GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 3/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.

 

___________________________________________

 Ngày 27 Thứ Bảy

 

 

MỘT CUỘC HIẾN DÂNG - LỊCH SỬ BIẾN ĐỔI 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Biệt tặng Phong Trào Thiếu Nhi Fatima mừng kỷ niệm thành lập 20 năm

(1984-2004)

 

Tiên Tri Thời Đại: “Trái Tim Mẹ sẽ Thắng”


Thứ Tư 24/3/2004, áp ngày Lễ Mẹ Thai Lời 25/3 hằng năm, ĐTC đã dùng buổi triều kiến chung hằng tuần này, buổi triều kiến Ngài vẫn chia sẻ giáo lý từ năm 1979 đến nay, để nhắc lại mục đích của việc Ngài tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ 20 năm trước đây vào dịp kết thúc Năm Thánh Cứu Chuộc, 25/3/1984.

“Tôi đặc biệt nhớ đến ngày 25/3 năm 1984, Năm Thánh Cứu Chuộc (biệt chú của người dịch: ĐTC GPII mở Năm Thánh Cứu Độ, kỷ niệm 1950 năm Chúa Kitô cứu chuộc loài người vào năm Người 33 tuổi: nếu lấy 1950 + 33 = 1983; ngày 25/3/1984 là ngày kết thúc Năm Thánh Cứu Chuộc được bắt đầu từ ngày 25/3/1983 này). Hai mươi năm đã qua đi từ ngày ở Quảng Trường Thánh Phêrô, hiệp nhất về tinh thần với tất cả các giám mục trên thế giới được ‘triệu tập’ trước đó, Tôi đã hiến dâng tất cả loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria để đáp ứng lời yêu cầu của Đức Mẹ ở Fatima”.

Tuy ở đây ĐTC không nói đặc biệt đến việc hiến dâng Nước Nga cho Mẹ, nhưng Ngài đã xác nhận là Ngài có ý làm điều ấy “để đáp ứng lời yêu cầu của Đức Mẹ ở Fatima”, tức đáp ứng việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Đó là lý do trong lời hiến dâng của mình bấy giờ, tức vào ngày 25/3/1984, Đức Thánh Cha đã nói một cách khôn khéo như sau:

“Chúng con chạy đến với sự chở che của Mẹ, (ôi) Thiên Chúa Thánh Mẫu'. Khi thốt lên những lời ca nguyện mà Giáo Hội Chúa Kitô đã nguyện cầu qua bao nhiêu thế kỷ này, chúng con hôm nay đặt mình trước nhan Mẹ trong năm mừng kỷ niệm ơn cứu rỗi. Chúng con xin hợp với tất cả mọi chủ chăn trong Giáo Hội làm thành một thân thể và một tập đoàn, đúng như ý của Chúa Kitô muốn các tông đồ hiệp nhất với thánh Phêrô. Trong mối liên kết hiệp nhất này, chúng con đọc những lời hiến dâng mà chúng con muốn bao gồm một lần nữa hy vọng của Giáo Hội cũng như lo âu đối với thế giới ngày nay. Bốn mươi năm về trước, rồi 10 năm sau đó, tôi tớ của Mẹ là Đức Giáo Hoàng Piô XII, chứng kiến cảnh khổ đau của gia đình nhân loại, đã phó thác và hiến dâng cả thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, đặc biệt là nhân dân mà Mẹ yêu thương và quan tâm cách riêng. Cũng thế giới của mọi người và mọi dân tộc này trước mắt của con hôm nay đây, con xin lập lại việc phó thác và hiến dâng mà vị tiền nhiệm của con đã thực hiện ở Tòa Thánh Phêrô: thế giới của kỷ nguyên thứ hai đang kết thúc, thế giới tân tiến, thế giới của chúng con hôm nay!

“Ôi Mẹ của mọi người và mọi dân tộc, Mẹ biết rõ tất cả khổ đau và hy vọng của họ, với ý thức làm mẹ, Mẹ biết tất cả những giằng co giữa sự thiện và sự dữ, giữa ánh sáng và bóng tối, đang hành hạ thế giới tân tiến hôm nay, xin nhận lời kêu than mà chúng con được Thánh Linh khơi động trực tiếp dâng lên Trái Tim Mẹ. Với tình yêu của một Từ Mẫu và Tôi Tớ, xin hãy ôm lấy thế giới nhân loại của chúng con mà chúng con phú thác và hiến dâng cho Mẹ, vì chúng con đầy âu lo cho vận mệnh hiện tại và đời đời của mọi người và mọi dân tộc.

“Một cách đặc biệt, chúng con xin phú thác và hiến dâng cho Mẹ tất cả những người và những dân nước cần được phú thác và dâng hiến. Chúng con chạy đến với sự bảo hộ của Mẹ, Thiên Chúa Thánh Mẫu: xin đừng chê chối lời cầu xin chúng con dâng lên Mẹ trong cơn khẩn trương của chúng con”.

Vì Nước Nga đã được ĐTC hiệp cùng với hàng giáo phẩm trên thế giới hiến dâng cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, Thiên Chúa đã thực hiện những gì Ngài hứa, như chị Lucia được Đức Mẹ tỏ cho biết vào ngày 13/6/1929, đó là Ngài sẽ làm cho Nước Nga trở lại, một sự kiện lịch sử đã hoàn toàn xẩy ra vào chính Ngày Giáng Sinh 25/12/1991, khi vị lãnh tụ cuối cùng của Liên Bang Sô Viết là Gorbachev từ chức.

Quyền lực siêu nhiên làm cho “Nước Nga sẽ trở lại” đây, theo Bí Mật Fatima, đó là chính Trái Tim của Mẹ Maria: “Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng”. Chữ “cuối cùng” trực tiếp mở đầu cho lời tiên báo “Trái Tim Mẹ sẽ thắng” này cho thấy, cho dù những gì đã xẩy ra trước đó do Nước Nga gây ra, như “Nước Nga sẽ truyền bá lầm lạc khắp thế giới, gây chiến tranh và bách hại Giáo Hội. Nhiều người lành sẽ chịu tử vì đạo, Đức Thánh Cha sẽ phải khổ; nhiều nước sẽ biến mất” đi nữa, “cuối cùng” Trái Tim Mẹ cũng sẽ giải độc cho họ, làm cho họ hoàn toàn từ bỏ chủ nghĩa và chế độ Cộng Sản vô thần duy vật. Thế nhưng, siêu quyền lực là “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria” thắng quyền lực thần dữ được hiện thân nơi chủ nghĩa và chế độ Cộng Sản vô thần duy vật ở Nước Nga này chỉ thực sự xẩy ra qua vai trò trung gian của Giáo Hội Chúa Kitô nói chung và Giáo Hội Công Giáo Rôma nói riêng mà thôi. Bởi thế, ngay sau khi tiên báo “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng” và ngay trước khi tiên báo “Nước Nga sẽ trở lại”, Bí Mật Fatima phần thứ hai liền tiên báo “Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng Nước Nga cho Mẹ”.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, việc hiến dâng Nước Nga là một điều kiện duy nhất quá dễ làm như thế lại không phải là một việc làm dễ. Bởi vì, vừa là nền tảng đức tin của chung Kitô Giáo vừa là thủ lãnh của Hàng Giáo Phẩm của riêng Giáo Hội Công Giáo Rôma, Đức Thánh Cha không thể nào dễ dàng nghe theo và làm theo một việc phát xuất từ một mạc khải tư như Bí Mật Fatima này. Bằng không, chẳng những cá nhân ngài mà còn cả khối Kitô Giáo và Công Giáo sẽ trở thành một đám người mê tín dị đoan trước mắt thế giới văn minh vật chất ngày nay, nếu sau khi ngài hiến dâng Nước Nga xong rồi sau đó chẳng bao giờ thấy Nước Nga trở lại gì cả. Chính vì thế, cho dù nữ tu Lucia có viết thư đệ trình Đức Thánh Cha Piô XII từ ngày 24/10/1940 đi nữa về việc ngài cần phải hiến dâng Nước Nga vẫn không thực sự xẩy ra (như ngày 31/10/1942 của Đức Thánh Cha Piô XII và ngày 21/11/1964 của Đức Thánh Cha Phaolô VI) hay hoàn toàn xẩy ra (như ngày 7/7/1952 của Đức Thánh Cha Piô XII và ngày 13/5/1982 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II) cho mãi tới ngày 25/3/1984, ngày Lễ Trọng Kính Đức Mẹ được thiên thần truyền tin thụ thai Con Thiên Chúa.

Tuy nhiên, mặc dù có là một vị giáo hoàng đặc biệt sùng kính Mẹ Maria, qua khẩu hiệu “Totus Tuus” (tất cả thuộc về Mẹ) Ngài nhận từ ngày lên làm giám mục ở Balan đi nữa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng vẫn không thực hiện việc hiến dâng Nước Nga cho Mẹ ngay từ khi Ngài mới lên làm giáo hoàng vào tháng 10 năm 1978. Thực tế cho thấy, phải đợi cho đến chính lúc bàn tay từ mẫu của Mẹ Maria trực tiếp và hiển nhiên chạm đến sự sống của mình, khi Mẹ cứu Ngài thoát khỏi cuộc mưu sát tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào chính ngày 13/5/1981, ngày kỷ niệm Mẹ Maria hiện ra lần đầu tiên tại Fatima, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mới hoàn tất việc hiến dâng Nước Nga vô cùng khó khăn này. Thật thế, sau khi bị ám sát trọng thương hồi tỉnh lại và cảm nghiệm được thực sự những gì trong Bí Mật Fatima phần thứ ba mà Ngài đã đọc thấy về “một vị giám mục mặc áo trắng…... bị bắn gục xuống đất như chết” đó là chính mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã sang tận Linh Địa Fatima ngày 13/5/1982, kỷ niệm sau đúng một năm thoát nạn mưu sát, để trước hết cảm tạ Mẹ Maria đã ra tay cứu mạng của Ngài và sau nữa hiến dâng Nước Nga cho Mẹ.

Như thế, “cuối cùng Trái Tim Mẹ sẽ thắng” ở đây chẳng những được hiểu là Mẹ Maria quyền năng đã làm cho Nước Nga trở lại mà Mẹ còn làm chủ được cả thần dữ, một quyền lực tối tăm âm mưu sử dụng bàn tay loài người (mà tình báo thế giới vẫn có đủ lý do tình nghi là do Cộng Sản quốc tế gây ra) để tiêu diệt Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, một vị giáo hoàng đến từ một nước Cộng Sản (Balan) và đã đóng vai trò chủ yếu trong việc sụp đổ của Biến Cố Đông Âu, như chủ tịch Gorbachev sau này đã công nhận. Nếu việc ám sát hụt của lực lượng tối tăm đã thực sự khiến cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hoàn tất việc hiến dâng Nước Nga cho Mẹ thì, không phải hay sao, “cuối cùng Trái Tim Mẹ sẽ thắng” đây còn được hiểu là Mẹ đã sử dụng chính bàn tay thần dữ để làm việc cho Mẹ, tức là thần dữ đã không ngờ âm mưu đen tối của mình lại làm sáng tỏ những gì đã được tiên báo trong Bí Mật Fatima, tức đã làm cho “Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng Nước Nga cho Mẹ, Nước Nga sẽ trở lại” hoàn toàn ứng nghiệm đúng như Bí Mật Fatima.

Đúng vậy, sau khi thấy việc hiến dâng Nước Nga cho Mẹ ở Fatima ngày 13/5/1982 chưa hoàn tất đúng như cách thức Thiên Chúa muốn, ở chỗ Ngài còn cần phải hợp với các vị giám mục trên thế giới nữa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tái hiến dâng Nước Nga cho Mẹ ngày 25/3/1984 (như trên đã đề cập tới), sau khi đã gửi thư kêu mời các vị giám mục trên thế giới hiệp dâng với Ngài từ ngày 8/12/1983. Chính vì cuộc hiến dâng Nước Nga cho Mẹ này đã thực sự hoàn tất mà, ngay một năm sau, tức vào tháng 3 năm 1985, Gorbachev đã xuất hiện, để rồi, với chủ trương glasnot về việc cởi mở tư tưởng và parestroika về việc cải tổ kinh tế của ông, Biến Cố Đông Âu đã xẩy ra hoàn toàn bất ngờ trước mặt thế giới vào cuối năm 1989, và kết thúc bằng việc Nước Nga trở lại vào ngày Lễ Giáng Sinh 25/12/1991.


Dấu Chỉ Thời Đại: Biến Cố Đông Âu và Cộng Sản Liên Sô


Nếu hiện tượng Mặt Trời nhẩy múa tại Fatima ngày 13-10-1917, theo Đức Mẹ nói với ba Thiếu Nhi Fatima, Giaxinta, Phanxicô và Lucia vào lần hiện ra thứ 3, 4 và 5 là để cho mọi người tin, thì hiện tượng Nước Nga hoàn toàn từ bỏ chủ thuyết và chế độ vào đúng ngày lễ Chúa Giáng Sinh 25-12-1991 càng là một việc Đức Mẹ muốn làm để cho mọi người tin rằng Mẹ thực sự hiện ra ở Fatima và tất cả những gì Mẹ tiết lộ làm nên Bí Mật Fatima cũng như truyền dạy ở Fatima được gọi là Sứ Điệp Fatima đều rất khẩn thiết cho phần rỗi đời đời của con người thời đại.

Thật ra, so sánh và kết luận có tính cách hoàn toàn siêu nhiên như trên có thể sẽ đụng chạm đến một số người chủ trương rằng, việc Nước Nga từ bỏ chủ nghĩa và đế quốc cộng sản hoàn toàn là một việc tự nhiên và do tự nhiên. Về phương diện tích cực, Nước Nga từ bỏ chủ nghĩa và chế độ cộng sản đó là một sự thắng thế bất chiến tự nhiên thành của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa bao giờ cũng hợp với quyền lợi và nhân vị của con người trong xã hội. Về phương diện tiêu cực, đó là một hậu quả cùng tất biến không thể nào tránh được, tạo nên do sự lỗi thời bẩm sinh và tận cốt lõi của chủ nghĩa cộng sản Mát-xít, cũng như do sự thất sách ngay từ ban đầu của chế độ cộng sản Lênít và Stanít.

Chủ trương cho rằng Cộng Sản không sớm thì muộn, chắc chắn thế nào cũng sụp đổ như thế cũng không phải là hoàn toàn vô lý. Chính Đức Thánh Cha Piô XI, như một vị tiên tri, trong thông điệp Divini Redemptoris ban bố ngày 19-3-1937 đã quả quyết rằng: “Cộng sản không thể nào và sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu của mình, ngay cả trong lãnh vực thuần túy kinh tế” (đoạn 23). Tại sao? Theo Đức Thánh Cha, là vì “tự bản chất cộng sản phản lại tôn giáo” (đoạn 22), và vì “cộng sản sai lầm tự căn bản” (đoạn 58), nên sẽ phải chịu quả báo bởi “luật tự nhiên và Tác Giả của nó” (đoạn 23), thế thôi.

Tuy nhiên, chủ trương rằng hiện tượng Nước Nga hoàn toàn từ bỏ chủ nghĩa và chế độ cộng sản là một sự thắng thế tất yếu của chủ nghĩa tư bản, một chủ nghĩa bao giờ cũng hợp với quyền lợi và nhân vị của con người trong xã hội, cũng chẳng chủ trương rằng, chỉ có chủ nghĩa tư bản mới làm cho con người được ấm no và hạnh phúc thôi. Thế mà, tại sao, như Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II nhận xét trong thông điệp Bách Chu Niên Centesimus Annus: “Chính sách Mát-Xít đã thất bại, nhưng trên thế giới vẫn còn những tình trạng tẩy chay và lạm dụng nhau, nhất là ở khối Thế Giới Thứ Ba, cũng như tình trạng lạnh tình với nhau, nhất là ở các nước tân tiến” (đoạn 42). Phải chăng, là vì, cũng theo thông điệp này, “tư bản” ở đây không phải “là một đường lối kinh tế biết tôn trọng vai trò căn bản và tích cực về thương mại, thị trường, tư bản, và trách nhiệm hiệu quả đối với những phương tiện sản xuất, cũng như đối với tự do sáng kiến trong ngành kinh tế” (cùng đoạn vừa trích).

Vả lại, chủ trương rằng chủ nghĩa cộng sản tự bẩm sinh lỗi thời tận cốt lõi và chế độ cộng sản thất sách ngay từ ban đầu nên tới ngày tới giờ tự nhiên là “cùng tất biến”, cũng khó lòng mà giải đáp được thực trạng hiện nay trong thế giới cộng sản.

Đó là, trong khi Cuba và Việt Nam là hai nước cộng sản chư hầu, ăn nhờ sống dựa vào đại quan thày của mình là Nga Sô và các nước anh chị cộng sản ở Đông Âu vẫn còn ngang nhiên tồn tại cho đến bây giờ, lúc những giòng chữ này đang được viết ra, thì chính quan thày Nga Sô và các nước cộng sản anh chị ở Đông Âu đã đồng loạt tự động giải thể và biến thể từ năm 1989.Những diễn tiến về sự kiện sụp đổ chớp nhoáng đầy ngoạn mục của chế độ cộng sản ở Âu Châu vào cuối năm 1989 đã xẩy ra hoàn toàn ngoài mọi dự tưởng của những chính trị gia lỗi lạc nhất thế giới. Không phải hay sao, một chế độ độc tài đảng trị và sắt máu như cộng sản, hầu như, về phương diện loài người, không gì có thể tiêu diệt được nó và chống lại được sự bành trướng của nó. Thế mà, ngay trong lúc mà cả loài người đang lo sợ vì nó đang trở nên một hiểm họa vô cùng nguy hiểm đến vận mệnh cả loài người ở thế kỷ 20 này, thì tự nó lại quay ra chết “bất đắc kỳ tử”.

Những diễn tiến về sự kiện sụp đổ chớp nhoáng đầy ngoạn mục của chế độ cộng sản ở Âu Châu vào cuối năm 1989 đã xẩy ra hoàn toàn ngoài mọi dự tưởng của những chính trị gia lỗi lạc nhất thế giới. Không phải hay sao, một chế độ độc tài đảng trị và sắt máu như cộng sản, hầu như, về phương diện loài người, không gì có thể tiêu diệt được nó và chống lại được sự bành trướng của nó. Thế mà, ngay trong lúc mà cả loài người đang lo sợ vì nó đang trở nên một hiểm họa vô cùng nguy hiểm đến vận mệnh cả loài người ở thế kỷ 20 này, thì tự nó lại quay ra chết bất đắc kỳ tử.

Thật ra, đã có ba điều lạ lùng xẩy ra, đúng hơn, ba yếu tố định đoạt trong biến cố qua đời của chế độ cộng sản ở Âu Châu này. Thứ nhất, năm 1978, vị Giáo Hoàng Rôma (Gioan-Phaolô II) được bầu lên xuất thân từ một nước cộng sản. Thứ hai, năm 1980, tổ chức Công Đoàn Liên Đới (Solidarity) được Lech Walesa hình thành ở Ba Lan. Thứ ba, năm 1985, chính sách Cởi Mở (Glasnost) và Cải Tổ (Perestroika) được tân lãnh tụ Gorbachev phát động ở Nga Sô.

Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô là yếu tố thứ nhất trong ba yếu tố định đoạt cho hiện tượng khai tử của chế độ cộng sản Âu Châu.

Biến cố này bắt đầu từ khi Ngài về thăm quê hương của Ngài vào ngày 2-10/6/1979. Việc Ngài được phép chính quyền cộng sản Ba- Lan cho về thăm quê hương cũng không phải là chuyện thường. Đầu tiên chính quyền Ba Lan từ chối lời xin phép của Ngài. Sau đó, chính quyền đã tự nhượng bộ vào ngày 7/5/1979, ngày kết thúc bảy ngày và bảy đêm liên tục lần chuỗi trước Mình Thánh Chúa được tổ chức ở Đền Đức Mẹ Czestochowa để cầu nguyện cho việc được phép về thăm quê hương của Đức Giáo Hoàng. Để rồi, với ảnh hưởng của Ngài, Công Đoàn Liên Đới đã được hình thành.

Timothy Garton Ash, một ký giả người Anh, năm 1990 đã viết: “Chính tháng Sáu năm 1979 là khởi điểm cho cuộc kết liễu của riêng lịch sử Đông Âu... Tôi tin rằng chuyến công du đầu tiên về Ba-Lan của Đức Thánh Cha là chốt điểm của nó. Chỉ hơn một năm sau cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là Công Đoàn Liên Đới ra đời, nếu không có cuộc viếng thăm này của Đức Thánh Cha, chưa chắc đã có Công Đoàn Liên Đới. Gương của Công Đoàn Liên Đới là một khai triển tân kỳ. Nó đã đi tiên phong như là một hình thái chính trị mới mẻ ở Đông Âu (và không phải chỉ mới mẻ ở đó mà thôi): chính trị tự tổ hợp nhằm điều giải cho việc chuyển nhượng của cộng sản” (Nguyệt San Catholic International Vol 3, N 1 & 2, January 1992, 57).

Mikhail Gorbachev, nguyên lãnh tụ Cộng Sản Liên Sô, cho rằng Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã giữ một vai trò rất quan trọng trong việc Cộng Sản Đông Âu sụp đổ. Trong một bài báo được nhiều tờ báo nổi tiếng trên thế giới đăng tải vào tháng 3/1992, Gorbachev đã viết: “Những biến cố ở Đông Âu không thể nào xẩy ra nếu không có vai trò quan trọng mà Ngài (ĐTC Gioan-Phaolô II) tự biết phải đóng vai trò như thế nào trong hiện tình thế giới... Tôi vẫn tin ở tầm mức quan trọng nơi những hành động của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong những năm ấy” (Tam Cá Nguyệt San Fatima Family Messenger, Apr-Jun 1992, 21). Công Đoàn Liên Đới là yếu tố thứ hai định đoạt cho hiện tượng khai tử của chế độ cộng sản Âu Châu.

Sự lạ thứ nhất là việc chính quyền cộng sản Ba-Lan vào năm 1980 đã công nhận Công Đoàn Liên Đới, một tổ chức bao gồm chừng 50 nghiệp đoàn của người Ba-Lan, do Lech Walesa lãnh đạo.

Sự lạ thứ hai là, dù bị chính quyền đàn áp vào năm 1981 và dù bị chính quyền chính thức giải tán vào tháng 10 năm 1982, Công Đoàn Liên Đới vẫn tồn tại cho đến ngày được tái công nhận là ngày 17- 4-1989. Vẫn biết, theo dư luận báo chí, Công Đoàn Liên Đới nhận được viện trợ ngầm của Mỹ, có thể nhờ đó mà tồn tại, tuy nhiên, cũng theo dư luận báo chí, sở dĩ cuộc viện trợ của Mỹ đến được tay Công Đoàn Liên Đới là vì chính phủ Cộng Sản Balan bấy giờ cho biết dù “chúng tôi không hài lòng tí nào về điều này ... Trong một vài trường hợp chúng tôi đã mhắm mắt làm ngơ, vì sợ lộ tẩy chân tướng của các tay trong do chúng tôi gài vào Công Đoàn Liên Đới này” (Nguyệt San 30 Days 3/92:17). Với các tay trong của chính quyền cộng sản như thế mà Công Đoàn Liên Đới vẫn tồn tại. Đó mới là sự lạ, và sự lạ là ở chỗ đó.

Sự lạ thứ ba là Tadeusz Mazowiecki, cố vấn của Công Đoàn Liên Đới, được bổ nhiệm làm thủ tướng vào ngày 19-8-1989, là một biến cố chưa từng có trong thế giới cộng sản, làm náo động tận nền móng tất cả chủ nghĩa cộng sản hiện đại, mở màn cho biến động Đông Âu.

Sự lạ thứ bốn, cũng là sự lạ chính yếu, đó là sự thành công một cách quá ư tốt đẹp của Công Đoàn Liên Đới, một thành quả gặt hái được, như Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II viết trong thông điệp Bách Niên Centesimus Annus của Ngài, nhờ “chỉ sử dụng khí giới chân thật và công chính... bởi cuộc tranh đấu bất bạo động của những con người mà, trong khi nhất định không chịu nhượng bộ trước những thế lực, liên lỉ tìm kiếm những đường lối hữu hiệu để minh chứng cho sự thật” (đoạn 23).

Chính Lech Walesa, đương kim tổng thống Ba-Lan, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước, ngày 14/10/1991, dịp chia sẻ về chủ đề và những nguyên tắc trong thông điệp Bách Niên (Centesimus Annus) của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, đã phát biểu và diễn thuật về “cuộc tranh đấu bất bạo động”, “cuộc chống đối thuận hòa”, “cuộc chống đối làm sụp đổ chủ nghĩa Mát-Xít” như sau: “Hãy nhớ rằng tất cả là mười triệu người tích cực tham dự. Sự bất mãn đã bộc phát ở một mức độ ngoài dự liệu. Sau mười tám tháng chống đối chính quyền cộng sản mà không cần sô xát như tấn công ngục Bastilles, không cần dựng nên các đoạn đầu đài, không một mảnh kính bị đập bể, chúng tôi đã chiến thắng” (Nguyệt San Catholic International Vol 3, N 1 & 2, January 1992, 57).

Chính sách Cởi Mở và Cải Tổ của Mikhail Gorbachev là yếu tố thứ ba định đoạt cho hiện tượng khai tử của chế độ cộng sản Âu Châu.

Đối nội, Gorbachev chủ trương hai chính sách: Cởi Mở về tư tưởng và phát biểu và Cải Tổ về chính trị và kinh tế. Với tinh thần và đường lối này, đối ngoại, Gorbachev cũng chủ trương Cải Tổ lại tất cả, như rút quân khỏi Afghanistan, cắt giảm vũ trang nguyên tử và lực lượng quân sự, khuyến khích khối cộng sản Đông Âu cải tổ chính trị cũng như kinh tế và hứa không can thiệp vào nội bộ cải tổ của mỗi địa phương. Kết quả là những cuộc bùng nổ thực sự đã xẩy ra ở các nước cộng sản Đông Âu.

Khởi đầu là Ba-Lan, ngày 4 và 18 tháng 6 năm 1989, đã tổ chức bầu cử tự do, lần đầu tiên kể từ năm 1947.

Thứ đến là Hung Gia Lợi, ngày 10-9-1989, chính quyền cộng sản đã mở cửa biên giới cho dân Đông Đức từ ngả nước Áo trốn sang Tây Đức, và ngày 18-10-1989, đã chấp nhận hình thức bầu cử đa đảng.

Rồi Tây Đức, ngày 18-10-1989, đã truất phế lãnh tụ cộng sản Erich Honecker, và ngày 9-11-1989 đã mở cửa biên giới, phá đổ bức tường Bá-Linh, để cho dân tha hồ tuốn sang Tây Đức; nhất là, vào ngày 7-12-1989, đảng cộng sản Tây Đức đã tự giải thể và kêu gọi tổ chức bầu cử đa đảng vào tháng 5/1990, để rồi, kết thúc với một nước Đức thống nhất vào ngày 3/10/1990.

Rồi Bulgaria,ngày 10-11-1989, quyền bính trong tay nhà độc tài Todor Zhivkov sau 35 năm đã bị mất vào tay một nhà cải cách.
Rồi Czechoslovakia, ngày 10-12-1989, một chính quyền vừa cộng sản lẫn không cộng sản (đa số) đượcthành hình, dọn đường cho việc bầu cử tự do.

Rồi Romania, ngày 22-12-1989, lãnh tụ Nicolae Ceausescu đã hoàn toàn bất lực trong việc truyền khiến quân đội và bị tử hình ngày 25-12-1989 vì bị kết tội là kẻ thù của dân tộc.

Sau hết, ngay tại Liên Bang Sô Viết, tháng 3/1990, một cuộc bầu cử tự do đã được thực hiện và Gorbachev đã đắc cử tổng thống Liên Bang Sô Viết; ngày 20 và 21/8/1991, nhân cuộc nổi dậy của đảng cộng sản hôm 19-21/8/1991, ba nước cộng hòa Baltic là Estonia, Latvia và Lithunia đã tái tuyên bố độc lập (sau lần đòi độc lập thứ nhất vào tháng 3/1990), kéo theo sự thành lập của Khối Thịnh Vượng Chung vào ngày 21/12/1991 cho 11 trong 12 (trừ Georgia) nước thuôc Cộng Hòa Sô Viết.

Phải, thời điểm tận số của cộng sản tại Liên Bang Sô Viết sau 74 năm làm kinh hoàng chung thế giới và đọa đầy riêng nhân dân Nga, thât sự đã xẩy ra khi tổng thống Liên Bang Sô Viết Gorbachev từ chức vào chính ngày lễ kỷ niệm Thiên Chúa Giáng Sinh 1991, ngày mà các thần trời, hiện thân của hòa bình, như Thiên Thần Hòa Bình, vị hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima năm 1916, đã từ trời cao xuống giữa đêm đông âm u rét buốt của trần gian năm xưa ấy, để cùng nhau hợp xướng tung hô: "Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người Chúa thương" (Lc 2:14).


Fatima đã Kết Thúc và Lỗi Thời? - Thời Điểm Maria…


Vẫn biết Tuyệt Đại Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, qua vai trò của Thiếu Nhi Fatima Lucia trong sứ vụ “làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến” để thực hiện ý “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”, đã không chấm dứt sau hiện tượng mặt trời nhẩy múa ngày 13/10/1917, mà còn tiếp tục kéo dài trong lịch sử Giáo Hội hoàn vũ cũng như lịch sử thế giới… Thế nhưng, những gì đã được Mẹ Maria tiên báo trong phần thứ hai của Bí Mật Fatima đã được thực hiện, như sự kiện Đức Thánh Cha hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ vào ngày kết thúc Năm Thánh Mừng Kỷ Niệm 1950 Ơn Cứu Độ, 25/3/1984, và biến cố Nước Nga thực sự đã trở lại vào chính ngày Lễ Giáng Sinh 25/12/1991 đầu thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, cũng như những gì đã được thị kiến thấy trong phần thứ ba của bí mật này, như sự kiện Kitô hữu nói chung, nhất là Đức Thánh Cha bị sát hại trong thế kỷ 20, cũng đã xẩy ra, phải chăng đó là những dấu hiệu chứng tỏ và chứng thực cho thấy Biến Cố Fatima đã hoàn toàn kết thúc? Và như thế Sứ Điệp Fatima không còn giá trị và cần thiết nữa (!); ai truyền bá Sứ Điệp Fatima này đều là thành phần lỗi thời và uổng công vô ích (!); phong trào Thiếu Nhi Fatima cần phải giải tán…?

Thế nhưng, cũng theo Bí Mật Fatima phần thứ hai, còn một vấn đề hết sức quan trọng chưa được hoàn toàn giải quyết, và vẫn còn xẩy ra liên quan thực sự đến Bí Mật Fatima là Dự Án Cứu Độ này, đó là vấn đề “thế giới sẽ được ban cho một thời gian hòa bình”, một lời tiên báo đã được Mẹ Maria tiết lộ cho biết ngay sau khi Mẹ hé mở bí mật “Nước Nga sẽ trở lại”. Thật thế, sau khi “Nước Nga trở lại”, một quốc gia rất nguy hiểm cho thế giới nói chung về cả hai phương diện ý hệ văn hóa (“gieo rắc lầm lạc”) và chính trị chiến tranh (có thể gây ra thế chiến nguyên tử, như sắp sửa xẩy ra ở Vịnh Cuba đầu tháng 10/1962, ngay trước khi Công Đồng Chung Vaticanô II khai mạc 11/10/1962), người ta không biết được “thế giới sẽ được ban cho một thời gian hòa bình” kéo dài bao lâu.

Trái lại, lịch sử thế giới cho thấy rằng hình như “thời gian thế giới được ban cho hòa bình” này đã hoàn toàn chấm dứt khi đệ tam thiên kỷ vừa mở màn, qua biến cố khủng bố tấn công Hoa Kỳ ngày 11/9/2001, (được gọi tắt là Biến Cố 911, hay nếu được dịch theo ý nghĩa của con số 911 được người Mỹ sử dụng thì đây còn là Biến Cố Cấp Cứu). Từ đó tới nay, lịch sử đã chứng kiến thấy một thế giới càng ngày càng bạo loạn và hỗn loạn.

Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong buổi triều kiến chung hằng tuần, Thứ Tư 24/3/2005, áp ngày kỷ niệm 20 Năm Ngài hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, đã nhận định về tình hình thế giới 20 năm sau, một thế giới Ngài đã nguyện cầu ở phần kết thúc bài huấn từ của Ngài như sau:

“Vào những lúc ấy nhân loại đang phải trải qua những thời buổi lo âu sợ hãi và bất ổn. Hai mươi năm sau, thế giới vẫn bị tan nát bởi hận thù, bạo lực, khủng bố và chiến tranh... Quá nhiều máu tiếp tục đổ ra ở các phần đất khắp thế giới. Con người vẫn cần phải mở lòng mình ra để can đảm thực hiện việc cố gắng hiểu biết nhau. Việc trông mong công lý và hòa bình càng ngày càng lâu dài hơn ở khắp mọi nơi trên thế giới. Chúng ta làm sao có thể đáp ứng nỗi khát khao niềm hy vọng và yêu thương này nếu không phải với Chúa Kitô qua Mẹ Maria?

“Lạy Mẹ Chúa Kitô, chớ gì quyền năng cứu độ vô biên của Ơn Cứu Chuộc, một quyền năng của tình yêu thần linh, một lần nữa tỏ mình ra trong lịch sử của thế giới! Chớ gì quyền lực này ngăn chặn sự dữ! Chớ gì quyền lực ấy biến đổi lương tâm của chúng con! Chớ gì ánh sáng hy vọng nơi Trái Tim Vô Nhiễm Tội Mẹ chiếu tỏ cho tất cả chúng con!”

Thật vậy, bạo loạn về chính trị được thể hiện qua những cuộc khủng bố tấn công ở khắp nơi, ngoài những cuộc khủng bố tấn công liên tục xẩy ra ở Thánh Địa cũng như ở Iraq thời hậu chiến, còn phải kể đến những vụ lớn như đã xẩy ra ở Nam Dương ngày 12/10/2002 (gây thiệt mạng cho 180 người và thất tung trên 200 người); ở Nga ngày 23/10/2002 (chết 120 người), và ngày 4/2/2004 (39 chết và 129 bị thương); ở Thổ Nhĩ Kỳ 15+19/11/2003 và 9/3/2004 (trên 60 người bị chết và trên 450 bị thương); ở Tây Ban Nha ngày 11/3/2004 (chết 199 và bị thương 1.400).

Thêm vào đó, thế giới còn bị hỗn loạn về văn hóa nữa, nào là vụ các khoa học gia Đại Hàn tuyên bố vào ngày 12/2/2004 rằng họ đã thành công trong việc tạo sinh sao bản (cloning) phôi thai bào con người, nào là vụ thị trưởng của thành phố San Francisco ở Bắc California mở cửa cấp hôn thú cho cả hơn 3.400 cặp đồng tính luyến ái kể từ dịp Ngày Tình Nhân (Valentine Day) 14/2/2004.

Đó là lý do, theo chiều hướng của Biến Cố Fatima, nếu hòa bình thế giới liên hệ với Kinh Mân Côi (một kinh nguyện có một nội dung chất chứa tất cả mầu nhiệm cứu độ hay có tâm điểm là Chúa Cứu Thế), cũng như với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria (đồng công cứu chuộc), và liên hệ bất khả chuẩn chước với việc Cải Thiện Đời Sống của con người nói chung và Kitô hữu nói riêng, thì thực sự thế giới đang sống trong Thời Điểm Maria, thời điểm đúng như lời Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) tiên đoán từ đầu thế kỷ 18 được thánh nhân viết ra trong cuốn Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria của ngài:

“Chính nhờ Mẹ Maria mà việc cứu độ thế giới đã được bắt đầu thế nào thì nó cũng cần phải nhờ Mẹ Maria để được hoàn thành như vậy… Thế nhưng, vào lần đến thứ hai của Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Maria cần phải được Thánh Linh làm cho nhận biết và tỏ hiện, để qua Mẹ, Chúa Giêsu Kitô cũng được nhận biết, mến yêu và phụng sự”.

Lời khẳng định của Thánh Long Mộng Phố này không ngờ đã trở thành một lời tiên tri nơi Bí Mật Fatima phần thứ hai về việc “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”. Nếu quả thực đây là một lời tiên tri đã được hoàn toàn ứng nghiệm nơi Biến Cố Thánh Mẫu Fatima nói chung và nơi Bí Mật Fatima nói riêng thì phải chăng Thời Điểm Maria là Thời Điểm Sau Hết, là Mùa Vọng Cánh Chung?

Trong Thời Điểm Maria của mình, Mẹ Maria “tiến lên như Rạng Đông” ở Biến Cố Thánh Mẫu Paris năm 1830, nơi Mẹ bảo làm một mẫu ảnh Mẹ Ban Ơn đứng trên quả cầu và đạp đầu rắn quỉ; “đẹp như mặt trăng” ở Biến Cố Thánh Mẫu Lộ Đức 1858, nơi Mẹ xưng mình “Vô Nhiễm Thai” và là nơi duy nhất Mẹ mỉm cười trong tất cả các nơi Mẹ hiện ra; “rực rỡ như mặt trời” ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, nơi Mẹ xưng mình là “Đức Mẹ Mân Côi” và là nơi xẩy ra phép lạ cả thể mặt trời nhẩy múa trên không trung; và “oai hùng như đạo binh dàn trận”, qua phong trào Tượng Mẹ Thánh Du Quốc Tế đi khắp nơi trên thế giới từ thập niên 1940, nhất là qua Biến Cố Đông Âu sụp đổ cuối năm 1989, cũng như qua biến cố Liên Sô Nga Cộng giải thể vào Lễ Giáng Sinh năm 1991.
 

Giáo Phận San Bernadino California Lễ Mẹ Thai Lời 25/3/2004

(nhiều chi tiết trong bài viết trên đây được lấy từ cuốn “Trái Tim Mẹ Toàn Thắng” xuất bản năm 1992, cuốn “Fatima: Dấu Chỉ Thời Đại” xuất bản năm 2000, và cuốn “Fatima: Chân Trời Cứu Độ” sẽ được xuất bản trong năm 2004,

tất cả 3 cuốn đều của cùng tác giả bài này)

 

CẢI THIỆN ÐỜI SỐNG:

Cải Thiện: Những Gì? 

 

Nếu chúng ta đã biết được bản chất của việc cải thiện là gì và ở chỗ nào, thì chúng ta cũng sẽ biết được những gì chúng ta cần phải cải thiện.

 

Nếu bản chất của việc cải thiện là canh tân nội tâm và ở chỗ sợ tội, thì điều phải cải thiện chính là tội lỗi được biểu lộ qua ý riêng của con người.

 

Nếu bản chất của việc cải thiện là canh tân nội tâm để tìm Chúa và ở tại việc làm theo ý Chúa, thì điều phải cải thiện là tự ái của con người.

 

Nếu bản chất của việc cải thiện là trở về với tình yêu Thiên Chúa và ở tại nhận biết Thiên Chúa, thì điều phải cải thiện là sự vô ơn của con người.

 

 

Cải Thiện Ý Riêng

 

Tội lỗi là gì, nếu không phải là những điều làm mất lòng Chúa. Những điều làm mất lòng Chúa là gì, nếu không phải là những điều làm trái với ý của Ngài. Những điều làm trái với ý của Thiên Chúa là gì, nếu không phải là những điều tạo vật nói chung và con người nói riêng không được phép làm. Những điều con người không được phép làm là gì, nếu không phải là những điều con người đã làm theo ý riêng của mình. Con người làm theo ý riêng của mình trong những điều không được phép làm, những điều phản lại với ý muốn của Thiên Chúa là gì, nếu không phải là con người phạm tội làm mất lòng Chúa. Việc ăn trái cấm của hai nguyên tổ không phải là việc hai ông bà làm theo ý riêng của mình, những việc hai ông bà không được phép làm, vì là việc làm trái với ý muốn của Thiên Chúa hay sao?

 

Một trong những lý do cần phải cải thiện đời sống là vì chúng ta là kẻ có tội. Là kẻ có tội tức là chúng ta là kẻ đã coi ý riêng của mình hơn ý Chúa và đã theo ý riêng của mình hơn ý của Chúa trong những điều không được phép làm, trong những điều mất lòng Chúa. Do đó, cải thiện tội lỗi của mình chính là từ bỏ ý riêng của mình cho ý muốn của Thiên Chúa.

 

Chúa Giêsu, trong Phúc Âm thánh Mathêu, đoạn 16, câu 24, đã chẳng kêu gọi những ai muốn theo Ngài phải bỏ mình đi là gì. Đúng thế, muốn theo Chúa, con người phải bỏ mình đi thế nào, thì muốn làm theo ý Chúa, con người cũng phải từ bỏ ý riêng của mình đi như vậy.

 

Thật ra, tự bản chất, ý riêng của con người không có gì là xấu, vì ý riêng của con người nói lên con người là loài có tự do và vì nó là khả năng hướng con người về sự thiện là đối tượng tối cao của nó, để nhờ sự thiện, con người được nên trọn hảo hơn.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, ý riêng của con người có thể chia ra làm 3 loại: xấu xa, tốt lành và thiện hảo. Ý riêng xấu xa là những ý muốn làm điều lợi cho mình nhưng hại cho tha nhân, chẳng hạn, ý của Cain muốn sát hại Abel em mình. Ý riêng tốt lành là những ý muốn lợi cho mình nhưng không bất lợi cho bất cứ một ai, chẳng hạn, ý của Abraham muốn người con duy nhất của mình là Isaac nối giòng cho mình. Ý riêng thiện hảo là ý muốn sống làm sao cho đẹp lòng Chúa nhất, chẳng hạn, ý của Mẹ Maria muốn giữ mình đồng trinh.

 

Trong ba loại ý riêng này, ý riêng xấu xa, tự bản chất là tội lỗi, tất nhiên là điều phải từ bỏ đầu tiên và phải cải thiện lại trước nhất. Đối với hai loại ý riêng sau, dù có tốt lành và thiện hảo mấy đi nữa, nếu không hợp với ý Chúa hay không đúng như ý Chúa muốn, con người cũng phải từ bỏ. Abraham đã không từ bỏ ý riêng tốt lành của mình trong việc vâng theo ý Chúa đem Isaac là đứa con duy nhất để làm giống cho mình đi tế lễ Chúa hay sao (xem Sáng Thế Ký 22:1-14)? Mẹ Maria cũng đã không từ bỏ ý riêng thiện hảo của mình trong việc giữ mình đồng trinh tận hiến cho Thiên Chúa để xin vâng làm Mẹ Chúa Cứu Thế, sống đời sống gia đình với thánh Giuse hay sao (xem Mathêu 1:18-25 và Luca 1:26-38).

 

Do đó, cái đầu tiên phải cải thiện, đó là ý riêng của con người, nếu ý riêng của con người không hợp với ý Chúa, không đúng với ý Chúa, nhất là khi nó nghịch lại với ý Chúa. Ngày nay, hơn bao giờ hết, nhờ văn minh, con người nhận ra quyền lực và quyền lợi làm nên giá trị bất khả xâm phạm của con người mình, do đó, con người càng đề cao ý riêng và đòi hỏi thỏa mãn ý riêng, kể cả những cái không được phép, chẳng hạn ly dị hay phá thai. Tệ hơn nữa, những ý riêng hoàn toàn phản lại với ý muốn của Thiên Chúa qua những nguyên tắc luân lý phổ quát này lại được chính con người lạm dụng quyền bính của mình hợp thức hoá bằng những khoản luật cho phép phá thai và ly dị. Có thể nói, đây là những trái cấm thời đại mà con người đang nuốt vào để chuốc lấy án phát của Thiên Chúa, Đấng đã ban cho con người quyền tự do làm mọi sự trừ những những cái phạm đến lương tâm là cây biết lành biết dữ được Ngài trồng ngay giữa bản tính của con người.

 

Nhưng, làm thế nào để biết được ý riêng của mình không hợp với ý Chúa, không đúng với ý Chúa hay nghịch lại với ý Chúa để mà từ bỏ, mà cải thiện, nếu không phải căn cứ vào lề luật của Chúa cũng như của Giáo Hội, vào Lời của Chúa và vào lương tâm của mình.

 

Nếu căn cứ vào lề luật của Chúa cũng như của Giáo Hội thì những điều gì, theo ý riêng của chúng ta, muốn làm trái với mười điều răn Chúa và sáu luật điều của Hội Thánh đều là tội và phải cải thiện lại. Nếu căn cứ vào Lời của Chúa thì tất cả những điều gì, theo ý riêng của chúng ta, không hợp với nguyên tắc trọn lành, như chấp nhất nhau, không chịu tha thứ cho nhau, đều là những điều bất hảo, cũng cần phải cải thiện lại. Nếu căn cứ vào lương tâm của chúng ta thì tất cả những điều gì, theo ý riêng của chúng ta, không đúng với hiện sủng mà Chúa muốn đánh động chúng ta từng lúc, như dâng hy sinh cho Chúa, đều là những điều không trọn lành, cũng cần phải cải thiện lại.

 

 

Cải Thiện Tự Ái

 

Điều thứ nhất phải cải thiện, đó là ý riêng, và điều thứ hai phải cải thiện, đó là tự ái. Tự ái mới là điều đáng chú ý để mà cải thiện hơn là ý riêng. Tại sao thế? Bởi vì, nếu không có tự ái, con người cũng không có ý riêng. Thật vậy, nếu con người biết ghét sự sống mình đúng như Lời Chúa dạy trong Phúc Âm thánh Gioan, đoạn 12, câu 25, thì con người cũng không còn theo ý riêng của mình nữa.

 

Luxiphe sở dĩ kiêu ngạo dám đứng lên chống lại ý định nhập thể của Thiên Chúa để trở thành Satan không phải là vì đã tự ái, không muốn Thiên Chúa nhập thể, mặc lấy bản tính loài người là loài vốn thấp hèn hơn mình một trời một vực hay sao?

 

Loài người ngay từ ban đầu cũng thế, dù có bị rắn qủi cám dỗ đi nữa, nếu không tự ái, không yêu mình hơn Thiên Chúa, như Chúa đã minh định trước khi tuyên phạt con người, vì ngươi đã nghe vợ mà ăn trái Ta cấm ngươi ăn (Sáng Thế Ký 3:17), con người cũng đã không sa ngã phạm tội mất lòng Chúa.

 

Bởi thế, trong việc cải thiện, chỉ cần để ý dẹp tự ái hay diệt tự ái là chúng ta có thể kiếm chế được ý riêng, cái làm nên tội lỗi. Nếu không để ý diệt tự ái hay chịu khó dẹp tự ái, thì đừng nói đến việc cải thiện đời sống mà làm gì.

 

Nếu ý riêng của con người làm nên hỏa ngục, thì tự ái của con người là lửa hỏa ngục. Chính tự ái là ngòi chiến tranh, là mầm chia rẽ, là giông tố tàn phá tất cả mọi sự tốt lành nhất, thánh thiện nhất, từ cá nhân đến gia đình, xã hội và thế giới. Phải nói rằng, đâu có tự ái, đấy có tử thần. Ngày nay, quá say sưa với văn minh tột đỉnh của mình, con người hình như đang mất đi ý thức tội lỗi, trong việc quay ra sát hại chính mình, khi trắng trợn nhúng tay vào việc phá thai là những mầm sống của mình, và khi phũ phàng ly dị nhau là xương thịt của mình, chỉ vì chủ nghĩa cá nhân quá khích, hiện thân tự ái tột đỉnh của con người.

 

Về phương diện siêu nhiên, tự ái là kẻ thù không đội trời chung của Đức Ái, của Thánh Sủng mà Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy Tái Sinh. Nếu chúng ta càng yêu mình, Thánh Sủng hay Ơn Thánh cũng vậy, là Tình Yêu của Thiên Chúa, mà chúng ta gọi tắt là Đức Ái, ở trong chúng ta sẽ bị chết nghẹt, sẽ không thể nào, như thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô, đoạn 3, câu 17, viết: đâm rễ sâu trong đời sống của chúng ta được. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã xác quyết trong Phúc Âm thánh Gioan, đoạn 12, câu 25: Ai yêu sự sống mình sẽ mất sống, còn ai ghét sự sống mình trên đời này sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời.

 

Đừng căn cứ vào việc làm tốt lành của một người, chẳng hạn, họ đọc kinh, dự lễ và rước lễ hằng ngày, ăn chay hãm mình hằng tuần, tham gia đủ mọi hội đoàn, hết mình hy sinh công của cho việc nhà Chúa v.v. mà vội cho họ là người nhân đức, là thánh sống. Cũng có thể họ thật sự là một thánh sống, nếu đời sống đạo hạnh của họ ấy trổ sinh những nhân đức anh hùng. Chẳng hạn, như khi bị người ta cho mình là giả hình hay sống như thế là để lấy lòng cha v.v. người ấy vẫn không tỏ ra bực tức, trái lại, vẫn đối xử rất tốt lành với những người dèm pha mình như thường. Chẳng hạn, như thấy ai tài giỏi, thánh đức hơn mình, người ấy chẳng những không ghen tương, tranh chấp, trái lại, còn mừng rỡ cho họ, lại còn để ý bắt chước và học hỏi họ nữa. Chẳng hạn, như người ấy có công, tài giỏi lại nhân đức như vậy mà cha lại không dùng hay đang được dùng thì bị mất tín nhiệm và cuối cùng bị bãi nhiệm, người ấy chẳng những không buồn bực, bất mãn, trả đũa, chọc gậy bánh xe, trái lại, sẵn sàng rút lui ngay và nếu cha cần lại nhào ra giúp cha như trước v.v.

 

Nhưng, làm sao biết được đâu là tự ái để mà dẹp nó đi và diệt nó đi. Tự ái thường được bộc lộ qua ba hình thức là tự kiêu, tự mãn và bất mãn. Tự ái được bộc lộ qua hình thức tự kiêu ở chỗ đề cao mình và coi thường người không bằng mình hoặc không được như mình, luôn chủ quan cho mình là đúng và cố chấp không nghe lời ai bao giờ, có thất bại vì chủ quan cũng cố chấp không chịu nhận lỗi để sửa sai v.v. Tự ái được bộc lộ qua hình thức thỏa mãn ở chỗ thích được khen tặng, danh tiếng, chức quyền, ghen với những người hơn mình, sợ bị chê bai, chỉ trích v.v. Tự ái được bộc lộ qua hình thức bất mãn ở chỗ khó chịu bực tức khi làm gì không được như ý hay gặp bất cứ sự gì trái ý.

 

Sự Sống Thần Linh trong người Kitô hữu là sự sống mà Chúa Kitô hiền lành và khiêm nhượng trong lòng (Mathêu 11:29) đã tự hiến cho họ, chỉ có thể tồn tại và phát triển cho đến khi đạt đến tầm vóc toàn vẹn của Chúa Kitô là Đầu (Êphêsô 4:15), với điều kiện là tự ái của họ phải mục nát đi để làm phân bón cho hạt giống Ơn Thánh đã được gieo vào trong con người họ qua Bí Tích Rửa Tội mà thôi.

 

 

Cải Thiện Sự Vô Ơn

 

Điều thứ ba phải cải thiện, đó là sự vô ơn của con người. Thật vậy, dù con người tự ái đến đâu đi nữa, nếu còn nhận biết ơn Chúa ban cho mình và tình Chúa yêu thương mình, họ chắc chắn sẽ cải thiện và cải thiện một cách dễ dàng và mau chóng. Vì tự ái mà con người đã theo ý riêng phạm tội mất lòng Chúa. Và, cũng vì con người tự ái theo ý riêng phạm tội mất lòng Chúa mà Chúa vô cùng nhân lành mới cứu chuộc con người. Phần con người, chỉ cần nhận biết tình yêu Chúa là con người được cứu độ.

 

Người Kitô hữu thực sự đã được cứu độ khi họ tin và chịu phép Rửa Tội (Marcô 16:16). Thế nhưng, người Kitô hữu chỉ hoàn toàn hưởng được trọn vẹn ơn cứu độ này khi họ không còn sống cho con người của mình nữa, một con người đã chết trong tử giá của Chúa Kitô, mà sống con người mới trong Chúa Kitô phục sinh. Tuy nhiên, người Kitô hữu làm sao có thể thông hưởng trọn vẹn ơn cứu độ nơi họ khi họ sống như một kẻ không biết gì hay không để ý gì đến kho tàng Ơn Thánh vô cùng qúi giá ở trong họ là Tình Yêu Thiên Chúa ở với họ.

 

Chính vì người Kitô hữu không nhớ đến Ơn Thánh và sống gắn bó với Ơn Thánh là Tình Yêu Thiên Chúa ở với họ, làm cho họ sống Sự Sống Thần Linh, Sự Sống Thiên Chúa, mà họ đã bị tự ái chi phối, ý riêng điều khiển, đến nỗi, nhiều khi chẳng những đã phạm tội thông thường mất lòng Chúa, đôi khi còn phạm cả những tội bất thường làm đau lòng Chúa hơn nữa, như tội lộng ngôn.

 

Ngày 10/12/1925, Mẹ Maria đã hiện ra với chị Lucia ở Pontevedra, Tây Ban Nha, tay bồng Chúa Hài Nhi, tay cầm Trái Tim bị gai nhọn quấn quanh. Cả Chúa hài Nhi và Đức Mẹ đều kêu gọi chị Lucia đền tạ Trái Tim Mẹ là Trái Tim bị gai nhọn quấn quanh bởi những kẻ vô ơn hằng liên lỉ đâm vào. Những gai mà những kẻ vô ơn hằng liên lỉ đâm vào Trái Tim Mẹ đây là gì, Mẹ Maria đã nói cho chị Lucia biết rằng, đó là: những lộng ngôn và bội bạc của họ.

 

Vậy, cải thiện đời sống đối với Chúa và Đức Mẹ và tinh thần Sứ Điệp Fatima đúng là ở tại nhận biết lòng yêu thương vô cùng bao la và cao cả của các Ngài mà trở về với các Ngài. Chính Tình Yêu Chúa trong người Kitô hữu sẽ thắng tội lỗi là ý riêng của họ và tử thần là tự ái trong họ, làm cho họ nên Thánh vì Ngài là Đấng Thánh.



Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL