GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 12/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.
__________________
NGÀY 20 THỨ HAI |
ĐTC GPII: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật IV Mùa Vọng về Ý Nghĩa Cây Giáng Sinh
1. Lễ Giáng Sinh, một lễ có lẽ được yêu chuộng nhất theo truyền thống nhân gian, mang đầy những biểu hiệu liên hệ với các thứ văn hóa khác nhau. Trong số đó, cảnh Giáng Sinh chắc chắn là biểu hiệu quan trọng nhất, như tôi đã có dịp đề cập tới vào Chúa Nhật vừa rồi.
2. Cùng với cảnh trí Giáng Sinh, như nó được trưng bày ở Quảng Trường Thánh Phêrô đây, chúng ta còn thấy cả “cây Giáng Sinh” truyền thống. Đó là một tập tục rất cổ xưa, một tập tục đề cao giá trị sự sống, vì trong mùa đông mầu xanh không úa, nó trở thành dấu hiệu của một sự sống bền bỉ. Nhìn tổng quan thì cây này được trưng bày ra với những quà tặng Giáng Sinh đặt ở dưới gốc cây. Biểu hiệu này cũng đầy ý nghĩa nữa theo quan điểm Kitô giáo quen thuộc, ở chỗ, nó nhắc nhở chúng ta về “cây sự sống” (x Gen 2:9), biểu hiệu cho Chúa Kitô là tặng ân cao cả Thiên Chúa ban cho loài người.
3. Bởi thế, sứ điệp của cây Giáng Sinh muốn nói lên rằng sự sống “luôn xanh” nếu con người biết trao tặng, không phải về những thứ vật chất cho bằng chính bản thân mình, bằng tình hữu nghị và lòng cảm mến chân thành, cũng như bằng sự giúp đỡ và tha thứ huynh đệ, bằng thời gian cho nhau và lắng nghe nhau.
Xin Mẹ Maria giúp cho chúng ta sống Giáng Sinh như một cơ hội để cảm thấy được niềm vui hy hiến bản thân chúng ta cho an hem, nhất là cho thành phần nghèo khổ thiếu thốn nhất!
Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin với 20 ngàn người ở Quảng Trường Thánh Phêrô hôm nay, ĐTC đã chào 32 em nhỏ (cùng với gia đình) đang ở Ý với tư cách là khách của Cộng Đồng Dòng Kín Carmêlô ở thành phố Trent. Đây là lần đầu tiên những em nhỏ này ra khỏi Nước Nga sau vụ khủng bố vào nhà trường ở Nga hôm 1/9/2004. ĐTC đã nói với họ rằng:
“Chớ gì lòng nhân ái các con đang lãnh nhận từ rất nhiều bạn hữu giúp các con thắng vượt được những vết thương đau gây ra bởi kinh nghiệm rùng rợn đã qua”.
Nhận định về Sứ Điệp của ĐTC GPII cho Ngày Hòa Bình Thế Giới thứ XXXVIII 1/1/2005
Hôm Thứ Năm 16/12/2004, tại phòng báo chí của Tòa Thánh, ĐHY Renato Martino, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Về Công Lý Và Hòa Bình, cùng với ĐGM Giampaolo Crepaldi và Đức Ông Frank J. Dewane, thư ký và phó thư ký của phân bộ này, đã phổ biến Sứ Điệp của D0TC GPII cho Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 38 vào đầu năm Dương Lịch 1/1/2005.
Theo ĐHY chủ tịch thì ĐTC đã chọn một câu trong Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma để làm đề tài cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2005, đó là câu “Đừng để sự dữ chế ngự mà là hãy chế ngự sự dữ bằng sự lành”.
ĐHY nhận định rằng, Thánh Tông Đồ muốn “mời gọi chúng ta hãy nhận thứ, cả ở phương diện cá nhân cũng như đoàn thể, về những vấn đề sự dữ hệ trọng cùng ảnh hưởng thê thảm của nó nơi đời sống con người, và khuyên chúng ta hãy theo trách nhiệm trưởng thành của mình để chấp nhận sự lành và quảng bá sự lành”.
ĐHY cho biết bố cục cho nội dung của sứ điệp hòa bình năm 2005 gồm có hay được chia ra làm 3 phần, như sau: ở phần thứ nhất, “vấn đề hòa bình được trình bày liên quan đến sự thiện về luân lý. Ở phần thứ hai, vấn đề hòa bình được thấy liên quan đến nguyên tắc cổ thời về giáo huấn xã hội của Giáo Hội, đó là nguyên tắc về công ích. Ở phần thứ ba, vấn đề hòa bình được nói tới liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng các sản vật của trái đất này cũng như đến một nguyên tắc quan trọng khác của giáo huấn về xã hội đó là mục đích đại đồng của các sản vật”.
Trích lại một câu sứ điệp của ĐTC: “Ở cốt lõi thảm kịch sự dữ có một nhân vật chính: đó là con người cùng với tự do và tôị lỗi của họ”, ĐHY đã dẫn giải là ĐTC có ý nói rằng: “để đương đầu với những hình thức sự dữ nhiều thứ về xã hội và chính trị thì nhân loại tân tiên cần phải trân quí cái gia sản chung về các thứ giá trị luân lý được Thiên Chúa ban cho”. ĐHY cho biết, ĐTC đã nhắc lại việc ngài kêu gọi vào năm 1995 trước Tổng Hội Đồng LHQ về “thứ văn phạm của lề luật luân lý phổ quát, một đường lối duy nhất khả dĩ liên kết dân chúng lại với nhau theo chiều hướng đa văn hóa mà thôi”.
Trong sứ điệp, ĐTC lên án bạo lực, và nhắc đến những cuộc xung đột đang xẩy ra trên thế giới là Phi Châu, Palestine, nạn khủng bố và Iraq.
Sau khi kêu gọi mọi người dấn thân cho công ích, nhất là việc dấn thân của thành phần có thẩm quyền, ĐTC liên kết việc cổ võ công ích với việc tôn trọng con người cùng với các quyền lợi căn bản của họ, cũng như tôn trọng quyền lợi của các Quốc Gia theo quan điểm chung, khi kêu gọi thực hiện việc bắt đầu một cuộc hợp tác quốc tế thực sự”. ĐTC, về phần tiêu cực, kêu gọi hết mọi người đừng “biến công ích thành tình trạng phúc hạnh thuần túy về xã hội kinh tế. Điều ấy khả dĩ nếu công ích hướng tới chiều kích siêu việt”.
ĐHY chủ tịch nói rằng phần thứ ba của sứ điệp này bàn đến việc sử dụng các thứ sản vật của trái đất, một việc sử dụng liên quan đến giáo huấn về xã hội đối với mục đích phổ quát của những thứ sản vật ấy. Những nguyên tắc về mục đích phổ quát của các thứ sản vật trên trái đất cũng như của vai trò làm công dân thế giới “tạo nên hai hải đăng khả dĩ soi sáng cho những quyết định về chính trị của cộng đồng thế giới trong vấn đề cổ võ phát triển các dân tộc theo quan điểm luân thường đạo lý và văn hóa, hai hải đăng chiếu giãi vào việc phát triển con người một cách toàn vẹn và liên đới”.
Theo chiều hướng luân thường đạo lý và văn hóa ấy, ĐHY chủ tịch cho biết ĐTC đã đặt ra một số vấn đề rất khẩn trương, những vấn đề mà “việc giải quyết thường dính dáng tới vấn đề chấp nhận quyền sống hòa bình và quyền được phát triển”. Vấn đề thứ nhất liên quan tới “việc sử dụng và mục đích của những thứ sản vật mới là hoa trái của kiến thức khoa học và tiến bộ kỹ thuật”. Vấn đề thứ hai liên quan tới “các thứ sản vật công cộng, những sản vật được tất cả mọi người công dân hoan hưởng một cách tự động mà không cần phải có những quyết định chính xác, tuy nhiên lại là những sản vật cho thấy những lợi ích chung”. Vấn đề thứ ba là “cuộc chiến đấu chống tình trạng nghèo khổ, một tình trạng vẫn là mục tiêu chính cho hoạt động của Cộng Đồng Thế Giới vào lúc mở màn cho Thiên Kỷ này”.
Để giải quyết vấn đề nghèo khổ, ĐTC GPII đã đề cập tới vấn đề ưu tiên đầu tiên là việc giải quyết nợ nần hải ngoại của các quốc gia nghèo túng. Ngoài ra, ĐTC còn đề cập tới cả “việc quốc tế dấn thân mới nơi vấn đề tài trợ phát triển” là những gì cần thiết với “một tác lực mới” tiến đến chỗ phát triển cứu trợ công cộng.
Tâm điểm của việc chống nghèo khổ cần phải nhắm đến là Phi Châu là châu lục “bị ngăn chặn việc phát triển bởi nhiều thứ trục trặc khác nhau; những cuộc xung đột võ trang, những bệnh nạn dịch tễ, những hoàn cảnh khốn cùng, tình hình chính trị bất ổn và tình hình xã hội bất an”. Việc giải quyết cho những tình trạng ấy là ở chỗ “tôn trọng các lời hứa quyết liên quan tới việc hỗ trợ phát triển chính thức, giảm thiểu thực sự gánh nặng nợ nần hải ngoại, mở cửa các thị trường và gia tăng việc trao đổi thương vụ”.
ĐHY chủ tịch đã kết luận rằng: “Trước những viễn cảnh kinh hoàng hiện lên từ sự hiện diện của sự dữ ấy, ĐTC kêu gọi hết mọi người hãy hướng mắt nhìn lên Thiên Chúa, Đấng bằng cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, đã ban cho tất cả mọi người khả năng lấy lành thắng dữ”.
ĐTC GPII với sinh viên đại học về “Thánh Thể và Sự Thật về Con Người”
Tối Thứ Ba 14/12/2004, hằng ngàn ngàn sinh viên đại học cùng với thành phần giáo sư của mình thuộc các đại học Rôma, những vị đại biểu từ các đại học Âu Châu và các vị thẩm quyền dân sự và tôn giáo đã đến tham dự Thánh Lễ hằng năm ở Đền Thờ Thánh Phêrô với Đức Thánh Cha. Ngài đã nhắc nhở và kêu gọi họ như sau:
“Là ‘những tay lính canh ban mai’, các bạn cần phải tỉnh thức – hôm nay đây, trong các tuần lễ Mùa Vọng này cũng như cả cuộc sống – để sẵn sàng nghênh đón Vị Chúa là Đấng đang đến”.
“Các bạn sinh viên đại học thân mến, chúng ta đang ở trong Năm Thánh Thể, và đang sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới, các bạn đang suy tư về đề tài ‘Thánh Thể và Sự Thật về Con Người’. Đây là một đề tài rất cần thiết. Thật vậy, trước mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta cảm thấy cần phải chứng thực sự thật về đức tin, đức cậy và đức mến của chúng ta. Chúng ta không thể tỏ ra dửng dưng lạnh lùng khi Chúa Kitô nói rằng: ‘Cha là bánh hằng sống từ trời xuống’. Người đã hỏi tâm trí chúng ta rằng: ‘Con có tin rằng đó chính là Cha hay chăng? Con có thực sự tin hay chăng?’ Căn cứ vào những lời của Người ‘Ai ăn bánh này sẽ được sự sống đời đời’, chúng ta không thể không tự hỏi mình về ý nghĩa và giá trị nơi cuộc sống thường nhật của chúng ta”.
Ghi nhận rằng tình yêu cao cả nhất là tình yêu của Chúa Kitô “Đấng hy hiến Bản Thân mình cho thế gian được sự sống”, ĐTC nói rằng chúng ta cần phải tự vấn xem chúng ta đã sống cho kẻ khác chưa: “Nhân tính của tôi, cuộc sống của tôi có tràn đầy tình yêu mến Thiên Chúa và tình yêu thương tha nhân hay chưa? Hay nó bị giam cầm trong một cái vòng dồn nén của vị kỷ?”
Ngài nói rằng việc tìm kiếm “sự thật về con người không đạt tới chỉ duy bằng phương tiện của khoa học” mà là “nhờ ánh mắt đầy yêu thương của Chúa Kitô. Chính Người, Là Chúa, là Đấng đang đến với chúng ta nơi mầu nhiệm Thánh Thể. Đừng bao giờ thôi tìm kiếm Người và các bạn sẽ khám phá ra nơi ánh mắt của Người một phản ánh của lòng từ nhân và vẻ đẹp mà chính Bản Thân Người đã đặt để nơi tâm can của chúng ta bằng tặng ân Thần Linh của Người”.
Chủ Tịch Thượng Viện Ý Quốc, một Người Vô Tín Ngưỡng, bênh vực phẩm giá của bào thai
Thứ Ba 14/12/2004, ông chủ tịch thượng viện Ý Quốc là Marcello Pera đã nói trong một cuộc bàn luận công khai với ĐHY Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin Joseph Ratzinger tại Đại Học Lateran, đã chủ trương rằng: “Phôi bào là một con người từ khi được thụ thai”.
Ông đã lên giọng khi đặt vấn đề về khởi điểm của sự sống nơi phôi bào bằng cách hỏi rằng ai là người quyết định lúc nào sự sống bắt đầu có nơi phôi bào: “Bác sĩ sản phụ khoa ư? Hãng chế dược phẩm ư? Quốc hội ư?”
“Cái nguy hiểm ngày nay đó là chỉ vì có thể làm được việc này việc kia về kỹ thuật và khoa học mà người ta quyết định làm việc ấy. Có lẽ chỉ vì một cái ý nghĩ chợt nẩy lên trong đầu mà người ta quyết định rằng ước muốn của họ là đúng, thậm chí nó còn trở thành một nguyên tắc tối hậu nữa. Điều này dẫn con người đi đến chỗ làm nhiều điều hết sức vô trách nhiệm”.
Nói với những ai không tin tưởng vào bất cứ một tôn giáo nào, vị chủ tịch này khuyên họ rằng “đừng vội vàng biến những ước muốn thành quyền lợi, và biến những quyền lợi thành những nguyên tắc bất khả xâm phạm”.
ĐHY Ratzinger, nhận định về những lời vị chủ tịch thượng viện Ý nói, đã giải thích thêm rằng: “đối với chúng tôi thì con người không phải là một sự vật. Con người theo phẩm vị của mình là trên hết”.