GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 10/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.  

 

__________________

 NGÀY 30 THỨ BẢY

  

MẸ MÂN CÔI - NGUỒN HY VỌNG CỨU ĐỘ CUỐI THỜI
 

Tại sao Năm Mân Côi được bế mạc vào Ngày Truyền Giáo, chứ không vào cuối Tháng Mân Côi?

Ngày Giáo Hội Truyền Giáo 19/10/2003 Giáo Hội cử hành ba biến cố một lúc: Mừng Ngân Khánh Giáo Hoàng (1978-2003) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, mừng Mẹ Têrêsa Calcutta được ĐTC tuyên phong lên bậc Chân Phước trong chính Ngày Giáo Hội Truyền Giáo, và bế mạc Năm Mân Côi. Không phải ngẫu nhiên Tòa Thánh, đúng hơn, Đức Thánh Cha đương kim của chúng ta, cố ý muốn cử hành ba biến cố này cùng một lúc trong Ngày Giáo Hội Truyền Giáo 19/10/2003.

Trước hết, về việc mừng Ngân Khánh Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào chính ngày Giáo Hội Truyền Giáo này không phải chỉ vì thời điểm trùng hợp, thời điểm Ngài được tuyển bầu lên làm giáo hoàng (16/10/1978) và đăng quang giáo hoàng (22/10/1978) của Ngài xẩy ra trước và sau Ngày Chúa Nhật Giáo Hội Truyền Giáo năm 2003 này. Cho dù thời điểm có trùng hợp đi nữa, thì biến cố Đức Thánh Cha được tuyển bầu làm giáo hoàng 25 năm trước đây vào Tháng Mân Côi cũng như vào gần dịp Chúa Nhật Truyền Giáo bao giờ cũng vào Tháng Mười đã là những dấu chỉ thời đại cho thấy vị giáo hoàng sẽ dẫn đắt Giáo Hội ấy như thế nào, một vị giáo hoàng, 25 năm năm sau, người ta phải công nhận là một Vị Giáo Hoàng “duc in altum” (thả lưới ở chỗ nước sâu), một Vị Giáo Hoàng chẳng những hăng say truyền giáo qua hằng trăm chuyến tông du khắp thế giới, mà còn sâu xa chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô bằng đời sống cầu nguyện, đặc biệt qua Kinh Mân Côi, một kinh nguyện Ngài đã thêm 5 Mầu Nhiệm Ánh Sáng trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria ngày 16/10/2002, ngày bắt đầu năm giáo triều thứ 25 của Ngài.

Sau nữa, về việc tôn phong chân phước cho Mẹ Têrêsa Calcutta, vị duy nhất trong 6 vị tân Á Thánh được Giáo Hội tuyên phong vào cuối năm 2003 (5 vị khác vào ngày 9/11 cùng năm) được Giáo Hội thực hiện vào chính Ngày Chúa Nhật Truyền Giáo. Sự kiện này cũng dễ hiểu, vì Mẹ Têrêsa Calcutta chẳng những là vị sáng lập hội dòng Chư Thừa Sai Bác Ái, một hội dòng phát triển nhanh nhất lịch sử các hội dòng của Giáo Hội từ trước đến nay, mới trong vòng 50 năm đã phát triển đến 120 quốc gia với cả 4 ngàn nữ tu trên khắp thế giới, mà còn được ĐTC Gioan Phaolô II, ngay sau ngày phong chân phước cho Mẹ, 20/10/2003, đã khẳng định với phái đoàn hành hương tham dự Lễ Phong Chân Phước cho Mẹ rằng “Vị tân chân phước này chắc chắn là một trong những vị đại thừa sai của thế kỷ 20”.

Thế nhưng, vấn đề lạ ở đây là Năm Mân Côi được kết thúc, được bế mạc vào chính Ngày Chúa Nhật Truyền Giáo, 19/10/2003, chứ không phải vào cuối Tháng Mân Côi. Như thế không phải Giáo Hội nói chung và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói riêng, vị giáo hoàng đã ban hành bức Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, muốn nhấn mạnh đến mối liên hệ mật thiết sâu xa giữa đời sống nội tâm và cầu nguyện với việc tông đồ truyền giáo hay sao!? Nếu hoạt động tông đồ truyền giáo là hoạt động của một nội tâm dồi dào thần linh và là hoạt động cần phải được phát xuất từ một cuộc sống kết hợp nguyện cầu, một tình trạng thật sự và hoàn toàn “duc in altum” (thả lưới ở chỗ nước sâu), thì ĐTC đã chí lý khi xác quyết trong Sứ Điệp cho Ngày Giáo Hội Truyền Giáo 2003 về thời điểm bế mạc Năm Mân Côi như sau: “Nếu Ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo, được xẩy ra vào đúng lúc kết thúc Năm Thánh Mẫu đặc biệt này, được sửa soạn kỹ lưỡng, nó sẽ là một động lực mạnh mẽ hơn nữa cho việc dấn thân của cộng đồng giáo hội… Tin tưởng chạy đến với Mẹ Maria, bằng việc hằng ngày đọc kinh Mân Côi và suy niệm các mầu nhiệm đời sống của Chúa Kitô, là chú trọng đến sự kiện sứ mệnh của Giáo Hội phải được bảo dưỡng trước hết bằng việc cầu nguyện” (đoạn 2).


Giáo Hội Truyền Giáo toàn cầu ngày nay phải chăng là dấu chỉ tiên báo thời thế mạt?

Ngày Giáo Hội Truyền Giáo 19/10/2003 được Giáo Hội cử hành 3 biến cố một lúc, liên quan đến ĐTC Gioan Phaolô II, đến Mẹ Têrêsa Calcutta và đến Kinh Mân Côi như thế, phải chăng là một dấu chỉ thời đại cho thấy những gì đã được nói đến về thời thế mạt, về cuộc chung thẩm cánh chung cũng như về tước hiệu Thánh Mẫu Mân Côi Fatima?

Đúng thế, theo Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 24 câu 12 và 14, thì thời thế mạt hay thời tận thế sẽ được diễn tiến thứ tự như sau: trước hết là tình trạng lòng người trở nên nguội lạnh; sau đó là việc truyền bá phúc âm hóa được thực hiện khắp thế giới; và sau hết mới tới cùng tận. Nguyên văn của hai câu Phúc Âm rất quan trọng này như sau: “Vì sự dữ tăng phát mà lòng mến của hầu hết trở nên nguội lạnh… Tin mừng về nước trời sẽ được loan báo khắp thế giới như một chứng từ cho tất cả mọi dân nước. Chỉ sau khi đó mới tới tận cùng”.

Đem áp dụng hai câu Phúc Âm này vào lịch sử cận đại và hiện đại của thế giới, kể từ thời Cách Mạng Kỹ Nghệ cuối thế kỷ 17, sang thời Cách Mạng Chính Trị với cuộc Cách Mạng Pháp từ cuối thế kỷ 18 năm 1789, tới thời Cách Mạng Xã Hội với việc xuất hiện chủ nghĩa Cộng Sản vào hậu bán thế kỷ 19, và thời Cách Mạng Nhân Bản với Bản Hiến Chương Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc ban hành ngày 10/12/1948, chúng ta thấy ứng nghiệm hơn bao giờ hết từng lời từng chữ sự kiện “vì sự dữ tăng phát mà lòng mến của hầu hết trở nên nguội lạnh”. Hiện tượng thiếu ơn kêu gọi và bao viện tu bỏ trống ở các nước Âu Mỹ không phải là một chứng cớ hay sao? Nạn tu trì lạm dụng tình dục, phá giới, phản chống Giáo Hội v.v. không phải là một chứng cớ mạnh mẽ hơn nữa hay sao?? Trào lưu ly dị và phá thai nơi đời sống hôn nhân gia đình cũng không cho thấy hiển nhiên tính chất ứng nghiệm của lời Chúa Giêsu tiên báo ấy hay sao???

Cũng chính “vì sự dữ tăng phát mà lòng mến của hầu hết trở nên nguội lạnh” như thế, là muối đất men bột (x Mt 5:14, 13:33), Giáo Hội Chúa Kitô, kể từ thập niên 1960, thập niên của Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965), đã ý thức được sứ mệnh là bí tích cứu độ của mình (x Lumen Gentium, 1), cũng như nhận thức được bản chất của mình là truyền giáo (x Ad Gentes, 2), đã nỗ lực canh tân để thực sự trở thành “Ánh Sáng Muôn Dân” (nhan đề của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội ban hành ngày 21/11/1964), nhờ đó mang lại “Vui Mừng và Hy Vọng” (nhan đề của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội ban hành ngày 7/12/1965) đến cho một thế giới càng văn minh vật chất và nhân bản càng sặc mùi văn hóa sự chết. Chính vị giáo hoàng bất ngờ xuất hiện trước mắt thế giới từ một nước cộng sản Balan đã được Thiên Chúa sai đến để thực hiện chiều hướng “duc in altum” (thả lưới ở chỗ nước sâu) và “ad gentes” (cho muôn dân) này của Công Đồng Chung Vaticanô II. Chính tên hiệu giáo hoàng kép Gioan Phaolô (Gioan nội tâm; Phaolô truyền giáo) Ngài chọn đã cho thấy rõ chủ hướng dứt khoát ấy của giáo triều Ngài.

Một trong những việc Ngài làm liên quan đến vấn đề củng cố nội tâm của Giáo Hội đó là việc tổ chức Mừng Đại Năm Thánh 2000, để Giáo Hội có thể bắt đầu lại từ Chúa Kitô, bằng việc chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô, “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” (Redemptor Hominis, Bức Thông Điệp đầu tiên của Ngài ban hành Chúa Nhật thứ nhất 4/3/1979), Đấng “là tâm điểm của vũ trụ và lịch sử”. Một trong những thành đạt về truyền giáo Ngài được lịch sử thế giới ghi công đó là hoạt động ngoại giao mục vụ của Ngài tại Balan trong chuyến tông du thứ hai 6/1979, một chuyến tông du được các chính khách nổi tiếng trên thế giới đương thời công nhận đã ảnh hưởng tới việc sụp đổ bất ngờ cả khối Cộng Sản Đông Âu cuối năm 1989, rồi tới khối Cộng Sản Liên Bang Sô Viết vào ngày 25/12/1991. Việc truyền giáo của Ngài vẫn tiếp tục cho tới dịp mừng ngân khánh giáo hoàng của Ngài là 102 chuyến tông du khắp thế giới không phải là những gì đã ứng nghiệm lời Chúa Giêsu tiên báo: “Tin mừng về nước trời sẽ được loan báo khắp thế giới như một chứng từ cho tất cả mọi dân nước”. Sự kiện giáo triều của Ngài lúc bắt đầu mới có 85 quốc gia liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican hay với Quốc Đô Vatican nay đã lên tới 174 quốc gia, quá gấp đôi một chút, không phải là dấu chứng cho thấy ảnh hưởng truyền giáo của Ngài đã lan “tới tận cùng trái đất” (Acts 1:8) như Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ trước khi về trời hay sao?

Sự kiện “Tin mừng về nước trời sẽ được loan báo khắp thế giới như một chứng từ cho tất cả mọi dân nước” chẳng những được thực hiện bởi chính hàng giáo phẩm, bởi chính đấng thừa kế chính vị trưởng tông đồ đoàn Phêrô, mà còn được thực hiện bởi đặc sủng nữa, bởi một nữ tu nhỏ con, tầm thường, ốm yếu, đơn thân và vô danh tiểu tốt vào hậu bán thập niên 1940. Đó là Mẹ Têrêsa Calcutta. Vị nữ tu sáng lập hội dòng Chư Thừa Sai Bác Ái này đã không thực hiện một đức ái trọn hảo Kitô giáo tại Calcutta, rồi tới khắp Ấn Độ từ đầu thập niên 1960, sau đó tới khắp thế giới, nhất là thế giới Cộng sản trong suốt thập niên 1980 và 1990. Cho tới khi Mẹ qua đời ngày Thứ Sáu 5/9/1997, tức sau 47 năm sau, từ khi hội dòng của Mẹ được Giáo Hội chính thức công nhận ngày 7/10/1950, đã có hơn 4 ngàn Chư Thừa Sai Bác Ái đã có mặt tại 123 quốc gia, kể cả các nước cộng sản. Như thế, tình trạng “vì sự dữ tăng phát mà lòng mến của hầu hết trở nên nguội lạnh”, đối với Chúa cũng như đối với nhau, đã không được đền đắp và cải tiến bằng đức bác ái trọn hảo của riêng bản thân Mẹ Têrêsa cũng như của chung hội dòng của Mẹ, một đức ái thực sự “như một chứng từ cho tất cả mọi dân nước” hay sao?

Tuy nhiên, nơi sự kiện “Tin mừng về nước trời sẽ được loan báo khắp thế giới như một chứng từ cho tất cả mọi dân nước” bởi Mẹ Têrêsa Calcutta và hội dòng Chư Thừa Sai Bác Ái của Mẹ còn có một tín hiệu chung thẩm nữa. Ở chỗ, vị sáng lập hội dòng này, qua những lần được Chúa Giêsu thầm thĩ thúc giục trong lòng, Mẹ đã chủ trương phục vụ hết mọi thành phần nghèo khổ nhất trong các người nghèo, và Mẹ nhìn thấy nơi thành phần nghèo khổ nhất này hình ảnh của Chúa Kitô, đúng như những gì Vị Thẩm Phán Cánh Chung phán với cả thành phần chiên lẫn dê: “Khi các người làm (không làm những điều ấy) cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta là làm (không làm) cho chính ta” (x Mt 25:40,45). Phải chăng những việc Mẹ Têrêsa đã làm và Chư Thừa Sai Bác Ái của Mẹ đang tiếp tục làm trên khắp thế giới cho thành phần hẹn mọn nhất được đồng hóa với Chúa Kitô đây, chẳng những “như một chứng từ cho tất cả mọi dân nước” thấy, mà còn là những gì đang sửa soạn cho Chúa Kitô đến trong vinh quang đức ái, có các thần trời sống bác ái hầu cận để phán xét thế gian về lòng mến của họ (x Mt 25:31)?

Chúng ta không biết sự kiện “Tin mừng về nước trời sẽ được loan báo khắp thế giới như một chứng từ cho tất cả mọi dân nước. Chỉ sau khi đó mới tới tận cùng” sẽ xẩy ra như thế nào. Nói cách khác, chúng ta không biết được chính xác việc loan báo tin mừng khắp thế giới của Giáo Hội đây sẽ kéo dài tới bao lâu thì ngày cùng tháng tận mới tới. Chúng ta, cũng qua Mạc Khải, chỉ biết rằng “cho tới khi đủ số Dân Ngoại”, tức cho tới khi “toàn dân Do Thái” trở lại nhận biết Chúa Kitô là Đấng Thiên Sai (x Rm 11:25-26), như Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, ở số 674, xác nhận, mới tới ngày cùng tháng tận. Như vậy, dù chúng ta cũng không biết “đủ số Dân Ngoại” là bao nhiêu, và cho tới bao giờ mới đủ, nhưng hễ bao giờ thấy “toàn dân Do Thái” nhận biết Chúa Kitô của Kitô giáo là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế của họ, thì bấy giờ chúng ta biết rằng thời hạn của Dân Ngoại đã mãn. Hoạt động truyền giáo ngay trước thời cùng tận như lời Chúa Giêsu tiên báo trong Phúc Âm Thánh Mathêu trên đây, theo nghĩa này, là để tăng lên cho “đủ số Dân Ngoại”. Tuy nhiên, nếu vì dân Do Thái cứng lòng mà Dân Ngoại được hưởng phúc thế nào, thì dân Do Thái cũng được Thiên Chúa của họ xót thương khi Dân Ngoại bắt đầu quay ra phản bội Ngài, hay nói cách khác, khi con cái Giáo Hội bắt đầu chạy theo văn minh vật chất và duy nhân bản trở thành vô thần, bỏ Chúa.

Hiện tượng hay tình trạng Dân Ngoại hay các phần tử của Giáo Hội Chúa Kitô càng ngày càng trở thành vô thần cũng đã được Chúa Kitô tỏ cho biết khi Người nói về dụ ngôn 10 cô phù dâu, thành phần Kitô hữu môn đệ chờ mong Người tái giáng, một biến cố xẩy ra vào ngay nửa đêm, tức vào lúc mọi người đang mê ngủ, kể cả những cô phù dâu khôn ngoan mang dầu theo với đèn (x Mt 25:5-6). Đúng thế, như Chúa Kitô được chôn táng trong mồ trước khi vinh hiển phục sinh thế nào, Giáo Hội cũng sẽ phải trải qua những ngày tăm tối khủng khiếp cuối cùng về đức tin như vậy, trước khi được phục sinh trong vinh quang của Chúa Kitô tái giáng. Sách Giáo Lý Công Giáo ở số 675 đã khẳng định tình trạng này như sau:

“Trước khi Chúa Kitô đến lần thứ hai, Giáo Hội phải trải qua một cuộc thử thách sau cùng, một cuộc thử thách sẽ làm lay chuyển đức tin của nhiều tín hữu (x Lk 18:8; Mt 24:12). Bách hại đi kèm theo cuộc lữ hành của Giáo Hội trên mặt đất (x Lk 21:12; Jn 15:19-20) sẽ tỏ ra cho thấy ‘mầu nhiệm của gian tà’ nơi hình thức lừa bịp về đạo giáo, ở chỗ nĩ cống hiến con người một giải đáp trước mắt cho những vấn nạn của họ với giá họ phải trả là chối bỏ sự thật. Cái lừa bịp về đạo giáo thượng hạng là cái lừa bịp Phản Kitơ, một chủ trương ngụy kitơ làm cho con người tơn vinh mình hơn Thiên Chúa và hơn Đấng Thiên Sai đến trong xác thịt của Ngài (x 2Thess 2:4-12; 1Thess 5:2-3; 2Jn 7; 1Jn 2:18,22)”.

Tuy nhiên, dù các cô phù dâu khôn ngoan có ngủ, nhưng lòng của họ vẫn thức, vì dầu đức cậy của họ vẫn còn đó, không cạn kiệt, không tuyệt vọng chán chường trước bóng dáng biệt tăm của “Đấng đang đến, đã đến và sẽ đến” (Rev 1:8), tức họ vẫn có thể đốt lên cây đèn đức tin cho nó lại bừng sáng ngọn lửa đức mến để rạng rỡ tiến ra nghênh đón chàng rể Giêsu bất chợt đến với cô dâu Giáo Hội (x Rev 21:2).


Việc cầu Kinh Mân Côi ngày nay là tác động ngưỡng vọng Chúa Kitô tái giáng!

Nếu đức mến là ngọn lửa bừng sáng ở phần bên trên ngọn đèn đức tin, một đức mến là tiêu biểu cho việc tông đồ truyền giáo và là một đức mến sáng ngời nơi việc tông đồ truyền giáo, thì đức cậy là một chất lỏng ở dưới lòng của cây đèn đức tin, một đức cậy tiêu biểu cho đời sống nội tâm, và là sinh lực của đời sống cầu nguyện, thì phải chăng Kinh Mân Côi có liên hệ với thời thế mạt, vì Kinh Mân Côi là một kinh nguyện thông dụng nhất của Kitô hữu và cho Kitô hữu, một kinh nguyện, với nội dung khi được đọc lên, chứng tỏ con người dù tội lỗi đến đâu cũng vẫn còn lòng trông cậy, vẫn còn khao khát muốn được cứu rỗi, vẫn còn nhận biết Đấng Tối Cao nơi Kỳ Công Tuyệt Tác Maria của Ngài.

Đúng thế, thực tế cho thấy, dù linh hồn đã hoàn toàn bị tắt lửa đức mến, ở chỗ, bỏ cả Chúa, không còn xưng tội rước lễ, tức không còn dám đến với Chúa qua các Bí Tích Thánh, nhất là trường hợp ở trong những hoàn cảnh (như chung sống ngoại hôn) không thể hay không được xưng tội rước lễ, nhưng nếu còn dầu đức cậy, còn biết cầm lấy tràng hạt, còn nắm chặt lấy Kinh Mân Côi, tức còn nhận biết chẳng những Vị đã được “Thiên Chúa là Đấng toàn năng đã làm cho những sự trọng đại” (Lk 1:49), qua lời chúc tụng “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà…”, mà còn nhận biết chính bản thân vô cùng hèn yếu và khốn nạn đáng thương của mình nữa, qua lời tuyên xưng van nài “cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”, chắc chắn họ vẫn còn kịp thời để ra đón Chúa Kitô bất cứ lúc nào Người đến. Phải chăng đó là lý do tại sao trong Biến Cố Thánh Mẫu Fatima 1917, Mẹ Maria không xưng mình với một tước hiệu nào khác, như Mẹ đã xưng mình ở Lộ Đức năm 1858 với tước hiệu “Ta Hoài Thai Vô Nhiễm Tội”, mà lại là tước hiệu: “Ta là Đức Mẹ Mân Côi” vào lần hiện ra cuối cùng ngày 13/10/1917, một tước hiệu được kèm theo hiện tượng mặt trời biến động trên không trung làm cho 10 ngàn người chứng kiến bấy giờ tưởng tận thế xẩy ra?

Trước hết, tước hiệu “Ta là Mẹ Mân Côi” liên quan đến chính Đức Mẹ. Theo lịch sử Giáo Hội, nếu tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi được gắn liền với Vị Nữ Vương Thắng Trận, ở cả việc chinh phục lạc giáo, như chinh phục bè rối Albigense thời Thánh Phụ Đaminh vào thế kỷ 12, lẫn việc chiến thắng ngoại thù của Giáo Hội, như ở trận hải chiến gần Vịnh Côrintô với Hồi giáo năm 1571, những sự kiện lịch sử đã được Đức Thánh Cha Lêô nhắc đến trong Thông Điệp về Kinh Mân Côi của Ngài, Thông Điệp Supremi Apostolatus ban hành ngày 1/9/1883, thì không còn thời nào như thời đại văn minh của con người ở thế kỷ 20 tới nay, một thời đại văn minh đầy lạc thuyết, với biết bao tiên tri giả xuất hiện (x Mt 24:5,11,24), được tiêu biểu và gồm tóm nơi Tân Tiến Thuyết là lạc thuyết đã bị Thánh Giáo Hoàng Piô X lên án qua Thông Điệp Pascendi Dominici Gregis ban hành ngày 8/9/1907, vì theo Ngài nó là “tổng hợp tất cả các lạc thuyết” (Thông Điệp, số 39), cũng như qua Bản Lên Án Những Sai Lầm của Tân Tiến Thuyết ban hành ngày 3/7/1907, cũng là thời đại Giáo Hội bị cả ngoại thù là các lực lượng cực đoan tôn giáo (nhất là Hồi giáo, kể cả Ấn giáo) bách hại và sát hại.

Hiện tượng mặt trời biến động ngày 13/10/1917 là một dấu chỉ thời đại cho thấy Mẹ Mân Côi là Nữ Vương Trời Đất, cho thấy quyền năng vô địch của Mẹ trên vũ trụ cũng như trong lịch sử loài người diễn tiến trong vũ trụ này. Nếu mặt trời là tiêu biểu cho mặt trời công chính là Chúa Kitô thì Mẹ Mân Côi Maria đang sửa soạn cho Vị Thẩm Phán Chung Thẩm này đến trong vinh quang vào ngày thế mạt. Ngoài ra, nếu mặt trời là trung tâm của vũ trụ, liên quan đến vận mệnh của vũ trụ nói chung và của loài người nói riêng, thì Mẹ Mân Côi Maria, một khi làm cho mặt trời biến động như thế, Mẹ sẽ là vị nắm trong tay mình vận mệnh của cả vũ trụ lẫn thế giới loài người.

Chính Thiên Chúa, Đấng “muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”, một bí mật đã được Mẹ Maria tiết lộ cho 3 Thiếu Nhi Fatima biết ngày 13/7/1917, thực sự đã làm cho uy quyền Mẹ Maria được loài người nhận biết vào cuối thế kỷ 20, qua hiện tượng Ngài đã làm cho Nước Nga trở lại vào chính Lễ Giáng Sinh 25/12/1991, khi vị lãnh đạo cuối cùng của Khối Liên Bang Sô Viết là Gorbachev chính thức từ chức. Tuy nhiên, hiện tượng Nước Nga tự động trở lại quyết liệt này, chỉ xẩy ra sau khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hoàn toàn đáp ứng ý Thiên Chúa muốn, như được Mẹ tỏ cho chị Lucia ngày 13/6/1929, là việc Ngài muốn ĐTC phải cùng với hàng giáo phẩm thế giới hiệp dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Tuy nhiên, tác động hiến dâng cần thiết đã được Đức Piô XII thực hiện từ ngày 31/10/1942 và 7/7/1952, rồi Đức Phaolô VI vào ngày 21/11/1964 trong Công Đồng Chung Vaticanô II, nhưng cuối cùng chỉ hoàn trọn vào ngày 25/3/1984, đúng như cách thức Thiên Chúa muốn, sau biến cố Đức Gioan Phaolô II bị ám sát vào chính ngày 13/5/1981, ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima lần đầu tiên.

Sự kiện Mẹ Maria xuất hiện liên tiếp từ đầu thế kỷ 19, và sự kiện Thiên Chúa làm cho Mẹ được nhận biết vào cuối thế kỷ 20, đã xẩy ra đúng như lời tiên báo của Thánh Long Mộng Phố trong cuốn Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria, ở số 49 và 54 (dưới đây), được viết từ đầu thế kỷ 18 về “những thời buổi sau này” liên quan đến việc tỏ hiện của Mẹ Maria, Đấng đã bắt đầu Thời Điểm Maria của mình với Biến Cố Thánh Mẫu Paris năm 1830 với chị Thánh Catarina Labuarê, qua Biến Cố Thánh Mẫu Lộ Đức năm 1858 với Thánh Nữ Bênađetta, đến Biến Cố Thánh Mẫu tuyệt đỉnh ở Fatima năm 1917 với 3 Thiếu Nhi Fatima, 2 em nhỏ trong 3 em bấy giờ đã được phong chân phước ngày 13/5 trong Đại Năm Thánh 2000.

“Qua Mẹ Maria ơn cứu độ thế giới đã được mở màn thế nào thì cũng qua Mẹ Maria nó phải được chấm dứt như thế… Vào lần đến thứ hai của Chúa Kitô, Chúa Thánh Linh sẽ làm cho Mẹ được nhận biết và hiện lộ, để qua Mẹ, Chúa Giêsu Kitô được nhận biết, yêu mến và phụng sự” (đoạn 49);

• “Quyền năng của Mẹ Maria trên tất cả mọi quỉ thần đặc biệt sẽ được sáng tỏ vào những thời buổi sau này, khi mà Satan sẽ giăng bẫy tấn công gót chân của Mẹ, tức là tấn công những tôi tớ khiêm hạ của Mẹ cũng như tấn công các con cái nghèo hèn của Mẹ, thành phần Mẹ sẽ dấy lên để chống lại hắn” (số 54).


Nếu tước hiệu “Ta là Mẹ Mân Côi” liên quan đến người cầu Kinh Mân Côi, đến chính Mẹ Maria, thì tước hiệu này còn liên quan cả đến chính Kinh Mân Côi nữa. Thật thế, tước hiệu “Ta là Mẹ Mân Côi” liên quan đến chính bản chất của việc cầu nguyện nói chung, nhất là của việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi nói riêng. Theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ở đoạn 3 của Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, Ngài đã định nghĩa “việc cầu kinh Mân Côi không là gì khác ngoài việc cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô”.

Vậy khi trung thành cầu Kinh Mân Côi, linh hồn chẳng những tỏ ra nhận biết Thiên Chúa nơi Kỳ Công Tuyệt Tác Maria của Ngài, và nhận biết thân phận tội lỗi đáng thương của mình, mà còn tỏ ra ngong ngóng trông đợi Chúa Kitô nữa. Thật thế, khi chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô qua các Mầu Nhiệm Mân Côi, linh hồn không phải chỉ suy tưởng nguyên về những gì Người đã làm cho loài người khi Người còn sống trên trần gian, mà thực sự họ tỏ ra khao khát được hoàn toàn hiệp nhất nên một với Người, được trọn vẹn nên giống hệt như Người, nhất là được đời đời hợp hoan với Người trên nơi trường sinh vinh phúc, nghĩa là họ khao khát cho những gì Người làm được “nên trọn” (Jn 19:30), nơi bản thân họ, trên thế gian, trong lịch sử loài người, nhất là vào ngày cùng tháng tận. Có thể nói việc cầu Kinh Mân Côi chính là việc ngưỡng vọng Chúa Kitô tái giáng trong vinh quang, là việc ngưỡng vọng cho Vương Quốc của Người trị đến.

Nếu Mẹ Maria thực sự xuất hiện là để dọn đường cho Con Mẹ tái giáng, như Tiền Hô Gioan Tẩy Giả xưa kia dọn đường cho Người đến với dân Do Thái lần đầu, thì lời Mẹ kêu gọi vào ngày 13/10/1917 để hoàn toàn kết thúc Biến Cố Thánh Mẫu Fatima: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”, cũng là lời âm vang của sứ điệp Phúc Âm: “Thời gian đã trọn. Nước Thiên Chúa đã gần. Hãy ăn năn hối cải và tin vào Phúc Âm” (Mk 1:15). Mẹ Maria đã và đang dọn đường cho Con Mẹ tái giáng ở chỗ Mẹ hiện ra đây đó để thức tỉnh con người, nhờ đó họ có thể tỉnh thức khi Người đến, tức để họ có thể ra nghênh đón Người. Mẹ Maria dọn đường cho Con Mẹ đến là ở chỗ đó, ở chỗ sửa soạn cho thành phần Kitô hữu, như những kẻ giúp việc ở tiệc cưới Cana (x Jn 2:5), sẵn sàng cho việc Người tỏ vinh hiển của Người ra vào giờ của Người. Như thế, nếu việc cầu Kinh Mân Côi là tác động “cùng Mẹ Maria chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô” thì việc cầu Kinh Mân Côi này cũng là tác động tỏ ra muốn nghe theo lời Mẹ căn dặn “hãy làm theo những gì Người bảo” để Chúa Kitô có thể tỏ vinh quang của Người ra nơi chính bản thân con người cầu Kinh Mân Côi, và qua họ trên thế gian, tức để thế gian là nơi đã được “Lời hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Jn 1:14) sửa soạn sẵn sàng nghênh đón “Con Người đến trong vinh quang” (Mt 25:31).

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, những ngày cuối Tháng Mân Côi 2003

 

ĐTC GPII với Chủ Tịch Ủy Ban Âu Châu: về vai trò quyết liệt của Kitô Giáo trong việc hình thành Âu Châu


Hôm Thứ Năm 28/10/2004, khi gặp ông Romano Prodi, vị chủ tịch sắp mãn nhiệm của Ủy Ban Âu Châu, ĐTC GPII đã cho biết, mặc dù Bản Hiến Pháp Âu Châu không nhìn nhận Kitô Giáo, nhưng vẫn đã đóng vai trò quyết liệt trong việc hình thành châu lục này. Cuộc gặp gỡ này đã xẩy ra vào ngay trước ngày 25 đại diện thuộc các quốc gia phần tử của Khối Hiệp Nhất Âu Châu ký nhận bản Hiệp Định Hiến Pháp. ĐTC đã nói với vị chủ tịch này rằng:


“Địa điểm được chọn để ký nhận này, nguyên địa điểm đã xuất phát ra Cộng Đồng Âu Châu năm 1957, có một giá trị biểu hiệu rõ ràng. Bất cứ ai nói về Rôma là nói về cái rạng ngời của những thứ giá trị phổ quát về pháp lý và thiêng liêng.


“Tòa Thánh ủng hộ việc hình thành Khối Hiệp Nhất Âu Châu trước khi nó được cấu tạo theo pháp lý, và đã hết sức quan tâm theo dõi những giai đoạn liên tục của nó. Tòa Thánh luôn cảm thấy nhu cầu cần phải công khai bày tỏ những niềm trông mong chính đáng của một phần lớn công dân Kitô Giáo ở Âu Châu, thành phần đã yêu cầu Tòa Thánh làm điều ấy.


“Đó là lý do tại sao Tòa Thánh đã nhắc nhở tất cả mọi người rằng Kitô Giáo, qua những thể hiện khác nhau của mình, đã góp phần vào việc hình thành một lương tâm chung cho các dân tộc Âu Châu cũng như đã giúp rất nhiều vào việc cấu tạo nên các thứ văn minh của châu lục này. Dù Kitô Giáo có được nhìn nhận nơi những văn kiện chính thức hay chăng, đó vẫn là một sự kiện bất khả chối cãi không một sử gia nào có thể gạt bỏ”.


Cuộc gặp gỡ này diễn ra cách thân tình, vì ĐGH đã quen biết vị chủ tịch sống đời sống Công giáo này. Khi vị chủ tịch hỏi: “Tâu Đức Thánh Cha, Ngài có khỏe không?”, ĐTC đã trả lời bằng cử chỉ âu yếm đặt tay lên vai vị chủ tịch: “Khỏe lắm”. Vị chủ tịch đã bắt đầu cuộc gặp gỡ 10 phút này bằng câu: “Tôi đã đến lúc kết thúc sứ vụ của mình rồi”.


Phần thứ hai của cuộc triều kiến này kéo dài 10 phút nữa, bao gồm cả họ hàng và cộng sự viên của ông. ĐTC đã vỗ vỗ vào hai đứa cháu gái của ông. Ngài chúc mừng ông đã hoàn taât nhiệm vụ và bày tỏ niềm hy vọng những khó khăn đang xẩy ra cho ủy ban này được giải quyết tốt đẹp. Bởi vì, vị chủ tịch được bổ nhiệm nhưng chưa nhậm chức là Durao Barroso người Bồ Đào Nha đã phải rút lại nhóm dự trù của ông, trước hết là vì một lệnh ban của quốc hội đã loại bỏ ông Rocco Buttiglione là ủy viên được bổ nhiệm đặc trách về Công Lý và Nội Vụ, bởi vị ủy viên Công Giáo này bày tỏ chủ trương của mình về những vấn đề đồng tính luyến ái và gia đình.


ĐTC nói: “Chớ gì Khối Hiệp Nhất Âu Châu luôn tỏ ra cái hay nhất nơi các đại truyền thống của những quốc gia phần tử, chủ động hoạt động nơi lãnh vực quốc tế cho hòa bình giữa các dân tộc, và góp phần rộng rãi cứu trợ việc phát triển của các dân tộc cần thiết nhất ở các châu lục khác”.


Ông Prodi đã tặng ĐTC một cuốn sách có những hình ảnh Âu Châu được chụp từ trên cao, cũng như một bản sao chụp châu lục này cũng từ trên cao. Ông nói: “Tôi đã tự do viết lời đề tặng Ngài là vị đã tỏ cho chúng tôi Âu Châu từ trên cao”.


 

ĐTC GPII với Đại Hội Thường Niên của Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình về Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội


Hôm Thứ Sáu 29/10/2004, ĐTC GPII đã chẳng những gặp các tham dự viên đại hội thường niên của Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, mà còn gặp cả 300 tham dự viên đến từ 92 quốc gia khác nhau hiện diện trong Cuộc Hội Nghị Thế Giới Lần Đầu Tiên Của Các Tổ Chức Giáo Hội Hoạt Động Cho Công Lý Và Hòa Bình cũng do hội đồng tòa thánh này tổ chức ngay dịp đại hội của mình. Sau đây là một số ý tưởng tiêu biểu trong bài huấn từ của Đức Thánh Cha ngỏ cùng thành phần tham dự viên về công lý và hòa bình này.


“Đã đến thời điểm cho một mùa thánh đức mới về xã hội, một mùa mới các vị thánh nhân, những vị tỏ cho thế giới và trên thế giới tính cách phong phú vĩnh tại và vô tận của Phúc Âm.


“Cuốn Tổng Lược Giáo Huấn Về Xã Hội của Giáo Hội (được phổ biến hôm Thứ Hai 25/10/2004 đầu tuần) là một dụng cụ có thể giúp Kitô hữu trong cuộc dấn thân hằng ngày của họ hoạt động để xây dựng một thế giới công chính hơn, theo chiều hướng phúc âm của một chủ nghĩa nhân bản chân thực và kết đoàn.


“Giáo huấn về xã hội là phần chính yếu của sứ điệp Kitô giáo và là những gì cần phải được hiểu biết hơn, cần phải được hoàn toàn phổ biến, cũng như cần phải được chứng thực bằng hoạt động mục vụ liên lỉ và chặt chẽ.


“Ở vào một thời điểm như những giờ khắc mang đặc tính toàn cầu hóa về vấn đề xã hội đây, Giáo Hội mời gọi tất cả mọi người hãy nhìn nhận và khẳng định tính cách trọng yếu của con người nơi tất cả mọi lãnh vực cũng như nơi tất cả mọi hình thức có tính cách xã hội.


“Giáo huấn về xã hội của Giáo Hội kêu gọi anh chị em, đặc biệt là thành phần Kitô hữu giáo dân, hãy sống trong xã hội như là chứng nhân của Chúa Kitô Cứu Thế là Đấng đã mở ra cả một chân trời bác ái yêu thương.


“Đầy là thời khắc của bác ái yêu thương, bao gồm cả bác ái về xã hội và chính trị, những thứ bác ái có thể nhờ ân điển Phúc Âm chiếu soi các thực tại của con người, các thực tại về hoạt động, về kinh tế, về chính trị, về việc xây dựng những đường lối hòa bình, công lý và thân hữu giữa các dân tộc”.

 

 

ĐTC GPII với Vị Tân Lãnh Sự Iran về Quyền Tự Do Tôn Giáo và Việc Chống Khủng Bố


Hôm Thứ Sáu 29/10/2004, ĐTC GPII đã tiếp vị tân lãnh sự Iran là Mohammed Javad Faridzadeh khi vị này trình ủy nhiệm thư của mình. Trong bài diễn từ của mình, ĐTC đã đề cập đến 2 vấn đề quan trọng liên quan đến nước Hồi Giáo này, đó là vấn đề tự do tôn giáo và vấn đề chống khủng bố. Sau đây là những ý tưởng tiêu biểu của Ngài được phát biểu bằng tiếng Pháp về từng vấn đề.


Về vấn đề tự do tôn giáo: Ngài yêu cầu “chính quyền Iraq cho tín hữu của Giáo Hội Công Giáo sống ở Iran, cũng như các Kitô hữu khác, được quyền tự do tuyên xưng niềm tin đạo giáo của mình”. Ngài cũng kêu gọi chính quyền ở đây “công nhận tính cách pháp nhân của các tổ chức giáo hội để các tổ chức này được dễ dàng hoạt động trong xã hội Iran”.

 

Theo Ngài, trong các quyền căn bản của con người thì đứng đầu là “quyền tự do tôn giáo, một chiều kích chính yếu của vấn đề tự do của lương tâm và là những gì cho thấy xác thực chiều kích siêu việt của con người”. NMgài tiếp, “Quyền tự do thờ phượng là một khía cạnh của quyền tự do tôn giáo, là quyền cần phải bao gồm tất cả mọi người công dân trong nước”.


Ngày 12/2/2004, ở Rôma đã diễn ra một cuộc hội nghị đánh dấu 50 năm liên hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Iran. Đa số trong 69 triệu dân theo Hồi Giáo phái Shiite; Công Giáo chỉ có 23 ngàn người.


Về vấn đề chống khủng bố: “Dĩ nhiên, việc xây dựng hòa bình cần phải tin tưởng lẫn nhau để đừng nhìn nơi người khác như là một thứ đe dọa mà là một đối thoại nhân, đồng thời cũng chấp nhận những liên hệ và những đường lối kiểm soát bao gồm những việc dấn thân chung chẳng hạn như những hiệp định và hòa ước đa phương”.

 

Đặc biệt Ngài nhấn mạnh đến những hiệp định về “vấn đề tôn trọng môi trường, vấn đề kiểm soát việc trao đổi buôn bán vũ khí và vấn đề thôi leo thang chế tạo những thứ vũ khí nguyên tử, vấn đề bênh vực trẻ em, và vấn đề quyền lợi của thành phần thiểu số”.

 

Ngài tiếp: “Tòa Thánh sẽ không bỏ qua một cố gắng nào để thuyết phục chính quyền quốc gia trong việc loại trừ hết mọi cơ hội gây ra bạo lực hay võ lực, và bao giờ cũng thực hiện việc thương thảo trong tầm tay như phương tiện để thắng vượt những khác biệt và xung khắc xẩy ra giữa các quốc gia, những phái nhóm và những cá nhân con người”.

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ