GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 10/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.
__________________
NGÀY 12 THỨ HAI ĐẠI HỘI THÁNH THỂ THẾ GIỚI 48: NGÀY 3 |
“Thánh Thể và Truyền Giáo là hai thực tại bất khả phân ly”: ĐTC GPII với thành phần Giới Trẻ Rôma tham dự sứ vụ “Chúa Giêsu Dưới Phố”
Thứ Bảy 9/10/2004, ĐTC GPII đã gặp một nhóm giới trẻ thuộc giáo phận Rôma đang tham dự vào sứ vụ, nhắm vào thành phần bạn bè của mình, sửa soạn cho Năm Thánh Thể, một sứ vụ mang dang xưng “Chúa Giêsu dưới phố”. Giới trẻ này cũng tham dự cuộc họp các đại diện thuộc các nhóm giới trẻ Âu Châu tôn thờ Thánh Thể.
ĐTC đã nhận định rằng những sáng kiến mà giới trẻ ở Âu Châu và Hiệp Chủng Quốc đang tham dự “dẫn chúng ta đang trong thời điểm ân sủng đặc biệt đối với toàn thể Giáo Hội” này vào Năm Thánh Thể.
Từ ngày 1-10/10/2004, những con người trẻ này đã dấn thân loan báo Phúc Âm cho giới trẻ khác ở trung tâm lịch sử Rôma, như một phần thuộc sứ vụ của họ được gọi là “Chúa Giêsu Trọng Tâm”. Câu tâm niệm này ám chỉ trung tâm thành phố Rôma cũng như trung tâm của cuộc sống. Biến cố được khởi xướng bởi giáo phận này đã qui tụ được 400 “nhà thừa sai” trẻ trung.
Sứ vụ này luân phiên rao giảng Phúc Âm và tôn thờ Thánh Thể ở Nhà Thờ Thánh Agnes ở Piazza Navona. Những màn trình diễn và hòa nhạc Kitô giáo cũng được biểu diễn vào buổi tối ở piazza này. Vào những ngày 6-10, lần đầu tiên xẩy ra Cuộc Họp Các Nhóm Trẻ Tôn Thờ Thánh Thể. Cả hai sáng kiến này đều theo chiều hướng sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2005 ở Cologne Đức Quốc. Trong bài huấn từ của mình ngỏ cùng giới trẻ, ngài đã nói:
“Thánh Thể và truyền giáo là hai thực tại bất khả phân ly… Không thể nào thực sự cử hành và tôn thờ Thánh Thể mà không đi đến chỗ truyền giáo. Cũng thế, việc truyền giáo cần phải có yêu tố Thánh Thể thiết yếu khác, đó là mối hiệp nhất của các tâm hồn”.
Ngài đã khuyên giới trẻ 3 điều thực tế như sau:
“Trước hết, hãy mến yêu Thánh Thể. Đừng bao giờ thôi cử hành và tôn thờ Thánh Thể cùng với toàn thể cộng đồng Kitrô hữu, nhất là vào ngày Chúa Nhật. Hãy biết làm thế nào để lấy Thánh Thể làm tâm điểm cuộc sống chung riêng của mình, nhờ đó, mối hiệp thông với Chúa Kitô mới giúp cho các bạn thực hiện những chọn lựa can trường”.
“Thứ hai, hãy say mê truyền giáo. Đừng sợ phải làm chứng cho niềm hy vọng… có một danh xưng đặc biệt là Chúa Giêsu Kitô!”
“Kinh nghiệm mục vụ này, kinh nghiệm là một học đường hiệp thông và tân truyền bá phúc âm hóa chân thực, sẽ tiếp tục và lan rộng. Tôi khuyến khích các bạn hãy tiếp tục để óc sáng tạo và lòng quảng đại được các bạn bày tỏ những những ngày này trở nên kích thích tố cho toàn Giáo Hội Rôma để giữ cho tinh thần truyền giáo còn sinh động”.
“Đừng sợ việc cần phải cống hiến những lý do tại sao các bạn ôm ấp niềm hy vọng ở nơi các bạn, một hy vọng mang một danh xưng rất cụ thể đó là Chúa Giêsu Kitô! Niềm hy vọng này cần phải được truyền đạt cho các người đương thời của các bạn, giúp cho họ tìm kiếm, cống hiến cho họ tình bạn chân thực và thông cảm đón nhận nhau, dẫn họ đến chỗ khám phá ra tặng ân cao cả Thánh Thể”.
“Để dễ dàng làm cho thế giới giới trẻ gặp gỡ linh đạo Thánh Thể thực sự thì đừng bao giờ bỏ việc uốn nắn nơi học đường của việc lắng nghe Lời Chúa, học đường của nguyện cầu, và học đường của việc cử hành các bí tích. Hãy luôn nhớ rằng địa điểm đầu tiên của việc truyền giáo đó là con người, thành phần được Thánh Thể thúc đẩy, xin chúng ta khả năng để lắng nghe và yêu mến vậy.… Theo ý nghĩa ấy, Tôi khuyến khích việc giáo phận phục vụ thừa tác vụ giới trẻ trong việc nghiên cứu phác ra những dự án mới để kiến tạo nên các học đường thực sự của việc truyền bá phúc âm cho giới trẻ”.
ĐTC cảm tạ giới trẻ “về những gì các bạn có cũng như đối với tất cả những gì các bạn làm cho Chúa Kitô và Giáo Hội. Tôi hứa với các anh chị em rằng Tôi sẽ nhớ đến anh chị em trong Thánh Lễ và việc tôn thờ Thánh Thể là những gì Tôi đã làm từ khi còn trẻ. Tôi muốn các bạn biết rằng Tôi đã gặt hái được nhiều hoa trái, chẳng những cho tôi mà còn cho tất cả những ai được trao phó cho Tôi nữa”.
Thánh Thể là Câu Giải Đáp cho Nhân Loại trong Thế Giới Ngày Nay
Sau đây là cuộc phỏng vấn của Zenit với ĐHY Josef Tomko, vị tổng trưởng hồi hưu của Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa cho Các Dân Tộc và là chủ tịch Tiểu Ban Tòa Thánh Đặc Trách Các Cuộc Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế.
Vấn: Đâu là ý nghĩa của các biến cố được tổ chức cho Năm Thánh Thể?
Đáp: Thánh Thể là đề tài chính của ba biến cố và là những gì thúc động toàn thể Giáo Hội Công Giáo sống một năm về “mầu nhiệm đức tin” là Thánh Thể.
Thánh Thể là một trong những sự thật chính yếu của đức tin và của Giáo Hội. Bởi vậy thật là xác đáng khi Công Đồng Chung Vaticanô II đã định nghĩa Thánh Thể “là nguồn mạch và là tột đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu”, cũng “là nguồn mạch và là tột đỉnh của tất cả việc truyền bá phúc âm hóa”.
Ý nghĩa và mục đích của ba việc hiệp nhất này đó là việc hiểu biết sâu xa hơn và việc củng cố vững mạnh đức tin vào vị Thiên Chúa nhập thể nơi Chúa Giêsu Kitô. Chỉ có những ai tin tưởng vào thần tính của Chúa Kitô mới có thể tin vào Thánh Thể mà thôi. Ai vững tin vào Thánh Thể, vào sự hiện diện, vào hy tế và vào việc tưởng niệm Chúa Giêsu Kitô, mới đào sâu niềm tin của mình vào thần tính của Chúa Kitô cũng như vào việc nhập thể của Người.
Bởi thế, Thánh Thể là trọng tâm của đức tin, một quan điểm làm cho một số miền đất ở Tây Phương thấy mình bị áp đảo bởi một “thứ âm thầm bỏ đạo” mới là một quan điểm đặc biệt cần thiết.
Ngoài ra, từ ban đầu, Thánh Thể cũng có chiều kích xã hội nữa, một khía cạnh mà trong thời Giáo Hội sơ khai đã được biểu lộ nơi các hình thức rộng mở và chia sẻ của cải sản vật, và vẫn còn cả cho đến ngày nay nơi các hình thức khác nhau, vì Thánh Thể tạo nên tình huynh đệ, tình đoàn kết, mối hiệp thông, bầu khí an bình, việc hòa giải, công lý và yêu thương.
Thế giới phát triển này đang trải qua một thứ suy đồi, một mùa đông nhân khẩu học, một nền văn hóa phản sinh, những khuynh hướng cải sinh và trần tục hóa.
Vấn: Làm thế nào việc suy niệm về Thánh Thể có thể giải đáp cho những nhu cầu của nhân loại và chống lại chiều hướng vô thần đang tràn lan hiện nay?
Đáp: Trước khi nói về những khía cạnh tiêu cực của một số “nền văn minh” là những gì không dân sự cho lắm ở nhiều khía cạnh, tôi muốn nêu lên một số những đóng góp tích cực liên quan đến Thánh Thể, nhất là nơi các Giáo Hội trẻ. Thật vậy, những việc cử hành một cách hân hoan của người Phi Châu cũng làm phong phú cho tình huynh đệ và đoàn kết để liên kết các bộ lạc cũng như các nhóm sắc tộc lại với nhau.
Ngoài ra, những việc cử hành ấy cũng không thiếu tính cách sâu xa nơi nhận thức về Thánh Thể như là một hiến tế, vì họ có thực hành việc hiến tế theo nghi lễ. Phụng vụ Thánh Thể cũng là nơi thực hiện việc hội nhập văn hóa, chẳng hạn như lễ nghi “arathi” của người Ấn Độ sau khi truyền phép, đó là những vũ điệu tôn thờ linh thánh v.v.
Về vấn đề suy đồi của một số “nền văn hóa” hay thậm chí một số “nền văn minh”, nhất là ở vùng có những giá trị thiết yếu về sự sống con người và yêu thương, chỉ cần nhớ lại rằng Thánh Thể là “bánh sự sống” và là tặng vật “cho thế gian sự sống” của Chúa Giêsu Kitô, một nguồn mạch làm cho tình yêu của con người được nên tinh tuyền và thăng hóa.
Vị Thiên Chúa Làm Người được tôn thờ nơi Thánh Thể, thế nhưng đồng thời cảm quan về phẩm vị của con người cùng với tình huynh đệ cũng được tăng bổ nữa. Chúng ta có thể nói sao đây về phẩm vị cao cả và niềm vui cảm nhận được nơi rất nhiều người đến với Thánh Thể là nơi không còn phân chia tầng lớp giai cấp, chủng tộc và giầu sang phú quí?
Điều này cũng được chứng thực nơi các Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế, nơi các gia đình ở địa phương tổ chức tiếp đón thành phần tham dự viên đến từ các quốc gia hay các châu lục khác. Như thế thì các việc cử hành Thánh Thể là một thứ nhân tính mới và là một nền văn minh mới, một nền văn minh yêu thương, phát triển một cách tỏ tường.
Một thứ văn hóa nào đó thuần túy chính trị bị tục hóa đã bị suy yếu về việc thực hành các bí tích, nhất là việc xưng tội trước khi nhận lãnh Thánh Thể. Mặc dù thật sự là các tòa giải tội khi được mở ra dân chúng có nối đuôi nhau vào xưng tội, nhưng việc tự thống hối lấy cũng được thực hành rộng rãi nữa.
Vấn: Ý kiến của Đức Hồng Y ra sao về vấn đề này?
Đáp: Ngày nay lời cảnh giác nghiêm trọng của Thánh Phaolô sau đây thực sự vẫn còn hiệu lực: “Ai ăn bánh hay uống chén của Chúa một cách bất xứng là phỉ báng mình máu Chúa. Vậy hãy xét mình để ăn bánh và uống chén này. Vì nếu ai ăn và uống mình Chúa cách vô thức là ăn và uống án phạt mình” (1Cor 11:27-29).
Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cũng ghi rõ: “Ai biết mình phạm trọng tội thì phải lãnh nhận bí tích Hòa Giải trước khi lên Hiệp Lễ”.
Vấn: Đã từng xẩy ra một cuộc phản đối chủ trương của một số vị Giám Mục Hoa Kỳ không cho những nhân vật chính trị hiệp lễ, thành phần xưng mình là Công Giáo, lại công khai ủng hộ những khoản luật và những việc phò phá thai, hôn nhân đồng tính v.v. Còn chủ trương của Đức Hồng Y ra sao?
Đáp: Không có ý nói bóng gió đến bất cứ một biến cố đặc biệt nào, tôi nghĩ rằng các câu được trích trên đây là những gì rất đích xác và rất hữu ích.
Vấn: Thánh Thể là tâm điểm của Giáo Hội cũng như của đời sống Kitô hữu. Thế nhưng hy tế của Chúa Kitô có công hiệu cho toàn thể nhân loại. Vậy thì Đức Hồng Y lập luận ra sao để giải thích với các tín hữu không sống đạo, với tín đồ thuộc các tôn giáo khác, và những người vô tín ngưỡng, những lý do khiến chúng ta tin tưởng đây?
Đáp: Đức tin là một tặng ân Thiên Chúa ban. Việc lập luận về Thánh Thể ngay trong thời của Chúa Giêsu dường như đã là một “thứ khó nghe”. Tối thiểu là cần phải có thiện chí ... Dù sao nó cũng là một thứ lập luận hoàn toàn phải lẽ, sâu xa và đẹp đẽ.
Đức tin cho thấy tình yêu bao la của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu Kitô đối với loài người. Nếu người ta hiểu được Thánh Thể là quà tặng Thiên Chúa ban cho loài người và “cho thế gian được sự sống”, đối với cả thành phần tín hữu cũng như vô tín ngưỡng, thì nó làm cho con người trực giác thấy được sự cao cả của tấm lòng Thiên Chúa.
Ngoài ra, Thánh Thể cho thấy mầu nhiệm về Chúa Giêsu Kitô, Đấng muốn hiệp thông thân mật với con người lãnh nhận Người và trở nên “bánh” nuôi dưỡng chúng ta, mà còn hiến mình làm hy tế không đổ máu hy tế thập giá đẫm máu độc nhất vô nhị cho toàn thể nhân loại.
Khi người ta đọc đoạn về việc lập Bí Tích Thánh Thể ở Nhà Tiệc Ly một ít tiếng trước cuộc tử nạn cứu chuộc của Chúa Kitô trên thập giá, thì sự thật về Thánh Thể chỉ giống như một tia sáng xuyên qua thủy tinh ở mặt này và xuất hiện ở mặt kia với một lăng kính mầu sắc khác nhau.
Thánh Thể là một tuyệt đại tặng ân của Chúa Giêsu, Đấng “yêu thương những ai thuộc về Người cho đến cùng”.
Dĩ nhiên, với một người vô tín ngưỡng, tôi sẽ bắt đầu bằng lập luận thiết yếu về Thiên Chúa, về Chúa Giêsu Kitô, chẳng hạn, căn cứ vào trình thuật phúc âm về cuộc phục sinh.
Với một người chủ trương bất khả tri tỏ ra vô thức và tránh tất cả mọi lập luận về Thiên Chúa, thì người ta cần phải trừ khử đi khía cạnh kiêu hãnh tự mãn và tự vệ hiển nhiên hay mặc nhiên, khía cạnh nhân bản vô thần tân thời, và tỏ cho họ thấy những giá trị của Thánh Thể đối với sự cao cả mà con người có được trước nhan Thiên Chúa.
Thật sự chủ thuyết bất khả tri đang lan tràn ở Tây Phương này ngày nay cần đến “sự bổ khuyết tâm hồn” là những gì mang lại ý nghĩa cho đời sống cũng như vẻ đẹp của Thiên Chúa trước cái hư ảo, cái tôi là những gì hủy hoại kẻ khác và chính mình, bởi thiếu vắng niềm hy vọng về hiện tại và tương lai.
Tôi nghĩ rằng chứng từ của các tín hữu ở các Cuộc Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế, ở các cuộc cử hành của chúng ta, ở việc thinh lặng tôn thờ nơi các giáo đường của chúng ta cũng là những lý lẽ cho những ai ngày nay không đủ tin vào Thánh Thể.
Chứng từ này còn giúp cho cả thành phần tín hữu nữa, vì như Đức Gioan Phaolô II đã có lần viết “đức tin được mạnh mẽ hơn bằng việc ban phát nó đi”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 4/10/2004