GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 11/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu ý thức được ơn gọi riêng của mình trong lòng Giáo Hội, để họ hăng say đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa và nên thánh trong bậc sống của mình”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động truyền giáo luôn ý thức được rằng tác hiệu của việc truyền bá phúc âm hóa xuất phát từ cuộc sống    thánh thiện cũng như từ việc sâu xa kết hợp với Chúa Kitô”.  

 

__________________

 NGÀY 17 THỨ TƯ

  

ĐTC GPII với Hiệp Hội Bác Sĩ Công Giáo Ý về “Y Khoa và Phẩm Vị Con Người: Các Bác Sĩ, Những Người Cổ Động Sức Khỏe và là Những Dụng Cụ Cứu Độ”.


Hiệp Hội Bác Sĩ Công Giáo Ý được thành lập năm 1944, với mục đích là để giúp vào việc huấn luyện về luân lý, khoa học và nghề nghiệp các bác sĩ, để phát động những nghiên cứu luân lý y khoa trong việc trung thành tôn trọng huấn quyền của Giáo Hội, cũng như để bảo trì những hoạt động bác ái, truyền bá phúc âm hóa và hợp tác với các hiệp hội tự nguyện và trợ giúp khác.


Trong dịp hội nghị toàn quốc của hiệp hội này ở Bari trong thời khoảng 11-13/10/2004, với đề tài “Y Khoa và Phẩm Vị Con Người: Các Bác Sĩ, Những Người Cổ Động Sức Khỏe và là Những Dụng Cụ Cứu Độ”, ĐTC GPII đã gửi cho họ, qua bác sĩ chủ tịch Domenico Di Virgilio, một sứ điệp với những điểm chính yếu tiêu biểu sau đây:


“Y khoa được hiểu một cách chân chính … nói một thứ ngôn ngữ đại đồng của sự chia sẻ, của sự lắng nghe tất cả mọi người không phân biệt, cũng như của việc chấp nhận tất cả mọi người để làm giảm bớt thương đau cho từng người”.


Để hiện thực vấn đề, y khoa “không thể nào không chú trọng tới chính bản tính của con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài. Phẩm vị của con người bắt nguồn chẳng những nơi mầu nhiệm tạo dựng mà còn nơi việc Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc nữa.


“Nếu nguồn gốc của con người tự mình chính là nền tảng cho phẩm giá của họ thì cũng là cùng đích của họ nữa, ở chỗ, con người được kêu gọi để trở thành ‘người con nơi Người Con’ và trở thành đền thờ sống động của Thần Linh, hướng về sự sống đời đời của việc được hiệp thông vinh phúc với Thiên Chúa.


“Con người là tâm điểm và là tột đỉnh của hết mọi sự hiện hữu trên trái đất này. Không có một hữu thể hữu hình nào có được phẩm vị như họ”, và là “một chủ thể ý thức và tự do họ không thể nào bị biến thành một dụng cụ thuần túy. Ngày nay, hơn bao giờ hết, phẩm vị bất khả vi phạm của con người cần phải được mạnh mẽ và cương quyết xác nhận. Con người không thể nói về những con người không còn là con người hay chưa trở thành con người. Phẩm vị của con người thực sự thuộc về từng người và không thể nào chấp nhận hay biện minh cho một thứ thiên lệch nào”.


Khi nhắc nhở thành phần y sĩ về những nguyên tắc luân thường đạo lý bắt nguồn từ chính lời thề Hippocratic, Ngài nhấn mạnh rằng “không có sự sống nào lại không đáng được sống”, hay không có những khổ đau nào “có thể biện minh cho việc diệt trừ đi một sự sống”, hay không có những lý do nào “hợp lý cho việc ‘tạo nên’ con người để bị sử dụng và hủy hoại đi”.


Ngài kêu gọi: “Chớ gì quí vị luôn sáng suốt trong việc chọn lựa của mình bằng niềm xác tín rằng sự sống là những gì cần phải được cổ võ và bênh vực từ khi được thụ thai cho tới khi tự nhiên qua đi. Điều làm cho quí vị được nhận biết là các y sĩ Công Giáo thật sự là việc quí vị bênh vực phẩm vị bất khả vi phạm của hết mọi con người”.


Ngài cũng nhắc nhở thành phần y sĩ Công Giáo này là trong việc họ bảo vệ và cổ võ sức khe họ không bao giờ được bỏ qua “chiều kích thiêng liêng của con người”: “Nếu, trong việc tìm cách chữa lành và xoa dịu khổ đau quí vị làm sống động ý nghĩa của sự sống và sự chết cũng như cái tác dụng của khổ đau nơi cái cuộc sống thăng trầm của con người, là quí vị tiến đến chỗ trở thành những con người thực sự cổ võ văn minh vậy”.


Ngài cảnh giác các vị y sĩ Công Giáo về sự có mặt nơi xã hội “một thứ tâm thức ngông cuồng chủ trương kỳ thị giữa sự sống với sự sống, quên đi rằng việc đáp ứng nhân bản thực sự duy nhất đối với nỗi khổ đau của người khác đó là tình yêu dấn thân nâng đỡ và chia sẻ”.


Ngài cũng cảnh giác về cái nguy hại do sự tiến bộ về khoa học nơi y khoa là những gì có thể “bị chi phối bởi cái ước vọng muốn áp đảo và thống trị” làm mất đi ơn gọi nguyên thủy của nó đối với thiện ích của con người.


ĐTC khuyên nhủ: “Quí vị hãy hiên ngang hãnh diện với căn tính Kitô Giáo là những gì làm nên đặc tính của quí vị 60 năm qua trong việc phục vụ thành phần bệnh nhân và trong việc cổ võ sự sống. Quí vị hãy làm sao để có thể nhận ra chính Chúa Kitô nơi hết mọi bệnh nhân… Quí vị hãy làm sống động việc phục vụ của mình bằng việc liên lỉ nguyện cầu với Thiên Chúa” là Đấng là nguồn mạch của mọi việc chữa lành.


Sau hết, ĐTC kêu gọi họ hãy thêm “con tim” vào “việc đóng góp bất khả thay thế” của việc hoạt động y khoa vì con tim “có khả năng nhân bản hóa các thứ cấu trúc”.

 

 

Tòa Thánh với Liên Hiệp Quốc về “Việc loại trừ tất cả mọi hình thức bất dung nhượng tôn giáo”

ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước, hôm Thứ Hai 25/10/2004, đã trình bày nhận định và quan điểm của Giáo Hội Công Giáo trước Ủy Ban thứ ba của Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về điều 105B: “Việc loại trừ tất cả mọi hình thức bất dung nhượng tôn giáo”. Sau đây là nguyên văn bài trình bày của ngài.


Thư Ông Trưởng Ban,


Tự do tôn giáo, qua tất cả mọi hình thức của nó, đã ở vào một thời điểm sôi bỏng qua nhiều tuần, nhiều tháng qua. Thật sự là như thế, vì tự do tôn giáo là điều kiện để theo đuổi sự thiện hảo và hạnh phúc đích thực; tự do tôn giáo đặc biệt là việc con người theo đuổi “những điều sau hết”, những gì thỏa mãn những thao thức khát mong sâu xa nhất, thăm thẳm nhất và thanh thoát nhất của tâm linh con người. Bởi thế, theo ý nghĩa ấy, các niềm tin và quyền tự do tôn giáo cần phải được thực hiện và cần phải được coi như một giá trị tích cực, chứ không bị lèo lái hay được coi như là một thứ de dọa cho việc thuận hòa chung sống và tương nhượng; nó là một thứ giá trị am hợp với các quyền tự do khác, nhờ đó, nó giúp phần vào chính việc hiện hữu của nó nữa.


Các vị lãnh đạo tôn giáo có trách nhiệm đặc biệt trong việc xua tan bất cứ lạm dụng hay trình bày sai trái nào về các niềm tin và quyền tự do tôn giáo. Họ nắm trong tay một phương tiện mãnh lực và vững bền để chiến đấu với nạn khủng bố; và họ được kêu gọi để kiến tạo và truyền bá một cảm tính tôn giáo, văn hóa và xã hội, và là một cảm tính không bao giờ đi đến chỗ gây ra những hành động khủng bố, mà là loại trừ và lên án những hành động tục hóa tôn giáo như thế.


Cũng thế, các thẩm quyền dân sự, các lập pháp gia, các vị thẩm phán và các viên chức hành chính mang một trách nhiệm nặng nề và hiển nhiên đối với việc chung sống hòa bình giữa các nhóm tôn giáo cũng như phải sẵn sàng chấp nhận việc hợp tác của các nhóm ấy để xây dựng xã hội, hơn là hạn chế họ hay loại trừ căn tính của họ, nhất là đối với những nỗ lực của các nhóm tôn giáo chú trọng đến thành phần nghèo khổ nhất trong xã hội. Thật là ngược đời khi phải nói rằng trong thời đại toàn cầu hóa này mà lại xẩy ra những hình thức bất dung nhượng mới về tôn giáo.


Việc thực thi các quyền tự do cá nhân càng nhiều thì càng đưa đến tình trạng bất dung nhượng hơn và hạn chế về pháp lý hơn những điều diễn đạt công khai của những gì dân chúng tin tưởng. Thái độ của những ai muốn thu hẹp việc bày tỏ về tôn giáo vào lãnh vực thuần riêng tư là thái độ coi thường và chối bỏ bản chất của những niềm xác tín thực sự về tôn giáo. Thật vậy, những gì đang gặp khó khăn thường xẩy ra đó là quyền của các cộng đồng tôn giáo được tham dự vào cuộc tranh luận chung theo kiểu dân chủ như các lực lượng về xã hội khác được phép làm.


Ngoài ra, trong thời gian gần đây, càng ngày càng xẩy ra hơn, dường như thái độ của ngành tư pháp và lập pháp đối với quyền tự do tôn giáo có khuynh hướng muốn làm cho nó chẳng còn ý nghĩa gì nữa.


Theo tinh thần của Bản Tuyên Ngôn Về Việc Loại Trừ Tất Cả Mọi Hình Thức Bất Dung Nhượng Và Kỳ Thị đối với Quyền Tự Do Và Niềm Tin Tôn Giáo, những phác họa về pháp lý đối với quyền tự do tôn giáo cũng như những qui định cùng với những hành động quan trọng khác của chính quyền cần phải duy trì việc góp phần của các tín hữu vào việc xây dựng công ích xã hội và cho phép họ “bảo tồn những cơ cấu bác ái hay nhân đạo thích hợp”.


Vấn đề thích hợp ở đây còn có nghĩa là chẳng những cho phép các hiệp hội và các nhóm tôn giáo hoạt động trong lãnh vực xã hội, giáo dục và nhân đạo, và cũng theo tính cách tôn giáo chuyên biệt của mình hoạt động hợp với sứ vụ tương xứng, mà còn không gạt bỏ bất cứ việc dấn thân nào về tôn giáo hay coi thường các giá trị về luân lý mang lại thiện ích cho xã hội. Những nỗ lực tục hóa hay nhúng tay vào nội bộ của các cơ cấu tôn giáo là những gì làm suy yếu căn tính của những cơ cấu này cũng như chính cơ cấu của xã hội. Mặt khác, việc hòa điệu tính cách đa dạng về tôn giáo khi việc hòa điệu ấy phục vụ quần chúng, dĩ nhiên, trừ trường hợp nó trở thành một mối đe dọa cho tình trạng sức khỏe và an toàn của quần chúng, là việc hòa điệu tôn trọng một khía cạnh đặc biệt của quyền tự do tôn giáo, là những gì làm phong phú nền văn hóa có tính cách đa diện thực sự, và là những gì cung ứng một dịch vụ rất cần thiết mà đôi khi bất khả thiếu đối với thành phần nghèo khổ, thành phần mềm yếu dễ bị tổn thương và thành phần cần thiết.


Việc nhìn nhận tầm quan thiết của lương tâm con người, một lương tâm hướng về chân lý, là những gì nồng cốt đối với phẩm vị của con người. Tòa Thánh tiếp tục kín múc được sức mạnh từ niềm xác tín này để mạnh mẽ bênh vực quyền tự do của lương tâm cũng như quyền tự do về tôn giáo, ở cả lãnh vực cá nhân lẫn cộng đồng. Ngày nay, việc bênh vực này vẫn còn cần thiết, vì những diễn tiến bạo động đã gây ra tình trạng khổ đau một cách thê thảm, hủy hoại các địa điểm tôn giáo, bạo hành thậm chí sát hại viên chức tôn giáo, và bách hại cộng đồng tôn giáo.


Xin cám ơn Ông Trưởng Ban.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 27/10/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)
 



 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ