GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 12/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.
__________________
NGÀY 31 THỨ SÁU, NGÀY CUỐI NĂM 2004 NGÀY 7 TRONG BÁT NHẬT GIÁNG SINH |
Hôm Thứ Năm16/12/2004, ĐTC GPII đã tiếp vị tân lãnh sự nước Thái Lan là Pradap Pibulsonggram khi ông trình ủy nhiệm thư hành sự. Sau đây là nguyên văn bài diễn từ của Ngài ngỏ cùng vị tân lãnh sự.
Thưa Ông Lãnh Sự,
Tôi hân hoan đón mừng ông đến với Vatican và chấp nhận Ủy Nhiệm Thư chỉ định ông làm Lãnh Sự của Vương Quốc Thái Lan tại Tòa Thánh này. Tôi cám ơn những lời chào ưu ái được Vua Bhumibol Adulyadej gửi đến tôi qua ông, và tôi xin ông chuyển đến vua lời nguyện cầu của tôi cho xứ sở và nhân dân của ông. Những mối liên hệ lâu dài giữa Vương Quốc Thái Lan và Tòa Thánh này bắt nguồn từ thế kỷ 17, khi Đại Vương Narai và Đức Giáo Hoàng Innocent XI bắt đầu thực hiện mối liên hệ thân ái và hữu nghị. Thật vậy, việc liên hệ này vẫn là những gì làm cho đôi bên đều cảm thấy hãnh diện.
Thái Lan tiếp tục một cách đáng khen ngợi việc vun trồng một bầu không khi khoan nhượng về tôn giáo và việc sống chung thuận hòa nơi đồng bào của mình. Thật thế, truyền thống cao quí làm cho các tín đồ thuộc những niềm tin khác nhau chúng sống thuận hòa với nhau ấy là một trong những nền tảng của xứ sở ông. Những mẫu gương về vấn đề này được thấy chẳng những nơi vai trò của Hoàng Vương với tư cách là người bảo vệ các thứ giá trị về luân lý và tôn giáo của quốc gia, mà còn nơi cả việc bảo đảm của hiến pháp về quyền lợi được hoàn toàn bày tỏ về tôn giáo cũng như được hoàn toàn tự do về tôn giáo. Tuy nhiên, đáng tiếc thay, ngay cả nơi những xã hội khoan nhượng nhất đi nữa, vẫn có thể xẩy ra những thách đố về những mối liên hệ thuận hòa nơi dân chúng. Về vấn đề này, tôi bảo đảm với ông Lãnh Sự rằng Giáo Hội Công Giáo đã có một kinh nghiệm đáng kể trong lãnh vực quan hệ liên tôn, và bao giờ cũng sẵn sàng góp phần vào việc nuôi dưỡng và làm cho dễ dàng việc đối thoại với nhau để giải quyết những vấn đề nhỡ có xẩy ra.
Một trong những đường lối chính yếu Giáo Hội tỏ ra nâng đỡ xã hội dân sự trong việc phát triển sự tôn trọng và thông cảm giữa các nhóm khác nhau đó là bằng việc Giáo Hội này dấn thân thực hiện việc giáo dục. Việc hướng dẫn thích hợp là những gì giúp cho dân chúng có thể có được kiến thức cần thiết để trở thành những phần tử hết sức góp phần xây dựng xã hội, cổ võ tình đoàn kết và việc tôn trọng là những gì liên kết cá nhân con người, gia đình, các dân tộc và các quốc gia lại với nhau. Nhân loại mong mỏi sống thuận hòa và yên hàn, niềm ước mong này có thể được nên trọn chỉ bằng việc tham dự một cách tích cực và khôn ngoan của tất cả mọi thành phần trong đời sống xã hội. Việc giáo dục sâu xa vào những giá trị đích thực là then chốt cho tương lai, là tâm điểm của việc truyền đạt thích hợp và là đường lối dẫn đến việc phát triển thực sự.
Trong những lời nhận định của ông Lãnh Sự, ông đã đề cập đến việc Vua Bhumibl Adulyadej nhìn nhận rằng dân chúng Thái Lan cần phải cống hiến cho nhau việc nâng đỡ lẫn nhau. Triết lý của vua trong việc cải cách nền kinh tế là những gì cho thấy rõ điều ấy, vì nó tìm cách giúp những người sống ở mức kinh tế thấp nhất bằng việc cung cấp phương tiện cho các nguồn tài nguyên và kỹ thuật địa phương. Tôi xin quốc gia của ông hãy tiếp tục hỗ trợ những ai nghèo túng nhất để họ có thể đạt tới mức độ tự lập mưu sinh đầy đủ về kinh tế là những gì họ có quyền đòi hỏi như vậy. Một trong những đường lối hiệu nghiệm nhất để bảo đảm được điều này đó là bằng việc bảo toàn đời sống gia đình. Thật vậy, đời sống gia đình là những gì làm nên chiều kích về xã hội và đạo lý nơi việc làm của con người, và là nguồn mạch thực sự của việc tiến bộ về kinh tế đích thật (cf. Encyclical Letter "Laborem Exercens," 10). Ở Á Châu, theo truyền thống, gia đình vẫn được tôn trọng rất nhiều, được coi chẳng những như là tâm điểm của các mối giao hệ liên ngôi vị mà còn là nơi an toàn về kinh tế đối với các phần tử của gia đình nữa. “Gia đình, do đó, cần phải được thực sự coi như là một tác nhân thiết yếu của đời sống kinh tế, một đời sống kinh tế không bị chi phối bởi ý hệ thị trường mà bởi cái lý lẽ chia sẻ và đoàn kết nơi các thế hệ” (Compendium of the Social Doctrine of the Church, 248). Tôi hy vọng rằng Chính Phủ của ông sẽ nuôi dưỡng một sự tôn trọng hơn nữa đối với vai trò quan trọng của gia đình, một sự tôn trọng khiến cho giới trẻ thâm tín được rằng sự giầu thịnh về vật chất và việc chiếm hữu mau chóng về kinh tế không thể nào thay thế được mối liên hệ yêu thương nơi “xã hội tại gia”.
Ông Lãnh Sự đã nói đến vai trò quan trọng của Thái Lan ở lãnh vực chính trị trong vùng cũng như trên toàn cầu. Việc gia tăng ảnh hưởng quốc gia của ông trong cộng đồng quốc tế là dấu hiệu rõ ràng cho thấy những gì nó thành đạt nơi vận trường xã hội và chính trị. Tôi nguyện cầu để thẩm quyền dân sự này tiếp tục chủ động tham dự vào việc tìm kiếm những giải pháp cho những vấn đề trầm trọng trên toàn cầu ngày nay. Xin ông hãy tin rằng Giáo Hội vẫn quyết tâm hỗ trợ trong vấn đề thách đố ấy, bằng việc cổ võ vấn đề tôn trọng lề luật quốc tế, nhất là bằng việc khuyến khích cộng đồng quốc tế hãy tiếp tục tìm kiếm những đường lối đa phương là những gì sẽ dẫn đến việc giải quyết vấn đề xung khắc một cách ôn hòa cũng như đến việc cứu trợ nhân đạo một cách rộng lớn hơn nữa.
Thưa ông Lãnh Sự, tôi xin cầu chúc ông được những gì tốt đẹp nhất khi ông bắt đầu sứ vụ của ông, và xin ông an tâm vì các văn phòng của Tòa Thánh này luôn sẵn sàng giúp đỡ ông hành sự. Tôi xin muôn vàn phúc lành thần linh đổ xuống trên ông và nhân dân yêu dấu thuộc Vương Quốc Thái Lan.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 19/12/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)
Cơn Biển Động Sóng Thần Nam Á
Một trận động đất kinh khủng nhất thế giới với chấn động 9 độ trong vòng hơn 40 năm qua ở dưới lòng Ấn Độ Dương ngoài duyên hải phía tây đảo Sumatra nước Nam Dương, gây ra những cơn bão sóng thần tàn phá tan tành những làng mạc cùng với các khu du lịch ven bờ biển trong một khoảng cách 4 ngàn dặm hay 7 ngàn cây số, ở một số quốc gia thuộc miền Nam Á và Đông Nam Á.
Vào lúc 7 giờ sáng ngày Chúa Nhật 26/12/2004, một trận động đất ở chấn động 9 độ đã xẩy ra khoảng 100 dặm cách duyên hải phía tây đảo Sumatra nước Nam Dương. Trận động đất này là trận động đất lớn nhất kể từ ngày 28/3/1964, trận động đất tại Prince William Sound ở Alaska. Nó là trận động đất lớn thứ tư kể từ khi bắt đầu có những ghi nhận về mức độ chấn động năm 1899, mức chấn động của nó bằng trận động đất tại Kamchatka Nga Sô. Ba trận động đất ở mức chấn động cao độ hơn, thứ nhất ngày 22/5/1960 ở Chili với 9.5, năm 1964 với 9.2, và ngày 9/3/1957 ở Đảo Andreanof Alaska với 9.1. Cả 3 trận động đất này, cũng như trận động đất ở Kamchatka, đều gây nên những cơn biển động sóng thần.
Những cơn bão sóng thần này di chuyển nhanh đến 600 dặm một giờ ở những chỗ nước sâu nhất, nhưng đến gần bờ thì chậm lại, cho đến khi chạm bờ thì còn khoảng độ từ 30 đến 40 dặm 1 giờ.
Cơn biển động sóng thần ở Chí Lợi năm 1960 đã tàn sát 5 ngàn 7 trăm mạng người và cơn biển động sóng thần Prince William Sound chỉ sát hại 125 mạng sống, còn hai cơn biển động sóng thần còn lại không tác hại ai hết.
Trận động đất sát hại nhiều nhất được ghi nhận từ năm 1900 xẩy ra vào ngày 27/7/1976 ở Tangshan nước Trung Hoa với mức chấn động 7.5 độ, với con số thiệt mạng lên tới 655 ngàn người. Tuy nhiên, nếu tính trước năm 1900 thì cũng tại Trung Hoa, còn một trận động đất sát hại hơn thế nữa xẩy ra vào ngày 23/1/1556, tại Shansi, sát hại 830 ngàn người.
Con số cao nhất gây ra bởi cơn biển động sóng thần kể từ năm 1900 xẩy ra vào ngày 28/12/1908 ở Messina Ý quốc với mức chấn động 7.2, sát hại từ 70 đến 100 ngàn người. Tuy nhiên, cơn biển động sóng thần dữ dội hơn nữa (không gây ra bởi việc chuyển nước dưới lòng biển mà là bởi những trận lụt kèm theo sóng thần) xẩy ra vào năm 1991 ở Bangladesh sát hại gần 140 ngàn người.
Nếu hai trận động đất trên đất liền gây chết chóc nhiều nhất tại Trung Hoa thì cũng theo lịch sử, so sánh với cơn biển động sóng thần ở Messina Ý và ở Bangladesh, thì hai cơn biển động sóng thần chết chóc đừng hàng thứ hai và thứ tư đã xẩy ra tại Nam Dương. Cơn biển động sóng thần ngày 26/12/2004 này, theo ước tính có thể lên tới trên 100 ngàn người, kể cả những người sẽ chết bị bệnh tật sau đó, bởi xác rữa, nước độc, ruồi muỗi, cá chết v.v. Còn cơn biển động sóng thần khác tại Nam Dương xẩy ra vào ngày 27/8/1883, gây ra do vụ phun núi lửa Krakatau, sát hại 36 ngàn người ở hai đảo Java và Sumatra.
Có lẽ nơi chịu nhiều cơn biển động sóng thần nhất là Nhật Bản. Con số nhân mạng bị tiêu diệt bởi biến cố thiên tai này từ năm 684 là 66 ngàn người, trong đó, cơn biển động sóng thần mạnh nhất xẩy ra vào năm 1896 sát hại 27 ngàn người ở đảo Honshu, khi dân chúng đang mừng lễ trên đường phố. Qua các thế kỷ, Nam Dương cũng bị thiệt mất 50 ngàn mạng sống bởi 30 cơn biển động sóng thần.
Sau đây là những cơn biển động sóng thần đáng kể được lịch sử ghi nhận:
Ngày 16/81976, gây ra bởi trận động đất ở Mindinao Phi Luật Tân, sát hại từ 5 tới 8 ngàn người ở miền Moro Gulf.
Ngày 28/3/1964, gây ra bởi trận động đất ở chấn động 8.4 độ, tàn phá miền đông nam Alaska, Đảo Vancouver, British Columbia, và các tiểu bang Hoa Kỳ Washington, California và Hawaii, với trên 120 người chết. Nơi bị nặng nhất là Crescent City, California, sóng cao tới 20 bộ, sát hại 11 người ở đây. Ngoài ra, những nơi bị ảnh hưởng nặng khác ở California là San Francisco Bay, và các hải cảng ở Los Angeles and Long Beach.
Ngày 22/5/1960, bởi trận động đất lớn nhất thế kỷ 20, ở mức chấn động 8.6 độ, ngoài khơi trung nam nước Chí Lợi, sát hại 2.300 người Chí Lợi, đồng thời cũng gây thiệt hại cho nguồn nước ở Hilo Hawaii, giết chết 61 người ở đây.
Ngày 4/11/1952, một trận động đất xẩy ra ở ngoài khơi Quần Đảo Kamchatka Nga sô, gây thietả hại cho quần đảo này, các Hải Đảo Kuril cùng những vùng Viễn Đông khác của Nga, ảnh hưởng đến cả Hawaii, Peru và Chí Lợi.
Ngày 31/1/1906, một cơn biển động sóng thần tấn công miền duy6n hải nước Ecuador và Colombia, nhận chìm cả một nửa Tumaco của nước Colombia, và cuốn đi gần nửa hải đảo, sát hại từ 500 đến 1 ngàn rưởi người.
Ngày 13/8/1868, một cơn sóng thần tấn công Chí Lợi, cuốn trôi các tầu bè tới cả 3 dặm vào nội địa Arica, với con số chết chóc lên đến trên 25 ngàn người.
Ngày 2/4/1868, một cơn biển động sóng thần đã tấn công tràn ngập cả những ngọn cây dừa cao ngất, làm thiệt 81 mạng người ở Hawaii.
Cơn biển động sóng thần hôm Chúa Nhật 26/12/2004 đáng lẽ gây ra thiệt hại ít hơn, nếu hệ thống kiểm soát báo động từ 3 tới 14 tiếng trước khi biến cố thiên tai xẩy ra được sử dụng.
Hệ thống kiểm soát và báo động quốc tế được bắt đầu từ năm 1965, một năm sau cơn biển động sóng thần ở mức chấn động 9.2 độ xẩy ra tại Alaska năm 1964. Hệ thống này được điều khiển bởi Ban Quản Trị Đại Dương Và Khí Hậu Toàn Quốc Hoa Kỳ. Các quốc gia phần tử gồm có tất cả các quốc gia dọc Thái Bình Dương ở Bắc Mỹ Châu, Á Châu và Nam Mỹ Châu, cũng như các Hải Đảo Thái Bình Dương, Ý Đại Lợi và Tân Tây Lan. Nó cũng bao gồm cả Pháp quốc là nước đang làm chủ một số hải đảo Thái Bình Dương, và Nga.
Tuy nhiên, Ấn Độ và Sri Lanka không phải là phần tử của tổ chức kiểm soát báo động các cơn biển động sóng thần này. Ấn Độ không gia nhập vì ít khi bị các cơn biển động sóng thần. Còn Nam Dương thì không có tiền mua máy móc quá ư đắt đỏ. Thái Lan thuộc về tổ chức này nhưng vùng duyên hải phía tây là nơi xẩy ra thiên tai hôm Chúa Nhật vừa rồi, với con số thiệt mạng cả mấy trăm người, lại không có các bộ phận báo động được gắn vào các thứ phao thả ngoài khơi.
Tính cho tới ngày Thứ Năm 30/12/2004, nguyên Nam Dương thôi, con số thiệt mạng được tường gần lên tới gần 80 ngàn người. Sri Lanka xác nhận 24.673 thiệt mạng. Ở Nam Ấn Độ từ hôm Thứ Ba đã vượt số 8 ngàn rưỡi thiệt mạng và ở hai hải đảo Andaman và Nicobar có 4 ngàn thiệt mạng. Thái Lan với 3 ngàn thiệt mạng, trong đó có 700 người ngoại quốc, ngoài ra còn mất tích 4,265 người, trong đó có 1.500 người Thụy Điển. Ngoài ra, thành phần ngoại quốc còn được cho biết con số thiệt mạng hiện nay là 100 người và 3.381 mất tích, những ngưiờ thuộc các quốc gia Áo quốc, Bỉ, Britain, Thụy Điển, Croatia, Czech Republic, Phần Lan, Pháp, Đức, Ý, Netherlans, Na Uy, Ba Lan, Romania, Nga, Đan Mạch, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ. Tóm lại, người ta ước lượng con số thiệt mạng sẽ lên đến 120 ngàn người.
Vào lúc kết thúc buổi triều kiến chung hằng tuần, Thứ Tư 29/12/2004, ĐTC GPII kêu gọi hướng về anh chị em nạn nhân thiên tai Nam Á như sau:
“Tin tức từ Á Châu cho chúng ta biết hơn về mức độ của thảm họa đặc biệt đang hoành hành ở các nước Ấn Độ, Nam Dương, Sri Lanka và Thái Lan. Cộng đồng thế giới và nhiều tổ chức nhân đạo đã mau mắn sát cánh ra tay cứu trợ. Nhiều cơ quan từ thiện của Giáo Hội cũng đang làm như thế. Trong tinh thần Giáng Sinh của những ngày này, tôi mời gọi tất cả mọi tín hữu thiện tâm hãy quảng đại đóng góp vào công việc cao cả bày tỏ tình đoàn kết liên đới với những dân nước này, thành phần đang bị thử thách dữ dội như thế và đương đầu với nguy cơ bệnh hoạn. Tôi nguyện ở bên họ bằng lời cầu và lòng cảm mến, nhất là với những ai bị thương tích và mất nhà cửa, tôi xin dâng hiến muôn vàn nạn nhân bị mất mạnh sống mình cho tình thương của Thiên Chúa”.
Hôm Chúa Nhật, tức vào chính ngày xẩy ra thiên tai ấy, sau khi Nguyện Kinh Truyền Tin tại Quảng Trường Thánh Phêrô như thường lệ, ĐTC cũng đã kêu gọi cứu trợ các nạn nhân gặp thiên tai ở Nam Á như sau:
“Lễ Giáng Sinh đã nhốm buồn thương bởi tin tức từ Nam Á Châu cho biết về cuộc bão sóng biển động tấn công nước Nam Dương, liên quan đến cả các quốc gia khác, trong đó có Sri Lanka, Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Mã Lai và Maldives. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của thảm cảnh khủng khiếp này. Chúng tôi chắc chắn gắn bó với những ai đang chịu khổ đau, và chúng tôi hy vọng rằng cộng đồng quốc tế đang hoạt động để mang lại niềm ủi an cho những người dân bị hoạn nạn”.
Chiều Thứ Ba, 28/12/2004, Hội Đồng Giáo Hoàng “Cor Unum” đã phổ biến một bản công báo là ĐTC “đã chấp thuận đợt cứu trợ thứ nhất cho dân chúng thuộc các xứ sở bị động đất và bảo sóng dữ dội tấn công vùng Đông Nam Á Châu và một số phần đất ở Phi Châu. Nhân danh Đức Thánh Cha, phân bộ này đã cấp thới gửi cứu trợ đến Sri Lanka, Ấn Độ, Thái lan, Nam Dương và Somalia qua các vị đại diện tòa thành đương nhiệm.
“Trong Giáo Hội cũng như ở các phần đất khác trên thế giới đang đồng tâm nhất trí trong tình đoàn kết huynh đệ tỏ ra những việc đáp ứng cụ thể những lời kêu gọi của những thành phần dân chúng gặp nạn: Hội Đồng Giám Mục Ý quốc đã ủng hộ 3 triệu đồng Âu, tổ chức Bác Ái Caritas đã thu được tổng số hơn 2 triệu Mỹ kim. Một số chi nhánh của tổ chức Bác Ái Caritas (như Austria, Netherlands, United States) đã gửi những chuyên viên đến những miền này để giúp các chi nhánh Bác Ái Caritas quốc gia khác nhau. Ngoài ra, các Dịch Vụ Tị Nạn Dòng Tên cũng đang giúp đỡ các Giáo Hội địa phương.
“Cor Unum, phân bộ nhân danh Đức Giáo Hoàng theo dõi khít khao biến chuyển của biến cố này cũng như hoạt động của những tổ chức khác nhau trong Giáo Hội, kêu gọi tín hữu hãy quảng đại nâng đỡ, cá nhân cũng như đoàn thể, những nỗ lực của các Giáo Hội địa phương cũng như những tổ chức bác ái hiện nay để có thể bắt đầu thực hiện chương trình phục hồi cho dân chúng đang bị hoạn nạn dữ dội bởi thiên tai tàn hại này.
“Những ai muốn đóng góp với những nỗ lực của Tòa Thánh bằng một cử chỉ đoàn kết đối với anh chị em Á Châu bất hạnh của chúng ta có thể thực hiện việc này bằng cách gửi ủng hộ cho trương mục số 603035 qua tên Pontifical Council Cor Unum, 00120, Vatican City, biệt chú cho ‘Cấp Cứu Á Châu’”.
ĐTC GPII: Chiêm Ngưỡng Mầu Nhiệm Lời Nhập Thể Giáng Sinh Làm Người (Tuần Bát Nhật Giáng Sinh: ngày 7)
"Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại" là Chúa Giêsu Kitô, trung tâm điểm của vũ trụ:
"Đấng Cứu Chuộc của thế gian! Nơi Người tỏ hiện, bằng một đường lối mới mẻ và tuyệt vời hơn, chân lý nền tảng liên quan đến việc tạo dựng mà Sách Khởi Nguyên chứng tỏ qua những lần lập đi lập lại: 'Thiên Chúa thấy nó tốt lành' (đoạn 1). Sự tốt lành bắt nguồn nơi Đức Khôn Ngoan và Tình Yêu Thương. Nơi Chúa Giêsu Kitô, thế giới hữu hình mà Thiên Chúa dựng nên cho con người (x.Gen 1:26-30), một thế giới mà khi tội lỗi đột nhập 'đã lụy thuộc vào sự hư hoại' (Rm 8:20, x.Rm 8:19-22), phục hồi được mối liên hệ với nguồn mạch thần linh nguyên thủy của Đức Khôn Ngoan và của Tình Yêu Thương...
"Khi phân tách một cách sâu xa 'cái thế giới tân tiến này', Công Đồng Chung Vaticanô II đã tiến đến một điểm quan trọng nhất của thế giới hữu hình, đó là con người, bằng cách, như Chúa Kitô, tiến sâu vào ý thức con người và bằng cách chạm đến mầu nhiệm nội tại của con người, cái mà ngôn ngữ thánh kinh cũng như không phải thánh kinh đã diễn tả bằng chữ 'trái tim'. Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc thế gian, là Đấng đã thấu nhập vào mầu nhiệm của con người một cách đặc thù và dứt khoát, cũng như Người đã đi vào 'tâm can' của họ. Bởi thế, Công Đồng Vaticanô II đã có lý khi dạy rằng: 'Sự thật đó là chỉ có ở nơi mầu nhiệm của Lời Nhập Thể mà mầu nhiệm của con người mới được sáng tỏ. Vì Adong, con người đầu tiên, kiểu mẫu của Đấng phải đến (Rm 5:14) là Chúa Kitô. Chúa Kitô, một tân Adong, trong việc mạc khải mầu nhiệm về Cha và về tình yêu của Cha, đã hoàn toàn tỏ cho con người biết về chính con người họ và làm sáng tỏ ơn gọi cao cả nhất của con người'. Công Đồng tiếp: 'Đấng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Col 1:15), tự Mình là một con người hoàn hảo, Đấng đã phục hồi nơi giòng dõi Adong cái tương tự giống như Thiên Chúa đã từng bị nguyên tội làm biến dạng đi. Bản tính loài người, nhờ được mặc lấy chứ không bị mất đi trong Người, đã được nâng lên nơi chúng ta tới một phẩm vị khôn sánh. Vì, nhờ Việc Nhập Thể của Người, Người, là Con Thiên Chúa, một cách nào đó, đã hiệp nhất mình với mỗi một người. Người đã làm việc với đôi tay nhân loại, Người đã suy nghĩ với trí khôn nhân loại. Người đã tác động với ý muốn nhân loại, và Người đã yêu thương với trái tim nhân loại. Được sinh hạ bởi Trinh Nữ Maria, Người thực sự là một ngưòi trong chúng ta, giống như chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi' (Gaudium et Spes, đoạn 22). Người là Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại". (đoạn 8).
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần)