GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 3/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.
___________________________________________
NGÀY 28 CHÚA NHẬT V Mùa Chay
Chúa Giêsu đã viết những gì trên đất
Nếu để ý chúng ta sẽ thấy Bài Phúc Âm trong phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay hơi lạ. “Lạ” không phải ở nội dung của bài Phúc Âm mà là ở chỗ bài Phúc Âm khác thánh ký. Nghĩa là, thay vì vẫn theo Phúc Âm Thánh Luca của chu kỳ Phụng Niên Năm C thì lại là Phúc Âm Thánh Gioan; không riêng gì chu kỳ Năm C mà cả chu kỳ Năm A và B nữa, cũng đều theo Phúc Âm Thánh Gioan, với ba bài Phúc Âm khác nhau hợp với ý hướng của mỗi chu kỳ. Như chu kỳ Năm A với bài Phúc Âm Thánh Gioan về việc Lazarô được Chúa Giêsu hồi sinh, chu kỳ Năm B với bài Phúc Âm về hạt lúa miến mục nát đi liên quan đến cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, và chu kỳ Năm C với bài Phúc Âm về người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang. Chúng ta thấy sự kiện Giáo Hội cố ý chọn và xen kẻ Phúc Âm Thánh Gioan vào cả ba chu kỳ A, B, C cho Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Chay này cũng đã xẩy ra cho cả Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh nữa.
Ngoài ra, nếu để ý, chúng ta còn thấy một sự kiện đặc biệt nữa là, chúng ta được phép sử dụng ba bài Phúc Âm Thánh Gioan riêng cho bất cứ ngày nào trong tuần, kể cả Chúa Nhật, cho cả ba chu kỳ A, B, C, từ tuần lễ thứ ba tới tuần lễ thứ năm của Mùa Chay. Như bài Phúc Âm cho tuần lễ Thứ Ba Mùa Chay về người phụ nữ Samaritanô bên bờ giếng Giacóp được Chúa Giêsu tỏ mình ra cho, bài Phúc Âm cho tuần lễ Thứ Bốn về người mù từ lúc mới sinh được Chúa chữa lành, và bài Phúc Âm cho tuần lễ Thứ Năm về Lazarô chết bốn ngày được Chúa Giêsu hồi sinh.
Riêng bài Phúc Âm Thánh Gioan của chu kỳ Năm C cho Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Chay hôm nay, chúng ta thấy rất hợp với riêng chu kỳ phụng vụ Năm C. Tại sao? Theo tôi, tại vì bài Phúc Âm về thái độ Chúa Giêsu đối với người đàn bà bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình là trường hợp rất thực tế để chúng ta có thể thực sự thấy được ý nghĩa của những gì Chúa Giêsu muốn nói trong dụ ngôn về người con phung phá cũng là dụ ngôn người cha vô cùng nhân ái xót thương ở tuần Thứ Tư Mùa Chay Năm C vừa rồi. Thật vậy, sau khi đã kêu gọi con người cải thiện đời sống ở bài Phúc Âm Chúa Nhật III Mùa Chay Năm C hai tuần trước, và sau khi cho con người thấy tình thương vô biên và vô cùng cao cả của một người cha đối với cả đứa con phung phá lẫn đứa con hoang đàng trong dụ ngôn của bài Phúc Âm Thánh Ký Luca cho Chúa Nhật Thứ IV Mùa Chay Năm C vừa rồi, tuần này, để thực tế hóa và diễn giải cụ thể ý nghĩa dụ ngôn tuần vừa rồi, Giáo Hội chọn bài Phúc Âm của Thánh Ký Gioan về thái độ của Chúa Giêsu đối với người nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Thật vậy, đứa con phung phá đây chính là người đàn bà ngoại tình, đứa con cả đây là thành phần tự cho mình công chính, tức luôn ở bên cha và làm theo ý cha, qua việc kỹ lưỡng tuân giữ lề luật, đòi ném đá chị ta, và lòng yêu thương của người cha đối với cả hai đứa con đây được thể hiện sống động nơi thái độ Chúa Giêsu tỏ ra cho cả người nữ ngoại tình và nhóm tố cáo chị.
Ở đây Chúa Giêsu đã bắn 1 phát súng nhưng trúng hai con chim một lúc. Con chim thứ nhất là thành phần muốn ném đá người đàn bà bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình, tức là làm cho thành phần này tự kiểm và tự rút lui không dám ném đá chị ta nữa. Nghĩa là Người làm lợi ích thiêng liêng cho họ. Con chim thứ hai là người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình khỏi chết, dù chị thực sự đáng chết theo luật Moisen. Nhưng nhờ thoát chết về phần xác ấy mà chị đã tỉnh ngộ trước lòng nhân từ của Chúa mà được sống phần hồn.
Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là, tại sao người đàn bà ngoại tình này, biết trước được rằng, hậu quả của việc ngoại tình mình phạm, theo lề luật Moisen, chắc chắn sẽ làm cho mình bị ném đá chết, mà còn cứ phạm? Phải chăng, một là vì chị tin rằng việc làm tội lỗi của chị không ai có thể nào biết được? Hai là vì chị bị nhóm luật sĩ và biệt phái gài bẫy để họ có thể bắt quả tang chị, nhờ đó họ có thể dùng chị như một con mồi để nhử bắt lỗi Chúa Giêsu, như bài Phúc Âm đề cập đến.
Nếu thực sự người đàn bà ngoại tình này không bị nhóm luật sĩ và Pharisiêu gài bẫy, thì câu truyện của nàng cho chúng ta thấy được hai điểm tâm lý hết sức chân thực sau đây: thứ nhất, đó là tình yêu mạnh hơn sự chết, vì dù biết mình có thể bị ném đá chết theo lề luật, nàng cũng cứ phạm, nghĩa là không thể nào không trao thân cho người mình yêu, dù bất chính; và thứ hai, đó là, lề luật không thể cản trở tự do của con người, hay nói cách khác, con người muốn được sống tự do thoải mái chứ không muốn bị ràng buộc bởi lề luật là những gì làm con người không thể đạt đến sự sống viên mãn hơn. Đó là lý do Thánh Phaolô đã xác tín và khẳng định trong Thư gửi Giáo Đoàn Galata ở đoạn 4 câu 4 như sau: “Đến thời gian ấn định, Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến, sinh ra bởi một người phụ nữ, sinh ra theo lề luật để giải cứu khỏi lề luật những ai bị lụy thuộc lề luật, để nhờ đó chúng ta được trở thành những đức con thừa nhận”. Tuy nhiên, ở đây tôi muốn chia sẻ về những gì tôi đã gợi ý từ đầu liên quan giữa sự kiện người đàn bà ngoại tình trong bài Phúc Âm hôm nay với dụ ngôn người con phung phá trong bài Phúc Âm tuần trước.
Thật vậy, người đàn bà ngoại tình này quả thực là tiêu biểu cho những đứa con phung phá. Phung phá ở chỗ nàng đã tự hủy bỏ lề luật là phương tiện giúp con người nên tốt lành hơn; phung phá ở chỗ nàng đã làm tổn hại trầm trọng đến nhân phẩm làm người cao quí của nàng; phung phá ở chỗ nàng đã làm ô uế cả thân xác của nàng, một thân xác mà nếu đã lập gia đình, nàng càng cần phải giữ gìn trong sạch theo bậc sống hôn nhân của nàng, đối với chồng nàng cũng như con cái của nàng; chưa hết, hành động vụng trộm ngoại tình yêu cuồng sống vội của nàng này còn làm phung phá cả gia tài hạnh phúc của gia đình người khác nữa.
Tuy nhiên, nếu người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang này là người con phung phá như thế, thì thành phần luật sĩ và biệt phái dẫn nàng đến với Chúa Giêsu để tố cáo nàng trước khi ném đá nàng đóng vai người con cả, người con tưởng mình và tự cho mình là công chính vì lúc nào cũng giữ trọn lề luật, không làm gì sai trái, lại chính là người con hoang đàng. Tại sao? Tại vì, theo Mạc Khải Cựu Ước, tội lỗi tự bản chất chính là một hành động “ngoại tình”, là hành động tôn thờ ngẫu tượng, là bỏ Chúa là Thiên Chúa chân thật duy nhất của mình mà đi tôn thờ ngẫu tượng hay ngoại tình với ngẫu tượng. Và đã là người thì không ai là không có tội, bằng không, như Thánh Gioan khẳng định trong Thư Thứ Nhất, đoạn 1 câu 8: “Nếu chúng ta nói rằng ‘Chúng ta không có lỗi lầm gì’ là chúng ta tự dối mình; sự thật không có nơi chúng ta”. Chính vì thế, ngay sau khi Chúa Giêsu vừa đặt vấn đề: “ai trong quí vị không có tội thì hãy ném đá chị ta trước đi”, thì Phúc Âm cho biết: “Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu từ người già đời nhất”.
Qua câu truyện điển hình này, chúng ta chẳng những thấy được hình ảnh người con phung phá nơi người đàn bà ngoại tình, người con hoang đàng nơi thành phần luật sĩ và biệt phái tố cáo chị bấy giờ, mà còn thấy được cả hình ảnh một người cha vô cùng nhân ái xót thương nữa, ở chỗ, Người đã ra tay cứu người chị như cứu một đứa con phung phá, chẳng những thoát khỏi bị ném đá chết phần xác mà còn khỏi bị hủy diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục nữa, qua lời tha tội và khuyên nhủ chị như sau: “Tôi không luận tội chị đâu. Chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội này nữa nhé”.
Thật là hết sức cảm xúc khi đọc đến đoạn kết của bài Phúc Âm hôm nay: “Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và hỏi nàng: ‘Này chị, những người cáo chị đâu hết rồi? Không ai kết án chị ư?’ Nàng đáp: ‘Dạ thưa không có ai hết’. Chúa Giêsu nói: ‘Tôi cũng thế, Tôi không luận tội chị đâu”. Ôi, để chúng ta có thể hiểu được lòng Chúa vô cùng nhân ái xót thương và lúc nào cũng hết sức thông cảm với bản tính yếu đuối hèn hạ của chúng ta biết là chứng nào, Người đã phải hạ mình xuống, đem tình thương vô cùng bao la cao cả của mình so sánh với tình thương vô cùng thấp hèn hạn hẹp của nhân loại chúng ta. Nếu không ai chấp tội người nữ ngoại tình thì Chúa Giêsu cũng không luận tội chị nghĩa là gì, nếu không phải, người ta là loài thuộc về hạ giới hay chấp nhất nhau, tố cáo nhau, bắt bẻ nhau, mà còn biết thông cảm và tha thứ cho nhau thì Thiên Chúa thuộc về thượng giới chắc chắn sẽ tha thứ cho con người chúng ta đến đâu!
Tuy nhiên, trong câu truyện này có một chi tiết chắc chắn làm cho tất cả chúng ta đều thắc mắc và hết sức muốn biết ý nghĩa của chi tiết ấy ra sao. Chi tiết đó là hành động Chúa Giêsu cúi xuống viết trên đất hai lần, một lần sau khi nghe nhóm luật sĩ và biệt phái tố cáo chị phụ nữ ngoại tình, và một lần sau khi Người trả lời cho họ. Tại sao Người làm như thế và nhất là Người viết những gì trên đất lúc bấy giờ?
Theo tôi, nếu chúng ta biết được những gì Chúa Giêsu viết trên mặt đất lúc bấy giờ thì cũng biết được lý do tại sao Người hành động như vậy. Thế nhưng, để khả đoán được những chữ Chúa Giêsu có thể viết, chúng ta lại phải căn cứ vào những ám chỉ liên quan đến ngón tay và mặt đất nữa, bởi vì Chúa Giêsu không lấy que mà viết trên đất hay lấy ngón tay mà viết trên tường. Trước hết, theo Mạc Khải Cựu Ước, “đất” ở đây liên quan đến sự thật, cũng như trời liên quan đến công lý, như Thánh Vịnh 85 câu 12 đã cho thấy điều này: “Chân lý vọt lên từ đất và công lý nhìn xuống từ trời”. Đất đây là hạ giới, là thế gian, là nhân tính, so với trời là thượng giới, là thiên đàng, là thần tính. Sau nữa, theo Mạc Khải Tân Ước, “ngón tay” ở đây liên quan Thần Linh Chúa, như trong câu Chúa Giêsu trả lời cho nhóm biệt phái cho rằng Người lấy quyền của quỉ vương mà trừ quỉ ở Phúc Âm Thánh Luca đoạn 11 câu 20: “Nếu bởi ngón tay Thiên Chúa mà Tôi trừ quỉ thì triều đại Thiên Chúa đã đến với quí vị rồi vậy”, nhưng trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 12 câu 28 thì “Nếu bởi Thần Linh Thiên Chúa mà Tôi trừ quỉ thì triều đại Thiên Chúa đã đến với quí vị rồi vậy”. Như thế, nếu “đất” ở đây là thế gian, nơi vọt lên “chân lý”, và “ngón tay” là biểu hiệu cho Thần Linh Chúa, thì Chúa Giêsu dùng ngón tay viết trên đất đây nghĩa là Thần Linh làm cho đất là thế gian nhận biết chân lý, như lời Chúa Giêsu phán với các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly ở Phúc Âm Thánh Gioan, đoạn 16 câu 8: “Khi Người đến, Người sẽ cho thế gian thấy thế gian sai lầm về tội lỗi, về đức công chính và về hình phạt…”.
Vậy, căn cứ vào thứ tự ba điều Thần Linh Chúa cũng là Thần Chân Lý đến để làm cho thế gian nhận biết chân lý về 3 phương diện này, thì chữ thứ nhất Chúa Giêsu viết trên mặt đất bằng ngón tay của Người sau khi nghe thấy chị phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, đó là chữ “tội lỗi”, một từ ngữ liên quan đến hành động ngoại tình của người phụ nữ bị bắt quả tang, và chữ thứ hai được Chúa Giêsu lấy ngón tay tiếp tục viết trên đất sau khi trả lời cho nhóm tố cáo người phụ nữ ngoại tình này, đó là chữ “công chính”, một từ ngữ liên quan đến nhóm luật sĩ và biệt phái tố cáo nàng. Còn chữ “hình phạt” Chúa Giêsu không cần viết nữa, vì cả thành phần tố cáo người nữ ngoại tình cũng như chính bản thân nàng đã nhận ra chân lý. Nhóm luật sĩ và biệt phái nhận ra sự thật về đức công chính của họ, và người phụ nữ ngoại tình nhận ra sự thật về tội lỗi của chị.
Qua bài Phúc Âm Thánh Gioan cho Chúa Nhật thứ năm Mùa Chay Năm C tuần này, chúng ta thấy được và cần phải áp dụng bốn điều sống đạo hết sức quan trọng và thực tế sau đây: thứ nhất, con người một khi còn sống vẫn có khả năng cải tà quí chánh; thứ hai, đau khổ là hậu quả của tội lỗi có tác dụng đánh thức tội nhân để họ nhận ra chân thiện mỹ; thứ ba, không thể khinh thường bất cứ một ai, dù họ tội lỗi đến đâu đi nữa; thứ bốn, thành phần đạo đức tốt lành song không biết thông cảm với tội nhân thì vẫn còn xa đường nhân đức trọn lành, còn là những đứa con hoang đàng, tức vẫn cần cải thiện đời sống như ai.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
CẢI THIỆN ÐỜI SỐNG:
Cải Thiện: Những Gì?
Nếu chúng ta đã biết được bản chất của việc cải thiện là gì và ở chỗ nào, thì chúng ta cũng sẽ biết được những gì chúng ta cần phải cải thiện.
Nếu bản chất của việc cải thiện là canh tân nội tâm và ở chỗ sợ tội, thì điều phải cải thiện chính là tội lỗi được biểu lộ qua ý riêng của con người.
Nếu bản chất của việc cải thiện là canh tân nội tâm để tìm Chúa và ở tại việc làm theo ý Chúa, thì điều phải cải thiện là tự ái của con người.
Nếu bản chất của việc cải thiện là trở về với tình yêu Thiên Chúa và ở tại nhận biết Thiên Chúa, thì điều phải cải thiện là sự vô ơn của con người.
Cải Thiện Ý Riêng
Tội lỗi là gì, nếu không phải là những điều làm mất lòng Chúa. Những điều làm mất lòng Chúa là gì, nếu không phải là những điều làm trái với ý của Ngài. Những điều làm trái với ý của Thiên Chúa là gì, nếu không phải là những điều tạo vật nói chung và con người nói riêng không được phép làm. Những điều con người không được phép làm là gì, nếu không phải là những điều con người đã làm theo ý riêng của mình. Con người làm theo ý riêng của mình trong những điều không được phép làm, những điều phản lại với ý muốn của Thiên Chúa là gì, nếu không phải là con người phạm tội làm mất lòng Chúa. Việc ăn trái cấm của hai nguyên tổ không phải là việc hai ông bà làm theo ý riêng của mình, những việc hai ông bà không được phép làm, vì là việc làm trái với ý muốn của Thiên Chúa hay sao?
Một trong những lý do cần phải cải thiện đời sống là vì chúng ta là kẻ có tội. Là kẻ có tội tức là chúng ta là kẻ đã coi ý riêng của mình hơn ý Chúa và đã theo ý riêng của mình hơn ý của Chúa trong những điều không được phép làm, trong những điều mất lòng Chúa. Do đó, cải thiện tội lỗi của mình chính là từ bỏ ý riêng của mình cho ý muốn của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu, trong Phúc Âm thánh Mathêu, đoạn 16, câu 24, đã chẳng kêu gọi những ai muốn theo Ngài phải bỏ mình đi là gì. Đúng thế, muốn theo Chúa, con người phải bỏ mình đi thế nào, thì muốn làm theo ý Chúa, con người cũng phải từ bỏ ý riêng của mình đi như vậy.
Thật ra, tự bản chất, ý riêng của con người không có gì là xấu, vì ý riêng của con người nói lên con người là loài có tự do và vì nó là khả năng hướng con người về sự thiện là đối tượng tối cao của nó, để nhờ sự thiện, con người được nên trọn hảo hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế, ý riêng của con người có thể chia ra làm 3 loại: xấu xa, tốt lành và thiện hảo. Ý riêng xấu xa là những ý muốn làm điều lợi cho mình nhưng hại cho tha nhân, chẳng hạn, ý của Cain muốn sát hại Abel em mình. Ý riêng tốt lành là những ý muốn lợi cho mình nhưng không bất lợi cho bất cứ một ai, chẳng hạn, ý của Abraham muốn người con duy nhất của mình là Isaac nối giòng cho mình. Ý riêng thiện hảo là ý muốn sống làm sao cho đẹp lòng Chúa nhất, chẳng hạn, ý của Mẹ Maria muốn giữ mình đồng trinh.
Trong ba loại ý riêng này, ý riêng xấu xa, tự bản chất là tội lỗi, tất nhiên là điều phải từ bỏ đầu tiên và phải cải thiện lại trước nhất. Đối với hai loại ý riêng sau, dù có tốt lành và thiện hảo mấy đi nữa, nếu không hợp với ý Chúa hay không đúng như ý Chúa muốn, con người cũng phải từ bỏ. Abraham đã không từ bỏ ý riêng tốt lành của mình trong việc vâng theo ý Chúa đem Isaac là đứa con duy nhất để làm giống cho mình đi tế lễ Chúa hay sao (xem Sáng Thế Ký 22:1-14)? Mẹ Maria cũng đã không từ bỏ ý riêng thiện hảo của mình trong việc giữ mình đồng trinh tận hiến cho Thiên Chúa để xin vâng làm Mẹ Chúa Cứu Thế, sống đời sống gia đình với thánh Giuse hay sao (xem Mathêu 1:18-25 và Luca 1:26-38).
Do đó, cái đầu tiên phải cải thiện, đó là ý riêng của con người, nếu ý riêng của con người không hợp với ý Chúa, không đúng với ý Chúa, nhất là khi nó nghịch lại với ý Chúa. Ngày nay, hơn bao giờ hết, nhờ văn minh, con người nhận ra quyền lực và quyền lợi làm nên giá trị bất khả xâm phạm của con người mình, do đó, con người càng đề cao ý riêng và đòi hỏi thỏa mãn ý riêng, kể cả những cái không được phép, chẳng hạn ly dị hay phá thai. Tệ hơn nữa, những ý riêng hoàn toàn phản lại với ý muốn của Thiên Chúa qua những nguyên tắc luân lý phổ quát này lại được chính con người lạm dụng quyền bính của mình hợp thức hoá bằng những khoản luật cho phép phá thai và ly dị. Có thể nói, đây là những trái cấm thời đại mà con người đang nuốt vào để chuốc lấy án phát của Thiên Chúa, Đấng đã ban cho con người quyền tự do làm mọi sự trừ những những cái phạm đến lương tâm là cây biết lành biết dữ được Ngài trồng ngay giữa bản tính của con người.
Nhưng, làm thế nào để biết được ý riêng của mình không hợp với ý Chúa, không đúng với ý Chúa hay nghịch lại với ý Chúa để mà từ bỏ, mà cải thiện, nếu không phải căn cứ vào lề luật của Chúa cũng như của Giáo Hội, vào Lời của Chúa và vào lương tâm của mình.
Nếu căn cứ vào lề luật của Chúa cũng như của Giáo Hội thì những điều gì, theo ý riêng của chúng ta, muốn làm trái với mười điều răn Chúa và sáu luật điều của Hội Thánh đều là tội và phải cải thiện lại. Nếu căn cứ vào Lời của Chúa thì tất cả những điều gì, theo ý riêng của chúng ta, không hợp với nguyên tắc trọn lành, như chấp nhất nhau, không chịu tha thứ cho nhau, đều là những điều bất hảo, cũng cần phải cải thiện lại. Nếu căn cứ vào lương tâm của chúng ta thì tất cả những điều gì, theo ý riêng của chúng ta, không đúng với hiện sủng mà Chúa muốn đánh động chúng ta từng lúc, như dâng hy sinh cho Chúa, đều là những điều không trọn lành, cũng cần phải cải thiện lại.
Cải Thiện Tự Ái
Điều thứ nhất phải cải thiện, đó là ý riêng, và điều thứ hai phải cải thiện, đó là tự ái. Tự ái mới là điều đáng chú ý để mà cải thiện hơn là ý riêng. Tại sao thế? Bởi vì, nếu không có tự ái, con người cũng không có ý riêng. Thật vậy, nếu con người biết ghét sự sống mình đúng như Lời Chúa dạy trong Phúc Âm thánh Gioan, đoạn 12, câu 25, thì con người cũng không còn theo ý riêng của mình nữa.
Luxiphe sở dĩ kiêu ngạo dám đứng lên chống lại ý định nhập thể của Thiên Chúa để trở thành Satan không phải là vì đã tự ái, không muốn Thiên Chúa nhập thể, mặc lấy bản tính loài người là loài vốn thấp hèn hơn mình một trời một vực hay sao?
Loài người ngay từ ban đầu cũng thế, dù có bị rắn qủi cám dỗ đi nữa, nếu không tự ái, không yêu mình hơn Thiên Chúa, như Chúa đã minh định trước khi tuyên phạt con người, vì ngươi đã nghe vợ mà ăn trái Ta cấm ngươi ăn (Sáng Thế Ký 3:17), con người cũng đã không sa ngã phạm tội mất lòng Chúa.
Bởi thế, trong việc cải thiện, chỉ cần để ý dẹp tự ái hay diệt tự ái là chúng ta có thể kiếm chế được ý riêng, cái làm nên tội lỗi. Nếu không để ý diệt tự ái hay chịu khó dẹp tự ái, thì đừng nói đến việc cải thiện đời sống mà làm gì.
Nếu ý riêng của con người làm nên hỏa ngục, thì tự ái của con người là lửa hỏa ngục. Chính tự ái là ngòi chiến tranh, là mầm chia rẽ, là giông tố tàn phá tất cả mọi sự tốt lành nhất, thánh thiện nhất, từ cá nhân đến gia đình, xã hội và thế giới. Phải nói rằng, đâu có tự ái, đấy có tử thần. Ngày nay, quá say sưa với văn minh tột đỉnh của mình, con người hình như đang mất đi ý thức tội lỗi, trong việc quay ra sát hại chính mình, khi trắng trợn nhúng tay vào việc phá thai là những mầm sống của mình, và khi phũ phàng ly dị nhau là xương thịt của mình, chỉ vì chủ nghĩa cá nhân quá khích, hiện thân tự ái tột đỉnh của con người.
Về phương diện siêu nhiên, tự ái là kẻ thù không đội trời chung của Đức Ái, của Thánh Sủng mà Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy Tái Sinh. Nếu chúng ta càng yêu mình, Thánh Sủng hay Ơn Thánh cũng vậy, là Tình Yêu của Thiên Chúa, mà chúng ta gọi tắt là Đức Ái, ở trong chúng ta sẽ bị chết nghẹt, sẽ không thể nào, như thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô, đoạn 3, câu 17, viết: đâm rễ sâu trong đời sống của chúng ta được. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã xác quyết trong Phúc Âm thánh Gioan, đoạn 12, câu 25: Ai yêu sự sống mình sẽ mất sống, còn ai ghét sự sống mình trên đời này sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời.
Đừng căn cứ vào việc làm tốt lành của một người, chẳng hạn, họ đọc kinh, dự lễ và rước lễ hằng ngày, ăn chay hãm mình hằng tuần, tham gia đủ mọi hội đoàn, hết mình hy sinh công của cho việc nhà Chúa v.v. mà vội cho họ là người nhân đức, là thánh sống. Cũng có thể họ thật sự là một thánh sống, nếu đời sống đạo hạnh của họ ấy trổ sinh những nhân đức anh hùng. Chẳng hạn, như khi bị người ta cho mình là giả hình hay sống như thế là để lấy lòng cha v.v. người ấy vẫn không tỏ ra bực tức, trái lại, vẫn đối xử rất tốt lành với những người dèm pha mình như thường. Chẳng hạn, như thấy ai tài giỏi, thánh đức hơn mình, người ấy chẳng những không ghen tương, tranh chấp, trái lại, còn mừng rỡ cho họ, lại còn để ý bắt chước và học hỏi họ nữa. Chẳng hạn, như người ấy có công, tài giỏi lại nhân đức như vậy mà cha lại không dùng hay đang được dùng thì bị mất tín nhiệm và cuối cùng bị bãi nhiệm, người ấy chẳng những không buồn bực, bất mãn, trả đũa, chọc gậy bánh xe, trái lại, sẵn sàng rút lui ngay và nếu cha cần lại nhào ra giúp cha như trước v.v.
Nhưng, làm sao biết được đâu là tự ái để mà dẹp nó đi và diệt nó đi. Tự ái thường được bộc lộ qua ba hình thức là tự kiêu, tự mãn và bất mãn. Tự ái được bộc lộ qua hình thức tự kiêu ở chỗ đề cao mình và coi thường người không bằng mình hoặc không được như mình, luôn chủ quan cho mình là đúng và cố chấp không nghe lời ai bao giờ, có thất bại vì chủ quan cũng cố chấp không chịu nhận lỗi để sửa sai v.v. Tự ái được bộc lộ qua hình thức thỏa mãn ở chỗ thích được khen tặng, danh tiếng, chức quyền, ghen với những người hơn mình, sợ bị chê bai, chỉ trích v.v. Tự ái được bộc lộ qua hình thức bất mãn ở chỗ khó chịu bực tức khi làm gì không được như ý hay gặp bất cứ sự gì trái ý.
Sự Sống Thần Linh trong người Kitô hữu là sự sống mà Chúa Kitô hiền lành và khiêm nhượng trong lòng (Mathêu 11:29) đã tự hiến cho họ, chỉ có thể tồn tại và phát triển cho đến khi đạt đến tầm vóc toàn vẹn của Chúa Kitô là Đầu (Êphêsô 4:15), với điều kiện là tự ái của họ phải mục nát đi để làm phân bón cho hạt giống Ơn Thánh đã được gieo vào trong con người họ qua Bí Tích Rửa Tội mà thôi.
Cải Thiện Sự Vô Ơn
Điều thứ ba phải cải thiện, đó là sự vô ơn của con người. Thật vậy, dù con người tự ái đến đâu đi nữa, nếu còn nhận biết ơn Chúa ban cho mình và tình Chúa yêu thương mình, họ chắc chắn sẽ cải thiện và cải thiện một cách dễ dàng và mau chóng. Vì tự ái mà con người đã theo ý riêng phạm tội mất lòng Chúa. Và, cũng vì con người tự ái theo ý riêng phạm tội mất lòng Chúa mà Chúa vô cùng nhân lành mới cứu chuộc con người. Phần con người, chỉ cần nhận biết tình yêu Chúa là con người được cứu độ.
Người Kitô hữu thực sự đã được cứu độ khi họ tin và chịu phép Rửa Tội (Marcô 16:16). Thế nhưng, người Kitô hữu chỉ hoàn toàn hưởng được trọn vẹn ơn cứu độ này khi họ không còn sống cho con người của mình nữa, một con người đã chết trong tử giá của Chúa Kitô, mà sống con người mới trong Chúa Kitô phục sinh. Tuy nhiên, người Kitô hữu làm sao có thể thông hưởng trọn vẹn ơn cứu độ nơi họ khi họ sống như một kẻ không biết gì hay không để ý gì đến kho tàng Ơn Thánh vô cùng qúi giá ở trong họ là Tình Yêu Thiên Chúa ở với họ.
Chính vì người Kitô hữu không nhớ đến Ơn Thánh và sống gắn bó với Ơn Thánh là Tình Yêu Thiên Chúa ở với họ, làm cho họ sống Sự Sống Thần Linh, Sự Sống Thiên Chúa, mà họ đã bị tự ái chi phối, ý riêng điều khiển, đến nỗi, nhiều khi chẳng những đã phạm tội thông thường mất lòng Chúa, đôi khi còn phạm cả những tội bất thường làm đau lòng Chúa hơn nữa, như tội lộng ngôn.
Ngày 10/12/1925, Mẹ Maria đã hiện ra với chị Lucia ở Pontevedra, Tây Ban Nha, tay bồng Chúa Hài Nhi, tay cầm Trái Tim bị gai nhọn quấn quanh. Cả Chúa hài Nhi và Đức Mẹ đều kêu gọi chị Lucia đền tạ Trái Tim Mẹ là Trái Tim bị gai nhọn quấn quanh bởi những kẻ vô ơn hằng liên lỉ đâm vào. Những gai mà những kẻ vô ơn hằng liên lỉ đâm vào Trái Tim Mẹ đây là gì, Mẹ Maria đã nói cho chị Lucia biết rằng, đó là: những lộng ngôn và bội bạc của họ.
Vậy, cải thiện đời sống đối với Chúa và Đức Mẹ và tinh thần Sứ Điệp Fatima đúng là ở tại nhận biết lòng yêu thương vô cùng bao la và cao cả của các Ngài mà trở về với các Ngài. Chính Tình Yêu Chúa trong người Kitô hữu sẽ thắng tội lỗi là ý riêng của họ và tử thần là tự ái trong họ, làm cho họ nên Thánh vì Ngài là Đấng Thánh.
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL