GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 11/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu ý thức được ơn gọi riêng của mình trong lòng Giáo Hội, để họ hăng say đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa và nên thánh trong bậc sống của mình”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động truyền giáo luôn ý thức được rằng tác hiệu của việc truyền bá phúc âm hóa xuất phát từ cuộc sống thánh thiện cũng như từ việc sâu xa kết hợp với Chúa Kitô”.
__________________
NGÀY 8 THỨ HAI |
Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXXII Thường Niên 7/11/2004 về việc cầu cho người quá vãng và Thánh Thể
1. Lòng đạo đức của dân chúng giành tháng 11 này để tưởng nhớ đến thành phần tín hữu đã ly trần. Chúng ta cầu nguyện cho họ bằng một niềm tin tưởng, biết rằng, như Chúa Giêsu xác nhận trong bài Phúc Âm hôm nay, Thiên Chúa “không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống; vì tất cả đều sống cho Ngài” (Lk 20:38). Ngài vẫn trung thành thực hiện giao ước tha thiết của Ngài với con người, một giao ước thậm chí kể cả sự chết cũng không thất hứa.
2. Giao ước này, một giao ước được niêm ấn bằng Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, được liên lỉ tái diễn nơi bí tích Thánh Thể. Bởi thế, nơi đây, lời nguyện cầu cho kẻ chết đạt tới tột đỉnh của nó. Bằng việc hiến dâng Thánh Lễ cầu cho các vị, tín hữu giúp đỡ các vị trong cuộc thanh tẩy cuối cùng. Bằng việc tin tưởng lên Hiệp Lễ, họ củng cố những mối liên hệ yêu thương thiêng liêng với các vị.
3. Từ thiên đình, xin Mẹ Maria Rất Thánh chuyển cầu cho tất cả mọi người thân yêu quá cố của chúng ta, và kiên cường nơi chúng ta là thành phần còn đang lữu thữ trên thế gian này niềm tin vào việc phục sinh sau cùng, một sự phục sinh được bảo chứng nơi Bí Tích Thánh Thể.
ĐTC GPII Nhắc Đến Phép Lạ Thánh Thể Lanciano Ý quốc vào đầu Năm Thánh Thể
Trong một bức thư gửi ĐTGM Carlo Ghidelli TGP Lanciano-Ortona, ĐTC đã viết: “Tôi rất mong muốn là trong Năm Thánh Thể này, hết mọi cộng đồng giáo phận công khai lập lại tác động đức tin của mình nơi Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích bàn thờ này, và tác động tất cả đời sống và hoạt động mục vụ của mình theo linh đạo Thánh Thể là linh đạo hiện lên rất rõ ràng trong các trình thuật phúc âm”.
Theo truyền thống, có một đan sĩ dòng Thánh Basiliô, khi đang cử hành Thánh Lễ theo lễ nghi Latinh tại nhà thờ Thánh Legonziano ở Lanciano, thì bắt đầu nghi ngờ về việc hiện diện thực sự của Chúa Kitô dưới các hình thánh sau khi được truyền phép. Ngay lúc ấy vị linh mục liền thấy bánh thánh được biến thành thịt người, và rượu thành máu người sau đó đông lại. Ngày nay các di tích thánh này đang được lưu giữ ở vương cung thánh đường ấy.
Vào ngày 18/11/1970, Bác Sĩ Edoardo Linoli đã phân tích những di tích của “huyết nhục lạ lùng” này và đã kết luận rằng đó là mô thịt tim của con người và là thứ máu thật.
ĐTC GPII viết tiếp trong thư gửi vị TGM ở đây rằng “Đối với Kitô hữu chúng ta thì Thánh Thể là tất cả mọi sự. Thánh Thể là tâm điểm đức tin của chúng ta và là nguồn mạch của tất cả đời sống thiêng liêng chúng ta”, cách riêng đối với cộng đồng ở thành phố Lanciano này, một thành phố là “bảo quản viên của hai phép lạ Thánh Thể mà, ngoài việc được tín hữu ở nơi đó hết sức yêu chuộng, còn là đối tượng của nhiều người hành hương từ Ý quốc cũng như từ khắp nơi trên thế giới”.
Cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất thế giới hiện nay đang diễn ra ở Darfur
Liên Hiệp Quốc và Caritas Ý đang kêu gọi cộng đồng thế giới chú ý tới vùng Darfur ở nước Sudan, nơi đang xẩy ra cuộc khủng hoảng với 10 ngàn mạng người tiêu vong mỗi tháng, từ tháng 3 tới nay, như được Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới WHO (World Health Organization) tường trình. Đó là chưa kể đến 2 triệu người đã tản cư không biết ngày về.
Cho đến nay con số tử vong lên tới 70 ngàn người, kể từ chuộc chiến từ tháng 2/2003, giữa các nhóm dân quân tự vệ nổi dậy, đó là Phong Trào Công Lý Và Bình Đẳng (JEM: Movement for Justice and Equality) với Phong Trào Quân Đội Giải Phóng Sudan (SLA-M: Sudanese Liberation Army-Movement), với chính quyền Khartoum.
Chính quyền bị tố cáo là bỏ rơi miền Darfur, vì dân chúng ở đây chính yếu là da đen, và tài trợ cho các dân quân “Janjaweed”, thành phần Ả Rập chủ động tấn công ở phía tây Sudan đã từng gieo chết chóc và hủy hoại nơi dân chúng không phải Ả Rập.
Tình hình ấy đã đẩy 200 ngàn người tị nạn thoát thân tới miền đông Chad thuộc biên giới Darfur, trong đó có 170 ngàn người sống ở các trại tị nạn.
Việc can thiệp khẩn cấp của Caritas, với sự hợp tác của Các Giáo Hội Cùng Nhau Hoạt Động (Action by Churches Together), một tổ chức của các Giáo Hội và tổ chức Chính Thống và Tin Lành, đã đóng góp 14 triệu Đồng Âu để giúp cho 500 ngàn người. Những ngân quĩ này đang được phân phối cho vấn đề sức khỏe, vệ sinh, lương thực và nơi trú ngụ (lều, mùng mean, khăn phủ giường v.v.).
Đời sống ở các trại tị nạn thật là khốn khổ. Nhiệt độ về đêm xuống dưới không độ. Thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu như nước uống, lương thực. Vệ sinh rất tồi tệ. Chưa kể tình trạng lương thực hoại dinh dưỡng. Bệnh tật xuất phát và lây nhiễm, làm trẻ em chết rất nhiều, như UNICEF cho biết.
Trong những ngày gần đây, những cuộc đụng độ giữa những thành phần nổi dậy, lực lượng của chính phủ và “Janjaweed” đã gia tăng. Tình hình an ninh càng trở nên bấp bênh ở các vùng ngoại ô của một số trại tị nạn, cả ở Darfur lẫn Chad, nhất là từ hôm Thứ Hai 1/11/2004 khi có một số quân đội Sudan và cảnh sát địa phương bao vây những trại tị nạn ở vùng Nyala, để phản ứng vụ bắt cóc 18 người Sadan gốc Ả Rập. Sauk hi bao vây, quân đội và cảnh sát đã dồn dân chúng lên 15 chiếc xe vận tải. Trước tình hình này, các cơ quan nhân đạo đành phải ngưng hoạt động và di chuyển nhân sự của mình đi chỗ khác.
Hôm Thứ Tư 3/11, ông Kofi Annan tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã than vụ vi phạm luật nhân đạo quốc tế bắt dân tị nạn chuyển đi chỗ khác này. Oâng khẩn trưởng kêu gọi chính quyền Sudan hãy ngưng ngay hành động tái định cư thành phần tản cư ấy, khi đưa họ đến “những địa điểm bất xứng”, mà trả họ về chỗ cũ. Nhưng chính phủ Khartoum cho biết việc tái định cư trên đây cần phải thực hiện vì lý do an ninh cũng như để tránh tình trạng lan truyền bệnh tật.
Hôm Thứ Bảy 6/11, một ban đặc nhiệm điều tra của Liên Hiệp Quốc đã bắt đầu công việc của mình ở Darfur để thẩm định tầm vóc những vi phạm nhân quyền và luật lệ nhân đạo quốc tế, để điều tra những trường hợp thảm sát và để xem những ai đã nhúng tay gây ra những cuộc bạo loạn này.
Tòa Thánh Vatican gửi Sứ Điệp kết Mùa Chay Tịnh Hồi Giáo 2004: “Trẻ Em là Quà Tặng Thiên Chúa ban cho Tương Lai Nhân Loại”.
ĐTGM Michael Fitzgerald, chủ tịch hội đồng tòa thánh về Đối Thoại Liên Tôn đã gửi sứ điệp hằng năm cho tín đồ Hồi Giáo nhân dịp Mùa Chay Tịnh Ramadan của họ. Đề tài của sứ điệp năm nay ('Id al-Fitr 1425 A.H/2004 D.C.) mang tựa đề “Trẻ Em là Quà Tặng Thiên Chúa ban cho Tương Lai Nhân Loại”. Sau đây là nguyên văn sứ điệp của Tòa Thánh qua vị TGM chủ tịch này.
Quí bạn thân mến,
1. Năm nay, một lần nữa, vào lúc quí bạn đang sửa soạn cử hành 'Id al-Fitr để kết thúc tháng chay tịnh Ramadan, tôi xin gửi đến quí bạn những lời chúc tốt đẹp nhất thay cho Hội Đồng Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn, một văn phòng của Đức Giáo Hoàng đặc trách những liên hệ với các tôn giáo khác. Trong lời nguyện cầu của mình, nhiều Kitô hữu vẫn nghĩ đến quí bạn và đồng hành với quí bạn trong tháng chay tịnh này, một tháng chiếm ưu tiên nơi đời sống của cộng đồng quí bạn. Ở vào tuổi thơ dại nhất quí bạn đã dạy cho con cái của mình tuân giữ tháng chay tịnh đây, nhờ đó phát triển nơi chúng một cảm quan về Thiên Chúa cũng như một tinh thần tuân phục đạo giáo, đồng thời cũng giúp chúng biết làm chủ và kiềm chế bản thân chúng. Như thế, gia đình thực sự là một nơi đầu tiên con cái của quí bạn được giáo dục về đạo nghĩa.
2. Hôm nay, tôi xin quí bạn hãy chú trọng tới trẻ em nói chung, cũng như chú trọng tới việc đón nhận chúng cần có nơi cha mẹ, gia đình và xã hội ở vào những lúc khác nhau trong cuộc đời của chúng. Hết mọi con trẻ đều có quyền sống bất khả nhượng, và vì thế, nếu có thể, chúng cần phải được đón nhận ở trong một gia đình bình thường vững chắc. Ngoài ra, các em tất cả đều có quyền được dinh dưỡng, ăn mặc và bảo vệ, nhất là được giáo dục hầu mọi khả năng của chúng được phát triển nơi chúng rồi sau đó được phát triển nơi chúng với nhau. Theo quan điểm này thì một con trẻ, bị bệnh hay là nạn nhân của một tai nạn, có quyền lãnh nhận tất cả mọi thứ chăm sóc cần thiết. Sự sống của trẻ em, giống như của hết mọi người, là những gì linh thánh.
3. Quí bạn coi trẻ em là một phúc lành Thiên Chúa ban, nhất là cho thành phần làm cha làm mẹ. Là Kitô hữu, chúng tôi có cùng một thái độ đạo giáo này như quí bạn, thế nhưng, đức tin Kitô giáo của chúng tôi còn dạy chúng tôi khám phá ra nơi trẻ em một mô phạm cho việc chúng tôi liên hệ với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã cống hiến cho chúng tôi một gương về tính cách giản dị đơn sơ và tin tưởng của con trẻ, tính chân thành và hồn nhiên của chúng, cho chúng tôi thấy nơi những tính chất này cách chúng tôi cần phải sống tin tưởng thuận phục Thiên Chúa.
4. Trong một số dịp ở những năm vừa qua, các vị đại diện của Tòa Thánh cũng như của các xứ sở đa số là người Hồi Giáo đã cùng nhau bênh vực ở các diễn đàn quốc tế các thứ giá trị làm người căn bản. Vấn đề này thường là việc bênh vực quyền lợi của thành phần yếu kém nhất, đặc biệt của gia đình là môi trường tự nhiên để trẻ em được nuôi dưỡng và là nơi bảo trì quyền lợi của các em.
5. Mặc dù trẻ em đã được hưởng lợi ích, ít là ở một số phần đất trên thế giới và ở một số lãnh vực trong đời sống, về vấn đề tiến bộ đối với nhân quyền vẫn còn xẩy ra nhiều sự dữ gây nên khổ đau. Quá nhiều trẻ em đã bị bắt làm việc nặng nhọc nguy hại đến việc phát triển thể lý và tâm lý của các em, làm ngăn trở việc chúng đến trường, do đó khiến chúng bị hụt hang việc giáo dục theo quyền lợi của chúng. Nhiều em khác bị bắt lính hay tham gia vào các cuộc chiến tranh và xung đột. Các em cũng là những nạn nhân trước hết của tình trạng gia tăng việc làm dụng tình dục và mãi dâm ở những năm vừa rồi.
Đặc biệt hơn hết là việc các em trở thành những nạn nhân của một số đổi thay trong xã hội. Khi gia đình tan vỡ thì chính các em là thành phần đầu tiên phải hứng chịu khổ đau. Việc gia tăng sử dụng á phiện và buôn lậu thuốc phiện, nhất là ở các nước nghèo, thường dính dáng đến cả trẻ em, gây cho chúng nhiều tai hại. Cũng thế, việc buôn lậu ghê tởm các bộ phận con người liên quan đặc biệt đến các em, và thảm trạng hội chứng liệt kháng thường nhiễm lây cho các em từ bẩm sinh.
6. Đối diện với những sự dữ ảnh hưởng đến các em như thế, quí bạn thân mến, chúng ta cần phải liên hợp nỗ lực lại với nhau, nhắc nhở dân chúng về phẩm vị của hết mọi người được thừa hưởng sự sống theo như ý muốn của chính Thiên Chúa. Chúng ta cần phải hết sức vạch trần hết những gì làm hạ giá trị các em, chiến đấu bằng tất cả khả năng có được để thu hẹp “các thứ ngóc ngách tội lỗi”, thành ngữ được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sử dụng. Chúng ta ý thức được rằng tương lai loài người tùy thuộc vào tương lai của các em. Bởi thế, tôi hy vọng rằng nỗ lực chúng của chúng ta giành cho trẻ em sẽ tiếp tục và thực sự gia tăng. Có thế chúng ta mới chứng tỏ hơn nữa những gì tôn giáo có thể mang lại thiện ích cho toàn thể cộng đồng nhân loại.
7. Trong tháng chay tịnh Ramadan này, chớ gì con cái của quí bạn được mạnh mẽ hoàn tất những việc thiện hảo. Chớ gì chúng cũng biết chống trả những hứa hẹn hão huyền về hạnh phúc cùng với những thỏa mãn mau qua, nhờ đó được thanh thoát nội tâm hơn và hoàn hảo hơn trong việc thuận phục Thiên Chúa. Chớ gì nhờ đó đời sống của chúng làm sáng tỏ tầm quan trọng của các giá trị đạo giáo. Một lần nữa tôi hứa cầu cùng Thiên Chúa cho quí bạn và cho con cái của quí bạn. Xin Chúa tuôn đổ phúc lành của Ngài xuống trên quí bạn. Xin Ngài củng cố gia đình quí bạn và làm cho gia đình quí bạn thấm nhiễm tinh thần quảng đại phục vụ vinh hiển của danh thánh Ngài. Xin Ngài ban cho mỗi người trong quí bạn bìn h an của Ngài.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 5/11/2004