GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 3/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.
___________________________________________
Ngày 20 Thứ Bảy
Sứ Điệp Fatima – Linh Đạo Cứu Độ
(Fatima: Chân Trời Cứu Ðộtiếp tục các ngày Thứ Bảy từ 14/2/2004)
Mệnh Lệnh Fatima thứ hai: Tôn Sùng Mẫu Tâm
Có thể nói, theo thứ tự của Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, cũng như theo cấu trúc của toàn bộ Sứ Điệp Fatima, thì việc Tôn Sùng Mẫu Tâm là Mệnh Lệnh Fatima thứ hai. Bởi vì, vào lần hiện ra thứ hai và thứ ba, tức sau lần hiện ra thứ nhất Đức Mẹ bắt đầu kêu gọi kêu gọi “cầu Kinh Mân Côi hằng ngày”, Đức Mẹ đã nói đến vấn đề Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Ở lần hiện ra thứ hai, 13/6, Mẹ Maria đã tỏ cho 3 Thiếu Nhi Fatima xem thấy Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, một trái tim bị gai cuốn chung quanh và đâm vào cần phải được đền tạ để rút những gai ấy ra. Riêng Lucia, cũng ở vào lần hiện ra thứ hai này, trước đó, tức trước khi tỏ cho cả 3 em thấy Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của mình, Mẹ đã an ủi em về số phận em phải ở lại thế gian lâu hơn Phanxicô và Giaxinta, là “Con đừng buồn, Mẹ sẽ không bỏ rơi con đâu. Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa”. Và sở dĩ Thiếu Nhi Lucia phải ở lại thế gian lâu hơn là vì, ngay trước khi an ủi em như thế, Mẹ Maria cũng đã tiết lộ cho em biết về sứ vụ hết sức diễm phúc và đặc biệt của em trên trần gian này, đó là: “Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến. Người muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”.
Tuy nhiên, vào lần hiện ra thứ ba, 13/7, trong những bí mật được Mẹ Maria tiết lộ riêng cho các em biết, chúng ta mới thấy được lý do tại sao Thiếu Nhi Lucia cần phải làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến, cũng như lý do tại sao Chúa Giêsu muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Thật thế, chỉ sau khi 3 Thiếu Nhi Fatima được thị kiến thấy hỏa ngục, thấy cảnh vô cùng kinh hoàng và vô cùng bất hạnh của những linh hồn bị hư đi ở phần Bí Mật Fatima thứ nhất, bắt đầu sang phần Bí Mật Fatima thứ hai, Mẹ Maria mới tỏ cho các em cho biết như sau: “Các con vừa thấy hỏa ngục, nơi tội nhân khốn nạn rơi xuống. Để cứu họ (tức cứu các tội nhân cho khỏi sa hỏa ngục như thế), Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Nếu những điều Mẹ dạy được thi hành thì nhiều linh hồn được cứu rỗi và thế giới sẽ có hòa bình”. Như vậy, sở dĩ Mẹ Maria cần phải được Thiếu Nhi Fatima Lucia làm cho được nhận biết và yêu mến, hay sở dĩ Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới qua trung gian Lucia, tức qua việc Lucia làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến, là vì phần rỗi đời đời của các linh hồn tội nhân nói riêng và vì hòa bình thế giới nói chung, nghĩa là Thiên Chúa muốn cứu con người bằng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.
Như Mệnh Lệnh Fatima “Cầu Kinh Mân Côi hằng ngày” có 3 vấn đề được đặt ra, Mệnh Lệnh Tôn Sùng Mẫu Tâm cũng có 3 điểm cần phải được sáng tỏ như sau: Trước hết, Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Mẹ, chứ không phải tôn sùng những gì khác, như tôn sùng Thánh Tâm hay Thánh Thể hoặc Thánh Linh; sau nữa, Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ chứ không phải tôn sùng Trái Tim Đau Thương hay Trái Tim Đồng Trinh hoặc vai trò Mẹ Thiên Chúa hay quyền thế Mẹ Mân Côi; và sau hết Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới, chứ không phải ở một nơi nào, như chỉ ở trong Giáo Hội mà thôi.
Trước hết, sở dĩ Thiên Chúa tỏ ra “pro” Mẹ Maria, tỏ ra “tôn sùng” Mẹ Maria ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, là vì Thời Điểm Maria của Mẹ, thời điểm Mẹ đến để dọn đường sửa soạn cho Con Mẹ, như Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) khẳng định trong tác phẩm Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria của ngài từ đầu thế kỷ 18, ở đoạn 49: “Chính nhờ Mẹ Maria mà việc cứu độ thế giới đã được bắt đầu thế nào thì nó cũng cần phải nhờ Mẹ Maria để được hoàn thành như vậy… Thế nhưng, vào lần đến thứ hai của Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Maria cần phải được Thánh Linh làm cho nhận biết và tỏ hiện, để qua Mẹ, Chúa Giêsu Kitô cũng được nhận biết, mến yêu và phụng sự”. Lời khẳng định của Thánh Long Mộng Phố này không ngờ đã trở thành một lời tiên tri nơi Bí Mật Fatima phần thứ hai về Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ được Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới đây. Nếu quả thực đây là một lời tiên tri đã được hoàn toàn ứng nghiệm nơi Biến Cố Thánh Mẫu Fatima nói chung và nơi Bí Mật Fatima nói riêng thì có thể kết luận rằng Thời Điểm Maria là Thời Điểm Sau Hết, là Mùa Vọng Cánh Chung.
Sau nữa, sở dĩ Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ chứ không phải Trái Tim Đau Thương hay Trái Tim Đồng Trinh của Mẹ Maria, là vì Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc loài người. Vẫn biết Trái Tim Đau Thương (như chúng ta thấy có tấm ảnh Trái Tim Mẹ có 7 lưỡi gươm đâm vào) cũng có liên quan đến vai trò Đồng Công Cứu Chuộc của Mẹ, nhưng chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh đau thương bề ngoài mà thôi. Trong khi đó, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ cho thấy chính cốt lõi của vai trò Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc với Chúa Giêsu Con Mẹ. Tại sao?
Tại vì, “Trái Tim” đây là biểu hiệu cho chính đức tin của Mẹ, một đức tin làm cho Mẹ Maria không bao giờ làm mất lòng Chúa, tức không bao giờ làm cho mức độ đầy ân sủng Mẹ lãnh nhận ngay từ khi được hoài thai trong lòng mẹ qua đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội bị vơi đi, trái lại, đức tin tuyệt đối của Mẹ còn làm cho Mẹ nên một với Con Mẹ hơn, tới mức độ “đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu” (Jn 19:25), nghĩa là tới mức độ của một hạt giống trổ sinh gấp trăm (x Mt 13:23), một mức độ chỉ có thể xẩy ra nơi một mình Mẹ Maria với Trái Tim Đồng Công Vô Nhiễm Nguyên Tội mà thôi. Như thế, tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ tức là chúng ta chẳng những nhìn nhận ơn cứu chuộc của Thiên Chúa nơi riêng Mẹ cũng như nơi chung loài người, mà còn được thừa hưởng “đức tin tuân phục” (Rm 1:5) của Mẹ, một đức tin đầy sinh lực thần linh đã hạ sinh Chúa Kitô nơi các linh hồn, tức làm cho các linh hồn nhận biết Chúa Kitô, đón nhận Chúa Kitô. Trong việc “cầu Kinh Mân Côi hằng ngày”, chúng ta chẳng những cùng với Mẹ Maria chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô qua các Mầu Nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua của Người, mà còn tuyên nhận Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, Đấng Trung Gian Ân Sủng, một vai trò Đồng Công và Trung Gian được phản ảnh hay bao hàm nơi chính tước hiệu Mẹ Mân Côi, một danh xưng Mẹ đã chính thức tuyên nhận tại Biến Cố Thánh Mẫu Fatima vào lần hiện ra cuối cùng 13/10/1917.
Thật thế, Mẹ Mân Côi là một tước hiệu cho thấy Mẹ Maria, với vai trò Đồng Công Cứu Chuộc, đã tham dự vào tất cả mọi Mầu Nhiệm Chúa Kitô, được biểu hiện qua 20 biến cố làm nên nội dung của Kinh Mân Côi và được gọi là Mầu Nhiệm Mân Côi, một tham dự trọn vẹn bằng một “đức tin tuân phục”, một đức tin đã trổ sinh gấp trăm, có khả năng của một Đấng Trung Gian Ân Sủng, của một bà Mẹ, bởi quyền phép Thánh Linh, có thể thông ban sự sống thần linh là Chúa Kitô cho con cái của mình. Đến đây chúng ta thấy được rằng, tước hiệu “Ta là Mẹ Mân Côi” do Mẹ tự tuyên nhận vào lần hiện ra cuối cùng ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima rất ăn khớp với ý định của Thiên Chúa trong việc Ngài muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới.
Sau hết, sở dĩ Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới, chứ không phải chỉ trong nội bộ Giáo Hội mà thôi, là vì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ đóng vai trò Đồng Công Cứu Chuộc toàn thể loài người.
Thật vậy, Mẹ Maria, với vai trò Đồng Công Cứu Chuộc của mình, chẳng những là Mẹ của Giáo Hội, một tước hiệu đã được ĐTC Phaolô VI tuyên bố ngay trong Công Đồng Chung Vaticanô II vào dịp ban hành Hiến Chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium ngày 21/11/1964, tức là Mẹ của mỗi và mọi Kitô hữu, mà còn là Mẹ của Nhân Loại nữa, với tư cách là một Tân Evà, “mẹ của tất cả mọi sinh linh” (Gen 3:20), một Đệ Nhất Tạo Vật về Ân Sủng và là Đấng Trung Gian Ân Sủng. Chính vì Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới mà, theo nhiệm ý của mình, Ngài đã muốn Giáo Hội hoàn vũ, qua hàng giáo phẩm thế giới hợp với đầu của mình là Đức Giáo Hoàng hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Bởi vì, qua biến cố “Nước Nga sẽ trở lại” này, đúng như lời Mẹ đã tiên báo ở cuối phần Bí Mật Fatima thứ hai, thành phần thiện tâm, như ba chiêm tinh gia Đông Phương nhận ra ngôi sao của Người (x Mt 2:2), trước những dấu chỉ thời đại, như dấu chỉ của một Đông Âu Cộng Sản sụp đổ, một Liên Sô Nga Cộng giải thể, sẽ nhận ra Đấng Làm Chủ Lịch Sử loài người, Đấng đã thực sự muốn cứu loài người bằng Con Đường Maria, bằng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, một “đức tin tuân phục” có thể làm cho giờ của Thiên Chúa xẩy ra, làm cho vương quốc của Ngài trị đến, như đức tin tuân phục này đã từng làm cho vinh quang của Chúa Kitô được tỏ hiện ra trước mắt các môn đệ tiên khởi nơi tình trạng thiếu rượu ở tiệc cưới Cana vậy.
Người con phung phá trở về
Trò Chơi Phúc Âm Chúa Nhật Thứ 4 Mùa Chay
Phúc Âm
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, những người thu thuế và những keœ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông nầy đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Người kia có hai con trai. Đứa em thưa với cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu... Người con trai lúc đó thưa rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình. Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Đó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khỏe”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.
Hướng Dẫn
Bài Phúc Âm Chúa Nhật VII Thường Niên Năm C tuần này thuật lại việc Chúa Giêsu giảng dạy về cuộc gặp gỡ giữa lòng thống hối của con người với tình thương xót Chúa qua dụ ngôn người con hoang đường trở về cũng là dụ ngôn người cha nhân từ quảng đại thứ tha.
Trong dụ ngôn này chúng ta thấy có nhiều màn xẩy ra cho người con hoang đường này, thứ tự như sau:
1. Người con xin cha chia phần gia tài của mình cho.
2. Sau đó người con này đã đem gia tài của cha và được cha chia cho đi phung phí vào những đam mê trụy lạc của mình.
3. Hậu quả của cuộc đời phung phá là người con phải trải qua một cảnh bần cùng khốn khổ hết sức nhục nhã và chán chường.
4. Thế nhưng, chính trong cơn hoạn nạn khốn khó ấy người con mới tỉnh ngộ và đã nghĩ về cha, để rồi quyết định trở về với cha.
5. Người con hoang đường chẳng những được cha thứ tha mà còn được cha vừa mở tiệc ăn mừng vừa phục hồi lại cho tất cả những gì quí giá người con đã làm mất đi trong quãng đời phung phá quá khứ của mình.
Đó là lý do hôm nay chúng ta sẽ sinh hoạt trò chơi Phúc Âm “người con phung phá trở về”.
Sinh Hoạt
Mỗi nhóm cử ra một người đóng vai người con phung phá. Người quản trò sẽ đóng vai người cha phân chia gia tài cho con và đợi con trở về. Một số người đóng vai chủ đàn heo và đàn heo.
Có tất cả là 5 địa điểm: địa điểm 1 là nơi người cha phân phát gia tài; địa điểm 2 là nơi người con phung phá; địa điểm 3 là nơi người con chịu cảnh bần cùng khốn khỗ; địa điểm 4 là nơi người con tỉnh ngộ; và địa điểm 5 là nơi đầu tiên (địa điểm 1) người con đã được phân phát gia tài cho.
Tại địa điểm thứ nhất, người con nhận từ người cha phần gia sản của mình là 1 bộ quần áo, 1 chiếc nhẫn và 1 đôi giầy, tự động mặc lấy, đeo nhẫn và xỏ giầy. (Người quản trò sửa soạn sẵn số phần gia tài này cho đủ những người tham dự trò chơi được các nhóm cử ra làm người con phung phá).
Tại địa điểm thứ hai, có sẵn một thùng rác để các người con phung phá cởi bỏ tất cả những thứ thuộc về phần gia tài của mình vất vào đấy và cột lại đàng hoàng. (Người quản trò sau đó đến lấy lại những gói gia tài này mang về, để cuối cùng, ở địa điểm 5, cũng là địa điểm 1, người con phung phá nào cũng phải mặc lại đúng bộ của người mình).
Tại địa điểm thứ ba, người con gặp một người chủ đàn heo, sụp lậy van xin cho được đi chăn heo và được ăn cám heo. (Đàn heo là một số người đông gấp hai hay gấp ba số người đóng vai người con phung phá; đàn heo di động trong một vòng tròn bằng đầu gối, trong khi đó ở miệng ngậm một cái gì đó; người con phung phá cũng phải quì xuống bò và tìm cách lấy miệng giật được những gì đang ngậm ở cửa miệng một con heo nào đó. Trong những thứ heo ngậm này chỉ có một số ăn được thôi, đủ cho số người đóng vai người con phung phá; người con phung phá nào cũng phải làm sao giật cho được đồ ăn được, sau đó phải ngồi xuống, dùng tay mở ra và ăn hết món đồ ăn đó, đề nghị là một củ khoai hay quả chuối).
Tại địa điểm thứ bốn là nơi có sẵn những cái ghế đủ cho số người đóng vai người con phung phá; trên mỗi cái ghế có một mật thư; người con phung phá nào cũng phải ngồi vào một trong những chiếc ghế ấy tùy chọn, và đọc mật thư như hành động đang hồi tâm nghĩ lại (đề nghị là trong mật thư này có 2 câu, 1 câu nhắc nhở của cha và 1 câu dốc lòng thề hứa của con). Người con phải thuộc mật thư này và lập lại những lời trong mật thư cho người cha nghe ở địa điểm cuối cùng.
Tại địa điểm thứ 5 cũng là địa điểm thứ 1 là nơi có sẵn một cái bàn, trên đó có các phần gia tài bị người con phung phá vất đi ở địa điểm thứ 2. Nhưng trước khi người con nhận lại phần gia tài của mình, phải lập lại đúng như 2 câu mật thư ở địa điểm thứ 4. Nếu đọc đúng mới tìm lại đúng phần gia tài ban đầu của mình mặc lại.
Nhóm nào xong trước nhất sẽ đoạt giải “người con phung phá trở về”.
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, gợi ý