GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 3/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.
___________________________________________
Ngày 10 Thứ Tư
Tập Hướng Dẫn Mới Cho Các Vị Giám Mục
Thánh Bộ Giám Mục hôm Thứ Ba 9/3/2004 phát hành cuốn “Apostolorum successores”, một Tập Hướng Dẫn Cho Vấn Đề Thừa Tác Mục Vụ Của Các Vị Giám Mục, để đáp ứng ước muốn được bày tỏ trong Thượng Hội Giám Mục Năm 2001 về việc hoàn chỉnh tập hướng dẫn năm 1973, “Ecclesiae imago”.
Tập sách 300 trang này, được phổ biến đầu tiên bằng Tiếng Ý, và đang ở trong tiến trình được chuyển dịch sang các thứ tiếng khác, theo bản thông báo, “chú trọng tới những bản văn kiện của Công Đồng Chung Vaticanô II, Bộ Giáo Luật 1983, những văn kiện khác nhau của tòa thánh được phổ biến trong những năm gần đây, nhất là Tông Huấn ‘Pastores Gregis’.
“Tập Hướng Dẫn này hoàn toàn về mục vụ và thực tiễn và là một dụng cụ để giúp các vị giám mục khi các vị thực hiện việc phục vụ giáo hội rất phức tạp của mình hầu đáp ứng những nhu cầu của Giáo Hội cũng như xã hội ngày nay ở vào lúc mở màn cho thiên niên kỷ thứ ba này, một giai đoạn được đánh dấu bằng những thách đố và những vấn đề mới, bởi việc tiến bộ cả thể cũng như bởi những đổi thay đột ngột ngoài dự tưởng. Những trách nhiệm ở trên vai của vị giám mục thì nặng nề vì là những trách nhiệm về xã hội. Nhiều người tìm đến với vị giám mục về vấn đề đời sống tôn giáo cũng như để lãnh nhận ánh sáng, nâng đỡ và ủi an trong những lúc khó khăn, trút lên ngài các thứ vấn đề và những mối quan tâm của họ. Vị Giám Mục là một người cha sống cho con cái của mình… làm tất cả những gì có thể để hướng dẫn lương tâm và làm cho chúng lớn lên trong đức tin”.
Bản thông cáo cũng tóm tắt 9 chương (kể cả chương kết thúc) của Tập Hướng Dẫn mới này như sau:
Chương 1-3 nhấn mạnh đến căn tính và sứ vụ của vị giám mục, mối quan tâm của ngài đối với Giáo Hội Hoàn Vũ cũng như đến đoàn tính của hàng giáo phẩm. Chương 3 hoàn toàn mới, khác hẳn với tập hướng dẫn cũ, liên quan đến linh đạo và việc thường xuyên huấn luyện vị giám mục.
Chương 4 “nêu lên một vài nguyên tắc căn bản cần phải theo để hướng dẫn việc điều hành mục vụ của các vị giám mục, chẳng hạn như những nguyên tắc về sự thật, về việc hợp tác, về việc tôn trọng các phạm vi pháp quyền, những nguyên tắc về vấn đề đúng người ở đúng nơi, về vấn đề công lý và tính cách pháp lý”.
Chương 5-7 bàn đến vấn đề thừa tác vụ của vị giám mục nơi Giáo Hội Riêng và bàn đến 3 nhiệm vụ chính của vị giám mục là nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và quản trị.
Chương 8 bàn về vấn đề giáo xứ, nêu lên những hướng dẫn cho việc hỗ trợ thiêng liêng, cho dự án mục vụ của giáo phận, cho việc thăm viếng mục vụ của vị giám mục, cũng như cho một cái nhìn đặc biệt về những vấn đề liên hệ tới các thừa tác vụ của vị giám mục nơi những thành phố lớn chẳng hạn.
Chương Thứ IX liên quan đến các vị giám mục hồi hưu, thành phần có quyền lợi và nhiệm vụ được nhấn mạnh liên quan đến Giáo Hội Hoàn Vũ cũng như đến Giáo Hội Riêng nữa.
Phản Ứng trước Hấp Lực của Phong Trào Thời Mới
Cha Scarafoni, vị linh mục dòng Đạo Binh Chúa Kitô, viện trưởng của trường thần học Regina Apostolorum Pontifical Athenaeum và là phần tử của Học Viện Giáo Hoàng Thần Học, hôm Thứ Sáu 27/2/2004, đã là một trong những diễn viên của cuộc hội nghị thế giới do Thánh Bộ Giáo Sĩ tổ chức ở Rôma về chủ đề “Giáo Hội, Phong Trào Thời Mới và Các Giáo Phái”.
Theo vị linh mục này thì “Phong Trào Thời Mới không công nhận nguyên tội và có khuynh hướng không chấp nhận tội lỗi của con người, bởi thế, không bắt con người phải chịu trách nhiệm về hạnh động của mình. Phong Trào Thời Mới được nuôi mớm bởi tâm lý học của Jung, một thứ tâm lý có đường lối rõ ràng phản nghịch Kitô giáo”.
Vị linh mục này còn cho biết bất chấp tên gọi của mình, những tư tưởng của Phong Trào Thời Mới “phát xuất từ các tôn giáo và văn hóa cổ. Những gì thực sự là mới đó là việc cố ý tìm kiếm một cái gì thay thế cho văn hóa Tây Phương cũng như cho những cội rễ Do Thái Giáo và Kitô Giáo của nền văn hóa Tây Phương này”.
Nhân dịp hội nghị này, ngài đã trả lời những câu phỏng vấn của màn điện toán toàn cầu Zenit về những vấn đề liên quan đến Phong Trào Thời Mới như sau:
Vấn Làm sao có thể cắt nghĩa được sự thành đạt của Phong Trào Thời Mới, thậm chí ngay cả nơi những Kitô hữu và Công Giáo nữa?
Đáp Nó tùy thuộc vào ít là ba yếu tố sau đây: thứ nhất là yếu tố chính yếu nơi bản tính con người, tức là yếu tố khao khát linh thiêng và nguyện cầu; thứ hai là yếu tố hiện hữu, tức là ước vọng thoát khỏi tình trạng buồn chán mà nhiều người đang cảm thấy trong xã hội Tây Phương hiện nay, một xã hội có bảo đảm được những gì là vững chắc hay tương lai; và thứ ba là yếu tố tâm lý, tức là vấn đề phác họa ra một thứ linh đạo phát xuất từ cuộc gặp gỡ giữa cái văn hóa bí hiểm và tâm lý là linh đạo cho thấy có thể sử dụng các kỹ thuật để làm cho con người được biến đổi và sống an bình.
Vấn Làm thế nào Phong Trào Thời Mới lại đưa ra vấn đề bình an để giúp con người thoát khỏi tình trạng phân rẽ và buồn chán của văn hóa Tây Phương?
Đáp Bằng một số đường lối khác nhau hoàn toàn khác với những gì Kitô giáo cảm nghiệm thấy. Việc say mê những chuyến đi đến Ấn Độ; việc tìm kiếm những cảm nghiệm thần bí; cảm nghiệm về những thứ thuốc nghiện làm phát sinh tình trạng tâm thức khiến con người thấy được cuộc hiệp nhất về thực tại; “khuynh hướng thần bí tình dục” khiến con người có những liên hệ yêu thương sâu xa chỉ xẩy ra sau khi họ hoàn toàn thoát khỏi những thứ cấm kỵ về tình dục; chạy theo những truyền thống bí hiểm như thuyết Bất Khả Tri Gnosticism, giả kim thuật alchemy, chiêm tinh thuật astrology, ảo thuật magic, thông linh thuật spiritism, ma thuật witchcraft, những tôn giáo thiên về thần bí; Đạo Thờ Satan và các thứ khoa học về bí thuật. Phép trị liệu Tinh Thể Crystal therapy là những gì rất thịnh hành.
Một số sách vở về Phong Trào Thời Mới cho rằng những tinh thể có một khả năng tinh thông ẩn áo trong việc chi phối đời sống của chúng ta, và những sách này dạy cách để có thể giao tiếp với thứ quyền lực giả thiết này.
Vấn Những người theo Phong Trào Thời Mới thường nói về thiên thần.
Đáp Thành phần theo Aquarius (danh xưng biểu hiệu của Phong Trào Thời Mới) thấy được ở khắp nơi một sự cố định thật sự về các thiên thần.
Thế nhưng các thiên thần của họ không hề giống với các thiên thần của những người Kitô hữu. Các thiên thần của phong trào này có những tên gọi lạ cũng nnhư có những quyền lực giống như những quyền lực của các thứ bùa ngải. Phong Trào Thời Mới cũng thêm nhiều thứ hình dạng nữa vào danh sách của các thần thần, chẳng hạn như “những hướng thần” và “các thực thể” khác nhau.
Vấn Bình an và hạnh phúc là những cảm giác được Phong Trào Thời Mới nêu lên.
Đáp Đúng thế, nhưng chúng là những cảm hứng có những đường lối chiếm hữu phản lại với Giáo Hội Công Giáo.
Những thành quả gặt hái được bởi những cảm hứng này cùng với những cách thức khác trong việc tìm kiếm an bình và hạnh phúc đó là: nhu cầu cần phải loại bỏ những sự thật và những tín điều làm đổ vỡ hay phân chia nhãn quan về thực tại, cũng như nhu cầu cần tìm chốn nương tựa nơi trực giác cũng như nơi thứ thần bí vô tri; nhu cầu cần phải hạ bệ các thứ thờ thánh hay các hình thức tổ chức kiên cố của tôn giáo, nhất là phẩm trật của Giáo Hội Công Giáo; tìm kiếm một thứ thần bí mới cho tất cả mọi người có thể đạt được.
Vấn Vấn đề thần bí mới bào gồm những gì được họ đề ra?
Đáp Vấn đề thần bí mới, cũng được nhiều người Công Giáo thực hành, được nuôi dưỡng bởi hầu hết các truyền thống khác nhau của việc cầu nguyện, nhất là của Đông Phương.
Nó loại trừ quan niệm về một Vị Thiên Chúa siêu việt, hoàn toàn tách biệt và khác với chúng ta. Nó cống hiến một thứ thanh tẩy nội tâm, những dấu lạ và những sự lạ, một giai đoạn nội tâm trống rỗng, và sau cùng là việc đạt tới một thứ gặp gỡ “bản thân mình”, một bản ngã thực sự, một bản ngã là một với Thiên Chúa, với vũ trụ cũng như với tất cả những gì hiện hữu.
Vấn Giáo Hội có dự định ra sao trong việc nói lên cái thách đố do phong trào này gây nên?
Đáp Những nguyên tắc mục vụ để nói đến hiện tượng Thời Mới đó là: việc trình bày rõ ràng về mối liên hệ giữa đức tin và lý trí; giáo dục việc cầu nguyện Kitô giáo cũng như việc tích cực tham dự vào các bí tích, dựa vào đại truyền thống của gia sản Kitô giáo; loan truyền Chúa Giêsu Kitô, Đấng sống động và phục sinh hiện đang giao tiếp với chúng ta, Đấng có một hấp lực mạnh mẽ hơn bất cứ ai hết và sự hiện diện của Người làm cho đời sống củ ahết mọi người tràn đầy ý nghĩa; quan niệm thế giới là một tào thành được Thiên Chúa Hóa Công yêu thương và được Ngài điều khiển cho đến khi đạt đến tầm vóc viên trọn của nó.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 2/3/2004