GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 10/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.  

 

__________________

 NGÀY 23  THỨ BẢY

  

Kinh Mân Côi và Thánh Thể với Việc Truyền Giáo

 

Ngày Giáo Hôi Truyền Giáo 24/10/2004 mở màn cho Năm Thánh Thể

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 (nghe phát ngôn)

 

 

Ngày Chúa Nhật Truyền Giáo bao giờ cũng rơi vào Tháng Mười hằng năm. Năm 2003, Ngày Giáo Hội Truyền Giáo 19/10, được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chọn để kết thúc Năm Mân Côi, một năm kéo dài từ 16/10/2002, ngày kỷ niệm đúng 24 năm được bầu làm giáo hoàng của ĐTCGPII. Trong Ngày Giáo Hội Truyền Giáo 19/10/2003 cũng là ngày Bế Mạc Năm Mân Côi ấy, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gửi một sứ điệp về Ngày Giáo Hội Truyền Giáo liên quan đến Kinh Mân Côi. Năm 2004, Ngày Giáo Hội Truyền Giáo là ngày 24/10, xẩy ra một tuần sau ngày bế mạc Đại Hội Thánh Thể Thế Giới lần thứ 48 ở Mễ Tây Cơ, Chúa Nhật 17/10/2004, dịp Đức Thánh Cha đã chính thức khai mạc Năm Thánh Thể, một năm sẽ kéo dài tới khi kết thúc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới Thường Lệ 29/10/2005. Về Ngày Giáo Hội Truyền Giáo 24/10/2004 vừa bước vào Năm Thánh Thể này, Đức Thánh Cha cũng đã gửi cho Giáo Hội một sứ điệp, chủ đề “Thánh Thể với Việc Truyền Giáo”.

 

Đó là lý do chúng ta hãy cũng nhau ôn lại những điểm chính yếu của những gì được Vị Chủ Chăn Tối Cao của chúng ta huấn dụ sống đạo qua hai sứ điệp cho Ngày Giáo Hội Truyền Giáo, một liên quan tới Kinh Mân Côi kết Năm Mân Côi (10/2002-2003) và một liên quan đến Thánh Thể khai mở Năm Thánh Thể (10/2004-2005)

 

 

 

Kinh Mân Côi với Việc Truyền Giáo

 

Để thấy được ý hướng của Đức Thánh Cha ra sao nơi mối liên hệ giữa Kinh Mân Côi và Việc Truyền Giáo, chúng ta hãy đọc lại đoạn sứ điệp cho Ngày Truyền Giáo 2003 của Ngài sau đây sẽ thấy:

 

“Nhờ phép rửa, tất cả mọi tín hữu được kêu gọi nên thánh. Trong Hiến Chế Tín Lý ‘Ánh Sáng Muôn Dân’ Lumen Gentium, Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhấn mạnh là ơn gọi phổ quát nên thánh là ở chỗ tất cả mọi người được kêu gọi sống đức ái trọn hảo. Đức thánh thiện và việc truyền giáo là những khía cạnh không thể tách rời nhau nơi ơn gọi của hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa. Việc dấn thân trở nên thánh thiện hơn là việc chặt chẽ gắn liền với việc dấn thân truyền bá sứ điệp cứu độ. Trong Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc Redemptoris Missio, Tôi đã nhắc nhở rằng: ‘Hết mọi phần tử tín hữu được kêu gọi nên thánh và truyền giáo” (số 90). Trong việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, người tín hữu được thúc đẩy theo Chúa Kitô và chia sẻ đời sống của Người, nhờ đó, họ có thể nói với Thánh Phaolô rằng: “Không phải là tôi sống, song là Chúa Kitô sống trong tôi’ (Gal 2:20). (4)

 

Qua đoạn sứ điệp cốt lõi này, trước hết, Ngài nhấn mạnh đến khía cạnh bất khả phân ly giữa việc nên thánh và truyền giáo. Sau đó, Ngài xác định tầm quan trọng của cầu Kinh Mân Côi với việc truyền giáo.

 

Ngài nhấn mạnh đến khía cạnh bất khả phân ly giữa việc nên thánh và truyền giáo như thế này:

 

·        “Đức thánh thiện và việc truyền giáo là những khía cạnh không thể tách rời nhau nơi ơn gọi của hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa”;

·        “Việc dấn thân trở nên thánh thiện hơn là việc chặt chẽ gắn liền với việc dấn thân truyền bá sứ điệp cứu độ”;

·        “Hết mọi phần tử tín hữu được kêu gọi nên thánh và truyền giáo”.

 

Sau khi đã mạnh mẽ khẳng định tính cách bất khả phân ly của việc nên thánh và truyền giáo, Ngài xác định tầm quan trọng của cầu Kinh Mân Côi với việc truyền giáo. Hay nói cách khác, Ngài muốn nói rằng Kinh Mân Côi cần cho việc truyền giáo. Tại sao? Ngài đã nhận định là

·        “Trong việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, người tín hữu được thúc đẩy theo Chúa Kitô và chia sẻ đời sống của Người, nhờ đó, họ có thể nói với Thánh Phaolô rằng: “Không phải là tôi sống, song là Chúa Kitô sống trong tôi’”

 

Vâng, ở đây Đức Thánh Cha đã động đến cốt lõi của việc truyền giáo, đó là việc loan báo hay rao giảng Chúa Kitô, là việc làm chứng nhân cho Người, tức làm cho Người được nhận biết và yêu mến. Thế nhưng, làm sao Kitô hữu có thể làm chứng nhân cho Người nếu chúng ta không biết về Người, nếu chúng ta không được Người chiếm đoạt và sống trong chúng ta để sinh hoa trái nơi chúng ta là cành nho phát xuất từ Người là thân nho. Theo Đức Thánh Cha thì Kinh Mân Côi có thể giúp Kitô hữu đạt đến mức độ thần hiệp, đến độ Chúa Kitô sống trong họ, vì, như Đức Thánh Cha xác tín:

 

·        “Trong việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, người tín hữu được thúc đẩy theo Chúa Kitô và chia sẻ đời sống của Người, nhờ đó, họ có thể nói với Thánh Phaolô rằng: “Không phải là tôi sống, song là Chúa Kitô sống trong tôi’”

 

Nếu Kinh Mân Côi theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II có thể giúp đào tạo Kitô hữu trở thành những thánh nhân và chứng nhân như thế, thì những ai vốn lần hạt Mân Côi hãy kiểm điểm lại xem Kinh mân Côi quả thực đã “thúc đẩy (mình) theo Chúa Kitô và chia sẻ đời sống của Người” hay chưa? Nếu rồi thì cùng Mẹ “ngợi khen” Chúa; nếu chưa thì tại sao? 

 

 

Thánh Thể với Việc Truyền Giáo

 

Như cách thức để phân tích trên đây về mối liên hệ giữa Kinh Mân Côi và Việc Truyền Giáo, áp dụng vào mối liên hệ giữa Thánh Thể và Việc Truyền Giáo, chúng ta cũng cần trích lại một câu sứ điệp tiêu biểu của Đức Thánh Cha cho Ngày Giáo Hội Truyền Giáo 2004 để chẳng những tìm hiểu mà còn áp dụng vào đời sống đạo.

 

“Mục đích của Thánh Thể chính là ‘hiệp thông loài người với Chúa Kitô và trong Người với Chúa Cha và Thánh Thần’ (Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia đoạn 22). Khi chúng ta tham dự vào Hy Tế Thánh Thể chúng ta hiểu sâu xa hơn nữa tính cách phổ quát của ơn cứu chuộc, nhờ đó, hiểu được tính cách khẩn trương của sứ vụ Giáo Hội thực hiện chương trình hoạt động của mình ‘lấy Chúa Kitô làm tâm điểm, Đấng cần phải được nhận biết, yêu mến và bắt chước, để trong Người chúng ta được sống sự sống Chúa Ba Ngôi và cùng với Người biến đổi lịch sử cho đến khi nó được nên trọn nơi Giêrusalem thiên đình’ (Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia đoạn 60)… Ở cuối mọi Thánh Lễ, khi vị chủ tế từ biệt cộng đồng dân Chúa bằng lời ‘Ite, Missa est’, thì tất cả mọi người đều cảm thấy rằng họ được sai đi như ‘những vị thừa sai Thánh Thể’ để mang đến cho mọi hoàn cảnh tặng ân cao cả họ đã lãnh nhận. Thật thế, bất cứ ai được hội ngộ với Chúa Kitô nơi Thánh Thể đều không thể nào không loan báo bằng đời sống của mình tình yêu nhân hậu của Đấng Cứu Thế” (2).

 

Qua đoạn văn chính yếu cho Sứ Điệp “Thánh Thể Với Việc Truyền Giáo” này, chúng ta thấy Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến mấy điểm sau đây: thứ nhất, đến mục đích của Thánh Thể; thứ hai, đến nội dung của Thánh Thể; và thứ ba tính chất của Thánh Thể. 

 

Về mục đích của Thánh Thể, Đức Thánh Cha đã xác định rõ ràng đến khía cạnh hướng nội của Thánh Thể như sau:

 

·        “Mục đích của Thánh Thể chính là ‘hiệp thông loài người với Chúa Kitô và trong Người với Chúa Cha và Thánh Thần’”

Về nội dung của Thánh Thể, Đức Thánh Cha đã cho thấy Hy Tế Thánh Thể chất chứa ơn cứu độ phổ quát là những gì Giáo Hội có sứ vụ cần phải ban phát và làm sinh hoa kết trái trong giòng lịch sử.

 

·        “Khi chúng ta tham dự vào Hy Tế Thánh Thể chúng ta hiểu sâu xa hơn nữa tính cách phổ quát của ơn cứu chuộc, nhờ đó, hiểu được tính cách khẩn trương của sứ vụ Giáo Hội thực hiện chương trình hoạt động của mình ‘lấy Chúa Kitô làm tâm điểm, Đấng cần phải được nhận biết, yêu mến và bắt chước, để trong Người chúng ta được sống sự sống Chúa Ba Ngôi và cùng với Người biến đổi lịch sử cho đến khi nó được nên trọn nơi Giêrusalem thiên đình’”.

 

Về tính chất của Thánh Thể, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến khía cạnh trao ban, khía cạnh vươn mình ra của Thánh Thể như sau: 

 

·        “Ở cuối mọi Thánh Lễ, khi vị chủ tế từ biệt cộng đồng dân Chúa bằng lời ‘Ite, Missa est’, thì tất cả mọi người đều cảm thấy rằng họ được sai đi như ‘những vị thừa sai Thánh Thể’ để mang đến cho mọi hoàn cảnh tặng ân cao cả họ đã lãnh nhận. Thật thế, bất cứ ai được hội ngộ với Chúa Kitô nơi Thánh Thể đều không thể nào không loan báo bằng đời sống của mình tình yêu nhân hậu của Đấng Cứu Thế”

 

Với ba ý tưởng chính của đoạn sứ điệp về “Thánh Thể Với Việc Truyền Giáo” trên đây của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, liên quan đến mục đích của Thánh Thể, nội dung của Thánh Thể và tính chất của Thánh Thể, chúng ta thấy Thánh Thể quả thực là như một thân nho, Kitô hữu là cành nho được tháp nhập với thân nho này qua phép rửa nhưng phải được nuôi dưỡng một cách đặc biệt bởi thân nho qua Bí Tích Thánh Thể, nhờ đó, thân nho Thánh Thể mới sinh muôn vàn hoa trái các linh hồn nơi các cành nho Kitô hữu chi thể của mình, những cành nho dính liền với thân nho bằng việc thiết tha cử hành Thánh Thể và lãnh nhận Thánh Thể ban sự sống của Người.

 

Đó là lý do, ở đoạn 3 trong cùng sứ điệp “Thánh Thể với Việc Truyền Giáo”, Đức Thánh Cha còn khẳng định như sau:

 

·        “Làm sao Giáo Hội có thể hoàn thành ơn gọi của mình mà lại không vun trồng một mối liên hệ liên lỉ với Thánh Thể, mà lại không nuôi dưỡng mình bằng thứ lương thực thánh hóa này, mà lại không đặt nền tảng hoạt động truyền giáo của mình trên sự nâng đỡ bất khả thiếu này được? Để truyền bá phúc âm hóa thế giới cần phải có những vị tông đồ ‘chuyên nghiệp’ trong việc cử hành, tôn thờ và chiêm ngưỡng Thánh Thể”.

 

Chính vì cả Kinh Mân Côi lẫn Thánh Thể đều liên quan mật thiết đến Việc Truyền Giáo mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tóm gọn ý tưởng của mình về mối liên hệ tam diện này như sau, trong sứ điệp “Thánh Thể với Việc Truyền Giáo”, ở ngay đoạn thứ 1 của sứ điệp này: 

 

·        “Chúng ta hãy chiêm ngưỡng Thánh Thể bằng ánh mắt của Mẹ Maria. Tin tưởng vào lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ, Giáo Hội hiến dâng Chúa Kitô, Bánh Cứu Độ, cho tất cả mọi dân nước để họ nhận biết Người và chấp nhận Người như Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại”.

 

 


 

 

Tòa Thánh với vấn đề Dân Số và Phát Triển nhân dịp Kỷ Niệm 10 Năm Hội Nghị Về Dân Số ở Cairô Ai Cập


ĐTGM Celestino Migliore, với tư cách là quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước, hôm Thứ Năm 14/10/2004, đã ngỏ lời cùng phiên họp thứ 59 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhân dịp kỷ niệm 10 Năm Hội Nghị Về Dân Số ở Cairô Ai Cập. Sau đây là nguyên văn bài trình bày của ngài.


Thư Ngài Chủ Tịch,


Trong việc kỷ niệm 10 năm Hội Nghị Quốc Tế Về Dân Số Và Phát Triển, chúng ta nhắc lại tầm quan trọng khẩn thiết đối với tình trạng phúc hạnh và tiến bộ của hết mọi phần tử thuộc gia đình nhân loại. Đề tài này của Hội Nghị Cairô vẫn tiếp tục có một ý nghĩa đặc biệt trước sự kiện là khoảng cách giữa thành phần giầu có và thành phần nghèo khổ trên thế giới này vẫn còn xa cách, một tình trạng càng ngày càng đe dọa đến nền hòa bình vẫn được nhân loại trông mong. Đề tài ấy của Hội Nghị Cairô nhấn mạnh đến thực tại mà tất cả mọi quan tâm về dân số con người có liên hệ chặt chẽ với việc phát triển và thăng hoa của hết mọi con người.


Mốc điểm quan trọng ở Hội Nghị Dân Số ấy là mối liên hệ giữa việc di dân và việc phát triển là những gì từ đó đến nay đã tác động một cảm thức hơn nữa, tác động việc nghiên cứu, việc hợp tác cùng với những chính sách hiệu nghiệm nơi lãnh vực này. Việc di dân hiện nay được nhận thấy như là một thách đố chính yếu đối với hết mọi người, một thách đố dính dáng tới tình trạng phát triển và nghèo khổ, cũng như đến việc an ninh về tài chính và sức khỏe. Đặc biệt là các người di dân hiện nay được coi như là những tác nhân nắm phần chủ động của việc phát triển nữa. Trong khi cảm nhận được tầm quan trọng xứng đáng của những thành quả ấy, các quốc gia hiện nay cũng vẫn phải chú trọng hơn nữa đến vấn đề kiếm việc làm ở những nơi dân chúng sống.


Các chính quyền và xã hội dân sự cần phải có ý muốn về chính trị và mạnh mẽ quyết tâm duy trì một môi trường xứng hợp về văn hóa, xã hội và pháp lý có khả năng thắng vượt được những hiện tượng kéo dài về vấn đề kỳ thị, bạo lực, buôn bán con người và bài ngoại. Vấn đề di dân, giờ đây đã trên 10 năm kéo chú ý của thế giới vì vấn đề nhân khẩu học ở thế giới mở mang phát triển.


Thập niên trước đây, chúng ta được những nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc cho biết là cần phải giảm bớt nhanh chóng mức phát triển về dân số hoàn vũ bắt đầu từ thập niên 1990 và tiếp tục như thế trong thế kỷ mới. Giờ đây vấn đề là việc phát triển về dân số đã bị giảm sút đáng kể nơi nhiều quốc gia phát triển kỹ nghệ hóa, và tình trạng suy giảm này là một mối đe dọa cho tương lai. Tòa Thánh vẫn thận trọng tiếp tục theo dõi những vấn đề này, trong khi khích lệ thực hiện những việc thẩm lượng chính xác và khách quan về các vấn đề dân số cũng như về mối liên đới hoàn vũ liên quan tới những chính sách phát triển, nhất là vì những chính sách này ảnh hưởng tới các quốc gia đang phát triển trên thế giới. Tòa Thánh lo ngại đến tình trạng không luôn luôn chú trọng một cách thích đáng đối với bộ nguyên tắc tổng quan, bao gồm những nguyên tắc về luân thường đạo lý thiết yếu để thực hiện việc đáp ứng xác đáng những phân tích về nhân khẩu học, xã hội học và qui chế xã hội liên quan đến các dữ kiện về chiều hướng của dân số.


Qui chế về dân số là một phần duy nhất trong toàn bộ chính sách liên quan tới việc cải tiến nhân loại. Bất cứ bàn luận nào về các qui chế dân số cũng cần phải đồng thời xét tới việc phát triển thực sự và dự phóng của nhân loại. Tất cả mọi sự phát triển xứng với danh xưng của nó cần phải toàn vẹn, chứ không thể chỉ ở tại chỗ tăng bổ giầu thịnh với đầy những thứ thuần thuận lợi về sản vật và dịch vụ, trái lại, phải được theo đuổi theo chiều hướng chú trọng tới những chiều kích về xã hội, văn hóa và tâm linh của hết mọi người. Những chương trình phát triển phải tôn trọng gia sản văn hóa của các dân tộc và các quốc gia, phải duy trì những cấu trúc tham dự và chia sẻ trách nhiệm chung, cũng như phải làm tăng phát khả năng của con người, nhờ đó, mỗi người trong chúng ta có thể trở thành một con người như đã được tạo dựng nên vậy.


Bởi thế, cần phải khôn ngoan hơn trong việc chú trọng tới vấn đề phác họa những qui chế về dân số có thể cổ võ một thứ quyền tự do cá nhân hữu trách, thay vì một thứ quyền tự do cá nhân được định nghĩa một cách quá hẹp hòi.


Từ đó, mới thấy rằng, trong số những điều khác nữa, nhiệm vụ cần phải bảo toàn gia đình đòi phải đặc biệt chú trọng đến việc bảo đảm cho vợ chồng quyền tự do quyết định, theo trách nhiệm của họ, không bị áp lực gì về xã hội hay pháp lý, số con cái họ sẽ có và khoảng cách sinh con đẻ cái. Chính phủ và các cơ quan khác cần phải có ý giúp vào việc tạo nên những điều kiện xã hội làm cho các đôi phối ngẫu có thể thực hiện những quyết định thích đáng theo trách nhiệm của họ. Chúng ta biết rằng vai trò làm cha mẹ một cách hữu trách không phải là vấn đề sinh sản vô hạn định hay thiếu ý thức về những gì trong việc nuôi dưỡng con cái, song cũng bao gồm cả quyền làm cha mẹ trong việc khôn ngoan sử dụng quyền tự do của họ. Hơn thế nữa, các đôi phối ngẫu muốn có một gia đình đông đảo cũng xứng đáng được nâng đỡ.


Cái nghiêm trọng của những thứ thách đố mà các chính phủ, nhất là các bậc làm cha mẹ, phải đương đầu trong vấn đề giáo dục thể hệ trẻ có nghĩa là chúng ta không thể trốn trút trách nhiệm của mình trong việc dẫn dắt giới trẻ hiểu biết sâu xa hơn phẩm vị và tiềm năng làm người của chúng. Nhiệm vụ của chúng ta vẫn là việc thách đố chúng theo những đòi hỏi về luân thường đạo lý cần thiết, là những gì hoàn toàn tôn trọng phẩm vị của họ và cũng là những gì dẫn họ đến chỗ khôn ngoan cần phải có để đương đầu với nhiều đòi hỏi trong cuộc sống.


Xin cám ơn Ngài Chủ Tịch.

 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 18/10/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)


 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ