Thánh là “Ngư6ời Nữ Thánh Thể” chuyển cầu chop chúng ta.


(Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin)


Chúa Nhật tuần tới, vào buổi chiều, hiệp thông trong tinh thần với những ai sẽ kết thúc Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế ở Guadalajara (Mễ Tây Cơ), Tôi sẽ long trọng chủ sự cử hành việc khai mở Năm Thánh Thể khắp Giáo Hội. Tôi mời gọi tín hữu hãy tham dự thật đông đảo vào biến cố quan trọng này của giáo hội để cùng nhau tôn kính Chúa Kitô là Ánh Sáng và là Sự Sống của tân thiên kỷ.

 


Nội Dung Bức Tông Thư Cho Năm Thánh Thể của ĐTC GPII: "Mane Nobiscum Domine" – Lạy Thày, xin ở lại với chúng con


Ngày Thứ Sáu 8/10/2004, ĐHY Francis Arinze Tổng Trưởng Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích, đã ra mắt Tông Thư Cho Năm Thánh Thể của ĐTC GPII: "Mane Nobiscum Domine", một bức tông thư được viết bằng Ý ngữ chưa được dịch ra các tiếng khác. Sau đây là nguyên văn những lời giới thiệu liên quan đến nội dung của bức tông thư này.

Vào ngày 10/6/2004, trong khi cử hành Lễ Trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô trước Đền Thờ Thánh Gioan Lateran, Đức Thánh Cha đã loan báo Năm Thánh Thể, một năm được cử hành khắp Giáo Hội từ Thánh 10 năm 2004 đến Tháng 10 năm 2005. Giờ đây Đức Giáo Hoàng đã cống hiến cho chúng ta một bức tông thư tuyệt vời và sâu sắc, "Mane Nobiscum Domine", để giúp hướng dẫn Giáo Hội trong việc mang lại lợi ích tối đa trong Năm Thánh Thể.


Bức Tông Thư này bao gồm phần dẫn nhập, 4 chương và phần đúc kết.


Dẫn Nhập


Trong phần dẫn nhập, Đức Thánh Cha vẽ lại cảnh Phúc Âm về hai người môn đệ đang trên đường đi Emmau, và sử dụng cảnh Phúc Âm này cho cả bức tông thư. Sau khi dẫn giải cho biết về sự kiện là Năm Thánh Thể diễn ra sau Công Đồng Chung Vaticanô II và Đại Năm Thánh 2000 (Chương 1), Đức Giáo Hoàng đã bàn giải về Thánh Thể như là một mầu nhiệm ánh sáng (Chương 2); như mạch nguồn và là biểu hiện của mối hiệp thông (Chương 3); và như nguyên lý của sứ vụ truyền giáo (Chương 4).


Năm Thánh Thể sẽ thúc đẩy Giáo Hội đặc biệt sống mầu nhiệm Thánh Thể. Chúa Giêsu tiếp tục bước đi với chúng ta và dẫn chúng ta vào các mầu nhiệm của Thiên Chúa, giúp lòng trí chúng ta hiểu được ý nghĩa sâu xa của Thánh Kinh. Vào lúc tột đỉnh của cuộc gặp gỡ này, Chúa Giêsu đã bẻ “bánh sự sống” cho chúng ta.


Nhiều lần trong giáo triều của mình, Đức Gioan Phaolô II đã kêu gọi Giáo Hội hãy suy niệm về Thánh Thể, căn cứ vào giáo huấn của các vị Giáo Phụ Hội Thánh, các công đồng chung và các vị tiền nhiệm của Ngài. Ngài làm điều ấy nhất là trong thông điệp “Ecclesia de Eucharistia”. Bức tông thư này mời gọi Giáo Hội hãy lại chú trọng đến bức thông điệp ấy.


Đức Thánh Cha đã đề cập đến hai biến cố quan trọng liên quan tới Năm Thánh Thể cũng là hai biến cố mở màn và kết thúc Năm Thánh Thể, đó là Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 48, một biến cố được tổ chức vào tuần tới ở Guadalajara (Mễ Tây Cơ), từ 10-17/10, và Thượng Hội Giám Mục lần thứ 11 sẽ diễn tiến tại Vatican từ 2-29/10/2005. Năm Thánh Thể này cũng bao gồm cả Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ được tổ chức tại Cologne (Đức quốc) từ 16-21/2005.


Đức Giáo Hoàng đã trao phó việc tổ chức Năm Thánh Thể cho các vị giám mục lo thực hiện vấn đề mục vụ của các ngài. Sự sâu xa của mầu nhiệm Thánh Thể là những gì làm cho Năm Thánh Thể chẳng những không gây trở ngại cho các chương trình mục vụ của mỗi Giáo Hội địa phương hay giáo phận địa phương, mà thực sự còn soi chiếu cho những chương trình mục vụ ấy một cách hiệu nghiệm nữa. Mầu nhiệm Thánh Thể là nguồn gốc, là nền tảng và là bí mật cho đời sống thiêng liêng của mỗi người môn đệ Chúa Kitô cũng như của hết mọi khởi động của Giáo Hội địa phương. Thế nên, cần phải nhấn mạnh đến chiều kích Thánh Thể của những khởi động hay chương trình về mục vụ ấy.


Chương 1: Sau Công Đồng Chung Vaticanô II và Đại Năm Thánh 2000


Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Năm Thánh Thể là một năm hết sức chú trọng đến Chúa Giêsu Kitô cũng như đến việc chiêm ngưỡng dung nhan của Người là những gì làm nên đặc tính cho cuộc hành trình mục vụ của Giáo Hội, nhất là từ Công Đồng Chung Vaticanô II. Nơi Chúa Kitô, Lời nhập thể, chẳng những mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ ra cho chúng ta thấy mà còn cả mầu nhiệm con người cũng được mở ra trước mắt chúng ta nữa.


Đức Gioan Phaolô II đã khai triển đề tài này trong bức thông điệp đầu tiên của Ngài, “Redemptor Hominis”. Ngài đã đề cập đến đề tài ấy một lần nữa vào năm 1994 trong tông thư “Tertio Millennio Adveniente” Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba để giúp Giáo Hội sửa soạn mừng Đại Năm Thánh 2000. Trong bức tông thư này, Ngài đã nói rằng Đại Năm Thánh 2000 là một năm “đặc biệt Thánh Thể” (đoạn 55). Đề tài Thánh Thể tiếp tục xuất hiện ở các văn kiện khác, như trong tông thư “Dies Domini” Ngày Của Chúa, nhất là tông thư “Novo Millennio Ineunte” Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ, một bức tông thư “hoạch định chương trình” cho ngàn năm thứ ba, cũng như trong tông thư “Rosarium Virginis Mariae” Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, một bức tông thư được dùng để công bố Năm Mân Côi vào ngày 16/10/2002. Vào mùa xuân của Năm Mân Côi, Đức Thánh Cha đã ban cho chúng ta một viên ngọc là bức thông điệp “Ecclesia de Eucharistia” Giáo Hội Bởi Thánh Thể, được Ngài ký ngày 17/4/2003, trong cuộc cử hành “Lễ Tiệc Ly của Chúa” Thứ Năm Tuần Thánh.


Chương 2: Thánh Thể, Mầu Nhiệm Ánh Sáng


Thánh Thể là một mầu nhiệm ánh sáng vì nhiều lý do. Chúa Giêsu xưng mình là “ánh sáng thế gian” (Jn 8:12). Trong tăm tối của đức tin, đối với Kitô hữu, Thánh Thể trở thành một mầu nhiệm ánh sáng, khi Thánh Thể dẫn họ vào sâu trong mầu nhiệm thần linh. Việc cử hành Thánh Thể là việc dưỡng nuôi thành phần môn đệ Chúa Kitô nơi hai “bàn tiệc”, bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Bánh Sự Sống. Trong phần thứ nhất của Thánh Lễ, Thánh Kinh đã được đọc lên để trí chúng ta được soi sáng và lòng chúng ta được nung nấu. Qua bài giảng, Lời Chúa được dẫn giải và áp dụng vào đời sống Kitô hữu trong thời đại của chúng ta. Trong khi trí khôn được sáng soi và tâm can được nung nấu thì các dấu hiệu mới tỏ hiện. Qua các dấu hiệu về Thánh Thể, ở một nghĩa nào đó, mầu nhiệm đã hiện lên trước mắt người tín hữu. Hai môn đệ đi về Emmau đã nhận ra Chúa Giêsu nơi việc Người bẻ bánh.


Thánh Thể là một bữa tiệc. Thế nhưng, trước hết Thánh Thể là một bữa tiệc hiến tế thực sự, ở chỗ, chúng ta loan truyền việc Chúa chịu chết, chúng ta tuyên xưng việc Chúa sống lại và chúng ta đợi chờ việc Người đến trong vinh quang.


Thánh Thể là chính Chúa Kitô hiện diện thực sự theo bản thể. Mầu nhiệm này cần phải được cử hành bằng một đức tin cao cả, theo các qui tắc phụng vụ được ấn định. Năm Thánh Thể sắp được bắt đầu là thời điểm thuận lợi để học hỏi tỉ mỉ bản “Institutio Generalis”, tức là bản hướng dẫn tổng quan Sách Lễ Rôma “edition typical” ấn bản lần thứ ba, và là thời điểm để bồi dưỡng tín hữu với một kiến thức giáo lý sâu xa.


Cách thức chúng ta cử hành Thánh Lễ phải bộc lộ cho thấy việc chúng ta hết sức nhận thức được sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô. Không được coi thường bỏ qua những giây phút thinh lặng. Những giây phút lâu dài tôn thờ Chúa Giêsu hiện diện trong nhà tạm là những gì chứng tỏ cho thấy lòng chúng ta mến yêu Người. Việc tôn thờ Bí Tích Thánh Thể ngoài Thánh Lễ cần phải được đặc biệt thực hiện trong năm nay, tại các giáo xứ cũng như ở các động đồng tu trì. Nhất là cần phải chú trọng tới việc đền tạ, chiêm ngưỡng và suy niệm thánh kinh tập trung vào Chúa Kitô. Cũng cần phải long trọng cử hành Mình Máu Chúa Kitô bằng việc cung nghinh Thánh Thể như là một việc tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Thánh Thể.


Chương 3: Thánh Thể là Mạch Nguồn và là Biểu Lộ của Mối Hiệp Thông


Các môn đệ đi về Emmau đã xin Chúa hãy ở lại “với” các vị (x Lk 24:29). Chúa Giêsu đã làm một điều hơn thế nữa. Người đã ban mình trong Thánh Thể để ở lại “trong” họ: “Các con hãy ở trong Thày và Thày ở trong các con” (Jn 15:4). Việc Hiệp Lễ là việc chia sẻ thân mật giữa Chúa Kitô và con người hiệp Lễ. Thánh Phaolô đã nói với Kitô hữu Corintô là: “Vì chỉ có một tấm bánh mà chúng ta tuy nhiều cũng là một thân thể duy nhất, bởi tất cả chúng ta thông phần vào cùng một tấm bánh duy nhất” (1Cor 10:17).


Thánh Thể còn biểu lộ cả mối hiệp thông của Giáo Hội và kêu mời các phần thể của Giáo Hội hãy chia sẻ những sản vật về tinh thần cũng như vật chất. Mối hiệp thông này của giáo hội được biểu lộ một cách tuyệt vời nơi vị giám mục khi ngài cử hành cùng với hàng giáo sĩ của mình nơi vương cung thánh đường trước sự tham dự đông đủ của thành phần Dân Chúa.


Trong Năm Thánh Thể này, tầm quan trọng đặc biệt của mối hiệp thông ấy cần phải được hòa hợp với Thánh Lễ Chúa Nhật ở giáo xứ.


Chương 4: Thánh Thể là Nguyên Lý và là Dự Án của Sứ Vụ Truyền Giáo


Hai môn đệ đi về Emmau, sau khi nhận ra Chúa, “đã lập tức chỗi dậy” (Lk 24:33) để truyền đạt tin mừng. Việc gặp gỡ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể dẫn Giáo Hội và hết mọi Kitô hữu đến việc làm chứng và truyền bá phúc âm hóa. Chúng ta phải tạ ơn Chúa và không được ngần ngại công khai bày tỏ niềm tin của mình. Thánh Thể dẫn chúng ta tới chỗ đoàn kết với người khác, làm cho chúng ta trở thành những người cổ võ hòa hợp, bình an, nhất là biết chia sẻ mọi sự với thành phần thiếu thốn.


Năm Thánh Thể phải dẫn các cộng đồng giáo phận và giáo xứ đến chỗ đặc biệt quan tâm tới những hình thức nghèo khổ khác nhau trên thế giới, như tình trạng đói khổ và bệnh tật, nhất là ở các nước đang phát triển, tình trạng cô đơn của các vị lão thành, tình trạng thất nhiệp và đau khổ của thành phần di dân. Qui chuẩn bác ái này là dấu hiệu cho thấy tính chất chân chính của việc chúng ta cử hành Thánh Thể vậy.


Đúc Kết


Đức Thánh Cha cầu xin để cho Năm Thánh Thể trở thành một cơ hội quí giá cho tất cả mọi người trong việc tiến đến chỗ tái nhận thức về kho tàng khôn sánh đã được Chúa Kitô ký thác cho Giáo Hội của Người.


Các vị chủ chiên ở các Giáo Hội địa phương cần phải khai triển thêm những khởi động đặc biệt. Thánh Bộ Phụng Vụ Và Bí Tích cũng sẽ cống hiến những đề nghị và phác họa hữu dụng. Đức Giáo Hoàng không yêu cầu làm thêm những điều ngoại lệ ấy song muốn tất cả mọi sáng kiến đều phải có một chiều kích thiêng liêng sâu xa.


Cần phải ưu tiên chú trọng đến Thánh Lễ Chúa Nhật và việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ.


Đức Gioan Phaolô II khuyến dụ tất cả mọi phần tử của Giáo Hội, giám mục, linh mục, các thừa tác viên khác, chủng sinh, thành phần tận hiến, giáo dân, nhất là giới trẻ, hãy làm những gì có thể để làm cho Năm Thánh Thể thành đạt. Ngài cầu cùng Đức Trinh Nữ Maria, vị Ngài nhìn ngắm như là mô phạm của Ngài, để làm sao Mẹ được noi gương bắt chước trong mối liên hệ giữa Mẹ với mầu nhiệm cực thánh này.


Trong khi Giáo Hội đang sửa soạn bắt đầu bước vào Năm Thánh Thể, qua bức tông thư “Mane Nobiscum Domine” tuyệt vời này, được ký vào ngày 7/10/2004, chúng ta thấy được vị hướng đạo của mình, tìm được ánh sáng chiếu soi chúng ta, tìm được vị sao của chúng ta, tìm được niềm phấn khởi và chỉ dẫn cho cuộc hành trình của chúng ta.

Về phần mình, ĐTGM Domenico Sorrentino, bí thư của Thánh Bộ này đã dẫn giải về tính cách lịch sử của bản văn kiện này như sau:


Ở phần đầu bài nói của mình với tựa đề “Bắt đầu lại từ Chúa Kitô”, ngài nói: “Giáo Hội tùy thuộc vào niềm tin của chúng ta nơi Chúa Kitô. Ở những giai đoạn lịch sử khác, nhưng có lễ vào thời buổi hiện nay hơn bao giờ hết, con người đang có khuynh hướng biến Vị Sư Phụ theo các chiều kích của mình. Đôi khi theo chủ ý ngay lành nhất trong việc đối thoại, chúng ta đi đến nguy cơ ‘làm suy giảm’ Chúa Kitô xuống, làm hao mòn mầu nhiệm đức tin nơi Lời nhập thể”.


Trong đoạn giải thích về “một Kitô giáo chiêm niệm”, vị thư ký này đã nói đến các dấu hiệu thoái bộ nơi tu đức ở vào những thời điểm tân tiến: “trong tình trạng loch sử mới này, Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh đến tính cách khẩn trương trong việc làm cho công đồng Kitô hữu nhận thức được các kho tàng của việc chiêm niệm Kitô giáo”.


Nơi điểm cuối cùng về “Nhu Cầu gương sáng”, vị thư ký này nhận định rằng: “Đức Giáo Hoàng quan tâm đến việc nhắc nhở cộng đồng Kitô hữu phải biến đức tin thành chứng từ… Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy bức Tông Thư về Thánh Thể này không chạm tới những khía cạnh về chiêm niệm và cử hành mà là nhấn mạnh đến việc dấn thân của Kitô hữu trong lịch sử, nhất là trong việc xây dựng hòa bình và phục vụ người thiếu thốn”.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 8/10/2004



Cuốn Tổng Lược Giáo Huấn Về Xã Hội của Giáo Hội


Hôm Thứ Sáu 8/10/2004, trong Tuần Lễ Xã Hội của Người Công Giáo Ý được tổ chức ở Bologna, ĐHY Renato Martino, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Công Lý và Hòa Bình đã loan báo rằng cuốn tổng lược này sẽ được phát hành vào ngày 25/10/2004.


Bản văn kiện này, được soạn thảo bởi hội đồng tòa thánh này và được giới thiệu bởi ĐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, sẽ bao gồm một cách hệ thống những nguyên tắc về giáo huấn xã hội của Giáo Hội liên quan tới những lãnh vực khác nhau trong đời sống cộng đồng.


Việc loan báo về việc sắp phát hành cuốn tổng lược cẩm nang này, việc phát hành sẽ xẩy ra vào ngày khai mạc của đại hội của Hội Đồng Tòa Thánh đây. Theo vị chủ tịch của hội đồng này thì cuốn tổng lược ấy được “chia ra làm 3 phần, nói về các nguyên tắc, về nội dung và về những quan điểm mục vụ” trong giáo huấn của Giáo Hội, để giải quyết một cách thích đáng “những vấn đề về xã hội trong thời đại của chúng ta”.


Trong bài diễn văn ở Bologna, vị hồng y chủ tịch đã chia sẻ: “Tôi tin rằng cuốn tổng lược này sẽ là một dụng cụ ích lợi cho việc hiểu biết về luân lý và mục vụ của những biến cố phức tạp đánh dấu thời đại chúng ta đây”.


Theo ngài, cuốn tổng lược này “là một bản hướng dẫn để soi động, ở cả cấp độ cá nhân cũng như cộng đồng, tác hành và chọn lựa giúp con người có thể nhìn về tương lai một cách tin tưởng và hy vọng”.


Bản văn kiện này nói lên những vấn đề quan hệ hiện nay, như vấn đề toàn cầu hóa, vấn đề hệ thống tài chính quốc tế, vấn đề vai trò của cộng đồng quốc tế trong kỷ nguyên kinh tế toàn cầu này, vấn đề liên hệ giữa Giáo Hội và các cộng đồng tôn giáo, và vấn đề chiến đấu với nạn khủng bố.


Cuốn tổng lược này đã được khởi xướng bởi Đức Cố Hồng Y tiền nhiệm của vị chủ tịch đương nhiệm, đó là ĐHY Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, vị qua đời vào tháng 9/2002.

 

Quyền Lực của Tòa Thánh Vatican và Hoa Kỳ: những điểm khác biệt

Ông Rafael Navarro-Valls, giáo sư dạy Đại Học Complutense ở Maní và là Tổng Bí Thư của Hàn Lâm Viện Hoàng Vương Tây Ban Nha Về Tư Pháp và Lập Pháp, vừa cho xuất bản một tác phẩm nhan đề “Về Quyền Lực Và Vinh Quang”. Cuốn sách này là tổng hợp những bài viết về các khía cạnh khác nhau giữa tổng thống Hoa Kỳ và thẩm quyền lãnh đạo thiêng liêng của ĐTC GPII. Tác phẩm này cũng nói đến cả các vần đề về “Phái Tính, Hôn Nhân và Luật Pháp”, “Văn Hóa và Đại Học”, “Lương Tâm và Luật Pháp”, những gì đưoọc tác giả dẫn giải trong cuộc phỏng vấn với cơ quan tín liệu Tây Ban Nha Veritas như sau.

Vấn:     Ý định của ông như thế nào trong việc thu thập các loạt bài này để làm thành tập sách của ông?

Đáp:     Khi tập trung vào cung cách tương đương về quyền lực của vị tổng thống Hiệp Chủng Quốc và quyền lực của Đức Giáo Hoàng, đệ nhất thẩm quyền thiêng liêng trên thế gian này, tôi muốn cho thấy một loạt những tương phản giữa hai quyền lực chỉ được phân biệt chỉ bằng “đường tơ kẽ tóc đỏ”.

Nếu Hoa Thịnh Đốn là khấu trường chính trị có vị tổng thống đóng vai chính thì Rôma là Tòa Giáo Hoàng, vị tin rằng bất cứ ai trên thế giới này cũng là diễn viên trong đại kịch bản do Thiên Chúa sáng tác.

Vấn:     Chức vụ tổng thống Hiệp Chủng Quốc trở nên sôi nổi khi gần đến ngày bầu cử 2/11. Theo ý của ông thì đâu là những đặc tính về đạo lý cần phải thấy nơi con người có quyền lực nhất này?

Đáp:     Chức vụ tổng thống này có hai bộ mặt: một bộ mặt mang lại hy vọng và có tính cách truyền thống; còn bộ mặt kia, đen đủi hơn, bao gồm những lời hứa hẹn bất thành cùng với những thực tại thô lỗ. Kissinger đã nói rằng quí vị “cần phải là một cái tôi cự phách không cần việc làm mới có thể trở thành ứng cử viên chức vụ tổng thống Hiệp Chủng Quốc”.

Đó không phải là quan điểm của tôi. Tôi nghĩ rằng một vị tổng thống cần phải đức tính, có óc tò mò tri thức, có nghị lực, có một cảm quan về lịch sử và có một nhãn quan về tương lai.

Những cuộc khủng hoảng ông thấy hằng ngày ở Tòa Bạch Ốc là một chuỗi những thách đố mà các vị tổng thống đã không bao giờ có thể giải quyết được. Do đó mà tất nhiên những bài viết (làm nên phần thứ nhất của cuốn sách) mới nói đến hết mọi thứ vấn đề, như các gương mù và vấn nạn, những lầm lỗi và thành quả quan trọng, sự liêm khiết và bại hoại.

Việc tôi nghiên cứu về vai trò tổng thống Roosevelt, Kennedy, Reagan, Bush bố, Clinton và Bush con, v.v. đều cho thấy như thế, mặc dù cuốn sách này cũng phân tích cả những nhân vật khác nắm trong tay quyền lực, như Churchill, De Gaulle và Bob Kennedy.

Vấn:     Ông đã giành phần dài nhất cuốn sách để phân tích về “quyền lực thiêng liêng” cùng với những vấn đề liên hệ đến quyền lực này. Quan điểm của ông về Đức Gioan Phaolô II ra sao?

Đáp:     Đức Gioan Phaolô II là một nhà cách mạng, vị dẫn đầu cuộc nổi dậy chống lại một lối sống bị chi phối, như Indro Montanelli nói, “bởi nỗi lo âu về cái mới mẻ mà vào buổi chiều đã trở thành hư nát những gì mới được sáng tạo vào ban sáng”.

“Những phân rẽ thê thảm (của cuộc nổi dậy) này (tương phản với những cuộc phân rẽ của Ngũ Giác Đài) là những gì bất khả đo lường được theo nghĩa quân sự, thế nhưng các hoạt động và ngôn từ của nó có một quyền lực liêm chính, một quyền lực bị kẻ thù của nó bình phẩm là liều lĩnh táo bạo của những ai nâng qui chuẩn lên trên bầu không khí tầm thường.

Thật vậy, hầu hết cuốn sách nói đến một loạt vấn đề có vai chính là quyền lực thiêng liêng của vị Giáo Hoàng. Đây là một quyền lực, như tôi đã nói đến trước đây, nhiều lần đã bị tách rời khỏi thực tại chỉ bằng một đường tơ kẽ tóc đỏ.

Tất nhiên ở biên giới ấy đã xẩy ra những cuộc giao tranh về căn tính (trào lưu tục hóa và những giới hạn của nó, quyền tự do diễn đạt và yếu tố tôn giáo, giáo phái, lãnh vực chung riêng nơi hoạt động chính trị v.v.). Tôi cẩn thận nghiên cứu những vấn đề ấy.

Ngoài ra, cuốn sách này bao gồm cả việc phân tích những loạt hành động khác của Đức Gioan Phaolô II (chuyến tông du tới Cuba, Trung Đông, việc Ngài tranh đấu cho nhân quyền, mối liên hệ giữa Ngài với Thẩm Quyền Palestine và Do Thái, Fatima và Bí Mật Phần Thứ Ba, việc Ngài đối đầu với những chủ nghĩa độc tài mới v.v.) đều là những gì chứng tỏ cho thấy một cách rõ ràng hoạt động liên tục của Ngài.

Những thách đố vị Giáo Hoàng này cần phải giải quyết ở Quảng Trường Thánh Phêrô còn phức tạp hơn nhiều những thách đố của tổng thống ở Tòa Bạch Ốc.

Vấn:     Hai lần trong cuộc phỏng vấn này ông đã đề cập tới “đường tơ kẽ tóc đỏ” phân biệt quyền lực thiêng liêng khỏi quyền lực trần thế. Ông có thể quảng diễn thêm ý tưởng này hay chăng?

Đáp:     Chỉ có ai đơn sơ mới nghĩ rằng không có những gì là bất ngờ xẩy ra nơi cái biên giới mập mờ này. Thế nhưng, những cái bất ngờ và chạm trán là một chuyện còn những mâu thuẫn lại là chuyện hoàn toàn khác hẳn.

Ngày nay chúng ta chứng kiến thấy một thứ khuynh hướng tò mò của truyền thông đại chúng trong việc pha mình vào phán đoán những hành động thuần túy tôn giáo thuộc thẩm quyền giáo hội. Một thứ khuynh hướng mà, qua hình thức cực đoan của nó, làm bốc lên những ngọn lửa hỏa lò dân sự thiêu cháy những thẩm quyền ấy, những thẩm quyền được coi như là những tân lạc giáo về xã hội.

Đó là điều tương tự đang xẩy ra ở Tây Ban Nha đáp lại những hành động hợp lý của thẩm quyền giáo hội phán quyết về chính sách gia đình của chính quyền liên quan đến vấn đề ly dị, giảng dạy đạo nghĩa, hôn nhân đồng tính v.v. Nếu phân tích nhiều báo chí và truyền hình thì kết quả là một ghi nhận dài dòng thảm thiết chất chứa một thứ giải thích thiên kiến, đem một “thứ phẩm trật truyền thống” đối chọi với “những nhà cải cách can trường” của Giáo Hội.

Điều này cũng đang xẩy ra, chẳng hạn ở Hiệp Chủng Quốc nữa. Ccáh đây không lâu, có một bài báo dài đã được phổ biến, phân tích việc đối xử từ những lãnh vực quan trọng của các ngành truyền thông về những vấn đề liên hệ tới luân lý thần học của Giáo Hội Công Giáo. Kết quả đó là những lập luận của các tín liệu này đã xoay tít “chung quanh một thẩm quyền giáo hội bị công hãm đang cố gắng để áp đặt truyền thống của mình bằng những hình thức kiểm soát đầy uy quyền và bằng một tập trung lỗi thời vào xã hội tân tiến”.

Vấn đề đặc biệt xẩy ra với tin tức liên quan tới thế giới đồng nam tính. Chúng ta đang chứng kiến thấy một hình thức “phản hồi chủ nghĩa giáo sĩ” là những gì về phía dân sự đang nỗ lực để làm tái diễn qui lệ trần thế cổ thời, tức là bắt đạo giáo phải tuân theo các xu hướng ý hệ. Đây là một thứ thú nhận mới mẻ sặc mùi trần thế.

Vấn:     Một phần khác của cuốn sách giành cho những bài viết về “Phái Tính, Hôn Nhân và Luật Lệ”. Quyền lực dân sự và giáo hội ở đây được so sánh ra sao?

Đáp:     Phần này bao gồm một chuỗi những bài viết cho thấy điểm ráp nối tinh tế nhất giữa xã hội dân sự và Giáo Hội, đó chính là hôn nhân và gia đình. Gia đình (“một thứ dân chủ nhỏ bé nhất”) ngày nay đang phải chịu những cơn gió đổi thay về những quan niệm đang thay đổi những gì làm nên truyền thống của nó.

Cần phải giải cứu gia đình khỏi cái đam mê của các phương tiện truyền thông cũng như cần phải được thẩm lượng theo những quan điểm thích hợp hơn về các vấn đề như bạo lực tình dục, những cuộc kết hợp như thật theo pháp quyền và những đôi phối ngẫu được công nhận, những thứ đạo lý sinh học mới, những thứ nan giải về luân lý phát sinh từ các kỹ thuật truyền sinh mới và rất nhiều những vấn đề khác về luân thường đạo lý và pháp lý. Đó là những gì tôi đã cố gắng để thực hiện nơi cuốn sách này.

Vấn:     Đề tài của chương mang tựa đề “Lương Tâm và Lề Luật” muốn nói đến là gì?

Đáp:     Không có một quyền lực thiêng liêng nào mãnh liệt hơn lương tâm của mỗi người. Đó là lý do tại sao, thường xẩy ra hơn bao giờ hết, tận thẳm cung của lương tâm con người có một thảm kịch tối tăm không có gì là lạ đang mở ra, ở chỗ con người cần phải chọn lựa giữa phận sự của lương tâm buộc phải tuân theo qui tắc hợp pháp (căn cứ vào những gì được chúng ta gọi là “lương tâm chung của xã hội”), với một phận sự đôi khi chống cưỡng trước những đòi hỏi lương tâm cá nhân con người phải tuân theo qui tắc về luân lý.

Những gì mà nhiều năm trước đây là cốt lõi của việc chống đối theo lương tâm, như việc từ chối cầm súng phục vụ quân đội, thì ngày nay đã nổ tung ra cả ngàn chiều hướng khác nhau theo kiểu đại phá về pháp lý, như việc theo lương tâm chống đối vấn đề phá thai, vấn đề các dược liệu, vấn đề chữa trị về y khoa, vấn đề thuế má, vấn đề các phương tiện giáo dục, vấn đề các thí nghiệm về khoa học v.v.

Những gì đang xẩy ra nơi luật lệ Tây Phương đây? Không kể đến tính cách cơ hội của hành vi biệt lập thì các nhóm thiểu số hiểu rõ ràng một cách hết sức cảm thức là đang có những cái mâu thuẫn nào đó hiện hữu nơi nền văn hóa tân tiến.

Bởi vậy mà, chẳng hạn, trong một xã hội bị tục hóa thì sự sống con người đòi phải hết sức cẩn trọng. Theo chiều hướng mất đi cảm quan về đời sau, sự sống hiện thời có một tính chất khác. Thế nhưng đồng thời sự sống con người có thể bị đe dọa bởi những cuộc xung đột chẳng khác gì cuộc chiến tranh, cũng như bởi việc lập pháp cho phép sát hại vào lúc bắt đầu và cuối sự sống. Bởi thế không lạ gì mà việc chống đối theo lương tâm bới phát hiện ở những lãnh vực này.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 26/9/2004
 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ