GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 11/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu ý thức được ơn gọi riêng của mình trong lòng Giáo Hội, để họ hăng say đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa và nên thánh trong bậc sống của mình”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động truyền giáo luôn ý thức được rằng tác hiệu của việc truyền bá phúc âm hóa xuất phát từ cuộc sống    thánh thiện cũng như từ việc sâu xa kết hợp với Chúa Kitô”.  

 

__________________

 NGÀY 10 THỨ TƯ

  

Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc về “Tổng Giải Giới Và Hoàn Toàn Giải Giới”.


ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước, hôm Thứ Năm 7/10/2004, đã trình bày nhận định và quan điểm của Giáo Hội Công Giáo trước Ủy Ban Giải Giới của Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về đề tài: “Tổng Giải Giới Và Hoàn Toàn Giải Giới”. Sau đây là nguyên văn bài trình bày của ngài.


Thưa Ông Trưởng Ban,


Tôi xin hợp với các vị đại biểu khác để chúc mừng ông và văn phòng làm việc của ông về việc ông được tuyển chọn.


Giờ đây chúng ta đang ở vào thời điểm áp niên hướng đến cuộc mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tổ chức Liên Hiệp Quốc. Những lý tưởng được thể hiện trong Bản Hiến Chương, đó là việc tìm kiếm hòa bình bằng tổ chức và việc hợp tác quốc tế, đã từng là nguồn hy vọng qua những tháng năm này. Những lý tưởng ấy cần phải hết sức tác động chúng ta hiện nay cũng như vào năm 1945 vậy. Tuy nhiên, gần đây, một cảm giác hãi sợ dường như đã bao phủ nhãn quan của chúng ta: lo sợ những cuộc khủng bố tấn công, lo sợ những thứ chiến tranh mới, lo sợ một cuộc lũng đoạn trong các tiến trình luật lệ quốc tế.


Một trong những dấu hiệu của mối lo sợ này đó là tình trạng vượt trổi ở việc chi tiêu về quân sự toàn cầu lên đến 956 tỉ vào năm vừa rồi, tăng hơn năm 2002 là 11% và hơn năm 2001 là 18%. Vấn đề chi tiêu cho quân sự, một chi tiêu sẽ lên quá 1 muôn (tức 1 tỷ tỷ - trillion) trong năm nay, chẳng mấy chốc sẽ qua mặt ngay cả mức chi cao nhất của thời Chiến Tranh Lạnh. Nhiều quốc gia đang tăng thêm việc chi tiêu này của mình, vì họ nghĩ rằng có những kho lớn chứa vũ khí chiến tranh mới bảo đảm an ninh. Việc càng ngày càng cậy dựa vào súng đạn, lớn hay nhỏ, đang dẫn thế giới lìa khỏi, chứ không phải hướng tới, tình trạng an ninh.


Một hậu quả rõ ràng cho thấy việc chi tiêu quá nhiều cho những khí cụ chết chóc đó là các chính phủ lại càng ít có thể đáp ứng việc dấn thân dài hạn cho vấn đề giáo dục, vấn đề chăm sóc sức khỏe, và vấn đề gia cư. Những mục tiêu của Thiên Kỷ này đã bị trì trệ trong khi các ưu tiên về quân sự lại đòi những khoản tài trợ hiếm có. Liên Hiệp Quốc đã đi tiên phong trong việc thực hiện những nghiên cứu cho thấy mối liên hệ toàn vẹn giữa việc giải giới, việc phát triển và tình trạng an ninh. Tình trạng an ninh cho tất cả mọi ngươiụ được gia tăng khi việc giải giới và việc phát triển sánh bước bên nhau. Chúng ta cần phải đề cao những lợi ích về kinh tế của những biện pháp giải giới. Việc phát triển thay cho chích sách quân sự cần phải là một hoạt động liên tục của tiểu ban này.


Ngoài ra, chắc chắn không thể nào nói rằng tình trạng nghèo khổ là những gì trực tiếp dẫn đến nạn khủng bố, thế nhưng sự thật đó là những tay khủng bố khai thác những tình trạng nghèo khổ bằng nhiều cách để gây ra tình trạng xung khắc và bạo động đặc biệt. Tính cách dã man của các cuộc khủng bố tấn công trong năm vừa rồi là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy một nền văn hóa sợ hãi và chết chóc. Trong việc đáp ứng với bản chất của nạn khủng bố quốc tế có tính cách tôn giáo theo ý hệ và giả mạo, Tòa Thánh vẫn lên án những cuộc tấn công phạm thượng này. Đại biểu tôi đây xin lập lại rằng, không được sử dụng danh Thiên Chúa để biện minh cho việc khủng bố dưới bất cứ hình thức nào, đồng thời tôi cũng xin kêu gọi tất cả mọi vị lãnh đạo tôn giáo hãy lên tiếng và tỏ ra thái độ chống lại khủng bố.


Thành phần khủng bố sử dụng một loạt các thứ vũ khí để sát hại, để làm tật nguyền và để tàn sát. Việc làn tràn toàn cầu của họ có nghĩa là những loại vũ khí này đang được sản xuất và buôn bán khắp thế giới, ở chợ đen cũng như bởi các quốc gia bảo trợ việc làm này. Liên kết với Tiểu Ban Chống Khủng Bố, các quốc gia phải tìm những đường lối để giảm bớt tình trạng thuận lợi của những vũ khí này, bằng việc tăng thêm những cuộc kiểm soát xuất cảng cùng với việc canh chừng hơn nữa những kho dự trữ khí giới.


Thế giới cũng tiến tới chỗ càng ngày càng biết được mối đe dọa trầm trọng gây ra bởi thành phần khủng bố đang tìm chiếm những thứ vũ khí đại công phá, nhất là các thứ vũ khí nguyên tử.
Tình trạng mong manh của Hiệp Ước Không Thi Đua Vũ Khí vào lúc này đây là những gì rất đáng lo ngại, khi việc thi đua những loại vũ khí ấy gia tăng rất nhiều cơ hội xẩy ra khủng bố.


Hiện lên ở chân trời trước mặt đó là Hội Nghị Kiểm Điểm Năm 2005 Về Hiệp Ước Không Thi Đua Võ Trang. Như ba cuộc họp sửa soạn cho Hội Nghị này cho thấy, bản hiệp ước này đang gặp khủng hoảng. Tình trạng bất lực, cho dù ở việc đồng ý về một hoạt trình hay về tính cách thích hợp liên tục của Bản Văn Kiện Tổng Kết Của Hội Nghị Kiểm Điểm Hiệp Ước Không Thi Đua Võ Trang Năm 2000 đã cho thấy các quan điểm khác nhau nơi các quốc gia phần tử. Tuy nhiên, tình trạng khủng hoảng này lại còn xẩy ra trầm trọng hơn nơi những bất đồng về vấn đề phương thức. Nó là vấn đề tương giao về trách nhiệm giữa các quốc gia có vũ khí nguyên tử với những quốc gia không có vũ khí nguyên tử. Các phần tử không có vũ khí nguyên tử của Hiệp Ước Không Thi Đua Võ Trang có nhiệm vụ không được tham gia vào cuộc thi đua các thứ vũ khí nguyên tử, trong khi các quốc gia có vũ khí nguyên tử có nhiệm vụ tham gia vào việc thương thảo dẫn đến việc loại trừ các thứ vũ khí nguyên tử của họ. Đây là cái mặc cả nguyên thủy của Hiệp Ươớ Không Thi Đua Võ Trang, ở chỗ, không thi đua võ trang thay cho việc giải giới nguyên tử.


Từ khi bản hiệp ước này được ký kết vào năm 1968, vẫn liên tục xẩy ra cuộc đối chọi giữa những phần tử có vũ khí nguyên tử và không có vũ khí nguyên tử. Cuộc đối chọi này đã phân chia việc chú ý của chúng ta giữa vấn đề thi đua “theo chiều dọc” và “theo chiều ngang”, nên những ý hướng hay nhất về việc mặc cả này không mang lại kết quả như lòng mong ước về một thế giới phi các thứ vũ khí nguyên tử. Trái lại, đang có những nỗ lực tân thời hóa các thứ vũ khí nguyên tử, làm cho chúng có một khả năng chiến đấu. Tình trạng này càng ngày càng trở nên bất khả cưỡng và bất khả chấp. Có thể đạt được tiến bộ chỉ khi nào những chọn lựa về sách lược đối với việc giải giới nguyên tử, việc không thi đua võ trang và việc tái cứu xét các chính sách về nguyên tử được tất cả mọi phần tử chấp nhận thực hiện.


Hy vọng rằng tính cách trầm trọng của cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ dẫn các quốc gia tới chỗ hoạt động để làm sao bảo đảm được rằng bản Hiệp Ước Không Thi Đua Võ Trang được xuất phát từ cuộc hội nghị kiểm điểm vào năm tới trong một điều kiện vững chắc hơn hiện nay. Cần phải có sự đồng ý sớm sủa để bắt đầu những vấn đề thương thảo cho một hiệp ước loại trừ fissile; cho việc đặt để các chất liệu fissile dưới sự kiểm soát của Cơ Quan Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA: International Atomic Energy Agency); cho những phương sách kiểm chứng việc giải giới nguyên tử; cho những biện pháp báo động; cho việc thiết lập một tiểu ban đặc nhiệm về việc giải giới nguyên tử ở Hội Nghị Về Giải Giới; cho việc bảo trì vấn đề hoãn ngưng việc thử nguyên tử của Bản Hiệp Ước Cấm Tất Cả Mọi Cuộc Thử Nguyên Tử; và cho tính cách phổ quát của bản Hiệp Ước Không Thi Đua Võ Trang.


Cảm thấy run sợ trước cuộc thi đua võ trang các loại vũ khí đại công phá cũng như việc những thứ vũ khí đại công phá này có thể lọt vào tay thành phần khủng bố, mà những loại vũ khí ấy vẫn không làm cho chúng ta hết quan tâm tới việc giải giới. Việc lan tràn các thứ vũ khí qui ước, nhất là trong những trường hợp xung đột hay hậu xung đột ở Phi Châu, là những gì hết sức đáng quan ngại. Liên Hiệp Quốc và các quốc gia phần tử của tổ chức này cần phải hoàn toàn ủng hộ việc giải giới, việc động viên và việc tái thống nhất những nỗ lực ở Phi Châu, cũng như ở khắp mọi nơi, nhu cầu của những hoạt động như thế. Chúng ta cần phải chú ý riêng tới việc giải quyết nhu cầu đặc biệt của trẻ em bị ảnh hưởng bởi những cuộc xung đột võ trang, nhất là việc tái đoàn tụ các em với gia đình của các em, việc tái hội nhập các em vào xã hội cũng như việc tái phục hồi các em một cách thích hợp, như đã được nhấn mạnh trong Chương Trình Hành Động Của Liên Hiệp Quốc Trong Việc Ngăn Ngừa, Chiến Đấu Và Nhổ Tận Rễ Vấn Đề Thương Vụ Bất Hợp Pháp Đối Với Các Thứ Vũ Khí Nhỏ Cũng Như Các Thứ Vũ Khí Nhẹ Ở Tất Cả Mọi Chiều Kích Của Nó.


Thưa Ông Chủ Tịch,


Trong vòng 2 tháng nữa, Naiobi sẽ điều hành Hội Nghị Kiểm Điểm đầu tiên về Công Ước Gài Mìn Giết Người, cũng được gọi là Cuộc Họp Thượng Đỉnh Ở Nairobi Về Một Thế Giới Phi Mìn Nổ. Ngay từ đầu, Tòa Thánh đã ủng hộ tiến trình của Công Ước Ottawa là công ước đã làm trổ sinh một số những hoa trái tích cực trong việc chống lại vấn đề gài mìn giết người. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần phải làm nếu nhân loại muốn được thoát khỏi những thứ thiết bị kinh hoàng và hiểm nghèo ấy.


Cuộc họp thượng đỉnh này sẽ là một cơ hội quan trọng để kiểm điểm lại những nỗ lực của chúng ta trong việc cổ võ vấn đề hoàn vũ hóa cũng như vấn đề áp dụng công ước ấy để hiện thực, trong một tương lai không xa, giấc mơ về một thế giới phi mìn nổ giết người. Tòa Thánh kêu gọi toàn thể cộng đồng thế giới hãy hoàn thành những nỗ lực này và hứa sẽ hoàn toàn chủ động tham phần.


Thưa Ông Trưởng Ban, qua nhiều năm tháng, Tòa Thánh đã ủng hộ những sáng kiến của Liên Hiệp Quốc trong việc xây dựng một thứ “văn hóa hòa bình”. Việc bàn luận về vấn đề hoạt trình này bao giờ cũng được diễn tiến trong công nghị thường niên hơn là trong tiểu ban này, mặc dù tầm vóc quan trong của nó đối với việc giải giới là những gì hiển nhiên. Việc thành thạo về kỹ thuật của các thương thảo viên và chuyên viên kiểm soát vũ khí là vấn đề đáng đón nhận và cần thiết, đại biểu tôi đây cũng xin nhấn mạnh đến các khía cạnh bao rộng hơn về việc giáo dục và huấn luyện, cũng như lập lại việc cương quyết dấn thân của mình cho vấn đề ấy.


Xin cám ơn Ông Trưởng Ban.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 10/10/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)
 


Theo Lịch Sử Nhân Loại Học Kitô Giáo Là Nguồn Mạch Cho Các Thứ Nhân Quyền


Tác giả cuốn “Nhân Loại Học Kitô Giáo: Từ Công Đồng Chung Vaticanô II Tới Đức Gioan Phaolô II” là ông Juan Luis Lorda, một kỹ sư về kỹ nghệ, với cấp bằng tiến sĩ thần học, dạy ở Đại Học Navarre từ năm 1983 và là tác giả cuốn “Là Một Kitô Hữu” và “Nghệ Thuật Sống”, đã chủ trương rằng nhân loại học Kitô Giáo, theo lịch sử, là nguồn mạch khơi nay các thứ quyền làm người. Trong cuộc phỏng vấn sau đây với Zenit, vị tác giả này cho biết Đức Gioan Phaolô II đã đóng góp vào việc hiểu biết hơn nữa về nhân loại học Kitô Giáo.


Vấn:     Nhân loại học Kitô Giáo từ Công Đồng Chung Vaticanô II đã được đổi mới ra sao?


Đáp:     Điều quan trọng nhất đó là việc giải thích và phát triển được Đức Gioan Phaolô II cống hiến cho công đồng này, nhất là cho “Vui Mừng Và Hy Vọng – Gaudium et Spes”. Bản Hiến Chế này là một trong những cột trụ của công đồng này và Đức Gioan Phaolô II đã trực tiếp hợp tác vào việc viết văn kiện ấy. Từ đó, ngài đã thực hiện việc dẫn giải sâu xa về nó trong giáo triều của ngài.


Ngày nay mọi người quen thuộc với Khoản Số 22 nổi tiếng của “Vui Mừng Và Hy Vọng”: “Chúa Kitô hoàn toàn tỏ cho con người biết về con người”. Tuy nhiên, trước Đức Gioan Phaolô II điều này chẳng nổi nang gì. Sự kiện này có thể thấy được nơi nhiều bài dẫn giải bình luận vào thời ấy, những bài dẫn giải bình luận thậm chí không hề đề cập đến nó.


Có nhiều triết gia và thần học gia đã gây nhiều ảnh hưởng đến nhân loại học Kitô Giáo, vì khoa học này đã từng trải qua một giai đoạn rất phong phú. Thế nhưng, vấn đề tổng hợp về tín lý của những nguyên tắc này là do Đức Gioan Phaolô II.


Vấn:     Edith Stein, một nữ tu Dòng Camêlô bị đảng Nazis sát hại và được Đức Gioan Phaolô II phong thánh, cũng đã đóng góp quan trọng vào khoa nhân loại học này. Vị nữ quan thày của Âu Châu đây đã có một trực giác như thế nào?


Đáp:     Hình ảnh về Edith Stein là một hình ảnh thật là kỳ thú, và tôi nghĩ rằng vị thánh này sẽ chiếm một vị trí càng ngày càng quan trọng nơi tư tưởng Kitô Giáo. Về nguồn gốc, ngài là một trí giả Do Thái. Về việc học hỏi thì ngài thuộc về trường phái đầu tiên của khoa hiện tượng học, với những nghiên cứu quan trọng.


Sau khi trở lại Công Giáo, ngài đã cố gắng thiết lập liên hệ giữa những luồng triết học này với của Thánh Tôma Aquinas. Ngài đã chết như một nữ tu Camêlô ở một trại tập trung, vào lúc cao điểm của thảm cảnh Sát Tế kinh hoàng.


Khi lòng mà tìm thấy được những nhân cách có một chiều kích nhân bản hết sức sâu xa. Hiện tượng học, nhất là khoa hiện tượng được thực hiện bởi nhóm của Edith Stein, với Reinach, Max Scheler, Conrad-Martius, von Hildebrand, là một trong những luồng triết học sinh hoa trái nhất và rõ ràng nhất, đặc biệt trong việc hiểu biết bản thân nội tại của con người. Nơi Edith Stein cũng như nơi Đức Gioan Phaolô II sau đó, khoa hiện tượng học này được liên kết với truyền thống Kitô Giáo. Và đó là vấn đề rất quan trọng.


Chúng ta không được quên rằng việc khám phá ra luồng triết lý này đã giải thoát ngài khỏi những thành kiến và đặt ngài vào một vị thế lắng nghe chân lý. Đó là bước đầu tiên trên đường trở lại của ngài.


Đó là một thứ triết học và nhân loại học cần cho chúng ta hôm nay đây: loại khoa học này hướng về sự thật, khám phá ra bản thân nội tại của con người, và liên kết với đức tin Kitô Giáo. Nó cũng là một thứ triết học chúng ta cần đến nơi các phân khoa của chúng ta.


Vấn:     Đâu là những đóng góp của Karol Wojtyla vào khoa nhân loại học Kitô Giáo này?


Đáp:     Vẫn khó lòng trong việc phán quyết về tầm ảnh hưởng của Karol Wojtyla đối với thần học Công Giáo, vì chúng ta thiếu phối cảnh. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu về ngài nhiều năm, tôi cảm thấy rằng ảnh hưởng của ngài thật là vĩ đại, nhất là nơi nền tảng về nhân loại học của nền luân lý, như giáo huấn về tính dục, về tình yêu phối ngẫu, về việc truyền sinh cũng như về phẩm vị của sự sống con người.


Tôi tin rằng người ta phải thành thực mà nói là ngài đã cải tiến một cách đặc biệt giáo huấn về thần học nơi tất cả mọi vấn đề. Điều ấy được phản ảnh rõ ràng nơi cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo. Có vấn đề trước và có vấn đề sau cuốn giáo lý này.


Vấn:     Tại sao khoa nhân loại học Kitô Giáo là một trong những vấn đề mạnh mẽ của việc truyền bá phúc âm hóa?


Đáp:     Vì nó khám phá ra cách thức con người là cùng với những ước vọng sâu xa nhất của họ. Tâm điểm của việc truyền bá phúc âm hóa Kitô giáo là Thiên Chúa, ở chỗ dẫn con người tân tiến đến chỗ khám phá ra rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta vì Ngài là Cha của chúng ta. Đó là tâm điểm sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô.


Thế nhưng, con đường này trở thành dễ dàng hơn khi một người khám phá ra mình là gì và những ước vọng sâu xa nhất của họ qui hướng về Thiên Chúa. Giáo Hội có một kiến thức khôn ngoan về con người, có một nền nhân bản Kitô Giáo, một kho tàng về văn hóa thuộc đệ nhất đẳng, vì kho tàng văn hóa này làm cho đời sống có ý nghĩa, nó dẫn con người đến chỗ sống hợp với nhân phẩm, và làm cho con người cảm thấy hạnh phúc. Nó là một thứ ánh sáng lạ lùng trên thế gian này.


Có nhiều người đương thời của chúng ta đây, khi họ nghĩ về mình, họ nghĩ rằng họ là thành quả mù quáng của những tác lực về thể chất, một thứ nguyên sinh động vật biến chuyển theo may rủi. Chúng ta biết rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa, chúng ta có một Người Cha yêu thương chúng ta, chúng ta là anh em với nhau và định mệnh của tình yêu là những gì chúng ta có thể đã sống đang đợi chờ chúng ta.


Chúng ta hiểu được cái ý nghĩa của lý trí và tự do, của yêu thương và gia đình. Đó là vẻ đẹp. Còn những cái khác đều là tăm tối và đê tiện. Dostoyevsky đã nói về điều này rằng: “Chỉ có vẻ đẹp mới cứu thế giới”.


Vấn:     Phải chăng khoa nhân loại học Kitô Giáo là nền tảng vững chắc cho các thứ quyền làm người, như ĐTGM Fernando Sebastian ở Pamplona đã nói đến trong lời giới thiệu cho tác phẩm của ông?


Đáp:     Thậm chí tôi có thể nói rằng khoa nhân loại học Kitô Giáo về lịch sử là nguồn mạch cho các thứ quyền làm người, vì những ai góp phần vào việc hình thành giáo huấn này, mặc dù trong một số trường hợp họ đã đánh mất đức tin, họ đã nắm được cái yếu tố chính yếu về văn hóa Kitô Giáo rồi vậy.


Họ tin rằng rằng con người chúng ta là thành phần tự do và hữu trách đối với các hành động của mình; rằng chúng ta bình đẳng với nhau; rằng chúng ta là những ngôi vị; và chúng ta có một phẩm giá bất khả xúc phạm. Tất cả những điều này đều phát xuất từ đức tin Kitô Giáo.


Nếu có ai nghĩ rằng con người là thành quả mù quáng của việc tiến hóa về vật chất, một thứ nguyên sinh chất được tiến hóa theo cơ may, như tôi đã nói đến trước đây, thì họ không đạt được thành quả ấy. Họ không thể suy diễn rằng chúng ta là thành phần tự do và hữu trách. Họ không thể suy diễn rằng chúng ta đều bình đẳng với nhau. Họ không thể suy diễn rằng chúng ta là những con người hay chúng ta có một phẩm giá bất khả xúc phạm.


Thật vậy, chủ nghĩa duy vật về khoa học đang hủy hoại đi nền văn hóa về pháp lý và luân lý của tính cách tân tiến. Nơi những vấn đề thuộc khoa đạo lý sinh học, chúng ta đang ở vào lúc cao điểm của cuộc tấn công sự sống con người.


Những phôi bào đang được chế tạo ra cho việc sử dụng trị liệu, vì phôi bào vốn là một con người được nghĩ rằng chỉ là một chùm tế bào chẳng có phẩm giá gì, giống như bất cứ một thứ văn hóa về tế bào nào vậy thôi.    



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 9/11/2004
 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ