GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 12/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.  

 

__________________

 NGÀY 2 THỨ NĂM, NGÀY THÁNH THỂ

TRONG NĂM THÁNH THỂ

  

Vị Linh Mục Khổ Tu Việt Nam lão thành ở Hoa Kỳ đã vĩnh viễn ra đi

 

Thoidiemmaria xin trân trọng kính báo cùng quí thân hữu là Cha Giuse Chu Công, linh mục tu sĩ dòng khổ tu Trappist đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 10 giờ 45 phút sáng ngày Thứ Ba 30/11/2004. Bình thường ngài rất khỏe mạnh. Thế nhưng, sau khi bị té ngã cách đây 1 tháng và được điều trị tại bệnh viện 3 tuần lễ, ngài đã trở về đan viện Thánh Giuse dòng khổ tu Trappist ở Spencer tiểu bang Massachusetts và cảm thấy khỏe lại; nhưng rồi bị trở bệnh, ngài lại được điều trị ở bệnh viện, lần này bác sĩ cho biết bệnh tình của ngài không chữa trị được nữa, nên ngài đã được đưa về nhà dòng chiều hôm Thứ Hai 29/11 và vĩnh viễn ra đi sáng Thứ Ba cuối Tháng Các Linh Hồn, hưởng thọ 86 tuổi.

 

Ngài đã từng làm Đan Viện Phụ đan viện khổ tu Trappist đầu tiên ở Phi Luật Tân và làm Đan Viện Trưởng lâu năm ở đan viện ngài vừa nằm xuống. Ngài là tác giả cuốn Cảm Nghiệm Chiêm Niệm, và đang có một cuốn sách sắp được linh mục Việt Hưng dòng Tận Hiến xuất bản. Ngài rất sốt sắng chia sẻ Phụng Vụ Lời Chúa, trên chương trình phát thanh Tin Mừng Sự Sống (www.tinmungsusong.org), chia sẻ những bài giảng dài song đầy ý nghĩa mà lại dí dỏm, tất cả là 12 lần trong 3 năm 2 tháng: lần đầu tiên vào buổi phát thanh thứ 7 ngày 29/10/2000, và lần cuối cùng vào buổi phát thanh 169 ngày 7/12/2003.

 

Tin Mừng Sự Sống 169 - Chúa Nhật II Mùa Vọng

Tin Mừng Sự Sống 164 - Chúa Nhật XXXI Thường Niên, Cuối Tuần Lễ Các Thánh và Các Ðẳng

Tin Mừng Sự Sống 157 - Chúa Nhật XXIV Thường Niên

Tin Mừng Sự Sống 148 - Chúa Nhật XV Thường Niên

Tin Mừng Sự Sống 140 - Tuần V Phục Sinh

TMSS 126: CN V Thường Niên Feb092003

TMSS 112: CN XXXI Thường Niên Nov032002
TMSS 97: CN XVI Thường Niên July212002

TMSS 63: CN Chúa Kitô Vua Nov252001

 

Chúng ta hãy tưởng nhớ đến ngài, bằng cách hiệp ý cầu nguyện cho ngài, và chân thành phân ưu cùng tang quyến chị ruột của ngài ở Boston Massachusetts trong Thánh Lễ an táng và tiễn đưa vào Thứ Ba tuần tới 7/12/2004.

 

Sau đây là lược sử về vị linh mục khổ tu Việt Nam lão thành ở Hoa Kỳ:

 

Ngày 8 tháng 6 năm 1918, vào đời tại Kẻ Sặt, địa phận Hải Phòng, Bắc Việt Nam. Mồ côi bố từ 3 tuổi. Đi ở với cha xứ từ nhỏ. Xong tiểu học, nhập tiểu chủng viện Đôminicô.

 

Năm 1936, cảm kích trước đời sống và cử chỉ của cha Benoit Denis, vị đưa dòng Xi-Tô Chung vào Việt Nam từ 5/5/1918, quyết định theo ngài nhập đan viện Phước Sơn ở Huế. Thế nhưng, ý định của cậu đã bị cha bề trên tiểu chủng viện Gonzales bấy giờ gạt đi, vì lý do cậu còn qúa trẻ lại thích nói nhiều qúa.

 

Năm 1938, nhập đại chủng viện Thánh Albêtô Cả ở Nam Định, ở đây, một số tư tưởng của Thánh Tôma đã gieo mầm chiêm niệm nơi thày.

 

Ngày 22-2-1948, chịu chức linh mục với hai vị khác tại Nhà Thờ Chính Tòa Hải Phòng, bởi tay Đức Cha Francis Gomez, OP. Sau đó, được bài sai làm phụ tá ở Nhà Thờ Chính Tòa địa phận Hải Phòng.

 

Năm 1951, được chỉ định làm bề trên thừa nhiệm tiểu chủng viện của giáo phận.

 

Năm 1954, được Giám Mục sai đi du học Hoa Kỳ, dù không biết một chữ tiếng Mỹ nào khi tới Providence College ở Rhode Island. Sau một năm học Anh ngữ, ghi danh học ở Fordham University để lấy cao học ngành Kinh Tế Tổng Hợp (general economics).

 

Năm 1958, ra trường và tiếp tục lấy tiến sĩ ngành Kinh Tài (finance) và Quản Trị Kinh Doanh (business management) ở New York University, chỉ còn trình luận án nữa là xong. Một buổi tối, từ thư viện ở New York trở về nơi ngài vẫn làm tuyên úy trong thời gian trọ học là St. Francis’ Prep ở thành phố Brooklyn, đang lúc ngồi giải trí với các thày dòng Phanxicô thì cảm thấy có gì lạ trong mình. Aâm thầm lên lầu, vừa lần hạt vừa ngắm trời đầy sao đêm hôm ấy. Ngay trước khi xong chuỗi kinh, ngài nghe thấy tiếng nói trong lòng:

 

“Hỡi con, hồi còn trẻ con đã xin vào dòng làm đan sĩ. Nhưng con đã bị từ chối, vì bấy giờ con chưa có khả năng để thực hiện được điều ấy. Nay Đức Giám Mục sai con sang Hoa Kỳ du học đã qua đời, và địa phận không còn. Vậy thì tại sao con lại không lợi dụng dịp này để xin tu trong một đan viện đi?”

 

Ngày hôm sau, mở cuốn niên giám điện thoại ra, thấy được địa chỉ của Đan Viện Thánh Giuse ở Spencer, ngài đã đến tận nơi để xin tu.

 

Ngày 8-12-1961, lễ Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, bỏ New York để chính thức vào dòng Trappist ở Spencer này, sau khi được phép của Toà Thánh. Tại đây, ngài cảm thấy chẳng những cô đơn kinh khủng mà còn gặp khó khăn cả về ngôn ngữ nữa. Ngài đã bị thử thách bề trong không biết mình có làm đan sĩ chiêm niệm được chăng, khi đó lại thấy cả nửa tá linh mục nhập dòng với ngài cùng năm đã bỏ ra đi. Nhưng sau mấy tháng nhẫn nại và cầu nguyện, đức viện phụ Dom Thomas Keating đã giải tỏa được cơn khủng hoảng cho ngài.

 

Tháng 2 năm 1964, khấn lần đầu, được chỉ định làm phụ tá tập viện. Tháng 2 năm 1967, khấn trọn đời, chính thức làm giám tập viện 20 năm cho đến ngày sang Phi Luật Tân.

 

Ngày 19-3-1988, sang làm đan viện trưởng đan viên Xi-Tô tiên khởi ở Phi Luật Tân, Đan Viện Đức Bà Phi Luật Tân được xây dựng từ năm 1972 và trở thành một đan viện tự lập vào năm 1990. Ngài là viện phụ đầu tiên ở đây cho đến ngày 29 tháng 2 năm 1996, khi có một vị viện phụ bản xứ thay ngài. Tập “cảm nghiệm chiêm niệm” của ngài là kết qủa của các buổi hướng dẫn cấm phòng trong thời gian này.

 

Sau Lễ Phục Sinh năm 1996, ngài đã trở về đan viện mẹ ở Spencer và làm đan viện trưởng của đan viện này từ đó cho tới trước khi qua đời mấy năm, thời gian sau khi xuất bản cuốn Cảm Nghiệm Chiêm Niệm, cũng là thời gian ngài xuất thân phục vụ cộng đồng dân Chúa Việt Nam ở một số nơi.

 

Từ hôm nay tới hết tuần này, thoidiemmaria sẽ phổ biến ba chương đặc biệt của Cha Chu Công, hôm nay, Thứ Năm, Ngày Thánh Thể trong Năm Thánh Thể, bài Bí Tích Thánh Thể; ngày mai, Thứ Sáu, tưởng niệm cuộc khổ nạn Chúa Kitô, bài Đau Khổ Vì Yêu, và Thứ Bảy, Ngày Thánh Mẫu trong Năm Thánh Thể, bài Mẹ Maria, Mẫu Gương Cảm Nghiệm Chiêm Niệm.

 

Bí Tích Thánh Thể theo Cảm Nghiệm Chiêm Niệm của Linh Mục Chu Công

"Thiên Chúa là Tình Yêu”, Thánh Gioan, “người môn đệ được Chúa Giêsu thương” như Thánh Kinh cho biết, đã nói như thế. Đối với tôi, Bí Tích Thánh Thể là một biểu lộ, là một tuôn tràn riêng tư mối tình yêu này. Thế nên, khi tôi kết hợp với Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, bằng việc thực sự Hiệp Lễ hay bằng việc rước lễ thiêng liêng, tôi cảm thấy mình chìm sâu vào tình yêu ấy. Trong việc Hiệp Lễ, tôi nghe Chúa Giêsu nói với tôi một cách hết sức sống động và cụ thể: “Đây là Thân Thể Thày ban tặng cho con!” Tôi mở toang đáy lòng mình ra để lãnh nhận Chúa Giêsu, rồi cũng từ tận đáy lòng, tôi thưa cùng Chúa Giêsu: “Đây là thân xác của con xin hiến dâng Chúa”. Cuộc trao ban và lãnh nhận hỗ tương này làm tôi mãn nguyện cái khát vọng sâu xa nhất của mình. Tôi nghiệm thấy Chúa Giêsu đã hiến ban cho tôi thân thể thực sự của Người, thân thể phục sinh của Người, chứ không phải chỉ có ý muốn của Người hay là một cái gì trừu tượng khác.

Khi Chúa chúng ta phán: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì người ấy ở trong Ta và Ta ở trong họ”, thì Người đã không nghĩ đến việc chỉ có ý muốn kết hợp với nhau, mà là một sự kết hiệp xác thể. Bà Caryll Houselander đã viết rất nghĩa lý như sau:

“Vào buổi tối trước cuộc tử nạn, Chúa Kitô đã cầm lấy bánh trong tay, chúc tụng rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ, phán: ‘Các con hãy cầm lấy mà ăn; này là Mình Thày!’ Trong việc trao ban mình cho thế gian, Người cố ý muốn nhấn mạnh đến Thân Mình. Tại sao? Bởi vì, đối với chúng ta, thân xác là phương tiện chúng ta có thể dùng để trao hiến cho nhau một cách trọn vẹn. Chúng ta nói ‘Bạn hãy đi, tư tưởng của tôi ở với bạn’, hay ‘linh hồn tôi ở với bạn’. Chúng ta biết rằng cho dù một cái gì đó nơi chúng ta ở với người lữ hành song thật ra chúng ta vẫn cách biệt họ. Chúng ta có thể hiến cho người nào đó việc tận tâm săn sóc, việc luôn đối xử tử tế và tất cả sở hữu trần gian của chúng ta, song chúng ta vẫn giữ lại chính mình. Nhưng, khi chúng ta tự ý trao thân mình cho nhau như một cách tự nguyện hiến ban, thì việc hiệp nhất của chúng ta với người khác mới trọn vẹn. Bằng việc trao tặng thân mình, chúng ta trao cả mối thân tình của chúng ta, trao chính cái bí mật của mình, và chúng ta không thể trao tặng thân mình mà lại không có ý muốn của mình, tư tưởng của mình, tâm trí của mình và linh hồn của mình. Chúa Kitô đã trao phó cái bí mật của chính Người cho chúng ta khi Người ban cho chúng ta Thân Thể Người. Việc trao phó bí mật của Chính Mình Người này được tiếp tục khi Hiệp Lễ”.

(Carryall Houselander, The Bread of God; New York: Sheed & Ward, 1944, p. 84)

Đó là cách thức Chúa Giêsu ban Mình cho tôi bằng việc ban cho tôi Thân Thể Người. Khi Người nói: “Này là Thân Thể Thày tặng ban cho con”, tôi có thể đáp lại Người bằng cả chân tình: “Đây là xác thân con xin dâng lên Chúa”. Việc trao đổi cho nhau giữa Chúa Giêsu và tôi đem lại cho chúng tôi một trạng thái nghỉ ngơi khôn tả. Và niềm an nghỉ này làm tôi hoàn toàn nhận thức được trạng thái sung mãn cả của tôi lẫn của Chúa.

Thánh Thể, như Chúa Giêsu phán, là bánh ban sự sống, là quyền năng Phục Sinh thực sự được trực tiếp thông ban cho cõi lòng, trí khôn và thân xác của chúng ta. Thánh Thể phải được nhận lãnh bằng đức tin, và cần phải có một cuộc giao ngộ để thực hiện việc truyền đạt năng lực thần linh này. Thế nên, việc giao tiếp thực sự giữa Chúa Giêsu và bản thân tôi phải được hiện thực để ngọn lửa và tình yêu Thánh Thể lan khắp hồn xác tôi. Việc rước lấy bánh thánh và rượu thánh chỉ là việc rước lấy Chúa Kitô “trong bí tích”; tức là rước lấy Chúa Giêsu qua các dấu bí tích. Việc rước lấy Mình Máu Chúa Kitô phải dẫn chúng ta đến việc rước lấy Thân Thể Phục Sinh thực sự của Chúa Giêsu, rước lấy những gì kết hợp hai xác thể nên một xác thể. Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng “ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sống trong Ta và Ta sống trong họ” (Jn.6:56). Sự kết hiệp này với Chúa Kitô – một xác thể trong hai con người – rõ ràng là một sự hiệp nhất phối ngẫu, được cử hành như một việc biểu dương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, hay việc linh hồn trở thành phần mầu nhiệm của Giáo Hội để đáp lại lời mời gọi của Chúa Kitô. Ba trường hợp tiêu biểu cho việc hiệp nhất với Chúa Kitô trong Thánh Thể là tiệc cưới ở Cana (Jn.2:1-12), tiệc cưới của Con Chiên và hình ảnh ngày hoan lạc của Diễm Tình Ca. Chúng ta có một điển hình về loại biểu hiệu thứ ba này trong Dẫn Giải Diễm Tình Ca của Thánh Grêgôriô Nyssan:

“Đối với những ai quen với ý nghĩa kín ẩn của Sách Thánh thì việc mời gọi đến với mầu nhiệm được ban cho các tông đồ cũng giống như mầu nhiệm trong Diễm Tình Ca: ‘Oâi hỡi các bạn, hãy ăn và uống’. Thật thế, trong cả hai trường hợp, đều nói: ‘Hãy ăn và uống no say’… và Chúa Kitô chính là việc no say ngất ngư này. Khi tân lang ngỏ lời với vợ của mình thì các bạn bè của tân nương, theo bí nhiệm của Phúc Aâm, nói rằng: ‘Hỡi qúi bạn của tôi ơi, hãy ăn và uống, hãy no say hỡi anh em của tôi’ (Song 5:1). Đối với người quen với những lời bí nhiệm của Phúc Aâm thì câu Diễm Tình Ca trên đây và những lời áp dụng vào trường hợp các môn đệ khơi gọi bí nhiệm thì không có gì khác biệt. Trong cả hai trường hợp đều nói ‘Hãy ăn và uống’”

(St. Gregory of Nissa, Homilies on the Song of Songs 10; transl. Casmir McCambley; Brookline, MA. Hellenistic College, 1987, p. 193)

Chính tôi đã cảm nghiệm được “cái no say ngất ngư” Thánh Grêgôriô nói đến này. Cuộc hợp nhất thân thể Chúa Giêsu với xác hồn tôi trong lúc Hiệp Lễ mất thiết sâu xa đến nỗi đôi khi làm cho tôi trở nên như mê như say. Tác giả Thánh Vịnh viết rất đúng: “Người đã xức dầu đầu tôi, chén của tôi đầy tràn” (Ps.22). Tận thẳm cung con người tôi ngập ngụa đến làm cho tôi mê say. Để cảm nghiệm được “cái no say ngất ngư” này cần phải có một đức tin mạnh mẽ và một đức mến thiết tha.

 Việc Hiệp Lễ cũng nhắc cho tôi lời Thánh Phaolô: “Mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén này là anh em loan truyền cái chết của Người cho đến khi Người đến trong vinh quang” (1Cor.11:26-27). Khi Chúa Giêsu phán: “Này là Thân Mình Thày ban tặng cho con”, thì tôi nhận ra rằng miếng bánh tôi rước lấy là chính thân xác tử giá Người ban tặng cho tôi, để khi được chia sẻ với tấm thân này, tôi cũng được thông phần vào cuộc khổ nạn và tử nạn với Người. Thân xác tử giá của Chúa Kitô ban cho tôi sức mạnh để chịu đựng tất cả những khó chịu trong đời sống thường nhật của tôi. Đôi khi, sau khi rước Lễ, tôi cảm thấy phải thốt lên lời Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Côrintô:

 “Trong lúc còn ở với anh em, tôi không cần biết gì khác ngoài Chúa Giêsu, và là một Đức Kitô tử giá” (1Cor.2:2)

Tôi xin mượn lời của Victor Hugh, một triết gia, thần học gia và là một tác giả thần bí, để diễn tả một phần nào những gì tôi cảm nghiệm được hầu như vào mỗi lần tôi Hiệp Lễ:

 “Người Tình thực sự đã đến thăm bạn.

Đúng thế, song Người vô hình, kín đáo và khôn dò mà đến.

Người đến để đụng chạm tới bạn, chứ không phải để bạn ngắm nhìn,

Người làm cho bạn nếm được Người, chứ không phải để Người tràn lan.

Người đến để thu hút cảm mến của bạn, chứ không phải để cho bạn thỏa thuê lòng ước ao.

Để ban phát hoa trái đầu mùa của tình Người yêu thương, chứ không cái trọn vẹn của tình yêu này.

Ở nơi đây, một đoan nguyền chắc chắn nhất cho cuộc hôn nhân sau này của bạn, bạn nên biết rằng bạn được kêu gọi tới để thấy Người và toàn chiếm Người, vì Người đã ban mình cho bạn để bạn nếm được cái ngọt ngào mà chỉ mình bạn mới cảm thấy.

Bởi thế, trong những lúc Người vắng mặt, bạn sẽ tự an ủi lấy mình, để rồi khi Người viếng thăm bạn lại phục hồi lòng dũng cảm”.

(George Maloney, Introduction to Frank Tuiti’s Why not A Mustic; New York, 1995, p.16)

 Trong khi Hiệp Lễ, tôi không “thấy” thân xác phục sinh của Chúa Giêsu. Tôi thực sự cảm được cái “đụng chạm” sâu xa mật thiết của Người. Người không tràn mình ra cho tôi, mà là ban mình cho tôi theo khả năng lãnh nhận nơi con người hèn yếu của tôi. Người không thông ban cho tôi hoa trái đầy đủ của tình Người yêu thương tôi, mà là đến để thu hút lòng cảm mến của tôi và để thanh tẩy lòng ước ao của tôi. Và đây luôn luôn là cao điểm cảm nghiệm chiêm niệm của tôi, giây phút hiệp nhất thân mật với Chúa Giêsu.

 

Hồi Niệm về Tác Giả cuốn Cảm Nghiệm Chiêm Niệm

Ngày Thứ Năm, 6 tháng 8 năm 1998, ngày mừng kỷ niệm 15 năm thành hôn của mình, vợ chồng chúng tôi cùng ba cháu lần đầu tiên đến thăm cha Chu Công tại đan viện Thánh Giuse mà ngài đang làm đan viện trưởng, ở Spencer, tiểu bang Massachusetts, thuộc miền đông bắc Hoa Kỳ. Gần đến nơi thì trời bắt đầu mưa, mưa giữa “mùa hè đỏ lửa”! Sáng Chúa Nhật 32 Thường Niên, ngày 8/11/1998, khi tôi bắt đầu việc chuyển dịch tác phẩm bằng Anh ngữ này của Cha Chu Công sang Việt ngữ, tại Tổng Giáo Phận Los Angeles, miền Tây Nam Hoa Kỳ, trời lại mưa, mưa từ đêm, mưa giữa “mùa thu lá bay”!

Những cơn mưa lạ đời ấy, xẩy ra ở hai thời điểm khác nhau không phải là mùa mưa chính thức tại Mỹ (thường vào mùa xuân, đầu năm dương lịch), tại hai khung trời hoàn toàn xa biệt nhau (cả trên 2500 dặm, tức hơn 4000 cây số) và khác nhau như thế, đều liên quan đến việc giữa tôi và cha Chu Công, cũng không ngộ nghĩnh bằng cơ duyên tôi được quen biết và gặp gỡ ngài. Trên đường đến thăm vị linh mục này vào mùa hè 8 năm ấy, các con tôi hỏi:

- Cha Chu Công là ai vậy bố?

- Bố cũng không biết nữa. Bố đã được gặp ngài bao giờ đâu.

- Vậy sao bố lại đến thăm ngài?

- Vì bố đã hứa với ngài. Khi ngài mời bố đến dự lễ Kim Khánh 50 năm thụ phong linh mục của ngài hồi tháng 6 vừa rồi, vì không thể đến được, bố đã hồi âm cho ngài và hứa với ngài là vào dịp gia đình mình tiện đi chơi miền đông bắc Hoa Kỳ đây sẽ ghé thăm ngài, thế thôi?

Phải, trước ngày 6/8/1998, tôi hoàn toàn không biết cha Chu Công như thế nào. Tôi chỉ thỉnh thoảng đọc thấy tên của ngài trên báo chí Việt ngữ Công Giáo. Được biết ngài là một đan sĩ linh mục Trappist, với chức vị đan viện phụ (abbot) ở Phi Luật Tân, tôi tự nhiên cũng cảm thấy vinh dự. Ngài là người Việt Nam đầu tiên tu trong một Ngành Ngặt (Strict Observance) của dòng Xi-Tô này, mà lại còn “làm lớn” nữa chứ; mới đây có thêm hai linh mục Việt Nam nữa, một ở Kentuckey (cha TKH) và một ở Virginia (cha HVT).

Theo sử liệu cho biết, Dòng Xi-Tô là một hội dòng khổ tu, do Thánh Robert Molesme (1024-1110) thành lập tại Citeaux (Xi-Tô) nước Pháp năm 1098, theo luật khổ hạnh của dòng Thánh Biển Đức (480-547) khai sáng ở Ý năm 529. Qua hai thế kỷ phát triển mạnh mẽ, hội dòng Xi-Tô này bắt đầu xuống dốc kể từ sau thế kỷ 13, để rồi lại được phục hồi từ năm 1664, nhờ đức đan viện phụ Armand de Rancé (1626-1700). Các đan viện Xi-Tô bắt đầu hợp lại thành một hội dòng quốc tế, được đại diện bởi một tổng quyền từ năm 1892, cũng là năm có Ngành Xi-Tô Ngặt. Còn hội dòng Xi-Tô ở Việt Nam, một hội dòng được Cha Benoit Henri Denis (1880-1933), một phần tử của Hội Thừa Sai Ngoại Quốc Ba Lê, thành lập từ ngày 15-8-1918 tại Quảng Trị (Huế) với tu viện (monastère/monastery) đầu tiên là Phước Sơn, (sau đó, vì hoàn cảnh, tu viện mẹ này đã di chuyển vào Thủ Đức năm 1954, rồi về Bà Rịa Vũng Tầu từ năm 1978 tới nay). Từ tu viện đầu tiên ấy hội dòng Xi-Tô Việt Nam đã tuần tự phát triển thêm các tu viện khác, như Châu Sơn ở Nho Quan (Bắc Việt) năm 1936, Phước Lý ở Biên Hòa năm 1950, Châu Sơn ở Đơn Dương (Đà Lạt) năm 1957, Châu Thủy (ở cực nam Trung Việt) năm 1972, Vĩnh Phước (ở trung đông Nam Việt) năm 1974 và Đức Mẹ Fatima ở Thụy Sĩ năm 1979. Tất cả các tu viện hay đan viện Xi-Tô Việt Nam đều thuộc về Ngành Chung (Common Observance), được tổng hội dòng chính thức công nhận từ ngày 11-10-1933. Thật ra, vào thập niên 1940, các đan sĩ Xi-Tô Việt Nam đã muốn sát nhập vào Ngành Xitô Ngặt, nhưng Ngành này, vì bảo thủ, không nhận! (Theo tác giả cho người dịch bản Việt ngữ biết, lý do là vì Dòng bên Việt Nam không giữ luật im lặng tuyệt đối, ở chỗ anh em nói chuyện giải trí một vài giờ vào ngày Chúa Nhật. Sau Công Đồng Vaticanô II, Ngành Ngặt này đã nới rộng luật im lặng, và công nhận rằng Dòng bên Việt Nam đã đi trước mình cả 25 năm!). Ngày 6-10-1964, Tòa Thánh nâng ba tu viện Phước Sơn (Thủ Đức), Châu Sơn (Đà Lạt) và Phước Lý (Biên Hòa) lên cấp đan viện (abbaye/abbey).

Lúc con người sinh sau đẻ muộn như tôi, từ hồi ngài làm linh mục 50 năm về trước, mới biết tên tuổi âm thầm của ngài qua báo chí, thì ngài hiện lên trong trí tôi như một vị linh mục già nua, gầy yếu, thâm trầm. Có lẽ quan niệm sẵn có về khổ tu và thánh thiện đã tạo nên trong tôi mẫu người tiêu biểu như vậy chăng? Có thể hình ảnh Cha Thánh Đaminh Maria Trần Đình Thủ, vị sáng lập dòng Đức Mẹ Đồng Công (C.M.C), đã qúa sâu đậm ở trong tâm trí của tôi chăng?

Thế nhưng, vị linh mục “già nua, gầy yếu, thâm trầm” trong trí của tôi đó, đã xuất hiện tại phòng khách đan viện của ngài, với tư cách là một đan viện trưởng (prior) để tiếp gia đình tôi chiều mưa hôm ấy, hoàn toàn khác hẳn. Ngài rất khỏe mạnh, no tròn, khoảng lục tuần, có tầm vóc, hình dáng và điệu bộ giống như cha Giuse Nguyễn Văn Tịnh, chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Hoa Kỳ tiên khởi, 1980-1984. Càng nói chuyện với ngài, tôi càng lấy làm lạ vì một vị linh mục hoạt bát, thậm chí nói chuyện vui cười, như ngài lại có thể sống âm thầm trong một nhà dòng hoàn toàn im lặng và chuyên về cầu nguyện như vậy. Đến thăm ngài, tôi đã có ý hỏi ngài cho rõ hai vấn đề: một là tại sao ngài lại trở thành một đan sĩ Trappist ở đó (Spencer, Hoa Kỳ, hải ngoại), và hai là ngài đã cảm nghiệm chiêm niệm như thế nào?

Về vấn đề thứ nhất liên quan đến đời tư của mình, ngài đã kể cho chúng tôi nghe từ đầu đến cuối, từ khi ơn gọi tu trì mới chớm phát hiện vào lúc thiếu thời của ngài, tới khi ngài cảm thấy có khuynh hướng thiên về khổ tu, và cuối cùng thiên định đã bất ngờ đưa ngài chính thức đến đan viện nơi ngài đang ở cho tới bấy giờ. (Xin xem phần tóm lược Đôi Nét Về ngài trên đây). Tôi còn nhớ, trong chuyện kể, ngài cho biết, khi được phép Tòa Thánh cho vào dòng ở đó, ngài đã nhận một tập sách có trên 200 thủ hiệu (sign language) khác nhau để học cách làm dấu khi cần, vì trước Công Đồng Vaticanô II luật dòng của ngài tuyệt đối cấm không được nói. Thế mà, khi giao tiếp với các đan sĩ mới tu trẻ tuổi hơn mình, ngài đã tự chấp hai ba thủ hiệu thành câu nói pha trò, không có hay không được qui định trong tập sách này, để làm họ vui cười cho khuây khỏa. Vâng, chính vị linh mục hoạt bát ấy lại là tác giả của cuốn sách về chiêm niệm này.

Về vấn đề thứ hai, liên quan đến cảm nghiệm chiêm niệm của ngài, vì chúng tôi không còn đủ giờ ở với ngài hôm đó, ngài đã chính thức lên tiếng nhờ tôi chuyển dịch sang Việt ngữ cho ngài cuốn “Comtemplative Experience” mà ngài đã gửi tặng tôi, để đáp lại cuốn “Đời Cầu Nguyện” và cuốn “Thần Linh và Sự Sống” tôi biếu tặng ngài đầu năm 1997, mừng ngài về lại Mỹ hồi năm 1996, sau thời gian 8 năm phục vụ ở Phi Luật Tân. Ngài cho tôi biết cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1992 ở Phi Luật Tân mà ngài nhờ tôi chuyển dịch sang Việt ngữ đó đã được ngài quảng diễn rộng hơn, và cũng đã được nhà xuất bản Crossroad ở New York nhận phát hành. Trong thư gửi cho tôi đề ngày 25/8/1998, ngài đã tỏ ý nguyện “cho xuất bản sách Tiếng Việt cùng một trật với bản tiếng Anh”, vì trong thư ngài còn cho biết “nhà in Crossroad ở New York đã nhận bản thảo (manuscripts) và nói: sang năm sẽ in”. Trong thư đề ngày 16-9-1998, ngài đã gửi cho tôi cả bản thảo chính, mà ngài gọi là “bản mẫu”, bằng tiếng Anh cuốn sách của ngài. Rồi trong thư đề ngày 6-11-1998, (đến tay tôi ngày 9/11/1998), ngài đã gửi cho tôi lời giới thiệu của Bà giáo sỹ Cynthia Bourgeault là bạn thân của ngài, và báo rằng: “Bản tiếng Anh đang được Crossroad sửa soạn in”.

Như thế, thời điểm tôi bắt đầu dịch cuốn sách này ngày 8/11/1998, (sau hơn một tháng rưỡi nhận được bản thảo của ngài), và rồi lại nhận được thư của ngài ngay ngày hôm sau 9/11/1998 trên đây, với lời lẽ như giục tôi bắt tay vào việc chuyển dịch đi, không phải là một trùng hợp khác nói lên thiên định hay sao, trong việc tôi mạo hiểm dịch thuật một cuốn sách có nội dung phải là một đan sĩ thâm sâu như chính tác giả của nó mới có thể tránh được vấp phạm “dịch là phản”.

Cho tới nay, tôi cũng không rõ vì lý do nào vị đan sĩ linh mục tác giả này lại tin tưởng để cho một con người trần tục như tôi được đặc ân dịch tác phẩm đầu tay cũng là tác phẩm duy nhất của cuộc đời đan sĩ gần 50 năm của ngài này, cuốn sách mà vào mùa hè năm 2004 này ngài còn hỏi tôi có còn hay chăng gửi cho ngài 6 cuốn nữa. Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được liên lạc với ngài. Về khả năng dịch thuật song ngữ của tôi, có thể vì ngài đã căn cứ vào cuốn “Mạch Nước Vọt Lên Sự Sống Đời Đời”, cuốn sách thứ sáu do tôi soạn dịch 33 trong 80 bài giáo lý về Chúa Thánh Thần của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, được nguyệt san Dân Chúa xuất bản 5/1998 trước lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (31-5-1998), mà tôi biếu ngài hồi tháng 7/1998 để mừng 50 năm linh mục của ngài chăng?

Về kiến thức chiêm niệm để dịch sách chiêm niệm như của ngài, phải chăng ngài căn cứ vào những gì tôi chia sẻ trong các cuốn sách tôi biếu tặng ngài, như “Đời Cầu Nguyện”, “Thần Linh và Sự Sống” và “Giòng Sông Chảy Nước Ban Sự Sống”?? Về hai cuốn đầu, trong thiệp cám ơn đề ngày 21-2-1997, ngài viết: “Qua hai tác phẩm này, tôi được biết ông có một tình yêu tha thiết với Chúa và muốn san sẻ tình yêu thương nồng nàn đó với mọi người”. Riêng cuốn thứ hai, trong thư đề ngày 1-11-1997, ngài còn thêm: “Nó là mỏ vàng, giúp anh em linh mục bận bịu với trăm ngàn công việc có nguồn mạch để dễ dàng và mau chóng tìm được tài liệu ngay trong tay để sửa soạn bài giảng. Qúi hóa vô cùng”. Về cuốn thứ ba, cuốn viết về mạc khải thần linh như giòng sông chảy nước ban sự sống đức tin, trong thiệp phúc đáp không đề ngày cũng trong năm 1997, ngài viết: “Chính cuốn sách là giòng sông chảy nước ban sự sống”.

Có lẽ một trong những lý do thực tế khiến tôi dám mạo muội làm một việc đặc biệt này, chính là vì vị tác giả của những gì tôi dịch còn sống; nếu có gì không chính xác, ngài vẫn có thể sửa chữa cho đúng với ý của ngài trước khi in ấn. Như thế thì đâu còn lo “dịch là phản” nữa. Ngoài ra, một lý do khác nữa khiến tôi nhận dịch tác phẩm chiêm niệm này là vì tôi thích đề tài chiêm niệm từ lâu lắm rồi. Cách đây khoảng 35 năm, tôi đã tìm đọc bản dịch Việt ngữ cuốn “Hạt Giống Chiêm Niệm” và bộ sách hai cuốn “Không Ai Là Một Hòn Đảo” rất hay của Thomas Merton.

Ngoài kiến thức về chiêm niệm qua sách vở, kinh nghiệm sống đạo cũng từ từ cho tôi hiểu được phần nào chiêm niệm là gì và thế nào là chiêm niệm, một vấn đề mà trước đây, càng đọc sách về chiêm niệm tôi lại càng lầm tưởng. Ở chỗ, hồi ấy tôi cứ tưởng là chiêm niệm chỉ dành cho nhà tu, nhất là cho các đan sĩ nam nữ, và đã là một người chiêm niệm phải là người có những tư tưởng cao siêu, như Thomas Merton chẳng hạn, những tư tưởng mà diễn tả ra thì độc giả hoặc thính giả có trình độ một chút phải chú ý lắm mới hiểu được, hay suy nghĩ mãi mới am tường. Thật ra, theo vai trò của mình, chiêm niệm là tác động cầu nguyện thiết yếu trong việc kết hợp với Thiên Chúa.

Đúng vậy, nếu kết hợp với Thiên Chúa, tột đỉnh của chính linh đạo Kitô giáo cũng như của các linh đạo Kitô giáo, là ở chỗ ý muốn của con người hoàn toàn tuân phục ý muốn vô cùng toàn hảo của Thiên Chúa là Cha trên trời trong hết mọi sự, và nếu cầu nguyện là liên lỉ khát vọng một mình “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn.4:8,16) trên hết mọi sự, thì, theo bản chất đích thực của mình, chiêm niệm chính là cảm nghiệm thần linh “trong tinh thần và chân lý” (Jn.4:24). Bởi vì, muốn kết hợp với Thiên Chúa thì phải khát vọng (nguyện cầu) Ngài, và nếu muốn khát vọng Ngài không thể nào lại không cảm nghiệm (chiêm niệm) Ngài. Chính vì cảm nghiệm chiêm niệm đây là cảm nghiệm “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn.4:24) mà cảm nghiệm chiêm niệm này phải là một cảm nghiệm thần linh trong tinh thần và chân lý, chứ không phải chỉ là một thứ cảm nghiệm bằng tưởng nhớ suông, bằng suy biết suông hay bằng cảm xúc suông.

Hiểu về chiêm niệm như thế, nên khi vừa nhận “bản mẫu” cuốn “Contemplative Experience”, (bản đã được tác giả quãng diễn sâu rộng hơn và đặt cho một tựa đề mới là “Embracing Holy Desire”), tôi cảm phục tác giả của nó liền, và tự nhiên thấy mình hết sức hứng khởi để thực hiện việc chuyển dịch tác phẩm chiêm niệm thuần túy đầu tiên của một tác giả Việt Nam (mà lại viết bằng tiếng ngoại quốc này), một vị linh mục đan sĩ chiêm niệm Việt Nam (bấy giờ) gần 40 năm tại hải ngoại song không bao giờ quên Giáo Hội Mẹ Việt Nam kính ái của mình, quên đồng hương Công Giáo qúi thương của mình, đối tượng cho bản dịch Việt ngữ mà ngài có ý muốn chia sẻ những bước đường hay phương pháp đã dẫn ngài tới “cảm nghiệm chiêm niệm” hay tới việc “Ấp Ủ Ước Vọng Lành Thánh”!

Tuy nhan đề của bản Anh ngữ là “Cảm Nghiệm Chiêm Niệm: Tình Yêu Nhục Thể và Hiệp Nhất Thiêng Liêng” có vẻ thực tế, song tôi vẫn thấy nhan đề theo nguyên bản là “Ấp Ủ Ước Vọng Thánh Thiện” hay hơn, vì nhan đề do chính tác giả chọn này mới phản ảnh trọn vẹn nội dung và đích xác chân tướng của “cảm nghiệm chiêm niệm”.

Nếu Thiên Chúa không trả lời cho Moisen về tên gọi của Ngài: “Ta là Thiên Chúa” mà “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Ex.3:13-14) thế nào, thì “cảm nghiệm chiêm niệm” phải được đặt cho một tên gọi chính xác, đó là “Ấp-Ủ Ước-Vọng Thánh Thiện” như vậy. Bởi vì, nếu nói đến “Đấng Hiện Hữu” là nói đến Thiên Chúa, đến “một Thiên Chúa chân thật duy nhất” (Jn.17:3) thế nào, thì nói đến “Ấp-Ủ Ứơc-Vọng Lành Thánh” cũng là nói đến tinh hoa, đến bản chất thực sự làm nên “cảm nghiệm chiêm niệm” như vậy.

Trong
lời ngỏ "Cùng Độc Giả Bản Dịch Việt Ngữ" (ở trang 31), tác giả Cảm Nghiệm Chiêm Niệm hay Ấp-Ủ Ước-Vọng Thánh Thiện xác nhận như sau:

Chắc các độc giả đọc cuốn Ấp-Ủ Ước-Vọng Thánh Thiện bằng Việt ngữ này sẽ tự hỏi: sao một người Việt Nam viết được sách bằng Anh ngữ lại không chuyển tư tưởng của mình sang Việt ngữ, tiếng mẹ đẻ của mình?

Tôi rời Việt Nam sang học bên Hoa Kỳ đã gần năm mươi năm. Trong thời gian này tôi sống trong một tu viện toàn người Hoa Kỳ. Tuy thỉnh thoảng tôi có viết bài cho tạp chí Việt ngữ tại Hoa Kỳ, nhưng tôi phải thú nhận là tôi không có cơ hội để theo dõi sự tiến hóa về danh từ và những lối hành văn Việt Nam trong những năm gần đây.

Đang khi tôi muốn dịch cuốn sách nhỏ của tôi sang Việt ngữ thì may mắn được ông Cao Tấn Tĩnh và gia đình tới thăm tôi tại tu viện. Vì tôi biết ông Cao Tấn Tĩnh đã viết hoặc dịch nhiều sách giá trị bằng và ra Việt ngữ; nói thực, ông đã nhã ý tặng tôi hai ba cuốn, tôi nói với ông về cuốn sách nhỏ bằng Anh ngữ tôi vừa viết xong và đã được nhà xuất bản Crossroad ở Nữu-Ứớc nhận xuất bản. Tôi ngỏ ý với ông là tôi muốn dịch sang Việt ngữ, nhưng tôi sợ không có đủ danh từ và lối hành văn Việt ngữ cần để phổ biến tư tưởng.

Nghe tôi nói, ông Cao Tấn Tĩnh hưởng ứng ngay và nói, nếu là ý Chúa muốn, ông sẽ hết lòng cộng tác. Với lòng quảng đại, với tài về ngữ vựng, và nhất là vì lòng mến Chúa yêu người, chỉ trong vòng non một tháng ông đã dịch xong tác phẩm nhỏ của tôi!

Ông đã hết sức trung thành và tài khéo chuyển những tư tưởng mầu nhiệm và kín đáo nằm dưới Anh ngữ sang Việt ngữ! Vì tiếng mẹ đẻ của chúng ta còn thiếu từ vựng chuyên môn, đôi khi dịch giả phải dùng Hán tự (chữ Nho) để phô diễn tư tưởng. Nhưng tôi tin độc giả sẽ không gặp khó khăn.

Nếu chỉ có một độc giả đọc bản dịch này mà có thể đi một bước gần hơn tới Chúa, thì tôi tin dịch giả sẽ cảm thấy mình được phần thưởng về công lao khó nhọc của mình, và tôi mong cũng được hưởng lây diễm phúc đó, bởi vì khi cảm nghiệm Chiêm Niệm thì tất cả chúng ta trở nên một.

Hết lòng cám ơn dịch giả và kính chào độc giả. 

Joseph Chu-Công, O.C.S.O. Đan Viện Thánh Giuse, Spencer.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.
 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ