GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 1/2004

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi con người nam nữ biết nhìn nhận mình là phần tử của một gia đình Thiên Chúa duy nhất để họ có thể chấm dứt các thứ chiến tranh, bất công và kỳ thị”.


Ý Truyền Giáo: “Xin cho hết mọi Giáo Hội thuộc các xứ truyền giáo biết dấn thân huấn luyện cán bộ hoạt động tông đồ”.

__________________

 28/12/2003-03/01/2004

Giovanni Paolo II

 

3/1/2004 Thứ Bảy

FATIMA - CHÂN TRỜI CỨU ÐỘ

Fatima: Tổng Quan

Theo lịch sử Thánh Mẫu, Biến Cố Fatima là Biến Cố Thánh Mẫu trọng đại nhất trong các Biến Cố Thánh Mẫu, vì Biến Cố Fatima liên quan đến vai trò của Giáo Hội cũng như đến vận mệnh thế giới.

Trước hết, Biến Cố Fatima liên quan đến vai trò của Giáo Hội là vì, theo ý muốn của Thiên Chúa, Vị Chủ Chiên Tối Cao của Giáo Hội là Đức Thánh Cha phải hợp cùng tất cả các vị giám mục trên thế giới để hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

Điều này đã được hiện nhiều lần, như vào ngày 31/10/1942 và 7/7/1952 bởi ĐTC Piô XII, cũng như vào ngày 21/11/1965 bởi ĐTC Phaolô VI, hay vào ngày 13/5/1982 và 25/3/1984 bởi ĐTC Gioan Phaolô II.

Sau nữa, Biến Cố Fatima liên quan đến vận mệnh của thế giới cũng như đến phần rỗi của các linh hồn. Bởi vì, như Mẹ Maria tiết lộ vào lần hiện ra thứ ba ngày 13/7/1917, “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Nếu điều Mẹ nói được thực hiện thì thế giới sẽ có hòa bình và nhiều linh hồn được cứu rỗi”.

Thiên Chúa quả thực đã muốn thiết lập lòng Tôn Sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới, chứ không phải chỉ ở một nước nào, hay ở trong Giáo Hội mà thôi. Bởi thế, Ngài đã thực hiện ý định này của Ngài bằng việc Đức Thánh Cha hiệp cùng các giám mục trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, sau đó Ngài đã làm cho Nước Nga trở lại.

Thế nhưng, tại sao cho đến ngày hôm nay, cho đến thế kỷ 20, Thiên Chúa mới tỏ ra ý định muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới?

Và tại sao Thiên Chúa lại chỉ muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ mà không thiết lập một sự tôn sùng nào khác về Đức Mẹ, như tôn sùng bảy sự thương khó Đức Mẹ hay tôn sùng đặc ân Mẹ Thiên Chúa của Người?

Sở dĩ cho đến thế kỷ 20 Thiên Chúa mới rõ ràng tỏ ý định của Ngài ra là Ngài muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội trên thế giới, là vì, như Mẹ đã nói với Thiếu Nhi Lucia ngày 13/6/1917: "Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa".

Thật vậy, "Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa" bởi vì, như Mẹ đã xưng mình vào ngày 13/10/1917: "Mẹ là Đức Bà Mân Côi".

Tại sao ở Lộ Đức năm 1858 Mẹ xưng mình "Mẹ hoài thai vô nhiễm tội", mà ở Fatima năm 1917 Mẹ lại xưng "Mẹ là Đức Bà Mân Côi"? Nếu không phải vì tước hiệu này liên quan đến Dự Án Fatima. Thế nhưng Dự Án Fatima đây là gì?

Dự Án Fatima đây là hòa bình thế giới và phần rỗi các linh hồn. Thật vậy, dự án này đã được Mẹ Maria tỏ cho 3 Thiếu Nhi Fatima biết vào ngày 13/7/1917, ở phần Bí Mật Fatima thứ hai như sau: "Nếu những điều Mẹ nói được thực hiện thì thế giới sẽ có hòa bình và nhiều linh hồn được cứu độ".

Tuy nhiên, nếu chiến tranh xẩy ra là vì con người sa đọa, thì hòa bình chỉ có khi con người cải thiện. Đó là lý do, vào ngày 13/10/1917, ngay trước khi kết thúc Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, Đức Mẹ đã tỏ cho biết cốt lõi Dự Án Fatima là Chúa Giêsu Thánh Thể: "Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi".

Đúng thế, Dự Án Fatima được Mẹ Maria tỏ cho loài người biết rất hợp với thời điểm của Biến Cố Fatima, một Biến Cố Thánh Mẫu đã xẩy ra vào Thế Chiến Thứ Nhất, một Biến Cố Thánh Mẫu đã xẩy ra trùng với nạn Cộng Sản xuất đầu lộ diện trên thế giới, và là một Biến Cố Thánh Mẫu xẩy ra sau thời Thánh Giáo Hoàng Piô X (1903-1914), Vị Giáo Hoàng đã muốn "phục hồi mọi sự trong Chúa Kitô", đúng như khẩu hiệu giáo hoàng của Ngài "instaurare omnia in Christo", về cả phương diện tiêu cực lẫn tích cực.

Về phương diện tiêu cực, Ngài đã lên án Tân Tiến Thuyết "là tổng hợp tất cả các lạc thuyết", bằng sắc lệnh Lamentabili Sane ban hành ngày 3/7/1907, cũng như bằng Thông Điệp Pascendi Dominici Gregis ngày 8/9/1910. Về phương diện tích cực, vào năm 1905, Ngài đã khuyến khích việc rước lễ thường xuyên hơn, và vào năm 1910, qua sắc lệnh Quam Singulari, Ngài đã rút tuổi cho trẻ em được rước lễ sớm hơn.

Như Biến Cố Thánh Mẫu Lộ Đức, sau khi Giáo Hội tuyên bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày 8/12/1854, thì Mẹ đã xưng mình "Ta hoài thai vô nhiễm tội" ngày 25/3/1858 thế nào, Biến Cố Thánh Mẫu Fatima cũng vậy, sau khi Giáo Hội, qua Đức Piô X, kêu gọi rước lễ thường xuyên và rước lễ sớm hơn, thì Thiên Thần Hòa Bình, vào năm 1916, qua ba lần hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima, đã dạy cho các em cầu nguyện và hy sinh đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể như vậy.

Thật vậy, Chúa Giêsu Thánh Thể chẳng những là tâm điểm của Biến Cố Fatima, một biến cố chẳng những được mở màn bằng sự kiện Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima về Chúa Giêsu Thánh Thể mà còn được kết thúc bằng lời Mẹ Maria trăn trối làm nên cốt lõi của Sứ Điệp Fatima, đó là lời kêu gọi vào lần Mẹ Maria hiện ra cuối cùng 13/10/1917 để hoàn toàn kết thúc Biến Cố Fatima: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”.

Nếu “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta” đây là Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng được Thiếu Nhi Fatima Phanxicô gọi là “Giêsu Ẩn Thân” và được em luôn tìm cách ủi an đền tạ, thì lời kêu gọi “đừng xúc phạm” này nhắm vào thành phần Kitô hữu nói chung và Công giáo nói riêng, vì Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể cho riêng Cộng Đồng Môn Đệ Giáo Hội của Người.

Nếu sự kiện “Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi” cho thấy “lòng mến” nơi hầu hết thành phần môn đệ Chúa Kitô càng ngày càng “trở nên nguội lạnh” (Mt 24:12), thì hơn bao giờ hết Giáo Hội cần phải thực hiện việc canh tân mới có thể trở thành Bí Tích Cứu Độ muôn dân trong thời đại văn minh hầu như tuyệt đỉnh về vật chất và nhân bản này. Bằng không, có thể khẳng định rằng thế giới này sở dĩ càng ngày càng trở nên tối tăm mù mịt trong màn đêm văn hóa sự chết là vì ánh sáng thế gian nơi thành phần môn đệ Chúa Kitô đã bị mờ nhạt.

Đó là lý do, khi hiện ra ở Fatima, hay qua Biến Cố Fatima, Mẹ Maria chẳng những ban bố Sứ Điệp Fatima cứu độ mà còn thành lập một lực lượng cứu độ nữa, đó là ba Thiếu Nhi Fatima. Lực lượng cứu độ này quan trọng đến nỗi, trước khi Mẹ xưng mình là ai, vào lần hiện ra cuối cùng 13/10/1917, và ngay cả trước khi tiết lộ cho biết Bí Mật Fatima hàm chứa Dự Án Fatima vào lần hiện ra thứ ba 13/17/1917, thì ngay vào lần hiện ra thứ nhất 13/5/1917, lần hiện ra đột xuất làm cho cả 3 Thiếu Nhi Fatima nhỏ bé còn đang lạ lùng bỡ ngỡ, Mẹ Maria đã kêu gọi các em hãy tình nguyện dâng mình cho Thiên Chúa để chịu tất cả mọi đau khổ Ngài gửi đến cho như một việc hy sinh đền tạ những gì Ngài phải chịu mà cầu cho tội nhân ơn ăn năn trở lại. Và 3 Thiếu Nhi Fatima, được thúc động nội tâm, đã đồng thanh: “Vâng, chúng con sẵn sàng”, để từ đó đã được Mẹ Maria tài tình huấn luyện để các em thực sự trở thành một Lực Lượng Cứu Độ, “oai hùng như đạo binh sắp hằng vào trận”.

Những chia sẻ dẫn nhập về Fatima Tổng Quan trên đây sẽ được sáng tỏ hơn nữa qua những gì cần phải được trình bày ở những chương sau đây:

Biến Cố Fatima –   Dấu Hiệu Cứu Độ
Bí Mật Fatima –      Dự Án Cứu Độ
Sứ Điệp Fatima –  Linh Đạo Cứu Độ
Thiếu Nhi Fatima – Lực Lượng Cứu Độ
Fatima: Tổng Cuộc

Khởi viết vào chính ngày Lễ Mẹ Thiên Chúa cũng là Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2004
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

“Hài vương của dân Do Thái ở đâu?”

Trò Chơi Phúc Âm Lễ Hiển Linh A-B-C

Phúc Âm

“Sau khi Chúa Giêsu sinh ra ở Bêlem xứ Giuđêa trong triều đại vua Hêrôđê, có các nhà chiêm tinh gia từ đông phương đến Giêrusalem mà hỏi rằng: ‘Hài vương của dân Do Thái ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người mọc lên nên đến để bái thờ Người’… ‘Ở Bêlem xứ Giuđêa’… Hêrôđê gọi các vị chiêm tinh gia đến để tìm hiểu r giờ giấc xuất hiện của ngôi sao. Đoạn giục họ đi Bêlem mà rằng: ‘Các khanh hãy đi xem con trẻ này ra sao. Khi đã biết được gì rồi thì hãy về cho trẫm biết với để trẫm cùng đến triều bái người”. Họ lên đường… Ngôi sao mà họ đã thấy đi trước họ cho đến chỗ con trẻ ở thì dừng lại. Họ vui mừng thấy ngôi sao, và khi tiến vào nhà, họ thấy con trẻ đang ở với mẹ của mình. Họ phục xuống bái kính Người. Đoạn mở hòm quà ra, dâng cho Người những tặng vật là vàng, nhũ hương và mộc dược”.

Hướng dẫn:

Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy những điều sau đây.

Thứ nhất, thông biết Thánh Kinh chưa chắc đã nhận biết Chúa, như trường hợp của dân Do Thái biết Chúa Kitô sinh ra ở đâu, song chẳng những không đến thờ lạy Người mà lại còn đi sát hại Người nữa.

Thứ hai, con người thiện tâm có thể nhận ra Thiên Chúa qua các hiện tượng thiên nhiên, như các nhà chiêm tinh gia hôm nay từ ở phương đông xa xôi, không hề biết đến mạc khải thần linh như dân Do Thái, đã nhận ra dấu lạ mà tìm đến với Thiên Chúa.

Thứ ba, khoa học tự nhiên không phản nghịch lại với đức tin, trái lại, nó dẫn đến đức tin nữa là đàng khác, như trường hợp các chiêm tinh gia đã nhờ kiến thức khoa học chiêm tinh của mình mà có đức tin, mà tìm đến với Tạo Hóa.

Vậy hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau chơi trò “Hài vương của dân Do Thái ở đâu?”

Trò Chơi:

  1. Nếu chơi chung đoàn thì các đoàn sinh nam ngành Nghĩa đóng vai các chiêm tinh gia, các đoàn sinh nữ ngành Nghĩa đóng vai ngôi sao lạ hướng dẫn đến điạ điểm của Hài Nhi Giêsu, bằng cách ra hiệu bằng tay, nhưng không được nói.

  2. Các đoàn sinh nữ ngành Thiếu đóng vai Đức Mẹ và các đoàn sinh nam ngành Ấu đóng vai Hài Nhi Giêsu, nhưng tất cả mọi đoàn sinh còn lại của hai ngành Thiếu và Ấu này đều ngồi chung một chỗ với nhau. Vai Hài Vương Giêsu ở giữa. Vai Đức Mẹ ngồi ở bên phải vai Hài Vương Giêsu. Ở đây không có vai Thánh Giuse, vì Thánh Giuse không được kể đến trong bài Phúc Âm hôm nay.

  3. Các Trưởng đóng vai làm chướng ngại vật bằng chính bản thân mình hay đặt các thứ chướng ngại vật trên đường đi.

  4. Vai các nhà chiêm tinh gia đứng cách một khoảng khá xa với nhóm đóng vai Đức Mẹ và Hài Nhi Giêsu. Khi nghe hiệu lệnh, các vai chiêm tinh gia liền giơ hai cánh tay ra phía trước, trên hai bàn tay xoè ngửa ra đang đỡ lấy một lễ vật để sẵn sàng hiến dâng cho Hài Vương Giêsu, và đồng thời ngẩng đầu lên trời như theo dõi kỹ lưỡng ngôi sao lạ kẻo lại bị lạc một lần nữa. Trong khi đó mỗi một Nghĩa nữ đóng vai ngôi sao lạ đi ngay bên mỗi vai chiêm tinh gia để chỉ đường.

  5. Nếu vai chiêm tinh gia nào trên đường đi tìm Hài Vương Giêsu mà bị vấp ngã thì bị loại, hay làm rơi lễ vật xuống đất cũng bị loại, hoặc dẵm phải hay đá phải chướng ngại vật cũng bị loại.

  6. Tuy nhiên, khi đến được nơi Hài Vương Giêsu, vai chiêm tinh gia vẫn phải ngẩng đần lên như thường, cho đến khi ngôi sao biến đi, nghĩa là cho đến khi vai nữ đóng vai ngôi sao làm dấu hiệu cuối cùng cho biết đã đến nơi.

  7. Ngay lúc thấy dấu hiệu cuối cùng ấy, hài Vương Giêsu liền lên tiếng khóc và giơ hai tay lên múa may trước mặt, để vai chiêm tinh gia có thể biết chỗ trao quà tặng. Ai không trao quà đúng chỗ là Hài Vương Giêsu thì cũng bị loại.

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, gợi ý

 

2/1/2003 Thứ Sáu

ĐTC GPII Kêu Gọi thiết lập Một Trật Tự Thế Giới Mới trong Thánh Lễ Đầu Năm

Trong bài giảng cho Thánh Lễ Tân Niên Trọng Kính Mẹ Thiên Chúa, 1/1/2004, một Thánh Lễ có sự hiện diện của phái đoàn lãnh sự các nước với Tòa Thánh, do Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano chủ tế và ĐTC chủ tọa, ĐTC GPII đã lập lại bằng một giọng rõ ràng trôi chảy trong bài giảng của mình chủ đề của Sứ Điệp Ngài đã gửi cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 2004 về vai trò giảng dạy hòa bình, một vấn đề Ngài đã nêu lên ngay từ Ngày Hòa Bình Thế Giới 1979 khi Ngài vừa lên ngôi giáo hoàng. Hôm nay, Ngài đã lên tiếng như sau: “Tôi muốn lập lại rằng vì hòa bình là điều khả dĩ nên nó là một nhiệm vụ”.

Lý do cần phải giảng dạy hòa bình, theo Ngài là bởi vì: “Trong cuộc đương đầu với những tình trạng bất công và bạo động đang áp đảo những miền đất khác nhau trên mặt đất này, trong cuộc đương đầu với tình trạng thường xuyên xẩy ra những cuộc xung đột bạo lực thường không được công chúng chú ý tới, lại càng cần phải cùng nhau thiết lập những đường lối hòa bình. Đó là lý do việc giảng dạy hòa bình là điều bất khả chuẩn chước”, nhất là ở miền đất Chúa Giêsu hạ sinh là nơi “bất hạnh thay vẫn tiếp tục sống trong những tình trạng thê thảm”.

“Tuy nhiên, cần phải kiên trì, không được lùi bước trước khuynh hướng ngờ vực. Tất cả mọi người đều phải cố gắng tôn trọng các thứ quyền lợi căn bản của con người bằng việc liên lỉ giảng dạy tuân giữ luật pháp. Để đạt được mục tiêu này, cần phải thực hiện những gì có thể để thắng vượt cái lý lẽ triệt để công bằng để hướng về lý lẽ của thứ tha. Thật vậy, không thể hòa bình nếu thiếu thứ tha”.

Nhận định về tình hình quốc tế hiện nay, ĐTC cho rằng hơn bao giờ hết cần phải có “một trật tự thế giới mới, một thứ trật tự được Liên Hiệp Quốc thực hiện theo kinh nghiệm cùng với những thành quả đạt được trong những năm này”. Theo Ngài, “một thứ trật tự như thế mới có thể cống hiến những giải pháp hợp với những vấn đề của ngày hôm nay, những giải pháp được căn cứ vào phẩm vị của con người, vào việc phát triển toàn diện của xã hội, vào tình đoàn kết giữa các nước giầu nghèo, và vào khả năng chia sẻ các nguồn lợi cũng như những thành quả ngoại lệ của mức tiến bộ về khoa học và kỹ thuật”.

Trong Năm 2003 có ít là 29 vị thừa sai Công Giáo bị sát hại

Theo tường trình hằng năm của cơ quan truyền giáo Fides của Tòa Thánh Vatican thì trong năm 2003 co ù ít là 29 nhà thụa sai Công Giáo đã bị sát hại trong khi hành sự, nhiều hơn năm 2002 bốn vị và ít hơn năm 2001 4 vị. Vị cuối cùng của năm 2003 là ĐTGM Michael Coutney, 58 tuổi, người Ái Nhĩ Lan, khâm xứ tòa thánh ở Burundi, bị phục kích hôm Thứ Hai 29/12. Trước đó mấy hôm, vào ngày áp Lễ Giáng Sinh, 24/12, là 1 vị linh mục người Đức tên Anton Probst, 68 tuổi, tu sĩ Con Cái Truyền Giáo của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, bị giết chết ở Akono, Cameroon, khi ngài trở về phòng và gặp bọn trộm đã bóp cổ ngài, dằn vật ngài và đập chết ngài. Tất cả là 4 giáo dân, 20 linh mục, 1 tu sĩ, 3 chủng sinh và 1 giám mục. Mỹ Châu có 10 vị, 6 ở Colombia, 2 ở El Salvador, 1 ở Ba Tây và 1 ở Guatemala. Phi Châu có 17 vị, 6 ở Uganda, 5 ở Congo và 1 ở Cameroon, 1 ở Burundi, 1 ở Nam Phi, 1 ở Equatorial Guinea, 1 ở Somalia và 1 ở Kenya. Á Châu có 2 vị, 1 ở Ấn Độ và 1 ở Pakistan.

Sau đây là danh sách các vị thừa sai tử đạo trong năm 2003, kể cả 2 vị trên, theo thống kê của cơ quan Fides:

-- Cha Dieudonné Mvuezolo-Tovo ở Congo, phối hợp viên các trường Công Giáo ở khu vực Bas, Congo, bị bắn chết ngày 11/3 bởi một người đàn ông mặc quân phục trên Tshimpi Matadi Road.

-- Cha Nelson Gĩmez Bejarano ở Colombia, 52 tuổi, linh mục coi xứ Shrine of the Miraculous Medal ở Armenia, Colombia. Bị những kẻ trộm cướp giết chất ngày 22/3.

-- Cha Martin Macharia Njoroge ở Kenya, 34 tuổi, chết ngày 11 tháng 4 tại một bệnh viện ở Nairobi vì những thương tích gây ra do những kẻ cướp bóc gây ra cho ngài ở ngoại ô thành phố. Những kẻ cướp bóc này đã bắt ngài phải ra khỏi xe và bắn vào ngài. Họ đã tẩu thoát bằng chiếc xe của ngài rồi bỏ chiếc xe này ở một khoảng xa khỏi hiện trường. Ngài là vị linh mục phụ trách giáo xứ Thánh Phanxicô Xavier ở Parklands. Ngài có một linh mục anh em cũng bị giết chết trong năm 2000.

-- Cha Raphael Ngona ở Congo bị bắn chết ngày 6/5 tại khu vực văn phòng làm việc của giáo phận Bunia nơi ngài tạm sống sau khi đã được bổ nhiệm làm cha xứ ở Drodro. Ngoài ra còn có 41 bé trai đã bị nhóm loạn quân bắt cóc, trong đó có một số đã tẩu thoát.

- Cha Aimé Njabu và cha Francois Xavier Mateso, ở Congo, được tìm thấy xác vào ngày 10/5 ở giáo xứ Nyakasanza thuộc ngoại ô Bunia. Cha Njabu bị giết chết bằng một con dao phay và cha Mateso bị bắn chết. Người ta cũng tìm thấy xác chết của một số giáo dân trong giáo xứ.

-- Cha Jairo Garavito, 36 tuổi, người Colombia, bị giết chết ngày 15/5 bởi một nhóm phạm pháp đột nhập vào nhà xứ ở Yerbabuena di Chia, thuộc miền Cundinamarca. Ngài đã bị nghẹt thở chết sau khi bị đánh đập, nôn mửa và dằn vặt.

-- Cha dòng Phanxicô Manus Campbell, người Ái Nhĩ Lan, bịỉ giết chết ngày 21/5 bởi những kẻ trộm cướp đột nhập vào nhà xứ ở ngoại ô Durban, Nam Phi, nơi ngài đã truyền giáo 45 năm trời.

-- Cô Ana Isabel Sánchez Torralba, 22 tuổi, người Tây Ban Nha, lần đầu tiên đi truyền giáo ở hải ngoại như một tình nguyện viên của Nhóm Thừa Sai Tình Nguyện Calasanziano, bị giết chết ở Mongomo, Equatorial Guinea, ngày 1/7 trong một cuộc đột kích của cảnh sát.

-- Cha George Ibrahim, 38 tuổi, người Pakistan, bị giết chết vào lúc tờ mờ sáng ngày 5/7 bởi những nam nhân mang vũ khí đột nhập vào nhà xứ Đức Bà Fatima ở Renala Khurd, thuộc khu vực Okara.

-- Cha dòng Capuchin Taddeo Gabrieli, 73 tuổi, người Ý, bị chém chết ngày 19/7 tại Imperatriz, Brazil, bởi 1 người ngài đang cố gắng giúp đỡ nhưng lại quá say rượu.

-- Vị linh mục thừa sai dòng Comboni là Mario Mantovani, 84 tuổi, người Ý, và một tu sĩ Comboni là Godfrey Kiryowa, 29 tuổi người Uganda, bị bắn chết ngày 14/8 trên đoạn đường giữa Capeto và Kotido, Uganda, bởi những kẻ trộm cắp đàn vật. Cha Mantovani đã phục vụ những người tật phong ở Uganda 45 năm.

-- Cha Alphonse Kavendiambuku thuộc giáo phận Matadi, ở Congo, bị giết chết ngày 26/8 tại Kavuaya, bởi 5 cựu quân nhân là những người tấn công một chiếc xe hơi chở ngài và 2 người khác.

-- Cha Lawrence Oyuru, cha xứ ở Ocero, thuộc giáo phận Soroti ở Uganda, bị giết chết cùng với 25 người khác bởi một cuộc phục kích của loạn quân trên đạo lộ Soroti-Manasale ngày 1/9.

-- Cha William de Jesús Ortez, 32 tuổi, sinh ở Jucuapa, El Salvador, là cha xứ ở nhà thờ chính tòa Santiago giáo phận Maria. Ngài bị bắn chết trong vương cung thánh đường ngày 5/10. Người coi cung thánh là Jaime Noel Quintanilla, 23 tuổi cũng bị bắn chết nữa.

-- Bà Annalena Tonelli, 63 tuổi, người Italy, một nhân viên y tế tình nguyện bị bắn chết ngày 5/10 khi bà rời bệnh viện do chính bà mở ra và là nơi bà đã chăm sóc cho dân chúng địa phương 33 năm ở Borama, Somalia.

-- Cha Sanjeevananda Swami, 52 tuổi, người Ấn Độ, chết vì những thương tích gây ra bởi những kẻ tấn công ngài ở khu vực Belur Kolar, thuộc giáo phận Bangalore ngày 7/10.

-- Cha Saulo Carređo, 38 tuổi, người Colombia, linh mục giáo xứ ở Saravena, bị bắn chết trong xe của ngài ngày 3/11. Ông Maritza Linares, một nhân viên nhà thương cũng bị bắn chết với ngài, có lẽ bởi những tay sống ngoài vòng pháp luật đang tranh đấu để giành quyền kiểm soát vùng dồi dào dầu hỏa gần bệnh viện Sarare tọa lạc trên con đường Saravena-Fortul.

-- Cha Henry Humberto Lĩpez Cruz, 44 tuổi, một cha xứ ở Villavicencio, bị chém chết ở nhà xứ trong đêm 3/11. Thân thể của ngài bị trói vào ghế và được khám phá ra vào ngày hôm sau bởi một bà thu phòng.

-- Cha José Rubín Rodríguez, 51 tuổi, người Colombia, cha xứ ở La Salina, Casanare, bị bắt cóc ngày 14/11và bị giết ở một vùng quê Tame. Thi thể của ngài được tìm thấy ngày 21/11.

-- Cha José Maria Ruiz Furlan, 69 tuổi, người Guatemala, bị bắn chết ngày 14/12 ở giáo xứ của ngài thuộc khu vực nghèo nàn trong Thành Phố Guatemala. Ngài có tiếng là tay hoạt động bảo vệ nhân quyền để cải tiến đời sống của kẻ nghèo.


ĐTC GPII với vị tân lãnh sự Estonia về cuộc khủng hoảng gia đình

Thứ Sáu 12/12/2003, ĐTC GPII đã tiếp nhận vị tân lãnh sự Estonia, Priit Kolbre, và chia sẻ về cuộc khủng hoảng gia đình như sau:

………
Những mối liên hệ ngoại giao của Giáo Hội làm nên một phần sứ vụ của Giáo Hội trong việc phục vụ toàn thể gia đình nhân loại. Ước muốn thiết tha của Giáo Hội trong việc nuôi dưỡng những mối liên hệ tốt đẹp này được gắn liền với niềm xác tín của Giáo Hội là niềm hy vọng xây dựng một thế giới chân chính hơn, một thế giới xứng với con người hơn, không thể coi thường kiến thức về ơn gọi siêu nhiên của con người. Hoạt động ngoại giáo của Tòa Thánh bởi thế tìm cách cổ võ một thứ kiến thức về con người, thành phần “lãnh nhận từ Thiên Chúa phẩm vị thiết yếu của mình kèm theo khả năng trổi vượt trên hết mọi lãnh vực xã hội để có thể tiến đến sự thật và sự thiện” (encyclical letter "Centesimus Annus," No. 38). Từ nền tảng này, Giáo Hội áp dụng những giá trị phổ quát liên quan đến sự thật và tình yêu cho một phạm vi rộng lớn các thứ văn hóa và quốc gia làm nên thế giới của chúng ta đây. Như Ngài đã biết, Giáo Hội Công Giáo đã đến Estonia từ thế kỷ 12. Cùng với các người Âu Châu khác, những người Estonia thực sự hiểu được rằng các sự thật và các giá trị của Kitô Giáo đã từng là nền tảng của chính cơ cấu xã hội Âu Châu. Tuy nhiên, cái gia sản này không chỉ thuộc về quá khứ. Nó là một dự phóng luôn luôn hình thành. Bởi thế, trong khi các quốc gia ở Âu Châu cần phải tiến đến một cấu trúc mới, thì cần phải nhìn nhận và tái nhìn nhận việc sơ khởi loan báo sư thật của Kitô giáo. Chính ở tại việc tái nhận thức được căn tính thật sự của Âu Châu, một căn tính làm nên tự do và nền dân chủ, mới có thể bảo đảm được mức tiến bộ chân thực của các cơ cấu về văn hóa và dân sự của nó (cf. postsynodal apostolic exhortation "Ecclesia in Europa," No. 109).

Nhân dân Estonia quá biết là một khi kho tàng đức tin Kitô giáo bị đè nén hay thậm chí bị chối bỏ thì những nền tảng phát triển xã hội chân thực cùng với nhãn quan về một xã hội đầy hy vọng bị phai mờ đi. Trước sự bừng dậy của một giai đoạn thê thảm đầy sợ hãi và đe dọa nơi lịch sử Âu Châu, khi cái ưu thế của võ lực làm chủ tình hình, thì đức tin Kitô giáo cho rằng Phúc Âm sự sống là những gì bảo đảm cho một tương lai hy vọng và tự do, một tương lai cái ưu thế của tình yêu và sự thật sẽ làm chủ. Không được để cho một cảm quan khờ dại hay nông cạn nhân bản nào về sự bao hàm đi tới chỗ chối từ những thế hệ mai hậu bước vào con đường dẫn đến tình trạng viên trọn bản thân cùng với tình trạng đoàn kết khả thủ này giữa các dân tộc, một con đường được bắt nguồn từ niềm hy vọng “không làm thất vọng” (Rm 5:5). Theo chiều hướng này, Tôi tin tưởng rằng Chính Phủ Estonia sẽ hỗ trợ những nỗ lực của Tòa Thánh trong việc bảo đảm là Bản Hiệp Ước Hiến Pháp Âu Châu cần phải nhìn nhận vị trí của Kitô giáo trong chính cốt lõi của đời sống và tương lai Đại Lục này.
Vì nước Estonia tiếp tục dấn thân thực hiện công việc tế nhị những sâu xa đối với vấn đề rèn đúc tinh thần quốc gia mà có nhiều điều cần phải được tri ân cảm tạ. Quyền tự do tư tưởng và phát biểu, một quyền lợi hiện nay đồng bào của ông đang được hoan hưởng, là điều kiện tìm kiếm sự thật làm nên ngôi vị con người. Tuy thế, kinh nghiệm lịch sử dạy chúng ta rằng cuộc hành trình đi từ tình trạng bị áp bức đến tự do là một cuộc hành trình cực nhọc. Nó thường được đánh dấu bằng những hứa hẹn hy vọng hão huyền và một thứ hấp dẫn theo những hình thức tự do giả tạo không liên hệ gì thật sự tới chân lý. Cuộc vượt qua một kỷ nguyên ý hệ chính trị đàn áp không được phép trở thành một dấu báo hiệu cho một ý hệ trần tục hư hoại. Con người, thành phần tìm kiếm chân lý, cũng là thành phần sống theo niềm tin (cf. encyclical letter "Fides et Ratio," No. 31). Chính nhờ hướng tới các cộng đồng tín ngưỡng mà những thẩm quyền chính trị và dân sự mới có thể tin tưởng biến việc dấn thân thành cuộc nhân bản hóa xã hội, ở chỗ hình thành một trật tự xã hội Âu Châu biết tôn trọng hết mọi con người nam nữ hợp với công ích (cf. postsynodal apostolic exhortation "Ecclesia in Europa," No. 117).

Một trong những nhu cầu lớn nhất ở Estonia ngày nay chắc hẳn là việc làm sao bảo đảm được cơ cấu linh thánh của hôn nhân, như Thiên Chúa muốn trong việc tạo dựng của Ngài, cùng với đời sống gia đình bền vững của nó, là những gì được công nhận và ủng hộ. Những vị lãnh đạo của cả đời lẫn đạo thuộc tất cả mọi danh xưng cần phải cùng nhau hoạt động nhắm tới mục đích này. Nhiều yếu tố văn hóa, xã hội và chính trị thực sự đang âm mưu tạo nên tỏ tường một cuộc khủng hoảng về gia đình mỗi ngày một hơn. Thảm trạng ly dị đang tàn phá đời sống gia đình và tác hại tới các cộng đồng cùng những cá nhân, nhất là trẻ em. Khổ nạn phá thai, ngoài việc vi phạm đến phẩm giá chính yếu của sự sống con người, thường gây ra niềm đớn đau khôn tả về cảm xúc và tâm lý cho người mẹ là thành phần thường trở thành nạn nhân của hoàn cảnh nghịch lại với những gì họ hết sức hy vọng và mong ước. Đối diện với những khốn khó này, một lần nữa Tôi xin nhắc nhở các vị lãnh đạo dân sự là họ có nhiệm vụ thực hiện những quyết định can đảm trong việc bảo vệ sự sống bằng những đường lối lập pháp (cf. encyclical letter "Evangelium Vitae," No. 90), cũng như trong việc bảo vệ những giá trị và nhu cầu của gia đình bằng những chính sách xã hội tác hiệu. Tôi cũng kêu gọi cộng đồng Kitô hữu ở Estonia hãy kiên trì làm chứng cho vẻ đẹp cao quí của mối hiệp thông thân thiết của sự sống và yêu thương là những gì làm nên gia đình và mang niềm vui đến cho xã hội loài người.
……….
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh do Zenit phổ biến ngày 14/12/2003
 

1/1/2004 Thứ Năm, Lễ Mẹ Thiên Chúa

Giáo Hội công bố Maria là ‘Mẹ Thiên Chúa’

(Bài Giáo Lý Thánh Mẫu của ÐTC GPII ngày Thứ Tư 27/11/1996)

1- Chiêm ngưỡng mầu nhiệm giáng sinh của Chúa Cứu Thế đã làm cho dân Kitô giáo chẳng những kêu cầu Rất Thánh Trinh Nữ là Mẹ Chúa Giêsu, mà còn nhận biết Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Đây là sự thật đã được công nhận và coi như thuộc về gia sản đức tin của Giáo Hội từ những thế kỷ đầu của kỷ nguyên Kitô giáo, cho đến khi sự thật này được Công Đồng Chung Êphêsô long trọng công bố vào năm 431.

Nơi cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, thời điểm các môn đệ càng ngày càng tỏ ra nhận biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa thì cũng là lúc tước hiệu Mẹ Maria là Theotókos, là Mẹ Thiên Chúa sáng tỏ hơn. Đây là một tước hiệu không được các bản văn Phúc Âm nói đến một cách tỏ tường, nhưng các văn bản Phúc Âm này đã nhắc đến danh xưng “Mẹ Đức Giêsu” và đã xác nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa (Jn 20:28; x. 5:18, 10:30, 33). Mẹ Maria ở vào trường hợp nào cũng được trình bày cho thấy là Mẹ của Emmanuel, tức Mẹ của “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x Mt 1:22-23).

Vào thế kỷ thứ ba, như các chứng từ văn bản xa xưa cho thấy, các Kitô hữu ở Ai Cập đã dâng lên Mẹ Maria lời nguyện sau đây: “Ôi Mẹ Thiên Chúa thánh hảo, chúng con chạy đến kêu xin Mẹ cầu bầu: xin Mẹ đừng chê bỏ lời chúng con cầu khẩn trong những nỗi thiếu thốn của chúng con, nhưng xin hãy cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, Ôi Nữ Trinh hiển vinh và phúc đức” (trích Phụng Vụ Giờ Kinh). Lời diễn tả Theotókos lần đầu tiên xuất hiện tỏ tường trong chứng từ văn bản cổ kính này.

Huyền thoại ngoại giáo thường hay nói đến một vị nữ thần đóng vai trò làm mẹ của một vị thần nào đó. Chẳng hạn, thần Zeus tối cao có mẹ là nữ thần Rhea. Ý nghĩa tương quan này giúp Kitô hữu có thể sử dụng tước hiệu “Theotókos”, “Mẹ Thiên Chúa” để gọi Mẹ Đức Giêsu. Tuy nhiên, phải lưu ý là tước hiệu này vốn không có mà là do Kitô hữu đặt ra để diễn tả niềm tin không liên quan gi đến huyền thoại ngoại đạo, niềm tin vào việc đầu thai trinh nguyên nơi lòng Đức Maria của Đấng vốn là Lời hằng hữu Thiên Chúa.

2- Vào thế kỷ thứ tư, từ ngữ Theotókos thường được sử dụng ở cả Đông phương lẫn Tây phương. Càng ngày từ ngữ này càng được nhắc đến nơi việc tôn sùng và thần học, một từ ngữ cho đến lúc ấy đã làm nên gia sản đức tin của Giáo Hội.

Bởi thế, người ta mới có thể thấy được trào lưu chống đối mạnh mẽ nổi lên ở thế kỷ thứ năm, thời điểm Nestoriô nêu lên sự nghi ngờ về tính cách chính xác của tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”. Thật vậy, với khuynh hướng chủ trương Maria chỉ là mẹ của con người Giêsu, ông đã cho rằng “Mẹ Đức Kitô” mới là lối diễn tả đúng nhất về tín lý. Nestôriô sở dĩ đã phạm lỗi lầm này là vì ông bị trục trặc trong vấn đề chấp nhận mối hiệp nhất nơi ngôi vị của Chúa Kitô, cũng như vì việc ông cắt nghĩa sai lạc về sự khác biệt giữa hai bản tính, thần linh và nhân loại, nơi Người.

Năm 431, Công Đồng Chung Êphêsô đã lên án luận thuyết của ông, và trong việc xác nhận sự hiện hữu của bản tính nhân thần nơi ngôi vị của Ngôi Con, đã công bố Maria là Mẹ Thiên Chúa.

3- Giờ đây những trục trặc và chống đối của Nestôriô đã hiến cho chúng ta cơ hội để nêu lên một vài suy tư hữu ích trong việc hiểu và cắt nghĩa một cách đúng đắn tước hiệu này. Kiểu nói Theotókos, theo nghĩa đen tức là “người đã sinh ra Thiên Chúa”, một cách nói mà thoạt nghe chúng ta có thể lấy làm ngạc nhiên, ở chỗ, vấn đề là một tạo vật lại có thể hạ sinh Thiên Chúa. Đức tin của Giáo Hội đã trả lời rõ ràng là vai trò làm mẹ của Đức Maria chỉ liên quan đến việc hạ sinh Con Thiên Chúa về phương diện loài người mà thôi, chứ không liên quan đến việc sinh hạ thần linh. Con Thiên Chúa từ đời đời được hạ sinh bởi Thiên Chúa Cha, và đồng bản thể với Cha. Dĩ nhiên Đức Maria không dính dáng gì đến cuộc hạ sinh đời đời này. Tuy nhiên, Con Thiên Chúa, Đấng mặc lấy bản tính nhân loại 2000 năm trước đây, cũng đã được thụ thai và hạ sinh bởi Đức Maria.

Trong việc công bố Maria là “Mẹ Thiên Chúa”, Giáo Hội do đó muốn xác nhận rằng Người là “Mẹ của Lời Nhập Thể, Đấng là Thiên Chúa”. Tuy nhiên, vai trò làm mẹ của Mẹ không bao gồm cả Ba Ngôi, mà chỉ bao gồm Ngôi Hai, tức Ngôi Con, Đấng khi trở thành nhục thể đã mặc lấy bản tính nhân loại từ Mẹ.

Vai trò làm mẹ là một mối liên hệ giữa người với người, ở chỗ, một người mẹ không phải chỉ là mẹ của thân thể hay là mẹ của tạo vật về thể lý do bà sinh ra, mà là mẹ của con người bà hạ sinh nữa. Vậy, vì hạ sinh ra con người Giêsu về nhân tính, Đấng cũng là một ngôi vị thần linh, mà Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.

 

4- Trong việc công bố Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa”, bằng một câu duy nhất, Giáo Hội đã tuyên xưng niềm tin của mình liên quan đến cả Con lẫn Mẹ. Mối hiệp nhất này đã xẩy ra nơi Công Đồng Chung Êphêsô; trong việc xác nhận vai trò làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, các Nghị Phụ có ý nhấn mạnh đến niềm tin của mình vào thần tính của Chúa Kitô. Bất chấp những chống đối xưa kia và cận đại về tính cách xứng hợp trong việc nhận biết Mẹ Maria bằng tước hiệu này, Kitô hữu mọi thời, nhờ hiểu biết ý nghĩa đúng đắn về vai trò làm mẹ ấy, đã dùng tước hiệu này để nói lên việc bộc lộ đặc biệt đức tin của mình vào thần tính của Chúa Kitô cũng như để diễn tả tình họ yêu mến Đức Trinh Nữ.

Một đàng Giáo Hội nhận biết tước hiệu Theotókos như để bảo toàn cho thực tại Nhập Thể, vì, như Thánh Âu Quốc Tinh nói, “Nếu Mẹ giả tạo, thì xác thịt cũng giả tạo… cả những vết tích của Phục Sinh nữa” (Tract in Ev. Joannis, 8, 6-7). Đàng khác, Giáo Hội cũng ngất ngây chiêm ngưỡng và cung kính cử hành sự cao trọng cả thể Đức Maria nhận được từ Đấng muốn làm con của Mẹ. Lời xưng tụng “Mẹ Thiên Chúa” liên quan đến Lời Thiên Chúa, Đấng mặc lấy tình trạng thấp hèn của thân phận con người để nâng con người lên đến vai trò làm con cái thần linh. Thế nhưng, theo ý nghĩa của phẩm vị cao trọng Trinh Nữ Nazarét đã nhận được thì tước hiệu này cũng công bố cả tính cách cao cả của người phụ nữ cùng với ơn gọi tuyệt vời của họ nữa. Thật vậy, Thiên Chúa đã đối xử với Mẹ Maria như một con người tự do và hữu trách, và không thực hiện việc Nhập Thể của Con Ngài cho đến khi Ngài thấy Mẹ ưng thuận.

Theo gương của Kitô hữu cổ xưa ở Ai Cập, tín hữu hãy phó mình cho Mẹ, Đấng là Mẹ Thiên Chúa, có thể chiếm được từ Người Con thần linh của mình ơn giải thoát khỏi sự dữ và ơn cứu độ đời đời.
 

(ĐTC Gioan Phaolô II, Thứ Tư 27/11/1996,
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ ngày 4/12/1996)Õ
 

 

Ngôi Lời Đã Mặc Lấy Bản Tính Của Chúng Ta Nơi Mẹ Maria

 (St. Athanasius, bishop, Epist. Ad Epictetum, 5-9: PG 26, 1058, 1062-1066)

 Thánh Tông Đồ đã cho chúng ta biết rằng: Ngôi Lời đã biến mình thành con cháu Abraham và vì thế đã trở nên giống như anh em mình mọi bề. Như thế là Người đã có một thân xác như của chúng ta. Điều này chứng tỏ sự kiện về việc hiện diện của Maria, ở chỗ, Người đã ban cho riêng Ngài một thân xác để hy hiến vì chúng ta. Thánh Kinh đã ghi lại việc Người hạ sinh là: Người đã bọc Ngài trong khăn. Bộ ngực cho Ngài bú của Người được cho là có phúc. Của lễ hy sinh được dâng hiến, vì con trẻ là người con đầu lòng của Người. Thần Gabiên đã sử dụng ngôn từ một cách cẩn thận và khôn ngoan khi loan báo việc Ngài hạ sinh. Thần không nói rằng “cái sẽ được sinh ra nơi trinh nữ” để tránh ấn tượng là có một thể xác từ ngoài được đưa vào cung lòng của Người; mà nói rằng: “cái sẽ được sinh ra bởi trinh nữ”, nhờ đó chúng ta mới lấy đức tin mà nhận biết rằng con của Người phát xuất ở nơi Người và từ Người.

Bằng việc mặc lấy bản tính của chúng ta và hiến dâng nó làm hy lễ, Ngôi Lời đã hoàn toàn hủy hoại nó đi để rồi mặc cho nó bản tính riêng của Ngài, một sự kiện đã khiến cho Thánh Tông Đồ viết rằng: Thân xác hư hoại này phải được trở thành bất hoại; thân xác hữu tử này phải được trở thành bất tử.

Sự việc này không phải xẩy ra như để che mắt thế gian vậy thôi, như một số người tưởng tượng. Không phải như thế. Đấng Cứu Thế của chúng ta thực sự đã trở thành một con người, nhờ đó mới có ơn cứu độ cho toàn thể loài người. Ơn cứu độ của chúng ta không thể nào lại là một thứ ơn cứu độ tạo tĩnh, hay chỉ là ơn cho xác thể mà thôi. Thực sự Ngôi Lời đã chiếm được ơn cứu độ cho con người toàn vẹn, tức là cứu độ con người cả hồn lẫn xác.

Bởi thế, những gì do Maria sinh ra theo bản tính cũng là loài người, hợp với các Sách Thánh được linh ứng viết ra, và thân xác của Chúa là một thân xác thực sự: Thân xác này là một thân xác thực sự vì thân xác ấy giống như thân xác của chúng ta. Đó, quí vị thấy, Maria là người chị em của chúng ta, vì tất cả chúng ta đều được sinh ra từ Adong.

Những lời Thánh Gioan nói: Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, cũng có cùng một ý nghĩa như chúng ta thấy ở một câu Thánh Phaolô nói tương tự: vì chúng ta, Chúa Kitô đã trở thành một thứ đồ chúc dữ. Thân xác của con người đã chiếm được những gì cao cả nhờ việc nó được hiệp thông và liên kết với Ngôi Lời. Từ chỗ hữu tử nó đã được làm cho trở thành bất tử; là một thân thể sống động nó cũng đã trở thành một thân xác linh thiêng; từ đất mà ra nó đã vượt qua cửa thiên đàng.

Cho dù Ngôi Lời có mặc lấy xác thể từ Maria, Ba Ngôi Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa Ba Ngôi, không hơn không kém. Muôn đời hoàn toàn là như vậy. Nơi Ba Ngôi chúng ta nhìn nhận có một Thiên Chúa duy nhất, bởi thế Giáo Hội đã tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất, Cha của Ngôi Lời.


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ The Office of Readings, Saint Paul Editions, 1983, trang 109-110)
 
 

SINH CHÚA TẠI BELEM

(Trích trong Thần Đô Huyền Nhiệm)

Khi Mẹ Maria đã gần tới ngày sinh hạ Ngôi Lời Nhập Thể, Hoàng Đế Roma ban bố sắc lệnh truyền mọi người dân trong toàn Đế Quốc phải ghi tên vào sổ kiểm tra tại quê tổ của mình. Thánh Giuse rất phiền lòng về sắc lệnh đó. Khi loan tin cho Mẹ Maria, nhưng Mẹ nói với Thánh Cả: "Vua Cao Cả Trên Trời chỉ huy mọi biến cố ở trần gian, nên ta cứ tin tưởng phó thác mặc Ngày hướng dẫn: Niềm cậy trông của chúng ta không bị đánh lừa đâu". Mẹ biết rõ Con Mẹ sẽ sinh ra tại Belem, nhưng Mẹ không nói ra, vì nếu không có lệnh Chúa truyền, Mẹ chẳng bao giờ tiết lộ một bí mật nào của Thiên Chúa. Thánh Cả Giuse, vẫn còn ái ngại cho tình trạng của Mẹ. Một đàng Ngài muốn Đức Mẹ cứ ở nhà, để Ngài đi một mình, lấy lẽ rằng lệnh vua chỉ buộc có gia trưởng, đàng khác, Ngài không thể không có Mẹ ở bên. Ngài rất lo ngại nếu Mẹ sinh nở khi mình vắng nhà, ai sẽ phục vụ Mẹ. Nhưng Thánh Cả không phải là một người kép đức tin, Ngài vừa xin mẹ cầu nguyện cho biết Thánh Ý Chúa, vừa quyết định sẽ theo Mẹ về quê tổ. Vâng theo Ý Thánh Cả, Mẹ Maria liền cầu xin Chúa. Chúa trả lời: "Con cứ đi với tôi tớ Giuse của Cha, Cha sẽ hết tình hiền phụ trợ lực con luôn". Rồi ngay trước mặt Mẹ, Mẹ ra lệnh cho một nghìn thiên thần vẫn hầu cận Mẹ phải đặc biệt ân cần phục dịch Mẹ trong cuộc hành trình này. Chúa lại truyền cho 9 nghìn tháp tùng Mẹ, ngay khi Mẹ vừa khởi hành. Mẹ thưa lại với Thánh Giuse lời Chúa đáp. Thánh Cả đầy niềm hân hoan. Dầu vậy, Ngài vẫn còn lo ngại ít nhiều về những hoàn cảnh có thế xảy ra khi đi đường mệt nhọc, nhất là Ngài sợ lỡ ra ngay trên đường hành trình mà Mẹ buộc phải lâm bồn chăng. Nhưng Mẹ trấn an Ngài: "Chúa đã phù hộ ta, ta cứ hoàn toàn cậy trong Chúa, để mặc Chúa lo liệu mọi sự cho ta".

Thế là đôi bạn Thánh định ngày lên đường. Thánh Giuse phải đi mượn mãi mới được một con lừa nhỏ, bởi vì những con dùng đi đường được, người ta đã mượn và đi cả rồi. Mẹ biết trước sẽ vắng nhà lâu, nên đã xếp dọn chu đáo tất cả, và nhờ một người hàng xóm trông nhà giúp cho tới khi các Ngài trở về. Lúc khởi hành, Mẹ qùy gối xin Thánh Giuse ban phép lành. Tất nhiên là Thánh Cả cố sức chối từ, nhưng rốt cuộc cũng phải nhường ý Đức Nữ Vương khiêm nhượng. Ngài chúc lành cho Mẹ với hết niềm tôn kính. Rồi đến lượt Ngài, Ngài phủ phục trước mặt Mẹ, xin Mẹ chúc lành cho nhân danh Con Mẹ đang cưu mang trong lòng. Bấy giờ là mùa đông, cuộc hành trình vì đó trở nên mệt nhọc. Nhưng Mẹ Maria chỉ lưu ý đến Chúa Thai Nhi, và cố sức bắt chước Con Mẹ trong mọi việc Con Mẹ làm. Mười ngàn Thiên Thần tháp tùng đôi bạn Thánh, đã hiện ra như người, với một ánh sáng rực rỡ hơn mặt trời, cho nên dầu gặp đêm tối Mẹ và Thánh Cả cũng được sáng soi như ban ngày vậy. Cha Hằng Hữu còn sai nhiều thiên thần khác xuống mang tin cho Người Con Duy Nhất Nhập Thể Của Ngài, cho Mẹ Maria và nhận tin của hai vị.

Các thiên thần đó tấu lên nhiều ca vịnh chúc mừng vinh quang của hai Mẹ Con. Mẹ và Thánh Cả Giuse cũng hát lên nhiều ca khúc ngợi khen Đấng Tối Cao. Nhưng không phải như thế mà cuộc hành trình không gian khổ. Nhiều người mà đôi bạn Thánh gặp trên đường đi đã gây phiền hà cho Mẹ Maria rất đoan trang nghiêm cẩn, vốn rất ít lời. Mà thực ra Mẹ cũng chẳng nói với ai nếu không cần thiết thật. Vì đôi bạn Thánh có vẻ nghèo nên các hàng quán không tiếp đón tử tế. Họ để hai vị phải nằm ngoài cửa, hoặc có lần còn dồn hai vị xuống những căn phòng bỏ đi đầy nhơ bẩn; cả đến có chỗ bắt hai vị phải chung với xúc vật. những con vật này còn không bất nhân bằng con người, chúng tránh chỗ và qùy phục đấng sáng tạo của Chúng đang ngự trong lòng Mẹ. Tuy nhiên, các Thiên Thần vẫn canh giữ đôi bạn Thánh: Lúc Mẹ đàm đạo với các vị, Thánh Giuse nằm nghỉ một chút theo lời Mẹ xin. Nỗi đau khổ nhất của Mẹ là tình trạng linh hồn của những người Mẹ gặp thấy. Mẹ nhìn suốt thấu tâm hồn họ, nên Mẹ cầu nguyện cho tất cả để xin ơn bền vững cho người lành. Ơn cải đổi cho tội nhân, một số tội nhân này, mặc dầu được Mẹ cầu nguyện cho nhưng cũng phải hư mất vì họ không chịu đón nhận Ơn Chúa ban. Nhìn thấy họ sẽ trầm luôn như vậy, nhất là Đức Micae vẫn luôn ở bên hữu Mẹ, nâng đỡ Mẹ trên tay. Dầu phải chịu giá rét, tuyết sa, Mẹ cũng không dùng quyền Chúa ban mà truyền lệnh cho chúng đừng gây phiền cực cho Mẹ. Mẹ vui lòng chịu đựng để bắt chước Con Chí Thánh Mẹ đang đón chờ đau khổ.

Sau năm ngày dài vất vả trên đường, Thánh Giuse và Mẹ đến Belem vào khoảng 4 giờ chiều thứ bảy. Thánh Giuse và Mẹ đi hết nhà nọ sang nhà kia xin tạm trú, nhưng người ta đều xua đuổi. Cả những chỗ thân thuộc bà con cũng khinh chê hất hủi. Lúc đi ngang qua trụ sợ ghi danh, đôi bạn Thánh vào ghi tên và nộp phần thuế của mình rồi lại đi tìm chỗ trọ. Tính ra trước sau đã có hơn 50 nhà Hai Ngài đến xin trọ qua đêm mà không được.

Bấy giờ vào khoảng 9 giờ đêm. Thánh cả Giuse vừa mệt mã, vừa buồn sầu; Ngài nói với Mẹ: "Lúc này, lòng tôi tan nát, hẳn là có một Mầu Nhiệm nào của Chúa trong sự vô tâm của những người cùng khốn nhất. Tôi sẽ đưa Đức Nữ đi đâu bây giờ? không biết cón còn nơi nào tạm ở được nữa, ngoài một các hang đá mà tôi đã thấy ở ngoài thành". Mẹ Maria trả lời: "Xin Thầy đừng buồng vì không tìm được nơi nào tốt hơn cho Con Chí Thánh chúng ta. Trái lại xin cùng tôi tạ ơn Ngài vì đã có ý định như thế. Nơi Thày vừa nói đó rất hợp với sự nghèo nàn là kho tàng của Ngài, sự nghèo nàn mà chúng ta phải yêu mến. Thôi ta cứ vui lên mà đi ra hang".

Những Thiên Thần sáng chói như đuốc dẫn lối cho đôi bạn Thánh ra hang đá. Hang này không có ai ở. Nó khốn nạn đến nỗi ở Belêm bấy giờ dù đầy dẫy người, nhưng không ai thèm ra trú ở nơi đó. Khi vào tới hang, Mẹ và Thánh Cả liền qùy xuống, vui mừng tạ ơn Chúa với một niềm vui trên trời. Mẹ cầu xin Chúa thưởng công cho những người ở Belem đã hất hủi Mẹ vì họ không cho trú nhờ mà hai vị mới được hạnh phúc tạm ẩn trong các hang này. Nhất là Mẹ đã hiểu được Thánh Ý Thiên Chúa ngay từ tạo thiên lập địa, đã chuẩn bị các hang nghèo nàn ấy làm nơi sinh hạ cho đấng cứu chuộc muôn dân. Hang được khoét tự nhiên trong một núi đá cứng và lồi lõm, rất bất tiện, nên người ta chỉ dùng làm nơi cho trâu bò nằm nghỉ tạm, chứ chẳng ai nghèo đến nỗi phải vào đó.

Mẹ bắt tay ngay vào việc quét dọn hang cho sạch sẽ, ít bất xứng với Con Chí Thánh của Mẹ hơn. Thánh Giuse đòi phần việc ấy cho mình. Nhưng bỗng dưng các Thiên Thần dàn hàng ngũ như một đội quân danh dự sửa sang lại hang đá, phút chốc nên sạch sẽ gọn gàng, sực nước hương thâm lạ lùng. Tiết trời lạnh lắm nên Thánh Giuse nhóm lên một đống lửa, xin Đức Thánh Nữ Trinh dùng với mình một chút lương thực. Vốn tuân phục, Mẹ nhận lời mời ngay. Nhưng Mẹ vẫn trầm mặt với mầu nhiệm sắp thể hiện. Sau khi chuyện vắn với bạn Thánh mình, một lúc, Mẹ dục Thánh Giuse đi nghỉ. Thánh Giuse cũng mời Mẹ đi nghỉ, và lấy áo Ngài mang theo trải trên một các máng khá rộng đặt trên nền đá hang để làm chỗ nghỉ đêm cho Mẹ. Còn Ngài rút lui ra 1 góc phía cửa. Ở đấy, Ngài được xuất thần ngay không còn hay biết gì bên ngoài cho tới lúc Mẹ Maria lên tiếng gọi Ngài.

Riêng phần Mẹ, không những Mẹ cũng xuất thần ngay, như vậy, mà còn được thị kiến thấy Thiên Chúa cách chói lọi vinh quang, làm cho các Thiên Thần cũng sững sờ không hiểu. Mẹ được thấy lại tất cả những kiến thức Mẹ nhận được trong các cuộc thị kiến trước, và nhận thêm nhiều kiến thức mới trong lòng Thiên Chúa vô cùng. Mẹ nhìn thấy rõ những lý do cao cả nhất, những mục đính tuyệt vời trong các việc lạ lùng Thiên Chúa làm, cả về phía Đấng Sáng Tạo, cả về phía Thụ Tạo. Phủ phục trước Ngai Thiên Chúa, Mẹ dâng lên những lời ca tụng và cảm tạ cho Mẹ và cho toàn thể loài người. Mẹ cũng hạ mình rất sâu thẳm cầu xin Chúa ban cho mình những ân sủng đặc biệt để xứng đáng chu toàn nhiệm vụ làm Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể mà Mẹ sắp sửa được bế trên tay và cho bú sữa. Trong khi Mẹ tự hạ xuống tới hu vô như vậy Thiên Chúa nâng Mẹ lên tới Ngài và nói với Mẹ rắng: "Con chính là Mẹ thật của Con Cha, nên con cứ xử với Con Cha như con thật mình với tư cách người Mẹ thật.

Sau hơn một thời tham hưởng thị kiến đó, lúc dùng lại được giác quan, Mẹ cảm thấy Thai Nhi Thiên Chúa chuyển động trong cung lòng đồng trinh của Mẹ. Chuyển động ấy không hề gây cho Mẹ một đau khổ nào, mà còn sản ra trong linh hồn Mẹ tràn đầy hân hoan những hiệu qủa tuyệt vời trong thân xác đã nên thiên liêng của Mẹ, mà tâm trí con người không thể hiểu được. Mẹ trở nên xinh đẹp lộng lẫy, xem ra không còn phải là một thụ tạo ở dưới đất nữa. Gương mắt Mẹ giãi sáng như mặt trời huy hoàng; phong thái Mẹ uy nghi khôn sánh, và trái tim Mẹ rừng rực tình yêu nồng cháy hơn cả. Lúc ấy Mẹ đang qùy trong máng cỏ, chắp tay trước ngực, mắt ngước lên trời, hồn trí cắm chặt vào Thiên Chúa, toàn thân Mẹ trở nên như Thiên Chúa. Chính lúc đó là lúc Mẹ sinh hạ Ngôi Lời Nhập Thể Làm Người. Ngài sinh ra giữa lúc nửa đêm vào ngày Chúa Nhật, năm 5199 từ khi sáng tạo, như Giáo Hội dạy.

Chúa sinh ra khỏi lòng Mẹ, nhưng không hề làm Mẹ tổn hại hay nhơ ố gì; trái lại, còn Thánh Hiến Đức Khiế Trinh của Mẹ với nhiều rực rỡ hơn, Như một tia sáng của mặt trời thấu qua thủy tinh càng làm cho thủy tinh nên lộng lẫy. Chúa không phải lụy phục luật thiên nhiên chút nào trong hoàn cảnh này. Vì đã đầu thai hoàn toàn tinh sạch. Sự đẹp đẽ, vinh quang của Linh Hồn Ngài dãi chiếu trên thân xác Ngài rất huy hoàng chói ngợp, như sau này khi biến hình trên núi Tabôrê. Thiên Chúa muốn cho Mẹ Maria nhìn thấy Ngài lần đầu tiên trong ánh sáng vinh hiển đó, để Mẹ cảm thấy càng phải tôn kính Ngài hơn, và để, trong những ánh nhìn khoái lạc ấy, mắt Mẹ được một phần thưởng vì đã trung tín nhắm lại trước hết mọi sự vật trần gian.

Hai vị tổng thần của Triều Đình Thiên Quốc là Đức Michae là Đức Gabriel mặc hình người tham dự quang cảnh lạ lùng ấy. Hai vị nâng Chúa Hài Nhi trên tay mình khi Ngài vừa sinh ra, và nâng lên cho Mẹ Maria trong lúc thân mình Ngài chói lọi ánh sáng, như Linh Mục nâng bánh Thánh lên sau khi truyền phép cho Giáo Dân qùy gối tôn thờ. Lúc đó Con và Mẹ nhìn nhau, xuyên thấu vào nhau vì yêu mến. Chúa nói với Mẹ: "Mẹ ơi, Mẹ hãy trở nên tương tự như con đây. Vì hữu thể nhân loại mà Mẹ tặng Con, Con muốn ngay từ hôm nay tặng Mẹ, một hữu thể khác cao cả hơn, tương tự như hữu thể của Con qua khuôn mẫu hoàn toàn". Mẹ trả lời: "Con hãy lôi cuốn Mẹ đi, Mẹ sẽ chạy theo hương thơm của con". Mẹ Con Đấng Cứu Thế trao đổi cho nhau những lời trong sách diễm ca. Đồng thời với lúc Chúa Hài Nhi chuyện trò với Mẹ Ngài, Ngài mở cho Mẹ thấy nội tâm linh hồn của Ngài, để Mẹ bắt trước và nên giống như Ngài, tuỳ khả năng của Mẹ. Ta chớ quên rằng ân huệ này vẫn tiếp tục ban cho Mẹ suốt cuộc đời Mẹ. Sau đó, Mẹ nhìn thấy Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện, và nghe thấy lời phán với Mẹ: "Đây là Con rất yêu dấu Ta, Ta chỉ hài lòng nơi Ngài". Mẹ Maria thưa lên: "Lạy Cha Hằng Hữu, một lần nữa, xin Cha chúc phúc lành cho Con, để Con chu toàn nhiệm vụ làm Mẹ và làm Nữ Tì của Con Cha". Đấng Tối Cao phán: "Con hãy tiếp nhận Con duy nhất của Cha. Và đừng quên rằng khi Cha đòi lại, Con phải dâng tế cho Cha. Trong khi chờ đợi, con hãy làm Mẹ dưỡng nuôi Ngài, và tôn kính Ngài như Thiên Chúa của Con". Mẹ xin nài: "Xin Cha ban ân sủng xuống trang điểm cho con, để con đáng được Con của Cha và Chúa của con đoái nhận làm nữ tì Ngài; để con phục vụ Ngài cho đẹp lòng Ngài; va để một thụ tạo hèn mạt là con đây được ẵm Đấng Sáng Tạo của con, Thầy Dạy của con trên tay và lấy sữa nuôi Ngài".

Sau những cuộc trao đổi ấy, Hài Nhi-Thiên Chúa không giãi ánh vinh quang trong Linh Hồn Ngài ra Thân Xác nữa, nhưng xuất hiện trong tình trạng tự nhiên. Mẹ Maria lúc đó vẫn quì gối, rước lấy Con của Mẹ từ tay hai Tổng Thần. Khi đã ẵm Con trong tay, Mẹ nói với Con Mẹ: "Con rất yêu dấu dịu dàng của Mẹ, hãy nhận Mẹ làm nữ tì hầu hạ Con, va bổ khuyết cho chỗ thiếu sót của Mẹ. Con rất dấu yêu, Con muốn Mẹ xử với Con thế nào, hãy cho Mẹ nên như thế để đúng ý Con muốn". Mẹ lại một lần nữa thân với Cha hằng hữu rằng: "Lạy Đấng Sáng Tạo vũ trụ, đây là bàn thờ và Hi Lễ đẹp mắt Chúa. Xin Chúa dủ thương ghé mắt nhìn đến những người tội lỗi. Con được hạnh phúc này cũng là nhờ họ một phần nào. Cho nên sẽ không bao giờ con không yêu thương họ và săn sóc họ". Rồi, nhìn tới khắp mọi người, Mẹ nói với họ: "Đừng sợ, cứ lại gần đây: tay Mẹ đang ẵm Con Thiên Chúa rất hiền từ. Hãy đến để được sống". Sau cùng, quay lại Con Mẹ, Mẹ nói: "Phần Con, hỡi kho tàng chí ái của linh hồn Mẹ, Con hãy hôn Mẹ đi và đón nhận nụ hôn Mẹ đặt trên Con". Rồi Mẹ nâng niu vỗ về Con Mẹ hết sức yêu đương như Con Mẹ từng đợi chờ.

Mười ngàn thiên thần ngây ngất trước cảnh tượng đó, các Ngài mặc hình người phục xuống thờ lạy Đấng Sáng Tạo làm người của mình. Hơn nữa, tất cả các thiên thần cũng đều hiện diện lúc Chúa Ba Ngôi đặc biệt đến tham dự cuộc sinh hạ Đấng Cứu Chuộc; tất cả đều đồng thanh xướng lên ca ngợi Chúa bài tân ca này: "Sáng danh Thiên Chúa trên các tầng trờ cao thẳm, và hòa bình cho những người lòng ngay dưới đất".

Chính vào lúc đó, Mẹ Maria lên tiếng gọi Thánh Giuse; Ngài đang được xuất thần, được mặc khải cho biết những mầu nhiệm đang thể hiện. Ngài sử dụnh giác quan lại, và đối tượng đầu tiên Ngài nhìn thấy đó là Hài Nhi-Thiên Chúa đang nằm trên tay Mẹ Maria, áp mặt vào lòng Mẹ. Ngài hạ mình sâu thẳm thời lạy Chúa trên bàn thờ sống động là vòng tay đồng trinh của Mẹ. Ngài kính cẩn hôn chân Chúa với một nguồn vui tràn trề ngất ngây đến nỗi chết, nếu Chúa không thêm sức cho Ngài.

Sau việc tôn thờ đó, Mẹ Maria xin phép Con mình để ngồi xuống, vì cho tới bấy giờ Mẹ vẫn quì. Thánh Giuse mang khăn áo đến áo đến, Mẹ nhận lấy cuốn cho Hài Nhi-Thiên Chúa với một tâm hồn rộng mở, một niềm kính cẩn, một sự tế nhị không thể tả, rồi Mẹ đặt Chúa trong máng cỏ bằng đá mà Mẹ đã phủ lên một lớp rơm và cỏ khô. Trong lúc đó, theo lệnh Chúa, một con bò từ ngoài đồng chạy vào, hợp sức với con lừa nhỏ Mẹ đem theo, cả hai phục xuống trước Đấng Sáng Tạo chúng, thở hơi cho bớt lạnh. Ở đây đã thể hiện lời tiên tri Isaia: "Con bò con lừa nhận ra được chủ mình, còn Israel không nhận biết Ngài".

 

31/12 Thứ Tư

Thủ Tướng Ý cảnh giác Vatican bị khủng bố tấn công vào ngày Lễ Giáng Sinh

Tờ nhật báo Libero ở Milan phát hành hôm Thứ Bảy 27/12/2003 đã phổ biến cuộc phỏng vấn với Thủ Tướng Ý Silvio Berlusconi hôm 24/12/2003, vị đã cho biết là những tay khủng bố đã có dự tính tấn công Vatican bằng một chiếc máy bay bị không tặc vào ngày Lễ Giáng Sinh.
Đó là lý do Vatican đã được lực lượng an ninh kiểm soát hết sức chặt chẽtrong mấy tuần vừa qua. Trong cuộc cử hành Lễ Giáng Sinh, cảnh sát Ý đã kiểm soát chung quanh Quảng Trường Thánh Phêrô và những ai vào trong quảng trường này đều bị khám xét kỹ lưỡng bằng máy giám sát kim loại.

Vị thủ tướng này đã nói đến “tín liệu chính xác và được kiểm chứng về một cuộc tấn công Rôma vào Ngày Lễ Giáng Sinh. Một chiếc máy bay bị không tặc tấn công vào Vatican. Một cuộc tấn công từ trời… Cuộc đe dọa của cuộc khủng bố đã lên đến cao điểm vào lúc này. Tôi đã ở Rôma Ngày Áp Giáng Sinh để đối đầu với tình hình này. Giờ đây tôi cảm thấy bình lặng. Nó sẽ qua đi thôi. Nó không phải là vấn đề cuồng tín mà là vấn đề chúng ta có biết phòng hờ hay chăng. Nếu họ tổ chức thực hiện cuộc khủng bố này thì họ sẽ không chịu buông tay đâu”.

Cũng vào ngày Thứ Bảy, 27/12/2003, Tòa Thánh Vatican đã không chịu trả lời những vấn đề về mối đe dọa có thể xẩy ra vào Ngày Lễ Giáng Sinh vừa rồi. Vị phát ngôn viên của Tòa Thánh là ông giám đốc văn phòng báo chí Joaquin Navarro-Valls đã lên tiếng như sau: “đối với mọi trường hợp liên quan đến tín liệu có tính cách ngờ vực hay chắc chắn về những vấn đề an ninh, tôi không có nhận định gì hết”.

Trong khi đó, văn phòng của vị thủ tướng này cũng lên tiếng hôm Thứ Bảy là “Thủ Tướng Silvio Berlusconi đã không có một cuộc phỏng vấn nào hết. Người ta không thể lẫn lộn cuộc trao đổi nhanh chóng những lời chúc mừng Giáng Sinh với những lời tuyên bố về chính trị”.

ĐTC GPII với các vị Giám Mục Sudan về Thái Độ của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành

Ngày Thứ Hai 15/12/2003, ĐTC đã gặp các vị giám mục Sudan dịp các ngài viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên. Sau đây là những ý tưởng tiêu biểu nổi bật trong bài huấn từ mục vụ của vị lãnh đạo hàng giáo phẩm Công Giáo toàn cầu:

1. … “Khi chúng ta cùng nhau suy nghĩ về sứ vụ chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa cũng như về việc đặc biệt áp dụng sứ vụ này đối với quí huynh cùng cộng đồng của quí huynh, Tôi muốn nhắc đến hai hình ảnh của những vị chứng nhân can trường sống đức tin, hai con người thánh thiện sống cuộc đời có liên hệ mật thiết với đất nước của quí huynh, đó là Thánh Josephine Bakhita và Thánh Daniel Comboni. Tôi tin rằng mẫu gương của việc kiên trì dấn thân và của đức bác ái Kitô giáo nơi hai vị đầy tớ nhiệt tình này của Chúa có thể chiếu giãi nhiều ánh sáng vào những thực tại hiện nay gây khó dễ cho Giáo Hội nơi xứ sở của quí huynh.

2.     Từ những năm còn thơ bé, Thánh Josephine Bakhita đã biết đến cái dã man và tàn bạo loài người đối xử với anh em đồng loại của mình. Bị bắt cóc bán làm nô lệ như một đứa trẻ nhỏ, thánh nhân cũng hết sức quen thuộc với khổ đau và với việc trở thành nạn nhân hằng hành hạ vô số con người nam nữ ở quê hương mình cũng như ở khắp Phi Châu và trên thế giới. Đời sống của thánh nhân muốn dấn thân hoạt động một cách tốt đẹp trong việc giải phóng con người khỏi bị áp bức và bạo lực, bảo đảm là nhân phẩm của họ được tôn trọng ở chỗ họ hoàn toàn được hành sử các thứ quyền lợi của họ. Cũng cùng một quyết tâm này cần phải hướng dẫn Giáo Hội ở Sudan ngày nay, khi mà quốc gia này đang đi từ chỗ hận thù và xung khắc đến chỗ hòa bình và hòa hợp. Thánh Bakhita là một nhà tranh đấu sáng giá cho việc giải phóng chân thực. Đời sống của thánh nhân rõ ràng cho thấy là chủ nghĩa bộ lạc tộc cùng với những hình thức kỳ thị theo nguồn gốc chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa không thuộc về một thứ xã hội văn minh hóa và hoàn toàn không có chỗ đứng nơi cộng đồng tín hữu…

Theo chiều hướng ấy, quí huynh có nhiệm vụ phải nói lên những vấn đề quan trọng đụng chạm tới đời sống xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa nơi xứ sở của quí huynh (x “Giáo Hội t5ai Phi Châu, 110). Như quí huynh đã quá rõ, Giáo Hội cần phải lên tiếng một cách minh bạch nhân danh những ai không có tiếng nói, cũng như phải trở thành men hòa bình và tình đoàn kết, nhất là ở những nơi các thứ lý tưởng này có vẻ mong manh và bị de dọa. Là những vị Giám Mục, những lời nói và việc làm của quí huynh không bao giờ thể hiện những chiều hướng chính trị cá nhân nhưng bao giờ cũng phải phản ảnh thái độ của Chúa Kitô Mục Tử.

3.     Với hình ảnh của Vị Mục Tử Nhân Lành này, giờ đây Tôi hướng về hình ảnh của Thánh Daniel Comboni, vị là linh mục và là giám mục thừa sai, đã không ngừng hoạt động để làm cho Chúa Kitô được nhận biết và đón nhận nơi Trung Phi, bao gồm cả Sudan. Thánh Daniel đã hết sức lưu ý là những người Phi Châu phải đóng vai trò chủ yếu trong việc truyền bá phúc âm hóa châu lục này, và ngài đã hứng khởi phác thảo bản họa đồ truyền giáo cho miền này, một “dự án tái sinh Phi Châu”, một dự án bao gồm cả việc hỗ trợ của chính các dân tộc bản xứ. Trong thời gian hoạt động truyền giáo của mình, thánh nhân đã không để cho những đau khổ lớn lao cùng nhiều khốn khó ngài phải chịu, như thiếu thốn, kiệt sức, bệnh nạn, bị ngờ vực, chi phối công việc giảng dạy Tin Mừng của Chúa Kitô.

Đức Giám Mục Comboni đặc biệt là một nhà tranh đấu mãnh liệt cho việc hội nhập văn hóa đức tin. Ngài đã phải chịu đựng rất nhiều để làm quen với những thứ văn hóa và ngôn ngữ của các dân chúng địa phương ngài phục vụ. Nhờ đó ngài đã có thể trình bày Phúc Âm theo cách thức và hợp với các tục lệ làm người nghe dễ hiểu. Một cách hết sức thực tế, đời sống của ngài là một gương mẫu cho chúng ta hôm nay đây, rõ ràng cho thấy rằng “việc truyền bá phúc âm hóa văn hóa và việc hội nhập văn hóa của phúc âm là những gì thuộc về toàn cục diện của vấn đề tân truyền bá phúc âm hóa, do đó cũng thuộc về mối quan tâm đặc biệt của vai trò thuộc hàng giáo phẩm” ("Pastores Gregis," No. 30).

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh do Zenit phổ biến ngày 15/12/2003

 

ĐTC GPII với vị tân lãnh sự Đan Mạch về tình trạng lu mờ cảm quan thần linh

Ngày Thứ Sáu 12/12/2003, ĐTC đã tiếp nhận vị tân lãnh sự Đan Mạch, Birger Dan Nielsen, về tình trạng lu mờ cảm quan thần linh liên quan đến tình đoàn kết nhân loại.
……
Việc dấn thân kiên trì của Tòa Thánh trong việc cổ võ phẩm vị của con người là cốt lõi của hoạt động ngoại giao. Thiếu sự hiểu biết thực sự về giá trị khôn sánh của con người nam nữ thì việc cho rằng mình bênh vực các quyền lợi căn bản của con người cùng những nỗ lực để đạt tới việc chung sống thuận hòa giữa các dân tộc sẽ đi đến chỗ vô bổ. Chỉ khi nào biết tôn trọng và bảo vệ phẩm vị bất khả xâm phạm của mọi người mà việc tìm cầu tình đoàn kết và hòa hợp trên thế giới của chúng ta mới có nền tảng vững chắc. Thật vậy, nhu cầu khẩn trương đối với toàn thể gia đình nhân loại trong việc thể hiện cụ thể những điều được vị tiền nhiệm của Tôi là Giáo Hoàng Chân Phước Gioan XXIII gọi là 4 cột trụ hòa bình, sự thật, công lý, yêu thương và tự do, thực sự phát xuất từ việc họ có “những điều kiện về tinh thần con người” (Message for the 2003 World Day of Peace, No. 3).
……..
Tình đoàn kết thực sự bao giờ cũng biểu lộ một ước muốn mạnh mẽ kiên quyết trong việc cổ võ công ích. Mặc dù ước muốn này vang vọng sâu xa trong tâm can của tất cả mọi con người nam nữ, nó cũng cần phải cương quyết trong việc chủ động nuôi dưỡng một thứ văn hóa chấp nhận. Để đạt tới mục đích này, xứ sở của ông đã tìm cách đưa ra những chương trình giáo dục hòa bình, đã nâng đỡ những dự án chống bần cùng và bất công, cũng như đã khuyến khích lòng khoan dung nhất là đối với cộng đồng di dân. Ở tầm mức đáng kể nhất của mình, những hoạt động đáng khen ấy làm phát động một nhận thức về bản chất chính yếu của sự sống con người như là một quà tặng cũng như của thế giới chúng ta như là một gia đình con người. Việc dấn thân thực sự cho tình đoàn kết loài người trên lãnh vực quốc tế quả thực tìm thấy căn gốc của nó ở nơi nội tại gia đình. Nếu mối hiệp thông chân chính và trọn vẹn giữa những con người trong một gia đình, học đường tiên khởi và bất khả thay thế của đời sống xã hội, không được cảm nhận và bảo vệ thực sự thì những mối liên hệ nơi tình đoàn kết quốc tế được đánh dấu bằng việc tôn trọng, công bằng, đối thoại và yêu thương là những gì phục vụ cho công ích sẽ bị cản trở rất nhiều (cf. apostolic exhortation "Familiaris Consortio," No. 43).

Trong cuộc Tôi viếng thăm xứ sở của ông, tôi nhận thấy lá quốc kỳ, Dannebrog, có dấu hiệu Thánh Giá. Tôi nghĩ rằng việc trung thành với biểu hiệu lịch sử này nơi cuộc nhân dân ông hiện hữu tới nay, nước Đan Mạch sẽ trung thành với chính bản thân mình. Hội nhập với lịch sử của ông là Phúc Âm Kitô Giáo, một nguồn hứng khởi và là nguồn nâng đỡ nhân dân của ông (cf. Arrival Speech, Copenhagen, 6 June 1989), là những gì quan trọng hôm nay đây như vẫn thế hơn ngàn năm qua. Tuy nhiên, người ta không thể không nhận thấy rằng tình trạng lu mờ cảm quan về Thiên Chúa đã bao trùm bóng tối của nó chẳng những trên xứ sở của ông mà còn trên những xứ sở khác ở Âu Châu nữa. Nhiều người bị lạc hướng, bất định, thậm chí một số chẳng có hy vọng gì cả. Với số đông người Âu Châu sống chẳng có gốc rễ thiêng liêng như thế mà chẳng lạ gì có những biến chuyển về chính trị và xã hội muốn kiến tạo nên một nhãn quan về Âu Châu bất chấp gia sản tôn giáo của mình, nhất là hồn sống Kitô giáo sâu xa của mình (cf. postsynodal apostolic exhortation "Ecclesia in Europa," No. 7). Những kẻ chiến đấu cho các nỗ lực lạc hướng này nắm giữ những thứ quyền lợi của các dân tộc Âu Châu, và cho rằng mình nói thay cho họ, nhưng lại mù quáng trước thực tại của một thứ luật khách quan cao hơn được ghi ấn trong tâm can của hết mọi con người nam nữ và được lương tâm con người nhận biết.

Một nhãn quan về Âu Châu tách bỏ Thiên Chúa chỉ có thể gây ra một tình trạng xã hội phân mảnh, một tình trạng lẫn lộn về luân lý và một tình trạng bất nhất về chính trị. Trước những dấu hiệu đáng lo ngại đang bao trùm chân trời của lục địa Âu Châu, Tôi muốn lập lại một lần nữa những lời Thánh Kinh Tôi đã trích dẫn khi đến viếng thăm xứ sở của ông: “Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con duy nhất của mình. Ánh sáng này đã chiếu vào thế gian và những ai sống theo sự thật của Người đều tác hành trong ánh sáng để những việc họ làm trong Thiên Chúa được tỏ hiện” (Jn 3:16, 19-20). Sự thật của Chúa Kitô không làm cho con người bị thất vọng. Nó soi sáng và hướng dẫn đường lối của chúng ta, bằng cách đánh tan những bóng tối tăm của rối loạn và sợ hãi. Chúa Kitô một lần nữa mời gọi tất cả chúng ta “hãy bừng lên những tia sáng mới dẫn tới một ‘Âu Châu của tinh thần’, để làm cho châu lục này trở thành một ‘ngôi nhà chung’ thực sự tràn đầy niềm vui sống” (postsynodal apostolic exhortation "Ecclesia in Europa," No. 121).
……..

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh do Zenit phổ biến ngày 14/12/2003
 

ĐTC GPII với vị tân lãnh sự Singapore về một tinh thần đoàn kết mới

Ngày Thứ Sáu 12/12/2003, ĐTC đã tiếp nhận vị tân lãnh sự Singapore, Walter Woon, và đã nói với ông về một tinh thần đoàn kết mới như sau:
……….
Sự hiện diện của ông ở đây hôm nay đây khiến Tôi nghĩ đến cuộc Tôi được hân hạnh viếng thăm xứ sở của ông vào năm 1986. Thời gian Tôi ở Singapore đã cho Tôi có cơ hội để cảm thấy lần đầu tiên một thứ văn hóa được hình thành bởi ảnh hưởng của rất nhiều những nhóm sắc dân và tôn giáo khác nhau, những nhóm đã nhiều năm sống hòa hợp với nhau. Singapore đã được trở nên phong phú rất nhiều bởi tính cách khác nhau của các nền văn hóa và dân chúng, và phải hãnh diện về truyền thống của mình trong việc tôn trọng và cảm nhận được cái gia sản này. Thật vậy, việc xứ sở của ông dấn thân phấn khích sống tinh thần chân chính của sự hiệp nhất trong đa dạng đã đóng góp rất nhiều cho miền này và ông có thể xác đáng cho rằng nó là một trong những miền phát triển nhất ở Á Châu. Mặc dù Singapore nhỏ bé về diện tích và dân số, nó cũng đóng một vai trò quan trọng ở vùng này, thường đóng vai trò như là một chiếc cầu nối của việc trao đổi văn hóa giữa Đông và Tây.

Để đạt tới việc toàn cầu hóa chân chính, các chính quyền và dân chúng phải khuyến khích tính cách đa văn hóa, luôn bảo đảm là nó đâm rễ sâu trong những nguyên tắc về luân lý và những giá trị chi phối hành vi và các mối liên hệ nhân bản. Singapore đã chứng tỏ cho thấy việc dấn thân của mình nắm giữ những nguyên tắc ấy, bằng việc dấn thân liên tục cho vấn đề khoan nhượng về tôn giáo, một sự khoan nhượng đã được nhiệt tình nuôi dưỡng từ khi được độc lập. Hy vọng là tình trạng hòa hợp này, theo truyền thống đã chi phối các tín đồ của những tôn giáo khác nhau ở Singapore, sẽ tiếp tục và trở lên vững mạnh hơn. Điều này đặc biệt quan trọng cho ngày hôm nay đây, ở những lúc căng thăng và xẩy ra những diễn biến thê thảm mới đây nơi miền của ông là những gì đã gây khó khăn cho việc tương kính làm nền tảng cho việc chung sống thuận hòa giữa tất cả mọi dân tộc. Theo các truyền thống tốt đẹp nhất của ông, cần có một cuộc đối thoại tiếp tục, hiểu biết và hợp tác giữa các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau để bảo đảm là tất cả mọi người cùng nhau hoạt động cho một nền văn minh được xây dựng trên những giá trị phổ quát về đoàn kết, công lý và tự do.

Xã hội Singapore thấm nhuần một niềm cảm mến sâu xa về tầm quan trọng của những chiều kích thiêng liêng và siêu việt của sự sống con người. Điều này đã góp phần vào việc nhận thấy nhu cầu cần phát triển một thứ văn hóa làm cho “dân chúng sống với nhau” không theo khuynh hướng trở nên một xã hội loại trừ, xa lánh, bật gốc hay áp đảo kẻ khác (cf. encyclical letter "Evangelium Vitae," No. 18). Trách nhiệm cốt yếu hướng về anh chị em chúng ta này là một đặc tính của mối liên hệ xã hội phải được thực hiện ở cả lãnh vực quốc gia lẫn quốc tế. Việc xứ sở của ông nhất quyết hỗ trợ những ai ở ngoài biên giới của mình đã hiển nhiên cho thấy nơi việc quí vị giúp vào vấn đề hỗ trợ quốc tế đáng ghi nhớ. Thật vậy, việc dấn thân chung của chúng ta phục vụ thành phần kém may mắn là một trong nhiều lãnh vực liên kết Singapore với Tòa Thánh theo lòng chúng ta mong muốn phục vụ công ích. Một gương mẫu của việc hợp tác này có thể được thấy nơi việc chúng ta cùng nỗ lực huấn luyện những chuyên viên trẻ ở các quốc gia nghèo ở miền này, qua Chương Trình Huấn Luyện Đệ Tam Quốc Gia của Singapore và Vatican, được bắt đầu 5 năm trước đây. Giáo dục là chìa khóa cho việc phát triển khả thủ. Bởi thế Tôi hy vọng rằng những cố gắng của chúng ta trong việc huấn luyện giới trẻ làm những người công dân có lương tâm và thành tín chẳng những sẽ làm lợi cho các quốc gia riêng mà còn hỗ trợ cho cả Á Châu và toàn thể cộng đồng hoàn vũ nữa.
……..
Mặc dù Giáo Hội Công Giáo ở Singapore tương đối nhỏ, các phần tử của Giáo Hội này là những người hãnh diện đóng góp cho việc phát triển về chính trị, văn hóa và xã hội của xứ sở này. Ở vào thời điểm quốc gia của ông và nhiều quốc gia Á Châu đang cố đặt lại vấn đề các chính sách cũ liên quan đến đời sống gia đình và vấn đề dân số học thì các người Công giáo có nhiều điều đem cống hiến. Như Tôi đã nói vào năm 1986 thì “các gia đình có một vị thế đặc biệt trong Giáo Hội như là một cộng đồng sự sống và yêu thương. Vì là một mối hiệp thông các ngôi vị trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa, các gia đình cũng đóng một vai trò quan trọng nơi xã hội nữa. Các gia đình cần phải hướng về một cộng đồng rộng lớn hơn, để mối quan tâm ưu ái họ tỏ ra nơi gia đình của họ được vươn tới những gia đình khác cho lợi ích của tất cả mọi người” (Homily in Singapore, No. 9). Việc vững mạnh dấn thân cho một thứ văn hóa sự sống và một thứ văn hóa gia đình là một tảng đá xây dựng cần thiết cho cơ cấu xã hội của hết mọi xứ sở và là một điều kiện cho việc thành đạt lâu dài.
………

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh do Zenit phổ biến ngày 14/12/2003

30/12 Thứ Ba

ĐTC GPII với tân lãnh sự Cộng Hòa Dominican về ý nghĩa đích thực của Thần Học Giải Phóng

Hôm Thứ Hai 15/12/2003, ĐTC GPII đã tiếp nhận vị tân lãnh sự nước Cộng Hòa Dominican Carlos Rafael Conrado Marion-Landais Castillo. Ngài đã đề cập đến vấn đề Thần Học Giải Phóng như sau:

“Việc phát triển nhân bản phải là thành quả hợp lý của việc truyền bá phúc âm hóa, một việc truyền bá phúc âm hóa hướng đến chỗ giải phóng toàn vẹn con người”. ĐTC đã trích lại những lời Ngài đã nói ở Santo Domingo ngày 12/12/1992, dịp kỷ niệm mừng 500 năm mở màn việc truyền bá phúc âm hóa ở Mỹ Châu. Sau đó Ngài cắt nghĩa tiếp thế này: “Trên 5 thế kỷ Giáo Hội đã đồng hành với nhân dân Dominican, bằng việc loan báo cho họ những nguyên tắc Kitô giáo, những nguyên tắc làm nguồn mạch cho niềm hy vọng vững chắc và làm thấm nhập vào xã hội một thứ năng lực mới mẻ”.

Ngài nhận định là “việc truyền bá phúc âm hóa và việc phát triển nhân bản không phản chống nhau mà là liên kết chặt chẽ với nhau”, ở chỗ, Giáo Hội ở nước này “thiên về thành phần khuyết tật, thành phần bệnh nhân Hội Chứng Liệt Kháng AIDS, thành phần sắc tộc thiểu số, thành phần di dân và tị nạn”. Ngoài ra, “Giáo Hội hiện diện ở cả lãnh vực giáo dục, qua 1 đại học thuộc tòa thánh ở Santiago, 4 đại học Công Giáo, một số Học Viện về kỹ thuật, các viện bách nghệ cho phụ nữ, và gần 300 trung tâm giáo dục lẫn trường học giáo xứ. Thêm vào đó, những tổ chức khác của Giáo Hội Công Giáo đã đóng góp đáng kể vào nỗ lực chung trong việc nuôi dưỡng một xã hội chân chính hơn, chú trọng tới những nhu cầu của những phần tử yếu kém nhất của nó”.

Riêng về việc phát triển nhân bản, ĐTC nhấn mạnh đến tinh thần đoàn kết như sau: “Trong thế giới ngày nay, vấn đề không phải là ở chỗ giới hạn mình vào luật lệ thị trường và tiến trình toàn cầu hóa của nó. Cần phải phát triển tinh thần đoàn kết, bằng cách tránh đi những sự dữ phát xuất từ chủ nghĩa tư bản, một chủ nghĩa đặt lợi lộc lên trên con người và biến con người thành nạn nhân của rất nhiều thứ bất chính. Một mẫu thức phát triển không chú trọng tới và không nói lên những thứ bất cân đối này thì dù sao cũng không thể nào thịnh vượng được.

“Thành phần lúc nào cũng phải chịu khổ nhất trong các cuộc khủng hoảng là người nghèo. Đó là lý do tại sao họ phải là một đối tượng đặc biệt cần phải được quốc gia quan tâm và chú trọng. Không được làm suy giảm cuộc chiến đấu chống bần cùng chỉ bằng việc cải tiến những điều kiện sinh sống thôi, mà còn phải cất đi khỏi họ tình trạng sống này, bằng việc tạo nên những nguồn công ăn việc làm và chấp nhận thân phận của họ như là của mình”.

Để đạt được mục tiêu này, ĐTC nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của việc giáo dục và huấn luyện như là những yếu tố trong cuộc chiến chống bần cùng, cũng như trong việc tôn trọng các thứ quyền lợi căn bản, những thứ không thể hy sinh cho những mục tiêu khác, khi việc hy sinh này phạm đến phẩm giá thực sự của con người”.

ĐTC cũng thẳng thắn giải quyết vấn nạn của những ai nghĩ rằng Giáo Hội không được nói về những vấn đề kinh tế và chính trị như sau: “Mặc dù trong việc phục vụ xã hội, vai trò của Giáo Hội không phải là đưa ra những giải pháp về lãnh vực chính trị hay kỹ thuật, nhưng Giáo Hội cần phải và muốn nêu lên những động lực và chiều hướng phát xuất từ Phúc Âm để soi sáng cho việc tìm kiếm những câu giải đáp cũng như những giải pháp”.

ĐTC còn nói thêm lý do tại sao Giáo Hội cần phải nhúng tay can thiệp những vấn đề trần thế như sau: “Ở tận gốc rễ của các thứ bệnh hoạn về xã hội, kinh tế và chính trị nơi các dân tộc thường là việc loại bỏ hay coi thường những thứ giá trị luân thường đạo lý, những giá trị thiêng liêng và siêu việt thực sự. Giáo Hội có sứ vụ phải nhắc nhở, bênh vực và củng cố họ. Trong việc giải quyết những vấn đề này, người ta không được quên rằng công ích là mục tiêu cần phải đạt đến, một mục tiêu mà Giáo Hội, không nhận mình có những khả năng không hợp với sứ vụ của mình, sẵn sàng hợp tác với chính quyền cũng như với xã hội”.
 

ĐTC Gioan Phaolô II với Các Vị Giám Mục Pháp về việc canh tân đời sống tận hiến

Sáng Thứ Năm 18/12/2003, ĐTC đã tiếp các vị giám mục Pháp vào dịp các vị kết thúc cuộc viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên của các vị, những vị thuộc giáo tỉnh Marseille.

Trước tiên, ĐTC đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “đời sống tận hiến là tặng ân Thiên Chúa ban cho Giáo Hội nơi tất cả mọi hình thức của đời sống này, dù cũ hay mới… Thật vậy, một giáo phận không có những cộng đồng tận hiến ‘sẽ thiếu mất nhiều tặng ân thiêng liêng, thiếu những nơi giành riêng để tìm kiếm Thiên Chúa, thiếu những hoạt động tông đồ cũng như những phương pháp mục vụ đặc biệt’.

Căn cứ vào bản tường trình của các vị giám mục về tình trạng khủng hoảng liên quan đến các cộng đồng sống đời tận hiến, ĐTC nói rằng cuộc khủng hoảng này “được đánh dấu đáng kể nơi những hội dòng hoạt động tông đồ, ở chỗ giảm thiểu một cách liên tục và nhanh chóng con số các phần tử thuộc những viện tu khác nhau, … cũng như ở con số ít ỏi các ứng viên trở thành tập sinh… Các phần tử đang già đi, gây ra những hậu quả không thể nào tránh được nơi đời sống của các viện tu, nơi chứng từ của họ, nơi việc quản trị của họ, thậm chí nơi những quyết định liên quan đến sứ vụ của họ cũng như đến những nguồn lợi nhắm tới của họ… Các vị lãnh đạo những tu hội này cần phải chú trọng đến việc thường xuyên đào luyện phần tử của mình, nhất là về những lãnh vực thần học và tu đức”.

ĐTC cũng tỏ lời khen ngợi hoạt động của thành phần sống đời tận hiến “ở Pháp cũng như ở các xứ sở nghèo khổ nhất, đặc biệt là ở Phi Châu”. Ngài nhấn mạnh nhiều lần đến việc cần phải chú trọng đến giới trẻ, nhất là việc huấn luyện trong những năm đầu đời của họ, cách riêng thành phần đang tìm hiểu ơn gọi sống đời tận hiến. ĐTC cũng nêu lên vấn đề đối thoại tốt đẹp giữa các viện tu và hội dòng ở cả lãnh vực toàn quốc và giáo phận. ĐTC cũng đề cập đến tình trạng “trong giáo phận của quí huynh, đời sống tận hiến có nhiều bộ mặt, bằng việc chung sống bên nhau giữa các cộng đồng cũ mới….”. Ngài còn nhắc lại ý hướng của nhiều vị giám mục thấy rằng vai trò của các dòng tu chiêm niệm đóng một vai trò quan trọng trong giáo phận của các vị.
 

Nhà Thần Học Giáo Hoàng Gia Georges Cottier tâm sự về việc ngài phục vụ Giáo Triều ĐTC Gioan Phaolô II (tiếp và hết)

Vấn     Thế nhưng, cử chỉ xin tha thứ này của ĐTC về những lỗi lầm của Giáo Hội đã bị giằng co rất nhiều. Phải chăng đã có những thần học gia chống lại ý nghĩ xin lỗi này?

Đáp     Tôi nhớ là tôi đã nói chuyện với một vị giám mục rất hăng say làm việc mục vụ. Vị giám mục này sợ rằng báo chí đời sẽ lạm dụng cử chỉ này để tố cáo Giáo Hội và tác hại Dân Chúa. Tôi đã trả lời vị giám mục ấy là cần phải cắt nghĩa rõ ràng cho dân chúng biết về ý nghĩa của cử chỉ này. Đức Giáo Hoàng không phải chỉ nói: Tôi xin tha thứ. Song Ngài nói: Tôi tha thứ và Tôi xin được thứ tha, vì Giáo Hội cũng đã chịu nhiều đau khổ cùng rất nhiều những lời vu khống phạm đến Giáo Hội. Bởi thế, cần phải chú ý tới hai khía cạnh này. Tuy nhiên, khi vấn đề liên quan tới Kitô hữu, những người đã lỗi phạm và để lại vết tích trong giòng lịch sử, thì cần xét lại lương tâm, chẳng những vì người ta phải nghĩ đến những nạn nhân, nhận thức rằng chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể sửa chữa sự dữ xẩy ra, mà còn, theo tôi nghĩ, vì ký ức của thành phần nạn nhân, ở chỗ con cháu của họ vẫn còn chịu những hậu quả của những gì xẩy ra trước đó. Như thế, cần phải quyết tâm là trong tương lai những lầm lỗi này sẽ không còn xẩy ra nữa. Nó phải là một bài học cho tương lai.

Vấn     Cụ thể chẳng hạn như là chiến tranh tôn giáo không được xẩy ra nữa phải không?

Đáp     Chính thế. Đây là một vấn đề rất hay. Những tàn phá lớn lao nhất trong lịch sử Âu Châu phải kể đến những cuộc chiến tranh về tôn giáo một phần là do phong trào Minh Tri chủ trương rằng: Sự kiện Kitô hữu chiến đấu chống nhau là vì những khác biệt dẫn đến chỗ cuồng tín. Đó là lý do tại sao họ muốn tìm một bình diện là nơi có thể diễn ra thỏa ước, và bình diện này là trí khôn thuần túy loài người. Chiều hướng lập luận này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hạ sinh chủ nghĩa duy lý tân thời. Những sử gia đã giúp cho chúng ta thấy được rằng thường việc tranh luận tôn giáo về những cuộc chiến này là bình phong che khuất quyền lực trần thế. Các ông hoàng thường sử dụng Giáo Hội cho những lợi lộc của quyền lực. Điều này bắt buộc Kitô hữu phải sâu xa kiểm xét lại lương tâm của họ. Đối với tôi, giai đoạn Công Đồng Chung Vatican II tuyên bố về quyền tự do tôn giáo là một giai đoạn rất minh thức, ở chỗ, sự thật chỉ được bênh vực bằng sự thật. Chúng đã phải chờ đợi bao thế kỷ mới nói được những lời như thế.

Vấn     Thế nên Giáo Hội không được sợ hãi trong việc công nhận một số lầm lỗi nào đó, vì cuối cùng sự thật sẽ sáng tỏ phải không?

Đáp     Phải, sự thật bao giờ cũng thắng. Chúng ta biết rằng mầu nhiệm Kitô hữu là mầu nhiệm tình thương Thiên Chúa đến để chữa lành các tội lỗi của con người. Bởi vậy, việc nhìn nhận lỗi lầm của mình cũng là một chứng từ cho sự thật cơ bản này và là những gì không làm suy yếu Kitô giáo.

Tôi nghĩ sự thật là một quyền lực, là một sứ điệp hy vọng chứ không phải sứ điệp bạo lực. Cần phải đọc lại những bản văn viết các lời cầu nguyện của những vị hồng y, những lời cầu nguyện rất sâu xa về ý nghĩa và là những lời cầu nguyện bắt chúng ta phải suy nghĩ.

Một thời điểm rất quan trọng khác trong Năm Thánh cần phải được thấy chung với ngày thứ tha này đó là ngày tôn kính các vị tử đạo của thế kỷ 20. Khi chúng ta cần phải xin tha thứ và chúng ta làm như thế là vì có người gây cho Giáo Hội bị mang tiếng làm gương mù gương xấu, một thứ gương mù gương xấu là phản lại việc làm chứng. Ơn gọi của Kitô hữu bao gồm cả việc tử đạo như là một hình thức làm chứng cao cả hơn. Tất cả mọi Kitô hữu đều phải làm chứng. Thế nên cần phải nhìn hai ngày này chung với nhau.

Vấn     Đức Giáo Hoàng này thật sự đã thực hiện một kiệc tác bằng chương trình mừng Năm Thánh sâu xa…

Đáp     Đúng thế, việc kết thúc Năm Thánh cũng gây nên nơi tôi một tác dụng mạnh mẽ. Mới đầu người ta nghĩ rằng Vị Giáo Hoàng này đã phô trương mình quá nhiều trong cả Năm Thánh, Cuộc Mừng là một thứ phong thần cho giáo triều của Ngài, và cuối cùng thì vị Giáo Hoàng này sẽ nghỉ ngơi ngắm nhìn công trình của mình.

Thế nhưng, vào cuối lễ Hiển Linh 6/1/2001 là ngày bế mạc Đại Năm Thánh, Vị Giáo Hoàng này lại thôi thúc Giáo Hội hãy bắt đầu lại một cuộc tân truyền bá phúc âm hóa. Các văn kiện “Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba” và “Mở Màn Cho Một Tân Thiên Kỷ” là hai văn kiện nồng cốt. Ở văn kiện thứ hai được ban hành vào cuối Năm Thánh, vị Giáo Hoàng này đã đề ra tất cả một chương trình thực hiện một cuộc tân truyền bá phúc âm hóa, và nói rằng điều kiện tiên quyết cho việc tân truyền bá phúc âm hóa này là đức thánh thiện và đời cầu nguyện. Đó là hai cột trụ chính.

Người ta có thể thấy rằng sau Năm Thánh, vị Giáo Hoàng này đã tiếp tục phác họa tương lai cho Giáo Hội bằng một lý lẽ rất sâu xa, với tông thư về kinh mân côi thánh cũng như với bức thông điệp “Ecclesia de Eucharistia”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
 

29/12 Thứ Hai

Nhà Thần Học Giáo Hoàng Gia Georges Cottier tâm sự về việc ngài phục vụ Giáo Triều ĐTC Gioan Phaolô II

Trong cuộc mật nghị hồng y vừa rồi có 4 vị tân hồng y linh mục, một vị là nhà thần học giáo hoàng gia dòng Đaminh người Thụy Sĩ. Vị linh mục 81 tuổi này được thăng tước hồng y là vì ĐTC GPII muốn tỏ lòng tri ân cảm tạ việc phục vụ về thần học của ngài. Sau đây là cuộc phỏng vấn của màn điện toán Zenit với ngài, cuộc phỏng vấn đã được cơ quan truyền thông điện toán toàn cầu này phổ biến ngày 24/12/2003.

Vấn     Vào năm 1990 ngài đã được bổ nhiệm làm nhà thần học giáo hoàng gia, tức là vai trò làm thần học gia của ĐTC. Đây là một công việc được thi hành một cách nào đó theo ý hướng của Công Đồng Chung Vaticanô II. Việc làm này khác với việc làm của vị Bộ Trưởng thánh bộ Tín Lý Đức Tin ra sao, vì vị chủ tịch này cũng phải là một thần học gia giỏi?

Đáp     Công việc của vị Bộ Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin hoàn toàn khác với việc làm của tôi. Là một vị lãnh đạo phân bộ này, ngài phải nhúng tay can thiệp nếu xẩy ra những rắc rối về thần học tạo nên những khó khăn; chẳng hạn, một cuốn sách xuất bản có những ý tưởng thần học sai lầm được giáo dân và các vị giám mục khiếu nại thì ngài phải nhúng tay vào can thiệp.

Còn công việc của tôi là ở chỗ đọc và tuyên nhận “nihil obstat” - “không gì ngăn trở” cho tất cả các bản văn được ĐTC công bố và là những bản văn không do tôi viết. Đa số các bản văn này do các cộng tác viên của ĐTC viết, từ các văn phòng khác nhau, sau đó tất cả các bản văn đó được gửi đến cho Bộ Nội Vụ.

Tôi phải đọc tất cả các bản văn đó, trong đó có các bản văn liên quan đến mối liên hệ với các phái đoàn ngoại giao cũng như với những việc ngoại giao của Tòa Thánh Vatican.

Không phải là tất cả mọi văn kiện liên quan đến những vấn đề ngoại giao của Tòa Thánh Vatican tôi đều đọc, nhưng những gì liên quan đến tín lý, mục vụ, các thông điệp, các diễn từ triều kiến, các bài giáo lý cho buổi triều kiến chung vào Thứ Tư hằng tuần, và những huấn từ của ĐTC cho những cuộc viếng thăm ngũ niên của các vị giám mục đều được chuyển đến văn phòng của tôi. Thế nhưng Đức Giáo Hoàng mới là vị ban những lời hướng dẫn và thực hiện mọi sự.

Vấn     Như thế thực tế cho thấy không có một văn kiện nào có thể ra khỏi Tòa Thánh Vatican mà trước hết không qua văn phòng của ngài…

Đáp     Đúng như thế về phương diện thực hành. Thế nhưng, tôi không cấm cản việc phổ biến các bản văn đó. Tôi chỉ nhận định về tính cách rõ ràng của ngôn từ, để không có gì là mập mờ nơi bản văn Đức Giáo Hoàng cần phải phổ biến. Trong trường hợp có nhiều các thứ văn liệu, tôi còn phải để ý tới vấn đề hòa hợp về kiểu cách giữa một bài diễn từ và một bài văn từ khác nữa. Cũng cần phải thận trọng, vì, chẳng hạn trường hợp người ta không thể xin Đức Giáo Hoàng tự tuyên bố về vấn đề vẫn còn đang được tranh luận giữa những nhà thần học.

Tôi cũng nhận định cả về tính cách khôn ngoan nữa. Cần phải làm sao để thẩm định được là nên hay không nên nói những điều gì đó. Vậy tôi tới Bộ Nội Vụ nơi ĐTGM Leonardo Sandri làm việc, vị tái phân loại tất cả các bản văn lại với nhau. Ngài cũng phải chú ý tới kiểu cách và tính cách hòa hợp của các bài diễn từ; bởi thế chúng tôi cùng hợp tác với nhau.

Vấn     Những đề tài nào đã từng có tác dụng mạnh nhất nơi ngài qua tất cả mọi thời đoạn khi ngài làm việc sát cận với Đức Thánh Cha này?

Đáp     Tôi cần phải thêm là trước khi tôi được làm hồng y tôi đã là thư ký của Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế và là tham vấn viên của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Nhiều đề tài quan trọng đã được chạm tới trong những lúc bấy giờ.

Thế nhưng, trở về với trường hợp làm việc cho ĐTC, tôi xin thưa là trong số những bản văn quan trọng nhất được phổ biến trong những năm này phải là cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, một cuốn sách chẳng những đầy đủ mà còn được trình bày một cách rất rõ ràng, theo một chiều kích thiêng liêng rất tuyệt vời. Tiếc thay, theo tôi nghĩ, cuốn sách này vẫn chưa được biết đến đầy đủ; nó chất chứa một quan điểm khách quan và rất phong phú về nội dung của đức tin chúng ta.

Ngoài ra Đức Giáo Hoàng cũng đã mặc cho những bức thông điệp một tầm mức quan trọng; trong những trường hợp này, tôi được công tác vào việc soạn thảo chứ không phải chỉ có đọc lại bản văn vào lúc cuối cùng mà thôi, nhất là những thông điệp “Rạng Ngời Chân Lý” và “Đức Tin và Lý Trí”. Tuy nhiên, chúng ta cũng không được quên văn kiện “cho họ được hiệp nhất nên một”, một bức thông điệp về đại kết quan trọng, thậm chí cả đến những bức thông điệp về giáo huấn xã hội của Giáo Hội nữa.

Vấn     Ngài cũng đóng vai trò quan trọng trong Cuộc Mừng Đại Năm Thánh 2000, dù ngài bao giờ cũng muốn sống ẩn mình đi.

Đáp     Phải, tôi được bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy Ban Thần Học và Sử Học để sửa soạn cho Cuộc Mừng Đại Năm Thánh 2000. Cùng với Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, cá nhân tôi rất chú trọng tới vấn đề Giáo Hội xin tha thứ. Thật vậy, vào ngày 12/3 Năm Thánh 2000 đã diễn ra một cuộc cử hành tha thứ. Nó là một ngày tuyệt vời nhất và rất ư là cảm động, chẳng những vì nội dung của nó mà trước hết còn vì cử chỉ của Đức Giáo Hoàng, vị ôm lấy cây thập giá, đầy tràn ý nghĩa. Ở đây, người ta mới hiểu được sự thánh thiện của Giáo Hội đồng thời hiểu được cả nỗi yếu hèn của rất nhiều Kitô hữu.

(còn tiếp)

Khối Hiệp Nhất Âu Châu: Thất Bại trong việc bỏ phiếu chấp thuận Bản Hiến Pháp Âu Châu

Đúng như dự định, cuộc họp thượng định của Khối Hiệp Nhất Âu Châu ở Brussels, Bỉ Quốc, đã diễn tiến để phê chuẩn Bản Hiến Pháp Âu Châu áp dụng chung cho các quốc gia hội viên. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh này đã bị ngắc ngứ về vấn đề quyền bầu cử của các quốc gia hội viên được phác họa trong bản hiến pháp này. Ngoại trưởng Đức Kpscjla Fischer đá cho đài truyền hình Đức biết hôm Thứ Sáu cùng ngày 12/12/2003 biết rằng: “Chúng tôi vẫn còn xa vấn đề tiến đến một giải pháp; những phân rẽ vẫn còn sâu rộng”.

Chủ trương của hai phe Pháp với Đức và Tây-Ban-Nha với Ba-Lan về những vấn đề khác đã kéo dài cuộc họp hai ngày này sang tới tối Thứ Bảy. Thủ Tướng Ý là Silvio Berlusconi, chủ tọa cuộc họp thượng đỉnh này đã nói với các vị lãnh đạo các quốc gia hội viên rằng vấn đề phải giải quyết cho xong vào sáng Chúa Nhật 14/12/2003. Vị tổng thống này đã phải bỏ cả bữa tối Thứ Sáu để hai bên nói chuyện với nhau hầu tiếp tục cuộc hội nghị vào sáng Thứ Bảy.

Trong một cuộc họp báo, Tổng Thống Pháp Jacques Chirac cho biết chủ trương của Tây Ban Nha và Ba Lan “không hợp với nhãn quan chúng tôi có về một Âu Châu nới rộng”. Ngoại Trưởng Tây Ban Nha Ana Palacio phủ nhận lời phê phán ấy, vì theo bà, Âu Châu “được xây dựng cho hết mọi người, vì th61 mà không một xứ sở nào, dù là nước sáng lập, dù là nước nổi tiếng nhất, dù là nước ít tiếng tăm nhất, hay là nước mới nhất, có thể “cướp lấy lợi lộc Âu Châu”.

Tổng Thống Pháp Chirac, Thủ Tướng Anh Tony và Thủ Tướng Đức Gerhard Schoroeder đã phải họp nhau lại để tìm lối thoát cho cuộc họp thượng đỉnh này, song như vị thủ tướng của Hiệp Vương Quốc là Tony Blair cho báo chí biết là: “Các chủ trương rất ư là xa cách nhau. Vấn đề quan trọng là việc cố gắng để đi đến chỗ thỏa thuận với nhau. Đó là vấn đề khó khó nuốt”.

Bản hiến pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu được phác họa cả năm nay là để tím cách củng cố việc hợp tác về vấn đề phòng vệ, vấn đề chính sách ngoại giao, vấn đề di dân cùng các vấn đề khác để cho khối này một tiếng nói chính trị xứng hợp với quyền lực về kinh tế khi khối này có thêm 10 tân quốc gia hội viên vào ngày 1/5/2004 tới đây.

Trọng tâm của cuộc tranh luận về bản hiến pháp này là vấn đề 4 quốc gia lớn nhất là Đức, Pháp, Hiệp Vương Quốc và Ý, nắm quyền hành bao nhiêu và các vị lãnh đạo của Khối Âu Châu có thể chấp nhận việc hộp nhập tới bao nhiêu.

Tây Ban Nha và Ba Lan là những quốc gia lớn thứ năm và sáu trong Khối Hiệp Nhất Âu Châu nhất quyết đòi cho bằng được quyền bỏ phiếu hầu như gần bằng với 4 đệ nhất quốc gia của Khối này. Đức và Pháp dẫn đầu cuộc chiến để cố thủ những quyền lợi này. Các nước lớn như đệ nhất tứ quốc trên, theo hệ thống phức tạp được đồng ý tại Nice Pháp quốc cách đây 3 năm, có 29 phiếu mỗi nước, còn các nước nhỏ như hai nước trên đây chỉ có 27 phiếu thôi, nếu cần phải bỏ phiếu quyết định hay bầu bán. Trong khi đó, Hiệp Vương Quốc chiến đấu với Lục Xâm Bảo trong việc ngăn cản nước này quyết định về những quyền lợi liên quan đến những vấn đề từ ngoại giao tới thuế má.

Tất cả 25 quốc gia đều phải chấp thuận bản hiến pháp thì nó mới có công hiệu. Song các vị lãnh đạo cảnh giác là họ thà rút lui còn hơn chấp nhận một bản hiến pháp như thế. Trong một bản thăm dò mới nhất thì có tới 50% dân chúng Âu Châu cho rằng Khối Âu Châu không phải là điều hay.

Hôm Thứ Bảy, Hiệp Vương Quốc tỏ ra hỗ trợ vấn đề quyền hạn bỏ phiếu theo chủ trương của Tây Ban Nha và Ba Lan và chống lại chủ trương của Pháp và Đức là chủ trương tạo nên một hệ thống “đa số kép”. Thủ Tướng Ý nêu lên một số dung hòa nhưng đôi bên vẫn không chịu nhượng bộ. Sau cuộc hội nghị thượng đỉnh này nước Ái Nhĩ Lan, với thủ tướng Bertie Ahern, sẽ giữ vai trò chủ tịch từ ngày 1/1/2004.

Vấn đề tôn giáo cũng được đề cập đến trong cuộc hội nghị thượng đỉnh này. Các quốc gia mạnh về Công Giáo như Tây Ban Nha và Malta thúc giục hãy đề cập tới Kitô giáo nơi lời dẫn nhập của bản hiến pháp là những gì hiện nay chỉ nói trống thế này: “Rút tỉa nguồn cảm hứng từ gia sản văn hóa, tôn giáo và nhân bản của Âu Châu…”. Pháp và các quốc gia khác loại bỏ ý tưởng này, nhất là vì Thổ Nhĩ Kỳ Hồi Giáo có thể trở thành một phần tử của khối này vào lúc nào đó trong tương lai.

Ông Giorgio Salina, phó chủ tịch ở Ý thuộc Hội Đồng Kitô Hữu Âu Châu đã nhận định về việc thất bại của hội nghị thượng đỉnh của Khối Hiệp Nhất Âu Châu trên đây như sau: “Việc thiết đồng ý với nhau về Bản Hiến Pháp Âu Châu nói lên cho thấy cái thất bại của một ý hệ muốn kiến thiết một Âu Châu bằng cách loại bỏ các căn gốc của Kitô giáo mà chỉ tin tưởng vào những thứ tính toán về chính trị mà thôi”.

Nhóm Kitô Hữu này đề nghị trở lại với hoạch định của các vị lãnh đạo đã khởi đầu tiến trình hiệp nhất Âu Châu sau Thế Chiến II, đó là Konrad Adenauer, Robert Schuman và Alcide De Gasperi, tất cả đều là các chính trị gia Kitô giáo, để làm cho Bản Hiến Pháp Âu Châu có “những giá trị chung” và “những qui luật của việc chung sống tôn trọng cái bình đẳng và phẩm giá hợp lý của tất cả mọi phần tử của mình”.
 

Thánh Địa: “Vì họ không thuộc nhóm của chúng ta” (Mk 9:38)

Thứ Hai 22/12/2003, tại Giêrusalem, ngoại trưởng Ai Cập Ahmed Maher, sau cuộc nói chuyện với Thủ Tướng Do Thái Sharon, đã được đưa vào nhà thương vì bị những người Hồi Giáo tấn công khi ông đang cầu nguyện ở Đền Thờ Al Aqsa, một trong những nơi linh thánh nhất của Hồi Giáo.

Câu truyện xẩy ra là có cả mấy chục tín đồ ở trong Đền Thờ bấy giờ, được cho là thuộc nhóm Hồi Giáo quá khích mang danh là Đảng Giải Phóng, đã ném giầy vào ông ngoại trưởng này và hô hoán rằng “Allahu Akbar” (Thiên Chúa là Đấng cao cả). Cảnh sát canh ở bên ngoài đền thờ đã nghe thấy tiếng xáo trộn ở bên trong, và đoàn tùy tùng của vị ngoại trưởng đã vội vã hộ tống ông ra khỏi đến thờ.

Các viên chức Do Thái cho biết cảnh sát Giêrusalem đã đưa ông lên xe cứu thương đậu ở Cổng Mugrabi để ông được khám nghiệm rồi đưa ông đến Trung Tâm Y Khoa Hadassah ở Giêrusalem. Thẩm Quyền Palestine, qua phát ngôn viên Saeb Erakat, đã lên án hành động tấn công này.

Sau khi gặp gỡ thủ tướng Do Thái Sharon, ngoại trưởng Maher cho biết là ông hy vọng Do Thái và Palestine chẳng bao lâu nữa sẽ tiến đến chỗ áp dụng thi hành cái được gọi là “lộ trình” hòa bình. Ông Maher cho biết thủ tướng Sharon có thể sẽ chiều theo vấn đề ngừng chiến của Palestine: “Tôi đã nghe thấy được là Do Thái quyết tâm tái tấu những cuộc thương thảo sớm bao nhiêu có thể. Tôi cũng nghe thấy rằng Do Thái muốn cho cuộc sống của người Palestine được dễ thở hơn, và tôi xin nói rõ là việc làm cho cuộc sống của những người Palestine được dễ thở hơn đây chắc chắn cũng sẽ làm cho cuộc sống của những người Do Thái được dễ thở nữa, vì cả hai cuộc sống này liên hệ với nhau, cả hai đang chịu khổ gây ra bởi tình trạng hiện nay”.

Thủ Tướng Sharon đã ra văn thư chính thức mời Tổng Thống Ai Cập Hosni Mubarak đến Israel. Theo vị thủ tướng này thì: “Tôi hy vọng rằng cuộc viếng thăm này sẽ giúp mang lại mối liên hệ của chúng tôi với Thẩm Quyền Palestine tiến bộ, cũng như sẽ giúp vào việc nỗ lực tiến tới một giải pháp chính trị sớm bao nhiêu có thể. Tôi đang đón tiếp vị ngoại trưởng Ai Cập và tôi cũng đang mời cả tổng thống Ai Cập đến Israel nữa”.

Ai Cập là nước Ả Rập đầu tiên ký kết hiệp ước hòa bình với Do Thái vào năm 1979. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa Do Thái và Ai Cập đã trở nên lạnh nhạt hơn, từ sau cuộc bạo động bùng nổ vào Tháng 9/2000 ở Thánh Địa.

Ngoài ra, còn một nỗ lực nữa giữa hai phe Do Thái và Palestine là làm sao để cho hai vị Thủ Tướng của hai bên được dịp gặp gỡ nhau lần đầu tiên.

Giữa hai phe Do Thái và Palestine, vấn đề là ở chỗ hai bên vẫn cứ giằng co nhau và không bên nào chịu dấn thân đi nước trước. Palestine thì cứ nhất quyết đòi Do Thái phải di chuyển những khu cư trú đi chỗ khác cũng như phải thôi những hoạt động khác của người Do Thái trong các phần thổ của Palestine; còn bên Do Thái cũng nhất quyết muốn bên Palestine phải giải thể các tổ chức chiến đấu quân và ngưng ngay các cuộc khủng bố tấn công Do Thái. Nhưng vì hai bên dường như không muốn đi tiên phong thực hiện ý muốn của đối phương, mà những vấn đề gai góc khác cũng vẫn chưa được giải quyết, như vấn đề biên giới và vị thế của thành Giêrusalem.
 

Hậu Chiến Iraq: truy lùng vũ khí và đấu thầu tái thiết

 

Ông David Kay, trưởng ban của Hoa Kỳ giữ vai trò truy lùng vũ khí cấm ở Iraq tỏ ra chán nản muốn xin từ chức sau thời gian dài chẳng có kết quả gì trong việc này. Đến nỗi, một số nhân viên trong nhóm của ông đã quay ra giúp lực lượng Hoa Kỳ chống lại các phiến quân Iraq. Ông David, với vai trò làm cố vấn cho cơ quan tình báo CIA Hoa Kỳ trong việc truy lùng vũ khí này, đã bày tỏ ý định của mình cho các viên chức trong nhóm của ông như vậy. Theo các viên chức được ông cho biết ý định của mình thì ông có thể từ nhiệm trước khi Nhóm Thám Sát Iraq thực hiện cuộc tường trình thứ hai của mình vào Tháng 2/2004, chứ không đợi đến bản tường trình cuối cùng vào Mùa Thu năm 2004.

Khi bắt đầu nhận trách vụ truy lùng vũ khí ở Iraq vào Tháng 6/2003, ông David hết sức nghĩ rằng sẽ tìm thấy các dấu chứng một cách nhanh chóng cho thấy những lý do tại sao Hoa Kỳ tấn công Iraq. Thế nhưng, trong bản tường trình sơ khởi vào Tháng 10/2003, nhóm của ông vẫn phải công nhận là chưa tìm thấy dấu tích gì về những thứ vũ khí cấm này cả. Một trong những lý do ông này muốn từ nhiệm vì áp lực gia đình cũng như vì thấy lực lượng nhóm ông yếu dần khi một số quay sang chiến đấu chống lại các cuộc nổi dậy.

Trong khi đó, cũng tại Iraq, có khoảng từ 300 đến 700 phần tử thuộc ngành quân lực mới của Iraq đã rút lui vì không hài lòng với những thời hạn, điều kiện và lương lậu cũng như những điều chỉ dẫn của các sĩ quan tư lệnh.

Về vấn đề đầu tư để hiết Iraq, quyết định của Hoa Kỳ về cuộc đấu thầu 18.6 tỉ Mỹ Kim không cho các quốc gia phản chiến (Nga, Đức và Pháp) tham dự vào cuộc đấu thầu số tiền khổng lồ này. Tổng Thống Bush đã nêu lên lý do là vì thành phần “đóng thuế” ở Hoa Kỳ cho rằng như thế mới công bằng với những ai dám “liều mạng sống”, như lực lượng Hoa Kỳ và liên minh.

Trong một văn bản, Ủy Viên Chris Patten thuộc Ban Ngoại Vụ Khối Hiệp Nhất Âu Châu đã gọi hành động này của Hoa Kỳ “hết sức bất lợi”: “Nó không đặc biệt giúp gì vào việc hàn gắn những tranh cãi và chia rẽ trong quá khứ. Trái lại, cần phải mang thành phần muốn làm lại với nhau chứ đừng phân rẽ họ”.

Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc là ông Kofi Annan cũng phê bình về quyết định của Hoa Kỳ ấy: “Từ khi xẩy ra chiến cuộc, chúng ta tất cả đang cố gắng mang dân chúng lại với nhau. Đây là lúc tái thiết, cùng nhau làm việc để củng cố Iraq. Bất cứ sáng kiến hay hành động hoặc quyết định nào cũng cần phải là nhưnõng gì liên kết hơn là chia rẽ. Tôi không cho rằng quyết định hôm qua là những gì tỏ ra liên kết.

Ủy Ban Âu Châu và Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế đang điều ra xem quyết định này có trái với luật lệ quốc tế hay chăng?

Nhận định của www.thoidiemmaria.net: Nếu không tìm thấy vũ khí đại công phá ở Iraq là nguyên do chính yếu để có thể tấn công Iraq một cách bất hợp pháp (qua mặt Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc), theo công bằng, lực lượng liên minh nói chung và Hoa Kỳ nói riêng phải bồi thường chiến tranh nữa là đàng khác, vì đã gây tan nát cả về nhân mạng lẫn sản vật của xứ sở này, chứ đừng nói gì đến quyền đấu thầu hay lợi lộc trong việc đấu thầu. Vả lại, nếu các quốc gia phản chiến trong Hội Đồng Bảo An LHQ phủ quyết (veto) quyết định tái thiết Iraq theo như Hoa Kỳ phác định thì Hoa Kỳ có quyền ra giá và thực hiện cuộc đấu thầu tái thiết này được chăng? Nếu việc tái thiết Iraq là một hành động bác ái thực sự và chân chính thì tại sao lại có vấn đề tranh giành tư lợi ở chỗ này? Như thế người ta đã có lý để đặt vấn đề với Hoa Kỳ trong việc tấn công giải giới Iraq, chẳng những, trong giai đoạn tiền chiến, về những gì liên quan đến việc mạo tín liệu để đánh lừa thiên hạ mà tấn công Iraq một cách đơn phương, độc đoán và vội vàng, mà còn, trong giai đoạn hậu chiến, nắm quyền kiểm soát nước này, không cho Liên Hiệp Quốc nắm vai trò chủ chốt theo sứ vụ của tổ chức quốc tế ấy, muốn nắm đầu lực lượng quân sự quốc tế trong việc giữ an ninh cho Iraq và quản thủ tiền bạc quốc tế góp phần tái thiết Iraq.
 

28/12 Chúa Nhật Lễ Thánh Gia

Thiên Chúa Nhập Thể – Đường Vào Trần Gian

(Bài suy niệm cho Lễ Thánh Gia, Lễ Mẹ Thiên Chúa và Ngày Hòa Bình Thế Giới kết Tuần Bát Nhật Giáng Sinh)

Theo Phụng Vụ của Giáo Hội, chúng ta đang ở vào thời điểm của Chúa Nhật trong Tuần Bát Nhật sau Đại Lễ Giáng Sinh. Cũng theo Phụng Niên của Giáo Hội, tuần bát nhật như thế này chỉ được cử hành sau hai Đại Lễ Giáng Sinh và Phục Sinh mà thôi. Chẳng những thế, trước hai Đại Lễ này còn có một thời gian dọn mình đặc biệt nữa, đó là Tuần Thánh bảy ngày trước Chúa Nhật Phục Sinh và Tuần Áp Lễ Giáng Sinh từ ngày 17 đến 24. Trong Tuần Bát Nhật sau Đại Lễ Giáng Sinh, Giáo Hội bao giờ cũng cử hành một số lễ đặc biệt liên quan đến Mầu Nhiệm Nhập Thể, như Lễ Kính Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi, vào ngày 26, Lễ Kính Thánh Gioan Tông Đồ Thánh Ký Phúc Âm Thứ Bốn, Người Môn Đệ được Chúa Giêsu yêu, vào ngày 27, Lễ Kính Các Thánh Anh Hài vào ngày 28, các em nhỏ đã chịu chết thay cho Hài Nhi Giêsu bị Hêrôđê lùng giết khi mới sinh ra, nhất là Giáo Hội cử hành Lễ Thánh Gia vào Chúa Nhật sau Lễ Giáng Sinh và Lễ Mẹ Thiên Chúa vào chính ngày kết Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, 1/1, Ngày Đầu Năm Dương Lịch cũng là Ngày Hòa Bình Thế Giới được Giáo Hội cử hành từ thời Đức Phaolô VI vào năm 1968 cho đến nay.

Bởi thế, trong bài chia sẻ cho Chúa Nhật tuần này, chúng ta sẽ cùng nhau hướng về Thánh Gia, về Mẹ Thiên Chúa và về Ngày Hòa Bình Thế Giới. Về Thánh Gia, chúng ta sẽ cùng nhau ý thức chân lý gia đình thực sự là cửa ngõ cho Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người; về Mẹ Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ cùng nhau cảm nghiệm thực tại chỉ có loài người trong toàn thể tạo vật mới được diễm phúc trở thành mẹ của Thiên Chúa, và về Ngày Hòa Bình Thế Giới, chúng ta sẽ cùng nhau lắng nghe Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi toàn thể thế giới cho năm nay 2003.

Lễ Thánh Gia: gia đình của loài người tạo vật chúng ta thực sự là cửa ngõ để Thiên Chúa vào đời

Mỗi lần nghĩ đến Thánh Gia hay cử hành lễ Thánh Gia hằng năm là tôi lại bồi hồi xúc động khi nghĩ đến chân lý gia đình của loài người tạo vật chúng ta thực sự là cửa ngõ để Thiên Chúa vào đời. Thật thế, nếu trái đất chúng ta đang sống đây được Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người cách đây 2003 năm là cung thánh của toàn thể vũ trụ hầu như vô biên bất tận này, như những gì tôi đã chia sẻ ỏ tuần trước, thì phải nói rằng gia đình chính là Nhà Tạm trên Cung Thánh Thế Gian vậy. Bởi vì Vị Thiên Chúa Làm Người đã thực sự ngự trong Nhà Tạm Gia Đình này 30 năm trường trước khi tỏ mình ra cho nhân loại. Nếu bản tính của con người đã được thần linh hóa nhờ việc Thiên Chúa là Thần Linh mặc lấy nó khi hóa thân làm người thế nào, thì gia đình cũng được thánh hóa như vậy, cũng trở thành linh thiêng như vậy, khi Thiên Chúa được loài người thụ thai, cưu mang, sinh hạ, dưỡng nuôi và hướng dẫn. Chính vì gia đình là cơ cấu đã được thánh hóa, được liêng thiêng hóa nhờ Thiên Chúa Nhập Thế như thế, mà gia đình nhân loại chúng ta đã trở thành nơi Thiên Chúa tỏ mình ra, như Chúa Kitô đã tỏ vinh quang của Người ra lần đầu tiên cho các môn đệ thấy ở tiệc cưới Cana (x Jn 2:11).

Tuy không phải là mộỉt chuyên viên tâm lý hành nghề tham vấn hay trị liệu đối với những trục trặc về đời sống hôn nhân gia đình đang bị khủng hoảng hiện nay, tôi cũng được nghe rất nhiều tâm sự riêng tư của các gia đình, từ của nhiều người vợ và của ít người chồng. Tất nhiên, tâm sự tôi được nghe từ nhiều người vợ hay từ ít chồng này thường là những gì tiêu cực về người họ muốn kể cho tôi nghe và hỏi ý kiến của tôi để giải quyết vấn đề cho họ. Trước hết bao giờ tôi cũng cám ơn họ vì đã tin tưởng tâm sự với tôi những điều tư riêng thầm kín của hai vợ chồng họ. Sau đó, tôi vốn có thói quen cố gắng giúp họ làm một cuộc tự vấn để họ nhận thấy họ đang ở đâu và phải đi về đâu, tức làm sao để họ cảm thấy họ cần phải tự mình giải quyết cách nào cho tốt đẹp. Cuộc tự vấn này bao gồm bảy vấn nạn sau đây:

Vấn nạn thứ nhất - Nếu về phần tiêu cực, người vợ hay người chồng được họ kể cho tôi nghe có những điều làm họ bất mãn và bực tức như thế, thì về phần tích cực, người bạn đời của họ có những ưu điểm như thế nào?

Vấn nạn thứ hai – Nếu người bạn đời của họ có những yếu điểm tiêu cực và ưu điểm tích cực như vậy thì trên bàn cân bên nào nặng hơn: bên tiêu cực hay bên tích cực?

Vấn nạn thứ ba - Nếu bên tiêu cực nặng hơn thì họ thực sự mong đợi gì hay mong muốn những gì nơi người bạn đời của họ?

Vấn nạn thứ bốn – Nếu họ mong đợi hay mong muốn người bạn đời của họ như thế thì người bạn đời của họ đã đáp ứng những mong đợi của họ được bao nhiêu phần trăm?

Vấn nạn thứ năm – Nếu họ mong muốn nơi người bạn đời của họ như vậy thì trái lại họ có biết được người bạn đời của họ mong đợi gì nơi họ hay chăng?

Vấn nạn thứ sáu – nếu họ không biết được người bạn đời của họ mong đợi những gì nơi họ mà chỉ biết được những gì họ mong muốn nơi người bạn đời thì vấn đề trục trặc vợ chồng đã được sáng tỏ phần nào, ở chỗ họ chưa hiểu được người bạn đời của họ.

Vấn nạn thứ bảy – nếu họ đã hiểu được người bạn đời của họ mong muốn gì nơi họ mà họ chưa đáp ứng được, thậm chí không chịu đáp ứng với đủ mọi thứ lý lẽ, mà lý lẽ sâu xa nhất đó là vì không hợp với họ, nhưng họ lại hết sức đòi người bạn đời của họ phải đáp ứng nhiều bao nhiêu có thể và nhanh bao nhiêu có thể những gì họ mong đợi, thì vấn đề trục trặc đã hoàn toàn sáng tỏ.

Nếu vợ chồng không thể tự giải quyết được những trục trặc giữa vợ chồng với nhau thì làm sao có thể giải quyết được vấn đề cho con cái. Mẹ Maria và Thánh Giuse là hai người bạn đời thánh hảo mà còn gặp “trục trặc” với Con Thiên Chúa Chí Thánh, khi Người lên 12 tuổi, thì làm sao cha mẹ phàm nhân thoát khỏi những trục trặc với con cái.

Bài Phúc Âm Thánh Luca hôm nay cũng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã tỏ vinh quang của Người ra cho chính cha mẹ trần gian của Người nữa, khi tuyên bố với nhị vị rằng: “Cha mẹ tìm Con làm chi? Cha mẹ không biết rằng Con phải ở trong nhà Cha của Con hay sao?” Trước vinh quang của Vị Thiên Chúa Làm Người tỏ ra như thế, Phúc Âm hôm nay tiết lộ cho biết, Mẹ Maria và Thánh Giuse “cả hai đã không hiểu Người nói gì” (Lk 2:50). Bởi thế, nếu hôn nhân và gia đình là nơi Thiên Chúa tỏ mình ra, thì thành phần làm chồng làm cha, làm vợ làm mẹ, làm con làm cháu, dù có những vô ý ngay lành, như trường hợp Thánh Giuse và Mẹ Maria không hay biết gì về việc Chúa Giêsu ở lại trong đền thờ, hay thậm chí có những thiếu sót và khiếm khuyết trong phận sự của mình đi nữa, như trong trường hợp thiếu rượu ở tiệc cưới Cana, cũng hãy an tâm, vì đó là cớ, là dịp để Thiên Chúa tỏ mình ra. Và một khi được Thiên Chúa tỏ mình ra, một là chúng ta phải nhận biết Thiên Chúa, như những người giúp tiệc cưới Cana (x Jn 2:9), hai là chúng ta phải chấp nhận Thiên Chúa, như trường hợp Mẹ Maria tìm thấy Chúa Giêsu và nghe Người trả lời song chẳng hiểu gì trong Phúc Âm hôm nay (x Lk 2:51).

Trường hợp Đức Mẹ tìm thấy Chúa Giêsu và nghe Người trả lời song chẳng hiểu gì trong Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy lý do tại sao Chúa Giêsu trả lời cho một người đàn bà lên tiếng khen Mẹ Maria trước mặt Chúa: “Phúc thay cho lòng đã cưu mang Thày và vú đã cho Thày bú” là “Phúc hơn cho kẻ nghe lời Thiên Chúa mà giữ lấy” (Lk 11:28). Ý nghĩa sâu xa lời Chúa Giêsu nói với người đàn bà ấy là như thế này, trước hết, Người xác nhận Mẹ Maria thật sự đã sinh ra Người theo bản tính loài người, qua việc Mẹ đã cưu mang Người và cho Người bú mớm, thứ hai, Người khen Mẹ Maria đã thực sự làm Mẹ Người chẳng những là một Con Người mà còn là một Vị Thiên Chúa nữa, bởi vì Mẹ đã luôn luôn nghe và giữ lời Thiên Chúa. Đó là lý do, cũng theo Phúc Âm Thánh Luca thuật lại, vào một lần trước đó Chúa Giêsu đã khẳng định với những ai báo cho Người biết có Mẹ Người và anh chị em Người đến muốn gặp Người rằng: “Mẹ của Tôi và anh em của Tôi là những người nghe lời Thiên Chúa mà giữ lấy” (Lk 8:21). Thế nhưng, trong một khóa tĩnh huấn cho giới trẻ ở Riverside California vào cuối tuần Lễ Tạ Ơn, Thứ Bảy 30/11/1996, một vị giảng huấn nữ đã công khai nói với các em rằng Mẹ Maria chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu mà thôi chứ không phải là Mẹ của Thiên Chúa, bằng không Mẹ Maria là Mẹ của cả Chúa Cha và Chúa Thánh Thần nữa.

Lễ Mẹ Thiên Chúa: thân phận của loài người đối với Thiên Chúa như thân phận của một người nữ

Với tư cách là người phụ trách khóa này, tôi chưa kịp phản ứng gì thì một em nữ đã đặt lại vấn đề tín lý này với vị giảng huấn ngay lập tức. Có điều trùng hợp là, ngay trong tuần lễ ấy, tức vào ngày Thứ Tư 27/11/1996, ở buổi triều kiến chung vào hằng tuần, Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài Giáo Lý về Thánh Mẫu của Ngài, bài giáo lý đã được phổ biến trên tờ Tuần San L’Osservatore Romano phát hành ngày 4/12/1996, trong đó, ở đoạn 3 có câu minh định dứt khoát về thiên Chúa Mẹ Thiên Chúa của Mẹ Maria như sau: “Trong việc công bố Maria là ‘Mẹ Thiên Chúa’, Giáo Hội do đó muốn xác nhận rằng Người là ‘Mẹ của Lời Nhập Thể, Đấng là Thiên Chúa’. Tuy nhiên, vai trò làm mẹ của Mẹ không bao gồm cả Ba Ngôi, mà chỉ bao gồm Ngôi Hai, tức Ngôi Con, Đấng khi trở thành nhục thể đã mặc lấy bản tính nhân loại từ Mẹ. Vai trò làm mẹ là một mối liên hệ giữa người với người, ở chỗ, một người mẹ không phải chỉ là mẹ của thân thể hay là mẹ của tạo vật về thể lý do bà sinh ra, mà là mẹ của con người bà hạ sinh nữa. Vậy, vì hạ sinh ra con người Giêsu về nhân tính, Đấng cũng là một ngôi vị thần linh, mà Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa”. Tôi đã phóng ảnh bài giáo lý này, gạch vàng đoạn trên đây, và gửi cho vị giảng huấn.

Chúng ta đều biết có tất cả bốn Tín Điều về Đức Mẹ được Giáo Hội tuyên bố, thứ nhất là tin điều Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, một đặc ân là nguồn gốc và bao gồm các đặc ân khác của Mẹ, được Công Đồng Chung Êphêsô tuyên nhận năm 431; thứ hai là tín điều Mẹ Maria trọn đời đồng trinh, cả trước khi, đang khi và sau khi sinh Chúa Giêsu, liên quan đến thân xác của Mẹ, được Công Đồng Chung Latêranô tuyên xưng năm 649; thứ ba là tín điều Mẹ Maria đầu thai Vô Nhiễm Nguyên Tội, liên quan đến linh hồn của Mẹ, được Đức Thánh Cha Piô IX long trọng tuyên bố ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/1854; và thứ tư là tín điều Mẹ Maria được Mông Triệu về trời cả hồn lẫn xác liên quan đến cả hồn và xác của Mẹ, được Đức Thánh Cha Piô XII long trọng tuyên bố vào ngày Lễ Các Thánh 1/11/1950. Riêng về việc Giáo Hội tuyên tín Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, vì muốn bác bỏ lạc thuyết Nestôriô là lạc thuyết chủ trương Mẹ Maria chỉ là Mẹ của Chúa Kitô mà thôi, tức là mẹ của Chúa Kitô về nhân tính. Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 495 đã xác nhận đức tin của mình về Mẹ Thiên Chúa như sau: “Thật thế, Đấng Mẹ thụ thai như một con người bởi Chúa Thánh Thần đã thực sự trở nên Con của Mẹ theo xác thể cũng chính là Con hằng hữu của Thiên Chúa, ngôi hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi thế Giáo Hội mới tuyên xưng Maria thực sự là ‘Mẹ Thiên Chúa’ vậy”. Tóm lại, nếu Trinh Nữ Maria nhờ quyền phép Chúa Thánh Thần thực sự đã thụ thai và hạ sinh một con người lịch sử mang tên Giêsu, Đấng Kitô hữu chúng ta tuyên xưng “là Thiên Chúa thật và là người thật”, chứ không phải chỉ là một con người thuần túy như chúng ta, hay là một con người được thần linh hóa như Gioan Tẩy Giả ngay từ trong lòng thai mẫu, đến nỗi đã làm cho dân Do Thái tưởng thánh nhân là Đấng Thiên Sai (x Jn 1:19-25), thì Mẹ Maria thực sự vừa là Mẹ của Chúa Giêsu vừa là Mẹ Thiên Chúa vậy.

Mỗi lần nghĩ đến Thiên Chức Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, tôi cảm thấy thân phận loài người chúng ta thật sự là một thân phận có phúc hơn hết mọi tạo vật, kể cả loài thiên thần thiêng liêng sáng láng tốt lành hơn chúng ta về bản tính tự nhiên, đến nỗi, như Sách Khải Huyền ở đoạn 12, câu 4 cho thấy, đã làm cho vị thiên thần thượng đẳng phải ghen tức, dám ngang nhiên đứng lên chống lại Thiên Chúa. Vai trò Mẹ Maria là loài người được làm Mẹ Thiên Chúa và có thể làm Mẹ Thiên Chúa cho chúng ta thấy một thực tại hết sức cao cả mà lại hiển nhiên, đó là thực tại về thân phận của loài người chúng ta đối với Thiên Chúa chẳng khác gì như thân phận của một người nữ vậy, tức là một thân phận đóng vai trò thụ nhận tất cả những gì Thiên Chúa muốn thông ban cho tạo vật của Ngài, bằng việc loài người chúng ta thụ thai ơn Chúa ban, cưu mang lời Chúa dạy, và hạ sinh chứng thần linh, tức là việc chúng ta làm sao để có thể trung thực và sống động phản ảnh Thiên Chúa, vì loài người tạo vật chúng ta đã được Ngài dựng nên theo hình ảnh Ngài, nhờ đó, chúng ta trở nên giống như Chúa Giêsu Kitô “là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Col 1:15), “là phản ảnh vinh hiển Cha, là hiện thân đích thực của bản thể Cha” (Heb 1:3), và cũng nhờ đó, chúng ta hạ sinh Chúa Kitô ra nơi các linh hồn, hay nói cách khác, tức là làm cho Chúa Kitô được thế gian nhận biết và yêu mến, nhờ đó các linh hồn được cứu rỗi, được sự sống trường sinh.

Tuy nhiên, để có thể thụ thai, cưu mang và hạ sinh Con Đấng Tối Cao, Mẹ Maria đã là một Trinh Nữ Xin Vâng thế nào, Kitô hữu chúng ta chẳng những phải hoàn toàn tinh tuyền không biết đến nam nhân như Mẹ, tức không biết đến, không quyến luyến bất cứ tạo vật nào ngoài Chúa, mà còn phải liên lỉ thần hiệp với Thiên Chúa, sẵn sàng tuân phục Thánh Ý Chúa trong mọi sự nữa. Đúng thế, như Chúa Giêsu khẳng định trong Phúc Âm Thánh Luca đoạn 8 câu 21, mẹ của Người là những ai nghe lời Thiên Chúa mà giữ lấy, thì một khi chúng ta sống đời Xin Vâng như Mẹ chúng ta quả thực cũng là Mẹ Chúa Kitô, tức cũng có liên hệ thần linh với Con Thiên Chúa, ở chỗ nên một với Người trong Thánh Ý Cha của Người, nhờ đó chúng ta có khả năng thần linh để sinh Người ra cho các linh hồn được ơn cứu độ.

Tóm lại, thân phận và ơn gọi của loài người nói chung và của phụ nữ nói riêng đã được hoàn toàn sáng tỏ nơi vai trò Mẹ Maria làm Mẹ Thiên Chúa, tức là loài người chúng ta được dựng nên là để lãnh nhận hay để thông phần vào Sự Sống Thần Linh của Thiên Chúa qua các Bí Tích Thánh, cũng như được kêu gọi để chia sẻ Sự Sống Thần Linh này ra cho các linh hồn, bằng Chứng Từ Đức Tin của mình. Thật vậy, nếu trong Mầu Nhiệm Tạo Dựng, Thiên Chúa đóng vai chủ động trong việc tự ý tạo thành và loài người đóng vai nam nhân nơi Adong xuất hiện một cách thụ động, thì trái lại, trong Mầu Nhiệm Nhập Thể và Cứu Thế, Thiên Chúa đóng vai thông ban một cách nhưng không và loài người đóng vai nữ nhân nơi Maria một cách chủ động và tích cực cộng tác. Ôi, cao cả biết bao, mầu nhiệm biết bao, tuyệt vời biết bao: thân phận con người được dựng nên để được làm Mẹ Thiên Chúa! Vậy, cùng với Mẹ Maria chúng ta hãy dâng lời “Ngợi Khen” ”Thiên Chúa là Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Danh Ngài là Thánh” (Lk 1:49).

Bà Alice Von Hildebrand, ở New Rochelle, New York, phu nhân của triết gia Dietrich Von Hildebrand và là tác giả cuốn “Đặc Ân được Làm Phụ Nữ”, do Sapientia xuất bản, một tác phẩm cho thấy chính bà cũng là một triết gia, bà lấy bằng tiến sĩ triết ở Đại Học Fordham và hiện là giáo sư hưu trí ở Hunter College thuộc Đại Học Thành Phố Nữu Ước. Trong cuộc phỏng vấn với màn điện toán Zenit, (bài phỏng vấn đã được phổ biến ngày 26/11/2003), bà đã chia sẻ cảm nhận của mình về phong trào nữ giới trong một thế giới đang bị tục hóa này, và cho biết người phụ nữ cần phải được nhắc nhở là việc họ làm trọn vai trò thân mẫu của họ có một giá trị khôn cùng trước nhan Thiên Chúa, tuy nhiên, họ chỉ tìm thấy sức mạnh thiêng liêng nơi những gì nữ giới nhận thấy mình yếu kém, cũng như nơi việc lấy Mẹ Maria làm gương mẫu cho nữ tính của mình.

“Người phụ nữ được một đặc ân hết sức lớn lao trong việc được cùng phái tính với vị diễm phúc, đó là Mẹ Maria, vị thánh hảo nhất trong tất cả mọi thụ tạo. Trào lưu phụ nữ được bắt đầu từ các quốc gia Tin Lành, vì lý do rõ ràng đó là họ đã quay lưng lại với Mẹ của Chúa Kitô, như thể Đấng Cứu Thế cảm thấy bị hụt hẫng trong việc được tôn kính hướng về người Mẹ dấu yêu của Người vậy. Mẹ Maria, vị đã được ám chỉ đến một cách hiển vinh trong Sách Khải Huyền, là mô phạm của nữ giới. Chính việc hướng về Mẹ, cầu nguyện với Mẹ và chiêm ngắm các nhân đức của Mẹ mà phụ nữ mới tìm lại được con đường trở về với vẻ đẹp cũng như với phẩm vị sứ vụ của mình”.

Về Ngày Hòa Bình Thế Giới (1/1/2004) - chủ đề về việc giảng dạy hòa bình: sau đây là những điểm chính yếu trong giáo huấn Sứ Điệp Hòa Bình 2004 của ĐTC GP II, chủ đề về việc giảng dạy hòa bình, chẳng những về phương diện lý thuyết liên quan đến công lý (luật lệ) mà cả phương diện thực hành liên quan đến bác ái (yêu thương) nữa. Sau đây là những trích dẫn nguyên văn những lời ĐTC nhận định và huấn dụ trong Sứ Điệp của mình.

“Trong Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/1979, Tôi đã kêu gọi là: để tiến đến hòa bình thì hãy giảng dạy hòa bình. Ngày nay, lời kêu gọi này trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết, vì con người nam nữ trước những thảm cảnh tiếp tục hành hạ nhân loại đang có khuynh hướng trở thành cuồng tín, như thể hòa bình là một lý tưởng bất khả đạt.

“Trong việc giảng dạy hòa bình này, có một nhu cầu đặc biệt khẩn trương trong việc dẫn dắt cá nhân cũng như các dân tộc đến chỗ tôn trọng trật tự quốc tế và tôn trọng những quyết định của các thẩm quyền hợp pháp thay mặt họ. Hòa bình và luật lệ quốc tế gắn bó chặt chẽ với nhau ở chỗ luật lệ là những gì thuận lợi cho hòa bình.

“Trọng tâm của tất cả các nguyên tắc phổ quát làm nền tảng và chi phối luật lệ của các quốc gia, những nguyên tắc chú trọng tới việc hiệp nhất và ơn gọi chung của gia đình nhân loại phải là nguyên tắc ‘pacta sunt servanda’, tức là cần phải tôn trọng các thứ hòa ước đã được tự do ký kết… Cần phải nhắc lại qui luật căn bản này, nhất là ở vào những lúc thiên về một thứ luật lệ của quyền lực hơn là một thứ quyền lực của luật lệ…

“Cuộc chiến chống khủng bố không thể chỉ giới hạn nguyên vào những hoạt động đán áp và thanh trừng… Cuộc chiến chống khủng bố cần phải được thực hiện ở cả lãnh vực chính trị và giáo dục nữa: một mặt bằng việc loại trừ đi những căn nguyên sâu xa của những tình trạng bất công là những gì thường thúc đẩy dân chúng đến những hành động tuyệt vọng và bạo lực, mặt khác, bằng việc nhấn mạnh đến một thứ giáo dục hướng chiều về việc tôn trọng sự sống con người trong hết mọi hoàn cảnh.

“Trong bất cứ trường hợp nào, các chính quyền dân chủ đều thừa biết là việc sử dụng võ lực chống lại những tay khủng bố không thể biện minh cho việc loại bỏ những nguyên tắc thuộc qui chuẩn luật lệ. Những quyết định chính trị sẽ không thể nào chấp nhận được nếu chúng chỉ tìm kiếm thành đạt mà chẳng quan tâm gì tới các thứ quyền lợi căn bản của con người, bởi mục đích không thể biện minh cho phương tiện.........

“Luật lệ quốc tế cần phải bảo đảm là luật của kẻ mạnh không phải là thứ luật chủ chốt”.

Chắc chắn luật lệ là đường lối đầu tiên dẫn đến hòa bình, và dân chúng cần phải được dạy cho biết tôn trọng luật lệ này. Tuy nhiên, người ta không thể tiến đến cùng đích của đạo lộ này trừ phi công lý được yêu thương bổ khuyết cho… Tự mình, công lý không đủ. Thật vậy, nó có thể phản bội chính mình, trừ phi nó biết hướng về một thứ mãnh lực sâu xa hơn đó là yêu thương.

Hòa bình không thể nào có nếu thiếu thứ tha!.. Tình trạng khủng hoảng liên miên ở Palestine và Trung Đông: sẽ không thể nào tìm được một giải pháp cho các thứ vấn đề rắc rối nghiêm trọng gây khổ đau dai dẳng cho các dân ở vùng này cho tới khi thực hiện một quyết định vượt trên lý lẽ của một thứ công lý căn bản và hướng về lý lẽ của lòng thứ tha.

Chỉ có một thứ nhân loại được chủ trị bởi “nền văn minh yêu thương” mới có thể hoan hưởng một nền hòa bình chân thực và bền vững mà thôi. Câu châm ngôn cổ thời là “Onmia vincit amor” - Tình yêu thắng được tất cả mọi sự.

(Xin xem toàn bộ sứ điệp rất quan trọng này ở Màn Điện Toán www.thoidiemmaria.net, phần "Ánh Sáng Thế Gian", mục "Theo Vị Chủ Chiên", trang "Sứ Điệp Hòa Bình", bài "Sứ Điệp Hòa Bình 2004").

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

GIA ĐÌNH NỀN TẢNG XÃ HỘI

 


Gia Đình: Khởi Điểm Hôn Nhân

Nói đến hôn nhân là nói đến tình yêu phái tính và cuộc sống vợ chồng, cuộc sống lứa đôi. Thế nhưng, nói đến gia đình là nói đến một đơn vị bao rộng hơn nữa, nói đến một cộng đồng, một trung tâm yêu thương và sự sống, bao gồm chẳng những vợ chồng mà cả con cái, và vợ chồng không phải chỉ sống với nhau bằng tình yêu phái tính mà sống với cả con cái bằng tình phụ mẫu với vai trò làm cha làm mẹ, mang quyền hạn và nhiệm vụ đối với hoa trái của tình yêu hôn nhân. Đó là lý do nơi thân xác nam nữ của mình, hai con người vợ chồng đã có sẵn mầm mống sự sống, có sẵn những cơ phận tiếp nhận và nuôi dưỡng sự sống. Thật ra, tự bản chất, hôn nhân là nền tảng của gia đình, và đã được gọi là gia đinh rồi. Do đó, người Việt thường đồng nghĩa giữa việc "thành hôn" với việc "đi lập gia đình". Thế nhưng, vì hôn nhân, bắt nguồn từ tình yêu phái tính lại hướng về sự sống con người, mà gia đình, bởi bất cứ lý do nào, chỉ có hai người nam nữ vợ chồng sống với nhau, thì thật là thiếu hụt, không trọn. Có những cặp vợ chồng cảm thấy tình trạng thiếu thốn nơi gia đình mình như vậy, vì bất lực trong vấn đề truyền sinh, đã tìm kiếm để nhận con nuôi. Bằng không, họ cũng cố nuôi một con chó hay con mèo trong nhà thay cho con cái, như chúng ta thấy không thiếu những trường hợp như vậy trong xã hội văn minh Âu Mỹ ngày nay. Thậm chí những cặp vợ chồng tìm cách có con một cách vô luân, như bằng việc cấy thai, dầu sao cũng chứng tỏ họ cảm thấy gia đình cần phải có con cái nữa mới đầy đủ và trọn vẹn.

Tôi đã cảm thức được cái khác biệt phần nào giữa hôn nhân và gia đình này nhiều lần. Thế nhưng, đặc biệt nhất là lần cả gia đình chúng tôi đi sang Hawaii vào trung tuần tháng Bảy năm 2002. Bởi vì, 19 năm trước đó, tức vào tháng Tám năm 1983, tôi sang Hawaii để hưởng tuần trăng mật với người vợ mới cưới của tôi. Thế mà, 19 năm sau, tôi sang địa điểm của tuần trăng mật này với ba con người mới nữa, hai trai một gái, đứa trai lớn nhất 18, đứa trai thứ hai 16 và đứa gái út 12. Tại đây, hai vợ chồng chúng tôi cũng đã ngắm lại danh lam thắng cảnh tuyệt vời của nơi du lịch có bầu trời lúc nào hầu như cũng trắng xanh sáng tỏ, khí hậu mát mẻ như mùa thu dù đang giữa mùa hè nóng nẩy ở các nơi khác. Chúng tôi đã thăm lại di tích lịch sử của Trận Trân Châu Cảng Pearl Harbor bên Honolulu thuộc đảo O'ahu, cũng như đã đến chính địa điểm Núi Lửa ở Big Island hay ở đảo lớn Hawaii là Kilauea, một núi lửa năng động nhất trái đất, nhất là từ năm 1983, năm chúng tôi đi hưởng tuần trăng mật 19 năm về trước. Nhưng lần này chúng tôi còn đến hai nơi nữa ở bên đảo O'ahu, đó là Polynesian Cultural Center và North Shore: Ở Polynesian Cultural Center, chúng tôi xem trình diễn văn hóa của các sắc dân hải đảo islanders như Hawaii, Samoa, Tahiti, Tonga, Marquesas, Fiji, New Zealand, những sắc dân nổi bật nhất với những điệu vũ ngoáy mông trong màn Canoe Pageant trên thuyền ban ngày, cũng như trong màn Đại Trình Diễn ban đêm. Còn ở North Shore, chúng tôi tắm giữa những tảng đá ong ở sát bờ biển, gần giống như ở đảo Cù Lao Xanh ngoài Ghềnh Ráng ở Thị Xã Qui Nhơn Việt Nam.

Tóm lại, lần sang Hawaii này, chúng tôi thích nhất là thấy các con chúng tôi, sau những đêm thức khuya làm bài, sáng dậy sớm ăn uống vội vàng rồi chở nhau đi học, cuối tuần bận bịu với đủ mọi thứ sinh hoạt đoàn thể, bấy giờ hào hứng bơi lội dưới giòng nước biển trong xanh nhìn thấy cả chân của mình trên cát, ngủ nghỉ thoải mái, ăn uống ngon lành, mua quà thỏa thích. Trong chuyến đi tour du hành trên chuyến xe Polynesian của chúng tôi ở bên Đại Đảo Hawaii ngày Chúa Nhật 28/7, có một cặp vợ chồng lập gia đình với nhau 21 năm, đã gửi hai đưa con 10 tuổi và 8 tuổi ở nhà với chị em của mình để đi chơi riêng vợ chồng. Cho dù họ có cảm thấy việc chăm sóc con cái là một cái job nặng nề, giống như nghề nghiệp sinh sống của họ, nhưng nếu việc họ cần phải nghỉ ngơi mới có sức tiếp tục chu toàn trách nhiệm của mình thì cũng tốt thôi. Phần chúng tôi, gia đình không phải là một thứ thêm thắt, một thứ "add on" vào đời sống hôn nhân vợ chồng, một thứ burden nặng nề cần phải tạm quẳng gánh lo đi mà vui sống. Trái lại, gia đình chính là tầm vóc viên mãn của hôn nhân. Chính vì thế, chưa bao giờ vợ chồng con cái chúng tôi cảm thấy gia đình sống hạnh phúc bên nhau bằng ba ngày bên Đại Đảo Hawaii cuối tháng Bảy năm 2002. Vì ở đây, từ căn condominum hai phòng ngủ ở lầu một của khách sạn Kona By The Sea, tuy nóng hơn ở bên Honolulu, song yên tĩnh thanh lặng hơn, ngay sát bờ biển, ngồi trong phòng họp mặt gia đình, đứng ở bếp, nằm trong phòng ngủ, hay đứng ở ngoài hàng hiên, nhìn qua rặng dừa lưa thưa mọc trên bãi cỏ nhỏ ngay trên bờ đá, chúng tôi đều có thể ngắm được cảnh rạng đông lên, chiều tà xuống và màn đêm phủ mênh mông của biển cả, đều có thể nghe thấy những cơn sóng ầm ầm liên lỉ xô vào bờ ngay trước mắt, nhưng xa xa vẫn là chân trời phẳng lặng và thẳng tắp nối liên trời nước bao la...

Vợ chồng chúng tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc hơn thuở ban đầu chỉ có hai đứa lúc mới lấy nhau ấy, một niềm hạnh phúc tuy rất tốn kém về vật chất song lại hết sức viên mãn, có thể nói hầu như không gì có thể mua được những giây phút gia đình bên nhau ấy, những giây phút ngọc ngà của gia đình có vợ chồng con cái bố mẹ vui chơi bên nhau như thế, những giây phút mà mấy đứa em làm ăn thương mại 7 ngày một tuần và 12 tiếng một ngày, của chúng tôi rất thèm nhưng không làm được cho tới mấy năm gần đây. Vợ chồng chúng tôi từ ngày có con cái phải thú nhận là không có nhiều giờ cho nhau như thuở ban đầu nữa, nhưng chúng tôi lại cảm thấy đã luôn luôn gắn bó với nhau hơn bao giờ hết, và yêu thương nhau hơn bao giờ hết, ở chính việc mỗi người một phận vụ và khả năng lo lắng và phục vụ con cái về mọi mặt. Không kể về phương diện tinh thần và luân thường đạo lý, quan tâm đầu tiên của chúng tôi là phải làm sao tạo nên được một cảnh sống gia đình thuận lợi cho việc giáo dục, chẳng những về phương tiện sống, như nhà cửa, xe cộ, làm sao cho rộng rãi, mà còn về cả sinh hoạt thường xuyên sinh động của gia đình nữa, để làm sao cho con cái của chúng tôi cảm thấy gia đình của chúng nó thực sự là một mái ấm yêu thương, là một nơi đi đâu cũng không bằng ở nhà, chứ không phải là một chốn ngục tù, cần phải vượt thoát hay mong sao cho chóng tới tuổi 18 thì liền xổ lồng cao bay xa chạy, như chiều hướng con cái trong xã hội trọng quyền làm người hơn tình làm người tại Mỹ Quốc hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cố gắng tránh tạo ấn tượng cho con cái của mình là chỉ có gia đình mình là nhất, chỉ sống cho gia đình mà thôi, ngoài ra không còn biết đến gì nữa, không cần biết đến nhân quần xã hội. Trái lại, gia đình chúng tôi, kể cả cha mẹ lẫn con cái, cần phải có một tâm hồn cởi mở và hiệp thông, như hôn nhân hướng đến sự sống thế nào, gia đình cũng phải vươn tới xã hội như vậy, gia đình phải như cửa ngõ cho con người vào đời, như sông ngòi chảy ra biển cả như vậy. Đó là ý nghĩa gia đình là nền tảng xã hội.


Gia Đình: Mái Ấm Yêu Thương

Để đạt được mục đích lưỡng diện mang tính cách có vẻ tương khắc của gia đình này, một mặt thì lấy gia đình là trọng yếu, là tâm điểm, mặt khác lại coi gia đình là đường lối, là cửa ngõ để vào đời, chúng tôi đã thực hiện những cuộc đi hè hằng năm chung cả gia đình. Những cuộc đi chơi hè hằng năm này chẳng những rất quan trọng đối với chung gia đình chúng tôi, vì nhờ đó chúng tôi có giờ với nhau hơn, sống đời với nhau hơn, mà còn đối với riêng con cái của chúng tôi nữa, vì nhờ đó, chúng cởi mở và chiêm ngưỡng những kỳ công thiên nhiên của tạo hóa, chứng kiến thấy những di tích hùng hồn của lịch sử, thông cảm với nhân tình và hòa hợp với văn hóa, thưởng thức các kỳ công nhân tạo do văn minh kỹ thuật loài người tạo nên, củng cố và thắt chặt hơn tình thân nghĩa với họ hàng thân thuộc cũng như với thân hữu của gia đình ...

Trước hết, về mục đích làm sao để tạo cho gia đình thực sự trở thành một tổ ấm, chúng tôi để ý tới việc cố gắng làm sao cho vấn đề nhà cửa và xe cộ được rộng rãi, tránh chật chội bao nhiêu có thể, nhờ đó chẳng những tránh ảnh hưởng tâm lý tranh giành nơi các con chúng tôi, mà còn tập cho chúng biết tự lập và tổ chức. Tuy nhiên, chúng tôi cũng vẫn đề phòng để chúng không vì thế mà chiều theo tính chiếm hữu và cá nhân hóa mọi sự.

Trong thời gian 15 tháng đầu của cuộc đời hôn nhân, hai vợ chồng chúng tôi đã sống với nhau và cho nhau, có nhiều giờ bên nhau, dẫn nhau đi chơi đây đó, như đi Las Vegas, sang Mễ Tây Cơ, đi Grand Cayon ở Arizona. Đi đâu cũng có nhau. Thậm chí tôi đi học part time vào buổi tối sau khi đi làm về, vợ tôi cũng mang bầu theo tôi đi học cho vui. Thật là hạnh phúc. Có thể nói, vợ chồng chúng tôi bấy giờ chẳng những đã hưởng tuần trăng mật ở Hawaii mà còn hưởng trọn 15 tháng trăng mật tại một chung cư studio độc thân, phòng ngủ chính là phòng khách, ở South Gate, một trong những khu nghèo của Los Angeles County. Tôi nhớ là trong khu chung cư của hai vợ chồng chúng tôi ở bấy giờ có một cặp vợ chồng sống trong căn chéo diện với căn của chúng tôi. Họ đi đâu cũng có nhau như chúng tôi vậy. Người vợ nhỏ con và coi cũng xinh xắn. Còn người chồng có một thân xác to con hơn vợ. Đầu tóc và áo quần rất đàng hoàng tử tế rất xứng đáng là một đấng phu quân. Cho đến một hôm chúng tôi mới biết người chồng là một "con đàn ông", một "thằng đàn bà", như chúng tôi thỉnh thoảng vẫn tếu táo nhắc với nhau về họ như vậy. Họ là một cặp vợ chồng đồng nữ tính Lasbian mà chúng tôi lần đầu tiên được gặp từ năm 1983.

Cho đến khi đứa con đầu lòng của chúng tôi chỉ còn một tháng nữa ra đời, chúng tôi mới dọn sang một chung cư có một phòng ngủ đàng hoàng, cũng ở gần đó. Đó là tổ ấm đầu tiên của gia đình chúng tôi. Để rồi, sau khi có đứa thứ hai, căn chung cư một phòng ngủ này lại trở nên chật chội. Đứa lớn ngủ chung giường với bố mẹ, còn đứa nhỏ ngủ trong một cái crib bên cạnh. Bởi thế, chúng tôi đã bắt đầu nghĩ đến mua nhà có ba phòng ngủ đàng hoàng và có sân chơi rộng cho con cái. Thời gian đi tìm nhà cũng rất vui. Cứ cuối tuần là vợ chồng con cái rủ nhau chạy đi tìm nhà, nhất là ở những khu nhà mới đang xây thuộc những vùng đang phát triển. Thế nhưng, vì lợi tức công chức của hai vợ chồng chúng tôi cũng không khá lắm, thêm vào đó trong trương mục tiết kiệm cũng chẳng có là bao, nên việc kiếm nhà đã kéo dài cả sáu tháng trời. Chúng tôi đi coi nhà quen đến nỗi không cần vào bên trong, chỉ cần xem bên ngoài cũng biết giá nhà thời ấy bao nhiêu tiền. Còn hai đứa con chúng tôi thì vào can model home kiểu mẫu mới nào cũng thích, cũng nhẩy lên giường nằm liền, cũng hô lên giành phòng này của con, phòng kia của con, con thích phòng này, con thích phòng kia v.v.

Cuối cùng chúng tôi đã bất ngờ mua được một căn nhà hoàn toàn như ý, vừa túi tiền của mình, tuy vẫn ở trong một khu không sang trọng gì, khu Pomona cũng thuộc Los Angeles County. Năm chúng tôi dọn về đó trùng vào dịp thành phố hầu hết là người Mỹ đen và Mễ này kỷ niệm 100 năm. Gia đình chúng tôi sống ở đây hoàn toàn hạnh phúc. Cho tới khi đứa thứ ba ra đời, chúng tôi lại thấy trong nhà bắt đầu chật hơn, tuy ngoài vườn vẫn rộng rãi cho cả chục đứa nhỏ chơi. Ngoài ra, cả xe cộ nữa, với chiếc Toyota Corolla và Toyota Tarcel đều 4 máy, cả nhà chở nhau đi đâu cũng không thoải mái gì. Thế là chúng tôi lại nghĩ đến việc đổi xe và đổi nhà.

Về việc đổi nhà, vì hai vợ chồng làm xa nhà, đều trên 30 dặm một vòng one way chứ không phải round trip vừa đi vừa về, mà dọn đến gần chỗ làm thì nhà vừa cũ, vừa chật, vừa cổ, vừa xấu lại vừa mắc. Do đó, chúng tôi quyết định mua nhà xa hơn chỗ làm thêm cả chục dặm nữa, ở Rancho Cucamonga, bên San Bernadino County, một khu đang phát triển, nhà vừa mới, vừa đẹp, vừa rộng, lại vừa rẻ. Thế nhưng, mãi đến cuối năm 2000 chúng tôi mới được toại nguyện về nhà cửa. Tuy nhiên, trong thời gian từ khi có ý định move nhà cho tới dọn đến nhà mới, chúng tôi đã cố gắng ngăn nhà ra thêm một phòng nữa cho con cái mỗi đứa một phòng. Vì phòng thêm này giành cho cháu lớn nhất, bấy giờ mới 14 tuổi, do đó, cháu đã hì hục cộng tác với bố để mua đồ và giúp bố ngăn phòng cho mình. Trong việc ngăn phòng này, chúng tôi mới biết cháu nhanh nhẹn và rất tháo vát. Trong dịp này, cháu gái út 8 tuổi của chúng tôi bấy giờ cũng lăng xăng giúp bố và anh làm bất cứ việc gì được sai bảo. Còn về việc đổi xe, khi đứa con gái út của chúng tôi chào đời được hơn bốn tháng thì chúng tôi mua chiếc Mini Van Mazda 1991. Và chiếc xe này là phương tiện để chúng tôi thực hiện mục tiêu thứ hai của gia đình, đó là mục tiêu biến gia đình thành cửa ngõ và đường lối vào đời cho con cái của chúng tôi.


Gia Đình Cửa Ngõ Vào Đời

Theo dự định, vợ chồng chúng tôi sẽ dùng chiếc xe Mazda này để cả nhà đi chơi hè hằng năm, trước hết là để đi thăm thân quyến và thân hữu, thứ hai là để đi du ngoạn các danh lam thắng cảnh thiên nhiên trời đất, thứ ba là để đi đến những trung tâm giải trí nổi tiếng về kỹ thuật tối tân hiện đại, và thứ bốn để xem sinh hoạt của dân tình xã hội khắp nơi, nhất là để thăm những di tích lịch sử của văn hóa loài người. Và chúng tôi đã thực hiện ý định này mùa hè 1991, ngay sau khi mua chiếc xe Mazda, bằng chuyến đi thăm ông bà, chú thím, chú cô, anh chị em họ bên nội của các cháu ở Houston Texas. Thế rồi, từ sau năm đó, năm nào cả nhà cũng lái xe nhà đi hè hết nơi này đến nơi khác, chẳng hạn những lần tuần tự sau đây. Năm 1992 chúng tôi đi Hành Hương Missouri, và trên đường về ghé Grand Canyon ở Arizona chơi, ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ của những thung lũng đá sâu xuống tận giòng sông Colorado cả chục dặm, nơi vợ chống tôi cũng đã xuống sâu hai dặm khi nàng đang cưu mang đứa thứ nhất được ba tháng. Năm 1994, chúng tôi đi Denver Colorado, lái xe lên đỉnh Rocky Mountain, nơi vẫn còn tuyết dù đang giữa mùa hè, và ghé Garden of God ở Colorado Springs chơi, nơi là một vườn đầy những tảng đá khổng lồ đủ thứ kiểu sừng sững đứng bên nhau. Năm 1995, chúng tôi ghé thăm bạn bè ở New Orleans Louisiana, được đãi ăn thả cửa món crawfish ở đây, được dẫn đi qua chiếc cầu dài 24 dặm, và ghé thăm khu chợ như kiểu chợ Bến Thành ở Việt Nam, nơi có quán Café du Monde nổi tiếng. Năm 1996, chúng tôi đi Disney World ở Florida cho các cháu chơi những trò chơi giống ở Nam California, như Disney Land, Hollywood Studio, Sea World v.v.

Năm 1998, chúng tôi đã thực hiện một chuyến đi dài nhất, trên 8000 dặm. Trước hết từ Nam California, tới North Corolina, từ cực Tây sang cực Đông của Mỹ Quốc, để thăm gia đình đứa em vợ và tiện ghé thăm các thắng cảnh ở vùng bờ biển Myrtle Beach nổi tiếng về ngành chơi banh quật. Sau đó chúng tôi lên Virginia thăm một người bạn của tôi và tiện ghé thăm Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, nơi có các tòa nhà vĩ đại của chính phủ bằng đá rất kiên cố vững vàng, nơi chúng tôi đã thăm Tòa Nhà Quốc Hội, thăm Các Bảo Tàng và Thư Viện Quốc Gia, và thấy được địa điểm được gọi là Viet Nam Memorial, nơi ghi danh các chiến sĩ Hoa Kỳ tử nạn trong trận Chiến Việt Nam. Bỏ Hoa Thịnh Đốn, gia đình chúng tôi lên Nữu Ước thăm một đứa em vợ khác và tiện thăm thành phố Nữu Ước lần đầu tiên, nơi chúng tôi thấy người ta đi lại như trẩy hội, xe cộ chen nhau mà đi, nhiều khi bị cả người đi bộ băng ngang qua đường lấn át, có lẽ vì thế mà đi đâu người ta cũng hầu như đi bằng xe lửa ngầm, người người từng lũ chui lên từ hầm đất ngay giữa thành phố nổi tiếng nhất Mỹ Quốc, ngoài ra chúng tôi cũng được nhìn thấy tận mắt Tháp Đôi trước khi nó bị sụp vào ngày 911 năm 2001, được ra đảo Nữ Thần Tự Do. Hành trình của chúng tôi tiếp theo là ghé sang thăm họ hàng bên vợ ở Philadelphia, và tiện ghé thăm Liberty Bell lịch sử của Mỹ Quốc, và vào tận Sảnh Đường là chỗ Quốc Hội Mỹ Quốc đã ký bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ năm 1776. Sau khi ghé Spencer gần Boston Massachussetts thăm một thân hữu, chúng tôi tiếp tục tiến lên miền tây bắc của tiểu bang Nữu Ước, để ngắm cảnh thác Niagara, rồi sang Canada thăm thành phố Torôntô, thích nhất là mua các trái cây giống như ở Việt Nam xưa, như dừa nước, roi, na, chôm chôm, mảng cầu, măng cụt v.v., những thứ không hề có ở khu Little Sài Gòn Nam California. Trên đường về lại Los Angeles, chúng tôi còn ghé thăm một người bạn của tôi ở Greendale Milwaukee, nơi chúng tôi được dẫn đi thăm cảnh thiên nhiên của miền bắc lạnh lẽo này, như cảnh hang động thiên nhiên giữa trời nước là Wisconsin Dell, (có lẽ hơi giống nhưng không đẹp bằng Vịnh Hạ Long ở Việt Nam quê hương ta), sau đó, chúng tôi ghé thăm thành phố Chicago, lên cao ốc đệ nhất Mỹ Quốc và ngắm cảnh Ngũ Đại Hồ. Chặng ghé cuối cùng của gia đình chúng tôi là Oklahoma City, Oklahoma, để thăm một người bạn khác của tôi, cũng tiện ghé thăm địa điểm tòa nhà Liên bang bị nổ bom sập mấy năm trước.

Năm 1999, chúng tôi thực hiện một cuộc đi chơi khác cũng hơn kém 6000 dặm. Thật vậy, sau khi ghé thăm thân quyến ở Houston và Dallas Texas, chúng tôi tiến thẳng lên tiểu bang Wyoming, tiểu bang ít dân nhất Nước Mỹ, để ngắm thắng cảnh nổi tiếng Yellow Stone, một thắng cảnh thiên nhiên với đủ mọi cảnh vật, bao rộng một diện tích mà nếu nhẩn nha chiêm ngắm từng nơi cũng phải mất mấy ngày đi xe mới hết, như các suối nước, thác ghềnh, rừng núi, biển hồ, thung lũng đá, nhất là còn được thấy nước tự động phun lên từ lòng đất ở nơi được gọi là Old Faithful, đặc biệt là còn được tận mắt thấy những con hươu cao cổ ngơ ngác giữa cánh đồng, và cả con tê giác lực lưỡng, mình giống con trâu nước song xừng có nhiều nhánh hơn, đứng trong khu rừng thưa gần đường xe chạy, những con vật chúng tôi hình như chưa bao giờ thấy, dù ở sở thú ngoài trời ở San Diego California hay ở Spingfield Missouri. Bỏ Yellow Stone, chúng tôi ghé xuống Salt Lake City, thủ phủ của Đạo Mormon, ghé thăm một thân hữu của nhà tôi và đến tắm ngoài đảo Salt Lake, một biển hồ dù không biết bơi thân mình cũng nổi nếu cứ bơi. Sau đó, chuyến hành trình của chúng tôi xuống tới Lake Tahoe ở miến Bắc California, không phải để chơi bài mà là để ngắm cảnh biển hồ rất đẹp, bằng cuộc du thuyền về sáng với bữa điểm tâm trên tầu. Chưa hết, chúng tôi còn ghé một thắng cảnh tuyệt vời nữa ở Bắc California, đó là Yosemite, nơi chúng tôi được chứng kiến cảnh hùng vĩ chưa từng thấy của những núi đá thẳng băng trùng trùng điệp điệp vây quanh một thung lũng, một cảnh bên dưới thung lũng thì có suối nước, thác ngềnh, bên trên đỉnh núi thì có những thác nước tuôn xuống, có chỗ nước thay vì đổ xuống thì lại bị gió thổi tốc lên trông giống như cái voan của cô dâu đang bay về phía sau, bởi đó, thác này được mang tên là Bridal Veil. Con đường núi non ngoằn nghèo dẫn tới thắng cảnh Yosemite có thể nói còn hiểm trở hơn đường Đèo Ngoạn Mục ở Việt Nam nữa. Chặng cuối cùng của chuyến du ngoạn hè 1999 này là thắng cảnh Golden Gate ở San Francisco, nơi chúng tôi đã đi qua chiếc cầu nổi tiếng này, rồi lái xe lên đồn cao ở bờ bên kia, để nhìn xuống toàn cảnh biển hồ cùng với chiếc cầu đang bị mây mù vây phủ bên dưới, thật là tuyệt vời.

Năm 2000, cả gia đình chúng tôi đã thực hiện một chuyến xuất ngoại để kỷ niệm thời điểm mở màn cho một tân thiên niên kỷ, (nếu thời gian được tính từ số zerô). Chúng tôi đã sang Âu Châu và Trung Đông. Ở Âu Châu, chúng tôi đã ghé thăm Rôma, thăm di tích của một đế quốc lâu nhất và lừng danh nhất lịch sử, đã để lại biết bao dấu tích cho nền văn minh Âu Châu, và thăm cả Paris nữa, thăm Khải Hoàn Môn, lên Tháp Effet, và đi du thuyền về đêm trên giòng sông Seine, giòng huyết mạch của thành phố Balê. Nếu ở Âu Châu, chúng tôi chứng kiến những di tích văn minh Tây Phương, thì ở Trung Đông, chúng tôi cũng được chứng kiến những di tích tôn giáo như vậy, những di tích linh thiêng của Thiên Chúa Giáo, những di tích của cả Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo, di tích tiêu biểu nhất là Thành Thánh Giêrusalem. Ngoài ra, tại Thánh Địa của Thiên Chúa Giáo này, chúng tôi còn được tắm ở Biển Chết, Dead Sea, nơi nước có nồng độ mặn đến nỗi chẳng những "đắng cay" không thể tưởng tượng nổi, nếu chẳng may bị nước biển bắn vào miệng hay vào mắt, mà còn làm cho thân xác con người chỉ cần nằm ngả người xuống nước như nằm trên giường là tự động nổi lềnh bềnh trên mặt nước, chứ không cần phải xoải người ra bơi mới nổi như ở Salt Lake City tiểu bang Utah Hiệp Chủng Quốc.
Năm 2003, chúng tôi dự tính đi xe lửa từ Los Angeles dọc theo bờ biển West Coast lên thăm tiểu bang Washington, rồi sang Vancouver Canada chơi. Chúng tôi cũng có dự định về Việt Nam khi nào thuận tiện, để chính bản thân vợ chồng chúng tôi thăm lại quê hương dân tộc sau cả 30 năm xa cách, cũng như để cho ba đứa con chúng tôi biết được nguyên quán của chúng, nơi xuất thân của cha mẹ chúng, nơi chúng được gọi là người Việt Nam, dù chúng được sinh ra tại Mỹ.

Gia Đình: Kỷ Vật Một Đời

Vì chủ trương vừa đi vừa ngắm cảnh, do đó, chúng tôi thích lái xe mỗi khi đi chơi hè, dù vất vả và tốn giờ. Thế nhưng, có thế, trên đường đi, vợ chồng con cái chúng tôi mới được dịp nói đủ thứ chuyện với nhau. Trưa thì ghé vào ăn fast food đâu đó. Nhiều khi ăn đồ nhà mang theo ở dưới một gốc cây hay ở một trạm xăng. Tối ghé hotel ngủ, thường chỗ nào có hồ bơi và free continental breakfast, vì mấy đứa con chúng tôi thích như vậy. Trong các cuộc đi chơi từ đầu đến 2002, trên 10 năm trời, chúng tôi có ba kỷ niệm không bao giờ quên được.

Kỷ niệm thứ nhất đó là lần lái xe đêm tới Whiteville North Carolina vào mùa hè năm 1998 để thăm gia đình dì của các cháu. Đêm hôm đó, trên xa lộ 95, gia đình chúng tôi không thấy gì hai bên đường, đằng trước, đằng sau hoàn toàn không có một bóng xe, không có một tí ánh sáng nào cả. Chúng tôi như đang đi trong một đường hầm tối om. Tôi nghĩ đến hồi ở Việt Nam trước năm 1975 mà rợn người. Thằng nhỏ thứ hai của chúng tôi lại kể truyện ông bố của danh thủ bóng rổ Michael Jordan, nhà ở Wilmington North Carolina đã bị giết trên trên quãng xa lộ này cách đó không lâu. Thật ra chúng tôi đã dốc lòng không bao giờ đi đêm như vậy nữa, song hôm ấy, sau khi đi qua khúc núi quanh co và ăn tối, thấy không còn bao xa nữa thì tới, chúng tôi mới dám đi như thế, không ngờ quá nửa đêm mới tới.

Kỷ niệm thứ hai đó là lần đi đến Yellow Stone ở tiểu bang Wyoming năm 1999, nơi cả nhà chúng tôi phải ngủ trong xe đêm hôm đó, sau khi đã kiếm hơn mấy chục hotel trong vùng đều "no vacancy". Do đó, chúng tôi đã phải giành phòng ngủ cho đêm hôm sau trước khi lái về Salt Leke City. Thế rối, tối hôm sau, chiếc xe của chúng tôi từ Yellow Stone về địa điểm quán trọ, đã phải băng qua một rặng núi thuộc bên tiểu bang Idaho, vòng lại một rặng núi khác bên tiểu bang Wyoming, để đến địa chỉ của khách sạn chúng tôi đã reserved. Trời càng tối, chúng tôi càng đi qua các miền hẻo lánh thưa nhà, rồi tiến lên dốc, càng lúc càng cao. Đi mãi chẳng thấy gì, chúng tôi tự hỏi khách sạn gì mà lại ở trên núi, hẻo lánh thế này. Trời tối mịt, gần chín giờ đêm rồi cũng chưa tới. Bóng đèn pha của xe chúng tôi chiếu về phía trước đã hai lần thấy có mấy con bò còn lang thang bên đường rừng núi về đêm. Chúng tôi nhất định đi thêm một quãng nữa xem sao. Cuối cùng mới tới được một khách sạn ở gần đỉnh núi, nơi họ cũng đang tổ chức tiệc cưới, và chúng tôi cũng mừng đúng ngày kỷ niệm 16 năm thành hôn của hai vợ chồng chúng tôi tối hôm ấy, tại khu resort trù mật trên gần đỉnh cao sơn này.

Kỷ niệm thứ ba đó là vụ mất trộm hôm 26/7/2002 tại North Shore, tức bờ biển ở phía bắc của đảo O'ahu Hawaii. Sau khi cả nhà xuống tắm lúc trời hơi mưa khoảng 12 giờ 30, trở lên xe để sửa soạn đi ăn trưa vào lúc 2 giờ chiếu, thì mới khám phá ra là, chiếc xe Grand Am mướn ở hãng Avis còn khóa nguyên, và không hề có dấu đập phá hay cậy cửa gì cả, nhưng một số đồ để lại trong xe tự nhiên biến mất, như ví của tôi, giấy tờ của vợ tôi, back pack của đứa thứ hai, purse của đứa gái út, tất cả đều có tiền mặt và quà tặng, tổng cộng chúng tôi mất gần 200 bạc cash, 300 bạc đồ đạc và gần 100 bạc quà tặng, không kể giấy tờ tùy thân, thẻ ATM và tín dụng, cả hand phone. Không ngờ, trong chiều hướng gia đình vươn ra xã hội, chiều hướng đưa con cái chúng tôi vào đời qua những cuộc đi chơi thưởng ngoạn này, những cuộc tiếp xúc xã hội này, chẳng những chúng gặp những cái hay nơi kỳ công nhân tạo của văn hóa, như những món quà tặng mỹ thuật tinh diệu, như đồ ăn thức uống và phục sức khác biệt, hoặc của văn minh, như những kiến trúc kỹ thuật tân kỳ, mà còn cả những cái dở, cái xấu nữa, như sự vụ trộm cắp tài tình hôm nay. Do đó, trên xe về lại khách sạn, tôi nói với con tôi rằng: thôi, nếu những gì mình mất có lợi cho người khác cũng không sao; kể như mình giúp đỡ cho một người anh chị em nghèo khó của mình vậy, những người anh chị em mà nếu họ có thành thực xin đồ của mình, mình cũng không cho họ tất cả những gì họ đã muốn lấy đi của mình như thế; hãy bỏ qua cho họ.

Bấy giờ trong ví đứa lớn nhất, để trong trunk xe, không bị mất, còn được 12 Mỹ kim, đủ để ghé mua bữa trưa cho 3 anh em ở đồn điền dứa lớn nhất thế giới trên đường về lại khách sạn. Trước khi mua, các con tôi có để ý đến chúng tôi, nói với nhau phải mua cả cho bố mẹ ăn nữa. Chúng tôi cám ơn chúng, vì biết rằng với số tiền bằng ấy thì chỉ đủ mua cho mỗi đứa một cái Hot Dog (3.25 Mỹ kim each) và một ly nước Soda uống chung là cùng. Buổi tối hôm đó, sau khi cựa quậy làm sao cho có tiền mặt để tiếp tục xài cho đến hết cuộc đi chơi mới được một nửa thời gian, chúng tôi dẫn các con đi ăn đồ Việt Nam ở tiệm Sài Gòn Express trong khu International Market Place ở Honolulu. Đang khi cả nhà đi bách bộ đến địa điểm ấn định, chúng tôi thấy ở ngoài trời của một khách sạn lớn bên đường có tiếng ầm ầm đàn hát và người ta đang tuốn vô, vì có tấm biểu ngữ quảng cáo all you can eat crab and steak. Vợ tôi hỏi tôi: Hay là để cho các con vào đây đi? Nhưng cả ba đứa đều nói: Thôi cứ đến ăn đồ Việt Nam. Dù chúng chưa ý thức được những gì liên quan đến văn hóa dân tộc chúng vừa phát biểu, nhưng chúng có biết đâu rằng cha mẹ của chúng cảm thấy rất hài lòng về sự kiện con cái của mình sinh ra ở Mỹ lại chuộng đồ ăn Việt Nam hơn ngoại quốc, họ rất hãnh diện vì con cái mình chứng tỏ sống hòa đồng nhưng không chịu đồng hóa.

Sau bữa tối cuối cùng tại Honolulu trước khi bay sang Hawaii Big Island vào trưa ngày Thứ Bảy, chúng tôi đi bộ kéo nhau đến khách sạn Reef Tower, cách chỗ chúng tôi đang ở một dặm, nơi vợ chồng chúng tôi hưởng tuần trăng mật 19 năm trước để các con tôi quay phim chụp hình kỷ niệm cho chúng tôi. Chúng tôi đã chụp ảnh riêng với từng đứa con, cũng như với chung cả ba đứa ở đây, những con người mới đã vào đời góp mặt với chúng tôi, để biến cuộc hôn nhân lứa đôi của chúng tôi thành một mái ấm yêu thương gia đình, một gia đình của 5 con người ruột thịt, trong biết bao nhiêu tỉ tỉ người từ khi có loài người cho tới tận cùng lịch sử, 5 con người hoàn toàn không hề biết nhau tí nào 25 năm trước, thế mà giờ đây đã trở thành một mái ấm yêu thương, một cộng đồng sự sống. Tạ ơn trời. Tạ ơn đời. Xin cho gia đình nhỏ bé chúng tôi, tràn đầy vui mừng và hy vọng, tiếp tục cuộc hành trình vào đời, vượt sóng gió thử thách của lịch sử thăng trầm, để thẳng tiến ra khơi, hướng về chân trời tương lai của một xã hội loài người sống trong văn minh yêu thương, trong văn hóa sự sống!


Viết xong tại Honolulu Thứ Bảy 27/7/2002, cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 99,
Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh.

 

(Giáo Hội Hiện Thế các tuần trước)