GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 11/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu ý thức được ơn gọi riêng của mình trong lòng Giáo Hội, để họ hăng say đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa và nên thánh trong bậc sống của mình”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động truyền giáo luôn ý thức được rằng tác hiệu của việc truyền bá phúc âm hóa xuất phát từ cuộc sống thánh thiện cũng như từ việc sâu xa kết hợp với Chúa Kitô”.
__________________
NGÀY 2 THỨ BA |
Huấn Từ Truyền Tin của ĐTC GPII về Lễ Chư Thánh 2004
“Tất cả chúng ta hãy hân hoan trong Chúa và hãy mừng lễ tôn kính tất cả các thánh nhân”. Việc cử hành Thánh Thể để tôn kính tất cả các vị thánh nhân hôm nay đây được mở đầu bằng lời mời gọi hãy hân hoan này. Giáo Hội lữ hành trên thế gian hướng mắt về trời và liên kết một cách vinh thắng với các ca đoàn bao gồm những vị được Thiên Chúa qui tụ lại vì vinh hiển của Ngài. Đó là mối hiệp thông các thánh vậy!
Trong chính ánh sáng của mầu nhiệm diệu kỳ này. Ngày mai chúng ta cử hành lễ tưởng niệm hằng năm tất cả mọi tín hữu đã qua đời. Phụng vụ mời gọi chúng ta hãy mở lòng mình ra để cầu nguyện cho tất cả mọi người quá cố, nhất là cho những linh hồn cần đến lòng thương xót Chúa nhất. Tôi đặc biệt dâng lời nguyện cầu lên Thiên Chúa cho tất cả mọi nạn nhân của nạn khủng bố. Tinh thần của Tôi gắn bó với tất cả gia đình của họ, và trong khi xin Chúa xoa dịu nỗi sầu thương của họ, Tôi xin Ngài ban hòa bình cho thế giới.
Tôi cầu nguyện để Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh, giúp chúng ta trung thành theo Chúa Kitô để tiến tới vinh quang thiên đình.
Tòa Thánh với Vấn Đề các quốc gia ứng viên gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu.Trong một cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo ở Turin là La Stampa, ĐTGM Giovanni Lajolo, vị bí thư của Tòa Thánh Vatican đặc trách liên hệ với các quốc gia, đã làm sáng tỏ vấn đề là: “trong trường hợp tham gia này, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải đáp ứng tất cả mọi qui chuẩn về chính trị được nêu lên ở Thượng Nghị Copenhagen hồi Tháng 12/2002”.
Những qui chuẩn ấy bao gồm việc hoàn toàn bảo đảm các thứ nhân quyền cũng như toàn quyền tự do tôn giáo của cá nhân cũng như của đoàn thể, những gì “được phát xuất từ phẩm vị của con người”.
Vị TGM này cũng đã phân tích tình hình tự do tôn giáo ở quốc gia này, và nhấn mạnh rằng “quyền tự do tôn giáo chẳng những cần phải được bảo toàn trên bình diện Hiến Pháp, lập pháp và hành pháp, mà còn cần phải được bảo vệ một cách hiệu lực ở những khía cạnh cụ thể trong đời sống xã hội nữa”.
Thành phần chống lại việc nước Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia Ả Rập Hồi Giáo duy nhất ở Âu Châu, gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu, thường nghĩ rằng quyết định như vậy có thể làm suy yếu tính cách hiệp nhất về văn hóa của Châu Lục này. Còn thành phần ủng hộ thì lại tin tưởng rằng đó là việc cống hiến cho thế giới Hồi Giáo một tấm gương về vấn đề hội nhập vào thế giới Tây Phương.
Vị TGM này cho biết những lập luận ấy chứng tỏ là “những gì đang gặp nguy hiểm ở đây đó là cái thích đáng của siêu việt tính, do đó mới rất dễ hiểu là có một số chính phủ Âu Châu muốn quyết định của mình được ủng hộ bởi một cuộc trưng cầu dân ý.
“Dù sao Tòa Thánh cũng không lo sợ vấn đề nới rộng Âu Châu: Đức Gioan Phaolô II đã nói ở một số lần về một Âu Châu hiệp nhất từ Đại Tây Dương đến Urals. Vấn đề quan trọng là Tân Âu Châu này phải có một sự gắn bó sâu xa nội tại”.
ĐTGM còn thêm: “Cần phải chú ý hơn nữa đến các quốc gia đang là ứng viên, chẳng hạn như Romania, Bulgaria, Croatia cũng như Ukraine, Moldova, Georgia và Armenia, những xứ sở có một nền văn hóa cổ kính và cao cả. Và danh sách có thể được tiếp tục với các quốc gia khác ở vùng Balkans, như Serbia và Montenegro, Macedonia và Albania, những quốc gia Âu Châu không thể thiếu và là những quốc gia Tòa Thánh cảm thấy rất thân thương”.
Tòa Thánh trước Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về Hiện Tình Thế Giới
ĐTGM Giovanni Lajolo, bí thư của Văn Phòng Liên Hệ Chư Quốc của Tòa Thánh hôm Thứ Tư 29/9/2004 đã lên tiếng trong khóa họp thứ 59 của Tổng Hội Đồng LHQ. Bài diễn văn của vị đại diện Tòa Thánh này đề cập đến một số vấn đề quan trọng liên quan đến hiện tình thế giới như sau.
Thưa Ông Chủ Tịch,
1. Tòa Thánh lấy làm vinh dự được tham dự vào cuộc tranh luận chung của Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên từ Quyết Nghị 1/7 vừa qua là quyết nghị chính thức hóa và chi tiết hóa các quyền lợi và các đặc quyền nơi vai trò làm Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh, một vai trò Tòa Thánh đã được hưởng từ năm 1964. Bởi thế, tôi có nhiệm vụ bày tỏ lòng biết ơn chân thành với tất cả mọi quốc gia phần tử. Trong việc chuẩn nhận Quyết Nghị nói trên, họ cho thấy một lần nữa mối liên hệ đặc biệt nơi sự hợp tác giữa Tòa Thánh và Liên Hiệp Quốc, một mối liên hệ đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh vào lần viếng thăm đầu tiên của Ngài tới hội đồng này đúng 25 năm trước đây. Đó là một liên hệ có một nghĩa tương đồng với nhau, ở chỗ, cả Tòa Thánh lẫn Liên Hiệp Quốc đều có một ơn gọi phổ quát; không một quốc gia nào trên trần gian này là xa lạ đối với cả hai. Cả Tòa Thánh lẫn Liên Hiệp Quốc cùng có một mục tiêu trổi vượt về hòa bình: thật vậy, hòa bình, sự thiện tối hậu này, đã được viết trong Bản Hiến Chương thành lập của Liên Hiệp Quốc, và nằm ở tâm điểm của sứ điệp Phúc Âm là sứ điệp Tòa Thánh có trách nhiệm phải loan báo cho tất cả mọi dân nước.
Ở trong một hoàn cảnh ý nghĩa này, tôi hân hạnh gửi tới Ông Chủ Tịch cũng như tới tất cả quí vị đang qui tụ nơi đây đại diện cho các quốc gia cao quí của quí vị, lời chào trân kính và thân ái của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Tôi gửi lời chào đặc biệt đến vị tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ông Kofi Annan cũng như đến những vị phụ tá của ông. Công việc của họ, như được ghi trong Bản Tường Trình Hằng Năm của Tổng Thư Ký A/59/1, trước hết, liên quan tới việc ngăn ngừa xung khắc và bảo trì hòa bình trên thế giới, đáng được tất cả chúng ta cảm nhận và tri ân.
2. Một số đề tài trong lịch trình bàn luận của Tổng Hội Đồng này có thể được coi là thiết yếu đối với việc đạt đến mục tiêu hòa bình tối hậu cũng như đối với tương lai của nhân loại. Chỉ cần trích lại một ít đề tài như: Liên Hiệp Quốc và trật tự thế giới nhân bản mới; theo đuổi Những Mục Đích Thiên Niên Kỷ; hoàn toàn giải giới chung; vấn đề phát triển khả thủ; vấn đề toàn cầu hóa và liên thuộc; tình trạng di dân quốc tế và phát triển; các thứ nhân quyền; việc tạo sinh sao bản. Tôi sẽ trình bày ngắn gọn chủ trương của Tòa Thánh về một số những vấn đề này.
3. Trong số những mục đích Thiên Niên Kỷ, ưu tiên phải là đề tài về vấn đề nghèo khổ và phát triển. Tôi nói là ưu tiên, vì nó ảnh hưởng đến quyền sinh tồn của hằng trăm triệu con người, sống còn, hết sức có thể, dưới cả mức độ cần thiết, cũng như cả chục triệu trẻ em thiếu dinh dưỡng bị hụt hẫng quyền sống một cách bất chính. Để tìm một giải pháp vững bền cho những tình trạng phi nhân bản ấy, nó cần phải, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, tiến đến một cơ cấu mậu dịch quốc tế linh động hơn và chính đáng hơn. Hơn nữa, cần phải có những cơ cấu về tài chính thiên về việc phát triển cũng như việc hủy nợ nần hải ngoại cho các quốc gia nghèo khổ nhất. Cũng thế, cần phải quảng đại chia sẻ những thành quả của việc nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, nhất là trong lãnh vực sức khỏe. Về vấn đề này tôi không cần phải nói thêm, vì chủ trương của Tòa Thánh đã được chính ĐHY Angelo Sodano Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh bày tỏ ở hội nghị về đói khổ và nghèo khổ ở Nữu Ước ngày 20/9 vừa rồi. Tôi chỉ muốn lập lại điều này là: cái khẩn trương của tình trạng này không thể trì hoãn nữa. Nó là vấn đề công lý chứ không phải vấn đề bác ái, cho dù nhu cầu thực hiện đức bác ái vẫn còn đó và vẫn mãi luôn là như thế.
4. Đề tài về việc hoàn toàn tổng giải giới liên quan trực tiếp tới sự thiện hòa bình tối hậu. Nếu quả thực việc sản xuất và bán vũ khí cho các nước khác là những gì nguy hại cho hòa bình thì cần phải thực hiện những cuộc kiểm soát nghiêm ngặt và hiệu hiệu của quốc tế. Việc dấn thân của Liên Hiệp Quốc về phương diện này được chứng thực bằng những Công Ước khác nhau cho thấy LHQ đã ủng hộ việc hủy hoại các thứ vũ khí đại công phá cũng như các thứ vũ khí thông dụng. Thế nhưng, chúng ta chỉ mới bắt đầu một tiến trình dài, đầy những lợi lộc về kinh tế hiện lên như những chướng ngại làm cản trở bước đường của chúng ta.
Về vấn đề để hòa bình được thể hiện trên thế giới, cần phải hoàn toàn tổng giải giới: “Vấn đề các thứ vũ khí đại công phá cần phải được phân biệt một cách rõ ràng với các thứ vũ khí thông dụng; thế nhưng, những thứ vũ khí thông dụng này có một tính cách đương đại kinh hoàng và khôn cùng đang xẩy ra hiện nay nơi nhiều cuộc xung đột về võ trang làm thế giới vấy máu cũng như nơi nạn khủng bố”.
5. Những cuộc xung đột võ trang từng vùng nhiều đến độ không có giờ để liệt kê chúng ra. Tuy nhiên, tôi không thể bỏ qua một số cuộc xung đột.
Trước hết là cuộc xung đột Do Thái và Palestine một cuộc xung đột chi phối tất cả hậu bán thế kỷ vừa rồi. Cuộc xung đột này không phải chỉ được giới hạn trong biên giới địa dư hạn hẹp ở chính vùng đất này. Thành phần trực tiếp trong cuộc đó là Chính Quyền Do Thái và Thẩm Quyền Palestine, thành phần có nhiệm vụ hệ trọng trong việc bày tỏ ước muốn xây dựng hòa bình của mình. Bởi nhắm đến mục đích ấy mà “lộ trình hòa bình” đã được phác họa ra và đã được đôi bên chính thức công nhận; chớ gì họ tiến bước theo lộ trình hòa bình này một cách dứt khoát và can trường! Thế nhưng, cuộc xung đột ấy vẫn còn được chú tâm rất nhiều và thường được phần đông nhân loại cảm thương. Giáo Hội Công Giáo hiện diện ở Palestine 2 ngàn năm, kêu gọi mọi người hãy từ bỏ bất cứ hành động nào có thể hủy hoại lòng tin tưởng, và hãy nói lên những lời lẽ hòa bình bao dung cùng với những cử chỉ hòa bình mạnh mẽ. Nếu hòa bình là hoa trái của công lý thì xin đừng quên rằng… không có công lý nếu không biết thứ tha. Thật vậy, nếu không biết tha thứ cho nhau. Vấn đề này thực sự cần phải có một tấm lòng can đảm về phương diện luân lý hơn là việc sử dụng vũ khí”.
Thế rồi tới cuộc xung đột ở Iraq. Chủ trương của Tòa Thánh về hành động quân sự 2002-2003 đã quá rõ. Hết mọi người có thể thấy rằng hành động quân sự này đã làm cho thế giới an toàn hơn, cả bên trong lẫn bên ngoài Iraq. Tòa Thánh tin tưởng rằng giờ đây cần phải nâng đỡ chính phủ đương nhiệm trong việc họ cố gắng làm cho xứ sở này đạt đến mức độ bình thường hóa cũng như đến một cơ chế chính trị thực sự dân chủ, hòa hợp với các giá trị của những truyền thống lịch sử của nó.
Tòa Thánh hết sức quan tâm tới những quốc gia Phi Châu khác nhau là Sudan, Somalia, các quốc gia ở vùng Đại Hô, Ivory Coast, v.v. đang bị đổ máu bởi những cuộc xung đột với nhau, nhất là bởi cuộc tranh chấp nội bộ. Những nước này cần đến việc chủ động liên kết của quốc tế…, và khối Hiệp Nhất Phi Châu cần lấy thẩm quyền để can thiệp hầu giúp cho tất cả mọi phía có liên hệ hợp pháp ngồi lại thương thảo với nhau. Khối Hiệp Nhất Phi Châu đã chứng tỏ khả năng của mình trong việc tác hành một cách thành công ở một số trường hợp: nó đáng được nhìn nhận và ủng hộ.
6. Tôi đã đề cập đến vấn đề nạn khủng bố, một hiện tượng dị thường, hoàn toàn bất xứng với con người, đã có một tầm vóc quốc tế: ngày nay không một Quốc Gia nào có thể cho rằng mình thoát được nó. Bởi thế, không gây tổn thương đến quyền lợi và nhiệm vụ của mỗi Quốc Gia trong việc áp dụng những biện pháp chính đáng để bảo vệ thành phần công dân của mình cũng như các cơ sở của mình, hiển nhiên là chỉ có thể hiệu lực đương đầu với nạn khủng bố bằng một đường lối liên hợp đa phương, tôn trọng ‘ius gentium’ quyền lợi của các dân nước, chứ không phải bằng thứ chính trị của đơn phương chủ nghĩa.
Không ai nghi ngờ gì về vấn đề chiến đấu chống khủng bố nghĩa là, trước hết và trên hết, hóa giải những lý do làm cho nó trở thành chủ động. Thế nhưng những lý do chính thì nhiều và phức tạp: về chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo; vì thế, cái quan trọng hơn nữa vẫn là một hành động dài hạn, trực diện, nhìn xa trông rộng và nhẫn nại, đi vào tận căn gốc của nó, với mục đích ngăn chặn nó khỏi lan rộng và tiêu diệt những hậu quả chết chóc nhiễm lây của nó.
Tòa Thánh và toàn thể Giáo Hội Công Giáo chủ động dấn thân vào công cuộc này. Giáo Hội dấn thân bằng những cơ cấu giáo dục và bác ái của mình, những cơ cấu mà có mặt ở đâu là góp phần vào việc nâng cao mức độ văn hóa và xã hội của dân chúng, bất biệt phân, nhất là vì lý do tôn giáo; Giáo Hội dấn thân bằng việc đối thoại liên tôn, một hoạt động gia tăng từ Công Đồng Chung Vaticanô II: một cuộc đối thoại hướng đến chỗ khách quan tương kiến, đến tình hữu nghị chân thành, và ở nơi nào có thể, đến việc tự nguyện hợp tác để phục vụ nhân loại. Tòa Thánh luôn biết ơn các thẩm quyền của các tôn giáo khác tỏ ra cởi mở đối với việc đối thoại như thế, cũng như biết ơn các thẩm quyền dân sự tỏ ra khuyến khích việc này, không pha phôi chính trị, tôn trọng cái biệt phân giữa lãnh vực tôn giáo và lãnh vực dân sự, cũng như tôn trọng quyền tự do tôn giáo nồng cốt của con người.
7. Quyền tự do tôn giáo, cùng với các quyền lợi căn bản khác, đã được qui định trong Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền, một bản tuyên ngôn được Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp thuận ngày 10/12/1948. Trên thực tế thì các quyền lợi thiết yếu ấy của con người sống chết có nhau. Và con người sống còn với chúng. Bởi thế, theo quan điểm của Tòa Thánh, cần phải thực hiện hết mọi nỗ lực để bênh vực chúng ở tất cả mọi lãnh vực. Để thực hiện điều ấy, cần phải tránh một nguy hiểm đặc biệt ngày nay được thấy xuất hiện nơi một số quốc gia và những môi trường xã hội. Đó là ý nghĩ cho rằng những quyền lợi thiết yếu này của con người, như được chuẩn nhận trong Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền năm 1948 là những biểu hiệu cho một thứ văn hóa riêng do đó có một giá trị rất ư là tương đối mà thôi. Không: chúng thực sự là những biểu hiện của con người, cho dù sự thật đó là, ở những thời điểm khác nhau và nơi những thứ văn hóa khác nhau, chúng có thể và vẫn được áp dụng khác nhau, bằng những đường lối xứng hợp và khả chấp hơn kém.
8. Trong số những quyền lợi căn bản, hay quyền lợi hơn hết trong các quyền lợi này, như Bản Tuyên Ngôn Chung này rõ ràng xác định, đó là quyền sống của mỗi một con người. Tòa Thánh có thể nói nhiều về quyền sống của hết mọi con người, vì yếu tính của sứ điệp Tòa Thánh đó là “Phúc Âm sự sống”. “Evangelium Vitae” là nhan đề của bức thông điệp nổi tiếng được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 25/3/1995. Vấn đề về việc tạo sinh sao bản xuất hiện dưới cùng một nhan đề bao rộng này. Vào một ít tuần nữa Tổng Hội Đồng này sẽ trở lại việc tranh luận về vấn đề tạo sinh sao bản. Về vấn đề này, Tòa Thánh lấy làm hãnh diện tái khẳng định việc Tòa Thánh cương quyết ủng hộ việc tiến bộ của một khoa y học luôn tác hành một cách tôn trọng phẩm vị con người, vì nó cống hiến cho con người việc chữa trị và chữa lành những bệnh nạn khác nhau. Theo chiều hướng ấy, Tòa Thánh lập lại việc Tòa Thánh ủng hộ việc tạo được và sử dụng các thân bào tăng trưởng, và tin rằng con đường tiến tới đó là phác họa và áp dụng một Công Ước rõ ràng đưa đến việc bãi bỏ toàn diện vấn đề tạo sinh sao bản con người.
9. “Việc nhìn nhận phẩm vị bẩm sinh cùng với các quyền lợi bình đẳng bất khả chuyển nhượng của tất cả mọi phần tử thuộc gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới”: Lời Dẫn Nhập của Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền đã mở đầu như thế. Nó là một trong nhiều những công nghiệp bất khả chối cãi của Liên Hiệp Quốc trong việc phác họa, cho lương tâm của toàn thể nhân loại trên 50 năm trước, những nguyên tắc vững chắc cho việc tiến tới hòa bình. Tuy nhiên, qua năm tháng, Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, như hết mọi tổ chức của nhân loại khác, cần phải thích ứng các phương thức của nó căn cứ vào những tiến triển trên bình diện chính trường thế giới, nhờ đó, hoạt động của nó trong việc cỗ võ hòa bình mới trở thành hiệu nghiệm hơn. Những thành quả đầu tiên của ủy ban cao cấp được thiết lập vì mục đích này do ông Tổng Thư Ký Kofi Annan phổ biến vào Tháng 6 vừa rồi. Tòa Thánh sẽ cống hiến một số thẩm định chuyên biệt trong dịp tranh luận về vấn đề được tổ chức vào tuần tới này.
Giờ đây, tôi chỉ xin nhắc lại những lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho Ngày Thế Giới Hòa Bình năm nay. Ngài đã nhắc nhở chúng ta rằng “nhân loại ngày nay đang ở trong một giai đoạn khó khăn đối với việc phát triển chân thực của nó”, và vì lý do ấy, lập lại tiếng nói của các vị tiền nhiệm của mình, Ngài đã kêu gọi “một mức độ cao hơn nữa trong việc tổ chức quốc tế”. Điều này chỉ có thể thực hiện bằng việc ban cho những tổ chức như Liên Hiệp Quốc những đặc quyền để dễ dàng hành sử việc ngăn chặn các cuộc xung đột có những lúc gây nên khủng hoảng quốc tế, và nếu thật sự cần thiết, có thể thực hiện “cuộc can thiệp nhân đạo”, tức là hành động nhắm đến chỗ giải giới kẻ tấn công. Tuy nhiên, “mức độ cao hơn trong việc tổ chức quốc tế” có thể đạt được một cách hiệu năng hơn nữa nếu LHQ chỗi dậy từ “tình trạng lạnh lùng của một cơ cấu quản trị”, như lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói, đến tình trạng của “một trung tâm về luân lý, nơi mà tất cả mọi quốc gia trên thế giới cảm thấy thân tình như trong gia đình và phát triển một nhận thức chung về tư cách nó có thể thực sự là một gia đình các quốc gia”.
10. Thưa Ông Chủ Tịch, hiện nay và trong tương lai, Liên Hiệp Quốc bao giờ cũng có thể tin tưởng vào Tòa Thánh chẳng những là một quan sát viên thường trực mà còn là một người bạn đồng hành, lúc nào cũng sẵn sàng nâng đỡ hoạt động phức tạp và khó khăn của nó hợp với bản chất xứng hợp và theo những gì có thể của Tòa Thánh, và là một người bạn đồng hành cũng hợp tác với tất cả mọi quốc gia phần tử bằng một tinh thần tự do và thân hữu.
Cám ơn Ông Chủ Tịch.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 1/10/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)