GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 12/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.  

 

__________________

 NGÀY 23 THỨ NĂM, NGÀY THÁNH THỂ

TRONG NĂM THÁNH THỂ

 

ĐTC GPII trong Buổi Triều Kíến Chung Thứ Tư hằng tuần (22/12/2004) về Mầu Nhiệm Giáng Sinh


1.     Trong những ngày sửa soạn Lễ Giáng Sinh này, chúng ta liên tục nguyện cầu theo phụng vụ là “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Nó giống như một điệp khúc phát lên từ tâm can của tín hữu ở khắp cùng bờ cõi trái đất và không ngừng vang vọng nơi lời nguyện cầu của Giáo Hội.


Chúng ta cũng kêu cầu Chúa Kitô đến mấy phút trước đây qua bài “O Antiphon”. Đấng Thiên Sai được kêu cầu bằng một số danh hiệu tuyệt vời nhất trong Sách Thánh: “Vua Chư Dân”, “Niềm Hy Vọng của Chư Quốc”, “Tảng Đá Nền liên kết mọi dân tộc”.


2.     Vào dịp Lễ Giáng Sinh, chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm cao cả của Thiên Chúa làm người trong cung lòng của Vị Trinh Nữ. Người được sinh ra ở Bêlem để chia sẻ thân phân mỏng dòn của nhân loại chúng ta! Người đến giữa chúng ta và mang ơn cứu độ đến cho toàn thế giới. Sứ vụ của Người là để tái liên kết tất cả mọi người và mọi dân tộc lại thành một gia đình con cái duy nhất của Thiên Chúa.


Chúng ta có thể nói rằng nơi mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta chiêm ngưỡng “cái nhẩy vọt” nơi lịch sử cứu độ. Nhân loại là thành phần bởi tội lỗi đã tách mình khỏi Đấng Hóa Công lãnh nhận nơi Chúa Kitô tặng ân của một mối hiệp thông mới mẻ và trọn vẹn hơn với Ngài. Niềm hy vọng bừng lên trong tâm can chúng ta, và các cửa trời đã mở ra cho chúng ta.


3.     Anh chị em thân mến! Chớ gì việc cử hành Lễ Giáng Sinh là một cơ hội thuận lợi để chúng ta thực sự sống giá trị và ý nghĩa của biến cố giáng sinh cao cả của Chúa Giêsu. Đó là điều chúc nguyện tôi muốn bày tỏ cùng anh chị em, gia đình của anh chị em và cộng đoàn của anh chị em.

 

Giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh: 20 năm phục vụ


(tiếp hôm qua)

Vấn:     Ông có thể cho biết về những trường hợp các mối liên hệ với thành phần phóng viên ký giả đã được đổi thay ra sao chăng?

Đáp:     Có nhiều trường hợp; tôi sẽ đề cập đến một vài trường hợp đối với tôi là đáng kể. Thành phần ký giả đã có thể theo Đức Gioan Phaolô II đi khắp nơi. Vị Giáo Hoàng này thậm chí còn cho phép các máy chụp truyền hình quay cuộc ngài gặp gỡ kẻ cố sát ngài là Ali Agca ở trong nhà tù Rebibbia.

Ngài không bao giờ áp đặt việc kiểm duyệt cả, ngay cả vấn đề liên quan tới sức khỏe của ngài. Vào tháng 7/1992, trước khi biết được là có bướu, ngài được cho rằng bị ung thư, ngài đã gọi tôi mà nói: “Tôi sẽ đề cập tới điều này trong huấn từ Truyền Tin, anh nói với các ký giả những gì anh nghĩ là hay nhất”.

Trong suốt thời gian ngài hồi phục ở bệnh viện, chúng tôi sẵn sàng cung cấp tất cả mọi tín liệu. Sauk hi ngài bị mổ ống chân bị gẫy xương đùi, chúng tôi đã cho nhóm quay phim của RAI (Italian Radio and Television) thấy tấm phim quang tuyến chụp một bộ phận giả được lắp vào cẳng chân của ngài. Về việc làm hoàn toàn ngay lành này tôi thậm chí bị một số người chỉ trích.

Tôi xin nhấn mạnh rằng đằng sau thái độ ấy, không phải chí là một thứ kỹ thuật thông tin mà còn là một cách nhận thức Giáo Hội và chính hình ảnh của vị Giáo Hoàng ấy.

Vấn:     Ông quen với Đức Thánh Cha ra sao và ông nghĩ thế nào khi được bổ nhiệm làm đầu văn phòng báo chí của tòa thánh?

Đáp:     Khi tôi biết là Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm tôi làm giám đốc văn phòng báo chí của tòa thánh tôi cảm thấy thắc mắc đủ thứ, nhưng thời gian lại không có nhiều.

Bấy giờ tôi đang làm chủ tịch của Hội Báo Chí Thế Giới. 500 phóng viên ở Rôma đã tái bầu tôi làm chủ tịch cho nhiệm kỳ thứ hai, cho dù vào lúc ấy tôi đã quyết định chấm dứt cuộc mạo hiểm làm nghề phóng viên để trở về Tây Ban Nha tiếp tục vai trò nguyên thủy của mình làm nhà giáo dạy trong trường y khoa.

Lúc bấy giờ, kiến thức của tôi về vì Giáo Hoàng này rất ư là hạn hẹp. Tôi đã thực hiện một số cuộc hành trình với tư cách là ký giả và là một phần tử trong phái đoàn của ngài, ngoài ra không biết gì lắm. Tôi thường ngẫm nghĩ tại sao ngài thực sự đã chọn tôi.

Tôi thật sự được tin tưởng bởi thành phần ký giả thuộc báo chí ngoại quốc bầu tôi làm chủ tịch của họ, nhưng tôi không nghĩ rằng đó là yếu tố quyết liệt cho việc bổ nhiệm của ngài.

Trái lại, tôi nghĩ rằng, trong các dự án của Đức Thánh Cha, ngài muốn đáp ứng những niềm mong ước đã xuất phát trên thế giới ngay từ đầu giáo triều của ngài.

Để đáp ứng những thách đố về vấn đề truyền đạt toàn cầu, cần phải thay đổi nhiều điều: như ngôn ngữ, cơ cấu và nhất là tâm thức.

Khi mới bắt tay vào việc, tôi đã phải bỏ rất nhiều giờ ra để cố gắng tìm hiểu Giáo Triều Rôma, để hiểu được rõ ràng những vấn đề của từng phân bộ, để có thể đặt nền tảng cho vấn đề hợp tác hoạt động được công hiệu và thành quả.

Bởi thế, dĩ nhiên chúng tôi đã phải cố gắng để công hiệu hóa những đổi thay cần thiết về cơ cấu để thực hiện một nỗ lực thông tin liên tục.

Vấn:     Đâu là những vấn đề ông đã phải giải quyết?

Đáp:     Những đổi thay vị Giáo Hoàng này muốn thực hiện liên quan tới việc truyền đạt sứ điệp ở tầm cấp thế giới cần phải có một sự hợp tác chặt chẽ với phương tiện truyền thông.

Vấn đề là ở chỗ lý lẽ của Giáo Hội và lý lẽ của giới truyền thông lại khác nhau. Lý lẽ của giới truyền thông đại chúng hoàn toàn bị hạn chế vào những biến cố xẩy ra hằng ngày. Những ý tưởng không được trình bày một cách thấu đáo mà chỉ là những chủ trương theo cá nhân, bởi thế, ngay cả đến những đặc tính về văn hóa liên quan tới các vấn đề không thiết yếu lắm cũng trở thành những gì gay cấn.

Ngoài ra, tin tức phải là một cái gì đó nổi bật; không cần phải đặt thành vấn đề chúng có tính chất lành hay dữ. Chúng là những gì được các lý thuyết gia về truyền thông gọi là những giới hạn thuộc lãnh vực của ngành phóng viên ký giả.

Trong khi đó Giáo Hội có lý lẽ của mình, nơi mà hết mọi sự được nhìn theo chiều kích dài hạn, và là nơi hết mọi sự riêng biệt đều thuộc về tổng thể, nơi mà sự gắn bó và mối hiệp nhất của tổng thể đòi con người ta không được phân rẽ nguyên tắc luân lý với đời sống con người cũng như với thân phận làm con cái thần linh.

Đối với chúng tôi vấn đề là làm sao để làm cho những lý lẽ khác nhau ấy có thể hòa hợp với nhau. Câu giải đáp thỏa đáng của chúng tôi đã được cống hiến bởi giáo triều đã từng thành đạt trong việc hòa hợp hai thứ lý lẽ này. Đức Gioan Phaolô II đã không tập tễnh bước theo sau công luận; trái lại, giới truyền thông đại chúng vẫn bước theo vị Giáo Hoàng này.

Giáo triều này đã canh tân lại thứ ngôn ngữ được dân chúng sử dụng, đã có thể đụng chạm tới những vấn đề chính yếu của thực tại được chúng tôi gọi là vấn đề tân tiến, và đã cung cấp những giải đáp cả trong lẫn ngoài lãnh giới Kitô giáo cho những vấn đề của con người. Lợi ích mang lại thật là muôn vàn và không có dấu hiệu nào cho thấy nó bị suy giảm cả.

(còn tiếp)


 

Hôn Nhân Dọn Đường Thánh Thể - Thánh Thể Viên Mãn Hôn Nhân
 

(tiếp Thứ Năm tuần trước)

Thánh Thể Viên Mãn Hôn Nhân

Như thế, ngay từ ban đầu, đời sống hôn nhân hay cơ cấu hôn nhân của con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa “có nam có nữ” (Gen 1:27) chẳng những liên hệ với Nhiệm Thể Giáo Hội Chúa Kitô mà còn liên hệ mật thiết với cả Thánh Thể Chúa Kitô nữa.

Quả vậy, nếu gia đình là trung tâm yêu thương và sự sống, mà Thánh Thể là Bí Tích yêu thương và là Bánh Sự Sống, thì Thánh Thể là mô phạm và là sinh lực của gia đình và cho gia đình nói chung, và của vợ chồng và cho vợ chồng nói riêng. Vẫn biết sự sống từ hôn nhân và gia đình đây trước hết là sự sống về thể lý. Nhưng vì người ta không sống nguyên bởi bánh còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra (x Mt 4:4), tức còn sống theo luân thường đạo lý, mà nếu thiếu sự sống thiêng liêng, sự sống do Bánh Sự Sống là Thánh Thể ban cho, hôn nhân và gia đình không thể nào thực sự trở thành trung tâm sự sống, thậm chí còn trở thành trung tâm sự chết, cả về tâm lý (ly dị) lẫn thể lý (phá thai), như đang xẩy ra trong thế giới ngày nay.

Chưa hết, vì đã được lãnh nhận bí tích rửa tội, vợ chồng không phải chỉ sống thân phận làm người theo luân thường đạo lý như bất cứ con người thành tâm thiện chí nào, mà còn phải sống sự sống thần linh của thành phần được thừa nhận làm con cái Thiên Chúa nữa. Ngoài ra, vì đã lãnh nhận bí tích hôn phối, vợ chồng cũng phải sống cả sự sống hiệp thông trọn hảo giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Thế nhưng, kinh nghiệm hôn nhân cho thấy, tự mình, theo tự nhiên, vợ chồng không thể nào sống được những sự sống thần linh cao cả siêu việt ấy, nếu không lấy Thánh Thể làm trọng tâm của đời sống hôn nhân, làm sinh lực cho đời sống vợ chồng. Chỉ khi nào họ nỗ lực sống yêu thương trọn hảo, “yêu kẻ thuộc về mình cho đến cùng” (Jn 13:1), như Chúa Giêsu Thánh Thể, yêu đến độ dám sẵn sàng “hiến mạng sống mình vì người yêu” (Jn 15:13; 17:19), họ mới có thể hoàn toàn hiệp thông với nhau, mới thật sự “nên một thân thể”, mới có thể phản ảnh “mầu nhiệm cao cả”.

Khi đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, bằng việc Hiệp Lễ, Viếng Chúa hay Chầu Thánh Thể v.v. là tâm hồn tỏ ra chẳng những nhận biết tình yêu tuyệt hảo của Chúa Kitô mà còn tỏ ra hết sức khao khát tình yêu này nữa, tỏ ra thực sự muốn sống tình yêu này nữa. Đó là lý do, khi đến với những tâm hồn như thế, Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ chiếm đoạt tâm trí họ và sử dụng thân xác của họ để tiếp tục tỏ mình ra cho thế gian tới khi Người lại đến trong vinh quang.

Bởi thế, nếu Chúa Giêsu Thánh Thể  một khi chiếm đoạt tâm hồn nào thiết tha đến với Người trong Bí Tích Thánh Thể  và  sử  dụng thân xác của họ  làm việc cho Người, mà cho dù hôn nhân liên quan đến sự sống thể lý đi nữa, thì sự sống thể lý của hôn nhân cũng lệ thuộc vào Chúa Giêsu Thánh Thể. Không phải ở chỗ con người cần phải ăn Bánh Thánh Thể mới có thể tăng trưởng về tầm vóc cơ thể của mình. Mà ở chỗ thân xác con người sau này được phục sinh, nói đúng hơn, ở chỗ thân xác con người chẳng những được phục sinh như mọi thân xác khác (kể cả thân xác của kẻ dữ) mà còn được biến đổi hiển vinh như thân xác biến hình trên núi của Chúa Kitô, hay như thân xác Người hiện ra với các tông đồ sau khi sống lại từ trong cõi chết. Dấu hiệu có thể cho thấy trước được sự thật biến đổi hiển vinh này nơi những tâm hồn sống đức ái trọn hảo, sống sự sống hiệp thông như Chúa Giêsu Thánh Thể và nhờ Chúa Giêsu Thánh Thể, thân xác của họ đã trở thành khí cụ công chính, làm được những việc phi thường, những việc phàm nhân không làm nổi. Điển hình nhất trong giai đoạn hầu bán thế kỷ 20 đó là một Mẹ Maria Têrêsa Calcutta. Như thế, quả thực nếu hôn nhân dọn đường cho Thánh Thể, ở chỗ, cống hiến cho Lời Nhập Thể một thân xác, thì Thánh Thể, hoa trái và lao công của con người ấy, đã trở thành Bánh nuôi sống hôn nhân, là chính sự sống viên mãn của hôn nhân. Một đời hôn nhân sống Thánh Thể là một đời hôn nhân đang sống đời sống phục sinh “nên như các thần trời” (Mt 22:30) vậy.

Trong Tông Huấn Familiaris Consortio (như đã trích dẫn trên đây) được ban hành ngày 22/11/1981, Lễ Chúa Kitô Vua, về vai trò của gia đình Kitô giáo trong thế giới tân tiến ngày nay, theo nhận định của các nghị phụ tham dự Thượng Hội Giám Mục Thế Giới Thường Lệ Lần Thứ V (26/9-25/10/1980), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết ở đoạn 57 như sau:

“Vai trò thánh hóa của gia đình Kitô hữu được bắt nguồn từ Phép Rửa và được thể hiện ở mức cao nhất nơi Thánh Thể là bí tích hôn nhân Kitô giáo có một liên hệ sâu xa. Công Đồng Chung Vaticanô II đã đề cập đến mối liên hệ đặc thù này giữa Thánh Thể và hôn nhân bằng việc yêu cầu “hôn nhân cần phải được cử hành trong Thánh Lễ” (Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, 78). Để hiểu rõ hơn và sống thiết tha các ân sủng và trách nhiệm của hôn nhân cũng như của đời sống gia đình Kitô giáo, thì cần phải tái nhận định và củng cố lại hoàn toàn mối liên hệ này.

“Thánh Thể là chính nguồn mạch của hôn nhân Kitô giáo. Thật thế, Hy Tế Thánh Thể là biểu hiệu cho giao ước yêu thương của Chúa Kitô đối với Giáo Hội, một giao ước được niêm ấn bằng máu của Người đổ ra trên Thập Tự Giá (x. Jn 19:34). Nơi hy tế của Giao Ước Mới và Vĩnh Cửu này, các đôi phối ngẫu Kitô hữu gặp được nguồn mạch phát sinh giao ước hôn nhân của họ, một giao ước được sâu xa kiến tạo và được liên tục đổi mới. Là một cuộc tái thể hiện hy tế yêu thương của Chúa Kitô đối với Giáo Hội, Thánh Thể là mạch nguồn bác ái. Nơi tặng ân bác ái của Thánh Thể, gia đình Kitô hữu tìm thấy được nền tảng và hồn sống cho ‘mối hiệp thông’ của mình cũng như cho ‘sứ vụ truyền giáo’ của mình: ở chỗ khi lãnh nhận bánh Thánh Thể, các phần tử khác nhau của gia đình Kitô hữu trở nên một thân thể là những gì tỏ ra cho thấy cũng là những gì tham phần vào mối hiệp nhất bao rộng của Giáo Hội. Việc họ thông dự vào Thân Mình ‘trao nộp’ của Chúa Kitô cũng như vào Máu Huyết ‘đổ ra’ của Người sẽ trở thành một nguồn mạch vô tận cho hoạt động truyền giáo và tông đồ đối với gia đình Kitô giáo”.

Tóm lại, nếu hôn nhân có liên hệ mật thiết với Giáo Hội và Thánh Thể, ở chỗ nếu không có Giáo Hội và Thánh Thể cũng chẳng có hôn nhân, thì hôn nhân không thể tồn tại và viên mãn nếu không phản ảnh “mầu nhiệm cao cả” của Chúa Kitô và Giáo Hội, một mầu nhiệm yêu thương tận tuyệt và hiệp nhất nên một. Đó là lý do sâu xa cho thấy sở dĩ cơ cấu gia đình trong thế giới càng tân tiến ngày nay càng bị khủng hoảng hầu như tới chỗ phá sản và tan vỡ bởi nạn ly dị và phá thai, bởi nạn đồng tính hôn nhân và tạo sinh sao bản, là vì gia đình đã cạn kiệt rượu yêu thương hôn nhân, một thứ yêu thương không phải theo kiểu yêu cuồng sống vội, theo kiểu tự do luyến ái với cả người đồng phái tính, một thứ yêu thương hoàn toàn phản nghịch lại với “mầu nhiệm cao cả” của tình yêu Chúa Kitô đối với Giáo Hội và Giáo Hội với Chúa Kitô (x Eph 5:22-28).

Nếu “Chúa đã dựng nên con người cho Chúa nên lòng trí con người khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa” (Thánh Âu Quốc Tinh, Tự Thú, 1) thế nào, thì đời sống hôn nhân được Thiên Chúa thiết lập cho Nhiệm Thể Giáo Hội và Thánh Thể Chúa Kitô cũng chỉ có thể tìm thấy ý nghĩa yêu thương và sự sống, một sự sống hiệp thông yêu thương làm nên bản chất đích thực của mình nơi Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng luôn hiến mình cho Giáo Hội và ở cùng Giáo Hội mà thôi. Có thế, gia đình vốn là cửa ngõ cho Thiên Chúa vào trần gian mới có thể chẳng những thực sự là Giáo Hội Tại Gia, là Cung Thánh Thần Linh, mà còn là Tin Mừng Sự Sống cho thế giới đang mù mịt trong bầu trời văn hóa chết chóc ngày nay.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ