GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 12/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.  

 

__________________

 NGÀY 30 THỨ NĂM,

NGÀY 6 TRONG BÁT NHẬT GIÁNG SINH

 

ĐTC GPII với vị tân lãnh sự nước Norway về “tình trạng nhật thực về cảm quan ý thức Thiên Chúa đang bao trùm bóng tối của mình …”


Hôm 16/12/2004, ĐTC GPII đã tiếp vị tân lãnh sự nước Norway là Lars Petter Forberg khi ông trình ủy nhiệm thư hành sự. Sau đây là nguyên văn bài diễn từ của Ngài ngỏ cùng vị tân lãnh sự.


Thưa ông Lãnh Sự,


Tôi hân hoan đón chào ông hôm nay và chấp nhận ủy nhiệm thư bổ nhiệm ông làm Lãnh Sự của Vương Quốc Norway tại Tòa Thánh đây. Mặc dù việc tôi đến thăm xứ sở của ông xẩy ra mấy năm trước đây, tôi vẫn bồi hồi nhớ lại những gì nồng hậu và hiếu khách tôi đã nhận được ở đó. Tôi cám ơn ông về những lời chào chúc thân thương từ Vua Harald V cũng như từ Thủ Tướng Bondevik qua ông chuyển đến tôi. Tôi xin ông cũng hãy chuyển đến hoàng gia này, chính quyền cùng toàn thể nhân dân Norway những lời chúc tốt đẹp của tôi và lời tôi hứa nguyện cầu cho niềm phúc hạnh của quốc gia này.


Việc kiên trì dấn thân bênh vực phẩm vị của con người nắm vai trò chính yếu trong sinh hoạt ngoại giao của Tòa Thánh đây. Việc cổ võ nhân quyền, công bình và tình đoàn kết xã hội này, xuất phát từ việc nhìn nhận nguồn gốc chúng của tất cả mọi sự sống và hướng đến định mệnh chung của tất cả mọi con người nam nữ. Nơi quan điểm bao rộng này, chiều kích siêu việt của nhân loại được sáng tỏ, một chiều kích ngược lại với cái phân mảnh và chủ trương duy thế tục về xã hội là những gì đang thảm thương chi phối ở nhiều xã hội ngày nay, và là một chiều kích đang góp phần xây dựng một nền tảng vững chắc cho tình trạng đoàn kết và hòa hợp trong thế giới chúng ta đây.


Trong cộng đồng quốc tế, Norway từ lâu vẫn được kính trọng về việc quảng đại góp phần phát triển các quốc gia. Những thể hiện cụ thể của việc làm này được thấy, chẳng hạn, nơi việc người Norway tham dự vào những công tác bảo trì hòa bình, giúp đỡ những dự án cứu trợ, sẵn sàng chống lại việc buôn bán vũ khí, cũng như đấu tranh cho việc phát triển khả thủ và việc bảo vệ môi sinh. Những hành động đoàn kết ấy cho thấy một ước muốn kiên trì trong vấn đề cổ võ công ích, và ở tầm mức đáng kể nhất của những việc ấy, giúp gợi lên việc nhìn nhận bản chất thiết yếu của sự sống con người như là một tặng ân và nhìn nhận thế giới của chúng ta đây như là một gia đình của những con người. Thật vậy, những hành động đoàn kết chân thực không phải chỉ là những cử chỉ có một ý định tốt lành đơn phương vậy thôi. Chúng là những gì tỏ ra tán thành với dự án phổ quát của Thiên Chúa đối với loài người, và theo quan điểm ấy, chúng là những gì giải quyết các thánh đố phức tạp về công lý, tự do của các dân tộc và hòa bình.


Thưa ông Lãnh Sự, như ông đã nhận định xác đáng là Kitô giáo đã từng có một tầm vóc quan trọng nơi lịch sử nước Norway. Nó cũng phải tiếp tục là như thế trong hiện tại cũng như trong tương lai. Qua việc viếng thăm mục vụ của tôi ở xứ sở của ông, tôi đã đến như một người hành hương muốn tôn kính đời sống của các vị Thánh Olav cũng như các vị đại Thánh Bắc phương khác, những vị có những tấm gương vẫn còn nói cho ngày nay biết về những sự thật và giá trị nền tảng đã từng hình thành nên văn hóa của Norway qua cả hơn ngàn năm. Những nguyên tắc hướng dẫn này vẫn còn quan trọng đối với xã hội hiện đại, vì chúng cho thấy “chiều kích sâu xa nhất của con người” và mang lại “ý nghĩa cho cuộc sống của họ trên thế giới này” (cf. "Redemptor Hominis," 10). Thật vậy, như được thấy nơi những cách thức phi thường ở chứng từ các Thánh Nhân, những giá trị nằm ở tâm điểm của Châu Âu Kitô Giáo này là những gì kêu gọi tất cả mọi con người nam nữ “hãy tiến bước về một sự thật làm họ siêu việt” ("Fides et Ratio," 5), nhờ đó, sự thiện được chủ trị và Thiên Chúa được tôn vinh. Khi cá nhân con người không còn nhìn thấy được mục tiêu này nữa, một mục tiêu là bảo đảm duy nhất của họ về tự do và hạnh phúc, họ bị vướng mắc vào những thứ ý hệ suy yếu, rồi không còn hướng mắt lên cao tới mục đích của đời sống nữa.


Về vấn đề này, người ta không thể không nhận thấy rằng tình trạng nhật thực về cảm quan ý thức Thiên Chúa đang bao trùm bóng tối của mình chẳng những trên xứ sở của ông mà còn trên những miền đất Bắc Âu khác nữa. Trong cái tiến trình bất ổn của việc trần thế hóa này, như tôi đã nhận định ở nhiều dịp, thì hôn nhân và gia đình đang bị cực lực đe dọa. Đó là lý do tôi tiếp tục kêu gọi cả các vị lãnh đạo tôn giáo lẫn dân sự hãy chống đỡ cơ cấu hôn nhân linh thánh, như chính Thiên Chúa muốn việc Ngài tạo dựng, cùng với đời sống gia đình vững chắc của nó. Sự thật về tính dục của con người được sáng tỏ nơi vẻ đẹp của tình yêu hôn nhân vợ chồng như là một tặng ân đặc thù của bản thân chỉ giành cho nhau, cũng như được sáng tỏ trong việc họ chấp nhận lẫn nhau tặng ân tuyệt vời làm cho họ trở thành những cộng tác viên với Thiên Chúa trong việc ban tặng sự sống cho con người mới (cf. "Familiaris Consortio," 14). Những thứ méo mó về trần tục và thực dụng nơi thực tại của hôn nhân không bao giờ có thể cân bằng với cái rạng ngời của một giao ước trọn đời, một giao ước phát xuất từ việc quảng đại trao tặng bản thân cũng như từ tình yêu vô điều kiện, và những thứ méo mó ấy sẽ chỉ làm thiệt hại cho nền tảng của những khát vọng quốc gia mong muốn mà thôi.


Ngay từ đầu giáo triều của mình, tôi đã quyết tâm đặt vấn đề đại kết là việc ưu tiên nơi quan tâm và hoạt động mục vụ của mình. Việc nhận thức về lịch sử chung của các Kitô hữu là những gì nuôi dưỡng tình huynh đệ và việc đối thoại, và là những gì liên kết chứng từ Kitô giáo cho việc mở mang vương quốc Thiên Chúa giữa chúng ta (cf. "Ut Unum Sint," 41). Để đạt được mục đích ấy, tôi xin tất cả mọi vị lãnh đạo tôn giáo thuộc xứ sở của ông hãy kiên trì tiến bước trên con đường hiệp nhất Kitô giáo. Có thế, họ mới giúp cho tất cả mọi người dân Norway ý thức được về gia sản phong phú trên ngàn năm đức tin Kitô giáo của mình là: trong Chúa Kitô, tất cả mọi dân tộc, thành phần quốc dân, di dân hay ngoại quốc, đều là anh chị em với nhau, và những cử chỉ đoàn kết của chúng ta đối với họ trở thành những hành động yêu thương và trung thành với Chúa Kitô, Đấng đã đến cho tất cả mọi người được sự sống và là một sự sống dồi dào (cf. Jn 10:10).

 

Bằng những lời khích lệ ấy tôi bảo đảm với ông rằng Giáo Hội Công Giáo sẽ tiếp tục hoạt động cho việc thăng tiến về tâm linh cũng như cho việc phát triển về xã hội của nhân dân Norway. Qua chứng từ bác ái của mình, Giáo Hội tiến đến với tất cả mọi con người nam nữ, bất kể chủng tộc hay tôn giáo, giúp dễ dàng hóa việc phát triển một thứ “văn hóa kết đoàn” và phục hồi sự sống cho các giá trị đại đồng của việc con người cùng chung sống (cf. "Ecclesia in Europa," 85).


Thưa ông Lãnh Sự, tôi tin tưởng rằng sứ vụ ông bắt đầu hôm nay đây sẽ giúp vào việc củng cố những mối liên kết thân tình về hiểu biết và hợp tác giữa nước Norway và Tòa Thánh đây. Khi ông bắt đầu thi hành những trách nhiệm mới của ông, ông hãy yên tâm về việc sẵn sàng hỗ trợ của các văn phòng khác nhau ở Tòa Thánh Rôma để giúp ông chu toàn nhiệm vụ. Tôi xin Thiên Chúa Toàn Năng đổ tràn phúc lành xuống trên ông, gia đình ông và đồng bào của ông.



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 17/12/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)
 

 

ĐTC GPII: Chiêm Ngưỡng Mầu Nhiệm Lời Nhập Thể Giáng Sinh Làm Người (Tuần Bát Nhật Giáng Sinh: ngày 6)

 

CHÚA KITÔ LÀ CUỘC GẶP GỠ TỐI HẬU GIỮA THIÊN CHÚA VÀ LOÀI NGƯỜI

 Bài Giáo Lý số 19 Đại Năm Thánh 2000

(Thứ Tư ngày 16/8/2000)

 1-         Trong những bài suy niệm trước đây, chúng ta đã theo dõi nhân loại trong việc họ tìm gặp Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên họ và bước đi trên những con đường của họ để tìm kiếm họ. Hôm nay, chúng ta sẽ suy niệm về cuộc gặp gỡ tối hậu giữa Thiên Chúa và loài người xẩy ra nơi Chúa Giêsu Kitô, Lời thần linh, Đấng đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta (x Jn 1:14). Cuộc mạc khải tối hậu của Thiên Chúa, như Thánh Irênêô, Giám Mục Lyon, đã nhận định ở thế kỷ thứ hai, được thành tựu “khi Lời làm người, bằng cách biến mình trở nên như con người và biến con người trở nên như Người, để con người trở thành quí trọng trước nhan Thiên Chúa qua việc họ trở nên giống như Người Con” (Adversus Haereses V, 16, 2). Mối âu yếm thân tình giữa thần tính và nhân tính, như Thánh Bênađô so sánh với “nụ hôn” được Sách Diễm Tình Ca nhắc đến (x Sermones super Cantica canticorum II) đây, vươn ra từ bản thân Chúa Kitô tới những ai được Người va chạm. Cuộc gặp gỡ yêu thương này có những khía cạnh khác nhau mà giờ đây chúng ta sẽ cố gắng nói lên cho thấy.

 2-         Đó là một cuộc gặp gỡ xẩy ra nơi cuộc sống thường nhật, trong cả thời gian cũng như không gian. Đoạn Phúc Âm của Thánh Gioan vừa được đề cập tới (x Jn 1:35-42 - biệt chú của người dịch: đây là đoạn Phúc Âm nói về việc hai môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả đến xem chỗ Chúa Giêsu ở và ở lại với Người) đã cho thấy rõ điều này. Qua đoạn Phúc Âm ấy, chúng ta thấy một ấn định chính xác về ngày và giờ, về địa phương và ngôi nhà nơi Chúa Giêsu đang ở. Có những con người sống một cuộc đời đơn thành và đã được biến đổi, thậm chí đổi cả đến tên gọi của mình, qua cuộc gặp gỡ ấy. Thật vậy, để Chúa Kitô có thể đi vào cuộc đời của mình tức là chấp nhận cuộc sống và các dự án của mình bị Người chi phối. Khi những tay đánh cá xứ Galilêa thấy Chúa Giêsu ở bờ hồ và nghe Người kêu gọi thì “họ đã bỏ mọi sự mà theo Người” (Lk 5:11). Đó là khúc quanh trọng yếu dứt khoát đưa người ta đến một con đường đầy chồng gai nhưng thanh thoát: “Ai muốn theo Thày thì hãy bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo Thày” (Mt 16:24).

 3-         Một khi tạt vào cuộc đời của ai, Chúa Kitô liền khuấy động lương tâm của họ và nhìn thấu lòng họ, như đã xẩy ra cho người phụ nữ Samaritanô, lúc Người nói với chị về “tất cả những gì chị đã làm” (x Jn 4:29). Trước hết, Người đẩy chị đến  việc thống hối và yêu thương, như đã xẩy ra cho Zakêu, nhân vật đã hiến nửa phần sản vật của mình cho người nghèo khó và trả lại gấp bốn lần cho những ai bị anh lường gạt (x Lk 19:8). Đó cũng là những gì xẩy ra cho người phụ nữ tội lỗi thống hối được thứ tha tội lỗi “vì chị đã yêu mến nhiều” (Lk 7:47), cũng như cho người phụ nữ ngoại tình, người phụ nữ không bị kết tội song được phấn khích sống một cuộc sống mới giữ mình sạch tội (x Jn 8:11). Cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu giống như là một cuộc tái sinh, ở chỗ, cuộc gặp gỡ này làm phát sinh ra một thứ tạo vật mới, thành phần có khả năng tôn thờ đích thực, một khả năng tôn thờ Chúa Cha “trong tinh thần và chân lý” (Jn 4:23-24).

 4-         Cuộc gặp gỡ Chúa Kitô trên nẻo đường cuộc sống của mình thường nhắm đến việc mong muốn mình được chữa lành về thể lý. Chúa Giêsu đã trao phó cho môn đệ của mình sứ vụ loan báo vương quốc của Thiên Chúa, việc hoán cải và ơn thứ tha tội lỗi (x Lk 24:47), cũng như việc chữa lành bệnh tật, bằng cách giải cứu dân chúng khọi mọi sự dữ, bằng việc ủi an và nâng đỡ. Vì, các môn đệ “đã rao giảng rằng con người cần phải ăn năn đền tội. Các vị đã khu trừ nhiều ma quỉ và xức dầu nhiều bệnh nhân cũng như đã chữa lành họ” (Mk 6:12-13). Chúa Kitô đến để tìm kiếm, gặp gỡ và cứu độ toàn thể con người. Chúa Giêsu đòi phải có đức tin, điều kiện để được cứu độ, một đức tin làm cho con người hoàn toàn phó thác bản thân mình cho Thiên Chúa, Đấng tác động trong họ. Thật vậy, Chúa Giêsu đã nói với người đàn bà bị loạn huyết, người đàn bà đặt niềm hy vọng cuối cùng vào việc sờ đến gấu áo của Người, là: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con; thôi hãy đi bằng an, con đã được lành mạnh rồi” (Mk 5:34).   

 5-         Mục đích của việc Chúa Kitô đến giữa chúng ta là để dẫn chúng ta về cùng Chúa Cha. Vì “không ai đã từng thấy Thiên Chúa; Người Con duy nhất, Đấng ở nơi Chúa Cha, là Đấng tỏ Ngài ra” (Jn 1:18). Việc mạc khải có tính cách lịch sử này, được Chúa Giêsu hoàn tất bằng cả lời nói lẫn việc làm, đã đụng chạm đến chúng ta một cách sâu xa, nhờ tác động bề trong của Chúa Cha (x Mt 16:17; Jn 6:44-45), cũng như ơn soi động của Chúa Thánh Thần (x Jn 14:26, 16:13). Như thế, chúng ta được hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa ngay ở đời này, mà cùng đích của cuộc hiệp thông ấy là việc được hoàn toàn hưởng kiến Ngài, khi “chúng ta sẽ nên giống như Ngài, vì chúng ta sẽ thấy Ngài như Ngài là” (1Jn 3:2).  

6-         Vậy Chúa Kitô tiếp tục bước đi bên chúng ta trên các nẻo đường lịch sử, như Người đã hứa: “Này đây Thày luôn ở cùng các con cho đến tận thế” (Mt 28:20). Người hiện diện qua Lời của Người, “Lời là Đấng kêu gọi, là Đấng mời mọc, là Đấng triệu tập từng người, như trường hợp các Vị Tông Đồ. Khi con người được Lời chạm đến thì trở nên dễ dạy, tức là ở trong một tình trạng biết lắng nghe đến đổi thay cuộc sống. Mọi ngày (tín hữu) được nuôi dưỡng bằng thứ bánh Lời Chúa. Thiếu bánh này, họ sống như thể đã chết và không còn gì để truyền đạt cho anh chị em mình nữa, vì Lời đây là Đức Kitô (Orientale lumen, n. 10).  

Chúa Kitô cũng hiện diện nơi Thánh Thể nữa, nơi suối nguồn yêu thương, hiệp nhất và cứu độ. Những lời Người nói hôm ấy tại hội đường của một tỉnh nhỏ Capanaum trên Biển Hồ Tibêria liên lỉ vang vọng trong các thánh đường của chúng ta. Đó là những lời hy vọng và sự sống: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong họ... Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì có sự sống đời đời, và Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày say hết” (Jn 6:54-56).                     

 (Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 23/8/2000)

Một Cuộc Động Đất kinh khủng dưới lòng biển cả tàn phá các nước vùng Nam Á Châu

Vào lúc kết thúc buổi triều kiến chung hằng tuần, Thứ Tư 29/12/2004, ĐTC GPII kêu gọi hướng về anh chị em nạn nhân thiên tai Nam Á như sau:

“Tin tức từ Á Châu cho chúng ta biết hơn về mức độ của thảm họa đặc biệt đang hoành hành ở các nước Ấn Độ, Nam Dương, Sri Lanka và Thái Lan. Cộng đồng thế giới và nhiều tổ chức nhân đạo đã mau mắn sát cánh ra tay cứu trợ. Nhiều cơ quan từ thiện của Giáo Hội cũng đang làm như thế. Trong tinh thần Giáng Sinh của những ngày này, tôi mời gọi tất cả mọi tín hữu thiện tâm hãy quảng đại đóng góp vào công việc cao cả bày tỏ tình đoàn kết liên đới với những dân nước này, thành phần đang bị thử thách dữ dội như thế và đương đầu với nguy cơ bệnh hoạn. Tôi nguyện ở bên họ bằng lời cầu và lòng cảm mến, nhất là với những ai bị thương tích và mất nhà cửa, tôi xin dâng hiến muôn vàn nạn nhân bị mất mạnh sống mình cho tình thương của Thiên Chúa”.

Hôm Chúa Nhật, tức vào chính ngày xẩy ra thiên tai ấy, sau khi Nguyện Kinh Truyền Tin tại Quảng Trường Thánh Phêrô như thường lệ, ĐTC cũng đã kêu gọi cứu trợ các nạn nhân gặp thiên tai ở Nam Á như sau:

“Lễ Giáng Sinh đã nhốm buồn thương bởi tin tức từ Nam Á Châu cho biết về cuộc bão sóng biển động tấn công nước Nam Dương, liên quan đến cả các quốc gia khác, trong đó có Sri Lanka, Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Mã Lai và Maldives. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của thảm cảnh khủng khiếp này. Chúng tôi chắc chắn gắn bó với những ai đang chịu khổ đau, và chúng tôi hy vọng rằng cộng đồng quốc tế đang hoạt động để mang lại niềm ủi an cho những người dân bị hoạn nạn”.

Chiều Thứ Ba, 28/12/2004, Hội Đồng Giáo Hoàng “Cor Unum” đã phổ biến một bản công báo là ĐTC “đã chấp thuận đợt cứu trợ thứ nhất cho dân chúng thuộc các xứ sở bị động đất và bảo sóng dữ dội tấn công vùng Đông Nam Á Châu và một số phần đất ở Phi Châu. Nhân danh Đức Thánh Cha, phân bộ này đã cấp thới gửi cứu trợ đến Sri Lanka, Ấn Độ, Thái lan, Nam Dương và Somalia qua các vị đại diện tòa thành đương nhiệm.

“Trong Giáo Hội cũng như ở các phần đất khác trên thế giới đang đồng tâm nhất trí trong tình đoàn kết huynh đệ tỏ ra những việc đáp ứng cụ thể những lời kêu gọi của những thành phần dân chúng gặp nạn: Hội Đồng Giám Mục Ý quốc đã ủng hộ 3 triệu đồng Âu, tổ chức Bác Ái Caritas đã thu được tổng số hơn 2 triệu Mỹ kim. Một số chi nhánh của tổ chức Bác Ái Caritas (như Austria, Netherlands, United States) đã gửi những chuyên viên đến những miền này để giúp các chi nhánh Bác Ái Caritas quốc gia khác nhau. Ngoài ra, các Dịch Vụ Tị Nạn Dòng Tên cũng đang giúp đỡ các Giáo Hội địa phương.

“Cor Unum, phân bộ nhân danh Đức Giáo Hoàng theo dõi khít khao biến chuyển của biến cố này cũng như hoạt động của những tổ chức khác nhau trong Giáo Hội, kêu gọi tín hữu hãy quảng đại nâng đỡ, cá nhân cũng như đoàn thể, những nỗ lực của các Giáo Hội địa phương cũng như những tổ chức bác ái hiện nay để có thể bắt đầu thực hiện chương trình phục hồi cho dân chúng đang bị hoạn nạn dữ dội bởi thiên tai tàn hại này.

“Những ai muốn đóng góp với những nỗ lực của Tòa Thánh bằng một cử chỉ đoàn kết đối với anh chị em Á Châu bất hạnh của chúng ta có thể thực hiện việc này bằng cách gửi ủng hộ cho trương mục số 603035 qua tên Pontifical Council Cor Unum, 00120, Vatican City, biệt chú cho ‘Cấp Cứu Á Châu’”.

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ