GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 1/2004
Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi con người nam nữ biết nhìn nhận mình là phần tử của một gia đình Thiên Chúa duy nhất để họ có thể chấm dứt các thứ chiến tranh, bất công và kỳ thị”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho hết mọi Giáo Hội thuộc các xứ truyền giáo biết dấn thân huấn luyện cán bộ hoạt động tông đồ”.
___________________________________________
04-10/01/2004
9/1 Thứ Bảy
ĐTC GPII với vị tân lãnh sự Ý về căn tính Kitô giáo của Âu Châu
Thứ Sáu 8/1/2004, ĐTC GPII đã tiếp nhận vị tân lãnh sự Ý Giuseppe Balboni Acqua, Ngài đã nhắc lại mối liên hệ giữa Nước Ý và Tòa Thánh Vatican, rồi khuyên giục nước này hãy trung thành với căn tính Kitô giáo của mình, chẳng những nơi lãnh vực chính trị liên quan tới bản hiến pháp chung Âu Châu mà còn nơi lãnh vực hôn nhân gia đình nữa.
“Mối liên hệ cả hai ngàn năm đã gắn bó Tòa Thánh Phêrô với dân cư của hải đảo này này, một dân cư có một gia sản phong phú có những giá trị Kitô giáo làm nên một nguồn hứng khởi và căn tính vững mạnh. Hòa Ước Ngày 18/2/1984 xác định là Nước Cộng Hòa Ý Đại Lợi ‘nhìn nhận giá trị của văn hóa tôn giáo’, khi nhắc nhớ là ‘những nguyên tắc của Công Giáo làm nên gia sản lịch sử của nhân dân Ý’
“Bởi thế, Nước Ý đóng một vai trò hoạt động đặc biệt để Âu Châu, qua các thẩm quyền hữu trách, biết nhìn nhận các gốc tích Kitô giáo của mình, là những gì chắc chắn bảo đảm cho những người công dân của Đại Lục này một căn tính không hời hợt mau qua hay chỉ chiều theo những lợi lộc về chính trị và kinh tế, mà là trên những giá trị sâu xa và trường tồn. Những nền tảng cùng với những lý tưởng về đạo lý làm căn bản cho những nỗ lực của mối hiệp nhất Âu Châu ngày nay cần thiết hơn bao giờ hết, nếu người ta muốn cống hiến cho văn bản tổ chức của Khối Hiệp Nhất Âu Châu một cái gì gọi là vững chắc.
“Tôi muốn xin chính quyền cùng với tất cả mọi vị đại diện về lãnh vực chính trị Ý quốc hãy theo đuổi những nỗ lực đã được thực hiện cho tới nay về lãnh vực này. Chớ gì Ý quốc tiếp tục nhắc nhở cho các quốc gia chị em của mình về thứ gia sản tôn giáo, văn hóa và dân sư đặc biệt là những gì đã làm cho Âu Châu trở thành cao cả qua các thế kỷ.
ĐTC cũng nhắc lại là năm 2004 có hai cuộc mừng kỷ niệm về mối liên hệ giữa Ý quốc với Tòa Thánh Vatican, đó là 75 năm Hòa Ước Latêranô ngày 11/2/1929 là hòa ước công nhận chủ quyền của Quốc Đô Vatican, và 20 năm điều chỉnh hòa ước này (1984). Ngài nói rằng bất cứ những gì thiếu hụt hay chưa được thực hiện, “Giáo Hội vẫn không xin được hưởng những ân huệ, hay Giáo Hội có ý định đi quá mức thiêng liêng hợp với sứ vụ của mình. Những hiểu biết phát xuất từ cuộc trân trọng đối thoại trao đổi (giữa Ý quốc và Tòa Thánh) không có một mục đích nào khác ngoài mục đích để cho Giáo Hội hoàn toàn được tự do thực hiện phận vụ hoàn vũ của mình cũng như được thuận lợi phục vụ lợi ích thiêng liêng của nhân dân Ý quốc”.
ĐTC đã kết thúc bài diễn từ của mình bằng việc nhắc nhở Ý quốc vấn đề liên quan đến cơ cầu và đời sống hôn nhân gia đình như sau: “Vai trò chính yếu của gia đình, một vai trò ngày nay thực sự bị tấn công bởi một cảm quan được hiểu một cách sai lầm về quyền hạn. Hiến pháp Ý quốc kêu gọi và chú trọng tới tâm điểm của cơ cấu ‘xã hội tự nhiên được xây dựng trên hôn nhân’ này. Bởi thế, nhiệm vụ của các chính quyền là phát động các thứ luật lệ theo chiều hướng sinh tồn này của cơ cấu ấy. Quốc gia này cần phải chăm sóc cho cơ cấu gia đình mà không dập tắt đi quyền tự do chọn lựa giáo dục của cha mẹ, cũng như cần phải bảo trì những quyền lợi bất khả nhượng của họ cùng những nỗ lực của họ trong việc củng cố tế bào gia đình”.
“Đức Tin và Văn Hóa: Tuyển Tập Các Bản Văn về Giáo Huấn của Các Vị Giáo Hoàng từ Đức Lêô XIII tới Đức Gioan Phaolô II”Trong buổi họp với các phần tử của Hội Đồng Văn Hóa được tổ chức để trình bày cuốn sách “Đức Tin và Văn Hóa: Tuyển Tập Các Bản Văn về Giáo Huấn của Các Vị Giáo Hoàng từ Đức Lêô XIII tới Đức Gioan Phaolô II”, một tác phẩm dầy 1500 trang, bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau, như nghệ thuật, kỹ thuật, ý hệ, gia đình, thể thao, đại học, văn hóa, toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa, ĐTC GPII nhận định tác phẩm này “là một chứng từ nữa cho thấy rằng trong giòng thời gian của các thế kỷ, giáo huấn của giáo hoàng luôn luôn xây đắp một thứ quan điểm tích cực về các mối liên hệ giữa Giáo Hội và thành phần đóng vai chính thuộc thế giới văn hóa. Thật vậy, lãnh vực văn hóa tạo nên một Công Đường quan trọng đối với hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. Theo chân của các vị tiền nhiệm của mình, Tôi đã cố gắng bảo trì một cuộc đối thoại trao đổi liên tục với các lãnh vực của văn hóa, cho con người thuộc thiên kỷ thứ ba thấy được sứ điệp cứu độ của Chúa Kitô”.
Sau buổi họp này, vị chủ tịch của Hội Đồng Văn Hóa của Tòa Thánh là ĐHY Paul Poupard cho Đài Phát Thanh Vatican biết là đức tin không tạo nên văn hóa không phải là đức tin chân chính: “Đức tin là việc con người đáp ứng dự án của Thiên Chúa, và khi con người chấp nhận Tin Mừng yêu thương này của Thiên Chúa thì nó biến đổi cả cuộc đời, cuộc đời cá nhân, cuộc sống gia đình, tức là toàn thể văn hóa vậy”.
Hội Truyền Giáo Của Tuổi Thơ Thánh Đức: Hoạt Động và Thành Quả
Hội Truyền Giáo Của Tuổi Thơ Thánh Đức trực thuộc Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc này, được ĐGM Charles de Forbin Janson of Nancy thành lập ở Paris vào tháng 5/1843, tức 150 năm về trước, vẫn còn đang phát triển để giúp đỡ cho hàng triệu trẻ em đương thời của họ trên thế giới.
Linh mục tổng thư ký của Hội này là cha Patrick Byme đã nói với Đài Phát Thanh Vatican trong tuần đầu năm 2004 này là vị giám mục sáng lập tổ chức đây là vì “cảm thấy động lòng trước những khổ đau của một số trẻ em Trung Hoa, thành phần bị bỏ rơi, không được rửa tội và chẳng có gì hết”, tổ chức này gồm có “các trẻ em người Pháp cầu nguyện cho các trẻ em Trung Hoa và dấn thân giúp đỡ họ về tài chính. Ngày nay chúng ta thấy được sự hiện diện rộng lớn của Hội Truyền Giáo Tuổi Thơ Thánh Đức này ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, và chúng tôi đang điều hành một ngân quĩ dồi dào cho những dự án tương tự như dự án đầu tiên. Tuy nhiên, về lâu về dài bao giờ cũng là việc dấn thân để truyền bá phúc âm hóa thành phần trẻ em chưa biết đến Chúa Kitô”.
Theo dữ kiện được tổ chức này cho biết thì trong 800 triệu tổng số trẻ em trên thế giới, có 250 triệu được coi như là “thành phần nô lệ” và mỗi năm có khoảng 12 triệu em bị chết vì bệnh nạn và vị tình trạng dinh dưỡng tồi tệ. Mỗi ngày có khoảng 18 ngàn em bị chết vì đói. 14 triệu em bị mồ côi bởi hội chứng liệt kháng AIDS. Ít là có 300 ngàn em tòng quân làm lính và có khoảng 20 triệu em bị that lạc bởi những cuộc xung đột chiến tranh.
Đó là lý do, mục đích của Ngày Thế Giới Truyền Giáo Tuổi Thơ, được tổ chức vào ngày 6/1/2004, Lễ Hiển Linh vừa rồi, là để thức tỉnh nơi trẻ em lương tri của việc truyền giáo toàn cầu, cũng như mối hiệp thông về vật chất và tinh thần với các trẻ em khác, nhất là với những em ở các miền đất và các Giáo Hội nghèo khổ.
Tổ chức này hoạt động ở 115 quốc gia, trong năm 2002 đã phân phối 13 triệu Mỹ kim để tài trợ cho 2.667 dự án trên thế giới, nhất là ở Phi Châu và Á Châu. Cha Byrne cho biết “Chẳng hạn ở Đức, vào dịp ngày Chư Vương, có một cuộc vận động gây quĩ lớn cho trẻ em trên thế giới. Có cả nửa triệu em di chuyển ở tất cả mọi giáo xứ. Các em đi từ nhà này đến nhà khác hát các bài thánh ca để xin giúp đỡ về tài chính và tinh thần cho các em cần thiết”.
“Này là Con Ta yêu dấu”
Trò Chơi Phúc Âm Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa A, B và CPhúc Âm
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gioan có phải là Đấng Kitô không?” Gioan lên tiếng baảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”. Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Hướng Dẫn:
Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy những điều sau đây.
Thứ nhất, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Thần Linh qua hình ảnh chim câu, Ngôi Con qua hình ảnh một con người, và Thiên Chúa qua tiếng nói phát ra từ trời.Thứ hai, Thiên Chúa Ba Ngôi lần đầu tiên tỏ mình ra (được biểu hiệu qua hình ảnh “mở ra” của “các tầng trời”) chỉ sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa (ở chỗ khi “Chúa Giêsu lên khỏi nước”).
Thứ ba, con người Giêsu muốn Gioan làm phép rửa cho mình để Người có thể tỏ mình ra Người là Con Thiên Chúa; và Thiên Chúa đã chứng nhận con người Giêsu này thực sự là Con Thiên Chúa qua Thần Linh của Ngài “ngự xuống… đậu trên Người”.
Thứ bốn, trong số những người Do Thái bấy giờ đến xin Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho có Chúa Giêsu, nhưng mọi người không biết Người cho đến khi Gioan nhận ra Người, nhất là cho đến khi Người được Thiên Chúa chứng nhận.
Vậy, giờ đây chúng ta hãy cùng nhau sinh hoạt Lời Chúa bằng trò chơi “Này là Con Ta yêu dấu”.
Sinh Hoạt:
1. Để có thể biết ai là “Con Ta yêu dấu”, xin tất cả bịt mắt (trừ người đầu hàng) và xếp hàng ngang trước trưởng đóng vai Gioan Tẩy Giả, đầu cúi xuống (cử chỉ tỏ lòng ăn năn thống hối), hai tay để lên vai của nhau (cử chỉ chứng tỏ dân Do Thái kéo nhau đến với Gioan Tẩy Giả vì tưởng thánh nhân là Đức Kitô), rồi cả đoàn từ từ tiến lên ngang qua mặt vai Gioan Tẩy Giả để lãnh nhận phép rửa của thánh nhân.
2. Vai Gioan Tẩy Giả đứng ở trong một vòng tròn rộng (biểu hiệu cho con sông Jordan), và làm phép rửa cho dân chúng sắp hàng kéo đến với mình, bằng cách đổ nước hay đặt tay lên đầu từng người, trong khi đó, một trưởng từ từ đọc bài Phúc Âm hôm nay trên đây một cách đều đặn.
3. Nếu ai lãnh nhận phép rửa xong, vừa bước chân ra khỏi vòng tròn mà nghe thấy đọc đến chỗ “Này là Con Ta yếu dấu” thì người đó là Chúa Giêsu, dù người đó là một đoàn sinh nữ, vì đây chỉ là một trò chơi, hơn nữa, mọi người đều là hiện thân của Người và đều là con cái của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu.
4. Trò chơi có thể được tiếp tục cho đến khi vai Chúa Giêsu rơi trúng một đoàn sinh nam. Trò chơi này nên chơi theo từng ngành.
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, biên soạn gợi ý
9/1 Thứ Sáu
ĐTC GPII Được Bằng Hàn Lâm Danh Dự Vàng của Đại Học Balan
Vào ngày Thứ Năm 8/1/2004, ĐTC đã tiếp các vị đại diện của cộng đồng hàn lâm Wroclaw và Opole Balan, với sự hiện diện của cả ĐHY Henryk Roman Gulbinowicz, TGM Weoclaw. Trong cuộc gặp gỡ này, họ đã trao tặng cho Ngài Bằng Hàn Lâm Danh Dự Vàng nhân dịp kỷ niệm 50 năm biến cố Ngài biện hộ cho luận án của mình trước khi có thể xứng đáng trở thành một giáo sư thuộc phân khoa thần học ở Đại Học Jagiellonia.
ĐTC đã cám ơn họ về vinh dự này và nhắc lại rằng Ngài là vị giáo sư cuối cùng tham gia Phân Khoa Thần Học trước khi thẩm quyền cộng sản đóng cửa phân khoa này không cho dạy nữa. Ngài nói: “Đó là một hành động nhắm đến việc phân rẽ các cơ cấu, cũng như đến việc làm cho lý trí và đức tin chống lại nhau. Tôi không có ý nói về sự phân biệt phát xuất từ cuối thời trung cổ liên quan đến tính cách độc lập của các khoa học, mà là nói đến sự phân ly một cách áp buộc bằng bạo lực đối với gia sản linh thiêng của quốc gia chúng ta”.
ĐTC tiếp tục chia sẻ chủ trương của Ngài như sau: “Tuy nhiên, Tôi không bao giờ thôi xác tín rằng những nỗ lực đó sẽ không đạt được mục đích của chúng. Niềm xác tín này phát triển mạnh mẽ trong Tôi nhờ việc giao tiếp riêng tư với những con người của khoa học, với các vị giáo sư thuộc các lãnh vực khác nhau là những người cho thấy hết sức muốn có một cuộc đối thoại trao đổi cũng như có một cuộc cùng tìm kiếm chân lý”. Tới đây ĐTC trích lại những gì Ngài đã viết trong Thông Điệp “Đức Tin và Lý Trí” của Ngài: “Đức Tin và lý trí giống như đôi cánh giúp cho tâm linh con người bay lên chiêm ngưỡng chân lý”.
Ngài đã kết luận như sau: “Việc quí vị hiện diện nơi đây khiến cho Tôi hy vọng rằng cuộc đối thoại trao đổi sống động này sẽ kéo dài và không có một ý hệ nào hiện nay có thể làm ngăn trở nó. Bằng niềm hy vọng ấy, Tôi hướng mắt tới tất cả mọi viện đại học, mọi học viện và mọi trường trung học”.
“Phẩm giá và quyền lợi của thành phần khuyết tật tâm thần”Thứ Năm 8/1/2004, văn phòng báo chí của Tòa Thánh phổ biến sứ điệp của ĐTC GPII gửi tham dự viên cuộc hội luận quốc tế về chủ đề “Phẩm giá và quyền lợi của thành phần khuyết tật tâm thần”, do Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin tổ chức ở Vatican trong 3 ngày 7-9/1/2004, nhân dịp kết thúc Năm Thành Phần Khuyết Tật Ở Âu Châu. Sau đây là những điểm tiêu biểu:
“Thánh phần khuyết tật, cho dù họ có bị giới hạn về tâm thần, hay bị khuyết tật về cảm xúc và trí tuệ, vẫn hoàn toàn là những chủ thể có những quyền lợi linh thánh và bất khả nhượng giống như tất cả mọi người.
“Chỉ khi nào những quyền lợi của các phần tử yếu kém nhất trong xã hội được nhìn nhận xã hội mới có thể nói rằng nó được xây dựng trên nền tạng luật lệ và công bằng.
“Một xã hội chỉ giành chỗ cho những phần tử sinh hoạt hoàn toàn bình thường, thành phần hoàn toàn tự động và độc lập, không phải là một xã hội xứng với con người. Việc kỳ thị căn cứ vào tính cách hiệu năng thì cũng không kém việc kỳ thị căn cứ vào nòi giống, phái tính hay tôn giáo.
“Cần phải cố gắng để cổ võ sự thiện nguyên vẹn của những con người này, không được khước việc giúp đỡ và bảo vệ họ cho dù vì thế có gây thêm gánh nặng về xã hội và kinh tế. Có lẽ thành phần bị chậm trí khôn nay cần được chú trọng, cảm mến, thông cảm và yêu thương hơn các bệnh nhân, ở chỗ, chúng ta không thể để mặc kệ họ, không được trang bị và không thể tự vệ, xoay sở trong cuộc sống gay go.
“Cũng cần phải chú ý tới việc chăm sóc cho thành phần khuyết tật về những khía cạnh cảm tình và tính dục của họ nữa.
“Họ cũng có nhu cầu yêu thương và cần được yêu thương, họ cần được săn đón, gần gũi và thân tình. Tiếc thay, thành phần khuyết tật phải sống những nhu cầu hợp lý và tự nhiên này trong một hoàn cảnh bất thuận lợi, một hoàn cảnh càng trở nên rõ hơn theo giòng thời gian họ sống từ thuở nhỏ đến trưởng thành.
“Họ tìm kiếm những mối liên hệ đích thực làm cho họ được cảm nhận và nhìn nhận như là một con người.
“Thật sự thành phần khuyết tật, qua tính cách hết sức mềm yếu của thân phận con người, là một hiện thân của cái thảm kịch sầu thương trong thế giới của chúng ta đây, một thế giới quá háo hức hưởng lạc và bị thu hút bởi vẻ đẹp hào nhoáng giả tạo, nên những khốn khó của họ thường được coi như là một thứ sự dữ và là một thứ chấn động, những trục trặc của họ được coi như là một gánh nặng cần phải loại trừ hay giải quyết càng sớm càng tốt.
“Thành phần khuyết tật này có thể dạy cho hết mọi người biết những gì là yêu thương và cách trở thành những người phát động một thế giới mới, một thế giới không phải bị thống trị bởi quyền lực, bởi bạo động và bởi những gì là hung tàn nữa, mà là bởi yêu thương, bởi tình đoàn kết, bởi việc chấp nhận nhau, một thế giới mới được biến đổi bởi ánh sáng của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể, Đấng tử giá và phục sinh”.
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh do VIS phổ biến ngày 8/1/2004
Tông Thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
nhân dịp kỷ niệm 40 năm ban hành
Hiến Chế "Sacrosanctum Concilium" về Phụng Vụ Thánh.Bức Tông Thư thứ 43 tương đối ngắn của ĐTC GPII nhân dịp mừng kỷ niệm 40 năm Công Đồng Chung Vaticanô II ban bố Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh này tất cả gồm có 16 đoạn, ngoại trừ đoạn mở (1) và kết (16) ngắn, được chia ra làm 3 phần rõ rệt: phần thứ nhất có 4 đoạn (2-5), phần hai có 5 đoạn (6-10) và phần ba cũng có 5 đoạn (11-15). Phần nhất là để ôn lại bản Hiến Chế Phụng Vụ Thánh; phần hai để xét lại việc áp dụng thực hành văn kiện này trong 40 năm qua, và phần ba để thực hiện những gì cần thiết hầu kiện toàn Hiến Chế Phụng Vụ Thánh theo tinh thần của Công Đồng.
1. “Thần linh và Hiền thê lên tiếng ‘Hãy đến’. Ai nghe thì nói ‘Xin đến’. Ai khát hãy đến, hỡi kẻ ước muốn hãy uống nước sự sống không phải tốn phí” (Rev. 22:17). Những lời này của Sách Khải Huyền âm vang trong tâm trí của Tôi khi Tôi nhớ lại 40 năm trước đây, vào đúng ngày 4/12/1963, vị tiền nhiệm đáng kính của Tôi là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ban hành Hiến Chế “Sacrosanctum Concilium” về Phụng Vụ Thánh. Thật vậy, Phụng Vụ còn là gì nếu không phải là tiếng của Thánh Linh cũng như của Hiền thê là Giáo Hội đồng thanh kêu lên cùng Chúa Giêsu: ‘Hãy đến’? Phụng vụ là gì nếu không phải là nguồn “nước sự sống” tinh tuyền và nguyên thủy được cống hiến cho những ai khao khát lãnh nhận được tặng ân nhưng không của Thiên Chúa (x Jn 4:10)?
Đúng thế, trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh này, Công Đồng Chung Vaticanô II, hoa trái đầu mùa của “đại hồng ân sinh phúc cho Giáo Hội trong thế kỷ 20” (1), Thánh Thần đã nói với Giáo Hội, không ngừng dẫn dắt thành phần môn đệ của Chúa “vào tất cả sự thật” (Jn 16:13). Việc cử hành mừng kỷ niệm 40 năm của biến cố này là một cơ hội tốt để tái nhận thức những đề tài sâu xa của việc canh tân phụng vụ theo ý muốn của các Nghị Phụ Công Đồng, để thẩm định vấn đề tiếp nhận việc canh tân này cũng như để hướng về tương lai.
Trong phần nhất, ĐTC ôn lại Hiến Chế Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Chung Vaticanô II, bằng cách chẳng những nhắc lại một số nhận định then chốt của Công Đồng về Phụng Vụ mà còn nhấn mạnh đến một số điểm quan trọng trong Hiến Chế quan trọng này nói riêng, như vấn đề Thánh Nhạc và Nghệ Thuật Thánh (6-10).
Một thoáng nhìn về Bản Hiến Chế của Công Đồng
2. Qua giòng thời gian, căn cứ vào các hoa trái gặt hái được, người ta rõ hơn bao giờ hết tầm quan trọng của văn kiện “Sacrosanctum Concilium”. Văn kiện này đã trình bày sáng tỏ những nguyên tắc làm nền tảng cho tập truyền phụng vụ của Giáo Hội, cũng như làm khởi sắc cho việc canh tân lành mạnh theo giòng thời gian (2). Các Nghị Phụ của Công Đồng đã đặt Phụng Vụ vào bối cảnh của lịch sử cứu độ, một lịch sử nhắm đến việc cứu độ nhân loại và việc hiển vinh Thiên Chúa. Việc cứu độ này được bắt đầu tấu lên nơi cử chỉ thần linh kỳ diệu ở Cựu Ước và được Chúa Kitô làm hoàn trọn, nhất là bằng mầu nhiệm vượt qua với cuộc khổ nạn phúc đức, tử giá, phục sinh và thăng thiên vinh hiển của Người (3). Tuy nhiên, việc cứu độ này không phải để loan báo mà còn phải sống nữa, chính vì vậy mà “toàn thể đời sống phụng vụ được bắt nguồn từ Hiến Tế và Các Bí Tích” (4). Chính Chúa Kitô đã hiện diện một cách đặc biệt nơi những tác động phụng vụ, liên kết Giáo Hội với chính mình Người. Bởi thế mọi việc cử hành phụng vụ mới là việc làm của Chúa Kitô Tư Tế và của Nhiệm Thể Người, “một việc tôn thờ công khai toàn vẹn” (5), làm cho người tham dự như được tiên hưởng Phụng Vụ của Giêrusalem thiên đình (6). Vì vậy, “Phụng Vụ là tột đỉnh hướng tới của hoạt động Giáo Hội, đồng thời còn là nguồn mạch phát xuất tất cả mọi nhân đức của Giáo Hội” (7).
3. Quan điểm về phụng vụ của Công Đồng không chỉ gói gọn vào phạm vi nội tại của Giáo Hội, mà là hướng về chân trời của toàn thể nhân loại nữa. Đúng thế, trong việc Người chúc tụng Cha, Chúa Kitô liên kết mình với toàn thể cộng đồng con người, và Người làm như thế một cách đặc biệt qua sứ vụ nguyện cầu của một “Giáo Hội không ngừng chúc tụng Chúa và cầu bầu ơn cứu độ cho toàn thế giới, chẳng những bằng việc cử hành Thánh Thể mà còn bằng những đường lối khác nữa, nhất là bằng việc đọc Kinh Thần Vụ” (8).
Theo quan điểm của hiến chế "Sacrosanctum Concilium", đời sống phụng vụ của Giáo Hội có tính cách vươn rộng theo chiều kích vũ trụ và toàn cầu, ghi đậm nét thời gian và không gian của con người. Theo quan điểm này, người ta cũng hiểu được cái chú trọng mới được bản Hiến Chế này cống hiến cho Năm Phụng Vu, đó là cách thức Giáo Hội lập lại mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô và sống lại mầu nhiệm này (9).
Nếu Phụng Vụ là tất cả những điều ấy thì Công Đồng đã có lý để xác nhận rằng hết mọi tác động phụng vụ “là tác động thánh hảo đệ nhất, không có một hành động nào khác của Giáo Hội tương đương với giá trị của tác động phụng vụ này ở cùng một cấp độ” (10). Ngoài ra, Công Đồng còn nhìn nhận rằng “Phụng Vụ thánh không là tất cả mọi hoạt động của Giáo Hội” (11). Thật vậy, một mặt Phụng Vụ bao hàm việc loan báo Phúc Âm, mặt khác, lại cần đến chứng từ của Kitô hữu trong giòng lịch sử. Mầu nhiệm được phác họa cho việc giảng dạy và giáo lý, một mầu nhiệm được đức tin lãnh nhận và được Phụng Vụ cử hành, cần phải khuôn đúc toàn thể đời sống của người tín hữu, thành phần được kêu gọi để loan báo tin mừng của phụng vụ trên thế giới (12).
4. Trong số những thực tại khác nhau được hàm chứa nơi việc cử hành phụng vụ, Hiến Chế này đặc biệt chú trọng tới tầm quan trọng của thánh ca “musica sacra”. Công Đồng nâng cao thánh ca khi nói đến mục đích của nó là “vinh hiển Thiên Chúa và việc thánh hóa tín hữu” (13). Thật vậy, thánh nhạc là một phương tiện thuận lợi để làm cho tín hữu dễ dàng chủ động tham dự vào tác động linh thánh, như đã được vị tiền nhiệm của Tôi là Thánh Piô X mong muốn trong văn kiện motu proprio “Tra le Sollecitudini” của Ngài, một văn kiện được Ngài ban hành cách đây đúng 100 năm. Chính cuộc mừng kỷ niệm này mới đây đã cho Tôi cơ hội để xác nhận là, theo những điều hướng của hiến chế “Sacrosanctum Concilium” (14), cần phải bảo trì ca nhạc và làm tăng thêm vai trò của nó trong các việc cử hành phụng vụ, bằng cách chú trọng tới chính tinh chất của Phụng Vụ cũng như cảm thức của thời đại chúng ta cũng như đến các truyền thống ca nhạc ở các miền đất khác nhau trên thế giới.
5. Một đề tài phong phú khác được khai triển trong bản Hiến Chế của Công Đồng này là đề tài liên quan đến nghệ thuật thánh. Công Đồng đã minh định là việc thờ phượng có thể sáng ngời nhờ việc trang trí cùng vẻ đẹp của nghệ thuật phụng vụ, và việc thờ phượng này sẽ tiếp tục giữ một địa vị quan trọng trong thời của chúng ta đây. Để đạt được mục đích này, cần phải khởi xướng việc huấn luyện những công nhân khéo léo cùng với những chuyên viên nghệ thuật, được kêu gọi thực hiện việc kiến thiết cùng với kiểu cách của những dinh thự được ấn định dùng vào việc thờ phượng (15). Căn bản của những chiều hướng này đó là quan điểm về nghệ thuật, nhất là nghệ thuật thánh, một thứ nghệ thuật liên hệ với “vẻ đẹp thần linh vô cùng, một vẻ đẹp cần phải được thể hiện một cách nào đó nơi các công trình của con người” (16).
(còn tiếp)
8/1 Thứ Năm
Bài Giáo Lý Triều Kiến Chung về Mẹ Đấng Cứu ThếTheo thường lệ, ĐTC tiếp tục chia sẻ những bài giáo lý cho các buổi triều kiến chung vào mỗi ngày Thứ Tư hằng tuần. Vì vẫn còn đang ở trong Mùa Giáng Sinh, ĐTC đã tạm gác loạt bài giáo lý về chủ đề cầu nguyện bằng Thánh Vịnh (tới bài thứ 95 từ hôm 10/12/2003), để chia sẻ về ý nghĩa về Mùa Vọng, rồi về Giáng Sinh, nay tới Thánh Mẫu Maria vào những ngày cuối Mùa Giáng Sinh.
1. “Alma Redemptoris Mater… Mẹ Đấng Cứu Thế…” Chúng ta kêu cầu Mẹ Maria vào Mùa Giáng Sinh bằng câu đối ca Thánh Mẫu cổ thời đầy cảm kích này, câu đối ca được tiếp tục bằng những lời sau đây: "'Tu quae genuisti natura mirante, tuum sanctum Genitorem' - Mẹ đã cưu mang Đấng Hóa Công của Mẹ trước sự lạ lùng kinh ngạc của bản tính tự nhiên”.Maria, Mẹ Thiên Chúa! Sự thật đức tin này, được sâu xa liên kết với những việc cử hành Giáng Sinh, là những gì hết sức hiển nhiên nơi phụng vụ của ngày đầu tiên trong năm, ngày lễ trọng kính Đức Maria Rất Thánh, Mẹ Thiên Chúa. Mẹ Maria là Mẹ Chúa Cứu Thế; Mẹ là người nữ được Thiên Chúa tuyển chọn để hiện thực một dự án cứu độ được tập trung nơi mầu nhiệm của Biến Cố Lời Thần Linh Nhập Thể.
2.- Một tạo vật thấp hèn cưu mang Đấng Hóa Công của thế giới! Mùa Giáng Sinh nhắc cho chúng ta ý thức lại mầu nhiệm này, khi cho chúng ta thấy Người Mẹ của Con Thiên Chúa như một người cùng tham phần vào những biến cố tột đỉnh của lịch sử cứu độ. Truyền thống lâu đời của Giáo Hội bao giờ cũng coi việc giáng sinh của Chúa Giêsu và chức thiên mẫu của Mẹ Maria là hai khía cạnh của việc Lời Nhập Thể. “Thật vậy”, Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo trích lại lời của Công Đồng Êphêsô đã xác nhận là “Đấng Mẹ đã thụ thai bởi Thánh Linh như là một con người, Đấng thực sự trở thành Con của Mẹ về xác thịt , cũng chính là Con hằng hữu của Cha, ngôi hai trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi thế Giáo Hội tuyên xưng rằng Mẹ Maria thực sự là ‘Mẹ Thiên Chúa’, là ‘Theotokos’” (số 495).
3. Từ sự kiện Đức Mẹ là “Mẹ Thiên Chúa” phát sinh ra tất cả những khía cạnh khác nơi sứ vụ của Mẹ; những khía cạnh được chứng tỏ rõ ràng bởi những tước hiệu được cộng đồng mộn đệ Chúa Kitô tôn kính Mẹ ở khắp nơi trên thế giới. Trước hết là tước hiệu “đầu thai vô nhiễm nguyên tội” và tước hiệu “mông triệu”, vì Mẹ là vị cưu mang Đáng Cứu Thế không thể nào lại bị hư hoại là kết quả bởi nguyên tội.
Ngoài ra, Vị Trinh Nữ này còn được kêu cầu như là Mẹ của Nhiệm Thể tức là Mẹ của Giáo Hội. Theo truyền thống giáo phụ được Thánh Âu Quốc Tinh diễn tả, Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo xác nhận rằng Mẹ “’rõ ràng là mẹ của các phần thể Chúa Kitô’… vì bởi đức ái của mình, Mẹ đã dự phần vào việc hạ sinh các tín hữu trong Giáo Hội, thành phần là phần thể của đầu của mình” (số 963).
4. Tất cả cuộc đời của Mẹ Maria được liên kết chặt chẽ với cuộc đời của Chúa Giêsu. Chính Mẹ là người đã cống hiến Chúa Giêsu cho nhân loại vào Lễ Giáng Sinh. Trên cây thập giá, ở vào giây phút tột đỉnh của việc hoàn tất sứ vụ cứu chuộc, Chúa Giêsu đã ban tặng ân Mẹ Người cho hết mọi con người, như là một gia sản quí hóa của ơn cứu chuộc.
Những lời của Đấng Tử Giá nói với Gioan, người môn đệ trung thành, là chứng từ của Người. Người đã ký thác Mẹ của Người cho Thánh Gioan, cùng một lúc trao phó vị Tông Đồ này và hết mọi tín hữu cho tình yêu của Mẹ Maria.
5. Trong những ngày cuối cùng này của Mùa Giáng Sinh, chúng ta hãy dừng lại để chiêm ngắm nơi máng cỏ sự hiện diện thinh lặng của Vị Trinh Nữ gần Con Trẻ Giêsu. Mẹ đã giành cho chúng ta cùng một tình yêu thương, cùng một mối quan tâm Mẹ đã hiến cho Người Con thần linh của Mẹ. Bởi thế, chúng ta hãy để cho Mẹ hướng dẫn những bước đi của chúng ta trong Năm Mới, một năm Đấng Quan Phòng đã ban cho chúng ta để sống.
Đó là lời chúc của Tôi gửi đến tất cả anh chị em trong buổi triều kiến chung đầu tiên trong năm 2004. Được bảo trì và ủi an trong tay bảo hộ từ mẫu của Mẹ, chúng ta mới có thể chiếm ngắm bằng đôi mắt mới dung nhan Chúa Kitô và mới bước đi nhanh chóng hơn trên con đường thiện hảo.
Một lần nữa, chúc anh chị em có mặt nơi đây cũng như cho các người thân yêu của anh chị em một Năm Mới hạnh phúc!
Anh Chị Em thân mến,
Việc Giáo Hội cử hành mùa Giáng Sinh chú trọng tới mầu nhiệm Chúa Kitô nhập thể và mầu nhiệm vai trò thần linh của Mẹ Maria. Là Trinh Mẫu của Lời Nhập Thể, từ ban đầu Mẹ Maria liên kết chặt chẽ với công cuộc cứu độ của Con Mẹ. Mẹ Maria đã ban Chúa Kitô cho thế giới khi Người giáng sinh; và từ cây thập giá, Đấng Cứu Thế hấp hối đã trao phó Mẹ cho Giáo Hội cũng như cho mỗi một tín hữu. Trong những ngày cuối cùng của mùa Giáng Sinh này đây, chúng ta hãy hợp với Mẹ Maria chiêm ngưỡng Đấng Cứu Thế mới sinh và ký thác bản thân mình cho bàn tay bảo hộ chở che từ mẫu của Mẹ trong năm mới.
Trong buổi triều kiến chung đầu tiên trong năm 2004 này có màn xiệc giup vui cho ĐTC. Hơn 100 diễn viên thuộc Đoàn Xiếc Hoa Kỳ và các đoàn trình diễn khác ở Rôma trong thời gian Giáng Sinh đã có mặt ở Sảnh Đường Phaolô VI hôm nay. ĐTC đã ban phép lành cho Đoàn Xiệc và vỗ vai những con trẻ thuộc đoàn xiếc này, trong đó có một số em cũng mặc y phục làm xiếc. ĐTC tỏ ra khỏe mạnh hơn tháng 10/2003 nhiều, thời gian đầy những hoạt động và mừng 25 năm giáo hoàng của Ngài.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 7/1/2004.
Giáo Hội Chính Thống Nga hy vọng phục hồi
Giáo Hội Chính Thống mừng Lễ Giáng Sinh vào ngày 6/1 hằng năm, ngày thường nhằm vào Lễ Hiển Linh của Giáo Hội Công Giáo. Trong bài giảng của mình hôm nay ở Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Kitô Cứu Thế, Đức Thượng Phụ Alexy II, giáo chủ Giáo Hội Chính Thống Nga ở Moscow tin rằng một cuộc tái sinh của Giáo Hội Đông Phương đang xẩy ra ở Nga. Ngài đã ôn lại năm qua một cách lạc quan như thế này:
“Các nhà thờ và đan viện đang được xây cất và phục hồi. Trẻ em và người lớn càng ngày càng học hỏi các chân lý đức tin. Mối thân hữu giữa Giáo Hội, quốc gia và các tổ chức công cộng khác nhau đã trở nên vững vàng. Chúng ta tiếp tục thực hiện cuộc đối thoại khó khăn nhưng tốt đẹp với các Kitô hữu không phải Chính Thống giáo, với thành phần thuộc các tôn giáo và niềm tin khác”.
Vào ngày 23/12, vị thượng phụ này đã chủ tọa một buổi họp với hàng giáo sĩ ở Moscow và ngài đã thẩm định đời sống của Giáo Hội Chính Thống Nga. Theo Ngài cho biết, Giáo Hội này có tất cả là 132 giáo phận, 154 vị giám mục, 847 đan viện và ẩn tu viện, 16.350 giáo xứ, với 15.605 linh mục, và 3.405 phó tế. Nguyên ở Moscow có 681 nhà thờ và nguyện đường (năm 1990 ít hơn 40 nhà thờ), 5 thần học viện, hai đại học viện, một trung tâm nghiên cứu thần học cao cấp cho giáo dân, 33 đại chủng viện và 44 tiểu chủng viện.
Giới trẻ trong thời đại văn minh vật chất ngày nay vẫn còn khao khát sống thanh khiếtTình hình xã hội văn minh ngày nay cho thấy giới trẻ chẳng những là nạn nhân của xã hội mà còn là tai họa cho xã hội nữa. Giới trẻ là nạn nhân của xã hội vì họ bị xã hội đầu độc bằng những thứ phim ảnh bạo động, những thứ hình ảnh khiêu dâm, những thứ giáo dục công khai dạy cách làm tình an toàn v.v. Bởi thế, không lạ gì chính xã hội này đã phải hứng chịu một tai họa giới trẻ, với nạn băng đảng, thậm chí trẻ con mới học lớp một đã biết cầm súng giết người, nạn chửa hoang, nạn xì ke ma túy v.v. Tuy nhiên, không phải vì thế mà thứ xã hội Sođôma tân thời ngày nay không còn những giới trẻ tốt lành, không còn những khát vọng chân thiện nơi giới trẻ. Một trong những chứng cớ hùng hồn nhất cho thấy nhận định này đó là những nhóm giới trẻ qui tụ lại để nghe về việc giữ đức thanh tịnh, một thứ nhân đức hết sức lỗi thời đối với đa số giới trẻ yêu cuồng sống vội chỉ biết có lạc thú ngày nay.
Thật vậy, cặp vợ chồng mới lấy nhau, Jason và Crystalina Evert, đang làm việc cho tờ nguyệt san Catholic Answers, đã là chứng nhân cho nhận định này, khi họ đi chia sẻ ở các trường trung học khắp nước Mỹ, dù là trường công, trường Kitô giáo hay trường Công giáo. Cả chục ngàn giới trẻ đã hào hứng đến nghe cặp vợ chồng diễn giả này. Riêng Jason còn là tác giả cuốn “Nếu Chàng/Nàng Thực Sự Yêu Tôi” do Catholic Answers xuất bản. Người tác giả này đã chia sẻ cảm nhận của mình về giới trẻ đối với dự án của Thiên Chúa nơi hôn nhân liên quan đến tính dục, cũng như về thành phần phụ huynh làm sao để giúp cho con cái của mình sống thanh tịnh như sau.
Vấn Đâu là những điểm chính anh muốn nhấn mạnh với thành phần thính giả giới trẻ của mình?
Đáp Nếu tôi có thể tóm tắt cuộc nói chuyện của chúng tôi lại thành một câu, thì đó là câu này: an bình và niềm vui phát xuất từ lối sống thanh tịnh thì đáng giá hơn tất cả mọi thứ thỏa mãn trên trần gian này.
Trong cuộc họp mặt ở một trường trung học nào đó, Crystalina và tôi chia sẻ những chứng từ của chúng tôi với đám thanh thiếu niên. Điều này hình như đã làm cho họ giảm bớt những phản ứng tự vệ và mở lòng của họ ra.
Chúng tôi bắt đầu bằng việc nêu lên vấn đề “tới mức nào thì là quá xa”, khi mời giới trẻ hãy nghĩ coi họ muốn cho ai đó đi xa tới đâu với người bạn đời tương lai của họ. Những đề tài khác bao gồm vấn đề liên quan đến những nguy hiểm của các thứ hình ảnh khiêu dâm, vấn đề quyền lực của sự đoan trang nết na và vấn đề khuynh hướng đang phát triển đối với đức thanh tịnh nơi giới trẻ.
Chúng tôi nhấn mạnh là dự án của Thiên Chúa về sự sống và tình yêu chính là những gì thanh thiếu niên đang tìm kiếm. Một khi chúng ta thấy được sự thật về thân thể của chúng ta cũng như sự thật về tình dục, chúng ta sẽ thay đổi đời sống của mình, không phải vì võ lực, vì bị bắt buộc, vì bị thuyết phục, vì cảm thấy tội lỗi, vì sợ bị mang bầu hay bị nhiễm bệnh, mà là vì ý hướng của Thiên Chúa về tình yêu là tất cả những gì tâm can con người mong đợi.
(còn tiếp)
7/1/2004 Thứ Tư
Tòa Thánh Vatican với Hội Nghị Thượng Đỉnh về Vấn Đề Thông Tín Xã Hội
Đức Tổng Giám Mục John Foley, chủ tịch hội đồng Tòa Thánh về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội đã lãnh đạo một phái đoàn đại biểu đến tham dự hội nghị ở Geneva Thụy Sĩ này, một hội nghị nhắm đến việc nêu lên những chính sách cụ thể để thắng vượt khoảng cách về kỹ thuật giữa các quốc gia trên thế giới, và đã ngỏ lời vào hôm Thứ Năm 11/12/2003.
Thưa Ngài Chủ Tịch,
Quí Tôn Vị Đại Biểu:Tòa Thánh chúng tôi rất hoan hỉ thấy rằng Cuộc Thượng Nghị Thế Giới về Thông Tín Xã Hội này được tổ chức dưới sự bảo trợ của vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, và chúng tôi cũng lấy làm biết ơn Khối Viễn Thông Quốc Tế đã tình nguyện xung phong đứng ra tổ chức buổi gặp gỡ này.
Như quí vị đã biết, Tòa Thánh chúng tôi chú trọng nhất đến những vấn đề được chất chứa nơi lãnh vực nhân bản và luân lý của việc thông tín xã hội.
Bởi vậy, chúng tôi đặc biệt tri ân đối với việc thỏa thuận liên quan đến “Những Chiều Kích Đạo Lý về Vấn Đề Thông Tín Xã Hội” (Nos 56-59) trong bản Tuyên Ngôn Các Nguyên Tắc.
húng tôi nghĩ rằng hầu hết con người nam nữ thiện tâm đều đồng ý rằng “tất cả mọi người hoạt động trong lãnh vực Thông Tín Xã Hội phải tỏ ra hành động thích hợp cùng với những biện pháp ngăn ngừa những lạm dụng của ICT, chẳng hạn như những hành vi bất hợp pháp hay những hành vi khác bị chi phối bởi chủ nghĩa chủng tộc, kỳ thị chủng tộc, bài ngoại cùng tiùnh cách bất dung nhượng, hận thù, bạo động, tất cả mọi hình thức bạo hành trẻ em, kể cả việc lạm dụng tình dục trẻ em và dùng trẻ em khiêu dâm, việc buôn bán và khai thác con người.
Trong mối quan tâm đáng khen của chúng ta trong việc làm cho kiến thức hiểu biết cùng kỹ thuật truyền thông được nhiều người hưởng dụng nhất, tôi hy vọng rằng chúng ta cần phải nhớ ba nền tảng luân lý căn bản về truyền thông, đó là tầm mức quan trọng trổi vượt của sự thật, phẩm vị của con người, và việc cổ võ công ích.
Theo chiều hướng này, việc có thể học hỏi hiểu biết là vấn đề thiết yếu cho việc phát triển một xã hội lành mạnh, trong đó tất cả mọi người công dân đều được hiểu biết rõ ràng và trở thành chủ động, hợp với phẩm giá của họ cũng như xứng với công ích.
Tất cả chúng ta quyết tâm bỏ đi những trường hợp có thứ kiến thức hiểu biết và những thứ kỹ thuật cùng chương trình truyền thông có thể đi đến chỗ làm tăng thêm những mức chênh lệch vốn đã có.
Như Tòa Thánh vẫn hằng chủ trương là việc bảo vệ tư sản, kể cả tài sản về kiến thức, có phận sự xã hội căn bản trong việc phục vụ công ích cho gia đình nhân loại, do đó, phải có những bộ phận bảo toàn, cho dù điều này có khác với lý lẽ của thị trường cũng như với luật kiếm lợi kinh tế cấp thời.
Việc phát triển cần phải được hiểu hoàn toàn theo chiều hướng nhân bản, làm thăng hóa một cách cụ thể phẩm vị và sáng kiến của cá nhân con người.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong bài diễn từ ngỏ cùng vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cũng như với Ủy Ban Quản Trị về Việc Điều Hợp của Liên Hiệp Quốc (ngày 7/4/2000), đã nói về “một thứ cảm quan đang phát triển nơi tình đoàn kết quốc tế” hiến cho cơ cấu Liên Hiệp Quốc “một cơ hội chuyên nhất để góp phần vào việc toàn cầu hóa tình đoàn kết, bằng việc phục vụ như là một nơi hội ngộ cho các Quốc Gia cũng như cho xã hội dân sự, và là điểm giao liên của những khuynh hướng và nhu cầu khác nhau”.
Đại biểu tôi đặc biệt chú trọng tới vai trò của truyền thông cũng như của các ICT trong việc bảo trì và kiến tạo hòa bình. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc Thượng Nghị này sẽ kết thúc bằng việc tất cả chúng ta thực hiện một cuộc dấn thân hăng say hướng về hòa bình. Nó chỉ là một khía cạnh duy nhất của khả năng lớn lao của ICT cho thiện ích song có lẽ là khía cạnh khẩn trương nhất.
Trong những ngày này đây, chúng ta không thể xây dựng một nền hòa bình bền vững mà lại thiếu sự hợp tác của các tổ chức truyền thông đại chúng. Chúng có thể góp phần vào văn hóa đối thoại, tham dự, đoàn kết và hòa giải mà nếu không có những thứ này hòa bình không thể nào nẩy sinh.
Nếu hòa bình là tình trạng hiện hữu khi mỗi người được đối xử theo phẩm giá và được dịp phát triển toàn diện con người mình, việc góp phần can đảm của việc truyền thông đại chúng, thay vì mang đặc tính bạo động, vô luân và có tính cách hời hợt, có thể nuôi dưỡng một thứ sử dụng cởi mở và trân trọng đối với những ICT trong việc kiến tạo sự tương kiến và tương kính tốt đẹp hơn, cũng như có thể nuôi dưỡng mối liên hệ tốt đẹp hơn giữa các dân tộc thuộc những văn hóa khác nhau, các ý hệ và tôn giáo khác nhau.
Kỹ thuật là một phương tiện: Chúng ta có trách nhiệm khi sử dụng nó để, trong thời đại truyền thông này, việc tìm kiếm sự thật và tự do đích thực được tiến triển nơi tất cả mọi dân tộc.
Xin cám ơn Ngài Chủ Tịch.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 14/12/2003.
6/1/2004 Thứ Ba
"Một Văn Kiện Quí Giá và Quan Trọng Nhất Lịch Sử Loài Người"
Thứ Tư 10/12/2003, ngày đúng 55 năm về trước, Liên Hiệp Quốc đã công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Quát. ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc đã nói trước phiên họp 58 của Tổng Hội Nghị về Mục Chương Trình 48: Mừng Kỷ Niệm Năm 55 Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Quát.
Thưa Ngài Chủ Tịch,
Đại biểu tôi hân hạnh được tham dự vào việc cử hành mừng 55 năm kỷ niệm việc ban hành và chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền. Việc phát triển đặc biệt ngoại lệ trong việc bảo vệ các thứ quyền lợi của con người là những gì được căn cứ vào các truyền thống trọng đại nhất của jus gentium (Luật Lệ của Các Quốc Gia), một thứ luật lệ được đặt căn bản trên giá trị luân lý khách quan như lý trí lành mạnh nhận thức. Nguyên tắc lý trí lành mạnh là cốt lõi của một thứ lề luật tự nhiên đã từng soi động và tiếp tục làm sinh động Bản Tuyên Ngôn Chung này. Những vị học giả khả kính đã ghi nhận mối liên hệ bất khả tháo gỡ giữa lề luật tự nhiên và thực tại gồm tóm tất cả mọi quyền lợi của con người cùng với các thứ quyền tự do căn bản của con người cũng như của các dân tộc là những gì bất khả chuyển nhượng.
Khi chúng ta khảo sát Bản Hiến Chương này, chúng ta mới càng nhận thấy cái thắt nối giữa Tổ Chức Liên Hiệp Quốc và Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền, một trong những văn kiện quí giá và quan trọng nhất trong lịch sử loài người. Những vị luật sư thời trung cổ và những diễn giả luật pháp hăng say thuộc thế kỷ 16, như Vitoria và Suárez đã khai triển những tiền đề cho các nguyên tắc căn bản liên quan đến quyền lợi của con người, những thứ quyền lợi phát xuất từ cái chính yếu và phẩm giá của con người… Những thứ quyền lợi này không phải là những gì do Quốc Gia tạo nên mà là bắt nguồn từ tính chất và bản tính của chính nhân tính … Thật vậy, chúng ta không cần phải đi đâu xa xôi mới có thể thấy được tác dụng của Bản Tuyên Ngôn Chung này đã thực hiện đối với rất nhiều những giải pháp được Tổng Hội Đồng ban bố. Cũng thế, Bản Tuyên Ngôn này đã có một tầm ảnh hưởng tích cực nơi những bản hiến pháp quốc gia cũng như nơi những thứ luật căn bản của quốc gia là những gì đã được soạn thảo trong những thập niên vừa qua.
Trong việc xác định một số quyền lợi căn bản phổ quát cho hết mọi phần từ của gia đình nhân loại, Bản Tuyên Ngôn đã thực sự đóng góp vào việc phát triển luật lệ quốc tế. Ngoài ra, nó cũng giải quyết những thách đố của những thứ luật lệ nhân bản chối bỏ con người nam nữ phẩm giá họ có quyền hưởng vì thân phận làm người của họ. Tiếc thay, những quyền lợi căn bản, đã được công bố, thành văn và cử hành trong Bản Tuyên Ngôn Chung, vẫn còn là đối tượng của những vi phạm trầm trọng và liên tục. Thế nhưng, có những thách đố khác cho việc áp dụng thi hành các thứ quyền lợi của con người. Chẳng hạn như khuynh hướng của một số người chỉ muốn các thứ quyền lợi phục vụ cho bản thân mình mà thôi, khuynh hướng của một số người chỉ muốn những thứ quyền lợi phục vụ bản thân họ mà thôi. Ở một số trường hợp, những gì bất khả tách rời với một số con người đồng thời lại bị chối bỏ đối với những người khác. Trường hợp điển hình là việc chối bỏ một thứ quyền lợi căn bản nhất, đó là chính quyền sống, một thứ quyền là nguồn gốc phát xuất của tất cả mọi thứ quyền khác theo tự nhiên cũng như luận lý. Những việc làm như thế đe dọa đến tính chất nguyên tuyền của Bản Tuyên Ngôn đây. Bất cứ một thứ ngờ vực nào về tính cách phổ quát hay hiện hữu của những qui chuẩn bất khả giảm giá trị sẽ làm suy yếu toàn thể lâu đài quyền lợi con người.
Vì càng ngày càng có khuynh hướng tiến đến một đường lối hay nhất đối với các thứ quyền lợi của con người, đại biểu tôi muốn ủng hộ cái nhãn quan nguyên thủy của Bản Tuyên Ngôn này, một nhãn quan cho thấy các thứ quyền lợi về chính trị và dân sự là những gì không thể châm chước cho đức công bình của xã hội và kinh tế, hoặc ngược lại. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa nhanh chóng này, thời điểm mà các quốc gia nghèo khổ đang phải đương đầu với cuộc thách đố hiểm nghèo liên quan tới tình trạng bất ổn định về chính trị xã hội cũng như về nền kinh tế, cộng đồng thế giới cần phải tiếp tục cố gắng để cùng nhau mang lại hai cái nửa của một linh hồn bị phân rẽ về dự án nhân quyền – tức việc khẳng định vang vọng của quyền tự do và tính cách nhất trí của nó nơi gia đình nhân loại duy nhất là những gì ai ai cũng phải có trách nhiệm chung. Thật vậy, một trong những mối đe dọa lớn nhất ngày nay đối với tính chất liêm khiết của Bản Tuyên Ngôn được phát xuất từ khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa thái quá thường đưa đến tình trạng mạnh được yếu thua. Và đó là vấn đề khó nuốt đối với Bản Tuyên Ngôn này cũng như đối với các thứ quyền lợi căn bản được nó cổ võ và bảo vệ.
Thưa Ngài Chủ Tịch, việc chấp nhận những nguyên tắc phổ quát này không có nghĩa là cần phải làm cho chúng sống động ở mọi nơi theo cách tức giống như nhau. Phổ quát tính không cần phải được kèm theo đồng nhất tính. Thật vậy, những nhà kiến tạo Bản Tuyên Ngôn Chung này đã thấy đợc tính cách đa diện ợp lý nơi các hình thức của quyền tự do. Như một học giả khả kính c lần đã nói: "có nhiều loại nhạc khác nhau được trình diễn trong 30 giây đàn của Bản Tuyên Ngôn này". Tiếc thay, việc hiểu biết đa dạng tính ấy thường không đợc lưu ý tới, ngay cả bởi những người bạn hữu của dự án nhân quyền nữa.Thưa Ngài Chủ Tịch, thế giới chúng ta đang sống đây hiện hữu dưới bóng tối chiến tranh, khủng bố và các hình thức đe dọa đến sự sống còn của loài người cũng như đến phẩm vị bẩm sinh của con người. Ở tận căn gốc của những thứ bóng tối tăm này là việc chối bỏ một số quyền lợi phổ quát. Khốn thay, chính nhân loại lại là kẻ làm phát tỏa ra những thứ bóng tối tăm này. Tuy nhiên, chúng ta cũng học được sự khôn ngoan trong việc sử dụng ánh sáng của lý trí lành mạnh để đánh tan chúng đi. Những nguyên tắc cao quí chất chứa trong Bản Tuyên Ngôn Chung này sẽ giúp cho chúng ta đạt tới mục đích là một tương lai sáng lạn cho tất cả mọi người, chứ không phải cho một số nào trong gia đình nhân loại.
Trong dịp mừng kỷ niệm 55 năm năm này, chúng ta vẫn còn cần phải đặt vấn đề là những gì đã từng xẩy ra cho quyền lợi của mọi người ‘thuộc lãnh vực xã hội và quốc tế là những lãnh vực các thứ quyền lợi và quyền tự do được phác họa trong Bản Tuyên Ngôn này có thể hoàn toàn được hiện thực’ (khoản 28)? Phẩm giá con người, quyền tự do và niềm hạnh phúc được Bản Tuyên Ngôn này nhìn nhận sẽ không hoàn toàn được hiện thực mà lại thiếu tình đoàn kết giữa tất cả mọi dân nước. Được tác động bởi gương sáng của tất cả những ai hình thành Bản Tuyên Ngôn này, thành phần dấn thân trước thách đố của tự do, chẳng lẽ chúng ta lại không thể tái dấn thân trước thách đố của tính đoàn kết – cũng là thách đố của hòa bình hay sao?
Mặc dù Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền giờ đây được 55 tuổi, vẫn còn nhiều điều được nó hứa hẹn cần được tiếp tục hoàn tất. Tuy nhiên, nó vẫn còn là ‘một trong những lời bày tỏ cao nhất của lương tâm con người trong thời đại của chúng ta đây’ (John Paul II, Address to the U.N., October 2, 1979 and October 5, 1995). Đại biểu tôi tin rằng Bản Tuyên Ngôn này sẽ tiếp tục đóng vai trò làm hải đăng cho cuộc con người hành trình tiến về một xã hội tự do, công bằng và an bình hơn.
Cám ơn Ngài Chủ Tịch.Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 12/12/2003.
NHÂN QUYỀN
Trên tờ 1 Dollar Mỹ, chúng ta thấy có hai con số lịch sử liên quan đến nhân quyền. Con số thứ nhất là 1776, Năm Khai Sinh Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, con số được viết bằng hàng mẫu tự La Mã MDCCLXXVI nằm ở mặt mầu xanh lá cây của đồng tiền, dưới chân hình Kim Tự Tháp; và con số thứ hai là 1789, Năm Cách Mạng Pháp, con số được viết bằng số Hy Lạp, nằm ở mặt mầu trắng của đồng tiền, dưới đáy vòng chữ Bộ Ngân Khố “The Department of the Treasury”.
Phải, năm 1776 và 1789, theo lịch sử thế giới, là hai năm thuộc hậu bán thế kỷ 18, một thế kỷ đã đánh dấu những bước đầu tiên của một kỷ nguyên văn minh chẳng những về khoa học kỹ thuật mà còn cả về nhân bản nữa, ở chỗ con người đã bắt đầu ý thức được nhân quyền của mình. Tuy nhiên, dầu sao hai năm lịch sử này cũng mới chỉ là thời điểm mở màn cho một màn bi hùng kịch được kết thúc vào năm 1948, với Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc ban bố ngày 10/12, một bản tuyên ngôn có tầm vóc quốc tế chứ không phải chỉ có tầm vóc của một quốc gia, như Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ được ban hành ngày 4/7/1776. Thế nhưng, để biết được tiến trình lịch sử về văn minh nhân bản của con người từ hậu bán thế kỷ 18 đến trung bán thế kỷ 20, chúng ta cũng nên đọc lại và suy tư một số những khoản trọng yếu trực tiếp liên quan đến Nhân Quyền trong hai bản Tuyên Ngôn quan trọng này. Những Ý Thức về Nhân Quyền thuộc lãnh vực trần thế này rất gần gũi với Học Thuyết Xã Hội Kitô Giáo, một học thuyết phát xuất từ Phúc Âm Chúa Kitô, một Tin Mừng Sự Sống đã thấm nhuần và làm nên chân dung văn hóa đích thực của Âu Châu, một Âu Châu đã đi khắp thế giới để truyền bá văn minh phúc âm hóa từ thế kỷ 16.
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ được chia làm 4 phần rõ rệt: phần thứ nhất là Lời Ngỏ Mở Đầu, phần thứ hai là Tuyên Ngôn Quyền Lợi, phần thứ ba là Cáo Thị Luận Bác và phần thứ bốn là Công Bố Độc Lập. Trong bốn phần này, căn bản nhất và trọng yếu nhất là phần thứ hai, phần Tuyên Ngôn Quyền Lợi. Vì những Ý Thức về Nhân Quyền trong phần thứ hai về Tuyên Ngôn Quyền Lợi này mới dẫn đến phần ba là phần bao gồm những Cáo Buộc Luận Bác đối với Vua Đại Anh Quốc, một quyền bính đã áp đặt chế độ thực dân trên Hoa Kỳ, hoàn toàn phản lại với những Ý Thức về Nhân Quyền trong phần hai, một tình trạng cần phải được tái thiết lập theo đúng như những Ý Thức về Nhân Quyền, được thể hiện bằng việc tranh đấu để giành Tự Do và Độc Lập, một cuộc tranh đấu đã được kết thúc bằng việc Công Bố Độc Lập, phần thứ tư của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Vậy phần Tuyên Ngôn Quyền Lợi hết sức quan trọng trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ đã được Quốc Hội công nhận ngày 4/7/1776 và sau đó đã được đa số 56 vị đại diện thuộc 13 tiểu bang tiên khởi của Hoa Kỳ ký ngày 2/8/1776, bao gồm những Ý Thức về Nhân Quyền ra sao?
“Chúng tôi chủ trương đây là những chân lý minh nhiên, đó là, tất cả mọi con người đều được dựng nên bình đẳng, đó là, họ được Hóa Công ban cho một số Quyền Lợi bất khả xúc phạm, đó là, trong số những quyền lợi này có Quyền Sống, Quyền Tự Do và Quyền theo đuổi Hạnh Phúc.
“Đó là, để bảo toàn những quyền lợi này, cần phải thiết lập Chính Quyền nơi Con Người, với quyền hạn chính đáng được phát xuất từ sự ưng thuận của dân chúng.
“Đó là, bất cứ Thể Chế Chính Quyền nào trở thành nguy hại cho những mục tiêu quyền lợi ấy thì Dân Chúng Có Quyền thay đổi hay loại trừ nó, để thiết lập một Chính Quyền mới, được đặt căn bản trên những nguyên tắc quyền lợi này, và tổ chức quyền hạn của nó theo một thể chế có thể đối với họ mang lại hiệu quả tốt đẹp cho tình trạng An Sinh và Hạnh Phúc của họ”.
Căn cứ vào Tuyên Ngôn Quyền Lợi thuộc phần thứ hai trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ, chúng ta thấy những điểm chính yếu sau đây:
• Về phương diện bẩm sinh cá nhân, có ba Quyền Lợi chính: đó là Quyền Sống, Quyền Tự Do và Quyền theo đuổi Hạnh Phúc;
• Về phương diện tổ chức xã hội, cũng có ba Quyền Lợi chính: đó là Quyền Tuyển Chọn Thể Chế Công Quyền, Quyền Truất Phế Thể Chế Bạo Quyền, và Quyền Tái Lập Thể Chế Chính Quyền.
Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc
Trước hết, về nguồn gốc của chính Tổ Chức Liên Hiệp Quốc (The United Nations), cơ quan quốc tế này được thành lập ngày 24/10/1945 sau Thế Chiến Thứ Hai. Tổ Chức Liên Hiệp Quốc này được phỏng theo và tiếp nối tổ chức quốc tế đã được hình thành sau Thế Chiến Thứ Nhất, đó là Tổ Chức Liên Minh Chư Quốc (League of Nations). Tổ Chức Liên Minh Chư Quốc được các nước dự phần vào cuộc chiến thắng Đại Chiến Thứ Nhất là Pháp, Đại Anh Quốc, Ý , Nhật và Hoa Kỳ thành lập vào tháng Giêng năm 1920 với trụ sở chính ở Geneva Thụy Sĩ. Tổng Thống Woodrow Wilson Hoa Kỳ là người chủ chốt trong việc thành lập tổ chức quốc tế này, nhưng đã thất bại trong việc chinh phục Hoa Kỳ tham gia vào tổ chức này, một tổ chức bị giải tán vào tháng 6/1946, sau khi Tổ Chức Liên Hiệp Quốc thành hình. Tổ Chức Liên Hiệp Quốc cũng được đa số các nước sáng lập Tổ Chức Liên Minh Chư Quốc đứng ra thành lập. Đại diện của các nước này đã gặp nhau ở San Francisco vào tháng Tư năm 1945 để phác họa một dự án bảo vệ hòa bình thế giới, dự án được gọi là Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (the Charter of the United Nations). Tháng 6/1945, đã có 50 nước ký nhận Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc này và đã trở thành hội viên đầu tiên của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc. Cho tới nay, các nước hội viên Liên Hiệp Quốc đã lên đến 159, trong đó có Việt Nam (gia nhập từ năm 1977). Trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc được đặt tại Nữu Ước Hoa Kỳ. Lá cờ của Liên Hiệp Quốc cũng cho thấy mục đích phục vụ hòa bình của tổ chức này, đó là hình ảnh thế giới được bao đỡ bởi hai cành lá Olive tượng trưng cho hòa bình.
Mục đích chính của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, đó là phục vụ Hòa Bình Thế Giới và Nhân Phẩm Con Người. Mục đích phục vụ Hòa Bình Thế Giới của Liên Hiệp Quốc đã được xác nhận trong Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (the Charter of the United Nations), nhất là ở ngay phần Lời Ngỏ Mở Đầu của bản văn kiện này, do Jan Christiaan Smuts nước Nam Phi soạn thảo, và mục đích phục vụ Nhân Phẩm Con Người cũng đã được thể hiện nơi Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền (the Universal Declaration of Human Rights).
Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc: Lời Ngỏ Mở Đầu
“Các dân tộc thuộc Tổ Chức Liên Hiệp Quốc chúng tôi quyết định:
• Cứu vớt các thế hệ sau này khỏi những cuộc hoạn nạn chiến tranh đã hai lần mang lại trong thời đại của chúng tôi tình trạng buồn đau khôn tả cho loài người,
• Tái xác nhận niềm tin tưởng nơi các quyền lợi căn bản của con người, nơi phẩm vị cũng như giá trị của loài người, nơi quyền bình đẳng của con người nam nữ cũng như của các quốc gia lớn nhỏ,
• Thiết lập những điều kiện có thể bảo trì công lý và việc tôn trọng cần phải tỏ ra đối với những đòi buộc của các hiệp định cũng như của các nguồn khác thuộc công pháp quốc tế,
• Phát động tình trạng tiến bộ xã hội cùng với những qui chuẩn sống trong tự do thoải mái tốt đẹp hơn.
Và vì những mục tiêu sau đây:
• Thể hiện việc dung nhượng và chung sống hòa bình với nhau như là những cận nhân tốt lành,
• Hiệp nhất sức mạnh của chúng ta để bảo trì hòa bình và an ninh quốc tế,
• Bảo đảm lực lượng quân sự không được sử dụng nữa thì góp phần vào việc sinh lợi ích chung, bằng việc chấp nhận những nguyên tắc cũng như bằng việc thiết lập những phương pháp, và
• Sử dụng guồng máy quốc tế để đẩy mạnh tình trạng tiến bộ về kinh tế cũng như xã hội cho tất cả mọi dân tộc,
Chúng tôi đã quyết tâm hợp lực để hoàn thành những mục đích ấy. Bởi thế, những Chính Quyền hiện hành chúng tôi, qua các vị đại diện họp nhau ở thành phố San Francisco, những người có đầy đủ quyền hạn hiệu năng và xứng hợp, đã ưng thuận với Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc này, để thiết lập một tổ chức quốc tế được gọi là Liên Hiệp Quốc này”.
Thực tế cho thấy, từ ngày thành lập đến nay, Tổ Chức Liên Hiệp Quốc đã phục vụ Hòa Bình Thế Giới qua những trường hợp điển hình sau đây:
Năm 1947, giải quyết Chiến Tranh Trung Đông giữa Dân Do Thái và Khối Palestine, bằng việc chia đất Palestine thành hai quốc gia, Do Thái và Ả Rập, nhưng Thành Giêrusalem trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Khối Ả Rập chống lại dự án này, và ngay sau ngày khi quốc gia Do Thái hình thành, 14/5/1948, tới nay, giữa năm 2002, Chiến Tranh Trung Đông vẫn kéo dài, với những cuộc mắt đền mắt, răng đền răng, Palestine khủng bố tấn công, Do Thái tấn công khủng bố, hầu như không ai có thể can thiệp nổi.
Năm 1947, giải quyết cuộc Tranh Giành quyền trị giữa Cộng Hòa Nam Dương với Hòa Lan, nước muốn tái đô hộ Nam Dương nói chung và miền Đông Tân Giunê nói riêng sau Thế Chiến II, cuộc Tranh Giành đã được hoàn toàn ổn định vào năm 1963 và 1969.
Năm 1948, can thiệp vào cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan xẩy ra từ năm 1947 về miền đất Kashmir, cuộc xung đột nhờ Liên Bang Nga đã tạm ổn vào năm 1966. Nhưng cho tới nay, giữa năm 2002, hai nước này vẫn chưa nguôi xung đột như giữa Dân Do Thái và Khối Palestine ở Trung Đông.
Năm 1948, nhúng tay vào Chiến Tranh Đại Hàn, bằng việc công nhận Cộng Hòa Nam Hàn và coi chính phủ Nam Hàn là chính phủ chính thức duy nhất của Đại Hàn; thế nhưng, Bắc Hàn đã tấn công Nam Hàn từ ngày 25/6/1950, và Liên Hiệp Quốc đã giúp Nam Hàn chống cộng từ ngày 7/7/1950, thế rồi vào tháng 10 cùng năm, Trung Cộng đã nhẩy vào vòng chiến cho tới ngày 27/7/1953. Tuy nhiên, cho tới nay Đại Hàn vẫn chưa hoàn toàn thống nhất.
Năm 1954, can thiệp vào Cuộc Xung Đột ở Cyprus, một nước bấy giờ đang thuộc quyền đô hộ của Anh và bao gồm hai sắc dân, Hy Lạp chiếm 80% muốn đảo Cyprus sát nhập vào Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đa số trong 20% còn lại. Cuộc xung đột dữ dội vào tháng 2/1957 đã thúc LHQ yêu cầu ba nước Anh Quốc, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết vấn đề và nhờ đó đã giúp Cyprus trở thành một Nước Cộng Hòa ngày 16/8/1960. Tuy nhiên, sau đó, Cộng Hòa Cyprus vẫn tiếp tục là nơi xung đột giữa hai Nước Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, một lần vào tháng 12/1963, đến nỗi LHQ đã phải gửi quân tới để giữ an ninh cho đảo này, và một lần vào tháng 7/1974, kết quả là vào năm 1983, sau khi xâm chiếm Cyprus, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ Miền Bắc Cyprus, nhưng công bố này đã bị LHQ lên án.
Năm 1960, nhúng tay vào tình hình Congo, một nước đã được độc lập ngày 30/6/1960 sau 55 năm bị Bỉ đô hộ. Thế nhưng, sau khi Bỉ rút lui, nước này đã bùng nổ nội chiến. Quân Bỉ đã phải trở lại để giữ an ninh. Quân Congo yêu cầu LHQ giúp đỡ, một lực lượng đã phục hồi an ninh cho nước này và rút khỏi nước này ngày 30/6/1964. Thế nhưng, chi phí cho cuộc vãn hồi này lên đến 450 triệu Mỹ kim, một chi phí LHQ phải một mình gánh chịu vì Nga, Pháp và một số nước không đồng ý chung lưng gánh chịu.
Năm 1962, can thiệp vụ đầu đạn nguyên tử ở Vịnh Cuba. Ngày 22/10, Tổng Thống Hoa Kỳ Kennedy loan báo cho thế giới biết rằng Nga Sô đang thiết lập những căn cứ đầu đạn nguyên tử bí mật ở Cuba, nơi có thể tấn công Hoa Kỳ qua ngả Florida với khoảng cách độ 90 dặm. Ngày 24/10 LHQ đã yêu cầu hai cường quốc đệ nhất hoàn cầu giải quyết vấn đề với nhau. Ngày 28/10, hai bên đã giải quyết vấn đề ổn thỏa.
Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc
Văn kiện lịch sử hết sức quan trọng nàycó hai phần rõ rệt, phần Ý Thức và phần Xác Quyết. Phần Ý Thức cho thấy 7 lý do thúc đẩy Liên Hiệp Quốc phác họa Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền. Phần Xác Quyết gồm 30 khoản gồm tóm tất cả mọi quyền lợi bẩm sinh bất khả vi phạm của con người, xứng với phẩm giá làm người của họ, bao gồm đủ mọi lãnh vực về con người, như sự sống (khoản 3), phẩm vị (khoản 4, 12, 25), phát triển (khoản 22, 28, 29), kiện cáo (khoản 5-11), hôn nhân (khoản 16), giáo dục (khoản 26), di chuyển (khoản 13, 14, 15), sinh sống (khoản 22, 23, 24), sở hữu (khoản 17, 27), hành đạo (khoản 18), chính trị (khoản 21). Sau đây là toàn bản văn kiện Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền:
• Xét rằng, việc nhìn nhận phẩm vị bẩm sinh và những quyền lợi bình đẳng bất khả vi phạm của tất cả mọi phần tử thuộc gia đình nhân loại là nến tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới,
• Xét rằng, việc coi thường và khinh thị nhân quyền đã gây nên những hành động man rợ làm cho lương tâm con người uất hận, mà việc thăng tiến của một thế giới làm cho nhân loại được hoan hưởng quyền tự do phát biểu và tin tưởng, tự do an vui và thoải mái, đã được công nhận là một ước vọng cao nhất của chung con người,
• Xét rằng, nếu con người không bị bắt buộc phải sử dụng đến việc nổi loạn như là phương tiện bất đắc dĩ để chống lại với bạo quyền và đàn áp, thì nhân quyền thực sự cần phải được qui luật pháp lý bênh vực,
• Xét rằng cần phải đẩy mạnh việc phát triển các mối liên hệ thân hữu giữa các dân nước,
• Xét rằng các dân tộc thuộc Tổ Chức Liên Hiệp Quốc đã tái xác nhận trong Bản Hiến Chương của mình về niềm tin của họ nơi các nhân quyền căn bản, nơi phẩm vị và giá trị của con người cũng như nơi quyền bình đẳng nam nữ, và đã quyết tâm phát động tình trạng tiến bộ về xã hội cùng với những qui chuẩn sống tự do thoải mái hơn,
• Xét rằng Các Quốc Gia Phần Tử đã tự hứa quyết cộng tác với Tổ Chức Liên Hiệp Quốc trong việc đạt đến vấn đề cổ võ lòng tôn trọng phổ quát cũng như vấn đề tuân giữ nhân quyền và những quyền tự do căn bản,
• Xét rằng việc hiểu biết chung về những quyền lợi và tự do này có một vai trò hết sức quan trọng cho việc hoàn toàn thể hiện lời đoan quyết này,
Bởi vậy, giờ đây, Đại Hội Đồng xin tuyên bố
Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền, như là một qui chuẩn chung đối với tất cả mọi dân tộc cũng như tất cả mọi đất nước, để giúp cho hết mọi người và hết mọi cơ cấu xã hội, khi liên lỉ ghi nhớ bản Tuyên Ngôn này, nỗ lực đạt đến mục đích ấy, bằng cách dạy dỗ và giáo dục để cổ võ lòng tôn trọng những quyền lợi và tự do này, cũng như bằng những biện pháp tân tiến, cả ở lãnh vực quốc gia lẫn quốc tế, để rõ ràng cho thấy họ thực sự nhìn nhận và tuân giữ một cách phổ quát và có tác hiệu, cả nơi dân tộc của Các Nước Phần Tử cũng như nơi dân tộc thuộc các lãnh địa thuộc phạm vi quyền hạn của họ.
1. Tất cả mọi con người được sinh ra có tự do và bình đẳng về phẩm giá cũng như quyền lợi. Họ được ban cho có trí khôn và lương tâm, và phải tác hành hướng về nhau trong tinh thần huynh đệ.
2. Hết mọi người đều có quyền hưởng tất cả mọi quyền lợi và tự do được Bản Tuyên Ngôn này phác họa, không phân biệt thứ loại, như giống nòi, mầu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, tư kiến chính trị ra sao, gốc gác quốc gia hay xã hội, của cải sản vật, hoàn cảnh sinh vào đời thế nào. Ngoài ra, không được phân biệt căn cứ vào vị thế chính trị, pháp vực hay quốc tế của xứ sở hay lãnh thổ con người thuộc về, cho dù độc lập, tùy thuộc, không tự trị hay bị bất cứ một giới hạn về quyền trị nào.
3. Hết mọi người đều có quyền sống, tự do và an ninh bản thân.
4. Không ai phải bị bắt làm nô lệ hay tôi mọi; tất cả mọi hình thức nô lệ và buôn bán nô lệ đều bị cấm chỉ.
5. Không ai phải bị hành sử hay trừng phạt một cách tàn bạo hay dã man, nhục nhã và đê hèn.
6. Hết mọi người đều có quyền được nhìn nhận là một ngôi vị trước luật pháp ở khắp mọi nơi.
7. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được luật pháp bảo vệ như nhau. Tất cả mọi người đều được bảo vệ như nhau khỏi bất kỳ một kỳ thị nào phạm đến Bản Tuyên Ngôn này cũng như khỏi bất cứ một xui giục nào đưa đến một kỳ thị như vậy.
8. Hết mọi người đều có quyền được các pháp đình quốc gia thẩm quyền bênh chữa một cách hiệu lực đối với những hành động vi phạm đến các quyền lợi của họ theo hiến định hay luật định.
9. Không ai phải bị tù ngục, giam giữ hay đầy ải một cách độc đoán.
10. Hết mọi người đều được đầy đủ quyền lợi như nhau trong việc khiếu nại một cách công bằng và công khai để tòa án độc lập và vô tư phán quyết về các quyền lợi và trách vụ của họ, cũng như về tội trạng họ bị tố cáo.
11. 1) Hết mọi người bị cáo buộc phạm tội đáng bị trừng phạt đều được giả thiết là vô tội cho đến khi chứng minh thấy họ có tội theo luật pháp trước một phiên tòa công khai để họ có tất cả những bảo đảm cần thiết trong việc bênh chữa cho họ. 2) Không ai sẽ bị coi là có tội về bất cứ vi phạm đáng phạt nào, nếu bất cứ việc làm nào hay việc bỏ qua không làm nào vốn không phải là một vi phạm đáng phạt theo luật quốc gia hay quốc tế vào lúc xẩy ra vấp phạm đó. Cũng không được ra hình phạt nặng hơn hình phạt ở vào lúc tội phạm xẩy ra.
12. Không ai bị ngang nhiên xía vào đời tư, gia đình, nhà cửa hay thư tín của họ, cũng như bị tấn công đến danh dự và tiếng tăm của họ. Hết mọi người đều có quyền được luật pháp bảo vệ khỏi những xía xỏ và tấn công này.
13. 1) Hết mọi người đều có quyền tự do di chuyển và cư trú trong ranh giới của mỗi một quốc gia. 2) Hết mọi người đều có quyền lìa bỏ bất cứ xứ sở nào, bao gồm cả quê hương xứ sở của mình, cũng như có quyền trở về xứ sở của mình.
14. 1) Hết mọi người đều có quyền tìm cách tị nạn và được hưởng tị nạn ở những xứ sở khác để lánh nạn bắt bớ. 2) Không được rút lại quyền này trong trường hợp những cuộc bắt bớ hoàn toàn gây ra bởi những tội ác phi chính trị nhưng lại trái với những mục đích và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.
15. 1) Hết mọi người đều được hưởng quyền có một quốc tịch. 2) Không một ai sẽ bị tước đoạt một cách ngang xương quốc tịch của họ hay bị từ chối không cho họ thay đổi quốc tịch.
16. 1) Những con người nam nữ thành nhân, bất kể nòi giống, quốc tịch hay tôn giáo, đều có quyền kết hôn và lập gia đình. Họ có quyền ngang nhau trong việc kết hôn với nhau, trong việc sống đời hôn nhân với nhau cũng như trong việc hủy bỏ hôn nhân. 2) Việc hôn nhân phải được hai người muốn lấy nhau thực hiện một cách tự do và hoàn toàn chấp nhận nhau. 3) Gia đình là đơn vị nhóm theo tự nhiên và căn bản của xã hội và được hưởng quyền bảo vệ của xã hội và quốc gia.
17. 1) Hết mọi người đều có quyền sở hữu tài sản riêng của mình cũng như với những người khác. 2) Không một ai bị tước đoạt một cách ngang xương tài sản của họ.
18. Hết mọi người đều có quyền tự do suy nghĩ, tự do theo lương tâm và tự do theo đạo; quyền này bao gồm quyền tự do thay đổi tôn giáo hay niềm tin của mình, cũng như quyền tự do biểu lộ tôn giáo hay niềm tin của mình qua giáo huấn, qua việc hành đạo, qua việc phượng tự cũng như qua việc giữ luật đạo, theo cá nhân hay với những người khác trong cộng đồng, một cách công khai hay âm thầm.
19. Hết mọi người đều được quyền tự do có ý kiến và phát biểu; quyền này bao gồm quyền tự do giữ ý kiến của mình mà không bị gây khó dễ, cũng như quyền được tự do tìm kiếm, lãnh nhận và truyền đạt tín liệu cũng như tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào, bất kể giới tuyến.
20. 1) Hết mọi người đều được quyền tự do hội họp với nhau một cách trật tự và gia nhập hiệp hội. 2) Không ai bị bắt buộc phải thuộc về một hiệp hội nào.
21. 1) Hết mọi người đều có quyền tham gia vào việc cai trị xứ sở của mình, một cách trực tiếp hay qua những vị đại diện được tự do tuyển chọn. 2) Hết mọi người đều có quyền ngang nhau trong việc hưởng dịch vụ công cộng nơi xứ sở của mình. 3) Ý của dân chúng phải là nền tảng cho quyền bính của chính phủ; ý dân này được thể hiện nơi những cuộc tuyển cử định kỳ và chuyên chính, bằng cuộc đầu phiếu chung và bình đẳng, cũng như bằng phiếu kín hay bằng những phương thức tự do bỏ phiếu tương đương.
22. Hết mọi người, với tư cách là phần tử của xã hội, đều có quyền được hưởng an sinh xã hội, và được quyền hiện thực những quyền lợi về kinh tế, xã hội và văn hóa bất khả thiếu đối với phẩm vị của họ cũng như đối với việc phát triển nhân cách của họ, nhờ việc nỗ lực của quốc gia cũng như việc hợp tác quốc tế, hợp với việc tổ chức và các nguồn lợi của mỗi Quốc Gia.
23. 1) Hết mọi người đều có quyền làm việc, có quyền tự do chọn công ăn việc làm, quyền chọn những điều kiện chính đáng và thuận lợi để làm việc, và quyền được bảo vệ cho khỏi bị cảnh thất nghiệp. 2) Hết mọi người không trừ ai đều được hưởng lương bổng đồng đều cho việc làm như nhau. 3) Hết mọi người làm việc đều có quyền được hưởng công thưởng chính đáng và bổng lợi hầu bảo đảm cho họ cũng như cho gia đình họ một cuộc sống xứng đáng với phẩm vị con người, và, nếu cần, họ còn được xã hội trợ cấp bằng những phương cách bảo vệ khác. 4) Hết mọi người đều có quyền thành lập và tham gia những nghiệp đoàn để bảo vệ những ích lợi của họ.
24. Hết mọi người đều có quyền nghỉ ngơi và giải trí, bao gồm cả việc ấn định hợp lý về giờ giấc làm việc cũng như về những ngày nghỉ lễ vẫn có lương.
25. 1) Hết mọi người đều có quyền hưởng một tiêu chuẩn sống đầy đủ, bao gồm thực phẩm, quần áo, nhà cửa, dịch vụ ý tế, và những dịch vụ xã hội cần thiết, hợp với sức khỏe và tình trạng an lành của chính họ cũng như của gia đình họ, cũng như quyền hưởng an sinh trong trường hợp bị thất nghiệp, bệnh nạn, tật nguyền, góa bụa, giả cả, hay thiếu hụt khác của cuộc sống ở vào những hoàn cảnh xẩy ra ngoài ý muốn của họ. 2) Vai trò làm mẹ và làm con được quyền hưởng những chăm sóc và trợ giúp đặc biệt. Tất cả mọi trẻ em, bất kể được sinh ra trong hôn nhân hay ngoại hôn, đều phải được xã hội bảo vệ như nhau.
26. 1) Hết mọi người có quyền được học hành. Việc giáo dục phải miễn phí, ít là ở những giai đoạn tiểu học và căn bản. Giáo dục ở bậc tiểu học là việc bắt buộc. Việc giáo dục về kỹ thuật và chuyên môn phải thuận lợi cho chung mọi người, và việc giáo dục cao cấp phải dễ dàng theo đuổi như nhau đối với tất cả mọi người có cùng một khả năng. 2) Việc giáo dục phải nhắm đến tình trạng phát triển trọn vẹn nhân cách của con người và việc củng cố lòng tôn trọng đối với các quyền lợi của con người cùng với các quyền tự do của họ. Nó phải cổ võ việc hiểu biết, lòng dung nhượng và tình hữu nghị nơi tất cả mọi dân nước, mọi nhóm chủng tộc hay tôn giáo, và phải làm phát triển những hoạt động của Liên Hiệp Quốc trong việc bảo trì hòa bình. 3) Phụ huynh có quyền ưu tiên trong việc chọn lựa vấn đề giáo dục cho con em của mình.
27. 1) Hết mọi người đều có quyền tự do tham dự vào sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, hoan hưởng những nghệ thuật và tham phần vào những tiến bộ về khoa học cùng với những tiện ích của nó. 2) Hết mọi người có quyền được bảo toàn những ích lợi luân lý và thể lý phát xuất từ những sản phẩm về khoa học, văn chương hay nghệ thuật mà họ là tác giả.
28. Hết mọi người đều được quyền hưởng trật tự xã hội và quốc tế có thể giúp vào việc hoàn toàn thể hiện các quyền lợi và quyền tự do được phác họa trong Bản Tuyên Ngôn này.
29. 1) Hết mọi người có nhiệm vụ đối với cộng đồng giúp họ có thể hiện thực việc phát triển tự do và trọn vẹn nhân cách của họ. 2) Trong việc hành sử các quyền lợi và quyền tự do của mình, hết mọi người chỉ phải tùy thuộc vào những giới hạn luật định để bảo đảm việc nhìn nhận và tôn trọng những quyền lợi và quyền tự do của người khác, cũng như để đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của luân lý, của phạm vi công quyền cũng như của tình trạng an sinh chung trong một xã hội quân chủ. 3) Những quyền lợi và tự do này không bao giờ được hành sử nghịch lại với những mục đích và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.
30. Không một điều nào trong Bản Tuyên Ngôn này được cắt nghĩa như hàm ý giành cho một Quốc Gia nào, phái nhóm hay con người nào, quyền lợi tham gia vào bất cứ hoạt động hay thi hành bất cứ hành động nào nhắm vào việc hủy hoại bất cứ một quyền lợi và tự do được phác họa ở đây.
Điển hình của những gì Tổ Chức Liên Hiệp Quốc đã nỗ lực để phục vụ Phẩm Giá Con Người liên quan đến Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền, thế giới có thể thấy được, đó là Cuộc Họp Thượng Đỉnh Thiên Kỷ của Liên Hiệp Quốc (United Nations Millennium Summit), một cuộc họp thượng đỉnh đông đảo chưa bao giờ có, với sự góp mặt của 150/159 đại diện các nước hội viên, diễn ra vào ngày 6-8/9/2000 tại Nữu Ước Hoa Kỳ, Tổng Hành Dinh của Liên Hiệp Quốc. Trong cuộc họp thượng đỉnh này, các vị lãnh đạo quốc gia tham dự viên đã quyết định những điều liên quan đến việc phục vụ Phẩm Giá Con Người như sau. Đó là, vào năm 2015, sẽ giảm một nửa số dân chúng trên thế giới đang sống ở mức kiếm được dưới 1 Mỹ kim một ngày; chặn đứng hay đảo ngược lại việc lan truyền khuẩn liệt kháng HIV, khuẩn gây ra Chứng Liệt Kháng AIDS; và đưa hết mọi trẻ em đến học đường.
(Tài liệu nghiên cứu và trích dịch trong bài này được lấy từ Bộ Bách Khoa World Book)
Vấn đề ở đây là tại sao con người đã ý thức được nhân quyền của mình, qua hai văn kiện lịch sử là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ năm 1776, nhất là Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc năm 1948, mà con người vẫn chưa thể sống trong công lý và hòa bình, trái lại, như lịch sử cho thấy, con người chẳng những càng ngày lại càng kỳ thị nhau hơn và xung khắc với nhau hơn bao giờ hết, giữa các chủng tộc với nhau, như ở Âu Châu sau Biến Cố Đông Âu 1989, nhất là ở cuộc Chiến Tranh Trung Đông, giữa các tôn giáo với nhau, như giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo, giữa các chủ nghĩa với nhau, như giữa Tư Bản và Cộng Sản, giữa tôn giáo và văn minh, như giữa Hồi Giáo và Âu Mỹ, mà còn càng ngày càng biến loạn hơn bao giờ hết, với những thứ quyền lợi và quyền hạn được pháp luật chính thức công nhận, như quyền ly dị và phá thai, quyền đồng tính luyến ái và đồng tính hôn nhân v.v. Tại sao? Phải chăng một khi lên đến tuyệt đỉnh văn minh về nhân quyền, con người bắt đầu đi xuống?? Thế nhưng, cái gì sẽ lên thay thế vị trí tuyệt đỉnh nhân quyền này???
Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh
(bài Phát Thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 25, 7/7/2002)
5/1/2004 Thứ Hai
Những gì đang xẩy ra ở Fatima liên quan đến việc kiến thiết ngôi đền thờ mới
Theo tác giả Delia Gallager cho biết từ Rôma qua màn điện toán Zenit ngày 1/1/2004, thì có một số màn điện toán đã chú trọng đến tin tức cho rằng “Fatima trở thành Một Đền Thánh Liên Tôn”. Theo bản tường trình thì vị giám đốc đền thánh này là Đức Ông Luciano Gomes Paulo Guerra cho biết: “Tương lai của Fatima hay việc tôn thờ Thiên Chúa và Mẹ Người ở tại ngôi đền thờ này cần phải theo chiều hướng kiến tạo nên một đền thờ có thể hòa hợp các tôn giáo khùc nhau”.
Đức Giám Mục Serafim de Sousa Ferreira e Silva, giáo phận địa phương Leiria-Fatima, đã gửi 3 trang viễn phóng ảnh bằng tiếng Bồ Đào Nha cho bà Delia đề ngày 28/12/2003. Bức thư của ngài đã làm sáng tỏ tin tức cũng như lời nói của vị giám đốc đền thờ. Vị giám đốc đền thờ đã lên tiếng minh định như sau: “Nếu Chúa muốn, thì chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ kiến thiết một nơi thờ phượng, cho dù bị một số ký giả cho nó giống như là một vận động trường, nhưng thật ra đó là một ngôi thánh đường chứa được 9 ngàn chỗ; nó hoàn toàn giành riêng cho việc tôn thờ của người Công giáo, không ở sát cạnh ngôi đền thờ cũ mà là ở khoảng giữa Cruz Alta và quốc lộ, và trong trường hợp thích thuận … cũng có thể đón tiếp các khách hành hương thuộc các niềm tin khác muốn tham dự theo tình huynh đệ vào đường lối cầu nguyện của chúng ta”.
Về vấn đề tranh luận liên quan đến việc xây cất này, vị giám đốc đặc biệt đề cập tới linh mục Nicholas Gruner, người Gia Nã Đại phổ biến tờ tam nguyệt san The Fatima Crusader thế này: “Chúng tôi tin là bài viết trong Bản Tin Bồ Đào Nha đã được điều khiển bởi một số phần tử thuộc nhóm của linh mục Gruner, vị linh mục đang ở vào tình trạng bất thường theo giáo luật, vị nhấn mạnh tới chiến dịch của mình thiên về việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria theo bí mật Fatima (mặc dù việc hiến dâng này đã được xác nhận đi xác nhận lại là xong rồi) và là vị đã phổ biến trong cuộc hội nghị Tháng 10 của chúng tôi những điều chống lại việc thực hiện và ý hướng của cuộc hội nghị này”.
Linh mục Gruner đã bị Tòa Thánh treo chén từ năm 1996. Nhưng vị linh mục này vẫn cứ lên tiếng phê bình chỉ trích quan điểm của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về vấn đề đại kết, điển hình nhất của sự kiện này được thấy trong một văn bản năm 2000 với lời lẽ thách thức Đức Giáo Hoàng như sau: “Chúng Tôi Dám Chống Thẳng Với Ngài”.Cuộc hội nghị Tháng 10/2003 được tổ chức vào 3 ngày 10-12 bởi Đền Thánh Mẫu Fatima, với chủ đề “Hiện Tại của Loài Người – Tương Lai của Thiên Chúa: Địa Điểm của Các Nơi Thánh với Sự Linh Thánh”. Cuộc hội nghị này cò sự hiện diện của ĐTGM Michael Fitzgerald, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Đối Thoại Liên Tôn; ĐHY José da Cruz Policarpo, Thượng Phụ ở Lisbon; ĐGM Silva, giáo phận địa phương, cha Jazques Dupuis, giáo sư thần học của Đại Học Gregorian Rôma, và Đức Ông Giám Đốc Đền Thánh Mẫu Fatima Guerra.
Vào ngày thứ ba của hội nghị này, các đại diện thuảc Ấn giáo, Phật giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo cũng như Chính Thống giáo và Anh giáo cũng góp tiếng nói. Suốt cả cuộc hội nghị này không hề nói đến vấn đề xây cất ngôi đền thờ mới này. ĐTGM Fitzgerald khi về lại Rôma cho biết ngài lấy làm lạ về nguồn tin đền thờ này được xây cất theo chiều hướng liên tôn: “Theo chỗ tôi biết thì không có vấn đề xây dựng đặc biệt cho mục đích liên tôn. Chúng tôi nhìn nhận rằng Fatima là nơi hành hương cho nhiều tôn giáo. Chính Đức Giáo Hoàng đã nói ở Assisi vào tháng 10/1986 rằng tất cả chúng ta đều là những kẻ hành hương. Như tôi đã nói trong hội nghị ở Fatima là chúng ta cần phải biết cùng nhau hành trình, vì nếu chúng ta tách mình ra là chúng ta làm hại chính mình, nhưng nếu chúng ta cùng nhau bước đi chúng ta có thể giúp nhau tiến đến mục đích Thiên Chúa đã đề ra cho chúng ta”.
Đức Ông Giám Đốc Đền Thánh Mẫu Fatima cũng phát biểu theo chiều hướng của ĐTGM chủ tịch hội đồng tòa thánh này. Vị giám đốc cho rằng những cuộc hiện ra ở Fatima là những lời kêu gọi đối thoại đại kết. Ngài nói Trinh Nữ Maria biết rằng việc Mẹ chọn địa điểm Fatima ở Bồ Đào Nha để hiện ra vì Mẹ biết rằng một ngày kia người ta sẽ hiểu được có liên hệ với người con gái (mang tên Fatima) của vị tiên tri Hồi giáo Mohammed. Ngoài ra vị giám đốc còn cho biết nơi những cuộc hiện ra ở Fatima “tối thiểu là có hai lời kêu gọi ngấm ngầm thực hiện tinh thần đối thoại với những người thuộc các tôn giáo khác”. Chẳng hạn, vào lần hiện ra thứ 3, Thiên Thần Hòa Bình đã cho Lucia lớn nhất rước Mình Thánh, và cho Phanxicô và Giaxinta rước Máu Thánh là việc vốn được phép nơi Chính Thống giáo, trong khi Giáo Hội Công giáo đã bỏ không thực hiện đã lâu: “sú điệp của Thiên Thần Hòa Bình chất chứa một lời kêu gọi là hãy đối thoại đại kết với những Giáo Hội tách lìa khỏi Rôma cả ngàn năm”.
Ngoài ra, vào lần hiện ra thứ nhất, Thiên Thần Hòa Bình đã phục mình cầu nguyện là cử chỉ “giống như của bất cứ niềm tin đạo giáo nào”, một cử chỉ nhắc nhở là “tất cả mọi con người đều là tạo vật của Thiên Chúa và được Ngài yêu thương, và với việc cầu nguyện như thế, chúng ta có thể bảo tồn được việc liên hệ nghiêm cẩn với các tôn giáo khác, như những người thuộc phái bất khả tri, thậm chí với cả thành phần vô thần”.
Luật cấm trở lại Kitô giáo ở Sri Lanka
Bộ Tôn Giáo Vụ nước Sri Lanka đã loan báo là sẽ ra một khoản luật giới hạn những cuộc chuyển giáo. Bởi vì, theo ông bộ trưởng người Ấn giáo là Thiagarajah Maheswaran đã cho báo chí biết khi ông đến thăm Madras, Ấn Độ là “đã có hơn 7 ngàn tín đồ Ấn giáo, từ những khu vực đông bắc và trung phần của nước Sri Lanka, trở lại Kitô giáo trong vòng 10 năm qua. Những cuộc trở lại tăng thêm trong những tháng gần đây, vì những cơ quan nhân đạo quốc tế đã dấn thân tái thiết quốc gia này đã bắt đầu kiến thiết các ngôi thánh đường”.
Lịch sử đã cho thấy Sri Lanka đã bị tàn phá trong hai thập niên qua bởi cuộc đụng độ giữa chính quyền và nhóm phản loạn Tamil Tigers. Trong những ngày gần đây, theo Cơ Quan Tín Liệu Vụ Truyền Giáo, vấn đề trở lại càng trở nên gay go với cái chết của một tăng sĩ Phật giáo là vị đã lãnh đạo cuộc chiến đấu chống những thứ chuyển giáo từ Phật giáo sang Kitô giáo. Theo các vị bác sĩ thì Tăng sĩ Gangodavila Soma Thera đã chết ở Nga vào đầu tháng 12/2003 vì bị đứt mạch máu, song một số Phật tử đã đổ thừa cho Kitô hữu làm tăng thêm căng thẳng giữa hai cộng đồng. Tại Sri Lanka, trong 20 triệu dân, có 70% là Phật tử, 15% Ấn giáo, 8% Kitô giáo (trong đó có 6.7% Công giáo) và 7% Hồi giáo.
Vấn đề tiền bạc với nhà lãnh đạo Saddam Hussein theo báo chí thuật lại
Ông Iyad Allawi, đặc trách vấn đề an ninh thuộc hội đồng quản trị lâm thời Iraq, ở Amman, Jordan, trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm Thứ Ba 31/12/2003, đã tiết lộ những bản tường trình được phổ biến hôm Thứ Hai 30/12/2003 trên hai tờ nhật báo Ả Rập là Asharq Al-Awsat và Al-Hayat rằng
Những điều vấn viên đang tìm hiểu Saddam Hussein từ khi nhà lãnh tụ này bị bắt. Ông này còn cho biết hội đồng quản trị lâm thời đang nắm trong tay những văn kiện có chữ ký của nhà lãnh đạo Saddam Hussein hai tuần trước khi chiến tranh bùng nổ để rút tiền ra. Vấn đề làm thế nào tiền có thể rút ra được sau khi liên quân chiếm thủ đô Baghdad vẫn là chuyện chưa được sáng tỏ.
Theo ông này thì nhà lãnh tụ Saddam Hussein thú nhận là đã đầu tư tiền bạc thụt két của Iraq (số tiền được hội đồng quản trị lâm thời ước lượng khoảng 40 tỉ Mỹ kim) ở Thụy Sĩ, Nhật Bản và Đức, dưới những tên công ty giả mạo. Ông này còn cho biết “việc xử Saddam Hussein sẽ không thă công khai vì hắn có thể nêu tên các quốc gia và những người đã được hắn trao tiền cho”.
Ông Allawi ước lượng số những tay “khủng bố từ hải ngoại đang thi hành những cuộc tấn công ở Iraq” lên tới trên 5 ngàn.
Mỹ: Đột Kích vào Ổ Vũ Khí Khủng Bố – Iraq: Mỹ hạ nhục Đền Thờ Hồi GiáoVào ngày Thứ Tư 31/12/2003, quân đội liên minh, căn cứ vào hồ sơ nắm trong tay, đã đột kích vào đền thờ Ibn Taymiyah ở miền tây nam thủ đô Baghdad, họ đã tìm thấy một số lớn vũ khí và bắt giữ 32 người. Tướng Mark Kimmitt đã cho biết như thế.
Hôm Thứ Sáu, 2/1/2004, trong cuộc xuống đường biểu tình chống lại việc Hoa Kỳ chiếm đóng ở Iraq, những người Hồi Giáo phái Sunnis là phái Hồi giáo của nhà lãnh đạo Saddam Hussein tố cáo liên quân đã xé nát các trang Sách Koran. Một số người biểu tình dã hô hoán rằng: “Bush, ông là ma quỉ. Chúng tôi là binh lính của Allah”. Một người khác cho biết: “Chắc chắn là vấn đề thù hằn oán ghét chính phủ Mỹ sẽ tăng lên. Quí vị nghĩ sao về một dân tộc bị chiếm đóng có những nơi thánh bị những người Mỹ chà đạp đây?”
Tướng Kimmi cho biết liên quân đã cố gắng tinh tế về vấn đề tôn giáo này bằng việc theo nhân viên thuộc Lực Lượng Bênh Vực Dân Sự Iraq cũng như theo cảnh sát Iraq vào nơi thờ phượng. Vị tướng này còn nói “đền thờ này rõ ràng là được sử dụng cho những hoạt động tội ác, khủng bố và chống liên quân”. Liên quân đã tịch thu được trong đền thờ này những chất nổ, TNT, những thuốc súng, lựu đạn, giây nổ, nhưnõg súng máy AK-476, các thứ quân nhu, cùng những chất liệu để làm những loại bom nhỏ thường dùng tấn công các đoàn xe của liên quân.
Trong khi đó, những nhà lãnh đạo đền thờ này mời nhóm CNN vàp đền thờ hôm Thứ Sáu để cho họ xem những gì quân nhân Hoa Kỳ đã làm, trong đó có một cuốn Sách Koran bị hư hại, món quà tặng cho đền thờ này từ nguyên Tổng Thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser.
Một vị lãnh đạo của đền thờ này cho biết: “Họ đã xé rách sách của Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ xé tan thây họ ra. Họ đã chà đạp sách của Thiên Chúa dưới chân. Họ lấy lý về vũ khí nhưng họ lại chẳng thấy vũ khí gì cả ngoài Sách Koran và đã xé cuốn sách này ra”. Những nhà lãnh đạo đền thờ này yêu cầu thả những người bị bắt nhốt ra: “Nếu họ không thả thành phần bị giam nhốt ra, những người Hồi Giáo Sunnis sẽ đánh đuổi Mỹ và sẽ đánh Mỹ khắp nơi.
Vị lãnh đạo khác của đền thờ này phủ nhận việc những người Hồi Giáo Sunnis của đền thờ này sử dụng võ lực chống lại việc hiện diện của người Hoa Kỳ: “Chúng tôi đã ngập đầy những chán chường từ khi lực lượng Hoa Kỳ tới, và chúng tôi tìm cách đẩy lui họ. Nhưng chúng tôi thường không sử dụng phương pháp quân sự ở đền thờ này. Nó chỉ là những lời kêu gọi hiệp nhất người Hồi Giáo Sunnis để giải quyết các vấn đề của họ mà thôi”.
Vị lãnh đạo này cũng tố cáo các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ là tỏ ra tức giận với những người Hồi Giáo Sunnis là thành phần đang cố gắng thiết lập một quyền bính tôn giáo, giống như những người Hồi giáo Shiite (chiếm 60% dân số Iraq) đã làm.
4/1 Chúa Nhật Lễ Hiển Linh
Ngôi Sao của Người – Dấu Chỉ Thời Đại
Đầu Mùa Vọng ngày 30/11/2003, Giáo Hội Công Giáo đã tiến sang một năm phụng vụ mới, và Chúa Nhật tuần này, 4/1/2004, Lễ Hiển Linh, chúng ta đã chính thức bước vào một năm Dương Lịch mới của Kitô giáo, năm 2004 kể từ khi Chúa Kitô Giáng Sinh. Theo Lịch của dân tộc Do Thái, một dân, theo giả phả của Chúa Giêsu được Thánh Ký Luca ghi nhận ở đoạn 3 từ câu 23 đến 38, một gia phả được kể ngược lên tới thời nguyên tổ Adong, thì năm 2004 này là năm 5764. Chúng ta thấy được chi tiết về số năm theo Do Thái Giáo này được thấy trong bản tuyên ngôn chung giữa Giáo Hội Công Giáo và Do Thái Giáo. Thật vậy, sau ba ngày họp ở Giêrusalem, giữa phái đoàn đại biểu Tôn Sư Trưởng Do Thái Liên Hệ với Giáo Hội Công Giáo và Uỷ Ban của Tòa Thánh về Liên Hệ Tôn Giáo với Những Người Do Thái, Ủy Ban Chung này đã đúc kết bằng một bản tuyên ngôn chung được ký hôm Thứ Tư 3/12/2003, trong đó, ở ngay đoạn đầu tiên có câu như thế này:
“1. Sau hai cuộc họp, ở Giêrusalem (Tháng 6 năm 2002, hay Tháng Tammuz năm 5762) và ở Grottaferrata/Rôma (Tháng 2 năm 2003, hay tháng Shvat năm 5763), những vị đại biểu cao cấp đương nhiệm đã tụ họp ở Giêrusalem để bàn đến đề tài ‘Tính Cách Thuận Hợp của Các Giáo Huấn Chính Yếu – Những Cuốn Sách Thánh Chúng Ta Dùng Để Chia Sẻ Với Xã Hội Hiện Đại và Để Theo Đó Giáo Dục Các Thế Hệ Tương Lai’”.
Lịch Kitô Giáo kể từ khi Chúa Kitô Giáng Sinh, lịch Do Thái Giáo kể từ khi Thiên Chúa Hóa Công dựng nên loài người, cũng là lúc bắt đầu Lịch Sử Cứu Độ, lịch sử được bắt đầu bằng lời Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế cho loài người sa phạm. Bài Phúc Âm Chúa Nhật Hiển Linh đã cho chúng ta thấy loài người, qua ba vị chiêm tinh vương dân ngoại đã được thấy ơn Thiên Chúa cứu độ, được thấy Đấng Cứu Thế.
Vấn đề được đặt ra liên quan đến Lễ Hiển Linh cũng gọi là Lễ Ba Vua ở đây là trong khi các nhà thông thái của Dân Do Thái, căn cứ vào việc truy tầm Sách Thánh, biết được rõ ràng Chúa Kitô thực sự sinh ra ở đâu, “ở Bêlem xứ Giuđêa” (Mt 2:5), và đã tâu lên quận vương Hêrôđê như ông hỏi, nhờ đó Ba Vua Dân Ngoại lạc vào thành Gialiêm bấy giờ mới biết được nơi Chúa Kitô sinh ra để đến triều bái Người nhu lòng họ mong ước, thì tại sao chính dân Do Thái lại không đến với Người, mà Ba Vua Phương Đông không hề được mạc khải gì về Người trước đó, như trường hợp Dân Do Thái theo giòng lịch sử cứu độ của họ, lại nhận ra ngôi sao của Người mà đến với Người? Phải chăng thông Thánh Kinh cũng chưa chắc đã nhận ra và gặp được Chúa Kitô, trái lại, chỉ cần có một tầm mức hiểu biết thường thức, như Ba Vua biết coi điềm trời là ngôi sao lạ, cộng với yếu tố quan thiết thiện tâm nữa là có thể gặp được Người. Ở đây, qua trường hợp các vị chiêm tinh vương thành tâm này tìm đến với Hài Vương Do Thái Giêsu, chúng ta nhận thấy hết sức rõ ràng là, khoa học dẫn các vị đến đức tin chứ khoa học không phản lại đức tin, như nơi một số khoa học gia ngày nay, hay như phi hành gia người Nga sau chuyến thám hiểm không gian ngay từ đầu khi trở về đã tuyên bố chẳng thấy Thiên Chúa đâu cả.
Tuy nhiên, làm sao các vị chiêm tinh vương này lại có thể biết được Hài Vương Do Thái qua hiện tượng “ngôi sao của Người”, và làm thế nào các vị lại có thể kết luận được rằng ngôi sao ấy chính là dấu chỉ thời đại chắc chắn cho biết Hài Vương Do Thái thực sự đã ra đời để các vị nhất định bỏ quê hương xứ sở xa xôi của mình, lên đường một cách mệt nhọc và vất vả, hầu tìm đến triều bái Người cho bằng được, một thái độ triều bái cung kính được thể hiện cụ thể bằng việc các vị hiến dâng lên Người các thứ lễ vật khác nhau xứng hợp với thân thế và ngôi vị của Người? Tại sao vào thời ấy cũng có nhiều chiêm tinh gia trên thế giới, như ở Trung Hoa, Ấn Độ, Ai Cập và Hy Lạp là những nước có nền văn hóa cổ kính nhất lịch sử loài người, lại không nhận ra dấu chỉ thời đại cứu độ đã đến qua việc xuất hiện “ngôi sao của Người”?
Tuy không thể hiểu được những gì đã xẩy ra, những lập luận hay suy đoán hoặc lý do trong đầu óc của ba vị chiêm tinh vương này liên quan đến các vấn đề được nêu lên trên đây, chúng ta cũng thấy rằng, lời Chúa Giêsu tuyên bố với tổng trấn Philatô được hoàn toàn ứng nghiệm: “Ai tìm kiếm chân lý thì nghe thấy tiếng của Tôi” (Jn 18:37) nơi trường hợp của ba vị chiêm tinh vương ấy. Bởi vì, ba vị chiêm tinh vương đã là những dấu chứng thực lời kêu gọi dọn đường lối cho ngay thẳng của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả để có thể thấy được ơn cứu độ. Đúng thế, nếu ba vị chiêm tinh vương này thực sự đã gặp được Hài Vương Do Thái, tức đã thấy được ơn cứu độ, thì phải hiểu là các vị đã có một lương tâm chân chính, bao gồm một tấm lòng không có hố sâu tham vọng, một tinh thần không có đồi cao tự phụ, một đời sống không có những mưu đồ quanh co gian dối hay có những hành động gồ ghề lấn át tha nhân. Chính vì luôn sống trong sự thật theo lương tâm ngay thẳng của mình, tức sống theo đúng lề luật tự nhiên được Thiên Chúa Hóa Công an bài theo thượng trí và tình thương yêu của Ngài, một thứ lương tâm và lề luật là đường lối chắc chắn dẫn con người đến với chân lý, đến với Chúa Kitô, Lời Nhập Thể, Mạc Khải Thần Linh, mà ba vị chiêm tinh vương này đã gặp được Chân Lý và đã tỏ thái độ hoàn toàn tôn phục Chân Lý, dù Chân Lý ấy, bấy giờ, trước mắt các vị, chỉ là một hài nhi bé nhỏ đầy yếu đuối nằm trong đôi cánh tay của một người mẹ, bằng cử chỉ phục mình thờ lậy Người và dâng lên Người các lễ vật quí giá nhất của mình.
Trong đời sống tu đức cũng vậy, Thiên Chúa, qua Thánh Thần của Ngài, vẫn tiếp tục tỏ mình cho Kitô hữu chúng ta, cho đến khi Chúa Kitô là Đầu đạt đến tầm vóc viên trọn của Người nơi chúng ta (x Eph 4:13,15). Thế nhưng, chúng ta có biết nhận ra dấu chỉ thời đại là những gì Ngài muốn tỏ ra cho chúng ta hay chăng để kịp thời đáp ứng tiếng gọi của Ngài hay ý muốn của Ngài? Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thực sự nhận ra dấu chỉ thời đại sau lần Ngài bị ám sát thoát chết tại công trường Thánh Phêrô hôm 13/5/1981, ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima lần đầu tiên trước đó 74 năm. Không phải Ngài chỉ nhận ra dấu chỉ thời đại ở chỗ thoát chết trong vụ ám sát bởi một tay sát thủ quốc tế lành nghề này, mà còn tỏ ra hành động đáp ứng ý định của Thiên Chúa qua dấu chỉ thời đại ấy nữa. Ở chỗ, Ngài đã đọc lại Bí Mật Fatima, rồi sang tận Fatima vào ngày 13/5/1982 để tạ ơn Đức Mẹ đã cứu sống Ngài và đã hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, một việc Ngài đã lập lại một lần nữa vào ngày Lễ Mẹ Thai Lời 25/3/1984, sau khi đã viết thư kêu gọi các vị giám mục trên thế giới hợp với Ngài trong việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria đúng như ý Chúa muốn và cách Chúa muốn, những gì đã được Mẹ Maria tỏ cho chị Lucia biết ngày 13/6/1929 ở tu viện thuộc thành Tuy nước Tây Ban Nha và là những gì đã được chị Lucia viết trình lên Đức Thánh Cha Piô XII từ ngày 24/10/1940. Thiên Chúa, qua việc hiến dâng Nước Nga một cách đúng như những gì Ngài muốn này, Thiên Chúa đã thực sự “thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới” (Bí Mật Fatima phần 2), bằng việc làm cho “Nước Nga trở lại” vào đúng ngày Lễ Giáng Sinh 25/12/1991, ngày Tổng Thống Gorbachev chính thức từ chức, và lá cờ cộng sản tại Điện Cẩm Linh bị hạ xuống.
Hôm 16/12/2003, tôi nhận được hai điện thư, cả hai về tai nạn xe hơi, một chết và một thoát chết một cách lạ lùng. Sau đây là điện thư của người thoát chết một cách lạ lùng và những gì tôi chia sẻ với họ:
Chào tất cả mọi người,
Xin cầu nguyện cho tôi. Tôi đang bị những thương tích ở đầu và đau đớn mình mẩy gây ra do cuộc đụng xe đêm hôm qua trên xa lộ 5 khi đi làm về. Một phụ nữ đã đâm vào đằng sau xe của tôi. Sau những vòng xoay tròn và đâm vào tường, vào những bờ chắn bằng sắt và vào cây cối… xe của tôi đã bị văng ra khỏi xa lộ… Chiếc xe hoàn toàn bị hư hoại nhưng nhờ ơn Chúa tôi vẫn còn sống sót… có thể đây là dấu hiệu và là cơ hội Ngài đã ban cho tôi… Cảnh Sát Tuần Canh Xa Lộ và cơ quan chữa lửa lấy làm ngạc nhiên khi thấy tôi bị xô sát như thế mà vẫn còn sống… Xin cầu nguyện cho tôi để tôi qua cơn hoạn nạn này… Đa tạ tất cả mọi người!!!
F.X. TPT
T. rất quí mến,
Hôm nay mình sẽ cầu nguyện cho T. bằng 50 Kinh Mân Côi và nhớ đến T. trong Thánh Lễ chiều nay, như cũng đọc riêng cho Trưởng Antôn V. đoàn El Monte, người vừa qua đời vì tai nạn xe hơi, một chuỗi Mân Côi khác. Những điện thư của TNF chúng ta hôm nay, một tin qua đời vì tai nạn xe hơi và một tin tai nạn xe hơi thoát chết. Tất cả đều là những hiện sủng (là ơn đánh động trong giây phút hiện tại) Thiên Chúa muốn nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng Chúa đến với mỗi người chúng ta bất cứ lúc nào, chúng ta phải sửa soạn chờ đón Ngài luôn. Cuộc đời trần gian hết sức mau qua ngắn ngủi của chúng ta thật sự là một Mùa Vọng trông đợi Chúa. Chúng ta hãy sống làm sao để bất cứ lúc nào cũng có thể thưa với Ngài rằng: Lạy Chúa, này con đây, con đang trông chờ Chúa, con đang khao khát Chúa, con đang tìm kiếm Chúa, xin Chúa đến cứu con, để con được đời đời ở cùng Chúa. Chúng ta muốn làm gì thì làm, muốn có gì thì có, dù có được cả thế gian này đi nữa, giầu sang, danh vọng, trường thọ, quyền thế v.v., nhưng nếu cuối cùng chúng ta mất Chúa, tất cả cũng chỉ là hư không mà thôi. Nếu thực sự chúng ta tin có đời sau, thì chúng ta đang tìm kiếm gì ở đời này, chúng ta có đang thẳng tiến về đời sau hay chăng, chúng ta đang ở đâu trong cuộc Hành Trình Đức Tin về Trời này? Đó là lý do hằng ngày chúng ta phải thiết tha cầu xin với Mẹ Maria chuyển cầu cho chúng ta được ơn chết lành: "Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời. Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen".
LỜI đã hóa thành nhục thể, là ánh sáng chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian. Tất cả mọi dấu chỉ thời đại, như ngôi sao dẫn đường cho ba nhà đạo sĩ Ðông Phương, chỉ có khả năng dẫn con người đến với Thiên Chúa, nếu nó hợp với Mạc Khải Thần Linh, hợp với Thánh Kinh. Và để nhận ra Chúa Kitô, người ta cần phải nhận ra Dấu Chỉ Maria, như Ba nhà đạo sĩ thấy Mẹ Maria thì phục xuống bái thờ Hài Nhi.
Ôi Maria Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội, Rạng Đông của Mặt Trời Công Chính là Chúa Kitô. Ba vị chiêm tinh vương dân ngoại đã nhận ra Hài Vương Giêsu là vì có Mẹ ở với Người. Bởi thế, xin Mẹ cho chúng con luôn ý thức được rằng, Nếu Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan, toàn năng và toàn thiện đã đến với loài người chúng con qua Mẹ thì chúng con cũng phải nhờ Mẹ để đến với Người. Amen
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
“Nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương… chúng tôi đến để triều bái Người”
Cử Hành Mầu Nhiệm Mân Côi Lễ Hiển Linh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêô.
Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà Đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giêrusalem. Các ông nói: “Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏœi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”. Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà Đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài nhi, rồi khi đã gặp thấy hãy báo tin lại cho trẫm, để cả trẫm cùng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy bà Maria mẹ Người, và họ đã quì gối xuống, sụp lạy Người. Rồi mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo “đừng trở lại với Hêrôđê”, họ đã qua đường khác, trở về xứ sở mình.
Nhận Thức Dẫn Nhập:
Bài Phúc Âm Chúa Nhật Lễ Hiển Linh cũng gọi là Lễ Ba Vua chẳng những là một biến cố lịch sử mà còn là một mầu nhiệm thần linh nữa, một mầu nhiệm cần phải được sâu xa chiêm niệm và long trọng cử hành. Mầu nhiệm Hiển Linh được bài Phúc Âm trình thuật lại là ở chỗ, dù không phải là dân Do Thái, tức không phải là thành phần được Thiên Chúa tỏ mình Ngài ra cho họ biết như Ngài đã tỏ mình ra cho dân Do Thái trong thời Cựu Ước theo giòng Lịch Sử Cứu Độ, các nhà đạo sĩ Đông phương dân ngoại vẫn có thể biết được Vua Do Thái mới sinh ra qua hiện tượng “ngôi sao của Người”. Các vị đạo sĩ Đông phương này chẳng những đã tin tưởng chắc chắn “ngôi sao của Người” này chính là dấu hiệu báo “Vua dân Do Thái đã sinh ra”, mà còn, thể hiện lòng tin tưởng vững chắc của mình ra, bằng việc các vị đã liều lĩnh bỏ quê hương xứ sở xa xôi của mình, nhất định lên đường, bất chấp mệt nhọc và vất vả, cho đến khi tìm đến triều bái Người cho bằng được, một thái độ triều bái cung kính được thể hiện cụ thể qua các thứ lễ vật khác nhau được các vị hiến dâng cho Người, hợp với thân thế và ngôi vị của một Vị Vua Do Thái.
Thứ Nhất: ”Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà Đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giêrusalem. Các ông nói: ‘Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người’”.
Suy Niệm: Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, con người có thể nhận ra Thiên Chúa hiện hữu bằng lý trí tự nhiên của mình. Tuy nhiên, để có thể biết được Ngài thực sự như thế nào, con người cần phải được chính Ngài đích thân tỏ mình ra cho. Thiên Chúa đã thực sự tỏ mình Ngài ra qua dân Do Thái trong giòng Lịch Sử Cứu Độ của họ đã được ghi lại trong Thánh Kinh của họ, phần Thánh Kinh được Kitô giáo gọi là Cựu Ước. Đó là lý do ba nhà đạo sĩ thông thiên văn học, cho dù có thấy dấu hiệu thần linh, thấy “Ngôi sao của Người”, nhưng vẫn không thể tìm ra Người nếu không ghé vào thành Giêrusalem tham khảo Thánh Kinh của người Do Thái.
Lần Hạt: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh
Cầu Xin: Lạy Hài Nhi Giêsu Vua Dân Do Thái, nhờ lời Mẹ Maria chuyển cầu, xin Chúa ban cho các khoa học gia, các triết gia và các bộ óc cho mình là khôn ngoan thông thái, được một tâm hồn khiêm hạ, trong khi nghiên cứu học hỏi các khoa học tự nhiên, cũng biết thành tâm thiện chí tìm kiếm chân lý thần linh, một thực tại siêu việt nhưng đã được tỏ hiện qua các kỳ công thiên nhiên cũng như qua các biến chuyển của lịch sử loài người.
Thứ hai: “Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: ‘Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa…’”.
Suy Niệm: Trong khi dân ngoại, hiện thân qua ba nhà Đạo Sĩ Đông phương, ở xa, song nhờ kiến thức tự nhiên và thành tâm thiện chí khao khát chân thiện mỹ, đã nhận ra Chân Lý tỏ hiện là Vua Do Thái hạ sinh và tìm đến với Người, thì dân Do Thái hằng trông đợi Người đến lại chẳng hay biết gì về biến cố trọng đại Người sinh ra này, ngoại trừ một số mục đồng nghèo hèn đơn sơ đến thờ lạy Người trong Đêm Giáng Sinh. Cho dù các thần trời có hiện ra báo cho họ biết về việc Đấng Cứu Thế đã giáng sinh như đã báo cho các mục đồng, chưa chắc gì thành phần ở trong thành Giêrusalem sang trọng và quyền thế này đã mau mắn đến thờ lạy Người như các mục đồng vô danh tiểu tốt, vì họ đã thừa biết điều này qua Thánh Kinh của họ, đã được các vị tiên tri tiên báo cho họ rồi.
Lần Hạt: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh
Cầu Xin: Lạy Hài Nhi Giêsu Giáng Sinh tại Bêlem xứ Giuđa, nhờ lời Mẹ Maria chuyển cầu, xin Chúa ban cho dân tộc đã được Chúa tuyển chọn để tỏ mình ra cho trong thời Cựu Ước, cũng như cho thành phần thông thuộc Thánh Kinh, ý thức được rằng không phải thông thuộc Thánh Kinh là có thể nhận ra Đấng Thiên Sai, trái lại, họ còn phải hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ nữa họ mới được vào Nước Trời, tức mới có thể nhận ra hay mới có thể chấp nhận một Vị Thiên Chúa hóa thân làm người vô cùng hèn hạ, một Thiên Chúa không sinh ra ở đền đài vua chúa sang trọng lộng lẫy, được cung phụng hầu hạ, tức là một Thiên Chúa không được hoàn toàn đúng như ý nghĩ và lòng mong ước của con người về Ngài.
Thứ ba: “Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà Đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: ‘Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài nhi, rồi khi đã gặp thấy hãy báo tin lại cho trẫm, để cả trẫm cùng đến triều bái Người’”.
Suy Niệm: Nếu Vua Hêrôđê không tin là Hài Nhi Giêsu là Vua Do Thái mới sinh như ba Nhà Đạo Sĩ Đông Phương nói thì ông đã không có âm mưu sát hại Người, vì ông cho rằng những lời của ba kẻ thuộc dân ngoại này là những gì bày tạo, và Vua Dân Do Thái ấy đâu còn ai khác ngoài chính bản thân ông. Tuy nhiên, ông đã chấp nhận việc Vua Do Thái mới sinh đúng là sự thật, là một biến cố có thật, vì biến cố này đã hoàn toàn ứng nghiệm lời Thánh Kinh. Tuy nhiên, dù tin Thánh Kinh và chấp nhận sự thật về Vị Vua Do Thái Hạ Sinh, ông chẳng những không cùng với ba nhà Đạo Sĩ đến triều bái Người, trái lại, còn âm mưu sát hại Người nữa. Ông tỏ ra hoảng sợ chỉ vì ông cảm thấy ngai báu của ông có thể sẽ bị chiếm đoạt bởi một Vị Vua Do Thái mới xuất hiện, một vị vua thu hút được cả đám dân ngoại từ phương xa tới.
Lần Hạt: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh
Cầu Xin: Lạy Hài Nhi Giêsu Cứu Thế, nhờ lời Mẹ Maria chuyển cầu, xin Chúa ban cho các nhà lãnh đạo quốc gia và quốc tế biết ý thức được rằng, quyền bính họ nắm trong tay là do bởi Thiên Chúa, phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng là Chúa cả càn khôn và là Chủ tể lịch sử, và họ chỉ là thành phần quản lý đóng vai trò làm thừa tác viên thi hành những gì Ngài muốn trong việc mưu cầu công ích cho loài người và xây dựng cho Ngài một thế giới công chính trong tình đoàn kết yêu thương.
Thứ bốn: “Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy bà Maria mẹ Người, và họ đã quì gối xuống sụp lạy Người”.
Suy Niệm: Tất cả những gì hợp với Mạc Khải Thần Linh đều là những gì chân thật và vững chắc dẫn con người đến với Thiên Chúa, đến với Sự Thật Tối Cao là Chúa Giêsu Kitô. Đó là lý do, sau khi ra khỏi thành Giêrusalem, tức sau khi được Thánh Kinh của người Do Thái cho biết là Vua Dân Do Thái giáng sinh ở Bêlem, “Ngôi sao của Người” lại xuất hiện để dẫn họ đến tới đúng nơi họ muốn tới. Tuy nhiên, khi tới nơi, họ đã gặp Mẹ của Người trước, rồi từ đó họ mới nhận ra Vua Do Thái mới sinh bởi người mẹ này.
Lần Hạt: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh
Cầu Xin: Lạy Hài Nhi Giêsu quả phúc của lòng Mẹ Maria, nhờ lời Mẹ Maria chuyển cầu, xin Chúa cho Kitô hữu chúng con ý thức được rằng, nếu Chúa là Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan thượng trí, toàn thiện và toàn năng mà còn qua Con Đường Maria đến với loài người phàm nhân chúng con, thì chúng con cũng chẳng những không được coi thường Mẹ mà còn phải nhờ Mẹ đến với Chúa: Mẹ chính là Điểm Hẹn Thần Linh, là nơi Thiên Chúa đã hẹn hò để gặp gỡ loài người, đến nỗi, một khi chúng con đến với Mẹ là chúng con chắc chắn gặp được Chúa Giêsu, quả phúc của lòng Mẹ.
Thứ năm: “Mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo ‘đừng trở lại với Hêrôđê’, họ đã qua đường khác, trở về xứ sở mình”.
Suy Niệm: Sau khi đã nhận ra Vua Dân Do Thái nơi Mẹ của Người, ba Nhà Đạo Sĩ đã thể hiện lòng tin tưởng thật sự của mình vào Người bằng việc hiến dâng lên Người những lễ vật xứng hợp với phẩm vị, với vai trò và với số phận của Người: Họ đã hiến dâng lên Người vàng như để tôn nhận Người là Vua trên hết các vua; họ đã hiến dâng lên Người nhũ hương vì Người là Vị Thượng Tế thánh thiện đại diện cho loài người trước thánh nhan Thiên Chúa; và họ đã hiến dâng lên Người mộc dược, vì Người là Ngôn Sứ của Thiên Chúa sẽ bị Tử Nạn bởi lòng gian ác của loài người sát hại.
Lần Hạt: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh
Cầu Xin: Lạy Hài Nhi Giêsu là Hoàng Vương, là Thượng Tế và là Ngôn Sứ, nhờ lời Mẹ Maria chuyển cầu, xin Chúa cho Kitô hữu chúng con ý thức được rằng, một khi chúng con đã tin nhận Chúa Giêsu Kitô thực sự là Lời Nhập Thể, là Thiên Chúa Làm Người, nhờ đó, qua Bí Tích Rửa Tội, chúng con đã được Người ban cho quyền làm con cái Thiên Chúa, chúng con còn phải sống xứng đáng với ơn gọi làm con Thiên Chúa của mình, theo vai trò vua chúa, tư tế và ngôn sứ của mình nữa, bằng việc làm chủ thế gian chứ không phải làm nô lệ cho đam mê nhục dục, bằng cách sống thánh thiện, làm mọi sự theo Thánh Ý Chúa, chứ không phải theo ý riêng mình, và bằng việc làm chứng cho chân lý theo tinh thần Phúc Âm, chứ không trở thành như một cái đèn được thắp sáng rồi đặt ở dưới đáy thùng.
Tổng Nguyện: Biến cố Hiển Linh, biến cố Thiên Chúa Làm Người tỏ mình ra cho Dân Ngoại khi Người bắt đầu vào trần gian, đã hoàn toàn ứng nghiệm dự án cứu độ của Thiên Chúa Hóa Công ngay từ ban đầu, khi Người hứa với hai nguyên tổ sa phạm là Người sẽ cứu độ loài người bằng việc sai Đấng Cứu Thế đến với họ. Nhờ lời Mẹ Maria chuyển cầu, xin dự án cứu độ của Chúa Hiển Linh nơi Kitô hữu chúng con cho Nước Cha muôn đời trị đến. Amen.
Kết: Hát một bài hợp với ý nghĩa của Lễ Hiển Linh.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, biên soạn cho TNF cử hành Thứ Bảy Đầu Tháng 3/1/2004, dịp Mừng Tân Niên Giáp Thân (22/1/2004), tại giáo xứ Saint Thomas Moore, North Hollywood
Văn Minh Khoa Học
Trước hết, về văn minh khoa học phải nói là đã được bắt đầu từ thiên kỷ thứ hai, một thứ văn minh chẳng những bao gồm các thành quả về sáng chế kỹ thuật mà nhất là còn phát xuất từ chính những khám phá kỳ diệu này nữa. Cho tới cuối thế kỷ 16, bản đồ thế giới mới chỉ có một đại địa lục, trong đó có ba châu, Châu Á, Châu Phi và Châu Âu. Nếu nói đến Á Châu là nói đến đạo giáo thế nào thì nói đến Âu Châu là nói đến khoa học như thế. Trong một ngàn năm qua, chung lịch sử của con người và riêng lịch sử của Âu Châu, về phương diện văn minh khoa học liên quan đến những khám phá quan trọng và khẩn thiết để nhờ đó thế giới mới có thể đi đến giai đoạn kỹ thuật tối tân tiến ngày nay, đã đi từ thời vô thức (dark age), qua thời phục hưng (renaissance), sang thời minh tri (enlightenment).
Thật ra, nếu văn minh khoa học làm nên bởi những khám phá khoa học mới bắt đầu nẩy mầm và phát triển hoàn toàn trong thiên kỷ thứ hai thì kiến thức khoa học đã có từ xa xưa, phải nói là đã có ngay từ khi con người bắt đầu hiện hữu trên trái đất này. Bởi vì con người là một con vật có lý trí, không thể nào không tìm tòi và khám phá về chính bản thân mình cũng như về thiên nhiên chung quanh mình, để có thể sống còn, vượt thoát, vươn lên và làm chủ trái đất đúng như bản chất cùng vai trò “linh ư vạn vật” của mình.
Lịch sử đã cho thấy các nền văn minh tối cổ (trên cả 1000 năm BC), như ở Á Châu có văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ, và ở Phi Châu có văn minh Ai Cập. Ngoài ra, còn phải kể đến hai nền văn minh trung cổ (dưới 500 năm BC) ở Âu Châu, đó là văn minh Hy Lạp và văn minh Rôma, hai nền văn minh có tính cách thiên về khoa học và kỹ thuật hơn đạo giáo và xã hội, đã ảnh hưởng đến hầu hết miền Nam Âu và Trung Đông. Trong hai nền văn minh trung cổ ở Âu Châu này, văn minh Rôma thiên về kỹ thuật, như về kiến trúc, thì văn minh Hy Lạp thiên về kiến thức khoa học, kể cả khoa triết học. Khoa học và kỹ thuật, hai đặc tính nổi bật và chuyên biệt của chung Âu Châu cũng như của các dân tộc Châu Âu, đã được bắt nguồn từ hai nguồn văn minh trung cổ này là như thế. Và theo tiến trình phát triển, kiến thức khoa học đã từ từ trở thành văn minh khoa học như sau.
Kiến thức khoa học đầu tiên là kiến thức về y dược, với tư tưởng đầu tiên được phát xuất từ Hippocrates, một y sĩ người Hy Lạp, một nhân vật vào khoảng 400 BC cho rằng bệnh tật là do thiên nhiên gây ra hơn là do thần linh. Sau đó, một y sĩ Hy Lạp thời danh khác là Galen hành nghề ở Rôma vào khoảng 100 BC, rút kinh nghiệm từ những cuộc thí nghiệm trên các con vật, đã phác ra các thuyết về thân thể học, bệnh lý học và thể lý học, những lý thuyết đã ảnh hưởng ngành y khoa cả gần 1500 năm.
Kiến thức khoa học thứ hai là kiến thức về toán học. Hầu hết ý niệm về hình học còn được giảng dạy tại các học đường hiện nay là do công hệ thống hóa của triết gia người Hy Lạp tên là Euclid vào khoảng 300 BC.
Kiến thức khoa học thứ ba là kiến thức về vũ tru.ỉ Kiến thức khoa học về vũ trụ nhân loại có được này bắt nguồn từ tư tưởng của nhà thiên văn Ptolemy người Hy Lạp sống ở Alaxandria Ai Cập khoảng năm 150 BC, một ý niệm cho rằng các hành tinh trên bầu trời quay chung quanh trái đất. Dù ý niệm về thiên văn này sau này mới thấy được là hoàn toàn sai, nhưng nó cũng đã tồn tại mãi cho đến thế kỷ thứ 16 AD và đã giúp cho các nhà thiên văn xưa tiên đoán được những cuộc nhật thực hay nguyệt thực, cũng như đã định được vị trí của các hành tinh trên bầu trời.
Tuy nhiên, những kiến thức khoa học này, nhất là việc tìm tòi khai phá thêm về lãnh vực này, đã bị đẩy lui vào thời tối tăm vô thức (Dark Age) bởi các biến cố chính trị xẩy ra cho Đế Quốc Rôma nói chung vào cuối thế kỷ thứ tư, khi Đế Quốc chia thành Tây Phương và Đông Phương, với kết quả là phần Đế Quốc bên Tây Phương vào giữa thế kỷ thứ năm bị các sắc dân Đức xâm chiếm, và kiến thức khoa học đã bị lấn át bởi kiến thức thần học Trung Cổ (Middle Ages). Thế nhưng, cũng chính vào Trung Cổ này, một số phát minh về kỹ thuật đã xuất hiện để bắt đầu góp phần vào việc mở màn cho một nền văn minh khoa học, chẳng hạn như phát minh lưỡi cầy (moldboard plow) để trồng cấy ở Bắc Âu, phát minh đồng hồ động cơ (mechanical clock), phát minh dùng bánh quay nước (water wheels) và dùng cánh xoay gió (windmills).
Trong thế kỷ 12, các kiến thức khoa học của Hy La, những kiến thức được chuyển dịch sang tiếng Ả Rập rồi được lưu giữ và phát triển ở Ả Rập vào Thời Âu Châu Tăm Tối, lại được phục hưng (Renaissance) và được chuyển dịch sang ngôn ngữ học thức của Tây Phương bấy giờ là tiếng Latinh. Thời phục hưng này được phát triển bởi những bộ óc thực tiễn theo truyền thống Rôma hơn là thuần thức theo truyền thống Hy Lạp. Một trong những nhân vật tiên phong cho ngành khoc học kỹ thuật thực nghiệm này phải kể đến Niccolo Tartaglia ở Milan Nước Ý vào đầu thế kỷ 16, người đã tự thí nghiệm (thay vì căn cứ vào sách vở) để trả lời cho vị lãnh chúa ở Milan đang muốn biết nòng súng đại bác phải đặt nằm thế nào để có thể chứa được nhiều thuốc súng nhất, rằng nó phải được đặt nằm theo góc 45%. Thí nghiệm đầu tiên này cho thấy nơi khoa học quan sát đi trước lý thuyết theo sau, và cũng là thí nghiệm mở màn cho những tìm tòi khoa học sau đó.
Cũng trong thời phục hưng khoa học này, lịch sử khoa học đã đánh dấu một cuộc cách mạng khủng khiếp với sự xuất hiện của Nicolaus Copernicus ở Balan, nhất là qua tác phẩm của ông xuất bản năm 1543 mang tựa đề Về Những Chuyển Động Trên Các Thiên Cơ (On the Revolutions of the Heavenly Spheres), trong đó, ông lật ngược lại lý thuyết của Ptolemy cho rằng các hành tinh quay chung quanh trái đất, bằng một khẳng định, được căn cứ vào những quan sát về đêm của mình trong một căn phòng kiến thị nhỏ, trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ mà là mặt trời.
Chủ trương này của Copernicus đã được công nhận là chính xác, bởi một trong những nhà khoa học danh tiếng nhất bấy giờ là Galileo Galilei, người Ý, nhân vật đã quan sát không gian bằng viễn vọng kính mới được sáng chế thời ấy và đã công bố khám phá của mình vào năm 1610. Ngoài ra, căn cứ vào một số những thí nghiệm, Galileo còn lật ngược lại quan niệm suy luận thường thức cho rằng hai vật rơi cùng một lúc và từ cùng một độ cao thì vật nào có trọng lượng nặng hơn sẽ rơi xuống nhanh hơn, bằng thuyết buông rơi (free falling) theo khoa học, được kiểm chứng bằng những lần thí nghiệm, đó là tất cả mọi vật (nếu không bị không khí cản trở đặc biệt) thì cả hai đều rơi xuống chạm đất cùng một lúc với nhau và khi rơi thì cả hai cũng rơi xuống ở cùng một tốc độ bình thường (regular speed) chứ không rơi xuống càng lúc càng nhanh theo kiểu gia tốc (acceleration).
Nếu Tartaglia khởi xướng việc thí nghiệm theo khoa học, Galilêo đặt nền móng cho phương pháp khoa học thì Isaac Newton, một nhà vật lý kiêm toán gia người Anh, là người đã hoàn thành phương pháp tìm hiểu theo khoa học ấy. Tuy việc khám phá ra ánh sáng là một hỗn hợp đủ loại mầu sắc của ông phải nói là hết sức đáng kể, việc quan trọng nhất ông đóng góp cho khoa học đó là việc ông khám phá ra các năng lực cùng với các định luật tác động trên mặt đất cũng chi phối cả những biến động của các vật trên bầu trời nữa, như hiện tượng một trái táo rơi xuống và hiện tượng mặt trăng lơ lửng trên bầu trời đều do cùng một tác lực hay trọng lực, sau này khoa học gọi đó là Định Luật Trọng Lực Newton Phổ Quát, người đã trình bày định luật này cùng với những hình thức chuyển động khác trong cuốn Principia Mathematica (Những Nguyên Lý Toán Học) xuất bản năm 1687. Nhờ định luật về trọng lực quan trọng này, các khoa học gia mới có thể cắt nghĩa được chính nhờ trọng lực thu hút của mặt trời mà các hành tinh luôn luôn ở nguyên trong quĩ đạo của mình, nếu chẳng may trọng lực của mặt trời một lúc nào đó bị mất đi thì các hành tinh sẽ lạc bay lung tung trong không gian.
Định luật trọng lực của Newton còn giúp cho chiêm tinh gia Edmond Halley người Anh khám phá ra rằng các sao chổi không xuất hiện một cách bất ngờ mà theo định kỳ của mình. Vào đầu thế kỷ 18, sau khi nghiên cứu các lần sao chổi xuất hiện, thấy rằng chỉ có một sao chổi duy nhất cứ 76 năm xuất hiện một lần, lần ông thấy là năm 1682, hai lần trước theo sách vở ghi lại là năm 1531 và năm 1607. Do đó, ông tiên đoán là nó sẽ xuất hiện vào năm 1758, và quả thực đã xẩy ra như thế. Sao chổi năm 1758, cũng là sao chổi duy nhất, được đặt tên là Sao Chổi Halley, và việc xuất hiện đúng như Halley tiên đoán đã chứng tỏ định luật trọng lực Newton hoàn toàn xác thực.
Thế là từ đó, từ thế kỷ 18, Âu Châu bước vào thời minh tri (Enlightenment hay Age of Reason), thời khao khát kiến thức, thời tìm kiếm và khám phá khoa học, bằng cách áp dụng phương pháp khoa học cho cả các ngành như sinh vật học (biology), địa chất học (geology) và hóa chất học (chemistry). Về sinh vật học có Carolus Linnaeus, một nhà thiên nhiên học và thực vật học người Thụy Điển, vị đã đặt ra một hệ thống mới để đặt tên và phân loại cây cối và thú vật. Về địa chất học có James Hutton, một nhà hóa học người Tô Cách Lan, nhân vật đã phổ biến một lý thuyết cho rằng trái đất quá cổ với những đặc tính liên tục đổi thay một cách từ từ. Về hóa chất học có Joseph Priestley, một hóa học gia người Anh, và Carl Scheele, một hóa học gia người Thụy Điển, mỗi người tự mình khám phá ra được chất dưỡng khí (oxygen). Sau đó, qua thí nghiệm, Antoine Lavoisier, một hóa học gia Pháp, đã khám phá ra sức bức cháy (combustion) là một phản ứng hóa học bao giờ cũng được phát tỏa bởi một chất nào đó với chất dưỡng khí oxygen. Cuốn Elementary Treatise on Chemistry (Khái Luận Căn Bản về Hóa Học) ông xuất bản năm 1789 là cuốn giáo khoa hóa học tân thời đầu tiên.
Năm 1803, nhà hóa học người Đại Anh Quốc John Dalton nêu lên một lý thuyết mới rất quan trọng về vật lý, đó là vật chất được tạo nên bởi các đơn vị li ti được gọi là nguyên tử, vì, theo quan sát và thí nghiệm, hầu hết các chất bị hư hoại đều do bởi phản ứng hóa học, song phản ứng hóa học sẽ hoàn toàn ngưng lại ở mức độ phản ứng cuối cùng làm nên chất than (carbon), sau đó phản ứng hóa học không xẩy ra nữa. Bấy giờ Dalton đã liệt kê ra 16 nguyên tố hóa học (chemical element) là những chất được tạo nên bởi một loại nguyên tử đặc biệt và những nguyên tử này dù bất khả phân chia song cũng có thể trở thành hợp chất bằng những đường lối khác nhau để tạo nên tất cả mọi chất liệu trên mặt đất này.
Thuyết nguyên tử của Dalton đã giúp cho các hóa học gia cuối hậu bán thế kỷ 19 khám phá ra được thêm các định luật về các hợp chất nguyên tử. Năm 1869, hai nhà hóa học, một của Nga là Dmitri Mendeleev, và một của Đức là Julius Lothar Meyer, mỗi người tự động tuyên bố rằng mình đã khám phá ra được định luật phân cách (periodic law), vì họ thấy rằng khi liệt kê các hóa chất theo trọng lượng nguyên tử của chúng thì các chất có đặc tính tương tự như nhau sẽ phân cách nhau một cách đều đặn. Nhờ khám phá này, các nhà hóa học đã lập thành một bảng phân cách hóa chất (periodic table of the elements) hoàn toàn để làm tiêu chuẩn chung cho tới ngày nay. Tuy nhiên, vấn đề tại sao các hóa chất lại có một trọng lượng thứ tự như vậy chỉ được giải quyết vào đầu thế kỷ 20 với thuyết cơ lượng (quantum mechanics) mà thôi.
Cũng vào thời điểm ngành hóa học đang nở rộ như thế thì ngành sinh vật học cũng tiến đến một bước hết sức quan trọng vào thập niên 1870, với đóng góp của nhà hóa học người Pháp, Louis Pasteur, cũng như của một y sĩ người Đức, Robert Koch. Căn cứ vào các nghiên cứu của mình, cả hai cho thấy rằng các thứ bệnh nạn, nhất là bệnh truyền nhiễm là do những vi khuẩn gây ra. Từ đó, Pasteur đã nghĩ tới việc sử dụng nhiệt độ để diệt các loại vi trùng ở trong rượu, trong bia, trong sữa và đồ ăn, một phương pháp sau đó được khoa học đặt tên cho là phá-tổ-di-trùng (pasteurization). Ngoài ra, nhà bác học Pasteur còn cho thấy tầm mức quan trọng và cần thiết của việc chích ngừa (vaccination) và ông cũng đã chế ra một số loại chủng ngừa (vaccines), trong đó có loại chủng ngừa rabies vaccine để đề phòng bị thú dại cắn (như bị chó dại cắn).
Trong thế kỷ 19, trước khi có bảng phân cách hóa học và có việc chích ngừa, thì thuyết tiến hóa (evolution) đã xuất hiện, một lý thuyết của Charles Darwin, một người Đại Anh Quốc, được phổ biến trong cuốn Nguồn Gốc Giống Loại (The Origin of Species) của ông xuất bản năm 1859. Thuyết tiến hóa này được bắt đầu từ kinh nghiệm việc nhân tạo lựa giống (artificial selection) của tác giả là một người nuôi chim bồ câu bấy giờ. Theo tác giả, việc tự nhiên lựa giống (natural selection) xẩy ra lâu hơn là việc nhân tạo lựa giống, vì việc tự nhiên lựa giống là sự kiện tranh sống (competition) về đủ thứ giữa các phần tử chênh lệch nhau (variations) trong cùng một loại, và kết quả phải xẩy ra là phần tử nào có khả năng hơn sẽ sống còn (the survival of the fittest).
Chưa hết, cuối thế kỷ 19 còn đánh dấu những khám phá khoa học quan trọng nữa, đó là các khám phá về điện tính (electricity) và từ tính (magnetism), do nhà vật lý học người Tô Cách Lan, James Clerk Maxwell, người đã cho thấy hai lãnh vực này bắt nguồn và tương giao với nhau ra sao qua bốn phương trình (equations) được phổ biến vào năm 1865. Tác phẩm nổi danh nhất của nhà vật lý toán học này là cuốn Khái Luận về Điện Tính và Từ Tính (Treatise on Electricity and Magnetism) xuất bản năm 1873. Theo nhà khoc học này thì những làn sóng điện từ (electromagnetic waves) chuyển động giống như vận tốc của ánh sáng, bởi vì chính ánh sáng cũng bao gồm những làn sóng điện từ này, một giả thuyết đã được công nhận là xác thực vào năm 1887, qua các thí nghiệm của nhà vật lý học người Đức là Heineich R. Hertz.
Năm 1897, Joseph Thomson, một nhà vật lý học người Đại Anh Quốc, khám phá ra rằng các nguyên tử (atoms) có chứa đựng các vi thể (particles) mà ông gọi là các điện tử (electrons). Năm sau đó, hai vợ chồng vật lý gia, Marie Curie, người Pháp gốc Balan, và Pierre Curie, người Pháp, đã lấy được chất phóng xạ (radium), nhờ đó đẩy mạnh việc nghiên cứu năng lực phóng xạ (redioactivity).
Một trong những thành đạt về khoc học mở màn cho thế kỷ 20 xẩy ra vào năm 1905, đó là thuyết tương đối tính (theory of relativity) của Albert Einstein, một nhà vật lý học người Đức. Theo thuyết này thì các định luật về vật lý đều giống nhau nơi tất cả mọi trường hợp liên hệ, tức là, dù chúng ta ở đâu hay di động thế nào đi nữa, chúng ta cũng chỉ thấy các định luật vật lý giống nhau xẩy ra mà thôi. Thuyết này cho rằng một chiếc đồng hồ đang chạy, đối với một người ở nguyên một chỗ, sẽ có vẻ như chạy chậm hơn là chiếc đồng hồ của một người đang di chuyển. Sau khi được khoa học chứng nhận là đúng, thuyết tương đối tính này đã trở thành một phần chính yếu của ngành vật lý ngang hàng với định luật chuyển động của Newton.
Năm 1911, căn cứ vào thí nghiệm, nhà vật lý học Đại Anh Ernest Rutherford đã vẽ ra cho thấy cấu trúc của các nguyên tử, ở chỗ, mỗi nguyên tử như là một vi cầu có một nhân tử (nucleus) ở giữa, và có những điện tử (electrons) phóng phát rất nhanh. Năm 1913, nhà vật lý học người Danish, Niels Bohr, mới cắt nghĩa cho biết các điện tử của một nguyên tử hợp nhau lại thành một quĩ đạo ở chung quanh nhân tử, khi một điện tử phóng từ quĩ đạo phía ngoài vào quĩ đạo phía trong thì phát ra một số lượng nhiệt năng nhất định nào đó. Chính thuyết cơ lượng (quantum mechanics) này cũng đã cho thấy được lý do tại sao hóa chất cần phải được xếp thứ tự trên bảng phân cách hóa chất (periodic table of the elements). Vì theo cơ lượng thuyết, những tác động giống nhau của một nhóm nguyên tố là do nhóm nguyên tố ấy có cấu trúc giống nhau nơi các nguyên tử của mình.
Về thiên văn, từ thập niên 1860, loài người mới chỉ nhận thấy rằng các hành tinh cách nhau rất xa. Vào thập niên 1920, Edwin Hubble, một nhà thiên văn Hoa Kỳ làm việc tại Phòng Thí Nghiệm Mount Wilson ở California mới cho thấy là Giải Ngân Hà (the Milky Way) của chúng ta chỉ là một trong hàng tỉ giải ngân hà khác trong vũ trụ, khi ông chứng tỏ cho biết có những chùm sao rất lớn mờ mờ ở ngoài các giới hạn của Giải Ngân Hà, những giải ngân hà ấy đang di chuyển chẳng những xa dần chúng ta mà còn xa cả lẫn nhau nữa. Như thế có nghĩa là vũ trụ này đang giãn ra thêm và đã được xuất hiện bằng một cuộc đại bộc phát (big bang) vào một lúc nào đó ngay từ ban đầu. Theo các nhà thiên văn thì vũ trụ đã được hiện hữu và tồn tại khoảng từ 10 đến 20 tỉ năm.
Về sinh vật học, căn cứ vào những khám phá của Gregor Mendel, một Đan Sĩ Áo Quốc, vào giữa thế kỷ 19, các nhà sinh vật học mới chỉ biết được những đặc tính thể lý là do di truyền, song mãi đến năm 1953, nhờ hai nhà sinh vật học, một của Hoa Kỳ là James Watson và một của Đại Anh Quốc là Francis Crick, khoa học mới khám phá ra cấu trúc của DNA (deoxyribonucleic acid) là một thứ phân tử (molecule) làm nên chất di truyền (gene). Ngày 22/2/1997, thế giới bàng hoàng kinh ngạc trước sự xuất hiện của con Dolly bên Tô Cách Lan, hoàn toàn do việc phối bào nhân tạo (cloning) mà có, một trong những thí nghiệm bằng cách tạo sinh vô tính dục này là nhờ bởi kỹ thuật phối hợp giữa một tế bào vú (còn nguyên chất DNA) lấy từ con chiên cái đủ lớn thứ nhất, với một tế bào trứng (đã bỏ chất DNA đi) lấy từ một con chiên cái thứ hai, đem cấy vào trong bụng của một con chiên cái thứ ba, sau 148 ngày, con chiên cái thứ bốn giống hệt con chiên cái thứ nhất (vì có chất DNA của con chiên cái thứ nhất này) đã chào đời.
Theo Gregory Benford, một nhà vật lý học kiêm giáo sư thực thụ dạy ở đại học University of California ở Irvine (UCI) từ năm 1980 và là một tiểu thuyết gia về khoa học đoạt nhiều giải thưởng đáng kể, một trong 20 tác phẩm mới nhất là Deep Time xuất bản tháng 2/1999, liên quan đến kỹ thuật tân tiến hiện đại trong viễn tượng tương lai thế giới sau này, cho rằng thế kỷ 21 sẽ là một thế kỷ của sinh vật học, ở chỗ:
Y khoa sẽ chữa dứt hai bệnh tim và ung thư (tim thì dễ hơn, còn ung thư phải tới 50 năm nữa); vào năm 2100 con người ta trung bình có thể sống ngoài 100 tuổi (vì đầu thế kỷ 20, con người sống trung bình tới 50 tuổi, nhờ khoa học tiến bộ, con người ở vào cuối thế kỷ 20 hiện nay sống trung bình tới 75 tuổi); nhất là với phương pháp tử thi được ướp lạnh chờ hồi sinh (cryonics) sau khi chết, (như có một số giống nhái ở Canada sau khi chết lạnh ở đáy hồ trong mùa đông đã hồi sinh trong mùa hè), thân xác con người sẽ sống lại nhờ kỹ thuật hợp thể (nanotechonology), một kỹ thuật có thể làm hoàn chỉnh các phân tử tế bào bị hư hoại nơi cơ thể sinh vật còn sống cũng như đã chết. Nếu tính cho tới cuối thiên kỷ thứ ba, nhà hóa học này còn cho rằng bấy giờ con người sẽ chẳng những khám phá ra hết thái dương hệ mà còn cả những vì tinh tú gần mình cùng với các hành tinh của chúng trong vũ trụ này nữa, họ sẽ sống trên các hành tinh, tuổi thọ của họ sẽ kéo dài hơn qua các thế kỷ và loài người sẽ được chia ra thành các thứ phụ giống (subspecies) khác nhau. Tuy nhiên, cũng cho tới lúc bấy giờ, con người vẫn phải đối diện và giải quyết những vấn đề về triết học liên quan đến ý nghĩa của sự sống con người cũng như đến vai trò của họ trên vũ trụ. Nhà bác học giáo sư kiêm văn sĩ này cuối cùng cũng phải thú nhận là mình chỉ nghĩ theo kinh nghiệm loài người về tương lai vậy thôi, chứ thực tại của nó chắc chắn là những gì không ai có thể mường tưởng ra được.
Đúng thế, cho tới nay, nhiều vấn đề khoa học vẫn chưa thể giải quyết được và chắc chắn sẽ không bao giờ giải quyết được. Chẳng hạn như vấn đề liên quan đến cả triết học luận và thần học luận về nguồn gốc của vũ trụ từ không ra có như thế nào trước giây phút đại bộc phát (big bang), hay vũ trụ này sẽ giãn nở (expanding) tới đâu và cùng tận vào lúc nào, rồi sẽ chấm dứt ra sao? Hiện tại vũ trụ rộng chừng nào, con người cũng chưa biết, trong khi đó, theo thuyết phồng nở (theory of inflation) là thuyết cho rằng vùng ngụy chân không (false vacuum) theo toán học đã tạo nên một trọng lực đẩy ra hơn là thu vào, họ còn cho rằng chẳng những có nhiều giải ngân hà khác với Giải Ngân Hà của chúng ta mà còn cả rất nhiều vũ trụ khác nữa, mỗi vũ trụ đều xuất hiện nhờ hiện tượng đại bộc phát (big bang) vào thời điểm của mình. Cả đến những vấn đề có tầm mức nhỏ hơn, hoàn toàn thuộc về phạm vi khoa học cũng thế, như vấn đề về sinh vật học liên quan đến việc làm thế nào một thai bào có thể tự mình phát triển thành một cơ cấu sinh vật, và làm thế nào sinh vật lại trở nên già nua cằn cỗi rồi chết đi? Hoặc vần đề về vật lý học liên quan đến bản chất thực sự của không gian, như phải chăng không gian chỉ là một phạm vi bốn chiều (kể cả chiều thời gian) mà thôi, cũng còn là vấn đề con người đang tìm hiểu và định nghĩa? v.v.
Tuy nhiên, dầu sao cũng phải công nhận là chính con người là một siêu vũ trụ mà chính họ vẫn chưa thể hiểu được chính mình, cả về phương diện thể lý cũng như tâm lý. Có thể nói, tụ điểm của cả thể lý và tâm lý của con người ở nơi chính bộ óc của họ, một bộ óc siêu việt, một kỳ công còn tuyệt diệu hơn cả không gian vũ trụ bao la mà chính bộ óc con người chưa thấu triệt, và còn tinh vi hơn cả cơ cấu nguyên tử nơi tiểu vũ trụ vật chất nữa, một bộ óc mà không biết cho đến bao giờ kỹ thuật khoa học mới có thể tiến đến độ thay được óc cho thành phần khờ chậm trí khôn (mental retardation), như đã có thể thay tim cho những người bị hư tim, một bộ óc vật chất giống như con vật mà cho tới nay khoa học cũng không thể hiểu làm thế nào nó lại có thể nẩy ra được những tư tưởng trừu tượng vô hình, nhất là làm thế nào nó có thể phát sinh ra nơi con người những ý thức (consciousness) hoàn toàn thuộc về thế giới tâm linh sâu nhiệm mà chỉ có chính chủ thể mới biết được mình v.v.
Thật vậy, dù là một con người vô thần duy vật đi nữa, hoàn toàn chối bỏ tất cả những gì là siêu nhiên, là thần thánh và đời sau, con người vẫn không thể phủ nhận được hai chân lý căn bản và thiết yếu này: chân lý thứ nhất, đó là con người là một sinh vật hữu hạn, với một hữu thể bất toàn (không toàn hảo) và với những khả năng bất lực (không toàn năng); chân lý thứ hai, đó là mọi sự trên đời này, tức mọi sự trong vũ trụ khoa học con người có thể khám phá ra đây, không thể nào tự mình mà có. Chân lý thứ nhất do chính kinh nghiệm bản thân hết sức thực tế của con người mà có, còn chân lý thứ hai do lý luận khoa học mà có.
Thế mà, thực tế lại phũ phàng cho thấy, những chân lý được căn cứ vào kinh nghiệm hay vào lý luận vẫn có thể sai lầm như thường. Nếu khoa học là ngành kiến thức tìm hiểu ngoại diện của thế giới vật chất, về cách thức “how” nó hiện hữu và hoạt động, có những vấn đề nan giải và bí tắc thế nào, triết học là ngành kiến thức tìm hiểu nội tại của thế giới siêu hình về căn nguyên “why” nó hiện hữu và hoạt động cũng vậy, nhất là ngành triết học theo các trường phái chuyên về lãnh vực tri thức (schools of epistemological), một lãnh vực được đặc biệt mở màn với René Descartes, một nhà triết gia kiêm toán học người Pháp thế kỷ 17, với tác phẩm thời danh Những Suy Tư về Đệ Nhất Triết Lý (Meditations on First Phylosophy) xuất bản năm 1641, và với câu nói thời danh “ego cogito, ergo sum” (tôi suy nghĩ chứng tỏ là tôi hiện hữu), cũng gặp vấn đề nan giải và bế tắc trong việc nỗ lực giải quyết sự kiện làm sao con người biết được những gì mình nghĩ là đúng.
Bởi vì, nếu nói đến kinh nghiệm là nói đến một trường hợp cụ thể, nói đến từng trường hợp, liên quan đến cả sự kiện về thời gian và không gian, có thể lúc này và ở đây đúng, song lúc khác và ở kia lại không xẩy ra như vậy, và nói đến lý luận cũng là nói đến một phần kinh nghiệm được trí khôn dựa vào đó để suy ra thành những lý lẽ hợp với cảm thức chung (common sense) của mọi người. Lịch sử khoa học đã tỏ tường cho thấy cả kinh nghiệm lẫn lý luận theo cảm thức chung của con người nhiều lúc hoàn toàn sai lầm, hoàn toàn không đúng với sự thực, không đúng với thực tại hiện hữu.
Chẳng hạn như chủ trương có thể được gọi là thuyết nhân trung (homocentric) của nhà thiên văn học Ptolemy, một lý thuyết làm chủ tâm thức loài người ngót hai thiên niên, từ khoảng năm 150 BC tới mãi giữa thế kỷ 16 AD, khiến ai cũng nghĩ theo chiều hướng hoàn cầu hệ (global system) chứ không hề nghĩ đến thái dương hệ (solar system), vì thuyết này chẳng những hợp nhận định chung của mọi người, khi ai cũng thấy trước mắt r như ban ngày là có những dấu hiệu chứng tỏ mặt trời lên (sunrise) và mặt trời xuống (sunset), mà còn hợp với cả cảm thức chung của loài người nữa, vì họ cho rằng con người “linh ư vạn vật” mới là chủ chốt, nên trái đất là nơi con người ở phải là trung tâm, là cái rốn của vũ trụ.
Một trường hợp hết sức điển hình khác nữa cho thấy tính cách thiếu sót và khả năng nông nổi của cả lý luận lẫn kinh nghiệm theo cảm thức chung, đó là ai cũng nghĩ rằng một khi thả hai vật xuống từ cùng một độ cao và cùng một lúc, nếu không bị môi trường rơi của chúng ngoại lệ cản trở cách nào, thì vật nặng bao giờ cũng rơi nhanh hơn vật nhẹ, và những lý luận yên trí theo cảm thức chung này đã tồn tại từ khi có loài người cho mãi đến đầu thế kỷ 17, thời điểm Galileô công bố hoàn toàn ngược lại bằng chứng minh cụ thể cho thấy hai vật nặng nhẹ khác nhau về trọng lượng rơi xuống đồng đều như nhau về cả thời gian lẫn vận tốc.
Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh