GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 3/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.
___________________________________________
Ngày 24 Thứ Tư
Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần
“Redemptor Hominis”
Tiếp(Nhân tháng kỷ niệm 25 năm ban hành bức Thông Ðiệp đầu tiên rất quan trọng của ÐTC GPII, thoidiemmaria sẽ phổ biến tổng quan về bức thông điệp này, từ hôm kia tới hết Lễ Mẹ Thai Lời 25/3/2004)
Phân Tích (tiếp)
3- Tại sao thế giới tân tiến ngày nay cần đến "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại"?
"Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại là trung tâm điểm của tạo vật và của lịch sử" như vậy, nên thế giới tân tiến ngày nay cần đến Người hơn bao giờ hết, vì trong mùa vọng mới của Giáo Hội này,
- Thế giới tân tiến đang sống trong lo âu sợ hãi bởi cái họ làm ra;
- Thế giới tân tiến đang phàt triển trong một mối đe dọa bị mất đi chính mình bằng nhiều hình thức;
- Thế giới tân tiến đang vi phạm đến quyền lợi của con người được chính mình phác họa ra.
Thế giới tân tiến đang sống trong lo âu sợ hãi bởi cái họ làm ra
"Con người ngày nay hình như chưa bao giờ bị đe dọa bởi cái họ làm ra như vậy, nghĩa là từ thành qủa của việc do bàn tay họ làm, và còn hơn thế nữa, của công việc do lý trí con người nghĩ ra cũng như của những khuynh hướng do ý con người muốn. Tất cả những gì do hoạt động đa diện này của con người sản xuất ra, thường bằng một đường lối không thể nào thấy trước được, rất là nhanh chóng, chẳng những nó gây nên 'sự tách biệt' (alienation), ở chỗ nó thường lấy đi khỏi con người là tác nhân sản xuất ra chúng, mà hơn thế nữa, nó còn trở mặt phản lại chính con người, ít là một phần nào đó, qua những hậu quả gián tiếp nó tác dụng khi trả về cho họ. Nó được và có thể được nhắm thẳng vào con người. Điều này có thể tạo nên một màn thảm kịch chính yếu cho việc hiện hữu con người ngày nay trong một chiều kích rộng nhất và phổ quát của nó. Bởi thế, con người đang sống trong nỗi sợ hãi gia tăng. Họ sợ cái họ sản xuất ra - dĩ nhiên không phải là tất cả những cái ấy, hay hầu hết những thứ ấy, nhưng là một phần của nó, đích xác hơn là cái phần chứa đựng một thừa hưởng đặc biệt bởi tài năng và sự sáng tạo của họ - có thể phản lại chính họ tận gốc rễ; họ sợ rằng nó có thể trở thành phương tiện và dụng cụ cho một cuộc tự diệt không thể nào tưởng tượng nổi, so với tất cả những hủy hoại dữ dội và những hủy diệt bất ngờ trong lịch sử mà chúng ta biết đến thì chỉ là một bóng mờ. Điều này gợi lên một vấn đề là: Tại sao quyền năng được ban cho con người từ ban đầu để họ làm chủ trái đất (cf. Gen 1:28) lại quay ra chống lại họ, gây ra một tình trạng bất an không sao hiểu được, một nỗi sợ hãi ý thức hay vô thức, cũng như một mối nguy hiểm, mà trong những cách thức khác nhau, được truyền lan đến cả gia đình nhân loại ngày nay, và đang thể hiện dưới những phương diện khác nhau?...
"Việc phát triển về kỹ thuật và về văn minh hiện đại, được đánh dấu bằng tình trạng dẫn đầu của kỹ thuật, đòi phải có một phát triển cân xứng về luân lý và đạo đức. Đối với ngày nay thì việc phát triển về luân lý và đạo đức này, bất hạnh thay, luôn luôn bị quên sót..." (đoạn 15).
Thế giới tân tiến đang phát triển trong một mối đe dọa bị mất đi chính mình bằng nhiều hình thức
"Bởi thế, nếu trong thời điểm của chúng ta, thời điểm đang tiến đến tận cùng đệ nhị thiên niên của kỷ nguyên Kitô giáo, tỏ ra mình là một thời điểm phát triển lớn lao, thì nó cũng được thấy như là một thời điểm của mối đe dọa đối với con người bằng nhiều hình thức... Tình trạng của con người trong thế giới tân tiến này thật sự xa rời khỏi những đòi hỏi khách quan của trật tự luân lý, khỏi những đòi hỏi của công lý, và còn hơn thế nữa, của tình yêu thương trong xã hội... Ý nghĩa chính yếu của 'vương chức' (kingship) và 'chủ quyền' (dominion) của con người trên thế giới hữu hình mà Chính Tạo Hóa trao cho con người như công việc của họ, hệ tại việc đạo đức ưu tiên hơn kỹ thuật, con người chính yếu hơn sự vật, và tinh thần trọng hơn vật chất.
"Đây là lý do tại sao tất cả những giai đoạn của việc phát triển hiện nay phải được cẩn thận theo dõi. Mỗi một giai đoạn của việc phát triển đó, có thể nói, được rọi chiếu (x-rayed) từ quan điểm này (quan điểm vừa được nhắc đến ở câu cuối cùng đoạn trên đây). Vấn đề là con người thăng tiến không phải chỉ là việc tăng bội những sự vật mà người ta có thể hưởng dụng. Nó là một vấn đề - như một triết gia hiện đại đã nói cũng như Công Đồng đã phát biểu - không phải 'có hơn' (having more) mà 'là hơn' (being more) (Gaudium et Spes, đoạn 35). Thật vậy, đã có thể thấy được một cơn nguy biến ở chỗ, trong khi việc con người làm chủ trên thế giới sự vật đang tạo nên những phát triển khổng lồ, thì họ liều mất đi những cái cốt yếu làm nên chủ quyền của mình, và bằng nhiều cách thức khác nhau, để cho nhân tính của mình lụy thuộc vào thế gian, rồi chính mình cũng trở nên một vật làm tôi phục vụ cho sự lạm dụng dưới nhiều hình thức - sự lạm dụng này thường không trực tiếp thấy được - qua toàn thể cơ cấu của cuộc sống chung, qua hệ thống sản xuất và qua áp lực từ phương tiện truyền thông xã hội. Con người không thể nào vùi dập bản thân mình hay vị trí của mình trong cái thế giới hữu hình là một thế giới thuộc về họ; họ không thể nào trở nên nô lệ cho sự vật, nô lệ cho những cơ cấu kinh tế, nô lệ cho việc sản xuất, nô lệ cho những sản phẩm riêng của mình" (đoạn 16).
Thế giới tân tiến đang vi phạm đến quyền lợi của con người được chính mình phác họa ra
"Thế kỷ này, cho đến nay, vẫn là một thế kỷ của những hủy hoại lớn lao đối với con người, của những tàn phá vĩ đại, chẳng những về vật chất mà còn cả về luân lý, thực sự là thế, có lẽ trên hết là về mặt luân lý. Đồng ý là, về phương diện này, việc so sánh thời đại này hay thế kỷ này với thời đại khác hay thế kỷ khác không phải là một việc dễ dàng, vì điều này còn lệ thuộc vào những tiêu chuẩn lịch sử. Tuy nhiên, dù không mang ra so sánh chăng nữa, người ta cũng không thể nào không nhận thấy rằng thế kỷ này, cho tới nay, vẫn là một thế kỷ mà người ta đã gây ra cho nhau nhiều bất công và khổ đau. Diễn tiến này đã được dứt khoát chế ngự chưa? Dầu sao đi nữa, về điểm này, chúng ta cũng không thể nào không nhớ lại, bằng một nhận thức và hy vọng sâu xa hướng về tương lai, một nỗ lực sáng chói đã ban sức sống cho Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, một nỗ lực dẫn đến việc định nghĩa và thiết lập những quyền lợi khách quan và bất khả xâm phạm của con người, mà những chính quyền là phần tử trong tổ chức này buộc nhau phải cương quyết tuân hành. Cuộc dấn thân nỗ lực này đã được hầu hết mọi chính quyền hiện nay chấp nhận và ưng chuẩn, sự kiện này tạo nên một bảo đảm về quyền lợi con người, làm nó thành một nguyên tắc hoạt động cho an sinh của con người trên khắp thế giới...
"Bất chấp những luận cứ (premises) này, các quyền lợi con người vẫn đang bị vi phạm bằng nhiều hình thức, khi mà, trong thực hành, chúng ta thấy trước mắt có những trại tập trung, bạo lực, hành hạ, khủng bố, và kỳ thị dưới nhiều thể cách, thì sự kiện này phải là hậu quả của những chủ trương khác đang gặm nhấm và hầu như thường vô hiệu hóa những nền tảng nhân bản của những tổ chức và dự án hoạt động tân tiến này. Đối với hiện trạng như thế, cần phải có một trách nhiệm trong việc liên tục điều chỉnh những dự án hoạt động, dựa trên quan điểm về các quyền lợi khách quan và bất khả xâm phạm của con người.
"Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền gắn liền với việc thành lập Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, chắc chắn theo mục tiêu của mình, không những bắt nguồn từ những kinh nghiệm kinh hoàng gây ra bởi Thế Chiến vừa qua, mà còn nhắm đến việc tạo nên một căn bản để liên tục điều chỉnh những dự án hoạt động, những tổ chức và những chế độ, được thực sự dựa trên quan điểm căn bản duy nhất này, tức là dựa trên tình trạng an sinh của con người - hay chúng ta cũng có thể nói là dựa trên con người trong cộng đồng - là cái mà, như một yếu tố chính yếu trong vấn đề công ích, tạo nên một tiêu chuẩn thực sự cho tất cả mọi dự án hoạt động, mọi tổ chức và mọi thể chế. Nếu xẩy ra ngược lại như thế, thì cuộc sống con người, ngay cả trong thời bình, phải gánh chịu những khổ đau khác nhau, rồi cùng với những đau khổ này, còn phát triển những hình thức khác nhau của việc thống trị (dominion), của chế độ độc tài chuyên chế (totalitarianism), của chế độ tân thực dân (neocolonialism) và của chế độ đế quốc (imperialism), làm nên một mối đe dọa cho cuộc sống hòa hợp với nhau giữa các quốc gia. Thật vậy, nó là một sự kiện quan trọng, được kinh nghiệm lịch sử xác nhận đi xác nhận lại, cho thấy là việc vi phạm đến quyền lợi của con người đi liền với việc vi phạm đến quyền lợi của các nước, nơi con người hiệp lại bằng những liên hệ có tổ chức như là một gia đình lớn hơn...
"... Thật thế, những mối lo âu sợ hãi rất thường gợi lên cho chúng ta thấy rằng chúng ta còn xa vời với việc hiện thực hóa (nhân quyền) này, và, có những lúc, tinh thần của đời sống xã hội công cộng lại đi ngược một cách đau xót với 'chữ nghĩa' của nhân quyền. Tình trạng của những sự thể này đang đè nặng trên những tổ chức liên hệ sẽ phải chịu trách nhiệm đối với họ cũng như đối với lịch sử con người trong việc góp phần hình thành nó" (đoạn 17).
Chúa Kitô, Đức Vua Thiên Sai
(ÐTC GPII với Bài 101 Giáo Lý về việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, Thứ Tư 17/3/2004: Thánh Vịnh 20[21] cho Phụng Vụ Giờ Kinh Tối Thứ Ba, Tuần Thứ Nhất)
1. Phụng vụ giờ kinh tối này đã được trích từ bài Thánh Vịnh 20[21] phần chúng ta vừa nghe, bỏ qua phần khác có một tính cách không thích hợp (câu 9-13). Phần được chọn cho phụng vụ giờ kinh tối đây nói đến các ân huệ Thiên Chúa ban cho vị hoàng vương trong quá khứ cũng như ở hiện tại, nhưng bỏ qua phần nói về việc vị hoàng vương chiến thắng các kẻ thù sau đó.Phần Thánh Vịnh là đối tượng cho việc suy niệm của chúng ta (2-8,14) thuộc về một loại các bài Thánh Vịnh vương giả. Bởi thế, tâm điểm của các bài Thánh Vịnh thuộc loại này là công việc của Thiên Chúa thuận lợi cho vương quyền của dân Do Thái, một thứ vương quyền dường như được phác tả nơi ngày đăng quang của vị hoàng vương. Câu đầu (2) và câu cuối (14) như thể vang lên lời tung hô của cả cộng đồng dân chúng, vì tâm điểm của bài Thánh Vịnh có giọng điệu của một bài ca tạ ơn được tác giả Thánh Vịnh dâng lên Thiên Chúa về các ân huệ Ngài đã ban cho vị hoàng vương, như “những phúc lộc” (4), “kéo dài ngày tháng” (5), “vinh hiển” (6) và “niềm vui” (7).
Như những bài Thánh Vịnh vương giả khác của vị tác giả Thánh Vịnh này, thì dễ trực giác thấy được rằng bài ca này cho thấy một thứ dẫn giải mới khi mà chế độ quân chủ nơi dân Do Thái không còn nữa. Nơi Do Thái Giáo thì bài ca này là một bài thánh thi ca để tôn vinh Vị Vua Thiên Sai: Bởi thế đã mở đường cho việc dẫn giải về Kitô học, đáng được phụng vụ giờ kinh sử dụng.
2. Tuy nhiên, trước hết chúng ta hãy thoáng nhìn bài thánh vịnh này nơi ý nghĩa ban đầu của nó. Bài này thổi lên một bầu khí hân hoan hớn hở của những bài ca hát liên quan đến việc long trọng cử hành biến cố là: “Lạy Chúa, vị hoàng vương cảm thấy hân hoan trong quyền năng của Chúa; vua hoan hỉ biết bao trong vinh thắng của Ngài!... Chúng tôi sẽ ca hát chúc tụng quyền năng của Ngài” (2,14). Sau đó bài thánh vịnh nói đến những tặng ân Thiên Chúa ban cho vị hoàng vương như Thiên Chúa đã nghe lời vua nguyện cầu (3), Ngài đã đội triều thiên vàng lên đầu vua (4). Vinh quang của vua liên quan đến ánh sáng thần linh bao bọc vua như là một chiếc áo choàng: “Ngài đã làm cho vua uy nghi lộng lẫy” (6).
Ở miền Cận Đông xưa, người ta tin tưởng là một vị hoàng vương được bao phủ bằng một thứ vầng sáng láng là những gì cho thấy vị vua ấy được tham dự vào chính bản chất của thần tính. Bởi thế, đối với Thánh Kinh, vị vương chủ phải là “con” của Thiên Chúa (Ps 2:7), thế nhưng ở đây chỉ hiểu theo nghĩa bóng và thích ứng mà thôi. Vậy vị hoàng vương phải là viên sĩ quan của Chúa trong việc canh chừng công lý. Chính vì sứ vụ này mà vị hoàng vương đã được Thiên Chúa bao phủ bằng ánh sáng và phúc lành ân huệ của Ngài.
3. Phúc lành là vấn đề quan trọng nơi bài thánh thi ca ngắn ngủi này: “Vì Chúa đã tiếp nhận vua bằng những phúc lộc…. Chúa làm cho vua vĩnh viễn thành một kiểu mẫu của những phúc lành” (4,7). Phúc lành là dấu hiệu của việc hiện diện thần linh tác hành nơi vị vua này, vị nhờ đó trở thành phản ảnh của ánh sáng Thiên Chúa giữa nhân loại. Theo truyền thống thánh kinh, phúc lành còn bao gồm cả tặng ân sự sống được tuôn đổ xuống trên nhân vật được xức dầu: “Vua đã xin Chúa sự sống; Chúa đã ban sự sống cho vua, ban những tháng năm dài vô tận” (5). Tiên tri Nathan cũng đã bảo đảm với vua Đavít về phúc lành là nguồn mạch của sự bền vững, tồn tại và an ninh này, nên vua Đavít đã nguyện cầu rằng: “Vậy xin Chúa hãy chúc lành cho nhà của tôi tớ Chúa đây để nó muôn đời ở trước thiên nhan Chúa” (2Sam 7:29).
4. Đọc bài Thánh Vịnh này, chúng ta thấy, đằng sau hình ảnh của vị hoàng vương Do Thái, hiện lên dung nhan Chúa Kitô, đức vua thiên sai. Người là “phản ảnh vinh quang” của Cha (Heb 1:3). Người là Con đúng nghĩa nhất, bởi thế, Người là sự hiện diện trọn vẹn nhất của Thiên Chúa giữa loài người. Người là ánh sáng và là sự sống, như Thánh Gioan tuyên bố ở Lời Mở Phúc Âm của ngài: “Nhờ Người là sự sống và sự sống này là ánh sáng của nhân loại” (1:4). Theo ý nghĩa ấy, Thánh Irenaeus, giám mục Lyon, khi dẫn giải về bài Thánh Vịnh này, đã áp dụng vấn đề sự sống (Ps 20[21]:5) vào việc phục sinh của Chúa Kitô: “Vì lý do nào mà vị tác giả Thánh Vịnh lại nói rằng ‘Vua xin Chúa sự sống’, vào lời điểm Chúa Kitô sắp chết? Bởi thế vị tác giả Thánh Vịnh đã loan báo việc Người phục sinh từ trong kẻ chết, và vì sống lại từ trong kẻ chết mà Người là Đấng bất tử. Thật vậy, Người đã mặc lấy sự sống để sống lại, để trở thành bất khả hoại, qua không gian và thời gian vô cùng bất tận. ("Esposizione della Predicazione Apostolica" [Explanations of Apostolic Preachings], 72, Milan, 1979, p. 519).
Dựa vào niềm tin tưởng này mà Kitô hữu cũng vun trồng nơi bản thân mình niềm hy vọng được hưởng tặng ân sự sống đời đời.
Anh chị em thân mến,
Tâm điểm của bài Thánh Vịnh 20 là bài thánh thi ca tri ân cảm tạ về các hồng ân quá khứ và hiện tại Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Bài thánh vịnh này nói rõ ràng về vị vua Thiên Sai hằng được trông đợi; một quan niệm mà, khi được phụng vụ Kitô giáo sử dụng, có một ý nghĩa quan trọng về Kitô học.
Thánh Kinh bóng bảy điễn tả vị vua này như là “Con Thiên Chúa”, vị đóng vai giúp Chúa điều hành công lý. Vì sứ vụ quan trọng của vị vua này, Thiên Chúa đã trào đổ xuống cho vua ánh sáng và phúc lành của Ngài. Đức Kitô, vị vua Thiên Sai thực sự, là “Con Thiên Chúa” đúng nghĩa nhất và vì thế là sự hiện diện hoàn hảo của Thiên Chúa giữa loài người. Chúa Kitô thỉc sự là ánh sáng và là sự sống, nơi Người chúng ta tìm được niềm hy vọng nơi lời hứa ban sự sống đời đời.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 17/3/2004.
Thánh Địa Bốc Hỏa: Do Thái ám sát, Palestine quyết tử, quốc tế phản ứng, Giáo Hội chủ trương
Hôm Thứ Hai 22/3/2004, mấy chục ngàn người đã tràn ngập đường phố Gaza City để đưa đám ma nhà sáng lập phái Hamas là Sheikh Ahmed Yassin, người bị Do Thái sát hại vào buổi sáng cùng ngày. Sự vụ xẩy ra là khi vị sáng lập viên này cùng với 7 người khác rời khỏi đền thờ với một nhóm người khác thì bị trực thăng Do Thái bắn hạ. Tất cả có 8 tử nạn và 16 bị thương, trong đó có cả đứa con trai của vị này. Nhà sáng lập viên kiêm lãnh đạo tinh thần cho nhóm khủng bố Hamas này thành lập nhóm này từ năm 1987 và là người ngồi trong xe lăn vì bị bại liệt hạ tầng thân thể. Chính quyền Palestine tuyên bố 3 ngày thương khóc nhân vật là biểu tượng chống Do Thái này.
Những người đưa đám tang phất cờ Palestine và những cờ của các nhóm chiến đấu quân khác nhau. Những tay cầm súng giận dữ bắn chỉ thiên và thề sẽ trả thù Do Thái. Họ hô hoán: “Hamas không chết”.
Các Lực Lượng Phòng Vệ Do Thái (IDF: Israel Defense Forces) đã lên tiếng sau vụ tấn công này như sau: “Sáng nay, trong cuộc hành quân ở phía bắc Giải Gaza, IDF đã nhắm một chiếc xe chở lãnh tụ của tổ chức khủng bố Hamas, Sheikh Ahmed Yassin và những người trợ tá của ông. Yassin, trước trách nhiệm của nhiều cuộc khủng bố đẫm máu gây chết chóc cho nhiều thường dân, cả Do Thái lẫn ngoại quốc, đã bị giết chết trong cuộc tấn công này”.
Tại Nữu Ước, Hội Đồng Bảo An đã họp kín về vụ này. Phe Palestine muốn hội đồng này phải phổ biến một bản lên án việc sát hại ấy. Thế nhưng Thủ Tướng Do Thái Ariel Sharon sau cuộc họp nội các đã ngỏ lời cám ơn lực lượng an ninh Do Thái về việc hành quân hữu hiệu này và tuyên bố: “cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa xong. Tôi tưởng rằng tất cả quí vị đều biết về cái quá khứ đẫm máu và hận thù của tên đại sát nhân này, một trong những kẻ thù tệ hại nhất của Do Thái. Bản chất ý hệ của con người này là bản chất của một tên sát nhân sát hại người Do Thái bất cứ chỗ nào và hủy diệt đất nước Do Thái. Nhân dịp này tôi xin cám ơn cơ cấu an ninh cùng tất cả mọi lực lượng của cơ cấu này về việc làm sáng nay”.Izzedine al Qassam, thuộc ngành quân lực của nhóm Hamas, người đã từng nhận trách nhiệm về các cuộc khủng bố tấn công thường dân và quân nhân Do Thái, đã lên tiếng đe dọa những cuộc trả đũa như sau: “Hỡi những tên ái quốc Do Thái, các ngươi đã khiến cho Sheikh bị tử đạo thì chúng ta sẽ làm cho các người phải chịu một cái chết tàn bạo nơi mọi thành phố và trên mọi nẻo đường. Những tên ái quốc Do Thái chẳng mấy chốc sẽ thấy, chứ không phải nghe thấy, phản ứng của chúng ta, nếu Chúa muốn. Ai quyết định ra tay sát hại Yassin là quyết định sát hại hằng trăm kẻ ái quốc Do Thái Zionists”.
Người kế vị tạm thời cho vai trò của sáng lập viên vừa qua đời này là Rantisi, như được nói đến trong bức thư cho là của vị sáng lập. Nhân vật kế vị này từng là một bác sĩ nhi đồng và là một tay chiến đấu lâu năm. Ông bị cả lực lượng Do Thái lẫn Palestine giam nhốt. Do Thái đã cố sát hại ông vào Tháng 6/2003. Ông nói thông thạo Anh ngữ và đã từng đại diện cho tổ chức cực thủ Hồi giáo trước truyền thông quốc tế.
Sau ngày xẩy ra án mạng, màn điện toán toàn cầu Palestine đã phổ biến một bức thư cho là của vị sáng lập nhóm Hamas kêu gọi thế giới Ả Rập ủng hộ cuộc chiến chống Do Thái về cả kinh tế lẫn quân sự. Bức thư này việt gửi cho cuộc họp thượng đỉnh của Liên Hiệp Ả Rập trong tháng này. Bức thư đã được CNN chuyển dịch từ tiếng Ả Rập sang Anh ngữ như sau:
“Palestine là một mảnh đất Hồi giáo và Ả Rập. Những tên ái quốc Do Thái đã đánh cắp nó từ tay của chúng tôi bằng quyền lực của vũ khí và chúng tôi sẽ lấy lại nó cũng chỉ bằng quyền lực của vũ khí.
“Nó là một mảnh đất linh thánh của Hồi giáo. Chúng ta không được bỏ đi một tấc đất Palestine nào, mặc dù hiện nay chúng ta không có quyền lực cần thiết để giải phóng nó.
“Việc kẻ thù của Thiên Chúa cho cuộc thánh chiến của chúng ta như là một thứ khủng bố thì đó là một việc đại bất công. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc họp thượng đỉnh này sẽ có một chủ trương rõ ràng và dứt khoát trong việc nâng đỡ dân tộc của chúng tôi.
“Nhân dân của chúng tôi cần nâng đỡ về kinh tế để củng cố việc chúng tôi chống cự lại những tên Do Thái gian ác đã hủy hoại đời sống và đánh cắp những kho tàng của chúng tôi. Nhân dân của chúng tôi cũng cần nâng đỡ cả về quân sự nữa, cũng như nâng đỡ về an ninh, truyền thông, luân lý, ngoại giao, để giúp chúng tôi tiếp tục cuộc thánh chiến và chúng tôi mong cuộc họp thượng đỉnh này chiếm đạt được tất cả những điều ấy, nếu Chúa muốn”.
Trong khi cả cộng đồng thế giới lên án hành động sát nhân của Do Thái trong vụ giết chết vị sáng lập nhóm Hamas thì Hoa Kỳ không hề lên án mà chỉ nói là làm như thế gây trở ngại cho tiến trình hòa bình.
Thủ Tướng Palestine Ahmed Qorei: “Cuộc họp hội đồng nội các của Palestine mạnh mẽ lên án cuộc sát hại này, và hội đồng quyết định sẽ đưa vấn đề ra Hội Đồng Bảo An LHQ”.
Ông Hasan Rahman, đại diện Palestine ở LHQ: “Thật là hết sức buồn cười khi cho rằng một con người không thấy được gì, không nghe được gì và là một người ngồi trên xe lăn lại có thể gây đe dọa cho một quyền lực quân sự lớn nhất Trung Đông và là một trong những lực lượng lớn nhất thế giới. Thật là không thể nào hiểu nổi”.
Tổng Thống Ai Cập Hosni Mubarak: “Những gì xẩy ra tàn bạo hơn người ta tưởng tượng và không thể nào hiểu nổi… Nó hủy hoại tất cả mọi nỗ lực của tiến trình hòa bình. Điều này sẽ gây ra phản ứng khắp Trung Đông chứ không phải chỉ ở đó mà thôi”.Tổng Thư Ký LHQ Kofi Annan: “Tôi lên án cuộc cố ý sát hại Sheikh Yassin. Những hành động như thế chẳng những trái với công pháp quốc tế mà còn chẳng giúp ích gì cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình. Tôi kêu gọi tất cả mọi người ở miền này hãy bình tĩnh và tránh gây thêm căng thẳng”.
Bộ Trưởng Ngoại Giao Khối Hiệp Nhất Âu Châu Javier Solana: “Chủ trương của Khối Hiệp Nhất Âu Châu vẫn nhất trí trong việc lên án những thứ sát hại. Trong trường hợp đặc biệt này tôi nghĩ cần phải lên án mạnh mẽ hơn nữa. Những loại hoành động này không giúp gì hết cho việc tạo điều kiện hòa bình, những điều kiện đối thoại cần thiết trong lúc này đây”.
Ngoại Trưởng Hiệp Vương Quốc Jack Straw: “Chúng tôi hiểu được nhu cầu tối hậu của Do Thái trong việc tự vệ, nhưng … cần phải làm như thế trong giới hạn của công pháp quốc tế… những việc cố tình sát hại này đi ra ngoài công pháp quốc tế”.
Ngoại Trưởng Pháp Dominique de Villepin: “Pháp lên án những hành động sát hại Sheikh Yassin. Ở vào thời điểm cần phải vận động để tái bắt đầu thực hiện tiến trình hòa bình thì những hành động ấy chỉ có thể đổ thêm dầu vào lửa bạo lực mà thôi”.
Ông Asma Khader, phát ngôn viên chính phủ Jordan: “Chúng tôi lên án tội ác này và chúng tôi thấy được một chướng ngại thật sự cho tất cả mọi ý muốn và nỗ lực chính trị trong việc chiếm được một nền hòa bình khả thủ, toàn vẹn và chân chính cho tất cả mọi người ở miền đất này”.
Giáo sĩ phái Hồi Giáo Shitte ở Iraq Moqtada al-Sadr: “Là những người Hồi Giáo, chúng ta hãy nắm tay nhau với anh em của chúng ta ở Palestine. Và chúng ta hãy nói với họ rằng chúng ta sẵn sàng cung ứng tất cả mọi hình thức trợ giúp, dù là luân lý hay thể lý”. Có khoảng 1 ngàn người tụ họp lại ở miền tây bắc thủ đô Baghdad để phản đối hành động sát hại của Do Thái. Cuộc xuống đường này thoạt tiên bất bạo động rồi thành bạo động và bị cảnh sát dẹp.
Cũng cùng ngày xẩy ra sự vụ này, để trả lời cho các phóng viên báo chí chất vấn về biến cố này, vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là Joaquin Navarro-Valls đã lên tiếng như sau:
“Tòa Thánh cùng với cộng đồng thế giới phàn nàn về hành động bạo lực bất khả biện minh theo bất cứ luật lệ của Quốc Gia nào ấy.
“Chủ trương và cảm thức của Tòa Thánh đã được rõ ràng biểu lộ nơi những lời của ĐTC ngỏ cùng phái đoàn ngoại giao với Tòa Thánh hôm 12/1/2004 vừa rồi khi Ngài lập lại rằng ‘với những vị lãnh đạo của hai dân tộc này là Do Thái và Palestine thì việc sử dụng vũ khí, việc dùng phương pháp khủng bố và các cách thức trả thù khác, để hạ nhục đối phương của mình, cùng với việc tuyên truyền thù hận, đều chẳng dẫn tới đâu cả. Chỉ khi nào biết tôn trọng những ước vọng hợp pháp của nhau, chỉ bao giờ trở lại bàn thương thảo và cộng đồng thế giới thực hiện những cuộc dấn thân cụ thể mới dẫn đến việc bắt đầu giải quyết vần đề mà thôi.
“Nền hòa bình chân thực và bền vững không thể nào lại chỉ là hoa trái thuần túy của việc biểu diễn sức mạnh: ‘trước hết nó là hoa trái của hành động luân lý và pháp lý’”.