GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 12/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.
__________________
NGÀY 3 THỨ SÁU |
Hội Nghị Quốc Tế Doha về Gia Đình: “Gia đình là một đơn vị nhóm theo tự nhiên căn bản của xã hội, và có quyền được bảo vệ trước xã hội và quốc gia”
Hôm Thứ Hai 29/11/2004, Hội Nghị Quốc Tế Doha về Gia Đình đã được khai mạc ở thủ đô nước Qatar trước sự hiện diện của 1500 quan khách, trong đó có cả Sheikha Moza Bint Nasser Al-Missned, vợ của tiểu vương nước này kiêm nữ sáng lập viên và là chủ tịch Hội Đồng Tối Cao của Qatar đặc trách Gia Đình Vụ là hội đồng bảo trợ cho hội nghị này.
Trong thành phần tham dự người ta còn thấy, ĐHY Alfonso Lopez Trujillo, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Gia Đình, cùng với một số phần tử thuộc hội đồng này. Ngoài ra còn có ông Richard Wilkins, giám đốc Trung Tâm Qui Chế Gia Đình Thế Giới ở Đại Học Brigham Young tiểu bang Utah, vị được yêu cầu tổ chức biến cố hai ngày này, Tiến sĩ Gary Becker, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel ở Đại Học Chicago, các phần tử thuộc các cơ quan NGO không chính phủ, các vị học giả, các viện sĩ hàn lâm cùng các đại diện dân sự cùng tôn giáo, kể cả Đức Giáo Hoàng Shenouda III thuộc Giáo Hội Coptic Ai Cập.
Hội Nghị Doha, một hội nghị cử hành để kỷ niệm 10 năm Năm Quốc Tế Tiên Khởi Về Gia Đình, có ý để vừa khảo sát lại lời phát biểu ở Khoản 16, số 3 của Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền nói rằng “Gia đình là một đơn vị nhóm theo tự nhiên căn bản của xã hội, và có quyền được bảo vệ trước xã hội và quốc gia”, cũng như kiểm điểm lại những chính sách trên thế giới về gia đình. Hội nghị này hy vọng chứng tỏ cho thấy rằng vấn đề chú trọng tới gia đình là việc hướng dẫn vững chắc đối với vấn đề sức khỏe khả thủ của xã hội cũng như với thiện ích của xã hội.
Các cuộc hội nghị theo miền diễn tiến trước cuộc Hội Nghị Quốc Tế Doha này là Hội Nghị Thế Giới của Các Gia Đình ở Thành Phố Mễ Tây Cơ vào tháng 3/2004; Ngày Gia Đình Thế Giới ở Thụy Điển vào tháng 5/2004, Cuộc Đối Thoại Gia Đình Âu Châu ở Geneva vào tháng 8/2004 và Cuộc Đối Thoại Gia Đình Thái Bình Dương và Á Châu ở Kuala Lumpur vào tháng 10/2004. Ngoài ra cũng có một hội nghị sửa soạn ở Phi Luật Tân nữa.
Trong số những đề tài được bàn luận ở hội nghị quốc tế này là: Gia Đình trong Ngàn Năm Thứ Ba liên quan đến vấn đề phát triển, toàn cầu hóa và các chính sách quốc tế bảo vệ gia đình; Các Trường Hợp về Tôn Giáo và Pháp Lý của Gia Đình trong Ngàn Năm Thứ Ba; Gia Đình và Giáo Dục, và Gia Đình và Văn Hóa Đối Thoại, với một cái nhìn về vai trò của truyền thông cùng ảnh hưởng của truyền thông đối với gia đình. Các diễn giả bàn đến phẩm vị và giá trị của sự sống con người, những lợi ích của hôn nhân, vai trò làm mẹ và vai trò làm cha, đức tin và các gia đình tân tiến, vai trò của những thứ giá trị về xã hội, tuổi già và gia đình, và chính sách chính quyền và gia đình.
Sáng ngày Thứ Ba 30/11/2004, ĐHY Alfonso Lopez Trujillo, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình, đã nói về “Tính Cách Bổ Khuyết của Người Nam và Người Nữ: Xây Dựng trên Những Quyền Năng của Các Người Làm Mẹ và Làm Cha”. Ngài đã mở đầu bằng nhận định rằng “một sự thật duy nhất hiện diện một cách sâu xa nơi tất cả mọi thứ văn hóa và tôn giáo đó là sự thật về gia đình được xây dựng trên hôn nhân, nơi duy nhất xứng đáng và xứng hợp cho tình yêu phối ngẫu”, bằng “việc tự hiến thân cho nhau một cách trọn vẹn… Đứa con, tặng ân cao quí nhất được Thiên Chúa ban cho, là hoa trái của việc trao ban hỗ tương này, và các đôi phối ngẫu liên kết với Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống con người, với trọn vẹn nam tính và nữ tính của họ”. Ngài nói rằng “mối liên hệ yêu thương này giữa ‘cái anh/em’ và ‘cái tôi’, nhờ việc truyền sinh, trở thành ‘cái chúng tôi’ gia đình”.
“Ngày nay đang lan tràn một thứ ý hệ thù địch với gia đình ở một số quốc hội chẳng những ở Âu Châu mà còn ở cả Mỹ Châu nữa…. Thật vậy, trong thập niên vừa qua, tính cách bổ khuyết giữa một người nam và một người nữ, cũng như việc thắng vượt bất cứ chống đối này giữa hai phái tính đều đã từng bị phủ nhận một cách lạ lùng. Những việc lạm dụng này phát xuất từ một thứ thống trị của ‘nam giới nắm đầu’… không phải là những lập luận vững chắc cho vấn đề trào lưu nữ giới thái quá coi hôn nhân và gia đình là một nơi nô lệ, và vai trò làm cha cũng như vai trò làm mẹ là một gánh nặng bất khả gánh vác gây ra sợ hãi”.
Vị hồng y này nói rằng “cần phải chống lại thứ tính dục đa dạng”, nhất là “việc nhìn nhận những cuộc kết hiệp ‘de facto’, những cuộc hiệp nhất có tính cách hư cấu về pháp lý, khi cho rằng những cuộc hiệp nhất đồng phái tính là một thứ thay chuyển cho hôn nhân, và sáng chế những quan niệm mới mẻ bất khả chấp về hôn nhân tới độ chấp thuận cho nhận cả con nuôi, là những dấu hiệu trầm trọng trong việc tồi bại hóa nhân loại”. Vấn đề chống đối này không phải là việc kỳ thị mà là việc bảo vệ thành phần phối ngẫu và thành phần làm con cái.
Nhận định rằng đôi phối ngẫu là “các cộng tác viên với tình yêu của Thiên Chúa Hóa Công”, ngài nói: “vai trò làm mẹ và làm trò làm cha hữu trách bày tỏ một cuộc dấn thân cụ thể trong việc thi hành nhiệm vụ này, một nhiệm vụ có những đặc tính mới trong thế giới hiện đại…. Vai trò của người làm cha và làm mẹ là vai trò bổ khuyết cho nhau và bất khả tách biệt; chúng cần phải có những liên hệ chuyên biệt liên ngôi vị được thể hiện giữa con cái và cha mẹ.
“Vai trò làm mẹ gắn bó chặt chẽ với cơ cấu cá thể của con người cũng như với chiều kích riêng biệt của tặng ân ấy. Việc góp phần của người mẹ là những gì quyết liệt trong việc đặt nền móng cho một nhân cách con người mới…. Vai trò của người cha, một vai trò thường bị làm cho lu mờ, cũng rất quan trọng trong việc đào luyện nhân cách của con cái cũng như trong những chọn lựa quan trọng liên quan đến tương lai của chúng…. Ảnh hưởng hỗ tương này của người cha và người mẹ được biểu lộ nơi tính cách hỗ tương của các vai trò làm cha và làm mẹ trong việc dưỡng dục đứa con”.
“Gia đình, tự bản chất là một xã hội, hiện hữu trước cả Quốc Gia, trước bất cứ tổ chức chính trị nào hay cơ cấu pháp lý nào. Bởi thế, tính chất nguyên tuyền và căn tính của gia đình trên căn bản hôn nhân cần phải được nhìn nhận bởi các thẩm quyền chính trị.
“Chúng ta cảm thấy bức rức trước việc hạ giá một cách thảm thương vai trò làm mẹ nơi xã hội của chúng ta. Vai trò làm mẹ là…. Một cuộc sống phục vụ của một ơn gọi có tầm vóc quan trọng nhất đối với cá nhân con người, đối với gia đình cũng như đối với toàn thể xã hội… Những chính sách đích thực về gia đình cần phải lưu ý tới điều ấy”.
“Trong việc Quốc Gia bảo vệ gia đình, các lợi lộc thực sự của Quốc Gia này cũng trùng hợp với những lợi lộc của gia đình và con cái. Chính ở trong gia đình mà trước hết vốn liếng của con người mới được làm nên ở tất cả mọi lãnh vực, tức là, cái nguồn mạch tuyệt vời bao gồm một con người được dưỡng dục theo cảm thức trách nhiệm và làm việc đàng hoàng. Đó là những gì Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói đến trong Thông Điệp ‘Bách Niên’: ‘Cơ cấu đầu tiên và căn bản đối với ‘môi sinh con người’ là gia đình, nơi con người lãnh nhận những ý tưởng giáo dục tiên khởi về sự thật và sự thiện’”.
Đau Khổ Vì Yêu theo Cảm Nghiệm Chiêm Niệm của Linh Mục Chu Công
Người yêu trong Diễm Tình Ca xin cho được bảo dưỡng bằng những trái nho và được hồi phục bằng những trái táo, vì nàng bị bệnh hay bị tình yêu đả thương cũng thế (Sgs 2:5). Chứng bệnh này là do bởi niềm thiết tha mong đợi của một kẻ lìa xa Tình Nhân của mình. Chứng bệnh này cũng có thể xẩy ra như thế nơi một linh hồn bình thường bị cách xa Chúa Kitô. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô nói: “Đối với tôi sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi” (Phil.1:21).
Ngôn ngữ yêu thương tuyệt đối hơn hẳn những lời nói và câu văn bình thường. Tình yêu diễn đạt mình không phải ở những gì nó nói cho bằng ở những gì nó là và nó làm. Trong Diễm Tình Ca, các người yêu nhau nói về mối tình của mình bằng một ngôn ngữ tuyệt vời, và về vinh quang của họ bằng mối thân tình hiệp nhất của họ. Bởi thế mới có chuyện cô nương cuống quít lên khi cô phải lìa xa tình nhân của mình.
Việc hiện diện tư riêng thân mật này, cũng thế, là trọng tâm của quan điểm Kitô giáo về tình yêu. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa thông đạt tình yêu của Ngài cho Yến Duyên qua các vị tiên tri, còn trong Tân Ước thì Lời Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta. Việc Chúa Giêsu hiện diện làm cho tâm can tôi đầy những hân hoan, thế nhưng có lúc Người ra như vắng bóng làm cho lòng tôi quặn thắt. Đó là lề luật yêu thương: vui mừng và sầu khổ sánh vai nhau, chúng như hai mặt của cùng một đồng tiền cắc. Thư gửi cho Kitô hữu Do Thái viết:
“Chúng ta hãy gắn mắt vào Chúa Giêsu, Đấng dẫn dắt chúng ta trong đức tin và làm cho đức tin của chúng ta nên hoàn hảo: vì niềm vui trước mặt, Người đã chịu đựng khổ giá, dù có phải chịu nhục nhã, và đã chiếm được chỗ của mình bên hữu ngai tòa Thiên Chúa” (Heb.12:2).
Người ta thường nói, nếu Diễm Tình Ca có một tuyệt đỉnh thì chính là ở câu hay được trích dẫn sau đây: “Tình yêu mạnh như sự chết. Nhiều giòng nước cũng không thể dập tắt được tình yêu, lụt lội cũng không thể nhận chìm được nó” (Songs 8:6-7). Bài tán tụng yêu thương của Diễm Tình Ca đó là: chiến thắng, bất khả chế ngự, bất khả cưỡng. Vấn đề không phải ở chỗ tình yêu là một cái gì đó tuyệt mỹ và khôn tả, mà là một lực lượng mãnh liệt, mạnh mẽ và bất khả cưỡng như chính sự chết, một ngọn lửa thiêu bất chấp mọi nỗ lực muốn dập tắt nó. Cái chiến thắng của tình yêu khống chế bất cứ cái gì đe dọa nó – khổ đau, cả về tinh thần lẫn thể lý, bệnh tật, và mộ bia. Tình yêu ấy không phải như lời ca ướt át của các nhạc sĩ ăn khách vốn cho rằng tình yêu là một điều ngọt ngào nhất trên thế gian này. Tình yêu của cô nương và chàng trai trong Diễm Tình Ca là một điều khó thắng nổi song đã vinh thắng và thắng được tất cả những gì ngăn chặn và cản trở nó. Thánh Phaolô viết:
“Tình yêu bỏ qua tất cả mọi sự, tin tưởng tất cả mọi sự,
Hy vọng tất cả mọi sự, chịu đựng tất cả mọi sự.
Tình yêu không bao giờ cùng…
Có ba điều còn lại là đức tin, đức cậy và đức mến;
Song trọng nhất trong ba nhân đức này là đức mến” (1Cor.13:7-8,13).
Dẫn giải về đoạn Diễm Tình Ca 2 câu 5 “lòng tôi đau đớn vì yêu”, Origen đã suy đến Lời như mũi tên hay mũi nhọn của Chúa Cha yêu thương đập vào đả thương linh hồn. Oâng viết:
“Nếu có ai, ở một nơi nào đó và vào một lúc nào đó, tự nhiên bừng lên mối tình yêu trung thành này của Lời Thiên Chúa; nếu ai đấy có lúc bị một vết thương ngọt ngào bởi Đấng là mũi tên được bắn ra như lời tiên tri; nếu có ai bị tình yêu đâm thâu, nhờ đó họ khát mong và trông chờ Người ngày đêm, không thể nói gì khác ngoài Người, không nghe gì khác ngoài Người, không nghĩ tưởng gì khác nữa, và ước ao hay mong đợi hoặc hy vọng nào ngoài một mình Người; nếu thực sự xẩy ra như vậy thì linh hồn có thể nói thật rằng: ‘Tôi đã bị đức ái đả thương mất rồi’”.
(Origen, Commentary on the Song of Songs; transl. R.P. Lawson; Westminster, Md. The Newsman Press, 1957, p. 37)
Chính tình yêu là những gì nhà chiêm niệm Kitô giáo cố chiếm lấy. Một tình yêu như vậy, bằng chính việc tự tình chấp nhận chịu đựng tất cả mọi sự, kể cả khát vọng của nó, tức là bình yên không còn khát vọng và trở nên một biểu hiện cho “chính tầm vóc viên trọn của Thiên Chúa”.
(Trích Con Đường Chiêm Niệm, chương 6)