GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 3/2004

Ý Chung: Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.

 

___________________________________________

 Ngày 3 Thứ


Ngày Đại Học Đường Âu Châu lần thứ hai và lần thứ nhất


Từ năm ngoái, Ngày Đại Học Đường Âu Châu này đã được bắt đầu, với sự bảo trợ của Hội Đồng Các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu và Ủy Ban của Các Hội Đồng Giám Mục Thuộc Cộng Đồng Âu Châu, và được tổ chức bởi Đại Diện Văn Phòng Rôma Đặc Trách Việc Mục Vụ Các Đại Học Đường. Chủ đề cho Ngày Đại Học Đường Âu Châu năm thứ hai được tổ chức vào ngày 13/3/2004 này là “Chúa Kitô, Niềm Hy Vọng của Âu Châu”.

 

Cao điểm của ngày này là Buổi Tối Thánh Mẫu áp ngày cử hành, được tổ chức tại Sảnh Đường Phaolô VI vào lúc 6 giờ chiều và sẽ được truyền hình đi đến 10 thành phố thuộc các nước sắp được gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu là Tallinn, Vilnius, Riga, Warsaw, Prague, Bratislava, Ljubljana, Budapest, Valletta và Nicosia. Phần kỹ thuật truyền hình viễn liên bằng vệ tinh này được thực hiện bởi Trung Tâm Truyền Hình Vatican với sự hợp tác của Bộ Truyền Thông Ý Quốc.


Đức Ông Lorenzo Leuzzi, giám đốc Văn Phòng Mục Vụ Đại Học, đã nói đến việc lần hạt Mân Côi năm ngoái với ĐTC thế này: “Không ai trong chúng tôi có thể quên được lòng phấn khởi và cảm xúc về việc truyền hình viễn liên với Moscow, một thứ truyền hình viễn liên vệ tinh cho thấy việc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ‘thực sự viếng thăm’ ‘thành Rôma đệ tam’ ấy”.


Trước khi ĐTC đến vào lúc 6 giờ 30, các sinh viên đại học sẽ suy niệm về tông huấn “Giáo Hội tại Âu Châu”. Tất cả mọi thành phố được viễn liên truyền hình sẽ cùng ĐTC và sinh viên Ý đang ở Sảnh Đường Đức Phaolô VI cầu kinh Mân Côi. Sau đó ĐTC sẽ ban huấn từ như năm ngoái.


Thật vậy, năm ngoái, vào Thứ Bảy 15/3/2003 tại Sảnh Đường Phaolô VI, do Ban Trung Ương Các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu, Ủy Ban Các Tuyên Úy Đại Học Âu Châu và Văn Phòng Mục Vụ Các Đại Học của Vicariate Rôma đồng bảo trợ, với đề tài “Đức Ái Tri Thức, Linh Hồn của Tân Âu Châu”. Cuộc họp này đã được bắt đầu vào lúc 6 giờ chiều ngày 13/3, với những bài suy niệm về Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria của ĐTC, cũng như về 6 vị thánh đồng quan thày của Âu Châu là Biển Đức, Catarina Sienna, Cyrilô và Mêthôđiô, Bridget và Edith Stein.


ĐTC đã đến tham dự vào lúc 7 giờ tối Thứ Bảy 15/3/2003, sau Tuần Phòng năm của Ngài, và chủ tọa buổi lần hạt Mân Côi năm Mầu Nhiệm Ánh Sáng, sau đó Ngài đã ban huấn từ cho họ. Hàng ngàn giới trẻ ở Cologne, Đức; Krakow, Balan; Fatima, Bồ Đào Nha; Uppsala, Thụy Điển; Bratislava, Slovakia; và Vienna, Áo đã theo dõi Ngài qua hệ thống truyền hình viễn liên qua vệ tinh rất sống động. Trong bài huấn từ Ngài đã nói đến Ngày Giới Trẻ 20 năm 2005.

“Tôi cám ơn ĐHY Cologne, Joachim Meisner đã mời Tôi, vì Tôi tin rằng lời mời này cũng được ngỏ cùng Tôi, mặc dù Tôi không còn trẻ nữa như các bạn thấy”. Câu nói này làm vang lên tràng pháo tay của tham dự viên.


“Giới trẻ Kitô hữu được mời gọi để loan báo chứng từ cho Chúa Kitô của họ và là những kiến trúc sư của mối hiệp nhất trong đa dạng, của tự do trong chân lý cũng như của hòa bình trong công chính, một thứ hòa bình thế giới đặc biệt cần đến”.


ĐTC cũng kêu gọi giới trẻ Âu Châu hãy trung thành “với những nguyên tắc thiêng liêng và luân lý đã tác động các vị tiền bối của khối hiệp nhất Âu Châu”. Ngài cho thấy Âu Châu đang trải qua một thời điểm quan trọng trong lịch sử của nó, bởi thế, giới trẻ phải đóng góp phần của mình. ĐTC cũng mới các sinh viên hãy tham dự buổi lần hạt Mân Côi vào ngày 10/4/2003, “một cơ hội nguyện cầu và cử hành” ở Quảng Trường Thánh Phêrô để “có thể thay đổi định mệnh thế giới”.

ĐTC đã đột ngột ghé thăm các nữ tu Carmelo ở Vatican


Ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11/2/2004, cũng là Ngày Thế Giới Bệnh Nhân, ĐTC GPII đã bất ngờ đến thăm các nữ tu Carmêlô ở tu viện Mẹ Giáo Hội ở Vatican. Tin này vừa được tiết lộ trên tờ thông tin của hội dòng này. Các nữ tu đã viết lại sự kiện lịch sử này sau khi ĐTC rời tu viện và đã gửi thư báo cho chị em trong hội dòng biết. Theo bức thư thông tin này thì các nữ tu đang dùng bữa tối trong thinh lặng ở nhà ăn, lắng nghe cuốn băng thâu lời của ĐTC ngỏ với bệnh nhân vào buổi trưa trong cùng ngày ở Quảng Trường Thánh Phêrô. Sau đây là nguyên văn bức thư:


Chúng tôi đang lắng nghe cuốn băng thâu lời ĐGH nói với thành phần bệnh nhân đến Quảng Trường Thánh Phêrô cũng buổi trưa hôm ấy.


Bỗng nhiên tiếng chuông kêu lớn tiếng bất ngờ ở cửa khiến tất cả mọi người chúng tôi giật nẩy mình lên: cái gì vậy kìa? Chắc hẳn là một cái gì đó nghiêm trọng … một tai nạn xẩy ra, một cuộc hỏa hoạn? Một chị chạy mau đến cửa, song vì tiếng chuông không ngừng, cả Mẹ Bề Trên của chúng tôi cũng chạy đến giúp nữa. Khi họ đến cửa thì cả hai đều nghe thấy có người la to: “Đức Thánh Cha đó! Mở cổng mau lên!”


Mẹ Bề Trên vội trở vào nhà lấy chìa khóa, đồng thời các Chị bật điện ở bên ngoài lên; bên ngoài rất ư là tăm tối nên người lái xe của ĐGH kêu: “Chỗ này tối đen như mực làm sao chúng tôi có thể vào được đây!” Trong khi đó ĐTC nhẫn nại ngồi đợi cho cổng mở.


Cổng từ từ được mở ra và chiếc Giáo Hoàng Xa, vẫn để đèn pha, từ từ tiến qua cổng. Chúng tôi thấy ĐTC mỉm cười. Ngài chào chúng tôi, đoạn ban phép lành cho chúng tôi. Nhìn gương mặt của Ngài chúng tôi thấy được rằng Ngài cảm thấy vui và mãn nguyện vì đã làm cho chúng tôi ngỡ ngàng trước cuộc viếng thăm bất ngờ này!
Ngồi bên cạnh Ngài là ĐTGM Stanislaw Sziwisz và Đức ông Mieczyslaw.


Khi đã tiến vào bên trong tu viện đâu vào đó rồi, chiếc xe ngưng lại, những tấm nhựa chung quanh chiếc Giáo Hoàng Xa được nâng lên, các bậc được hạ xuống. Các vị thư ký riêng của ĐGH ra khỏi xe và mời Mẹ Bề Trên của chúng tôi bước đến bên cạnh Vị Giáo Hoàng đang đợi chờ với nụ cười vẫn nở trên môi. Ngài hỏi Mẹ: “Có bao nhiêu chị em ở đây?” Mẹ Bề Trên của chúng tôi bấy giờ đáp: “Kính Trình Đức Thánh Cha, con biết rằng ĐTC thương dòng Carmelo rất nhiều, xin ĐTC ban phép lành cho tất cả mọi chị em Carmelo”. Ngài đồng ý và đã ban phép lành.


Chị em dòng từng người thay nhau tiến đến ĐTC, mỗi người nói một vài lời rồi lãnh nhận phép lành của Ngài. Tất cả chúng tôi đều bị cảm kích bởi cái nhìn thấu suốt của Ngài, cái nhìn dường như tìm chiếm tâm can.


Tất cả mọi sự ấy xẩy ra trong một bầu không khí hết sức đơn sơ và chân tình. Trong khi các Chị thay nhau ngồi cạnh ĐTC, chúng tôi tỏ lòng chân thành cám ơn ĐTGM Stanislaw vì đã có sáng kiến ghé qua Tu Viện của chúng tôi trên đường về từ Hang Lộ Đức gần đó, nơi ĐTC đã muốn kết thúc Ngày Thánh Mẫu đặc biệt này.


Khi Chị cuối cùng được gặp ĐGH, chúng tôi nói giỡn là chúng tôi cần phải bắt đầu lại một vòng nữa… nhưng Đức Ông Paolo De Nicolo đã mỉm cười cho phép chỉ một mình Mẹ Bề Trên đi lại mà thôi. Thế là, bằng phép lành sau hết, và sau khi hát bài “Tota Pulchra” chúng tôi đã bái chào từ biệt Đức Thánh Cha. Chúng tôi đã theo chiếc Giáo Hoàng Xa thả dốc xuống cổng nhà dòng, chúng tôi cảm xúc khi thấy ĐGH ra đi tay luôn vẫy chào. Thế rồi chiếc xe của ĐGH và tất cả những chiếc xe của đoàn tùy tùng biến mất từ xa… mà chúng tôi vẫn cảm thấy đầy lòng tri ân cảm mến và hân hoan vui mừng.


Thế nhưng, vẫn chưa hết. Chứng 30 phút sau, trong khi chúng tôi ở trong phòng giải trí, lại một tiếng chuông dài lớn khác vang lên. Đó là một người từ cư gia của ĐGH mang đến một hộp kẹo xúc cù là, một tấm bánh ngọt ngon, một bức ảnh khắc Thánh Têrêsa Benedicta Thánh Giá (Edith Stein) bằng sáp, và một cây nến nghệ thuật được chúng tôi thắp ngay lên và đặt ở dưới chân tượng Đức Trinh Nữ.


Bức thư thuật lại biến cố ĐTC GPII đột ngột ghé thăm nhà dòng Carmelo là như thế. Theo lịch sử, nhà dòng kín Mẹ Giáo Hội này ở Vatican được ĐTC GPII thành lập vào năm 1994, với mục đích để làm phong phú Tòa Thánh Vatican bằng sự hiện diện và việc nguyện cầu của thành phần tu sĩ hiến mình cho đời sống chiêm niệm.


Theo ý ĐTC, cộng đồng ở tu viện này cứ 5 năm lại đổi một lần. Năm 1994, tu viện này có cộng đồng Dòng Thánh Clara Nghèo. Cộng đồng các chị em dòng Carmelo hiện nay bao gồm một số quốc gia khác nhau, đã đến Vatican vào tháng 9/1999.


Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu do Zenit phổ biến ngày 2/3/2004


ĐTC GPII với các vị Giám Mục Pháp về vấn đề giá trị Kitô Giáo làm nên văn hóa Âu Châu

Sáng Thứ Sáu 27/2/2004, ĐTC đã tiếp các vị giám mục Pháp thuộc các giáo tỉnh Besancon cùng với ĐTGM và GM phụ tá Strasbourg. Ngài cho biết loạt bài Ngài nói với các vị giám mục Pháp thuộc các đợt viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên khác nhau liên tục từ năm ngoái tời nay đã kết thúc, và Ngài cám ơn các vị giám mục và tín hữu đã “can đảm dấn thân loan báo Phúc Âm”. Ngài cũng kính cẩn nhớ đến cố khâm sứ tòa thánh ở Burundi là ĐTGM Michael Courtney bị ám sát chết vào Tháng 12/2003 vừa rồi, vị đã từng ở Strasbourg như quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Hội Đồng Âu Châu. ĐTC đã mở đầu bằng gương sống của vị cố khâm sứ tòa thánh này như sau:

“Ngài là một thủ công viên tin tưởng thực hiện việc hợp tác giữa các Quốc Gia ở lục địa Âu Châu. Hôm nay đây Tôi kêu mời các Giáo Hội địa phương hãy dấn thân mạnh mẽ hơn nữa cho việc hiệp nhất Âu Châu. Để gặt hái được kết quả này, cần phải đọc lại lịch sử và nhớ lại rằng, qua các thế kỷ, những giá trị Kitô giáo về phương diện nhân loại học, luân lý và đạo đức đã góp phần rất nhiều trong việc hình thành các quốc gia Âu Châu khác nhau cũng như vào việc liên kết họ lại chặt chẽ với nhau… Việc hiệp nhất này không thể chiếm đạt ở chỗ gây thiệt hại cho những thứ giá trị ấy hay phản lại những giá trị ấy”.

ĐTC nhấn mạnh rằng không phải là những lợi lộc về kinh tế hay về chính trị, hoặc những thứ liên minh thuận lợi, là những gì làm nên những mối liênh hệ nơi các dân tộc. Trái lại, những gì cần phải được đặt làm như những tảng khối để dựng xây lên một Âu Châu thống nhất là những thứ giá trị thông dụng đối với tất cả mọi quốc gia: “Nhờ thế, mới phát sinh ra một Âu Châu mang căn tính được đặt nền tảng trên một cộng đồng của các thứ giá trị, một Âu Châu của tình huynh đệ và của tình đoàn kết”, một Âu Châu tìm cách “cổ võ con người, tôn trọng các quyền lợi bất khả chuyển nhượng của họ cũng như tôn trọng công ích”.

Ngài nhấn mạnh đến “sự hiện diện lâu đời của Giáo Hội nơi các xứ sở khác nhau của lục địa này qua việc việc Giáo Hội dự phần vào mối hiệp nhất giữa các dân tộc cùng với các thứ văn hóa cũng như vào sinh hoạt xã hội, nhất là nơi những lãnh vực giáo dục, bác ái, chăm sóc sức khỏe và xã hội”.

Vấn đề thứ hai ĐTC đề cập với các vị chủ chăn của Pháp đợt cuối cùng viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên này là “việc huấn luyện toàn diện giới trẻ, nhất là những ai sẽ là những người lãnh đạo quốc gia sau này…. Giáo Hội hy vọng soi sáng cho họ bằng Phúc Âm và bằng Huấn Quyền. Ở đây các đại học Công Giáo có một sứ mệnh đặc biệt… trong việc giúp cho giới trẻ biết phân tích những trường hợp riêng biệt và biết khôn ngoan luôn tìm cách đặt con người làm tâm điểm của các điều họ quyết định”.

Vấn đề thứ ba ĐTC muốn nói đến nữa là vai trò của Kitô hữu nơi tất cả mọi hình thức sinh hoạt xã hội: “Nơi sinh hoạt chính trị, nơi việc kinh tế, nơi công sở cũng như trong gia đình, tín hữu cần phải làm cho Chúa Kitô hiện diện hơn bao giờ hết cũng như phải làm cho các giá trị Phúc Âm sáng tỏ”, và phải đề cao phẩm giá con người, tâm điểm của vũ trụ và vượt trên các thứ lợi lộc cá nhân.

ĐTC nhận định tiếp: “Việc Kitô hữu tham dự vào đời sống xã hội, việc hiện diện hữu hình của Giáo Hội Công Giáo cũng như của các giáo phái khác không hề phạm đến nguyên tắc trần thế hay phạm đến những đặc quyền của Quốc Gia…. Tính cách trần thế (secularity) được nhận thứ rõ ràng không được lẫn lộn với chủ nghĩa duy thế tục (secularism); tính cách trần thế không thể xóa bỏ đi những niềm tin tưởng của cá nhân cũng như của cộng đồng…. Tôn giáo không thể được coi như là vấn đề chỉ thuộc về lãnh vực tư riêng”.

ĐTC nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hiểu biết tôn giáo của mình và nhận thức được các truyền thống của các tôn giáo khác, khi Ngài nhấn mạnh đến việc hiện diện hùng hậu của người Hồi Giáo ở Pháp “thành phần anh em cố gắng giữ các mối liên hệ tốt đẹp và phát động việc đối thoại liên tôn là việc đối thoại bằng đời sống như Tôi đã nói đến trước đây. Cuộc đối thoại này cần phải làm sống lại nơi Kitô hữu ý thức đức tin của họ và việc họ gắn bó với Giáo Hội”.