GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 12/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.  

 

__________________

 NGÀY 21 THỨ BA

 

ĐTC GPII với tham dự viên Các Cuộc Diễn Đàn Hiệp Hội Gia Đình Ý Quốc về tình hình gia đình bị tấn công mạnh liệt hơn


Hôm Thứ Bảy 18/12/2004, với 150 tham dự viên hiện diện ở Các Cuộc Diễn Đàn Hiệp Hội Gia Đình Ý Quốc, ĐTC GPII đã bày tỏ cảm nhận của Ngài về hiện trạng gia đình càng ngày càng bị tấn công bởi thẩm quyền đáng lẽ phải bảo vệ nó, như sau:


“Tiếc thay, những cuộc tấn công phạm đến hôn nhân và gia đình mỗi ngày một mãnh hơn và sâu đậm hơn, cả về quan điểm ý hệ lẫn quan điểm qui phạm.


“Ai hủy hoại cơ cấu thiết yếu của việc loài người sống chung đây là thành phần gây ra một vết thương sâu đậm cho xã hội và những thiệt hại thường bất khả sửa chữa.

 

“Nỗ lực này muốn biến gia đình thành một thứ cảm nghiệm theo cảm xúc riêng tư không dính dáng gì tới xã hội; nỗ lực làm lẫn lộn các quyền lợi cá nhân với những quyền lợi xứng hợp với tế bào gia đình được hôn nhân tạo nên; nỗ lực san bằng những hình thức chung sống với nhau giống như kiểu kết hợp của hôn nhân; nỗ lực chấp nhận, và có một số trường hợp, ủng hộ việc đàn áp sự sống vô tội của con người bằng cách cố tình phá thai; nỗ lực thay thế những tiến trình tự nhiên của việc truyền sinh con cái bằng việc thực hiện những hình thức cấy thai nhân tạo, tất cả những thứ ấy chỉ là một số lãnh vực đang diễn tiến việc lật ngược xã hội này.


“Sự tiến bộ về dân sự không thể phát xuất từ tình trạng phá giá về xã hội của hôn nhân cũng như từ việc mất đi lòng tôn trọng phẩm giá bất khả vi phạm của sự sống con người. Những gì có vẻ là sự tiến bộ về văn minh và thắng đoạt của khoa học, nơi nhiều trường hợp thật ra chỉ là một cuộc thảm bại cho phẩm vị của con người cũng như cho xã hội.


“Sự thật về con người, sự thật là con người được kêu gọi từ khi được thụ thai là được lãnh nhận bằng yêu thương và trong yêu thương, chứ không thể trở vật hy sinh cho quyền năng của kỹ thuật cũng như cho cái mập mờ của các ước muốn về những thứ quyền lợi chân thực. Ước muốn hợp lý có được một người con hay được khỏe mạnh không thể bị biến thành một thứ quyền lợi vô điều kiện được quyền loại trừ đi nhân mạng của người khác.


“Khoa học và kỹ thuật là những gì chân thực phục vụ con người chỉ khi nào chúng bảo vệ và cổ võ tất cả mọi cá nhân con người liên quan đến tiến trình truyền sinh.


“Các hiệp hội Công Giáo, cùng với tất cả mọi con người thiện tâm còn tin tưởng vào các thứ giá trị của gia đình và sự sống, đều không thể chịu thua trước những áp lực của một thứ văn hóa đa dọa tận nền tảng của việc tôn trọng sự sống và phát triển gia đình”.


ĐTC đã diễn tả Các Cuộc Diễn Đàn của Chư Hiệp Hội Gia Đình là một trong những “hình thức động viên” cần thiết được chính Ngài khích lệ trong tông huấn “Familiaris Consortio”, nhờ đó, “gia đình sẽ phát triển ý thức phải là ‘những tay đóng vai chính’ về ‘qui chế gia đình’ và đảm nhận trách nhiệm biến đổi xã hội”. Và ĐTC cũng nhấn mạnh đến tổ chức này có thể lấy làm Kim Chỉ Nam hay Cẩm Nang của họ “Bản Hiến Chương Các Quyền Lợi của Gia Đình” được Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình phổ biến năm 1983.

 

 

Đi Sâu vào Căn Nguyên của Nghèo Khổ và Hội Chứng Liệt Kháng


Theo bản tường trình mới nhất của Cơ quan FAO (Food and Agriculture Organization) thuộc tổ chức LHQ, tựa đề “Tình Trạng Bất Ổn Về Lương Thực Trên Thế Giới”, thì cho dù tỷ lệ của thành phần bị đói khổ có giảm xuống nhưng con số tối đa của thành phần nạn nhân lại tăng lên. Giữa năm 2000 và 2002, có 852 triệu người bị đói, bao gồm cả 815 triệu người ở các quốc gia đang phát triển.


Nguyên nhân chính gây ra chết chóc, ở những quốc gia tình trạng này đang suy thoái, đó là chiến tranh, bệnh sốt rét và hội chứng liệt kháng, những gì càng làm cho tình trạng hại dinh dưỡng trở nên trầm trọng hơn. Để hiểu rõ về tầm mức quan trọng của hiện tượng này, Zenit đã phỏng vấn ông Riccardo Cascioli, chủ tịch Trung Tâm Âu Châu Nghiên Cứu Về Môi Trường, Dân Số Và Phát Triển. Sau đây là những gì ông cho biết.


Vấn:     Bản tường trình của Cơ quan FAO nói đến cả triệu triệu nhân mạng hằng năm chết vì đói và hại dinh dưỡng, tuy nhiên, Âu Châu lại hạn chế việc sản xuất lương thực. Ông giải thích cái nghịch lý này ra sao?


Đáp:     Chắc chắn đây là một cái nghịch lý “xấu xa” chúng ta không thể nào làm ngơ được. Tuy nhiên, cũng ta cũng phải để ý tới cái chính sách mị dân của những ai nói rằng chỉ cần tái phân phối thực phẩm là giải quyết được tất cả mọi vấn đề.


Việc gửi các thứ thực phẩm từ Âu Châu tới Thế Giới Thứ Ba là việc hữu ích và cần thiết chỉ khi nào xẩy ra trường hợp khẩn cấp; bằng không, nó sẽ trở thành một thứ duy cầu an tai hại.


Nhiều yếu tố góp phần vào tình trạng này của rất nhiều dân tộc ấy. Chẳng hạn cũng nên lưu ý là bản tường trình của FAO nói rằng những cuộc khủng hoảng về lương thực tệ hại nhất gây ra bởi những cuộc xung đột khiến không thể thực hiện được việc phát triển gì cả. Tuy nhiên, trước hết cần phải nghĩ đến khả năng sản xuất của các nước nghèo khổ.


Sự kiện điển hình cho thấy rằng ở Ý quốc việc sản xuất lúa gạo ở mỗi mẫu đất khác nhau từ 70 tới 85 tạ, còn ở Phi Châu từ 4 tới 5 tạ.


Bản tường trình của cơ quan ILO (International Labor Organization) được phổ biến ngày 7/12/2004 nhấn mạnh ngay đến vấn đề này, đó là có 550 triệu công nhân ở Thế Giới Thứ Ba sống dưới 1 Mỹ kim mỗi ngày; tức là việc làm của họ sản xuất rất ít.


Vấn đề là ở chỗ đó. Nó là một vấn đề phát triển toàn cầu bao gồm các khía cạnh về kinh tế, xã hội và chính trị – thế nhưng, trước hết, tôi muốn nói rằng đó là khía cạnh về văn hóa, vì tác năng và việc sản xuất trên hết lệ thuộc vào ý nghĩa được gán cho công việc làm cũng như cho con người.


Vấn:     Sau bệnh sốt rét thì hội chứng liệt kháng là một trong những nguyên nhân chính gây ra chết chóc ở Phi Châu. Theo ông thì đâu là những giải quyết cho vấn đề này?


Đáp:     Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc đặt vấn đề là các qui chế được những cơ quan quốc tế áp dụng cho tới nay, nhất là ở các nước đang phát triển, đã rõ ràng thất bại thảm thương. Đáng trách nhất là việc ngăn ngừa chỉ căn cứ vào nguyên việc phân phát các thứ bọc cao su làm tình, được gọi một cách đáng trách là “làm tình an toàn”.


Việc nghiên cứu và kinh nghiệm cho thấy rằng những bọc cao su làm tình làm giảm thiểu cơ hội lây lan đến gần 85% nhưng không hoàn toàn loại trừ nó. Ngoài ra, cảm giác an toàn do những bọc cao su làm tình này tạo nên làm tăng phát dồi dào hành vi nguy hại gây ra nạn dịch tễ này, do đó đã hủy hoại đi những lợi ích khả hữu. Chứng cớ về điều này là các quốc gia Phi Châu được phân phát nhiều nhất bọc cao su làm tình cũng là những nước có mức độ lây lan Vi Khuẩn Liệt Kháng nhiều nhất.


Về vấn đề chữa trị cũng tương tự như thế. Để giảm bớt tất cả vấn đề này tại các quốc gia đang phát triển đối với việc có sẵn những thứ thuốc men giá hạ là những gì lừa đảo đang diễn ra. Những thứ thuốc này chắc chắn là cần thiết, thế nhưng sự hiện diện ở vùng đất ấy thành phần nhân viên có thể phân phối các thứ thuốc ấy, nhất là để giáo dục dân chúng là điều trọng yếu. Vì cũng cần phải rõ ràng về sự kiện hội chứng liệt kháng là một thứ bệnh nạn của nghèo khổ và thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng việc ngăn chặn hội chứng này chỉ cần đến các phương trị về sức khỏe mà thôi.


Trái lại, cuộc chiến đấu chống lại hội chứng liệt kháng cần phải được giải quyết trong khuôn khổ những qui chế phát triển toàn cầu, những qui chế cần phải được đẩy mạnh bởi việc giáo dục. Thực tại đã cho thấy rõ điều ấy: Đó là những trường hợp tích cực duy nhất trong việc chống lại hội chứng liệt kháng vẫn từng xẩy ra ở những nơi chú trọng tới trách nhiệm và việc tôn trọng con người, do đó, đặc biệt đề cao việc cầm hãm và trung thành với người phối ngẫu của mình.


Ở Uganda chẳng hạn, trường hợp duy nhất trong việc đầu tư ở tầm cấp toàn quốc, cho thấy tỷ lệ lây lan vi khuẩn liệt kháng giữa năm 1991 và năm 2000 giảm xuống từ 20% tới 6%. Một trường hợp tích cực khác được thấy ở Senegal, Jamaica và Cộng Hòa Dominican, thế nhưng, lý do trong tất cả những trường hợp này đó là “việc thay đổi hành vi cử chỉ”, ở chỗ giảm bớt con số đồng tình nhân và gia tăng tuổi liên hệ về tình dục lần đầu.


Bởi thế mà chẳng lạ gì chính phủ Bush chẳng hạn, nhấn mạnh tới các tổ chức về tôn giáo trong cuộc chiến chống hội chứng liệt kháng, vì những tổ chức tôn giáo ấy chứng tỏ cho thấy họ là những tác nhân quan trọng nhất trong việc giáo dục, trước hết, bằng sự hiện diện của chúng nơi dân chúng. Đã từng trải với trường hợp này cả mấy thập niên, những tổ chức tôn giáo ấy là những tổ chức khả tín.


Tôi đang nói tới các tổ chức Công Giáo, những không phải chỉ có họ, mặc dù các cơ quan chăm sóc sức khỏe liên quan tới Giáo Hội Công Giáo mà thôi phục vụ gần 30% các bệnh nhân bị hội chứng liệt kháng.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 13/12/2004
 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ