GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 12/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.
__________________
NGÀY 14 THỨ BA |
Các Nhà Thờ Công Giáo ở Ấn Độ vẫn tiếp tục bị tấn công
Hôm Thứ Năm 9/12/2004, Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ đã cho cơ quan Fides biết rằng có một nhóm cuồng tín đã đập cửa ra vào và phá các cửa sổ cùng hủy hoại tượng Thánh Phanxicô ở ngoài nhà thờ vào ngày 3/12. Nhà thờ này là Nhà Thờ Thánh Phanxicô Assisi ở Mathal, giáo phận Kottar thuộc tiểu bang miền nam Tamil Nadu. Nhân viên điều tra đã tìm thấy trái bom không nổ thô sơ làm bằng tay ở bên trong nhà thờ này. Cảnh sát nói biến cố này gây ra bởi nhóm người Hồi Giáo cực thủ.
Những ngày trước đó vị linh mục và cộng đoàn giáo xứ này đã nhận được những lời đe dọa và những bản phỉ báng dán trên các bức tường của nhà thờ với chữ ký là Byath. Theo báo chí địa phương cho biết thì Byath là tên của một nhóm cực đoan địa phương. Cha sở ở nhà thờ này là linh mục Perpetual đã cho cơ quan Fides biết rằng ngài rất ngỡ ngàng trước cuộc tấn công này, vì “ở vùng này, những người Ấn giáo, Kitô giáo và Hồi giáo luôn sống bên nhau một cách thuận hòa”.
Trong khi đó, vào ngày 5/12, tiểu bang Chhattisgarh đã trở thành một cảnh tấn công khác phạm đến Kitô hữu. Những người nổi loạn Naxalite đã lục soát và đốt cháy Nhà Thờ Matha Mary ở ngôi làng Pusnar ở Giáo Phận Jagdalpur. Có một số em trai đột nhập vào nhà thờ lấy những cuốn sách thánh ca và sách lễ chạy mất khi thấy linh mục chánh xứ. Sau đó, khoảng 9 giờ tối, chừng 20 người đột nhập vào nhà thờ, chất rơm rạ trong nhà thờ và phóng lửa đốt nhà thờ.
Đức giám mục địa phương đã nói rằng cũng nhà thờ này đã bị tấn công 2 tháng trước đây. Hồi tháng 10, một nhóm đã vào nhà thờ ấy, lấy đi các đồ thánh và tượng ảnh, sau đó đến 4 gia đình người Công Giáo, cướp của họ những đồ vật quí giá.
ĐGM Simon Palathra của giáo phận Jagdalpur đã lên tiếng phàn nàn với cơ quan AsiaNews về sự kiện là “cho tới ngày hôm nay vẫn chưa bắt được những tay gây ra tội ác, mặc dù cảnh sát biết được thành phần tấn công”.
Theo vị giám mục này thì đám người Naxali, thành phần chịu trách nhiệm gây ra những biến động này, “không muốn những bộ lạc trở thành Công Giáo hay Ấn Giáo”. Họ muốn những bộ lạc này “vẫn giữ văn hóa bộ tộc của họ để họ dễ cai trị những bộ tộc ấy”. Đám người Naxali này hoạt động ở trung phần Ấn Độ và sử dụng võ lực để đòi hỏi các thứ quyền lợi cho những người dân quê sống không có lấy một mảnh đất.
ĐTC GPII với các Vị Giám Mục Hoa Kỳ đợt 13 về thành phần giáo dân, nhấn mạnh đến “vai trò thiết yếu và bất khả thay thế” của họ trong Sứ Vụ của Giáo Hội.Hôm thứ bảy 4/12/2004, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gặp các vị giám mục Hoa Kỳ sang viếng thăm ngũ niên mộ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô cùng Tòa Thánh đợt thứ 12 trong năm 2004 thuộc các giáo tỉnh Louisville, Kentucky; Mobile, Alabama; và New Orleans, Louisiana. Ngài tiếp tục nói theo chủ đề liên quan đến 3 sứ vụ chính của giám mục. Từ đợt 1 đến 5, ngài nói về sự vụ thánh hóa; từ đợt 6 đến đợt 9 về sứ vụ rai giảng; và từ đợt 10 đến đợt 13 này về sứ vụ quản trị. Sau đây là nguyên văn bài chia sẻ của ngài.
Chư Huynh Giám Mục thân mến,1. Nhân dịp chư huynh viếng thăm ngũ niên này, tôi hân hoan chào đón chư huynh, những vị giám mục thuộc các giáo tỉnh Louisville, Kentucky; Mobile, Alabama; và New Orleans, Louisiana. Chúng ta tiếp tục những chia sẻ của chúng ta về thừa tác vụ quản trị được ủy thác cho những người thừa kế các vị tông đồ, hôm nay tôi muốn bàn đến một số khía cạnh đặc biệt nơi mối liên hệ của chư huynh với thành phần giáo dân.
Trước hết, tôi muốn bày tỏ việc cảm nhận sâu xa của tôi đối với việc đóng góp đặc biệt được thành phần giáo dân đã thực hiện và tiếp tục thực hiện cho việc phát triển và làm lan rộng Giáo Hội nơi xứ sở của chư huynh, một đóng góp chính bản thân tôi đã được chứng kiến thấy và ca ngợi trong các chuyến tôi viếng thăm Hiệp Chủng Quốc. Tôi tin tưởng rằng, vì “việc canh tân Giáo Hội ở Mỹ Châu không thể nào thực hiện được nếu thiếu sự hiện diện chủ động của giáo dân” ("Ecclesia in America," No. 44), mà một phần thiết yếu nơi vấn đề quản trị về mục vụ của chư huynh cần phải thực hiện việc hướng dẫn và nâng đỡ họ khi họ nỗ lực trở thành men Phúc Âm trong thế giới.
2. Như Công Đồng Chung Vaticanô II đã minh nhiên nói, việc thực hiện “munus regendi” của hàng giáo phẩm, tự bản chất của nó, đòi phải nhìn nhận việc góp phần của thành phần giáo dân cũng như vai trò xứng hợp của họ trong vấn đề xây dựng mối hiệp nhất của Giáo Hội và thi hành sứ vụ của Giáo Hội trên thế giới (cf. "Lumen Gentium," Nos. 30-31). Mỗi vị giám mục được kêu gọi nhìn nhận “vai trò thiết yếu và bất khả thay thế” của thành phần giáo dân nơi sứ vụ của Giáo Hội (cf. "Christifideles Laici," No. 7), và giúp họ có thể thi hành việc tông đồ xứng hợp của họ, mộỉt việc tông đồ “được hướng dẫn bởi ánh sáng Phúc Âm và tinh thần của Giáo Hội và được thúc đẩy bởi đức ái Kitô Giáo” ("Apostolicam Actuositatem," No. 7).
Nơi thừa tác vụ quản trị của mình, chư huynh cần phải lấy làm ưu tiên rõ ràng về mục vụ trong việc hỗ trợ thành phần giáo dân hiểu biết và tha thiết với “munus regale” mà họ đã lãnh nhận khi được tháp nhập với Chúa Kitô nơi phép rửa. Như truyền thống Giáo Hội khẳng định, sứ vụ vương giả này được thể hiện trước hết ở “niềm tự do vương giả” là thứ tự do khiến tín hữu có thể thắng vượt được triều đại của tội lỗi nơi đời sống của mình, và, “bằng việc phục vụ Chúa Kitô nơi kẻ khác…., hướng dẫn họ tới Vị Vua mà phục vụ là cai trị ("Lumen Gentium," No. 36). Tuy nhiên, thành phần giáo dân thực thi sứ vụ vương giả này một cách đặc biệt nhờ những nỗ lực của họ làm lan truyền Vương Quốc của Thiên Chúa nơi và qua hoạt động trần thế của họ, nhờ đó, “thế giới sẽ được thấm nhiễm Thần Linh của Chúa Kitô và đạt được một cách hiệu nghiệm hơn mục đích của nó trong công lý, yêu thương và an bình” (ibid.).
3. Như thế, những con người nam nữ giáo dân cần phải được phấn khích, bằng giáo lý lành mạnh của việc huấn luyện liên tục, nhận thấy phẩm vị và sứ vụ chuyên biệt họ đã lãnh nhận nơi phép rửa, và thể hiện trong tất cả mọi sinh hoạt thường nhật của mình một đường lối nguyên vẹn tiến đến một sự sống được tác động và mãnh liệt bởi Phúc Âm (cf. "Christifideles Laici," No. 34). Điều này nghĩa là thành phần giáo dân cần phải được huấn luyện để rõ ràng phân biệt giữa các quyền lợi và nhiệm vụ của họ là các phần tử của Giáo Hội với các quyền lợi và nhiệm vụ họ có như là phần tử của xã hội loài người, cũng như cần phải được khuyến khích để dung hòa cả hai một cách hòa hợp, bằng việc nhận thấy rằng “nơi hết mọi công việc trần thế họ đều được hướng dẫn bởi lương tâm Kitô giáo của họ, vì không có một hoạt động nhân loại nào, cho dù thuộc lãnh vực trần thế, có thể thoát khỏi quyền quản trị của Thiên Chúa” ("Lumen Gentium," No. 36).
Việc tái khẳng định một cách rõ ràng và có thẩm quyền về những nguyên tắc nền tảng này nơi vai trò tông đồ giáo dân sẽ giúp thắng vượt được những vấn đề mục vụ trầm trọng gây ra bởi việc càng ngày càng không hiểu về trách nhiệm bó buộc của Giáo Hội trong việc nhắc nhở tín hữu nhiệm vụ họ dựa vào lương tâm tác hành theo giáo huấn thẩm quyền của giáo hội. Rất cần phải có một thứ giáo lý tổng quan về việc tông đồ giáo dân, một thứ giáo lý cần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lương tâm được hướng dẫn xứng hợp, mối liên hệ nội tại giữa tự do và sự thật về luân lý, và nhiệm vụ hệ trọng đối với mỗi một Kitô hữu trong việc hoạt động để canh tân và làm hoàn hảo lãnh vực trần thế theo các giá trị của Vương Quốc Thiên Chúa. Dù có hoàn toàn tôn trọng việc phân ly hợp lệ giữa giáo hội và quốc gia nơi đời sống của người Hoa Kỳ thì thứ giáo lý này cũng cần phải làm sáng tỏ là đối với tín hữu Kitô giáo không thể nào lại có vấn đề phân ly giữa đức tin là những gì cần phải tin tưởng và mang ra thực hành (cf. "Lumen Gentium," No. 25), với việc dấn thân tham dự một cách trọn vẹn và hữu trách vào đời sống chuyên nghiệp, chính trị và văn hóa.
Vì tầm mức quan trọng của các vấn đề này đối với đời sống và sứ vụ của Giáo Hội nơi xứ sở của chư huynh, tôi xin chư huynh hãy để ý tới việc ghi khắc những nguyên tắc về tín lý và luân lý nền tảng cho việc tông đồ giáo dân, như là những gì thiết yếu đối với thừa tác vụ của chư huynh trong vai trò làm thày dạy và làm mục tử của Giáo Hội ở Hoa Kỳ. Tôi cũng mời gọi chư huynh hãy nhận thấy được, qua việc tham vấn với các phần tử thuộc thành phần giáo dân nổi bật về lòng trung thành của họ, kiến thức và khôn ngoan của họ, những đường lối hiệu nghiệm nhất để cổ động vấn đề giáo lý và vấn đề chia sẻ minh tường về lãnh vực quan trọng này nơi giáo huấn về xã hội của Giáo Hội.
4. Việc cảm nhận được những tặng ân chuyên biệt và việc tông đồ của thành phần giáo dân tự nhiên sẽ dẫn đến việc dấn thân mạnh mẽ để nuôi dưỡng nơi giáo dân một cảm quan chia sẻ trách nhiệm đối với đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Khi nhấn mạnh đến nhu cầu cần đến một thứ thần học và linh đạo hiệp thông và sứ vụ để canh tân đời sống giáo hội, tôi đã cho thấy tầm quan trọng của “việc chấp nhận cái khôn ngoan cổ thời về mục vụ, cái khôn ngoan mà, không phương hại đến thẩm quyền của mình, khuyến khích các vị Chủ Chăn hãy lắng nghe Dân Chúa nhiều hơn nữa” ("Novo Millennio Ineunte," No. 45). Thật sự điều này sẽ đòi mỗi một vị giám mục cố gắng khôn ngoan khai triển trong Giáo Hội riêng của mình những cơ cấu hiệp thông và tham gia là những gì, miễn là không đụng chạm tới trách nhiệm riêng của ngài về những quyết định ngài cần phải hành sử theo thẩm quyền tông truyền của mình, “lắng nghe Vị Thần Linh đang sống và nói nơi tín hữu” (cf. "Pastores Gregis," No. 44). Quan trọng hơn thế nữa, ngài còn cần phải vun trồng, ở hết mọi khía cạnh của đời sống giáo hội, một tinh thần hiệp thông được xây dựng trên “sensus fidei” siêu nhiên, cũng như trên tính cách đa diện dồi dào của các đặc sủng và sứ vụ được Thánh Linh tuôn đổ xuống trên toàn thân thành phần lãnh nhận phép rửa, để xây dựng họ trong mối hiệp nhất và lòng trung thành với lời Chúa (cf. "Lumen Gentium," No. 12). Việc hiểu biết về sự hợp tác và chia sẻ trách nhiệm, một hiểu biết được bắt nguồn sâu xa từ các nguyên tắc của một thứ giáo hội học lành mạnh sẽ bảo đảm được một việc hợp tác chân chính và thành hiệu giữa các vị mục tử của Giáo Hội và thành phần tín hữu giáo dân, mà không bị nguy cơ làm méo mó đi mối liên hệ này bởi việc dễ dãi du nhập các thứ loại và các thứ cơ cấu lấy từ đời sống thế tục.
5. Chư Huynh thân mến, trong tinh thần tri ân và sâu xa cảm mến, chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả mọi tín hữu giáo dân của Giáo Hội riêng của chư huynh, thành phần giới trẻ là hy vọng của tương lai và thậm chí giờ đây đang được kêu gọi để trở thành men cho đời sống và việc canh tân trong Giáo Hội cũng như trong xã hội Hoa Kỳ, thành phần lập gia đình đang cố gắng để phản ảnh nơi chính mình cũng như nơi gia đình mình mầu nhiệm của tình yêu Chúa Kitô đối với Giáo Hội, và vô vàn con người nam nữ đang mỗi ngày nỗ lực chiếu ánh sáng Phúc Âm vào gia đình mình, sở làm của mình cùng toàn thể đời sống xã hội. Chớ gì họ trở thành những chứng nhân khả tín hơn bao giờ hết cho một đức tin hòa giải chúng ta với Thiên Chúa (x Rm 5:1), cho một tình yêu biến đổi thế giới, và cho một niềm hy vọng hướng về “trời mới đất mới, nơi theo lời Ngài hứa, công lý của Thiên Chúa sẽ ngự trị” (2Pt 3:13).
Với những cảm tình này cùng lòng cảm mến huynh đệ, tôi Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội, ưu ái bảo vệ chư huynh cùng thành phần tín hữu được trao phó cho chư huynh. Tôi thân ái ban phép lành tòa thánh cho tất cả mọi người như bảo chứng của niềm vui và an bình trong Chúa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 5/12/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)