GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 11/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu ý thức được ơn gọi riêng của mình trong lòng Giáo Hội, để họ hăng say đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa và nên thánh trong bậc sống của mình”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động truyền giáo luôn ý thức được rằng tác hiệu của việc truyền bá phúc âm hóa xuất phát từ cuộc sống thánh thiện cũng như từ việc sâu xa kết hợp với Chúa Kitô”.
__________________
NGÀY 6 THỨ BẢY NGÀY THÁNH MẪU TRONG NĂM THÁNH THỂ |
Mẹ Maria hiện diện trong Bữa Tiệc Ly?
“Nếu việc Chúa Giêsu cứu độ nhân loại trên cây thập tự giá có Mẹ Maria đứng kề bên thập giá của Người, thì việc Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể là một việc tưởng niệm Hy Tế Thập Giá của Người có sự hiện diện của Đức Mẹ hay chăng?”
Về vấn đề này, chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói đến trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể ở khoản số 53 sau đây.
“Nếu chúng ta muốn tái nhận thức mối liên hệ sâu xa giữa Giáo Hội và Thánh Thể nơi tất cả nguồn phong phú của nó thì chúng ta không thể bỏ qua Mẹ Maria, là Mẹ và là mô phạm của Giáo Hội. Trong Tông Thư Rosarium Virginis Mariae, Tôi đã cho thấy Đức Trinh Nữ Maria là vị tôn sư của chúng ta trong việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, và trong các mầu nhiệm ánh sáng, Tôi đã bao gồm cả việc thiết lập Thánh Thể (Cf. No. 21: AAS 95 [2003], 20). Mẹ Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến bí tích chí thánh này, vì chính Mẹ có một liên hệ sâu xa với bí tích ấy.
“Thoạt nhìn thì hình như Phúc Âm không nói gì đến vấn đề này. Trình thuật về việc thiết lập Thánh Thể vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh không hề đề cập đến Mẹ Maria. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Mẹ đã hiện diện giữa các vị Tông Đồ, những vị ‘đồng tâm nhất trí’ (cf Acts 1:14) nguyện cầu nơi một cộng đồng tiên khởi qui tụ lại với nhau sau khi Chúa Kitô Thăng Thiên để mong chờ Thánh Thần Hiện Xuống. Mẹ Maria chắc chắn phải có mặt ở những lần cử hành Thánh Thể của thế hệ Kitô hữu tiên khởi, thành phần sốt sắng ‘với việc bẻ bánh’ (Acts 2:42).
“Thế nhưng, ngoài việc Mẹ thông phần vào bữa tiệc Thánh Thể, một hình ảnh gián tiếp khả dĩ về mối liên hệ giữa Mẹ với Thánh Thể, bắt đầu bằng việc sửa soạn nội tâm của Mẹ, Mẹ Maria còn là một ‘người nữ của Thánh Thể’ suốt cuộc đời của Mẹ. Giáo Hội, nhìn lên Mẹ Maria như mô phạm của mình, cũng được kêu gọi để bắt chước Mẹ trong mối liên hệ giữa Mẹ và mầu nhiệm chí thánh này”.
Như thế, trong đoạn Thông Điệp khoản số 53 thuộc Chương Thứ Sáu dưới tựa đề “Tại Học Đường Maria, Người Nữ Thánh Thể” này, Đức Thánh Cha đã khẳng định là
“Mẹ Maria chắc chắn phải có mặt ở những lần cử hành Thánh Thể của thế hệ Kitô hữu tiên khởi, thành phần sốt sắng ‘với việc bẻ bánh’ (Acts 2:42)”.
Ngoài ra, Ngài còn xác tín và khẳng định hai điều liên quan đến vấn đề tu đức Sống Thánh Thể nữa như sau:
Khẳng định thứ nhất đó là: “Nếu chúng ta muốn tái nhận thức mối liên hệ sâu xa giữa Giáo Hội và Thánh Thể nơi tất cả nguồn phong phú của nó thì chúng ta không thể bỏ qua Mẹ Maria”.
Khẳng định thứ hai đó là: “Mẹ Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến bí tích chí thánh này, vì chính Mẹ có một liên hệ sâu xa với bí tích ấy”.
Để dẫn giải về khẳng định thứ nhất liên quan đến lý do tại sao hay cách thức ra sao đối với việc Mẹ Maria có thể giúp chúng ta tái nhận thức được mối liên hệ sâu xa giữa Giáo Hội và Thánh Thể, Đức Thánh Cha đã cho biết vắn tắt ngay trong cùng đoạn văn này như sau:
“Trong Tông Thư Rosarium Virginis Mariae, Tôi đã cho thấy Đức Trinh Nữ Maria là vị tôn sư của chúng ta trong việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, và trong các mầu nhiệm ánh sáng, Tôi đã bao gồm cả việc thiết lập Thánh Thể (Cf. No. 21: AAS 95 [2003], 20)”.
Để dẫn giải về khẳng định thứ hai liên quan đến lý do hay cách thức ra sao trong việc Mẹ Maria có một liên hệ sâu xa với bí tích Thánh Thể, ĐTC đã luận đoán rằng Mẹ Maria đã thực sự hiện diện khi Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể. Ngoài ra, Mẹ còn là “Người Nữ Thánh Thể, suốt cuộc đời của Mẹ” nữa.
Riêng về tước hiệu Mẹ Maria là “Người Nữ Thánh Thể suốt cuộc đời của Mẹ”: tại sao và như thế nào, Đức Thánh Cha đã dẫn giải ở 5 đoạn 54-58 sau đó, cũng ngay trong phần thứ sáu của Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, những đoạn chúng ta sẽ có dịp trở lại để tìm hiểu vào mỗi dịp Lễ Đức Mẹ như lần này.
Tóm lại, trong Ngày Thánh Mẫu (Thứ Bảy Đầu Tháng 11/2004) đầu tiên trong Năm Thánh Thể (10/2004-2005) này, chúng ta chỉ cần ý thức đúng như những gì được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II xác tín và khẳng định rằng:
“Mẹ Maria chắc chắn phải có mặt ở những lần cử hành Thánh Thể của thế hệ Kitô hữu tiên khởi, thành phần sốt sắng ‘với việc bẻ bánh’”;
“Nếu chúng ta muốn tái nhận thức mối liên hệ sâu xa giữa Giáo Hội và Thánh Thể nơi tất cả nguồn phong phú của nó thì chúng ta không thể bỏ qua Mẹ Maria”; và
“Mẹ Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến bí tích chí thánh này, vì chính Mẹ có một liên hệ sâu xa với bí tích ấy”.
Tòa Thánh Vatican chống đối quyết định Thử Giống ở Hiệp Vương Quốc
Hôm Thứ Ba 2/11/2004, tại Hiệp Vương Quốc (United Kingdoms of the Great Britian), cơ quan Thẩm Quyền Về Thụ Tinh Và Phôi Bào Học Con Người ở Hiệp Vương Quốc đã cho phép một nhóm ở Đại Học College Luân Đôn được lọc lựa các phôi bào được thụ thai trong ống nghiệm và hủy hoại các phôi bào mang di giống có thể gây ra loại ung thư.
Có 4 cặp vợ chồng, những cặp đã trải qua việc cấy thai nhân tạo, có thể lợi dụng phương pháp được phép này. Để lọc lựa các phôi bào, cần phải thực hiện một cuộc phân tích trong vòng 3 ngày sau khi chúng được đậu thai trong ống nghiệm. Mục đích là để chọn giống những phôi bào nào được thấy rằng không bị truc trặc gì về vấn đề di giống. Những phôi bào còn lại sẽ bị hủy đi.
Đức Giám Mục Elio Sgreccia, phó chủ tịch Học Viện Tòa Thánh Về Sự Sống đã lên tiếng hôm Thứ Ba 2/11/2004 trên Đài Phát Thanh Vatican như sau:
“Hiển nhiên việc tiền tạo nên các phôi bào trong ống nghiệm để sau đó sử dụng những phôi bào tiền tạo ấy vào việc chẩn định trước vấn đề cấy thai hầu lọc lựa các phôi bào lành mạnh và loại trừ những phôi bào không lành mạnh, trước bất cứ một lương tâm nào, đều là việc triệt hủy một con người sống động và vô tội. Quyết định cho thực hiện việc này là một quyết định hoàn toàn và trọn vẹn có tính cách tiêu cực.
“Cũng thường xẩy ra những thứ được gọi là chẩn định sai lầm, mà hậu quả là có thể loại trừ đi một phôi bào lành mạnh, và một phôi bào bệnh hoạn lại được cấy thai khi cho nó là lành mạnh.
“Không phải việc lọc lựa có thể được thi hành một cách chắc chắn. Cho dù có thể làm đưoơc như vậy chăng nữa thì bao giờ nó cũng là một phán đoán chọn lựa, tiêu cực, hướng chiều về việc sát hại, một việc rất trọng phạm và phi lý.
“Anh quốc là nơi đầu tiên thi hành việc đậu thai trong ống nghiệm. Họ đã thiết lập một tiểu ban với vị chủ tịch là Bà Warnock. Tiểu Ban Warnock này đã phổ biến một bản tường trình dựa trên căn bản khoản luật được chính quyền phác họa và quyền hạn được chính quyền ấn định.
“Như thế, các phép tắc đã được qui định về một số hành động liên quan tới phôi bào con người, tới các tiến trình sản sinh, khi những hành động này nắm trong tay quyền hành quyết. Điều này luôn luôn nằm ở trong cái triết lý của Tiểu Ban Warnock cũng như của tờ tường trình Warnock là những gì không hoàn toàn coi trọng phôi bào con người như là một con người trọn vẹn có phẩm giá.
“Nó là một thứ lý lẽ duy lợi mở đường cho những thứ đáng bị coi là tội ác phạm đến phẩm giá và sự sống con người”.
Các chuyên viên về ngành này cảnh giác là quyết định của cơ quan Thẩm Quyền Về Thụ Tinh Và Phôi Bào Học Con Người ở Hiệp Vương Quốc được thực hiện mà chưa được tranh luận đầy đủ.
Bà Josephine Quintavalle thuộc tổ chức thiện ích quần chúng Nhận Định Về Các vấn Đề Đạo Lý Sản Sinh cho biết: “cơ quan Thẩm Quyền Về Thụ Tinh Và Phôi Bào Học Con Người ở Hiệp Vương Quốc lại thực hiện một quyết định liên quan đến luân thường đạo lý nữa mà không tham vấn với quần chúng. Chúng ta phải nhìn vào những ngành y khoa chữa trị chứ không phải những ngành y khoa sát hại. Trong Tháng 7 mới nói về những mục đích trị liệu. Giờ đây chúng ta đã tới chỗ lựa lọc vấn đề di giống rồi”.
Giới Bác Sĩ Công Giáo chống đối “tội đồng lõa” trong những cuộc phá thai bất hợp pháp
Bác Sĩ Gian Luigi Gigli, chủ tịch Liên Hiệp Thế Giới Chư Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo, một tổ chức có 30 ngàn bác sĩ ở trên 50 quốc gia, trong một bản văn gần đây, đã kêu gọi các quốc hội Hiệp Vương Quốc và Tây Ban Nha hãy ngưng các cuộc phá thai bất hợp pháp đã xẩy ra ở Barcelona với “sự đồng lõa” của cả hai xứ sở này.
“Âu Châu đang ở đâu đây? Những cuộc phá thai bất hợp pháp vừa rồi xẩy ra ở Catalonia, với sự đồng lõa của các cơ quan Hiệp Vương Quốc và được chính quyền địa phương dung túng”.
Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo ở Catalonia, một phần tử của Liên Hiệp Thế Giới Chư Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo, từ nhiều năm nay đã đặt vấn đề là “có một số bệnh xá ở Barcelona đang thực hiện những cuộc phá thai đã xẩy ra và vừa mới xẩy ra, vượt ra ngoài cả việc kiểm soát của chính quyền dân sự nữa.
Nhờ sự hợp tác của hai phóng viên giả dạng của tờ nhật báo Sunday Telegraph ở Hiệp Vương Quốc, Daniel Foggo và Charlotte Edwardes, các bác sĩ Công Giáo ở Catalonia “đã có thể chứng minh bằng cuốn phim hình thâu cả một hệ thống tội ác quốc tế thực hiện những cuộc phá thai đã xẩy ra, những cuộc phá thai do các cơ quan chính phủ gửi nữ giới tới”.
Hai ký giả này đã lấy được chứng cớ từ bệnh xá Ginemedex ở Barcelona về “việc ban cấp những giấy tờ giả về những trường hợp khẩn cấp sản phụ khoa để tránh né những khoản về pháp lý mà thực hiện cuộc phá thai một thai nhi lành mạnh 26 tháng”.
“Việc hoạt động hệ thống tội ác phá thai bất hợp pháp này đã được thấy rõ từ những cuộc trao đổi được ghi nhận, với nhiều phụ nữ mang bầu ở vào thời kỳ chín mùi được thâu hình trong khi đang ngồi chờ phiên của mình. Việc đồng lõa của các cơ quan thuộc chính phủ Hiệp Vương Quốc trong việc gửi các bệnh nhân nữ giới tới Barcelona để thực hiện vấn đề phá thai bất hợp pháp cũng bị lộ chân tướng”.
Tờ tường trình của tờ nhật báo Sunday Telegraph “rõ ràng ghi nhận thương vụ phát triển về những cuộc phá thai đã xẩy ra và tình trạng khựng đứng của chính quyền Tây Ban Nha trong việc kiểm soát các cuộc phá thai bất hợp pháp và ‘trào lưu du lịch phá thai’. Tờ tường trình này cũng ghi nhận việc phá thai này là những hành động xẩy ra theo tâm thức của các cơ quan chính thức ở Hiệp Vương Quốc, chẳng hạn như Dịch Vụ Cố Vaân Thai Nghén Hiệp Vương Quốc.
Trước những hình ảnh được thu hình cho thấy thật là “kinh hoàng”, Liên Hiệp Thế Giới Chư Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo “khẩn trương yêu cầu các quốc hội Hiệp Vương Quốc và Tây Ban Nha hãy can thiệp và làm áp lực chính quyền đương nhiệm của họ để ngưng lại những thứ tội ác này”.
Hành Hương Thánh Địa là việc quan trọng đối với Kitô Hữu sống ở đó
Vị đại diện Tòa Thánh ở Giêrusalem là ĐTGM Pietro Sambi đã cắt nghĩa về tình hình ở Thánh Địa cho một nhóm ký giả Tây Ban Nha đến Giêrusalem hành hương, và cho biết nhận định của mình là việc tái hành hương Thánh Địa sẽ giúp vào việc chấm dứt tình trạng xuất hành của thành phần Kitô hữu sống ở Thánh Địa. Tại sao? Sau đây là những gì ngài nêu lên:
“Thành phần Kitô hữu sống ở Thánh Địa là một thành phần thiểu số nhỏ, chỉ độ khoảng 2% dân số. Họ tự cảm thấy là một thiểu số trước đại đa số người Do Thái cũng như đại đa số người Hồi Giáo. Khi bắt đầu xẩy ra cuộc intifada lần thứ hai, các người Do Thái trên thế giới đã tự tổ chức việc giúp đỡ thành phần Do Thái sống ở đây. Những người Hồi Giáo ở Vùng Vịnh cũng như ở các vùng khác trên thế giới cũng đã tự tổ chức để giúp cho những người Hồi Giáo sống ở đây. Thành phần Kitô Hữu đã biến mất và ií người Kitô hữu còn lại đã cảm thấy bị an hem mình bỏ rơi”.
“Việc viện trợ đến từ các nơi trên thế giới, nhờ đó mới có thể giúp cho các học đường tồn tại, và các trung tâm y khoa mới tiếp tục cung cấp dịch vụ, thế nhưng vẫn còn thiếu một vấn đề, đó là sự hiện diện của các Kitô hữu.
“Này, tôi đâu có lo sợ cho những nơi thánh. Để nói một cách trắng trợn hơn tức là những nơi thánh mang lại rất nhiều tiền bạc cho xứ sở này và là những nơi sẽ được tôn trọng. Thế nhưng, những nơi thánh ấy phải là những nơi sống động, những nơi giúp con người sống, nên cần có một cộng đồng chung quanh những nơi thánh này biết tin tưởng, mến yêu và hy vọng. Không có cộng đồng ấy, các nơi thánh này sẽ trở thành những bảo tàng viện lạnh giá và không còn là nơi của sự sống nữa.
“Các cuộc hành hương là đường lối trọn vẹn nhất để giúp cho thành phần Kitô hữu địa phương, cho Giáo Hội Mẹ Giêrusalem cũng như cho Đất Thánh.
“Trước hết, đó là một sự giúp đỡ về tinh thần, về tâm lý và về nhân bản. Thành phần Kitô hữu ở đây nhìn những người hành hương hơn là những người hành hương nhìn họ, và sự hiện diện này của những người hành hương làm cho họ nói rằng: Này chúng tôi ít ỏi, thế nhưng hãy nhìn xem biết bao nhiêu là anh chị em từ nhiều phần đất trên thế giới tới đây. Chúng ta tất cả đều là thành phần của một đại gia đình, gia đình môn đệ Chúa Kitô. Đó là một thứ giúp đỡ về luân lý và nhân bản thuộc lãnh vực thứ nhất.
“Ngoài ra, còn có sự giúp đỡ về vật chất nữa, vì đa số Kitô hữu ở Thánh Địa chuyên môn về việc phục vụ những người hành hương, như chuyên chở, hướng dẫn, khách sạn, nhà hàng, quán kỷ vật v.v. Những người hành hương cũng giúp đỡ cho cả các gia đình Kitô hữu địa phương nữa vậy”.
Cũng theo Zenit phổ biến ngày 4/11/2004, bộ trưởng an ninh và du lịch của Do Thái là Gideon Ezra, trong cuộc gặp gỡ thành phần ký giả Tây Ban Nha nhân dịp hành hương của hội đồng giám mục Tây Ban Nha trên đây, đã lên tiếng kêu gọi Kitô hữu hãy tái thực hiện những cuộc hành hương Thánh Địa để “giúp vào việc hòa bình”.Vị bộ trưởng này đã nhắc lại rằng ĐTC GPII “đã kêu gọi tất cả mọi Kitô Hữu Công Giáo trên thế giới hãy đến viếng thăm Thánh Địa”, và “một trong những lý do chính khiến vị Giáo Hoàng này kêu gọi như thế là vì tình hình của cộng đồng Công Giáo ở Thánh Địa thực sự cần được giúp đỡ”.
Theo ông, “với tư cách là những phần tử thuộc quốc gia Do Thái, chúng tôi hoan hô bất cứ phương tiện giúp đỡ nào cho cộng đồng này. Vì đối với chúng tôi thì đó là vấn đề rất quan trọng để cộng đồng này chẳng những không biến mất mà còn được kiên cường, vì qua những năm vừa rồi, con số người Công Giáo đã bị giảm sút rất nhiều, nhất là ở Bêlem”.
Về tình hình Kitô hữu ở Bêlem, vị bộ trưởng này cho biết: “Chúng tôi lấy làm vui mừng để có thể trở về với tình trạng trước tháng 9/2000 là lúc mà việc di chuyển giữa Bêlam và Giêrusalem hoàn toàn dễ dàng qua lại. Thế nhưng, từ lúc ấy, những cuộc viếng thăm không đáng chấp nhận lắm của thành phần khủng bố đã đưa đến tình trạng hiện thời.
“Càng nhiều khách hành hương thì càng có nhiều cơ hội làm ăn, càng được tự do di chuyển nhiều hơn, càng phát triển kinh tế cho cà người Palestine lẫn Do Thái”.