GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 3/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.

 

___________________________________________

 Ngày 18 Thứ Năm

 

TỪ ÐÓNG PHIM TỚI SỐNG ÐẠO


Tài tử Jim Caviezel đã được triều kiến riêng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hôm Thứ Hai 15/3/2004, cùng với vợ và cha mẹ vợ. Nhân vật tài tử này trở thành nổi tiếng trên thế giới qua những cuốn phim “Lằn Đỏ Nho Nhỏ” (1998), “Cặp Mắt Thiên Thần” (2001), “Tầm Núi Cristo” (2002), “Những Tội Ác Nặng” (2002) và nhất là cuốn phim mới nhất và thu hút nhất hiện nay “Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Kitô” (2004).

Thứ Ba 16/3/2004, tức sau ngày được triều kiến ĐTC, tài tử này đã nói với một nhóm phóng viên báo chí về cuộc triều kiến riêng của mình với ĐTC hôm trước. Ngoài những vấn đề khác, tài tử này đã nói với ĐTC về Bức Thư ĐTC gửi cho thành phần Nghệ Sĩ năm 1999, một bức thư đã tác động ông rất nhiều. Cuộc triều kiến này ở tại thư phòng của ĐTC và ông đã không biết nó kéo dài bao lâu vì ông đã bị thu hồn vào những lời nói của ĐTC.

Qua hình ảnh, hai vợ chồng tài tử này đã ngồi đối diện với ĐTC trước bàn làm việc của Ngài, và Ngài đã tặng cho họ chuỗi tràng hạt. Tài tử này đã cho biết nhận định của mình về ĐTC như sau:

“Đức Gioan Phaolô II là một con người đặc biệt cho một thế giới đặc biệt. Ngài là vị Giáo Hoàng của Fatima. Vị Giáo Hoàng này là một nhà chiêm niệm thần bí. Ngài yêu mến Chúa Kitô”.

Về chính cuốn phim “Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô” do ông thủ vai chính, ông cho biết những chi tiết sau đây:

“Mel Gibson là một người rất ư là Công Giáo, rất ư là Công Giáo Rôma. Nhiều người nổi tiếng nói rằng họ là những người Công Giáo nhưng họ không theo Vatican về những vấn đề phò sự sống, về án tử hình. Khi quí vị xem phim của Mel Gibson quí vị thấy Tin Lành? Hồi giáo? Công Giáo? Quí vị thấy gì? Cuốn phim này rất Công Giáo, rất phổ quát. Nó là một cách rất hay để cho dân chúng thấy Công Giáo nghĩa là gì, nghĩa là phổ quát, cho tất cả mọi dân tộc, cho hết mọi thời gian”.

Đối với tài tử này thì việc cộng tác thực hiện cuốn phim này làm ông “có một kinh nghiệm thực là linh thiêng. Quí vị không thể nào thấy những gì trình diễn mà lại cảm thấy lạnh lùng dửng dưng… Tôi không muốn dân chúng nhìn thấy tôi; tôi chỉ muốn họ thấy Chúa Giêsu thôi”. Tuy nhiên, để có được cảm nghiệm này, ông tiết lộ cho biết: “Tôi đã bắt đầu bằng việc lần hạt Mân Côi, Kinh Mân Côi đã dẫn tôi đến việc xưng tội, việc xưng tội dẫn tôi đến Thánh Lễ, hằng ngày, và lúc nào tôi rước lấy Thánh Thể trong thân xác của mình, tôi càng cảm thấy ở trong Chúa Kitô hơn”.

Đối với những lời tố cáo về tính cách bài Do Thái mà một số nhóm đã tỏ ra chống lại cuốn phim, tài tử này đã cho biết nhận định của mình như sau: “Tôi là người Do Thái. Đó là giòng dõi của tôi. Tôi phát xuất từ Nhà Đavít và Abraham. Ai bảo rằng cuốn phim này là bài Do Thái thì Thánh Kinh cũng phải được coi là cuốn sách bài Do Thái”.

Tài tử này đã đề nghị với thành phần ái quốc Do Thái hãy thực hiện những cuốn phim về Moisen hay Đavít. Hôm Thứ Hai 15/3/2004, tài tử này đã trình chiếu cuốn phim “Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô” cho một số viên chức giáo hội ở Rôma xem trước khi nó được trình chiếu ở Đại Học Đường của Tòa Thánh Regina Apostolorum Pontifical Athenaeum.
 

ĐTC với vị tân lãnh sự Managua về cuộc chiến chống tình trạng cực bần cùng ở Nicaragua

Hôm Thứ Bảy 13/3/2004, ĐTC GPII đã tiếp vị tân lãnh sự xứ Nicaragua là ông Armando Luna Silva, và đã bày tỏ mối quan tâm của Ngài về tình hình của xứ sở ở Trung Mỹ Châu này. Bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC đã nói: “những tình trạng cực bần cùng” là “một thứ bất công trên hết” chi phối nhiều người dân Nicaraguans. Tất cả mọi người phải lấy làm ưu tiên trong việc loại trừ đi những tình trạng cực bần cùng này, cả ở lãnh vực quốc gia cũng như quốc tế”.

ĐTC, vị đã đến thăm xứ sở này 2 lần, đã kêu gọi chính quyền hãy nói lên “cái sự dữ không thể bị coi là vấn đề địa phương ấy, mà là hậu quả của hàng loạt những yếu tố cần phải được vạch ra một cách dứt khoát và mạnh mẽ, nhờ đó phẩm chất của đời sống của nhân chúng Nacaraguans mới thực sự được cải tiến.

“Những nỗ lực như thế, hợp với những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, một cộng đồng thực hiện việc viện trợ cần phải được phân phối bằng việc điều hành minh bạch, chân thành và hiệu lực, là những gì bất khả châm chước trong việc xây dựng một xã hội an bình, công chính và đoàn kết, một xã hội thực sự đáp ứng những khát vọng của nhân dân Nicaraguans và thích hợp với các truyền thống của xã hội này.

“Một yếu tố quan trọng (nữa) trong việc chiến đấu chống lại tình trạng bần cùng này là việc nhổ tận gốc rễ vấn đề băng hoại làm suy yếu việc phát triển chân chính về xã hội và chính trị của rất nhiều người.

“Trong việc đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng một xã hội chân chính và huynh đệ hơn phải kể đến các thứ hướng dẫn của học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo cũng như các giáo huấn về luân lý của Giáo Hội, những giá trị cần phải được chú trọng bởi những ai hoạt động phục vụ quốc gia.

“Người ta không thể tiến đến một thứ an bình thực sự về xã hội mà lại thiếu vắng một thứ trật tự biết tôn trọng tự do cá nhân, đồng thời phấn khích lòng tin tưởng của thành phần công dân nơi các tổ chức công quyền, hay thiếu hụt một thứ chủ động hợp tác và hữu trách tham dự từ tất cả mọi người vào việc xây dựng công ích.

“Giáo Hội địa phương cố gắng để nuôi dưỡng việc hòa giải cũng như để giúp vào việc phát triển một xã hội dân chủ hơn, bằng việc tỏ ra hợp tác để làm cho những giá trị như công lý và tình đoàn kết, vấn đề tôn trọng lề luật và yêu mến chân lý được luôn thể hiện nơi đời sống của nhân dân Nicaraguans”.

Theo Niên Giám của Giáo Hội thì có 89% trên 5 triệu dân Nicaraguan là Công Giáo, song mỗi một linh mục phải coi 12.145 giáo dân.