GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 12/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.
__________________
NGÀY 28 THỨ BA, NGÀY 4 TRONG BÁT NHẬT GIÁNG SINH |
ĐTC GPII với vị tân lãnh sự nước Malawi về việc “theo đuổi việc phát triển nhân bản chân thực”
Hôm 16/12/2004, ĐTC GPII đã tiếp vị tân lãnh sự nước Malawi là Gilton Bazilio Chiwaula khi ông trình ủy nhiệm thư hành sự. Sau đây là nguyên văn bài diễn từ của Ngài ngỏ cùng vị tân lãnh sự.
Ông Lãnh Sự,
Tôi vui mừng đón chào ông đến với Vatican và chấp nhận ủy nhiệm thư chị định ông làm Lãnh Sự nước Cộng Hòa Malawi tại Tòa Thánh. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi về những lời chào mừng của Tổng Thống Tiến Sĩ Bingu wa Mutharika gửi đến tôi qua ông. Việc hiện diện của ông nơi đây nhắc cho tôi nhớ đến cuộc viếng thăm của tôi ở Malawi năm 1989 là nơi tôi được nồng hậu đón tiếp. Tôi xin ông làm ơn chuyển lời chào thân ái của tôi đến ngài Tổng Thống và hứa sẽ tiếp tục cầu nguyện cho quốc gia của ông được hòa bình và phúc hạnh.
Dân chúng ở châu lục của ông đã cống hiến cho thế giới rất nhiều về việc tôn trọng đời sống gia đình. Đó là lý do tôi đã khuyến khích họ tiếp tục cổ võ đời sống gia đình vững chắc như một môi trường thích hợp để nuôi dưởng con cái, nhờ đó xây dựng những nền tảng kiên cố cho tương lai của xã hội. Tôi đặc biệt khuyến khích Chính Phủ của ông hãy chống lại bất cứ nỗ lực nào của các cơ quan hải ngoại muốn áp đặt các chương trình trợ giúp về kinh tế dính dáng tới vấn đề phát động việc triệt sinh và ngừa thai. Những cuộc vận động như vậy chẳng những “làm xỉ nhục đến phẩm giá của con người và gia đình” (Compendium of the Social Doctrine of the Church, 234), mà còn làm suy yếu việc phát triển và tiến bộ bình thường của các quốc gia. Cho dù có trầm trọng đến đâu về xã hội cũng như về việc chăm sóc sức khỏe đang gây khó khăn cho xứ sở của ông và của Châu Lục này, thì thiện ích của nhân dân ông vẫn đòi phải theo đuổi việc phát triển về nhân bản thực sự, đáp ứng chẳng những nhu cầu về vật chất mà còn cả những khát vọng về văn hóa, luân lý và tâm linh của họ nữa. “Việc phát triển chỉ nguyên về kinh tế thôi không thể giải phóng con người; trái lại, nó sẽ đi đến chỗ làm cho họ bị nô lệ hơn nữa” ("Sollicitudo Rei Socialis," 46).
Tình trạng lan tràn nhanh chóng đến mức báo động của hội chứng liệt kháng đòi cộng đồng quốc tế cũng như Chính Quyền Malawi phải canh tân nỗ lực để tìm kiếm những đường lối khả chấp để chiến đấu với bệnh tình này và để cung cấp việc chăm sóc xứng hợp cho thành phần bệnh nhân và gia đình họ. Các thẩm quyền dân sự cùng các cộng đồng tôn giáo cần phải cùng nhau hoạt động để cổ võ việc thủy chung trong đời sống hôn nhân và việc chế dục ngoài hôn nhân như là những gì an toàn hiệu nghiệm nhất chống lại tình trạng lây lan này. Cần phải vận dụng mọi nỗ lực để giáo dục dân chúng về hội chứng liệt kháng, để ngăn chặn họ khỏi sử dụng tới những việc mê tín và truyền thống có thể làm lây lan thứ vi khuẩn này hơn nữa. Tôi cám ơn ông đã bày tỏ lòng cảm mến của ông đối với việc góp phần của Giáo Hội trong vấn đề chăm sóc sức khỏe nơi xứ sở của ông, và tôi bảo đảm tiếp tục việc nâng đỡ này của tất cả mọi cơ cấu Công Giáo chúng tôi cũng như của nhân viên y khoa dấn thân vào công việc quan trọng ấy.
Ông đã nói về vai trò của các vị Giám Mục Công Giáo tỏ ra trong việc xứ sở của ông chuyển sang chế độ dân chủ, và tôi cám ơn ông về những lời lẽ ưu ái được ông sử dụng khi diễn tả Giáo Hội như là “lương tâm” của quốc gia Malawi. Giáo Hội Công Giáo đón nhận cơ hội để hợp tác với Chính Quyền này bằng viện hướng dẫn và chỉ bảo thành phần tín hữu, “nhất là những ai tham gia sinh hoạt chính trị, hầu các hoạt động của họ bao giờ cũng góp phần vào việc phát triển toàn vẹn con người và công ích” (Congregation for the Doctrine of the Faith, "Doctrinal Note on Some Questions Regarding the Participation of Catholics in Political Life," 6). Thật vậy, Giáo Hội có phận sự làm như thế, đồng thời nhìn nhận quyền tự lập và tính cách độc lập của cộng đồng chính trị nơi lãnh vực xứng hợp của cộng đồng này (cf. Compendium of the Social Doctrine of the Church, 424).
Tình trạng cực bần cùng đang hành hạ rất nhiều người nhân dân của nước Malawi đòi các quốc gia trên thế giới phải thực hiện những hoạt động khẩn trương. Tôi tin tưởng rằng Chính Phủ này sẽ cố gắng làm hết cách có thể để cung cấp đầy đủ tài chính cho tất cả mọi chương trình nhân đạo và giáo dục. Về vấn đề này cần phải hết sức ngăn chặn tình trạng băng hoại, nhờ đó đạt tới mức liêm khiết nhất và tín cẩn nhất trong việc sử dụng những gì được cứu tế cứu trợ. Qua những cơ cấu về giáo dục cũng như các cơ quan từ thiện bác ái của mình, Giáo Hội vẫn dấn thân để cung cấp bất cứ việc trợ giúp nào có thể, để những người công dân nơi xứ sở của ông có thể sống xứng với phẩm vị làm người.
Trong khi nguyện chúc cho ông được thành đạt nơi sứ vụ mới của ông, tôi xin ông biết cho rằng các phân bộ khác nhau của Tòa Thánh Rôma sẵn sàng giúp đỡ và nâng đỡ ông hoàn thành nhiệm vụ của ông. Tôi xin Thiên Chúa ban muôn phúc lành xuống trên Ông Lãnh Sự và nhân dân Malawi.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 17/12/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)
ĐTC GPII: Chiêm Ngưỡng Mầu Nhiệm Lời Nhập Thể Giáng Sinh Làm Người (Tuần Bát Nhật Giáng Sinh: ngày 4)
Chân Dung của Chúa Kitô
Dần Dần được Tỏ Hiện
Bài Giáo Lý số 3 về Chúa Kitô dọn mừng Đại Năm Thánh 2000 (Thứ Tư ngày 3-12-1997)
“L |
ời đã hoá thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Jn.1:14). Thánh Ký Gioan đã diễn đạt biến cố Nhập Thể bằng câu phát biểu mãnh liệt và tóm gọn này. Thánh ký vừa mới nói về Lời, bằng việc chiêm ngưỡng sự hiện hữu vĩnh hằng của Người và bằng việc diển tả sự hiện hữu vĩnh hằng này của Người với những lời quá quen thuộc: “Từ ban đầu đã có Lời” (Jn.1:1). Khi liên kết vĩnh cửu với thời gian, quan điểm Gioan Thánh Ký này cũng bao hàm cuộc hành trình mầu nhiệm của Đức Kitô trong lịch sử có trước Người.
Sự hiện diện của Người nơi thế giới của chúng ta đã bắt đầu được loan báo lâu đời trước việc Nhập Thể. Lời đã hiện diện, một cách nào đó, nơi lịch sử nhân loại ngay từ ban đầu. Qua Thần Linh, Người đã sửa soạn cho việc Người đến như Đấng Cứu Thế, bằng cách kín đáo hướng lòng trí con người về việc nuôi dưỡng một niềm mong đợi trong hy vọng. Những dấu vết của một niềm hy vọng giải thoát được tương ngộ nơi các văn hoá và truyền thống tôn giáo khác nhau.
2- Thế nhưng, Đức Kitô hiện diện nhất là nơi lịch sử của dân tộc Yến-Duyên (Israel), dân tộc của Giao Ước. Lịch sử này được ghi dấu đặc biệt bằng một niềm mong đợi Đấng Thiên Sai, một đức vua lý tưởng, được Thiên Chúa thánh hiến, Đấng sẽ hoàn tất lời Chúa hứa. Cuộc hướng trông này càng ngày càng sáng tỏ hơn thì Đức Kitô càng hiện tỏ chân dung của một Đấng Thiên Sai như đã hứa và hằng trông đợi, cùng những dấu hiệu khổ đau cay đắng chập chờn trên một cái chết dữ dội (x.Is.53:8). Thật vậy, một hình ảnh về vị thiên sai được cấu tạo vững mạnh bởi một số người Do Thái mong đợi một nhà giải phóng chính trị mang lại cho đất nước một nền tự chủ và an sinh vật chất đã bị khủng hoảng nặng nề khi những lời tiên tri theo lịch sử được hoàn tất nơi cái bất hạnh của thập giá.
3- Trong cuộc sống trần gian của mình, Chúa Giêsu chứng tỏ một cách rõ ràng rằng việc Người nhận thức được Người là cứ điểm cho lịch sử của dân Người. Đối với những người phiền trách Người vì Người cho mình cao trọng hơn Abraham khi Người hứa cho ai giữ lời Người thì được sống đời đời (x.Jn.8:51), Người đã trả lời: “Abraham cha ông của qúi vị đã hân hoan vì được thấy ngày của Tôi; ông đã thấy nó và vui mừng” (Jn.8:56). Abraham được qui hướng về việc Đức Kitô đến là như thế. Theo ý định thần linh, niềm vui mừng của Abraham trong việc hạ sinh của Isaac cũng như trong việc tái sinh sau cuộc hiến tế của Isaac là một niềm vui liên quan đến vị thiên sai: nó loan báo và ám chỉ niềm vui tuyệt vời mà Đấng Cứu Thế sẽ hiến ban.
4- Những hình ảnh nổi bật khác nơi dân tộc Do Thái chiếu toả trọn vẹn ý nghĩa của mình trong ánh sáng về Đức Kitô. Đó là trường hợp của Giacóp, như chúng ta thấy trong Phúc Aâm đoạn về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaritanô. Cái giếng mà vị tổ phụ xa xưa đã để lại cho con cháu đã trở nên, theo lời của Chúa Kitô, một ám chỉ về nước mà Người sẽ ban, nước Thánh Linh vọt lên sự sống đời đời (x.Jn.4:14).
Moisen cũng loan báo một vài phương diện căn bản về sứ vụ của Đức Kitô. Là một nhà giải thoát dân chúng khỏi cảnh làm tôi bên Ai Cập, ông báo trước một cách tượng trưng cuộc xuất hành thực sự của Tân Ước được thiết lập bởi mầu nhiệm vượt qua. Là một nhà lập luật của Cựu Ước, ông là tiền thân cho Chúa Giêsu, Đấng ban bố các Mối Phúc Thật của Phúc Aâm và cũng là Đấng dẫn dắt các tín hữu bằng một lề luật nội tâm của Thần Linh. Ngay cả Manna mà Moisen ban cho dân chúng đói cực cũng là một ám chỉ cần có về món quà tặng cuối cùng. “Thật thế, thật thế, Tôi nói cho qúi vị hay, không phải Moisen đã ban cho qúi vị bánh từ trời; Cha Tôi ban cho qúi vị bánh thật bởi trời. Vì bánh của Thiên Chúa là bánh từ trời xuống ban sự sống cho thế gian” (Jn.6:32,33). Thánh Thể đã làm trọn ý nghĩa sâu nhiệm nơi món quà manna. Chúa Kitô tỏ ra mình thực sự và hoàn toàn để làm trọn điều đã được tiên báo một cách tượng trưng trong Cựu Ước là như thế.
Những tác hành khác của Moisen cũng có một giá trị loan báo: để làm cho dân giãn khát trong sa mạc, ông đã khiến cho nước chảy ra từ tảng đá. Vào dịp “lễ Lều Tạm”, Chúa Giêsu hứa làm giãn cơn khát tâm linh của nhân loại: “Nếu ai khát, hãy đến cùng Tôi mà uống. Ai là người tin vào Tôi, như Thánh Kinh nói: ‘Từ lòng họ sẽ chảy những giòng sông của nước sự sống” (Jn.7:37-38). Việc tuôn chảy tràn lan Chúa Thánh Linh được Chúa Giêsu loan báo bằng hình ảnh những giòng sông chảy nước sự sống được ám chỉ nơi giòng nước của Moisen. Nói đến biến cố liên quan đến vị thiên sai này, thánh Phaolô cũng nhấn mạnh đến qui chiếu mầu nhiệm về Chúa Kitô: “Tất cả đã uống cùng một thứ nước siêu nhiên. Vì họ đã uống từ một Tảng Đá siêu nhiên đã theo họ, và Tảng Đá này là Chúa Kitô” (1Cor.10:4).
Cùng với Abraham, Giacóp và Moisen, Đavít cũng qui chiếu về Đức Kitô. Ông biết rằng Đấng Thiên Sai sẽ phát xuất từ ông và diễn tả hình ảnh lý tưởng của Người. Chúa Kitô làm cho hình ảnh này nên trọn ở một tầm mức siêu việt, xác nhận rằng chính Đavít đang ám chỉ một cách mầu nhiệm về quyền bính của Người trong Thánh Vịnh 110, khi ông gọi Đấng Thiên Sai là “Chúa của tôi” (x.Mt.22:45; par).
Từ lịch sử Cựu Ước hiện lên một số những đặc tính riêng biệt của dung nhan Chúa Kitô hiện lên, một chân dung được “phác hoạ”, một cách nào đó, nơi những đặc tính của những nhân vật đóng vai làm tiền thân cho Người.
5- Chúa Kitô không những hiện diện nơi những tiền thân này, mà còn nơi cả những bản văn tiên tri của Cựu Ước, những bản văn diễn tả việc Người đến cũng như công cuộc cứu thế của Người.
Người được tiên báo cách đặc biệt nơi nhân vật của “giòng dõi” mầu nhiệm mà sách Khởi Nguyên nói đến trong đoạn về nguyên tội, khi nhấn mạnh đến cuộc chiến thắng của Người trong cuộc đấu tranh với kẻ thù của nhân loại. Lời tiên báo thần linh này hứa với con người bị lôi vào con đường gian ác việc một con người khác sẽ đến là giòng dõi của người nữ, Đấng sẽ đạp dập đầu con rắn (Gn.3:15).
Những bài tri thơ về Người Tôi Tớ Đau Thương (Is.42:1-4; 49:1-6; 52:13-53:12) hiện lên trước mắt chúng ta một nhà giải phóng, một nhân vật bắt đầu tỏ hiện dung nhan của Đức Kitô trong ý nghĩa hoàn toàn luân lý. Đó là dung nhan của một con người diễn xuất phẩm vị thiên sai của mình trong thân phận thấp hèn của người tôi tớ. Nhân vật này tự hiến mình hy sinh để giải thoát nhân loại khỏi áp lực của tội lỗi. Vị này tác hành một cách đáng khâm phục nơi những đau khổ thể lý nhất là luân lý của mình, khi chịu đựng những bất công một cách bao dung. Vị này lãnh nhận một sự sống mới và chiếm đạt được một ơn cứu độ phổ quát làm hoa trái hy hiến của mình.
Việc làm cao qúi của nhân vật này sẽ được gặp thấy nơi Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, Đấng mà nhân tính của Người đạt đến một mức độ siêu vượt nơi mầu nhiệm Thánh Giá.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 10/12/1997)