GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 11/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu ý thức được ơn gọi riêng của mình trong lòng Giáo Hội, để họ hăng say đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa và nên thánh trong bậc sống của mình”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động truyền giáo luôn ý thức được rằng tác hiệu của việc truyền bá phúc âm hóa xuất phát từ cuộc sống    thánh thiện cũng như từ việc sâu xa kết hợp với Chúa Kitô”.  

 

__________________

 NGÀY 1 THỨ HAI

  

ĐTC GPII và Tòa Thánh với Bản Hiến Pháp Âu Châu mất gốc Kitô Giáo

Chúa Nhật, 31/10/2004, trước khi nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC đã ban huấn từ như sau:

1.     Hôm Thứ Sáu 29/10/2004, Bản Hiệp Định Về Hiến Pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu đã được ký kết ở Capitol tại Rôma đây. Đó là một giây phút hết sức quan trọng trong việc xây dựng một “Tân Âu Châu”, một châu lục chúng ta tiếp tục đặt niềm tin tưởng. Nó là một giai đoạn gần nhất của một con đường vẫn còn xa xôi và hình như vẫn còn gay go hơn bao giờ hết.

2.     Tòa Thánh bao giờ cũng ủng hộ việc phát động một Âu Châu hiệp nhất trên căn bản của những giá trị chung là những gì thuộc về lịch sử của nó. Việc nhìn nhận các căn gốc Kitô giáo của Châu Lục này có nghĩa là thực hiện việc sử dụng một gia sản thiêng liêng của nó là những gì vẫn còn thiết yếu cho việc phát triển mai hậu của Khối Hiệp Nhất ấy.

Bởi thế, Tôi cũng hy vọng rằng trong những tháng năm tới đây, Kitô hữu sẽ tiếp tục góp phần vào tất cả những phạm vi của các cơ cấu Âu Châu, để men phúc âm trở thành những gì bảo toàn hòa bình cũng như cho việc hợp tác giữa tất cả mọi người công dân cùng dấn thân phục vụ công ích.

3.     Bằng nguyện cầu, chúng ta giờ đây xin trao phó cho Mẹ Maria, Nữ Vương Âu Châu, tất cả mọi dân tộc của Châu Lục này.

Hôm Thứ Bảy, 30/10/2004, tức sau ngày 25 quốc gia hội viên thuộc Khối Hiệp Nhất Âu Châu ký kết vào Bản Hiệp Định Hiến Pháp Âu Châu ở Rôma, ĐTC đã gặp Thủ Tướng Balan Marek Belka, một kinh tế gia và nguyên bộ trưởng kinh tế trước khi được bổ nhiệm chức vụ thủ tướng hôm 24/6/2004, ở Vatican và đã bày tỏ nhận định của mình về nỗ lực của Balan trong việc bảo trì căn gốc Kitô giáo nơi bản hiến pháp này.

“Với tư cách là Giáo Hoàng, Tôi xin cám ơn các chính quyền và Quốc Hội Balan về việc họ hiểu được cái thách đố và đã chấp nhận đương đầu với thách đố ấy”.

ĐTC GPII đã cám ơn riêng vị thủ tướng này về những lời ông đã viết trong một bức thư gửi ĐTC: “Chính quyền Balan sẽ làm mọi sự có thể để bản Hiến Pháp mới của Khối Hiệp Nhất Âu Châu được hiểu theo tinh thần của các giá trị Âu Châu, những giá trị lấy căn bản là quan niệm Kitô Giáo về con người, cũng như về chính trị như là một việc phục vụ cho chính con người cũng như cho toàn thể cộng đồng Hiệp Nhất Âu Châu này”.

Trong lời ngỏ của mình với vị thủ tướng Balan, ĐTC cho biết cá nhân Ngài cùng với Tòa Thánh ủng hộ tiến trình hiệp nhất ấy, hầu “Âu Châu có thể hoàn toàn thở hít bằng hai buồng phổi: bằng tinh thần Tây Phương và Đông Phương”.

Tôi tin tưởng rằng, bất chấp sự kiện là Bản Hiến Pháp Âu Châu thiếu qui chiếu một cách minh nhiên về các căn gốc Kitô Giáo nơi văn hóa của tất cả mọi quốc gia làm nên Cộng Đồng này, thì những giá trị trường tồn được dẫn giải cẩn thận từ nguồn mạch Phúc Âm bởi những người đi trước chúng ta sẽ tiếp tục tác động những nỗ lực của những ai mang trách nhiệm hình thành dung nhan của châu lục này.

“Tôi hy vọng là cơ cấu này, một cơ cấu tự bản chất là một cộng đồng của các quốc gia tự do, chẳng những thực hiện những gì có thể để đừng làm cho họ bị hụt hang cái gia sản thiêng liêng của họ, trái lại, còn canh giữ nó như là nền tảng của mối hiệp nhất của nó.

Không thể xây dựng một mối hiệp nhất bền bỉ bằng việc phân ly các xứ sở của Âu Châu ra khỏi những căn gốc làm cho họ tăng trưởng, cũng như ra khỏi cái phong phú dồi dào của nền văn hóa tâm linh ở những thế kỷ đã qua. Sẽ không thể nào có được một sự hiệp nhất ở Âu Châu cho đến khi sự hiệp nhất này được xây dựng trên sự hiệp nhất về tinh thần”.

Đó là thái độ và chủ trương của ĐTC GPII trước biến cố Bản Hiến Pháp Âu Châu được ký kết không minh nhiên nói đến các căn gốc Kitô Giáo là những gì thực sự đã làm nên văn hóa Âu Châu nơi tất cả các nước của Châu Lục này.

ĐTGM Giovanni Lajolo, bí thư của Tòa Thánh đặc trách liên hệ với các quốc gia, trong cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo La Stampa hôm Thứ Sáu, 29/10/2004, tức vào chính ngày 25 quốc gia hội viên chính thức ký kết vào bản hiến pháp này ở Rôma, đã cho biết cảm tưởng của mình như sau:

“Việc đề cập tới các căn gốc của Kitô Giáo của Âu Châu trong lời mở đầu Bản Hiệp Định Hiến Pháp là những gì đã được nhiều Kitô hữu ở châu lục này, như Công Giáo, Chính Thống Giáo và Tin Lành, hết sức mong muốn.

“Việc này không tác hại, như một số người lo sợ, đến tính cách trần thế, một tính cách trần thế lành mạnh (!) thuộc cơ cấu chính trị. Trái lại, nó là một việc cần thiết để làm sống động cái ý thức về căn tính lịch sử thực sự của Âu Châu cũng như về các giá trị của châu lục này là những gì vẫn không bao giờ có thể bỏ đi được”.

Tờ nhật báo Turin cũng phổ biến những lời của vị TGM này như sau:

Nếu một tân ‘Âu Châu cổ’ muốn thi hành, trong lịch sử vào những năm tới đây, một vai trò xứng với quá khứ của mình, thì nó không thể vui vẻ với những thứ hồi niệm mơ hồ, mà là phải ý thức về những gì đặc biệt đã ghi dấu vết tướng mạo thiêng liêng của nó.

“Người ta lấy làm ngỡ ngàng trước cái thiển cận về văn hóa, hơn là thành kiến chống Kitô Giáo, một thành kiến không có gì là lạ, vì khi nói ‘những căn gốc Kitô Giáo’ không có nghĩa là vấn đề hạn chế ý hệ, mà là vấn đề tưởng nhớ đến cái men được dậy lên trong lịch sử Âu Châu, và từ Âu Châu lan tràn khắp thế giới.

(Việc gợi lại) cuộc cách mạng lớn nhất về tinh thần mà nhân loại đã biết tới, không có nghĩa là hy vọng trở về với những thời điểm đã qua, mà là hy vọng hướng về một tân chủ nghĩa nhân bản là những gì sẽ không mất đi sức mạnh của mình bởi khuynh hướng tương đối hay bị triệt sản bởi kỹ thuật… một tân chủ nghĩa nhân bản vốn tôn trọng và cởi mở với các thứ văn hóa khác, nhất là hướng về một hình thức văn minh mới mẻ và cao qúi hơn”.
 

Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc về nhận định “cuộc thi đua võ trang đang trên đà phát triển”

Đức Ông Leo Boccardi, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc, hôm Thứ Tư 22/9/2004, đã trình bày quan điểm của Giáo Hội Công Giáo trước Cơ Quan Nguyên Tử Lực Quốc Tế (IAEA: International Atomic Energy Agency) về nhận định “cuộc thi đua võ trang đang trên đà phát triển”. Sau đây là nguyên văn bài trình bày của ngài.

Thưa Ông Chủ Tịch,

Nhân danh phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh, tôi xin chúc mừng ông về việc ông được chọn lạm chủ tịch Tổng Hội Nghị lần thứ 48 này và tôi hứa cùng ông và văn phòng làm việc của ông là đại biểu tôi đây sẽ hoàn toàn ủng hộ để giúp cho hội nghị này thành đạt.

Thoáng nhìn vào một số hoạt động được thực hiện trong năm 2003 chúng ta thấy rõ ràng là lãnh vực hoạt động của cơ quan này vẫn tiếp tục được nới rộng. Với vai trò lãnh đạo không tầm thường của Ông Tổng Giám Đốc ElBaradei cùng với việc dấn thân của tất cả văn phòng làm việc của ông, IAEA đã có thể đáp ứng một cách hiệu nghiệm trước nhiều thách đố thuộc toàn thể lãnh vực hoạt động của cơ quan này, chẳng hạn như việc ngăn ngừa cuộc thi đua vũ khí nguyên tử, việc cải tiến và củng cố tình trạng an ninh nguyên tử, và việc giúp tăng tiến cách thức sử dụng kỹ thuật nguyên tử an toàn vào vấn đề phát triển khả thủ, nhờ đó, nó đã góp phần chuyên biệt của mình vào những mục tiêu hòa bình và thịnh vượng trên thế giới vậy.

Thưa Ông Chủ Tịch,

Những hoạt động bạo lực gần đây đã tác hại ở Nga Sô cũng như ở các phần đất khác trên thế giới đã trầm trọng phạm đến toàn thể nhân loại. Những việc khủng bố tiếp tục vi phạm đến phẩm vị con người và thành phần vô tội đã làm cho tất cả mọi người chú trọng tới nhu cầu cần phải đương đầu với các căn nguyên gây ra những hình thức man di mọi rợ tân thời như thế để giải quyết chúng cho có hiệu nghiệm. Chúng ta cũng phải tiếp tục tin tưởng vào việc đối thoại như là những gì thiết yếu để thiết lập hòa bình và an ninh.

Những đe dọa liên tục xẩy ra cho hòa bình và tình trạng ổn định vì việc leo thang của các thứ vũ khí đại công phá, cũng như vì những vấn đề khẩn trương về nhân đạo và môi trường, đòi chúng ta phải có những đáp ứng mạnh mẽ và bao rộng. Ông Tổng Giám Đốc ElBaradei mới đây không lâu đã tuyên bố rằng: “Chúng ta cũng phải bắt đầu phải nói lên những căn nguyên sâu xa của tình trạng mất an nình. Ở những miền hằng xẩy ra cuộc xung đột lâu đời như Trung Đông, Nam Phi và Bán Đảo Hàn Quốc, thì không thể nào thoát được vấn đề tìm kiếm các thứ vũ khí đại công phá, dù không bao giờ chính đáng, bao lâu chúng ta thiếu những giải pháp cải tổ lại cái yếu kém về tình trạng an ninh”. Việc đáp ứng của cộng đồng quốc tế cần phải là một đáp ứng trọn vẹn, bao gồm vấn đề an ninh, đoàn kết và bênh vực sự sống con người.

Chúng ta đã được cảnh giác trong những thập niên khác nhau là vấn đề leo thang vũ khí nguyên tử đang trên đà tăng phát và có những quốc gia theo đuổi một cách bất hợp pháp việc chiếm hữu những thứ vũ khí đại công phá. Vấn đề còn nguy hiểm ở chỗ những tay khủng bố sẽ tìm cách có được những chất liệu và kỹ thuật của các thứ vũ khí đại công phá này. Thế nên, chúng ta cần đồng ý với nhau về một số những phương sách để bảo đảm không để tiếp tục “thương vụ bình thường” về nguyên tử. Bản Hiệp Ước Không Thi Đua Võ Trang (NPT: Non-Proliferation Treaty) đã góp phần cho nền hòa bình và an ninh quốc tế, nhưng vẫn còn nhiều điều cần phải được hoàn tất, và cộng đồng quốc tế cần phải hoạt động cực lực hơn nữa để làm giảm bớt đi những nguy cơ leo thang nguyên tử, cũng như phát triển một dự trù xứng hợp hơn với các thực tại của thế kỷ 21. Cần phải kiểm soát kỹ hơn việc xuất cảng chất liệu nguyên tử cũng như việc hoàn vũ hóa hệ thống kiểm soát xuất cảng này. Như thế, cần phải trao cho những thanh tra viên nhiều thẩm quyền hơn, như rõ ràng cho thấy trong việc khám phá mới đây về một thị trường buôn bán bất hợp pháp chất liệu và máy móc nguyên tử.

Về tình hình Trung Đông, đại biểu tôi cũng quan tâm đến những dấu hiệu gia tăng về tình trạng bất an ninh gây ra bởi cuộc chiền tranh đang diễn tiến ở Iraq cũng như những liên quan về an ninh đối với toàn vùng này cùng với cuộc xung đột bất ổn định ở Thánh Địa. Tôn trọng những ước vọng hợp lý của cả đôi bên, nhưng vấn đề ngồi lại thương thảo với nhau cùng với việc cụ thể dấn thân của cộng đồng quốc tế mới là những gì có thể dẫn đến một giải quyết khả chấp đối với tất cả mọi người. Bởi thế, tất cả mọi quốc gia trong vùng và cộng đồng quốc tế cần phải bắt đầu một cuộc trao đổi nghiêm cẩn để tạo cho Trung Đông thành một vùng phi các thứ vũ khí đại công phá. Việc làm này, cùng với những hạn chế về vấn đề võ trang qui ước và vấn đề an ninh thích đáng cùng với những đường lối xây đắp lòng tin tưởng, mới là những gì góp phần vào việc thiết lập hòa bình ở vùng ấy. Chương Trình Hợp Tác Về Kỹ Thuật của Cơ Quan đây là một trong những dụng cụ chính yếu để chuyển khoa học và kỹ thuật nguyên tử sang cho các quốc gia hội viên hầu cổ võ việc phát triển về xã hội và kinh tế. Những sáng kiến của cơ quan này, khi được đáp ứng những nhu cầu của các quốc gia thụ nhận cũng như của những cộng tác viên thuộc những quốc gia thụ nhận ấy căn cứ vào những ưu tiên của quốc gia, mới là những gì giúp vào việc chống nghèo, và nhờ đó mới có thể góp phần giải quyết một cách êm đẹp hơn nữa những vấn đề hệ trọng đang gây khó dễ cho nhân loại.

Đại biểu tôi đây lấy làm mãn nguyện nhận thấy những nỗ lực đã được các quốc gia phần tử thực hiện để cải tiến chương trình và việc hợp tác, những gì được tỏ ra cho thấy nơi các phương tiện trở nên thuận lợi đối với vấn đề cải tiến những tình trạng kinh tế xã hội qua việc sử dụng kỹ thuật nguyên tử vào những mục đích hòa bình, mang lại thiện ích cho 110 quốc gia ở tất cả mọi lục địa. Để bảo đảm thành đạt, tất cả mọi quốc gia hội viên cần phải góp phần chung, nhờ đó tỏ ra việc họ dấn thân thắng vượt cái bất định chi phối ngân quĩ hợp tác về kỹ thuật.

Những kỹ thuật về nguyên tử và đồng vị càng ngày càng chứng tỏ hữu dụng trong việc phục vụ các nhu cầu của con người cũng như trong việc giải quyết những thách đố lớn lao, nhất là ở thế giới đang phát triển. Những hoạt động nghiên cứu cùng với các dự án hợp tác về kỹ thuật được thực hiện trong những năm gần đây hay vẫn còn đang diễn tiến là những gì tiếp tục trổ sinh những thành quả khả quan và cho thấy những đường lối mới mẻ trong việc khắc phục các thứ trục trặc ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của một phần đông dân chúng. Những nỗ lực của IAEA trong lãnh vực này thật là đáng kể và cần phải tiếp tục trong việc hợp tác và đồng lực hữu hiệu với các quốc gia thụ nhận.

Những áp dụng êm đẹp này đối với các thứ kỹ thuật về nguyên tử có thể góp phần đáng kể bằng nhiều cách thức vào việc đáp ứng những quan tâm khẩn trương nhất, chẳng hạn như việc điều hành những việc cung cấp nước uống, việc gặt hái mùa màng có một thu hoạch cải tiến hay có một độ mặn nhiều hơn ở các vùng khí hậu khô cằn, việc nhổ tận gốc rễ, một cách có lợi cho môi trường, những con sâu bọ truyền bệnh hay tác hại. Ngoài ra, những áp dụng của các kỹ thuật về nguyên tử này còn có thể được sử dụng một cách hữu hiệu trong việc nghiên cứu vấn đề dinh dưỡng trẻ em cũng như trong việc chẩn bệnh cùng trị bệnh. Đại biểu tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình về những gì đã đạt được nơi ngành y khoa nguyên tử nhờ sự giúp đỡ của IAEA. Thế nhưng, vẫn còn nhiều điều cần phải làm, và cơ quan này cần phải tiếp tục theo đuổi những nỗ lực đáng kể của mình nơi lãnh vực ấy.

Gần đây, cơ quan này, cùng với tổ chức WHO, còn chú ý tới một cuộc khủng hoảng lơ lửng khác đang ảnh hưởng tới cả hằng triệu triệu con người, nhất là ở các quốc gia đang phát triển. Con số bệnh nhân bị bệnh ung thư đang gia tăng khủng khiếp, trong khi đó, các phương tiện và dụng cụ chẩn bệnh và trị bệnh này lại rất eo hẹp, thậm chí thiếu thốn ở nhiều quốc gia. Gần 13% những nạn nhân tử vong trên khắp thế giới là do bị ung thư (hơn cả bị lao phổi, sốt rét và hội chứng liệt kháng cộng chung lại với nhau). Ngày nay lại càng có nhiều trường hợp ung thư mới mỗi năm ở các quốc gia đang phát triển hơn là ở những quốc gia kỹ nghệ hóa, và con số ung thư ở những nơi ấy sẽ tăng lên thật nhiều vào những thập niên tới đây.

Việc trị liệu bằng quang tuyến là một trong những trị liệu chính của bệnh ung thư, và trên 50% bệnh nhân được chẩn bệnh mắc chứng ung thư đã hưởng lợi ích từ loại trị liệu hoặc áp dụng nguyên như thế hay áp dụng cùng với việc giải phẫu và việc hóa trị liệu (chemotherapy). Tuy nhiên, ở thế giới đang phát triển, hơn một nữa bệnh nhân mắc chứng ung thư không có thể được trị liệu bằng quang tuyến ấy, vì thiếu máy móc thích hợp và thiếu nhân viên được huấn luyện đầy đủ chuyên môn về ngành vật lý bệnh học và y học.

Tòa Thánh cám ơn tất cả mọi hoạt động và nỗ lực của IAEA cũng như của các cộng sự viên của cơ quan này trong việc phác họa và nới rộng các chương trình kiểm soát ung thư, những chương trình bao gồm việc cung cấp dụng cụ máy móc và dụng cụ máy móc cần thiết cập nhật hóa, cũng như việc huấn luyện đầy đủ cho các bác sĩ y khoa, các nhà vật lý và các chuyên viên kỹ thuật, cùng với việc trao đổi tín liệu giá trị khắp thế giới. Một trong những công việc chính của IAEA từng làm đó là khai triển và hoàn chỉnh các tiêu chuẩn cũng như các Mật Mã Về Việc Thực Hành liều lượng học quang tuyến y khoa. Cơ cấu tổ chức trên thế giới của các phòng thí nghiệm liều lượng học tiêu chuẩn, những phòng thí nghiệm đã được các cơ quan IAEA và WHO hỗ trợ nhiều năm, đang cung cấp những dịch vụ định cỡ cho các bệnh viện, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, để giúp phần phẩm chất cho những chương trình của các nước ấy.

Cơ quan này hy vọng tiếp tục theo đuổi và củng cố tất cả mọi hoạt động quan trọng tức thời này. Việc cơ quan ấy mới bắt đầu Chương Trình Hoạt Động Cho Việc Trị Liệu Ung Thư (PACT: Program of Action for Cancer Therapy), một chương trình nhắm đến chỗ làm gia tăng khả năng của cơ quan ấy trong việc giúp cho các quốc gia hội viên thực hiện công việc trầm kha chống lại ung thư, cũng như nhắm đến chỗ thiết lập những trung tâm vùng chuyên môn về trị liệu quang tuyến, sẽ đạt được thành quả, nếu các quốc gia cũng như những tổ chức cống hiến quảng đại ủng hộ sáng kiến này.

Thưa Ông Chủ Tịch,

Những nỗ lực đáng kể của IAEA trong việc gia tăng tình trạng an toàn về nguyên tử và quang tuyến, trong việc vạch ra cho thấy những đường lối và những phương pháp an toàn để sử dụng những nguồn phóng xạ, cũng như trong việc giúp phục hồi những nguồn phóng xạ bị bỏ bê là những gì đóng góp quan trọng để làm giảm thiểu những thứ nguy hiểm và ngăn ngừa cái nguy hại gây ra cho quần chúng cũng như cho cá nhân. Cơ quan này đang chủ động dấn thân vào việc duy trì một nền văn hóa an toàn khi áp dụng các kỹ thuật về nguyên tử cũng như trong việc phân tử hóa chất phóng xạ, cần phải tiếp tục hoạt động của mình nơi lãnh vực này. Mức tiến bộ ở những cơ sở hạ tầng trong việc bảo vệ chất phóng xạ được cập nhật hóa nơi nhiều miền đất đã góp phần cho tình trạng an toàn hơn nữa và mang lại thiện ích thực sự, thế nhưng, mục đích này vẫn chưa đạt được, cần phải tiếp tục theo đuổi.

Ngoài ra, một công việc cam go khác đó là việc tăng bổ vấn đề an ninh của chất liệu nguyên tử cùng với bộ phận nguyên tử, một công việc vẫn còn là một mối quan tâm, cần phải có sự hợp tác hiệu nghiệm và thật nhiều giữa các tổ chức quốc tế và những quốc gia riêng.

Những hoạt động của cơ quan này đang vươn ra nhiều lãnh vực. Tuy nhiên, sự thành đạt của nó không thể khiến chúng ta lấy làm mãn nguyện. Chúng ta không thể cho rằng việc làm của chúng ta đã xong, nhưng chúng ta cần phải liên lỉ nỗ lực tiến đến đích điểm của mình.

Xin cám ơn ông chủ tịch.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 28/9/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)
 


GIÁO HỘI HIỆN THẾ