GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 10/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.
__________________
NGÀY 9 THỨ BẢY NGÀY THÁNH MẪU HẰNG TUẦN |
Giá Trị Kinh Mân Côi nơi Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria
Để biết được giá trị của một vật gì hay của một việc nào cần phải xem bản chất của nó ra sao và tác dụng hay lợi ích của nó như thế nào. Vậy bản chất của Kinh Mân Côi là gì và tác dụng của Kinh Mân Côi ra sao? Theo Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, bản chất của Kinh Mân Côi liên quan đến tính cách Kitô học và nhân loại học siêu nhiên, và tác dụng của Kinh Mân Côi liên quan đến đời sống gia đình và hòa bình thế giới.
Trước hết, về bản chất, Kinh Mân Côi liên quan đến tính cách Kitô học, nghĩa là lấy Chúa Kitô làm trọng tâm, qui về Chúa Kitô. Như bài “Cách Thức Cầu Kinh Mân Côi Theo Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria” đã nhận định, Kinh Kính Mừng Maria chỉ là lời diễn tả “đức tin tuân phục” (Rm 1:5) của Mẹ Maria trước Mầu Nhiệm Chúa Kitô được gọi là Mầu Nhiệm Mân Côi. Tức là, ở Mầu Nhiệm Chúa Kitô nào cũng thế, nhất là Mầu Nhiệm Thương Khó của Người, chúng ta cũng tuyên xưng “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc”, tuyên xưng “Mẹ có phúc vì đã tin” (Lk 1:45), một đức tin khiếm Mẹ lúc nào cũng “đầy ơn phúc” (Lk 1:28). Tính cách Kitô học này nơi Kinh Mân Côi, được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói đến trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria chẳng những liên quan đến cả việc lập lại lời Kinh Kính Mừng mà còn liên quan cả đến cấu trúc của Tràng hạt Mân Côi nữa:
· “Có điều rõ ràng là, mặc dù Kinh Mân Côi lập đi lập lại được trực tiếp dâng lên Mẹ Maria, nhưng tác động yêu thương với Mẹ và nhờ Mẹ cuối cùng lại được nhắm đến Chúa Giêsu. Việc lập đi lập lại được nuôi dưỡng bằng ước muốn nên giống Chúa Kitô hoàn toàn hơn, một hoạt trình đích thực của đời sống Kitô hữu… Kinh Mân Côi giúp chúng ta nên giống Chúa Kitô mỗi ngày một hơn cho đến khi chúng ta đạt tới tầm mức thánh thiện thực sự” (đoạn 26);
· “Việc lần hạt Mân Côi từ trước đến nay vẫn được thi hành bằng việc sử dụng một cỗ tràng hạt. Nếu lần hạt mà chẳng để ý gì lắm thì các hạt chuỗi thường trở thành một cái máy thuần túy đếm thứ tự các Kinh Kính Mừng. Tuy nhiên, những hạt chuỗi này cũng có thể trở thành một biểu hiệu cho việc sâu xa chiêm niệm nữa. Ở đây, điều đầu tiên phải để ý là cách thức những hạt chuỗi này đồng qui nơi Cây Thánh Giá, nơi vừa mở ra lại vừa đóng lại cái tiến trình tỏ hiện của việc nguyện cầu. Đời sống và việc cầu nguyện của người tín hữu được tập trung vào Chúa Kitô. Hết mọi sự được bắt đầu từ Người, hết mọi sự đều qui về Người, hết mọi sự nhờ Người mà đến cùng Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần” (đoạn 36).
Sau nữa, bản chất Kinh Mân Côi liên quan đến vấn đề nhân loại học siêu nhiên, bởi vì, Mầu Nhiệm Chúa Kitô là Mầu Nhiệm Con Người (tiểu đề của đoạn 25), nghĩa là, nhờ chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô qua Mầu Nhiệm Mân Côi, chúng ta biết được ơn gọi làm người của mình và sống trọn thân phận làm người của mình (x Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng đoạn 22). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, một vị Giáo Hoàng xuất thân từ một nước cộng sản Balan, một vị Giáo Hoàng nổi bật chẳng những về lòng biệt tôn Thánh Mẫu mà còn cả về khoa nhân bản Kitô giáo nữa, đã khám phá ra nơi Kinh Mân Côi chiều kích nhân loại học siêu nhiên này như thế này:
· “Theo ý nghĩa của những gì đã được nói đến về các mầu nhiệm của Chúa Kitô thì cũng chẳng khó khăn gì khi đi sâu vào tầm quan trọng về nhân loại học này của Kinh Mân Côi, một kinh nguyện rất sâu xa hơn dự tưởng ban đầu nhiều. Người nào chiêm ngưỡng Chúa Kitô qua các đoạn đời của Người không thể nào không nhận thấy nơi Người sự thật về con người… Kinh Mân Côi giúp vào việc mở đường dẫn đến ánh sáng này. Theo bước chân của Chúa Kitô, nơi Người con đường của con người được “qui hướng”, được thể hiện và được cứu chuộc, tín hữu tiến đến chỗ được giáp diện với hình ảnh của một con người thực sự. Khi chiêm ngưỡng Chúa Kitô giáng sinh, họ biết được tính cách linh thánh của sự sống; nhìn vào gia đình Nazarét, họ biết được sự thật nguyên thủy của đời sống gia đình theo dự án của Thiên Chúa; lắng nghe Vị Sư Phụ nơi những mầu nhiệm Người công khai thi hành thừa tác vụ của Người, họ thấy được ánh sáng dẫn họ vào Vương Quốc của Thiên Chúa; và theo Người trên con đường lên Canvê, họ biết được ý nghĩa của đau khổ cứu độ. Sau hết, khi chiêm ngưỡng Chúa Kitô và Thánh Mẫu của Người trong vinh quang, họ thấy được mục đích mà mỗi người trong chúng ta được kêu gọi tiến đến, nếu chúng ta để cho Thánh Linh chữa lành và biến đổi. Có thể nói rằng mỗi một mầu nhiệm Mân Côi được suy niệm cẩn thận sẽ làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người. Đồng thời, tất cả mọi rắc rối, lo âu, vất vả và nỗ lực xẩy ra làm nên đời sống của chúng ta cũng có thể được dễ dàng dẫn đến với cuộc gặp gỡ với nhân tính thánh hảo này của Đấng Cứu Chuộc. ‘Hãy phó mặc nỗi nhọc nhằn của anh em cho Chúa, Ngài sẽ nâng đỡ anh em’ (Ps 55:23). Việc cầu Kinh Mân Côi là việc trao phó những gánh nặng của chúng ta cho trái tim nhân hậu của Chúa Kitô và Mẹ Người. Hai mươi lăm năm sau, khi nghĩ lại những khó khăn cũng là những gì làm nên thừa tác vụ Phêrô Tôi đã thực hiện, Tôi cảm thấy cần phải lập lại một lần nữa, như một lời thiết tha mời gọi hết mọi người hãy cảm nhận nơi bản thân mình, đó là: Kinh Mân Côi thực sự ‘làm nên nhịp sống của con người’, khi làm cho nhịp sống này hòa hợp với ‘nhịp’ sống của Thiên Chúa trong mối hiệp thông hoan lạc của Thiên Chúa Ba Ngôi, đích điểm và là ước vọng sâu xa nhất của cuộc đời chúng ta” (đoạn 25).
Sau hết, giá trị của Kinh Mân Côi chẳng những được chất chứa nơi bản chất của kinh này mà còn được thể hiện qua các tác dụng của mình nữa, đặc biệt nhất nơi vấn đề hòa bình thế giới và đời sống gia đình. Hai khía cạnh tác dụng này của Kinh Mân Côi hình như bao giờ cũng đi với nhau như hình với bóng. Trong Ngày Thế Giới Bệnh Nhân Lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11/2/2003, mặc dù đang bị cảm cúm đến mất cả tiếng, nhưng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng cố ra chào những người đến tham dự, kể cả những người ngồi trong xe lăn, từ cửa sổ phòng của Ngài. Ngài khan tiếng đọc lên mấy lời như sau:
· “Trong năm nay, trước không ít lo âu về tương lai nhân loại, Tôi xin anh chị em hãy cầu Kinh Mân Côi cho hòa bình và các gia đình. Anh chị em bệnh nhân thân mến, anh chị em là những người đi tiên phong trong việc cầu nguyện cho ý chỉ chính này”.
Ở đoạn 6 Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, Đức Thánh Cha đã nói đến khía cạnh Kinh Mân Côi liên quan đến cả hai vấn đề hòa bình thế giới và đời sống gia đình như sau:
· “Một số những hoàn cảnh về lịch sử cũng cho thấy việc làm tái sinh động Kinh Mân Côi là việc rất hợp thời. Trước hết là nhu cầu nài xin Thiên Chúa ban cho tặng ân hòa bình. Có nhiều lần Kinh Mân Côi đã được những vị tiền nhiệm của Tôi cũng như chính Tôi đề ra như là một kinh nguyện cầu cho hòa bình. Vào lúc mở màn cho một thiên kỷ được bắt đầu bằng cuộc khủng bố tấn công kinh hoàng ngày 11/9/2001, một thiên kỷ hằng ngày chứng kiến thấy nơi vô số phần đất trên thế giới những cảnh tượng đổ máu và bạo loạn mới, thì việc tái nhận thức Kinh Mân Côi đó là việc dìm mình vào việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng ‘là hòa bình của chúng ta’, vì Người đã làm cho ‘chúng ta là hai trở thành một, và đã phá đổ bức tường hận thù ngăn cách’ (Eph 2:14). Bởi thế, người ta không thể lần hạt Mân Côi mà lại không cảm thấy gắn bó với việc dứt khoát dấn thân cổ võ hòa bình, nhất là ở miền đất của Chúa Giêsu là nơi vẫn còn phải chịu rất nhiều đau thương và rất thân thương với cõi lòng của hết mọi người Kitô hữu. Một nhu cầu tương tự cũng cần phải dấn thân và cầu nguyện liên quan đến một vần đề hiện đại quan trọng khác, đó là gia đình, tế bào căn bản của xã hội, đang càng ngày càng bị nguy biến bởi những lực lượng phân tán về cả phương diện ý hệ lẫn thực hành, khiến cho chúng ta lo sợ tương lai của cơ cấu nên tảng bất khả thiếu này, theo đó, lo sợ cho tương lai của toàn thể xã hội nữa. Việc làm sống lại Kinh Mân Côi nơi gia đình Kitô giáo, trong tương quan của một thừa tác mục vụ bao rộng hơn về gia đình, sẽ là một trợ giúp hữu hiệu để đối đầu với những ảnh hưởng tác hại của thứ khủng hoảng này nơi thời đại chúng ta”.
Về lý do tại sao Kinh Mân Côi có tác dụng xây dựng hòa bình thế giới, Đức Thánh Cha đã nói đến tác dụng hòa bình này nơi chính con người Cầu Kinh Mân Côi, nghĩa là một con người thực sự muốn cùng Mẹ Maria chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô, không thể nào lại là một con người sống hận thù chia rẽ, trái lại, theo tinh thần của Người, họ sẽ là một con người dấn thân xây dựng hòa bình:
· “Kinh Mân Côi tự bản chất của mình là một kinh nguyện cầu cho hòa bình, vì kinh này bao gồm việc chiêm ngắm Chúa Kitô, Vua Hòa Bình, Đấng là ‘hòa bình của chúng ta’ (Eph 2:14). Ai liên kết mình với mầu nhiệm của Chúa Kitô – một liên kết thực sự là mục đích của Kinh Mân Côi – thì biết được bí quyết hòa bình và biến bí quyết này thành dự án hoạt động cho cuộc sống của mình. Ngoài ra, vì tính cách suy niệm của kinh này, ở chỗ âm thầm liên tục đọc các Kinh Kính Mừng, Kinh Mân Côi làm cho những ai lần hạt cảm thấy an bình, giúp cho họ lãnh nhận và cảm nghiệm được tận đáy lòng mình, và truyền bá ra chung quanh họ, một thứ hòa bình chân chính, ân huệ đặc biệt của Chúa Kitô Phục Sinh (x Jn 14:27; 20:21)… Kinh Mân Côi là một kinh nguyện cầu cho hòa bình còn là vì những hoa trái bác ái được trổ sinh từ kinh nguyện này. Khi được dùng để cầu nguyện theo đúng đường lối suy niệm, Kinh Mân Côi dẫn con người lần hạt đến chỗ gặp gỡ Chúa Kitô nơi các mầu nhiệm của Người, do đó, cũng không thể nào không chú ý tới dung nhan của Người nơi các kẻ khác, nhất là nơi thành phần khốn khổ nhất… Tóm lại, khi chúng ta gắn mắt nhìn lên Chúa Kitô, Kinh Mân Côi biến chúng ta thành những con người đi xây dựng hòa bình cho thế giới. Tự bản chất của mình, đóng vai trò như là một tiếng vang liên tục kêu xin hợp với lời kêu gọi của Chúa Kitô ‘hãy cầu nguyện không ngừng’ (Lk 18:1), Kinh Mân Côi khiến cho chúng ta hy vọng là, thậm chí kể cả ngày hôm nay đi nữa, chúng ta có thể chiến thắng trận chiến ‘khó khăn’ để tạo lập hòa bình này. Chẳng những không làm cho chúng ta lẩn tránh khỏi những rắc rối trục trặc của thế giới, Kinh Mân Côi còn bắt chúng ta phải nhìn những trục trặc rắc rối này bằng con mắt đầy trách nhiệm và dấn thân, và chiếm lấy cho chúng ta sức mạnh để chúng ta có thể đương đầu với những trục trặc rắc rối này bằng một lòng tin tưởng vào ơn trợ giúp của Thiên Chúa, cũng như bằng một ý hướng mãnh liệt muốn làm chứng ở mọi nơi mọi lúc cho một ‘tình yêu liên kết mọi sự lại với nhau trong hòa hợp’ (Col 3:14)” (đoạn 40).
Về lý do tại sao Kinh Mân Côi có thể cứu vãn tình trạng khủng hoảng hôn nhân và gia đình trong thời đại tân tiến hiện nay, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến tác dụng của kinh này nơi chính con người Cầu Kinh Mân Côi, tức là, một con người thực sự muốn cùng Mẹ chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô qua các Mầu Nhiệm Chúa Kitô không thể nào lại là một người cha người chồng hay người vợ người mẹ bê bối được, không thể nào đi đến chỗ đổ vỡ hôn nhân và tan nát gia đình được, trái lại, còn xây dựng gia đình theo mẫu gương Thánh Gia Nazarét nữa:
· “Là một kinh nguyện cầu cho hòa bình, Kinh Mân Côi còn là và bao giờ cũng là một kinh nguyện của gia đình và cho gia đình. Có một thời kinh nguyện này được các gia đình Kitô giáo đặc biệt mến chuộng, và kinh này chắc chắn đã làm cho họ gắn bó với nhau hơn. Vấn đề quan trọng là đừng làm mất đi cái gia sản quí báu ấy. Chúng ta cần phải trở lại với việc gia đình cầu nguyện và cầu nguyện cho gia đình, bằng cách tiếp tục đọc Kinh Mân Côi. Gia đình cùng nhau cầu nguyện là gia đình cùng nhau chung sống. Kinh Mân Côi Thánh, theo truyền thống lâu đời của mình, đã cho thấy công hiệu đặc biệt của mình như là một kinh nguyện làm cho gia đình chung sống với nhau. Những phần tử của mỗi gia đình, khi hướng mắt nhìn lên Chúa Giêsu, cũng lấy lại được khả năng nhìn vào mắt của nhau, khả năng nói chuyện với nhau, khả năng chứng tỏ tình đoàn kết gắn bó với nhau, khả năng tha thứ cho nhau, và khả năng nhìn thấy giao ước yêu thương của họ được canh tân trong Thần Linh Chúa. Các gia đình đương thời hiện nay đang phải đối diện với nhiều vấn đề, nhất là trong những xã hội phát triển về kinh tế, gây ra bởi tình trạng họ càng ngày càng cảm thấy khó nói chuyện trao đổi với nhau hơn. Các gia đình ít khi tổ chức việc qui tụ các phần tử gia đình của mình lại với nhau, và khi họ thực hiện những cơ hội hiếm hoi này thường lại là việc họ ngồi coi truyền hình. Vấn đề quay về với việc lần hạt Mân Côi gia đình nghĩa là việc làm cho đời sống thường nhật tràn đầy những hình ảnh khác hẳn, những hình ảnh về mầu nhiệm cứu độ, tức hình ảnh về Đấng Cứu Chuộc, hình ảnh về Người Mẹ Rất Thánh của Người. Gia đình đọc Kinh Mân Côi chung với nhau làm phát sinh một cái gì đó giống như bầu khí của ngôi nhà Nazarét, ở chỗ, các phần tử của gia đình lấy Chúa Giêsu làm tâm điểm của mình, biết cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, biết đặt các nhu cầu và dự định của mình vào bàn tay của Người, biết tìm kiếm từ nơi Người niềm hy vọng và sức mạnh để tiến bước” (đoạn 41).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
“Chúng tôi đến để triều bái Người” (Mt 2:2).
Sứ Điệp của ĐTC GPII cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2005 ở Cologne Đức Quốc
Để sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX tại Cologne Đức Quốc từ ngày 16 đến 21/8/2005, ĐTC GPII đã gửi cho giới trẻ một sứ điệp theo đúng như chủ đề đã được Ngài nêu lên trong sứ điệp của Ngày Giới Trẻ Thế Giới XVIII 2003 cho cả năm 2004 và 2005. Nếu sứ điệp của Ngày Giới Trẻ Thế Giới XIX 2004 là “Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu” (Jn 12:21) thì sứ điệp cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX 2005 là “Chúng tôi đến để triều bái Người” (Mt. 2:2). Sau đây là nguyên văn sứ điệp của Ngài cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2005.
Hỡi giới trẻ thân mến!
1. Năm nay chúng ta đã cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới XIX, suy niệm về ước muốn của một số người Hy Lạp lên Giêrusalem tham dự Lễ Vượt Qua: “Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu” (Jn 12:21). Và giờ đây chúng ta đang sửa soạn đến Cologne là nơi vào Tháng 8/2005, Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX sẽ được cử hành.
“Chúng tôi đến để triều bái Người” (Mt 2:2): đây là đề tài của Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới đây. Nó là một đề tài làm cho giới trẻ có thể từ mọi lục địa bằng tinh thần theo con đường được các Vị Đạo Sĩ là những người còn di tích, theo truyền thống đạo đức, được tôn kính ngay tại thành phố này, cũng như để giống như các vị gặp gỡ Đấng Thiên Sai của tất cả mọi quốc gia.
Nói cho đúng thì chính ánh sáng của Chúa Kitô đã mở lòng trí của các Vị Đạo Sĩ này. “Họ lên đường” (Mt. 2:9), Thánh Ký viết, cương quyết tiến bước trên những nẻo đường bất định cho một cuộc hành trình dài đầy những khó khăn cực nhọc. Họ đã không lưỡng lự bỏ lại mọi sự để theo ngôi sao họ thấy ở Đông Phương (x Mt 2:2). Theo gương các vị Đạo Sĩ này, giới trẻ các bạn cũng hãy sửa soạn bắt đầu cuộc “hành trình” từ hết mọi miền đất trên thế giới để đến Cologne. Cuộc hành trình này quan trọng đối với các bạn không những trong việc các bạn quan tâm đến những tổ chức cụ thể về Ngày Giới Trẻ Thế Giới, mà trước hết trong việc các bạn cần phải dọn mình về tinh thần trong một bầu khí đức tin và lắng nghe Lời Chúa nữa.
2. “Và ngôi sao… đi trước họ, cho đến khi nó dừng lại trên nơi con trẻ ở” (Mt 2:9). Các vị Đạo Sĩ tiến đến Bêlem vì họ mau mắn tuân theo ánh sáng dẫn đường của ngôi sao ấy. Thật thế, “khi họ thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng hớn hở” (Mt 2:10). Các bạn thân mến, các bạn cần phải biết quan sát những dấu chỉ được Thiên Chúa sử dụng để kêu gọi chúng ta và hướng dẫn chúng ta. Khi chúng ta ý thức được việc Ngài dẫn dắt, lòng chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui đích thực và sâu xa cùng với một ước vọng mãnh liệt muốn gặp gỡ Người và một sức mạnh kiên trì trong việc ngoan ngoan tiến bước theo Người.
“Và khi tiến vào nhà, họ thấy con trẻ với mẹ của Người là Maria” (Mt 2:11). Thoạt nhìn thì chẳng có gì là đặc biệt cả. Tuy nhiên, đó lại là một Con Trẻ khác hẳn mọi con trẻ khác. Người là Người Con duy nhất của Thiên Chúa, song Người đã tự hủy Bản Thân vinh hiển của mình ra như không (x Phil 2:7), xuống thế gian để chết trên cây Thập Tự Giá. Người xuống giữa chúng ta và trở nên nghèo nàn để tỏ cho chúng ta thấy vinh hiển thần linh của Người là những gì chúng ta sẽ được chiêm ngắm trọn vẹn trên trời, ngôi nhà vinh phúc của chúng ta.
Ai có thể nghĩ ra được một dấu hiệu yêu thương cao cả nào hơn nữa đây? Chúng ta cảm thấy bàng hoàng trước mầu nhiệm của một Vị Thiên Chúa tự hạ để mặc lấy thân phận loài người của chúng ta, cho đến độ hiến sự sống mình cho chúng ta trên Thập Tự Giá (x Phil 2:6-8). Nơi sự nghèo khổ của Người, như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta, “mặc dù giầu sang, song vì chúng ta, Người đã trở nên nghèo khó, để nhờ sự nghèo khổ của Người, anh em được trở nên giầu có” (2Cor 8:9), và Người đã đến để ban ơn cứu độ cho tội nhân. Làm sao chúng ta có thể tạ ơn Thiên Chúa về lòng nhân hậu bao la vĩ đại như thế được đây?
3. Các vị Đạo Sĩ đã gặp thấy Chúa Giêsu ở “Bêth-lehem”, nghĩa là “nhà bánh”. Trong hang lừa hèn hạ ở Bêlem, nằm trên đám rơm rạ là một “hạt lúa miến”, Đấng mà, nhờ việc chết đi, đã mang lại “nhiều hoa trái” (x Jn 12:24). Khi nói về Bản Thân mình và về sứ mạng cứu độ của Người trong thời Người hoạt động công khai, Chúa Giêsu đã sử dụng hình ảnh của bánh ăn. Người phán: “Tôi là bánh sự sống”, “Tôi là bánh bởi trời xuống”, “bánh Tôi sẽ ban cho thế gian sự sống chính là thịt của Tôi” (Jn 6:35,41,51).
Trung thành theo đuổi con đường của Đấng Cứu Thế từ cảnh nghèo khổ trong Máng Cỏ đến khi Người bị bỏ mặc trên Thập Tự Giá, chúng ta mới có thể hiểu hơn mầu nhiệm tình yêu cứu chuộc nhân loại của Người. Con Trẻ, được Mẹ Maria đặt trong máng cỏ, là Vị Thiên Chúa Làm Người chúng ta sẽ thấy bị treo trên Thập Tự Giá. Cũng Vị Cứu Thế này đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Trong hang lừa ở Bêlem, Người đã được tôn thờ dưới dạng thức một thơ nhi mới sinh bé nhỏ, bên Mẹ Maria, bên Thánh Giuse và bên các mục đồng; trong Tấm Bánh được truyền phép, chúng ta tôn thờ Người hiện diện một cách bí tích bằng cả thân xác, máu thánh, linh hồn và thần tính của Người, và Người hiến mình cho chúng ta như một thứ lương thực của sự sống đời đời. Bởi thế Thánh Lễ trở thành một cuộc hội ngộ yêu thương thực sự với Đấng hoàn toàn hiến mình cho chúng ta. Hỡi các bạn trẻ thân mến, các bạn đừng ngần ngại đáp ứng Người khi Người mời gọi các bạn “đến với tiệc cưới của Con Chiên” (x Rev 19:9). Các bạn hãy lắng nghe Người, hãy dọn mình xứng đáng để đến gần Bí Tích Bàn Thờ ấy, nhất là trong Năm Thánh Thể (10/2004-2005) đã được Tôi công bố cho toàn thể Giáo Hội.
4. “Họ phục xuống bái thờ Người” (Mt 2:11). Khi các vị Đạo Sĩ nhìn nhận và tôn thờ em bé thơ sinh được Mẹ Maria ẵm trên tay như Đấng đang được các quốc gia trông chờ và được các tiên tri báo trước, thì ngày nay chúng ta cũng có thể tôn thờ Người trong Thánh Thể, và nhìn nhận Người như là Đấng Tạo Dựng của họ, là Vị Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta.
“Mở các bảo vật của mình ra, họ đã hiến dâng cho Người những tặng vật, đó là vàng, nhũ hương và mộc dược” (Mt 2:11). Những quà tặng mà các Đạo Sĩ hiến dâng cho Đấng Thiên Sai là biểu hiệu cho việc tôn thờ đích thật. Các vị dâng cho Người vàng là để đề cao Thiên Tính Vương Quyền của Người; các vị dâng cho Người nhũ hương là để nhìn nhận Người là một tư tế của Tân Ước; các vị dâng cho Người mộc dược là để tôn tụng Người là vị tiên tri đã đổ máu mình ra để hòa giải nhân loại với Chúa Cha.
Hỡi giới trẻ thân mến, cả các bạn nữa, các bạn cũng hãy hiến dâng cho Chúa vàng bạc của cuộc đời của các bạn là quyền tự do của các bạn theo Người vì yêu mến, trung thành đáp lại tiếng gọi của Người; chớ gì nhũ hương của việc sốt sắng nguyện cầu của các bạn dâng lên Người để chúc tụng vinh hiển của Người; các bạn hãy hiến dâng cho Người mộc dược của các bạn là lòng cảm mến sâu xa tri ân cảm ơn Người, một Con Người đích thực, Đấng đã yêu thương chúng ta cho tới độ chết đi như một tên tử tội trên đồi Golgotha.
5. Các bạn hãy trở thành những con người tôn thờ đích thực Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất này, bằng cách tôn Người lên chỗ danh dự nhất nơi cuộc đời của các bạn! Ngẫu tượng là một khuynh hướng luôn hiện hữu. Tiếc thay, có những người tìm cách giải quyết các vấn đề của mình bằng những việc thực hành đạo đức không xứng hợp với đức tin Kitô giáo. Có một động lực mạnh mẽ thôi thúc tin tưởng vào những thứ dễ dãi hoang đường của thành đạt và quyền lực; thật là nguy hiểm khi chấp nhận những ý tưởng phù phiếm về một sự linh thánh cho Thiên Chúa như là một thứ năng lực của vũ trụ, hay như là một thể thức nào đó không hợp với giáo huấn Công Giáo.
Hỡi giới trẻ thân mến, các bạn đừng chiều theo những ảo tưởng sai lầm cũng như những thích thú nhất thời thường lưu lại cho các bạn một thứ trống rỗng tâm linh thê thảm! Hãy bài trừ cái dụ dỗ của giầu sang, của hưởng thụ và của bạo lực tinh xảo đôi khi được các phương tiện truyền thông đại chúng phổ biến.
Việc thờ phượng Vị Thiên Chúa chân thực là một hành động thực sự chống lại tất cả mọi hình thức ngẫu tượng. Các bạn hãy tôn thờ Chúa Kitô: vì Người là Đả Tảng dựng xây tương lai của các bạn và một thế giới công chính và kết đoàn hơn. Chúa Giêsu là Hoàng Tử bình an: mạch nguồn của sự thứ tha và của giải hòa, Đấng có thể làm cho tất cả mọi phần tử thuộc gia đình nhân loại trở thành anh chị em với nhau.
6. “Rồi họ lên đường trở về quê hương của họ theo đường khác” (Mt 2:12). Phúc Âm nói với chúng ta rằng sau khi được gặp gỡ Chúa Kitô, các Đạo Sĩ trở về nhà “theo đường khác”. Việc thay đổi lộ trình này có thể là tiêu biểu cho vấn đề hoán cải mà tất cả mọi người gặp gỡ Chúa Giêsu đều được kêu gọi thực hiện, hầu trở thành những kẻ đích thực tôn thờ Người mong muốn (cf. Jn 4:23-24). Điều này bao gồm cả việc bắt chước cách thức Người tác hành khi trở nên, như Thánh tông đồ Phaolô viết, “một hy tế sống động, thánh thiện và đáng Thiên Chúa chấp nhận”. Thế rồi vị tông đồ liền thêm rằng chúng ta không được chiều theo tinh thần của thế giới này, mà phải biến đổi bằng việc canh tân tâm trí chúng ta, để “chứng tỏ cho thấy những gì Thiên Chúa muốn, những gì thiện hảo, đáng chấp nhận và hoàn hảo” (cf. Rm 12:1-2).
Việc lắng nghe Chúa Kitô và việc tôn thờ Người dẫn chúng ta tới chỗ có những chọn lựa can đảm, tới chỗ thực hiện những gì đôi khi là những quyết định anh hùng. Chúa Giêsu là Đấng nghiêm ngặt, vì Người muốn chúng ta được hạnh phúc thực sự. Người đã kêu gọi một số từ bỏ hết mọi sự để theo Người sống đời sống linh mục hay tận hiến. Những ai nghe lời mời gọi này không được sợ hãi thân thưa “xin vâng” và sẵn sàng quảng đại theo làm môn đệ của Người. Thế nhưng, ngoài những ơn gọi sống theo các thể thức tận hiến, còn có một ơn gọi đặc biệt cho tất cả mọi Kitô hữu đã lãnh nhận phép rửa nữa, đó là ơn gọi sống “cao hơn” đời sống Kitô hữu bình thường được thể hiện nơi sự thánh thiện (cf Novo Millennio Ineunte, 31). Khi chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô và chấp nhận Phúc Âm của Người thì đời sống của chúng ta đổi thay và chúng ta được thúc đẩy để chia sẻ cảm nghiệm của chúng ta với kẻ khác.
Có nhiều người đương thời của chúng ta chưa biết đến tình yêu của Thiên Chúa hay đang tìm kiếm làm cho tâm hồn mình no thỏa những thứ phụ thuộc tầm thường. Bởi thế chúng ta rất cần phải trở thành những nhân chứng cho tình yêu được chiêm ngắm thấy nơi Chúa Kitô. Các bạn thân mến, các bạn cũng được mời gọi đến tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới, những bạn chưa được rửa tội hay những ai chưa được nên một với Giáo Hội. Các bạn chẳng lẽ không khao khát Đấng Tối Cao và tìm kiếm “một cái gì đó” mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của mình hay chăng? Hãy hướng về Chúa Kitô các bạn sẽ không thất vọng.
7. Giới trẻ thân mến, Giáo Hội cần đến những chứng nhân đích thực cho việc tân truyền bá phúc âm hóa: tức là cần đến những con người nam nữ có cuộc sống được biến đổi nhờ được gặp gỡ Chúa Giêsu, những con người nam nữ có khả năng truyền đạt cảm nghiệm của mình cho người khác. Giáo Hội cần những thánh nhân. Tất cả đều đưoọc kêu gọi nên thánh, và chỉ có con người thánh thiện mới có thể canh tân nhân loại mà thôi. Nhiều vị đã ra đi trước chúng ta theo con đường anh hùng của Phúc Âm và Tôi xin các bạn hãy năng hướng về các vị ấy để xin các vị chuyển cầu cho các bạn. Qua cuộc hội ngộ ở Cologne, các bạn sẽ quen thuộc hơn với một số vị, như Thánh Bonifaciô, vị tông đồ Đức Quốc, các vị thánh ở Cologne, nhất là Thánh Ursula, Thánh Albêtô Cả, Thánh Têrêsa Benedicta Thánh Giá (Edith Stein) và Chân Phước Adolph Kolping. Trong những vị này, Tôi đặc biệt muốn đề cập tới Thánh Albertô và Têrêsa Benedicta Thánh Giá, những vị mà, cũng có cùng một thái độ nội tâm như các vị Đạo Sĩ, đã là những con người hăng say tìm kiếm chân lý. Các vị đã không ngần ngại đem khả năng tri thức của mình để phục vụ cho đức tin, nhờ đó, chứng tỏ cho thấy rằng đức tin và lý trí liên hệ với nhau và tìm kiếm nhau.
Hỡi giới trẻ thân yêu, trong khi các bạn tiến về Cologne trong tinh thần thì Vị Giáo Hoàng này sẽ đồng hành với các bạn bằng lời nguyện cầu của ngài. Chớ gì Mẹ Maria, “người nữ Thánh Thể” và là Mẹ Đức Khôn Ngoan, luôn nâng đỡ các bạn, hướng dẫn các quyết định của các bạn, và dạy cho các bạn biết yêu mến những gì chân thực, thiện hảo và mỹ lệ. Xin Mẹ dẫn các bạn đến cùng Con Mẹ, Đấng duy nhất có thể làm thỏa mãn những khát vọng sâu xa nhất của tâm trí con người.
Với phép lành của Tôi các bạn hãy tiến bước!
Tại Castel Gandolfo, 6/8/2004.
Gioan Phaolô II
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 26/8/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)