GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 12/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.  

 

__________________

 NGÀY 6 THỨ HAI

       

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật II Mùa Vọng 2004 về Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội


1.     Chúng ta đang sửa soạn cử hành một cách hết sức vui mừng lễ trọng kính Đặc Ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria, một lễ có một tầm quan trọng đặc biệt trong năm nay. Thật vậy, vì năm nay là năm thứ 150 tưởng niệm việc công bố tín điều Thánh Mẫu quan trọng này.


2.     Chúng ta sẽ mừng kỷ niệm này vào ngày 8/12 bằng một cử hành Thánh Thể long trọng ở đền thờ Vatican, nơi mà vào năm 1854, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Giáo Hoàng Chân Phước Piô IX, hợp cùng toàn thể các giám mục trên tyế giới, công bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội này. Nhờ đó, chúng ta mới tôn vinh Vị “Toàn Mỹ - Tota Pulchra”, Vị được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Con Duy Nhất của Ngài.


3.     Sau đó, như mọi năm, Tôi sẽ theo truyền thống đến Tháp Piazza di Spagna để bày tỏ lòng tôn kính Mẹ Vô Nhiễm.


Tôi kêu gọi tất cả anh chị em, hỡi anh chị em ở Rôma và anh chị em hành hương, hãy hợp với Tôi thực hiện cử chỉ kính tôn của con cái đối với Người Mẹ thiên đình của chúng ta đây.

Trong năm nay, cũng nhân năm kỷ niệm tín điều thánh mẫu này, ĐTC GPII đã hành hương Lộ Đức, nơi Mẹ hiện ra xác nhận tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 25/3/1858.


Cũng nhân dịp mừng kỷ niệm 150 năm tín điều thánh mẫu rất quan trọng này, Đại Hội Thánh Mẫu Quốc tế lần thứ 21 đã diễn ra tại Đại Học Tòa Thánh Lateran ở Vatican về đề tài “Đức Maria Nazarét Đón Nhận Con Thiên Chúa trong Lịch Sử”. ĐHY Paul Poupard, chủ tịch hội đồng tòa thánh về văn hóa chủ sự cuộc đại hội này thay mặt Đức Thánh Cha. Đại hội sẽ kéo dài tới hết chính ngày lễ, Thứ Tư 8/12/2004. Vào ngày Thứ Ba áp lễ sẽ có một cuộc hòa nhạc tại Sảnh Đường Phaolô VI để mừng tín điều thánh mẫu vô nhiễm nguyên tội này.

 

 

VĂN PHÒNG PHỐI KẾT TÔNG ĐỒ MỤC VỤ VIỆT NAM HẢI NGOẠI

Coordinating Office of the Apostolate for the Vietnamese in the Diaspora

Office Coordinateur de l’Apostolat pour les Vietnamiens de la Diaspora

Via Urbano VIII, 16  -  00120  CITTÀ DEL VATICANO

Tel. 06.698.82484 – Fax 06.698.82864 – E-mail: vanphong@phoiket.net

  
SẮC LỆNH TÒA ÂN GIẢI TỐI CAO

BAN ƠN TOÀN XÁ
CHO CỘNG ĐỒNG CÔNG GIÁO VIỆT NAM HẢI NGOẠI

 DỊP ĐẠI LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2004

Prot. N. 45/04/CD

Để tôn vinh Mẹ Maria và  nuôi dưỡng lòng sùng kính Mẹ nơi các Giáo Hữu  và để khích lệ Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại dấn thân SỐNG VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG, Tòa Ân Giải Tối Cao của Toà Thánh, chiếu theo đơn xin của Văn Phòng Phối Kết, qua Sắc Lệnh số 429/04/I ngày 01 tháng 12 năm 2004 đã nhân danh Đức Thánh Cha ban Ơn Toàn Xá cho các Giáo Hữu Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại nhân dịp Đại Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, kỷ niệm 150 năm ngày Đức Thánh Pio IX công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Sắc lệnh   như sau:

 TÒA  ÂN GIẢI TỐI CAO, do năng quyền Đức Thánh Cha ủy thác, vui lòng đón nhận đơn xin của Linh mục Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Đốc Văn Phòng Phối Kết, qua sắc lệnh này, ban Ơn Toàn Xá, với các điều kiện thường lệ (Xưng tội, Rước Lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha),  cho tất cả các Giáo Hữu Việt Nam tại hải ngoại, nếu trong ngày 07 tháng 12 năm 2004 (Lễ Vọng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội) hoặc ngày 08 tháng 12 năm 2004, (Đại Lễ Đức Mẹ và kỷ niệm 150 năm Tín Điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội), với lòng quyết tâm từ bỏ tội lỗi, tham dự các Lễ Nghi phụng vụ hoặc Nghi thức tôn sùng Đức Mẹ tại các Thánh Đường hoặc Nhà Nguyện của các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hải Ngoại, kết thúc bằng kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính và kinh Kính Mừng.

 Các Vị Cao Niên, các giáo hữu đau yếu, các Tu sĩ Dòng Kín hay các giáo hữu vì những lý do chính đáng nào khác mà không thể đến kính viếng hoặc tham dự các Lễ Nghi tại Thánh Đường hoặc Nhà Nguyện, cũng có thể được hưởng nhờ Ơn Toàn Xá nếu trong hai ngày nói trên, hiệp lòng với các giáo hữu tham dự các Lễ Nghi tại các Thánh Đường, trước Thánh Tượng hoặc Ảnh Đức Mẹ, với lòng tôn kính, đọc kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính và một kinh kính Đức Mẹ; hoặc ít nữa với lòng ăn năn thống hối,  khiêm nhượng và tin tưởng cầu khẩn cùng Chúa nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria.

 

Những điều ban theo Sắc lệnh chỉ áp dụng cho dịp này và có hiệu lực cho dù có những điều nói ngược lại.

 

Làm tại Roma, Toà Ân Giải Tối Cao, ngày 01 tháng 12 năm 2004.

 

Ký tên và đóng dấu

Gianfranco Girotti, ofm Conv.,  Tổng Thư Ký

Ioannes Maria Gervais, Phụ tá

 Ứơc mong Ơn Toàn Xá  Toà Ân Giải Tối Cao rộng ban sẽ giúp tất cả Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại chúng ta nuôi dưỡng lòng sùng kính Mẹ Maria luôn sống động trong tâm hồn, trong các gia đình và cộng đoàn và nhờ đó,  thăng tiến trong tinh thần hiệp nhất và lòng thương yêu để cùng nhau dấn thân SỐNG VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG trong môi trường sống và môi trường làm việc.

Roma, ngày 04 tháng 12 năm 2004

Lm Giuse Đinh Đức Đạo

Giám Đốc Văn Phòng Phối Kết

 Chú thích:

-         Thánh đường của các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại: không chỉ áp dụng cho các Thánh đường thuộc quyền sở hữu của Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam, mà áp dụng cho cả các Thánh đường nơi các giáo hữu Việt Nam thường xuyên tham dự Thánh lễ hoặc sinh hoạt.

-         Nhà nguyện: áp dụng cho các Nhà nguyện của các Dòng Tu, các Giáo Xứ và các Trung Tâm Mục Vụ.

 

Thánh Mẫu Học trong một bối cảnh lịch sử tân tiến


Sau đây là cuộc phỏng vấn của Zenit với linh mục Paul Haffner, một giáo sư thần học ở Giáo Hoàng Học Viện Regina Apostolorum, người quê ở Luân Đôn, với tác phẩm “Mầu Nhiệm Đức Maria” vừa được xuất bản bởi Gracewing ở Hiệp Vương Quốc cũng như bởi Hillenrand Books ở Hiệp Chủng Quốc.


Vấn:     Tại sao cha lại cảm thấy cần phải viết một cuốn sách về tín lý Vô Nhiễm Nguyên Tội?


Đáp:     Cuốn sách này không phải thuần túy về tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cuốn sách này được xuất bản để mừng kỷ niệm 150 năm Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.


Trong cuốn sách này, tôi đã cố gắng cống hiến tổng quan một cách rõ ràng có kết cấu về thần học và tín lý liên quan đến Đức Maria trong một bối cảnh lịch sử. Niềm xác tín của tác giả đó là nền tảng cho việc tôn sùng tốt đẹp giành cho Mẹ Thiên Chúa này được bắt đầu từ tín lý lành mạnh theo Thánh Kinh và Thánh Truyền, cũng như được nuôi dưỡng bằng thứ thần học tốt đẹp.


Vấn:     Tại sao Đức Piô IX quyết định công bố tín điều này?


Đáp:     Vào năm 1849, Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX đã tham vấn với các vị giám mục về đức tin của Giáo Hội liên quan tới tín lý Vô Nhiễm Nguyên Tội, cũng như về việc tuyên bố tín điều có là việc thuận hợp hay chăng.


Cả hai vấn đề đã được hồi đáp là có, bởi thế, vào ngày 8/12/1854, Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng tuyên bố tín tín về Đặc Ân Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đức Giáo Hoàng này đã công bố một tín lý đã từng được Giáo Hội tin tưởng qua hình thức này hay hình thức khác ngay từ thời xa xưa nhất.


Vấn:     Cha đã khai triển đề tài cuốn sách của cha ra sao, và đâu là những khía cạnh nổi bật nhất cha muốn nhấn mạnh cho độc giả thấy?


Đáp:     Cuốn sách này diễn tiến theo thứ tự về chủ đề. Ở chương thứ nhất, tôi trình bày một bố cục căn bản về những gì cấu tạo nên khoa thánh mẫu học, không phải là một cấu trúc thánh mẫu học biệt lập mà là một cấu trúc liên hệ với những hình thức khác của việc nghiên cứu thần học.


Chương thứ hai trưng dẫn những hình ảnh tiền thân và tiên tri nơi Cựu Ước về Đức Maria, để rồi Chương 3 cho thấy tất cả đã được nên trọn và chứng thực nơi Tân Ước.
Các chương sau đó khảo sát về mỗi một tín lý nền tảng được Giáo Hội dạy về Đức Mẹ.


Chương 4 dẫn giải tín lý Vô Nhiễm Nguyên Tội cũng như các sự thật khác liên quan đến Đức Mẹ được đầy ơn phúc.


Chương 5 về Mẹ Thiên Chúa, tín điều chính yếu của khoa Thánh Mẫu Học. Những khía cạnh về Đức Đồng Trinh trọn đời của Mẹ Maria được dẫn giải ở chương thứ 6.


Chương 7 bàn đến vai trò làm môn đệ của Đức Maria theo quan điểm thần học tương đối mới, một vai trò làm nền tảng cho việc bàn luận về việc Mẹ tham dự một cách đặc biệt và chủ động vào Việc Cứu Chuộc.


Chương 8 nói đến việc kết thúc đời sống trần gian của Mẹ Maria và việc mông triệu hiển vinh của Mẹ với cả xác lẫn hồn về trời.


Chương 9 và chương cuối cùng dẫn giải về vai trò Làm Mẹ liên tục của Mẹ trong Giáo Hội với tư cách là Trung Gian Ân Sủng. Trong năm Thánh Thể này, cũng đặc biệt chú trọng tới mối liên hệ giữa Mẹ và Chúa Giêsu Thánh Thể.


Vấn:     Thế giới tân tiến khó lòng mà hiểu được ý nghĩa của tín điều này, thậm chí còn rắn rối hơn nữa đối với Mẹ Maria Đồng Trinh. Làm sao cha có thể cắt nghĩa vấn đề này cho giới trẻ hôm nay đây?


Đáp:     Cái khó khăn là do thế giới tân tiến, và sự thật đó là cái khó khăn ấy thừa hưởng nhiều thứ triết lý sai lầm và không trọn vẹn.


Thật vậy, mầu nhiệm Mẹ Maria chứng tỏ và cho thấy chẳng những Mầu Nhiệm Chúa Kitô mà còn những khát vọng sâu xa nhất của việc con người hiện hữu. Chẳng hạn sự kiện Vô Nhiễm Nguyên Tội và đời sống vô tội của Mẹ cho chúng ta thấy rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa thực sự có một tác dụng, vì Ngài đã bảo trì Mẹ khỏi tội lỗi. Bởi thế Mẹ là tia sáng soi tỏa ra trong một thế giới tối tăm.


Cũng thế, việc tuyên tín Mẹ Maria mông triệu đã xẩy ra vào năm 1950, một việc tuyên tín có một tầm vóc lịch sử quan trọng. Nó xẩy ra vào giữa một thế kỷ khi mà tính cách linh thánh của thân xác con người, về lý thuyết cũng như trên thực hành, đã bị chối bỏ ở nhiều cấp độ.


Vào đầu bán thế kỷ 20, về chính trị, tính cách linh thánh của thân xác đã bị loại trừ nơi hai thể chế độc tài Mác-Xít và Na-Zi, những thể chế đã chối bỏ tính cách linh thánh của thân xác về phương diện lý thuyết, cũng như nơi cuộc thảm sát bao nhiêu triệu nhân sinh nơi các trại cải tạo và tập trung.


Vào hậu bán thế kỷ 20, cuộc tấn công tính cách linh thánh của thân thể con người được diễn tiến còn hơn thế nữa, qua việc thảm sát vô vàn triệu con người ở chỗ phá thai và triệt sinh an tử, cũng như ở những cuộc thí nghiệm phạm thánh đối với các phôi bào, tức là việc kỹ thuật hóa giống tính và các nỗ lực tạo sinh sao bản con người.


Tất cả những điều này được cân bằng lại bởi việc Giáo Hội kha3ăg định rằng Đức Mẹ được mông triệu cả “thân xác” lẫn linh hồn về trời vinh hiển. Giáo Hội, tin tưởng vào việc phục sinh của thân xác, tin rằng thân xác này được tạo dựng nên theo hình ảnh và tương tự Thiên Chúa, và được kêu gọi đến cùng đích siêu nhiên trong Chúa Kitô.


Vấn:     Giữa Mẹ maria và việc đối thoại đại kết liên hệ với nhau ra sao?


Đáp:     Tôi thường nói đến những vấn đề đại kết liên quan đến Mẹ Maria trong tác phẩm này.


Trong khi những người Công Giáo và Chính Thống Giáo đồng ý với nhau rất nhiều về Thánh Mẫu Học thì thế giới Cải Cách càng ngày càng tỏ ra cảm nhận hơn về Mẹ Maria.


Thật vậy, một thần học gia Cải Cách, người tôi đã đề cập đến ở chương 7 là John Macquarrie, đã viết: “Chính Đức Maria đã xuất hiện để làm tiêu biểu cho việc hòa hợp trọn hảo giữa ý muốn thần linh và việc đáp ứng của con người, nhờ đó, chính bà là vị cống hiến cái ý nghĩa cho lời diễn tả Đồng Công Cứu Chuộc” (1 J. Macquarrie, "Mary for All Christians," [London: Collins, 1990], p. 113).


Mẹ Maria cũng là Trung Gian Ân Sủng cho các thiên thần nữa, như thần học Đông Phương thường nói tới. Mẹ Maria, vì được ở gần Thiên Chúa nhất, là con người duy nhất xứng đáng lãnh nhận tất cả mọi ân sủng của Thánh Linh.


Thánh Gregory Palamas đã chỉ cho thấy tầm quan trọng của Theotokos - Mẹ Thiên Chúa sau khi Mẹ lìa đời này như sau: “Bởi mức độ Mẹ được gần gũi Thiên Chúa hơn tất cả những ai đã tới gần Ngài mà Người Mẹ Thiên Chúa này được cho rằng xứng đáng hội kiến Ngài hơn. Tôi không nói hơn về phía con người mà thôi mà còn cả chính phẩm trật của thần trời nữa” (St. Gregory Palamas, "A Homily on the Dormition of Our Supremely Pure Lady Theotokos and Ever-Virgin Mary," [Homily 37]).

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 5/12/2004
 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ