GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 12/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.
__________________
NGÀY 10 THỨ SÁU |
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Một Mẫu Gương Mục Tử chăn dắt đàn chiên
Sau đây là cuộc phỏng vấn của Zenit với ĐTGM Milwaukee Timothy Dolan theo những gì vị TGM này nhận định về ĐTC liên quan đến vai trò giám mục. Theo vị TGM này thì các vị giám mục khó có thể chu toàn được ba sứ vụ (quản trị, thánh hóa và ngôn sứ) của mình, ngoại trừ nơi ĐTC GPII. Vị TGM này cho biết tác phẩm của ĐTC “Đứng lên, nào chúng ta đi” về kinh nghiệm làm giám mục của ĐTC, và tông huấn “Mục Tử chăn dắt Đàn Chiên - Pastores Gregis” hậu thượng hội giám mục thế giới về chủ đề giám mục, đã là những gì giúp cho các vị giám mục xét lại lương tâm của mình nói chung, và cho bản thân của vị TGM này nói riêng.
Vấn: Tác phẩm “Đứng lên, nào chúng ta đi” và tông huấn mới đây của ngài “Pastores Gregis- Mục Tử chăn dắt Đàn Chiên” đã ảnh hưởng tới quan niệm của đức tổng giám mục ra sao về vai trò làm giám mục?
Đáp: Chúng đã ảnh hưởng đến quan niệm của tôi về vai trò làm giám mục rất nhiều và qua nhiều cách thức.
Trước hết, cả hai thứ này, tác phẩm “Đứng lên, nào chúng ta đi” (Warner Books) và tông huấn hậu thượng hội giám mục về giám mục của ngài “Pastores Gregis” đã nhấn mạnh đến nhu cầu mãnh liệt đối với việc nên thánh và nguyện cầu nơi một vị giám mục. Đọc những bài phản tỉnh của ĐTC về thừa tác vụ giám mục của ngài, người ta hết sức ngỡ ngàng trước những gì ngài làm.
Thế nhưng, vấn đề rất rõ ràng ở đây đó là trước khi các giám mục chúng tôi có thể làm những điều gì thì chúng tôi phải trở thành một người nào đó. Chúng tôi phải hiệp nhất với Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Chúng tôi phải tiến bước trên con đường thánh đức. Chúng tôi phải là những con người cầu nguyện. Chúng tôi phải ý thức được việc chúng tôi đồng hình tượng với Chúa Giêsu.
Đường lối duy nhất chúng tôi có thể trở thành những gì chúng tôi được kêu gọi làm những vị giám mục đó là bằng việc nguyện cầu và nhờ các phép bí tích.
Đức Thánh Cha là một con người thiết tha nguyện cầu. “Pastores Gregis” nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại tới nhu cầu cần thiết của việc cầu nguyện thường xuyên, sâu xa và liên lỉ trong đời sống của vị giám mục. Dân Chúa cần thấy vị giám mục của mình sống đời cầu nguyện. Có Chúa biết Đức Thánh Cha kêu gọi chúng tôi làm nhiều thứ; được gọi là thừa tác vụ. Thế nhưng tất cả những gì chúng tôi làm chỉ sinh hoa trái, chỉ hiệu nghiệm, chỉ đầy ý nghĩa nếu nó phát xuất từ những gì chúng tôi là.
Những con người làm giám mục là thành phần đồng hình tượng với Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành ở ngay cốt lõi bản thân chúng tôi. Mà cách thức duy nhất để làm điều này đó là bằng việc cầu nguyện, Thánh Thể, bí tích hòa giải, suy niệm Lời Chúa, đọc sánh thiêng liêng, tĩnh tâm và những ngày hồi tâm.
Tôi bao giờ cũng dâng Lễ mỗi Chúa Nhật ở Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Gioan Thánh Ký ở TGM Milwaukee đây vào lúc 8 giờ sáng. Cách đây không lâu, sau Thánh Lễ, có người nói cùng tôi rằng, “Thưa ĐTGM, con muốn ngài biết rằng điều ngài làm đó đã ảnh hưởng đến con và đã gây tác dụng tốt trên con”.
Tôi tưởng người nữ này nói về việc tôi viếng thăm ai đó trong bệnh viện hay việc tôi phát đồ ăn cho người nghèo, hoặc là một trong những bài giảng của tôi hay một dự án nào đó của tôi. Tôi hoàn toàn bỡ ngỡ khi người nữ này nói với tôi rằng điều người nữ ấy đã bị tác động nhất đó là việc thấy tôi đang nguyện Kinh Thần Vụ trước Nguyện Đường Thánh Thể trong vương cung thánh đường này nửa tiếng trước Thánh Lễ sáng Chúa Nhật của tôi.
Bấy giờ tôi không hề nghĩ rằng điều này đã gây được một tác động trên người nào đó. Thế mà nó có đấy.
Đối với người nữ này, khi thấy tôi là một giám mục nghiêm chỉnh nguyện cầu – đối với người nữ ấy khi biết rằng tôi nhìn nhận là tôi chẳng có gì tốt lành nếu tôi không hoàn toàn cậy dựa vào ân sủng và tình thương của Chúa – đã là những gì nói lên rất nhiều với người nữ này. Đó là vấn đề truyền bá phúc âm hóa. Bởi vậy mà điều đầu tiên vị Giáo Hoàng này đã dạy tôi trong tác phẩm mới nhất của ngài, đó là tôi phải thánh thiện.
Thứ đến, tôi đã học được từ những gì ngài viết về quyền lực của sự hiện diện. Vị Giáo Hoàng này biết rằng việc dân chúng muốn thấy vị giám mục của mình, muốn ở với vị giám mục của họ, là vấn đề rất quan trọng. Các vị linh mục biết đây là điều xác thực nơi thừa tác vụ mục vụ của họ. Các lãnh đạo viên mục vụ biết điều ấy, và các vị giám mục cũng biết như vậy.
Chúng tôi là thành phần giống như Cal Ripkens, một tay đấu banh thuộc đội Baltimore Orioles, người chỉ hiện diện hết mọi trận đấu và đã phá kỷ lục chỉ vì việc liên lỉ của mình. Anh ta chỉ cần ở đó. Hầu hết cuộc đời của anh ta chỉ là một cuộc hiện diện. Đối với một vị giám mục cũng thế, chúng tôi cần hiện diện. Chúng tôi cần ở với dân của mình. Họ cần thấy chúng tôi, càng gần gũi càng hay.
Họ cần thấy chúng tôi ở những cuộc hội lễ, ở các bệnh viện, tại các học đường, dâng Lễ, cử hành các phép bí tích và giảng dạy.
Đức Thánh Cha quả đã thực hiện điều này một cách anh hùng khi còn là tổng giám mục Krakow. Ngài cũng đang thực hiện điều này một cách anh dũng với tư cách là Giám Mục Rôma và ngài đang dạy chúng tôi về quyền năng của việc hiện diện.
Tôi nghĩ rằng sứ điệp thứ ba tôi học được với tư cách là một vị giám mục cả nơi cuốn “Đứng lên, nào chúng ta đi” cũng như trong tông huấn “Mục Tử chăn dắt đàn chiên” đó là nhu cầu cần phải trở thành một tác nhân thực sự của việc truyền bá phúc âm hóa văn hóa.
Như quí vị thấy, Đức Thánh Cha đã biết rằng ngài cần phải dạy trong đại học đường. Ngài đã cần phải gặp gỡ các tay trí thức. Ngài đã cần phải ở đó với các thi sĩ, các khoa học gia, các giáo chức. Tất cả những ai đóng vai trò đào luyện trí khôn, cõi lòng và linh hồn trong xã hội và nơi văn hóa đều phải được truyền bá phúc âm hóa. Điều này dạy cho tôi một điều gì đó với tư cách làm giám mục, vì tôi không biết cách làm sao thực hiện việc ấy cho khéo. Đôi khi tôi nghĩ rằng tôi nên giành việc đó cho những người khác làm.
Thế nhưng, những vị giám mục chúng tôi cần phải liên hệ với văn hóa, nhờ đó, hết mọi thành phần đóng vai trò bình thường nơi văn hóa, dù là làm truyền thông, là nghệ sĩ, là khoa học gia, là giáo chức, là chính trị gia, là các đầu não thương trường, là các nhà lãnh đạo dân sự, các nhà nghiên cứu, tất cả đều cần đến men Phúc Âm. Vị giám mục có phận sự hệ trọng cần phải đến với họ, mang sứ điệp phúc âm hóa, sứ điệp cứu độ của Chúa Giêsu Kitô và của Giáo Hội Người đến cho văn hóa.
Vấn: Đức Gioan Phaolô II đã từng làm gương về vai trò đa diện của một vị giám mục cả ở Krakow cũng như ở Rôma như thế nào?
Đáp: Ngài là một bậc thày giỏi. Ngài đã giảng dạy trong các đại học và ngài biết rằng một ông thày đôi khi gây ảnh hưởng bởi những điều ngài làm hơn là những gì ngài nói. Bởi thế mà ngài đã làm gương sáng.
Khi tôi trở lại Rôma làm viện trưởng Đại Học Bắc Mỹ vào năm 1994, tôi đã ra ngoài bách bộ vào một buổi sáng sớm Chúa Nhật. Đột nhiên tôi thấy cảnh sát ở các ngả đường, đang ngăn chặn việc lưu thông nhẹ nhàng qua lại ở đó bấy giờ.
Thấy một chiếc xe có nhân viên hộ tống tiến đến, tôi hỏi người cảnh sát đó là ai vậy. Anh ta đáp: “Ô, đó là Đức Giáo Hoàng. Ngài đi đến một giáo xứ ở Rôma vào mỗi sáng Chúa Nhật – ít là những Chúa Nhật ngài không cử hành Lễ công cộng ở Đền Thờ Thánh Phêrô – và ngài cử hành Lễ với các tín hữu trong giáo xứ”.
Ngài thấy được quyền năng của sự hiện diện. Ngài đã làm điều đó ở Krakow, việc ngài viếng thăm các giáo xứ, việc ngài ở với dân chúng. Ngài làm gương như thế đó.
Vai trò đa diện của một vị giám mục, được thấy rõ ràng trong tông huấn “Mục Tử chăn dắt đàn chiên”, là một yếu tố lớn của “sứ vụ”, đó là trách nhiệm, là nhiệm vụ, là sứ vụ của một vị giám mục trong việc giảng dạy, quản trị và thánh hóa. Vị Giáo Hoàng này đã dạy chúng tôi rằng chúng tôi cần phải giảng dạy một cách minh bạch, xác tín và bao giờ cũng bằng lòng cảm thương, những chân lý vượt thời gian của Chúa Giêsu và của Giáo Hội Người.
Sau nữa, ngài dạy chúng tôi về tầm quan trọng của việc quản trị. Chúng tôi cần phải bảo đảm là các giáo phận được cai quản một cách tốt đẹp, là đang có tính cách bảo quản lành mạnh, là chúng tôi tin tưởng thành phần hợp tác viên có thể hỗ trợ chúng tôi theo đặc sủng quản trị vì dân chúng cần thấy nơi chúng tôi một vai trò lãnh đạo khôn ngoan và vững chắc.
Nhiệm vụ thứ ba được vị Giáo Hoàng này nhấn mạnh là thánh hóa. Dân chúng cần thấy chúng tôi cử hành các phép bí tích, tất cả các phép bí tích cho họ.
Trong cuốn “Đứng lên, nào chúng ta đi”, ĐTC đã đề cập tới cách hằng năm ngài phải làm sao để công khai cử hành đầy đủ 7 bí tích. Các giám mục chúng tôi thường cao cả ở việc cử hành Thánh Thể, cử hành thêm sức và cử hành bí tích truyền chức thánh.
Thế nhưng, chúng tôi cần cử hành tất cả 7 bí tích nữa. Dân của chúng tôi cần nhìn thấy chúng tôi rửa tội, xức dầu kẻ liệt, làm phép hôn phối, giải tội. Việc cử hành tất cả 7 phép bí tích là một phần thuộc “sứ vụ” thánh hóa của chúng tôi.
Phải, đó là “sứ vụ” tam diện, một vai trò đa diện của vị giám mục trong việc giảng dạy, quản trị và thánh hóa, tôi thấy được nơi gương của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở cả Krakow lẫn Rôma vậy.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 6-7/12/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)
(còn tiếp)
Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc về Việc Chống Nghèo Khổ trong vấn đề “Kiểm Điểm Thành Quả Thượng Hội Ngàn Năm”.
ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước, hôm Thứ Ba 23/11/2004, đã trình bày nhận định và quan điểm của Giáo Hội Công Giáo trước Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong vấn đề: “Kiểm Điêăm Thành Quả Cuộc Họp Thượng Đỉnh Ngàn Năm”. Sau đây là nguyên văn bài trình bày của ngài.
Thưa Ông Chủ Tịch,
Đại biểu tôi đây xin cám ơn ông và văn phòng của ông chẳng những về việc làm dễ dàng hóa vấn đề kiểm điểm xem việc dấn thân của mọi người để thực hiện các mục đích được quốc tế đồng ý ở Cuộc Họp Thượng Đỉnh Ngàn Năm, mà còn tạo cơ hội để nâng đỡ ý muốn chính trị rất cần cho vấn đề này.
Xin cũng cho tôi được lên tiếng mừng cho những quốc gia đã nộp các bản tường trình hành sự cho thấy những qui chế và chương trình quốc gia và toàn cầu của họ liên quan tới vấn đề giảm nghèo, bản tường trình chứng thực trong tiến trình này uy tín và liêm tính của họ. Những qui chế ấy, hướng đến việc đạt được mục tiêu cũng như đến lộ trình đặc biệt của những đích điểm phát triển ngàn năm (MDGs: millennium development goals), là những gì bảo đảm rằng các đích điểm vào năm 2015 không phải chỉ là một bản liệt kê ước muốn suông.
Thật là phấn khởi khi nghe thấy từ các vị đại biểu trước đây nói đến việc họ dấn thân cho vấn đề phát triển mang bộ mặt con người. Thật vậy, những mối liên hệ hình thành giữa các thứ nhân quyền và việc phát triển, cũng như việc nhìn nhận các quyền tự do căn bản và bình đẳng trước luật pháp, là những gì loại trừ đi nhiều cuộc xung khắc võ lực đe dọa những niềm hy vọng mong thể hiện các thứ quyền lợi về kinh tế và xã hội.
Mức tiến bộ trong việc hoàn thành những đích điểm phát triển ngàn năm đã được đạt tới nơi những xứ sở vốn đã có thể đề ra được một tiến trình quan trọng cho việc phát triển về kinh tế, giúp họ có thể tự trả cho cái giá về kinh tế của những đích điểm phát triển ngàn năm. Người ta nói rằng việc viện trợ hiếm hoi về kinh tế cùng với những điều kiện kinh tế trên thế giới đã không giúp cho các quốc gia nghèo khổ nhất có thể đạt được những mục tiêu quan trọng nhất nơi vấn đề giáo dục, sức khỏe và phương tiện nước nôi và vệ sinh.
Năm ngoái, tổng số viện trợ chính thức là 68.5 tỉ Mỹ kim, tức là vào khoảng .25% từ tổng lợi tức quốc gia của các nước góp phần ủng hộ, nên vẫn còn xa với đích điểm viện trợ dài hạn đã được thỏa thuận với nhau là .7% tổng sản lượng quốc gia. Thật vậy, nhiều việc viện trợ thực tế sắp tới cho thấy không nhắm vào các nhu cầu căn bản của các xứ sở nghèo khổ nhất. Khả năng của các quốc gia nghèo khổ nhất này, hầu hết ở Phi Châu, trong việc kiếm được lợi tức xuất cảng và tài chính bị bớt xén bởi các thứ tiền trợ cấp xuất cảng của các quốc gia giầu có cũng như bởi những thứ quan thuế đánh trên các thứ đồ xuất cảng của Phi Châu, đôi khi 10 lần cao hơn những thứ quan thuế đánh trên các sản vật trong khối các quốc gia OECD.
Bởi thế, việc thành đạt của các nỗ lực toàn cầu hướng về hòa bình và phát triển được Đích Điểm thứ 8 nhấn mạnh ấy là những gì chắc chắn có liên quan tới nhãn quan chính xác về vai trò của Liên Hiệp Quốc cũng như về trách nhiệm tối hậu của các chính phủ.
Liên Hiệp Quốc hoàn thành một phần quan trọng trong sứ vụ của mình khi tỏ ra ủng hộ và phấn chấn các quốc gia, khiến họ có thể thực hiện tốt đẹp hơn những quyết tâm họ tỏ ra trong các cuộc diễn đàn quốc tế. Cũng thế, chắc hẳn các quốc gia phát triển nắm giữ một vai trò chín h yếu trong việc tăng quyền lực cho các quốc gia nghèo khổ nhất để đạt tới những đích điểm phát triển ngàn năm. Nếu vấn đề này được thực hiện một cách đúng đắn thì các nhà lãnh đạo quốc gia phải tái ý thức quan niệm về chủ quyền theo nhãn quan liên hệ với một thứ trách nhiệm toàn cầu mới. Nhờ đó, vấn đề chủ quyền sẽ bao gồm cái quan niệm là các quốc gia đang phát triển bao giờ cũng phải tham dự vào các quyết định về các dự phóng liên quan tới những lãnh thổ riêng của họ.
Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc cũng cần phải đóng vai trò lãnh đạo khôn ngoan nữa. Vấn đề này bao gồm việc xây dựng việc hợp tác mạnh mẽ và loại trừ đi các thứ đối đầu và tranh đua bất lợi giữa các cơ quan với nhau, trái lại, nhắm đến các đích điểm chung.
Vai trò quan trọng khác của Liên Hiệp Quốc nữa đó là giúp làm sao để bảo đảm được rằng các tư tưởng quan trọng mới mẻ cần phải được nói lên thay vị bị loại trừ. Vai trò lãnh đạo mạnh mẽ trong Liên Hiệp Quốc cũng có nghĩa là cần phải thực hiện những việc để làm cho việc cai trị quốc gia và quốc tế thích thuận với nhau hơn nữa. Nói cách khác, việc quản trị quốc gia tốt đẹp cần phải được bù đắp và nâng đỡ bởi việc quản trị tốt đẹp trong lãnh vực quốc tế.
Những cuộc họp cao cấp của ECOSOC với những tổ chức Bretton Woods và WTO cần phải tiếp tục hoạt động hướng đến việc điều hợp hơn nữa cho lợi ích của người nghèo, hướng đến những thứ thành quả không được coi chúng như là một thứ hành sử về lý trí mà là một thứ trách nhiệm đích thực bất khả đảo ngược.
Thưa Ông Chủ Tịch,
Khi 171 chính phủ, từ Bắc và Nam ký kết vào Bản Tuyên Ngôn Ngàn Năm trong Tổng Hội Đồng hồi Tháng 9/2000 thì bấy giờ người ta đã cảm thấy vấn đề khẩn trương rồi. Tòa Thánh liên kết mình với những đích điểm có tính cách thánh đố Năm Thánh ấy. Về sau cái động lượng này được linh động khắp thế giới bởi những thứ chuẩn hiệu, những hạn định, những cuộc vận động, những mục tiêu cùng những lời bảo chứng đo đếm được được bộc tỏ ở hằng loạt các cuộc họp sau đó. Việc thi hành hướng đến các đích điểm ngàn năm sẽ được kiểm điểm vào năm tới để xem những lời hứa quyết đang tiến hành thế nào trong việc tiến đển chỗ đạt được những mục tiêu. Tuy nhiên, những cuộc họp thượng đỉnh này sẽ phát động lý tưởng hòa bình chỉ khi nào những quyết tâm tỏ bày trong các cuộc họp ấy thực sự được tôn trọng mà thôi.
Xin cám ơn Ông Chủ Tịch.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 24/11/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)