GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 12/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.
__________________
NGÀY 11 THỨ BẢY, NGÀY THÁNH MẪU TRONG NĂM THÁNH THỂ |
Cảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể
(TIẾP 3 Thứ Bảy 13, 20, 27/11)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVLCảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể, ở chỗ tin tưởng vào việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể (khoản số 54):
• Nếu Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin hoàn toàn vượt trên sự hiểu biết của chúng ta, đến nỗi đòi chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng vào lời Chúa, thì không còn ai như Mẹ Maria đã tác hành để nâng đỡ và hướng dẫn chúng ta trong việc dọn mình này. Khi lập lại những gì Chúa Kitô đã làm ở Bữa Tiệc Ly theo lệnh truyền của Người: ‘Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày!’, chúng ta cũng chấp nhận lời mời gọi của Mẹ Maria trong việc mau mắn vâng lời Người: ‘Hãy làm theo những gì Người bảo’ (Jn 2:5). Bằng cùng một mối quan tâm từ mẫu được Mẹ tỏ ra ở tiệc cưới Cana, Mẹ Maria dường như muốn nói với chúng ta rằng: ‘Đừng ngần ngại; hãy tin tưởng vào những lời nói của Con Mẹ. Nếu Người có thể biến nước thành rượu thì Người cũng có thể biến bánh và rượu thành mình và máu của Người, để rồi, qua mầu nhiệm này, Người trao tặng cho các tín hữu việc tưởng niệm sống động về cuộc vượt qua của Người, hầu trở thành ‘bánh sự sống’”. (người viết tự ý cho đậm chữ lên là để nhấn mạnh ý chính).
Cảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể, ở chỗ tin tưởng Chúa Giêsu hiện diện của trong Bí Tích Thánh Thể (khoản số 55.1 và 55.2):
• “Ở một nghĩa nào đó, Mẹ Maria đã sống đức tin Thánh Thể của Mẹ thậm chí ngay cả trước việc thiết lập Thánh Thể, ở chính sự kiện là Mẹ đã cống hiến cung long trinh nguyên của Mẹ cho việc Nhập Thể của Lời Thiên Chúa. Thánh Thể, dù là việc tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh, còn tiếp nối cả việc nhập thể nữa. Trong biến cố Truyền Tin, Mẹ Maria đã thụ thai Con Thiên Chúa về thể lý mình máu của Người, nhờ đó nơi Mẹ mới thể hiện trước những gì, ở một mức độ nào đó, cũng xẩy ra một cách bí tích nơi hết mọi tín hữu khi họ lãnh nhận mình máu Chúa dưới hình bánh rượu. Do đó mới có một cái tương tự sâu xa giữa tiếng Fiat được Mẹ Maria thưa cùng vị thiên thần và tiếng Amen được mọi tín hữu tuyên xưng khi lãnh nhận mình Chúa. Mẹ Maria cần phải tin rằng Đấng Mẹ thụ thai “bởi Thánh Linh” là “Con Thiên Chúa” (Lk 1:30-35). Tiếp nối đức tin của Vị Trinh Nữ này, nơi mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta cũng cần phải tin rằng cùng một Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và là Con Mẹ Maria ấy đã hiện diện nơi hình bánh và rượu với tất cả nhân tính và thần tính của Người. ‘Phúc cho em vì đã tin’ (Lk 1:45)”.
Cảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể, ở chỗ thiết tha lãnh nhận và tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể (khoản số 55.3):
• Mẹ Maria cũng mong đợi, nơi mầu nhiệm nhập thể, đức tin của Giáo Hội nơi Thánh Thể. Ở biến cố Viếng Thăm, khi cưu mang nơi cung lòng của mình Lời nhập thể, một cách nào đó, Mẹ đã trở thành một ‘nhà tạm’, ‘nhà tạm’ đầu tiên trong lịch sử, ở đó, Con Thiên Chúa, vẫn vô hình trước con mắt trần gian, để cho mình được bà Isave tôn thờ, khi thực sự chiếu tỏa ánh sáng của Người ra qua ánh mắt và giọng nói của Mẹ Maria. Ánh mắt ngất ngây của Mẹ Maria khi Mẹ chiêm ngưỡng dung nhan của hài nhi Kitô và khi Mẹ ôm ẵm Người trong tay của mình này không phải là một mô thức yêu thương khôn sánh tác động chúng ta mỗi lần chúng ta lãnh nhận Thánh Thể hay sao?”
Cảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể, ở chỗ Ngưỡng Vọng Thánh Thể về một Chúa Kitô Tử Giá như Mẹ (khoản số 56):
• “Mẹ Maria, trong suốt cuộc sống của Mẹ ở bên Chúa Kitô chứ không phải chỉ ở trên đồi Canvê, đã sống chiều kích hiến tế của Thánh Thể. Khi Mẹ mang con trẻ Giêsu lên Đền Thờ Giêrusalem ‘để hiến dâng Người cho Chúa’ (Lk 2:22), Mẹ đã nghe vị lão thành Simêon loan báo rằng con trẻ của Mẹ sẽ trở thành ‘một dấu hiệu xung khắc’ và lòng Mẹ sẽ bị một lưỡi gươm đâm thâu (x Lk 2:34-35). Thảm trạng về cuộc tử giá của Con Mẹ như thế đã được nói trước, và ở một nghĩa nào đó việc Mẹ Maria đứng dưới chân Thập Giá Mater Stabat đã được tiên báo. Trong cuộc hằng ngày sửa soạn đứng dưới chân thập giá ở đồi Canvê, Mẹ Maria đã cảm nghiệm được một thứ ‘ngưỡng vọng Thánh Thể’, có thể nói là ‘một cuộc hiệp thông thiêng liêng’ của ước muốn cũng như của việc tế thần là những gì sẽ đạt đến tuyệt đỉnh trong việc Mẹ hiệp với Con Mẹ nơi cuộc khổ nạn của Người, và rồi sau khi Con Mẹ Phục Sinh còn được thể hiện qua việc Mẹ tham dự Thánh Thể do các vị Tông Đồ cử hành để tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn ấy. Mẹ Maria thật sự cảm thấy ra sao khi Mẹ nghe phát ra từ môi miệng của Thánh Phêrô, Gioan, Giacôbê cũng như các vị Tông Đồ khác những lời đã được thốt lên trong Bữa Tiệc Ly: ‘Này là mình Thày sẽ hy hiến vì các con’ (Lk 22:19)? Thân mình được hiến ban cho chúng ta và hiện thực dưới các hình thể bí tích cũng là chính thân mình đã được Mẹ thụ thai trong cung lòng của Mẹ! Đối với Mẹ Maria, việc lãnh nhận Thánh Thể cần phải có một nghĩa nào đó là việc đón nhận một lần nữa vào lòng Mẹ trái tim đã từng đập cùng một nhịp với trái tim của Mẹ và là việc sống lại những gì Mẹ đã cảm thấy dưới chân Thập Tự Giá”.
Cảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể, ở chỗ tiếp nhận Tặng Ân Thánh Mẫu của Chúa Kitô Tử Giá (khoản số 57):
• “’Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày’ (Lk 22:19). Trong việc ‘tưởng niệm’ biến cố đồi Canvê tất cả những gì Chúa Kitô đã hoàn thành bằng cuộc khổ nạn và tử nạn của Người đều được hiện thực. Bởi thế, tất cả những gì Chúa Kitô đã làm với Mẹ của Người vì chúng ta cũng được hiện thực nữa. Người đã trao phó cho Mẹ người môn đệ yêu dấu, và nơi người môn đệ này, mỗi một người chúng ta: ‘Này là con Bà!’. Người còn nói với mỗi một người chúng ta rằng: ‘Này là Mẹ của con!’ (cf Jn 19:26-27). Vấn đề cảm nghiệm được việc tưởng niệm cuộc tử nạn của Chúa Kitô nơi Thánh Thể cũng có nghĩa là tiếp tục lãnh nhận tặng ân này. Nó có nghĩa là, như Thánh Gioan, chấp nhận vị được ban cho chúng ta một lần nữa như Người Mẹ của chúng ta. Nó còn có nghĩa là dấn thân cố gắng trở nên giống Chúa Kitô, nhập trường học của Mẹ Người và để Mẹ hỗ trợ chúng ta. Mẹ Maria hiện diện, cùng với Giáo Hội và như Người Mẹ của Giáo Hội, ở mỗi cuộc cử hành Thánh Thể. Đó là lý do tại sao, từ thời xa xưa, việc tưởng nhớ đến Mẹ Maria vốn được bao gồm trong các cuộc cử hành Thánh Thể của Giáo Hội ở cả Đông lẫn Tây”.
Cảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể, ở chỗ sống thái độ Thánh Thể bằng Linh Đạo Thánh Mẫu để trở thành bài Ca Vịnh Ngợi Khen Tạ Ơn Chúa như Mẹ (khoản số 58):
• Nơi Thánh Thể, Giáo Hội hoàn toàn liên kết với Chúa Kitô cùng hiến tế của Người, và có cùng một tinh thần như Mẹ Maria. Sự thật này có thể hiểu được sâu xa hơn khi đọc lại Ca Vịnh Ngợi Khen theo yếu tố Thánh Thể. Thánh Thể, như bài Ca Vịnh Mẹ Maria, là lời chúc tụng và tạ ơn đệ nhất và trên hết. Khi Mẹ Maria than lên: “Linh hồn tôi chúc tụng Chúa và thần trí tôi hân hoan trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”, là lúc Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu trong lòng của Mẹ rồi. Mẹ chúc tụng Thiên Chúa “nhờ” Chúa Giêsu, nhưng Mẹ cũng chúc tụng Ngài “trong” Chúa Giêsu và “với” Chúa Giêsu. Đó chính là “thái độ Thánh Thể” thực sự vậy. Mẹ Maria đồng thời cũng nhắc lại những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử cứu độ để hoàn tất lời Ngài đã hứa với các vị tổ phụ (x Lk 1:55), và loan báo một kỳ công vượt trên tất cả mọi kỳ công đó là việc nhập thể cứu chuộc. Sau hết, Ca Vịnh Ngợi Khen còn phản ảnh cả chiều kích cánh chung của Thánh Thể nữa. Mọi lần Con Thiên Chúa lại đến với chúng ta nơi “cảnh bần cùng” của các hình thể bí tích là bánh và rượu thì các hạt giống của một giòng lịch sử mới lại được đâm rễ vào thế giới này, một lịch sử mà kẻ quyền năng “bị hạ xuống khỏi ngai tòa của mình” và “những ai thấp hèn được nâng lên” (cf. Lk 1:52). Mẹ Maria hát lên bài ca vịnh về “trời mới” và “đất mới” là những gì thể hiện nơi Thánh Thể việc trông ngóng của chúng, và ở một nghĩa nào đó, cả chương trình và dự án của chúng nữa. Ca Vịnh Ngợi Khen cho thấy linh đạo của Mẹ Maria, một linh đạo giúp chúng ta hơn hết trong việc cảm nghiệm thấy mầu nhiệm Thánh Thể. Thánh Thể được hiến ban cho chúng ta để cuộc sống của chúng ta, như cuộc sống của Mẹ Maria, có thể hoàn toàn trở thành một bài Ca Vịnh Ngợi Khen!
Kitô Hữu Công Giáo ở Iraq bị tấn công
Hôm Thứ Ba 7/12/2004, những kẻ tấn công đã vào nhà thờ Công Giáo lễ nghi Armenia ở vùng lân cận Wihda thuộc phía đông của thành phố. Theo các chứng nhân trình thuật thì những tay này đã tống một nhân viên an ninh và hai người khác đang ở đó bấy giờ ra ngoài, rồi cho nổ hai trái bom.
Khoảng 4:30 chiều, một nhóm bốn năm người võ trang đã xông vào dinh của vị giám mục Công Giáo theo lễ nghi Chaldean ở bên hữu ngạn Sông Tigris. Bấy giờ ĐTGM Paulos Faraj Rahho, 62 tuổi đang đi công tác mục vụ, chỉ có một linh mục duy nhất còn ở đó bấy giờ là cha Raghid Aziz Kara, người đã cho cơ quan AsiaNews biết rằng sau khi đuổi ngài ra khỏi tòa giám mục, những tay tấn công đặt chất nổ. Vị linh mục này nghe thấy 3 tiếng nổ và thấy tòa nhà bốc cháy.
Nhà Thờ Thanh Tẩy gần đó, nhà thờ cũng được những người Hồi Giáo tôn kính vì bức tượng Đức Mẹ nổi tiếng của nhà thờ này lại không hề bị tấn công. Cảnh sát đang điều tra nội vụ.
ĐTGM Fernando Filoni, khâm sứ tòa thánh ở Baghdad đã nói với cơ quan AsiaNews rằng những cuộc tấn công vào tòa giám mục cũng như vào nhà thờ Công Giáo Armenia là “những hành động trầm trọng và đê hèn phạm đến những biểu tượng và cơ cấu Kitô Giáo bất khả tự vệ”. Vị khâm sư ùtòa thánh này còn cho bietá nhà thờ Armenia ấy “đã được dự tính khai trương vào ngày Lễ Giáng Sinh”. Cuộc tấn công phạm đến nhà thờ ấy cho thấy “những kẻ khủng bố ít tôn trọng dân chúng và các nơi thánh ra sao. Ngài còn tiết lộ cho biết tòa giám mục ở Mosul này đã từng bị đe dọa tấn công “Hôm nay đã thực sự xẩy ra”.
Về hành động của Hoa Kỳ ở Fallujah, ĐTGM này nói rằng thành phần khủng bố tuyên bố là “họ sẽ phá hủy một nhà thờ bù vào một đền thờ bị tấn công. Thế nhưng, tất cả những hành động ấy phát xuất từ một thứ bạo động gây tàn bạo hơn đặc biệt nhắm vào thành phần bất khả tự vệ”.
Nghe tin này, ngày hôm sau, Lễ Mẹ Vô Nhiễm, 8/12/2004, sau khi nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC GP II đã lên tiếng như sau:
“Chiều hôm qua, ở Mosul, Iraq, một nhà thờ Công Giáo Armenia và dinh của đức giám mục lễ nghi Chaldean đã bị phá hủy. Tinh thần của tôi cảm thấy gắn bó với tín hữu đang bị chấn động bởi cuộc tấn công này, và xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Vị Trinh Nữ Vô Nhiễm, cho nhân dân yêu dấu Iraq cuối cùng được thấy một thời gian hòa giải và bình an.
Công Giáo Hoa Kỳ khen ngợi Tổng Thống Bush về dự khoản phò sự sống đã trở thành luật
Hôm Thứ Tư, chính vào ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2004, Tổng Thống Bush đã ký thành luật một dự luật là đạo luật cũng cấm tỏ ra kỳ thị với những nhà thương hay phục vụ viên không chịu cung cấp hay tham dự vào các vụ phá thai. Đó là đạo luật mới này mang tựa đề là Tu Chính Bảo Vệ Lương Tâm Hyde-Weldon.
Phát ngôn viên của hội đồng giám mục Hoa Kỳ là bà Cathey Cleaver Ruse thuộc văn phòng Hoạt Động Phò Sự Sống đã lên tiếng như sau:
“Chúng tôi hoan hô việc Tổng Thống Bush công nhận rằng các bệnh viện cũng như các nơi cung cấp việc chăm sóc sửc khỏe có quyền chọn không công cộng tác vào việc hủy diệt sự sống.
“Trên một triệu cuộc phá thai hằng năm được thực hiện bởi những nơi sẵn sàng cung cấp dịch vụ phá thai ở xứ sở này. Thật là quái gở khi đề nghị là các cơ quan Công Giáo cung cấp việc chăm sóc sức khỏe cũng như các cơ quan khác chủ trương những phản khắc về luân lý cần phải bị bắt buộc thi hành phá thai”.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Một Mẫu Gương Mục Tử chăn dắt đàn chiên (tiếp và hết)
Sau đây là cuộc phỏng vấn của Zenit với ĐTGM Milwaukee Timothy Dolan theo những gì vị TGM này nhận định về ĐTC liên quan đến vai trò giám mục. Theo vị TGM này thì các vị giám mục khó có thể chu toàn được ba sứ vụ (quản trị, thánh hóa và ngôn sứ) của mình, ngoại trừ nơi ĐTC GPII. Vị TGM này cho biết tác phẩm của ĐTC “Đứng lên, nào chúng ta đi” về kinh nghiệm làm giám mục của ĐTC, và tông huấn “Mục Tử chăn dắt Đàn Chiên - Pastores Gregis” hậu thượng hội giám mục thế giới về chủ đề giám mục, đã là những gì giúp cho các vị giám mục xét lại lương tâm của mình nói chung, và cho bản thân của vị TGM này nói riêng.
Vấn: Điều gì làm ĐTGM lạ lùng nhất về những câu truyện cá nhân của Đức Thánh Cha trong cuốn sách này?
Đáp: Có hai điều làm tôi thấy đáng kể.
Trước hết, cái ảnh hưởng sâu xa của nước Balan nơi ngài thật là sống động đến nỗi tôi không cần được thuyết phục mới chấp nhận điều này. Người ta nói rằng Balan là một xứ sở sâu xa Công Giáo. Văn hóa, xã hội, lịch sử, nghệ thuật và văn chương là tất cả những gì ăn sâu vào tính cách phong phú của Công Giáo.
Điều này ăn sâu vào tận xương tủy của bản thân Karol Jozef Wojtyla. Ngài đang để lộ ra một cách tuyệt vời cái nhãn hiệu phong phú, đạo hạnh và sống động của Công Giáo Tính Balan là những gì từng thu hút thế giới chung quanh ngài. Bởi thế, điều nổi bật đầu tiên về ngài ở chỗ con người này là người con hết sức sâu đậm của một nước Balan, và ngài hết sức yêu mến quê hương của ngài cũng như văn hóa của quê hương ấy.
Điều thứ hai nẩy lên nơi tôi sau khi đọc tác phẩm này đó là việc ngài sống thoải mái với thành phần giáo dân – ngài có biết bao nhiêu là bạn bè giáo dân, nhất là các gia đình và giới trẻ. Ngài rất thường nói về những người bạn linh mục của ngài, thế nhưng cuối cùng đặc biệt vẫn là những người bạn đã nuôi dưỡng đời sống của ngài, những người thuộc thành phần giáo dân.
Ngài đã ưa thích những cuộc đi cấm trại với giới trẻ, những lần đàm thoại với sinh viên, thích vui vầy với các cặp vợ chồng cùng gia đình của họ. Ngài sống rất tự nhiên với tất cả những người này.
Một lần nữa, với gương của mình, ngài đã thể hiện và phát động giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II, một giáo huấn về phận sự chính của một linh mục, do đó cũng là của một vị giám mục, là phục vụ giáo dân, là hiểu biết họ và mến thương họ, nhờ đó, họ có thể thi hành vai trò truyền bá phúc âm hóa của họ trong thế giới.
Vấn: Tư tưởng nào của vị Giáo Hoàng này về các vấn đề hiện đại có thể là quan trọng nhất đối với ĐTGM?
Đáp: Một lần nữa, tôi có thể nói rằng tư tưởng của ngài về vai trò của thành phần giáo dân. Thế nhưng, ngài cũng cảm thấy cái kinh khủng của chiến tranh, ngài cũng lo lắng về tình trạng suy đồi sống đức tin ở Âu Châu; ngài cũng suy nghĩ dữ dội về Thánh Địa; ngài cũng thấy được nhu cầu đoàn tính và hợp tác trong Giáo Hội; ngài cũng nghĩ đến Phi Châu và Mỹ Châu Latinh.
Đó là những lãnh vực ngài có được những minh thức sâu xa về các vấn đề gay go trong thế giới tân tiến này, những minh thức thực sự đã khiến tôi phải lưu tâm chú ý.
Vấn: ĐTGM đã học được gì nơi kinh nghiệm làm giám mục của Đức Gioan Phaolô II để giúp vào việc phục vụ của ĐTGM giành cho Giáo Hội?
Đáp: Tôi học được một số điều. Trước hết, tôi phải là một con người say mến Chúa Giêsu Kitô. Tôi phải là một con người sống thư thái với chính bản thân mình cũng như với sứ vụ và ơn gọi làm giám mục của tôi; một con người một một số đích điểm mục vụ rất cụ thể trong đầu không bao giờ bị tôi xao lãng; một con người không biết sợ hãi, con người vững mạnh tin rằng Chúa Giêsu chăm sóc cuộc đời của tôi và ơn của Người đủ cho tôi.
Tôi không được sợ việc “thả lưới ở chỗ nước sâu” và kêu gọi dân chúng của mình sống thánh thiện, thực hành nhân đức anh hùng và nên trọn lành. Đức Thánh Cha nói với chúng tôi rằng đó là những gì ngài đã làm ở Krakow; đó là những gì ngài vẫn làm với tư cách là giám mục Rôma và giám mục của Giáo Hội hoàn vũ. Tôi cũng cần phải học cả điều ấy nữa.
Sau nữa, kinh nghiệm làm giám mục của ngài dạy tôi rằng tôi phải sống rất gần gũi với các vị linh mục của tôi. Đức Giaon Phaolô II yêu thương các linh mục của ngài. Ngài đã yêu thương thành phần linh mục của ngài khi ngài còn là tổng giám mục ở Krakow, giờ đây ngài yêu thương thành phần linh mục với tư cách là vị thừa kế Thánh Phêrô.
Tôi cần phải làm sao để tiến đến với những vị linh mục của tôi hơn nữa, biết lắng nghe các vị, biết ở với các vị, biết cầu nguyện với các vị, biết phấn khích các vị, và, phải, biết thách thức các vị và sửa chữa cho các vị khi cần.
Một mẫu gương rất tuyệt vời về một vị giám mục mà tôi nghĩ Đức Gioan Phaolô II làm gương đó là một vị giám mục cần phải trở nên cho thành phần linh mục của mình những gì một vị mục tử phải là đối với dân của ngài.
Chúng tôi phải là một linh mục cho các linh mục – chúng tôi phải là một vị mục tử của các linh mục. Đó là bài học thứ hai tôi học được từ cả tác phẩm của ĐTC, từ tông huấn “Mục Tử chăn dắt đàn chiên” cũng như từ gương mẫu của ngài.
Điều thứ ba đó là tôi học được một lần nữa tầm quan trọng của Thánh Thể, một minh thức xứng hợp trong Năm Thánh Thể này.
Phần quan trọng nhất trong ngày sống của vị Giáo Hoàng này đó là việc ngài cử hành Thánh Thể. Hết mọi sự từ đó mà xuất phát, và suốt ngày ngài trở về ở với Chúa thực sự và đích thực hiện diện nơi Thánh Thể. Thánh Thể là tâm điểm của ngày sống, chứ không phải chỉ là một phần trong ngày, như có một câu ngạn ngữ nói.
Đối với tôi việc ở với các vị linh mục và dân chúng ở với Thánh Thể, và đối với bản thân mình việc ở trước sự hiện diện của Giêsu nơi Thánh Thể, là những gì nói lên tất cả mọi sự.
Sau hết, tôi nghĩ rằng những văn kiện này, cả những bài phản tỉnh về bản thân chính yếu của ngài lẫn bức tông huấn hậu thượng nghị giám mục thế giới, đều thực sự giúp cho tôi thực hiện một cuộc kiểm điểm lương tâm mình.
Tôi phải thú nhận rằng khi tôi thấy tất cả những gì ngài hoàn thành cũng như tất cả những nhiệm vụ được tông huấn “Mục Tử chăn dắt đàn chiên” đặt lên vai của các vị giám mục, tôi cảm thấy phần nào nao núng, rùng mình và thực sự lo âu. Khi tôi đọc bức tông huấn này, tôi nghĩ, “Chúa tôi ơi, tôi là ai mà có thể sống trọn tất cả những điều này đây?”
Thế nhưng, chúng tôi không bao giờ thôi cố gắng. Chúng tôi giữ điều này như là một đích điểm cao quí. Chúng tôi giữ nó trước mắt chúng tôi luôn luôn và xét mình xem chúng tôi thực sự là một vị mục tử tốt lành đối với dân Chúa hay chăng.
Chúng tôi không bao giờ có thể thực hiện được tất cả điều ấy. Chúng tôi không bao giờ có thể hoàn toàn theo nổi gương của Chúa Giêsu. Thậm chí chúng tôi sẽ không thể nào theo gương của Vị Đại Diện Chúa Kitô là Đức Gioan Phaolô II, một cách trọn vẹn. Thế nhưng, chúng tôi không bao giờ được thôi cố gắng.
Chúng tôi liên lỉ cải đổi và canh tân cách thức chúng tôi làm thừa kế các vị tông đồ. Vị Giáo Hoàng này cống hiến cho chúng tôi rất nhiều; đó là điều tốt, vì ngài đang muốn những gì tốt nhất nơi chúng tôi. Ở đây không có vấn đề lưỡng lự, không có vấn đề lỏng lẻo. Ngài đang nêu cao lý tưởng ấy và ngài đang kêu gọi chúng tôi sống lý tưởng ấy.
Việc kiển điểm lương tâm này là điều tất cả chúng tôi cần làm. Như Đức Thánh Cha của chúng ta thường nói: “Tình yêu mến Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người phải là đam mê của đời sống anh em”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 6-7/12/2004