GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 3/2004

Ý Chung: Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.

 

___________________________________________

 THÁNG 3: Ngày 1 Thứ Hai


ĐTC GPII: Huấn Từ Truyền Tin về ý nghĩa Chúa Nhật I Mùa Chay


1.     Vào Ngày Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay này, Phúc Âm cho chúng ta thấy Chúa Kitô, sau khi lãnh nhận phép rửa của Gioan ở sông Dược Đăng, được Thánh Linh thúc đẩy và sa mạc và ở đó 40 ngày. Trình thuật phúc âm cho chúng ta thấy 3 chước cám dỗ quá quen thuộc, những chước cám dỗ của việc lừa dối xưa kia được Satan sử dụng để làm cho nhị vị cha mẹ nguyên tổ của chúng ta sa phạm. Thế nhưng Chúa Kitô, vị Tân Adong, đã khống chế những chước cám dỗ ấy, khi cương quyết bác bỏ tên cám dỗ: “Có lời chép: ‘Ngươi không được thử thách Chúa là Thiên Chúa của ngươi’ (Lk 4:12).


2.     Việc Chúa Giêsu chiến thắng Tên Gian Ác bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta sẽ không bị nhược bại trong thời gian bị thử thách, nếu chúng ta hiệp nhất với Chúa. Theo chiều hướng này, Mùa Chay mời gọi chúng ta đặc biệt dấn thân vào cuộc hành trình thiêng liêng.


Tôi đã gửi cho Giáo Hội một sứ điệp vào dịp này, trong đó, Tôi muốn đặc biệt chú ý tới các trẻ em, rất thường trở thành những nạn nhân vô tội bởi việc làm gian ác của con người. Giáo Hội đặc biệt chú trọng đến các em vì chính Chúa Kitô đã nói với chúng ta rằng “Ai tiếp nhận một con trẻ nào như thế vì danh Thày là tiếp nhận Thày” (Mt 18:5). Chớ gì thời gian của phụng niên đây được biến thành một cuộc hăng hái thi đua sống tình đoàn kết đối với những con người bé nhỏ này, nhất là với những em đang ở trong những trường hợp nguy hiếm và khốn khó nhất.

3. Anh chị em thân mến, Tôi mời hết mọi anh chị em hãy cầu nguyện cho ý hướng ấy. Ngoài ra Tôi cũng xin anh chị em hãy hỗ trợ Tôi trong những ngày Tuần Phòng được bắt đầu vào tối hôm nay, như thông lệ hằng năm. Các vị cộng sự viên làm việc ở Tòa Thánh Rôma cũng tham dự với Tôi. Chớ gì Vị Trinh Nữ chuyên chú lắng nghe xin cho chúng ta được sinh hoa kết trái trong những ngày thinh lặng, suy niệm và thiết tha hiệp thông với Chúa Kitô đây.


Biệt chú riêng về Tuần Phòng Mùa Chay năm 2004 của Giáo Triều Rôma. Vị giảng phòng năm nay là Đức Ông Bruno Forte, một phần tử của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế. Ngài là người viết chính văn kiện “Hoài Niệm và Hòa Giải: Giáo Hội và Những Lỗi Lầm Quá Khứ”, và là chủ tịch của Trường Thần Học Nam Ý Quốc ở Naples. Đề tài của những bài suy niệm Tuần Phòng Mùa Chay được dẫn nhập là “Theo Chúa là Ánh Sáng Sự Sống”, được trích từ câu Phúc Âm Thánh Gioan: “Thày là ánh sáng thế gian; ai theo Thày sẽ không đi trong tăm tối, song sẽ được ánh sáng sự sống” (Jn 8:12).


Câu này, theo vị giảng phòng cho Đài Phát Thanh Vatican biết, câu này bao gồm 3 giai đoạn gặp gỡ Thiên Chúa: Trước hết là “con đường thanh tẩy” được biểu hiệu nơi những chữ “ai theo Thày sẽ không bước đi trong tăm tối”. Vị giảng Linh Thao cho biết “con đường này sẽ dẫn chúng ta tới tình trạng thoát khỏi bóng tối tăm sự dữ”. Sau đó là “con đường sáng soi” – ‘Thày là ánh sáng thế gian’ – con đường dẫn chúng ta đến chỗ được tràn đầy ánh sáng của Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta”. Sau hết là “con đường kết hiệp” là lúc tín hữu “’sẽ được ánh sáng sự sống’ làm cho chúng ta sinh hoa kết trái nhờ sống đời sống mới, một đời sống gặp gỡ Chúa Kitô là sự sống, là niềm hy vọng và là ánh sáng thế gian”.


Tuần Phòng Mùa Chay năm nay được kết thúc vào Thứ Bảy tuần này. Đức Piô XI đã lập lệ cấm phòng này cho Giáo Triều Rôma từ năm 1929, thường được diễn ra vào tuần thứ nhất Mùa Vọng. Đức Phaolô VI đã đổi sang tuần thứ nhất Mùa Chay.

ĐTC với hàng giáo sĩ Rôma về đề tài hôn nhân và gia đình

Theo truyền thống, vào đầu Mùa Chay hằng năm, như năm 2004 vào sáng ngày 26/2 Thứ Năm, ĐTC GPII đã gặp hàng giáo sĩ thuộc giáo phận Rôma, trong đó có cả ĐHY Ruini, vị chủ chiên cùng với ĐGM Rôma là chính ĐTC cai quản Giáo Phận Rôma. Sau khi nghe ĐHY Ruini đại diện hàng giáo sĩ Rôma dâng lên Ngài những lời chào chúc, ĐTC đã nói với các vị một cách ngắn gọn, và đưa cho họ sứ điệp Ngài đã viết gửi họ. Sau đây là những gì Ngài đã trực tiếp nói và sau đó là những gì Ngài viết để đọc:

“Trước hết, Rôma: Rôma nghĩa là gì? Là một thành đô thuộc sứ vụ của vị thừa kế Thánh Phêrô. Và hết mọi giáo xứ đều thuộc về sứ vụ của vị thừa kế Thánh Phêrô. Có tất cả là 340 giáo xứ ở Rôma và Tôi đã đến thăm được 300 giáo xứ rồi. Còn 40 giáo xứ nữa cần phải viếng thăm. Thế nhưng, Thứ Bảy này chúng ta sẽ tiếp tục những cuộc viếng thăm này. Hy vọng là tất cả sẽ xẩy ra thuận lợi.

“Đề tài của chúng ta là gia đình. Gia đình nghĩa là: ‘Ngài đã tạo dựng nên họ có nam có nữ. Tức là: yêu thương và trách nhiệm. Tất cả mọi thứ hệ quả đều phát xuất từ những lời lẽ này. Chúng ta đã nói nhiều đến những thứ hệ quả có liên quan tới hôn nhân, gia đình, cha mẹ, con cái, học đường này.

“Tôi rất cám ơn anh em vì anh em đã làm sáng tỏ những thứ hệ quả này, sáng tỏ thực tại này. Thực sự tất cả mọi giáo xứ cần phải để ý tới mối quan tâm ấy. Trong thời gian trước đây khi Tôi còn ở Krakow, Tôi đã biết sống gần gũi với các cặp vợ chồng, với các gia đình. Tôi cũng đã chú ý tới đường lối dẫn đưa hai con người, một nam và một nữ, tới chỗ tạo lập gia đình với nhau, và nhờ đời sống hôn nhân, tới chỗ trở thành những cặp vợ chồng và những bậc làm cha mẹ, chấp nhận tất cả mọi hệ quả chúng ta đã quá rõ.

“Cám ơn anh em về mối quan tâm mục vụ anh em giành cho các gia đình, cũng như về việc anh em tìm cách giải quyết tất cả mọi vấn đề các gia đình đang gặp phải. Tôi chúc anh em thành đạt trong việc anh em tiếp tục lãnh vực rất quan trọng này, vì tương lai của Giáo Hội cũng như của thế giới là ở nơi các gia đình. Tôi hy vọng anh em sửa soạn cho Rôma, cho quê hương Ý quốc của anh em, cũng như cho thế giới một tương lai tốt đẹp. Chúc anh em những điều tốt đẹp nhất!

“Đây là bài viết Tôi đã soạn nhưng Tôi không đọc! Anh em có thể đọc bài viết này trên tờ L’Osservatore Romano!

“Trong bài này, có một số câu được viết theo thổ âm Rôma… Chúng ta hãy yêu thương nhau! Chúng ta đều là những người Rôma cả mà! Tôi không bao giờ học thổ âm Rôma, thì chẳng lẽ Tôi lại không phải là một Vị Giám Mục Rôma tốt lành hay sao?”

Trong bản viết của mình, ĐTC đã xác nhận rằng: “Việc nhìn nhận tính cách trọng yếu của gia đình theo dự án của Thiên Chúa giành cho con người và vì thế cũng giành cho sự sống của Giáo Hội cũng như của xã hội, là một công việc không bao giờ có thể bị bỏ bê, một công việc đã làm năng động 25 năm giáo triều của Tôi, cũng như trước đó, đã làm năng động thừa tác vụ linh mục và giám mục của Tôi, đã là việc dấn thân của Tôi khi Tôi còn là sinh viên và là giáo sư đại học”.

ĐTC nhận định tiếp, khi tạo dựng nên con người có nam có nữ theo hình ảnh của mình, Thiên Chúa đã ghi khắc nơi họ một ơn gọi “và vì thế cả khả năng và trách nhiệm yêu thương và hiệp thông. Ơn gọi này có thể được thi hành bằng hai đường lối đặc biệt, đó là hôn nhân và đồng trinh. Hôn nhân và gia đình bởi thế không thể bị coi như là một sản phẩm thuần túy của những môi trường lịch sử, hay như là một siêu cấu trúc được áp đặt trên tình yêu của con người từ bên ngoài. Trái lại, hôn nhân và gia đình là một đòi hỏi nội tại của tình yêu này nhờ đó tình yêu ấy có thể thực thi trong chân thật cũng như trong việc hoàn toàn trao hiến bản thân”.

Việc hiệp nhất, tính cách bất khả phân ly và việc hướng về sự sống, những đặc tính của mối hiệp nhất phối ngẫu, ĐTC cho biết, “là những gì ngày nay thường bị hiểu lầm và loại bỏ, là những gì cần thiết cho một giao ước yêu thương chân thực. Chính vì thế mà mối liên kết thắt nối con người nam nữ lại với nhau trở thành một hình ảnh và biểu hiệu cho cuộc liên kết giữa Thiên Chúa và Dân của Ngài… Bởi thế, hôn nhân giữa hai con người đã lãnh nhận phép rửa là một bí tích, một dấu hiệu tác lực của ân sủng và cứu độ”.