GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 10/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.  

 

__________________

 NGÀY 27  THỨ TƯ

  

Bài Giới Thiệu của ĐHY Chủ Tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình để Phổ Biến Cuốn “Tổng Lược Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội”

(tiếp và hết)

Trong việc sửa soạn cho cuốn Tổng Lược này, vấn đề đặt Giáo Huấn Về Xã Hội của Giáo Hội vào thế giới ngày nay hằng được đề cập tới. Để đưa ra câu giải đáp, vấn đề đã đi đến chỗ quyết định là không cần phải tiến bước theo con đường thuần túy phân tích xã hội học, cũng như không cần phải liệt kê các thứ ưu tiên của xã hội hay các thứ trục trặc xẩy ra. Trái lại, vấn đề được thấy rằng Cuốn Tổng Lược này phải trở thành một dụng cụ quan trọng và xác đáng xứng hợp cho việc nhận thức bất khả thiếu ngày nay nơi Giáo Hội cũng như nơi cộng đồng.

Việc nhận thức của Kitô Giáo được căn cứ vào việc tìm hiểu các dấu chỉ thời đại, một tìm hiểu theo chiều hướng Lời Chúa cũng như theo toàn bộ sự thật được huấn quyền ấn định làm Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội để hướng dẫn tác hành của cộng đồng cũng như của cá nhân. Từ đó, chúng ta tiến đến chính cốt lõi Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội, chúng ta chạm tới bản chất sâu xa nhất của nó như là “cuộc gặp gỡ giữa sứ điệp Phúc Âm và những đòi hỏi của sứ điệp này với các vấn đề xuất phát từ đời sống xã hội” (Congregation for the Doctrine of the Faith, instruction "Libertatis Conscientia," 72). Cuốn Tổng Lược Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội cho thấy Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội như là một giáo huấn phát xuất từ việc nhận thức này, một giáo huấn là chính việc nhận thức này, và là một giáo huấn lấy việc nhận thức này là mục đích của nó.

Theo quan điểm này, Cuốn Tổng Lược đây rất mong làm sao để mang lại một nhận thức có khả năng đáp ứng được một số những thách đố quyết liệt có tầm vóc rất thích đáng và hệ trọng.

a) Trước hết là thách đố về văn hóa, một thách đố được giáo huấn về xã hội đương đầu bằng việc giữ đúng chiều kích liên phạm vi lãnh vực có tính cách cấu thành của mình. Bằng Giáo Huấn Về Xã Hội, Giáo Hội “loan báo sự thật về Chúa Kitô, về chính mình và về con người, khi áp dụng sự thật này vào một trường hợp cụ thể nào đó” (John Paul II, encyclical letter "Sollicitudo Rei Socialis," 41). Bởi thế, hướng về tương lai, hiển nhiên là Giáo Huấn Về Xã Hội lúc nào cũng được khai triển hơn nữa theo chiều kích liên phạm vi lãnh vực của mình (John Paul II, encyclical letter "Centesimus Annus," 59). Khía cạnh liên phạm vi lãnh vực này không phải là một điều gì đó ở ngoại lề mà là một chiều kích nội tại nơi Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội, vì nó gắn liền với mục đích của việc hiện thực chân lý ngàn đời của Phúc Âm ở những vấn đề lịch sử nhân loại phải đương đầu.

Chân lý của Phúc Âm ấy cần phải được giao chạm với những ngành khác nhau của kiến thức con người, vì đức tin không phải là những gì xa lạ với lý trí. Những hoa trái lịch sử về công lý và hòa bình được trổ sinh khi ánh sáng Phúc Âm xuyên thấu và chiếu vào tấm màn của các thứ văn hóa nhân loại, tôn trọng tính cách tự lập hỗ tương của đức tin và kiến thức song cũng chú ý tới những mối liên kết tương đồng của đức tin và kiến thức. Khi việc đối thoại trao đổi với các ngành kiến thức khác nhau lôi kéo đôi bên xích lại gần nhau hơn và làm nẩy sinh lợi ích thì Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội mới có thể làm trọn vai trò của mình trong việc duy trì việc phác họa những chương trình mới về xã hội, kinh tế và chính trị, những chương trình đặt con người với tất cả tầm kích của họ làm trọng tâm của mình.

Rất cần phải quan sát xem làm thế nào để chiều kích liên phạm vi lãnh vực theo tính cách thần học có thể đáp ứng được hai nhu cầu quan trọng trong văn hóa ngày nay. Văn hóa tân tiến loại trừ bất cứ loại hệ thống “khép kín” nào mà đồng thời lại tìm kiếm những lý giải cho vấn đề. Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội không phải là “một hệ thống khép kín” (Congregation for the Doctrine of the Faith, instruction "Libertatis Conscientia," 72), với hai lý do cho thấy tại sao như thế: đó là vì, nó có tính cách lịch sử, tức là nó được “phát triển theo những hoàn cảnh đổi thay của lịch sử” (Ibid.); và vì nó kín múc cái nguyên tuyền của mình từ sứ điệp Phúc Âm (Ibid.) là những gì siêu việt, những gì mà chính vì thế là “nguồn mạch canh tân” (Paul VI, "Octogesima Adveniens," 42) lịch sử chính yếu. Chiều kích liên phạm vi lãnh vực này giúp Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội có thể cống hiến việc hướng dẫn mà không cần phải có hệ thống và không phải là một thứ hệ thống hướng dẫn lệch lạc.

b) Thách đố thứ hai xuất phát từ tình trạng dửng dưng coi thường luân thường đạo lý và đạo nghĩa cũng như từ nhu cầu cần phải thực hiện việc cộng tác liên tôn mới mẻ. Ở tầm mức xã hội, các khía cạnh quan trọng nhất của tình trạng dửng dưng coi thường tràn lan này là tình trạng phân ly giữa luân thường đạo lý và chính trị với ý nghĩ là các vấn đề về luân thường đạo lý chẳng có dính dáng gì đến chính trường cả, là những vấn đề về luân thường đạo lý ấy không thể trở thành đối tượng cho cuộc tranh luận hợp tình hợp lý về chính trị là những cuộc tranh luận được cho là những thứ bày tỏ chọn lựa cá nhân, thậm chí là những chọn lựa riêng tư. Theo chiều hướng lan tràn, tình trạng phân ly này giữa luân thường đạo lý và chính trị có khuynh hướng được áp dụng cho cả mối liên hệ giữa chính trị và tôn giáo nữa, một lãnh vực tôn giáo được cho là những gì thuộc phạm vi riêng tư.

Về phương diện này, giáo huấn về xã hội của Giáo Hội mang một trọng trách gay go cần phải hoàn thành vào những ngày này cũng như trong cận lai, một trọng trách dễ dàng thực hiện hơn nếu được thi hành bằng việc đối thoại với các niềm tin Kitô giáo khác, thậm chí với cả các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Việc hợp tác liên tôn sẽ là một trong những đường lối có một giá trị chiến thuật lớn lao cho thiện ích của nhân loại và điều quyết liệt cho tương lai của giáo huấn về xã hội. Lấy con mắt khôn ngoan Kitô Giáo để nhìn vào các biến cố xẩy ra ở cuối thế kỷ 20 và mở màn cho tân thiên niên kỷ này, như Đức Thánh Cha đã đề cập tới, chúng ta có thể thấy được ít là một lãnh vực lịch sử liên quan đến tầm quan trọng cốt yếu của việc đối thoại liên tôn nơi lãnh vực xã hội. Đây là lãnh vực hòa bình và nhân quyền. Hết mọi người đều biết vị Giáo Hoàng này đã nhiều lần thiêá tha lên tiếng kêu gọi về vấn đề ấy.

Kiểm lại các Bài Diễn Từ của Đức Gioan Phaolô II ngỏ cùng Phái Đoàn Ngoại Giao Các Nước làm việc với Tòa Thánh trong suốt 26 năm giáo triều của Ngài cũng đủ cho chúng ta ý niệm về cái thường xuyên và nhấn mạnh nơi những gì Ngài kêu gọi các tôn giáo trên thế giới hãy cùng nhau hoạt động cho hòa bình theo “tinh thần Assisi”. Chỉ cần nhắc lại ở đây điều này nơi Sứ Điệp Ngài gửi cho Ngày Thế Giới Hòa Bình Năm 2002, một sứ điệp được Đức Thánh Cha viết: “Các niềm tin Kitô Giáo khác, cũng như các đại tôn giáo trên thế giới, cần cùng nhau hoạt động để loại trừ các căn nguyên về xã hội và văn hóa của nạn khủng bố. Họ có thể thực hiện điều này bằng việc giảng dạy tính cách cao cả và phẩm giá của con người, cũng như bằng việc loan truyền một cảm quan sáng tỏ hơn về tính cách duy nhất của gia đình nhân loại. Đây là một lãnh vực đặc biệt của vấn đề đối thoại cùng hợp tác về đại kết và liên tôn, một dịch vụ khẩn trương mà tôn giáo có thể cống hiến cho hòa bình thế giới” (John Paul II, "No Peace Without Justice, No Justice Without Forgiveness", Message for the 2002 World Day of Peace, 12).

Trong tương lai gần, những lãnh vực về nhân quyền, hòa bình, công lý xã hội và kinh tế, cũng như việc phát triển càng ngày càng trở thành tâm điểm của vấn đề đối thoại liên tôn. Những người Công Giáo sẽ được kêu gọi để tham dự vào cuộc đối thoại này bằng Giáo Hội Về Xã Hội của mình, một giáo huấn được hiểu như là một “bộ giáo huấn” gây tác động, song cũng được duy trì bởi, “việc hoạt động tốt đẹp của hằng bao nhiêu triệu con người tìm cách để làm cho giáo huấn ấy trở thành một nguồn cảm hứng cho việc họ dấn thân mình vào thế giới” (John Paul II, encyclical letter "Centesimus Annus," 3).

c) Thách đố thứ ba là một thách đố riêng về mục vụ. Tương lai Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội trong thế giới tân tiến lệ thuộc vào việc hiểu biết mới mẻ một cách liên tục về Giáo Huấn Xã Hội này khi giáo huấn ấy được ăn sâu vào sứ vụ hợp với Giáo Hội; về cách thức Giáo Huấn này được phát xuất từ Lời Chúa cũng như từ đức tin sống động của Giáo Hội; về cách thức nó trở thành một thể hiện của việc Giáo Hội phục vụ thế giới, một việc phục vụ để loan báo ơn cứu độ của Chúa Kitô bằng cả lời nói cũng như việc làm. Bởi thế, nó lệ thuộc vào việc hiểu biết mới mẻ về cách Giáo Huấn này liên hệ đến tất cả mọi khía cạnh của đời sống và hoạt động của Giáo Hội, như các bí tích, phụng vụ, giáo lý, và sinh hoạt mục vụ. Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội, thứ giáo huấn “là một phần thiết yếu của sứ điệp Kitô Giáo” (John Paul II, encyclical letter "Centesimus Annus," 5), cần phải được hiểu biết, truyền bá và áp dụng thực hành. Khi, vì bất cứ lý do nào, con người mất đi nhận thức rõ ràng là Giáo Huấn Về Xã Hội này là những gì thuộc về sứ vụ của Giáo Hội thì chính Giáo Huấn Về Xã Hội này sẽ bị lệch lạc, trở thành mồi ngon cho những hình thức mập mờ khác nhau cũng như cho việc áp dụng thiên lệch.

Ở đây tôi xin nhắc lại lời phát biểu lừng danh “Giáo Huấn Công Giáo Về Xã Hội là một phần nguyên vẹn của quan niệm Kitô Giáo về đời sống” (John XXIII, encyclical letter "Mater et Magistra," 222), một lời của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII trong Thông Điệp “Mater et Magistra - Mẹ Và Thày” của Ngài, một lời nhiều năm trước đó đã mở đường cho những câu Đức Gioan Phaolô II nói tiếp theo, quan trọng và sâu xa: “việc giảng dạy và quảng bá Giáo Huấn Về Xã Hội là một phần trong sứ vụ truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội” (John Paul II, encyclical letter "Sollicitudo Rei Socialis," 41); là một “phương tiện truyền bá phúc âm hóa” (John Paul II, encyclical letter "Centesimus Annus," 54); Giáo Huấn Về Xã Hội “là những gì loan báo Thiên Chúa cũng như loan báo mầu nhiệm cứu độ của Ngài trong Chúa Kitô cho hết mọi con người” (Ibid.).

Giáo Huấn này càng bị giảm thiểu thành những bài diễn văn về xã hội học hay khoa chính trị học, thành những huấn dụ luân lý, thành “một thứ ngụy khoa học về phúc hạnh” (John Paul II, encyclical letter "Redemptoris Missio," 11), hay một thứ thuần “luân thường đạo lý đối với những trường hợp khó khăn”, thì nó lại càng khó có thể giúp ích cho con người nam nữ sống trong môi trường xã hội cũng như trong lãnh vực kinh tế. Nó sẽ được hiểu biết hơn nữa, giảng dạy hơn nữa, áp dụng và thực hành hơn nữa khi nó hoàn toàn “gắn bó hết sức với Phúc Âm của Chúa Kitô” (John Paul II, encyclical letter "Sollicitudo Rei Socialis," 3).

Để đúc kết bài trình bày về Cuốn Tổng Lược Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội bằng những chia sẻ này về vai trò của Giáo Hội Về Xã Hội Của Giáo Hội trong thế giới ngày nay khi vai trò này đang phải đương đầu với những thách đố mới về việc truyền bá phúc âm hóa, tôi muốn nhấn mạnh một chiều kích lưỡng diện của việc Kitô hữu hiện diện trong xã hội, một ước vọng sánh vai đến với chúng ta từ chính Giáo Huấn Về Xã Hội và là ước vọng trong tương lai sẽ càng ngày càng cần phải được áp dụng thực hành với một tính cách bổ khuyết có thể phối hợp nhiều khía cạnh khác nhau.

Tôi đang có ý nói đến một đàng là nhu cầu cần phải có chứng từ bản thân, đàng khác, là nhu cầu cần phải phác họa những chương trình mới cho một thứ nhân bản chân thực bao gồm những cấu trúc của xã hội. Hai chiều kích này, chiều kích bản thân và chiều kích xã hội, không bao giờ được tách rời nhau. Tôi hết sức hy vọng rằng Cuốn Tổng Lược Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội sẽ giúp vào việc phát triển những tính chất tin tưởng chân thực và tác động chúng trong việc thực hiện chứng từ khả tín, có khả năng, bằng tư tưởng và hành động, cải tiến các guồng máy của xã hội tân tiến. Bao giờ cũng cần phải có thành phần chứng nhân, thành phần tử đạo và các thánh nhân, trong cả lãnh vực xã hội nữa.

Các vị giáo hoàng đã nói đi nói lại về thành phần sống trong xã hội bằng việc “làm chứng cho Chúa Kitô Cứu Thế” (John Paul II, encyclical letter "Centesimus Annus," 5). Chúng ta ở đây đang nói đến tất cả những ai được Thông Điệp “Rerum Novarum – Tân Sự” coi là “xứng đáng lãnh nhận mọi lời ca ngợi” (Leo XIII, encyclical letter "Rerum Novarum," 55) về việc chủ động dấn thân của họ trong việc cải tiến, vào thời ấy, những điều kiện của các công nhân; của những ai, theo lời của Thông Điệp “Centesimus Annus - Bách Niên”, “theo nhau từ thời này đến thời khác tìm kiếm những đường lối hiệu nghiệm trong việc làm chúng cho chân lý” (John Paul II, encyclical letter "Centesimus Annus," 23); của những ai “được thúc đẩy bởi huấn quyền về xã hội, tìm cách làm cho giáo huấn này thành nguồn hứng thúc đẩy họ dấn thân vào thế giới. Tác hành với tư cách là những cá nhân hay hợp thành những nhóm khác nhau, những hiệp hội và những tổ chức khác nhau, những người này tiêu biểu cho một đại phong trào bênh vực con người và bảo toàn phẩm vị con người” (John Paul II, encyclical letter "Centesimus Annus," 3).

Ở đây chúng ta đang nói đến nhiều Kitô hữu mà nhiều người trong họ là thành phần giáo dân, thành phần “đạt đến sự thánh thiện trong những cảnh đời bình thường nhất” (John Paul II, apostolic letter "Novo Millennio Ineunte," 31). Chứng từ bản thân, hoa trái của một đời sống Kitô hữu “trưởng thành”, sâu xa và chín mùi, không thể nào lại không đảm trách công việc xây dựng một nền văn minh mới, một nền văn minh đối thoại trao đổi với các ngành kiến thức nhân bản khác, với các tôn giáo khác cũng như với tất cả mọi con người thành tâm thiện chí để thực hiện một nền nhân bản nguyên vẹn đầy tình đoàn kết.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 25/10/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)

 

Tòa Thánh trước Liên Hiệp Quốc về Vấn Đề Phát Triển Khả Thủ

ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước, hôm Thứ Ba 5/10/2004, đã trình bày nhận định và quan điểm của Giáo Hội Công Giáo với Tiểu Ban về Vấn Đề Phát Triển Khả Thủ. Sau đây là nguyên văn bài trình bày của ngài.

Thưa Ông Trưởng Ban,


Với Cuộc Họp Thượng Đỉnh Johannesburg vừa qua, chúng ta không thể quên rằng vấn đề phát triển khả thủ là một đề tài quan trọng và khẩn thiết trong những vấn đề bàn luận của Liên Hiệp Quốc.


Nếu Cuộc Họp Thượng Đỉnh Về Vấn Đề Phát Triển Khả Thủ (WSSD: World Summit on Sustainable Development) là điểm xuất phát cho việc tái định nghĩa vấn đề hợp tác quốc tế bao gồm tất cả chúng ta là thành phần hữu trách, thì chúng ta rất cần phải nhớ lại rằng: “con người là tâm điểm của các thứ quan tâm về vấn đề phát triển khả thủ. Họ được quyền hưởng một đời sống mạnh khỏe và sinh lợi hợp với tự nhiên”. Vì thế chúng tôi tin rằng vấn đề phát triển khả thủ bao giờ cũng phải được cứu xét theo chiều hướng môi sinh nhân bản đích thực.


Thưa Ông Trưởng Ban,


Trong Bản Tường Trình về Hoạt Động của Tổ Chức, vị tổng thư ký đã bàn đến những liên hệ giữa các khía cạnh khác nhau của vấn đề phát triển khả thủ. Hiển nhiên đó là một cái màng nhện tương liên cho tất cả những gì kiến tạo nên vấn đề phát triển khả thủ.


Tất cả chúng ta đều biết đến những loại liên hệ khác nhau được nhấn mạnh vào Tháng Ba vừa rồi ở Jeju, trong khóa họp đặc biệt thứ tám của UNEP, cũng như vào Tháng Tư vừa rồi ở Nữu Ước trong Ủy Ban Liên Hiệp Quốc về Vấn Đề Phát Triển Khả Thủ (UNCSD), một điều gì đó cần phải được khai triển thêm vào khóa họp tới của cùng Ủy Ban này về Vấn Đề Phát Triển Khả Thủ vào Tháng 5/2005.


Khi chúng ta để ý tới những vấn đề như việc bảo vệ và sử dụng các thủy nguồn, đến việc dự phòng vệ sinh, đến việc cải tiến vấn đề định cư của con người và vấn đề sức khỏe quần chúng, đến việc giảm nghèo và chiếm đạt những mục tiêu phát triển của tân thiên kỷ (MDGs: Millennium Development Goals), chúng ta phải đối diện với cái phức tạp của những tương liên và những tương động cần phải được thường xuyên tái xét. Tòa Thánh ủng hộ tiến trình này hướng về khóa họp 2005 của UNCSD cũng như về phiên họp sửa soạn cho nó vào Tháng Hai tới đây.


Cũng thế, Tòa Thánh muốn nâng đỡ Hội Nghị Thế Giới Về Vấn Đề Giảm Thiểu Thảm Họa sẽ được tổ chức vào Tháng Giêng tới đây ở Kobe, một hội nghị được tổ chức với mục đích phát động việc hòa hợp những hoạt động giảm thiểu tại họa thành những chương trình hướng về việc chống nghèo khổ, việc bảo vệ môi trường và việc ủng hộ vấn đề phát triển khả thủ.


Thưa Ngài Trưởng Ban,


Để tiến hành mau chóng hơn tới việc phát triển khả thủ, cần phải thực hiện những bước tiến hữu ích bằng việc tham dự rộng rãi nhất của thành phần hữu trách. Qua việc họ chủ động tham gia, những nguyên tắc chính yếu về mối liên đới và trợ thuộc sẽ được tôn trọng. Chính nhờ hai nguyên tắc này mà thành phần hữu trách sẽ tiến đến chỗ nhận thấy được rằng cần phải luôn được chú trọng đến nhu cầu của tất cả mọi người, chứ không phải chỉ của một số người. Như thế, vấn đề quan trọng đó là làm sao bảo đảm được uy tín thích đáng nơi những ai điều hành các chương trình cũng như các dự án về vấn đề phát triển khả thủ, nhờ đó những quyết định mới phản ảnh các thứ quan tâm của dân chúng được các chương trình này muốn giúp đỡ.


Theo chiều hướng ấy thì thật là hữu ích nếu những người sống trên hay sống ngoài lề xã hội thực sự được coi như những diễn viên đích thật trong việc phát triển của mình. Con người không phải là dụng cụ mà là những tham dự viên chính vào việc quyết định tương lai của họ. Trong những hoàn cảnh đặc biệt về kinh tế và chính trị của mình, họ cần phải thực thi cái óc sáng tạo làm nên đặc tính của con người và là những gì cho phối sự thịnh đạt của quốc gia. Vấn đề phát triển khả thủ, như thế, phải nhắm đến việc bao gồm những gì chỉ có thể đạt được bằng việc hợp tác, tham dự và đồng minh một cách bình đẳng trên bình diện quốc tế.


Thành phần bị loại ra rìa xã hội thường thiếu tiếng nói của mình ở những cuộc thương thảo, trong khi thành phần hữu trách lại có. Chỉ có mối liên kết mới có thể bảo đảm được một cuộc đổi thay thực sự về vấn đề này mà thôi. Nền thịnh vượng và sự tiến bộ thực sự của thế giới về các vấn đề phát triển khả thủ tùy thuộc vào việc liên kết các lợi ích của tất cả mọi dân tộc lại với nhau. Tòa Thánh nhân cơ hội này kêu gọi một sách lược chung có thể củng cố loại đoàn kết mà trong đó tất cả mọi người, chứ không phải chỉ một số người, có thể hành sử vai trò quản lý chung.


Thưa Ông Trưởng Ban,


Sau hết, về bản Thập Niên Quốc Tế Về Hoạt Động, “Nước để Sống”, Tòa Thánh xin hợp với tất cả những ai nhìn nhận vị trí chính yếu của nước trong việc phát triển lấy con người làm chính và thực sự khả thủ.


Đại biểu tôi đây nhìn nhận rằng nước chẳng những là một yếu tố thiết yếu của sự sống và phát triển, mà hết mọi người còn có quyền được hưởng một thứ nước trong sạch, an toàn và đầy đủ để bồi bổ sự sống. Mặc dù nó không phải là vấn đề đặc biệt thuộc về đề tài đang được bàn đến trong việc tìm hiểu vấn đề phát triển khả thủ đây, Tòa Thánh cũng tin rằng vấn đề làm sao có được nước uống là một lợi ích căn bản của con người và là dụng cụ chính yếu mang lại phát triển lấy con người làm chính và khả thủ vậy.


Xin cám ơn Ông Trưởng Ban.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 6/10/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)


GIÁO HỘI HIỆN THẾ