GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 12/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.
__________________
NGÀY 26 CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA, NGÀY 2 TRONG BÁT NHẬT GIÁNG SINH |
ĐTC GPII: Bài Giảng Lễ Đêm Giáng Sinh 2004
1. "Adoro te devote, latens Deitas." “Thần Linh đang ẩn mình nơi đây, Đấng tôi thật sự tôn thờ”. Vào Đêm này, những lời mở của bài thánh ca về Thánh Thể được cử hành này âm vang trong lòng tôi. Những lời này hằng ở với tôi hằng ngày trong năm được giành cho Thánh Thể đây. Nơi Người Con của Đức Trinh Nữ, “được bọc trong khăn và đặt nằm trong máng cỏ” (Lk 2:12), chúng ta nhận biết và tôn thờ “Bánh bởi trời xuống” (Jn 6:41, 51) là Đấng Cứu Chuộc đã đến giữa chúng ta để mang lại sự sống cho thế giới.
2. Bêlem! Thành phố là nơi Chúa Giêsu giáng sinh để làm trọn Sách Thánh này, theo Do Thái ngữ, có nghĩa là “nhà bánh”. Chính ở nơi đó mà Đấng Thiên Sai đã được sinh ra, Đấng đã nói về mình rằng: “Tôi là bánh sự sống” (Jn 6:35,48). Ở Bêlem Đấng được hạ sinh, dưới dấu hiệu của tấm bánh bẻ ra, khiến chúng ta nhớ đến Cuộc Vượt Qua của Người. Vào Đêm Thánh này, việc tôn thờ Con Trẻ Giêsu trở thành việc tôn thờ Thánh Thể.
3. Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Chúa thực sự hiện diện trong Bí Tích trên bàn thờ, Bánh hằng sống ban sự sống cho nhân loại. Chúng con nhận biết Chúa là Thiên Chúa duy nhất của chúng con, một Con Trẻ nhỏ bé nằm bất lực trong máng cỏ! “Khi thời gian viên trọn, Chúa đã trở thành một con người giữa loài người, để nối kết tận điểm với khởi điểm, tức là nối kết con người với Thiên Chúa” (cf. St. Irenaeus, "Adversus Haereses," IV, 20, 4). Chúa được sinh ra vào Đêm này, hỡi Đấng Cứu Chuộc thần linh của chúng con, và trong cuộc hành trình tiến bước trên con đường thời gian, Chúa đã trở nên lương thực sự sống đời đời cho chúng con.
Xin hãy nhìn đến chúng con, hỡi Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã mặc xác thể trong cung lòng Trinh Nữ Maria! Toàn thể nhân loại, đang mang gánh nặng thử thách và trục trặc, đang cần đến Chúa. Xin hãy ở với chúng con, hỡi bánh hằng sống từ trời xuống vì phần rỗi của chúng con! Xin hãy ở với chúng con đến muôn đời! Amen!
Sứ Điệp Giáng Sinh của ĐTC GPII: “Mọi nơi đều cần đến Hòa Bình”1. "Christus natus est nobis, venite, adoremus!" Chúa đã hạ sinh cho chúng ta, chúng ta hãy tôn thờ Người! Vào ngày trọng đại này, chúng con đến với Chúa, hỡi Hài Nhi Bêlem yếu đuối. Qua việc hạ sinh của mình, Chúa đã dấu đi thần tính của Chúa để chia sẻ bản tính nhân loại yếu hèn của chúng con. Trong ánh sáng đức tin, chúng con tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa thực sự, đã hóa thân làm người vì yêu thương chúng con. Chỉ có Chúa là Đấng Cứu Chuộc duy nhất của nhân loại mà thôi!
2. Trước máng cỏ lànơi Chúa nằm một cách bất lực, xin hãy chấm dứt tình trạng lan tràn bạo lực nơi nhiều hình thức của nó là những gì gây đau khổ khôn xiết kể; xin hãy chấm dứt nhiều tình trạng bất ổn trở thành nguy cơ gây ra cuộc công khai xung đột; xin hãy làm bừng lên một ý muốn mãnh liệt trong việc tìm kiếm những giải pháp ôn hòa, tôn trọng những ước vọng hợp lý của cá nhân con người cũng như của các dân tộc.
3. Hỡi Hài Nhi Bêlem, Vị Ngôn Sứ hòa bình, xin hãy phấn chấn những nỗ lực cổ võ đối thoại và hòa giải, xin hãy bảo trì những cố gắng xây dựng hòa bình là những gì bấp bênh song không phải là không có hy vọng đang được thực hiện để mang lại một hiện tại và tương lai yên hàn cho rất nhiều anh chị em của chúng con trên thế giới. Con đang nghĩ đến Phi Châu, đến thảm cảnh ở Darfur nước Sudan, đến Cơte d’Ivoire cũng như đến Vùng Chư Đại Hồ. Con rất cảm thông theo dõi tình hình ở Iraq. Và làm sao con lại không nhìn đến Mảnh Đất mà Chúa được sinh ra, với mối quan tâm âu lo những cũng hết sức tin tưởng.
4. Hết mọi nơi đều cần đến hòa bình! Hỡi Chúa là Vua hòa bình chân thực, xin giúp chúng con hiểu được rằng chỉ có một đường lối duy nhất để xây dựng hòa bình đó là ghê gớm tẩu thoát cho khỏi sự dữ và theo đuổi sự thiện một cách can trường và kiên trì. Hỡi những con người nam nữ thiện tâm trên trái đất này, hãy tin tưởng đến với máng cỏ của Đấng Cứu Tinh! “Đấng ban Nước trời không lấy đi vương quốc của loài người” (x Thánh Cha Phụng Vụ Giờ Kinh Tối Lễ Hiển Linh). Hãy mau mắn đến gặp Người; Người đến để dạy chúng ta đường lối sự thật, hòa bình và yêu thương.
ĐTC Phaolô VI với Mầu Nhiệm Thánh Gia: NAZARETH, MỘT MẪU GƯƠNG
(Bài nói của ngài ở Nazareth ngày 5/1/1964)
Nazarét là một học đường chúng ta có thể từ đó bắt đầu khám phá ra đời sống của Chúa Kitô ra sao, thậm chí có thể hiểu được cả Phúc Âm của Người nữa. Nơi đây, chúng ta có thể thấy được và nghĩ về lời mời gọi đơn thành sống theo cách thức Con Thiên Chúa muốn dùng để tỏ mình ra, một lối sống trầm lắng song lại đầy những ý nghĩa sâu nhiệm. Để rồi từ đó chúng ta mới có thể dần dần tiến đến chỗ học theo gương của Người.
Nơi đây chúng ta có thể nhận ra Chúa Kitô thực sự là ai. Và nơi đây chúng ta cũng mới có thể cảm nhận được và chú ý tới những điều kiện và hoàn cảnh xẩy ra ảnh hưởng đến đời sống trần gian của Người, như địa dư, như tính cách đều đặn của thời gian, như văn hóa, ngôn ngữ, tập tục về tôn giáo, tóm lại, tất cả những gì Chúa Giêsu đã dùng để tỏ mình ra cho thế gian. Nơi đây mọi sự đều nói cho chúng ta hay, mọi sự đều có ý nghĩa của nó. Nơi đây chúng ta mới có thể hiểu được tầm quan trọng của luật phép về tâm linh đối với tất cả những ai muốn theo Chúa Kitô và muốn sống theo những giáo huấn Phúc Âm của Người.
Tôi mong được sống trở lại thời thơ bé để đến học ở mái trường Nazarét lối sống giản dị song sâu xa biết bao! Tuyệt vời là chừng nào được sống gần gũi với Mẹ Maria, học lại bài học về ý nghĩa chân thực của đời sống, học lại những chân lý của Thiên Chúa. Thế nhưng, chúng tôi chỉ là người hành hương ở nơi đây. Thời gian trôi đẩy khiến Tôi phải gạt đi ước muốn sống ở đó để thực hiện việc học theo Phúc Âm, vì việc học này không bao giờ chấm dứt cả. Thế nhưng, Tôi không thể xa lìa nơi chốn này mà không nhắc lại, dù ngắn ngủi và đã qua rồi, một vài tư tưởng đã đi theo với Tôi từ Nazarét.
Trước hết, chúng tôi học được sự thầm lặng của Nazarét. Giá chúng ta, một lần nữa, hiểu được giá trị cao cả của sự thầm lặng này. Chúng ta cần phải ở trong trạng thái tuyệt vời về tâm trí này, nhất là khi chúng ta bị bủa vây bởi một thứ âm thanh inh ỏi của những cuộc chống đối om sòm cùng với những la lối xung khắc làm nên đặc tính của những lúc xáo trộn hiện nay. Sự thầm lặng của Nazarét cần phải dạy cho chúng ta biết cách thức suy niệm trong an bình và thanh vắng, cách thức phản tỉnh về đời sống tâm linh sâu xa, cũng như cách thức mở lòng mình ra trước tiếng nói khôn ngoan nội tâm của Thiên Chúa, cũng như trước những lời huấn dụ từ các vị thầy đích thực của Ngài. Nazarét có thể dạy cho chúng ta biết giá trị của việc học hỏi và chuẩn bị, của việc suy niệm, của một đời sống tâm linh riêng tư thật nghiêm chỉnh, cũng như của một đời sống âm thầm cầu nguyện chỉ có một mình Thiên Chúa biết.
Tiếp đến, chúng ta còn học hỏi cả về đời sống gia đình nữa. Chớ gì Nazarét trở thành một mẫu sống của gia đình. Chớ gì Nazarét cho chúng ta thấy được đặc tính thánh hảo và bền vững của gia đình, cũng như nêu gương về vai trò nồng cốt của gia đình trong xã hội, vai trò của một cộng đồng yêu thương và chia sẻ, tốt đẹp cả về những vấn đề nó gặp phải cùng với những phần thưởng nó mang lại; nghĩa là vai trò của một khung cảnh hết sức tốt đẹp để nuôi dưỡng con cái, một khung cảnh bởi đó không gì có thể thay thế được.
Sau hết, ở Nazarét, ngôi nhà thuộc người con của một thủ công viên, chúng ta học hỏi về công việc làm cùng với khuôn thước làm việc. Tôi xin đặc biệt chú ý tới giá trị của việc làm, một giá trị cần phải có mà lại là một giá trị cứu độ, và Tôi xin tỏ lòng tôn trọng xứng hợp đối với giá trị này. Tuy nhiên, việc làm tự nó không phải là cùng đích. Vì giá trị và đặc tính riêng biệt của nó không phát xuất từ vị thế nó đóng trong guồng máy kinh tế như người ta quan niệm, mà là từ mục đích nó phục vụ.
Để kết thúc, Tôi xin được bày tỏ lòng trọng kính sâu xa của Tôi đối với những người làm ăn sinh sống ở khắp mọi nơi. Tôi muốn cho họ thấy mẫu sống cao cả của họ là Chúa Kitô, người anh em của họ, là Chúa và là Thiên Chúa của chúng ta, Đấng là vị ngôn sứ của họ hết sức muốn họ sống một cuộc đời an lành hạnh phúc.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ The Office of Readings, Saint Paul Editions, 1983, trang 91-92)
ĐTC GPII: Chiêm Ngưỡng Mầu Nhiệm Lời Nhập Thể Giáng Sinh Làm Người (Tuần Bát Nhật Giáng Sinh: ngày 2)
Bài Giáo Lý 6 Đại Năm Thánh 2000 (Thứ Tư 5/4/2000)
1- “Một nguồn mạch và một gốc rễ, một hình thể chiếu tỏa ánh quang tam diện. Từ những tầng sâu thẳm rạng ngời của Ngôi Cha bừng lên quyền lực của Ngôi Con, một sự khôn ngoan đã tạo dựng nên toàn thể thế gian, một hoa trái được hạ sinh từ cung lòng của Ngôi Cha! Và ở đó lóe lên ánh sáng hiệp nhất Thánh Linh”. Synesius of Cyrene đã hát như vậy trong Bản Thánh Ca II từ đầu thế kỷ thứ năm, khi kính mừng Ba Ngôi thần linh, duy nhất về nguồn gốc và tam diện trong vinh quang, vào lúc rạng đông của một ngày mới. Sự thật này về một vị Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi bằng nhau và biệt phân không được suy giảm xuống thành một sự thật về tầng trời; không thể coi sự thật ấy, như theo giả thiết của triết gia Kant, là một thứ “định lý toán học về tầng trời” chẳng có một liên hệ gì với đời sống con người.
2- Thật vậy, như chúng ta đã nghe Thánh Ký Luca trình thuật, vinh quang của Ba Ngôi Thiên Chúa trở nên hiện thực trong thời gian và không gian, cũng như được thể hiện nơi Chúa Giêsu, nơi việc Nhập Thể và đời sống của Người. Thánh Luca giải thích việc đầu thai của Đức Kitô thực sự theo chiều hướng của Ba Ngôi Thiên Chúa, như được chứng thực bởi những lời thiên thần nói với Mẹ Maria trong một ngôi nhà tầm thường ở thôn Nazarét xứ Galilêa, một ngôi nhà được khảo cổ học khám phá thấy. Sự hiện diện thần linh siêu việt ấy được sáng tỏ qua lời thiên thần Gabiên loan báo: Chúa là Thiên Chúa – qua Mẹ Maria cũng như nơi giòng dõi Đavít – đã ban Con mình cho thế gian: “Cô sẽ thụ thai và sinh một con trai, rồi cô đặt tên cho Người là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao; Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ của Người” (Lk 1:31-32).
3- Ở đây chữ “con” có hai ý nghĩa, vì mối liên hệ con cái với Cha trên trời và với mẹ dưới đất được liên kết với nhau chặt chẽ nơi Đức Kitô. Thế nhưng Chúa Thánh Linh cũng thông phần vào biến cố Nhập Thể nữa, một biến cố thực sự đã được Ngài tác động làm cho việc đầu thai trở thành độc nhất vô nhị và bất khả tái diễn: “Thánh Linh sẽ đến với cô và quyền phép Đấng Tối Cao sẽ bao phủ cô; bởi thế con trẻ do cô sinh ra sẽ được gọi là thánh, là Con Thiên Chúa” (Lk 1:35). Những lời của thiên thần giống như một Kinh Tin Kính vắn gọn làm sáng tỏ căn tính của Đức Kitô trong mối liên hệ với các Ngôi khác trong Ba Ngôi. Đó là đức tin nhất trí của Giáo Hội được Thánh Luca cho thấy ở vào lúc mở màn cho thời điểm cứu độ đã đến hồi viên mãn: Đức Kitô là Con Đấng Tối Cao, là Đấng Cao Cả, là Đấng Thánh, là Vua, là Đấng Hằng Hữu, Đấng được đầu thai hóa thành nhục thể do bởi quyền phép Thánh Linh. Bởi thế, Thánh Gioan sau này đã viết trong Bức Thư Thứ Nhất của mình rằng: “Không ai chối bỏ Con mà lại có Cha. Ai tuyên xưng Con thì cũng có Cha vậy” (1Jn 2:23).
4- Ở tâm điểm của đức tin chúng ta là mầu nhiệm Nhập Thể, một biến cố tỏ hiện vinh quang của Ba Ngôi cũng như cho thấy tình yêu của Ba Ngôi đối với chúng ta: “Và Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta… chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người” (Jn 1:14). “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con duy nhất của Ngài” (Jn 3:16). “Tình yêu của Thiên Chúa đã tỏ hiện nơi chúng ta ở chỗ Thiên Chúa đã sai Con duy nhất của Ngài vào thế gian, để chúng ta nhờ Người mà được sống” (1Jn 4:9). Qua những lời của Thánh Gioan này, chúng ta có thể hiểu được việc tỏ hiện vinh quang của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi biến cố Nhập Thể không phải là một cái chớp của ánh sáng làm biến tan bóng tối trong chốc lát, mà là một mầm mống của sự sống thần linh vĩnh viễn được gieo trong thế gian cũng như trong cõi lòng con người.
Tiêu biểu nhất cho ý nghĩa này là câu Thánh Phaolô viết trong Thư gửi giáo đoàn Galata: “Đến thời gian viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh ra bởi một người nữ, sinh ra theo lề luật để cứu những ai thuộc về lề luật, nhờ đó chúng ta được ơn làm nghĩa tử. Vì anh em là con cái nên Thiên Chúa đã sai Thần Linh của Con đến với lòng anh em mà kêu lên ‘Abba, Thưa Cha!’ Vậy nhờ Thiên Chúa anh em không còn là nô lệ nữa mà là con cái, và nếu là con cái thì anh em cũng là kẻ thừa tự” (Gal 4:4-7; cf. Rm 8:15-17). Như thế Cha, Con và Thần Linh đều hiện diện và chủ động nơi biến cố Nhập Thể để đem chúng ta vào sự sống của mình. Công Đồng Chung Vaticanô II nhấn mạnh rằng: “Tất cả mọi người đều được kêu gọi để được hiệp nhất với Đức Kitô, Đấng là ánh sáng thế gian, Đấng mà chúng ta có từ Người, sống nhờ Người, và hướng về Người” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, 3). Thánh Cyprianô cũng nói, cộng đồng con cái Thiên Chúa là “một dân được hiệp nhất với Cha, Con và Thánh Thần” (De Dom Orat., 23).
5- “Nhận biết Thiên Chúa và Con Ngài là chấp nhận mầu nhiệm hiệp thông yêu thương của Cha, Con và Thánh Thần bằng đời sống riêng của mình, một cuộc sống ngay từ bây giờ đã hướng đến sự sống trường sinh, vì cuộc sống ấy thông phần vào sự sống của Thiên Chúa. Thế nên, sự sống trường sinh là sự sống của chính Thiên Chúa đồng thời cũng là sự sống của con cái Thiên Chúa. Khi tâm niệm chân lý vượt quá lòng mong ước và khôn tả được tỏ cho chúng ta nơi Chúa Kitô này, các tín hữu không khỏi luôn luôn lạ lùng bỡ ngỡ với lòng cảm mến không cùng” (Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống, 37-38).
Với nỗi ngỡ ngàng và chấp nhận này, chúng ta phải tôn thờ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi “là mầu nhiệm chính yếu của đức tin và đời sống Kitô giáo. Đó là mầu nhiệm của Thiên Chúa nơi chính mình Ngài. Bởi thế đó cũng là nguồn mạch của tất cả mọi mầu nhiệm đức tin khác, là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm đức tin này” (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 234).
Nơi mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta chiêm ngắm tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa được mạc khải nơi Chúa Giêsu, một tình yêu không dính liền với vòng hào quang tuyệt hảo sáng ngời vinh quang, mà là chiếu sáng nơi nhục thể loài người cũng như nơi lịch sử loài người; nó thấm nhập vào con người, tân sinh con người thành một người con trong Ngôi Con. Vì lý do này, như Thánh Irênêô mới nói, vinh quang của Thiên Chúa đó là con người sống động: ‘Gloria enim Dei vivens homo, vita autem hominis visio Dei”. Họ được như thế không phải chỉ vì sự sống thể lý của họ, mà đặc biệt vì “sự sống của con người là ở chỗ chiêm ngắm Thiên Chúa” (Addversus Heareses IV, 20, 7). Và thấy Thiên Chúa tức là được biến đổi trong Ngài: “Chúng ta sẽ giống như Ngài, vì chúng ta sẽ thấy Ngài như Ngài là” (1Jn 3:2).
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 12/4/2000)