GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 11/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu ý thức được ơn gọi riêng của mình trong lòng Giáo Hội, để họ hăng say đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa và nên thánh trong bậc sống của mình”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động truyền giáo luôn ý thức được rằng tác hiệu của việc truyền bá phúc âm hóa xuất phát từ cuộc sống thánh thiện cũng như từ việc sâu xa kết hợp với Chúa Kitô”.
__________________
NGÀY 9 THỨ BA |
ĐTC GPII với tham dự viên cuộc họp thường niên của Học Viện Khoa Học Tòa Thánh về khoa học và tính cách sáng tạo
Thứ Hai 8/11/2004, ĐTC GPII đã gặp gỡ thành phần tham dự viên của cuộc họp thường niên của Học Viện Tòa Thánh Về Các Khoa Học. Sau đây là nguyên văn huấn từ của Ngài về khoa học và tính cách sáng tạo là chủ đề của cuộc họp năm nay.
Cùng Quí Bà và Quí Ông,
Quí Bạn thân mến,
1. Tôi hết sức hân hạnh chào đón các tôn vị thuộc phần tử của Học Viện Giáo Hoàng Về Các Khoa Học. Tôi cám ơn ông chủ tịch, Giáo Sư Nicola Cabibbo, đã thay mặt cho quí vị để hết lời chào chúc tôi.
Những cuộc họp của Học Viện này bao giờ cũng là một cơ hội để làm cho nhau thêm thăng tiến, ở, trong một số trường hợp, đã mang lại những nghiên cứu có ích lợi quan trọng cho Giáo Hội cũng như cho thế giới văn hóa. Những việc khởi xướng này đã đóng góp vào cuộc đối thoại tốt đẹp hơn giữa Giáo Hội và cộng đồng khoa học. Tôi tin tưởng rằng những nghiên cứu ấy sẽ dẫn đến một cuộc tìm hiểu sâu xa hơn nữa về các sự thật của khoa học cũng như về các sự thật của đức tin, những sự thật cuối cùng qui về một Sự Thật duy nhất được tín hữu nhận biết nơi tầm vóc trọn vẹn của nó trên dung nhan của Chúa Giêsu Kitô.
2. Khóa họp thường niên năm nay, bàn đến vấn đề khoa học và tính cách sáng tạo, đã tạo nên những vấn đề quan trọng hết sức liên quan tới chiều kích thiêng liêng của con người. Nhờ văn hóa và hoạt động sáng tạo mà con người có khả năng trổi vượt trên thực tại thể chất và “nhân bản” hóa thế giới chung quanh chúng ta. Mạc khải dạy rằng con người nam nữ được dựng nên theo “hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa” (x Gen 1:26), nhờ đó họ có một nhân vị đặc biệt khiến họ, nhờ việc họ làm, phản ảnh hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa (x. Laborem Exercens, 4). Thực sự con người cần phải trở nên “thành phần đồng sáng tạo” với Thiên Chúa, khi sử dụng kiến thức và năng khiếu của mình để hình thành một vũ trụ luôn luôn hướng đến chỗ hoàn thành dự án thần linh (x Gaudium et Spes, 34). Tính cách sáng tạo này của con người được đặc biệt thể hiện nơi việc theo đuổi kiến thức cũng như việc nghiên cứu khoa học. Là một thực tại thần linh, tính cách sáng tạo như thế cần phải được thực hiện một cách hữu trách; nó đòi phải tôn trọng lãnh vực tự nhiên, nhất là tôn trọng bản tính của mỗi một con người, vì con người là chủ thể và là cùng đích của nó.
Tính cách sáng tạo, một tính cách phấn khích sự tiến bộ của khoa học, đặc biệt được chứng tỏ cho thấy nơi khả năng đương đầu và giải quyết những vấn đề và những trục trặc mới mẻ chưa từng có, trong đó có những vấn đề và những trục trặc tái hiện trên thế giới. Con người nam nữ của khoa học gặp khó khăn trong việc sử dụng tính cách sáng tạo này mỗi ngày một phục vụ gia đình nhân loại hơn, ở chỗ cải tiến phẩm chất của sự sống trên mặt đất của chúng ta đây cũng như bằng cách cổ võ một thứ phát triển toàn diện con người, cả về phương diện thể lý lẫn tinh thần. Nếu tính cách sáng tạo của khoa học mang lại lợi ích đích thực cho sự tiến bộ của loài người thì nó không được dính dáng tới mọi hình thức liên quan tới tài chính hay ý hệ, nhờ đó nó mới có thể thuần túy dấn thân một cách vô tư vào việc tìm kiếm sự thật cùng với việc phục vụ nhân loại một cách bất vụ lợi. Tính cách sáng tạo và những khám phá mới mẻ phải làm sao để đưa cả cộng đồng khoa học và các dân tộc trên thế giới lại với nhau, trong một bầu khí hợp tác đặt nặng việc quảng đại chia sẻ về kiến thức hơn là vấn đề cạnh tranh và lợi lộc riêng tư.
3. Đề tài cho cuộc họp của anh chị em đây mời gọi việc suy nghĩ lại về “những đường lối khám phá”. Thật vậy, tiến trình khám phá có một lý lẽ nội tại sâu xa của nó. Các khoa học gia tiến đến với thiên nhiên tạo vật bằng một niềm xác tín là họ đang đối diện với một thực tại mà họ không sáng tạo song lãnh nhận, một thực tại dần dần hiện tỏ ra trước việc họ nhẫn nại vấn nạn. Họ cảm thấy, thường một cách mặc nhiên thôi, là thiên nhiên tạo vật chất chứa một Thần Ngôn Logos kêu gọi họ đối thoại. Khoa học gia tìm cách đặt ra những câu hỏi về thiên nhiên, đồng thời vẫn giữ thái độ khiêm tốn chấp nhận, thậm chí thái độ chiêm ngưỡng vấn đề của nó. “Cái ngỡ ngàng”, một điều làm nẩy sinh ra việc suy tư về triết học về thiên nhiên tạo vật ngay từ ban đầu cũng như làm xuất phát chính khoa học, không thể nào lại bị suy giảm đi bởi những khám phá mới mẻ; thật thế, nó liên lỉ tăng phát và thường làm cho con người bàng hoàng trước khoảng cách tách biệt kiến thức của chúng ta với tầm vóc viên trọn nhiệm mầu và cao cả của thiên nhiên tạo vật.
Các khoa học gia biết chiêm ngưỡng, trước cái bừng lên của kiến thức và của những khám phá, thường cảm thấy rằng họ đang đứng trước một chân trời vĩ đại vô biên. Thật vậy, vẻ đẹp bất khả khôn dò của thiên nhiên tạo vật, với những gì nó hứa hẹn mang lại những khám phá mới chưa từng có, có thể được thấy như là những gì vượt ra ngoài chính nó hướng đến Đấng Hóa Công là vị đã ban nó cho chúng ta như là một tặng ân chất chứa những bí mật cần được khám phá. Trong việc nỗ lực ý thực được ân này và khôn ngoan sử dụng nó một cách đứng đắn, khoa học liên lỉ gặp gỡ một thực tại được loài người “tìm thấy”. Ở hết mọi thời kỳ khám phá của khoa học, thiên nhiên tạo vật vẫn là một điều được “ban tặng”. Đó là lý do tính cách sáng tạo và sự tiến trên đường khám phá, cũng như trong tất cả mọi nỗ lực khác của con người, cuối cùng cần phải được ý thức trước một bối cảnh của chính mầu nhiệm thiên nhiên tạo vật (cf. "Laborem Exercens," 12).
4. Quí phần tử của Học Viện Tòa Thánh Về Các Khoa Học thân mến, một lần nữa, năm nay tôi nguyện chúc cho hoạt động của anh chị em làm nhân danh sự tiến bộ của kiến thức cũng như cho lợi ích của gia đình nhân loại được tốt đẹp. Chớ gì những ngày suy tư và bàn luận này trở thành một nguồn mạch thăng tiến về tâm linh của tất cả mọi người trong anh chị em. Bất chấp những gì chưa được nắm vững cũng như công khó trong việc hết sức nỗ lực để cố gắng giải thích cái thực tại chưa hiểu được ấy, chẳng những nơi các khoa học mà còn nơi cả triết học và thần học nữa, những đường lối khám phá bao giờ cũng là những nẻo đường dẫn đến sự thật. Và hết mọi người tìm kiếm chân lý, cho dù ý thức hay chăng, đang theo con đường cuối cùng dẫn đến với Thiên Chúa là chính Sự Thật (cf. "Fides et Ratio," 16, 28). Chớ gì việc anh chị em nhẫn nại và khiêm tốn đối thoại trao đổi với thế giới thiên nhiên tạo vật mang lại hoa trái nơi những khám phá mới mẻ chưa từng thấy cũng như nơi việc tri ân cảm tạ chân thành về những sự lạ lùng khôn tả của nó. Tôi xin phúc lành khôn ngoan, hoan hỉ và bình an của Thiên Chúa xuống trên anh chị em và gia đình của anh chị em.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 8/11/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)
Tòa Thánh Vatican với vấn đề Hỗ Trợ và Nâng Đỡ Thành Phần Yếu Kém Nhất
ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước, hôm Thứ Ba 5/10/2004, đã trình bày nhận định và quan điểm của Giáo Hội Công Giáo với tiểu ban của Đại Hội Đồng LHQ phụ trách nghiên cứu về “Việc Phát Triển Xã Hội, bao gồm Những Vấn Đề Liên Quan Đến Tình Trạng Xã Hội Trên Thế Giới cũng như Đến Giới Trẻ, Người Già, Thành Phần Khuyết Tật và Gia Đình”. Sau đây là nguyên văn bài trình bày của ngài.
Thưa Ông Trưởng Ban,
Ở Liên Hiệp Quốc, chúng ta thường nghe về việc phát triển nói chung, nhưng có lẽ cần phải nhấn mạnh riêng đến việc phát triển về xã hội. Một khi chúng ta nghĩ đến những mục tiêu của tổ chức cao quí này, chúng ta nhận thức rằng con người là tâm điểm của tất cả những gì chúng ta làm. Vấn đề phát triển con người là vấn đề hợp với việc thiết lập hòa bình và an ninh và đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập hòa bình và an ninh.
Qua giòng thời gian, một số lực lượng toàn cầu hóa đã làm trầm trọng hơn nữa những gì là bất an ninh liên quan tới tình trạng nghèo khổ và mỏng dòn yếu kém. Giới trẻ, người già, thành phần khuyết tật, thành phần bản xứ, thành phần di dân, nữ giới và gia đình, tất cả đã bị loại trừ ở một mức độ khác nhau nào đó, và càng ngày càng đi đến chỗ nghèo khổ. Việc tiến bộ về kinh tế tự nó không đủ, mà còn phải được kèm theo cả sự tiến bộ về xã hội chính trị nữa, một thứ tiến bộ sẽ bảo đảm là yếu tố về những lợi lộc chung đều có mục đích xã hội. Theo ý nghĩa này thì những cơ cấu qui chế và những dự án phát triển, cả ở lãnh vực quốc gia lẫn quốc tế, phải tạo nên một môi trường thuận lợi giúp vào việc hòa hợp xã hội, vào phương tiện hưởng những dịch vụ xã hội căn bản, giáo dục và việc chăm sóc sức khỏe cần thiết, vào việc bảo trì đời sống gia đình, vào việc cổ võ và bảo vệ quyền lợi cùng những quyền tự do nồng cốt của con người, nhờ đó tất cả mọi người làm chủ được việc phát triển của họ.
Chúng ta cũng được một số tuyên ngôn quan trọng do tổ chức Liên Hiệp Quốc ban hành trong thập niên vừa qua nhắc nhớ đến động lực thúc đẩy việc thực hiện phát triển xã hội.
Đại biểu tôi đây lấy làm mãn nguyện khi thấy chúng xuất hiện ở các văn kiện từ Hội Nghị Copenhagen đến Hội Nghị Johannesburg, vì chúng tôi tin tưởng nơi việc phát triển tập trung vào con người cũng như nơi việc phát triển làm hiện thực khả năng của con người. Một nhãn quan như thế đòi phải tiến từ chỗ duy hỗ trợ đến chỗ tăng quyền lực. Tức là xa lìa một thức chính sách làm cho con người hay nhóm người được coi như là những đối tượng cần phải nhúng tay vào can thiệp, đến chỗ họ trở thành những vai chính trong việc phát triển của họ. Việc làm cho họ trở thành tâm điểm của mối quan tâm cũng bao gồm cả việc nhìn nhận những khả năng của họ và những tiềm năng của họ nữa.
Thưa Ông Trưởng ban, xin cho phép tôi được tập trung vào một số vấn đề đặc biệt liên quan đến việc phát triển xã hội. Các chính sách về xã hội để bảo vệ những cá nhân yếu kém sẽ có ý nghĩa và hiệu nghiệm nếu chúng có khả năng củng cố những nhóm tự nhiên về xã hội, như những cộng đồng nhỏ và gia đình, và nếu chúng làm phát sinh một cảm quan về trách nhiệm nơi xã hội dân sự hướng về thành phần yếu kém. Người ta cũng phải nhìn nhận bản chất xã hội của trẻ em, của người già và của thành phần khuyết tật. Chỉ có việc kiến tạo và tăng quyền lực của một hệ thống xã hội đa diện, được bắt đầu từ gia đình và được thấy ở những tầng lớp khác nhau khắp xã hội, mới tăng thêm quyền lực cho những ai vốn bị bỏ mặc.
Tòa Thánh, một lần nữa, kêu gọi việc chú trọng đến vấn đề bảo vệ gia đình. Đại biểu tôi đây hết sức tin tưởng rằng “Con người nam nữ thành nhân, bất kể chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo, đều có quyền lập thành hôn và lập gia đình”. Bởi thế, đại biểu tôi đây đã hăng say tham dự vào cuộc kỷ niệm 10 năm Năm Quốc Tế Về Gia Đình, một cuộc kỷ niệm được coi như là một cơ hội ý nghĩa nhất để tiếp tục bàn bạc những vấn đề có thể giúp kiên cường vai trò của gia đình trong thế giới ngày nay.
Tòa Thánh chủ động dấn thân vào công việc hiện nay để soạn dọn một Bản Hiến Chương Quốc Tế Tổng Quan Và Thống Nhất Về Việc Bảo Vệ Và Cổ Võ Các Quyền Lợi Và Phẩm Vị Của Thành Phần Khuyết Tật, và mong sao cho việc soạn thảo bản hiến chương này sẽ góp phần bảo vệ hơn nữa quyền lợi của những ai liên hệ. Những gì đáng lo âu hiện nay chính là làm sao để những cá nhân ấy được quyền hoàn toàn trở thành phần tử của xã hội. Công việc soạn dọn bản hiến chương này phải trở thành động cơ giúp chúng ta chú trọng đến những lợi ích thực sự cũng như những quan tâm của thành phần khuyết tật.
Trong một xã hội giầu về kiến thức khoa học và kỹ thuật, hiện nay người ta có thể làm hơn thế nữa bằng nhiều cách thức khác nhau cần thiết cho việc dân chúng chung sống: từ việc nghiên cứu về sinh bệnh học đến việc ngăn ngừa các thứ tật nguyền, đến việc chữa trị, trợ giúp, phục hồi và tân hội nhập mới vào xã hội. Bản hiến chương này đang đưoơc soạn thảo thuận lợi cho thành phần khuyết tật, nhờ đó họ có thể hoàn toàn hưởng được quyền sống, những gì cần phải được bảo đảm cho tất cả mọi người.
Tôi xin đoan hứa cùng các vị đại biểu là Tòa Thánh sẽ tiếp tục hoạt động hướng về một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, bằng việc nhìn nhận phẩm vị con người mà tất cả chúng ta đều có.
Xin cám ơn Ông Trưởng Ban.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 10/10/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)