GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 12/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.
__________________
NGÀY 13 THỨ HAI |
ĐTC GPII: Huấn Từ Truyền Tin về Chúa Nhật III Mùa Vọng 12/12/2004
1. Lễ Giáng Sinh đang đến và ở nhiều nơi các máng cỏ đã được trưng bày, như ở Quảng Trường Thánh Phêrô đây. Nhỏ hay lớn, đơn sơ hay cầu kỳ, máng cỏ cũng cho thấy một biểu hiệu quen thuộc và rất rõ ràng về Lễ Giáng Sinh. Nó là một yếu tố của văn hóa và nghệ thuật của chúng ta, thế nhưng, trên hết, nó là một dấu hiệu của niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng đã đến ở Bêlem “ngự giữa chúng ta” (Jn 1:14).
2. Như mọi năm, một chút nữa tôi sẽ làm phép các ảnh Hài Nhi Giêsu trong Đêm Thánh được đặt vào những máng cỏ là nơi đã có sẵn tượng Thánh Giuse và Đức Trinh Nữ, hai vị này là những chứng nhân thầm lặng của một mầu nhiệm cao cả. Bằng cái nhìn âu yếm của mình, các vị mời gọi chúng ta hãy canh thức và nguyện cầu để nghênh đón Đấng Cứu Độ thần linh, Đấng đến để mang lại niềm vui Giáng Sinh cho thế giới.
3. Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọnh hôm nay, được gọi là Chúa Nhật Vui Mừng, mời gọi chúng ta hãy tiên hưởng niềm vui này. Chúng ta hãy xin Vị Trinh Nữ đợi chờ để tất cả mọi Kitô hữu cũng như tất cả mọi con người thiện tâm có được một ước mong sống động muốn gặp Chúa giờ đây đang đến.
Về vấn đề trưng bày hang đá hay máng cỏ một cách công cộng như mọi năm, năm nay, tại miền Bắc Nước Ý có một số giáo chức đã tuyên bố là họ quyết định không trưng bày hang đá ở trường của họ, viện lẽ là tôn trọng tính cách đa diện tôn giáo và tránh xúc phạm đến thành phần ngoài Kitô giáo.
ĐTC GPII với các Vị Giám Mục Hoa Kỳ đợt 12 về thành phần linh mục và kêu gọi thiết lập “Một Ngày Toàn Quốc cầu cho ơn gọi linh mục”.
Hôm thứ sáu 26/11/2004, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gặp các vị giám mục Hoa Kỳ sang viếng thăm ngũ niên mộ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô cùng Tòa Thánh đợt thứ 12 trong năm 2004 thuộc các giáo tỉnh Dubuque, Iowa; Kansas City, Kansas; Omaha, Nebraska; và St. Louis, Missouri. Ngài tiếp tục nói theo chủ đề liên quan đến 3 sứ vụ chính của giám mục. Từ đợt 1 đến 5, ngài nói về sự vụ thánh hóa; từ đợt 6 đến đợt 9 về sứ vụ rai giảng; và từ đợt 10 đến đợt 12 và 13 ngày 4/12/2004 về sứ vụ quản trị. Sau đây là nguyên văn bài chia sẻ của ngài.
Chư Huynh Giám Mục thân mến,
1. Với lòng cảm mến trong Chúa Kitô, tôi chào mừng chư huynh, các vị giám mục an hem của tôi từ các giáo tỉnh Dubuque, Iowa; Kansas City, Kansas; Omaha, Nebraska; và St. Louis, Missouri, nhân dịp chư huynh viếng thăm ngũ niên. Hôm nay, để tiếp tục chia sẻ về việc hành sử quyền quản trị của hàng giáo phẩm, tôi muốn noí với chư huynh về mối liên hệ liên kết chư huynh với thành phần cộng tác thân cận nhất của chư huynh trong việc tông đồ, đó là thành phần linh mục huynh đệ của chư huynh.
Có một số lần trong các cuộc nói chuyện này, tôi đã xin chư huynh và các anh em giám mục của chư huynh chuyển đến các vị linh mục ở Hiệp Chủng Quốc lòng biết ơn và sự cảm nhận riêng của tôi đối với việc các vị ấy trung thành phục vụ Phúc Âm. Trong những ngày này, khi quì trước mộ Thánh Phêrô tại ngay tâm điểm của Giáo Hội đây, tôi xin chư huynh chẳng những dâng các vị ấy cùng thừa tác vụ của họ cho Chúa, mà còn canh tân quyết tâm của chư huynh trong việc hoạt động với họ “một cách nhất trí, bằng một tình yêu thương duy nhất, hiệp nhất trong tinh thần và lý tưởng” (x Phil 2:2).
2. “Hinc unitas sacerdotii exoritur”. Những lời được ghi khắc trên bàn thờ chính ở Đền Thờ Thánh Phêrô này laàmột thứ trân trọng nhắc nhở là mối hiệp thông liên kết chư huynh và linh mục của chư huynh thực sự được phát xuất bởi ân sủng thánh chức cũng như bởi một sứ vụ duy nhất được Chúa Kitô Phục Sinh ủy thác cho các vị tông đồ cùng thành phần thừa kế của các vị trong Giáo Hội (cf. "Presbyterorum Ordinis," 7). Đặc biệt là Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc đến nhãn quan về mối hiệp nhất của vai trò linh mục khi dạy rằng các linh mục làm nên một hàng giáo sĩ duy nhất với giám mục của mình, hành sử, cùng với ngài và thuộc quyền ngài, vai trò của Chúa Kitô là mục tử và là đầu Giáo Hội của Người (cf. "Lumen Gentium," 28). Việc hằng ngày củng cố mối hiệp thông thiêng liêng và phẩm trật này trong hàng giáo sĩ của giáo phận là công việc căn bản và thiết yếu của mỗi một vị giám mục.
Công Đồng này thực sự đã huấn dụ các vị giám mục đặc biệt quan tâm tới vấn đề phúc hạnh của thành phần linh mục các ngài, đối xử với họ như con cái và như bạn hữu, cùng liên lỉ vun trồng một đức bác ái siêu nhiên làm phát sinh mối hiệp nhất về ý muốn trong việc phục vụ Dân Chúa (cf. "Christus Dominus," 16, 28). Chính tôi xác tín rằng phương tiện hiệu nghiệm nhất để cổ võ một thứ hiệp nhất như thế là nhờ ở viếc liên lỉ dấn thân canh tân và chia sẻ đời sống cùng sứ vụ của Giáo Hội riêng. Bằng một tình yêu hoàn toàn và hy hiến cho cộng đồng Kitô hữu địa phương, các vị giám mục cũng như linh mục sẽ khám phá ra “đầy những ý nghĩa, những tiêu chuẩn để nhận thức và tác hành có thể làm nên cả sứ vụ mục vụ lẫn đời sống thiêng liêng của họ” (cf. "Pastores Dabo Vobis," 31). Vị giám mục, bằng việc minh nhiên cho thấy rằng ngài yêu mến Giáo Hội được ký thác cho việc chăm sóc của mình với một con tim gắn bó, sẽ trở thành người đầu tiên cổ võ nơi anh em linh mục của mình việc phát triển của “mối hiệp thông đời sống, hoạt động và đức ái” ("Lumen Gentium," 28), một mối hiệp thông được xây dựng trên “một tình yêu duy nhất”, một tình yêu là cốt lõi và là hồn sống của việc tông đồ.
3. Cùng với việc nuôi dưỡng lòng tin tưởng nhau và tin cậy nhau, việc đối thoại, một tinh thần hiệp nhất và một tình thần truyền giáo chung nơi mối liên hệ của mình với các linh mục, vị giám mục cũng có trách nhiệm vun trồng nơi hàng giáo sĩ một cảm quan đồng trách nhiệm cai quản Giáo Hội địa phương. Công Đồng này đã có lý cho thấy rằng chính các vị mục tử chia sẻ xứng hợp vào “munus regendi” (cf. "Christus Dominus," 30), trong khi vị giám mục được kêu gọi để cai trị giáo phận của mình “với sự hợp tác của hàng giáo sĩ” (ibid., 11; cf. CIC, Canon 369). Việc hành sử cụ thể vấn đề đồng trách nhiệm này đòi vị giám mục trước hết phải có một nhãn quan lành mạnh về giáo hội học, một quan tâm đến những đòi hỏi hợp lý về sự trợ thuộc trong Giáo Hội, cũng như một sự tôn trọng đối với các vai trò xứng hợp của những phần tử khác nhau trong hàng giáo sĩ của giáo phận.
Vì tầm quan trọng về lịch sử của giáo xứ nơi Giáo Hội ở Hiệp Chủng Quốc, cái đích điểm nồng cốt trong việc chư huynh thực hiện việc quản trị phải là mục đích làm sao phấn khích và điều hợp hoạt động mục vụ được thi hành trong một đại guồng máy giáo xứ với những cơ cấu liên hệ làm nên Giáo Hội địa phương. Thật vậy, giáo xứ là những gì “thượng hạng trong tất cả những cộng đồng khác ở Giáo Phận mà vị Giám Mục có trách nhiệm chính yếu: ngài cần phải quan tâm đến chính các giáo xứ trước nhất” ("Pastores Gregis," 45). Giáo xứ là và cần phải là nơi đầu tiên và trên hết để tín hữu gặp gỡ và được mời gọi tham dự một cách trọn vẹn vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Giáo phận bao giờ cũng phải được hiểu là hiện diện trong và cho các giáo xứ của mình.
Đó là lý do, việc canh tân đời sống giáo hội để phục vụ cho việc tân truyền bá phúc âm hóa thật sự phải được bắt đầu bằng việc tái sinh động cộng đồng giáo xứ, tập trung vào việc giảng dạy Phúc Âm và cử hành Thánh Thể (cf. "Ecclesia in America," 41). Vị giám mục còn đóng một vai trò bất khả châm chước trong việc tái sinh động này bằng thẩm quyền của mình khi cổ võ giáo huấn của Giáo Hội và phác họa một dự án mục vụ thống nhất có khả năng tác động và hướng dẫn việc tông đồ của giáo sĩ cũng như giáo dân. Các vị mục tử cần được giúp đỡ chẳng những để “xây dựng cộng đồng”, mà còn để làm sáng tỏ hoàn toàn hơn nữa những đích điểm nhắm đến của việc mình cai quản, những đích điểm bao giờ cũng ở trong mối hiệp thông giữa Giáo Hội riêng và Giáo Hội hoàn vũ (cf. CIC, Canons 528-529), trong khi đó thành phần giáo dân cần phải được phấn khích để hiểu biết và thực hiện “munus regale” xứng hợp của mình để phục vụ Nước Thiên Chúa (cf. "Lumen Gentium," 31). Tóm lại, toàn thể cộng đồng Kitô hữu cần được phấn khích để tiến “từ Thánh Lễ tới sứ vụ truyền giáo” ("Dies Domini," 45) ở việc theo đuổi sự thánh thiện và phục vụ việc tân truyền bá phúc âm hóa.
4. Việc quản trị hữu trách cũng cần phải thực sự quan tâm đến tương lai nữa. Không ai có thể chối cãi được rằng việc giảm sút ơn gọi linh mục trở thành một thách đố gay go đối với Giáo Hội ở Liên Hiệp Quốc, và là một thách đố không thể coi thường hay bỏ mặc. Việc đáp ứng cho thức thách đố này phải là việc liên lỉ nguyện cầu theo lệnh truyền của Chúa (x Mt 9:37-38), kèm theo bằng một chương trình cổ võ ơn gọi vươn tới hết mọi khía cạnh của đời sống giáo hội. Vì “toàn thể Dân Chúa đều có trách nhiệm với việc cổ võ ơn gọi, và làm điều này chính yếu bằng việc liên lỉ và khiêm nhượng nguyện cầu cho ơn gọi” ("Ecclesia in America," 40), tôi xin đề nghị để chư huynh cứu xét đến việc cộng đồng Công Giáo ở xứ sở của chư huynh hằng năm nên giành ra một ngày toàn quốc cầu nguyện cho ơn gọi linh mục.
Mối quan tâm cho tương lai cũng đòi phải đặc biệt chú trọng tới việc huấn luyện chủng sinh, một việc cần làm thấm nhuần vào sinh viên theo đuổi việc làm linh mục chẳng những một nhãn quan thần học nhất thống mà còn một cuộc dấn thân sống thánh đức và khôn ngoan thiêng liêng, cùng với việc huấn luyện đóng vai trò lãnh đạo khôn ngoan cũng như hiến thân sống một cách vô vị kỷ cho đàn chiên. Về vấn đề này, tôi cũng xin chư huynh đừng bỏ qua một nỗ lực nào trong việc bảo đảm cho hàng giáo sĩ được tiếp tục huấn luyện một cách lành mạnh, nhất là hãy coi việc liên tục huấn luyện này là một phần thiết yếu trong việc quản trị của chư huynh khi sai những linh mục trẻ đi học cao hơn về những khoa học của giáo hội, nhất là thần học và giáo luật. Việc huấn luyện này, bất kể có phải chịu hy sinh thế nào chăng nữa, cũng phải được coi như là một nguồn mạch phong phú bền bỉ cho đời sống của Giáo Hội địa phương.
5. Chư Huynh thân mến, nhãn quan của Công Đồng này, gia sản thiêng liêng của Đại Năm Thánh 2000 và các nhu cầu mục vụ của tín hữu ở Hoa Kỳ ngày nay cần phải thực hiện một cuộc dấn thân mới sống cốt lõi của sứ vụ Giáo Hội, đó là việc loan báo Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô một cách nguyên vẹn, là đáp ứng đức tin tuân phục, là cổ động thánh đức chân thực và hoạt động để lan truyền Vương Quốc của Thiên Chúa ở hết mọi khía cạnh của đời sống cá nhân, xã hội và văn hóa. Trong khi chư huynh cố gắng để thi hành công việc cao cả này trong mối hiệp thông với anh em linh mục của chư huynh, với các phó tế của chư huynh, với thành phần tu sĩ nam nữ thuộc về Giáo Hội riêng của chư huynh, cũng như với toàn thể tín hữu theo các tặng ân và ơn gọi khác nhau của họ, tôi xin trao phó tất cả chư huynh cho những lời nguyện cầu của Đức Maria, Mẹ Giáo Hội, và thân ái ban phép lành tòa thánh của tôi cho chư huynh làm bảo chứng của niềm vui và bình an tự tại trong Chúa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 26/11/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)