GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 11/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu ý thức được ơn gọi riêng của mình trong lòng Giáo Hội, để họ hăng say đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa và nên thánh trong bậc sống của mình”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động truyền giáo luôn ý thức được rằng tác hiệu của việc truyền bá phúc âm hóa xuất phát từ cuộc sống thánh thiện cũng như từ việc sâu xa kết hợp với Chúa Kitô”.
__________________
NGÀY 20 THỨ BẢY, NGÀY THÁNH MẪU TRONG NĂM THÁNH THỂ |
Cảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVLHướng về ngày 21/11/2004, Lễ Đức Mẹ Dâng Mình vào Đền Thánh,
Kỷ niệm 40 năm Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Ánh Sáng Muôn Dân
của Công Đồng Vaticanô II
Những chia sẻ trên Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống
hằng tuần trong Năm Thánh Thể
theo tâm tưởng của ĐTC GPII
trong Tông Thư Về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”
Mẹ Maria “đầy ơn phúc” toàn mỹ, rất thánh và chí ái của chúng ta có rất nhiều tước hiệu hay danh hiệu. Điều này được thấy rõ ràng nhất trong Kinh Cầu Đức Bà. Về phần mình, Mẹ Maria cũng đã chính thức tự nhận và tự xưng mình bằng hai tước hiệu, đó là tước hiệu “Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội”, khi Mẹ hiện ra với chị thánh Bernadette ngày 25/3/1858 ở Lộ Đức Pháp quốc, và tước hiệu “Đức Mẹ Mân Côi”, khi hiện ra với 3 thiếu nhi Lucia, Phanxicô và Giaxinta ngày 13/10/1917 tại Fatima nước Bồ Đào Nha. Về phía Giáo Hội, có hai tước hiệu mới nhất được Huấn Quyền Giáo Hội chính thức tuyên nhận và công bố, đó là tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” và tước hiệu “Người Nữ Thánh Thể”. Tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” là tước hiệu được Đức Thánh Cha Phaolô VI long trọng tuyên nhận ngay trong Công Đồng Chung Vaticanô II ngày 21/11/1964, dịp ban hành Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân”, và tước hiệu “Người Nữ Thánh Thể” là danh hiệu mới nhất của Mẹ Maria và về Mẹ Maria, được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II xưng tụng trong bức Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể của ngài, ở khoản số 53, chương 6.
Vẫn biết Huấn Quyền chỉ tuyên nhận và công bố tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” chứ không phải tuyên bố tín điều Mẹ Giáo Hội, như đã tuyên tín các tín điều Thánh Mẫu trước đó, như tín điều Mẹ Thiên Chúa (bởi Công Đồng Chung Êphêsô năm 431), tín điều Mẹ Trinh Nguyên (bởi Công Đồng Latêranô năm 649), tín điều Mẹ Vô Nhiễm (bởi Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX ngày 8/12/1854), và tín điều Mẹ Mông Triệu (bởi Đức Piô XII ngày 1/11/1950). Thế nhưng, nếu tước hiệu là những gì nói lên thực tại của mình, thì Mẹ Maria phải thực sự là Mẹ Giáo Hội mới đáng được gọi là Mẹ Giáo Hội. Bằng không tước hiệu này chỉ là một hư danh, nếu không muốn nói là một sai lầm. Như thế, khi công bố tước hiệu “Mẹ Giáo Hội”, ngay vào dịp ban hành Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, một văn kiện quan trọng nhất của Công Đồng Chung Vatican II (11/10/1962-8/12/1965), Huấn Quyền đã chính thức long trọng công nhận Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội rồi vậy, một thực tại đã được phản ảnh qua những gì Công Đồng nói về Mẹ trong bản văn kiện này, một văn kiện đã giành riêng một chương Thánh Mẫu là chương VIII, trong đó, ở khoản số 53 đã minh định thực tại Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội bằng một ý thức theo Thánh Truyền và lý lẽ thần học như sau:
• “’Mẹ thật là Mẹ các chi thể (của Chúa Kitô)… vì Mẹ đã lấy đức ái để cộng tác vào việc sinh ra các tín hữu trong lòng Giáo Hội là những chi thể của Đầu ấy’ (Thánh Âu Quốc Tinh, De S. Virginitate, 6: PL 40, 399). Bởi thế mà Mẹ cũng được chào kính như là một chi thể siêu việt, một chi thể hết sức đặc biệt của Giáo Hội, và như là một mẫu mực, một mô phạm phi thường của Giáo Hội về lãnh vực đức tin và đức ái, và Giáo Hội Công Giáo, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng dâng lên Mẹ tình con cái hiếu thảo của mình như dâng lên một người mẹ rất dấu yêu vậy”.
Sở dĩ chúng ta cần phải nhắc lại đặc biệt tước hiệu Mẹ Giáo Hội này của Mẹ Maria, là để thấy được tất cả mọi chiều kích và ý nghĩa của tước hiệu “Người Nữ Thánh Thể”, một tước hiệu được Huấn Quyền, qua Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, tuyên nhận trong một văn kiện về tín lý, (chứ không phải là một văn kiện thương, cho dù là Tông Thư có tính cách mục vụ), đó là Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, ban hành Ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003 giữa Năm Mân Côi (16/10/2002-19/10/2003), một thông điệp với nội dung được vị tác giả Giáo Hoàng này cho thấy ở đầu khoản số 10 của Tông Thư về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”: “Vào giữa Năm Mân Côi, Tôi đã ban hành Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể Ecclesia de Eucharistia, với chủ ý làm sáng tỏ mầu nhiệm Thánh Thể nơi mối liên hệ bất khả phân ly và sống còn với Giáo Hội”. Bởi thế mà tước hiệu “Người Nữ Thánh Thể” có liên hệ mật thiết với tước hiệu “Mẹ Giáo Hội”, hay với chính vai trò Mẹ Giáo Hội của Mẹ.Đó là lý do, trong 14 thông điệp của mình, Vị Giáo Hoàng Thánh Mẫu với khẩu hiệu “totus tuus - tất cả của con là của Mẹ” này chẳng những đã giành cho Mẹ một thông điệp, đó là Thông Điệp Mẹ Đấng Cứu Chuộc – Redemptoris Mater, ban hành ngày 25/3/1987, mà còn giành trọn một trong 6 chương, chương VI, chương cuối cùng, cho Mẹ trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể nữa. Có thể nói, nếu viết Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, như trên đã trích dẫn, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II có “chủ ý làm sáng tỏ mầu nhiệm Thánh Thể nơi mối liên hệ bất khả phân ly và sống còn với Giáo Hội”, thì viết Tông Thư về Năm Thánh Thể Xin Chúa Ở Với Chúng Con, Ngài cũng muốn làm sao để giúp cho Giáo Hội, có thể Cảm Nghiệm Thánh Thể hơn, bằng cách, như đã được đề cập đến trong bài “Năm Thánh Thể: Nguyên Do và Mục Đích”, “ý thức hơn về Mầu Nhiệm Thánh Thể và sống Phụng Vụ Thánh Thể”.
(Xin coi tiếp vào các ngày Thứ Bảy trong Năm Thánh Thể)
ĐHY Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin Joseph Ratzinger về tình trạng xã hội tân tiến vô thần, nhất là vấn đề liên quan tới hiện tượng hôn nhân đồng tính
Hôm Thứ Sáu 19/11/2004, tờ nhật báo Ý “La Reppublica” đã phổ biến bài phỏng vấn của họ với ĐHY Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin Joseph Ratzinger, vị đã phát biểu cảm nhận của mình rằng bất cứ một xã hội nào không coi trọng Thiên Chúa đều sẽ dần dần tiến đến chỗ tự diệt.
Theo ngài, “đang có một thứ ý hệ trần tục càng ngày càng gia tăng đến độ lo ngại. Ở Thụy Điển, một vị mục sư Tin Lành đã giảng về vấn đề đồng tính luyến ái, căn cứ vào những trích dẫn Thánh Kinh, đã bị ngồi khám một tháng. Chủ nghĩa trần thế không còn là một yếu tố trung dung nữa, một yếu tố bao gồm những quyền tự do cho tất cả mọi người. Nó đang bị biến thành một ý hệ được áp đặt bởi chính trị và là một ý hệ không chấp nhận quan điểm Công Giáo hay Kitô Giáo là quan điểm đang có nguy cơ trở thành những gì thuần túy tư riêng do đó là quan diểm bị bóp méo. Bởi thế mới xẩy ra một cuộc đối chọi và chúng ta cần phải bênh vực quyền tự do tôn giáo chống lại cái áp đặt của một thứ ý hệ cho mình như là tiếng nói duy nhất của lý lẽ, trong khi nó chỉ là biểu hiện của một thứ duy lý chủ nghĩa ‘nào đó’ mà thôi”.
Sau đây là trích dẫn những đoạn phỏng vấn từ tờ nhật báo này với đức hồng y tổng trưởng:
Vấn: Đối với Đức Hồng Y thì chủ nghĩa trần thế là gì?
Đáp: Một chủ nghĩa trần thế chính đáng là một chủ nghĩa có quyền tự do tôn giáo. Quốc Gia không được áp đặt tôn giáo mà là tỏ ra tôn trọng những tôn giáo có trách nhiệm đối với xã hội dân sự, và vì thế làm cho những tôn giáo này trở thành những yếu tố xây dựng xã hội.
Vấn: Thiên Chúa ở đâu trong xã hội tân tiến này?
Đáp: Ngài đã bị đẩy ra bên lề đường. Trong sinh hoạt chính trị thì hầu như là những gì khiếm nhã khi nói về Thiên Chúa, như thể đó là một cuộc tấn công vào quyền tự do của những ai không tin tưởng gì. Thế giới chính trị đi theo những qui chuẩn và đường lối của nó, loại trừ Thiên Chúa như là một cái gì đó không thuộc về thế giới này. Cũng thế, nơi thế giới thương mại, kinh tế và đời sống riêng tư. Thiên Chúa vẫn bị hất ra ngoài chơi. Đối với tôi… cho dù lãnh vực chính trị và kinh tế đi nữa cũng cần phải có trách nhiệm về luân lý, một trách nhiệm phát xuất từ tâm can con người là trách nhiệm tựu kỳ trung có liên hệ tới việc hiện diện hay không hiện diện của Thiên Chúa. Một xã hội hoàn toàn vắng bóng Thiên Chúa sẽ đi đến chỗ tự diệt. Chúng ta thấy điều này nơi những đại chế độ chuyên chế ở thế kỷ vừa qua.
Vấn: Một vấn đề quan trọng là vấn đề về luân thường đạo lý về tình dục. Thông điệp ‘Sự Sống Con Người – Humanae Vitae’ đã gây ra một khoảng cách giữa Huấn Quyền của Giáo Hội và việc thực hành cụ thể của tín hữu. Phải chăng đã tới lúc để sửa chữa lại cái khoảng cách này?
Đáp: Đối với tôi, chúng ta cần phải tiếp tục phản tỉnh. Trong những năm đầu làm giáo hoàng của mình, Đức Gioan Phaolô II đã cống hiến một đường lối mới về khoa nhân loại học lấy con người làm chính cho vấn đề này, bằng cách khai triển một nhãn quan rất khác biệt nơi mối liên hệ giữa ‘cái tôi’ và ‘cái anh/em‘ của nam nhân và nữ giới. Đó thật sự là một liều thuốc làm bừng lên một cuộc cách mạng về khoa nhân loại học có những chiều kích cao cả. Nó vẫn không phải là, như được chủ trương ngay từ đầu, giải pháp duy nhất cho những trường hợp khó khăn, song nó đã làm thay đổi nhãn quan về tính dục, về con người cũng như về chính thân thể con người. Tính dục đã từng bị tách biệt khỏi vấn đề sinh sản, và bởi thế quan niệm về sự sống con người đã bị thay đổi tận gốc rễ. Tác động tính dục đã mất đi mục đích và cứu cánh của mình là những gì trước đó hiển nhiên và chuyên biệt, làm cho tất cả mọi hình thức về tính dục hóa ra tương đương như nhau. Từ cuộc cách mạng này, trước hết, đã xuất phát ra một thứ bình đẳng hóa giữa tình dục đồng tính và tình dục dị tính. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng Đức Phaolô VI đã nói lên tới một vấn đề thật là quan trọng vậy.
Vấn: Tình dục đồng tính là một đề tài liên quan tới yêu đương giữa hai con người chứ không chỉ tới tình dục. Giáo Hội làm sao để có thể hiểu được hiện tượng này?
Đáp: Xin cho tôi nói hai điều. Trước hết, chúng ta cần phải hết sức tôn trọng những con người đang chịu đựng và đang tìm cách để sửa đổi lối sống của họ. Ngoài ra, việc kiến tạo nên một hình thức về pháp lý cho một thứ hôn nhân đồng phái tính là những gì thực sự không giúp gì cho những con người này hết.
Vấn: Thế là ngài đã có ý nghĩ tiêu cực về việc chọn lựa ở Tây Ban Nha phải không?
Đáp: Đúng thế, ví cái chọn lựa này là những gì hủy hoại đời sống gia đình và xã hội. Luật pháp tạo nên luân lý hay một hình thức luân lý nào đó, vì dân chúng thường nghĩ rằng những gì luật pháp xác nhận đều là những gì được phép làm theo luân lý. Và nếu chúng ta cho rằng việc hiệp nhất này không nhiều thì ít tương đương với đời sống hôn nhân là chúng ta có một thứ xã hội không còn nhìn nhận bản chất chuyên biệt của gia đình hay nhìn nhận tính chất nồng cốt của nó nữa, tức là không nhìn nhận bản chất của người nam và người nữ là những gì cần thiết, không phải chỉ theo ý nghĩa sinh lý mà thôi, cho tình trạng liên tục cho nhân loại,. Bởi thế mà điều quyết định của người Tây Ban Nha không mang lại ích lợi thực sự cho những con người ấy, vì như vậy chúng ta đang hủy hoại đi những yếu tố nền tảng thuộc lãnh vực luật pháp.
Vấn: Đôi khi Giáo Hội, khi lên tiếng bất đồng ý với mọi thứ đã bị thất bại. Không nên hay sao, ít là, luật pháp có thể công nhận và bảo vệ một hiệp ước liên kết giữa hai người đồng phái tính?
Đáp: Thế nhưng, để cơ cấu hóa một thứ hiệp ước loại này, cho dù thành phần lập pháp có tỏ ý muốn hay không muốn, cũng vẫn hiện lên trước công luận là một thứ loại hôn nhân khác là thứ hôn nhân không thể nào tránh được mang tính cách có giá trị tương đối. Chúng ta đừng quên rằng, với những chọn lựa này, những chọn lựa mà ngày nay Âu Châu đang hướng chiều, chúng ta có thể nói, về tình trạng suy đồi, là chúng ta đang tách mình khỏi tất cả mọi thứ văn hóa cao cả của nhân loại là những văn hóa bao giờ cũng nhìn nhận chính ý nghĩa của tính dục, ở chỗ, nhìn nhận rằng con người nam nữ được dựng nên để cùng nhau bảo đảm tương lai của nhân loại. Không phải chỉ là một thứ bảo đảm về thể lý mà còn là một thứ bảo đảm về luân lý nữa.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu được VIS của Tòa Thánh phổ biến ngày 19/11/2004)