GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 11/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu ý thức được ơn gọi riêng của mình trong lòng Giáo Hội, để họ hăng say đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa và nên thánh trong bậc sống của mình”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động truyền giáo luôn ý thức được rằng tác hiệu của việc truyền bá phúc âm hóa xuất phát từ cuộc sống    thánh thiện cũng như từ việc sâu xa kết hợp với Chúa Kitô”.  

 

__________________

 NGÀY 21 CHÚA NHẬT, LỄ CHÚA KITÔ VUA

KỶ NIỆM ĐÚNG 40 NĂM

CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II CÔNG BỐ

HIẾN CHẾ ÁNH SÁNG MUÔN DÂN VÀ

SẮC LỆNH HIỆP NHẤT KITÔ GIÁO

  

Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo: Hội Nghị kỷ niệm 40 Năm Sắc Lệnh Đại Kết Kitô Giáo

Để kỷ niệm 40 năm Công Đồng Chung Vaticanô II ban hành sắc lệnh về vấn đề đại kết Kitô Giáo "Unitatis Redintegratio" ngày Lễ Đức Mẹ Dâng Mình Vào Đền Thánh 21/11/1964, cũng là dịp Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân” được Công Đồng ban bố, Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo đã tổ chức một hội nghị quốc tế 3 ngày, từ Thứ Năm 11 đến Thứ Bảy 13/11/2004, ở Rocca di Papa, gần Rôma, với chủ đề: “Sắc Lệnh Về Đại Kết Của Công Đồng Chung Vaticanô II: 40 Năm Sau”.

Tại văn phòng báo chí của Tòa Thánh trong cuộc họp báo hôm Thứ Tư ngay trước ngày khai mạc hội nghị này, ĐHY chủ tịch Walter Kasper đã bày tỏ nhận định của mình là việc đại kết Kitô giáo đích thực không hề tác hại tới căn tính Công Giáo.

Hội nghị này sẽ cố gắng để bàn giải những vấn đề được ngài nêu lên như: “Nội dung và mục tiêu của bản văn kiện này là gì? Nó đã gây được ảnh hưởng ra sao trong những năm này? Chúng ta đã tiến đến đâu về vấn đề đại kết? Những gì vẫn còn phải thực hiện?”

Theo ngài, “việc ý thức về vấn đề đại kết của Giáo Hội đã tiến triển”, thế nhưng, ngài cũng nhìn nhận rằng “các trục trặc và các thất bại vẫn còn đó”, nên “chúng ta hiển nhiên là chưa đạt tới mục tiêu hiệp thông trọn vẹn và hữu hình”.

Ngài cho biết “chúng ta đang ở trong một tình trạng long chừng. Đôi khi vẫn còn những thành kiến cũ. Những dấu hiệu trì trệ và khuynh hướng vị kỷ vẫn đáng tiếc xẩy ra”. Ngài còn than rằng “vấn đề đại kết gặp nguy hiểm bới khuynh hướng hào hứng nông nổi”.

Về vấn đề “Việc Đại Kết đi về đâu?”, đức hồng ý cho biết có hai vấn đề cần phải được giải quyết, đó là “căn tính Công Giáo và việc đại kết thiêng liêng”: “Việc ngờ vực rằng vấn đề đối thoại đại kết tác hại tới căn tính Công Giáo riêng của chúng ta là một việc ngờ vực trầm trọng. Sự thật lại xẩy ra trái ngược: Vấn đề đối thoại chủ trương thành phần đối thoại cần phải có căn tính riêng của họ”; về vấn đề đại kết thiêng liêng, ngài nói: “Vấn đề đại kết không phải là một hình thức ngoại giáo của giáo hội”, mà là “một tiến trình thiêng liêng”. Đó là lý do, đức hồng y chủ tích đã tiết lộ cho biết phân bộ của ngài đang soạn thảo một cuốn “Cẩm Nang Đại Kết Thiêng Liêng” là tập sách bao gồm những “đề nghị gợi ý cho các giáo phận, những điều hướng dẫn”.

ĐGM Brian Farrell, bí thư của hội đồng này cho biết có 260 tham dự viên, thành phần đại diện 28 hội đồng giám mục ở Phi Châu, 21 ở Mỹ Châu, 28 ở Á Châu, 25 ở Âu Châu và 2 ở Đại Dương Châu, chưa kể thành phần đại diện các tòa Thượng Phụ Công Giáo Đông Phương, các Giáo Hội Chính Thống, cà các giáo hội và cộng đồng Kitô hữu.

Vào lúc 5 giờ 30 chiều Thứ Bảy 13/11/2004, ĐTC GPII chủ tọa việc cử hành phụng vụ giờ kinh chiều ở Đền Thờ Thánh Phêrô, với sự tham dự của cả các giáo xứ thuộc giáo phận Rôma, các phong trào và hiệp hội hoạt động cùng nguyện cầu cho việc hiệp nhất Kitô Giáo.


Tòa Thánh Rôma Thẩm Định về Những Mối Liên Hệ Giữa Giáo Hội Công Giáo với Các Giáo Hội Chính Thống Giáo

Hôm Thứ Tư 10/11/2004, tại cuộc họp báo được thực hiện bởi Đức ông Eleuterio Fortino, phó thư ký Hội Đồng Tòa Thánh Về Việc Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo, đã tường trình về diễn tiến cùng với những nỗ lực đại kết liên quan đến vấn đề hiệp nhất giữa Giáo Hội Công Giáo với các Giáo Hội Chính Thống Giáo. Theo ngài thì “phong trào đại kết Kitô Giáo giữa Giáo Hội Công Giáo và Các Giáo Hội Chính Thống Giáo đã đạt được “tiến bộ quan trọng” vì “tinh thần cởi mở”. Sau đây là nguyên văn bài trình bày của đức ông phó thư ký:

Một trong những yếu tố quan trọng nhất của sắc lệnh "Unitatis Redintegratio" (UR) vẫn còn hiệu lực sau 40 năm ban hành, đó là yếu tố về những mối liên hệ với Các Giáo Hội Chính Thống. Công Đồng Chung Vaticanô II đã khuyên dụ hết mọi người rằng: ‘đặc biệt những ai muốn hoạt động để tái thiết lập mối hiệp thông trọn vẹn hằng mong ước giữa Các Giáo Hội Đông Phương và Giáo Hội Công Giáo” hãy “chú ý một cách thích đáng đến điều kiện đặc biệt của việc phát xuất và phát triển của Các Giáo Hội Đông Phương, cũng như đến bản chất của những mối liên hệ hiện hữu giữa Các Giáo Hội Đông Phương với Tòa Thánh Rôma trước khi xẩy ra tình trạng phân rẽ” (UR, 14). Với ý thức ấy, các mối liên hệ đã được thiết lập, vào những lúc khác nhau và với những cách thức khác nhau, cùng với cuộc đối thoại giống nhau về thần học với tất cả các Giáo Hội Đông Phương, với các Giáo Hội Chính Thống và với các Giáo Hội Cổ Đông Phương, hay với những Giáo Hội trước Công Đồng Chalcedon. Đức Thánh Cha đã thực hiện một cuộc thẩm định tổng quát trong thông điệp “Xin Cho Họ Được Hiệp Nhất Nên Một – Ut Unum Sint (UUS)’. Về việc đối thoại với các Giáo Hội Chính Thống, Ngài viết: ‘Với một tinh thần cởi mở, căn cứ vào những gì chúng ta cùng nhau có, Ủy Ban Hỗn Hợp (đối thoại thần học) đã thực hiện được sự tiến bộ quan trọng’ (UUS, 59). Đối với việc đối thoại với các Giáo Hội Cổ Đông Phương, Ngài xác nhận là ‘về vấn đề liên quan tới những tranh luận Kitô học truyền thống, những giao tiếp về đại kết đã thực sự làm sáng tỏ vấn đề để chúng ta có thể cùng nhau tuyên xưng đức tin chúng của chúng ta” (UUS, 63).

Những mối liên hệ này vẫn còn phấn khởi và tiến triển sau 40 năm sắc lệnh UR, kể cả trong những trường hợp xẩy ra những cơ hội mới cũng như diễn ra những khó khăn không ngờ.

1.     Cuộc đối thoại về thần học với Các Giáo Hội Chính Thống, sau khi được bắt đầu tốt đẹp kèm theo những thành quả được nói đến trong thông điệp UUS, hơn 15 năm qua, đã gặp những khó khăn nghiêm trọng, vì từ khóa họp chung cuối cùng (ở Baltimore, tiểu bang Maryland, năm 2000) đã không thể thực hiện những khóa họp khác nữa. Khóa họp lần cuối cùng ấy đã bàn đến đề tài ‘Những Ý Nghĩa Theo Giáo Hội Học Và Giáo Luật về Vấn Đề Uniatism (biệt chú của người dịch: Hiệp Nhất Về Tín Điều Song Vẫn Theo Lễ Nghi Riêng của một số Giáo Hội Chính Thống Đông Phương đã tái hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo)’. Vấn đề viết một văn kiện chung về cuộc bàn luận này đã không được đồng ý. Tuy nhiên, khóc họp này đã nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải tiếp tục trao đổi cũng như đề cao sự kiện quan trọng đối với việc đối thoại về thần học này. Cả đôi bên đều tỏ cho thấy rằng việc ra đời của Các Giáo Hội Đông Phương Công Giáo có liên hệ sâu xa với vấn đề thượng quyền của Vị Giám Mục Rôma trong Giáo Hội. Bởi thế, vấn đề này cần phải được giải quyết như là một vấn đề chính trong mối liên hệ giữa những người Công Giáo và Chính Thống Giáo.

2.     Về vấn đề “Thượng Quyền Phêrô”, Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo đã tổ chức một cuộc hội luận hàn lâm vào Tháng 5/2003, với những bản tường trình của những Người Công Giáo và Chính Thống về 4 đề tài: a) Nền tảng về thánh kinh của thượng quyền này, b) Thượng quyền này theo chủ trương của Các Vị Giáo Phụ của Hội Thánh, c) Vai trò của Vị Giám Mục Rôma ở những Công Đồng Chung, d) Những bàn luận mới đây về thượng quyền này với Công Đồng Chung Vaticanô I và về thượng quyền này nơi các thần học gia Chính Thống Giáo. Đây không phải là một cuộc chính thức đối thoại, mà là một cuộc hội luận về hàn lâm với những tính cách riêng biệt của nó. Tuy nhiên, việc tìm cách tiến đến mối hiệp thông trọn vẹn đã được tất cả mọi người đóng góp một cách dồi dào (như những liên hệ về tình huynh đệ, việc nghiên cứu nơi các học viện thần học, cấu trúc đối thoại qua các ủy ban hỗn hợp, việc cầu nguyện v.v.). Biên bản của cuộc hội lận này đã được phổ biến.

3.     Trong những năm qua, những mối liên hệ đã được gia tăng nơi một số Giáo Hội mà, trong quá khứ, tỏ ra ít hào hứng nơi việc giao tiếp với Giáo Hội Công Giáo. Sau khi Đức Thánh Cha viếng thăm Nhã Điển (năm 2001), Giáo Hội Hy Lạp, lần đầu tiên, đã gửi đến Rôma một phái đoàn đại biểu của mình (8-13/3/2002). Để đáp lễ, Giáo Hội Công Giáo đã gửi đến Nhã Điển (10-14/2/2003) một phái đoàn đại biểu, dưới sự hướng dẫn của ĐHY Kasper, để rồi việc chủ động hợp tác giữa đôi bên đã được thiết lập ở một số lãnh vực. Những mối liên hệ với Giáo Hội Hy Lạp cũng đang theo những thể thức khác nữa. Tôi nhớ một thể thức đó là vào năm 2003, cuộc hội luận thứ 8 về ‘Linh Đạo ở Đông và Tây cùng Những Ảnh Hưởng Hỗ Tương’ đã diễn ra ở Joannina (Hy Lạp), do Phân Khoa Thần Học Đại Học Thessalonica và ‘Antonianum’ Athenaeum ở Rôma tổ chức.

4.     Đức Thánh Cha đã viếng thăm Bulgaria vào năm 2002 (23-26/5). Đức Hồng Y Chủ Tịch Hội Đồng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo đã đến xứ sở này vào Tháng 10 cùng năm (7-9). Sau cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha một năm, một phái đoàn của Hội Thánh Sofia đã đến viếng thăm Rôma (22-27/5/2003). Vào dịp ấy, về phía Cộng Đồng Chính Thống ở Rôma, việc sử dụng phụng vụ đã được phép thi hành ở Nhà Thờ Thánh Vinhsơn và Athanasia gần Trevi Fountain. Việc tìm kiếm hiệp nhất bao gồm tình đoàn kết và việc trao đổi các tặng ân.

5.     Vị Chủ Tịch Hội Đồng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo đã đến viếng thăm Giáo Hội Serbia (10-15/5/2002). Một phái đoàn đại biểu của Hội Thánh này và Hội Đồng Giám Mục Công Giáo của xứ sở ấy hiện nay gặp gỡ nhau theo thường lệ.

6.     Sau khi Đức Thánh Cha viếng thăm Rumania (7-8/5/1999) cũng như sau cuộc viếng thăm Rôma của Thượng Phụ Theoctist (7-13/10/2002), những biến cố quan trọng cho những mối liên hệ về tình huynh đệ, bất chấp những trục trặc đang diễn tiến ở nước này giữa những người Công Giáo Hy Lạp và Chính Thống Giáo liên quan đến vấn đề các nơi chốn thờ phượng, Vị Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng này đồng thời lại được trao tặng bằng tiến sĩ “danh dự” bởi 4 phần khoa thần học ở Cluj: Chính Thống, Công Giáo Hy lạp, Công Giáo La Tinh và Tin lành.

7.     Trong những năm gần đây đã xẩy ra tình trạng căng thẳng giữa Tòa Thượng Phụ Moscow và Giáo Hội Công Giáo. Giáo Hội Nga phiền trách Giáo Hội Công Giáo về những gì được Giáo Hội Nga cho là dụ giáo và động lực mới để thực hiện việc ‘trở về hiệp nhất’ ở Ukraine. Đã có một số nỗ lực để làm sáng tỏ vấn đề này. Việc ĐHY Kasper viếng thăm Moscow vào năm 2004 là điều quan trọng (17-23/2). Kết cục là một nhóm hoạt động chung đã được thiết lập giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống ở Liên Bang Nga để giải quyết những vấn đề cụ thể hiện hữu giữa hai Giáo Hội nơi xứ sở này. Từ đó, nhóm này đã tổ chức được hai cuộc họp, một vào Tháng Năm và một vào Tháng Chín năm 2004.

8.     ĐHY Kasper đã viếng thăm Giáo Hội Chính Thống ở Byelorussia (15-18/12/2002) và đã bắt đầu một mối liên hệ tích cực với Giáo Hội này.

9.     Với những Giáo Hội Cổ Kính Đông Phương (Coptic, Ethiopia, Syria, và Armenia), với tư cách là một nhóm, xuất phát từ những thỏa thuận về Kitô học cũng như từ những thành quả của các cuộc đối thoại song phương, một cuộc đối thoại chính thức về thần học đã được bắt đầu vào năm 2002. Cuộc họp đầu tiên của Ủy Ban Hỗn Hợp này đã xẩy ra ở Cairo vào Tháng Giêng năm 2004. Cuộc họp thứ hai sẽ được tổ chức ở Rôma vào Tháng Giêng năm 2005.

10.     Một Uỷ Ban Đối Thoại Hỗn Hợp cũng đã được thiết lập với Giáo Hội Đông Phương Assyria. Cuộc họp sắp tới đây sẽ diễn tiến ở Luân Đôn từ ngày 18-24/11/2004. Hai đề tài chính sẽ được tìm hiểu là truyền thống về thần học của Giáo Hội Cổ Kính Mesopotamia và khoa giáo hội học của mối hiệp thông theo các truyền thống Assyria và Công Giáo.

11.     Những mối liên hệ thường lệ và thường năng vẫn đang được bảo trì với Tòa Thượng Phụ Constantinople. Khi nào xẩy ra những gì khó khăn hay hiểu lầm, chúng liền được giải quyết ngay. Việc trao đổi thường xuyên các phái đoàn đại biểu đến dự lễ Thánh Anrê ở Finar và Lễ Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô ở Rôma đã cống hiến phương tiện hữu ích cho những cuộc trực tiếp đàm thoại với nhau. Đức Thượng Phụ Toàn Cầu Bartholomeos I đã đến Rôma tham dự Lễ Thánh Phêrô Phaolô năm nay. Vào dịp ấy, ngài đã xin Đức Thánh Cha những hài tích của Thánh Gioan Chrysostom và Thánh Gregory Nazianzus, hai Thượng Phụ Constantinople đang được giữ ở Đền Thờ Thánh Phêrô. Vào cuối tháng này, Đức Thượng Phụ Bartholomeos I sẽ đến Rôma để nhận từ Đức Thánh Cha tặng vật di hài thánh này. Nó sẽ là cơ hội cho một cuộc gặp gỡ mới.

Việc gia tăng những thứ giao tiếp này sẽ góp phần cho một khởi đầu mới trong vấn đề đối thoại về thần học. Sắc lệnh RU tiếp tục cống hiến cho thấy niềm phấn khởi và bước tiến hiệu nghiệm.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 11/11/2004

 

ĐTC GPII với tham dự viên hội nghị kỷ niệm 40 năm sắc lệnh Hiệp Nhất Kitô Giáo của Công Đồng Chung Vaticanô II


Chiều Thứ Bảy 13/11/2004, trong buổi phụng vụ giờ kinh chiều, ĐTC GPII đã huấn dụ thành phần Kitô hữu tham dự hội nghị kỷ niệm 40 năm sắc lệnh Phục Hồi Mối Hiệp Nhất Unitatis Redintegratio của Công Đồng Chung Vaticanô II. Ngài nhấn mạnh với họ về việc hết sức tránh “lui bước” trước những khó khăn trên con đường tiến tới mối hoàn toàn hiệp thông.


Ngài thú nhận việc hiệp nhất Kitô giáo là một trong những ưu tiên của giáo triều Ngài: “Việc áp dụng sắc lệnh công đồng này, một sắc lệnh được vị tiền nhiệm của Tôi là Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII ước mong và được công bố bởi Đức Phaolô VI, ngay từ ban đầu đã là một trong những ưu tiên của giáo triều Tôi”.


ĐTGM Á Căn Đình Leonardo Sandri, thay cho Văn Phòng Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh, đã giúp ĐTC đọc một số đoạn của bài huấn từ viết bằng tiếng Ý của Ngài.


Theo ĐTC, “mối hiệp nhất đại kết không phải là một tính chất thứ yếu của cộng đồng môn đệ Chúa Kitô, và hoạt động đại kết không phải chỉ là phụ bản được thêm thắt vào sinh hoạt truyền thống của Giáo Hội”.


Việc cổ võ mối hiệp nhất Kitô Giáo là những gì “đáp lại ý muốn của Chúa Giêsu Kitô, Đấng mong muốn chỉ có một Giáo Hội duy nhất và nguyện cầu cùng Chúa Cha áp cuộc tử nạn của mình để tất cả được nên một. Tạ ơn Chúa, nhiều điều khác biệt và hiểu lầm đã được thắng vượt nhưng vẫn còn nhiều cái ngăn trở trên con đường dài”.


“Đôi khi vẫn còn đó chẳng những các thứ hiểu lầm và thành kiến, mà cả những triệu chứng trì trệ đáng tiếc cùng với thái độ thiếu sự cởi mở cõi lòng, nhất là những cái khác biệt về đức tin, những vấn đề đặc biệt liên quan tới Giáo Hội, bản chất của Giáo Hội, các thừa tác vụ của Giáo Hội.


“Tiếc thay, chúng ta còn phải đối đầu với những vấn đề mới, nhất là về lãnh vực luân thường đạo lý là lãnh vực xuất hiện thêm những chia rẽ làm ngăn trở việc thực hiện một chứng từ chung.


“Tất cả những điều ấy không được dẫn đến chỗ lui bước; trái lại, nó phải là lý do thúc đẩy việc tiếp tục và kiên trì nguyện cầu và dấn thân cho việc hiệp nhất. Thay vì than khóc những gì bất khả đạt, chúng ta cần phải tạ ơn và hoan hỉ về những gì đã nắm được trong tay và khả đạt”.


 

Hậu Trường Soạn Thảo Hiến Chế Tín Lý Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân – Lumen Gentium” của Công Đồng Chung Vaticanô II

Ngày 21/11/2004 là ngày đánh dấu đúng 40 năm văn kiện quan trọng nhất của Công Đồng Chung Vaticanô II, đó là Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân”. Để hiễu rõ hơn về việ chình thành văn kiện quan trọng này, linh mục dòng Tên Peter Gumpel hằng ngày đã hợp tác để soạn dọn văn kiện này đã trả lời cuộc phỏng vấn của Zenit như sau.

Vấn:     Làm sao cha lại tham gia vào việc viết bản văn kiện này?

Đáp:     Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã muốn tôi tham gia ủy ban quan trọng nhất của công đồng này, thế nhưng làm việc sát cánh với cha Paolo Molinari là vị đã được bổ nhiệm.

Tôi đã từ chối, lấy lý là tôi mắc bận làm những công việc khác ở hội đồng tổng quản Dòng Tên, không thể nào cả hai chúng tôi đi tham dự các khóa họp diễn ra hằng ngày, kể cả thứ bảy lẫn Chúa Nhật.

Ngoài ra, cha Molinari thực sự cần được giúp đỡ, bởi thế chúng tôi chia nhau làm việc. Ngài tham dự công đồng, trong khi đó tôi nghiên cứu sâu xa bản văn kiện được Đức Giáo Hoàng cho phép tôi đây.

Tôi đã mất nhiều ngày nghiên cứu trong các thư viện để khảo sát nhiều vấn đề được mang ra tranh luận phức tạp hơn nữa hầu cung cấp văn liệu cho cha Molinari.

Vấn:     Tầm quan trọng của hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân” ở Công Đồng Chung Vaticanô II như thế nào và hiến chế này đã đưa ra những vấn đề nào?

Đáp:     “Lumen Gentium” là một hiến chế về tín lý, một văn kiện giá trị nhất của huấn quyền bình thường cũng như của công đồng, cho dù hiến chế này không hề thêm thắt một tín điều mới nào.

Có nhiều điều được bàn luận ở mỗi chương của hiến chế tín lý này. Hai chương đầu là những chương rất sâu xa, trình bày về bản tính của Giáo Hội theo quan điểm cánh chung đồng thời cũng là thành phần Dân Chúa lữ hành. Vấn đề là ở chỗ Đức Giáo Hoàng Piô XII, vị đã sửa soạn để có thể triệu tập công đồng, đã có dự định nhấn mạnh đến khía cạnh Giáo Hội là Nhiệm Thể của Chúa Kitô.

Trong cuộc bàn luận, theo lời dẫn giải chính thức của hai chương đầu tiên này thì cần phải nói rằng khi cứu xét đến bản tính nội tại của Giáo Hội thì không có một xác quyết nào có giá trị hơn là xác quyết Giáo Hội theo chiều kích lữ hành cánh chung về trời.

Sau đó có một số vị nghị phụ nói rằng định nghĩa này không ăn khớp với tín lý của Đức Giáo Hoàng Piô XII về Nhiệm Thể Chúa Kitô. Thế nhưng đây vẫn không phải là một vấn đề cần quan tâm, vì theo cấu trúc nội tại của Giáo Hội thì cũng chẳng có quan niệm nào có giá trị hơn quan niệm Giáo Hội là Nhiệm Thể.

Vấn:     Theo một số người thì những bàn luận gay go nhất là những gì liên quan tới đoàn tính của các vị giám mục với vai trò của Đức Thánh Cha.

Đáp:     Thật vậy, đó là chương thứ ba của hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân” liên quan tới đoàn tính của các vị giám mục và vai trò của Đức Giáo Hoàng trong việc cai trị Hội Thánh.

Vấn:     Các vị giám mục chắc chắn có trách nhiệm chẳng những đối với giáo phận riêng của mình mà còn với toàn thể giáo hội nữa. Thế nhưng trách nhiệm này được thi hành như thế nào đây?

Đáp: Công thức đã rõ ràng là “với vị thừa kế Thánh Phêrô và phụ vị thừa kế Thánh Phêrô” – “cum et sub Petro”. Thế nhưng, những công thức ấy đầu tiên được trình bày không đủ rõ ràng, cho đến độ có 18 vị hồng y và bề trên tổng quyền một số hội dòng viết cho Đức Giáo Hoàng để yêu cầu tránh khỏi những mập mờ ấy.

Các vị đã phàn nàn với Đức Giáo Hoàng, nói rằng vần đề cần phải được làm sáng tỏ, vì bản văn mập mờ và có thể hiểu theo hai ý nghĩa khác nhau.

Thoạt tiên Đức Phaolô VI không lấy làm quan trọng lắm đối với những lời nhận định ấy. Thế nhưng, sau đó, ngay trước khi bỏ phiếu cho việc viết chương thứ ba này, Ngài đã nhận ra một số mập mờ đưa đến hiểu lầm về vai trò của Đức Giáo Hoàng, nên mới có “Nota Previa”.

Vấn:     Đó là vấn đề gì vậy?

Đáp:     Đức Giáo Hoàng nhận thấy rằng thật là nguy hiểm khi công bố một văn kiện có tầm vóc quan trọng như thế mà lại không rõ ràng về vai trò của giáo hoàng liên quan tới các vị giám mục. Từ mối quan tâm này mới xuất phát ý nghĩ “Nota Previa” là vấn đề, cho dù có chú trọng tới việc bàn luận của công đồng, vẫn xác nhận các giáo huấn của huấn quyền về vấn đề này.

Vấn: Cũng có những bàn cãi về các chương liên quan đến việc nên thánh và đời sống tu trì.

Đáp: Thật vậy, đã xẩy ra một cuộc tranh luận lớn.

Chương 5 nói đến ơn gọi nên thánh. Thánh thiện là gì? Phải chăng thánh thiện đồng đều với hết mọi người hay có những khác biệt, ngay cả những khác biệt chính yếu, nơi ơn gọi nên thánh? Chắc chắc là có một tiếng gọi nên thánh chung, nhưng vẫn có nguy cơ trong việc làm tầm thường hóa đời sống linh mục và tu sĩ.

Hiển nhiên là tất cả mọi người đều được kêu gọi nên thánh, tức được kêu gọi nên một với Chúa Kitô, thế nhưng vẫn có những khác biệt theo ơn gọi của bậc sống.

Một vấn đề khác nữa gây nhiều tranh luận là vấn đề “miễn trừ” của tu sĩ, nghĩa là tu sĩ phải nghe lời vị bề trên tổng quyền của mình hay nghe lời vị giám mục của họ.

Vấn đề này đã được bàn luận ở Công Đồng Triđentinô. Một vị giám mục Canada có viết một ghi nhận là thừa tác vụ quan trọng nhất trong Giáo Hội là thừa tác vụ ở giáo xứ. Theo quan điểm của vị giám mục này thì tu sĩ cần phải được hình thành trong một gia đình tu trì, và ở vào lúc được thụ phong linh mục, họ cần phải được chuyển từ vị bề trên của mình sang hẳn pháp quyền của vị giám mục. Tuy nhiên, khi họ bị bệnh hay già yếu họ có thể trở về hội dòng của họ.

Dĩ nhiên là tu sĩ chống lại điều này khi tán thành việc “miễn trừ” của họ. Thật sự là có vấn đề ở những nơi truyền giáo, khi các vị bề trên có thể chỉ định mục tiêu cho các phần tử thuộc hội dòng của mình mà không cần phải tham vấn vị giám mục. Dù sao thì vấn đề giải quyết cũng không thể nào hủy bỏ “việc miễn trừ” này, mà phải là vấn đề giải quyết làm sao để duy trì mối hiệp nhất hơn nữa giữa hai thẩm quyền ấy.

Vấn:     Làm thế nào lại xuất hiện chương giành riêng cho Đức Maria?

Đáp:     Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII muốn có một hiến chế tín lý về Trinh Nữ Maria và một hiến chế tín lý về các thánh, trong khi đó có những vị trong công đồng lại nghĩ rằng như thế là quá chú trọng tới vấn đề thánh mẫu học.

Vấn đề được bàn cãi rất gay go. Cuộc bỏ phiếu đã được thực hiện và phần thắng về bên những vị muốn cho một chương về Đức Maria vào hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân”. Chỉ có 50 phiếu cách biệt trong 2 ngàn phiếu.

Đối với vấn đề các thánh cũng thế. Đức Gioan XXIII đã yêu cầu soạn thảo một hiến chế đặc biệt về việc tôn sùng các thánh, vì ngài hết sức quan tâm tới cách thức tôn sùng này đang bị suy giảm.

Đó là lý do ngài đã xin cha Molinari viết một cuốn sách để phổ biến vào ngày áp công đồng. Cuốn sách mang tựa đề “Các Thánh Nhân và Việc Tôn Sùng Các Ngài”, được xuất bản năm 1965 và đã được chuyển dịch sang một số ngôn ngữ.

Khi xẩy ra quyết định giành cho Đức Maria một chương trong hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân” thì cũng quyết định các vị thánh cũng được bao gồm trong hiến chế này (nhận định của người dịch: phải chăng đó là lý do có chương V là chương nói về Ơn Gọi Nên Thánh của Mọi Người Trong Giáo Hội?)

Vấn:     Ngày nay, nhiều người thấy Công Đồng Chung Vaticanô II như là một tình trạng đụng độ giữa những vị bảo thủ và những vị cấp tiến. Theo ý cha thì sao?

Đáp:     Báo chí đã gây áp lực mạnh mẽ đối với công đồng. Thực sự là có một số vị thiên về truyền thống và váv vị khác lại có những chủ trương rất tiến bộ, thế nhưng mỗi trường hợp cần phải được thẩm định riêng rẽ.

Một số chuyên viên công đồng và một số vị giám mục đã cống hiến cho báo chí những điuều tường trình có tính cách đơn diện. Truyền thông trích dẫn những lời của các vị ấy mà không để ý gì đến hay biết rằng còn có những ý kiến khác nữa, và việc này đã gây nhiều ảnh hưởng trên quần chúng.

Công Đồng Chung Vaticanô II là công đồng đầu tiên có truyền thông được phép tham dự, và đây là một điều thiếu thẩm định.

Văn phòng báo chí đã không thẩm định đủ ảnh hưởng của báo chí trong việc điều khiển ý kiến quần chúng theo chiều hướng không tương hợp với sự thật của việc bàn luận.

Tiêu chuẩn để chọn truyền thông có khuynh hướng chiều theo chủ nghĩa duy cảm; họ không hiểu cách thức công đồng diễn tiến hay cách thức giáo hội bàn luận.

Báo chí không chú trọng nhiều lắm đến việc hiểu biết tín lý của Công Đồng Chung Triđentinô, của Công Đồng Chung Vaticanô I, của huấn quyền Đức Piô XII. Họ chỉ chú trọng đến những điều có thể phổ biến gương mù và khuynh hướng duy cảm, bởi đó họ đã tạo nên một tình trạng hoàn toàn vô thực.

Ngoài ra, chúng tôi bấy giờ ở vào giữa thập niên 1960. Bấy giờ là thời điểm bão tố và truyền thông muốn đưa ra một ý nghĩ là Giáo Hội đang càng ngày càng thích ứng mình với những gì đang xẩy ra trong xã hội. Bởi thế những ai bênh vực những lập trường không truyền thống lắm thì được báo chí ủng hộ.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 3/11/2004
 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ