GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 10/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.  

 

__________________

 NGÀY 22  THỨ SÁU

  

Cái Hư Ảo của Giầu Sang Phú Quí

(ĐTC GPII: Bài giáo lý 122 về việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, Thứ Tư 20/10/2004, Thánh Vịnh 48 [49], cho Kinh Tối Thứ Ba, Tuần Thứ Hai)


1.     Việc chúng ta suy niệm bài Thánh Vịnh 48 (49) sẽ được chia làm 2 giai đoạn, đúng như Phụng Vụ Giờ Kinh Chiều đã làm, phụng vụ giờ kinh sắp xếp bài Thánh Vịnh này thành hai thời điểm. Giờ đây chúng ta sẽ dẫn giải chính yếu ở phần thứ nhất là phần cho thấy một trường hợp khốn khó, như ở bài Thánh Vịnh 72. Con người công chính phải trực diện với “những ngày tháng ám muội”, khi họ bị “vây quanh bởi điều tội lỗi của các kẻ bách hại”, thành phần “huyênh hoang về những thứ giầu sang phồn vinh của mình” (câu 6-7).

Cái luận kết của người công chính được làm nên như một thứ cách ngôn, xuất hiện một lần nữa ở cuối bài Thánh Vịnh. Nó tổng hợp một cách rõ ràng sứ điệp chủ yếu của bài thánh thi này: “Những kẻ tử vong không tồn tại với tất cả giầu sang phú quí của mình; họ chết đi như những con hoang thú” (câu 13). Nói một cách khác, “giầu sang phú quí” thực sự không phải là một thứ lợi lộc! Tốt hơn hãy sống nghèo nàn và kết hợp với Thiên Chúa.

2.     Câu cách ngôn này dường như âm vang tiếng nói khắc nghiệt của một con người khôn ngoan của thánh kinh cổ kính là Ecclesiastes, hay Qoheleth, khi con người ấy diễn tả số phận hiển nhiên giống như nhau của tất cả mọi sinh vật đó là sự chết, một cái chết mang lại cái hư không cho tất cả những thứ gắn bó mù quáng với những sự vật trần gian: “Như họ từ lòng mẹ mà ra thế nào, họ cũng sẽ ra đi như vậy, trần truồng như khi họ xuất thân, chẳng mang theo được gì bởi công khó của mình cả” (Ecclesiastes 5:14). “Số phận của con người và của dã thú chỉ là một; vật này chết đi cũng như vật kia vậy… Cả hai đều đi đến cùng một nơi” (Ecclesiastes 3:19,20).

3.     Thật là hết sức mù quáng khi con người tin rằng họ sẽ tránh được cái chết, khi họ cắm đầu vào việc tồn tích những thứ của cải vật chất: Thật vậy, vị tác giả Thánh Vịnh nói về một thứ “thiếu hiểu biết” hầu như có tính chất của loài thú.

Đề tài này cũng đã được tất cả mọi nền văn hóa cũng như tất cả mọi thứ linh đạo đào sâu, và được Chúa Giêsu bộc lộ cho thấy một cách nghiêm trọng và dứt khoát khi phán: “Hãy giữ mình khỏi tất cả mọi thứ tham lam, cho dù có giầu có nhưng sự sống không phải là ở những sở hữu vật này”. (Lk 12:15). Đoạn Người nói đến dụ ngôn về một con người giầu có ngu muội, một con người thu tích sản vật một cách vô độ mà không để ý gì tới cạm bẫy do tử thần nhử mồi mình (x Lk 12:16-21).

4.     Phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh hoàn toàn tập trung thực sự vào cái ảo ảnh chi phối tâm trí của con người giầu có. Ông ta tin rằng ông ta sẽ thành đạt ngay cả trong “việc buôn bán” cái chết chóc cho bản thân mình, bằng cách cố gắng tiêu diệt nó, như ông đã từng làm với tất cả những thứ ông đã chiếm hưữ, tức là công thành danh toại, là trổi hơn kẻ khác về lãnh vực xã hội và chính trị, là mánh khóe miễn trừng, là tham lam trục lợi, là tiện nghi thoải mái, là lạc thú truy hoan.

Thế nhưng, vị tác giả Thánh Vịnh cũng không ngần ngại gán cho cái kỳ vọng này là ngu xuẩn. Ông đã sử dụng một từ ngữ cũng có một giá trị về tiền bạc, đó là “sự chuộc đền”: “Người ta không thể cứu chuộc được mình, không thể chuộc đền với Thiên Chúa. Giá để chuộc lấy một sự sống quá ư là cao; người ta vẫn sẽ không bao giờ có thể sống đến muôn kiếp mà không tới ngày tận số” (câu 8-10).

5.     Con người giầu có ôm ấp cái may mắn đủ thứ của mình tin tưởng rằng họ sẽ thành công cả trong việc làm chủ sự chết nữa, như thể họ đã từng làm chủ hết mọi sự và hết mọi người bằng tiền bạc của mình. Thế nhưng, dù số lượng họ sẵn sàng cống hiến có nhiều mấy chăng nữa thì số phận tối hậu của họ cũng vẫn không đổi thay.

Như tất cả mọi con người, nam nữ, giầu nghèo, khôn dại, họ cũng sẽ phải đi đến nấm mồ mà thôi, như đã xẩy ra cho kẻ quyền thế, và họ cũng sẽ phải bỏ lại đời này vàng bạc yêu quí, những sản vật thể chất được họ hết lòng sùng bái (câu 11-12).

Chúa Giêsu đã nói xa xa với thành phần thính giả của Người câu vấn nạn day dứt này: “Con người ta có lợi gì khi họ được cả thế gian mà hư mất sự sống mình?” (Mt 16:26). Không gì có thể đổi được sự sống là tặng ân của Thiên Chúa, Đấng “nắm trong tay mình sự sống của hết mọi sự và hơi thở của toàn thể nhân loại” (Job 12:10).

6.     Trong số những vị Giáo Phụ của Hội Thánh dẫn giải về bài Thánh Vịnh 48{49) này, đặc biệt phải kể đến Thánh Ambrôsiô; ngài đã nới rộng ý nghĩa của bài thánh vịnh này bằng một quan điểm sâu hơn, bắt đầu chính lời mời gọi mở màn của tác giả bài Thánh Vịnh: “Hỡi tất cả mọi dân tộc, hãy nghe điều này! Hỡi tất cả mọi dân cư trên trái đất, hãy lắng tai nghe”.

Vị nguyên giám mục Milan đã dẫn giải thế này: “Chúng ta hãy nhận ra ở đây là, chính ở ngay lúc mở đầu, tiếng nói của Chúa Cứu Thế kêu gọi con người đến với Giáo Hội, để, bằng việc từ bỏ tội lỗi, họ trở thành những môn đồ của sự thật và nhận thấy được cái lợi lộc của đức tin”. Đúng thế, “tất cả mọi tâm can thuộc các thế hệ con người khác nhau đã bị nhiễm bởi nọc độc của con rắn, và lương tâm con người, bị nô lệ cho tội lỗi, không thể tự mình vượt thoát”. Vì thế mà vị Chúa này, “tự động hứa thứ tha theo lòng quảng đại của tình Ngài xót thương, nhờ đó con người tội lỗi không còn lo âu sợ hãi mà đầy ý thức, hân hoan để có thể hiến thân làm tôi tớ phụng sự Vị Chúa nhân lành này, Đấng đã thứ tha tội lỗi và tưởng thưởng những việc lành công đức” ("Commento a Dodici Salmi" [Commentary on Twelve Psalms], No. 1: SAEMO, VIII, Milan-Rome, 1980, p. 253).

7.     Nơi những lời này của bài Thánh Vịnh, người ta nghe thấy tiếng vọng của lời mời gọi của phúc âm: “Hãy đến với Tôi, hỡi tất cả những ai cảm thấy mệt nhọc và nặng gánh, Tôi sẽ bổ sức cho. Hãy mang lấy ách của Tôi” (Mt 11:28). Thánh Ambrôsiô tiếp: “Khi người ta đến thăm kẻ liệt, như vị bác sĩ đến chữa trị các thương tích đớn đau, Người cũng biên toa chữa trị, nhờ đó những ai biết lắng nghe Người thì taât cả tin tưởng lãnh nhận được phương thuốc chữa lành… Người đã kêu gọi tất cả mọi dân tộc đến với nguồn mạch của sự khôn ngoan và kiến thức, đến với những lời hứa hẹn được hoàn toàn cứu chuộc, hầu không còn ai sống trong lo âu, không còn ai sống trong thất vọng” (No. 2: Ibid., pp. 253.255).

Anh Chị Em thân mến,

Như Phụng Vụ Giờ Kinh Chiều chia bài Thánh Vịnh 48 làm hai buổi khác nhau, chúng ta cũng suy niệm bài thánh vịnh này làm hai phần. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu cái tiền đề phiền nhiễu trong bài thánh vịnh khi con người công chính được cho biết rằng họ phải đối diện với “những tháng ngày ám muội”, vì “các kẻ thù hiểm độc đang bao chung quanh họ”, cũng như vì những con người “huyênh hoang về cái dồi dào giầu sang của chúng”. Cảm nghiệm này đã khiến con người công chính đei đến chỗ thâm tín được rằng giầu sang phú quí chẳng có lợi lộc gì hết.

Thật vậy, tốt hơn là sống nghèo khổ và hiệp nhất với Thiên Chúa hơn là sống giầu sang, thành đạt, và cách xa Chúa. Vị tác giả Thánh Vịnh, khi sử dụng ngôn ngữ về tiền bạc, đã nhắc nhở chúng ta rằng “không ai có thể chuộc được chính mình hay trả giá cho mạng sống của họ”.

Phúc Âm đã tái nhắc lại đề tài này khi dạy chúng ta rằng cho dù là thành phần giầu sang và quyền thế cũng không thể nào thoát được tử thần. Chúa Giêsu đã kêu gọi tất cả mọi con người nam nữ, giầu nghèo, yếu kém hay quyền uy, khi phán: “hãy đến với Tôi tất cả những ai cảm thấy meat mã và gánh nặng, Tôi sẽ bổ sức cho. Hãy mang lấy ách của Tôi” (Mt 11:28). Chớ gì chúng ta luôn có ơn để hân hoan mang vác những gánh nặng của mình, với ý thức rằng kho tàng chân thực chỉ được tìm thấy nơi đời sống trong Chúa Kitô mà thôi.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 20/10/2004.

 


 

 

ĐTC GPII với Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ đợt 11 về việc “hãy tiếp tục lãnh đạo bằng gương sáng để truyền bá phúc âm hóa đàn chiên của chư huynh ...”.


Ngày Thứ Sáu 8/10/2004, ĐTC GPII đã tiếp các vị Giám Mục Hoa Kỳ đợt 11 viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên, thuộc giáo tỉnh tiểu bang Nữu Ước, về “Việc Tiếp Tục Làm Gương Sáng” của các vị giám mục. Sau đây là nguyên văn bài chia sẻ của Ngài:


Chư Huynh Giám Mục thân mến,


1.     Hôm nay Tôi rất vui mừng được đón tiếp chư huynh, những vị Mục Tử của Giáo Hội ở Nữu Ước tiếp tục loạt viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên của các vị Giám Mục Hoa Kỳ. Nhân danh Đức Giêsu Kitô Cứu Thế của chúng ta, Tôi xin chào chư huynh, nhờ Người Tôi chúng ta không ngừng tạ ơn Cha trên trời của chúng ta, “Đấng quyền năng của Ngài hoạt động trong chúng ta có thể thực hiện khôn lường ngoài lòng mong tưởng của chúng ta” (Eph 3:20).


Trong các cuộc gặp gỡ trước đây với các vị Giám Mục đồng hương Hiệp Chủng Quốc của chư huynh, Tôi đã chú trọng tới nhiệm vụ thánh hóa và giảng dạy Dân Chúa của hàng giáo phẩm. Qua đợt trước chư huynh, Tôi bắt đầu chia sẻ về trách vụ nặng nề của giám mục trong việc cai quản tín hữu. Hôm nay chúng ta hãy tiếp tục xét đến nhiệm vụ cai quản “munus regendi” này, một nhiệm vụ bao giờ cũng cần phải được thực thi theo tinh thần của lời huấn dụ ở Lễ Nghi Tấn Phong Giám Mục: “Danh xưng Giám Mục là một danh xưng phục vụ chứ không phải là một vinh dự, bởi thế, vị Giám Mục phải nỗ lực làm lợi cho người khác hơn là làm chủ họ. Đó là huấn thị của Thày chúng ta” (Roman Pontifical, Rite of Ordination of a Bishop: Homily; cf. "Pastores Gregis," 43).


2.     Chư huynh được kêu gọi “nhân danh Chúa Kitô” để tác hành nơi các Giáo Hội riêng của mình. Thật vậy, với tư cách là đại diện và là khâm sai của Chúa Kitô mà chư huynh cai quản phần chiên được ủy thác cho chư huynh (cf. "Lumen Gentium," 27). Là những vị mục tử, chư huynh “có nhiệm vụ qui tụ gia đình tín hữu và… duy trì đức bác ái và mối hiệp thông huynh đệ” (Pastoral Gregis, 5). Tuy nhiên, phận sự trực tiếp của chư huynh làm mục tử này không thể cô lập chư huynh khỏi trách nhiệm bao rộng hơn đối với giáo hội hoàn vũ; là phần tử của Giám Mục Đoàn, “cum et sub Petro” – cùng với và phụ với vị kế thừa Thánh Phêrô, chư huynh thực sự cùng thông phần vào mối quan tâm đến toàn thể Dân Chúa, khi chư huynh được tấn phong lên hàng giáo phẩm và tham dự vào mối hiệp thông phẩm trật (cf. "Lumen Gentium," 23). Ngoài ra, trong việc bảo toàn mối hiệp thông giữa Giáo Hội của chư huynh với Giáo Hội khắp thế giới, chư huynh còn làm cho Giáo Hội hoàn vũ có thể thực hiện được một cuộc “trao đổi các tặng ân” thiêng liêng nơi đời sống và các đặc sủng của Giáo Hội địa phương nữa. Mối hiệp nhất “công giáo” đích thực bao hàm cả việc phong phú hỗ tương trong cùng một Thần Linh duy nhất ấy.


Nếu xét theo chiều hướng thần học xứng hợp thì “quyền cai trị” hiện lên như một điều gì đó không phải chỉ là “việc quản trị” hay việc thực hành những năng khiếu về tổ chức, mà là một phương tiện để dựng xây Vương Quốc của Thiên Chúa. Bởi thế, Tôi xin chư huynh hãy tiếp tục lãnh đạo bằng gương sáng để truyền bá phúc âm hóa đàn chiên của chư huynh cho bản thân họ được thánh hóa, nhờ đó giúp cho họ có thể chia sẻ Tin Mừng với người khác. Hãy duy trì mối hiệp thông nơi họ để trang bị cho họ thực hiện sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Vì chư huynh thiết tha với “vai trò” tam diện được ủy thác cho chư huynh, xin chư huynh hãy nhớ rằng trách vụ linh thánh của chư huynh trong việc giảng dạy, thánh hóa và cai trị không thể được trao nhượng cho bất cứ một ai: vì đó là ơn gọi riêng của chư huynh.


3.     Tôi lấy làm biết ơn về cảm tình sâu xa của người Công Giáo Hoa Kỳ vốn giành cho Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, cũng như việc họ thông cảm và quảng đại trước những nhu cầu của Tòa Thánh và của Giáo Hội hoàn vũ. Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ lúc nào cũng tỏ ra một tình yêu cao cả đối với vị được Chúa thiết lập “là nguồn mạch và là nền tảng vững vàng và hữu hình cho mối hiệp nhất về cả đức tin lẫn hiệp thông” (Lumen Gentium, 18). Việc chư huynh thiết that rung thành với Vị Giáo Hoàng Rôma đã khiến chư huynh tìm cách củng cố mối thắt kết Giáo Hội ở Hoa Kỳ với Tông Tòa Rôma. Những cảm tình sốt mến này là hoa trái của mối hiệp thông phẩm trật liên kết tất cả mọi phần tử của giáo phẩm Đoàn với vị Giáo Hoàng. Những cảm tình ấy cũng tạo nên một mạch nguồn thiêng liêng mạnh mẽ cho việc canh tân Giáo Hội ở Hiệp Chủng Quốc nữa. Để khuyến khích dân của mình càng trung thành với Huấn Quyền và liên kết lòng trí của họ với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, chư huynh đã làm cho họ thấy được vai trò lãnh đạo thần hứng của chư huynh là những gì cần để đưa dẫn họ tiến vào Ngàn Năm Thứ Ba.


4.     Một trong những hoa trái của Công Đồng Chung Vaticanô II đó là việc hiểu biết mới mẻ về đoàn tính của hàng giáo phẩm. Trong số những đường lối hiện thực viễn ảnh đoàn tính giáo phẩm của giáo hội này ở cấp độ Giáo Hội địa phương đó là việc hoạt động của Các Hội Đồng Giám Mục. Các vị giám mục ngày nay chỉ có thể chu toàn vai trò của mình một cách tốt đẹp khi các vị hoạt động một cách hòa hợp và liên kết với những vị Giám Mục đồng hội của mình (cf. "Christus Dominus," 37, "Apostolos Suos," 15). Đó là lý do cần phải liên lỉ suy nghĩ về mối liên hệ giữa Hội Đồng Giám Mục và mỗi vị Giám Mục.


Chư Huynh trong hàng giáo phẩm thân mến, Tôi cầu xin để chư huynh chuyên cần hoạt động với nhau, bằng một tinh thần hợp tác và đồng tâm nhất trí là những gì bao giờ cũng làm nên đặc tính của cộng đồng môn đệ Chúa Kitô (cf. Acts 4:32; John 13:35; Philippians 2:2). Những lời sau đây của Thánh Tông Đồ áp dụng một cách đặc biệt cho những ai có trách nhiệm với phần rỗi của các linh hồn: “Hỡi anh em, nhân danh Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, tôi van xin anh em hãy sống hợp với những gì an hem nói. Chớ đừng để xẩy ra phân rẽ; trái lại, hãy liên kết trong tâm trí và phán đoán” (1 Cor 1:10).


Là thánh phần lãnh đạo Giáo Hội, chư huynh nhận thấy rằng không thể nào có được mối hiệp nhất về tập tục nếu thiếu việc đồng ý cần thiết, và điều này dĩ nhiên chỉ có thể đạt được bằng việc chân thành đối thoại và bàn luận sáng suốt, dựa vào những nguyên tắc lành mạnh về thần học và mục vụ. Để thực hiện những việc giải quyết cho các vấn đề khó khăn xuất hiện, chúng cần phải được xem xét một cách thấu tận và thành tín theo dự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Xin đừng bỏ qua một nỗ lực nào để Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ có thể phục vụ như là một phương tiện hiệu năng hơn bao giờ hết trong việc củng cố mối hiệp thông giáo hội của chư huynh và giúp chư huynh trong việc chăn dắt anh chị em của chư huynh trong Chúa Kitô.


5.     Bởi thế, miễn là không phạm tới thẩm quyền trời ban của vị Giám Mục Giáo Phận đối với Giáo Hội riêng của ngài, Hội Đồng Giám Mục cần phải giúp ngài trong việc thi hành sứ vụ của ngài hợp với chư huynh Giám Mục của ngài. Những cấu trúc và phương thức của một Hội Đồng Giám Mục không bao giờ được quá mức cứng ngắc; trái lại, bằng việc liên tục tái thẩm lượng và tái nhận định, hội đồng này cần phải được thích ứng với nhu cầu đổi thay của các vị Giám Mục. Để một Hội Đồng Giám Mục có thể hoàn tất nhiệm vụ xứng hợp của mình, cần phải chú trọng tới việc phải làm sao để các văn phòng hay các ủy ban thuộc hội đồng này biết nỗ lực “giúp ích cho các vị Giám Mục chứ không thay thế các vị, và càng không tạo nên một thứ cư cấu trung gian giữa Tòa Thánh và cá nhân các vị Giám Mục” (Pastores Gregis, 63).


6.     Chư Huynh thân mến, Tôi cầu xin để trong mọi trường hợp chư huynh vẫn có thể làm việc với nhau, nhờ đó Phúc Âm được loan báo một cách tốt đẹp hơn nơi xứ sở của chư huynh. Tôi muốn bày tỏ lòng cảm mến của Tôi về tất cả những gì chư huynh đã cùng nhau hoàn thành, nhất là nơi những bản công bố về các vấn đề sự sống, giáo dục và hòa bình. Giờ đây Tôi xin chư huynh chú ý tới nhiều vấn đề khẩn trương khác đang trực tiếp ảnh hưởng tới sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội cũng như tới tính cách liêm khiết thiêng liêng của Giáo Hội, chẳng hạn tình trạng bỏ dự Lễ và việc lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, những thứ đe dọa đến đời sống hôn nhân cũng như những nhu cầu về đạo giáo của thành phần di dân. Chớ gì tiếng nói của chư huynh được vang động, loan báo sứ điệp cứu độ lúc thuận lợi cũng như bất thuận lợi (x 2Tim 4:1). Chư huynh hãy tin tưởng rao giảng Tin Mừng để tất cả được cứu độ và nhận biết chân lý (x 1Tim 2:4).


7.     Để kết thúc bài nói chuyện của Tôi hôm nay, Tôi xin mượn những lời của Thánh Phaolô sau đây: “Hãy khích lệ nhau. Hãy sống hòa hợp và an bình thì vị Thiên Chúa của yêu thương và bình an sẽ ở với an hem” (2Cor 13:11). Ký thác chư huynh cùng các vị linh mục của chư huynh, phó tế, tu sĩ và thành phần tín hữu giáo dân của chư huynh cho việc chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ Mỹ Châu (cf. "Ecclesia in America," 76), Tôi thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh như một bảo chứng ân sủng và sức mạnh trong Con của Mẹ là Chúa Giêsu Kitô của chúng ta.

 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 8/10/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)



Lời ĐHY Edward Egan đại diện ngỏ cùng ĐTC: “Là thừa kế viên của các vị tông đồ chúng tôi nỗ lực loan báo sứ điệp Phúc Âm một cách tỏ tường và trọn vẹn”


Tâu Đức Thánh Cha,


Bằng tấm lòng con thảo và chân thành tri ân, chúng tôi, những giám mục thuộc Giáo Tỉnh Nữu Ước, qui tụ nhân dịp này đây để lắng nghe những lời lẽ và lấy làm sung sướng được hướng dẫn bởi vị Thừa Kế Thánh Phêrô, khi Ngài “củng cố anh em mình” trong đức tin cũng như trong việc phục vụ Giáo Hội.


Là những mục tử chăn dắt các linh hồn, chúng tôi giảng dạy, thánh hóa và dẫn dắt một trong những cộng đồng đa dạng nhất thế giới. Cộng đồng dân của chúng tôi là những người bản xứ Hoa Kỳ; miêu duệ của những người Âu Châu và Phi Châu hai, ba, bốn đời; và thành phần mới đến càng ngày càng gia tăng hơn bao giờ hết, nhất là từ Mỹ Châu Latinh và Á Đông. Các giáo hội địa phương của chúng tôi thực hiện hoạt động của mình ở những thành phố đông đảo dân chúng, nơi tỉnh lỵ và thôn làng, cũng như ở những miền đồng quê rộng lớn nữa.


Là những người thừa kế các vị tông đồ, chúng tôi nỗ lực loan báo sứ điệp Phúc Âm một cách minh bạch và trọn vẹn. Là những người được tham dự vào thiên chức linh mục của Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi cố gắng để làm cho cộng đồng dân của chúng tôi thấm nhiễm tinh thần nguyện cầu sâu xa và chân thực, nhất là nguyện cầu với Thánh Thể. Và là những người theo Chúa Kitô trên đường lữ hành về trời, chúng tôi cố gắng giảng dạy và sống những bài học công lý và bác ái được Giáo Hội truyền giảng qua các thế kỷ cũng như được Đức Thánh Cha lập lại một cách mạnh mẽ trong thời đại của chúng tôi đây.


Những thách đố chúng tôi đang phải đương đầu là những gì đã quá rõ ràng. Chúng đi từ một thứ trào lưu tục hóa cấp tiến tới khuynh hướng đối lập nằm sâu trong cốt tủy ở nhiều thập niên trước những nguyên tắc căn bản của đức tin Kitô Giáo.
Chúng tôi vẫn còn hết sức diễm phúc khi có những vị linh mục và phó tế dấn thân, những tu sĩ nam nữ nhiệt thành, và một thành phần giáo dân không ngừng nhiệt tình mến Chúa yêu Giáo Hội.


Qui tụ lại trước mặt Đức Thánh Cha đây, Tâu Đức Thánh Cha, chúng tôi xin tạ ơn Chúa về tất cả những điều ấy, khi chúng tôi hứa quyết tỏ lòng tôn kính, tuân phục, trung thành và mến yêu. Chúng tôi hết lòng cám ơn Đức Thánh Cha đã tiếp chúng tôi và nghiêng mình xin Đức Thánh Cha ban phép lành cho chúng tôi, nhất là cho thành phần tín hữu thân yêu của TGP Nữu Ước, Giáo Phận Brooklyn, Giáo Phận Rockville Centre, Giáo Phận Albany, Giáo Phận Rochester, Giáo Phận Syracuse, Giáo Phận Buffalo, và Giáo Phận Ogdensburg, thành phần chúng tôi được hân hạnh và diễm phúc phục vụ, luôn hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng trong một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền của Chúa Giêsu Kitô.



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 8/10/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ