GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 10/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.  

 

__________________

 NGÀY 14 THỨ NĂM

ĐẠI HỘI THÁNH THỂ THẾ GIỚI 48: NGÀY 5

  

Tông Thư
Mane Nobiscum Domine – Xin Thày ở với chúng con

 

Của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Gửi Các Vị Giám Mục, Giáo Sĩ và Giáo Dân
Cho Năm Thánh Thể
10/2004 – 10/2005

 

Giovanni Paolo II


Dẫn Nhập


1.     “Lạy Chúa, xin ở với chúng con, vì trời sắp tối rồi” (x Lk 24:29). Đây là một lời thiết tha mời gọi của hai môn đệ trên đường đi Emmau vào buổi chiều tối của ngày phục sinh ngỏ cùng Người Lữ Khách đã đồng hành với họ trên đoạn đường đi của họ. Đầy những buồn thảm, họ không thể nào ngờ được rằng con người lạ mặt này lại chính là Vị Sự Phụ của mình, vị đã sống lại từ trong kẻ chết. Tuy nhiên họ vẫn cảm thấy lòng họ cảm thấy bừng nóng (x câu 32) khi Người nói chuyện với họ và “dẫn giải” cho họ biết những lời Thánh Kinh. Ánh sáng của Lời Chúa đã phá được tình trạng cứng cỏi của lòng trí họ và “đã làm cho họ mở mắt ra” (x câu 31). Giữa những bóng mờ của một ngày đang qua đi và cái tăm tối phủ kín tâm thần của họ, Người Lữ Khách này đã chiếu soi một tia sáng làm bừng lên niềm hy vọng nơi họ và khiến cho lòng họ chờ mong tất cả những gì là sáng tỏ. “Họ nài nỉ: “Xin hãy ở với chúng tôi”. Và Người đã đồng ý. Sau đó chẳng bao lâu dung nhan của Chúa Giêsu biến mất, thế nhưng Vị Sư Phụ này vẫn “ở” với họ, ẩn mình nơi “việc bẻ bánh” là những gì đã làm cho họ mở mắt nhận ra Người.


2.     Hình ảnh về các môn đệ trên đường đi Emmau có thể là một chỉ đạo thích hợp cho một Năm được Giáo Hội đặc biệt dấn thân sống trọn mầu nhiệm Thánh Thể. Giữa những vấn nạn và khó khăn của chúng ta, thậm chí những thất vọng chán chường đắng cay của chúng ta, Vị Lữ Khách thần linh này vẫn tiếp tục bước đi bên cạnh chúng ta, hướng chúng ta về những lời Thánh Kinh và giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn các mầu nhiệm về Thiên Chúa. Khi chúng ta gặp được Người một cách trọn vẹn, chúng ta sẽ tiến từ ánh sáng Lời Chúa tiến sang thứ ánh sáng phát tỏa từ “Bánh Sự Sống”, một tình trạng hoàn toàn viên trọn lời hứa của Người là “mãi mãi ở cùng chúng ta cho đến tận thế” (x Mt 28:20).


3.     “Việc bẻ bánh”, như Thánh Thể đã được gọi như thế ở những thời Giáo Hội còn sơ khai nhất, đã luôn là tâm điểm của đời sống Giáo Hội. Nhờ Thánh Thể, Chúa Kitô hiện thực trong thời gian mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người. Nơi Thánh Thể, bản thân Người đã được lãnh nhận như là “bánh sự sống từ trời xuống” (Jn 6:51), và cùng với Người chúng ta nhận được bảo chứng sự sống đời đời cũng như được tiên hưởng bữa tiệc vĩnh hằng của Gia Liêm thiên quốc. Theo giáo huấn của các Vị Giáo Phụ, của các Công Đồng Chung cũng như của các Vị Tiền Nhiệm của mình, Tôi thường thúc giục Giáo Hội hãy suy tưởng về Thánh Thể, gần đây nhất trong Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia. Ở đây Tôi không có ý lập lại giáo huấn này, một giáo huấn Tôi tin tưởng rằng sẽ được học hỏi kỹ lưỡng hơn và hiểu biết sâu xa hơn. Đồng thời Tôi cũng nghĩ rằng để đạt được mục đích ấy cần phải giành hẳn một năm cho bí tích tuyệt vời này.


4.     Như đã thông báo, Năm Thánh Thể sẽ được cử hành từ Tháng 10/2004 đến Tháng 10/2005. Tư tưởng về việc cử hành này phát xuất từ hai biến cố đánh dấu khởi điểm và tận điểm của nó, đó là Đại Hội Thánh Thể Thế Giới sẽ được diễn ra từ 10-17/10/2004 ở Guadalajara, Mễ Tây Cơ, và Thượng Hội Giám Mục Thế Giới Thường Lệ sẽ được tổ chức tại Vatican từ 2-29/10/2005 về đề tài: “Thánh Thể là Nguộc Mạch và là Tột Đỉnh của Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội”. Tôi cũng chú trọng tới một biến cố khác nữa, đó là Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ được tổ chức tại Cologne từ 16-21/8/2005. Tôi xin giới trẻ hãy qui tụ lại bên Thánh Thể là nguồn sống nuôi dưỡng đức tin và lòng nhiệt thành của họ. Một sáng kiến về Thánh Thể như thế này đã được Tôi có lần nghĩ tới: vì nó là việc phát triển một cách tự nhiên từ động lực mục vụ Tôi đã muốn cống hiến cho Giáo Hội, đặc biệt là trong những năm sửa soạn cho Đại Năm Thánh cũng như vào các năm sau đó.


5.     Trong Bức Tông Thư này, Tôi muốn tái xác nhận tính cách liên tục về mục vụ ấy cũng như muốn giúp cho mọi người nắm được tầm quan trọng thiêng liêng của nó. Về hình thức đặc biệt giành cho Năm Thánh Thể, Tôi đều tin tưởng vào việc đích thân tham gia của các Vị Chủ Chăn ở Giáo Hội riêng, những vị có lòng sùng kính đại Mầu Nhiệm này sẽ không thể không nghĩ ra những phương thức thích hợp. Chư Huynh Giám Mục của Tôi chắc chắn sẽ hiểu được rằng sáng kiến này, một sáng kiến thực sự xuất hiện ngay sau cuộc cử hành Năm Mân Côi, có mục đích đi vào chiều sâu thiêng liêng, bởi thế, nó không ngăn trở gì tới những chương trình mục vụ ở các Giáo Hội riêng. Trái lại, nó còn có thể soi dẫn các chương trình ấy, bằng việc, có thể nói, thắt kết chúng với chính Mầu Nhiệm này là mầu nhiệm nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của tín hữu cũng như hoạt động của mỗi Giáo Hội địa phương. Tôi không yêu cầu các Giáo Hội riêng phải thay đổi những chương trình mục vụ của mình, mà chỉ cần chú trọng tới chiều kích Thánh Thể là yếu tố làm nên tất cả đời sống Kitô Giáo. Về phần mình, qua Bức Tông Thư này, Tôi muốn cống hiến một vài hướng dẫn căn bản; và Tôi tin rằng Dân Chúa ở mọi tầng lớp sẽ hăng say và ưu ái đón nhận bản dự thảo này của Tôi.


(còn tiếp)


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_20041008_mane-nobiscum-domine_en.html


 

Giovanni Paolo II

 

Chúa Giêsu Hiện Diện Trong Bí Tích Thánh Thể trước Con Mắt Một Người Tin Lành Trở Lại Công Giáo

Sau những năm tháng sống không tin tưởng gì, Mark Shea đã trở lại Tin Lành, rồi sau đó gia nhập Giáo Hội Công Giáo qua những gay go về niềm tin trước mầu nhiệm Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. Giờ đây ông là vị chủ biên chính của tờ Catholic Exchange, một phát ngôn viên cho tờ Catholic Answers và là tác giả của nhiều tác phẩm, trong đó có cuốn “Này là Mình Thày: Một Người Tin Lành Khám Phá Ra Sự Hiện Diện Thực Sự”, do Christendom Press xuất bản. Nhân dịp Năm Thánh Thể (10/2004-2005), từ Seattle Washington State ông đã chia sẻ cảm nghiệm thần linh của mình với mạng điện toán toàn cầu Zenit như sau.


Vấn:     Làm sao mà ông là một người Tin Lành trước kia lại khám phá ra để rồi đi đến chỗ tin tưởng vào Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Giêsu nơi Bí Tích Thánh Thể?


Đáp:     Tôi là một người trở lại từ một quá khứ chẳng biết tin tưởng gì cả. Một khi trở thành một tín hữu, tôi cảm thấy có nhiệm vụ phải học hỏi từ những người được Thiên Chúa sắp xếp đến trong đời tôi để dạy bảo tôi.


Thế nhưng, nhóm Kitô hữu tôi đã gia nhập sau khi trở thành một tín hữu lại chẳng cử hành các phép bí tích gì cả, thậm chí cả phép rửa lẫn Bữa Tiệc Ly của Chúa. Họ là những người thuộc phong trào thánh linh theo chiều hướng phi giáo phái và chủ trương một thứ cực duy linh có khuynh hướng chuyên chú về linh thiêng, không màng gì đến thể lý, nhân bản và phụng vụ.


Là một người tân tòng, tôi đã được họ dạy cho biết rằng “phép rửa đích thực là phép rửa trong Thánh Thần; mối hiệp thông đích thực là ở chỗ Chúa Kitô nơi tôi cảm thông với Chúa Kitô nơi bạn” v.v. Những thứ nghi thức về thể lý như Hiệp Lễ được coi là loại chữ nghĩa chết chóc hơn là Thần Linh Sống Động. Phụng vụ được cho là những gì thuần túy môi miệng tái tụng những lời nguyện cầu vô nghĩa.


Việc cầu nguyện đích thực bao giờ cũng là và chỉ là những gì tự phát, không bị gò bó và bất ngờ đột xuất, vì Thần Linh muốn thổi đâu thì thổi. Dĩ nhiên, trước hết, quan niệm về Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Giêsu trong Thánh Thể được coi như là một thứ trò bịp bợm xa xưa của thời trung cổ đã trôi dạt vào lòng Giáo Hội thuộc Các Thời Kỳ Đen Tối (Dark Ages).


Văn tự tiêu chuẩn hiếm có cho thấy Mối Hiệp Thông này là của Thánh Gioan đoạn 6 câu 63: “Thần linh ban sự sống; xác thịt chẳng ích lợi gì. Những lời Thày nói với các con đều là thần trí và là sự sống”. Căn cứ vào đó, chúng tôi nhận thấy rõ ràng là mối Hiệp Thông thưự sự là mối hiệp thông với Thánh Linh và mối Hiệp Thông về thể lý là mối hiệp thông theo xác thịt và không cần thiết.


Tình trạng yếu kém về tinh thần đã là những gì có lợi trong những thời đại đã qua. Thế nhưng, giờ đây, Thiên Chúa đang thực hiện một điều mới mẻ trên thế gian này, nên những ai sống hòa hợp với Thần Linh của Ngài thì không còn cần đến những thứ trợ thính thị giống như cái nạng chống nữa.


Căn cứ vào quan điểm này tôi đã gặp những khó khăn về Thánh Thể, mỗi ngày một gia tăng, gia tăng hầu như khó kháng cự. Vì tôi cảm thấy rằng, và tôi vẫn còn cảm thấy rằng, tôi mắc nợ với những người anh em tiên khởi của tôi đây trong Chúa Kitô một món nợ ân tình tôi sẽ không bao giờ trả được. Chính họ là những người đầu tiên tỏ cho tôi thấy được tình yêu của Chúa Kitô, đã dạy cho tôi nguyện cầu và đã đọc cho tôi nghe Thánh Kinh. Họ tỏ cho tôi thấy bằng gương sáng về cách thức làm sao để có thể sống một cuộc đời làm người môn đệ trung thực của Chúa Kitô.


Thế nhưng, những vấn đề khác cũng bắt đầu dồn lên, một cách lộn xộn làm sao ấy, khiến tôi phải mất một thời gian lâu mới phân loại chúng được.


Nếu những gì về thể lý không quan trọng thì tại sao Lời lại nhập thể? Nếu chúng ta được cứu độ bởi máu Chúa Giêsu Kitô đổ ra thì có thật sự là ngu ngốc hay chăng về ý tưởng lãnh nhận thứ máu này (chứ không phải chỉ là một biểu hiệu của máu ấy) khi Hiệp Lễ? Nếu nghi thức bao giờ cũng là những gì xấu xa thì tại sao chúng ta lại thực hiện nghi thức nghiên cứu Thánh Kinh hằng ngày nhỉ?


Nếu những người Công Giáo đãng thực hiện việc “tái hiến tế” Chúa Giêsu trên bàn thờ, thì làm sao Giáo Hội Công Giáo lại lên án ý nghĩ quí vị có thể tái hiến tế Chúa Giêsu chứ? Nếu quí vị có thể thích thuận hiến tế Chúa Giêsu bằng lời nói, tức bằng việc xin Chúa Giêsu vào lòng của mình như là Chúa và là Đấng Cứu Thế của mình, cũng như bằng “việc nài xin máu Chúa Kitô”, thì tại sao những người Công Giáo không thể làm như thế theo bí tích chứ? Nếu nó chỉ là một biểu hiệu thì tại sao không có một ai trong cả ngàn năm đầu của Giáo Hội nhận được một ghi chú nào hết?


Những vấn nạn này cùng với nhiều vấn nạn khác đã buộc tôi phải xem xét giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo là những gì tôi đã luôn luôn tưởng rằng giống như là một đám đầy những con đỉa lúc nhúc bám vào cái thân tầu Thánh Kinh vốn nguyên tuyền.


Tôi đã ngỡ ngàng khám phá ra rằng giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo thực sự là một cây cải hoàn toàn tăng trưởng và giáo huấn của Thánh Kinh là một hải cải nhỏ bé.
Tóm lại, khi tôi đã khảo sát một số những chỉ trích của người Tin Lành về tín lý Chúa Giêsu Hiện Diện Thực Sự trong Bí Tích Thánh Thể tôi thấy rằng những lời chỉ trích ấy không có tính cách thánh kinh bằng kiến thức đơn thành của Giáo Hội Công Giáo về những lời “Này là Mình Thày”.


Vấn:     Những gì ít được hiểu biết nhất về Bí Tích Thánh Thể đối với giáo dân cũng như những người không phải là Công Giáo?


Đáp:     Tôi không phải là một chuyên viên thông thạo về vấn đề này, thế nhưng, nếu căn cứ vào cuộc thăm dò đã được thực hiện cũng như vào kinh nghiệm riêng của tôi đã từng là một người ngoài Công Giáo thì tôi nghĩ rằng điều ít được hiểu biết nhất chính là Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể.


Đối với những người ngoài Công Giáo thì cần phải mong đợi và giải thích vấn đề này một cách nhẫn nại chứ không phải thoáng cái là xong. Nhất là vấn đề tín lý này, thoạt thoáng nhìn, hầu như là một hình ảnh kiểu mẫu nhất của một thứ mê tín dị đoan quái gở. Ý tưởng về một vị Thiên Chúa nhập thể để những ai tôn thờ Ngài có thể ăn Ngài hầu chiếm hữu được các phẩm đức của Ngài dường như là một cái gì đó dã man tàn bạo ở vào trước thời tổ phổ Abraham, đối với cả những bộ óc phàm nhân kể cả tâm trí nhiều người Kitô hữu nữa.


Tuy nhiên, C. S. Lewis đã khéo léo diễn tả Kitô Giáo như là một thứ kết hợp kỳ lạ về tôn giáo vừa “dầy” lại vừa “mỏng”. Tôn giáo mỏng giống như một thứ cháo loãng. Nó bao gồm đạo lý luân thường, những câu châm ngôn, lý lẽ, những câu ngạn ngữ và những điển hình tân thời. Nhất thể thuyết là một thí dụ của thứ tôn giáo mỏng này.


Tôn giáo dầy thì lại đầy những lễ nghi bí nhiệm, máu huyết, tế tụng, kỳ lạ và khiếp sợ. Những người theo thứ tôn giáo này phải làm những điều theo luật buộc mà hầu như chẳng biết lý do tại sao, chỉ cần biết rằng đó là những gì cần phải tuân phục mà thôi. Do Thái Giáo thời Cựu Ước có nhiều những yếu tố dầy này, giống như nhiều yếu tố nơi loại sùng bái bí nhiệm của dân ngoại.


Đức tin Công Giáo bao gồm cả thứ tôn giáo mỏng lẫn dầy. Quí vị buộc phải tuân theo một thứ luật lệ về luân thường đạo lý sáng suốt, thế nhưng quí vị cũng cần phải tham dự vào một bữa tiệc máu huyết theo nghi thức nữa. Nhiều người tân thời đã bị dội lại trước nghi thức này và muốn biến nó thành một thứ biểu hiệu thuần túy theo bản chất.


Thậm chí nhiều người Công Giáo cũng muốn vượt thoát khỏi cái liên hệ có vẻ dã man với máu và hy tế này, và biến Thánh Thể thuần túy thành một bữa ăn gia đình, với mục đích chính là để các phần tử trong cộng đồng gia đình ấy tái khẳng định với nhau việc họ tỏ ra “chấp nhận” nhau, điều phải làm của một thứ tôn giáo rất mỏng.


Thế nhưng, Chúa Giêsu không muốn chúng ta như thế. Người vẫn tung ra những lời: “Này là mình Thày. Này là máu Thày” ở ngay giữa tất cả những gì làm thoải mái việc hân hoan tổ chức ở vùng ngoại ô.


Muì tanh hôi của Hy Tế này, và mầu nhiệm khôn lường của sự Phục Sinh, khiến chúng ta không thể quên được những gì tội lỗi của chúng ta bắt Người phải trả cũng như những gì Người chiếm được cho chúng ta. Người sẽ không để cho đức tin trở thành một thứ thuần quan niệm. Người nhấn mạnh đến việc giữ cho nó hiện thực.


Vấn:     Cuộc tranh luận về những trị gia phò phá thai lãnh nhận Thánh Thể cho thấy ra sao về việc tôn kính cần phải tỏ ra đối với Bí Tích Thánh Thể?


Đáp:     Tôi nghĩ rằng cuộc tranh luận này khá hiển nhiên cho thấy cái lầm lẫn trong Giáo Hội về sự hiện diện thực sự nơi Bí Tích Thánh Thể.


Nếu việc Hiệp Lễ thuần túy chỉ là một bữa ăn gia đình để tất cả chúng ta khẳng định lại những mối liên hệ cộng đồng của chúng ta nơi biểu hiệu chia sẻ và chăm sóc tuyệt vời này thì dĩ nhiên, nếu quí vị tin như thế, quí vị sẽ nghĩ đó là một việc làm thổ bỉ khi hất hủi người ta ra khỏi bàn ăn gia đình này chỉ vì vấn đề chính trị.


Thế nhưng, nếu bữa ăn này có cả mình và máu của Chúa Giêsu Kitô, hiện diện một cách bí tích như hiến tế để đền bù tội lỗi, thì vai trò làm môn đệ của chúng ta trước nhan Thiên Chúa cũng bị nguy hiểm nữa.


Đột nhiên vấn đề xẩy ra liên quan tới lời cảnh giác nghiêm ngặt của Thánh Phao lô đối với thành phần ăn và uống mình máu Chúa một cách bất xứng thì có tội. Nó thực sự trở thành vấn đề là quí vị đồng thời có vừa muốn sự sống cho chính bản thân mình mà vừa lại tích cực hoạt động trong việc chối bỏ sự sống đối với người khác hay chăng.


Bởi thế mà càng cần phải giáo dục dân chúng về những gì Thánh Thể là, nếu chúng ta muốn họ nghĩ tưởng một cách minh bạch về ý nghĩa của Thánh Thể cũng như về cách thức Thánh Thể cần phải được tôn trọng bởi những cuộc đời sống động vai trò môn đệ thực sự của mình, chứ không phải chỉ bằng việc tụ họp lại với nhau trong bầu không khí dễ chịu thoải mái.


Vấn:     Những văn tự và giáo triều của Đức Gioan Phaolô II đã góp phần ra sao vào việc hiểu biết Bí Tích Thánh Thể hơn và yêu mến Bí Tích Thánh Thể hơn?


Đáp:     Tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha này đã giúp tôi hơn bất cứ một điều gì khác đó là vấn đề tôi hiểu biết và mến yêu Thánh Thể bằng việc sống động, thậm chí bằng cả việc chết đi trong mối liên kết với Thánh Thể.


Người ta vẫn tự hỏi tại sao Ngài không thoái vị để trút gánh nặng giáo hoàng cho người khác, những gì nặng nề đối với sức khỏe yếu kém của Ngài. Thế nhưng Ngài, như một hy tế sống động, đang tỏ cho chúng ta thấy ý nghĩa của việc thế nào là cho đi tất cả.


Ngài đang tỏ cho chúng ta thấy rằng chúng ta đều là những hữu thể con người, chứ không phải là những động thể con người, và cái giá trị của một người không bị giảm thiểu bởi nỗi yếu đuối nơi thân thể của họ.


Qua sự kiện này tôi đã thấy được tính chất sâu xa kỳ lạ của Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu ẩn mình đi như là một miếng bánh chẳng có thú vị gì và như là một nhấp rượu vậy thôi, song cái vinh quang chính yếu và mầu nhiệm của vũ trụ này lại ở ngay chỗ đó.


Vấn:     Đức Thánh Cha chọn năm nay làm Năm Thánh Thể có một tầm mức quan trọng ra sao?


Đáp:     Đối với tôi thì tầm quan trọng này là ở cách thức Năm Thánh Thể cho thấy hoàn toàn phản lại với những gì thế giới đang diễn tiến vào lúc này đây. Mọi người đang kêu gào rằng việc giải quyết cuộc sống là do ở quyền lực và tranh giành: tranh giành về giai cấp, tranh giành về chủng tộc, tranh giành về giống tính nam nữ, tranh giành về tôn giáo. Mục đích hoàn toàn theo chủ nghĩa Darwin, đó là kẻ mạnh thì sống.


Nơi Thánh Thể, chúng ta thấy xuất hiện một mẫu sống thuộc thế giới khác, một thế giới yêu thương và khiêm hạ, chứ không phải quyền lực và thống trị, một lối sống cuối cùng sẽ được Thiên Chúa tưởng thưởng.


Vấn: Ông hy vọng ra sao về việc Giáo Hội thêm kiến thức và lòng tôn kính đối với Chúa Giêsu Thánh Thể trong năm nay?


Đáp: Tôi hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ tiếp tục thực hiện cho chúng ta tất cả những gì Người đang làm cho chúng ta, đó là tỏ cho chúng ta thấy hành động yêu thương lạ lùng và tuyệt vời của Người nơi Hy Tế Thánh Lễ.


Dĩ nhiên, cái mâu thuẫn của việc thực sự hiện diện này là cái mâu thuẫn được Chúa Giêsu tỏ ra là Hãy tìm kiếm vương quốc của Ngài trước hết rồi mọi sự khác cũng sẽ được ban cho các con.


Thánh Thể thực sự là một bữa ăn của gia đình quay quần chung quanh bàn ăn. Khi được rửa tội, chúng ta trở thành phần tử của gia đình Thiên Chúa. Thế nhưng, nếu chúng ta cố gắng biến Thánh Thể thành một biểu hiệu hay một giây phút sống gia đình thì chúng ta chẳng đạt được gì về lâu về dài cả.


Thế nhưng, nếu chúng ta tôn kính Thánh Thể theo đúng bản chất của Thánh Thể thực sự bao gồm cả mình, máu, linh hồn và thiên tính của Chúa Giêsu Kitô, và sống đời môn đệ của mình cho trọn vẹn tình nghĩa, thì chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta đã trở thành phần tử của gia đình này rồi mà không cần phải cố gắng làm điều ấy.


Tôi cầu xin và hy vọng rằng năm nay Thiên Chúa sẽ làm cho gia đình của Ngài gia tăng lòng yêu mến và biết ơn về hy tế cao cả của Đấng Hiện Diện Thực Sự trong Bí Tích Thánh Thể.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 12/10/2004
 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ