GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 11/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu ý thức được ơn gọi riêng của mình trong lòng Giáo Hội, để họ hăng say đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa và nên thánh trong bậc sống của mình”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động truyền giáo luôn ý thức được rằng tác hiệu của việc truyền bá phúc âm hóa xuất phát từ cuộc sống    thánh thiện cũng như từ việc sâu xa kết hợp với Chúa Kitô”.  

 

__________________

 NGÀY 14 CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN

TRONG NĂM THÁNH THỂ

  

Phụng Vụ Thánh: Từ Việc Canh Tân đến Tầm Mức Thâm Sâu Hơn

Tông Thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
nhân dịp kỷ niệm 40 năm ban hành
Hiến Chế "Sacrosanctum Concilium" về Phụng Vụ Thánh

(tiếp Chúa Nhật tuần trước)

Trong phần thứ hai này, ÐTC nhấn mạnh đến việc kiểm thảo sống phụng vụ (6), đến việc trung thành với ý hướng của Công Ðồng Vaticanô II về việc canh tân phụng vụ (7), đến tầm quan trọng của Lời Chúa (8) cũng như đến Ngày Chúa Nhật (9), đến việc sống đạo theo Phụng Vụ bằng đời sống cầu nguyện (10).

6.     Qua 40 năm nhận định, đây là dịp để thẩm định mức tiến bộ của việc canh tân phụng vụ này cho tới nay. Có những dịp Tôi đã đề nghị thực hiện một thứ gọi là kiểm thảo lương tâm liên quan đến việc chấp nhận Công Đồng Chung Vaticanô II (17). Việc kiểm thảo này không thể châm chước đối với đời sống phụng vụ và bí tích. “Phụng vụ đã được sống như là ‘nguồn mạch và tột đỉnh’ của sinh hoạt Giáo Hội chưa, theo giáo huấn của hiến chế 'Sacrosanctum Concilium'”? (18). Việc tái nhận thức giá trị của Lời Chúa được việc canh tân Phụng Vụ phác họa đã có một tác dụng tích cực trong việc cử hành phụng vụ của chúng ta chưa? Phụng Vụ đã đi vào cuộc sống cụ thể của người tín hữu ở mức độ nào và Phụng Vụ đã phản ảnh nhịp sống của các cộng đồng riêng biệt ở mức độ nào? Phụng vụ có được hiểu là phương tiên nên thánh, là một nội lực của hoạt động tông đồ và sứ vụ của Giáo Hội hay chăng?

7.     Việc công đồng canh tân Phụng Vụ được thể hiện rõ ràng nhất nơi việc phát hành các sách về phụng vụ. Sau giai đoạn khởi đầu là giai đoạn từ từ thêm các sách đổi mới về việc cử hành phụng vụ, đến giai đoạn cần phải đi sâu hơn vào những kho tàng cùng những chất chứa nơi những việc cử hành phụng vụ này. Tính cách sâu xa này cần phải được thực thi nguyên tắc hoàn toàn trung thành với Sách Thánh và Truyền Thống là những gì được Công Đồng Chung Vaticanô II đặc biệt diễn giải với thẩm quyền của mình, một Công Đồng có những giáo huấn được Huấn Quyền sau đó xác nhận và khai triển. Việc trung thành này trước hết áp dụng cho tất cả những ai thuộc hàng giáo phẩm có “nhiệm vụ hiến dâng việc tôn thờ của Kitô giáo lên Vị Thần Linh Cao Cả và nhiệm vụ điều hành nó theo những chỉ thị của Chúa cùng với luật lệ của Giáo Hội” (19); việc trung thành này cũng bao gồm cả toàn thể cộng đồng giáo hội “theo tính cách đa dạng của bậc sống, vai trò và việc tham dự thật sự” (20).

Theo chiều hướng này thì hơn bao giờ hết lại càng cần phải cổ võ sinh hoạt phụng vụ trong các cộng đồng của chúng ta, bằng một cuộc huấn luyện đầy đủ cho các vị thừa tác viên cũng như cho tất cả mọi tín hữu, nhắm đến việc tham dự một cách trọn vẹn, ý thức và chủ động vào các việc cử hành phụng vụ theo ý hướng của Công Đồng (21).

8.     Bởi thế, vấn đề cần thiết đó là chương trình mục vụ về phụng vụ được thi hành hoàn toàn trung thành với những lãnh vực mới. Qua chương trình này, cần phải làm sống lại niềm hứng khởi đối với Lời Chúa theo chiều hướng của Công Đồng trong việc muốn có “những bài đọc Thánh Kinh dồi dào hơn, đổi khác hơn và chọn lọc hơn” (22). Chẳng hạn những bài sách thánh mới cho thấy việc chọn lựa nhiều các đoạn Thánh Kinh đã làm thành một nguồn mạch bất tận cho Dân Chúa kín múc. Thật vậy, chúng ta không được quên rằng “trong việc lắng nghe lời Chúa, Giáo Hội được xây dựng và phát triển; chúng ta cũng không được quên những việc kỳ diệu Thiên Chúa đã thi hành trong lịch sử cứu độ là những gì, theo sự thật mầu nhiệm của chúng, được phản ảnh qua các dấu hiệu của việc cử hành phụng vụ” (23). Trong việc cử hành phụng vụ, Lời Chúa thể hiện tất cả ý nghĩa của mình, phấn khích đời sống Kitô hữu trong việc liên tục canh tân mình, vì “những gì đã nghe thấy nơi việc cử hành phụng vụ thì sau đó được mang ra tác hành trong đời sống” (24).

9.     Việc tưởng nhớ đặc biệt đó là biến cố Phục Sinh của Chúa Kitô vào Chúa Nhật, ngày của Chúa. Biến cố Phục Sinh là trọng tâm của đời sống phụng vụ, như “nền tảng và là cốt lõi của toàn thể phụng niên” (25). Việc chăm sóc mục vụ thật sự đã thực hiện được những nỗ lực đáng kể nhờ đó giá trị của Chúa Nhật hiện được tái nhận thức. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh ở điểm này, đó là “những kho tàng tu đức và mục vụ của Chúa Nhật, như đã được truyền lại cho chúng ta, thật sự lớn lao. Khi hiểu được trọn vẹn tính cách quan trọng cùng những ý nghĩa ngày của Chúa thì Chúa Nhật trở thành một tổng hợp cho đời sống Kitô hữu và là điều kiện để sống ngày này đàng hoàng nữa” (26).

10.     Đời sống tu đức của người tín hữu được nuôi dưỡng bằng việc cử hành phụng vụ. Chính từ Phụng Vụ mới cần phải sống theo nguyên tắc đã được Tôi đề ra trong Tông Thư “Mở Màn Tân Thiên Kỷ”, đó là “việc huấn thánh đòi đời sống Kitô hữu nổi bật trên hết trong nghệ thuật cầu nguyện” (27). Hiến chế "Sacrosanctum Concilium" đã dẫn giải nhu cầu khẩn trương này bằng một viễn quan, khi phấn khích cộng đồng Kitô hữu hãy tăng gia đời sống nguyện cầu, chẳng những bằng Phụng Vụ mà còn bằng “những thực hành đạo đức” nữa, miễn là những thực hành này hợp với Phụng Vụ, nếu chúng phát xuất từ Phụng Vụ và dẫn đến Phụng Vụ càng hay (28). Kinh nghiệm mục vụ trong những thập niên vừa qua đã xác nhận cái trực giác này của Hiến Chế này. Theo chiều hướng ấy có việc góp phần quí báu của Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích với Bản Hướng Dẫn về Việc Đạo Đức Phổ Thông và Phụng Vụ (29). Rồi chính Tôi, qua Tông Thư “Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria” (30) và việc mở Năm Mân Côi, muốn làm sáng tỏ những gì phong phú về chiêm niêm của kinh nguyện truyền thống này, một kinh nguyện đã được thiết lập lâu đời nơi Dân Chúa, và Tôi khuyên dụ hãy tái nhận thức kính nguyện này như là một đường lối thuận lợi cho việc chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô nơi học đường của Mẹ Maria.

 

(CÒN TIẾP)

 

 

Chúng ta đang đợi chờ trời mới và đất mới

  Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

(Bài suy niệm cho Chúa Nhật XXXIII Thường Niên C)

Như hai bài chia sẻ hai tuần trước đã nhận định, theo tiến trình Phụng Niên, chúng ta đang cùng với Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô liên quan đến Mầu Nhiệm Cánh Chung. Theo Phụng Vụ Lời Chúa đã, đang và sẽ được công bố trong bốn tuần cuối cùng này, hai tuần trước chúng ta đã cảm nghiệm Mầu Nhiệm Cánh Chung về khía cạnh Ơn Cứu Độ, tuần vừa rồi chúng ta tiến đến Mầu Nhiệm Cánh Chung về khía cạnh Xác Phục Sinh, tuần tới, tuần cuối cùng của Phụng Niên, Lễ Chúa Kitô Vua, Mầu Nhiệm Cánh Chung được kết thúc ở việc Chúa Hiển Trị, tuần này, chúng ta sang đến Mầu Nhiệm Cánh Chung về khía cạnh Ngày Thế Mạt. Đó là lý do chúng ta cùng nhau ôn lại bài giáo lý Năm Thánh 2000 của ĐTCGPII liên quan đến đề tài và mầu nhiệm này.
 

T

hánh Linh là nguồn “hy vọng không làm thất vọng” (Rm.5:5). Theo ý nghĩa đó, sau khi xét đến một số “dấu hy vọng” hiện lên trong thời của chúng ta đây, hôm nay chúng ta sẽ suy tư về ý nghĩa đức cậy trông của Kitô giáo trong mùa đợi trông và sửa soạn cho nước Chúa trị đến nơi Chúa Kitô vào lúc tận cùng thời gian. Về vấn đề này, như Tôi đã nhấn mạnh đến trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, chúng ta phải nhớ rằng “thái độ thiết yếu của đức cậy trông là ở chỗ, một đàng thì khiến cho Kitô hữu gắn chặt lấy đích nhắm tối hậu là yếu tố mang lại ý nghĩa và gía trị cho đời sống, đàng khác lại cho họ thấy được những lý do sâu xa vững chắc đối với cuộc dấn thân hằng ngày của họ trong việc biến đổi thực tại trần thế cho hợp với ý định của Thiên Chúa” (đoạn 46).

 

2-         Niềm hy vọng vào việc nước Chúa cuối cùng sẽ trị đến và vào cuộc dấn thân để biến đổi thế giới theo ánh sáng Phúc Aâm thực sự đều có cùng một nguồn mạch nơi tặng ân cánh chung của Thánh Linh. Là “đoan hứa cho phần nghiệp của chúng ta, là hoa trái đầu mùa cho ơn cứu chuộc hoàn toàn” (Eph.1:14), Ngài khơi dậy trong chúng ta một niềm khát mong được sống trọn vẹn và vĩnh viễn với Chúa Kitô, đồng thời Ngài cũng phú cho chúng ta một sức mạnh để chúng ta có thể làm cho men nước Chúa lan ra khắp thế gian.

 

Đó là một cách ngưỡng vọng về việc nước Chúa trị đến nơi con người nhờ cuộc phục sinh của Chúa Kitô. Nơi Người là Lời Nhập Thể, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta, thiên đã giáng trần, và trần được thăng thiên, nơi nhân tính vinh hiển của Người. Chúa Giêsu phục sinh đang hiện diện giữa dân của Người và ngay trong lòng lịch sử nhân loại. Người làm cho những ai mở lòng ra cho Người trong tin tưởng và mến yêu được tràn đầy bởi Thánh Linh; thật sự là Người dần dần biến đổi họ, làm cho họ được thông phần vào sự sống hiển vinh của Người. Bấy giờ họ sẽ sống động và tác hành trong thế giới mà mắt luôn luôn nhắm tới cùng đích, như Thánh Phaolô đã thôi thúc: “Vậy nếu anh em đã được cùng với Chúa Kitô sống lại thì anh em hãy tìm kiếm những sự ở trên, nơi Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Col.3:1-4). Thế nên, các tín hữu được kêu gọi để làm chứng nhân cho việc Phục Sinh của Chúa Kitô trong thế gian, đồng thời, cũng để trở thành những tay dựng xây một xã hội mới mẻ.

 

3-         Dấu bí tích tuyệt nhất trong các thực tại tối hậu, đã tiềm tàng và hiện diện trong Giáo Hội, đó là Thánh Thể. Nơi Bí Tích Thánh Thể, Thần Linh, qua lời khẩn cầu nguyện xin thánh hiến (epiclesis), “biến thể” (transubstantiates) thực tại hữu hình của bánh và rượu thành một thực tại mới là Mình Máu Chúa Kitô. Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Kitô phục sinh thực sự hiện diện, và nơi Người, nhân loại cùng với hoàn vũ nhận được ấn tín của một tạo vật mới. Trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta nếm hưởng được những thực tại tối hậu, và thế giới bắt đầu trở nên những gì nó sẽ là vào lần Chúa đến cuối cùng.

 

Thánh Thể, tột đỉnh của đời sống Kitô hữu, chẳng những khuôn đúc đời sống cá nhân của Kitô hữu, mà còn cả đời sống cộng đồng giáo hội, và bằng một cách nào đó, khuôn đúc toàn thể xã hội loài người nữa. Thật vậy, Dân Chúa nhận lãnh từ Thánh Thể năng lực thần linh khiến cho họ sống thắm thiết mối hiệp thông yêu thương được biểu hiện qua và thành đạt bởi việc họ tham dự vào một bàn tiệc duy nhất. Năng lực thần linh ấy cũng làm phát sinh ước vọng chia sẻ những vật dụng thể chất trong tình huynh đệ, sử dụng chúng cho việc xây dựng nước Chúa (Acts 2:42-45). Như thế, Giáo Hội trở nên một “tấm bánh bẻ ra” cho thế giới: cho thành phần Giáo Hội sống chung, nhất là cho thành phần thiếu thốn nhất. Việc cử hành Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch của các việc làm bác ái và tương trợ khác nhau, của hoạt động truyền giáo và của những hình thức chứng tá Kitô giáo khác, khiến thế giới hiểu được ơn gọi của Giáo Hội là do ý định của Thiên Chúa.

 

Ngoài ra, nhờ việc làm sống động lời kêu gọi đừng sống theo ý hệ thế gian này, mà là sống như Chúa Kitô mong muốn “cho tới khi Người đến”, Thánh Thể dạy cho Dân Chúa một đường lối thanh tẩy và làm hoàn hảo các hoạt động nhân bản của mình, bằng cách dìm mình vào mầu nhiệm vượt qua của Tử Giá và Phục Sinh.

 

4-         Đó là cách chúng ta hiểu được ý nghĩa thực sự của đức cậy trông Kitô giáo. Trong việc chúng ta hướng mắt về “trời mới và đất mới” (x.2Pt.3:13), “chẳng những không làm cho chúng ta suy giảm mối quan tâm đến việc phát triển thế gian này, mà việc mong đợi một trái đất mới còn thôi thúc chúng ta hơn nữa, vì chính ở nơi đây thân xác của tân gia nhân loại phát triển, tiên báo một cách nào đó thời đại phải đến” (Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 39).

 

Sứ điệp hy vọng được cộng đồng Kitô giáo đặc biệt loan báo phải được đan kết với việc người tín hữu giáo dân dấn mình vào lãnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị như men Phục Sinh.

 

Nếu việc tiến bộ trần thế thực sự phải được tách biệt khỏi việc phát triển nước Chúa (cùng nguồn vừa trích dẫn), thì “đức ái và các việc làm của nó vẫn tồn tại” (x.1Cor.13:8; Col.3:14) thực sự trong nước Chúa là một thực tại sẽ được nên trọn vào lúc tận cùng thời gian (cũng nguồn trích dẫn trên). Điều này có nghĩa là mọi sự được hoàn thành trong tình yêu mến Chúa Kitô đều trông chờ cuộc phục sinh sau hết và việc nước Chúa trị đến.

 

5-         Như thế thì linh đạo Kitô giáo tỏ hiện ánh sáng thực sự của mình: nó không phải là một linh đạo trốn lánh hay phủ nhận thế giới, nó cũng không giảm xuống thành một thứ hoạt động hoàn toàn trần tục. Được Thần Linh linh động bằng sự sống tuôn ban từ Chúa Cứu Thế, nó là một linh đạo biến đổi thế giới và là linh đạo trông cậy vào việc nước Chúa trị đến.

 

Như thế, Kitô hữu có thể khám phá ra rằng, những thành đạt về tư tưởng và nghệ thuật, về khoa học và kỹ thuật, một khi thấm nhuần tinh thần Phúc Aâm, chúng sẽ làm chứng cho thấy việc Thần Linh Thiên Chúa tràn lan  trong tất cả mọi thực tại trần thế. Bởi vậy, tiếng của Thần Linh và của Tân Nương kêu lên: “Hãy đến!… Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin hãy đến” (Rev.22:17-20) mới có thể to tiếng nghe thấy được, chẳng những trong kinh nguyện mà còn trong cả nỗ lực hằng ngày nữa, để sửa soạn cho nước Chúa trị đến trong lịch sử. Đó là đoạn kết kỳ lạ của Sách Khải Huyền, khiến chúng ta có thể nói rằng, ấn tín Kitô giáo đóng trên lịch sử loài người.   

 

(Giáo Lý Năm 2000, Bài 4, Thứ Tư ngày 2-12-1998) 

 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 9/12/1998)

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ