GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 4/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho việc sửa soạn đầy đủ để giúp những ứng viên chịu chức thánh cũng như cho việc huấn luyện thường xuyên để giúp các vị thừa tác viên chức thánh được thực hiện một cách cận thận kỹ lưỡng”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho tinh thần truyền giáo 'cho muôn dân' trở thành vấn đề ưu tư và là vấn đề liên lỉ dấn thân nơi sinh hoạt mục vụ thường xuyên của cộng đồng Kitô giáo”.
___________________________________________
NGÀY 11 CHÚA NHẬT PHỤC SINH |
ÐTC GPII Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000 số 10, Thứ Tư 10/5/2000
1- Đích điểm cuối cùng trong cuộc hành trình suốt cả cuộc đời của Chúa Kitô không phải là ngôi mộ tăm tối mà là bầu trời sáng ngời Phục Sinh. Đức tin Kitô Giáo được xây trên mầu nhiệm này (x 1Cor 15:1-20), như Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã nhắc lại cho chúng ta thấy: “Việc Phục Sinh của Chúa Giêsu là chân lý tuyệt đỉnh của niềm tin chúng ta đặt nơi Chúa Kitô, một niềm tin được cộng đồng Kitô hữu tiên khởi tin tưởng và sống như là một chân lý chính yếu; được Truyền Thống chuyển đạt như là một chân lý nền tảng; được các văn kiện Tân Ước thiết lập; và được rao giảng như là một phần chính yếu của mầu nhiệm vượt qua đi liền với thập giá” (số 638).
Một tác giả thần bí Tây Ban Nha thuộc thế kỷ 16 đã nói: “Càng căng buồm lướt sóng người ta càng khám phá thấy trong Thiên Chúa những vùng biển cả” (Friar Luis de Léon). Giờ đây chúng ta muốn thực hiện một cuộc hải trình đi vào vùng biển mênh mông của mầu nhiệm này, hướng tới ánh sáng hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi trong những biến cố Phục Sinh. Việc hiện diện này kéo dài cả 50 ngày sau Phục Sinh.
2- Không giống như các bản văn ngụy kinh, các bản Phúc Âm được Giáo Hội công nhận không trình bày biến cố Phục Sinh lẻ loi một mình mà là với việc Chúa Kitô phục sinh hiện diện một cách mới mẻ và khác nhau giữa các môn đệ của Người. Chính tính cách mới mẻ này đã làm nên đặc tính của cảnh tượng đầu tiên là những gì chúng ta đang muốn suy tư đây. Đó là lần xuất hiện diễn ra tại một thành Giêrusalem vào lúc vẫn còn mờ nhạt ánh sáng rạng đông, ở chỗ, một người phụ nữ là Maria Mai Linh và một người đàn ông đã gặp nhau tại một nghĩa trang. Thoạt tiên người phụ nữ không nhận ra người đàn ông đang tiến lại gần mình, song người đó lại là chính Giêsu Nazarét, Đấng chị đã nghe lời Người nói và là Đấng đã làm thay đổi cuộc đời của chị. Để nhận ra Người, chị cần phải có một nguồn kiến thức khác với lý trí và cảm quan của chị. Đó là đường lối đức tin đã mở ra cho chị khi chính chị nghe thấy gọi đích danh tên của mình (x Jn 20:11-18). Chúng ta hãy chú ý tới cảnh tượng này, đến những lời của Đấng Phục Sinh. Người nói: “Thày đang về cùng Cha Thày cũng là Cha của các con, cùng Thiên Chúa của Thày cũng là Thiên Chúa của các con” (Jn 20:17), như thế là Người tỏ cho thấy Cha trên trời, Đấng mà Chúa Kitô, khi thân thưa “Cha ơi”, muốn nhấn mạnh đến mối liên hệ đặc biệt chuyên nhất của Người, khác với mối liên hệ giữa Chúa Cha và các môn đệ của Người: “Cha của các con”. Nguyên trong Phúc Âm theo Thánh Mathêu mà thôi, Chúa Giêsu đã 17 lần gọi Thiên Chúa là “Cha ơi”. Thánh ký thứ bốn sử dụng hai từ ngữ Hy Lạp khác nhau, một là hyios để nói lên vai trò con cái hoàn toàn và trọn vẹn của Chúa Kitô, và chữ kia là tekna để ám chỉ về việc chúng ta là con cái thực sự của Thiên Chúa song không phải là con cái chính cống.
3- Cảnh tượng thứ hai đưa chúng ta từ Giêrusalem tới một ngọn núi ở phía bắc xứ Galilêa. Ở đó đã xẩy ra một cuộc Kitô hiển, tức là việc Đấng Phục Sinh tỏ mình ra cho các Vị Tông Đồ (x Mt 28:16-20). Đây là một biến cố long trọng của việc mạc khải, nhận biết và sứ vụ. Bằng quyền toàn năng cứu độ của mình, Người đã truyền cho Giáo Hội phải loan báo Phúc Âm, rửa tội và giảng dạy các dân nước để nhờ đó họ sống theo các giới luật của Người. Chúa Ba Ngôi đã hiện lên nơi những lời chính yếu này, những lời được lập lại nơi công thức Rửa Tội Kitô Giáo qua thừa tác của Giáo Hội: “Các con hãy rửa tội cho họ (tất cả mọi dân nước) nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28:19)
Một cây bút Kitô Giáo xưa kia là Theodore Mopsuestia (ở vào thế kỷ thứ bốn sang thế kỷ thứ năm) đã chú giải như sau: “Những lời nhân danh Cha và Con và Thánh Thần tỏ cho thấy rằng ai mới chính là tác nhân ban cho chúng ta các ơn lành của Phép Rửa: như ơn tái sinh, ơn canh tân, ơn bất tử, ơn bất hoại, ơn bất ải, ơn được giải cứu khỏi sự chết, khỏi bị làm nô lệ cũng như khỏi tất cả mọi sự dữ, ơn được hưởng tự do và tham dự vào những phúc lợi sau này. Đó là lý do tại sao chúng ta được rửa tội! Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần được kêu cầu để anh em nhận ra nguồn mạch những ơn lành của Phép Rửa” (Bài giảng II Về Phép Rửa, 17).
4- Giờ đây chúng ta bước sang cảnh tượng thứ ba để suy tưởng. Cảnh này đưa chúng ta về lại thời gian Chúa Giêsu còn bước đi trên những con đường của Đất Thánh, với những lời Người nói và việc Người làm. Trong lễ Lều Tạm vào mùa thu của nước Do Thái bấy giờ, Người đã loan báo rằng: “Ai có khát thì hãy đến với Tôi mà uống. Ai tin vào Tôi thì, như Thánh Kinh đã viết, ‘từ lòng họ những giòng sông chảy nước sự sống sẽ tuôn ra’” (Jn 7:37-38). Thánh Ký Gioan đã giải thích những lời này một cách xác đáng theo ý nghĩa của vinh quang Phục Sinh cũng như theo tặng ân Thánh Linh thế này: “Người nói điều này về Thần Linh, Đấng mà những ai tin vào Người cần phải được lãnh nhận; Thần Linh chưa được thông ban là vì Chúa Giêsu chưa được vinh hiển” (Jn 7:39).
Vinh quang Phục Sinh đã được thông ban và cùng với vinh quang này là tặng ân Thần Linh trong ngày Lễ Ngũ Tuần, ngày Chúa Giêsu báo trước cho các Vị Tông Đồ của Người biết vào ngay buổi tối ngày Người Phục Sinh. Hiện ra trên Căn Thượng Lầu, Người thở hơi trên các vị mà phán: “Các con hãy nhận lấy Thánh Linh” (Jn 20:22).
5- Như thế là Chúa Cha và Thần Linh hiệp nhất với Chúa Con vào giây phút tuyệt đỉnh của Việc Cứu Chuộc. Đó là những gì Thánh Phaolô xác nhận ở một đoạn hết sức rõ ràng trong Bức Thư gửi Giáo Đoàn Rôma, một đoạn thánh nhân nhắc lại việc Chúa Ba Ngôi thực sự có liên quan tới Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô cũng như cuộc phục sinh của tất cả chúng ta: “Nếu Thần Linh của Đấng phục sinh Chúa Giêsu từ trong kẻ chết ở trong anh em thì Đấng đã phục sinh Đức Kitô… từ trong kẻ chết cũng sẽ ban sự sống cho thân xác chết chóc của anh em, nhờ cùng một Thần Linh của Ngài là Đấng ngự trong anh em” (Rm 8:11).
Điều kiện để thực hiện lời hứa này cũng đã được Thánh Tông Đồ cho biết trong cùng Bức Thư trên: “Nếu môi miệng anh em tuyên xưng rằng Giêsu là Chúa và lòng trí anh em tin rằng Thiên Chúa đã phục sinh Người từ trong kẻ chết thì anh em sẽ được cứu độ” (Rm 10:9). Khía cạnh Ba Ngôi trong việc tuyên xưng đức tin hợp với bản chất Ba Ngôi nơi biến cố Phục Sinh. Thật vậy, “không có Thánh Linh không ai có thể nói ‘Giêsu là Chúa’” (1Cor 12:3), và những ai nói điều này, tuyên xưng điều này đều là để “cho vinh quang của Thiên Chúa là Cha” (Phil 2:11).
Vậy chúng ta hãy chấp nhận đức tin của mầu nhiệm vượt qua và niềm vui từ đó mà ra, bằng việc lấy chính bản thánh ca Vọng Phục Sinh của Giáo Hội Đông Phương như là của mình để xướng lên rằng: “Ôi Chúa, tất cả mọi sự đã được việc Chúa Phục Sinh soi chiếu, và thiên đàng lại được mở ra. Tất cả mọi tạo vật chúc tụng Chúa và mỗi ngày hiến dâng lên Chúa một bản thánh ca. Tôi tôn vinh quyền năng của Chúa Cha và của Chúa Con; tôi chúc tụng quyền bính của Chúa Thánh Thần, Ba Ngôi Thiên Chúa bất phân chia, tự hữu và đồng bản thể, Đấng hiển trị muôn muôn đời” (Kinh nguyện của Thánh Gioan Đamascênô, Thứ Bảy Tuần Thánh, giọng thứ ba).
(Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 17/5/2000)
Ngôi Mộ Trống: Dấu Chứng
Phục Sinh
Theo Phụng Niên của Giáo Hội chỉ có hai lễ rất trọng đáng được gọi là Đại Lễ, đó là Đại Lễ Phục Sinh và Đại Lễ Giáng Sinh. Bởi vì, về phương diện Phụng Vụ, trước và sau hai Đại Lễ này đều có một tuần bảy đặc biệt, và chính ngày lễ còn có nhiều lễ khác nhau nữa. Trước hết, về tuần bảy sau hai Đại Lễ này, kể cả chính Ngày Đại Lễ, được gọi là Tuần Bát Nhật, Tuần Bát Nhật Phục Sinh và Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, các lễ trọng khác, kể cả Lễ Chúa Ba Ngôi hay Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cũng không có; và tuần bảy trước hai Đại Lễ này, có Tuần Thánh trước Đại Lễ Phục Sinh và Tuần Lễ đặc biệt từ 18 tới 24 trước Đại Lễ Giáng Sinh. Chưa hết, về chính ngày lễ, Đại Lễ Giáng Sinh có tất cả 4 lễ khác nhau, Lễ Vọng, Lễ Đêm, Lễ Sáng và Lễ Ngày, còn Đại Lễ Phục Sinh có 3 lễ khác nhau, đó là Lễ Vọng, Lễ Sáng và Lễ Chiều. Mỗi thánh lễ khác nhau của hai Đại Lễ này đều có Bài Phúc Âm rất thích hợp cho thời điểm của Thánh Lễ được cử hành. Chẳng hạn Lễ Chiều Phục Sinh có bài Phúc Âm về việc Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ đi về làng Emmau chiều hôm đó.
Sở dĩ chúng tôi chọn bài Phúc Âm cho Lễ Vọng Phục Sinh vì hầu hết chúng ta thường tham dự Thánh Lễ này hơn các Thánh Lễ Ban Ngày và Ban Chiều Phục Sinh, dù Thánh Lễ Vọng có dài bởi các nghi thức, và nhất là bởi các bài đọc ôn lại lịch sử cứu độ Thiên Chúa đã thực hiện từ khi tạo thành trời đất, trong đó con người đã sa ngã, song được Ngài hứa cứu độ, cho đến khi Ngài thực sự và hoàn tất lời hứa của mình, bằng cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, Đấng đã tử nạn và phục sinh, đúng như lề luật và lời tiên tri loan báo, nhất là lời của chính Chúa Kitô đã báo trước 3 lần cho các môn đệ biết. Riêng về ba bài Phúc Âm cho Thánh Lễ Vọng Phục Sinh hôm nay của cả ba chu kỳ phụng vụ A, B và C, chúng ta cũng thấy rất thích hợp với thời điểm Vọng Phục Sinh. Bởi vì, ba bài Phúc Âm cho Thánh Lễ Vọng Phục Sinh chưa nói gì tới việc Chúa Kitô chính thức hiện ra, mà chỉ nói đến những dấu hiệu cho thấy Người đã sống lại rồi mà thôi. Tuy trong bài Phúc Âm theo Thánh Mathêu của Năm A, ở đoạn cuối có nói đến việc Người hiện ra với các phụ nữ, nhưng thực ra vẫn chưa phải là lần đầu tiên và là lần chính thức Người hiện ra với các tông đồ là thành phần chứng nhân tiên khởi của Người, thành phần Người sẽ sai đi khắp thế gian.
Đó là lý do chúng ta thấy trong bài Phúc Âm Chúa Giêsu Phục Sinh đã thúc giục các bà đi báo tin cho các tông đồ. Bài học đầu tiên được rút ra ở đây là giáo dân hay tu sĩ dù có được hân hạnh Chúa Mẹ hiện ra mạc khải tư cho biết một điều gì đó, như ở Paris năm 1830, ở Lộ Đức năm 1854, hay ở Fatima năm 1917, cũng phải được Giáo Hội cứu xét và chuẩn nhận qua hàng giáo phẩm của thẩm quyền địa phương. Thế nhưng, Phúc Âm Thánh Luca của chu kỳ Năm C hôm nay lại cho chúng ta thấy kết quả của việc các bà báo tin thế này: “Nhưng những lời đó, các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên các ông không tin. Dầu vậy, Phêrô cũng đứng dậy chạy ra mồ, nhưng khi cúi xuống nhìn, ông chỉ thấy những khăn liệm nằm đó và ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự đã xẩy ra”. Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao, cũng như các tông đồ khác không tin lời các bà báo tin, Phêrô lại chạy ra mồ và tỏ ra ngạc nhiên khi thấy dấu lạ?
Thật ra, ngay lúc Chúa Kitô tử giá nằm trong mồ tự mình sống lại, không ai biết được sự kiện đã diễn biến ra sao? Giây phút Lời Nhập Thể trong lòng Trinh Nữ Maria, cũng như giây phút Người được sinh ra cũng thế, không ai trong loài người chúng ta, kể cả tạo vật diễm phúc nhất và gần Người nhất là Mẹ Maria, cũng không biết được đã xẩy ra như thế nào theo tự nhiên hay theo khoa học. Chính vì thế, không phải hễ được thấy Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu là Mẹ không cần phải có đức tin nữa, trái lại, đức tin của Mẹ càng phải mạnh mẽ hơn ai hết, đến nỗi, đã có lúc Mẹ đã hoàn toàn bị mù tối, như có lần Phúc Âm Thánh Luca thuật lại Mẹ chẳng hiểu gì sau khi nghe thiếu nhi Giêsu 12 tuổi trả lời câu Mẹ trách yêu Người, khi tìm thấy Người trong đền thờ sau ba ngày lạc mất. Quả đúng như lời bà Thánh Isave nói trong Phúc Âm Thánh Luca, Mẹ có phúc vì đã tin hơn là có phúc vì được cưu mang và cho Con Thiên Chúa bú. Về niềm tin tưởng Chúa Kitô sẽ phục sinh, chúng ta thấy Phúc Âm Nhất Lãm không kể đến tên Mẹ trong số các phụ nữ ra thăm mồ vào sáng sớm của ngày thứ nhất trong tuần, như Sách Tông Đồ Công Vụ của Thánh Luca đã nhắc đến việc Mẹ thực sự có mặt cùng với các tông đồ trước Ngày Lễ Ngũ Tuần để chờ đón Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Nếu Mẹ có phúc vì đã tin những lời Chúa phán cùng Mẹ sẽ được thực hiện qua thiên sứ Gabiên, những lời xác nhận Con Trẻ Mẹ sinh ra sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao, triều đại Người sẽ vô tận, thì Mẹ đã vững tin rằng Con Mẹ chắc chắn sẽ sống lại.
Tuy nhiên, vấn đề Chúa Kitô phục sinh vô cùng quan trọng, đến nỗi, nếu Người không sống lại thì Người không thực sự là Thiên Chúa, mà đã không thực sự là Thiên Chúa thì tất cả những gì Người mạc khải về Chúa Ba Ngôi cũng như về quyền bính tối thượng của Giáo Hội liên quan đến phần rỗi đời đời của con người đều là giả tạo. Vậy nếu chúng ta tin tưởng vào những điều ấy và rao giảng những điều ấy thì quả thực Kitô hữu chúng ta là những kẻ khờ dại nhất và tội nghiệp nhất, đúng như lời Thánh Phaolô nói trong Thư 1 gửi Giáo Đoàn Côrintô đoạn 15, câu 19. Bởi đó, Kitô hữu chúng ta dầu sao cũng cần phải biết mình có tin nhảm hay không, có hoang đường hay không, tức là chúng ta phải biết chắc việc chúng ta tin tưởng Chúa Kitô thực sự đã sống lại là đúng, chứ không phải chỉ là một câu chuyện bịa đặt, như nó vẫn còn được truyền khẩu trong dân gian Do Thái, được Phúc Âm Thánh Mathêu ghi lại ở đoạn 28, từ câu 11 đến câu 15, là thi thể của Giêsu Nazarét tử giá ở trong mồ đã được các môn đệ đến lấy đi.
Trước hết, chúng ta cần minh định hai điều liên quan đến đức tin của Kitô hữu chúng ta như sau. Thứ nhất, đức tin vượt trên tất cả mọi quan sát giác quan và lý luận thường tình, bằng không, đức tin cũng chỉ là hay không hơn gì khoa học tự nhiên hay triết học siêu hình. Tuy nhiên, không phải vì thế mà đức tin là những gì mê tín dị đoan, không cần hay không có chứng cớ để tin. Trái lại, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 156, đức tin của Kitô hữu rất hợp với lý trí của tất cả mọi người. Đó là lý do Chúa Giêsu mới quả quyết với các tông đồ trong Phúc Âm Thánh Gioan ở đoạn 14 câu 29 rằng:” Thày nói điều này cho các con biết bây giờ, trước khi sự việc xẩy ra, để khi sự việc xẩy ra thì các con sẽ tin”. Vậy, áp dụng đường lối cần phải có dấu chứng đức tin này vào sự kiện Chúa Giêsu phục sinh từ trong kẻ chết, chúng ta thấy được những gì và những điều đó có đáng tin hay chăng?
Trước hết, theo các Phúc Âm của Thánh Lễ Vọng Phục Sinh thuật lại, thì dấu chứng đức tin phục sinh duy nhất về việc Chúa Giêsu sống lại là ngôi mộ trống! Phúc Âm Thánh Luca Năm C hôm nay cho thấy rõ điều này qua câu “Thấy hòn đá lăn ra khỏi mồ, nhưng bước vào, các bà không thấy xác Chúa Giêsu đâu cả”. Xác Chúa Giêsu không ở trong mồ thì cũng chưa chắc là Người đã sống lại, hay đã được các môn đệ lấy trộm như tin đồn trong dân gian Do Thái. Tuy nhiên, theo Phúc Âm Mathêu thuật lại, mồ của Chúa đã được thuộc hạ của Hồi Đồng Do Thái canh giữ hết sức cẩn thận và nghiêm ngặt, như họ xin phép Philatô và được phép làm như thế, vì chính họ đã nghe Chúa Kitô khi còn sống nói về đền thờ thân thể Người là cứ phá nó đi sau ba ngày Người sẽ dựng lại, nghĩa là sẽ sống lại. Nên họ sợ rằng, nếu không canh giữ cẩn thận ngôi mộ của Người thì xác của Người sẽ bị lấy đi, làm dân chúng lại tưởng Người sống lại như lời Người nói mà tin Người là Con Thiên Chúa thì nguy. Trong khi đó, thành phần môn đệ vẫn nhút nhát của Người, đến nỗi vị trưởng đoàn đã chối Thày ba lần trước câu hỏi của một cô tớ gái thuộc gia vị thượng tế, thì làm sao có thể dám mon men đến ngôi mộ canh gác cẩn mật ấy lấy xác của Người đi được?
Chưa hết, dấu hiệu ngôi một trống, ngôi mộ không còn xác của Người trong mồ, không phải chỉ là một sự việc xẩy ra ngẫu nhiên và bất ngờ, mà là một sự việc đã được tiên báo trước, chẳng những bởi những gì đã được viết trong Sách Thánh của Dân Do Thái, mà còn bởi chính Đấng biết mình sẽ sống lại, như lời thiên thần nhắc nhở các phụ nữ đến thăm mồ trong Phúc Âm Thánh Luca hôm nay: “Các bà hãy nhớ lại những gì Người đã nói với các bà khi Người còn ở Galilêa. Người đã nói: Con Người phải bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi, bị đóng đanh vào thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Như thế, ngôi mộ trống là dấu chứng đức tin duy nhất và hùng hồn nhất cho thấy việc Chúa Giêsu thực sự đã sống lại từ trong kẻ chết đúng như lời Người tiên phán vậy thưa chị và quí vị thính giả.
Tóm lại, đối với những ai đã thực sự tin rằng Chúa Kitô là Lời Nhập Thể, là Thiên Chúa Làm Người, như Maria Mẹ của Người đã tin, thì việc Người sống lại là điều tất yếu phải xẩy ra. Bởi vì, theo thần học, Người là một ngôi vị có hai bản tính, và bản tính nhân loại của Người được nên một với bản tính thần linh của Người, nên dù linh hồn của Người có lìa khỏi thân xác trên cây thập giá, thì xác của Người vẫn không bao giờ bị tách khỏi thần tính bất diệt, do đó, thân xác của Người phải sống lại, chứ không thể nào bị hư đi, đúng như lời Thánh Vịnh 16, câu 10 đã báo trước: “Chúa sẽ không bỏ rơi linh hồn tôi trong âm phủ và sẽ không để tôi trung của Ngài bị hư nát”.
Những luận cứ thần học về mầu nhiệm Ngôi Hiệp của hai bản tính nơi Chúa Kitô, và chứng từ Thánh Kinh liên quan đến lịch sử có thể chứng minh cho thấy việc Chúa Kitô thực sự đã sống lại từ trong cõi chết. Luận cứ và chứng từ này, một có thể sử dụng để trình bày cho người ngoài Kitô giáo, đó là chứng từ Thánh Kinh liên quan đến lịch sử, và một cho chính Kitô hữu, đó là luận cứ thần học về mầu nhiệm Ngôi Hiệp của hai bản tính nơi Người. Phần Chúa Kitô, để chứng thực cho các môn đệ của mình thấy rằng Người đã thực sự sống lại từ trong cõi chết, theo các Phúc Âm thuật lại, Người chẳng những đã phải dùng đến những chứng từ tự nhiên bề ngoài, mà còn phải trực tiếp tác động bề trong của các vị ấy nữa, bằng một tiến trình tỏ mình cho mắt của các vị, rồi tới trí của các vị, sau cùng là đến lòng của các vị.
Thật vậy, trước hết Chúa Kitô Phục Sinh đã tỏ mình cho mắt các môn đệ của Người thấy rằng Người thực sự đã sống lại, trước hết, ở chỗ Người đã ăn uống trước mắt các vị và cho các vị thấy những dấu vết khổ nạn của Người, nghĩa là Người cho các vị thấy rằng thân xác các vị đang thấy đó không phải là ma quái mà là chính thân xác Thày của các vị; sau đó, Người còn nhắc cho trí các vị nhớ lại các lời Thánh Kinh Cựu Ước báo trước cuộc Vượt Qua của Người từ sự chết đến sự sống, nghĩa là Người muốn tỏ cho các vị biết rằng, việc Người phục sinh là một chuyện có thật chứ không phải hoang đường giả tạo; sau hết, Người còn cần phải mở lòng của các vị ra, nhờ đó các vị mới hiểu được các lời Thánh Kinh ấy, để các vị chẳng những có thể chấp nhận một sự thật vô cùng siêu việt nhưng lại hết sức hiển nhiên, đó là Thày của các vị đã thực sự sống lại từ trong cõi chết, mà còn có thể loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi tạo vật như được Người sai đi, bằng việc làm chứng nhân cho Người, Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, nơi mọi dân tộc tới tận cùng trái đất.
Sở dĩ Kitô hữu hậu sinh chúng ta tin Chúa Kitô Phục Sinh là do chứng từ của các vị tông đồ, những chứng nhân tiên khởi, những vị đã nhìn tận mắt thân xác phục sinh của Chúa Kitô và đã thấu tận tâm can mầu nhiệm Người phục sinh, do đó, các vị đã dám hy sinh mạng sống mình để minh chứng chân lý bất diệt, chân lý Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Thật vậy, vì sống lại từ trong cõi chết, Giêsu Nazarét, nhân vật đã bị Hội Đồng Do Thái lên án tử và nhà cầm quyền Philatô của đế quốc Rôma tuyên án tử giá, chính là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã hóa thành nhục thể, đã tử nạn và phục sinh, để con người có thể hiệp thông với Thiên Chúa, được thông phần bản tính thiện hảo và sự sống thần linh của Thiên Chúa.
Đúng thế, tự mình, Thiên Chúa không thể nào chết được, như Người phán trong Phúc Âm Thánh Gioan ở đoạn 10 câu 18: “Không ai có thể lấy được mạng sống của Tôi”. Song Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính loài người để có thể chết cho nhân loại thế nào, như Người cũng phán tiếp ngay trong cùng câu Phúc Âm trên: “Tôi tự ý bỏ sự sống của Tôi và Tôi có quyền lấy nó lại”, thì nhân loại vốn không thể sống trường sinh vinh phúc cũng nhờ thần tính bất tử của Người mà được sống đời đời như vậy. Đó là lý do Vị Thiên Chúa Nhập Thể đã phán trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 11 câu 25: “Thày là sự sống lại và là sự sống”. Đó là tất cả ý nghĩa của Tin Mừng Phục Sinh, một Tin Mừng cho thấy nhân loại chúng ta nói chung và Kitô hữu chúng ta nói riêng, nhờ Chúa Kitô, Thiên Chúa Nhập Thể, chúng ta đã được vượt qua sự chết mà vào sự sống, bằng Thần Linh của Người ban cho nhân tính của chúng ta khi Người thở hơi trên các tông đồ, và ngự trong tâm hồn của chúng ta khi chúng ta lãnh nhận Phép Rửa.
Phải, chính Vị Thần Linh này, theo Thánh Phaolô trong Thư gửi Giáo Đoàn Rôma ở đoạn 8 câu 11, sau cùng sẽ làm cho thân xác hèn hạ, chết chóc, hạn hẹp của loài người chúng ta được sống lại bất diệt và trở nên giống như thân xác hiển vinh của Người, xứng với thân phận của một loài “linh ư vạn vật” được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, với một bản tính diễm phúc trong muôn loài tạo vật đã được Người mặc lấy để hóa thân làm người như chúng ta và ở giữa chúng ta. Ôi thân phận con người chúng ta cao cả và có phúc là chừng nào! Alleluia, Hãy vui lên! Alleluia, hãy vui lên, chúng ta hãy vui lên, Alleluia! Alleluia! Alleluia!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
CHUYỆN VỚ VẨN
“Từ mồ trở về, họ đã kể lại mọi việc cho nhóm Mười Một và những người khác. Các bà khác cùng đi với họ cũng kể lại cho các Tông Đồ, nhưng những lời đó, các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên không tin” (Lc 24: 9-11).
Đúng là một chuyện vớ vẩn. Chuyện đàn bà con nít. Mới sáng sớm tinh sương đã lò mò ra mồ để rồi sợ hãi, và cuống quít lên. Bình thường, đàn ông con trai một mình đi ra nghĩa trang hay lạc vào một bãi tha ma trong những thời điểm như thế cũng đã rợn tóc gáy và ngán ngẩm lắm rồi nói chi đến các bà, các cô. Trong những trường hợp như vậy chỉ một tiếng động nhỏ, hay một cành lá bị gió đưa nghe xào xạc cũng đủ tạo thành những ấn tượng làm cho người ta sợ hãi. Theo tâm lý thì khi đã có ấn tượng sợ hãi, lập tức người ta run rẩy, và hồi hộp. Hoặc ngược lại người ta hồi hộp rồi tạo ra ấn tượng sợ hãi. Một người sợ hãi thì càng chạy càng thấy sợ, hay một người càng chạy càng thấy hồi hộp sợ hãi. Trường hợp của các phụ nữ mà Tin Mừng đã kể lại trong sáng sớm Chúa Nhật Phục Sinh cũng có cùng một tâm lý như vậy.
Khóc lóc vì thương Thầy. Lo sợ vì không biết làm cách nào để vào được trong mồ. Nhưng khi hòn đá che cửa mồ mở sẵn thì lại bàng hoàng sợ hãi. Nhất là khi tự nhiên lại thấy sự xuất hiện của mấy thiên thần trong mộ. Từ sợ hãi đến vui mừng. Từ vui mừng đến quên sót, lú lẫn khiến các bà không còn định thần và bình tĩnh đủ để thuật lại những gì mình đã thấy, những gì mình đã nghe, nên kể lể lung tung. Thánh Máccô đã phân tích và ghi lại tâm lý của các bà như sau: “Các bà chạy ra khỏi mồ trốn đi, run rẩy kinh hồn chẳng dám nói gì với ai vì sợ hãi” (Mc 16: 8). Sự hoang mang và lo lắng ấy còn lây lan tới cả các Tông Đồ. Thánh Ký Luca ghi lại phản ứng của các ông như sau: “Từ mồ trở về, họ đã kể lại mọi việc cho nhóm Mười Một và những người khác. Các bà khác cùng đi với họ cũng kể lại cho các Tông Đồ, nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên không tin” (Luc 24:9). Nhưng để chắc ăn hơn thì Phêrô cũng đã ra mồ. Thánh Kinh kể rằng: “Tuy nhiên Phêrô đã đứng dậy và chạy ra mồ. Ông cúi xuống nhưng không thấy gì, ngoài trừ các khăn liệm. Do đó ông ra khỏi mồ lòng đầy hoang mang về những gì đã xẩy ra” (Luc 24: 9-12).
Các Thánh Ký khi thuật lại biến cố phục sinh của Chúa Giêsu đã có cùng một nhận xét rất rõ ràng rằng, những người đầu tiên khám phá ra việc Chúa phục sinh là những phụ nữ. Những phụ nữ với lòng yêu mến và tin theo Chúa ngay từ ban đầu. Nhưng các Thánh Ký cũng cho biết là những người chứng nhận và xác định việc Chúa sống lại là các Tông Đồ, trong đó có Phêrô và Gioan. Chi tiết này đã được Thánh Gioan kể lại: “Khi nghe thế, Phêrô và môn đệ kia đi ra mồ. Họ cùng chạy bên nhau, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mồ trước. Ông đã không vào nhưng chỉ cúi nhìn vào trong và thấy những khăn liệm ở dưới đất. Cùng lúc Simon Phêrô tới sau và vào trong mồ. Ông thấy những khăn liệm trên đất, và nhìn thấy tấm khăn phủ đầu không nằm chung với những khăn liệm, nhưng được cuốn lại và để riêng ra. Lúc đó người môn đệ đã đến trước mới vào trong mồ. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó các ông không hiểu rằng theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải sống lại từ cõi chết” (Gio 20: 3-10).
Đến đây thì chuyện tưởng như vớ vẩn kia đã mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Nó không còn là chuyện vớ vẩn theo cái nghĩa đàn bà con nít nữa, mà đã trở thành một mầu nhiệm sự sống và mầu nhiệm cứu độ của nhân loại. Chúa Giêsu đã phục sinh và đã sống lại từ cõi chết. Việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá. Việc Ngài chịu mai táng và phục sinh như vậy là một chuyện có thật. Nhưng cho đến nay, vẫn còn nhiều người chưa tin. Và như các Tông Đồ lúc ban đầu, nhiều Kitô hữu ngày nay vẫn cho rằng đó chỉ là chuyện vớ vẩn. Vì sao? Vì thiếu những chứng nhân. Vì loan báo một cách vụng về và lúng túng. Và vì nhiều ngưỡi không muốn tìm hiểu và nhìn vào biến cố ấy.
Thật vậy, nếu không có những tâm hồn yêu mến Chúa một cách sốt sắng, nồng nàn như Mađalêna và các phụ nữ được nhắc tới trong Thánh Kinh, chưa chắc gì biến cố phục sinh của Chúa được các Tông Đồ biết đến. Nhưng rồi cũng các bà, và những người như các bà, vì lúng túng, vụng về, hoặc vì quá tình cảm nên làm cho biến cố ấy mất đi tính chất rõ ràng và khả tín của nó. Thật vậy, nhiều Kitô hữu không phải là không tin hoặc không nói về Chúa. Nhưng vì không chủ tâm vào việc tìm tòi, học hỏi, nên khi trình bày về Chúa họ đã để cho những yếu tố tình cảm, hoặc cảm xúc cá nhân làm cho ơn cứu độ của Ngài mất đi tính cách thuyết phục, và quan trọng của nó. Và sau cùng, vì thiếu những người như Phêrô, như Gioan. Thiếu những người dám chạy ra mồ và cúi xuống nhìn mồ. Thiếu những người dám đối diện với lương tâm mình. Dám trực diện với đời sống tâm linh, dám chấp nhận Chúa Kitô Phục Sinh.
Chúa sống lại và ra khỏi mồ. Ngài không còn ở trong mồ tối nữa. Ngài đang ở đâu đó để đón bạn và tôi như Ngài đã đến Galilêa trước để đón tiếp các môn đệ Ngài sau khi phục sinh từ cõi chết. Nhưng để nhận ra Ngài, trước hết chúng ta phải đi ra mồ, phải chạy, phải cúi xuống nhìn vào trong mồ để khám phá ra sự thật về quyền năng sống lại của Ngài. Tức là phải tìm, phải hiểu, và phải xác tín về Ngài bằng cách chấp nhận và đem Ngài vào cuộc sống, vào cuộc đời mình. Chỉ khi đó, chúng ta mới có can đảm cùng chết với Ngài và hiểu được thế nào là cùng Ngài phục sinh.
Trần Mỹ Duyệt