GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 3/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.

 

___________________________________________

 Ngày 19 Thứ Sáu

 

 

ĐTC hướng về Ngày Lễ Thánh Giuse 19/3/2004


Trong buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư hằng tuần, 17/3/2004, sau bài giáo lý về Thánh Vịnh, ĐTC đã hướng về Lễ Thánh Giuse khi nhấn mạnh đến tầm ảnh hưởng của gia đình trên con cái như sau:


“Lễ trọng này khuyến dụ các gia đình ngày nay, thành phần được an ủi bởi gương của Đức Maria và Thánh Giuse, những vị đã yêu thương chăm sóc cho Lời Nhập Thể, cần phải được phấn khích bởi lối sống của các vị trong những quyết định hằng ngày cũng như bằng sức mạnh để thắng vượt những khó khăn.


“Chỉ ở trong một gia đình đích thực, một gia đình hiệp nhất bền vững và yêu thương, con cái mới có thể tiến đến chỗ trưởng thành một cách tốt đẹp, theo gương sáng của một tình yêu nhưng không ban phát, trung thành, tha thứ cho nhau và tôn trọng sự sống”.

 


“Điều Hành Thương Vụ: Trách Nhiệm Xã Hội và Vấn Đề Toàn Cầu Hóa”


ĐTC GPII đã gửi một Sứ Điệp cho thành phần tham dự hội nghị do Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý Và Hòa Bình cùng với Khối Hiệp Nhất Quốc Tế Các Điều Hành Viên Kitô Giáo Về Thương Mại tổ chức, một hội nghị diễn ra vào 2 ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy 5-6/3/2004 tại Rôma với chủ đề “Điều Hành Thương Vụ: Trách Nhiệm Xã Hội và Vấn Đề Toàn Cầu Hóa”.


Kính gửi Huynh Khả Kính


Hồng Y Renato Raffaele Martino


Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Công Lý Và Hòa Bình Iustilia et Pax


Tôi vui mừng biết được rằng Hội Nghị về vấn đề “Điều Hành Thương Vụ: Trách Nhiệm Xã Hội và Vấn Đề Toàn Cầu Hóa” được tổ chức vào những ngày này do sự bảo trợ của Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý Và Hòa Bình cùng với Khối Hiệp Nhất Quốc Tế Các Điều Hành Viên Kitô Giáo Về Thương Mại. Tôi xin huynh hãy giúp Tôi chuyển đến tất cả mọi người hiện diện những lời chào mừng nồng nàn cùng với những lời nguyện chúc tốt đẹp của Tôi.


Tôi hy vọng rằng Hội Nghị này sẽ trở thành một nguồn cảm hứng và dấn thân mới đối với các lãnh đạo viên Kitô giáo nơi ngành thương mại trong việc họ nỗ lực làm chứng cho các giá trị của Vương Quốc Thiên Chúa ở lãnh giới thương mại. Công việc của họ thật sự được bắt nguồn từ vai trò làm chủ và làm quản lý do Thiên Chúa ủy thác cho con người trên trái đất này (x Gen 1:27), và được đặc biệt thể hiện nơi việc cổ võ những hoạt động kinh tế mới mẻ có vô số khả năng sinh lợi cho những người khác cũng như trong việc nâng cao tiêu chuẩn sống về vật chất. Bởi vì “không có một hoạt động nhân bản nào, ngay cả nơi các thế vụ, có thể vượt thoát khỏi quyền cai trị của Thiên Chúa” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, 36), mà các Kitô hữu mang trách nhiệm trong lãnh vực thương mại mới bị thách thức để làm sao có thể hòa hợp việc theo đuổi lợi lộc được phép với mối quan tâm sâu xa về vấn đề thể hiện tình đoàn kết cùng với vấn đề loại trừ thảm nạn nghèo khổ là những gì vẫn tiếp tục dày vò nhiều phần tử thuộc gia đình nhân loại.


Cuộc Hội Nghị này đang diễn ra vào thời điểm khi mà lãnh vực tài chính và thương vụ càng ngày càng nhận thấy nhu cầu cần phải thực hiện những gì là đạo lý lạnh mạnh để bảo đảm rằng hoạt động thương mại vẫn cảm thức được những chiều kích nhân bản và xã hội nồng cốt. Vì việc theo đuổi lợi lộc không phải là cùng đích duy nhất của hoạt động này mà Phúc Âm thách thức các con người nam nữ đi làm thương mại làm sao để có thể thực hiện việc tôn trọng phẩm giá lẫn sáng kiến của thành phần nhân viên và thân chủ cũng như tôn trọng những đòi hỏi của công ích. Ở lãnh vực cá nhân, họ được kêu gọi để phát triển những nhân đức quan trọng như “cần mẫn, chăm chỉ, khôn ngoan trong việc chấp nhận những thứ nguy cơ hợp lý, đáng tín cẩn và có lòng trung thành nơi những mối giao hệ liên cá thể, dám can đảm thi hành những quyết định khó khăn và đau đớn” (Thông Điệp Centesimus Annus, 32). Trong một thế giới xu hướng về những gì là hưởng thụ và vật chất thì các điều hành vi6n Kitô hữu được kêu gọi để khẳng định vấn đề ưu tiên của “cái là” trên “cái có’.


Trong số những vấn đề đạo lý quan trọng gây khó khăn cho cộng đồng thương mại hiện nay đó là những gì liên hệ với tầm ảnh hưởng của vấn đề thị trường và quảng bá toàn cầu đối với văn hóa cùng các thứ giá trị của những xứ sở và dân tộc khác nhau. Một thứ toàn cầu hóa lành mạnh, được thi hành trong việc tôn trọng những thứ giá trị của các quốc gia khác nhau cũng như của các nhóm chủng tộc khác nhau, có thể góp phần đặc biệt vào mối hiệp nhất gia đình nhân loại và thực hiện những hình thức cộng tác chẳng những về kinh tế mà còn về cả xã hội và văn hóa nữa. Vấn đề toàn cầu hóa cần phải làm sao trở thành một cái gì đó khác với danh xưng ám chỉ một thứ triệt để tương đối hóa các thứ giá trị cũng như đồng nhất hóa các lối sống và các thứ văn hóa. Để điều này có thể thực hiện, các vị lãnh đạo Kitô giáo, cũng như những điều hành viên thuộc lãnh vực thương mại, phải đương đầu với việc làm chứng cho thứ quyền năng giải phóng và biến đổi của chân lý Kitô Giáo, một chân lý thúc đẩy chúng ta đem các tài năng của chúng ta, các khả năng trí thức của chúng ta, các khả năng thuyết phục của chúng ta, kinh nghiệm của chúng ta và năng khiếu của chúng ta ra phục vụ Thiên Chúa, tha nhân và công ích của gia đình nhân loại.


Với những cảm nhận này, Tôi nguyện cầu cho những suy xét của cuộc Hội Nghị này và xin Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người tham dự được ơn khôn ngoan, vui mừng và an bình.


Tại Vatican ngày 3/3/2004.
Gioan Phaolô II

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 5/3/2004
 

 


Tòa Thánh với Nạn Khủng Bố hiện nay và Vai Trò LHQ ở Iraq


Hôm Thứ Năm 18/3/2004, ĐHY chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình Renato Martino, trong khi tham dự hội nghị ở Đại Học Đường Tòa Thánh Regina Apostolorum Pontifical Athenaeum, đã nói với Đài Phát Thanh Vatican về việc diệt trừ tận gốc căn nguyên gây ra khủng bố.


Ngài đã trích lại lời của ĐTC GPII trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình 2004 là “cuộc chiến đấu chống khủng bố không thể giải quyết hoàn toàn bằng những hành động đàn áp và trừng phạt… Việc sử dụng võ lực cần thiết phải được đi liền với việc sáng suốt và can đảm phân tích” các căn nguyên gây ra khủng bố”. Vị hồng y chủ tịch cho biết, ngoài việc giáo dục về hòa bình, “ĐTC đề nghị nhận thức những nguyên nhân của nó”: Nếu không loại trừ những căn nguyên gây ra khủng bố thì khủng bố sẽ luôn tái diễn. Chúng ta thấy rằng khủng bố là một kẻ thù lén lút ẩn nấp khắp nơi và tấn công khắp chốn. Toàn thể cộng đồng thế giới cần phải dấn thân để loại trừ nạn dịch này”.


Về tình hình Iraq, ĐHY cũng trích lại lời của ĐTC GPII về việc nhìn nhận vai trò của LHQ trong việc bảo vệ “hòa bình của cộng đồng thế giới”: “Đức Giáo Hoàng hy vọng là vai trò này sẽ được trả về cho LHQ, đồng thời Ngài cũng đề nghị và kêu gọi việc cải cách LHQ để làm cho tổ chức này hoạt động một cách hiệu nghiệm trong việc đạt chiếm những mục tiêu theo những phác định của nó là những gì vẫn tiếp tục hiệu lực”.


 

Tổng Thống Nga Putin Mong Muốn Kitô Giáo Hiệp Nhất


Ông lãnh sự của Nga tại Tòa Thánh là Vitaly Litvin, trong một cuộc phỏng vấn được phổ biến trên hệ thống điện toán toàn cầu korazym.org, đã cho biết chính phủ của ông đang tìm kiếm mối hiệp nhất Kitô giáo, và hứa sẽ không tạo nên vấn đề đối với các vị linh mục Công giáo làm việc ở Nga nữa.


Ông tin rằng việc viếng thăm Nga mới đây của ĐHY Walter Kasper, chủ tịch hội đồng tòa thánh đặc trách việc cỗ võ Kitô giáo, là một điều tích cực đã đưa đến một số điều đồng ý với nhau. Chẳng hạn, ông cho biết, “việc thiết lập một nhóm hỗn hợp để giải quyết những vấn đề giữa hai Giáo Hội”, “việc trao đổi những vị giáo sư dạy trong các chủng viện và học viện”, “việc trao đổi những quan điểm thần học là việc sẽ xẩy ra trong một nghày gần đây. Có thể nói rằng tất cả chương trình đã được đặt ra để phát triển việc đối thoại liên tôn vậy”.


Đối điểm chính yếu của cuộc gặp gỡ giữa ĐHY Chủ Tịch Công Giáo và Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga Alexis II liên quan đến việc Giáo Hội Công Giáo có ý định muốn thiết lập một tòa thượng phụ ở trong lãnh quyền của Giáo Hội Chính Thống Nga, thì theo “quan điểm của Tòa Thượng Phụ Moscow cũng như quan điểm của các Giáo Hội Chính Thống khác, không nên thiết lập một tòa thượng phụ ở lãnh địa là nơi vốn đã có một toàn thượng phụ rồi”.


Nói về ý định của Tổng Thống Putin, vị lãnh sự này khẳng định là tổng thống của ông “muốn thấy Kitô giáo hiệp nhất” cũng như “việc xứ sở của ông tham dự vào thực tại Âu Châu”. Vị lãnh sự còn đề cập đến “một bản tuyên cáo của Tòa Thượng Phụ Moscow về nhu cầu cần phải chú trọng tới những căn gốc Kitô giáo nơi Bản Hiệp Ước Hiến Pháp Âu Châu là bản văn kiện đang được tranh luận. Về vấn đề ấy thì chủ trương của Giáo Hội Chính Thống Nga trùng hợp với chủ trương của Giáo Hội Công Giáo và các hoạt động của cả hai Giáo Hội có thể mang ra thực hiện trong lãnh vực này”.


Đối với Tổng Thống Putin thì “mối hiệp nhất Kitô giáo hết sức liên hệ với khía cạnh tôn giáo, thế nhưng lại có một nhãn quan bao rộng hơn. Cần phải hiểu biết về Đông Tây hơn nữa, theo một ý nghĩa rộng rãi hơn, một thứ kiến thức cũng góp phần thuận lợi cho mối hiệp nhất Kitô giáo. Tôi có ý nói đến cuộc sống hằng ngày, đến văn hóa, đến ngôn ngữ, đến một quá khứ lịch sử chung là Kitô giáo”.


Về vấn đề giấy thông hành cho các vị linh mục Công Giáo, mà một số vị đã bị thẩm quyền Nga trục xuất trong năm 2002, vị lãnh sự cho biết:


“Hiện nay không có vấn đề gì về giấy thông hành của các vị linh mục Công Giáo ở trong lãnh thổ của Nga. Ngoài ra, tôi cần phải nói là một số linh mục Công Giáo đã có giấy phép cư trú để thi hành thừa tác mục vụ của mình trên lãnh thổ của Nga. Điều này chứng tỏ hoạt động mục vụ của họ được chú trọng hơn nữa.


“Một số vấn đề vẫn còn đó, nhưng chúng chỉ là vấn đề phong kiến và quản trị, chẳng những ảnh hưởng đến người Công Giáo mà cả những người Hồi Giáo và ngoại quốc nữa, tóm lại, đến hết mọi người. Thế nhưng, những vấn đề về quản trị là những gì có thể giải quyết”.

 

 

BÁC PHÓ MỘC

Thánh Giuse, người được xưng tụng bằng nhiều danh hiệu khác nhau:


- Cha Nuôi Chúa Cứu Thế, Cha Đồng Trinh của Chúa Giêsu: “Hỡi con, sao con làm như vậy. Này cha con và mẹ đã phải đau khổ tìm con” (Luc 2:48).


- Bạn Thanh Khiết của Đức Mẹ: “Mẹ người là Maria đã đính hôn với một người tên là Giuse, nhưng trước khi về chung sống với nhau, bà đã có thai bởi quyền lực Chúa Thánh Thần” (Mt 1:18).


- Chồng Đồng Trinh của Đức Trinh Nữ Maria, Miêu duệ vua Đavít: “Hỡi Giuse, con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria làm vợ, vì bà mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần, bà sẽ sinh một con trai, và ông sẽ đặt tên Ngài là Giêsu, bởi vì Ngài sẽ cứu dân mình khỏi tội” (Mt 1: 20-21).


- Đấng Bầu Cử Thần Thánh: “Ite ad Joseph” – Hãy đến cùng Giuse.


- Người Công Chính: “Giuse bạn bà là người công chính” (Mt 1:19).


- Bác Phó Mộc: “Người này chẳng phải là con bác phó mộc sao?” (Mt 13:55).

Trong những danh xưng và tước hiệu ấy, có lẽ tước hiệu “Bác Phó Mộc” là một tước hiệu gần gũi và thiết thực hơn với cuộc sống hiện tại của con người, nhất là con người thời đại. Ngày nay nhân loại đang phải hít thở một “nền văn hóa sự chết”. Cái không khí vẩn đục của duy lý, duy vật, duy thực dục, duy khoái lạc, và vô thần đang làm lu mờ đi những giá trị đạo đức và lương tri của con người. Một thế giới trong đó những người giầu có, quyền lực, danh giá được đề cao và trọng dụng. Ngược lại, những người đạo đức và lương thiện bị coi thường, khinh bỉ.

Hình ảnh một bác thợ mộc chăm chỉ, chịu khó, và liêm khiết nhưng lại nghèo ấy chính là một sự thúc đẩy và khích lệ tinh thần cho phần đông nhân loại đang lâm vào cảnh nghèo, đói, và túng thiếu tinh thần cũng như vật chất. Thế giới hôm nay có rất nhiều người cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Cũng trong thế giới hôm nay rất nhiều người tuy có miếng cơm, manh áo nhưng lại nghèo đói tình thương và sự an vui của tâm hồn.

Nhân loại sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu một người được chọn làm chồng Mẹ Thánh Chúa là một người giầu có, quyền thế, và danh giá. Nhân loại cũng sẽ không ngạc nhiên khi một người quyền thế, danh vọng và giầu có được chọn là cha Đấng Cứu Thế. Nhưng nhân loại và có lẽ cả thiên thần trên trời, quỉ thần dưới hỏa ngục cũng phải ngạc nhiên và lấy làm lạ khi một bác phó mộc nghèo và không có địa vị như Giuse được chọn vào những chức vụ ấy.

Vẫn biết rằng Giuse thuộc dòng tộc Đavít, một hoàng tộc có một lịch sử lẫy lừng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, và riêng đối với người Do Thái. Nhưng đó chỉ là quá khứ vàng son còn rơi rớt lại trong cái gia phả dài rằng rặc. Sự nghèo túng của Giuse ở vào giây phút hiện tại ấy đã được tìm thấy trong Thánh Kinh. Và chính vì sự nghèo túng này đã đem lại cho Ông, cho người bạn đời và cho đứa con sắp sửa chào đời một sự xỉ nhục và đớn đau: “Trong khi ông bà còn ở đó thì ngày sinh của bà đã gần. Bà sinh con trai đầu lòng bọc trong tã và đặt trong máng cỏ, bởi vì không có chỗ trong các quán trọ” (Luc 2:6-7). Mẹ Chúa sinh Đấng Cứu Thế tại một cái góc chuồng bò ngoài đồng Bêlêm. Cái nghèo của Ông còn lây lan đến đời con, chính vì thế, khi Chúa Giêsu xuất hiện công khai với sứ vụ của mình đã bị đám dân làng Nagiarét chế diễu: “Người này chẳng phải là con bác phó mộc sao?” (Mt 13:55).

Đến đây thì ta phải tự hỏi, tại sao Thiên Chúa lại trao Mẹ Thánh Ngài, Trinh Nữ Sion, Đấng Đầu Thai Vô Nhiễm Tội, Đấng Trọn Đời Đồng Trinh, và là Nữ Vương Thiên Đàng vào tay một bác phó mộc nghèo và hoàn toàn tiềm ẩn? Tại sao Thiên Chúa lại trao người Con Yêu Dấu, Ngôi Hai Nhập Thể, Đấng Cứu Độ Nhân Trần cho một bác thợ mộc nuôi dưỡng và bao bọc. Đặc biệt, lại là một bác thợ mộc nghèo và không có tiếng tăm.

Và câu trả lời được tìm thấy cũng trong Thánh Kinh: “Giuse bạn bà là người công chính” (Mt 1:19). Vâng. Chính sự công chính được tìm thấy nơi cuộc sống tầm thường, vất vả, và nghèo khó ấy. Chính con người đã chấp nhận và sống với cuộc đời ấy đã làm cho Thiên Chúa vui thích, và Ngài đã không ngần ngại trao vào tay bác phó mộc này hai kho tàng quí giá nhất của Ngài, đó là Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu. Trong trường hợp này, nhân đức và đời sống đạo hạnh đã có một giá trị tuyệt vời. Nó đã đánh bóng và làm rạng ngời đời sống của con người thầm lặng và nghèo nhất xóm ấy. Nó đã làm cho bác thợ mộc ấy xứng đáng với tất cả mọi phẩm tước mà sau này Giáo Hội và nhân loại vẫn thường ca tụng.

Cũng chính vì đời sống gương mẫu và sự âm thầm chịu đựng ấy, Thánh Giuse đã trở thành một gương sống gần gũi và thực tế hơn đối với mọi người. Do kinh nghiệm bản thân rút ra từ cuộc sống vất vả, lam lũ và cùng cực ấy, Thánh Giuse sẽ thông cảm một cách tận cùng những khốn khó của con người và từng người. Những ai đang gặp nghèo túng, thì hãy nhìn xem mình đã nghèo như Thánh Giuse chưa? Những ai đang bị người đời coi thường và khinh bỉ, cũng hãy tự hỏi mình là đã bị khinh thường và coi rẻ như Thánh Giuse chưa? Và những ai đang buồn sầu vì mình phải sa cơ, thất thế, cũng hãy tự hỏi mình rằng mình đã từ hàng vương giả, vọng tộc đi xuống đến rốt cùng của kiếp sống dân đen chưa? Trong mọi khó khăn ấy, trong mọi thua thiệt ấy, mình đã âm thầm, chấp nhận và thánh hóa như Thánh Giuse chưa? Nếu chưa, thì chúng ta hãy đến với Ngài và đặt vào tay Ngài những vất vả, những truân chiên, những nghèo túng, và những khinh bỉ ấy để xin Ngài giúp chúng ta biết tìm ra Thánh Ý của Thiên Chúa, can đảm chấp nhận và sống trong sự công chính mà Thiên Chúa đang muốn có nơi ta.

Không biết người giầu có, danh giá, và địa vị có dễ dàng công chính hóa đời họ hay không? Và cũng không biết người nghèo khổ, túng thiếu và bị đời khinh bỉ có dễ trở thành công chính hay không? Nhưng sự công chính của Thánh Giuse xem ra gắn liền với cái nghèo, cái khổ, thua thiệt, và khinh bỉ của con người. Trong thế giới mà phần đông nhân loại đang sống trong cảnh nghèo túng, đói rách và bệnh tật vật chất cũng như tinh thần hôm nay, cái nghèo của Thánh Giuse, nếp sống âm thầm, đơn sơ, và khiêm tốn của Ngài sẽ là một niềm an ủi, và khích lệ. Mọi người sẽ tìm thấy nơi Ngài một mẫu gương sống động và thực tế .

Thánh Giuse – Bác Phó Mộc Nghèo – Xin cầu cho chúng con. Xin giúp chúng con biết ý thức và thánh hóa những yếu hèn, khổ cực, và nghèo túng của mình. Biết chấp nhận và cam đảm đối diện với cuộc đời và nếp sống chúng con đang có. Trong tất cả mọi thiếu thốn, bệnh tật, khó nghèo và xỉ nhục ấy, xin giúp chúng con đừng bao giờ lìa xa Chúa Giêsu và Mẹ Thánh Ngài, để như Thánh Cả, chúng con được giầu có trong ân nghĩa Chúa. Nhất là chúng con biết nhờ đó để công chính hóa đời sống chúng con.

 

          Trần Mỹ Duyệt