GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 3/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.
___________________________________________
NGÀY 29 THỨ HAI
ĐTC với Huấn Từ Truyền Tin về Trẻ Em theo Sứ Điệp Mùa Chay
1. Trong Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, Tôi đã xin các cộng đồng Kitô hữu chú trọng đến trẻ em. Nhiều em đã trở thành nạn nhân của các thứ bệnh tật trầm trọng, kể cả bệnh lao phổi và hội chứng liệt kháng. Các em không được hướng dẫn và chịu đói khổ. Nhiều em nhỏ này hằng ngày tiếp tục bị chết vì thiếu dinh dưỡng và bị hoại dưỡng, thậm chí không có cả những gì tối thiểu bất khả thiếu để sống còn, làm tăng phát những nhu cầu sức khỏe đáng lo ngại.
2. Ở một số phần đất trên thế giới, nhất là ở những xứ nghèo, có những trẻ em và vị thành niên trở thành những nạn nhân của một hình thức bạo lực kinh khiếp. Họ được chiêu mộ để chiến đấu trong những cuộc xung đột được gọi là vô danh. Thật vậy, các em trở thành một thứ hung hăng tàn hại lưỡng diện, ở chỗ các em vừa là nạn nhân vừa là những vai chính của chiến cuộc, đẩy các em vào mối hận thù của thành phần người lớn. Bị hụt hẫng tất cả mọi sự, các em thấy tương lai của các em bị đe dọa bởi một cơn ác mộng khó có thể tan biến.
3. Những người anh em nhỏ bé nhất của chúng ta ấy, thành phần chịu đói khổ, chiến tranh và bệnh tật, đang thảm thiết kêu gọi thế giới người lớn. Chớ gì tiếng kêu gào âm thầm của nỗi đớn đau của họ được lắng nghe! Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng: ‘Ai tiếp nhận một trẻ nào như em nhỏ này là tiếp nhận Thày” (Mt 18:5).
Thời đoạn Mùa Chay kêu gọi Kitô hữu sốt sắng đáp ứng những lời Phúc Âm ấy, bằng cách mang những lời này ra thực hành đối với những em nhỏ đang gặp nguy hiểm và bị bỏ rơi.
Xin Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa hộ giúp các em trong cơn khốn khó và làm sinh hoa kết trái cho những nỗ lực của tất cả những ai yêu thương tìm cách làm dịu bớt những nỗi khổ đau của các em.
Căn cứ vào những lời của ĐTC trên đây liên quan đến vấn đề lực lượng trẻ em chiến đấu, thì theo tường trình của cơ quan truyền giáo của Tòa Thánh là Fides, có 300 ngàn trẻ em, tuổi từ 7 đến 17, đã được sử dụng vào 36 cuộc chiến, nhất là ở Colombia, Myanmar (Burma), Sri Lanka, Afghanistan, Somalia, Burundi và Congo. Nguyên ở Congo có 150 ngàn lính trẻ em. Theo tường trình của Liên Hiệp Quốc thì trong thập niên vừa qua có 2 triệu trẻ em đã chết trong các trận chiến và 4 triệu trẻ em bị tàn tật trầm trọng.
Diễn Đàn Giới Trẻ lần Thứ Tám về Giới Trẻ Đại Học
Thường vào các năm Ngày Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức ở một quốc gia nào đó thì có một cuộc Diễn Đàn Giới Trẻ cho thành phần lãnh đạo hay đại diện giới trẻ ở các giáo phận trên khắp thế giới.
Các cuộc Diễn Đàn Giới Trẻ từ trước đến nay được diễn tiến như sau: lần 1 vào năm 1987 tại Buenos Aires Á Căn Đình, nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần 2; lần 2 vào năm 1989 ở Santiago di Compostela Tây Ban Nha, nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần 4; lần 3 vào năm 1991 ở Czestochowa Balan, nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần 6; lần 4 vào năm 1993 ở Denver Hoa Kỳ, nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần 8; lần 5 vào năm 1995 ở Manila Phi Luật Tân, nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần 10; lần 6 vào năm 1997 ở Paris Pháp quốc, nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần 12; lần 7 vào năm 2000 ở Rôma Ý, nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần 15; riêng năm 2002 Ngày Giới Trẻ Thế Giới 17 ở Toronto Canada không có; và lần 8 vào năm 2004 ở Rocca di Papa gần Rôma, tại Trung Tâm Cho Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn (Centro Mondo Migliore), từ Thứ Tư 31/3 tới Chúa Nhật Lễ Lá 4/4.
Cuộc Diễn Đàn lần 8 này được ngành Giới Trẻ của Hội Đồng Tòa Thánh Về Giáo Dân tổ chức, với sự góp mặt của 2 đại diện giới trẻ được chọn từ hội đồng giám mục các nước, cũng như của đại diện các phong trào và đoàn thể giới trẻ liên quan đến thế giới đại học. Đề tài năm nay là “Giới Trẻ và Đại Học: Làm Chứng Cho Chúa Kitô Nơi Thế Giới Đại Học”.
Cuộc Diễn Đàn sẽ được lắng ngghe những bài trình bày rất hay từ các nơi trên thế giới. Ngày Ử, Thứ Năm, cuộc tham dự viên cuộc Diễn Đàn khoảng 300 giới trẻ này sẽ được triều kiến Đức Thánh Cha và ngày kết thúc vào chính Lễ Lá, Chúa Nhật 4/4, Ngày Giới Trẻ Thế Giới 19.
CẢI THIỆN: TẠI SAO?
Thời gian đã trọn. Nước Thiên Chúa đã gần. HÃY CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG và tin vào Phúc Âm (Marcô 1:15)
Tại sao chúng ta phải cải thiện đời sống?
Chúng ta cần phải cải thiện vì 3 lý do chính yếu sau đây:
- Lý do thứ nhất: vì chúng ta là kẻ có tội nhưng muốn được đời đời cứu rỗi.
- Lý do thứ hai: vì hạt giống Ơn Thánh trong chúng ta cần phải trổ sinh hoa trái.
- Lý do thứ ba: vì Chúa là Thiên Chúa của chúng ta đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi.
1.- Chúng ta cần phải cải thiện: VÌ CHÚNG TA LÀ KẺ CÓ TỘI NHƯNG MUỐN ĐƯỢC ĐỜI ĐỜI CỨU RỖI.
Thật vậy, nếu chúng ta thánh thiện và trọn hảo như các thánh ở trên trời, chúng ta đâu cần phải cải thiện; việc cải thiện đâu có nghĩa gì đối với chúng ta nữa.
Thế nhưng, ai trong chúng ta dám cho mình là đã nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành? Thánh Gioan viết trong thư thứ nhất, đoạn 1, câu 10 như sau: Nếu chúng ta nói mình không bao giờ phạm tội là chúng ta cho Người (Chúa Kitô) là gian trá và lời của Người không có ở trong chúng ta. Bởi thế, còn sống trên đời là chúng ta còn phải liên lỉ cải thiện đời sống.
Nếu không cải thiện đời sống, chắc chắn, theo tự nhiên, chúng ta sẽ không được cứu rỗi và sẽ hư đi đời đời.
Chúa Giêsu, qua Phúc Âm thánh Mathêu, đoạn 11, từ câu 20 đến câu 24, đã chẳng khẳng định điều này hay sao, khi Người mạnh mẽ cảnh áo thẳng vào mặt những thành thị mà Người đã làm nhiều phép lạ nhất song họ vẫn không chịu cải hối: 'Khốn cho ngươi, hỡi Chorazin! Cũng khốn cả cho ngươi, hỡi Bethsaida! Nếu các phép lạ xẩy ra nơi các ngươi đã xẩy ra nơi Tyre và Sidon, thì họ đã mặc áo nhặm và bỏ tro trên đầu từ lâu rồi. Ta bảo thật các ngươi, vào ngày phán quyết, Tyre và Sidon sẽ được khoan dung hơn các ngươi. Còn ngươi cũng thế, hỡi apernaum, há ngươi đã chẳng được đưa lên tận trời sao, song ngươi sẽ bị sa vào cõi chết! Nếu các phép lạ được thực hiện nơi ngươi mà làm ở Sodom, hẳn nó vẫn còn tồn tại cho tới bây giờ. Ta bảo thật cho ngươi biết, trong ngày phán quyết, Sodom sẽ được khoan dung hơn ngươi.
Theo kinh nghiệm bản thân của một người Kitô hữu, chúng ta cũng cảm thấy được rằng, nếu không cải thiện đời sống, chúng ta khó lòng mà
được rỗi linh hồn.
Không phải hay sao, theo tự nhiên, về tâm trí, con người mà bản tính đã vướng mắc nguyên tội của chúng ta vốn có xu hướng yêu tối tăm hơn ánh sáng (Gioan 3:19), và, về khả năng hướng thiện và làm lành, bản chất thì yếu nhược (Mathêu 26:41). Bởi đó, chúng ta chỉ muốn đi theo con đường rộng, con đường không đòi phải bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo Chúa (Mathêu 16:24), con đường dễ chịu cho thân xác, tôn thờ cái tôi và phụng dưỡng tự ái, con đường không phải là phúc cho các ngươi (Luca 6:20-22) mà là khốn cho các ngươi (Luca 6:24-26), con đường mà Chúa Giêsu đã khẳng định là sẽ đưa đến trầm luân đời đời (Mathêu 7:13).
Thế nhưng, đối với những người vô thần hay những người Kitô hữu lún sâu trong vũng tội, đến nỗi hầu như đã hoàn toàn tuyệt vọng cho hần rỗi đời đời của mình, thì cải thiện không cần thiết và chẳng có nghĩa gì đối với họ cả. Người vô thần thì cho chết là hết, nên phải chiếm cho bằng được thiên đường trần gian này bằng bất cứ giá nào, kẻo uổng. Họ cho tôn giáo là mê hoặc, cho những người đi tu là ngu dại nhất trên
đời.
Người Kitô hữu tuyệt vọng thì lại có thể cho rằng làm gì có hoả ngục, nên không sợ bị trầm luân đời đời, do đó, không cần phải cải thiện làm gì cho mệt; dù có hoả ngục đi nữa, người ta xuống hoả ngục nhiều thì mình xuống cũng đâu có sao, một khi mình không ở vào thành phần được tiền định cứu rỗi thì cho dù có cải thiện chăng nữa, cuối cùng cũng hư đi như thường, vậy thì tội gì mà không hưởng thụ cho đã ở đời này.
Phần chúng ta, một khi còn cố gắng và tha thiết với việc cải thiện đời sống là chúng ta còn tin ở đời sau. Nói cách khác, Thiên Chúa và đời sau vô cùng bất tận, theo Đức Tin dạy, đã là mục tiêu thu hút nỗ lực cải thiện đời sống của chúng ta là kẻ có tội, để chúng ta xứng đáng được đời đời tham hưởng sự sống Thần Linh vô cùng viên mãn với Đấng toàn chân, toàn thiện và toàn mỹ.
Nếu những người vô thần hay Kitô hữu tuyệt vọng có lý của họ để tự miễn trừ việc cải thiện cho họ, thì chúng ta cũng tự cảm nghiệm thấy, ngay trong thâm tâm của mình, một động lực bắt chúng ta phải cải thiện, không cải thiện không được. Động lực đó là, về luân lý, chúng ta cảm thấy áy náy và cắn rứt mỗi lần làm sai trái điều gì, đến nỗi, nếu không cải thiện sẽ không được yên tâm mà sống, do đó, về tâm linh, chúng ta luôn cảm thấy, đúng như thánh Augustinô đã diễn tả tâm trạng của ngài, cũng là tâm trạng chung của loài người, trong cuốn Tự Thú, là: Chúa đã dựng nên con vì Chúa và cho Chúa, nên lòng con khắc khoải cho tới khi đạt được Chúa.
Lý do thứ nhất của việc cải thiện là như thế: Vì chúng ta là kẻ có tội nhưng muốn được đời đời cứu rỗi.
Điển hình là trường hợp của người trộm lành. Người trộm lành đã tỏ ra nhận biết tội lỗi của mình và đã muốn được cứu rỗi, qua câu của anh ta nói với người trộm dữ và lời kêu xin của anh ta thưa với Chúa Giêsu: Mày không kính sợ Thiên Chúa hả, mày không thấy là mày cũng bị cùng một án phạt như vậy (như Chúa Giêsu) hay sao? Chúng mình dầu sao cũng xứng đáng bị như vậy mà. Chúng mình chẳng qua chỉ là trả giá cho những việc chúng mình làm thôi, còn người này có làm điều gì nên tội đâu... Hỡi Giêsu, xin nhớ đến tôi khi Ngài lên Nước của Ngài (Luca 23:40-42).
2.- Chúng ta cần phải cải thiện: VÌ HẠT GIỐNG ƠN THÁNH TRONG CHÚNG TA CẦN PHẢI TRỔ SINH HOA TRÁI.
Thật vậy, để được sống đời đời, con người phải có hay phải được tham dự vào Sự Sống Thần Linh của chính Thiên Chúa.
Sự Sống Thần Linh này, thật ra, đã được ban cho con người ngay từ ban đầu, khi con người mới được dựng nên trong tình trạng công chính nguyên thủy, không biết đến tội lỗi là gì. Thế nhưng, con người đã mất Sự Sống Thần Linh này nơi nguyên tội, khi hai nguyên tổ của mình bị Con Cựu Xà là Satan sát hại ngay từ đầu bằng nọc độc dối trá của nó (xem Gioan 8:44). Để phục hồi Sự Sống Thần Linh này cho con người, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin vào Con sẽ không phải chết nhưng được sống đời đời (Gioan 3:16).
Những kẻ tin và chịu phép rửa tội sẽ được cứu rỗi (Marcô 16:16). Chúng ta sẽ được cứu rỗi vì, qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta đã được tái sinh từ trên cao (Gioan 3:3), được tái sinh bởi nước và Thần Linh (Gioan 3:5), được rửa trong Chúa Kitô tức được rửa trong sự chết của Người (Rôma 6:3).
Vì được tái sinh vào sự sống đời đời, Sự Sống Thần Linh của Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô như thế, bản tính nhân loại bị hư đi vì nguyên tội của con người đã được thánh hóa trong chân lý (Gioan 17:19), họ được mặc lấy con người mới được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa trong công chính và thánh thiện chân thật (Êphêsô 4:24) và con người của họ trở nên đền thờ của Thiên Chúa (1Côrintô 3:16).
Điều làm cho con người vượt qua sự chết mà vào sự sống (Gioan 5:24) như thế được gọi là nguyên lý của sự sống đời đời nơi con người, đó là Thánh Sủng hay Ơn Thánh cũng vậy.
Thế nhưng, trên thực tế, Ơn Thánh như một Hạt Giống Thần Linh vô cùng viên mãn cần phải được lớn lên thành cây vĩ đại làm nơi cho chim trời ẩn náu (xem Mathêu 13:31-32), lại được gieo vào mảnh đất nhân tính mà tinh thần thì linh hoạt nhưng bản chất lại yếu nhược (Mathêu 26:41) của chúng ta, do đó, sẽ lệ thuộc vào chúng ta trong việc phát triển và trổ sinh hoa trái.
Nếu Hạt Giống Thần Linh trong chúng ta là Ơn Thánh không phát triển và trổ sinh hoa trái, thì, cho dù chúng ta không làm mất Ơn Thánh bởi tội trọng chúng ta phạm đi nữa, Ơn Thánh không bị mất đó cũng chẳng khác nào nén bạc bị đem chôn, vẫn còn nguyên, mà vẫn bị luận phạt như thường (xem Mathêu 25:14-30; Luca 19:12-27). Và, vì mang Ơn Thánh đem chôn đi như thế, cuộc sống Kitô hữu của chúng ta mà bản chất là truyền giáo trở thành vô nghĩa, và chính chúng ta là Kitô hữu như muối ướp thế gian cũng sẽ, như Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm thánh Mathêu, đoạn 5, câu 13: chỉ đáng đổ ra ngoài cho người ta giầy đạp dưới chân.
Kinh nghiệm sống đạo thực tế đã cho chúng ta thấy rằng chúng ta nhiều khi giống như cây vả xum xuê lá cành mà không sinh hoa kết trái gì hết, đáng bị Chúa nguyền rủa cho chết đi (xem Mathêu 21:19). Không phải hay sao, nhiều khi chúng ta đi lễ hằng ngày, đọc kinh sáng tối, thậm chí ăn chay hãm mình nữa, thế mà tại sao hễ ai động đến chúng ta một tí là tự ái của chúng ta bộc phát liền, hay thấy ai có vẻ khô khan nguội lạnh hoặc tội lỗi là chúng ta chê bai họ, khinh thường họ v.v.
Để biết Hạt Giống Thần Linh trong chúng ta là Ơn Thánh có thực sự phát triển trong chúng ta hay không, có thể căn cứ vào chính hoa trái được trổ sinh bởi Ơn Thánh.
Ơn Thánh là gì, nếu không phải là Sự Sống Thiên Chúa ở nơi chúng ta. Bởi thế, nếu chúng ta làm mất Ơn Thánh là chúng ta làm mất Sự Sống Thiên Chúa. Sự Sống Thiên Chúa ở nơi chúng ta là gì, nếu không phải là Tình Yêu Thiên Chúa ở nơi chúng ta. Bởi thế, làm mất Ơn Thánh cũng là làm mất Ơn Nghĩa Chúa, tức làm mất Tình Yêu Thiên Chúa ở nơi chúng ta. Vì Ơn Thánh nơi chúng ta là Tình Yêu Thiên Chúa nên, hoa trái của Ơn Thánh là tất cả những gì được phát xuất từ Tình Yêu này.
Hoa Trái của Ơn Thánh được phát xuất bởi Tình Yêu Thiên Chúa ở trong chúng ta là gì, nếu không phải là lòng tín phục Thiên Chúa và lòng yêu thương tha nhân.
Hoa trái của Ơn Thánh là lòng tín phục Thiên Chúa ở chỗ: Ai yêu Thày thì sẽ giữ lời Thày (Gioan 14:23) hay Kẻ vâng theo mệnh lệnh của Thày là kẻ yêu mến Thày (Gioan 14:21). Hoa trái của Ơn Thánh còn là lòng yêu thương nhau nữa: Ai nói tôi yêu Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình là kẻ dối trá ... Ai yêu Thiên Chúa cũng phải thương anh em mình (1Gioan 4:20-21).
Vậy, nếu chúng ta chưa giữ lời Chúa, luật Chúa, chưa thương yêu anh em mình, thì cứ nắm chắc là Ơn Thánh chưa phát triển và chưa sinh hoa kết quả gì trong chúng ta hết, cần chúng ta cải thiện hơn nữa.
Đó là lý do thứ hai cần phải cải thiện: Vì Hạt Giống Ơn Thánh trong chúng ta cần phải trổ sinh hoa trái.
Điển hình là trường hợp của Thánh Phêrô tông đồ. Sau khi chối Chúa Giêsu 3 lần ngài đã ăn năn khóc lóc thảm thiết (Luca 22:62). Bù đắp lại, ngài cũng đã tuyên xưng một cách cương quyết con yêu Thày (Gioan 21: 15-17) 3 lần trước khi lãnh nhận sứ mệnh Thày trao cho, một sứ mệnh mà ngài sẽ phải hy sinh chết với Thày (Mathêu 26:35) để làm chứng cho Thày, Đấng đã đến "cho chiên được sống và sống sung mãn hơn (Gioan 10:10).
3.- Chúng ta cần phải cải thiện: VÌ CHÚA LÀ THIÊN CHÚA CỦA CHÚNG TA ĐÃ BỊ XÚC PHẠM NHIỀU LẮM RỒI.
Lý do thứ ba này là lý do mà Mẹ Maria đã đưa ra vào lần hiện ra cuối cùng tại Fatima, 13/10/1917: Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi.
Lý do thứ ba này cũng là lời nói cuối cùng của Đức Mẹ ở Fatima, một lời có thể nói là trọng tâm của tất cả Sứ Điệp Fatima của Người.
Vì con người cứ xúc phạm đến Thiên Chúa mà nhiều linh hồn đã bị sa hỏa ngục và thế giới lâm cảnh chiến tranh tàn khốc. Về việc các linh hồn bị sa hỏa ngục, Đức Mẹ đã cho 3 Thiếu Nhi Fatima thị kiến thấy hỏa ngục và các linh hồn bị hư đi đời đời ở trong đó vào lần hiện ra thứ ba, 13/7/1917.
Về việc thế giới lâm cảnh chiến tranh, Giaxinta đã nói trong thời gian chịu bệnh trước khi về trời: Đức Mẹ đã tiên báo là sẽ có nhiều chiến tranh và bất hòa xảy ra trên thế giới. Chiến tranh là hình phạt gây ra bởi tội lỗi của con người. Nếu loài người biết cải thiện đời sống, Thiên Chúa sẽ tha cho thế giới, bằng không, hình phạt sẽ xẩy ra v.v.
Để cứu chung con cái loài người cho khỏi hình phạt ở đời này là chiến tranh và án phạt hỏa ngục đời sau vô cùng, Đức Mẹ đã van nài con người cải thiện đời sống qua lời kêu gọi hết sức bi thương và khẩn cấp "đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiếu lắm rồi".
Qua lời kêu gọi này, về hình thức của câu nói, Đức Mẹ đã kêu gọi tất cả mọi người cải thiện đời sống chứ không riêng gì thành phần Kitô hữu. Bởi vì, Đức Mẹ đã không nói: Đừng xúc phạm đến Thiên Chúa là Chúa của chúng ta nữa, chứ không phải là Cha của chúng ta nữa. Nếu tự mỗi người không cải thiện thì họ khó lòng, nếu không muốn nói là không thể, được cứu rỗi, nghĩa là sẽ phải sa hỏa ngục. Nếu ai cũng không chịu cải thiện hay không đủ số người chịu cải thiện, để dập tắt đi cái ngòi chiến tranh được phát xuất từ chính lòng con người, thì, dù Thiên Chúa có không ra tay trừng phạt con người, tự con người cũng sẽ đâm chém nhau mà tự hủy diệt bằng những cuộc đại chiến.
Cũng qua lời kêu gọi này, về tinh thần của câu nói, Đức Mẹ hình như kêu gọi riêng thành phần con cái của Mẹ, trong đó đi tiên phong là 3 Thiếu Nhi Fatima, Giaxinta (7 tuổi), Phanxicô (9 tuổi) và Lucia (10 tuổi). Mẹ kêu gọi con cái Mẹ hãy vì yêu mến Thiên Chúa mà đừng xúc phạm đến Ngài nữa, nghĩa là, vì Thiên Chúa đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi mà các con hãy cải thiện đời sống đi, đừng xúc phạm đến Ngài nữa.
Ba Thiếu Nhi Fatima, dù còn nhỏ, nhưng, hình như đã hiểu được thâm ý này của Đức Mẹ, các em đã tự động biết cũng như nhắc nhở nhau vì yêu Chúa mà tránh làm điều mất lòng Chúa.
Chẳng hạn, có một lần Phanxicô đã tâm sự với Lucia như thế này: Em yêu Chúa quá đi. Nhưng Ngài lại buồn rầu quá sức vì bao nhiêu là tội lỗi! Chúng ta không bao giờ được tái phạm bất cứ một tội nào nữa ... Rồi, vào trước lần Đức Mẹ hiện ra ngày 13/7/1917, thấy Lucia bị cám dỗ hồ nghi việc Đức Mẹ hiện ra và quyết định không đi với mình đến nơi Đức Mẹ hiện ra nữa, như Đức Mẹ đã xin các em hãy đến với Mẹ như vậy 6 lần liền, vào đúng ngày 13 mỗi tháng, Phanxicô nói với Lucia: Thiên Chúa đã buồn rầu vì bao tội lỗi đủ rồi, bây giờ chị lại không đi thì Ngài càng buồn hơn nữa (Hồi Ký Lucia 4).
Theo tâm lý tự nhiên, khi yêu ai, chúng ta sẽ không bao giờ dám làm mất lòng người mình yêu, trái lại, còn tìm hết cách để làm đẹp lòng người mình yêu, cho dù có phải bỏ tính mê nết xấu của mình, kể cả bỏ những gì vô tội vạ chỉ hợp với mình mà không hợp với hay không ưng ý người mình yêu. Cũng thế, là Kitô hữu được Thiên Chúa yêu thương và ở cùng qua Ơn Thánh Ngài ban cho khi tôi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội tái sinh, nhờ đó, tôi được tham dự vào Sự Sống Thần Linh của Thiên Chúa, thì, động lực chính yếu thôi thúc tôi phải cải thiện đời sống, đó là vì tôi không muốn làm mất lòng Đấng đã không tha cho Con Một Mình lại trao nộp Người vì tất cả chúng ta (Rôma 8:32).
Và, cũng chỉ có lòng yêu mến mới làm cho con người cải thiện thực sự, cải thiện hết mình, cải thiện nhanh chóng và cải thiện cho đến cùng. Thêm vào đó, cũng chỉ có lòng yêu mến mới có thể thiêu hủy hết mọi tội lỗi của họ, dù hằng hà sa số như cát biển hay chất cao ngất tầng mây như sao trời.
Đó là lý do thứ ba cần phải cải thiện: vì Thiên Chúa là Chúa của chúng ta đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi.
Điển hình là trường hợp của người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng trong thành mà Phúc Âm thánh Luca đoạn 7, câu 37 đã đề cập tới. Thế mà, vì yêu Chúa Giêsu, qua việc bất chấp mọi chê cười, trước mặt người biệt phái, chị đã qùi xuống ngay chân của Chúa Giêsu, lấy nước mắt rửa chân cho Ngài, lấy tóc mình lau khô, rồi hôn chân Ngài và xức dầu thơm cho chân của Ngài (xem Luca 7:38). Chúa Giêsu đã hết sức hài lòng với chị qua lời Ngài nói cùng ông Simon, người chủ nhà thuộc thành phàn biệt phái đã mới Ngài đến dự tiệc: "Tôi cho ông biết, đó là lý do tại sao chị đã được tha nhiều tội lỗi, vì chị đã yêu nhiều" (Luca 8:47).